Công tước Neak Oknha Sok Kong, Nghị sĩ Thượng viện Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Campuchia, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sokimex, có hai quốc tịch VN và CPC. Sok Kong còn có cái tên Việt Nam rất dân dã là ông Sáu Cò. Sáu Cò có bố mẹ đều là người Việt, sinh ra ở Prey Veng, thời Khmer đỏ cầm quyền, năm 1975 ông chạy về Đồng Tháp làm ruộng, năm 1979 (tham gia lực lượng quân tình nguyện VN?) sang lại CPC sinh sống và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh... Ông là một trong 10 người giàu có nhất Campuchia, riêng lãnh vực du lịch là trùm số 1, tập đoàn của ông bao phủ những địa danh nổi tiếng như Siêm Riệp Ongkor, Sihanouk Ville, cao nguyên Bokor...
20/11/2004
“Tôi là người Việt Nam!"
TTCN
- Sok Kong là tên của ông. Gắn liền trước tên Sok Kong là từ oknha
(công tước), danh hiệu do nhà vua Norodom Shihanouk ban cho. Oknha Sok
Kong là một trong số ít người giàu có nhất ở Campuchia (CPC), nhưng cho
đến nay chưa ai biết nhiều về ông.
Ông Sok Kong (trái) tại lễ ký kết hợp tác đầu tư xây dựng với các đối tác VN |
Tháng 10-2004, trong chuyến công tác tại CPC, phóng viên Tuổi Trẻ có dịp gặp ông. Câu chuyện của ông bắt đầu bằng sự nghiệp kinh doanh với một chỉ rưỡi vàng.
Từ kinh doanh…
“Tôi sinh ra ở Prey Veng. Ba mẹ tôi là người VN, tôi
được sinh ra ở CPC. Năm 1975 sang VN làm ruộng ở Đồng Tháp. Lúc đó tôi
23 tuổi. Năm 1979 tôi trở lại CPC với tài sản là một chỉ rưỡi vàng. Cho
đến giờ khi có trong tay hàng trăm triệu USD, tôi vẫn không thể quên
những kỷ niệm từ một chỉ rưỡi vàng này.
Có người bạn CPC chỉ cho tôi mua một hóa chất làm cao
su. Lúc đó tôi không biết hóa chất là gì những vẫn dốc hết túi tiền ra
đầu tư. Công việc kinh doanh đơn giản lắm, người ta đưa mẫu, tôi đổ cao
su vào khuôn rồi đem bán. Một thời gian sau tôi mua được khuôn đổ làm vỏ
xe đạp, rồi tổ chức mua bán khuôn kiếm lời. Ba bốn năm sau tôi có được
10 lượng vàng và quyết định thành lập một tổ công nghiệp nhỏ chuyên làm
vỏ xe. Phần dư của cao su làm vỏ xe, tôi làm dép râu. Tôi còn nhớ lô
hàng dép râu đầu tiên tôi nhận làm là do quân đội CPC đặt với số lượng
50.000 đôi.
“Mơ ước của tôi khi còn nghèo là mua được một căn nhà ở
ngay kinh đô Phnom Penh. Nhưng khi mua được rồi, vợ tôi thấy lớn quá,
sợ, không dám ở. Chúng tôi sống đơn giản và không muốn ai biết đến…”.
(Oknha SOK KONG)
|
Đến năm 1991, Chính phủ CPC đặt tôi cung cấp xăng dầu.
Tôi bay sang Singapore mua xăng về bán cho Bộ Thương nghiệp CPC. Năm
1992 UNTAC vô, thấy tôi cung cấp dầu cho chính phủ nên đặt tiếp. Hợp
đồng nhiều đến mức tôi không còn kho bãi gì để chứa. Lãi từ tiền mua
bán xăng tôi sử dụng vào việc mở các trạm xăng dầu rồi thành lập luôn
một công ty mua bán xăng dầu. Đó là năm 1993. Công ty ấy mang tên
Sokimex. Từ vài cây xăng lúc ban đầu, tôi nhân rộng ra đến nay hơn 1.000
cây xăng rải rác toàn quốc và đối đầu với xăng của các hãng Shell,
Total...
Không chỉ xăng đầu, quân đội còn đặt tôi cung cấp quần
áo và nhu yếu phẩm. Năm 1996 tôi mở một xưởng may quần áo cho quân đội,
giải quyết việc làm cho hơn 2.000 công nhân. Năm 1997 tôi lại mở thêm
một xí nghiệp may nữa. Xí nghiệp may số 1 may hàng xuất khẩu sang Mỹ,
còn xí nghiệp may số 2 chuyên sản xuất và cung cấp cho quân đội.
... Đến đầu tư xây dựng
Đến CPC, ai cũng muốn một lần ghé tham quan Angkor Wat ở
Seam Reap. Thế nhưng hằng năm Chính phủ CPC chỉ thu được 200.000 USD từ
tiền bán vé vào cửa. Từ năm 1999, tôi trúng thầu bán vé vào Angkor Wat
với số tiền phải nộp cho chính phủ là 1 triệu USD/năm. Năm đó tôi thu
được tới 2,5 triệu USD, sau khi nộp còn lại 1,5 triệu USD. Thấy tôi làm
được, năm 2000 tính lại tỉ lệ, chính phủ bảy, tôi ba.
Phần thu của tôi lại rút ngắn hơn nữa vào năm 2001:
chính phủ thu 75% (trong tổng số tiền thu từ bán vé), tôi 25%. Nhưng
trong 25% phần mình, tôi còn phải trích ra 10% để làm nhà vệ sinh, sửa
chữa đường sá… Số tiền bán vé lúc đó lên đến 3-4 triệu USD/năm.
Đi tham quan Angkor mà không được nhìn tổng quan cả một
quần thể Angkor (được xây dựng từ thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 13, được
UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1992 - NV) thì thật
là tiếc. Tôi quyết định đầu tư làm khinh khí cầu Angkor, khách du lịch
được đưa lên độ cao 200m để có thể nhìn thấy tổng thể trung tâm văn hóa
của đế chế Khơme hùng mạnh nằm giữa rừng nguyên sinh hùng vĩ như thế
nào.
Tiền thu được từ các hoạt động kinh doanh, tôi đầu tư
xây dựng khách sạn. Đầu tiên là Sokha hotel với giá trị đầu tư 20 triệu
USD, một trong những khách sạn lớn nhất của tỉnh Shihanouk Ville. Đội
ngũ công nhân xây dựng khách sạn này là của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn.
Sau đó, tôi làm thêm một khách sạn năm sao khác mang tên Sokha Angkor ở
Seam Reap có giá đầu tư 25 triệu USD. Dự kiến giữa năm 2005 Sokha
Angkor hotel sẽ hoàn thành. Sắp tới tôi sẽ liên doanh với Tổng công ty
Thương mại Sài Gòn đầu tư xây dựng khu công nghiệp ở Trảng Bàng, tỉnh
Tây Ninh trên diện tích 200ha với tổng vốn đầu tư là 300 tỉ đồng VN.
Khác với những dự án đầu tư kinh doanh khác, đảo dừa ở
Shihanouk Ville với chi phí khoảng 1,5 triệu USD tôi làm chỉ để tiếp đãi
bè bạn ở xa ra chơi. Thủ tướng Hun Sen từng ghé thăm và nghỉ cuối tuần ở
đảo này.
Sự thật về một công tước của vương quốc CPC
Tôi từng trải qua thời gian rất nghèo khi chỉ có một
chỉ rưỡi vàng, nhưng có người còn nghèo hơn tôi nữa, không có đồng nào,
nên trong thâm tâm tôi rất thương người nghèo. Từ 1993 đến nay Chính phủ
CPC kêu gọi tôi giúp xây dựng trường học, đường sá, chùa chiền... Tôi
đã đóng góp khoảng 9 triệu USD. Tôi trở thành công tước là thế. Ở CPC,
những người đóng góp cho xã hội được từ 100.000 USD trở lên thì được nhà
vua phong cho tước vị công tước. Nhưng công tước là người VN thì chỉ có
một mình tôi.
Tôi giàu con lắm, có đến sáu đứa: ba trai, ba gái. Con
trai đầu làm việc ở TP.HCM, con trai thứ hai quản lý khách sạn và xí
nghiệp may số 1, con trai thứ ba quản lý xí nghiệp may 2, ba đứa con gái
còn đi học ở Úc.
Bây giờ tôi là chủ tịch Hiệp hội Thương mại CPC, tổng
giám đốc Tập đoàn Sokimex. Hiện tôi đang mang hai quốc tịch VN và CPC,
vẫn còn hộ khẩu ở TP.HCM. Thế giới này tôi đi nhiều lắm, nhưng chẳng ở
đâu bằng VN và CPC. Người ta nói ở Mỹ, ở Úc, ở Pháp... sướng lắm, khi
tôi đi rồi mới thấy không phải như vậy, ở đó tình cảm chỉ mua bằng
tiền... Trước đây vì một số lý do tôi không muốn ai biết mình là người
VN. Còn bây giờ thì không. Tôi là người VN. Tôi vinh dự về điều đó!”.
ĐOAN TRANG ghi
_____________
Xem thêm:
Cao nguyên Bokor và nhà kinh doanh Campuchia gốc Việt
Ghi chép trên xứ chùa tháp 7 – Cảm nghĩ về du lịch Campuchea
Từ Angkor Wat, tháp Eiffel nhìn về đề xuất của Bitexco với Vịnh Hạ Long
Thợ Cạo:
Nền chính trị và xã hội đất nước CPC có nhiều bất ổn, có thể đe dọa đến cơ nghiệp cũng như tính mạng người gốc Viêt, ông Sok Kong cũng như đa phần người Việt sang dây làm ăn sinh sống đều phải dấu tung tích của mình. Mãi đến năm 2004 ông mới công khai gốc gác, đây là mốc thời gian chứng tỏ ông đã đứng vững chắc ở CPC.
Sok Kong thuộc hàng tỷ phú “đô la” và là 1 trong 10 người giàu có nhất Campuchia, không thấy thông tin về sự đóng góp của ông cho Việt kiều nghẻo, có điều chắc chắn rằng ông muốn tồn tại và phát triển cần phải hợp tác chặt chẽ với chính phủ Hun Sen và cộng đồng doanh nhân gốc Hoa.
____________
Nhiều người biết Việt kiều yêu nước, còn nửa triệu Việt kiều ở sát lãnh thổ Việt Nam khó thể yêu nước. Cùng da vàng máu đỏ, xin bạn hãy cùng Thợ Cạo quan tâm đến cuộc sống của họ, những người không Tổ quốc, không bao giờ dám vỗ ngực: "Tôi là người Việt Nam", vì sao?