Phát hiện lần đầu tiên tại núi Ngọc Linh (tỉnh Quảng Nam và Kon Tum), sâm Ngọc Linh được xem là dược liệu cực quý, giá trị 'đắt hơn vàng'. Vì thế, nhiều người nhảy vô kinh doanh với đủ mọi chiêu trò.
Khi người tiêu dùng khôn ngoan hơn thì những bổn cũ bán sâm Ngọc Linh bị phát hiện hoặc hết “thiêng”. Thế nhưng, nhiều người vẫn bị dính chưởng vì những chiêu trò tinh vi hơn...
Dùng củ tam thất chế thành sâm Ngọc Linh (NL), cho hóa chất tạo mùi vị giả rượu của sâm, nối ghép các loại củ vào đoạn củ sâm NL thật, độn bi sắt vào để tăng trọng lượng, nhập loại sâm Trung Quốc (TQ) có hình thái y như sâm NL...; đó là những chiêu trò vẫn còn “lưu hành” nhưng đã xưa lắm rồi.
Những cú lừa ngoạn mục
Trên thị trường nhan nhản người bán sâm NL từ cửa hàng cho đến online, “hàng xách tay”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và “người trong nghề”, hầu hết loại bán tràn lan trên thị trường hiện nay là giả.
Ông T. - một người chơi sâm “có số má” - tỏ ra bực dọc nói: “Tôi dám khẳng định rằng 90% sâm NL bán trên thị trường hiện nay là không phải nó. Dù đã “khôn” hơn trước, nhưng người mua vẫn bị lừa một cách ngoạn mục. Trong đó, truyền thông vô tình góp phần không nhỏ cho những kẻ buôn bán giả hiệu này”.
Gần đây có những thông tin được tung hô rằng đào được sâm NL tự nhiên khủng, 100 tuổi, giá cả tỉ đồng... song hội chơi sâm NL và các chuyên gia kiểm định loại sâm này tại TP.HCM cũng khẳng định hình thái củ sâm đăng trên một số phương tiện truyền thông gần đây giống sâm NL nhưng không phải. Ngay cả việc xác định củ sâm đó đạt mốc 100 tuổi cũng sai. “Dựa vào 100 mắt sâm để nói 100 tuổi rồi là thiếu chính xác. Củ sâm tôi nhìn thấy có 2 - 3 nhánh, mỗi năm từng nhánh thêm một mắt sâm thì làm gì có chuyện nó 100 năm tuổi”, ông T. lý giải.
Anh C., thành viên Hội Chơi sâm NL miền Trung, tiết lộ: “Hiện nay, một số thương lái TQ kết hợp với người VN mang loại sâm có hình thái rất giống sâm NL ở vùng Vân Nam (TQ) đến trồng một thời gian tại vùng Ngọc Linh hoặc Kon Tum rồi họ hô biến nó thành sâm NL”. Một cán bộ đang công tác ở Hạt Kiểm lâm Nam Trà My, Quảng Nam xác nhận thêm: “Không ít người mang sâm từ những vùng khác đến đây rồi nói với khách hàng là sâm NL. Vì thế, người mua không biết đâu mà lần”.
Dàn dựng kịch bản khai thác được sâm NL tự nhiên rồi quay phim livestream cũng là chiêu trò mới. “Diễn viên” đóng những đoạn video clip này có khi là người dân tộc bản địa khiến người mua rất dễ bị thuyết phục vì tin người đồng bào thật thà. Ngoài ra, các thủ thuật tạo niềm tin bằng cách dựng lên những câu chuyện ly kỳ, bằng mối quan hệ ông to, bà lớn có uy tín trong giới này, ngành nọ.
Một đại gia chơi sâm tiết lộ: “Tôi nghe một thương lái rỉ tai đang có một lô sâm NL tự nhiên do người đồng bào dân tộc Xê Đăng ở Ngọc Linh ăn trộm, bị cơ quan chức năng bắt. Họ nói, nhờ mối quan hệ với “thứ dữ” nên sở hữu được lô sâm này với giá rất mềm. Tôi tức tốc bay ra tìm mua. Nhìn hình thái quá giống liền xuống tiền “hốt” về. Nhưng khi đi kiểm định mới tá hỏa không phải”.
Tin kiểm định cũng có thể... “chết”
Chỉ những chiêu trò như ở trên cũng đủ làm cho người mua dính bẫy, nhưng phương thức kiểm định mới dễ “hớp hồn” nhất. Ông T. nói: “Chết người là chỗ này. Não trạng của người mua thường bị “tê liệt” vì tin vào người bán bao kiểm định, hoặc có giấy kiểm định hẳn hoi. Vì thế họ xuống tiền liền”.
Tôi dám khẳng định rằng 90% sâm Ngọc Linh bán trên thị trường hiện nay là không phải nó
Ông T., một người chơi sâm
Có những loại thảo mộc khác rất giống sâm NL, hoặc ngay cả việc kiểm định gien xác định đúng nó rồi nhưng cái chính là hoạt chất trong củ sâm có hay không, hàm lượng thế nào. Cùng giống sâm NL nhưng trồng ở khác vùng thì chất lượng khác nhau, thậm chí một trời một vực. “Một cặp anh em sinh đôi, nhưng một đứa sống VN, một đứa cho sống phương Tây thì thể chất, tâm hồn sẽ khác”, nhà nghiên cứu sinh học Đoàn Nam Sinh ví von.
Qua những người làm việc tại trung tâm kiểm định có uy tín, chúng tôi còn biết thêm có một lô sâm rất khủng đội lốt sâm NL cũng đang tràn ra thị trường. Giá lô sâm này được chào bán thấp nhất là 20 triệu, cao nhất trên 100 triệu đồng một ký. Theo đơn vị kiểm định này, nhìn hình thái toàn bộ lô sâm giống 99%, kể cả đơn vị khác kiểm định gien cũng đúng sâm NL, nhưng kiểm định hóa học hoạt chất không bằng tam thất hoang. “Cái chết của người mua là bị ru ngủ bởi kiểm định gien”, ông T. nói.
Nhưng ngay cả việc kiểm định bằng phương pháp hóa học, có phiếu kiểm định hẳn hoi cũng chưa chắc người mua bỏ tiền ra mua đáng đồng tiền. “Có một số trung tâm kiểm định không chuyên sâu hoặc bắt tay với người bán cho ra những phiếu kiểm định lập lờ, không chuẩn. Sự thật nhức nhối là hơn 60% sâm NL hiện nay đang được kiểm định bởi những đơn vị đó”, anh H., người của một hội chơi sâm NL tiết lộ.
Ông T. nói rõ hơn: “Có nơi kiểm định ghi trong phiếu kiểm định thời gian lưu mẫu chỉ có giá trị 5 ngày kể từ ngày nhận mẫu. Vậy sau 5 ngày, ai muốn kiện cáo, phàn nàn cần thử lại thì làm sao? Rồi có nơi gom cả 10 - 20 củ, mỗi củ cắt tí mẫu trộn chung lại thử một mẫu ngẫu nhiên. Trong chừng đó củ, chỉ cần lấy đúng vài củ có hoạt chất như sâm NL để kiểm rồi ra phiếu. Kết quả đó làm sao đáng tin được. Tôi dám khẳng định, không dưới 60% dân kinh doanh sâm có phiếu kiểm định sâm nhưng giống như đi mua phiếu khám sức khỏe”.
Một thực tế khác, những lô sâm nếu kiểm định không đạt chất lượng sẽ trả lại người bán. Nhưng hầu hết người bán không tiêu hủy, tìm cách bán cho khách hàng khác. Những người nhẹ dạ cả tin lại dính bẫy, xuống tiền đem về sản phẩm “hạ cám” mà vẫn cứ tưởng “thượng vàng”. (còn tiếp)
Kiểm định gien không phản ánh được chất lượng hoạt chất
Hiện nay, cả nước có một số nơi kiểm định sâm NL bằng phương pháp hóa học và kiểm định gien. Theo TS Lê Thị Hồng Vân, giảng viên bộ môn dược liệu, Trường đại học Y Dược TP.HCM, kiểm định gien chỉ có giá trị về mặt định danh, không phản ảnh được chất lượng hoạt chất của sâm NL. Một mẫu sâm này được chiết bớt hoặc hàm lượng hoạt chất thấp, kết quả kiểm định gien vẫn không thay đổi.
Từng tham gia kiểm định và nghiên cứu sâm NL hơn 10 năm, TS Hồng Vân cho biết: “Chúng tôi kiểm định không chỉ giúp loại hẳn những mẫu không phải sâm NL mà còn xác định được vô số lô sâm NL chất lượng thấp. Gần đây, khách liên tục mang các mẫu sâm đến kiểm. Nhìn rất giống sâm NL, nhưng các mẫu kiểm đều không có M-R2, thành phần saponin chính của sâm VN (quen gọi là sâm NL - PV). Mẫu này khách mua với giá 150 triệu/kg, giá cắt cổ so với giá trị thực của nó. Là nhà khoa học, tôi không thể ngó lơ khi khách hàng mua những lô sâm như thế này”.
Nguồn: Thanhnien