Từ Kế Tường nhận xét: "Một giọng hát nhựa nhựa, nũng nịu, đớt đớt, khỏe cực kỳ, vang xa, cao vút."
Khánh Ly thẳng thắn khi cho rằng: “Không phải ai cũng nói chỉ Khánh Ly hát được nhạc Trịnh. Cũng có nhiều người phê bình tôi thẳng thắn lắm. Có người bảo, tôi không thể chịu được Khánh Ly hát nhạc Trịnh.”
Nữ hoàng chân đất
Posted: 05/10/2013 in Hoàng Xuân Sơn, Tùy Bút / Tản Mạn
Hoàng Xuân Sơn
Khánh Ly (sơn dầu trên bố 30’ x 40’) – Đinh Cường
“Bài Ca Hạnh Ngộ”
Một buổi tối chống gậy lò dò từ hậu liêu CPS ra sân Quán Văn ( Sự tích chống gậy vì ăn đạn pháo kích của VC này sẽ được nhắc lại sau ), tôi bất chợt nghe được một tiếng hát lạ kỳ: nửa như quyện từ lòng đất âm u, nửa như tự trời thanh cao rót xuống. Một tiếng hát có ma lực cuốn hút người nghe tự buổi đầu hội ngộ (Ngõ ban sơ hạnh ngân dài – Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua – Bùi Giáng )
Trời ươm nắng cho mây hồng
Mây qua mau em nghiêng sầu
Còn mưa xuống như hôm nào
Em đến thăm, mây âm thầm mang gió lên
Người ngồi đó trông mưa nguồn
Ôi yêu thương nghe đã buồn
Ngoài kia lá như vẫn xanh
Ngoài sông vắng, nước dâng lên hồn muôn trùng
Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu
…
Những chữ Khóc; Đỉnh Cao như làn hơi vút hắt ra. Như dòng sống chợt kích ngất. Rồi bàng hoàng ngậm lắng lời ru êm vào hơi thở nhè nhẹ. Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ. Chao ơi sao lại có giọng hát liêu trai đến giữa cuộc đời như một tặng phẩm bất ngờ thế nhỉ? Sao lại có đường thanh lột tả hết những lời ca nhiệm mầu Trịnh Công Sơn? Nàng là ai… LÀ AI? Ngồi ở đâu đó. Thu mình trong góc tối. Mà tiếng ca như dòng nhựa chảy trào cả đêm mênh mông? Và tôi, và em. Mơ hồ giữa một vùng khói sương lãng đãng.
Những chiếc ghế xích lại gần. Vòng tròn nhỏ vây quanh. Chuỗi vòng lớn lấp lánh sáng lân tinh trên những bực thềm. Trên cỏ. Và nàng tiếp tục hát.
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau – Hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau
Mưa vẫn mưa bay . . .
Mưa bay về những hàng cây thủy tinh muộn thắp nắng chiều. Giọt nắng. Giọt nến. Ngàn cây thắp nến lên hai hàng – để nắng bây giờ trong mắt em.
Rồi nàng đứng lên Gọi Tên Bốn Mùa. Gọi đêm liêu trai dài tóc thần thoại. Gọi cuộc tình dấu chim bay và kiếp người mang nặng từ trẻ thơ mới lọt lòng . . . Khánh Ly! Một cái tên xa lạ chưa từng nghe đến. Có phải là tiếng phong linh mang về thành đô cơn gió miền cao Đà Lạt?
TCS nồng nàn giới thiệu: “Đây là Mai, mới từ Đà Lạt xuống, sẽ sinh hoạt với anh em mình lâu dài!” Vâng, Lệ Mai đã đến. Khánh Ly đã ở lại. Với chúng ta, thật dài lâu.
Việc gì phải đến, đã đến: KhánhLy/Trịnh Công Sơn chính thức xuất hiện trước công chúng tại Quán Văn vào một tối thứ sáu mùa hè đẹp trời. Dù phương tiện thông tin phổ biến hạn chế, dù tất cả sự kiện hoàn toàn mới mẻ, số lượng khán thính giả đêm KL/TCS đông đảo chưa từng thấy. Các bạn trẻ ngồi kín sân cỏ, tràn ra bên hông và ngay cả đàng sau Quán Văn. Tất cả nín lặng chờ nghe KL/TCS hát. Thức uống làm không kịp. Nhưng có hề gì. Tuổi trẻ đến đây là để chia sẻ những giá trị tinh thần. Chia sẻ nỗi khát khao và niềm mất mát. Trong từng lời ca tiếng hát. Trong từng hơi thở mớm ru nhau.
TCS mở màn với Gia Tài Của Mẹ:
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ: một nước Việt buồn
Ở đoạn điệp khúc, anh hát lại nhiều lần và tất cả cùng hát theo nhịp vỗ tay vang dội:
Dạy cho con tiếng nói thật thà
Dạy cho con chớ quên mầu da
Con chớ quên mầu da nước Việt xưa
Mẹ mong con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng cha – Quên hận thù !
Đêm trường lồng lộng tiếng đồng ca. TCS tiếp tục kể lể nỗi khổ đau chiến tranh mà quê hương Việt Nam hằng cưu mang: Một ngày dài trên quê hương – Ngày Việt Nam hoang tàn quá – Một ruộng đồng trơ đất đỏ – Một đàn bò không luống cỏ . . .
Và Khánh Ly bước lên bục gỗ theo tiếng vỗ tay sóng biển rạt rào. Giọng hát ma túy cất lên:
Người con gái Việt Nam da vàng
Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín
Người con gái Việt Nam da vàng
Yêu quê hương như đã yêu mình . . .
Người con gái VN da vàng ấy lớn lên giữa vùng chiến tranh khốc liệt. Chưa kịp nếm tình yêu đầu đời đã vội tắt nụ cười thanh xuân.
Em chưa biết quê hương thanh bình – em chưa thấy xưa
kia Việt Nam . . .
Người con gái một hôm qua làng – đi trong đêm đêm
vang ầm tiếng súng – người con gái chợt ôm tim mình – trên
da thơm vết máu loang dần . . .
Rồi đến Tình Ca Của Người Mất Trí:
Tôi có người yêu – chết trận Pleime . Tôi có người yêu
ở chiến khu D – chết trận Đồng Xoài – chết ngoài Hà Nội –
chết vội vàng dọc theo biên giới . . .
Những địa danh. Những cái chết trong trí nhớ cuồng điên. Của chiến tranh băng hoại. Và nàng cất cao giọng ở điệp khúc, kêu gào thảm thiết:
Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày mới lớn tôi đi môi gọi thầm
Gọi tên anh – tên Việt Nam
Gần nhau trong tiếng nói da vàng
Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày mới lớn tai nghe quen đạn mìn
Thừa đôi tay – dư làn môi
Từ nay tôi quên hết tiếng người
Khánh Ly bất thần tụt giày, đứng chân đất trên bục gỗ. Vịn vai Trịnh Công Sơn. Mắt nhắm nghiền. Mặt ngước cao như van xin, nguyện cầu ơn cứu rỗi. Cho người. Cho đời. Cho những cái chết vô danh. Cái tĩnh mịch của đêm dài một lần nữa lại bị phá vỡ bởi sự cổ vũ nồng nhiệt, mê say của những người tuổi trẻ đồng điệu. Và rồi đêm ngất lịm trong những lời ca ru,tiếp nối. Từ đó, nàng được mang tên Nữ Hoàng Chân Đất (hay Nữ Hoàng Sân Cỏ1). Những bước chân trần tìm về dấu vết tình yêu nguyên thủy. Những bước chân đi khâu vá lại vết thương của một thời máu xương điên loạn. Cứ thế, TCS/KL say sưa hát ca khúc da vàng từ bài này sang bài khác . Có khi tràn sang những bài ca về thân phận, tình yêu . . . rơi rụng trong đời những trái non đắng chát hay trái chín ngậm ngùi. Những lời thơ tiếng hát quyện lấy nhau nồng nàn trong từng hơi thở, theo tiếng đàn thùng như ánh lửa bập bùng, mơ hồ. Lúc này đây bạn đang cảm thấy hạnh phúc được lắng nghe. Được chia sẻ. Bằng Ca Dao Mẹ. Bằng Nước Mắt Cho Quê Hương. Rót xuống thân phận Người Nô Lệ Da Vàng . . .
Trước ngọn đèn lương tri mù mờ giông bão, Ca Khúc Da Vàng (CKDV) 2 sẽ không được chấp nhận bởi một thế lực nào chủ tâm rẽ rúng con người, tôn vinh quyền lực. CKDV chỉ được ghi nhận bằng tiếng nói đích thực của con tim. Những lời khát khao hoài vọng một ngày quê hương thôi máu đổ xương rơi đã được đáp ứng nồng nhiệt bởi tấm chân tình của tuổi trẻ hôm nay.
Khi đất nước tôi thanh bình – tôi sẽ đi thăm
Tôi sẽ đi thăm – thành phố ruộng đồng – đi thăm hầm chông và mã tấu
Khi đất nước tôi không còn giết nhau – mọi người ra phố mời rao nụ cười
Khi đất nước tôi thanh bình – tôi sẽ đi không ngừng
Sàigòn ra Trung – Hà Nội vô Nam – Tôi đi chung cuộc mừng –
Và mong sẽ quên chuyện non nước mình
. . .
Hỡi ơi! Cái chung cuộc ấy chưa hề là một chung cuộc mừng. Ôi! đã là rách nát tang thương hơn! Ai biết được đằng đằng cuộc bể dâu sau này . . .
Trịnh Công Sơn/Khánh Ly như Gió dưới biển hắn dồn vô – Mây trên trời hắn cuốn lại (Dân ca Quảng Bình ). Chưa hề có một buổi sinh hoạt nào mang khí thế lồng lộng, “ấn tượng” đến vậy.
Nữ Hoàng Chân Đất đã ở lại với anh em chúng tôi: Khánh Ly? Không, chưa. Chính là Lệ Mai, Mai voi, Mai đen . . . đã ngồi lại giữa vòng tay bằng hữu chan chứa niềm thương.
Những cái tên gọi, nicknames thân tình, dễ thương như Sơn Què, Giang Đô Lực Sĩ, Lai Cận, Tuấn Còm, Toại Hột Mít, Tấn Mốc, Mai đen (mặn mà duyên dáng) của Lệ Mai (của một thời chưa ăn nói văn vẻ từ một nhân dạng “Khánh Ly ca sĩ”) v.v. đã vầy đoàn, kết thân dễ dàng tự nhiên, không đợi không chờ, không hẹn mà đến.
Có những lần anh em bọn tôi, bốn, năm nam, một nữ (bà hoàng chân đất í) thủ mỗi người một khẩu harmonica bánh mì kẹp thịt chui vào xi nê hạng bét. Mắt dán tịt lên màn ảnh, miệng thổi lia lịa. Cứ thế mà hợp tấu bài Vui Đời Nghệ Sĩ.
Những kỷ niệm chân tình ấy làm sao quên được! Có thể giờ này nữ ca sĩ Khánh Ly đang ở vào một ngôi vị khác, có những tầng lớp ngưỡng mộ khác. Chúng tôi vẫn nâng niu gìn giữ từng kỷ niệm cũ. Cho dù mai đây anh em bọn tôi thất tán người một phương. Kẻ mất đi. Người sống còn với nỗi buồn rầu thương tiếc. Nhưng dầu gì chúng ta đã có một thời. Thời của những kẻ thương yêu nhau thật lòng.
Mai hút Salem như máy và không nề hà bất cứ một cuộc vui bình dân nào. Lệ Mai còn trổ tài nấu nướng ra gì. Và anh em bọn tôi cứ thế mà nhờ . . . vả! Rất nhiều bữa cơm trưa “Bắc kỳ rặt” ở nhà bà ngoại Mai trong khu Bàn Cờ Nguyễn Thiện Thuật được anh-em-tôi tận tình chiếu cố: nào là cá chiên đậu rán, canh rau ngót mồng tơi, cà pháo mắm tôm v.v. đã kết thêm tình đậm đà của đám giang hồ vặt túi rỗng mà lòng đầy trăng mộng.
Những ngày thần tiên diễm ảo cứ êm đềm tiếp nối. Tạm quên những thắc mắc hôm nay và âu lo cho ngày mai. Sáng điểm tâm bánh cuốn, xôi lạp xườn Quán Bờ Hồ (tạm gọi thế, một chiếc quán xinh xắn do anh chị em Ca Đoàn Nguồn Sống dựng trong lòng một hồ bơi cạn nước, cạnh mấy hòn giả sơn khu vườn nhà). Nhởn nhơ đợi bông mười giờ nở, lê la ra quán Cái Chùa. Ở đây có đủ mặt anh hùng hào kiệt tha hồ mà đấu láo bốc phét. Trưa cơm hàng cháo chợ. Có khi xẹt qua làm mỗi đứa một đĩa hầm bà lằng xán cấu trong ngõ hẻm cơm bình dân bên kia đường Nguyễn Trung Trực (khoản này đa số do Tấn Mốc cầm . . . bút ký sổ đoạn trường!). Có khi sang cả hơn vào chén Bà Cả Đọi, hoặc theo Phạm Nhuận lên . . . cao lầu. Chiều bát phố thong dong. Mỏi chân thì trụ ở Chez Madame Avant (quán Phạm Thị Trước) ở đường Lê Lợi, càphê đá trong tay, khói ấm trên môi và mắt lượn lờ theo bao nhiêu cái đẹp trời cho giữa ngày đẹp nắng. Hết ngày giờ lại trở về lo phận sự Quán Văn. Và đêm khuya, lúc khách khứa đã ra về là giờ riêng của chúng tôi. Lại tụ tập ngồi quanh một chậu rượu Rhum pha soda lớn, chuyền tay cốc nhỏ, cùng uống, cùng ngâm thơ, cùng hát cho nhau nghe. Bằng hữu phương xa lại cũng thường vui theo cho tới tàn cuộc. Ở đây đêm ngắn tình dài . . . Lệ Mai vào cuộc vẫn thường ngâm như thế. Một giọng ai nhỏ nhẹ đùa nối điêu – mà sao Hồ Tự vẫn ngồi im re (ý chừng nhắc anh bạn đừng đắp mô lâu quá). Lệ Mai cũng thường thích ngâm và được yêu cầu ngâm thơ Nguyễn Bính: Mai chị về em gửi gì không – Mai chị về nhớ má em hồng – Đường đi không gió mà sao lạnh – Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong . . . Và rồi Trịnh Công Sơn hát, Khánh Ly hát, bọn tôi cùng hát. Có khi dưới trời trăng sao lồng lộng. Có khi dưới cơn mưa tầm tả, xích lại gần nhau sưởi ấm tình bạn bè co ro bên dưới những chiếc dù tơi tả. Hết rượu lại tới bia. Lắm lúc hứng chí, bọn tôi góp gạo Đồng Nai mua vài két bia, đổ hết vào thùng phuy có nguyên cây nước đá. Cứ thế một hai ba chúng ta cùng “dẳm pế chẩu”. Có bạn nực quá múc bia dội vào người tắm luôn (sang hơn thi sĩ Bùi Giáng chỉ tắm được nước máy công cộng)
Nạp đạn
bia lên
bắn ngửa. ngồi nhắm
bói
buông thả nằm tựa vai lưng
bắn
xối xả
uống xối xả
nạp đủ kiểu ào ào
tắm bia
và đạn
đạn trong veo bắn không chết
dộng nước đá vô thùng
cây đứng chờ gió rót
đổ ào xuống
bia
hạn hán mười năm mưa rào
mười lăm năm chục két
đổ ào xuống
đạn
cười ran thơ ngây ở tùy thân
đổ cười vô thùng
dzô
sóng bọt trào dâng ngập rốn
tắm ngợp đời
đường nheo nhắm đạn không hề hấn
lâu ghê lắm
cười
và hát dưới trăng
Bạn có thể mường tượng được một cuộc rong chơi kỳ ảo như thế trong lòng cuộc chiến không?
Có những đêm vui chơi tận tình quá khuya về sáng, cả bọn nằm lăn lóc trên sàn nhà CPS. Trong đó có Lệ Mai, người nữ duy nhất giữa một đám đờn ông con trai mà hôm sau chẳng có ai là sói ai là cừu: tất cả đều bình an vô sự!
Mặt Hồ Dợn Sóng
Một buổi chưa tới giờ cao điểm của Quán Văn. Tôi rủ Nhuệ Giang tản bộ xuống đường Thủ Khoa Huân ăn tối
(chúng tôi vẫn thường luân phiên chiêu đãi cô em bông hồng răng khễnh như thế). Cơm nước xong, Nhuệ Giang về trước lo mở hàng. Tôi tà tà về sau. Đi được hai phần ba đường bỗng nghe ầm ầm trời long đất lở. Việt Cộng pháo kích trời ạ! Thật tình lúc ấy tôi không biết gì. Không nhớ rõ cái gì đã xãy ra. Chỉ có cảm giác thân hình bị nhấc bỗng khỏi mặt đất ném dội xuống mặt đường phía sau. Trong chốc lát, tôi lồm cồm bò dậy ê ẩm người. Và biết mình còn sống. Chẳng biết Nhuệ Giang có hề hấn gì không? Quay về quán thấy thiên hạ nhốn nháo. Giang, Toại, Huỳnh, Tuấn . . . đang lóng ngóng chờ . . . tôi. Hỏi: Có sao không? Đáp: Chắc không sao. Chỉ bị té hơi nặng. Không thấy máu me gì. Vào trong quán, định hồn nhìn lại mới biết mình bị thương. Mảnh đạn (nhỏ) của trái pháo đi quá nhanh xớt một miếng thịt mông của tôi. Máu chưa kịp chẩy. Chỉ thấy một lỗ sâu hoắm lòi trắng xương! Lúc ấy mới thấy sợ và . . . ngất xỉu – từ ấy trong tôi bừng . . .nỗi sợ -. Cứ mỗi lần nghe đạn pháo kích là co rúm người lại!. Chúng bạn hối hả gọi xe cứu thương. Xe đến cấp kỳ hụ còi chở tôi vào Bệnh viện Đô Thành.
Huỳnh, Giang chạy bộ theo xe cứu thương, khóc như ri. (chạy sao lại xe cứu thương!) Tội nghiệp bạn-tôi-em-tôi nay đà khuất bóng. Mà tôi còn đây thương quá giọt lệ tràn ướt mắt môi nào. Ôi thương quá đoạn đời nào. Nhớ tới không khỏi mủi lòng. Tuấn Toại Lai. Giang ơi!
Vào tới bệnh viện, một tai nạn không chờ đợi khác xãy ra: một viên chức cảnh sát thộp cổ tôi trên giường bệnh nghi ngờ mình làm chỉ điểm cho vụ pháo kích! Oan ôi ông địa. Mình thực thà khai báo. Rồi cũng thôi. Bạn bè sau đó xúi tôi đi kiện. Nhưng thôi. Kệ. Kiện ai bây giờ. Kiện củ khoai? Chẳng qua người ta làm phận sự của mình. Thời buổi loạn ly…
Thời gian tôi nằm viện có đông đảo bạn bè viếng thăm. Hoa quả bánh trái ê hề và tấm lòng bằng hữu làm ấm lòng người . . .(ngay) mắc nạn. Bạn bè bên báo giới cũng loan tin vụ pháo kích. Mạ hay tin dữ cũng bươn bả từ Huế vào Sài gòn thăm con. Tội nghiệp mạ. Mừng mừng tủi tủi. Thương ơi là thương!
Toại vào thăm nói đùa: Sơn dọn nhà mới sạch sẽ tươm tất quá, moi cũng muốn dọn nhà như toi. Phỉ phui cái miệng ăn mắm ăn muối nói tầm bậy tầm bạ. Lời đùa cợt bông lơn mà linh thiêng như thật! Không lâu sau đó, Ngô Vương Toại nhà ta cũng phải nhập viện trong một cơn bạo hành thập tử nhất sinh.
Vết thương không nặng lắm. Tôi được về nhà sau mươi ngày điều trị. Lại tiếp tục sinh hoạt với bạn bè. Đó là tất cả sự tích Sơn Què (tên do Lệ Mai đặt).
Sau buổi trình diễn thành công vang dội ở quán Văn/CPS, Trịnh Công Sơn/Khánh Ly tiếp tục ôm đàn ca hát trong khuôn viên các trường Đại Học Sàigòn. Buổi văn nghệ nào cũng thu hút một lượng khán thính giả sinh viên đáng kể. Ca khúc TCS và đặc biệt Ca Khúc Da Vàng đồng vọng khắp nơi. Từ học đường, quán xá, thậm chí nơi quân trường thụ huấn quân sự nhọc nhằn cũng vang vọng lời ca tiếng nhạc TCS. Đấy là hiện tượng, cũng là biểu tượng tuổi trẻ hôm nay trước cuộc chiến tương tàn. Dù quy kết thế nào, miền Nam Việt Nam vẫn bảo đảm được một số quyền tự do tối thiểu, trong đó thiên chức làm người vẫn luôn được tôn trọng. Những buổi sinh hoạt mang hơi hướm “phản chiến” và “bất lợi” của TCS, của một số sáng tác gia trẻ khác vẫn được chính quyền làm ngơ. Và đó cũng là kẽ hở cho phía bên kia xâm nhập tuyên truyền vào lãnh thổ của tự do.
Tình hình chiến sự ngày một căng thẳng. Tình trạng hợp lệ quân dịch của cá nhân TCS cũng rất mong manh. Dù được các bạn bè “ tai to mặt lớn ” che chở, TCS rất sợ phải di chuyển qua các nút chặn an ninh trong thành phố. Mang một thứ giấy chứng nhận hợp lệ tạm trong người cũng có thể bị hốt bất cứ lúc nào. Trừ trường hợp tản bộ loanh quanh phố xá, mắt mũi cảnh giác dòm trước ngó sau (tà tà không sao cả); mỗi lần ai đèo TCS một quãng đường dài đều phải mở tầm mắt nhìn xa trông rộng. Để chi? Để nhìn thấy lố nhố sắc phục cảnh sát/quân đội thì chàng xuống xe lỉnh sang hướng khác! Chả nhẽ cứ tránh né hoài, đã tới lúc TCS theo lời khuyên của gia đình và bạn bè, nhịn ăn, sụt ký, đi trình diện nhập ngũ và được cái giấy chứng nhận tạm hoãn dịch vì lý do sức khỏe.
Phải nói là anh TCS quen biết “lớn”. Bè bạn anh trong chính quyền đã hết lòng che chở cho anh. Bọn tôi cũng dựa hơi anh đôi lần tháp tùng vào những cuộc vui lớn tổ chức bên trong phi trường Tân Sơn Nhất. Một lần đi như vậy đều có xe an ninh hụ còi dẫn đường. Oai ghê chưa? Và hài hước nữa: an ninh lớn không sợ, sợ an ninh nhỏ đứng đường. Một lần tổ chức ở câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc có đông đủ anh chị em văn nghệ sĩ tham gia. Ở đây bọn tôi cũng quen biết và kết thêm một số bạn mới: Tướng Không Quân Phan Phụng Tiên, Đại tá Chẩn . . ., nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh, ca sĩ Không Quân Sĩ Phú, nhà thơ KQ Kiêm Thêm, ký giả Lê Thiệp, Phan Thanh Tâm v.v. Lần khác do Tướng Nguyễn Cao Kỳ mời vào câu lạc bộ Mây Bốn Phương. Kỳ này thu hẹp hơn. Có nhạc sĩ Phạm Đình Chương, bạn thân và đồng hương Sơn Tây với tướng Kỳ và một số ca nhạc sĩ khác. Phe ta có độ mươi người tham gia, có thêm Khánh Ly, nhà thơ/dịch giả Chơn Hạnh Trần Xuân Kiêm, nhạc sĩ Miên Đức Thắng . . . Chủ khách thay nhau ngất ngưỡng lên bục gỗ ca ngâm vui vẻ và nhập tiệc với thực đơn ê hề của ngon vật lạ. Lúc Tướng Không Quân Lưu Kim Cương, một bạn khá thân của TCS tử trận, anh có viết ca khúc Cho Một Người Nằm Xuống nghe nức nở cảm động qua tiếng hát chiêu hồn của Khánh Ly.
Bên trong ngó ngon lành vậy mà bên ngoài TCS vẫn phải tiếp tục né tránh. Để bớt chường mặt, đã tới lúc tôi phải làm cái màn Lê Lai tân thời liều mình cứu . . . Trịnh Công Sơn. Nhờ vào tác người nhỏ nhắn hao hao giống TCS, qua một vài ngón đàn thụ huấn cấp tốc, tôi xâm mình ôm lục huyền cầm đệm cho Khánh Ly hát: từ sân trường Kiến Trúc, Đại Học Khoa Học qua một vài nơi khác sau đó. Dù là lính mới tò te, màn trình diễn bất đắc dĩ chắc cũng không đến nỗi quá tệ vì không thấy ai . . . ném cà chua, trứng thối!
Hoàng Xuân Sơn
Trích phóng bút Cũng Cần Có Nhau, phát hành tháng 10 năm 2013.
Liên lạc: son_hoang42@yahoo.com
Nguồn: Tác giả gửi
[1] Khánh Ly tự thuật về biệt danh “Nữ Hoàng Chân Đất”:
Về biệt danh “Nữ hoàng chân đất”, theo lời thuật lại của Khánh Ly trong băng Video Một đời Việt Nam thực hiện năm 1991, khi chưa có kinh nghiệm ca hát và lần đầu tiên xuất hiện trước một đám đông khoảng một ngàn người, Khánh Ly đã không giữ được bình tĩnh và đứng không vững, phải vịn vào vai Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn nói “bỏ tay ra và đứng hát cho nghiêm chỉnh”, vì run quá, nên Khánh Ly cởi bỏ đôi giày cao gót và đứng chân đất và nhờ đó, đã có thể bình tĩnh để trình bày hết bài hát của Trịnh Công Sơn trong suốt một đêm đó, khoảng 30 đến 40 bài hát trong 1 đêm. Khánh Ly kể về thời kỳ những năm 60 cơ cực, đói khổ nhưng đầy hạnh phúc ấy: “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào. Thời ấy, tôi phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết đến ai cả, mà vẫn cảm thấy mình cực kỳ hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn”.
(theo WIKIPEDIA)
[2] Ca Khúc Da Vàng – Trịnh Công Sơn. Nhân Bản xuất bản 1967
Theo: Sangtao
Gió qua Gác Trịnh: Từ Gác Trịnh đến Hội quán Văn
04/04/2015 00:41
Đó là nơi mà Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã ra mắt những đêm nhạc Trịnh đầu tiên tại Sài Gòn trên cái bục gỗ thấp kê ở bãi cỏ chếch với quán cà phê phên nứa Sài Gòn những năm đầu thập niên 1970, thanh niên nam nữ trên dưới 20 tuổi - đặc biệt là học sinh, sinh viên - rất yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn. Lúc này, chiến tranh không còn xa tít ở ngoại vi thành phố mà đã vọng về Sài Gòn.
Tuổi trẻ xuống đường tranh đấu
Thanh niên mới lớn đều thấm thía sự khốc liệt của cuộc chiến nên thể hiện lý tưởng qua những cuộc xuống đường nuôi khát vọng hòa bình, ước mơ một đất nước không còn đạn bom. Đó cũng là lúc nhạc Trịnh Công Sơn đồng hành với giới trẻ không chỉ bằng những bản tình ca.
Nhạc phản chiến của Trịnh như: Ta đã thấy gì trong đêm nay, Người con gái Việt Nam, Ca dao mẹ, Huyền thoại mẹ, đặc biệt là bài Nối vòng tay lớn được phát vào trưa 30-4-1975 trên Đài Phát thanh Sài Gòn, phổ biến không kém những nhạc phẩm Ướt mi, Diễm xưa, Tình nhớ, Tình xa, Chiều một mình qua phố...
Tuổi trẻ chúng tôi lúc đó, từ con nhà bình dân đến trưởng giả, học sinh, sinh viên ở trọ hay vừa học vừa đi làm, dù trực tiếp tham gia những cuộc xuống đường hay không, đều nếm mùi lựu đạn cay của Mỹ. Một chất cay kinh khủng từ khói thoát ra, lan tỏa trong không khí, không chỉ làm 2 mắt cay xè, chảy nước mắt sống ràn rụa mà khiến bạn phải vục mặt vào hồ nước. Vậy mà đêm đến, những tâm hồn tươi trẻ vẫn hào hứng kéo nhau tới những quán cà phê có dàn máy Akai phát nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly, đơn giản chỉ để uống cà phê, tình tự và nghe nhạc Trịnh. Hết những bản tình ca bay bổng tới sự sôi nổi, thúc giục của các ca khúc phản chiến đều gửi gắm khát vọng hòa bình qua những ca từ và “chất liệu nhạc” đã trở thành thương hiệu Trịnh Công Sơn.
Ta đã thấy gì trong đêm nay
Cờ bay trăm ngọn cờ bay…
Sôi nổi nhất của một thời tuổi trẻ Sài Gòn với nhạc Trịnh có lẽ là Hội quán Văn trong sân Trường ĐH Văn khoa cũ, nằm ở 3 mặt đường Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ) - Lý Tự Trọng (Gia Long cũ), quận 1. Một nhóm sinh viên đã biến khoảng đất trống nhiều cỏ trong khuôn viên trường (sau dời về đường Cường Để, giờ là Đinh Tiên Hoàng) thành nơi tụ tập thanh niên, sinh viên, học sinh.
Một quán cà phê đơn sơ toàn phên nứa cót ép với những chiếc bàn thấp, ghế đẩu được dựng lên. Bàn ghế cũng đơn sơ, cơ động không khác gì quán nhưng không gian cực kỳ sang trọng bởi ở quầy tính tiền luôn chưng một bình hoa tươi màu tím và sau quầy, một cô gái trẻ đẹp, môi hay cười, mắt chớp chớp, tóc dài luôn mặc áo dài màu vàng tên Nhuệ Giang. Cô thu ngân này không cho ai thiếu tiền cà phê nhưng đặc biệt cho tôi và nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn (tác giả của Ở một nơi ai cũng quen nhau, Cô gái treo mùng) thiếu. Và thiếu, có khi... không trả.
Xóa nhòa khoảng cách
Hội quán Văn (về sau gọi tắt là Cà phê Văn) là nơi mà Trịnh Công Sơn và Khánh Ly khi mới từ Đà Lạt xuống đã hát ra mắt những đêm nhạc Trịnh đầu tiên tại Sài Gòn trên cái bục gỗ thấp kê ở bãi cỏ chếch với quán cà phê phên nứa. Để có những đêm nhạc Trịnh cuối tuần vào cửa tự do này, Trịnh Công Sơn đã tập ráp nhạc cho Lệ Mai (tên thân mật của Khánh Ly) vào buổi trưa. Trịnh Công Sơn với cây guitar cũ, Khánh Ly hát mộc và bạn bè ngồi chung quanh.
Tối đến, Trịnh Công Sơn kính trắng gọng đồi mồi, áo sơn mi rộng, quần jeans bụi màu xanh đậm ôm đàn đứng dưới cỏ, cạnh bục gỗ làm sân khấu. Khánh Ly áo dài trắng hoặc màu nhạt đứng trước micro có chân cao. Những đêm nhạc Trịnh bắt đầu lúc 20 giờ. Dưới bãi cỏ đông kín người, đủ thành phần nhưng đông nhất vẫn là học sinh, sinh viên với cà phê trên mặt ghế đẩu làm bàn. Họ ngồi bệt trên cỏ, im phắc. Rồi tiếng dạo đàn của Trịnh Công Sơn bắt tông, tiếng hát Khánh Ly cất lên. Một giọng hát nhựa nhựa, nũng nịu, đớt đớt, khỏe cực kỳ, vang xa, cao vút. Và đó là những run rẩy đến tận đáy lòng khi nghe Ru ta ngậm ngùi, Diễm xưa, Ướt mi, Người con gái Việt Nam, Ta đã thấy gì trong đêm nay…
Những đêm nhạc ấy thu hút hàng trăm, hàng ngàn thanh niên đến uống cà phê và thưởng thức một dòng nhạc không lẫn lộn của Trịnh, được cất cao giữa không gian bay thẳng lên bầu trời đêm bởi một giọng hát mới lạ, độc đáo của Khánh Ly. Nhạc Trịnh, giọng hát Khánh Ly và người nghe là giới trẻ Sài Gòn thời ấy như không còn giới hạn, khoảng cách mà hòa vào nhau, đồng cảm trong rung động, dạt dào những yêu thương, khát vọng, mơ ước…
Nhạc Trịnh Công Sơn từ quán Cà phê Văn được giọng hát Khánh Ly đưa thẳng ra công chúng. Hầu như ai cũng thuộc ít nhất một bài hát nào đó của Trịnh Công Sơn, không cứ gì học sinh, sinh viên, thanh niên nam nữ mà cả người già lẫn em bé ở khắp mọi nẻo đường.
Sự kỳ diệu của nhạc Trịnh Công Sơn không chỉ tồn tại trong ký ức lứa tuổi trẻ Sài Gòn những năm 1970 hay trước đó mà bây giờ, cách 40 năm, người trẻ Sài Gòn cũng còn mến mộ. Đặc biệt, từ khi nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh về với “một cõi”, hầu như dòng nhạc Trịnh càng sống lại, bám sâu vào tâm hồn, cảm xúc của người nghe nhạc của ông ngày xưa và cả hôm nay.
Thanh niên mới lớn đều thấm thía sự khốc liệt của cuộc chiến nên thể hiện lý tưởng qua những cuộc xuống đường nuôi khát vọng hòa bình, ước mơ một đất nước không còn đạn bom. Đó cũng là lúc nhạc Trịnh Công Sơn đồng hành với giới trẻ không chỉ bằng những bản tình ca.
Nhạc phản chiến của Trịnh như: Ta đã thấy gì trong đêm nay, Người con gái Việt Nam, Ca dao mẹ, Huyền thoại mẹ, đặc biệt là bài Nối vòng tay lớn được phát vào trưa 30-4-1975 trên Đài Phát thanh Sài Gòn, phổ biến không kém những nhạc phẩm Ướt mi, Diễm xưa, Tình nhớ, Tình xa, Chiều một mình qua phố...
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly hát ở Hội quán Văn
Tuổi trẻ chúng tôi lúc đó, từ con nhà bình dân đến trưởng giả, học sinh, sinh viên ở trọ hay vừa học vừa đi làm, dù trực tiếp tham gia những cuộc xuống đường hay không, đều nếm mùi lựu đạn cay của Mỹ. Một chất cay kinh khủng từ khói thoát ra, lan tỏa trong không khí, không chỉ làm 2 mắt cay xè, chảy nước mắt sống ràn rụa mà khiến bạn phải vục mặt vào hồ nước. Vậy mà đêm đến, những tâm hồn tươi trẻ vẫn hào hứng kéo nhau tới những quán cà phê có dàn máy Akai phát nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly, đơn giản chỉ để uống cà phê, tình tự và nghe nhạc Trịnh. Hết những bản tình ca bay bổng tới sự sôi nổi, thúc giục của các ca khúc phản chiến đều gửi gắm khát vọng hòa bình qua những ca từ và “chất liệu nhạc” đã trở thành thương hiệu Trịnh Công Sơn.
Ta đã thấy gì trong đêm nay
Cờ bay trăm ngọn cờ bay…
Sôi nổi nhất của một thời tuổi trẻ Sài Gòn với nhạc Trịnh có lẽ là Hội quán Văn trong sân Trường ĐH Văn khoa cũ, nằm ở 3 mặt đường Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ) - Lý Tự Trọng (Gia Long cũ), quận 1. Một nhóm sinh viên đã biến khoảng đất trống nhiều cỏ trong khuôn viên trường (sau dời về đường Cường Để, giờ là Đinh Tiên Hoàng) thành nơi tụ tập thanh niên, sinh viên, học sinh.
Một quán cà phê đơn sơ toàn phên nứa cót ép với những chiếc bàn thấp, ghế đẩu được dựng lên. Bàn ghế cũng đơn sơ, cơ động không khác gì quán nhưng không gian cực kỳ sang trọng bởi ở quầy tính tiền luôn chưng một bình hoa tươi màu tím và sau quầy, một cô gái trẻ đẹp, môi hay cười, mắt chớp chớp, tóc dài luôn mặc áo dài màu vàng tên Nhuệ Giang. Cô thu ngân này không cho ai thiếu tiền cà phê nhưng đặc biệt cho tôi và nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn (tác giả của Ở một nơi ai cũng quen nhau, Cô gái treo mùng) thiếu. Và thiếu, có khi... không trả.
Xóa nhòa khoảng cách
Hội quán Văn (về sau gọi tắt là Cà phê Văn) là nơi mà Trịnh Công Sơn và Khánh Ly khi mới từ Đà Lạt xuống đã hát ra mắt những đêm nhạc Trịnh đầu tiên tại Sài Gòn trên cái bục gỗ thấp kê ở bãi cỏ chếch với quán cà phê phên nứa. Để có những đêm nhạc Trịnh cuối tuần vào cửa tự do này, Trịnh Công Sơn đã tập ráp nhạc cho Lệ Mai (tên thân mật của Khánh Ly) vào buổi trưa. Trịnh Công Sơn với cây guitar cũ, Khánh Ly hát mộc và bạn bè ngồi chung quanh.
Tối đến, Trịnh Công Sơn kính trắng gọng đồi mồi, áo sơn mi rộng, quần jeans bụi màu xanh đậm ôm đàn đứng dưới cỏ, cạnh bục gỗ làm sân khấu. Khánh Ly áo dài trắng hoặc màu nhạt đứng trước micro có chân cao. Những đêm nhạc Trịnh bắt đầu lúc 20 giờ. Dưới bãi cỏ đông kín người, đủ thành phần nhưng đông nhất vẫn là học sinh, sinh viên với cà phê trên mặt ghế đẩu làm bàn. Họ ngồi bệt trên cỏ, im phắc. Rồi tiếng dạo đàn của Trịnh Công Sơn bắt tông, tiếng hát Khánh Ly cất lên. Một giọng hát nhựa nhựa, nũng nịu, đớt đớt, khỏe cực kỳ, vang xa, cao vút. Và đó là những run rẩy đến tận đáy lòng khi nghe Ru ta ngậm ngùi, Diễm xưa, Ướt mi, Người con gái Việt Nam, Ta đã thấy gì trong đêm nay…
Một đêm nhạc cuối tuần mở cửa tự do ở Hội quán Văn. (Ảnh tư liệu do tác giả cung cấp)
Những đêm nhạc ấy thu hút hàng trăm, hàng ngàn thanh niên đến uống cà phê và thưởng thức một dòng nhạc không lẫn lộn của Trịnh, được cất cao giữa không gian bay thẳng lên bầu trời đêm bởi một giọng hát mới lạ, độc đáo của Khánh Ly. Nhạc Trịnh, giọng hát Khánh Ly và người nghe là giới trẻ Sài Gòn thời ấy như không còn giới hạn, khoảng cách mà hòa vào nhau, đồng cảm trong rung động, dạt dào những yêu thương, khát vọng, mơ ước…
Nhạc Trịnh Công Sơn từ quán Cà phê Văn được giọng hát Khánh Ly đưa thẳng ra công chúng. Hầu như ai cũng thuộc ít nhất một bài hát nào đó của Trịnh Công Sơn, không cứ gì học sinh, sinh viên, thanh niên nam nữ mà cả người già lẫn em bé ở khắp mọi nẻo đường.
Sự kỳ diệu của nhạc Trịnh Công Sơn không chỉ tồn tại trong ký ức lứa tuổi trẻ Sài Gòn những năm 1970 hay trước đó mà bây giờ, cách 40 năm, người trẻ Sài Gòn cũng còn mến mộ. Đặc biệt, từ khi nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh về với “một cõi”, hầu như dòng nhạc Trịnh càng sống lại, bám sâu vào tâm hồn, cảm xúc của người nghe nhạc của ông ngày xưa và cả hôm nay.
TỪ KẾ TƯỜNG
Theo: Nld
“Nhiều người không chịu được Khánh Ly hát nhạc Trịnh”
Dân trí Nữ danh ca ví mình và Trịnh Công Sơn là mối tình đầu trong âm nhạc nhưng không có nghĩa là mối tình đó không bao giờ bị thay thế. Khánh Ly nói, cũng có người phê bình thẳng thắn khi nghe bà hát nhạc Trịnh...
Duyên và nợ của “cặp tình nhân trong âm nhạc”- Khánh Ly và
Trịnh Công Sơn đã trở thành niềm cảm hứng của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn
bài viết dưới đủ góc độ của ngòi bút.
Người ta nói, Trịnh Công Sơn sáng tác chỉ dành cho giọng hát
Khánh Ly, và Khánh Ly sinh ra làm ca sĩ cũng chỉ vì… nhạc Trịnh mà thôi. Hoàn
cảnh đất nước chiến tranh khói lửa cùng số phận riêng cô đơn, thiếu tình thương
khiến Khánh Ly sống gần như thân phận của cô gái bụi đời. Lối hát như chơi,
tưởng như dửng dưng, vương sự từng trải, chút bụi bặm của bà khít khao với chất
nhạc Trịnh Công Sơn.
Trịnh Công Sơn - Khánh Ly biểu diễn ở Quán Văn
Sự đồng cảm của hai trái tim nghệ sĩ sinh cùng thời, nhạy
cảm, dễ tổn thương và giàu sự lãng mạn khiến Khánh Ly hát nhạc Trịnh một cách
đơn giản, như sự giãi bày, như kể về chính nỗi niềm của mình. Vì thế, Khánh Ly
từng nói, dù không có bài nào Trịnh Công Sơn viết riêng cho bà nhưng bà cảm
nhận tất cả các ca khúc đều như viết về mình.
Không chỉ gắn bó trong âm nhạc, ngoài đời chuyện tình cảm
giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn cũng vượt xa những nhận định thông thường. Khi
hay tin Trịnh Công Sơn “rời cõi tạm” năm 2001, bà đang sinh sống tại Mỹ đã ngất
và phải vào viện cấp cứu. Bà nói: “Tôi đã chết nửa cuộc đời theo Trịnh Công
Sơn”.
“Ông Trịnh Công Sơn là một nửa đời sống của tôi, khi ông mất
một nửa cuộc đời của tôi cũng mất theo. Tuy là bố mẹ sinh ra tôi nhưng người
cho mình cuộc sống lại là ông Trịnh Công Sơn. Ông là một người ơn đối với tôi,
ông không đơn thuần chỉ là một nhạc sĩ, ông giống như bạn của tôi, anh của tôi,
hơn nữa là một người cha. Tôi nợ ông Trịnh Công Sơn cả đời sống này bởi những
điều ông làm cho tôi nhiều hơn những điều bố mẹ làm cho tôi”, Khánh Ly chia sẻ
với phóng viên Dân trí.
Khánh Ly hát nhạc Trịnh trên sân khấu Hà Nội
Chính vì bóng dáng quá sâu đậm của Khánh Ly trong thánh địa
nhạc Trịnh, mà cho đến thời điểm này, dù nhiều ca sĩ dấn thân vào nhưng số
người “được chấp nhận” cũng chỉ có Hồng Nhung?
Dù có ưu điểm về sức trẻ, sự hồn nhiên, tinh tế và giọng hát
mềm mại, có văn hóa nhưng “cô Bống” của Trịnh vẫn bị những khán giả cực đoan
“nâng lên đặt xuống” bên cạnh tiếng hát Khánh Ly. Họ cho rằng, cách hát làm mới
nhạc Trịnh, “đưa nhạc Trịnh về phía dương” của Hồng Nhung không đúng chất nhạc
Trịnh.
Có thông tin cho rằng, ngay cả ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh- em
gái cố nhạc sĩ họ Trịnh cũng từng không chấp nhận giọng hát thuở ban đầu khi
Hồng Nhung bước về phía nhạc Trịnh?!
Dù rất yêu nhưng nhiều giọng hát sau này vẫn ngần ngại, thậm
chí không tự tin để bước vào thánh địa nhạc Trịnh vì những khán giả cực đoan
chỉ chấp nhận Khánh Ly.
Cặp tình nhân trong âm nhạc cùng đi qua tuổi trẻ hát ca, từng chia ngọt sẻ bùi với nhau
Chia sẻ về vấn đề này, ca sĩ Tấn Minh bày tỏ: “Nếu tôi là cô
Khánh Ly, tôi mong các thế hệ tiếp theo hát nhạc Trịnh. Ngay tức thì chưa thỏa
mãn một số người nhưng nên cởi mở đón nhận luồng gió mới để các bạn trẻ có cơ
hội được hát. Giọng hát qua nhiều năm sẽ trưởng thành và chín chắn hơn chứ
không thể đòi hỏi họ có được ngay sự già dặn như cô Khánh Ly. Bản thân tôi, tôi
muốn ca sĩ hát đúng tuổi.”
Trước tâm sự của ca sĩ Tấn Minh, tại buổi gặp mặt một số
phóng viên mới đây tại Hà Nội, Khánh Ly cởi mở khuyến khích các nghệ sĩ trẻ hãy
làm gì mình muốn, hãy hát nhạc Trịnh nếu yêu thích và đừng suy nghĩ về những
lời khen chê.
“Đồng ý là tôi và ông
Trịnh Công Sơn là mối tình đầu trong âm nhạc, nhưng không có nghĩa là mối tình
đó không bao giờ bị thay thế. Cũng phải có lúc mối tình đầu qua đi để còn yêu
mối tình thứ hai chứ? Tôi không cảm thấy khó chịu khi nghe những người trẻ hát
nhạc của ông Sơn.
Những người trẻ bây giờ dĩ nhiên không thể nào hát giống như
tôi. Hẳn là họ cũng không muốn hát giống tôi và đó là lựa chọn đúng. Họ có
quyền hát theo cảm xúc của mình. Khi phẫn nộ, họ có thể hát ca khúc Da Vàng,
khi đang yêu họ có thể hát những bản tình ca của ông Sơn theo cách riêng của
họ. Chúng ta nên khuyến khích người trẻ hơn là chê bai hay đem họ ra so sánh
với Khánh Ly. Nếu có người nói không ai hát bằng Khánh Ly như thế chưa hẳn tôi
đã vui. Tôi thấy nhận xét đó không còn hợp thời nữa”, nữ danh ca nói.
Bà thẳng thắn khi cho rằng: “Không phải ai cũng nói chỉ
Khánh Ly hát được nhạc Trịnh. Cũng có nhiều người phê bình tôi thẳng thắn lắm.
Có người bảo, tôi không thể chịu được Khánh Ly hát nhạc Trịnh.”
Khánh Ly: "Khi sức đã cạn, lòng yêu của khán giả không đủ đối với mình nữa thì phải đi thôi..."
Khánh Ly cũng tự trào rằng nhiều khi bà cảm thấy…xấu hổ và
sợ người ta bảo “sao vẫn còn bà nội này” sau hơn 50 năm đi hát. Tuổi già không
ai tránh được, chỉ là mình còn yêu cuộc đời này hay không. Bà rất yêu cuộc sống
này và nhận ra cuộc đời không bạc đãi gì mình. Nếu được sống thêm, được làm
những điều mình yêu thích thì đó là ân sủng lớn của bề trên dành cho bà. Nếu
không được thì 1-2 năm nữa, khi sức đã cạn, lòng yêu của khán giả không đủ đối
với bà nữa thì phải đi thôi...
Bà còn nói: “Lúc đó, mình cũng nói như ông Trịnh Công Sơn:
“Dù đến dù đi tôi cũng xin tạ ơn người/ Tạ ơn em đã cho tôi về chốn này để ngồi
xây mãi cuộc vui”. Ông Sơn, ai phụ ông, ông cũng cám ơn. Đối với ông Sơn: “Yêu
em thì lòng chợt từ bi bất ngờ”. Chỉ có tình yêu mới làm cho con người ta có
lòng từ bi thôi. Nếu một ngày tiếng hát của tôi vẫn còn làm được điều gì, dù
rất nhỏ, dù chỉ còn một ngày thôi, tôi sẽ vẫn sống như thế…”
Nguyễn Hằng