Tim thông tin blog này:

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

Nghĩ lại về chuyện tử hình bộ đội tình nguyện VN hiếp dâm ở CPC

Theo trí nhớ của TC và xác nhận của người bạn cùng chiến trường K

Ngay khi mới giải phóng Campuchia, vào khoảng tháng 1-2.1979 có một hạ sĩ tên NQA quê huyện Tuy Hòa PY là lính thông tin của một đơn vị thuộc Mặt trận 579. A hiếp dâm không thành một cô gái và bị xử bắn ở cây số 3 thị xã Stungtreng.
Lúc đó tôi đang đóng quân gần đó nhưng không đi xem tử hình, rồi sau nghe phong phanh có người bảo tử hình giả, có anh lớn tuổi hơn thì bảo thời đánh Mỹ ở Lào cũng xử kiểu đó. Có lẽ cách này lại hay, vẹn đôi đường. Lúc ấy tôi tin không thể có chiện đánh lừa chính quyền, nhân dân bạn nên không hỏi vặn chuyện này.
5-7 năm sau tôi gặp thằng bạn cùng lính K nói: Nó cũng nghe có người bảo A không bị bắn, bán tín bán nghi nên đi tìm đến tận nhà và gặp A, A kể bị bịt mặt đưa lên xe thùng đến pháp trường (có lẽ là chở cùng xe với tù binh quân Pol Pot), A không biết ai bị bắn (thì có thể đoán ta bắn tù binh thế mạng).  A được đưa về nước ra Bắc cải tạo, ra tù về quê làm ăn. 

Xem lại vụ tử hình sĩ quan P.A.S: Có thể tái thẩm bản án tử hình một sĩ quan tình nguyện? (bài dưới). Tôi nghĩ:
Không thể trách gia đình và cô gái Khmer vì lúc ấy họ rất sợ, dám nói gì để hạ nhẹ tội của bị can.
Về tình người tất phải lăng tăng nhưng trong trong bối cảnh bọn Pôl Pốt truyên truyền nên dân sợ, xa lánh quân tình nguyện VN, tôi nghĩ quyết định tử hình là hoàn toàn đúng (lưu ý đây là một sĩ quan) dù có đau lòng, chúng ta cần an dân, gây dựng lòng tin nơi dân nên cần phải nêu cao quân kỷ.
Trước đó cấp trên đã quán triệt rất kỹ về 9 điều quy định cấm, các bạn nghe chuyện khó tin: chúng tôi bắt được con cá ở vũng nước nơi dừng quân trong rừng, chỉ huy la buột phải thả con cá ra.
Thời chiến mà, cấp ủy cân nhắc quyết định, xử chỉ là thủ tục và càng nhanh càng có tác dụng răn đe kịp thời.

Mời bạn xem tiếp câu chuyện, mình đã bình.
_______________


Có thể tái thẩm bản án tử hình một sĩ quan tình nguyện?

Lời dẫn: Trong những năm tháng cha anh chúng ta làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn, bên cạnh những trang sử oai hùng còn có những trang đẫm nước mắt mà người kể chuyện phải đấu tranh, dằn vặt suốt hơn 30 năm, nay mới dám nói ra thành lời. Đó là câu chuyện của bác Nguyễn Văn Thắng- nguyên trợ lý chính trị Sư đoàn 341 Quân đoàn 4. Ngày 13 tháng 03 năm 1979 bác Thắng được giao nhiệm vụ làm Hội thẩm quân nhân trong 1 phiên xét xử của Tòa án binh Quân đoàn 4 và ra bản án Tử hình một sĩ quan- người đồng chí, đồng đội của mình. Phiên xử không có người bào chữa. Bị cáo không có quyền kháng cáo. Bản án lập tức được thi hành...
Xin phép bác Nguyễn Văn Thắng và các CCB, Google.tienlang mang phần viết về vụ án hình sự này về đây để chúng ta nhìn lại từ khía cạnh pháp lý. Vấn đề mà Google.tienlang mong muốn các còm sĩ phân tích xem, có thể đề nghị một phiên tòa tái thẩm để sửa chữa những khiếm khuyết trong vụ án này được hay không?
Google.tienlang xin lưu ý trước: Đây là 1 vụ án đặc biệt. Bác Nguyễn Văn Thắng đã vất vả lắm mới kể ra được. Do vậy, chúng tôi xin đề nghị các bạn hết sức nghiêm túc trong thảo luận. Tất cả những ý kiến thô tục, không đi đúng trọng tâm chủ đề sẽ bị xóa.
***************
Ngày 06 tháng 3 năm 1979 sư đoàn 341 được Quân đoàn 4 tăng cường trung đoàn Ba Gia sư đoàn 2, Trung đoàn 14 sư 9, 2 đại đội tăng thiết giáp 10 chiếc, tiến hành cuộc hành quân truy quét từ hướng Bắc Tây Bắc thị xã Công Pông SPư, tiêu diệt lực lượng địch ở vòng ngoài.Ngày 11 tháng 3 Quân đoàn rút các đơn vị tăng cường để tập trung cho Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 đánh vào mục tiêu chủ yếu. Sư đoàn 341 sử dụng lực lượng còn lại của mình phát triển thêm 40 km về hướng Công Pông Som bắt liên lạc với các đơn vị chiến đấu của Quân Khu 9  mở rộng và khai thông hành lang Quốc lộ số 4 từ Pnom Pênh đi Cảng XiHaNukvin.
Tôi không tham gia vào cuộc hành quân truy quét này mà được giao phụ trách công tác chính trị cùng đồng chí Nguyễn Quang Nuôi trợ lý tác chiến sư đoàn phụ trách quân sự của bộ phận còn lại ở “cứ” sư đoàn. Lực lượng tại khu vực này có: một tiểu đoàn 28 huấn luyện khoảng 300 tân binh mới được đưa từ Việt Nam sang, hơn 30 cán bộ tiểu đội, trung đội. Tiểu đoàn 28 đóng quân cách cứ khoảng 4km về phía Bắc. Một tiểu đoàn Bạn mới thành lập đang tuyển chọn lính từ các Phum Sóc cũng đóng quân ở khu vực gần đấy.
Tại Sở Chỉ Huy cơ bản của Sư đoàn còn có cơ quan Tỉnh Ủy, Ủy Ban tỉnh và một số cán bộ giúp việc cơ quan cấp tỉnh khoảng 15 người, một trung đội vệ binh Bạn bảo vệ cơ quan cấp tỉnh, 2 đội công tác của Bạn mỗi đội 25 người trong đó có 20 đồng chí đã được đào tạo học tập vài tháng, còn lại là số mới được tuyển chọn từ trong dân.
Lực lượng nòng cốt để bảo vệ khu vực này chủ yếu là tiểu đội vệ binh của ta có 8 đồng chí do đồng chí Vinh trung đội trưởng chỉ huy.Các tiểu đoàn 17 công binh có 5 đồng chí, tiểu đoàn 18 thông tin 7 đồng chí, những anh em này phần lớn đang ốm hoặc bị thương nhẹ được đơn vị phân công ở lại cứ.
Nhiệm vụ của chúng tôi ở tại Cứ là duy trì các hoạt động bình thường của lực lượng còn lại tại sở chỉ huy cơ bản, bảo vệ cơ quan lãnh đạo của tỉnh Công Pông Spư.
      Riêng tôi có nhiệm vụ tham gia Hội đồng xét vử với tư cách là Hội thẩm quân nhân của Tòa án quân sự Quân đoàn 4, xử vụ án P.A.S can tội cưỡng hiếp gái CamPuChia (tôi xin không nói rõ tên và quê quán)
                                                          *
                                                    *          *

     Một thời chiến đấu trong đội hình sư đoàn 341 đã được trưởng thành từ cán bộ Trung đội, đại đội, tiểu đoàn rồi tham mưu phó trung đoàn, P.A.S có những thành tích chiến đấu, gắn liền với những chiến công của đơn vị rất đáng tự hào. Anh là một trong những sỹ quan trẻ đã được rèn luyện, thử thách qua chiến đấu, công tác có triển vọng. Khi ở vị trí tham mưu phó trung đoàn anh là một chỉ huy có năng lực và xông xáo, là người trực tiếp chỉ huy khắc phục 2 xe tăng T54 sa lầy ngày 05/01/1979 của trung đoàn 273 trên đường 24 từ SăngKe đến núi Sa Cách, vào giải phóng Pnom Pênh ngày 07 tháng 01 năm 1979. Tôi đã cùng anh ăn chung nồi cá luộc khi thiếu gạo, đói cơm ngày 11 tháng 1 ở phía Bắc sông Bốn Mặt, đã từng cùng anh và một số cán bộ cơ quan trung đoàn 273 xuống kiểm tra từng ba lô chiến sĩ ở tiểu đoàn 1 khi có tin anh em vi phạm chính sách dân vận. Thái độ của anh mềm dẻo nhưng không khoan nhượng với những sai trái của cán bộ, chiến sỹ cấp dưới.
      Hoàn thành nhiệm vụ truy quét phía Bắc thủ đô Pnom Pênh bên bờ Bắc sông MêKông thì trung đoàn được lệnh trở về tỉnh Công Pông Spư . P.A.S sử dụng 3 chiến sĩ trinh sát cùng anh đi khảo sát địa hình chuẩn bị vị trí đứng chân của trung đoàn. Khi qua một cánh đồng không rộng, có mấy ngôi nhà ở dọc bờ suối, mùa khô không có nước, không một bóng người. Riêng anh có thấy một cô gái CamPuChia khoảng 20 tuổi mang gùi đang làm gì dưới suối. Nhóm trinh sát vẫn tiếp tục đi khảo sát địa hình nhưng không phát hiện được gì. Đi được khoảng năm trăm mét thì P.A.S bảo các trinh sát ngồi nghỉ, anh quay trở lại chỗ vừa thấy người con gái. Đến nơi cũng là lúc cô gái từ dưới suối đi lên. Không kiềm chế được mình, như một định mệnh, anh rút súng ngắn cầm ở tay, buộc cô gái kéo váy xuống, anh ôm lấy cô gái. Sợ quá cô gái CamPuChia không giám chống cự, buông lỏng mình cho P.A.S hành động. Hành động xong P.A.S trở lại với các chiến sỹ trinh sát trở về trung đoàn như không có chuyện gì xẩy ra. Nơi cô gái CamPuChia vừa bị hiếp, sau đó vài giờ có 2 chiến sỹ bộ đội Bạn đi qua. Cô ấy sợ hãi kể hết với họ những chuyện vừa xẩy ra và cùng họ đến tại Trung đoàn bộ nhận mặt P.A.S. Một ngày sau đó P.A.S bị Viện Kiểm Sát quân sự Quân Đoàn 4 ra lệnh bắt giam.
      P.A.S đứng dậy nghe xong lệnh bắt, anh giơ hai tay run rẩy tra vào vòng thép trắng số 8. Mặt anh thuổn ra, da tái nhợt, chân khuỵu xuống, người nhũn như lá chuối héo. Hai đồng chí vệ binh quân đoàn cầm tay, xốc nách, kéo lê P.A.S lên xe đóng sầm cửa lại. Người đồng đội mới vừa nãy đây thôi, bổng chốc bị quẳng lên xe như một con vật vô tri. Những người được chứng kiến sự việc này thật ngỡ ngàng, bất ngờ, mông lung khó tả…
            *
                                                               *          *
      Một tháng sau, vụ án P.A.S được đưa ra xét xử công khai tại khu vực Nhà Máy Đường, nơi đặt sở chỉ huy cơ bản của sư đoàn 341 tại Mặt trận Đường số 4. Tôi là một trong ba thành viên của Hội đồng xét xử hôm đó. Một chánh án, một thành viên là Viện Kiểm Sát quân sự Quân đoàn 4 và tôi Hội thẩm quân nhân. Không có luật sư bào chữa, đây là tòa án quân sự mở phiên tòa đặc biệt, khẩn cấp tại chiến trường, xử án tại chỗ những quân nhân có hành vi vi phạm kỷ luật đặc biệt nghiêm trọng.
Trong một căn phòng không rộng, có chiều 5m x15m với trang trí dã chiến. Trên có Quốc huy Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Dưới đó hai cái bàn kê sát nhau đủ chổ cho một chủ tọa phiên tòa và hai thành viên Hội Đồng xét xử. Bên trái một bàn thư ký, bên phải một bàn của công tố viên. Đối diện với chủ tọa phiên tòa là vành móng ngựa dành cho P.A.S hai tay bị trói quặt sau lưng với dáng điệu tiều tụy, hốc hác, rũ rượi. Toàn thân anh mềm nhũn, không đứng vững nhưng buộc phải gắng hết sức lực còn lại của mình trước một phiên tòa đang tỏ ra đằng đằng sát khí. Hai bên P.A.S là hai chiến sỹ vệ binh đeo hai khẩu súng ngắn với găng tay trắng toát, đứng nghiêm như đang sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xẩy ra bất kỳ. Vòng ngoài đồng chí Nuôi và tôi đã bàn bạc và thống nhất những phương án quân sự chính trị cho phiên tòa này từ một ngày trước đó. Bên trái phía sau P.A.S là hai mẹ con(một gái trẻ, một mẹ già) ngồi thản nhiên nhìn phiên tòa, nhìn P.A.S với khuôn mặt tỉnh bơ, vô cảm. Hai chiến sỹ bộ đội CamPuChia với tư cách là người làm chứng cũng lạnh lùng tương tự. Một số ít cán bộ chiến sỹ bộ đội ta, vài chục cán bộ, đội viên đội công tác Bạn chủ yếu là nữ cùng đứng xem.
      Một phiên dịch tiếng CamPuChia người của chúng ta,  chỉ làm nhiệm vụ phiên dịch khi hỏi đến người bị hại và người làm chứng. Ngôn ngữ phiên tòa dùng tiếng Việt.
Sau vài câu khai mạc, giới thiệu ngắn gọn, vừa đủ, chủ tọa phiên tòa hỏi:
P.A.S, có phải họ tên, ngày tháng năm sinh, ngày nhập ngũ, cấp bậc, chức vụ, đơn vị, quê quán…. Không?
Dạ, phải!
Cô X có phải là người đã bị P.A.S hại, đang ngồi ở đấy không?
Dạ, phải!
Quay sang phía người bị hại chủ tọa phiên tòa hỏi:
Cô X, có phải người đang đứng trong vành móng ngựa đây là người đã hại cô ngày tháng tại … không?
Ngúc đầu, nói lí nhí:
Tòa hỏi lại: Có đúng không?
Dạ, đúng!
    Chủ tọa mời công tố viên đọc bản cáo trạng. Bản cáo trạng có thời lượng khoảng 10 phút, ngắn gọn, rõ ràng, chi tiết, chỉ dẫn đúng chỗ, đúng điều của Hiến pháp, pháp luật nhà nước, Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và những điều quy định về kỷ luật chiến trường của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.
Người đọc cố tỏ ra đạo mạo nghiêm trang, uy nghi và chững chạc nhưng tôi nghĩ anh đang cố kìm nén cảm xúc của mình từ trong cảm giác “máu chảy, ruột mềm” ấy.
Chỉ từng ấy thời gian đứng nghe bản cáo trạng, P.A.S có hơn 3 lần khuỵu xuống. Hai chiến sỹ vệ binh đứng bên phải xốc nách anh để anh ở tư thế đứng.
Đến lượt tôi, một Hội thẩm quân nhân, tôi hỏi những câu đã được chủ tọa phiên tòa hướng dẫn trước đó. Vẫn câu trả lời của P.A.S rằng:
 Dạ!
Phải!
 Có và đúng ạ!
 Anh nói  một cách yếu ớt, hụt hơi như  cảm nhận được rằng mình không còn tia hi vọng nào của sự sống.
 Một câu hỏi của tôi, một câu trả lời của người đồng đội mới cách đây một tháng thôi còn chung nhau cái đói, chung nhau gian khổ, khó khăn, chung nhau nụ cười… Bây giờ… Chao ôi! Đau lắm, tim tôi như có những cái kim đâm nhói trong lồng ngực, đau buốt cả vùng sau gáy và vùng chẩm.
      Nhìn đứa con gái CamPuChia đen nhẻm và mẹ già của cô ta ngồi đó đối diện, vẫn bình thản, vô cảm như lúc đầu, tôi càng xót xa. Tôi ước rằng giá như mình biết tiếng CamPuChia thật nhiều, hoặc không cũng chỉ đủ để nói với mẹ con họ rằng: “Mẹ con tôi xin tòa giảm tội cho anh ấy, vì đất nước tôi, vì dân tộc tôi, vì mẹ con tôi mà bộ đội Việt Nam đã hi sinh quá nhiều, đổ máu quá nhiều. Mẹ con tôi cũng như những người mẹ, người vợ, người em gái của các anh bộ đội Việt Nam, đã phải chịu đựng bao nhiêu đau thương xa cách, mòn mỏi chờ mong, bao nhiêu ước mơ, hi vọng rồi thất vọng khi không thấy con mình, chồng mình trở về”. Chỉ một câu thôi “Xin tòa tha thứ cho cái tội, cái án nặng nhất của anh ấy”. Không nói được tiếng CamPuChia vào lúc này tôi thấy như mình đang mang nặng một nỗi đau, nỗi thất vọng. Thật đáng trách cho cái thằng tôi ở thời điểm ấy, chẳng làm được một chút gì để cứu vớt đồng đội của mình.
Sau những câu hỏi của Hội đồng xét xử và câu trả lời của P.A.S, phiên tòa hình như dừng lại, chẳng cần thêm người làm chứng. Tuy vậy tòa vẫn phải làm một điều cho đúng thủ tục, mời người làm chứng xác nhận lại rằng:
             Có phải cô X đã tố cáo P.A.S và có phải cô ấy nói thật lòng mình rằng P.A.S đã cưỡng hiếp cô X.
Vẫn câu: “Dạ, đúng!” gãy gọn và lạnh lùng.
Tòa hỏi: - P.A.S có muốn nói câu cuối cùng không?
-   Dạ, có! Anh nói:
-   Cho tôi gửi lời xin lỗi tới cha mẹ tôi, vợ con tôi, rồi nước mắt anh trào ra không nói được gì hơn.
           Tôi đề nghị chủ tọa phiên tòa đưa giấy bút cho anh để anh viết lời cuối cùng của mình. Chủ tọa phiên tòa đồng ý. Đồng chí vệ binh cầm giấy bút đưa cho P.A.S đứng trong vành móng ngựa viết lời trăng trối cuối cùng. P.A.S viết những dòng nguệch ngoạc, xiêu vẹo, nội dung cũng chỉ ghi lại vài câu vừa nói trước đó. Viết xong P.A.S trao cho đồng chí vệ binh đứng cạnh chuyển đến chủ tọa phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa xem qua, đặt tờ giấy P.A.S vừa viết lên tập Hồ sơ cáo trạng giữa bàn. Ông quay sang hỏi người bị hại:
-   Cô X, có muốn nói câu gì không?
-   Lắc đầu, cô X nhìn tòa, nhìn P.A.S rồi quay ra nhìn mọi người xung quanh.
            Tôi lóe lên chút hi vọng mong manh, có lẽ cô ta xin tha tội nặng nhất cho P.A.S. Nhưng không, hai mẹ con cúi gằm mặt xuống bàn, mọi người đứng xem im lặng, ngực tôi như bị nghẹt thở. Hội đồng xét xử thoáng đưa mắt nhìn nhau rồi chủ tọa phiên tòa mời thư ký đọc biên bản:
-   Câu cuối cùng của biên bản kết thúc không ai có ý kiến gì. Chủ tọa phiên tòa mời Hội đồng xét xử vào nghị án:
            Vào một phòng nhỏ sau hội trường nghị án, chúng tôi được đồng chí chủ tọa phiên tòa đưa ra thảo luận hai bức điện như sau:
-    Một bức điện của Chính ủy Quân đoàn 4 Trần Nguyên Độ đề nghị Bộ và Tòa cho hưởng án chung thân. Thời gian nhận được điện đến sau nhưng thời gian ký trong bức điện lại ghi trước.
-   Một bức điện của Bộ (cấp quyết định cuối cùng) có thời gian nhận được điện ghi trước nhưng thời gian ký điện lại sau thời gian bức điện của Chính ủy Quân đoàn.
            Như vậy là đã rõ, Hội đồng xét xử phải thực hiện mệnh lệnh của người chỉ huy cao nhất, có thời gian gần nhất ( thời gian mà người chỉ huy ký trong bức điện).Tuyên án đã được Hội đồng xét xử nhất trí ký vào văn bản. Nghị án xong, Hội đồng xét xử trở lại phiên tòa. P.A.S vẫn đứng đó trong vành móng ngựa trước hai đồng chí vệ binh. Mọi người vẫn đứng xem xung quanh, im lặng, chờ đợi.
Đứng lên vị trí của mình, chủ tọa phiên tòa trịnh trọng tuyên bố:
           “Nhân danh Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tòa án quân sự Quân đoàn 4 tuyên án tử hình P.A.S”. Lúc đó là 10 giờ ngày 13 tháng 03 năm 1979.
            Toàn thân P.A.S đổ sập xuống lan can vành móng ngựa. Hai chiến sĩ vệ binh kịp kéo anh trở lại tư thế đứng. Một đồng chí cầm miếng khăn trắng hình như đã có xịt ête sẵn trước, chụp vào mồm và mũi của anh. Cả hai kéo P.A.S ra khỏi vành móng ngựa, đẩy vào chiếc xe đặc chủng nhỏ rồi đóng sầm cửa lại. Xe chạy thẳng ra pháp trường. Năm chiến sỹ vệ binh với 5 khẩu súng trường, một trung đội trưởng vệ binh chỉ huy đeo một khẩu súng ngắn tất cả cùng lên một xe khác tiến theo chiếc xe phía trước.
Tôi không thể đi theo ra chổ hành quyết anh. Tôi trở về chỗ ở, ném tấm thân gầy nhưng nặng nề của mình xuống manh chiếu đang trải trên nền xi măng giữa nhà.
            Khoảng 12h cùng ngày đồng chí Vinh trung đội trưởng vệ binh đến báo cáo kết quả công tác thi hành án với tôi. Qua lời nói và cách diễn đạt việc thực hiện nhiệm vụ của  tổ vệ binh và của bản thân Vinh, tôi đọc được trong mắt Vinh tâm trạng không bình thường. Tôi động viên Vinh: thôi em về đi, về cho anh em ăn uống và nằm ngủ một giấc thật sâu, từ 16h chúng ta trở lại hoạt động bình thường nhé! Đồng chí Vinh ra về. Tôi không ăn trưa mà nằm ngủ, cứ lơ mơ rằng: mình đã bị mất đi một cái gì đó rất quý, lúc nào đó, ở đâu đó mà không thể tìm lại được.
*
**
             Tôi đã muốn kể lại câu chuyện này từ lâu lắm rồi nhưng không tìm được chỗ nào, nơi đâu để thổ lộ lòng mình.
Kể câu chuyện trên đây không phải để nói với mọi người rằng tôi đã từng ngồi ghế xét xử của tòa án mà để nói rằng tôi đã từng chứng kiến một vụ án. Vụ án không thể nào quên.
             Chúng ta đều là những con người. Con người có những ước mơ, ham muốn, có những nhu cầu không thể thiếu nhưng lại rất bình dị, đời thường. Tại sao chúng ta tự giam hãm mình đển như vậy. Cán bộ, hay chiến sĩ mỗi người dù có vị trí, cung bậc chính trị cao thấp khác nhau chăng nữa thì vẫn là một con người. Con người do thượng đế ban cho, có đủ những nhu cầu của cuộc sống. Tuổi thanh xuân đẹp nhất chỉ được vài chục năm trong đời. Thế mà vài chục năm ấy chiến tranh đã lấy đi của chúng ta tất cả. Chiến tranh đã buộc chúng ta phải hy sinh, hy sinh tuổi trẻ, tinh cảm, ước mơ, ham muốn dục vọng và cao nhất là xương máu của chính mình. Không chỉ những người lính chúng ta mới cảm thụ hết sự khắc nghiệt của chiến tranh. Là những người lính chúng ta nếm đủ mùi ác liệt, gian khổ của chiến tranh nhưng sự khắc nghiệt do chiến tranh gây ga thì không riêng gì những người lính mà trực tiếp và trước hết là vợ con, cha mẹ, anh em của chúng ta, một sự khắc nghiệt thấm đẩm máu và nước mắt.
            Đối với những người vợ, người con gái vừa chạm hơi ấm của chồng vài lần đã vĩnh viễn rời xa. Có gì đau hơn, thất vọng hơn nỗi đau của những người vợ trẻ đêm này qua đêm khác khắc khoải, chờ mong trong vô vọng. Có cuộc đấu tranh tư tưởng nào quyết liệt hơn trong mỗi người lính chúng ta khi suốt năm này qua năm khác biền biệt gia đình, vợ con.
            Một ước mong rất nhỏ nhoi nhưng rất con người thì chúng ta lại tự lên án và tiêu diệt nó. Ngẫm cho sâu thì đau lắm chứ!
            Nhưng thôi, chiến tranh mà. Đây là vụ án nặng nhất, lớn nhất mà sư đoàn 341 vi phạm trên đất KPC. Để giữ uy tín của một quân đội cách mạng, để giữ vững lời thề: “không làm điều gì hại đến danh dự và quốc thể nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” thì P.A.S đã phải gánh lấy hậu quả do mình gây ra. Âu cũng là vì anh, cái chết của anh phải chăng là số phận.                                                       
            Tôi cũng nghe anh em đồng đội sau này  kể lại rằng: chiếc xe đặc chủng chở F.A.S ra pháp trường, sau đó ít ngày cũng bị lật nhào do tai nạn giao thông. Đồng chí Vinh trung đội trưởng vệ binh người bắn viên đạn nhân đạo cuối cùng, tôi sẽ kể phần sau.
            Sau này, khoảng năm 1981, 1982 gì đó đội quy tập hài cốt liệt sỹ của sư đoàn 341 đã sang KPC đưa anh em liệt sỹ về nước trong đó có P.A.S, nghe nói có cả gia đình P.A.S cùng đi.
            Họ nói việc tìm mộ P.A.S  cũng ly kỳ lắm. Một ngày của tháng 8 năm 2010, tôi ngồi nói chuyện với đ.c Lê Hải Anh tại nhà khách BTL Hải quân ở Hải Phòng. Đ.c Lê Hải Anh kể cũng na ná như những đ.c khác rằng: đội quy tập và gia đình sang KPC nơi P.A.S nằm, tìm mãi nơi đã hành quyết anh vẫn không thấy mộ. Chán nản, đội quy tập và gia đình có ý định bỏ cuộc thì bổng nhiên có một con chim nhỏ từ trên cao bay tới lao xuống một chùm cây nhỏ, thấp lè tè cách đó không xa. Như có linh tính báo, đội quy tập và gia đình quyết định đào ngay chổ ấy. Đào được khoảng một mét thì xuất hiện thi hài anh.
            Thi hài P.A.S được đưa về quê, không được chôn cất tại nghĩa trang địa phương mà chôn tại nghĩa địa quê hương anh. Đồng đội cùng đơn vị đã quyên góp tiền cùng gia đình xây cho P.A.S một ngôi mộ khang trang, nơi anh đã từng sinh ra và lớn lên.
            Qua trang viết này, nơi anh vĩnh viễn nằm lại tại quê hương, có ai đó đồng đội sư đoàn 341 cùng quê anh, cho vanthang341ht nhờ thắp hộ nén hương nói với P.A.S rằng vanthang341ht luôn hoài niệm về anh, không bao giờ quên anh, người đồng đội đã cùng chiến đấu,cùng chung vui chiến thắng trong đội hình Sư đoàn 341. Cầu mong cho linh hồn của P.A.S về nơi vĩnh hằng, an lạc!
=====
 
Người đồng đội.
Tôi là bạn của bác vanthang341ht. Tôi cùng đơn vị, đang sống gần nhà bác ấy. Tôi và bác vanthang đã đọc bài viết trên đây của các bạn . Tôi xin có vài ý kiến như sau:
Bối cảnh vụ án:
- Đất nước VN vừa mới giành toàn thắng kẻ thù (bọn Pôt) đã thọc dao đâm ngang hông chúng ta. Chúng giết hại hơn 500 người dân vô tội ở đảo Thổ Chu của Kiên Giang.
- Mới hơn hai năm cầm quyền bon đao phủ Pôn Pôt-IêngXaRi đã giết hại gần 3 triệu con dân của chúng
- Chúng biến cả đát nước K thành một quốc gia với rất nhiều con số KHÔNG, không luật pháp, không trường học, không bệnh viện, không tiền bạc…
- QTNVN sang chiến đấu ở K là theo lời kêu gọi của Mặt trận DTCN KPC
- Khi QTNVN vừa đập tan được chế độ diệt chủng cứu hoạ cho dân tộc KPC thì ở BGPB Trung Quốc đã ngay lập tức kéo hơn 60 vạn quân sang xâm lược nước ta. Có ai dám chắc rằng trong số hàng trăm nghìn người dân vô tội trong đó có cả phụ nữ, trẻ em của chúng ta trên BGPB không bị chúng hãm hiếp cho đến chết không. Đó là bản chất của kẻ xâm lược.
Còn chúng ta có ai đó nêu vấn đề “Có thể tái thẩm vụ án tử hình một sỹ quan tình nguyện” ư?
- Chúng tôi đã đọc nhiều bài viết về vấn đề trên có lẽ có cả các luật sư. Có người viện hết chương này, điều nọ, điểm kia, họ có thể thuộc lòng hàng trăm, hàng nghìn chương, điều, điểm…đó nhưng tôi nghĩ có lẽ họ chưa hiểu Quân pháp, thậm chí chưa đọc 10 lời thề, 12 điều kỷ luật của QĐNDVN. Họ cũng chưa đọc, chưa hiểu những điều quy định kỷ luật chiến trường trước khi QTNVN sang chiến đấu ở KPC đã được học.
- Vụ án P.A.S tại thời điểm đó nó vừa là vấn đề quân sự vừa là vấn đề chính trị rất nhạy cảm. Chúng ta muốn “tái thẩm” vụ án trước hết hãy nên đặt mình trong hoàn cảnh hiện tại lúc đó. Những bạn khác nếu muốn tham gia vào vấn đề này trước hết cũng nên tìm hiểu đặc điểm cuộc chiến tại thời điểm đó một cách thấu đáo hơn.
- Không khéo có người lại đòi đưa việc hơn 500 dân VN ở đảo Thổ Chu (Kiên Giang) hơn 1300 dân ở Ba Chúc, Bảy Núi(An Giang) bị bọn Pôt giết hại một cách rất giả man thời đó để đòi xử cả những người đứng đầu các tỉnh Kiên Giang, An Giang chắc vì họ thiếu trách nhiệm, mất cảnh giác gây hậu quả nghiêm trọng(?)
Bác vanthang341ht nói: “Kể câu chuyện trên đây không phải để nói với mọi người rằng tôi đã từng ngồi ghế xét xử của tòa án mà để nói rằng tôi đã từng chứng kiến một vụ án. Vụ án không thể nào quên.”
Bác vanthang cũng tâm sự với tôi đó là vụ án nói lên nõi đau của người lính, sự mất mát vô cùng lớn lao của người lính, sự mất mát đáng lẽ không nên có đã phải xẩy ra…Bác vanthang kết luận: “ Nhưng thôi, chiến tranh mà. Đây là vụ án nặng nhất, lớn nhất mà sư đoàn 341 vi phạm trên đất KPC. Để giữ uy tín của một quân đội cách mạng, để giữ vững lời thề: “không làm điều gì hại đến danh dự và quốc thể nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” thì P.A.S đã phải gánh lấy hậu quả do mình gây ra. Âu cũng là vì anh, cái chết của anh phải chăng là số phận.”
Tôi thì nghĩ rằng chỉ có những người chưa hiểu, không hiểu hoặc không muốn hiểu hay nhằm một mục đích nào khác mới đòi “Tái thẩm” vụ án P.A.S(!)
Theo: Googletienlang 
______________


Tìm kiếm Blog này