Chương VIII
VIII- BÀI CÂY TRÚC XINH VÀ NGƯỜI TÙ CỦA KHMER ĐỎ
Đã
từ lâu, Cựu hoàng Norodom Sihanouk và Hoàng Thái hậu Norodom Monineath
Sihanouk nghỉ dưỡng và chữa bệnh tại Bắc kinh theo lời mời của Trung
quốc. Hàng năm, mỗi khi về Campuchia vài ba tháng, Cựu hoàng và Hoàng
Thái hậu dành nhiều thời gian đi chùa làm lễ, thăm hỏi úy lạo và đi tặng
quà phát chẩn cho người dân, nhất là ở những vùng có bão lụt.
Theo dõi trên vô tuyến truyền hình Campuchia, tôi thấy tình cảm của người dân đối với Cựu hoàng và Hoàng Thái hậu vẫn là tình cảm chân thành và xùng kính. Tuy bận rộn như vậy nhưng Cựu hoàng Sihanouk và Hoàng Thái hậu vẫn thường mở tiệc tại đại sảnh của Hoàng cung để khoản đãi Đoàn ngoại giao ở Nông pênh. Trong nhiệm kỳ công tác của mình tại Campuchia, tôi đã tìm hiểu và được biết Cựu hoàng không chỉ là một nhà chính trị tài ba mà còn là người rất yêu văn học nghệ thuật, đã có nhiều sáng tác văn thơ và đặc biệt đã là tác giả của nhiều nhạc phẩm, rất giỏi trong các hoạt động ngoại giao văn hóa. Và tôi cũng đã ba lần được dự tiệc này của Cựu quốc vương, lần thứ ba là vào ngày 4 tháng 5 năm 2007.
Theo dõi trên vô tuyến truyền hình Campuchia, tôi thấy tình cảm của người dân đối với Cựu hoàng và Hoàng Thái hậu vẫn là tình cảm chân thành và xùng kính. Tuy bận rộn như vậy nhưng Cựu hoàng Sihanouk và Hoàng Thái hậu vẫn thường mở tiệc tại đại sảnh của Hoàng cung để khoản đãi Đoàn ngoại giao ở Nông pênh. Trong nhiệm kỳ công tác của mình tại Campuchia, tôi đã tìm hiểu và được biết Cựu hoàng không chỉ là một nhà chính trị tài ba mà còn là người rất yêu văn học nghệ thuật, đã có nhiều sáng tác văn thơ và đặc biệt đã là tác giả của nhiều nhạc phẩm, rất giỏi trong các hoạt động ngoại giao văn hóa. Và tôi cũng đã ba lần được dự tiệc này của Cựu quốc vương, lần thứ ba là vào ngày 4 tháng 5 năm 2007.
Cựu vương Sihanouk thăm Việt Nam 23/6/2010 |
Các
buổi chiêu đãi này của Cựu hoàng thường có mấy phần : đón khách, chúc
rượu, ăn tiệc và múa hát. Cả ba lần dự tiệc thì lần nào tôi cũng thấy
Cựu hoàng phụ trách phần văn nghệ rất náo nhiệt, một mình Ngài hát cả
một phần của đêm, chủ yếu là những bài hát do chính Ngài sáng tác với
phần đệm nhạc của dàn nhạc Hoàng gia do Hoàng tử Sirivuth chỉ huy, ông
này chơi kèn sắc-xô-phôn rất hay. Một phần khác của chương trình là dàn
nhạc và các ca sĩ trong đoàn văn công Hoàng gia trình tấu các bản nhạc
của mỗi quốc gia có mặt trong buổi chiêu đãi. Chương trình này cũng rất
vui, thường thì sau mỗi bài hát, các vị Đại sứ hoặc Đại biện đều lên
tặng hoa cho nghệ sĩ vừa hát bài hát của nước mình và khi đi xuống lại
có dịp để chúc rượu Cựu hoàng và Hoàng Thái hậu. Tôi nhớ trong buổi
chiêu đãi ngày 14 tháng 6 năm 2006, một nữ nghệ sĩ Campuchia đã hát rất
hay bài Nha trang Mùa thu
để chào mừng Việt Nam. Cứ như thế chương trình nối tiếp nhau, kéo dài
qua đêm, đến ba bốn giờ sáng là thường. Tôi nhận thấy cả Cựu hoàng và
Hoàng Thái hậu cùng với các thành viên khác trong Hoàng gia đã rất cởi
mở làm cho khách luôn cảm thấy gần gũi và thoải mái, có rất nhiều cảm
tình với chủ trong các buổi tiệc này, các tiết mục múa hát cung đình đặc
sắc và đậm đà tính dân tộc đã phần nào giới thiệu được văn minh văn hóa
Angkor. Chỉ có đồ ăn và thức uống đều là theo kiểu Pháp.
Lại
nói về cuộc chiêu đãi lần thứ ba tôi được dự, trước đó khoảng hơn một
tuần, một cán bộ lễ tân Hoàng cung đến Sứ quán xin bản nhạc Cây trúc xinh
là bài dân ca Việt nam. Chúng tôi đoán ngay rằng hoặc là dàn nhạc Hoàng
gia sẽ trình tấu bài này, hoặc có khi chính Cựu hoàng sẽ hát. Nghĩ như
vậy nên tôi nói nhỏ với anh Nguyễn Văn Vụ, một cán bộ sứ quán đã từng
công tác hàng chục năm ở Campuchia, rằng anh cũng nên ôn lại bài hát Cây trúc xinh đi, biết đâu lại cần đến…
Đi
dự tiệc tối thường thì tôi mang theo bó hoa đẹp hoặc một món quà lưu
niệm nho nhỏ của Việt Nam, thân quen nhiều thì mang theo chai Lúa mới.
Tuy nhiên ở những đêm tiệc lớn như tiệc của Hoàng gia thì không làm như
thế được mà tôi gửi trước một lẵng hoa to, đẹp, có gài thiếp của Đại sứ,
đến khi đi chỉ cần đi tay không. Tôi để ý thấy cả ba lần làm như thế là
cả ba lần lễ tân Hoàng cung đã rất khéo xếp các lẵng hoa này, để khi
mình vừa vào tới cửa tiệc là đã thấy lẵng hoa của mình.
Vườn
của Hoàng cung những đêm tiệc như thế được chiếu sáng rất đẹp, ánh sáng
các màu lung linh được chiếu hắt lên các lùm cây và hoa làm cho người
ta cảm thấy thực sự đang đi trong một vườn thượng uyển. Trên quãng đường
từ cổng Hoàng cung vào sảnh tiệc đều có những người lính mặc đồ xưa
bồng kiếm đứng chào. Các Đại sứ và phu nhân đến rất đúng giờ, đứng thành
hàng đợi vào sảnh tiệc, chuyện trò rất vui vẻ. Cựu hoàng và Hoàng Thái
hậu đích thân đứng đón khách ngay cửa sảnh tiệc.
Tôi
và vợ tôi tiến vào với một tâm trạng rất thoải mái vì trước đó đã hai
lần được dự tiệc này và vào năm 2005 cũng đã được tiếp kiến riêng Cựu
hoàng và Hoàng Thái hậu. Cựu hoàng bắt tay chúng tôi, thân tình thăm hỏi
sức khỏe và công việc. Riêng Hoàng Thái hậu lần nào gặp chúng tôi cũng
đều nói mấy câu tiếng Việt, hỏi thăm có khỏe không, có bận rộn lắm không
và có hay về Việt Nam không. Và lần nào bà cũng nói cám ơn chúng tôi đã
gửi những lẵng hoa rất đẹp.Tôi nhớ hôm ấy tôi ngồi cùng bàn với vợ
chồng Đại sứ Nga và Đại sứ Hàn quốc. Thực đơn, tất nhiên là thực đơn
Pháp, cũng na ná như những lần trước, gồm có gan ngỗng là món khởi đầu
(entrée), các món chính là súp kem măng tây, cá hồi, lườn chim câu và
cuối cùng là bít-tết. Ấy là tôi dịch nôm na ra như thế chứ trong thực
đơn toàn viết bằng tiếng Anh, phải chuyên môn mới dịch hết được. Còn
rượu thì có ba loại : rượu trắng Angelier năm 2004, rượu đỏ Château de
la Vielle Tour năm 2003 và champagne Moet&Chandon Brut. Đêm ấy,
trong phần Sihanouk hát (Programme du Royal-Norodom Sihanouk’s singing),
Cựu hoàng đã hát hơn 20 bài, mở đầu là bài hát trữ tình MONICA là bài
Ngài đã sáng tác tặng cho Hoàng Thái hậu. Tôi nhận thấy Cựu hoàng trong
buổi tiệc này tỏ ra rất khỏe. Mỗi vị khách đều đến chúc sức khỏe Ngài
bằng một ly rượu và với ai Ngài cũng đều cạn chén. Ngài đơn ca hàng chục
bài hát, nhiều bài hát bằng ba thứ tiếng Khmer, Anh, Pháp, chưa kể cùng
múa những điệu dân ca Campuchia với khách. Trong suốt đêm tiệc Ngài
không ra ngoài một lần nào trong khi có vị Đại sứ phải đứng lên đi ra
tới ba lần.
Và thật đặc biệt, trong phần hát dành tặng đoàn ngoại giao, Cựu hoàng đã hát bài dân ca Cây trúc xinh
đúng như chúng tôi dự đoán. Khi lời giới thiệu vừa dứt và tiếng nhạc
mới nổi lên, mọi người đã vỗ tay rào rào, nhiều người ngước nhìn về phía
Đại sứ Việt Nam đầy thiện cảm. Tuy nhiên, chắc vì Cựu hoàng mới tập nên
bài hát có đôi chỗ sai nhịp. Thế là anh Nguyễn Văn Vụ nhanh nhẹn đi
vào trong cánh gà, lấy micro cùng hát theo, thoáng cái bài hát trở nên
khỏe khoắn, bay bổng và vui tươi, khách dự tiệc lại vỗ tay rào rào tán
thưởng. Tôi rút trên bàn tiệc ra một bông hoa hồng đỏ tươi đem lên tặng
Cựu hoàng và nói lời biết ơn, Ngài vui vẻ hỏi tôi hát như thế có rõ lời
không.
Hôm
ấy phải đến 2 giờ rưỡi sáng thì đêm tiệc mới kết thúc. Tôi láu lình rút
kinh nghiệm từ những lần trước nên nói nhỏ với vợ tôi cùng đi trước lên
gần chỗ Cựu hoàng và Hoàng Thái hậu để khi chào từ biệt thì mình chào
trước, không phải đợi lần lượt hơi bị lâu. Quả nhiên tôi là người thứ
hai được chào để ra về. Bắt tay tôi, Cựu hoàng lại một lần nữa hỏi tôi
nghe bài Cây trúc xinh
có rõ không, buổi tiệc có vui không. Sau đó, Ngài nói rằng Sihanouk rất
biết ơn Việt Nam đã giúp đánh đuổi Khmer đỏ, nếu không có Việt Nam đánh
đuổi Khmer đỏ thì làm sao có một người tù của Khmer đỏ là Sihanouk đứng
hát cho các vị nghe ngày hôm nay. Ngài nhờ tôi chuyển tới lãnh đạo và
nhân dân Việt Nam tình cảm biết ơn chân thành và những kỷ niệm với Việt
Nam mà Ngài luôn gìn giữ. Tôi thật xúc động nghe Ngài nói ra những tình
cảm ấy bằng một thứ tiếng Pháp rất rõ ràng và nói to như để mọi người
cùng nghe. Tôi không biết biểu lộ tình cảm của mình như thế nào hơn là
nắm chặt tay Ngài và nói cám ơn. Tôi quay nhìn thì thấy có Đại sứ Mỹ,
đại sứ Nga và bà Đại sứ Trung quốc cũng đang đứng xúm quanh. Tôi thầm
nghĩ chắc các vị này cũng đã nghe rất rõ những điều mà Cựu hoàng
Sihanouk vừa nói. Đêm tiệc và những tình cảm ấy của vị Cựu Quốc vương
Campuchia-người tù của Khmer đỏ- thật là một kỷ niệm không thể quên.
Chương IX
IX- CĂMPUCHIA : LỄ HỘI VÀ NƯỚC
Những
ngày lễ tết ở Campuchia rất nhiều nếu không nói là lu bù. Làm việc ở
Campuchia mà nghỉ theo bạn thì có đến gần một tháng ngày nghỉ trong năm.
Vui. Chắc chắn là mỗi cái lễ hội của bạn đều có nguồn gốc xuất sứ khác
nhau, ý nghĩa văn hóa tôn giáo phong phú đa dạng, song tôi vẫn nhận thấy
có cái chung là lễ hội nào cũng có điểm gắn bó với nước.
Campuchia
đón năm mới vào tháng Tư. Đây là Tết té nước cầu may, là Tết đón mưa
của bạn, là dịp để mọi người làm một điều tốt trong nhà hoặc ngoài
đường, trừ ma diệt quỷ, loại bỏ những điều xui xẻo của năm cũ. Lần đầu
tôi đến Campuchia vào tháng 1 năm 1979, đúng vào mùa khô. Nắng chang
chang, không khí khô không khốc, những con bò trắng gày tóp mông dô vai
mệt mỏi lang thang chịu đói khát trên những cánh đồng hoang cây cỏ đã
cháy xém khô cằn. Mới biết sau mấy tháng mùa khô, người ta mong chờ cơn
mưa đầu mùa tới mức nào, té nước cho nhau cầu may chắc hẳn là theo cái ý
nghĩa ấy. Bây giờ ở Campuchia vào dịp tết này người ta múa hát nhiều
hơn té nước, phum sóc nào cũng răm vông thâu đêm, có té nước thì cũng té
vây vẩy gọi là chứ không như ở Thái Lan. Ở Thái Lan ô tô đi thành từng
đoàn ngược xuôi, trên xe chở thùng to thùng nhỏ nước, người này dội cho
người kia ướt xũng mới là may. Nghe nói chính phủ đã có lệnh hạn chế té
nước để tránh tai nạn. Người dân Campuchia hiền lành, biết tôn trọng
luật pháp, hoặc nói nôm na là biết sợ, thành thử những chuyện như giải
phóng vỉa hè, xắp xếp lại chợ, xây nhà đúng quy cách đến hạn chế té nước
trong ngày Tết năm mới…đều làm rất ngon lành. Nghĩ ở Việt Nam mình
những chuyện như thế khó quá, có phát mà không có động, phát mãi vẫn trơ
ra, người dân mình, chính quyền mình có nhiều cái tốt nhưng cũng có
nhiều cái cần phải soi xét lại.
Tết năm mới của Campuchia cũng kéo dài ba ngày. Nhà
chùa đánh trống và chiêng báo hiệu năm mới nhưng thường người dân đã
bắt đầu từ ngày hôm trước với phong tục đắp núi cát và mời các nhà sư
làm lễ. Ngày thứ hai mọi người mang cơm lên chùa mời sư, buổi chiều làm
lễ tắm cho sư và các nhà sư chúc phúc. Ngày thứ ba các vị già làng, cha
mẹ hoặc những người cao tuồi tắm, sau đó các nhà sư làm lễ chúc phúc và
cuối cùng là thả chim. Chim thì người này thả ra, người kia bắt lại đem
bán cho người khác thả ! Người Campuchia thường đón năm mới trên chùa, ở
đấy có nhạc lễ đồng thời là nhạc đón mừng năm mới. Trước tết mấy ngày,
già trẻ lớn bé lo trang hoàng nhà chùa và nhà ở, có mua xắm hương hoa để
thắp trên núi cát. Trong những ngày tết có tục lệ múa hát, nhiều điệu
hát có từ thế kỷ thứ 8 cổ xưa mà họ vẫn còn lưu truyền lại được. Như thế
chẳng phải là bạn làm tốt công tác bảo tồn và phát triển văn hóa dân
tộc hay sao !
Năm
mới qua đi ít lâu lại đến ngày Vua đi cày, vào khoảng tháng 5 hàng năm,
là lúc đã có mưa, người nông dân đã có thể bắt đầu cày ruộng xuống mạ.
Ở Việt Nam, sách xưa ghi lại rằng vào Tết Nguyên đán năm Đinh Hợi
(987), vua Lê Đại Hành đã đến chân
núi Đọi Sơn thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay, lần đầu tổ chức cày ruộng Tịch
Điền, mở đầu truyền thống tốt đẹp coi nông nghiệp làm gốc, gọi là “dĩ
nông vi bản”, khi cày ruộng lại vớ được một hũ vàng, ý sâu xa cho người
nông dân là chịu khó cày sâu cuốc bẫm thì được đền đáp chằng khác gì
được vàng được bạc. Từ đó về sau, các triều đại phong kiến nước ta vào
Tết Nguyên đán đều duy trì nghi lễ tịch điền, đích thân vua xuống cày
ruộng và nghi lễ này được tổ chức như một quốc lễ, chỉ chấm dứt dưới
thời vua Khải Định nhà Nguyễn. Đứt đoạn từ năm 987 đến nay là quá lâu
nên nhiều người nông dân Việt Nam, nhất là lớp nông dân trẻ chẳng còn
mấy người biết xưa đã có tục vua đi cày.
Thành
thử, lần đầu trong đời tôi được dự lễ Tịch điền lại là ở Campuchia, vào
ngày 26/5/2005. Thực ra thì vua có đi cày đâu bởi vì buổi lễ được tổ
chức long trọng ngay tại quảng trường Veal Men, trước cửa bảo tàng lịch
sử Nông Pênh. Vua tới tọa trên ngai vàng đặt trên lễ đài, có sư ban
phước, có nhạc lễ tưng bừng, rồi vua ban mũ cho một người có chức sắc đi
cày tượng trưng trên những luống cát. Người Campuchia gọi đây là những
Luống cày thiêng liêng. Có những con bò béo đẹp, to cao, chắc được nuôi
nấng đặc biệt dành cho buổi lễ. Người ta bày ra giữa quảng trường thóc
lúa, ngô đậu, cỏ...rồi thả bò ra cho chúng ăn, nếu bò dừng lại ăn loại
nào nhiều thì dự đoán sẽ được mùa loại ấy. Những chiếc cày như cày chìa
vôi nhưng dài và to hơn được hai bò kéo, chồng cày đi trước, vợ theo sau
reo hạt, theo sau nữa là những tốp người mang nước uống và cơm ăn trong
những chiếc hũ bạc. Người được vua ban mũ đi cày năm 2005 là Phó thủ
tướng, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Sar Khênh. Để đi vào nhận mũ vua ban, ông Sar
Khênh được ngồi nghễu nghện trên một chiếc kiệu 6 người khiêng, có lọng
che ngù thả, sau ông là bà vợ ngồi võng cũng có lọng che. Vợ chồng ông
Sar Kheng phải là những người đi cày sướng nhất trên thế giới này. Năm
ấy những con bò đã dừng lại ăn rất nhiều thóc, quả nhiên Campuchia được
mùa to, sản lượng thóc hơn một triệu rưỡi tấn, có của ăn của để.
Cặp bò tiêng trong lễ vua đi cày |
Đi
sau ông nông dân Phó Thủ tướng Sak kheng là một tốp người reo hạt. Tay
họ vung lên khoáng đạt làm tôi lại nhớ đến bài thơ Người Gieo Hạt của
Victor Hugo. Bài thơ đẹp quá, hình ảnh người nông dân reo hạt trên cánh
đồng bao la đã được Hugor tạc vào thời gian mãi mãi. Thì ra ở đâu cũng
thế, ở đâu người nông dân cũng được yêu qúy và tôn trọng. Nhưng mà vào
thời toàn cầu hóa này, khi mà chất xám ngưng đọng trong một con chíp nhỏ
bằng hạt gạo có giá ngang bằng hàng tấn thóc thì có khi hình ảnh đẹp đẽ
kia của người nông dân cũng chỉ còn tồn tại trong thơ.
Vào
ngày 26/5/2005 ấy người ngồi cạnh tôi trên lễ đài là Jacques Bekeart,
Đại biện vương quốc Man-ta. Trong đoàn ngoại giao, vị trí chỗ ngồi được
xếp theo thứ tự trình thư, ai trình trước ngồi trước, ai trình sau ngồi
sau, người trình sau cùng thường ngồi sát hàng đại biện. Người lâu nhất
thường là trưởng đoàn, ngồi ở vị trí đầu tiên. Nhìn những người ngồi
trước có dễ đến gần 20 người tôi biết rằng mấy năm nữa tôi mới bò lên
được hàng trên. Đoàn ngoại giao ở Campuchia ít, chắc đến năm thứ ba là
tôi đã có thể lên ngồi cạnh trưởng đoàn ngoại giao. Ở Pháp, sau 3 năm,
khi đi dự lễ quốc khánh 14/7 tại quảng trường Công-coóc, chỗ ngồi của
tôi vẫn mãi xa phía sau. Về số lượng, đoàn ngoại giao ở Paris phải gấp
mấy lần đoàn ngoại giao ở Nông Pênh.
Tôi
xin kể tiếp chuyện lễ hội ở Campuchia. Cuối mùa mưa vào tháng 9 lại đến
tết Pchum Bân, một cái Tết rất to ở Campuchia. Theo lời kể của anh Hem
Xạ-em, Vụ trưởng Vụ Châu Á II Bộ Ngoại giao Campuchia, một người bạn vui
tính và rất giỏi tiếng Việt, thì người ta tin rằng những người chết mà
có quá nhiều tội lỗi thì không đầu thai lại được, bị giam hãm ở dưới âm
phủ, đến dịp Pchum Bân, thần Yâma tức là Diêm Vương cưỡi trâu thả họ
trong vòng 15 ngày về tìm người thân còn sống, được người thân cúng tế,
bày tỏ tình cảm thương nhớ rồi từ đó mà phấn đấu tu dưỡng tốt để cải tà
quy chính, mong sớm được đầu thai trở về cõi dương. Những linh hồn này
lang thang trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ ngày rằm tháng 9, đứng vẩn vơ
trước cửa các chùa đợi người nhà cúng cơm, nếu không gặp thì lại chịu
đói chịu khát, lạnh lùng cô đơn và họ có thể đau khổ mà nổi giận khiến
những người thân gặp chuyện chẳng lành. Vì thế những người sống không
dám sơ xuất, trong vòng 15 ngày lần lượt đi cúng ít nhất ở 7 chùa để cho
những linh hồn không vào được chùa này thì vào chùa khác, đến ngày thứ
14 thức thâu đêm múa hát, ngày thứ 15 nhà nhà biện cỗ mời bạn bè thân
thích, ăn uống chuyện trò vui vẻ kết thúc một đợt lễ dài. Có những loại
bánh đặc biệt nhân đậu gói lá thốt nốt, giống như bánh tét bánh ít ở
miền Nam ta được làm để đem lên chùa cúng vào dịp này. Anh Hem Xạ-em còn
nói trước kia người Campuchia rất để ý gói bánh này thật nhỏ vì họ tin
rằng các vong có cái miệng nhỏ lắm, đồ ăn làm to thì vong không há miệng
ra mà ăn được.
Pchum Bân năm 2008 tôi có theo bạn bè lên chùa, thấy ở cửa chùa để hàng
ang to cơm trắng, bên trong sư bận cà sa màu vàng ngồi thành hàng dài,
chờ người ta mang thức ăn vào góp. Cả nhà bố mẹ con cái kính cẩn dâng đồ
ăn, nhờ sư kết nối với các vong, tưởng nhớ tới những người đã khuất,
dâng cho họ những món ngon, cầu cho họ được siêu thoát, cầu cho bản thân
được phúc lành.
Lễ đua thuyền trên sông Bốn Mặt |
Cũng
giống như ngày rằm tháng bảy xá tội vong nhân của mình còn gọi là tết
Vu Lan, Pchum Bân của Campuchia mang đậm ý nghĩa hiếu đễ của đạo Phật.
Các vị sư cả thường thuyết giảng cho phật tử rằng cha mẹ chính là Phật ở
trong nhà, trước khi đem đồ ăn dâng lên chùa thì phải dâng mời cha mẹ
trước. Đạo hay đời, nếu ai ai cũng hiểu được điều giản dị ấy thì không
phải thấy chuyện con cái ngược đãi cha mẹ, cuộc sống sẽ tốt đẹp thêm lên
biết bao nhiêu. Viết đến đây tôi lại nhớ đến bài Hoa hồng cài áo của
Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Cái khía cạnh liên quan đến nước ở lễ Pchum Bân là vào dịp này thì mây
mưa đã quang dần và đến đúng khoảng cuối tháng 9 thì bầu trời trở nên
xanh trong, báo hiệu mùa mưa đang qua và mùa khô đang tới. Quả thật là
chỉ sau đó một tháng, đến tháng 11 là tới Tết nước, đua thuyền trên sông
và đợi đón trăng rằm. Đây là thời điểm đánh dấu mùa mưa đã hết, mùa khô
bắt đầu. Trong mùa mưa, nước sông Tongle Sap lên rất cao, làm cho cả
vùng đồng bằng bị ngập lụt, làm cho nước ở Biển Hồ cũng dâng lên rất
cao. Đến mùa khô, nước lại đổ về phía cuối dòng sông. Chính vào thời
điểm này người ta tổ chức lễ hội nước. Người Campuchia cho rằng nước ở
Biển Hồ được giữ trong suốt mùa mưa nhờ một cái dây, đến ngày lễ hội,
nhà vua đích thân cắt chiếc dây này cho nước đổ xuống. Tất nhiên sau khi
các nhà sư làm lễ xong, vua chỉ cắt một cách tượng trưng thôi. Hội đua
thuyền cũng được tổ chức trong dịp này, càng chứng tỏ mọi lễ hội đều gắn
liền với nước. Trước hết, người ta đua thuyền trong tỉnh đã, rồi tuyển
ra được các đội giỏi nhất đại diện cho tỉnh mình đi đua toàn quốc vào
đúng 3 ngày hội. Bây giờ để thúc đẩy du lịch, người ta còn tổ chức đua
thuyển giữa các nước ASEAN vào dịp này. Những người đua thuyền như những
tráng sĩ dũng mãnh của sông nước, vào cuộc đua với một nghị lực phi
thường và tinh thần sắt đá. Họ mang hết tài năng, sự khéo léo và sức
mạnh vào tay chèo, họ đua vì danh dự, danh dự của chiếc thuyền đang đua,
danh dự của cả đội và nhất là danh dự của địa phương mình. Bởi vậy, Tết
nước trên sông Bốn mặt ở Nông Pênh thật là hoành tráng. Đây là dịp
người dân ở khắp các tỉnh thành kéo về Thủ đô vừa để dự lễ hội vừa để
thăm Nông Pênh. Đối với rất nhiều người Cămpuchia thì còn là dịp hiếm có
thể bày tỏ lòng yêu mến, ngưỡng mộ đối với Quốc vương, ai có diễm phúc
thì được Ngài ban tặng quà, may mắn thì được chiêm ngưỡng Ngài từ xa,
không thì nhìn thấy xe vua, chạy theo xe vua một đoạn cũng đã toại
nguyện lắm rồi. Người dân Campuchia xùng đạo kính vua, vua tôi đều quỳ
gối cúi đầu vái lạy sư, còn đã là phận tôi thì thật sự cư sử như những
thần dân, nghèo kiết xác hay giàu nứt đố đổ vách, từ anh lính quèn tới
vị quan lớn chức tước thật cao sang thì cũng đều quỳ mọp dưới chân Quốc
vương.
Tôi
có hỏi một vài người bạn thân quen tại sao lại thế thì họ trả lời rất
giản dị là bởi vì vua là vua, là người đại diện cao nhất của quốc gia và
dân tộc, còn vì sao nữa thì cũng chẳng đào bới nghĩ ngợi làm gì nhiều,
cứ trên là trên dưới là dưới, tôn ti trật tự rõ ràng, chẳng riêng gì với
vua mà với mọi thứ bậc khác cũng thế.
Nguồn: Chienthang47