Theo lời ông Thực, quân Trung Quốc đặt bộc phá, giật sập cửa, rồi dùng lựu đạn cay, khí độc, chất hóa học thả xuống các lỗ thông hơi... giết chết hàng trăm người trong pháo đài.
Lời tòa soạn: Mới đây, Tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc đã trắng trợn tung clip tái hiện một cách bịa đặt, xuyên tạc cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 vẫn được truyền thông nước này gọi là: Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam.
Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về những thông tin trong cuộc chiến tranh năm 1979, chúng tôi đã có các cuộc trao đổi với một số người trực tiếp tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tổ quốc.
Chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả loạt bài về Sự thật đằng sau clip xuyên tạc lịch sử trên Hoàn Cầu thời báo.
Bài 1: Chiến tranh 1979: Tướng Lương vạch trần sự bịa đặt trắng trợn
Bài 2: "Nếu bị chặn, quân TQ có thể sẽ phải bỏ chạy như quân Thanh"
Bài 3: Tướng Khảm: TQ tuyên truyền bịp bợm, lếu láo về cuộc chiến 1979
Bài 4: Chiến tranh 1979: Quân Trung Quốc đã nhát gan như thế nào?
Bài 5: Cuộc chiến 1979: Lính Trung Quốc chết vẫn ôm bao khoai lang
Bài 6: Chiến tranh 1979: Vị tướng VN ngồi bình thản giữa mưa pháo TQ
Bài 7: Chiến tranh 1979: "1 lính Việt Nam chống 20 lính Trung Quốc"
Bài 2: "Nếu bị chặn, quân TQ có thể sẽ phải bỏ chạy như quân Thanh"
Bài 3: Tướng Khảm: TQ tuyên truyền bịp bợm, lếu láo về cuộc chiến 1979
Bài 4: Chiến tranh 1979: Quân Trung Quốc đã nhát gan như thế nào?
Bài 5: Cuộc chiến 1979: Lính Trung Quốc chết vẫn ôm bao khoai lang
Bài 6: Chiến tranh 1979: Vị tướng VN ngồi bình thản giữa mưa pháo TQ
Bài 7: Chiến tranh 1979: "1 lính Việt Nam chống 20 lính Trung Quốc"
Khúc bi tráng ở pháo đài Đồng Đăng
Nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 trên mặt trận Lạng Sơn, có lẽ không ai không nhớ tới câu chuyện về hàng trăm chiến sỹ và người dân đã chết dưới tầng hầm của pháo đài Đồng Đăng bởi sự tàn độc của quân Trung Quốc.
Và sau khúc bi tráng đó, chỉ có 6 người sống sót; và, may mắn khi qua một số thông tin, chúng tôi đã tìm được một nhân chứng, một cựu binh trong trận chiến đấu anh dũng này,
Đó là ông Nguyễn Duy Thực, hiện đang trú tại tổ 8, phường Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội.
Ông Thực nguyên là cựu binh trong Đại đội 42, Trung đoàn 4, Sư đoàn 3 đóng quân trấn giữ Lạng Sơn trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.
Đầu năm 1978, ông Thực nhập ngũ và lên huấn luyện ở Lục Ngạn, Bắc Giang. Cuối năm đó, khi Trung Quốc có hàng loạt các hoạt động rục rịch chuẩn bị cho cuộc chiến tranh, nhận rõ âm mưu này, cấp trên đã điều Sư đoàn 3 lên trấn thủ ở Lạng Sơn.
Riêng Đại đội của ông được giao đóng quân trấn thủ tại pháo đài Đồng Đăng.
"Lúc mới hành quân lên biên giới, anh em trong Đại đội 42 chúng tôi đã chia nhau đào công sự, trấn giữ các mỏm đồi.
Tuy nhiên, lán trại mới được dựng lên, vữa bằng bùn đất trát còn chưa khô, mái gianh còn mới cất được có mấy ngày thì Trung Quốc đã huy động hàng chục vạn quân tấn công xâm lược"- ông Thực nhớ lại.
Trong lời kể, ông Thực còn nhớ rõ, 5 giờ sáng ngày 17/2/1979, lúc mọi người đang chuẩn bị tập thể dục thì bất ngờ phía bên kia biên giới, cách chỗ lán trại có vài km, tiếng pháo bắt đầu nổ ùng oàng, ánh chớp sáng rực góc trời.
Liên tiếp những quả đạn vượt qua pháo đài rơi xuống thị trấn Đồng Đăng. Mọi người lúc đó không ai bảo ai, đồng thanh hô to: “Trung Quốc đánh rồi" và chạy nhanh qua kho quân khí, cầm vũ khí, chạy nhanh lên các chốt phòng thủ.
Sau màn rót pháo, chỉ trong phút chốc, quân Trung Quốc rầm rộ tiến vào Đồng Đăng. Đi đầu là xe tăng bò lên bắn vào các cao điểm, phía sau là quân Trung Quốc tiến lên đủ chủng loại, kẻ chạy bộ, kẻ đi ngựa, kẻ ngồi trên xe quân sự tiến lên.
"Lúc đó, chúng tôi bắn một phát đạn B40 phóng xuống đám lính Trung Quốc đầu tiên tiến gần đến pháo đài, tiêu diệt cả tiểu đội.
Những tên gần đó tóc tai cháy xém, mặt mũi lộ vẻ kinh hoảng, ngần ngừ không dám tiến, nhưng ngay tức khắc, họ bị những tên đi sau bắn chết. Quân Trung Quốc rất đông, mặc cho súng đạn vẫn cứ thế tiến lên.
Các loại B40, ĐKZ, AK mà chúng tôi sử dụng, bắn đến đỏ cả nòng mà cũng không xuể trước chiến thuật biển người của quân Trung Quốc"- ông Thực kể.
Đến trưa 17/2, các chốt cố thủ của đơn vị ông từ con đường quanh đồi thông dẫn đến pháo đài cũng lần lượt bị mất và mọi người phải rút vào pháo đài cố thủ.
Trong pháo đài lúc đó, theo con số ông Thực nghe được thì có khoảng 700 người, bao gồm Đại đội 42, một đơn vị cảnh sát dã chiến Đồng Đăng, công an vũ trang, cùng một số người dân chạy loạn tìm lên.
Lương thực dự trữ chỉ có chút ít nhưng quân Trung Quốc tiến vào đã phá sạch, cướp sạch. Bên ngoài, quân Trung Quốc có đến vài sư đoàn, tìm mọi cách, dùng đạn pháo, bộc phá để quyết phá tan pháo đài này.
Ngày 18/2, bị thiệt hại nặng, quân Trung Quốc leo lên các mỏm núi xung quanh rồi từ đó dùng cối, đại liên cùng hỏa lực tầm xa khác bắn cấp tập, yểm hộ cho bộ binh tấn công.
"Nhưng khi bộ binh của Trung Quốc xông lên, lại bị đánh bật, hết lớp này đến lớp khác. Với chiến dịch biển người, không tiếc đạn pháo nên những ngày sau đó, Trung Quốc ồ ạt bắn phá.
Cho dù không được chi viện, thiếu thốn đủ thử, nhất là ánh sáng, nước uống nhưng anh em vẫn kiên cường chiến đấu, bám trụ suốt 5 ngày trời, trụ được cho tới ngày 22/2/1979"- ông Thực nói.
Trong ngày cuối cùng, quân Trung Quốc đã chiếm được tầng trên cùng của pháo đài, chỗ sát đỉnh đồi, liên tục bắc loa gọi hàng. Đáp lại tiếng loa gọi hàng đó, ông Thực vẫn nghe thấy những loạt tiếng súng cùng lựu đạn ném thẳng lên trên của anh em.
Sau khi gọi loa không thành, chúng đặt bộc phá, giật sập cửa lối dẫn xuống tầng dưới, dùng lựu đạn cay, khí độc, chất hóa học thả xuống các lỗ thông hơi, dùng súng phun lửa vào các ngách hầm.
"Vì đông người nên thức ăn thức uống dự trữ của chúng tôi sắp hết, nước cũng không còn nhiều. Đêm 22/2 khi tôi đang cùng mấy người ngồi bên nồi cháo loãng dưới tầng 1 thì bỗng 2 tiếng hai tiếng nổ khủng khiếp nối nhau vang lên.
Cả pháo đài rung chuyển, tiếp đó hàng chục, hàng trăm tiếng nổ chói tai, rung óc. Hơi khói cay xè, đen đặc cuồn cuộn ùa vào từng căn phòng trong pháo đài.
Tiếng kêu nhốn nháo, tiếng trẻ con sặc sụa rồi lặng đi. Mấy anh thương binh kêu nấc lên hai, ba cái rồi lịm..."- ông Thực nhớ lại
Qua ánh lửa, ông Thực thấy phụ nữ, trẻ em nằm la liệt, co quắp, giãy giụa.
"Một thứ khói khủng khiếp xộc vào họng cháy bỏng và lửa cháy bừng bừng, quân Trung Quốc phun hơi độc hóa học và phun xăng xuống đốt, đến đó thì tôi ngất lịm đi"- ông Thực hồi tưởng.
Khi tỉnh dậy, tiếng nổ vẫn ầm ầm, máu ứa ra từ miệng, từ mũi, từ tai, ông Thực bò đi sờ trong đống thi thể người nằm co quắp ấy xem có ai còn sống không.
"Tất cả chiến sỹ cũng như dân quanh vùng chui vào pháo đài lánh nạn lúc đó còn khoảng 400 người đều đã hy sinh. Một cảnh tượng đau đớn mà quân Trung Quốc gây ra cho đến giờ tôi vẫn không thể nào quên được...," ông Thực nói cùng với đôi mắt nhìn ra xa.
May mắn sau đó, ông đã cùng 2 người bò được vào một đường hầm rồi thoát ra ngoài, tìm về được với những người đồng đội bên ngoài.
Trung Quốc đang cố tình xuyên tạc lịch sử
Nhắc lại về cuộc chiến lúc đó, ông Thực liên tục nhắc đi lại nhắc lại việc Trung Quốc sử dụng chiến dịch biển người nên đã huy động một lực lượng quân cùng đạn pháo rất lớn.
Nhưng, từ chính sự quan sát của mình, ông Thực khẳng định rằng, đây không phải là đội quân tinh nhuệ mà chỉ là đội quân ô hợp.
"Chính tôi và đồng đội đã chứng kiến phía sau đám lính là một đội dân binh rất đông di chuyển theo để hỗ trợ mà chính xác hơn là hôi của.
Chúng vào nhà dân bắt gà, bắt lợn chọc tiết, xuống cả ao bắt cá... Chính lán trại phía dưới của chúng tôi cũng bị chúng cướp sạch, đốt sạch. Đám quân ô hợp đó đặt mình, giật đổ, đốt nhà của của người dân.
Thấy đạn pháo của chúng tôi bắn mạnh là chúng cũng không dám tiến lên mà chỉ dám đứng ở dưới ném lựu đạn mà thôi"- ông Thực cho hay.
Địch dùng chiến dịch biển người, súng pháo lớn như vậy, nhưng theo ông Thực, các chiến sỹ của ta vẫn rất kiên cường, anh dũng đáp trả:
"Tôi còn nhớ, khi đó, anh em chúng tôi đã đứng ở cửa pháo đài đồng thanh hô lớn: “Người Việt Nam không bao giờ biết quỳ gối, lũ giặc tới đây, chúng mày sẽ chết”.
Lương thực khi đó chỉ còn là những khẩu phần ít ỏi, nước không có vì dòng suối gần đó đã bị quân Trung Quốc chặn mất.
Trong pháo đài chỉ còn mấy vũng nước đọng bẩn thỉu, đen ngòm nhưng cũng được nhường cho những thương binh. Đói, khát như vậy nhưng anh em vẫn kiên cường, quyết tâm chiến đấu"- ông Thực chia sẻ.
Trong trí nhớ của ông Thực cũng vẫn còn nhớ như in, lúc bấy giờ, một đồng chí tiểu đội trưởng bị mảnh bộc phá văng gãy nát cánh tay nhưng anh tự băng bó, tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Lần thứ hai, anh bị thương vào đùi.
"Mọi người muốn đưa vào trong hầm, nhưng anh kiên quyết: “Tôi còn đủ sức chiến đấu, các đồng chí đừng lo cho tôi”.
Địch ồ ạt xông lên, người tiểu đội trưởng tiếp tục bị trúng đạn vào bụng, nhưng anh vẫn dùng súng AK diệt thêm mấy tên lính nữa mới chịu ngã xuống"- ông Thực kể khi đôi mắt đã đỏ hoe.
Trong câu chuyện sau đó với chúng tôi, ông Thực kể rằng, ông rất bất bình khi nghe thấy một số thông tin được phía Trung Quốc tuyên truyền trên báo chí của họ cho rằng, khi đó, quân Việt Nam đã bỏ thuốc độc vào nước uống.
"Là một người lính may mắn sống sót trở về đến ngày hôm nay, tôi khẳng định rằng, đây là sự xuyên tạc nghiêm trọng.
Không hề có chuyện Việt Nam thả thuốc độc vào nước, mà khi đó Trung Quốc đã dùng chất hóa học, khí độc để thả xuống qua các lỗ thông hơi khi tấn công pháo đài Đồng Đăng.
Hàng trăm người đã chết, đó là sự thực, không thể chối cãi được"- ông Thực nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thực, năm 1979, Trung Quốc bất ngờ huy động hàng chục sư đoàn tấn công trên khắp tuyến biên giới với Việt Nam. Ở Trung Quốc, giới cầm quyền mị dân gọi đây là cuộc “phản kích tự vệ”, để “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Tuy nhiên, lẽ phải không thuộc về Trung Quốc, bởi họ không có lý do nào chính đáng để giải thích cho hành động xâm lược rõ ràng như thế này.
Và họ nói là thắng lợi huy hoàng, nhưng đâu phải như vậy.
"Khi tôi về điều trị do bị thương từ trong pháo đài ra, tôi đã tận mắt được chứng kiến, chúng ta đã đưa rất nhiều các phương tiện, vũ khí hiện đại, tối tân lúc đó lên gần biên giới.
Có lẽ để chuẩn bị cho một cuộc tổng phản kích lớn. Nhưng khi cuộc tổng phản kích chưa diễn ra thì Trung Quốc đã vội phải rút chạy về nước rất nhanh.
Tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đó là sự thật không thể chối cãi và quân dân ta đã phải chống lại một cuộc chiến tranh biên giới to lớn để bảo vệ biên cương Tổ quốc"- ông Thực tái khẳng định.
Một số nội dung trong clip xuyên tạc lịch sử, hiếu chiến của Hoàn Cầu thời báo:
+ Cánh quân phía bên trái cũng anh dũng vượt qua rào cản phòng ngự của quân đội Việt Nam, thọc sâu vào căn cứ ở hậu phương của quân địch (quân đội Việt Nam).
Quân Việt Nam ở Đồng Đăng bị biến thành ba ba trong rọ, bị cắt đứt đường lui. Trung đoàn Anh hùng của Việt Nam lâm vào cảnh mọc cánh cũng khó thoát.
+ Khi chiến tranh nổ ra, những khu vực có nước ở Việt Nam đều bị quân đội nước này thả thuốc độc vào. Nhiều khi, để giải quyết vấn đề nước uống, binh sĩ (Trung Quốc) đã phải hy sinh tính mạng của mình.
+ Cái gọi là đơn vị Anh hùng của Việt Nam mau chóng bị quân đội Trung Quốc dọa cho trợn mắt há miệng. Thi thể lính Việt Nam chết trận phải dùng đến 17 xe tải mới chở hết...
+ Trong cuộc phản kích tự vệ này, quân ta đã chiếm được Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Tuyên và 21 huyện, thị trấn khác nhau của Việt Nam; tiêu diệt 4 sư đoàn, 7 trung đoàn, 25 tiểu đoàn của Việt Nam.
Tổng số binh lính Việt Nam bị tiêu diệt là hơn 50.000 người; 2173 lính đầu hàng; thu giữ 916 khẩu pháo các loại; 16.000 súng, hỏa tiễn; 236 xe ô tô. Quân ta cũng phá hủy nhiều pháo, xe tăng, xe thiết giáp, thu được thắng lợi huy hoàng.
theo Đại Lộ
http://soha.vn/xa-hoi/chien-tranh-1979-tq-tha-khi-doc-giet-400-nguoi-vn-trong-phao-dai-20150313145637381.htm