Tim thông tin blog này:

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Chiện Tướng loạn cào cào & Thượng tá chiến sĩ đứng đường

Bài đã đăng: Ko phong Tướng quân tâm tư; phong Tướng dân tâm tư...
Cách đây vài năm, nghe Trưởng đồn công an cấp thượng tá đã oải, mới đây biết thêm có ông Thượng tá chiến sĩ đứng đường. Thời oánh Mỹ chỉ vài chục ông tướng, thời bình quân giảm còn 1/3 hoặc1/4 chi đó nhưng tướng tăng liên tục đến hàng trăm. Con số này không tính số lãnh sổ hưu, nếu không có thể là hàng ngàn, trước đây Thợ Cạo gúc thử vài năm liền thì mỗi năm bên quân đội lẫn công an phong hàm tướng năm bảy chục người, có đợt thông tin chỉ có ở báo nội bộ không được đưa công khai (có lẽ ngại dư luận)... Bi giờ tướng tá loạn xạ, Tướng nhà giáo, Tướng nhà báo, Tướng nhạc sĩ, tướng... Tá đứng đường hướng dẫn giao thông, Úy lái xe chở lính lác là chuyện phình phường... Không biết những người mang quân hàm như vậy khi tiếp xúc với đối tác người nước ngoài hay tham gia diễn tập quốc tế, thấy bạn cùng cương vị nhưng quân hàm nhỏ hơn nhiều, họ có ngại ngùng chi hông?!

_____________

Tuanvannguyen:

Những con số tướng lãnh VN: nên hiểu như thế nào?


Nhiều năm trước, một anh bạn làm nghề báo chí nhưng không hẳn là kí giả, đưa ra một nhận xét làm tôi giật mình. Anh nói với tôi: "Ông nói nhiều về lạm phát con số giáo sư và tiến sĩ, nhưng ông không chú ý là VN còn lạm phát về tướng tá." Một tay nâng tách cà phê Trung Nguyên, tay kia anh chỉ ra đường nơi một người cảnh sát giao thông đang làm việc, anh nói: "Có thời nào trong lịch sử VN mà trung tá đứng đường phạt vi phạm giao thông?" Nhưng hôm nọ khi nghe Phùng đại tướng nói không phong tướng thì "anh em tâm tư" (1), giờ tôi mới hiểu một chút tại sao VN có nhiều tướng tá. Tôi phải sưu tầm con số tướng lãnh để trước hết là hiểu vấn đề, và sau là để tham khảo sau này.

Số tướng lãnh quân đội

Con số tướng lãnh hiện chức trong quân đội hình như không được công bố, nên công chúng không biết chính xác được. Đài BBC có nhiều bài viết về tình trạng phong tướng ở VN cũng chỉ đưa ra những con số chung chung như "Con số tướng trong quân đội cũng lên tới hàng trăm" (2). Hàng trăm là bao nhiêu? Thông tin trên wikipedia cho biết đến năm 2008, số tướng trong biên chế là 587 người, nhưng số người còn công tác thì dĩ nhiên ít hơn (3). Con số này có vẻ ăn khớp với một nguồn tin có vẻ "biết chuyện" (4). Theo nguồn tin này thì đến tháng 4/2014, VN có 366 tướng lãnh quân đội, trong số này có 2 đại tướng, 7 thượng tướng, và 272 thiếu tướng.

Thật thú vị! Con số tướng lãnh tại chức của VN như vậy còn cao hơn cả số tướng lãnh của Tàu cộng. Theo Tân Hoa Xã, thì đến tháng 7/2011, Tàu có 191 tướng lãnh (5), và cấp bậc cao nhất là thượng tướng (6).

Ở Mĩ, quân đội chắc đông hơn VN, nhưng số tướng lãnh cũng bị giới hạn. Theo wikipedia, Mĩ có luật giới hạn số tướng lãnh tại chức như sau: 230 tướng bộ binh, 208 tướng không quân, và 60 tướng thuỷ quân lục chiến (Marine Corps) (7). Như vậy, tổng cộng số tướng lãnh của Mĩ tối đa là 498, nhưng hiện nay họ có bao nhiêu tướng đang công tác thì chưa tìm thấy nguồn tin nào để biết. Tuy nhiên, tổng số tướng lãnh Mĩ còn sống (đang công tác và đã nghỉ hưu) là 958 người.

Riêng Việt Nam Cộng Hoà, thì tính từ 1954 đến 1975, chỉ có 164 tướng lãnh (8). Trong số này, 1/3 là được phong từ 1963 đến 1965! Không biết vào năm 1975 thì VNCH có bao nhiêu tướng.

Số tướng lãnh công an

VN có lẽ là nước duy nhất (?) trên thế giới có quá nhiều tướng công an. Con số tướng lãnh công an VN cũng không được công bố. Ngay cả tuần vừa qua, báo chí VN chỉ đưa tin một số người được phong tướng, nhưng không nói đến con số. Có lẽ con số quá tế nhị trong thời điểm hiện tại? Thế nhưng trước đây báo chí cho biết rằng năm 2012 VN thăng hàm tướng cho 48 người, và năm 2011 thì có 58 người. Tuy nhiên, BBC ước tính rằng ngành công an VN "có gần 200 tướng" (9). Nhưng con số này có thể thấp hơn thực tế, vì theo trang wikipedia, thì số tướng công an "đang công tác" [không rõ năm nào] là 350 người (10).
Ở Úc không có tướng tá cảnh sát. Ở Mĩ thì tôi không rõ, nhưng đọc báo không thấy ai đề cập đến tướng cảnh sát bên đó cả. Thời trước 1975, tôi chỉ nghe 2 tướng cảnh sát của Việt Nam Cộng Hoà là ông Nguyễn Khắc Bình (tư lệnh cảnh sát), và Nguyễn Ngọc Loan (tổng giám đốc cảnh sát).

Tóm lại, nhưng con số trên đây cho thấy VN có lẽ là một trong những nước có nhiều tướng lãnh nhất, nếu không muốn nói là nhiều nhất. Thật vậy, nếu cộng số tướng lãnh quân đội tại chức của quân đội và công an, VN có 716 người mang hàm "tướng". Con số tướng lãnh của VN cao hơn Tàu và Mĩ! Điều thú vị là năm 1975, miền Bắc VN chỉ có 36 tướng. Vậy mà chỉ 40 năm sau, con số đó phình ra gấp 10 lần!

Ấy thế mà giới quân đội và công an vẫn muốn có thêm tướng, vì nếu không thì "anh em tâm tư" (1). Từ điển Tiếng Việt định nghĩa "tâm tư" là suy nghĩ ở trong lòng, tức là không nói ra. Tôi nghĩ đáng lẽ chữ "tâm tư" đó nên dành cho người dân đang đóng thuế trả lương và bổng lộc cho các vị, vì quả thật nhiều người thấy VN có quá nhiều tướng. Ở Mĩ, giới báo chí và trí thức hiện đang ta thán là họ có quá nhiều tướng, nhưng nếu họ biết con số tướng lãnh ở VN hiện nay, thì chắc họ sẽ ngậm ngùi và xấu hổ "shut up" (im miệng).

Ở Việt Nam ngày nay, báo chí và giới bình luận thường hay phàn nàn rằng có tình trạng lạm phát giáo sư và tiến sĩ. Nhưng rõ ràng, VN cũng lạm phát số tướng tá quân đội và công an. Điều thú vị là xu hướng lạm phát này nó xảy ra song song nhau, số tướng tá tăng thì số giáo sư tiến sĩ cũng tăng. Nếu lạm phát giáo sư là dấu hiệu của chất lượng giáo dục xuống cấp, thì lạm phát tướng tá nên được diễn giải như thế nào?

===
(1) http://giaoduc.net.vn/…/Dai-tuong-Phung-Quang-Thanh-Khong-p…
(2) http://www.bbc.co.uk/…/vietn…/2014/11/141107_generals_debate
(3) http://vi.wikipedia.org/…/S%E1%BB%91_l%C6%B0%E1%BB%A3ng_T%C…
(4) http://nddat.vnweblogs.com/post/2427/448873
(5) http://news.xinhuanet.com/…/china/2011-07/23/c_131004552.htm
(6) http://www.bbc.co.uk/…/140320_vn_high_rank_general_inflation
(7) http://en.wikipedia.org/wiki/General_(United_States
(8) http://vi.wikipedia.org/…/Danh_s%C3%A1ch_t%C6%B0%E1%BB%9Bng…
(9) http://www.bbc.co.uk/…/vietn…/2014/11/141107_generals_debate
(10) http://vi.wikipedia.org/…/S%E1%BB%91_l%C6%B0%E1%BB%A3ng_T%C…
________________



Xem lại bài:

Ngô Minh:
TƯỚNG TÁ THỜI NAY ?

 (QTXM): Chiều 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng, việc xác định vị trí có nhu cầu hàm cấp tướng tuy đã quy định cụ thể nhưng vẫn chưa thật chặt chẽ. Cụ thể dự thảo Luật CAND (sửa đổi) đã nâng trần và mở rộng diện một số chức vụ có trần cấp hàm tướng so với Luật CAND hiện hành, hầu như tất cả các chức vụ Cục trưởng đều có trần cấp hàm Thiếu tướng, một số là Trung tướng và nhiều chức danh tương đương với chức vụ Cục trưởng cũng có trần cấp hàm Thiếu tướng, Trung tướng…”. Lên tướng để  làm gì ?  Vì đất nước hay vì cá nhân như trong vụ Dương Chí Dũng đưa hối lộ ? Chúng tôi muốn đã là tướng thì phải giỏi, phải được dân phục cả về tài năng chuyên môn lẫn đạo đức. Với suy nghĩ đó chúng tôi  xin in lại bài TƯỚNG TÁ THỜI NAY, mong được bạn đọc chia sẻ.Tuổi thơ ở làng, hễ đứa nào bặm trợn, “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” đến nhà chơi, mẹ tôi hay nói :” Thằng ấy tướng tá lắm”. Đó là một lời khen. Lớn lên đọc sách, rồi trải nghiệm chiến tranh tôi mới hiểu : Tướng tá là những người chỉ huy quân sự giỏi giang, đánh thắng địch, được binh lính và nhân dân yêu mến, truyền tụng.

           Thời nhỏ, tôi cũng đã thuộc tên và vô cùng yêu mến những vị tướng tài ba một thời của đất nước như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Văn Tiến Dũng, Đồng Sỹ Nguyên, Chu Huy Mân, Hoàng Minh Thảo, Trần Văn Trà, Chu Văn Tấn,  Song Hào,  Đinh Đức Thiện,  Hoàng Cầm, Nguyễn Bình, Lê Quang Đạo, Trần Độ, Vương Thừa Vũ, Nguyễn Sơn, Trần Đại Nghĩa.v.v…SSặc biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 10 vị tướng tài nhất mọi thời đại. Tự hào lắm chứ. Tôi là lính trực tiếp của trung tướng Lê Nam Phong , năm 1973-1975, lúc đó ông mới cấp tá, là tư lệnh sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Tôi đã ở trong hầm chỉ huy của ông ở mặt trận Xuân Lộc 4-1975, tôi thấy ông chỉ huy tác chiến rất linh hoạt, tự tin, và hài hước, được cấp dưới  tin tưởng, kính trọng. Có lần ông điện thoại cho chính trị viên Tiểu đoàn 2 tên là Đình đang ở cửa mở Xuân Lộc:” Tôi lệnh cho anh đêm nay phải ăn được cái lồn trâu ấy. Nếu anh không ăn được cái lồn ấy , mai tôi cách chức!”. Tôi cũng đã từng tiếp xúc với Thượng tướng Hoàng Cầm, năm 1975, ông là thiếu tướng, tư lệnh Quân đoàn 4, trong trận giải phóng thị xã Phước Long đầu năm 1975. Tôi rất kính phục ông, chỉ huy thắng trận mà lúc nào cũng cười cười, vui vẻ cham cốc với lính…Hay ông Trần Sự, trong kháng chiến chống Mỹ, ông cấp bậc thiếu tá, tỉnh đội trưởng tỉnh đội Quảng Bình. Ông đã chỉ huy hàng ngàn trận chống trả máy bay, tàu chiến  Mỹ, vận tải hàng ra tiền tuyến của bộ đội, dân quân , thanh niên xung phong trên địa bàn tỉnh, nơi chiến tranh ác liệt nhất. Hay nhà tình báo chiến lược lừng danh Phạm Xuân Ẩn, mới được phong thiếu tướng năm 1990…Tướng tá như thế ai mà không phục !

         Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến năm 1975, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ có 3 đại tướng ( Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng), 3 thượng tướng là Chu Văn Tấn, Trần Văn Trà, Song  Hào, 17 trung tướng . Bây giờ, sau gần 40 năm hòa bình, thì số lượng đại tướng, thượng tướng, trung tướng, thiếu tướng của ngành quân đội đã lên tới 300 người, tăng gấp hàng chục lần. Riêng ngành công an chỉ mấy năm thôi đã có  2 đại tướng là Lê Hồng Anh ( phiên ngang) và Trần Đại Quang.  Bây giờ, riêng tại Bộ Công An đã hơn 180 vị tướng và hơn 200 đại tá . Chỉ riêng năm 2012, có 34 đại tá công an được thăng cấp thiếu tướng, 14 thiếu tướng lên trung tướng, thượng tướng bộ trưởng Trần Đại Quang  lên đại tướng – tổng cộng tất cả có 49 vị tướng. Giám đốc Công an cấp tỉnh đã là thiếu tướng ( xin mở ngoặc: ngành cảnh sát ở các nước như Mỹ, Canada là ngành dân sự, không bao giờ có tướng cảnh sát cả ). Đội trưởng, đội phó một đội cảnh sát giao thông tỉnh, phường thôi cũng đã là thượng tá, trung tá. Đến chị cấp dưỡng cũng có cấp bậc trung tá. Mừng lắm chứ. Vì tướng ta đông đảo, trẻ trung. Bọn muốn cướp nước ta thấy quân đội, công an nhiều tướng tá. Chúng cũng sợ chứ.  Cầu mong  các tướng tá của chúng ta sẽ trung với nước, chặn tay bọn xâm lược Bắc Kinh khi chúng xâm lấn biên cương hải đảo ta một lần nữa.

        Nhưng  ngẫm thực tế tôi lại thấy buồn. Hóa ra lên tá, lên tướng bữa nay chẳng bom rơi đạn nổ, vào sinh ta tử gì. Cứ 3 năm “gọi dạ, bảo vâng” là lên một “hột”… Chuyện phong tướng tá quá nhiều, quá tràn lan làm cho giá trị, sự linh thiêng của chữ “tướng tá” không còn nữa. Người dân nghe giới thiệu “ông thiếu tướng, giám đốc Công an tỉnh” cũng bình thường, như ông giáo viên cấp 3, giáo viên đại học vậy. Ở nơi tôi ở còn có ông tướng  giám đốc Công an tỉnh dính scandan lình xình, làm đề tài bêu xấu cho những người buôn  chuyện.  Nghe tên tướng tá bây giờ, người dân cứ tỉnh bơ , không hào hứng, tin tưởng náo nức như thời chiến tranh ở Quảng Bình, người dân nghe xã thông báo “Thiếu tá Trần Sự, tỉnh đội trưởng sắp về xã mình !”. Nói thế sẽ làm cho nhiều tướng ta giỏi giang bậc bội, tôi  vô cùng áy náy.

           Chuyện buồn nữa là nghe nói cứ một ông lên được Chủ tịch nước hay Thủ tướng mới , tức khắc trong nhiệm kỳ của mình, lại phong các “tướng lĩnh mới của mình” để làm vây cánh, mặc dù tài năng đức độ không hơn ai. Còn tướng lĩnh “của ông trước” thì cho nghỉ hưu, hoặc chuyển sang làm những việc không quan trọng.  Cứ như thế, chất lượng tướng tá ngày càng đi xuống. Đó là nghe nói thế, không biết hư thật ra sao. Lên được một sao thì lương tăng lên cao hơn. Lương của trung tá, thượng tá ( tức ngang trưởng phòng bộ ) bên ngành công an, quân đội cao gần gấp rưỡi  người cùng chức vụ bên các bộ khác. Lương cao như thế nên tướng tá xứ ta bây giờ “há miệng mắc quai”.

          Có một chuyện điển hình cho chất lượng, trình độ nhận thức của tướng ta hiện  nay. Đó là ngày 16 tháng 12/2012, có buổi “lên lớp” về Biển Đông của đại tá, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú Trần Đăng Thanh (của Học viện quân sự), nghĩa là một bậc thầy trong làng chính trị quân sự,  đã truyền giảng lập trường chính trị cho các lãnh đạo đảng ủy khối, lãnh đạo đảng, tuyên giáo, hiệu trưởng các trường đại học, cộng tác chính trị, quản lý sinh viên, đoàn, hội thanh niên các trường đại học cao đẳng tại Hà Nội rằng, “Tôi đi giảng cho tất cả các đối tượng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa hiện nay có rất nhiều nội dung, một nội dung rất cụ thể, rất thiết thực với chúng ta, đó là bảo vệ cái sổ hưu ( NM nhấn mạnh) cho những người đang hưởng chế độ hưu và bảo vệ sổ hưu cho những người tương lai sẽ hưởng sổ hưu!” . Nghĩa là lý tưởng Chủ nghĩa công sản, chủ nghãi xã hội, Trung với Đảng… của của tướng tá bây giờ ( mà giáo sự Trần Đăng Văn Thanh là đại diện) chỉ là cái sổ hưu ! Chao ôi, tướng tá mà nói thế thì nhân dân xin ngã mũ “bai bai…”.

           Thời nào cũng vậy, tướng  tá sinh ra là để cầm quân bảo vệ toàn vẹn biên cương lãnh hải , vùng trời đất nước . Nhưng tướng tá bây giờ “chỉ bảo vệ cái sổ hưu” như đại tá Thanh nói, thế nên bạn bành trướng Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma năm 1988, tiếp tục lấn dần toàn tuyến biên giới phía Bắc từ sau cuộc xâm lược 2-1979, mà không ai lên tiếng, không ai cầm quân xông ra dẹp giặc, là có lý quá ?. Hay tướng tá nhiều thế nhưng ngư dân nước ta đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa,Trường Sa thân thuộc của Việt Nam  luôn bị tàu Trung Quốc bắt bớ, đòi tiền chuộc, cướp bóc…cũng chẳng ai bảo vệ, cũng có lý. Ngày nào cũng có hàng trăm, ngàn tàu cá Trung Quốc vào đánh cá ở vùng biển  của nước ta, thậm chí chúng chỉ cách bờ vài chục hải lý, ngư dân muốn  các tướng lĩnh phải chỉ huy quân lính bắt các tàu cá khốn nạn đó để hỏi tội. Nhưng chẳng ai làm điều đó. Chưa hết. Vì cái sổ hưu đó mà đại tá ca, giám đốc Công an Hải Phòng đã coi việc trấn áp, phá nhà anh Vươn, một người nuôi trồng thủy sản hợp pháp , là “một trận đánh đẹp” ! Vì cái sổ hưu đó mà rất nhiều  cấp tá công an đã tham gia vụ  trấn áp nông dân Văn Giang một cách tàn bạo để cho bọn nhà giàu cướp đất, làm giàu. Thật đau xót cho lý tưởng “Trung với nước hiếu với dân”  mà Cụ Hồ đã dạy !.

             Các tướng lĩnh ơi. Tôi không vơ đữa cả nắm. Nhiều tướng lĩnh căm giận, muốn nổi khùng trước bọn bành trướng Đại Hán lắm, nhưng đã không được làm. Chỉ số rất ít tướng lĩnh dính đến nhưng điều tôi nói trên, Nhưng không phải một con sâu làm rầu nồi canh, mà đã nhiều con sâu như ông Trương Tán Sang , chủ tịch nước đã nói. Nếu không bảo vệ được chủ quyền quốc gia, không bảo vệ được ngư dân đánh cá trên biển của mình, không bảo vệ được “người cày có ruộng”, mục tiêu tối thượng của Đảng,  thì mình mang lon tướng tá mà làm gì ?

_______________


Xem bài dưới, thấy Nghị Thuyền nói rất chi là trúng ý!

Cấp tướng: Thời chiến 36, bây giờ hàng trăm
THÀNH VĂN - THU NGUYỆT - Thứ Sáu, ngày 7/11/2014 - 06:40
(PL)- Tướng là do nhu cầu tác chiến chứ không phải sản xuất kinh doanh hay giảng dạy.
Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ sự băn khoăn đối với những quy định về quân hàm, cấp bậc tướng tá khi thảo luận dự thảo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân và Luật Công an nhân dân sửa đổi ngày 6-11.
Địa bàn trọng điểm, vị trí ưu tiên là tướng?
“Vì sao chúng ta lại phong tướng nhiều như vậy? Thời chiến chúng ta có 36 tướng thế mà vẫn đánh tan những đế quốc ghê gớm như Nhật, Pháp, Mỹ. Vậy thời nay nhu cầu phong tướng của chúng ta là gì? Phải chăng phong tướng nhiều để lãnh đạo quân đội tốt hơn? Nếu tăng cường cho sức mạnh quân đội thì chúng ta có thể phong tướng gấp 10 lần ngày xưa, tức là 360 tướng, phải chăng quân đội chúng ta mạnh gấp 10 lần?” - ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói và thẳng thắn cho rằng “phong nhiều tướng chưa chắc đã được dân đồng tình”.
Chia sẻ ý kiến trên, ĐB Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) cũng phản ánh rằng khi tiếp xúc cử tri rất phàn nàn là tại sao việc phong quân hàm cấp tướng nhiều thế. “Khe hở của chúng ta dẫn đến phong quân hàm cấp tướng nhiều là do quy định “ở địa bàn trọng điểm, vị trí ưu tiên thì cấp bậc có thể cao hơn một bậc. Cuối cùng thì hầu như tất cả trưởng công an quận, huyện ở một số địa phương đều là đại tá và tất cả giám đốc công an cấp tỉnh đến giờ không còn đại tá nữa. Cuối cùng thì tất cả 63 tỉnh, thành đều trở thành trọng điểm hết…” - ông Thịnh phân tích và đề nghị “bịt kín” lỗ hở này bằng những quy định cứng trong luật chứ không cho ngoại lệ, đặc biệt gì nữa.
Tâm tư và xúc động, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) cho hay cả nước còn đó hàng triệu gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh... phải chịu đựng nỗi đau, vật vã chống chọi lại thương tật nhưng QH không có luật nào dành cho họ. “Tôi tha thiết mong QH hãy nhìn vào sự hy sinh của hàng triệu gia đình để cân nhắc, nhìn vào họ để quyết định. QH cũng không nên làm mất thêm nhiều thời gian, tiền của của nhân dân nữa mà hãy cân nhắc thấu đáo thông qua dự luật ngay trong kỳ họp này” - bà Dung đề nghị.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thẳng thắn cho rằng “phong nhiều tướng chưa chắc đã được dân đồng tình”. Ảnh: CTV

Giảng dạy, kinh doanh sao lại cần tướng?
Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, khi trình, cơ quan soạn thảo đề xuất chủ nhiệm khoa Mác-Lênin, chủ nhiệm khoa Quân chủng là thiếu tướng. Nhưng quá trình thẩm định lại đề nghị giảm xuống là đại tá nên ban soạn thảo kiên trì bảo vệ và đề nghị đưa ra xin ý kiến QH.
“Ban soạn thảo chúng tôi rất tâm tư… Ai cũng muốn về chỉ huy quân sự, làm tư lệnh, chỉ huy, huấn luyện, lăn lộn thực tế… chứ anh em không muốn ở lại trường. Học giỏi mới được ở lại trường nhưng ở lại trường thì anh em tâm tư. Vì chấp hành nhiệm vụ nên anh em ở lại, ra trường cùng nhau, anh về đơn vị lên mấy bậc quân hàm rồi anh thầy giáo vẫn thế. Nếu QH cho phép giữ lại thì chúng tôi rất mừng” - ông Thanh bộc bạch.
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng khoa Mác-Lênin ở Học viện Quốc phòng được xem là nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước, trang bị cho người học tư duy tầm chiến lược. “Khoa Mác-Lênin mà không được coi trọng bằng các khoa khác thì các thế lực xấu có thể xuyên tạc rằng chúng ta đã có phần phai nhạt tư tưởng Mác-Lênin. Vì vậy tôi đề nghị trần quân hàm chủ nhiệm khoa Mác-Lênin là thiếu tướng” - ông Phương nói.
Không đồng tình với ý kiến trên, ĐB Thuyền cho rằng giảng dạy thì người ta cần hàm giáo sư, tiến sĩ chứ không phải tướng. “Tôi nghĩ những đơn vị giảng dạy cần rà soát lại cho phù hợp. Hay như các đơn vị kinh tế mà vẫn phong tướng thì không ổn. Đối với các đơn vị này, có thể phong người đứng đầu cấp đại tá là được. Tướng là do nhu cầu tác chiến chứ không phải sản xuất kinh doanh. Cần cân nhắc để hạn chế phong tướng” - ông Thuyền nói.
ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) cũng cho rằng đối với các nhà trường hàm cấp tướng cũng cần nhưng không phải tuyệt đối. Vì vậy không nhất thiết phải quy định phong cấp tướng ở đây. “Nếu chúng ta làm theo cách này thì giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia TP.HCM phải là ủy viên Bộ Chính trị bởi vì ông ta toàn dạy ủy viên Bộ Chính trị hay sao?” - ông Thành thắc mắc.
Khống chế cấp tướng quân đội không quá 415
“Các đồng chí giải quyết thế nào để khi chúng tôi là ĐB về giải thích cho cử tri thì họ thông suốt. Còn nếu xác định phong tướng để giải quyết chính sách thì chúng ta nên tách tiền lương ra khỏi quân hàm, để những người không được phong tướng họ được tăng vượt khung thì tốt hơn. Ngày xưa một ông tướng thì anh em còn biết, nghe thiếu tá là ghê gớm lắm rồi, giờ tướng nhiều quá. Đề nghị có sự cân nhắc để chúng ta giới hạn việc phong tướng để nhân dân đồng tình” - ông Thuyền nói.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nhận xét, theo dự thảo thì tổng số cấp tướng không giảm mà tiếp tục tăng. “Mong muốn giảm tướng xuống nhưng đề nghị lại tiếp tục tăng lên” - ông Sơn nói và khẳng định Bộ Chính trị khống chế cấp tướng Bộ Quốc phòng không quá 415, nếu tiếp tục nâng sẽ phá vỡ các vị trí khác. Vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu trước khi thông qua.
Quân đội có ba đại tướng, công an có một
Tại báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý hai dự thảo luật liên quan, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng việc quy định quân hàm đại tướng với bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và của tổng tham mưu trưởng là phù hợp. Bởi tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm.
Ngược lại, Ủy ban Thường vụ QH không tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc thêm một hàm đại tướng cho thứ trưởng thường trực Bộ Công an. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH đồng ý với đề nghị nâng trần cấp bậc hàm đối với giám đốc Công an TP Hà Nội, Công an TP.HCM lên trung tướng. 
Phải quy định điều kiện giáng cấp
Theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), luật đã quy định về thăng cấp bậc thì phải đi kèm cả quy định giáng chức sĩ quan không hoàn thành nhiệm vụ, mắc vi phạm. “Sáng nay, tôi nghe tin bộ đội biên phòng một tỉnh đình chỉ cùng lúc bảy sĩ quan vi phạm. Nhiều địa phương tình hình an ninh trật tự phức tạp, vi phạm pháp luật kéo dài nhưng người đứng đầu ở địa bàn đó không bị trách nhiệm gì cả. Biên giới Việt-Trung hàng lậu sang nhiều thế mà công an, bộ đội biên phòng, chức năng địa phương có bị trách nhiệm gì không, nếu không thì tình hình buôn lậu mãi mãi như thế. Phải quy định điều kiện giáng chức, giáng cấp” - ông Nam đề nghị.
THÀNH VĂN - THU NGUYỆT

Chiện bác già công dân ưu tú Thủ đôbáo chí ì xeo, nhiều người ngưỡng mộ nhưng hổng biết có bạn trẻ nào noi gương bác? 

 

Công dân ưu tú Thủ đô Lê Đức Đoàn khóc trong ngày làm việc cuối

Trong ngày làm việc cuối cùng, Thượng tá Cảnh sát giao thông Lê Đức Đoàn - công dân ưu tú của Thủ đô vẫn lặng lẽ hoàn thành công việc trên chốt giao thông cầu Chương Dương. Cuối giờ chiều, anh đến chào tạm biệt anh em phóng viên báo chí ở quán bia vỉa hè trên phố Cửa Nam.
>> CSGT ngăn chặn cô gái định nhảy cầu Chương Dương tự tử trong mưa
Thượng tá Lê Đức Đoàn, sinh năm 1959 tại Ý Yên, Nam Định. Trước khi tham gia vào lực lượng Công an nhân dân ông đã có một thời gian được đào tạo tại trường cảnh sát Liên Xô cũ. Từ khi trở về đến nay, ông đã có gần 40 năm gắn bó với lực lượng cảnh sát giao thông, trong đó có tới 20 năm giữ nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông trên cầu Chương Dương.
Ngày cuối cùng làm việc, ông vẫn tận tụy với công việc thường nhật của mình.
Ngày cuối cùng làm việc, ông vẫn tận tụy với công việc thường nhật của mình.

Cả đời làm việc trong ngành Công an, Thượng tá đã được phong tặng rất nhiều danh hiệu cao quý, trong đó vinh dự nhất đó là danh hiệu công dân Thủ đô ưu tú (năm 2012), được Thủ tướng trao tặng bằng khen (năm 2013) và Chủ tịch nước trao tặng Huân chương chiến công (năm 2014).

Biết tin ngày 31/10 là ngày làm việc cuối cùng của Thượng tá Lê Đức Đoàn, rất nhiều người đã đến chào tạm biệt, trong đó có rất đông anh em phóng viên. Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội đã có mặt từ sáng sớm tại nút Nam cầu Chương Dương, tặng hoa, chúc mừng.

Không chỉ có vậy, nhiều người dân thường xuyên di chuyển qua nút Nam Chương Dương khi biết tin ông nghỉ hưu đi qua đây đều bày tỏ sự luyến tiếc, họ luyến tiếc một chiến sĩ cảnh sát giao thông tận tụy, hết lòng vì công việc, hết mình vì cộng đồng.

Chia sẻ với phóng viên, Thiếu úy Phạm Gia Hợp, một cán bộ cảnh sát trẻ thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 1 nói: “Thượng tá Đoàn dù tuổi đã cao nhưng vẫn vô cùng tâm huyết với nghề, trong mỗi tình huống xảy ra trên cầu ông luôn là người tiên phong giải quyết dù là việc nhỏ như đưa người già, trẻ em qua đường hay việc lớn như xe ô tô chết máy, va chạm giao thông hay thậm chí ông còn là người cứu giúp rất nhiều người có ý định tự tử trên cầu. Đó là trong công việc, còn với các đồng nghiệp ông luôn là người hòa đồng, tận tụy chỉ bảo cho những chiến sĩ trẻ”.

Trong suốt 20 năm công tác tại nút giao thông Nam Chương Dương, ngoài công việc chính là điều tiết giao thông , Thượng tá Đoàn đã thuyết phục và cứu được khoảng 40 người có ý định nhảy cầu tự tử, cứu giúp vô số những người bị tai nạn giao thông, trong đó có cả những nhà báo...

Hạnh phúc của ông chính là khi những người được ông cứu giúp mỗi khi đi qua chốt lại niềm nở chào vị ân nhân.

Thượng tá Đoàn ngậm ngùi: "Khi biết tin hôm nay là ngày làm việc cuối cùng, có rất nhiều người đến hỏi thăm, từ sáng đến đầu giờ chiều đã có hơn 100 tin nhắn và cuộc điện thoại. Đó thực sự là một niềm tự hào nghề nghiệp mà không phải người nào cũng có được".
Thượng tá Đoàn xúc động khi chia sẻ với phóng viên PetroTimes trong ngày làm việc cuối cùng.
Thượng tá Đoàn xúc động khi chia sẻ với phóng viên PetroTimes trong ngày làm việc cuối cùng.

Trong ngày cuối trước khi được nghỉ hưu theo chế độ, Thượng tá Lê Đức Đoàn vẫn hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm với công việc tới giờ phút cuối cùng. Những động tác phân luồng, điều khiển giao thông vô cùng dứt khoát, linh hoạt, người cảnh sát giao thông này đã cùng đồng đội đã giúp cho nút giao thông huyết mạch này luôn đảm bảo thông thoáng, không xảy ra sự cố.

Ông xúc động nói với đôi mắt ươn ướt: "Đến giờ phút này tôi không còn tiếc nuối bất cứ điều gì, tuy có một chút buồn và hụt hẫng vì 20 năm là quãng thời gian gắn bó không hề ngắn với công việc này. Nhưng những gì tôi cống hiến trong suốt những tháng ngày công tác khiến tôi cảm thấy vô cùng hài lòng và mãn nguyện. Giờ tuổi cao sức yếu, tôi muốn dành vị trí này cho những cán bộ cảnh sát trẻ..."

Ông cũng hy vọng nhưng cán bộ, chiến sỹ trẻ sẽ cống hiến hết mình để xứng đáng với hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân. Còn ông, cả cuộc đời cống hiến cho xã hội, giờ là lúc ông dành thời gian chăm sóc gia đình nhỏ, vui vầy bên vợ con và đứa cháu nội 2 tuổi của mình. Nói đến đây ánh mắt người cán bộ già ánh lên vẻ mãn nguyện và hạnh phúc

Cuối ca trực, người thượng tá già tận tụy đứng nhìn một lần nữa chốt giao thông quen thuộc của mình. Dòng người vẫn tấp nập ngược xuôi. Mắt ông ươn ướt.

Theo Cẩm Tú - Thùy Linh
Petrotimes/Dantri

Công dân ưu tú Thủ đô Hà Nội” Lê Đức Đoàn nghỉ hưu
QĐND - Thứ sáu, 31/10/2014 | 16:37 GMT+7
QĐND Online - Sáng 31-10, dòng người và xe tấp nập qua cầu Chương Dương. Đứng ở vị trí quen thuộc, Thượng tá CSGT Lê Đức Đoàn – “Công dân Thủ đô ưu tú Thủ đô” vẫn cùng đồng đội điều hành giao thông như mọi khi. Ít người biết, từ ngày mai, ông sẽ nghỉ chờ hưu ...
Gần gũi giữa đời thường
Dòng sông Hồng vẫn lặng lẽ trôi giữa tiết trời cuối thu dịu mát, nhưng sức nóng về giao thông trên cầu Chương Dương không bớt đi cái hối hả thường nhật. Mỗi sáng chứng kiến lưu lượng người, xe qua lại trên cầu cũng đủ biết cây cầu đang quá tải và chỉ cần một sự cố nhỏ cũng gây ách tắc nghiêm trọng. Ở chốt phía Nam cầu Chương Dương - nơi mà giao thông hết sức phức tạp, Thượng tá Lê Đức Đoàn - vẫn cần mẫn đứng chốt làm nhiệm vụ bất kể trong nắng, trong mưa. Hình ảnh người công dân Thủ đô ưu tú đã cứu biết bao người nhảy cầu Chương Dương tự tử từ lâu đã trở nên quen thuộc, gần gũi với người dân. Hình ảnh các cháu thiếu nhi vai đeo khăn quàng đỏ mỗi khi qua cầu đều muốn bố mẹ đi sát thật gần để miệng líu lô “cháu chào bác Đoàn”, hay những người lái xe, những cụ về hưu… khi đọc những mẩu chuyện cứu người cảm động của Thượng tá Lê Đức Đoàn đều muốn đến thật gần để bắt tay và chụp một tấm ảnh lưu niệm với người “nổi tiếng” vẫn diễn ra.
Những hình ảnh của Thượng tá Lê Đức Đoàn ngày làm việc trước khi nghỉ chờ hưu.
Hiếm có một công dân Thủ đô ưu tú nào được nhắc nhiều như Thượng tá Lê Đức Đoàn. Mỗi việc tốt diễn ra khi cứu người được báo chí đăng tải đã đành, còn có hẳn một trang web mang tên “Những người hâm mộ Thượng tá Lê Đức Đoàn” đăng tải những mẩu chuyện cứu người đăng tải báo chí và những câu chuyện thường nhật cao đẹp của con người ông. Trang web này thu hút hàng vạn lượt người quan tâm theo dõi mỗi ngày, trong đó phần lớn là các bạn trẻ. Ở trang web này, khi nhắc đến Thượng tá Lê Đức Đoàn, các bạn trẻ đều dành những tình cảm chân thành với những việc mà Thượng tá đã cống hiến cho cộng đồng.
Bồi dưỡng, truyền thụ kinh nghiệm cho thế hệ kế tiếp
Những ngày làm việc trước khi nghỉ chờ hưu của Thượng tá Đoàn còn có thêm những người lính trẻ ở bên để học tập kinh nghiệm điều tiết giao thông rất đặc thù của cầu Chương Dương. Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 1, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67), Công an TP Hà Nội chia sẻ: “Với nút giao thông phía nam cầu Chương Dương, nơi có lượng người và xe tham gia rất lớn, thì cách điều tiết giao thông để tránh ùn tắc cũng cần phải có kinh nghiệm và tâm huyết như Thượng tá Lê Đức Đoàn”.

Cũng theo Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, khi Thượng tá Đoàn nghỉ hưu theo chế độ, đơn vị cũng rất lo lắng khi tìm cán bộ, chiến sĩ đủ tâm huyết và kinh nghiệm giao nhiệm vụ trực trên chốt phía nam cầu Chương Dương. Mấy ngày qua, người Đội trưởng chỉ huy cũng mặc thường phục để không tạo sức ép, lặng lẽ hòa vào dòng người, quan sát quy luật giao thông trên cầu, quan sát những người lính trẻ, dìu dắt từng động tác điều tiết giao thông vừa thân thiện vừa cởi mở, xua tan nỗi bực dọc vì đường đông, kẹt xe một cách hợp tình, hợp lý.
Mỗi lần được hỏi về những câu chuyện cứu người, Thượng tá Đoàn đều nói về Tổ bảo vệ cầu Chương Dương. Ông cho rằng, CSGT chỉ trực trên cầu theo ca kíp, nhưng tổ bảo vệ cầu mới có mặt 24/24 giờ để vừa bảo vệ an toàn cho cây cầu huyết mạch, vừa làm những việc làm nhỏ nhất như đẩy xe chết máy tránh ùn tắc, tham gia cứu người định nhảy cầu và phối hợp với CSGT hướng dẫn điều tiết giao thông…

Đôi khi đang làm nhiệm vụ, Thượng tá Đoàn lại phải dừng tay, tiếp đón nhiều vị khách đặc biệt. Có ông cụ, nhà ở Đội Cấn hơn 80 tuổi còn đi xe máy lên tận cầu Chương Dương để tặng một bài thơ. Hay anh chàng trót mắng vợ để đến nỗi phải lên cầu Chương Dương tự tử được cứu cách đây 3 năm vẫn thi thoảng mang biếu một bình rượu táo mèo với lời dặn: Vợ con bảo để “bố Đoàn” uống cho dẻo dai gân cốt… Hình ảnh người "hâm mộ" tìm đến Thượng tá Đoàn quen thuộc đến độ, chỉ cần họ dừng xe trên bãi trống phía nam cầu Chương Dương là tổ bảo vệ đã có sẵn ấm chè thơm để Thượng tá Đoàn tiếp khách...
Ngày nào cũng vậy, luôn có những cánh tay chào Thượng tá Đoàn khi đi qua cầu, vẫn có những ánh mắt trìu mến thân thương và nụ cười thân thiện dành cho người chiến sĩ CSGT. Những phần thưởng của cộng đồng đó mãi là vô giá với những người luôn biết hy sinh vì cộng đồng như Thượng tá Lê Đức Đoàn.

Thượng tá Đoàn cho hay, bây giờ, khi đã hoàn thành nhiệm vụ cống hiến hơn 40 năm làm CSGT, ông vẫn trăn trở và nguyện cống hiến hết mình khi Tổ quốc và nhân dân còn tin tưởng.
Bài và ảnh: PHAN ANH – DƯƠNG HIỆP

 

Tìm kiếm Blog này