Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Thoáng Kon Tum xưa

Thi sĩ Nguyễn Bính có câu thơ tiêu sái: -“Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên!” khi nhà thơ ghé chơi xứ Huế, thăm nơi vườn Ngự uyển đã hoang phế, tiêu điều.
Trước phế hưng của thế cuộc và cảnh sắc, cảm xúc con người ta có lắm điều uẩn khúc. Nhìn cảnh “phế” mà rưng rưng nhớ lại thuở “hưng” là chuyện thường tình. Nhưng cũng có khi trước cảnh “hưng” con người ta lại bâng khuâng nhớ về thuở “phế”! Nhiều người ở thành phố Kon Tum bây giờ có tâm trạng “hoài cổ” như thế! Trước bao thay đổi đến ngỡ ngàng khiến những tâm hồn đa cảm bất giác nhớ về một thuở hoang sơ.
Kon Tum đang ráo riết chuẩn bị kỷ niệm chẵn 100 năm ngày thành lập tỉnh (1913-2013), càng khiến những người quan tâm muốn quay về tìm lại bóng dáng thuở ban đầu hình thành nên cái đô thị nhỏ bé đầu tiên nơi cực bắc Tây Nguyên này.
Trong hồi ký Dân Làng Hồ (xuất bản tại Paris 1929, bản dịch in tại Sài Gòn 1972) của linh mục Dourisboure (tức Cố Ân) thuộc đoàn Thừa sai Thiên chúa giáo đi truyền đạo lên “miền Thượng” vào giữa thế kỷ XIX cho biết vùng đất trũng “làng hồ” bây giờ là khu vực trung tâm Kon Tum được “tìm ra” như thế nào: -“Từ lâu, Đức Cha Cuénot đã nghe nói về một con sông trong vùng Ba-na… Bởi thế, trong
những lá thơ sau cùng mà chúng tôi nhận được của Ngài trước khi chúng tôi đến Kon Kơ Xâm, có những dòng như sau: Khi các Cha đến chỗ cách Kơ Lăng một vài ngày đường về hướng Tây, và nếu các Cha gặp được con sông mà người ta đã cho tôi biết, thì chắc các Cha sẽ tìm thấy vùng đồng bằng ở hai bên bờ sông, các Cha hãy hạ trại lưu trú ở đó, và hãy biết rằng các Cha đang ở trong vườn nho được giao phó cho các Cha chăm sóc vậy!” (Sách đã dẫn (Sđd), trang 40-41). Và tiếp: -“Đã nhiều tháng trôi qua ở Kon Kơ Xâm mà chúng tôi vẫn không biết rằng ở gần kề chúng tôi có một xứ đồng bằng mà Đức Cha Cuénot đã chỉ thị cho chúng tôi phải tìm kiếm… Bên kia dãy núi Kon Kơ Xâm thì bắt đầu có một đồng bằng trải dài hai bên bờ sông Đăk Bla chừng hơn một ngày đường về phía Tây… Con sông Đăk Bla chạy từ Bắc xuống Nam, đến Kon Kơ Xâm thì ngoặt gấp dòng về hướng Tây, tạo nên ở đây một doi đất giống như bán đảo… Ít ngày sau, anh em Thượng làng Kon Rờ-bàng… đã đồng ý cho chúng tôi đi đến làng họ. Cuộc hành trình bằng sõng, xuôi giòng Đăk Bla… Khi trở về, hai người đã thuật lại cho chúng tôi bao nhiêu là kỳ thú về xứ Rơ-ngao. Xong rồi! – Họ nói – Chúng ta đã đến đích của cuộc viễn du!” (Sđd, tr. 61-63). Như vậy, ngay từ lúc ấy (giữa thế kỷ XIX), dưới con mắt người Pháp đã nhận định Kon Tum là một “vùng đồng bằng”, một “vườn nho”, nghĩa là vùng “đất lành chim đậu”, màu mỡ và tươi đẹp!
Theo sách Kon Tum: Đất nước – con người (nhà xuất bản Đà Nẵng, 1998) thì làng người Kinh đầu tiên được thành lập ở đây vào năm 1874 là làng Tân Hương, nằm trải dọc bên dòng sông Đăk Bla. Làng Tân Hương sau đó được lập thành tổng Tân Hương. Tổng Tân Hương lúc này bao gồm 10 làng, ngoài Tân Hương còn có 9 làng khác được lập sau đó: Phương Nghĩa (1882), Phương Quí (1887), Phương Hòa (1892), Trung Lương (1914), Phụng Sơn (1924), Ngô Thạnh (1925), Ngô Trang (1925); Phước Cần (1927), Lương Khế (1927)… Đến ngày 3.2.1929, Nghị định của Khâm sứ Trung kỳ lấy tổng Tân Hương lập thành thị trấn Kon Tum. “Theo thời gian mảnh đất nơi đây không ngừng được mở rộng và phát triển. Ngoài các làng của người Kinh lập nên ban đầu; về sau có thêm nhiều làng của người dân tộc vùng ven như các làng Kon Rơ-bàng, Kon M’nai, Chư H’reng cũng nằm trong phạm vi quản lý hành chính của thị trấn Kon Tum”. (Sđd, tr. 13).  Chỉ tròn 10 tháng sau, ngày 3.12.1929 thị trấn Kon Tum được đổi thành thị xã Kon Tum. Tên gọi hành chính cấp Thị xã được dùng từ đó qua các thời kỳ lịch sử, (riêng thời đánh Mỹ, thị xã Kon Tum mang mật danh là H5). Đến ngày 13.4.2009, với Nghị định số 15/NĐ-CP, thị xã Kon Tum đã thành thành phố Kon Tum. Suốt thời gian ấy, Kon Tum luôn là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - quốc phòng của cả tỉnh.
Như vậy, sau lập làng (1874) 45 năm và sau lập tỉnh (1913) 16 năm thì Kon Tum mới có một thị trấn đầu tiên được lập vào ngày 3.2.1929. Và cũng ngay trong năm 1929 ấy, thị trấn Kon Tum thành thị xã Kon Tum. Với sự kiện đầu năm lập thị trấn, cuối năm gọi thị xã, cũng là một trường hợp đặc biệt của Kon Tum so với nhiều nơi khác! Và cũng đặc biệt thêm nữa khi Kon Tum là đô thị duy nhất trên toàn khu vực Tây Nguyên nằm bên một dòng sông! Tính đến năm 2013, Kon Tum tròn 100 ngày lập tỉnh, thì lịch sử mảnh đất tọa lạc thành phố Kon Tum ngày nay đã có 139 năm tuổi (tính năm lập làng Tân Hương (1874), 84 năm thành lập thị trấn rồi thị xã (1929), và 4 năm trở thành thành phố (2009). Nhân dịp này, thử lần tìm về lại một Kon Tum xưa qua vài tư liệu ít oi.
Thị xã Kon Tum sau một năm thành lập, khoảng tháng 10-1930, được Ngô Đức Đệ - tù chính trị đầu tiên thực dân Pháp đưa đày tại ngục Kon Tum, và cũng chính là người xây dựng và thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Kon Tum - miêu tả lại trong hồi ký Từ Hà Tĩnh đến nhà đày Kon Tum (Bảo tàng tổng hợp Kon Tum, 2007): -“Thị  xã Kon Tum ngày ấy chưa có đèn điện, chỉ riêng nhà tên Công sứ có một cái máy nổ nhỏ đủ thắp sáng trong nhà nó. Gọi là thị xã nhưng chưa phải là thị xã, chưa có phố phường gì, mới có 3 – 5 con đường ngang dọc lên gò xuống dốc mà thôi. Dân cư người Kinh lác đác 15, 17 nhà lèo tèo của đồng bào miền xuôi lên buôn bán lặt vặt, hoặc lao dịch linh tinh, ngoài ra còn một số gia đình binh lính, công chức buôn gạo, buôn mắm muối…
Một trường sơ đẳng dạy từ lớp 3 trở xuống đã được xây dựng, học sinh thường năm có độ 50, 70 em, đại đa số là học sinh người các dân tộc được hưởng học bổng 100%  thế mà các em không muốn đến học, vì xa buôn, xa cha mẹ…
Do thị xã còn mới sơ khai như vậy nên ở đây địch chưa tổ chức cảnh sát. Việc giữ gìn trật tự an ninh đối với người Kinh thì giao cho trưởng phường, đối với người Thượng thì dùng trưởng làng. Đường phố thường ít người qua lại, ban đêm thì hầu như tuyệt đối không ai ra đường. Thỉnh thoảng 5 – 7 ngày mới có một chuyến xe hàng từ Qui Nhơn lên, hoặc lâu lắm mới có vài chuyến xe con từ các đồn điền đến có việc… Thị xã cũng có vài gia đình Minh Hương (Hoa Kiều) buôn bán lặt vặt và thầu cơm tù, cơm bệnh viện.
Cả đường phố và cơ quan chỉ có 7 ngọn đèn trụ thắp dầu: 1 cái ở cửa nhà lao, 1 cái ở cửa giám binh, 1 cái ở tòa sứ, 1 cái ở bến đò Kon Tum, 1 cái ở nhà phó sứ, 1 cái ở suối nước nhân dân và 1 cái ở cửa trường học.
Hàng ngày từ 2 giờ chiều, tôi vác thang xách giỏ, có tên lính vác súng đi theo, đến từng trụ đèn lấy đèn mang về nhà lau chùi sạch, rót dầu vào, đến 6 giờ tối thì đi thắp”. (Sđd, tr. 46-47).
Sách Mọi Kon Tum của Nguyễn Kỉnh Chi và Nguyễn Đổng Chi xuất bản năm 1937 ở Huế viết lại những ghi chép từ các năm 1934-1935 như sau: -"Thành phố Kon Tum là tỉnh lỵ tỉnh Kon Tum, dựng trên gò cao, mé tây nam có sông Đăk Bla, mé đông bắc có rừng rậm...dài độ 2.000 thước tây, rông 500 thước tây, chia ra hai khu: khu nhất ở phía tây là nơi lập các công sở nhà nước và phố phường, khu nhì ở phía đông có dân cư ở, nhà thờ và nhà các cha cố ở. Thành phố Kon Tum mới lập nên đường sá rộng rãi, phố xá ngay thẳng, ban đêm đèn điện sáng choang... Kể các công sở thì có tòa Công sứ, dinh Quản đạo, sở Y tế, đồn Khố xanh, đông Khố đỏ, tòa Dây thép, trường Pháp-Việt-Mọi... Cũng nên kể hai cái nhà lao: lao thường phạm và lao chính trị phạm... Ở giữa thành phố dân Đạo cất hai cái nhà thờ đẹp đẽ và lộng lẫy. Hiện đang xây một tòa nhà lớn làm dinh của Đức Giám mục. Người lương cũng mới cất một ngôi chùa kiểu cách rất ngộ nghĩnh gọi là chùa Bác Ái, có lẽ là ngôi chùa Annam thư nhất ở phía tây dãy Trường Sơn... Ở trong thành phố có hơn 4.000 sở nhà... Phố phường ở rải rác trên bốn, năm con đường. Có một nhà hàng Tây, ba nhà hàng Các Chú (Tàu) và vài chục nhà hàng ta. Họ buôn bán đủ các món tạp hóa. Ở giữa Kon Tum có một cái chợ lớn. Chợ có hai đình ngói và họp mỗi buổi mai, từ năm giờ cho đến tám, chín giờ thì tan... Kon Tum có khác mấy thành phố khác như Plei Ku, Ban Mê Thuột là ở đây có vài chục cái xe kéo, những lúc gió mưa có xe cộ qua lại rất tiện... Kon Tum như ở trong một cái lòng chảo, ở đây trước kia khí hậu độc địa lắm, những bệnh sốt rét, kiết lỵ rất thịnh hành...".
Năm, sáu năm sau (1940), cảnh sắc Kon Tum dường như vẫn chưa nhiều thay đổi. Hồi ký Trở lại Kon Tum (Sở Văn hóa – Thông tin và Thể thao Kon Tum, 1993) của Lê Văn Hiến, cho thấy như vẫn nguyên hình ảnh nhà ngục Kon Tum của những năm 1930-1931 và các công sở của thực dân Pháp: -“Chiều hôm đó chúng tôi tới thị xã Kon Tum, và lại bị giam vào nhà lao Kon Tum. Chúng tôi nhìn nhau im lặng. Trong số đi lần này, ngoài tôi ra, không ai đã từng đến Kon Tum. Riêng tôi nhìn lại nhà lao này trong lòng ngậm ngùi khôn tả. Không thể ngờ rằng sau mười năm tôi lại phải quay lại chịu tiếp cảnh tù đày nơi đây. Nơi đây tội ác tày đình của thực dân Pháp đã bị phơi bày, đã ghi vào sử sách… Mỗi xà lim, mỗi dãy cùm lại gợi lên trong tôi bao nhiêu kỷ niệm, lần lượt trong trí óc tôi hình ảnh các đồng chí cũ trong mười năm trước lại hiện về… Tôi chỉ cho anh em xem nơi xảy ra cuộc Đấu tranh Lưu huyết ngày 12 tháng 12 năm 1931, chỗ bọn công sứ, giám binh, các đồn trưởng, đội, cai, lính xả súng bắn vào anh em nhà phạt, chỗ treo cờ búa liềm và các khẩu hiệu đấu tranh…”. (Sđd tr. 14).
Một năm sau (1941), nhà thơ lớn của cách mạng Việt Nam Tố Hữu trên đường lưu đày lên Kon Tum cũng có những câu thơ buồn hiu hắt về cảnh sắc Kon Tum lúc bấy giờ: -“Đường lên xứ lạ Kon Tum/ Quanh quanh đèo chật trùng trùng núi cao/ Thông reo bờ suối rì rào/ Chim chiều chiu chít, ai nào kêu ai?”… (Bài thơ Tiếng hát đi đày).
Qua vài trích dẫn cho thấy một Kon Tum từ khi được “khám phá” vào những năm giữa thế kỷ XIX đến những năm giữa thế kỷ XX vẫn là một vùng đất xa xôi đầy sơn lam chướng khí và một “đô thị” nhỏ bé nghèo nàn, hút heo buồn như rừng núi vây quanh! Sống giữa lòng thành phố Kon Tum nhộn nhịp hôm nay, ít ai có thể còn mường tượng ra cảnh sắc ấy.
Theo thời gian và những biến động lịch sử, nhà ngục Kon Tum bị bỏ phế đến mất dấu tích từ thời chính quyền miền Nam kiểm soát. Sau năm 1975 nhà Công sứ, đồn lính Khố xanh, trại Bảo an binh, nhà nghỉ của vua Bảo Đại, chợ Lồng Kon Tum (một kiến trúc đẹp kiểu Pháp)… bị phá bỏ để xây dựng những công trình mới, nên Kon Tum không còn dấu vết gì của thời ấy nữa.
Bây giờ, đi giữa lòng một đô thị Kon Tum mới, đẹp, bất giác nhớ câu thơ Nguyễn Bính, đọc lệch ra rằng… “Ở Kon Tum mà… nhớ Kon Tum”!

Tạ Văn Sỹ

Tìm kiếm Blog này