Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

"Trời ạ! mình có một anh bạn làm lớn vô cùng!"



Trung tướng Nguyễn Trung Thu (thứ 3 từ phải sang) với các nữ cựu quân nhân Sư đoàn 2.

Hơn 20 năm rời quân ngũ nhưng chiến tranh vẫn còn đó trong tôi.
Buồn, lang thang trên mạng tìm thông tin về một thời ở chiến trường K, tình cờ được biết: Một anh bạn cùng đơn vị nay đang ở đỉnh cao chót vót quân nghiệp, là Trung tướng - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ký ức chợt về...
Năm 1984, tôi là Thượng úy - Chuyên gia Tham mưu trưởng Huyện đội, thì anh là Thiếu tá - Tham mưu phó Đơn vị . Anh quê Đà Nẵng, mình từng ghé thăm nhà, gia đình Liệt sĩ. Anh Thu tham gia Cách mạng từ thuở bé, rồi chuyển sang bộ đội năm 1972, học, Học viện Lục quân Đà Lạt. Năm 1985 tôi về nước học lớp bổ túc cán bộ Tiểu đoàn, rồi không biết tin nhau từ đấy.
Đường đời lắm ngả, nhưng cái không ngờ là quan lộ anh hanh thông đến vậy! tiếp xúc tôi không có ấn tượng gì đặc biệt gì về anh.
Đã đành giày dép còn có số, vậy trên cơ sở nào?
Tôi nghĩ cái nền mà anh Thu xuất phát, có hai thế mạnh:
Một là cái gốc cách mạng, sau lưng anh là nguyên hội Quảng Nam - Đà nẵng - thống trị ở Quân khu 5 và mạnh ở Bộ Quốc phòng.
Hai là có cái bằng Học viện Lục quân rất sớm nằm trong quy hoạch đào tạo cán bộ nguồn phát triển hàng ngũ cấp chỉ huy Quân đội.
Hai điều mà anh Thu không thể qua tôi:
- Nhận thức & hiểu biết: tôi được giáo dục phổ thông ở Miền Nam trước 1975...



- Thực tế & thành tích: tôi có thể tự hào là một trong những át chủ bài (cá nhân) trong đánh địch ngầm cấp cơ sở của Mặt trận 579. Có huân chương chiến công, chiến sĩ thi đua, bằng khen lũ khũ. Đủ tiêu chuẩn phong anh hùng LLVT (ấy là tôi nghĩ vậy...), không thể bỏ qua: tôi máu chiến và "bôn sô vích" hơn...

Sau giải phóng 1975, từ Du kích đánh Mỹ, anh học bổ túc rồi quân sự liên khúc, về Đoàn 5503 rồi Sư đoàn 2 - anh cả đỏ QK5, bước đệm đến Tham mưu và lên Tư lệnh Quân khu 5, tiếp Phó TTMT Bộ Quốc phòng. Rất logic! Một vị tướng với kinh nghiệm chiến tranh du kích, qua Campuchia ở cơ quan chỉ huy anh không một lần ra trận đánh nhau với quân Pol Pot.
Anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (2012)
Dù gi cũng tự hào về người cùng đơn vị. Chân thành chúc mừng anh!
(Bi giờ, em ở dưới đáy xã hội nên bình loạn văng mạng, có khi anh em mình lại là hai chiến tuyến. Anh ở trên làm chứng giùm: hắn nguyên là đồng chí tốt nhưng dăng cùi bắp, khổ quá, bị bọn thù địt xúi bậy. Có gì, anh a lô một tiếng tha cho hắn đi, nha anh!)
________________

Tấm lòng vị tướng Quân khu V và bà mẹ Campuchia

Báo Gia Lai - Cập nhật lúc 14:26, Thứ Ba, 26/07/2011
Có một vị Tiến sĩ Khoa học Campuchia đã từng nhìn nhận rằng “Quân Tình nguyện Việt Nam là Quân đội nhà Phật”! Bởi dưới góc nhìn đầy tính nhân văn của người dân xứ Chùa Tháp- nơi đạo Phật được tôn vinh là quốc giáo- thì những đóng góp máu xương của Quân Tình nguyện Việt Nam đã góp phần tạo nên một Vương quốc Campuchia hòa bình hôm nay. Từ cuộc chiến chính nghĩa lật đổ chế độ diệt chủng Khơmer Đỏ, mối quan hệ hữu nghị quốc tế giữa hai dân tộc đã được tô thắm bằng tình cảm sắt son giữa người lính tình nguyện Việt Nam và nhân dân Campuchia như trong câu chuyện sau đây...
Sắt son lòng mẹ
Chế độ diệt chủng tàn bạo của Khơmer Đỏ đã sụp đổ sau chiến dịch phản công của Quân Tình nguyện Việt Nam ở biên giới Tây Nam năm 1979. Thế nhưng, trên đất nước Chùa Tháp này, lực lượng Khơmer Đỏ vẫn như những bóng ma lởn vởn quấy nhiễu. Mùi thuốc súng chiến tranh vẫn còn âm ỉ khốc liệt khi bọn tàn quân Khơmer Đỏ bị đánh dạt ra vùng biên giới Thái Lan- Campuchia- Lào đã tập hợp lực lượng, tiến hành chiến tranh du kích nhằm chống phá, quấy nhiễu chính quyền Campuchia non trẻ vừa mới thành lập. Vừa thoát khỏi ách cai ngục công xã tàn bạo của tập đoàn Pôn Pốt-Iêng Xary, cũng như bao người dân Campuchia hiền lành khác, mẹ Phiu Maly (SN 1934) đã dắt díu bầy con thơ về lại quê nhà tại thôn Krom, xã Prek Rum Kơl, huyện Thala, tỉnh Strung Treng. Chồng mẹ vốn là lính biên phòng thời Shihanuk nhưng đã mất từ năm 1970, để lại gánh nặng gia đình lên đôi vai gầy yếu của người đàn bà góa, dù đã có lúc mẹ cận kề sống- chết, khó khăn chồng chất nhưng vẫn kiên cường đối mặt, vượt qua để nuôi dạy con cái.

Đại gia đình mẹ Phiu Maly chụp ảnh lưu niệm bên bức tượng bán thân của mẹ. (Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp)
Những năm 1981-1982, chiến tranh du kích của Khơmer Đỏ lan rộng mạnh, chúng dùng nhiều thủ đoạn chống phá nhằm chia rẽ, gieo rắc, kích động hận thù dân tộc, làm cho người dân hoang mang, lo sợ không biết ai là bạn, ai là kẻ thù, ai thương mình, ai ghét mình, gây mất an ninh tại nhiều khu vực, mà xã Prek Rum Kơl cũng không ngoại lệ. Những vết thương tinh thần vẫn còn hằn sâu trong lòng người dân Campuchia lại từ từ rỉ máu, những ám ảnh kinh hoàng từ sự tàn bạo của chế độ này vẫn bủa vây lấy họ mỗi ngày, đe dọa trực tiếp bằng những lời lẽ lạnh lùng vô cảm: “Hãy đợi đấy, xem lính Việt Nam đi rồi liệu ai bảo vệ bọn mày đây!”. Bất chấp những lời đe dọa, mẹ Maly vẫn giữ trong lòng thứ tình cảm đặc biệt dành cho bộ đội tình nguyện Việt Nam- những người đã vì nghĩa quên thân, sẵn sàng hy sinh xương máu vì hòa bình cho nhân dân Campuchia.
Là một người mẹ- trái tim của bà mách bảo rằng, những bà mẹ Việt Nam xa xôi chắc hẳn cũng đang đau đáu nỗi niềm khi phải xa lìa núm ruột của mình, luôn lo lắng dõi theo đứa con đang thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả. Vậy nên, mỗi khi Quân Tình nguyện Việt Nam đến xã nhà thực hiện công tác tuần tra, truy quét tàn quân Khơmer Đỏ luôn được mẹ Maly giúp đỡ, chăm sóc chu đáo, ân cần và lặng thầm chở che, bảo vệ theo cách của một người mẹ thương con. Nhà mẹ Maly cũng nghèo như bao nóc nhà khác trong thôn Krom, bữa ăn nào cũng đạm bạc rau và mắm Prò hóc truyền thống. Vậy mà khi biết bộ đội Việt Nam không ăn được loại mắm này, mẹ đã sẵn lòng tạm gác lại hũ mắm nơi góc bếp, bởi mẹ nghĩ thật giản đơn- các con không ăn được thì mẹ còn lòng dạ nào mà ăn nữa. Trong số các chiến sĩ tình nguyện, mẹ thương nhất anh Nguyễn Trung Thu- cán bộ Chỉ huy đơn vị 5503. Năm 1984, anh Thu và đồng đội ở nhà mẹ hơn 3 tháng. Chính nết ăn nết ở giản dị và gần gũi cộng với tác phong quân đội đứng đắn, chuẩn mực của anh Thu càng khiến mẹ thêm yêu quý, tin tưởng hơn Bộ đội Việt Nam. Mỗi khi có việc phải đi xa, mẹ không chút băn khoăn, lo lắng khi gửi gắm anh Thu chăm sóc, dạy dỗ đàn con nhỏ của mẹ.
Với lòng mẹ Phiu Maly, bộ đội tình nguyện Việt Nam dù không chung huyết thống, không cùng ngôn ngữ thì vẫn là con của mẹ. Mẹ luôn lo lắng dõi theo từng bước các anh đi trong những đợt tấn công truy quét tàn quân địch vùng Đông Bắc Campuchia; lặng lẽ dậy sớm đồ xôi, thổi cơm rồi gói ghém cẩn thận cho các anh mang theo lúc hành quân đã luôn làm ấm lòng người chiến sĩ.
Ân tình Việt Nam
Chiến tranh đã dần lùi xa vào quá khứ nhưng trong lòng người lính tình nguyện năm xưa- giờ đã trở thành vị tướng Tư lệnh quân khu 5- Nguyễn Trung Thu (hiện nay là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam) vẫn đau đáu một nỗi niềm riêng. Cuộc đời binh nghiệp đã gắn ông với muôn vàn chuyến đi, gặp gỡ biết bao nhiêu người, thế nhưng tấm chân tình của người mẹ nghèo vùng Đông Bắc Campuchia vẫn mãi khắc ghi trong lòng ông. Trong chuyến công tác vào tháng 4-2009, Trung tướng Thu đã lặn lội hỏi thăm, tìm gặp những gia đình đã từng gắn bó, nuôi dưỡng Quân Tình nguyện Việt Nam. Phút giây trùng phùng thật bùi ngùi xúc động khi ông nghe tin người còn, người mất sau nhiều biến cố đổi thay của cuộc sống- trong đó có sự ra đi mãi mãi của mẹ Phiu Maly... Không còn mẹ để được yêu thương, chăm sóc, thế nhưng 6 người con của bà: Su Navy, Su Vandy, Su Chanh Phol, Su Chanh Tak, Su Sêrây Sophia, Su So Maly nay đều đã trưởng thành, nghề nghiệp ổn định và là công dân tốt của Vương quốc Campuchia.
Dân gian Campuchia thường có câu “Vật đổi, lòng người cũng đổi thay”. Vậy mà sau hai mươi mấy năm gián đoạn tin tức giữa đôi bên, khi nhận được lời mời sang thăm TP. Đà Nẵng- Việt Nam của Trung tướng Thu, các con của mẹ Phiu Maly không khỏi ngỡ ngàng, xúc động. Mọi cảm giác e dè, xa cách trong họ đã xóa tan khi gặp mặt người anh năm xưa, nghe lại giọng nói ân cần đầm ấm pha ngữ điệu Việt- Campuchia- Lào của anh, được sống lại không khí gia đình đầm ấm ngay trên đất Việt.
Trong những ngày cuối cùng của năm 2010, niềm vui một lần nữa lại vỡ òa trong đại gia đình mẹ Phiu Maly khi nhận được một món quà mang nặng nghĩa tình của vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam trân trọng gửi tặng- đó là bức tượng bán thân mẹ Phiu Maly bằng đá thạch anh, cao 0,7 mét, nặng 1,2 tạ, do các nghệ nhân làng đá Non Nước chạm trổ công phu, sắc sảo. Bao nhiêu tình cảm sâu nặng với người mẹ Campuchia đã được tướng Thu gửi gắm qua việc tái hiện lại hình ảnh thân thương và cũng là nghĩa cử đền đáp tri ân cho tấm lòng cao đẹp của mẹ. Không chỉ con cháu mẹ Maly nghẹn ngào rơi lệ khi thấy hình ảnh người mẹ thân thương hiện hữu trên ban thờ, mà đại diện chính quyền địa phương cũng không khỏi bồi hồi xúc động khi cùng tham dự đón tiếp đoàn cán bộ Quân khu 5.
Chia sẻ niềm vui với gia đình, Đại tá Khem Sa Run- Trưởng phòng II, Quân khu 1 Campuchia nhìn nhận: “Chỉ có quân đội cách mạng chân chính như Việt Nam mới có những kỷ niệm sâu sắc đến vậy”. Còn bà Kuong Savon- Phó Chủ tịch TP. Stung Treng thì bộc bạch chân thành: “Trên thế giới này không có quân đội nào giỏi và tình cảm như Quân đội Việt Nam. Chiến tranh đã lùi xa sau 32 năm nhưng nhân dân Campuchia không bao giờ quên hình ảnh tốt đẹp của bộ đội Việt Nam”.
Sơn Ca
(Ghi theo lời kể của ông Võ Văn Sung- huyện Đức Cơ)

Các đại biểu và gia đình bên tượng mẹ Phiu Ma Ly - Vị tướng và bức tượng bà mẹ Cam-pu-chia

Tôi nhớ cuối năm 83 hoặc đầu 84, đó là nơi tôi từng ở công tác phá một vụ địch ngầm ở xã Pría Nèngcoal giáp biên giới Lào, từ đây tôi quen với con gái bà là Su Navy và thân với chú Son cậu của Navy. Bài báo, nói chung tình nghĩa ít, màu chính trị hơi nhiều. (Th09)





Trung tướng Nguyễn Trung Thu (bên trái)) 

















Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Tư lệnh Quân khu 5 tặng quà cho các già làng, trưởng thôn Ảnh: TTXVN
 
Th09

Tìm kiếm Blog này