Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Quân đội Úc trong chiến tranh Việt Nam


Chiến tranh Việt Nam là cuộc xung đột diễn ra lâu nhất trong thế kỉ 20 mà quân đội Úc tham chiến. Ban đầu, sự tham gia của Úc chỉ đơn giản là viện trợ quân sự, kinh tế cùng với đội ngũ 30 cố vấn quân sự vào năm 1962, tới năm 1965 thì một tiểu đoàn bộ binh được điều động tác chiến và năm 1966 thì một đơn vị đặc nhiệm được điều tới đây. Cuối cùng, vào năm 1972, khi sự can dự trực tiếp về quân sự chấm dứt thì đã

Ban đầu, vào tháng 8 năm 1962, đội ngũ hỗ trợ của Úc chỉ gồm một đội ngũ 30 người trong đội ATTV (Đội huấn luyện binh sĩ Việt Nam của quân lực Australia) vì cho rằng lính Úc có nhiều kinh nghiệm tác chiến trong môi trường rừng rậm hơn, bởi lúc này đã có thâm niên trong việc giúp đỡ Anh Quốc tiễu trừ các du kích Cộng Sản Malaysia trong thời kì "Tình trạng khẩn cấp Malaya". ATTV chịu trách nhiệm huấn luyện cho các binh sĩ địa phương người Thượng chống Cộng mạnh mẽ tại Cao Nguyên Trung Phần (này là Tây Nguyên)

Sau đó vào tháng 5 năm 1965, đơn vị tác chiến trực tiếp đầu tiên được điều tới Việt Nam, đó là tiểu đoàn 1RAR (quân lực Hoàng Gia Australia.) cùng trung đoàn thiết giáp 4th/19th Prince of Wales's Light Horse, các đơn vị hậu cần và được biệt phái vào biên chế lữ đoàn không vận 173 của Hoa Kì, chiến đấu tại Biên Hòa nhưng có phong cách tác chiến vô cùng khác biệt và độc lập so với Hoa Kì.

Tới năm 1966, Lữ đoàn 1 ATF (Lực lượng đặc nhiệm số 1) được điều động tới tỉnh Phước Tuy, 1ATF bao gồm 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 bộ phận đặc nhiệm biệt phái thuộc trung đoàn SAS, 1 phân đội thiết giáp. Sau này vào tháng 12 năm 1967, một phân đội tăng Centurion cũng được tăng phái thêm tại đây. Trách nhiệm của 1ATF là đảm bảo an ninh cho tỉnh Phước Tuy cùng các thị trấn lớn xung quanh.

Ngoài ra, không lực Hoàng Gia Australia cũng tham gia nhiệt tình với 3 phân đội không vận Caribou STOL số 35, phân đội UH-1 Iroquous số 9 và phân đội oanh tạc cơ Canberra số 2 tại căn cứ không quân Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận.

Tới năm 70, theo chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, chuyển giao trọng trách cho quân lực VNCH, hòa hoãn với CHND Trung Hoa của Hoa Kì. quân đội Úc bắt đầu tiến hành rút quân và tới năm 1973 thì các đơn vị tác chiến trực tiếp đã được điều động khỏi Việt Nam hoàn toàn có tổng cộng 60.000 binh sĩ Úc đã tham chiến tại Việt Nam cho tới lúc này. Tuy nhiên một bộ phận của Không Lực Hoàng Gia Australia vẫn đóng quân tại Việt Nam cho các sứ mệnh tải thương, hỗ trợ người tị nạn tới khi miền Nam Việt Nam thất thủ.

Thương vong của quân đội Úc tại Việt Nam là 521 binh sĩ tử thương, 3000 bị thương tật, có 6 người được báo mất tích nhưng tới năm 2009 thì tất cả hài cốt đã được tìm thấy và hoàn táng về Úc.

Nói về quân đội Úc, sử gia nói rằng người Úc đã tham gia chiến tranh Việt Nam với một "khái niệm chiến tranh được cân nhắc kĩ lưỡng."
Cụ thể, lính Úc có chiến thuật tác chiến khác với lính Mĩ rất nhiều. Nếu chiến thuật của quân đội Hoa Kì chủ yếu là tung ra các đợt truy lùng, càn quét bất thần vào các vùng căn cứ của địch hòng lùa đối phương ra rồi dùng hỏa lực yểm trợ vượt trội để tiêu diệt triệt để thì chiến thuật của quân đội Úc lại khá là đối lập so với Hoa Kì
"Các tiểu đoàn Australia là lực lượng tác chiến an toàn nhất Việt Nam. Họ nọ có thể truy đuổi các du kích đối phương mà không để lộ bản thẩn ra cho các cuộc mai phục chết người, vốn đã lấy mạng rất nhiều binh sĩ Hoa Kì...
Các lính Úc trinh sát âm thầm dò theo các dấu vết trong rừng, chọn đường cẩn thận, yên lặng qua các rặng tre dày đặc và bụi lá rối bời. Nhiều khi họ dành tới 9 giờ chỉ để quét một dặm địa hình. Tiến từ từ vài bước một, dừng, nghe ngóng rồi lại tiếp tục như vậy..."
Nhìn chung chiến thuật của lính Úc thiên về du kích và phản du kích chiến. Tiến hành chậm rãi, từ tốn, tránh tối đa chạm trán không cần thiết và chỉ gọi pháo binh yểm trợ, cứu viện khi thực sự cần thiết (như chạm trán đối phương với số lượng lớn). Chiến thuật này chậm chạp nhưng an toàn hơn, gây nên tâm lí sợ hãi cho các du kích đối phương, giảm thương vong cho chính bản thân lính Úc cũng như với dân thường.
Trong các trận đánh lớn, tiêu biểu nhất như trận Long Tân năm 1966, lính Úc cũng tỏ ra rất gan lì. Trong trận đánh này, riêng một đại đôi D của tiểu đoàn 6RAR đã cầm chân được nguyên 1 trung đoàn 275 QGPMN và 1 tiểu đoàn bộ đội chính quy Bắc Việt tăng phái với trang bị chuẩn mũ cối, quần áo kaki màu xanh lá với súng không giật, pháo cối yểm trợ trong vòng 6 giờ cho tới khi tiểu đoàn viện binh tới và truy quét, tiêu diệt đối phương bằng pháo binh yểm trợ.
Ngoài trận Long Tân ra thì quân đội Úc còn có các trận đánh nổi bật khác là trận Bình Ba, trận Coral/Balmore và chiến dịch Bribie.
Tuy thiện chiến và thành thạo trong chiến thuật du kích/ phản du kích như vậy nhưng kiểu tác chiến như vậy cũng có hạn chế. Đó là họ cũng không thể đạt được mục tiêu chạm trán đối phương với số lượng lớn như mình muốn. Cũng như không tiêu diệt, cắt đứt hoàn toàn được các cơ sở hậu cần, tiếp tế phục vụ cho các lực lượng Cộng Sản tại tỉnh Phước Tuy, nên khi lữ đoàn đặc nhiệm 1ATF rút khỏi thì các hoạt động của đối phương lại liên tục mở rộng.
Lính Úc cũng tổ chức khá tốt các chiến dịch dân vận như là tổ chức tái định cư, giúp tái xây dựng các gia đình, khu dân cư bị hư hại trong các chiến dịch lớn của họ. Cũng như hỗ trợ y tế, giáo dục, nông nghiệp, nha khoa... cho thường dân trong khu vực họ đóng quân. Các hoạt động này được tổ chức, vận hành chủ yếu bởi đơn vị ACAU (Australian Civil Affairs Unit). Các hoạt động này tiếp diễn ngay cả khi các lực lượng tác chiến trực tiếp đã rút khỏi Nam Việt Nam vào năm 1973. Người Úc cũng tham gia hỗ trợ di tản cho người tị nạn khi Nam Việt Nam thất thủ năm 1975.
Ảnh: Một đơn vị đặc nhiệm SASR của lữ đoàn 1 ATF, Australia tại Việt Nam năm 1968.
‪#‎Ad69‬

Nguồn: Lichsuhiendai
____________

Trích Lịch sử Sư đoàn bộ binh 5:
http://www.quansuvn.net/index.php?topic=1557.msg21613#msg21613

===
Trên hướng hoạt động của Trung đoàn 5, ta khẩn trương nghiên cứu và chuẩn bị lực lượng để tiến công quân Úc ở Núi Đất. Tháng 8 năm 1966, đoàn cán bộ nghiên cứu mục tiêu quân Úc ở Núi Đất - Bà Rịa do đồng chí Trần Minh Tâm, Sư đoàn phó, phụ trách đã trực tiếp về Long Tân để bám địa bàn, nắm quy luật hoạt động của quân Úc và bàn kế hoạch hiệp đồng tác chiến với lực lượng vũ trang địa phương Bà Rịa. Sau nhiều ngày theo dõi các hoạt động đánh phá càn quét của quân Úc ra các vùng xung quanh ở Long Đất, Đất Đỏ, ngày 10 tháng 8 năm 1966, Ban chỉ huy chung trận đánh, gồm các đồng chí Trần Minh Tâm, đồng chí Đặng Hữu Thuấn (Tỉnh đội trưởng Bà Rịa) họp bàn thống nhất phương án chiến đấu tiêu diệt tiểu đoàn Úc tại khu vực Long Tân.

Để thực hiện quyết tâm chiến đấu, ta sử dụng Trung đoàn 5 và Tiểu đoàn 445 Bà Rịa tổ chức trận địa phục kích tại đoạn đường số 52 khu sở cao su Long Tân, trên một chính diện dài hai ki-lô-mét. Tiểu đoàn 2 - Trung đoàn 5 và một đại đội của Tiểu đoàn 445 được tăng cường B40, một ĐKZ 57, bố trí ở phía nam và tây bắc ngã ba đường Bò - đường số 52 làm nhiệm vụ chặn đầu đội hình địch. Tiểu đoàn 3 bố trí ở tây bắc đường 52 khoảng 800 mét làm nhiệm vụ đánh vào khu đột phá chính diện tại chùa Thất. Tiểu đoàn 1 được tăng cường hai đại đội của Tiểu đoàn 445 bố trí ở bắc đường 52 khoảng 800 mét, làm nhiệm vụ khoá đuôi và phát triển phối hợp cùng Tiểu đoàn 3 tiêu diệt địch tại khu vực quyết chiến điểm. Để đảm bảo phục vụ cho trận đánh, ta bố trí lực lượng vận tải gồm 80 đồng chí thuộc Đại đội Võ Thị Sáu và đội phẫu tiền phương của sư đoàn do đồng chí Hai Phong và đồng chí Nguyễn Đình Kính chỉ huy, trực tiếp tham gia phục vụ Trung đoàn 5. Ngày 15 tháng 8, mọi công tác chuẩn bị cho trận đánh đã được thực hiện xong.

Liên tục trong hai ngày 16 và 17, lực lượng địa phương và tổ trinh sát của sư đoàn dùng cối tập kích vào núi Đất, đắp ụ chôn mìn chặn giao thông trên đường 52, buộc quân Úc tổ chức đi càn quét giải tỏa khu vực Long Tân để ta tiêu diệt. 2 giờ ngày 17 tháng 8, các bộ phận của Trung đoàn 5 đã hành quân vào vị trí xuất phát tiến công sẵn sàng đánh địch.

Ngày 18 tháng 8, từ 6 giờ sáng đến 15 giờ chiếu, các đài quan sát của ta không phát hiện thấy địch có dấu hiệu tổ chức lực lượng càn quét. Chỉ huy trưởng trận đánh Trần Minh Tâm nhận định có khả năng ngày 18 địch không tổ chức càn nên lệnh cho đài quan sát tạm lùi về vị trí Tiểu đoàn 2 và chỉ thị các mũi tiến công, vẫn tiếp tục giữ nguyên đội hình. Nhưng đến 15 giờ 30 phút, tổ trinh sát Tiểu đoàn 2 báo cáo có một đại đội địch đang bí mật tiến về hướng trận địa của tiểu đoàn, cách 650 mét. Phía sau khoảng 1,5 ki-lô-mét có một lực lượng khoảng hai đại đội và bốn xe tăng - thiết giáp đang tiến theo đường 52 về hướng trận địa.

Ta chờ địch vào gần, cách chiến hào mười mét mới nổ súng, tám tên địch bị chết ngay tại chỗ. Trận chiến đấu trở nên quyết liệt, quân Úc lợi dụng hỏa lực trên hai xe thiết giáp bắn xối xả vào đội hình xung kích của Tiểu đoàn 2. Ngay lúc đó, tại vị trí quan sát, Đại đội trưởng đại đội trinh sát Lê Hữu Nghĩa dũng cảm băng mình trong làn đạn địch, dùng B40 tiêu diệt chiếc thiết giáp đi đầu, tạo điều kiện cho khẩu đội ĐKZ của trung đoàn tiêu diệt nốt chiếc thiết giáp thứ hai. Các mũi xung kích của Tiểu đoàn 2 vận động áp sát cận chiến với quân Úc, ta với địch xen cài từng cụm, dùng tiểu liên, B40 lựu đạn giáp chiến, quân Úc hoảng sợ lùi vào bìa lộ cao su, đạp vào bãi mìn của ta bố trí, bỏ xác tại chỗ gần chục tên. Sau 30 phút chiến đấu Tiểu đoàn 2 đã đánh thiệt hại nặng một trung đội địch.

Trên hướng Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 1, bộ đội xuất kích theo hiệp đồng tiếng súng, nhưng lúc này trời đổ mưa lớn, các mũi vận động gặp khó khăn. Địch bắt đầu dùng pháo bắn chặn và bộ phận phía sau của chúng cũng đã bung ra thành hai cánh theo trục đường 52 để tập trung đánh vu hồi vào Tiểu đoàn 2. 16 giờ, Tiểu đoàn 3 và một bộ phận của Tiểu đoàn 1 tiến công địch trên khu vực quyết chiến điểm. Quân Úc vừa cụm lại chống trả, vừa gọi pháo bắn dữ dội vào các mũi tiến công và bộ phận khóa đuôi của Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 445, đồng thời dùng hỏa lực trên xe thiết giáp bắn quyết liệt vào đội hình của Tiểu đoàn 3.

16 giờ 30 phút, tình hình ở các mũi tiến công của ta đều gặp khó khăn do pháo binh và hỏa lực của địch ngăn chặn, ta không thực hành hợp vây tiểu đoàn địch được; quân số của Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 3 thương vong cao. 17 giờ, ban chỉ huy trận đánh lệnh cho các đơn vị rút về vị trí tập kết.

Trận đầu tổ chức vận động phục kích tiêu diệt quân Úc - một đối tượng tác chiến mới trên chiến trường, ta có thiếu sót trong công tác trinh sát nắm địch và bố trí đội hình xuất phát tiến công ở cự ly xa, do đó không hợp vây tiêu diệt gọn được tiểu đoàn địch. Lực lượng ta lại thương vong lớn, hy sinh 32, bị thương 60 đồng chí. Tuy vậy, trận đánh quân Úc tại Long Tân có ý nghĩa rất quan trọng: lần đầu tiên trên chiến trường ta tiêu diệt một đại đội lính Úc, một lực lượng được coi là tinh nhuệ bậc nhất của các chuyên gia chiến tranh chống du kích mà địch thường rêu rao. Trận đánh được tiến hành ngay gần sở chỉ huy dã chiến của trung đoàn Hoàng gia Úc đã gây một bất ngờ lớn cho quân địch, góp phần đập tan ý đồ càn quét bình định của địch trên địa bàn và thúc đẩy phong trào cách mạng của Bà Rịa - Long Khánh tiếp tục phát triển. Trận vận động phục kích quân Úc tại Long Tân đã kết thúc đợt hoạt động mùa mưa năm 1966 của Sư đoàn.


Nguồn: Vnmilitaryhistory
______________

Phim tài liệu: Battle of Long Tan - the Morning After Historical Film - Vietnam War


Tham khảo thêm:

Quân lực Hoàng Gia Úc và cuộc chiến Việt Nam

The battle of Long Tan

Tìm kiếm Blog này