Dương Danh Dy
Sau
khi Tạp chí “Văn hóa Nghệ An” đăng trong 3 số liền (số 192, 193 và
194), bài “Tính cách người các tỉnh Trung Quốc” do tôi chuyển ngữ, đã có
một số bạn đọc quan tâm đến vấn đề đặt câu hỏi: liệu sự tự đánh giá
của người Trung Quốc về tính cách người 31 tỉnh, thành, khu tự trị của
họ có chính xác không?
Đó
là một câu hỏi rất hay và rất khó trả lời. Tuy vậy vì là người “khơi
lên” vấn đề, tôi không thể không nói vài lời. Thế nhưng trong bài viết
này tôi xin phép chỉ nói tới mấy ấn tượng ban đầu về tính cách người
mấy tỉnh của Trung Quốc thôi. Sau này khi có dịp sẽ xin lần lượt trình
bầy thêm.
Thú
thật, mặc dù đã có tới mười mấy năm trú tại Trung Quốc(chưa kể những
chuyến đi ngắn hạn một vài tháng hay mươi ngày khi còn làm việc hay
khi đã nghỉ hưu), ở và tới nhiều nơi tại Trung Quốc(ngoại trừ Tây
Tạng, Tân Cương, Lan Châu…)với nhiều cương vị khác nhau(viên chức
ngoại giao, nhà nghiên cứu độc lập, khách du lịch Việt Nam hay trong
vai người dân tộc thiểu số Trung Quốc ở gần biên giới Việt), những
hiểu biết của tôi về tính cách người Trung Quốc chỉ như muối bỏ biển.
Chính
vì vậy lúc đầu tôi đã không tin những đoạn viết về Người Hà Nam như:
“thanh danh của người Hà Nam hiện nay rất xấu.. đã có câu “phòng lửa,
phòng trộm, phòng người Hà Nam”, “dường như xảo quyệt là thiên tính”,
thậm chí người Hà Nam(không dám nhận mình là người Hà Nam) phải nói
dối là người Hà Bắc, Sơn Đông…” May là tôi quen một bạn trẻ đã có thời
gian lưu học khá dài tại Trung Quốc(từ đại học đến thạc sĩ rồi tiến
sĩ).Khi tôi nói những nhận định trên về người Hà Nam, anh bạn trẻ đã
nói ngay không cần suy nghĩ: họ viết đúng đấy Bác ạ, chính cháu đã gặp
tình trạng trên. Câu nói đó đã giúp tôi đủ kiên nhẫn để ngồi dịch bài
viết khá dài ( gần 24 trang A4) và nghĩ thêm rằng, tác giả Trung Quốc
đã không tùy tiện khi viết bài đánh giá đó.
Cũng
chỉ sau khi dịch xong bài viết tôi mới bật ra câu hỏi, không hiểu vì
sao tác giả đã dành cho người Quảng Đông số trang viết dài nhất-hơn 2
trang A4-trong khi các tỉnh, thành khác ngắn hơn nhiều-chưa được một
trang hoặc chỉ có nửa trang thôi. Xin ghi lại một số nhận xét: “Người
Quảng Đông là nhóm người phức tạp nhất Trung Quốc. Xét từ mặt sinh học
thấy nguồn gốc dân tộc không giống người phương bắc. Là tỉnh có hơn 20
triệu Hoa kiều, nổi tiếng ở nước ngoài vì kinh doanh. Là giao điểm
của văn minh đông tây, là nơi khởi nguồn của cách mạng dân chủ cận
đại(Tôn Trung Sơn là người Quảng Đông) là tỉnh đi đầu trong cải cách
mở cửa. Người Quảng Đông tràn đầy sức sống, đầu óc linh hoạt, giầu
tính mạo hiểm, tính sáng tạo, dám đi trước thiên hạ Không thích thú lý
luận rỗng tuếch, chẳng để ý bàn bạc triết lý, không hứng thú với
chính trị, luôn bận rộn vì tiền.. Thường tự cho mình là trung tâm,
ngoài Quảng Đông ra đều là phương bắc cả. Lạnh nhạt, bài ngoại, tự
đại.. nghiện đánh bạc thành tinh, rất mê tín. Người Quảng Đông cái gì
cũng dám ăn..Sách giả, thuốc lá giả, tiền giả do người Quảng Đông chế
tạo lan tràn khắp nước… v.v..
Tôi
hoàn toàn đồng ý với những đánh giá về người Quảng Đông được trích
dẫn trên. Vì đã trú tại nơi này hơn 3 năm trong điều kiện hoạt động
khá thuận lợi do nước bạn dành cho cộng với độ tuổi ngoài sáu mươi đã
tương đối chín, nên tôi muốn nhấn thêm mấy điểm sau:
Trong
khóa đầu tiên công tác tại Trung Quốc (1966-1970) tôi có dịp tới
Quảng Đông vài lần. Ấn tượng đầu tiên là con người nơi đây là chả khác
gì Việt Nam mấy, cũng bé lùn so với người phương bắc và đặc biệt là
hay cởi trần đi chân đất. Phố xá nhất là khu tô giới cũ khá giống Hà
Nội. Tuy nhiên có một điều khiến tôi lúc đó đã tự thắc mắc là, con
người họ cũng như mình, dân số không đông bằng, nhưng sao họ có thể
làm những con phà qua sông lớn như vậy?(gấp hàng chục lần phà của Việt
Nam), những con đường rộng đến thế? Cái đó phải chăng là do ảnh hưởng
Đại Hán?
Tôi
không rõ trong tiếng Quảng Đông có bao nhiêu phần trăm phát âm khá
giống tiếng Hán Việt của Việt Nam, nhưng lần đầu tiên nghe họ nói những
từ: đảng, chính phủ, học tập, nhập khẩu, xuất kịch… tôi đã giật mình
vì không khác âm Hán Việt của chúng ta bao nhiêu, nghe là hiểu ngay.
Không trách người bạn Bắc Kinh cùng đi với tôi khi nghe không hiểu
người Quảng Đông nói gì với nhau mà tôi lại tỏ ra hiểu được đã có đôi
chút bất bình hỏi: vì sao tao với nó là người một nước mà nó nói tao
không hiểu gì trong khi mày là người nước ngoài lại có vẻ hiểu được. Vì
tế nhị, tôi chỉ trả lời là mình cũng không hiểu( nhưng thực ra trong bụng đã biết rõ: vì chúng tao cùng là dân Bách Việt). Sự
có chút tương đồng về phát âm này, đã giúp tôi nhanh chóng hòa nhập
trong một lần vui chuyện với mấy nhà thơ địa phương. Tôi thong thả đọc
bài “Lương châu từ”(Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi..” bài “Phong kiều dạ
bạc”(Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên..)theo âm Hán Việt, các bạn Quảng
Đông nhận ra ngay bài thơ và vui vẻ cùng đọc theo bằng tiếng Quảng
Đông.
Sau
khi có những cảm thông về phong cách, về tiếng nói…, đã có vài lần
người phụ trách tỉnh, thành phố, địa khu, huyện và cán bộ bình thường
thân mật nói với tôi, xét về huyết thống, tao với chúng mày gần nhau hơn bọn…(hầu
như tất cả đều không nói hết câu, nhưng tất cả đều chỉ tay về hướng
bắc) vui hơn nữa khi có người Quảng Đông tự nhận xét, về cách ăn uống
chúng ta cũng có chỗ giống nhau, thích ăn đồ tươi sống, thích ăn gà
luộc lòng đào.., chứ bọn ấy nó chỉ biết thức ăn chín, cái gì cũng ninh
nhừ ra. Thấy vậy tôi mạnh bạo giới thiệu thêm món tiết canh(lợn, vịt,
chó..) của Việt Nam Mấy ông bạn Quảng Đông vốn nổi tiếng là bất kỳ
thứ gì bay ở trên trời(trừ máy bay..) cũng ăn, bất kỳ thứ gì chạy trên
mặt đất(trừ xe tăng, ô tô..) cũng chén, bất kỳ thứ gì bơi dưới
nước(trù tầu thủy, tầu ngầm..) cũng xơi, đã tròn xoe mắt khi tôi kể,
lấy máu tươi của (lợn, vịt, chó..) hòa thêm nước đun sôi để nguội rồi
đổ vào đĩa đựng lục phủ ngũ tạng của con vật đã được luộc chín và thái
nhỏ, đợi một lúc cho máu đông lại là mang ra nhắm rượu, ngon vô cùng!
Họ suýt soa nhưng rồi tỏ ra ngán ngẩm món ăn kinh dị này. Riêng
tôi thầm nghĩ: chúng ta cùng là Bách Việt, nhưng sở dĩ bộ tộc Lạc Viêt
và đất Giao Chỉ, Cửu Châu không bị đồng hóa không trở thành một tỉnh
của thiên triều, dù đã chịu ngàn năm Bắc thuộc, ngoài những điều cốt
lõi mà các nhà sử học đã nêu như: bộ tộc anh hùng, kiên cường, bất
khuất trong đấu tranh, thông minh, nhanh nhậy trong ứng xử, địa lý
hiểm trở, khoảng cách xa xôi… ra, có lẽ còn một số điều tưởng như nhỏ
nhưng vô cùng quan trọng khác như tục nhuộm răng đen, tục xăm mình… và
có lẽ cả thói chén tiết canh đáng khiếp này nữa!(Tôi suy luận không
có căn cứ cụ thể, nếu có gì sai, xin tha thứ cho sự “bốc đồng, tự hào
quá mức” này).
Ở
đây, tôi đã được các bạn Quảng Đông-những người bạn, người đáng tuổi
anh(như các đồng chí Diệp Tuyển Bình-con nguyên soái Diệp Kiếm Anh,
đồng chí Phó Nhuệ-con trai đ/c Bành Chân, đ/c Hoàng Quần và nhiều đ/c
và nhiều bạn khác) mà tôi không bao giờ quên, giới thiệu những kinh
nghiệm thành công và chưa thành công của họ trong cải cách mở cửa. Tôi
đã báo cáo những điều đó tới các đồng chí và cơ quan hữu quan trong
nước, nhưng rất tiếc là hầu như chẳng ai thèm để ý(chuyện giải quyết
ùn tắc giao thông, chuyện lãng phí đất đai trong xây dựng, chuyện ô
nhiễm môi trường, chuyện sử dụng vốn nước ngoài..) may mà tôi quen đ/c
Hữu Thọ (lúc đó là Tổng Biên Tập báo Nhân Dân), nên bài viết về
“Quảng Châu cấm đốt pháo” được đăng báo Nhân Dân và sau đó, đ/c Võ Văn
Kiệt ra quyết định cấm đốt pháo trong cả nước.
Đúng là người Quảng Đông dám đi trước thiên hạ, họ có câu nói: “đèn
xanh đi nhanh, đèn vàng vẫn vượt, đèn đỏ rẽ phải rồi lại vượt”, và cụ
thể hóa ý tưởng đó bằng những biện pháp của riêng mình. Như tự cho phép
ai làm đường được lập trạm thu phí, chính vì thế nhiều khi trên một
con đường cao tốc dài chưa tới 30km mà có tới 3 trạm thu phí, khiến
người qua lại rất khó chịu vì chốc chốc lại phải dừng xe nộp tiền mãi
lộ. Thế nhưng chỉ 5,7 năm sau các trạm thu phí đó hầu như biến mất vì
các chủ đầu tư đã thu đủ vốn và lãi, mọi người nhanh chóng quên đi nỗi
bực dọc trước để phóng như bay trên những con đường quá tốt( ở đây
nói cả những con đường hai tầng, đường ba tầng) . Hạn chế mô tô ư?
Phải phát triển ô tô công cộng đến mọi chỗ, thuận tiện cho mọi người,
và tiền đăng ký mô tô gần bằng tiền mua mô tô, anh muốn đi xin cứ mua
và làm theo! Một nhận xét nữa của tôi không biết có đúng hay không, từ
ngày cải cách mở cửa đến nay, không bao giờ chính quyền TW để cho hai
nhân vật đứng đầu về đảng và về chính quyền của tỉnh Quâng Đông đều
là người bản địa. Thời tôi ở đó, Bí thư tỉnh ủy là người Quảng Đông(Tạ
Phi) thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân( Vương Sâm Lâm) phải là người tỉnh
khác, còn hiện nay Bí thư là người ngoại tỉnh(Uông Dương) nên Chủ tịch
tỉnh mới là người Quảng Đông(Hoàng Hoa Hoa)
Tất
nhiên qua một số người Trung Quốc khác, tôi biết người Quảng Đông bị
người Bắc Kinh, người Thượng Hải chê là kém văn hóa, mê tín nặng,
thích đỏ đen v.v. Thế nhưng nhân vô thập toàn.
Xin
nói thêm đôi lời về người Quáng Tây. Câu nói “Người Quảng Tây bị coi
là có tính cách nhu nhược nhất ở Trung Quốc, thường được coi là đại
biểu cho sự mềm yếu, từ thời xưa đã thiếu vắng các bậc dũng sĩ cũng như
các bậc kiêu hùng..). Lưỡng Quảng mặc dù tuy cùng nguồn cội nhưng
“tính tương cận, tập tương viễn”( tính nết gần nhau nhưng lề thói tập
tục khác xa) Quả là nhận xét khá thấu đáo. Nhiều người Quảng Tây thà
cam chịu lép vế trước người tỉnh khác nhất là với Bắc Kinh, Thượng Hải
nhưng lại thường ra vẻ ta đây với người tỉnh lạc hậu hơn. Trong lĩnh
vực đối ngoại, mấy anh, chị Quảng Tây may mắn có chút chức vụ gì đó
thường tỏ ra là “Đại Hán hơn người Hán chính cống”! Chao ôi! Nếu tổ
tiên của bộ tộc này cũng anh hùng bất khuất như tổ tiên của bộ tộc Việt
Nam thì điều gì sẽ xẩy ra nhỉ? Thế nhưng lịch sử không bao giờ có chữ
nếu. Cho nên xin dùng mấy từ “đáng thương!” để nói với họ vậy.
Những cái tốt cái xấu, một số ưu điểm khuyết điểm… của người các tỉnh
Trung Quốc đã được tác giả trình bầy khá đầy đủ trong bài viết. Thế
nhưng không hiểu vì sao, một đặc điểm chung nhất, nổi bật nhất của
tuyệt đại đa số người Trung Quốc không phân biệt tỉnh nào, dân tộc nào
lại không thấy đề cập tới. Đó là “ đầu óc nước lớn, lòng tự hào nước
lớn quá mức” của họ. Điều này những người Việt Nam có tiếp xúc với
người Trung Quốc(hay người Hoa) đều có thể dễ dàng cảm nhận được.
Xin thành thực góp ý để lần tái bản sau, tác giả sự có sự sổ sung cần thiết.
Tháng 4 năm 2011.
*Bài viết do tác giả gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện-Blog.
Xin chân thành cảm ơn NNC Dương Danh Dy.
*****