Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2023

Gặp lại những linh hồn chưa một lần nắm tay con gái

Lê Đại Anh Kiệt

Đi 36 năm mới quay về Bình Hiệp, Bình Châu, Măng Đa ba địa danh trong những địa danh gắn liền với chiến tranh, gắn liền với một thời tuổi trẻ. Những gương mặt đã nằm yên trong quá khứ, đã nằm yên dưới lòng đất lạnh chợt sống dậy, cựa quậy trong tôi từng hồi thúc giục như phải viết về họ, những người con trai nằm xuống khi chưa kịp biết yêu, chưa một lần nắm tay con gái.
Gốc cây Bồ Đề của chùa Prayor. Nơi Ponpot đặt H12 và pháo 122 bắn vào TT Mộc Hóa mỗi ngày. Tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 4 đã đánh vào đây để dân quân lập chốt ở cầu Sư Đạo. Trời sương mù, nhờ vậy ta áp sát mà bọn Pốt không hay.
Bị đánh bất ngờ, chúng bỏ chạy còn bỏ lại nồi cơm vừa chín tới. Mấy ngày trước đi đánh ở Bàu Ma (Thạnh Trị) về, đơn vị thiếu gạo, cả trung đội chỉ toàn ăn cháo. Đang đói, thấy cơm ngon tôi nhào tới tính ăn nhưng anh Đủng Đại Đội trưởng đá tôi té ngang và đá đổ cả nồi cơm.Anh cũng ăn cháo như chúng tôi, cũng đói nhưng cẩn thận sợ tụi Pốt bỏ thuốc độc. Tôi hậm hực, mẹ họ! Khéo lo xa, tụi nó chạy cong đít rãnh đâu mà bỏ thuốc độc. Đến trưa, bọn Pốt tổ chức lại lực lượng phản công. Thấy nhiệm vụ hoàn thành, tiểu đoàn cho lệnh rút. Rút quân giữa ban ngày, bị địch truy đuổi, đạn cắm theo bước chân sủi bụi, tôi chạy thẳng lưng không chịu khom cúi người theo lệnh, bị ông Đủng hăm "Để tao bắn mầy cho Miên khỏi bắn". Tôi đổ quạu nhưng cũng phải khom người. Thượng sĩ Đực đại đội phó đại đội 3 gan lì bị thương lòi ruột và bị loại khỏi cuộc chiến. Chiến tranh là trò chơi người lớn.
Con đường này cách đây 36 năm là kênh Bảy Thước từ Bình Châu nối dài tới Măng Đa, cứ 100 mét có một kênh nhỏ cắt ngang mà hầu như không có cầu. Tiểu đoàn tôi bị vây tròn một tháng ở Măng Đa.
Đêm đêm đi luồn từ Măng Đa ra Bàu Sen, Rạch Mây đánh vào sau lưng địch. Bộ đội cứ lội nước băng qua kênh rồi đi lên lớp đất đỏ cứng sần suốt 7 cây số, phải băng qua hàng chục cái kênh mương như vậy. Da bàn chân tôi chai cứng, dầy lên từng lớp, điểm tiếp giáp vớt bàn chân bị nứt ra (dân gian gọi là bệnh đứt cổ gà), mỗi lần vướng cọng cỏ vuốt qua, cái đau chạy dài từ ngón chân lên tới đỉnh đầu. Khởi, trung đội trưởng trung đội 2 có cái khối u trong lòng bàn chân (dân gian gọi là mắt cá) bước đi khập khiễng. Lần hành quân nào cũng nói "Đánh xong trận này tao nhất định xin đi mỗ cái chân". Nước da Khởi trắng bóc như con gái, dáng ve thon thả nên tướng đi cà nhón lại thêm duyên. Có lần đi tắm sông nhặt đâu ra cái sú cheng phụ nữ, Khởi cởi trần mặc sú cheng vào người làm cả đơn vị cười một phen lên ruột. Có cái gì đó như đang thức dậy trong chúng tôi. Tất cả sực nhớ ra từ lâu lắm, mấy tháng rồi chưa nhìn thấy người phụ nữ nào. Hết trận này đến trận khác, cái mắt cá chưa kịp mỗ, cái lon thương sĩ được đề bạt chưa kịp gắn thì Khởi đã hy sinh cũng trên trận địa này.
Cũng trên cánh đồng ngang hông kênh 7 thước, tiểu đoàn góp nhóp gần tay súng đánh tập kích một điểm chốt của Ponpot. Trận đánh mở đầu thuận lợi đúng như kế hoạch. Quân ta cũng áp sát đội hình đánh vào sườn, Pốt bỏ chạy ta truy kích thì rơi vô bãi mìn. Ban đêm, trên đồng cỏ mồm cao đến ngực, lọt vô bãi mìn thì vô phương né tránh. Lính Pốt quay lại phản kích, lại thêm hai họng đại liên bắn cắt ngang sườn. Chùn chừ sẽ bị tiêu diệt là cái chắc. Thôi thì cứ xung phong phó mặc hên xui, lính Pốt không thể liều hơn lính Việt nên bỏ chạy.
Ta thắng trận nhưng thiệt hại nặng nề. Đạt A trưởng A 1 chết tan xác. Minh cầm cây M 79 bị lủng nát của nó xuống kênh này rửa, những miếng thịt xương dính trong súng rơi ra, cả đám cá con bu lại rỉa. Điệp A trưởng A 2 bị thương nát cả người gom hết băng cá nhân còn lại của đơn vị vẫn chưa đủ. 11 thằng lành lặn hành quân dọc bờ kênh mở đường, bảo vệ cho dân quân chuyển xuồng đưa 7 thằng bị thương về trạm xá tiền phương đóng ở Bình Châu,. Đi dọc đường ra Binh Châu đá trái bị thương thêm 2 chú. 9 thằng lạnh lặn bảo vệ 9 thằng bị thương lại tiếp tục hành quân. Chiến tranh không là trò chơi. Đó là lò sát sinh nghiền nát con người.
Những cái chết xảy ra thật rất tình cờ. Tràng - Hình như tên anh là Tràng. Anh là lính 73, giải ngũ năm 76, nghe có chiến tranh tình nguyện trở lại quân ngũ. Thủ tục cập rập đến nỗi anh lên đơn vị chúng tôi bằng bộ quân phục cũ trước giải phóng còn quân phục mới chưa kịp phát. Anh ăn chung với đơn vị được một bữa cơm chiều. Đứng trước công sự đào cặp một bờ kênh cạn, anh vỗ vỗ tay lên nền đất cát của công sự nói rất tự tin. "Công sự chắc như vầy, đánh ba tháng cũng không chết!" Ấy vậy mà anh đã chết mấy giờ sau đó, ngay tại công sự đó.Một quả pháo 130 ly của Pốt rót đúng vào công sự anh đã khen. Sức nổ của quả pháo đẩy thân hình anh từ miệng công sự này lên miệng công sự khác. Khi được đưa lên mặt đất thì anh chỉ còn thở ngược từng cơn.
Đức, xạ thủ B41 sau trận đánh tập kích vào buổi sáng chỉ còn một quả B 41, tình hình tiếp tế không thuận lợi, nói cách khác là bị giặc Pốt bao vây nên không có thêm đạn. Bắn quả đạn cuối cùng này phải hiệu quả nhất nên Đức cứ phải vác viên đạn duy nhất đó chạy theo đơn vị qua một khoảng đồng trống, Đức như nhảy dựng lên rồi ngã vật xuống ngay trước mắt tôi. Tôi không kịp vuốt mặt Đức mà cứ tiếp tục lao lên theo đơn vị.
Còn bao cái chết khác của bao đồng đội khác.
Thời đó họ chết rất bình yên, ngoan ngoãn hài lòng tự tin là đã hy sinh vì tổ quốc, bảo vệ biên giới.... Đất của Tổ quốc quý giá lắm, từng tắm máu cha ông, và thấm thêm máu của họ nữa. Ấy vậy mà 36 năm qua, ý nghĩa đẹp đẽ tinh khôi của những cái chết ấy chừng như bị lung lay khi đất Tổ quốc bị đem ra mặc cả, đất Tổ quốc không còn là nơi để những bà mẹ quê một nắng hai sương gieo trồng củ khoai hạt lúa mà trở thành lô thành thửa để thành khu dân cư, sân gol, làm giàu cho các đại gia cá mập.
Những người chết sống dậy trong tôi và lên tiếng cật vấn. Họ đã chết cho ai, cho cái gì? Tôi đã thấy một nghĩa trang, một khu tưởng niệm trang trọng trên đất Mang Đa, có cả bia danh sách liệt sĩ của đia phương. Thân xác các bạn tôi đã được chuyển về quê hương, tên tuổi họ cũng không được khắc trên đài kỷ niệm đó nhưng chắc họ không đòi điều đó.Họ chỉ mong muốn cái chết của họ không phải là vô nghĩa.
Bài viết 24-9 2014.

Tìm kiếm Blog này