Tim thông tin blog này:

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

Viết để quên, quên để nhớ

Nguyễn Hoàng Sơn

Hồi nhỏ mình nghe người lớn hay ví von nằm gai nếm mật rồi sau 75, đọc được một bài của một ông tị nạn, kêu gào chúng ta phải theo gương Việt Vương, nằm gai nếm mật để trở về Việt Nam một ngày rất gần nên cũng thấy lạ, thắc mắc Việt Vương là ai vì trong lịch sử Việt Nam mình đã học thời trung học, không có tên ông vua nào là Việt Vương cả.

Sau này mới khám phá ra là Việt Câu Tiễn, vua nước Việt ở bên Tàu khi xưa thời Đông Chu, bị Ngô Phù Sai đánh, bắt làm tù binh cùng với Phạm Lãi. Nghe Ngô Phù Sai đau, Phạm Lãi cố vấn Việt Câu Tiễn xin vào cung chẩn bệnh, ông ta nếm phân của Ngô Vương rồi cho thuốc uống. Ngô Phù Sai thấy ông ta nếm phân của mình nên khoái trá tha mạng trong khi Ngũ Viên, tể tướng của Vua Ngô, can vua kêu phải giết để trừ hậu hoạn.

Sau này Việt vương được Ngô vương tha cho về cố quốc. Để tạ ơn đưa Tây Thi, cô gái nước Việt mà các thi sĩ hay ví von, có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, sang làm thiếp cho Ngô Phù Sai, để ông ta yên tâm huấn luyện quân để báo thù. Cuối cùng ông ta đem quân đánh bại Ngô Phù Sai và vua Ngô, chịu nhục không được nên tự tử chết. Phạm Lãi, theo sử Tàu là người yêu của Tây Thi, rủ nhau bỏ trốn Việt Vương như Trương Lương vì không muốn chết thảm như Đơn Hùng Tín vì khi đã săn được thú thì chó săn không cần nuôi nữa. Mình không hiểu tác giả bài báo khi xưa, kêu gọi dân tị nạn phải bắt chước Việt Câu Tiễn, nằm gai nếm mật, nay còn hay mất.

Lâu lâu gặp vài người bạn học chung, hỏi tại sao mình nhớ nhiều chuyện khi xưa ở Đà Lạt thì mình chỉ biết đực ra như ngỗng ị, chỉ biết ngậm câm, chả biết trả lời. Nhớ là vì mình đã kinh nghiệm qua, làm nhân chứng cho một việc gì xảy ra trong quá khứ. Có lần mình mua cái dvd của một tên dạy luyện trí nhớ cho mấy đứa con xem để tập. Người ta giải thích là muốn nhớ thì phải dùng một cái gì biểu tượng để nhớ, thí dụ gặp một người tên Mai thì trong đầu, kiếm một vật dụng, một từ,.. để giúp trí nhớcủa mình không quên.

Nhiều khi quên mọi chuyện cũng là một điều may mắn cho mình vì não mình như bộ nhớ của máy điện toán, bộ nhớ bị giới hạn nên cần xoá những dữ kiện xưa không cần để có thể tiếp tục đón nhận những dữ kiện mới. Đồng chí gái có bộ máy nhớ phi thường về những tiêu cực, những lỗi lầm mình đã làm còn những kỷ niệm đẹp thì tuyệt đối không bao giờ nhớ. Đàn bà, phụ nữ có khả năng rất cao để tiếp thu những tiêu cực, những gì có tố chất Âm tính. Khà khà khà ngày phụ nữ Quốc tế vùng dậy.

Những chi tiết xưa mà đồng chí gái không nhớ có thể vì những dữ kiện này có thể bị phân mảnh trong trí óc của vợ mình nên cần thời gian để những chi tiết này có thể hoán chuyển về trung tâm bộ nhớ. Còn những chi tiết tiêu cực thì Có lẽ bộ óc của phụ nữ gom tụ lại gần trung tâm của bộ nhớ hay họ cài phần mềm tiêu cực để dễ sử dụng.

Có lẽ mình viết những kỷ niệm ngày xưa như để xoá mấy cái tài liệu cũ trong đầu như mỗi lần mình xoá tài liệu không cần thiết trong máy điện toán và chống phân mảnh ( defragment) cái bộ nhớ để máy chạy cho thông hơn và nhường chỗ để có thể thu nhận thêm những chi tiết mới để viết tiếp.

Trước khi viết, mình cũng không biết sẽ viết cái gì nhưng từ từ thì trong đầu tuần tự tuôn ra những chi tiết, những mẫu chuyện khi xưa. Thiên Chúa giáo có phần đi xưng tội với ông cha cố, người cộng sản có chương trình Tự Phê Tự Kiểm, khai lý lịch, để con chiên nào có những gì khúc mắc, vướng bận lương tâm có thể trút ra, kể cho ông cha cố để được giải tội còn người CS thì nghe kể có người tự bịa chuyện ra để được xem là thành khẩn khai báo, được xem là một người trung kiên.

Người Tây phương có thói quen, tập quán viết lại những sự kiện của chính mình nên những nhà viết sử, nghiên cứu sử có rất nhiều tài liệu khi họ nghiên cứu về một đề tài, biến cố lịch sử nào trong quá khứ. Mới đây mình có dịp nghe lại đoạn băng ghi âm buổi họp của tổng thống Ford về sự hấp hối của VNCH thì có nghe tiếng ông Kissinger kêu là lịch sử đã sang trang. Trong cuộc cách mạng Pháp 14 tháng 7, người ta tìm thấy các người nằm ngay barricade, trước sự đe doạ của súng ống của nhà cầm quyền, trong khi chờ đợi thì họ viết nhật ký về những gì vừa xẩy ra nên sau này người Pháp học về lịch sử của nước họ khá trung thực hơn.

Chúng ta thấy đại đế Bonaparte Napoleon, khi ra trận vẫn viết thư cho bà vợ Josephine trong khi bom nổ, súng đạn bay vèo vèo hay bà Anais Nin phát hành nhật ký của bà trong thời gian có quan hệ với nhà văn Henry Miller; bà ta kể ngoại tình, rồi có quan hệ đồng tính với một bà nào, kể cả những chi tiết thủ dâm..., vào năm 1930, xã hội Pháp chưa cởi mở cấp tiến như ngày nay.

Người Việt theo lịch sử, bị nạn mù chữ vì 1,000 năm Bắc Thuộc nên người dân không biết chữ, chỉ giao tiếp bằng một ngôn ngữ riêng của họ. Sau khi dành độc lập thì lại dùng chữ Hán cho các văn bản hành chính,.., dân làm ruộng thì có sức đâu mà đi học. Ngày nay, mấy đứa em của bà cô ruột ở ngoài quê, cả đời đi làm nông chỉ biết cái đình làng. Dân có học, biết chữ là những người có chút kiến thức về chữ Hán, một từ ngữ để viết nhưng khi giao tiếp lại dùng tiếng Việt tương tự như mình khi xưa học trường Tây, về nhà hay ra khỏi lớp là chửi thề bằng tiếng việt với đám bạn học.

Chữ quốc ngữ được giảng dạy, gọi là chương trình Việt thì mới được sử dụng vào những năm sau 1945 mà dạo đó dân Việt Nam biết chữ có đâu 10%. Bà cụ thì mình cả đời không đến trường, còn ông cụ khi bé ở quê có học vài chữ Hán. Ngày nay ở hải ngoại thì lại sử dụng tiếng nước sở tại, người việt hải ngoại chỉ viết vì công ăn việc làm chớ họ cũng không có thói quen viết nhật ký như người ngoại quốc. Chúng ta được gọi là Franco-Vietnamien hay Vietnamese-American, là những người đứng ở cái gạch nối, luồng giao thoa của hai văn hoá, nửa nạc nửa mỡ, lại càng khó viết vì tiếng Việt không thông, còn tiếng sở tại thì cũng bập bẹ.

Nếu chúng ta lập gia đình với người phối ngẫu gốc Việt thì lại nói tiếng việt ở nhà lại thêm các từ của tiếng sở tại. Nhiều khi viết tiếng việt lại ngại sai chính tả, dấu hỏi dấu ngã..., nên đa số ngại ngùng không dám lên tiếng trên diễn đàn vì sợ bị cười chê. Mình thì chả sợ gì cả nên cứ bú xua la mua vì viết để quên, xoá những gì không cần thiết để giữ lại trong đầu. Nhiều khi muốn tra tự điển nhưng lại quên đang viết gì nên bỏ luôn không dùng tự điển. Ngày nay mình thèm được biết về tiểu sử, quê quán của ông bà cụ,..., những chi tiết đó hồi còn trẻ, mình không để ý nhưng ngày nay bỗng nhiên lại thèm như để hiểu lịch trình, quảng đường đời vừa đi qua. Mình viết để quên quá khứ nhưng để con cháu sau này đọc thì sẽ hiểu chúng từ đâu ra, nguồn cội của chúng như người Mỹ sang đây nhiều thế hệ, đi tìm lại nguồn gốc của họ mà ta thấy ngày nay thị trường bán các tin tức, nguồn gốc, gia phả của gia đình qua các trang nhà như Family Tree,...

Nguồn: https://muctimsonden.blogspot.com/2019/08/viet-e-quen-quen-e-nho.html

Tìm kiếm Blog này