15:35 22/09/2016
Hằng năm, theo truyền thống lưu truyền từ thời xa xưa, giới sân khấu hát bộ, cải lương đều "ốp đoàn" (ngưng diễn) để tổ chức lễ cúng tổ rất trang nghiêm, thành kính. Từ lẽ đó, ngày 4-1-2011 Chính phủ ban hành Quyết định số 13/QĐ-TTg, lấy ngày 12 tháng 8 (âm lịch) hằng năm là "Ngày Sân khấu Việt Nam". Tuy nhiên, kể từ ngày đó, không ít người đã tận dụng "Ngày Sân khấu Việt Nam" để đánh bóng tên, tạo "củ tuổi" cho cá nhân rất hài hước.
Một nghi lễ tôn nghiêm mang tính trọng vọng các bậc tiền hiền đã bị một số nơi biến thành một đám cúng bát nháo, thiếu tín ngưỡng, thừa dị đoan.
Cúng giỗ ai?
Ông Hai "móm" (92 tuổi, cư ngụ tại thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) là người được truyền "ấn hàm và kiếm pháp" tổ nghiệp hát bộ "nhánh Bình Định" cho biết: "Nếu xem việc cúng tổ là một tín ngưỡng thì phải tín ngưỡng cho đúng. Tổ nghiệp rất linh thiêng, không phải ai muốn lập bàn thờ tổ là lập. Cha tôi phải làm lễ thỉnh tổ để xin keo. Tổ đồng ý mới dám giao ấn hàm, kiếm pháp và bàn thờ tổ cho tôi. Từ khi nhận bàn thờ tổ, ngày 12-8 âm lịch hằng năm tôi đều cúng tổ nghiệp mặc dù đã rã gánh từ hơn 30 năm nay. Khi khấm khá thì cúng lớn. Khi eo hẹp thì cúng nhỏ. Cứ đến lệ cúng tổ là đào kép của gánh đang phiêu bạt ở đâu cũng phải về mặc đồ, trang điểm, lên sân khấu hát để cúng khấn tổ nghiệp".
"Đào, kép" mà ông Hai nhắc đến, nhỏ tuổi nhất cũng đã trên... 70 tuổi. Tất cả họ, kể cả con cháu đều không còn hát nữa mà làm đủ thứ nghề để mưu sinh.