Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2023

Biên giới của quốc gia còn tình người thì không biên giới.

Mình hiểu ra điều này từ năm 1978 khi đóng quân ở Ngả ba Đông Dương, có dịp tiếp xúc với người tỵ nạn Campuchia. Gần đây 2019, đã chạy xe máy một mình dọc đường tuần tra biên giới ở Miền Tây. Thôi thúc từ ký ức xưa một thời sống và chiến đấu ở CPC, đi như trả món nợ ân tình. Đi để được nhìn tận mắt và hít thở cái không khí của vùng biên giới. Mình đã đi ngang qua 5 cửa khẩu lớn nhỏ và một số trạm biên phòng, chốt dân quân địa phương.
Ngoài con đường chính ngạch còn lại là rất nhiều con đường tiểu ngạch dọc biên giới để dân đi lại sinh sống và giao thương. Rào dậu ở cửa khẩu để làm cảnh thôi, ở những nơi khác không vật gì ngăn cách để biết đó là ranh giới hai nước. Bên VN công sở của hải quan bề thế hoành tá tràng, bên CPC chỉ là cái nhà nhỏ. Qua cửa khẩu, thấy bộ mặt quan trọng hóa của hải quan VN, phát ghét. Tại sao phải vậy. Bên Cam thì cũng nghiêm túc nhưng thân thiện dễ thương.
Đường tuần tra biên giới không phải đi bộ như xưa mà đường các loại xe đều chạy được, hẹp và không tốt bằng so với quốc lộ, tỉnh lộ. Không cấm nhưng có hạn chế nhất định với công dân từ xa đến, Biên phòng hỏi thì CD xuất trình giấy tờ, vậy thôi. Có những đoạn đường QL, DT gần sát biên giới thì cũng là đường tuần tra của Biên phòng. Nhiều chỗ biên giới chỉ là con kinh nhỏ, lội qua được, thấy rõ nhà và sinh hoạt của dân ở phía bên kia. Biên giới là cái cầu sắt nhỏ, mỗi đầu có một hai chú lính gác. Dân Việt qua bên Cam thả bò, thuê đất làm ruộng, nuôi cá và thầu vùng nước nhiều cá để giăng lưới đánh bắt.
Đi vào khu vực vành đai biên giới do bộ đội biên phòng quản lý. Có barie không cho qua thì ta quay đầu xe tìm đường khác mà chạy. Nơi nào không có bảng cấm thì ta cứ chộp hình vô tư. Chạy bậy, đi đứng lớ ngớ thì mấy chú hỏi: vào đây làm gì, thì ta trả lời: tui là dân Việt đến để biết thêm về đất nước mình, có được không... Có tối mình ngủ, mới 5 giờ sáng đã ra bờ sông ngay đồn biên phòng để coi dân vác hàng lên tàu, rút điện thoại ra chộp hình tả lả. Một chú sĩ quan ra truy vấn. Mình trình giấy và nói: tui là người ngay chứ lén lút gì đâu, mà chỗ này đâu thấy bảng cấm. Rồi chú xin phép chụp ảnh mình, rồi thôi. Lính đâu cũng dễ chịu vui vẻ chứ không phải như Còng.
Dân sang bên Cam đánh bạc chỉ cần có căn cước và mất chỉ 200 ngàn đồng là có người dẫn đi. Mình thấy chỗ chốt biên phòng, dân thổ địa hay chạy xe máy qua lại buôn bán, có người xuống xe trình báo, có người chạy chậm lại giơ tay chào rồi dọt luôn. Thấy dễ, mình hỏi: tui muốn qua chơi gần gần bên ấy được không, chú gác bảo: bác có hộ chiếu thì được. Thấy anh nọ thồ hàng mới lân la làm quen. Anh kể hằng ngày chạy xe máy qua thị xã bên kia mua nước ngọt về bán, đi một tiếng là tới chứ mấy, về trong một buổi. Hỏi có mất phí, ảnh nói: cũng không đóng phí gì, một hai ngày thảy cho chú gác gói thuốc hay con gà con vịt là xong.
Muốn đi chơi cho biết cận cảnh người dân phải chạy xe máy mới sát được. Mùa mưa là hay nhất, đến vùng này sẽ thấy mênh mông là nước làm con người mình cũng thoáng theo. Bắt gặp nhà cửa, sinh hoạt của bà con, nhà thờ người Chăm, chùa người Khơme. Có nơi họ nuôi bò, nuôi vịt rất nhiều, nuôi chó thả rông cũng nhiều mà không sợ bị bắt trộm...
Đi đến vùng đất nghèo một thời đau thương do hai bên tranh chấp nay đời sống đã hồi sinh yên bình để lại cho ta nhiều cái nhớ khó phai.

Tìm kiếm Blog này