(Cảnh giác, chuyện không của riêng ai!)
Xem thêm:
Cand: Cảnh giác với thủ đoạn bẻ cổ xe ga xịn
15:26:00 20/10/2010
Thống kê về tội phạm hình sự tại TP HCM cho thấy trong 6 tháng đầu năm, thành phố xảy ra 2.730 vụ phạm pháp hình sự, riêng trộm cắp xe gắn máy là 829 vụ. Sở dĩ bọn tội phạm trộm cắp xe máy "làm xiếc" thành công những chiếc xe tay ga đắt tiền được trang bị hệ thống khóa điện tử được cho là khá an toàn là bởi "nghiệp vụ" của chúng quá siêu đẳng.
Ngày càng nhiều video clip quay cảnh những chiếc xe tay ga đời mới đắt tiền như SH, Air Blade… bị những tay "đá xế" chuyên nghiệp bẻ cổ trong tích tắc được tung lên mạng Internet khiến nhiều người đang sở hữu những chiếc xe tương tự âu lo. Ai là người quay video clip? Trong lúc các cơ quan chức năng ráo riết truy bắt đối tượng gây án thì câu hỏi được nhiều người đặt ra là làm thế nào để tránh chiếc xe giá trị của họ không bị bọn xấu thổi bay như trong những đoạn video clip?
Đoạn video clip bẻ cổ xe tay ga nổi đình nổi đám hiện nay xảy ra tại một shop thời trang trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1, TP HCM). Phát hiện "con mồi" được dựng trước shop thời trang không có người trông coi, 2 gã thanh niên đi xe cùng màu (đỏ) tấp tới dựng xe sát chiếc xe mà chúng đang dòm ngó. Tại đây tên cầm lái mặc quần Jeans xanh, áo thun màu nâu, đội nón bảo hiểm đen, mặt gầy, tóc để dài kiểu Hàn Quốc vẫn ngồi yên trên xe. Tên ngồi sau mặc áo sơ mi trắng trông rất lịch sự khoan thai vào trong vờ xem hàng rồi trở ra bàn tán, nhưng thực chất là để cản tầm nhìn từ bên trong của nhân viên cửa hàng cho đồng bọn "tác nghiệp". Trong lúc trò chuyện, cười nói huyên thuyên nhằm tránh sự chú ý của những người bên trong cửa hiệu, tên ngồi trên xe máy thi thoảng dùng chìa khóa vạn năng thọc vào ổ khóa của chiếc xe cạnh bên rồi gồng tay bẻ ngược chiều kim đồng hồ. Sau 3 lần như thế, "điệp vụ" bẻ cổ của chúng thành công. Ngay lập tức tên ngồi trên xe chuyển qua chiếc xe vừa bẻ cổ đá chân chống, quay đầu xe và rồ ga dọt lẹ. Tên đồng bọn làm nhiệm vụ che chắn cũng mau chóng quay đầu xe biến mất trong sự ngỡ ngàng của… khổ chủ.
Một clip khác khiến cộng đồng mạng xôn xao là thước phim quay gã thanh niên đậm người ăn vận như nhân viên văn phòng lởn vởn cạnh chiếc xe SH màu mận chín mới cáu trong một hầm để xe. Sau một hồi lượn qua lượn lại với ánh mắt láo liên ngó trước nhìn sau, thấy không ai để ý đến mình, cảm nhận được sự an toàn, gã nọ mau chóng tiếp cận chiếc xe, bình thản lấy mũ bảo hiểm đội đầu rồi bất ngờ thọc chiếc chìa khóa được cấu tạo đặc biệt ngoáy ngoáy vài cái rồi mau lẹ quay đầu xe rồ máy… biến mất!
Thống kê về tội phạm hình sự tại TP HCM cho thấy trong 6 tháng đầu năm, thành phố xảy ra 2.730 vụ phạm pháp hình sự, riêng trộm cắp xe gắn máy là 829 vụ. Sở dĩ bọn tội phạm trộm cắp xe máy "làm xiếc" thành công những chiếc xe tay ga đắt tiền được trang bị hệ thống khóa điện tử được cho là khá an toàn là bởi "nghiệp vụ" của chúng quá siêu đẳng.
Mới đây, trong cuộc giao lưu, tuyên truyền pháp luật với tân sinh viên Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, Trung úy Nguyễn Công Danh (điều tra viên Đội 4 - Đội chuyên trống trộm cắp xe thuộc Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP HCM), lưu ý đối tượng chủ yếu "đánh" vào những xe đắt tiền như Air Blade, Nouvo, SH…
Để chống trộm, chủ xe cài hệ thống chuông báo động điện tử, khi có người tác động vào xe thì còi điện tử sẽ hú to. Trong lúc nhiều chủ xe tự tin với hệ thống bảo vệ này thì bọn tội phạm chỉ cần sử dụng cục nam châm nhỏ để sát bộ phận chuông điện tử khiến thiết bị nhiễm từ và vô hiệu thiết bị.
Thực tế cho thấy có lẽ do ỉ vào camera an ninh nên bảo vệ các công ty, doanh nghiệp dường như chỉ quan tâm đến việc ghi thẻ xe. Và cũng do camera không có người giám sát nên mới có chuyện không ít vụ việc, bọn gian có nhiều thời gian để ra tay dù rằng trong khoảng thời gian dài ấy, chúng liên tục lởn vởn, thập thò trước "mắt thần".
Anh Nguyễn Trần Huy Vũ, chủ một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ giám sát từ xa bằng thiết bị điện tử và cũng là độc giả của Báo CAND cho biết, không ít trường hợp, do nhân viên phụ trách bãi xe của các đơn vị công sở tự ý mua camera về lắp đặt ở nơi ngược sáng, thiếu ánh sáng nên không nhìn rõ mặt kẻ gian. Khi xảy ra vụ việc, cơ quan điều tra khó lần ra thủ phạm bởi đoạn video quay cảnh đối tượng "tác nghiệp" ở khoảng cách khá xa, nhìn không rõ mặt chúng.
Có một điều cần quan tâm là phần lớn xe gắn máy bị bọn trộm bẻ cổ, nhất là xe tay ga đắt tiền là do bãi xe không có người trông giữ hoặc có nhưng lại không ghi thẻ cho khách. "Nắm bắt được lỗ hổng này, bọn xấu trà trộn và tích tắc trổ tài. Xảy ra việc xe bị hô biến, khách đến giao dịch lãnh đủ vì không có gì làm bằng chứng để chứng minh mình gửi xe tại nơi này. Và đây là cơ hội để chủ cơ sở thoái thác trách nhiệm. Nếu đem vụ việc ra tranh chấp, kiện tụng thì nguyên đơn khó tìm được sự công bằng, làm mạnh lắm thì cũng chỉ được chủ dịch vụ chấp nhận bồi hoàn nửa giá trị chiếc xe".
Trao đổi đến đây, luật sư Nguyễn Văn Giáp (nguyên Thượng tá Công an TP HCM, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Văn Giáp - Đoàn Luật sư TP HCM), lưu ý: "Để an toàn, tốt nhất mọi người tẩy chay với mọi quán ăn, shop thời trang giữ xe cho khách mà không trao thẻ".
Việc trang bị cho chiếc xe cùng lúc nhiều ổ khóa chống trộm cũng là vấn đề đáng quan tâm. Trước đây nhiều người có thói quen khóa cổ xe bằng loại ổ khóa có thanh thép xỏ vào bánh xe nhưng bọn gian đã sáng chế ra công cụ bẻ khóa đặc biệt mà chỉ sau vài cú nhún trong khoảng chưa đến mười giây là chúng vô hiệu hóa ổ khóa.
Trung úy Nguyễn Công Danh lưu ý: "Vấn đề là phải khóa nhiều loại khóa để làm giảm nguy cơ, thời gian tác nghiệp của bọn xấu. Bởi chỉ cần sơ hở, trong tích tắc là chúng có thể hô biến chiếc xe của khách rồi. Nhưng quan trọng nhất là người dân hãy tự bảo vệ tài sản bằng ý thức phòng chống tội phạm cao độ, tuyệt đối không lơ là, chủ quan"
Thành Dũng
-------------------------