Tim thông tin blog này:

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

Ghi chép về Campuchia (1975-1991) của ĐS Huỳnh Anh Dũng (I)

Tài liệu đặc biệt


GHI CHÉP VỀ CAMPUCHIA
1975-1991


Huỳnh Anh Dũng



LỜI TÒA SOẠN



Campuchia một lần nữa lại trở thành vấn đề thời sự nóng hổi trong mối quan hệ phức tạp giữa Việt Nam, ASEAN và Trung Quốc. Tài liệu mà Diễn Đàn giới thiệu với bạn đọc là một chứng từ soi sáng quá khứ gần trong quan hệ tay ba Việt Nam - Campuchia - Trung Quốc. Đó là hồi ký của ông Huỳnh Anh Dũng, một nhà ngoại giao (cựu đại sứ Việt Nam ở Lào) và chuyên gia về các vấn đề Campuchia nay đã về hưu. Theo một thông lệ, các nhà ngoại giao cấp cao của Việt Nam được Bộ ngoại giao yêu cầu viết hồi ký, lưu trữ trong văn khố để tham khảo nội bộ.

Vì hồi ký của ông Huỳnh Anh Dũng đã ghi lại cẩn trọng những sự kiện xảy ra cách đây 1/4 thế kỉ, và trích dẫn nhiều tài liệu nội bộ quan trọng, chúng tôi quyết định công bố tài liệu này. Nói khác đi, đây là một ngoại lệ của đường lối biên tập của Diễn Đàn là chỉ đăng những văn bản có sự đồng ý của tác giả hay những văn bản có nguồn gốc công khai. Chúng tôi tin rằng tác giả và độc giả hiểu rõ động cơ của sự "phá rào" này. Sự thật, đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi phá lệ : trước đây, Diễn Đàn đã lấy trách nhiệm công bố hồi ký của ông Trần Quang Cơ -- cũng không phải ngẫu nhiên nếu tài liệu này liên quan tới cùng vấn đề : quan hệ Việt Nam - Trung Quốc - Campuchia.

Để tôn trọng nguyên tác, chúng tôi công bố tài liệu đã nhận được dưới dạng .pdf, độc giả có thể đọc hay truy nạp bằng cách bấm vào ô hình ở cuối trang.

Diễn Đàn

LỜI NÓI ĐẦU


Giai đoạn 1975-1991 là một thời kì lịch sử đặc biệt về công tác đối ngoại của Việt Nam (VN) mà trong thời gian đó, vì vấn đề Campuchia (CPC) liên quan đến quan hệ Việt-Trung, nước Việt Nam một lần nữa lại bị chảy máu. Về đối ngoại, VN bị cô lập về chính trị, bị bao vây về kinh tế, trong khi đó, chúng ta phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng ở trong nước. Từ 1978 đến 1989, lần thứ ba, VN đưa quân vào CPC (chưa kể thời gian ngắn quân ta trở lại từ tháng 10/1989 đến đầu 1991), trong 3939 ngày có mặt giúp CPC, hơn mười vạn chiến sĩ VN đã ngã xuống và bị thương (con số hi sinh được công bố là 60 000), 200 000 chiến sĩ quân tình nguyện, 10 000 chuyên gia quân, dân, chính, đảng, các ngành trong đó có 4 ủy viên Bộ chính trị (BCT) và Ban bí thư (Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh, Đoàn Khuê, Trần Xuân Bách), 9 ủy viên Trung ương Đảng (Nguyễn Côn, Vũ Oanh, Bùi San, Đỗ Chính, Trần Trọng Tân, Phạm Bái...), 2 phó thủ tướng (Nguyễn Côn, Phan Trọng Tuệ), 30 thứ trưởng, 54 thường vụ Tỉnh ủy đã từng có mặt và trực tiếp làm nhiệm vụ ở CPC.

Với việc ta đưa quân vào CPC, ta đã lật đổ bè lũ Pol Pot ; giữ yên bờ cõi phía tây-nam Tổ quốc ; giúp CPC xây dựng Đảng, chính quyền, quân đội ; xây dựng được một bước quan hệ hữu nghị VN-CPC, nhưng cái giá mà VN phải trả là vô cùng to lớn với những hậu quả lâu dài, chưa lường hết được. Vấn dề CPC càng đi sâu vào giải pháp chính trị càng rất phức tạp, nhiều lúc đã làm cho nội bộ ta có ý kiến rất khác nhau.

Với những hiểu biết và tư liệu vốn có của mình, tôi cố nhớ, ghi lại và mô tả thật khách quan, trung thực những diễn biến trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này.

Trong quá trình viết, có những lúc tôi không muốn tiếp tục viết nữa vì hơn mười năm đó, vì vấn đề quan hệ với Trung Quốc (TQ) và vấn đề CPC mà trong nội bộ Đảng ta có sự bất hòa, điều này cũng dễ hiểu vì vấn đề quá cực kì phức tạp, diễn biến vô cùng quanh co, lại phát triển trong tình hình có sự đảo lộn cực kì to lớn ở Liên Xô và Đông Âu sau gần nửa thế kỉ, cho nên việc nhận thức tình hình không đơn giản, có những vấn đề cấn có thời gian mới có thể nhận thức đúng được.

Chính vì vậy những trích dẫn của tôi trong tài liệu này là nhằm phản ánh thật khách quan những suy nghĩ của lãnh đạo ta lúc đó, không nhằm phê phán cá nhân bất cứ đồng chí nào. Tôi cố gắng trình bày lại thật trung thực sự hiểu biết của mình do điều kiện công tác mà tôi được biết để khi có điều kiện, Đảng ta nhìn lại, đánh giá thật khách quan diễn biến của hơn mười năm vô cùng khó khăn đó nhằm rút ra những bài học cho công việc hiện nay và sau này, nhất là trong công tác đối ngoại.

Tài liệu lịch sử này, tôi cố viết lại trong thời điểm này vì rằng sợ để lâu không thể nhớ lại được nữa và tư liệu có thể mất mát đi. Điều tôi mong muốn là những tư liệu lịch sử này sẽ được sử dụng để ta đánh giá đúng diễn biến phức tạp của thời kì lịch sử đó, không để vì những tư liệu này mà lại một lần nữa, khơi lại hoặc gây bất hòa trong nội bộ Đảng ta. Đó là điều tâm huyết của tôi.

Hà Nội, mùa hè năm 1995

HUỲNH ANH DŨNG



Attachments


Nguồn: Diendan
___________

Phần dưới đây chép lại từ: Vnmilitaryhistory

I. GIAI ĐOẠN 1975-1978: NGUỒN GỐC CỦA VẤN ĐỀ

Trước khi đi vào giai đoạn 1975-1978, cần nhắc lại những diễn biến trong quan hệ VN-CPC giai đoạn chống Mỹ 1970-1975. VN, CPC, Lào cùng một chiến trường đánh Mỹ nhưng quan hệ VN-CPC, ngay từ lúc này khi 2 nước còn dựa vào nhau chiến đấu, đã bộc lộ những mâu thuẫn. Sau đảo chính của Lon Nol  18/3/1970, khi quân đội ta vào CPC, bọn Pol Pot  đã tuyên truyền trong nhân dân CPC rằng “VN là khách không mời mà đến”, không cho ta đóng quân trong làng... Tại những cuộc hội đàm giữa Pol Pot với đ/c Lê Duẩn vào cuối tháng 3 đầu tháng 4/1970 về việc ta giúp CPC thì ngay từ lúc này khi Pol Pot còn yếu, cần sự giúp đỡ của ta, Pol Pot đã có ý muốn hạn chế sự có mặt của ta ở CPC, hạn chế lực lượng vũ trang ta ở CPC, ngăn cản ta trong việc tổ chức xây dựng lực lượng chính trị, quân sự cho CPC…, muốn “VN chỉ giúp vật chất, giúp vũ khí thôi”, “Việt kiều chỉ giúp vận chuyển vũ khí”; trong chiến đấu “VN giúp súng cối và có lực lượng bao vây bên ngoài, hỗ trợ nhân dân và lực lượng CPC bên trong nổi dậy, làm như thế mới bảo đảm “sạch sẽ về chính trị”.

Trên chiến trường trong tháng 3, 4/1970, do có sự thoả thuận của Nuon Chea  và Suvanna , quân đội ta ở CPC đánh mạnh thắng nhanh, giải phóng và tổ chức chính quyền ở 4-5 tỉnh. Trước tình hình đó, tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 9/1970, Pol Pot đề ra 4 bài học “kinh nghiệm thất bại” của cách mạng CPC trong kháng chiến chống Pháp và “kinh nghiệm thành công” trong 16 năm hòa bình, trung lập để hạn chế ta. Bốn bài học đó là:

1) Phải tự mình quyết định vận mệnh mình, quyết không được để cho sai lầm lịch sử để cho người khác giải quyết thay vận mệnh mình xẩy ra một lần nữa.

2) Kiên quyết không được giao lại thành quả cách mạng tốt đẹp của mình cho giai cấp bóc lột. Hiện nay những cường quốc lớn và một số nước khác còn có tư tưởng cũ vẫn muốn và đương cố tìm trăm phương nghìn kế để quyết định vận mệnh dân tộc CPC thay cho người CPC.

3) Lực lượng là yếu tố quyết định quan trọng nhất trong đấu tranh cách mạng.

4) Phải nêu cao lập trường độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh.

“Vì không có 4 kinh nghiệm đó nên kết quả kháng chiến chống Pháp bằng không. Trong đấu tranh vì độc lập, hòa bình, trung lập, tuy CPC làm đơn độc mà vẫn thắng, nhờ: “nắm vững lập trường độc lập dân chủ, tự lực cánh sinh và chịu đựng gian khổ; tự xây dựng được lực lượng cách mạng của mình về mọi mặt và giữ vững lập trường tự mình định đoạt vận mệnh của mình”.

Bài học lực lượng là quyết định,  không thương lượng, không khoan nhượng này chi phối rất sâu sắc đường lối của Khmer Đỏ. Thắng lợi chống Mỹ chỉ bằng đấu tranh vũ trang không đấu tranh chính trị, không đấu tranh ngoại giao đã củng cố thêm tiềm thức của Khmer Đỏ về vấn đề này. Điều này mới lý giải được tại sao sau này Pol Pot kiên quyết từ chối không thương lượng với VN và vì sao mặc dù đã ký Hiệp định Paris về Campuchia năm 1991 nhưng Khmer Đỏ lại không thi hành.

Từ sau Hội nghị tháng 9/1970, trong thực tế, nhóm Pol Pot đã từng bước hạn chế hoạt động của lực lượng VN trên đất CPC như: gây khó khăn và hạn chế hành lang tiếp tế của ta trên đất CPC, hạn chế nhân dân bán lúa gạo cho ta, hạn chế bộ đội ta hợp tác đánh Chenla I năm 1971 phối hợp chiến dịch đường 9 Nam Lào, có nơi đã giết liên lạc, giết cán bộ VN đi lẻ và tổ chức cướp kho tàng ta ở CPC nhất là khu Tây-nam CPC do Ta Mok  đứng đầu, có lúc lực lượng hai bên đã bắn nhau như ở các tỉnh Takéo, Kandal… Họ giải tán lực lượng vũ trang của Việt kiều, hạn chế Việt kiều hoạt động cách mạng, có nơi gây khó khăn và đuổi Việt kiều về nước, giết hại và cướp tài sản Việt kiều, Lon Noi đã “cáp Duôn” nhưng Khmer Đỏ cũng kích động hằn thù dân tộc và cũng chủ trương “cáp Duôn”. Họ hạn chế hoạt động của số cán bộ CPC tập kết ở VN về, tập trung lại và diệt dần. Họ bỏ chính sách đối với vợ con cán bộ CPC đang ở miền bắc VN. Một số cán bộ CPC có quan điểm khác, có thái độ chống lại thì bị trấn áp, buộc phải ly khai tổ chức.

 1.1 Từ 1973 đến 17/4/1975

 Trong khi cuộc kháng chiến VN, Lào đi vào giai đoạn kết thúc thì CPC quyết đánh đến cùng; đánh để nổi bật vai trò cuộc kháng chiến CPC thật sự là Khmer chứ không phải lệ thuộc VN. Họ chủ trương không đàm phán, cho rằng không muốn “làm cái đuôi VN” và ngại “kiểu Gienève 1954 tái diễn”. Sau khi Mỹ đơn phương ngừng ném bom [bằng] B-52 (8/1973), cuộc chiến đấu đã chắc chắn, nhóm Pol Pot chủ tâm hạn chế ảnh hưởng và hoạt động của Sihanouk, kiên quyết đẩy lực lượng VN ra khỏi đất CPC, phá hành lang tiếp tế, hạn chế bán lương thực cho ta, tổ chức quần chúng làm mít tinh chống VN, đòi lực lượng VN rút về, đánh cướp các kho tàng và các đơn vị bộ đội ta ở CPC, thậm chí đánh vào trại thương binh của ta… gây khó khăn cho ta trong việc di chuyển quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Tính từ 1970 đến 4/1975, bọn Pol Pot đã gây ra 174 vụ làm ta chết 301 người, 233 bị thương, 38 mất tích. Nơi nào không chấp hành việc chống VN thì họ tàn sát khủng bố dã man, như cuối 1973 đã giết chết 1 Uỷ viên Trung ương, 11 tỉnh uỷ viên, rất nhiều cán bộ và nhân dân ở tỉnh Koh Kong. Về mặt đối ngoại, họ dựa vào TQ là chính, phê phán VN xét lại, nửa vời và cố đưa ra thực hiện những chủ trương hoàn toàn khác VN; họ phê phán phương châm đấu tranh của VN kết hợp vũ trang với đấu tranh chính trị, binh vận trong khi họ đánh đến đâu thì di dân đến đấy, giết hết tù binh, thực hiện công xã và không dùng tiền ngay từ năm 1974; họ không quan hệ với Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu (trừ Anbani và Rumani); trong khi 3 nước Đông Dương đã có Hội nghị cấp cao 3 nước, 4 bên (thêm Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam) thì họ muốn họp Hội nghị 5 nước, 6 bên (thêm TQ và Bắc Triều Tiên) với ý đồ để TQ nắm ngọn cờ.

 1.2 Năm 1975 – 1976

 Sau chiến thắng 17/4/1975, bọn Pol Pot đã nêu 8 yếu tố thắng lợi là: có đường lối chung, có nhân dân, có lực lượng vũ trang, có kinh tế độc lập, tự chủ, có cơ sở cách mạng rộng khắp, có đường lối độc lập tự chủ, không liên kết, nội bộ đoàn kết nhất trí và có quốc tế giúp đỡ. Họ cố tình phủ nhận các yêu tố khách quan và bối cảnh lịch sử quốc tế đối với chiến thắng của CPC; đặc biệt là không đếm xỉa đến sự giúp đỡ về mọi mặt của ta, kể cả sự hy sinh của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta trên đất CPC.

Trong bối cảnh như vậy, ngay sau khi ta vừa giải phóng miền Nam 30/4/1975, họ đã tiến hành những hành động xâm lấn biên giới và không ngừng làm xấu đi quan hệ 2 nước.

Ngày 4/5/1975, một tiểu đoàn CPC đổ bộ lên đảo Phú Quốc.

Ngày 8/5/1975, lực lượng Pol Pot tiến công nhiều địa phương thuộc tỉnh Hà Tiên và Tây Ninh.

Ngày 10/5/1975, lực lượng Pol Pot tiến công đảo Thổ Chu của VN và bắt đi 515 dân trên đảo. Thực hiện quyền tự vệ của mình, quân đội ta đã đánh trả và truy kích chúng đến tận nơi xuất phát là đảo Wai, bắt giữ một số tù binh.

Ngày 2/6/1975, đ/c Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) đi Phnom Penh gặp Pol Pot, Nuon Chea và Ieng Sary . Ngày 12/6/1975, Pol Pot thăm bí mật Hà Nội, cho việc họ tấn công đảo Thổ Chu là do “không rành địa lý”, đề nghị ký Hiệp ước hòa bình hữu nghị nhưng lờ đi đề nghị của ta về đàm phán ký Hiệp ước biên giới. Ngày 3/7/1975, đ/c Nguyễn Văn Linh gặp lại Nuon Chea ở Phnom Penh và ngày 10/8/1975, đ/c Nguyễn Văn Linh một lần nữa đi Svay Rieng gặp Nuon Chea để xử lý vụ đảo Wai và về quan hệ 2 nước, ta đồng ý trao trả số tù binh CPC (800 lính) bị ta bắt ở đảo Wai nhưng phía họ vẫn không trao trả cho ta 515 dân bị bắt ở Thổ Chu.

Trong bối cảnh đó, ngày 26/5/1975, Pol Pot đi thăm bí mật TQ (mãi đến tháng 9/1977, họ mới công khai chuyến đi này). Ngày 12/8/1975, TQ đón tiếp trọng thể Khieu Samphan thăm chính thức TQ. Dịp này, Mao và Đặng đã tiếp Khieu; trong diễn văn chiêu đãi Khieu, Đặng ám chỉ Liên Xô bành trướng và tìm sự có mặt ở Đông-nam Á. Trong lúc đó, khi tiếp đ/c Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị (14/8/1975), Phó Thủ tướng Lý Tiên Niệm nói nhiều đến khó khăn của TQ, không đáp ứng yêu cầu viện trợ mới, chưa trả lời về hợp tác kinh tế 1976- 1980 và nói là VN đã thu được 5 tỷ đô la chiến lợi phẩm. Ngày 24/9/1975, trong hội đàm với đoàn Đảng và Chính phủ ta thăm TQ, Đặng Tiểu Bình nói “…Về nhận định tình hình quốc tế, hai bên có khoảng cách khá xa; về đường lối chiến lược quốc tế hoặc về những vấn đề cụ thể, hai bên có sự khác nhau rất lớn”; và TQ bắt đầu công khai ủng hộ nhóm Pol Pot, ngày 7/10/1975, Lý Tiên Niệm nói với Đại sứ Vũ Ngọc Hồ (chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam VN) ca ngợi Đảng CPC và nói Đảng CPC có uy tín cao trong nhân dân, cứ đè nén thì họ không chịu đâu, một dân tộc giác ngộ, bất cứ nước lớn nào xâm lược thì họ chống lại vì trong tay họ có chân lý.

Từ tháng 12/1975, tình hình biên giới VN-CPC lại căng lên ở Gia Rai, Kon Tum và Đắk Lắk nhất là khu vực Bu Prang ( nay thuộc tỉnh Đắk Nông ). Bọn Pol Pot tiến hành tấn công vào đồn số 6 công an biên phòng ở Đắk Lắk, giết hại một số đ/c của ta.

Ngày 5/1/1976: Pol Pot công bố Hiến pháp mới của CPC Dân chủ. Cũng ngày 5/1/76, đ/c Phạm Văn Xô (Hai Xô) ở Trung ương Cục (TWC) sang Phnom Penh thăm bí mật. Ngày 17-18/1/1976, đ/c Bảy Cường (Phạm Hùng) sang thăm bí mật CPC được Pol Pot, Nuon Chea, Ieng Sary đón tiếp rất trọng thể.

Cần phải nói rằng cũng giống như TQ, bọn Pol Pot tìm cách chia rẽ nội bộ ta, rất tranh thủ các đồng chí miền Nam (TWC) và phê phán các đ/c miền Bắc. Mặt khác, trong nội bộ ta, TWC miền Nam và Trung ương Đảng Hà Nội cũng có cách đánh giá khác nhau về tập đoàn Pol Pot, về tính chất cuộc chiến tranh biên giới ở Tây-nam. Về cuộc chiến tranh ở biên giới Tây-nam, TWC nặng cho rằng nguyên nhân là do địa phương ta xâm phạm biên giới CPC, do buôn lậu chứ không phải do Pol Pot khiêu khích. Cũng chính vì vậy mà ở trong Nam thiếu cảnh giác, bị thiệt hại nặng khi Pol Pot tấn công, ví dụ ngày 30/9/1977, Pol Pot tiến công toàn tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh, đánh vào khu vực TWC cũ (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Tây Ninh) giết hại 1.000 đồng bào ta; mặc dù tin này được dự báo trước nhưng Quân khu 7 không tin, nói là chỉ chuyện vặt ở biên giới, Tư lệnh Quân khu 7, Tướng Trần Văn Trà vẫn bình thản ở thành phố Hồ Chí Minh, khi bị tấn công mới bị động đối phó . Nhân đây cũng nói thêm rằng khi thành lập và tổ chức bộ máy giúp CPC năm 1978, đ/c Lê Đức Thọ không sử dụng các cán bộ TWC cũ vốn quen thuộc và giúp Đảng CPC từ nhiều năm mà tuyệt đại đa số các đ/c phụ trách chuyên gia, dầu là các đ/c mới, ở miền Bắc vào.

Trở lại vấn đề biên giới VN-CPC, tiếp theo những sự kiện xung đột ở Đắk Lắk, tháng 3/1976, Nuon Chea, Phó Bí thư Đảng CPC gửi thư cho đ/c Phạm Hùng đề nghị có cuộc gặp cấp cao 2 Đảng về vấn đề biên giới và đề nghị có cuộc gặp trù bị để chuẩn bị cho gặp cấp cao. Ngày 6/4/76, Trung ương Đảng ta điện cho Trung ương Đảng CPC tán thành đề nghị đó và thoả thuận cuộc gặp sẽ tiến hành vào tháng 6/76. Từ 4 đến 18/5/1976, đ/c Phan Hiền, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao dẫn đầu đoàn trù bị VN thăm CPC; tại cuộc họp trù bị này, phía Pol Pot đòi lấy đường biên giới trên đất liền theo bản đồ Pháp tỷ lệ 1/100.000 thông dụng trước năm 1954 nhưng đòi ta chấp nhận bản bản đồ đã bị cạo sửa 9 chỗ và đòi lấy đường Brévié làm đường biên giới biển nên cuộc đàm phán thất bại và không tiến hành được gặp gỡ cấp cao 2 Đảng. Hai bên chỉ thoả thuận được 3 biện pháp: tăng cường giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; mọi va chạm phải giải quyết trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau; Ban liên lạc 2 bên tiến hành điều tra các vụ va chạm và gặp nhau để giải quyết.

 Cũng năm 1976, có mấy sự kiện nữa đáng chú ý:

 -      Trong nội bộ CPC: tháng 1/1976, Pol Pot tiến hành Đại hội IV của Đảng; tổ chức tổng tuyển cử (20/3/1976); ép Sihanouk và Pen Nút từ chức Quốc trưởng và Thủ tướng, lập Chính phủ mới. Ngày 27/9/1976, Pol Pot tạm nghỉ vì “lý do sức khoẻ” thôi giữ chức Thủ tướng và Nuon Chea làm Quyền Thủ tướng và Quyền Tổng bí thư.

Phải chăng có đấu tranh nội bộ CPC? Điều này gây nhiều tranh luận trong các cơ quan Trung ương của ta theo dõi vấn đề CPC, có ý kiến cho rằng có đấu tranh giữa một bên là Pol Pot, Ieng Sary còn bên kia là Nuon Chea, Suvanna vốn có quan hệ tốt với VN. Điều trùng hợp nữa là sự kiện này diễn ra khi Mao Trạch Đông chết (9/9/1976) và sự kiện “bè lũ 4 tên” ở TQ, phía CPC tổ chức 7 ngày quốc tang, Pol Pot đọc diễn văn coi tư tưởng Mao Trạch Đông là chủ nghĩa Mar-Lenin ngày nay, đề cao thuyết 3 thế giới và đề cao công lao Mao Trạch Đông đồng thời phê phán Lâm, Lưu, Đặng. Một nguồn tin khác nói sự thật việc Pol Pot “nghỉ ốm” chỉ để về Kompong Thom trấn áp lực lượng chống đối và củng cố căn cứ chúng ở đây (Kompong Thom cũng là quê Pol Pot).

-     Quan hệ CPC-TQ vốn chặt chẽ trong những năm 1970-1975 tiếp tục được đẩy mạnh với việc Tổng tham mưu phó TQ Vương Thượng Vinh thăm CPC (2/1976), ký Hiệp định TQ viện trợ quân sự cho CPC và tháng 3/1976 ký Hiệp định Chính phủ TQ viện trợ không hoàn lại cho CPC trị giá 140 triệu Nhân dân tệ và 20 triệu USD.

Trong khi đó, quan hệ Việt-Trung lạnh nhạt dần, TQ không thực hiện các công trình đã ký kết, trì hoãn việc ta sử dụng tiền vay của TQ đồng thời trong năm 1975, lại gây ra vi phạm 814 vụ ở 102 điểm trên biên giới 2 nước. Dịp Đại hội IV Đảng ta (12/1976), TQ từ chối cử đoàn sang dự, đưa tin sơ sài, điện mừng không ca ngợi Đảng ta.

Quan hệ Việt-Mỹ có điểm đáng chú ý là 10/01/1976, Liên Xô chuyển cho ta ý kiến của Kissinger về bình thường hóa quan hệ và ngày 26/3/1976, Kissinger gửi công hàm cho VN bày tỏ Mỹ sẵn sàng thảo luận phát triển quan hệ với VN và 15/11/1976, Mỹ phủ quyết VN gia nhập LHQ.

Ở Đông-nam Á, các nước ASEAN họp Hội nghị cấp cao lần thứ nhất ở Bali và ký Hiệp ước Bali (23/01/1976). Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (24/6/1976) hoan ngênh VN thống nhất và hy vọng phát triển quan hệ tay đôi với VN. Về phần VN, ngày 5/7/1976, ta tuyên bố chính sách 4 điểm với các nước Đông-nam Á, nội dung như sau:

1)     Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình.

2)     Không để lãnh thổ nước mình cho bất cứ nước ngoài nào sử dụng làm căn cứ xâm lược và can thiệp vào nước kia và các nước khác trong khu vực.

3)     Thiết lập quan hệ hữu nghị láng giềng tốt, hợp tác KHKT và trao đổi văn hoá trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa các nước trong khu vực thông qua thương lượng trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

4)     Phát triển sự hợp tác giữa các nước trong khu vực vì sự xây dựng đất nước phồn vinh theo điều kiện riêng của mỗi nước vì lợi ích độc lập dân tộc, hòa bình, trung lập thật sự ở Đông-nam Á, góp phần vào hòa bình thế giới.

Bốn điểm đó bao hàm ý của ta không chấp nhận khái niệm ZOPFAN và ta (cũng như Liên Xô) vẫn cho ASEAN là tổ chức quân sự, tay sai Mỹ trong khi đó TQ ra sức tranh thủ ASEAN, công khai tuyên bố “ASEAN không phải là một liên minh quân sự”. Tình hình này diễn ra khi TQ bắt đầu công khai coi “chủ nghĩa bá quyền Liên Xô là nguồn gốc chính của sự đe dọa đối với Đông-nam Á ” và phê phán luận điểm an ninh tập thể châu Á của Báo cáo chính trị tại Đại hội 25 của Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 3/1976).

Năm 1977: quan hệ VN-Campuchia, VN-TQ ngày càng xấu đi.

Bước sang năm 1977, tình hình biên giới Việt Nam-CPC tiếp tục ngày càng xấu hơn do những hành động khiêu khích, xâm lấn của bọn Pol Pot. Từ giữa tháng 1/1977 đến giữa 3/1977, các tỉnh Đông-bắc CPC chấm dứt tiếp xúc với các Ban liên lạc của các tỉnh Khu 5 và từ cuối tháng 3/1977 đến giữa 5/1977 chấm dứt liên lạc với Ban liên lạc các tỉnh Nam bộ (cơ chế liên lạc tiếp xúc này có từ 1975 và được củng cố sau chuyến đi CPC của Thứ trưởng Phan Hiền tháng 5/1976).

Ngày 30/4/1977, bọn Pol Pot đồng loạt tiến công 14 xã trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang mở đầu cuộc chiến tranh qui mô lớn biên giới Tây-nam nước ta.

Trước tình hình nghiêm trọng đó ngày 7/6/1977 Trung ương Đảng và Chính phủ VN gửi thư cho Trung ương Đảng và Chính phủ CPC đề nghị có cuộc gặp cấp cao Đảng và Chính phủ 2 nước để giải quyết vấn đề biên giới. Ngày 18/6/1977, phía CPC gửi thư trả lời Trung ương Đảng và Chính phủ ta:

“...chờ một thời gian cho tình hình bình thường trở lại và những xung đột ở biên giới được chấm dứt… sẽ gặp gỡ cấp cao”.

Một mặt từ chối thương lượng, mặt khác bọn Pol Pot điên cuồng tấn công biên giới ta. Ngày 18/7/1977, chúng đồng loạt tấn công trên chiều dài 40 Km vào tỉnh Kiên Giang, pháo kích nhiều lần vào thị xã Châu Đốc. Trên trường quốc tế, họ ra sức vu cáo VN; phát biểu ở ĐHĐ/LHQ, Ieng Sary ám chỉ VN xâm lược CPC. Ngày 26/9/1977, sau một thời gian “nghỉ ốm” Pol Pot xuất hiện trở lại tuyên bố Đảng ra công khai và đi thăm hữu nghị chính thức TQ ngay và được đón tiếp rất linh đình.

Cùng lúc này, bọn Pol Pot cho một lực lượng lớn tiến đánh toàn bộ tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh, sát hại rất dã man đồng bào ta ở biên giới.

Cũng lúc này, quan hệ Việt-Trung ngày càng xấu đi. Ngày 2-20/6/1977, đoàn quân sự ta do đ/c Võ Nguyên Giáp dẫn đầu thăm TQ, TQ nói gay gắt là ta đã làm tổn thương quan hệ 2 nước. Ngày 7- 10/6/1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm các nước Bắc Âu về qua Bắc Kinh, TQ trao bị vong lục 7 điểm: VN công khai nói xấu TQ; vấn đề biên giới trên bộ; điểm nối ray đường sắt VN-TQ; 2 quần đảo; vịnh Bắc bộ; Hoa kiều ở VN; VN dùng vấn đề lịch sử để chống TQ. Ngày 20/11/1977, đoàn Đảng và Chính phủ ta do đ/c Lê Duẩn dẫn đầu thăm TQ. TQ đón tiếp và hội đàm lạnh nhạt. TQ nhắc lại thuyết “3 thế giới”, từ chối việc ta yêu cầu viện trợ 50 vạn tấn thép. Trong khi đó, quan hệ CPC-TQ tiếp tục được tăng cường, tháng 12/1977, Phó Thủ tướng TQ Trần Vĩnh Quý thăm CPC, đi thị sát tất cả các quân khu giáp biên giới với VN.

Lúc này chúng ta nhận định TQ vừa tranh thủ, vừa kiềm chế ta mặc dù mặt kiềm chế nổi lên nhưng TQ không thể đẩy VN đi hẳn với Liên Xô, bất lợi cho TQ. Trong khi quan hệ với CPC xấu đi, ta chủ trương tăng cường quan hệ với Lào, ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị, hợp tác với Lào 18/7/1977 và đưa quân trở lại Lào. Cần nhớ lại rằng ngày 5/2/1976, đoàn Đảng và Chính phủ Lào thăm VN, khi hội đàm 2 BCT, phía Lào nêu vấn đề biên giới nói phân định nhiều nơi chưa rõ và yêu cầu VN rút quân tình nguyện khỏi Lào. Ta đáp ứng và hoàn thành việc rút quân vào tháng 4/1976. Tháng 12/1976, hội đàm 2 BCT ở Đồ Sơn, lúc này bọn phỉ Lào tăng cường hoạt động uy hiếp mạnh các đ/c Lào nên một lần nữa Lào lại yêu cầu VN đưa quân trở lại.

Trong quan hệ với Mỹ, tháng 1/1977, Carter nhậm chức Tổng thống; Đại sứ Mỹ ở LHQ A. Young nói: Tôi coi VN như Nam Tư ở châu Á, không phải là một bộ phận của TQ hay Liên Xô, là một nước độc lập. Một nước VN mạnh và độc lập là phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ. Ngày 16/3/1977, L. Woodcock, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ thăm VN. Phía Mỹ nêu vấn đề MIA, phía VN nêu vấn đề thực hiện điều 21 Hiệp định Paris. Ta và Mỹ cũng tiến hành 3 vòng hội đàm về bình thường hóa quan hệ 2 nước (3/5/1977, 1/6/1977, 19/12/1977) nhưng không kết quả; tuy nhiên, Mỹ thôi không phủ quyết việc VN gia nhập LHQ.

Trong tình hình quá phức tạp như vậy ở CPC, Ban Bí thư TW ĐCS VN quyết định lập “Tiểu ban lâm thời nghiên cứu vấn đề CPC” gọi tắt là “Nhóm 77″ do đ/c Trần Xuân Bách, Chánh Văn phòng Trung ương phụ trách; tham gia có các đ/c Trung tướng Trần Văn Quang (Bộ Quốc phòng), Phan Đình Vinh (Ban Đối ngoại Đảng), Nguyễn Xuân (Bộ Ngoại giao). Sau một thời gian nghiên cứu, Tiểu ban này đã kết luận và kiến nghị như sau:

“I. …Có thể nhận định: Đảng CPC hiện nay với tên gọi chính thức là Đảng Cộng sản CPC, về thực chất, không phải là một đảng cách mạng của giai cấp công nhân theo chủ nghĩa Marx-Lenin, mà có tính chất một đảng dân tộc chủ nghĩa tiểu tư sản nông dân. Đường lối chính trị mà nhóm Pol Pot – Ieng Sary đương thực hiện hoàn toàn không phải là đường lối độc lập, tự chủ, mà là đường lối theo đuôi nước lớn, là sản phẩm và sự biến dạng của tư tưởng Mao Trạch Đông. “Chủ nghĩa xã hội” hiện nay ở CPC không có những yếu tố cơ bản của thời kỳ quá độ tiến lên CHXN, không phải là chuyên chính vô sản, không có chính quyền nhân dân mà là một thứ chế độ bắt buộc lao động theo kiểu nô lệ, bắt buộc công hữu hóa theo lối quân sự cưỡng bức, vừa dã man, vô nhân đạo, vừa có tính chất thực dụng tiểu tư sản (cưỡng bức di tản, xóa sạch để bảo đảm an ninh và để dễ “cải tạo”).

Trước mắt, trong đường lối chính trị và tổ chức của Đảng CPC, những nhân tố tích cực (chống đế quốc, đoàn kết Đông Dương, hữu nghị với VN, đoàn kết nội bộ để xây dựng xã hội tiến bộ ở CPC…) đương mất đi, những nhân tố tiêu cực, phản động đương phát triển và chiếm ưu thế, tác động và sự chi phối của các thế lực đế quốc và bành trướng từ ngoài vào CPC đương tăng lên.

II. Đất nước CPC đương ở trong cơn khủng hoảng nghiêm trọng, nhân dân CPC đương bị sống trong một trại tập trung khổng lồ; hình ảnh Đảng Cộng sản và CNXH đương bị bôi nhọ, bị nhân dân khiếp sợ, thành quả cách mạng CPC có nguy cơ tổn thất lớn. Tâm trạng của số đông quần chúng CPC hiện nay là lo sợ, chán ngán, hoặc chịu đựng để sống yên, hoặc có cơ hội thì chạy sang nước bạn mong có nơi nương tựa. Một bộ phận nhỏ cơ hội bám vào chính quyền hiện nay để có quyền lợi và bảo đảm cho sinh mệnh của gia đình.

Gần đây nhiều nhóm ly khai, chống đối đương phát triển ở trong nước hoặc lưu vong. Trong số những người đã chạy sang ta, đã thấy có những tập thể nhỏ, lẻ tẻ hoặc tập thể lớn quần chúng hoặc binh lính CPC, trong đó có một số cán bộ, đảng viên CPC có nguyện vọng được tổ chức lại, được giúp đỡ để cứu vãn cách mạng CPC. Xen lẫn vào những người này cũng có những tên trá hàng, những kẻ cơ hội, những phần tử mật vụ, gián điệp.

Trước tình hình ấy, Đảng ta, một Đảng luôn luôn đứng vững trên lập trường quốc tế vô sản nhất định phải có thái độ và chủ trương, hành động thích hợp với trách nhiệm quốc tế và điếu kiện cụ thể của mình. Ta coi tổn thất hoặc thành công của cách mạng CPC, của nhân dân CPC cũng như của bản thân cách mạng ta, nhân dân ta. Hơn nữa, một nước CPC tách ra khỏi khối đoàn kết Đông Dương, trở thành lực lượng xung kích của một chiến lược phản động ở Đông Nam Á, đối lập, gây chiến với ta, thực sự là mũi dao nhọn thọc vào sườn ta và uy hiếp nước Lào. Vận mệnh của nhân dân 3 nước Đông Dương, sự nghiệp độc lập dân tộc và CNXH của nhân dân 3 nước gắn bó với nhau. Đoàn kết, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng đất nước, xây dựng hạnh phúc của nhân dân mình theo đường lối của mối Đảng, cùng nhau tiếp tục chống chủ nghĩa đế quốc, là yêu cầu sống còn và qui luật phát triển khách quan của cách mạng ở 3 nước trên bán đảo Đông Dương.

Lập trường của Đảng ta đối với vấn đề Campuchia là:

Kiên quyết đánh trả quyết liệt bằng những đòn tiêu diệt đối với những lực lượng CPC khiêu khích vũ trang, gây rối, xâm lấn biên giới ta, tàn sát nhân dân ta. Phối hợp đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao để thắng địch; hạn chế và đẩy lùi mọi âm mưu bên ngoài; kiên trì bảo vệ tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân VN và nhân dân CPC.

Tích cực ủng hộ, giúp đỡ và bảo vệ những lực lượng CPC yêu nước và cách mạng chân chính xây dựng thực lực và phát triển cuộc đấu tranh chính nghĩa chống lại nhóm cầm đầu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tiểu tư sản trong ban lãnh đạo CPC, nhằm cứu vãn cách mạng CPC, khôi phục mối quan hệ đặc biệt giữa CPC và VN.

Cảnh giác ngăn ngừa và phá mọi mưu mô và hành động nguy hiểm, cấu kết với nhau giữa đế quốc, thế lực bành trướng và nhóm cầm đầu cực đoan trong ban lãnh đạo CPC đương khoét sâu hằn thù dân tộc, chia rẽ nhân dân 3 nước, cô lập VN, duy trì và mở rộng chiến tranh biên giới, phá hoại an ninh và sự nghiệp xây dựng kinh tế của VN và của Lào.

Mọi hoạt động của ta phải nhằm bốn yêu cầu chính trị:

1)    Bảo vệ bằng được nhân dân ta;

2)    Đánh mạnh để trừng phạt bọn lấn chiếm và giết hại dân ta;

3)    Lấy lại đất bị lấn chiêm, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ;

4)     Phá âm mưu chia rẽ nhân dân hai nước, cô lập bọn phản động.

Cần triển khai nhanh và đồng thời bốn mặt công tác chính:

    1.        Phòng thủ thật vững, phản công và tiến công thật mạnh về quân sự trên toàn tuyến biên giới, củng cố thật chắc an ninh nội địa, từng bước làm nhụt, tiến tới đạp tan ý chí xâm lấn biên giới của nhóm lãnh đạo CPC.

Trên thực địa toàn tuyến biên giới và ở những tỉnh, huyện có biên giới, cần xây dựng hệ thống ấp, xã chiến đấu, cần áp dụng những chính sách và tổ chức thích hợp với tình thế có chiến tranh biên giới. Phải xây dựng khẩn trương sức mạnh tại chỗ, sẵn sàng chiến đấu và cảnh giác thường xuyên, tổ chức mạng lưới phong gian nhân dân, quân báo nhân dân, mạng lưới dân vận và địch vận. Kiên quyết không để lọt một tên gián điệp, một tên quân xâm lấn CPC, đồng thời không làm hai tính mệnh và tài sản của một người dân CPC.

    2.        Triển khai công tác ngoại giao trên thế tiến công. Ta nắm chính nghĩa, ta thủy chung đoàn kết hữu nghị, ta không gây ra xung đột biên giới, ta có quyền trừng phạt bọn lấn chiếm, bọn giết người. Ta ở thế mạnh về ngoại giao vì ta đúng và nhân đạo.

Phương hướng tiến công ngoại gian là: nói rõ sự thật, chính sách đúng đắn của ta trong quan hệ với CPC và trong việc giải quyết vấn đề biên giới, tranh thủ dư luận đồng tình ủng hộ ta, đẩy đối phương vào thế bí, cô lập đối phương trước thế giới, chủ động ngăn chặn những mưu đồ bên ngoài giật dây đối phương hoặc can thiệp vào nội bộ CPC.

    3.        Giúp đỡ lực lượng cách mạng chân chính CPC chống lại chính sách đối nội, đối ngoại phản động hiện nay của nhóm cầm quyền CPC.

Coi trọng giúp về các mặt: tập hợp lực lượng thành sức mạnh có tổ chức, có đường lối đúng, phương hướng hành động rõ; đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chân chính; giúp đỡ đời sống và điều kiện sản xuất cho nhân dân CPC chạy sang ta; xây dựng lực lượng vũ trang, đào tạo cán bộ vận động quần chúng, cán bộ binh vận…

Thực chất là giúp xây dựng lại Đảng cách mạng của giai cấp công nhân CPC; khôi phục và đặt nên móng vững chắc lâu dài cho tình đoàn kết hữu nghị VN- CPC.

    4.        Đề nghị Bộ Chính trị lập một ban chuyên lo về vấn đề CPC với nhiệm vụ: phối hợp và thống nhất thông tin về CPC, nghiên cứu để đề nghị với BCT những nhận định và chủ trương có tính chất tồng hợp và cơ bản; phối hợp và hướng dẫn những ngành công tác có trách nhiệm liên quan đến vấn đề CPC. Ban này do một đ/c trong BCT hoặc BBT phụ trách, lấy các ngành quân sự, nội vụ, đối ngoại, ngoại giao làm chỗ dựa, có một tổ chuyên viên trực thuộc đ/c phụ trách để làm đầu mối tổng hợp, thông tin và liên hệ với các cơ quan có liên quan.

Ban phụ trách về CPC phải dự kiến những tình huống đột biến và đề nghị với BCT chủ trương đối phó thích hợp với từng tình huống.

Tháng 1 năm 1978“.

Tìm kiếm Blog này