Chuyện kể của một Đại sứ - Chương I
« Chuyện kể của một Đại sứ » không phải hồi ký, không phải ghi chép công tác, không có sơ kết tổng kết gì. Chỉ là những ghi chép văn học, nay trích ra đem in, mong được chia sẻ một vài suy nghĩ của cá nhân tôi. Cũng là để bày tỏ lòng tri ân của tôi tới những người và những nơi tôi đã may mắn được công tác với tư cách một Đại sứ.
Lại nhớ hai câu thơ của Chế Lan Viên :
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.
TRÌNH ỦY NHIỆM THƯ
Năm
2005, tôi được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Vương quốc Campuchia. Theo các
quy định về lễ tân ngoại giao, sau khi đã trao bản sao thư uỷ nhiệm tới
Bộ trưởng Ngoại giao nước sở tại, vị đại sứ mới được bổ nhiệm phải thu
xếp với Lễ tân để trình thư và tiếp kiến nguyên thủ quốc gia.
Thư uỷ nhiệm có lúc còn được gọi là Quốc thư vì thư này do nguyên thủ quốc gia ký gửi nguyên thủ quốc gia một nước khác giới thiệu người đại diện của mình. Thư uỷ nhiệm bao giờ cũng nhất thiết phải đi kèm với thư triệu hồi vị đại sứ đương nhiệm bởi vì theo thông lệ ngoại giao, tại một nước không thể có hai đại sứ cùng một lúc, phải triệu hồi đại sứ đương nhiệm rồi mới giới thiệu người kế nhiệm. Việc nguyên thủ quốc gia nước sở tại nhận thư và tiếp đại sứ mới đến là việc chính thức thừa nhận người đại diện này. Công ước Viên 1961 có quy định một số nguyên tắc đối với việc trình thư, ví dụ như các vị đại sứ trình thư theo thứ tự người đến trước, người đến sau, nghi thức đón tiếp thống nhất dành cho tất cả các vị đại sứ, không được phân biệt. Sau khi trình thư, vị đại sứ mới được chính thức hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao, được ghi danh trong danh sách ngoại giao đoàn theo thứ tự trình thư. Thông thường người nào có thời gian công tác ở nước sở tại lâu nhất kể từ khi trình thư thì được chọn làm trưởng đoàn ngoại giao…
Thư uỷ nhiệm có lúc còn được gọi là Quốc thư vì thư này do nguyên thủ quốc gia ký gửi nguyên thủ quốc gia một nước khác giới thiệu người đại diện của mình. Thư uỷ nhiệm bao giờ cũng nhất thiết phải đi kèm với thư triệu hồi vị đại sứ đương nhiệm bởi vì theo thông lệ ngoại giao, tại một nước không thể có hai đại sứ cùng một lúc, phải triệu hồi đại sứ đương nhiệm rồi mới giới thiệu người kế nhiệm. Việc nguyên thủ quốc gia nước sở tại nhận thư và tiếp đại sứ mới đến là việc chính thức thừa nhận người đại diện này. Công ước Viên 1961 có quy định một số nguyên tắc đối với việc trình thư, ví dụ như các vị đại sứ trình thư theo thứ tự người đến trước, người đến sau, nghi thức đón tiếp thống nhất dành cho tất cả các vị đại sứ, không được phân biệt. Sau khi trình thư, vị đại sứ mới được chính thức hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao, được ghi danh trong danh sách ngoại giao đoàn theo thứ tự trình thư. Thông thường người nào có thời gian công tác ở nước sở tại lâu nhất kể từ khi trình thư thì được chọn làm trưởng đoàn ngoại giao…
Ngày 9/3/2005 tôi trình ủy nhiệm thư lên Quốc vương Sihamoni. Đây là
lần thứ 7 tôi trình ủy nhiệm thư trong đời ngoại giao của tôi ở những
nước có sứ quán và ở những nước kiêm nhiệm. Tại châu Phi, vào những năm
1993-1995, tôi đã trình ủy nhiệm thư lên tổng thống An-giê-ri, tổng
thống Ma-li và tổng thống Sa-ra-uy Dân chủ. Tại châu Âu vào những năm
1996-1999, tôi đã trình ủy nhiệm thư lên Tổng thống Pháp, Vua Tây Ban
Nha và Tổng thống Bồ Đào Nha. Lần nào tôi cũng đọc lại cuốn sách lễ tân
của Pháp, cuốn sách có bìa màu xanh da trời, đầu đề tiếng Pháp là Traité
du Protocole. Đây là một trong những cuốn sách nghiệp vụ ngoại giao tôi
đã xin được của Bộ Ngoại giao Pháp khi tôi đi học trường Hành chính
quốc gia Pháp năm 1989. Những cuốn sách này tôi gửi về Bộ, ông Lê Mai
lúc ấy đã là Thứ trưởng cho gửi xuống Viện Quan hệ quốc tế để khai thác
nhưng chẳng có ai khai thác, khi về nước thấy tiếc nên tôi mới lấy lại
để dùng riêng cho mình, lần nào đọc lại cũng thấy có điều bổ ích.
Lần
thứ 7 trình thư là ở Vương quốc Campuchia láng giềng. Phu nhân Đại sứ
được phép dự với tư cách là một thành viên trong đoàn tuỳ tùng 5 người
của Đại sứ. Lễ tân của bạn dành cho Đại sứ mới những nghi lễ nhà nước
trang trọng : một mô tô dẫn đường, sáu mô tô hộ tống, thảm đỏ, quốc kỳ
và quốc ca hai nước, duyệt bộ đội danh dự. Phó thủ tướng, Bộ trưởng cao
cấp Hoàng cung Cămpuchia Kông Xom-on đón ở cửa Hoàng cung. Phần nghi lễ
diễn ra bên ngoài, dưới ánh nắng chói chang của Nông pênh mùa nóng. Đại
sứ đứng nghiêm chào cờ khi quân nhạc cử quốc ca hai nước. Đội quân danh
dự của bạn mặc đồng phục mầu cỏ úa, đội mũ sắt, ngù vai vàng, cổ quấn
khăn vàng là mầu của Hoàng cung, chân đi ghệt rất oai nhưng súng bồng
trên tay có khẩu đã cũ, sơn ở báng súng láng loáng mồ hôi tay. Quốc
vương Sihamoni đứng nghiêm trang trước ngai vàng, nhẹ nhàng và cởi mở
bắt tay khách, lịch thiệp tặng quà cho Đại sứ mới. Những người phục vụ
bê quà cúi rạp mình hoặc quì gối bò dưới chân Quốc vương, không khác gì
những đoạn phim tôi đã được xem về Hoàng cung Thái Lan. Cả Hoàng cung
được trang hoàng bằng mầu vàng, tôi nghĩ chắc phải có sự liên hệ nào đó
giữa mầu vàng trong nghĩa đen với từ hoàng trong nghĩa Hoàng cung. Đã từ
bao đời rồi và ở đâu cũng thế, khi nào vua chúa chẳng là vàng son, bởi
vậy mà vua ở lầu vàng thì gọi là Hoàng cung, vợ vua thì gọi là Hoàng
hậu, họ hàng con cháu vua thì gọi là Hoàng gia, áo vua mặc gọi là Hoàng
bào…Không biết con sông to lớn Hoàng Hà ở Trung Quốc thì có liên quan gì
đến vua chúa không hay chỉ bởi nước sông cuồn cuộn màu đục phù sa lam
lũ !
Lại
nói về những lần trình thư trước, mỗi lần đều có một kỷ niệm. Về nghi
lễ, có nước cao hơn một chút, có nước thấp hơn một chút nhưng đều theo
một qui tắc lễ tân chung. Tại An-giê-ri, mặc dù tôi đã đọc kỹ cuốn sách
về lễ tân nhưng vẫn phạm một lỗi nhỏ, tiếng Pháp gọi là une gaffe.
Lễ tân chung qui định đại sứ mới đến chưa trình thư lên nguyên thủ thì
chưa được tiếp xúc chính thức. Lần ấy, sau khi gặp Tổng vụ trưởng lễ tân
để trao bản sao thư, tôi đã vội vàng xin gặp Tổng vụ trưởng khu vực
châu Á Thái bình dương là ông Sê-mi-si. Ông này nhận lời ngay và chúng
tôi đã có một cuộc tiếp xúc vui vẻ. Ngay hai hôm sau Vụ trưởng lễ tân
tên là Ô-gáp gọi tôi lên Bộ Ngoại giao nhắc nhở việc này. Tôi cãi lại
rằng đây không phải tiếp xúc cấp cao mà là cuộc gặp làm việc với người
phụ trách khu vực của Bộ Ngoại giao. Ông Ô-gáp nói như thế cũng không
được. Thế mới biết lễ tân của An-giê-ri lúc ấy thật chặt chẽ. Đến năm
2000, khi tôi được cử làm đại diện Việt Nam tại cuộc họp Bộ trưởng các
nước nói tiếng Pháp tổ chức ở Chad, tôi gặp lại ông Ô-gáp lúc này là Đại
sứ của An-giê-ri. Trong bữa tiệc, tôi hỏi đùa ông là sao lúc ông làm Vụ
trưởng Lễ tân ông hắc thế, ông không trả lời, chỉ cười thoải mái và
cùng tôi nhắc lại những kỷ niệm thời ấy.
Nhớ
bài học trên nên khi đến Pháp làm Đại sứ, tôi hỏi ngay Tổng vụ trưởng
Lễ tân rằng Đại sứ chưa trình thư thì có thể làm những gì. Ông này trả
lời ngọt lự rằng chỉ cần ông đừng có gặp cấp bộ trưởng đổ lên và nhất là
đừng có họp báo. Tôi nghĩ hoạ có chập IC mới làm thế. Cũng nghĩ rằng lễ
tân Pháp vậy mà thoáng, chặt chẽ mà vẫn thoáng. Lễ tân Pháp cũng cho mô
tô hộ tống nhưng không nhiều và oai như ở Campuchia.
Các
Đại sứ tuy có tiếng là người đại diện cho nguyên thủ nước mình nhưng
khi đứng trước các vị nguyên thủ nơi mình được bổ nhiệm thì khó tránh
khỏi tình cảm lo âu, hồi hộp, thậm chí có người còn sợ vãi…mồ hôi, ấp a
ấp úng nói không ra một câu đã học thuộc. Đấy là một vài đại sứ nước
ngoài họ kể lại cho tôi nghe thế thôi chứ không phải nói các vị đại sứ
Việt Nam ta đâu. Đại sứ Việt Nam ta trước đây cũng chỉ được coi là ngoại
tướng nhưng ra trận thì oai lắm, tự tin lắm, nói chuyện chính trị cứ
chắc nình nịch vì có bài chuẩn bị trước và lại có phiên dịch mà, nói sai
vào đâu được !
Tôi
cũng không tránh khỏi tâm trạng hồi hộp khi được tiếp kiến Tổng thống
Chirac sau khi trình ủy nhiệm thư lên ông. Ông cao to, hồ hởi, chủ động
làm bớt khoảng cách giữa một nguyên thủ quốc gia với một đại sứ. Chắc lễ
tân đã báo cáo trước với ông về tôi nên trong câu chuyện ông gọi tôi là
ca-ma-rát (camarade). Trong tiếng Pháp, ca-ma-rát không chỉ có nghĩa là
đồng chí mà còn là cách gọi thân mật của những người cùng học ở một số
trường lớn, chắc ông Chirac hàm ý rằng ông và tôi đều là học sinh trường
Hành chính Quốc gia (ENA). Tôi cảm nhận được niềm vinh dự to lớn này
mặc dù biết rằng trong cách xưng hô thân mật ấy thì có đến 90% là lễ tân
của một nhà ngoại giao lịch lãm tầm cỡ thế giới. Hôm ấy tôi hắt hơi sổ
mũi rất nhiều, một phần vì xúc động nhưng phần chính là vì dị ứng phấn
hoa, một thứ bệnh gây cho tôi rất nhiều khó chịu khi học tập và công tác
ở Pháp. Về sau này, mỗi khi nhớ tới chữ ca-ma- rát của Tổng thống
Chirac dành cho tôi, tôi lại nghiệm ra một điều thú vị là có những cái ở
nơi này thì là cái gì, ở nơi khác lại chẳng là cái gì.
Những
kỷ niệm như thế thật nhiều, mỗi kỷ niệm một khác. Lần trình ủy nhiệm
thư ở Tây Ban Nha là lần đầu tiên trình lên Quốc vương. Lễ tân nước này
qui định các vị sứ thần phải mặc lễ phục đuôi tôm. Đây là lễ phục quí
tộc, người ta mặc trong các dịp vào triều, đi dự dạ hội...Đến bây giờ
nhiều nơi vẫn qui định mặc lễ phục đuôi tôm khi đi dự những buổi hoà
nhạc lớn. Đơn giản nhất thì những ông nhạc trưởng vẫn phải mặc áo đuôi
tôm. Có một lần Công chúa Thái lan đến Paris, Đại sứ Thái tổ chức tiếp
tân gala-diner, tức là vừa ăn tiệc ngồi vừa xem văn nghệ, một hình thức
lễ tân cao, thoải mái nhưng sang trọng. Tôi đến dự và phát hoảng lên khi
thấy mọi người đều mặc áo đuôi tôm, còn mình chỉ com-lê đen thắt cà-vạt
đỏ. Đang rất lúng túng thì thấy Đại sứ Campuchia Hor Nam-hong cũng
com-lê đen và cà vạt đỏ. Hai chúng tôi đang rất mừng khi nhận ra có
người cùng cảnh thì lại thấy đại sứ Trung quốc đi vào, cũng com-lê đen
và cà vạt màu sẫm. Thế là lại có bạn đồng cảnh , thế là đỡ bị vênh rồi.
Nhưng đấy mới chỉ là trong buổi dạ hội, còn trình thư lên vua Tây Ban
Nha lại hoàn toàn khác, nhất thiết phải theo qui định của lễ tân là mặc
lễ phục đuôi tôm. Tôi phải thuê chiếc áo đuôi tôm, còn áo sơ mi trắng có
măng sét và cổ thắt nơ thì phải mua, không ai cho thuê thứ đó cả. Mua
về mặc có một lần rồi bỏ, tiếc cũng phải mua, lúc đầu bảo giữ làm kỷ
niệm nhưng rồi kỷ niệm ấy cũng chẳng đem ra mà khoe được, sau để lẫn đâu
mất.
Buổi
lễ trình thư rất nghiêm trang nhưng cũng rất vui. Lế tân bạn dùng xe
ngựa cho các tân đại sứ đi trình thư, tôi được đi xe sáu ngựa kéo. Người
tháp tùng là bí thư thứ nhất của Sứ quán, anh Đinh Toàn Thắng, cũng
được đi xe bốn ngựa. Chúng tôi đi một quãng dài qua quảng trường trước
khi đến cung vua. Rất vui vì trên đường đi có nhiều người dân, chắc phần
nhiều là du lịch, đứng nhìn cảnh lạ và vẫy tay chào chúng tôi. Tôi cũng
vẫy tay lại. Khi từ trong xe bước ra, nhìn ông lễ tân đầu hói của bạn
đi tháp tung cũng mặc bộ lễ phục đuôi tôm, trông hài hước chẳng khác gì
bá tước Ca-ra-ba trong chuyện tranh Chú Mèo đi hia, tôi chợt nghĩ chắc
trông mình cũng nực cười chẳng kém gì.
Ở
Ma-li và ở Bồ-đào-nha, thủ tục lễ tân đơn giản hơn. Đơn giản nhất là ở
Sa-ra-uy Dân chủ. Tuy vậy trình ủy nhiệm thư ở Sa-ra-uy Dân chủ cũng là
một lần đi trình thư rất ấn tượng. Lúc ấy Sa-ra-uy Dân chủ đóng hành
dinh tại sa mạc Sa-ha-ra, gần thành phố Tin-đúp của An-giê-ri. Vì vấn đề
Sa-ra-uy Dân chủ mà quan hệ giữa An-giê-ri và Ma-rốc đến lúc ấy vẫn
chưa được cải thiện. Nhờ chuyến đi này mà tôi đã là một trong số không
nhiều người được đến sa mạc. Cùng đi với tôi có anh Thuỷ là bí thư thứ
nhất Đại sứ quán, anh Hào là phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam
tại An-giê. Bạn cho chúng tôi ở trong một cái lều bạt màu xanh rất to
và chắc chắn, buổi tối có các cô lễ tân xinh đẹp đến pha trà theo kiểu
địa phương, nghĩa là nâng bình trà lên cao rót xuống để cho cốc trà có
rất nhiều bọt, cho rất nhiều đường, lại bỏ thêm vào một chiếc lá bạc hà.
Dưới ánh sáng trắng của ngọn đèn măng sông, các cô gái vừa pha trà vừa
kể chuyện sa mạc cho chúng tôi nghe làm tôi liên tưởng đến chuyện một
ngàn một đêm lẻ. Càng về khuya thời tiết sa mạc càng lạnh. Bầu trời sa
mạc về đêm trong vắt, lấp lánh đầy sao, thật yên bình.
Trong
khi chờ để trình thư, bạn dẫn chúng tôi đi thăm sa mạc, thăm một số bộ
tộc người Sa-ra-uy ở trong các lều trại. Tôi đã gặp một cụ già mà tôi cứ
ngỡ rằng đây phải là một nhân vật trong các truyện cổ A rập hiện ra. Cụ
có bộ râu vểnh bạc trắng trên khuôn mặt xương xương, đầu chít khăn như
trong tranh vẽ Thần đèn. Cụ đã mời tôi uống một ca sữa dê tươi nhưng đã
để lên váng, vị nhàn nhạt, chua chua mà tôi còn nhớ đến bây giờ. Vì thực
phẩm ở sa mạc rất hiếm nên bạn đã thịt một con lạc đà để thết chúng
tôi. Cùng lúc có một đoàn từ thiện Tây Ban Nha, họ mang thuốc và mì đến
cho Sa-ra-uy. Thế là trong gần một tuần, hai đoàn Việt nam và Tây Ban
Nha đã xơi hết một con lạc đà nấu sốt với mỳ Ý, ngon chẳng kém gì sốt
thịt bò. Đợi đến ngày thứ ba thì bạn cho trình thư. Đương nhiên là không
có mô tô hộ tống mà đi trên những chiếc xe địa hình. Bạn dẫn chúng tôi
đến nơi làm việc của Tổng thống, một ngôi nhà thấp, tường bằng đất trình
rất dày, có thế mới giữ mát được ở bên trong. Tổng thống mặc quân phục
màu cỏ úa, đã đứng đợi sẵn, cũng gọi tôi bằng đồng chí, nhưng ý nghĩa
khác hẳn với chữ đồng chí của Tổng thống Chirac. Chúng tôi đã nói chuyện
với nhau như những chiến sĩ cùng chiến hào, không có thủ tục lễ tân nào
ràng buộc.
Lần
thứ bẩy trình thư là ở Hoàng cung Vương quốc Cămpuchia. Tôi trình ủy
nhiệm thư lên Quốc vương Sihamoni vừa mới đăng quang không lâu. Vua cha
của ông, Săm-đéc Norodom Sihanouk đã thoái vị để ông lên ngôi trị vì
Campuchia từ tháng 10 năm 2004 trong một bối cảnh chính trị không ít
phức tạp. Đức vua mặc com-lê màu xanh sẫm, chắc chắn là loại com-lê do
những thợ may tin cẩn và tài ba may đo. Ngài đã cạo đầu theo phong tục
của đạo Phật. Tôi nhận ra ánh mắt sáng long lanh và nụ cười đôn hậu của
người tập thiền, ánh mắt và nụ cười rất thiện cảm khi Ngài còn là Hoàng
tử, Đại sứ Campuchia ở UNESCO mà tôi có dịp được gặp và chào hỏi tại một
số cuộc chiêu đãi ở Paris vào những năm 1997-1998. Sau khi nhận thư,
Đức Vua đã tiếp tôi khá lâu và trong câu chuyện, Ngài đã mấy lần khẳng
định quyết tâm theo đuổi chính sách hòa bình, hữu nghị và hợp tác truyền
thống với Việt Nam.
Từ
Hoàng cung đi ra, tôi thấy xe tôi đã cắm cờ. Thế là tôi đã chính thức
trở thành vị đại sứ thứ tư của VN tại Cămpuchia kể từ 1979, sau khi chế
độ diệt chủng Pôn Pốt bị lật đổ. Các vị đại sứ tiền nhiệm của tôi là ông
Ngô Điền, ông Trần Huy Chương và ông Nguyễn Duy Hưng. Ông Ngô Điền
trình ủy nhiệm thư lên Chủ tịch Hêng Som-rin, lúc ấy là Chủ tịch nước
Cộng hoà nhân dân Cămpuchia. Ông Trần Huy Chương và ông Nguyễn Duy Hưng
trình lên Quốc vương Sihanouk, đến lượt tôi là Quốc vương Sihamoni. Trên
đường từ Hoàng cung trở về Sứ quán, xe của tôi đi qua Tượng đài Hữu
nghị Việt Nam-Campuchia, lượn qua Đài Độc lập rồi đi trên đại lộ
Nô-rô-đôm là đại lộ to và đẹp nhất Nông Pênh. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay
phần phật trước mũi xe, tôi cảm nhận một niềm tự hào to lớn về dân tộc,
về đất nước và về nhân dân Việt Nam.
Chương II
NƠI BẮT ĐẦU CŨNG LÀ NƠI KẾT THÚC
Tôi
đến sân bay Pô-chen-tông, Thủ đô Nông Pênh ngày 20 tháng 2 năm 2005
trên chiếc máy bay Fokker, chuyến bay VN 841 Hàng không Việt Nam. Cô
tiếp viên xinh tươi mặc áo dài mầu mận chín duyên dáng thông báo nhiệt
độ bên ngoài lúc ấy là 28 độ C. Bước ra khỏi máy bay, tôi không cưỡng
lại được ý muốn nhìn xem đâu là chỗ cách đây 25 năm máy bay chở thương
binh của ta đã đỗ, đâu là chỗ mấy cây hoa đại mà tôi đã vẩn vơ đứng dưới
gốc với hy vọng sẽ được đi nhờ máy bay chở thương binh về thành phố Hồ
Chí Minh. Khi mọi người dẫn tôi ra xe, tôi bất chợt ngửi thấy mùi hoa
đại. Tôi đã ngoái lại để xem mùi hương ấy toả ra từ đâu, từ những cây
hoa đại dưới nắng hay từ trong ký ức...
Năm
1979, bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp bạn Campuchia truy đuổi tàn quân
Pôn Pốt, chiến thắng lớn nhưng thương vong cũng nhiều. Thương binh của
ta được chở bằng máy bay từ Siêm-Riệp, Bat-tam-bang về. Máy bay ghé sân
bay Pô-chen-tông để lấy thêm một số người đi thành phố Hồ Chí Minh công
tác hoặc chữa bệnh. Trong lúc chờ đợi, thương binh nghỉ gần ngay chỗ máy
bay đỗ. Ai cũng băng trắng quấn quanh chân, quanh tay hoặc quanh đầu.
Có người kiên nhẫn ôm nạng ngồi. Có người vẻ sốt ruột tập tễnh chống
nạng đi lại. Có anh bị cụt cả chân và tay nhưng vẫn vui vẻ nói em may
quá, nếu chết thì không biết má em sẽ khóc đến bao giờ. Lại có người nói
ở Bát-tam-bang em toàn ngủ trong hầm, thu người như con ếch, đêm qua
được ngủ một giấc như người bình thường, mai có chết cũng sung sướng.
Mắt
tôi cay xè khi nghe lỏm họ nói chuyện với nhau. Anh nào cũng băng cứu
thương trắng lóa trong nắng mà nét mặt vẫn ngời lên niềm hạnh phúc được
sống và trở về. Họ tranh nhau lên máy bay. Ngoài số thương binh, còn có
rất nhiều người muốn được đi nhờ về thành phố, người muốn đi đông mà chỗ
lại ít nên phải chen chúc, tranh giành nhau, đến mức một vị tướng phải
đích thân đứng trên cầu thang máy bay, gọi tên từng người, cho ai lên,
đuổi ai xuống, thỉnh thoảng văng ra một câu chửi tục. Tôi cũng muốn đi
nhờ nên đã luẩn quẩn ở đấy. Khi chờ đợi, tôi rất bị ấn tượng bởi màu
băng trắng pha máu và màu hoa đại trắng pha nhị vàng. Bây giờ ngồi
trong xe tôi cố nhìn xem mấy cây đại đó có còn ở trước sân bay không và
màu hoa có còn trắng như màu băng cứu thương nữa không.
Những
ngày tiếp sau trong hơn bốn năm công tác ở Nông Pênh, tôi đã đi sân bay
rất nhiều lần, đã gặp lại những cây hoa đại cũ ở đây. Những bông hoa
đại vẫn thế, vẫn toả thơm mùi hương chùa chiền kín đáo và thanh khiết,
nhưng không thể là những bông hoa ngày xưa. Gần ba mươi năm đã trôi qua,
biết bao nhiêu những bông hoa đã nở ra và rụng xuống , hoa đại lúc mới
rụng xuống vẫn thơm, nhặt lên ngửi vẫn thấy cái mùi hương dịu nhẹ nhưng
vài ngày sau là mục về với đất. Vậy mà nhìn lên thì thấy những bông hoa
cứ in hệt như ngày tôi mới tới, giống nhau đến ngỡ ngàng khiến tôi tự
thốt lên là đúng nó đấy, đúng là những bông hoa khi tôi mới tới để bắt
đầu công tác ngoại giao của tôi ở xứ sở này. Cách đây gần 30 năm, khi
tôi quanh quẩn dưới gốc những cây hoa đại ở sân bay Pô-chen-tông, dù cho
có giàu trí tưởng tượng bao nhiêu đi chăng nữa thì tôi cũng không dám
nghĩ rằng hôm nay tôi trở lại đây với tư cách là Đại sứ Đặc mệnh Toàn
quyển của Việt Nam tại Vương quốc Căm-pu-chia.
*
* *
Đầu
năm 1978, tôi và một số anh em cán bộ Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại
giao được theo ông Ngô Điền vào thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo tố
cáo tội ác bọn Pôn-Pốt xâm lấn và giết hại dân thường dọc biên giới Tây
Nam nước ta. Sau cuộc họp báo, ông Ngô Điền đưa các nhà báo lên vùng
Bẩy Núi tỉnh An Giang để tận mắt thấy những tội ác. Đây là lần đầu tiên
tôi được đi về Miền Tây, tới sát biên giới Việt Nam-Cămpuchia ở khu vực
kênh Vĩnh Tế. Nhìn những cánh đồng và làng mạc bên này bên kia đều giống
nhau, tôi không thể phân biệt đâu là biên giới. Những người hướng dẫn
chỉ cho các nhà báo phía bên kia là đất CPC. Tôi thấy phía bên kia cũng
là cánh đồng hoang mênh mông, có những cây như cây cọ nhưng thân cao,
đứng trơ trọi một mình hay túm tụm thành khóm bên bờ ruộng. Mãi sau này
tôi mới biết đấy là những cây thốt nốt, đen đúa nhưng vững chắc trong
nắng gió. Chính ở địa điểm này, dọc theo kênh Vĩnh Tế, vừa diễn ra một
cuộc tàn sát dân thường của lính Pôn Pốt, bộ đội và dân quân ta đã đánh
đuổi, đã bắt một số lính Pôn Pốt. Các nhà báo ngạc nhiên khi được gặp và
thấy chúng chỉ là những tên lính trẻ con. Chúng mặc áo cộc tay cổ tròn
màu đen, quần đùi đen, quấn một chiếc khăn rằn kẻ đỏ hoặc đội một chiếc
mũ tết bằng lá thốt nốt trên đầu. Chúng ngơ ngác khi các nhà báo hỏi
chuyện, nét mặt tăm tối và hoảng sợ. Hình ảnh những tên lính trẻ con
giết người này đã đeo bám tôi rất nhiều năm tháng về sau mỗi khi có
việc nhớ tới đất nước và con người Cămphuchia. Đứng ở cánh đồng hoang
huyện Bẩy Núi lúc bấy giờ tôi có cái cảm giác rờn rợn khi nghe nói bất
thình lình bọn chúng có thể bắn tỉa súng trường hoặc nã súng cối sang
bên này. Cũng về sau tôi mới biết để có một chuyến đi thực tế hiệu quả
và an toàn như thế cho các nhà báo thì biết bao nhiêu bộ đội Quân khu 9
đã phải rải ém trên suốt tuyến biên giới An Giang từ mấy hôm trước rồi.
Biên
giới Tây Nam diễn biến hết sức phức tạp trong suốt năm 1978. Bọn Pôn
Pốt không ngừng lấn chiếm và tàn sát dân thường, buộc ta phải hành
động, giáng trả quyết liệt. Đến ngày 2/12/1978, Mặt trận Đoàn kết Dân
tộc Cứu nước Cămpuchia ra đời. Những ngày đầu năm 1979 tiếp theo đã diễn
ra vô cùng sôi động. Bộ đội ta đã giúp bạn giải phóng rất nhanh các
tỉnh phía Nam Cămpuchia và đến ngày 7/1/1979 thì giải phóng hoàn toàn
Nông Pênh. Các lực lượng cách mạng Cămpuchia phải nhanh chóng lập chính
phủ, tiếp quản thủ đô, đấu tranh ngoại giao, ổn định tình hình...
Tôi
đã bắt đầu công tác ngoại giao của tôi trong bối cảnh ấy, bằng một bức
điện của ông Ngô Điền gửi từ thành phố Hồ Chí Minh cuối 1978, đại ý là
đề nghị Bộ Ngoại Giao cử tôi vào giúp ông. Lúc ấy ông Ngô Điền đang là
phó ban B68, được giao nhiệm vụ giúp Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước
Cămpuchia làm tuyên truyền quốc tế, còn tôi mới chỉ tò te là một cán bộ
trẻ của Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao. Tôi vội vàng vào thành phố
Hồ Chí Minh đúng những ngày giáp tết, đến trụ sở B68 nhận quần áo bộ
đội, ba lô, mũ tai bèo…, tất cả đều có mầu xanh lá úa. Bộ quần áo tôi
mặc rộng thùng thình nhưng đã biến tôi từ một anh chàng còn thư sinh
thành một người lính rất là…Campuchia. Và ngày 23 tháng 1 năm 1979 tôi
theo ông Ngô Điền lên Nông Pênh bằng máy bay.
*
* *
Hơn
một tuần sau khi trình Thư ủy nhiệm lên Quốc vương Sihamoni, ngày 18
tháng 3 năm 2005, tôi được đến chào Thủ tướng Hun Sen tại Văn phòng Hội
đồng bộ trưởng chính phủ Hoàng gia Cămpuchia. Hôm ấy tôi tới hơi muộn
một chút vì bị kẹt xe. Thế đấy, những ngày đầu năm 1979 thì đường phố
Nông Pênh vắng ngắt, Thủ tướng Hun Sen thường nói đùa là lúc ấy nếu có
đem nhau ra giữa đường trải chiếu nằm ngủ cũng không sợ vì chẳng có ma
nào qua lại. Vậy mà giờ đây cho dù đã căn giờ rồi mà vẫn bị kẹt xe. Tôi
đem câu chuyện đó ra kể cho Thủ tướng như một lời tạ lỗi vì sao tôi đến
hơi chậm. Thủ tướng cười vui vẻ và độ lượng.
Tôi
đã rất hồi hộp khi đi trên đường từ Sứ quán tới Văn phòng Hội đồng Bộ
trưởng, bởi vì tôi đang sắp được gặp một người nổi tiếng. Cũng còn bởi
lẽ là tôi đang sắp được gặp một vị lãnh đạo mà tôi đã từng biết, hồi hộp
lắm, không biết Thủ tướng với biết bao nhiêu biến đổi bộn bề của thời
cuộc thì có còn nhận ra một cán bộ thời xưa !
Buổi
gặp rất chính thức, có hầu như toàn bộ nhóm cố vấn của Thủ tướng tham
dự, có anh Đao Xa-vi là người rất thạo tiếng Việt dịch cho Thủ tướng, có
anh Lý Quang Bích rất giỏi tiếng Campuchia dịch cho Đại sứ Việt Nam.
Sau khi thăm hỏi, Thủ tướng nhắc lại kỷ niệm những ngày đầu mới về Nông
Pênh, rằng không bao giờ quên công ơn của Việt Nam, Việt Nam đã hy sinh
rất nhiều cho Campuchia, nếu không có ngày 7/1/79 thì không có ngày nay.
Thủ tướng còn nhắc lại kỷ niệm những ngày đầu chạy sang Việt Nam, những
ngày mới về Nông Pênh được Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó là Phó chủ
tịch thành phố Hồ Chí Minh cho người sang khôi phục điện nước, và chở cả
lương thực sang cứu đói. Thủ tướng nói : “ 26 năm đã trôi qua, nếu
không có sự bắt đầu ấy thì sẽ không có ngày hôm nay. Quan hệ giữa hai
Đảng, hai Nước chúng ta là sâu đậm, là vô giá”.
Lúc
ấy tôi gai người xúc động khi nghe những điều Thủ tướng nói, vị Thủ
tướng mà bây giờ ai cũng gọi là Săm đéc Thủ tướng. Thủ tướng rất cởi mở
và thân tình nhưng không có vẻ gì đã nhận ra người đã lên Nông Pênh với
Phó ban B68, sau là Đại sứ Ngô Điền, trong chuyến bay ngày 23 tháng 1
năm 1979. Lúc ấy Săm đéc Thủ tướng còn là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng
hoà Nhân dân Căm-pu-chia. Sau này tôi còn nhiều lần được gặp riêng ông
hoặc trong các dịp tháp tùng các đoàn Việt Nam thăm Campuchia, bao giờ
nghe ông nói cũng bị lôi cuốn, cũng rất súc động. Ông không ngần ngại
nói thẳng bằng tiếng Việt, mạch lạc, khúc chiết và rõ ràng. Ông giỏi
tiếng Việt nên trong những cuộc gặp chính thức mà phải qua phiên dịch
thì ông thường chữa cho cả phiên dịch. Có lần ông nói với tôi là cả
Campuchia cả Việt Nam cần đào tạo lớp phiên dịch trẻ và giỏi để thay thế
những người dịch tốt đã nhiều tuổi.
Khi
mới sang Campuchia vào năm 1979 tôi chỉ là thư ký giúp ông Ngô Điền,
thỉnh thoảng được gặp Hun Sen khi đưa điện hoặc công văn nên ông vẫn
biết có một chuyên gia cấp dưới tên là Chiến Thắng. Trong những ngày đầu
tiên năm 1979 ấy, Bộ Ngoại giao Campuchia đã cho tôi mượn một chiếc xe
hon-đa 50 cũ để đi lại. Bộ trưởng Hun Sen trực tiếp ký và đóng dấu vào
tờ giấy sử dụng xe. Hôm đem giấy đến xin đóng dấu, tôi thấy Bộ trưởng
ngồi một mình trước một cái bàn rộng, mặc bộ đồ kaki màu ghi phẳng phiu,
nét mặt thanh tú và người gày như một thư sinh hơn là một nhà quân sự
đã lăn lộn trên nhiều chiến trường. Ông thong thả lấy từ trong cặp đen
ra một cái túi ny lông, lấy từ trong túi ny lông ra một cái dấu rồi vui
vẻ đóng dấu, lại còn cười nói sau này dễ dàng thì cho Chiến Thắng mang
cái honda về Việt Nam. Đã không thể có cái sự dễ dàng vì càng về sau
càng nhiều luật lệ chặt chẽ, nhưng tình cảm ấy của Hun Sen cùng với hình
ảnh ông đích thân đóng cái dấu vào tờ giấy phép đã in đậm mãi trong trí
nhớ của tôi. Theo ông Ngô Điền kể lại, về sau này, thỉnh thoảng ông còn
nhớ đến tôi, có lần trong một cuộc họp giao ban còn quay hỏi Chiến
Thắng đâu mà lâu không thấy. Bởi vậy năm 1985 ông đã đồng ý cho Bộ Ngoại
giao Campuchia mời gia đình tôi sang nghỉ ở Campuchia hai tuần. Khi
tôi trở thành đại sứ, thỉnh thoảng ông vẫn gọi tôi là anh Chiến Thắng.
Nhưng vẫn không biết ông có nhận ra tôi không. Còn tôi thì chắc chắn là
không bao giờ dám hỏi.
Bộ
Ngoại Giao Campuchia bây giờ đã dọn về trụ sở mới, đối diện với Công
viên Hun Sen. Khi tôi đã là Đại sứ, thỉng thoảng đi ngang qua tòa nhà Bộ
Ngoại Giao cũ ở đường bờ sông, tôi lại bâng khuâng nhớ đến những ngày
đầu năm 1979 đã qua lại đây làm việc. Lúc bấy giờ nội dung công việc
ngoại giao rất lớn nhưng chỗ làm và phương tiện lại chẳng có gì. Tôi
nhớ chúng tôi đã cùng các nhân viên đầu tiên của Bộ Ngoại giao bạn đi
thu nhặt bàn ghế, máy chữ và các đồ dùng văn phòng...về trang bị cho trụ
sở Bộ. Đụng đến cái gì cũng một lớp bụi phủ dầy, thổi nhẹ một cái cũng
giống như thổi vào đĩa bột mì. Vào bất kể nhà hoang nào cũng có thể tìm
được một cái gì đó nhưng chúng tôi phải dò dẫm cẩn thận vì sợ mìn hoặc
bẫy. Anh Bùi Hữu Nhân là một trong những trợ thủ chính của ông Ngô Điền
lúc ấy, là một cán bộ miền Nam giỏi tiếng anh và tiếng pháp, là trưởng
phòng phóng viên của Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao trước khi chúng
tôi vào giúp ông Ngô Điền. Tôi vẫn nhớ hình ảnh anh Nhân vào những buổi
chiều trời nắng đi thu nhặt đồ dùng cùng bạn. Có những lúc anh chỉ mặc
độc mỗi cái quần đùi, cởi trần, bụi bám trên mặt trên người lem luốc, mồ
hôi nhễ nhại. Một cán bộ ngoại giao cự phách đấy, có phải lúc nào cũng
com-lê với cà-vạt cả đâu ! Anh Nhân sau này đã mất do một tai nạn giao
thông rất thương tâm.
Những
ngày đầu, đời sống ở Bộ Ngoại giao bạn rất khó khăn, chưa có viện trợ
nào khác ngoài viện trợ của Việt Nam. Nhà bếp chỉ có cơm với canh rau và
ít cá khô. Người ta lấy một phần gạo đi đổi thức ăn. Các chị goá chồng
mà có con nhỏ thì phải mang con theo, buổi sáng có một gói giấy gói hạt
ngô luộc để cho chúng ăn lót dạ. Nhiều ngưòi nói nếu bộ đội Việt Nam đến
chậm thì chắc họ đã bị thủ tiêu rồi.
Ông
Ngô Điền kể, về sau này, trong khi nói chuyện với cán bộ Bộ Ngoại giao
Campuchia, Thủ tướng Hun Sen thường vui đùa rằng trên thế giới này chẳng
có Bộ Ngoại giao nào lại nhiều khó khăn như Bộ Ngoại giao Campuchia
trong những ngày đầu. Những người giỏi thường hay tếu táo tự hài hước
mình như thế chứ thực ra Thủ tướng Hun Sen trước khi trở thành một nhà
chính trị lỗi lạc của Cămpuchia thì đã là một nhà ngoại giao xuất chúng.
Hun
Sen chiến đấu liên tục từ cấp thấp nhất thăng dần lên Trung đoàn phó,
tham gia trận đánh giải phóng Phnom Pênh và bị thương nặng, hỏng măt
trái trước khi thắng lợi hoàn toàn. Nguyên là một sĩ quan cấp trung
đoàn bỏ chế độ Pon Pốt sang Việt Nam vào năm 1977, ông đã trưởng thành
trên tất cả các lĩnh vực như quân sự, ngoại giao, đặc biệt là chính trị,
chính trị trong nghĩa chính khách và chiến lược.
Trong
công việc, tôi được gặp Thủ tướng nhiều lần, ông thường nhắc đến lòng
biết ơn và những kỷ niệm tình nghĩa với Việt Nam. Nếu có dịp, ông thường
tìm cách gặp gỡ những người đã từng giúp đỡ ông, cùng nhau nhắc lại kỷ
niệm và kể chuyện tiếu lâm về những ngày đầu khời nghiệp. Ở một người
bình thường, những lời nói và việc làm ấy sẽ được coi là người có trước
có sau. Ở một người như Thủ tướng Hun Sen thì nó được coi như là chính
trị. Người làm chính trị nào mà chẳng phải mang một nỗi đau kín đáo
kiểu như thế. Dù thế nào thì cái chính trị trước sau chung thuỷ đối với
Việt Nam ấy của Thủ tướng Hun Sen là phù hợp với tình cảm của rất nhiều
người Campuchia, những người trước đây đã là nạn nhân của chế độ diệt
chủng và những người trẻ tuổi hiện nay yêu hoà bình và hiểu được thời
thế. Cái chính trị ấy đã được Hun Sen chính thức long trọng tuyên bố lên
trong lễ chiêu đãi của Thủ tướng Phan Văn Khải chào mừng đoàn Thủ
tướng Cawmpuchia thăm Việt Nam tối 10 tháng 10 năm 2005 tại Hà Nội, toàn
văn đoạn nói về lòng biết ơn đối với Việt Nam như sau :
“Campuchia
đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần và đã hồi sinh, phát triển toàn diện
trong hơn 26 năm qua. Thay mặt nhân dân Campuchia, tôi xin phép được
bầy tỏ lòng biết ơn Đảng, chính phủ, quân đội và nhân dân nước cộng hoà
xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã hy sinh to lớn cho sự nghiệp giải phóng
nhân dân Campuchia ngày 7 tháng 1 năm 1979 khỏi bàn tay của bọn diệt
chủng Pôn Pốt, giúp Campuchia ngăn chặn sự quay lại của chế độ diệt
chủng và đã cùng chia xẻ với nhân dân Cămpuchia trong thời gian cực kỳ
khó khăn đau khổ nhất...
“Nhân
dịp này, tôi xin phép được bày tỏ lòng kính trọng đến nhân dân Việt
Nam, những gia đình có cha mẹ, vợ chồng, anh em đã hy sinh trong sự
nghiệp giúp đỡ sự hồi sinh của nhân dân Campuchia và tôi xin phép được
khẳng định nếu không có ngày 7 tháng 1 năm 1979, nhân dân Cămpuchia
chúng tôi cũng không thể có được những gì trong ngày hôm nay. Đây là một
chân lý lịch sử không một thế lực phản động nào có thể phủ nhận”.
*
* *
Khi tôi đang viết những dòng này thì có chuyện Thủ tướng Hun Sen mời
Thạc Xỉn là Thủ tướng mất chức và lưu vong của Thái Lan về Nông Pênh làm
cố vấn kinh tế cho Campuchia (11/2009). Nhiều người nghĩ rằng tôi
nguyên là Đại sứ ở Campuchia thì cái gì về đất nước này cũng phải biết
nên mới hỏi tôi chuyện đó nghĩa là thế nào.
Câu hỏi hóc búa quá. Chuyện đó là thế nào ? Tôi thưa lại với những
người hỏi rằng tôi cũng chịu, không biết chuyện ấy là thế nào, rằng là
thế nào mà nó lại ra câu chuyện như thế, nhưng mà có ra câu chuyện như
thế rồi cuối cùng cũng lại chẳng làm sao đâu. Gần như đây là chuyện từ
trước tới nay chưa có, thật khó tìm được những việc tương tự trong lịch
sử quan hệ quốc tế cổ điển cũng như đương đại. Không nói tới quan hệ
quốc gia, nếu ông hàng xóm liền vách liền tường nhà mình mà cư xử theo
cách ấy thì nện nhau cũng là chuyện thường. Thế mà đây vẫn cứ ngon ơ mới
lạ chứ.
Vậy chỉ có thể nói : bởi vì đó là Hun Sen ! Ở Campuchia hiện nay, không
phải Hun Sen không ai dám làm như vậy. Với con mắt nhìn của tôi, tất
nhiên là còn thiếu sót và tôi xin tạ tội trước, thì Hun Sen hiện đang là
chính khách tại chức tài ba và giàu kinh nghiệm vào hàng bậc nhất Đông
Nam Á. Một số báo chí còn dùng nhiều tính từ khác gán cho Hun Sen, là
con người xuất chúng, lão luyện, lọc lõi…
Gần
ba mươi năm nắm chiếc ghế Thủ tướng ở một chính trường phức tạp và đầy
biến động, chính Hun Sen là người đã và đang làm thay đổi đất nước
Campuchia, là người đã dựa vào Việt Nam để xóa bỏ chế độ diệt chủng Pôn
Pốt, đưa đất nước thoát khỏi nạn đói và cô lập trong suốt mười năm kể từ
sau 1975, là người xoay xỏa chống chọi với cái gọi là dân chủ phương
Tây, dựa vào và lợi dụng chính chế độ quân chủ ở Campuchia để chuyển từ
chế độ một đảng sang chế độ đa đảng mà vẫn nắm được độc quyền lãnh đạo,
là người hướng tới dân chủ bằng một số những biện pháp độc tài, khéo léo
đưa Campuchia vào hội nhập, thiết lập nên một tôn ti trật tự mà cho đến
bây giờ muốn hay không người Campuchia vẫn phải phục tùng. Hun Sen là
nhà hùng biện của người Campuchia, có cách lập luận không xa lắm so với
cách lập luận của Mahathir, Thủ tướng Malaysia trước đây. Và cách hành
động thì chỉ có thể nói là rất Hun Sen. Điều đó cắt nghĩa chừng mực nào
tại sao Thạc Xỉn lại được mời về Campuchia làm cố vấn kinh tế.
Có
thể có nhiều kịch bản cho một Campuchia trong hơn ba thập kỷ qua với
giả dụ không có Hun Sen. Nhưng rất nhiều người Campuchia nói rằng không
thể giả dụ như thế, bởi vì Hun Sen đã được sinh ra để gánh vác vai trò
lãnh đạo Campuchia, để trở thành nhà lãnh đạo
thông minh và quyết liệt, một nhà chính trị lừng tiếng của Campuchia
đương đại, người đã gắn liền với một giai đoạn lịch sử vừa hào hùng vừa
đen tối và tủi nhục của Campuchia, tất nhiên cũng gắn liền với một giai
đoạn lịch sử đầy sôi động của các nước chung quanh.
Một số nhà báo phương Tây gọi Hun Sen là người hùng chột mắt của
Campuchia. Nhiều kẻ xấu mồm độc miệng lại gọi Hun Sen là học trò của
Việt Nam và nói rằng Việt Nam chẳng phải học đâu xa, chỉ cần học ngay
người học trò của mình. Đúng là giọng lưỡi xỏ xiên !
Còn Hun Sen thì không bao giờ che giấu việc ông đã chạy sang Việt Nam
vào năm 1977 để dựa vào Việt Nam chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt.
Trong những lúc thân mật ông còn nói lần đầu tiên ông gặp biển là ở Vũng
Tàu, Việt Nam chứ không phải ở Campuchia.
*
* *
Sau
bốn năm công tác, đến tháng 2 năm 2009 tôi được lệnh kết thúc nhiệm kỳ.
Ba lần đi làm đại sứ, tôi đã ba lần kết thúc nhiệm kỳ với những tình
cảm khác nhau. Lần đầu, tôi rời thủ đô An-giê vào một sáng sớm. Lúc ấy
nạn khủng bố ở đây đang hoành hành dữ dội nên bạn cho xe hộ tống tôi ra
sân bay. Anh em đứng ở cổng sứ quán lưu luyến tiễn tôi, hình ảnh họ
trong sương mờ buổi sớm mãi mãi như một hình ảnh tuyệt đẹp trong tâm trí
tôi. Lúc ấy quả thật tôi rất vui mừng vì mình được chuyển sang vị trí
mới nhưng trong lòng vẫn có mặc cảm là mình ra đi còn anh em ở lại trong
lúc khó khăn. Tôi còn nhớ mãi câu nói động viên của anh Vũ Duy Láu, lúc
ấy là Chánh văn phòng của Sứ quán : Anh cứ yên tâm, anh em chúng tôi
trụ lại, kiên cường lắm, không có gì phải lo cả.
Kết
thúc nhiệm kỳ ở Pháp trong tình cảm vui vẻ với những đóng góp cho thành
công của Hội nghị cấp cao Pháp ngữ 1997 tại Hà Nội và việc triển khai
kết quả của Hội nghị này. Lần này tôi chỉ có một ân hận là không kịp đi
chào một số bác Việt kiều cao tuổi, bây giờ chắc đã là những người muôn
năm cũ.
Kết
thúc nhiệm kỳ ở Campuchia với những tình cảm khác nhiều. Càng về cuối
nhiệm kỳ, tôi càng nhận ra là quả thật cuộc đời mình đã có rất nhiều kỷ
niệm gắn bó với đất nước này. Khi đi chào từ biệt, nhiều người hỏi tôi
sẽ làm gì khi về nước, tôi trả lời là sẽ nghỉ hưu. Anh Úc Bô-rít, một
trong số ít người biết tôi từ những năm đầu 1979, cười và nói : thế là
anh bắt đầu và kết thúc cuộc đời công tác ngoại giao ở đây đấy nhé.
Nơi
bắt đầu cũng là nơi kết thúc. Hay thật, không biết đấy là sự tình cờ
hay là số phận. Tôi nhớ năm 1992, trong một chuyến về Hải Phòng công
tác, cố Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Mai vừa cười vừa nói với tôi : cậu
thì trước sau gì mà chẳng đi Đại sứ ở Campuchia. Lúc ấy tôi nghĩ là ông
chỉ bông đùa.
Người
Đại sứ khi đến thì chào xã giao, khi về phải chào từ biệt. Ngày 5 tháng
3 năm 2009 tôi đến chào Thủ tướng Hun Sen. Thấy ông vui vẻ và hồ hởi,
tôi mạnh bạo thưa với ông rằng rời Campuchia, tôi có ba niềm vui và một
nỗi buồn. Niềm vui thứ nhất là thấy Campuchia ngày một phát triển, người
dân Campuchia ngày một ấm no hạnh phúc, tính đến năm 2008 tức là 29 năm
sau ngày lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, Campuchia đã tăng trưởng ở
mức hai con số trong nhiều năm, riêng năm 2006 đạt tới 13%. Niềm vui
thứ hai là thấy Campuchia đã có nhiều cái hơn Việt Nam. Nếu tính theo
bình quân đầu người thì số lượng khách du lịch cao hơn, đã xấp xỉ 2
triệu lượt người vào năm 2008, sản lượng lúa cao hơn, đã ở mức hơn 2
triệu tấn năm. Về đối ngoại thì hội nhập có cái nhanh hơn Việt Nam, bằng
chứng là gia nhập WTO trước Việt Nam, tham gia đội quân mũ nồi xanh của
LHQ trước Việt Nam. Và đặc biệt là có lúc nhậy hơn Việt Nam, bằng chứng
là việc thiết lập quan hệ với Hàn Quốc vào năm 1990. Niềm vui thứ ba là
dưới sự trị vì anh minh của Quốc vương và sự lãnh đạo tài ba sáng suốt
của Thủ tướng, quan hệ hai nước Việt Nam-Campuchia ngày càng tốt đẹp.
Ông hỏi thế còn nỗi buồn là gì. Tôi thưa đó là nỗi buồn phải xa một đất
nước mà ở đấy tôi đã bắt đầu cuộc đời hoạt động ngoại giao của mình, nỗi
buồn phải xa những người mà sau những năm tháng quan hệ công tác, đã
trở thành những người bạn thân thiết. Thủ tướng Hun Sen cười, trong câu
chuyện thỉnh thoảng vẫn gọi tôi là anh Chiến Thắng.
Nhưng
tuyệt nhiên không biết ông có nhận ra vị Đại sứ đến chào từ biệt ông là
người mà ông đã cho mượn chiếc xe hon-đa để đi công tác vào năm 1979
hay không.
Nguồn: Chienthang47