Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Cảm nhận về cảnh quan và đời sống khu vực biên giới giáp CPC.

Trên đường mình chạy xe máy dọc biên giới từ Kiến Tường LA đến Châu Đốc AG. Có qua 5 của khẩu chính và một số trạm biên phòng (đường tiểu ngạch), ngủ đêm tại 2 cửa khẩu. Thấy biên giới giữa hai nước thường được phân định theo ywj nhiên bằng con kênh, sát nhau hay cách thêm khoảng ruộng đất nữa. Kênh nước và cái cầu, khi thì thuộc bên này VN hoặc có khi thuộc bên kia CPC. Cặp theo là con lộ nhỏ rải đá hay bê tông, xe lớn nhỏ đều đi được. Phía bên Việt Nam dân ở đông đúc, phía CPC dân cư thưa thớt, đôi khi thấy chỉ cánh đồng xa tít tắp rồi mới tới làng mạc. Ở cửa khẩu thì hai bên đều có dân ở dày hơn, đêm nhìn phía bên kia đèn điện sáng choang. Dân CPC ở không dày nhưng nhìn qua nhà cửa, xe cộ thấy họ sang hơn. Có người nói: phía bên kia mấy cửa khẩu lớn đều có sòng bạc, trường gà đá do người Tàu làm chủ. Cửa khẩu nào của VN cũng quy hoạch kiểu "đi tắt đón đầu" cả một khu vực rộng thênh thang chờ lấp chỗ trống...
Bên phía VN, từng đoạn từng đoạn chừng 10-15km có một cơ quan nhỏ của bộ đội biên phòng hay dân quân tuần tra biên giới. Những chỗ có đường bộ, đường thủy mà dân qua lại làm ăn thì có trạm nhỏ biên phòng với barie kiểm soát, do một, hai chú BP của hai bên cùng trực. Dân thường xuyên qua lại, quen mặt nhau nên khỏi trình giấy tờ, dắt xe máy đi qua hoặc chạy chậm qua luôn. Mình có hỏi thủ tục lệ thường, dân bảo: qua cửa khẩu phải có hộ chiếu. Ai chỉ có giấy CMND thì cũng qua được bằng đò đưa sang hoặc đi lối đường nhỏ. Nếu là dân ở xa thì khó còn dân ở miền Tây dễ hơn. Mình thấy nơi đâu là lạ thì hay chộp một hai pô ảnh lưu niệm, không thấy biên phòng ra ngăn cản dù đầu đêm hay chưa sáng. Có lần 5h sáng, mình đã ra bờ sông trước trạm biên phòng, móc điện thoại nháy gần chục phát do trời còn tối nên hình không rõ nên chụp đi chụp lại. Thì có chú thượng uý ra hỏi... và kiểm tra giấy tờ, lão cạo giả nai tám luôn! hehe. Có lần chạy lớ ngớ tìm đường thì cũng bị hỏi, trình CMND xong, mình nói đùa: biết dzẫy tui không chạy thọc vào chỗ các chú đâu...

Vào mùa mưa nên không khi trầm lặng buồn tẻ, dân làm ăn buôn bán ít đi lại. Đêm càng vắng vẻ, chỉ có dân địa phương đi ăn khuya là chính. Trời chưa sáng, đã thấy một tốp đàn ông trai tráng xuống tàu qua bên kia biên giới để bốc vát. Trên cửa khẩu đường bộ, xe máy và xe tải nhỏ đã qua lại. Dân CPC chạy sang VN đi chợ, mua về bán lại. Có xe lôi dân VN chở nước đá cây sang cung cấp cho bên kia. Dân đi sớm lúc chưa mờ sáng, để kịp đánh hàng về và đỡ phiền hà thủ tục. Có lẽ mấy chú trạm tối nhậu nên giấc ấy còn ngái ngủ dễ thông qua hơn. hehe. Có lần trú mưa, mình gặp một ông đi xe máy chở hàng lậu dăm thùng bia Angkor, nước Bò húc từ CPC về. Nhìn thoáng qua là biết loại nhãi nhép kiếm sống qua ngày, mình hỏi: lời bao nhiêu, có tốn gì không anh. Ổng nói: cả đi về mất 5 giờ, kiếm chừng 2-300 ngàn. Qua trạm thì cho chú gác 5-10 ngàn hoặc đôi lần cho 1 gói thuốc hút...
Đã qua cái thời buôn lậu sôi động của những năm thời bao cấp, nào xe máy nghĩa địa, thuốc lá, đồ điện tử, quần áo... ào ạt qua. Giờ chắc chỉ còn 1 phần 5 so với ngày xưa, có lẽ buôn bán nông thuỷ sản qua biên giới là chính. Đời sống dân ngay cửa khẩu thấp hơn trong nội địa. Tuy vậy nhờ buôn bán và làm dịch vụ trung gian nên khá hơn hẳn dân nơi xa thị tứ, chỉ biết làm ruộng, đánh cá, nuôi vịt, làm thuê... Nhìn lúa mọc, biết ruộng vùng này không tốt, nhờ mùa nước nổi bồi dưỡng thêm phù sa cho đất. Dân bảo: có người thuê ruộng đất bên kia để canh tác rồi mướn dân CPC bên ấy làm luôn. Nước bắt đầu rút, dân qua đó thuê lô dọc triền sông kênh rạch, mỗi ki lô mét nộp cho chính quyền xã sở tại 20-30 triệu. Thả lưới vây bắt cá (như kiểu cái đó ở miền Trung nhưng quy mô lớn hơn nhiều). Những năm trước lãi khá lắm nhưng giờ cá cạn kệt, ngày càng ít nên lỗ nên thôi thầu...
Dân vùng biên gồm Việt Khmer Chăm đều có, ở thành làng hay trộn lẫn. Hầu hết là dân nghèo, tay làm hàm nhai. Nhà cửa xây cất chệch choạc, cái nhô ra cái thụt vào. Đa phần nhỏ bé, đơn giản và vẻ như tạm bợ. Phương tiện, có lẽ ngoài ghe xuồng ra (mà không phải ai cũng có) thì cái xe máy là có giá trị nhất. Nhà ven bờ sông bờ kênh thì họ làm thêm cái chòi treo võng nghỉ mát hay đánh cá, chăn nuôi chi đó. Miệt phía Bắc giáp CPC, người Khmer ở nhiều, đồng ruộng đất xấu mênh mông, ít thấy nuôi trâu bò, họ mua thêm phân trâu bò từ bên kia gom về bán đi xa. Phía Tây giáp CPC, người Chăm ở nhiều, đất đai ít nhưng có vẻ tốt hơn, dân còn có vườn cây, trang trại... nên đời sống đỡ hơn. Dân họ nuôi chó thả rông chạy ngoài đường rất nhiều, thường bắt gặp liên tục. Chắc do tín ngưỡng, tập quán dân ở đó không ăn thịt chó...
Cái nhìn chỉ thoáng qua do mình đi xe máy có lúc dừng có lúc lướt qua. Nên thấy sao tả vậy và suy đoán theo cảm quan, chắc chắn là thiếu chiều sâu, có thể hời hợt và võ đoán.
Mình nghĩ cảnh vật, đời sống ấy, nếu vào mùa nắng thì có lẽ dẽ khô không khốc và cuộc sống của dân sẽ khó khăn hơn. Hy vọng, đời sống tương lai của dân vùng này sẽ khấm khá lên!

Tìm kiếm Blog này