Tim thông tin blog này:

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Chuyện ít biết về Sài Gòn xưa: Chuyến bay đầu tiên và ngành hàng không

Một máy bay tư nhân của Pháp hạ cánh ở Sài Gòn năm 1925 Ảnh: Tư liệu của nhiếp ảnh gia Tam Thái 
 
Lúc 10 giờ 30 ngày 10.12.1910, lần đầu tiên một chiếc máy bay loại bốn cánh nhãn hiệu Farman xuất hiện trên bầu trời Sài Gòn, lượn mấy vòng cho dân chúng ngắm vật lạ từ cha sinh mẹ đẻ chưa từng thấy.

Sau đó chiếc máy bay đáp xuống trường đua ngựa (nay là vị trí Bộ Chỉ huy quân sự TP.HCM ở đường Cách Mạng Tháng Tám). Người phi công lái chiếc máy bay ấy tên là Van Ven Borg.
Việc chiếc máy bay đáp xuống Sài Gòn được viên Thống đốc Nam kỳ báo ra Phủ toàn quyền ở Hà Nội, vô tình gợi ý cho viên Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Albert Sarraut có chủ trương dùng máy bay vào mục đích quân sự để đối phó với các cuộc nổi dậy của dân ta. Do đó qua năm sau, y cử một phái đoàn chuyên viên về Pháp nghiên cứu việc đưa ngành hàng không vào xứ thuộc địa này.
Trong Thế chiến thứ nhất (1914 - 1918), máy bay đã tham chiến ở châu Âu. Sau này một số sĩ quan người Pháp tham chiến trở lại thuộc địa Nam kỳ, đóng ở trại lính bộ binh, lập câu lạc bộ chơi máy bay. Họ mua bộ phận rời từ Pháp, chở về Sài Gòn ráp lại, đem biểu diễn ở bãi trường đua cũ, bay vào phía Chợ Lớn rồi quay về. Phía dưới đất phải đốt khói để phi công biết được hướng gió, khi cất cánh và khi đáp xuống. Máy bay thuở ấy có hai tầng cánh, bay chậm, gây ngạc nhiên thích thú cho người xem.
Thực hiện chủ trương đưa ngành hàng không vào Đông Dương, ngày 31.1.1917 chính quyền Bắc kỳ cho xây sân bay Vị Thủy (thuộc tổng Thanh Vị, huyện Minh Nghĩa, phủ Quốc Oai, Sơn Tây), rồi những chiếc máy bay quân sự đầu tiên được chở bằng tàu thủy Ménam cập bến Hải Phòng. Ngày 13.7.1917, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định thành lập Sở Hàng không Đông Dương đặt dưới sự chỉ đạo tối cao của Toàn quyền Đông Dương.
Xây dựng sân bay Tân Sơn Nhứt


Tai nạn máy bay đầu tiên ở VN
Ngày 25.9.1919, nhân dịp Hội đồng tư vấn Trung kỳ họp ở Huế, Hà Nội cho 2 chiếc máy bay vào để biểu dương sức mạnh quân sự của chính quyền thuộc địa. Chẳng may một chiếc bị nạn rơi ở sông Lam (Nghệ An). Đó là tai nạn máy bay đầu tiên ở VN.

Ngày 20.11.1919, loại thủy phi cơ (Hydravion) bắt đầu được cho bay. Sau khi chính thức thành lập phi đội Nam kỳ, chính quyền thực dân Pháp ở Sài Gòn cho xây dựng sân bay Tân Sơn Nhứt.
Tân Sơn Nhứt là tên một thôn nằm trên vùng đất cao phía bắc thành phố Sài Gòn, cách trung tâm thành phố khoảng 5 km. Thôn này nguyên là một giáp thuộc thôn Tân Sơn có từ thời Nguyễn Hữu Cảnh vào lập nền hành chánh ở Gia Định, trải qua triều Gia Long đến triều Minh Mạng nâng lên thành thôn Tân Sơn Nhứt thuộc tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, với tứ cận: Đông giáp 2 thôn Phú Nhuận, An Hội thuộc tổng Bình Trị Hạ. Tây giáp thôn Tân Sơn Nhì cùng tổng. Nam giáp xã Phú Thọ thuộc tổng Tân Phong Thượng, huyện Tân Long và thôn Tân Sơn Nhì. Bắc giáp 2 thôn Hạnh Thông Tây và An Hội thuộc tổng Bình Trị Hạ.
Năm 1920, ngành hàng không lấy phần lớn diện tích của làng Tân Sơn Nhứt để xây dựng sân bay, và gọi là sân bay Tân Sơn Nhứt. Phần đất còn lại nhỏ hẹp không đủ tiêu chuẩn lập làng riêng, nên hợp với phần còn lại của làng Chí Hòa sau khi trích một phần nhập vào thành phố Sài Gòn thành làng Tân Sơn Hòa. Ban đầu sân bay Tân Sơn Nhứt chỉ dùng cho quân sự, lúc đó chỉ mới một đường băng, nền đất trồng cỏ. Đến năm 1930 mới có một số nhà cửa ở sân bay phục vụ cho Hãng hàng không Air Orient. Năm 1934, đường băng mới được trải nhựa và bắt đầu xây nhà ga. Tuyến Hà Nội - Sài Gòn - Hải Phòng - Xiêng Khoảng và ngược lại bay đầu tiên vào ngày 10.1.1921. Tuyến bay thẳng Hà Nội - Sài Gòn đầu tiên vào ngày 19.4.1921, mỗi lượt mất 8 giờ rưỡi.
Năm 1930, chính quyền Sài Gòn muốn mở rộng sân bay để dùng cho máy bay dân sự. Nhưng bấy giờ giá đất xung quanh sân bay đã cao vọt lên, không đủ ngân sách để bồi thường. Người ta nghĩ tới việc tìm ở Cát Lái thuộc Q.Thủ Đức một khu đất vuông vức, mỗi chiều 1.400 m để xây dựng sân bay khác. Công việc chưa kịp tiến hành thì gặp lúc khủng hoảng kinh tế thế giới nên xây dựng phải làm lại từ đầu, kinh phí thì quá lớn, chương trình làm sân bay mới đành hủy bỏ, đành mở rộng sân bay Tân Sơn Nhứt cho đỡ tốn kém.
Chuyến bay quốc tế đầu tiên của Hãng hàng không Pháp (Air France) bay tuyến Paris - Sài Gòn - Paris trong 50 giờ (hồi đó chưa thể bay ban đêm) mất vừa đúng một tuần lễ mới hạ cánh Sài Gòn ngày 28.12.1933, tiếp đó là tuyến Sài Gòn - Batavia.
Như vậy, trước năm 1940 là thời điểm Đại chiến thế giới thứ hai lan tới châu Á và Thái Bình Dương, đã có tuyến bay Đông Dương - Pháp mỗi tuần một chuyến do hãng hàng không Pháp đảm trách, Sài Gòn - Singapore - Indonésia do hãng hàng không Hà Lan đảm trách, Hà Nội - Hồng Kông - Pénang do hãng hàng không Anh đảm trách, Hà Nội - Vân Nam do hãng hàng không Âu - Á đảm trách, Hà Nội - Hồng Kông - Trùng Khánh do hãng hàng không Trung Hoa đảm trách.
Ngày 2.12.1937, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định thành lập Sở Hàng không dân dụng Đông Dương thay thế cho Sở Hàng không dân sự, để lo việc khai thác các chuyến bay.
Nguyễn Đình Tư
(Trích từ Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ 1859 - 1954, NXB Tổng hợp TP.HCM 2016)
Nguồn: Thanhnien 

Tìm kiếm Blog này