Tim thông tin blog này:

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

Ghi chép về Campuchia (1975-1991) của ĐS Huỳnh Anh Dũng (II)

Trước những cố gắng thương lượng của ta với Pol Pot không thành công, cuối tháng 12/1977, ta đã dùng quân đội lớn có xe tăng hỗ trợ phản kích bọn Pol Pot sâu vào nội địa CPC ở vùng Mỏ Vẹt dọc theo đường quốc lộ 1 tiến đến thị trấn [khum] Prasaut, gần thị xã Svay Rieng (cách biên giới khoảng 50 km).

Ngày 31/12/1977, bọn Pol Pot ra tuyên bố chính phủ lên án VN xâm lược CPC và tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với VN. TQ ủng hộ Pol Pot và phê phán VN. Ngày 31/12/1977, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Văn Tiến gặp Đại sứ TQ Trần Chí Phương về tình hình biên giới VN-CPC. Trần Chí Phương nói VN đã xâm lược CPC, đây là sự kiện nghiêm trọng nhất của năm 1977, VN phải nhanh chóng rút quân.

Tối 3/1/1978, đ/c Nguyễn Cơ Thạch thông báo cho một số anh em ở Bộ Ngoại giao: BCT ta họp nhận định ta có thể thắng về quân sự nhưng ta chưa có ngọn cờ chính trị của người CPC nên quyết định rút quân. Ngày 6/1/1978 ta hoàn thành việc rút lui an toàn, bọn Pol Pot lấy ngày 6/1/1978 để ăn mừng “chiến thắng” chống VN.

1.4     Năm 1978: năm bước ngoặt.

Bước vào năm 1978, quan hệ VN với CPC và TQ ngày càng căng thẳng Năm 1977 TQ gây ra 873 vụ va chạm ở biên giới và dùng người Hoa phá chính sách kinh tế và cải tạo XHCN ở miền Nam, phá chính sách nghĩa vụ quân sự.

Tiếp theo Tuyên bố của Chính phủ ta ngày 31/12/1977 về vấn đề biên giới VN-CPC ngày 4/1/78, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trả lời TTXVN lần đầu tiên đã nói ý chính sách nguy hiểm của nhà cầm quyền CPC “được bọn đế quốc và phản động thế giới có tham vọng ở Đông-nam Á hoan nghênh và khuyến khích”.

Ngày 5/2/1978, Chính phủ ta ra Tuyên bố về vấn đề biên giới Việt Nam-CPC và đề nghị 3 điểm:

-            Chấm dứt ngay hoạt động quân sự thù địch ở biên giới, lực lượng vũ trang mỗi bên đóng sâu trong lãnh thổ của mình, cách đường biên giới 5 Km.

-            Hai bên gặp nhau ngay đề bàn và ký Hiệp ước không xâm lược và Hiệp ước biên giới.

-            Hai bên sẽ thoả thuận một hình thức thích hợp bảo đảm quốc tế và giám sát quốc tế Phía Pol Pot hoàn toàn bác bỏ đề nghị trên.

Về thái độ của Lào: trong tháng 2/1978, đ/c Xuân Thủy dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ta thăm bí mật Lào thông báo tình hình biên giới VN-CPC. Trong cuộc họp với BCT Lào, đ/c Souphanouvong kể lại chuyến đi thăm hữu nghị chính thức CPC tháng 12/1977, đ/c Souphanouvong có ấn tượng tốt, cho CPC có kỷ luật và khâm phục việc CPC làm tốt hệ thống thủy lợi. Về quan hệ VN- CPC, các đ/c Lào nói đại ý:

VN là anh cả nên xử sự đúng như là người anh cả, hãy gặp phía CPC bàn bạc giải quyết (lúc này, Lào thừa nhận VN là anh Cả nhưng rất phấn khởi đảm nhận vai trò anh Hai). VN đưa 3 đề nghị 5/2/1978 nhưng chỉ ra tuyên bố, không gửi trực tiếp cho phía CPC có thể phía CPC phật lòng, cho VN không chân thành. Lúc này trong nội bộ Lào có sự đấu tranh về quan điểm khá phức tạp trong quan hệ với VN và với TQ trong khi đó TQ đẩy mạnh việc đưa quân giúp làm đường ở Bắc Lào. Ngày 8/4/1978, Thứ trưởng Bộ Giao thông TQ Phan Kì thăm Lào, khánh thành đoạn đường 286 km ở Bắc Lào. Theo gợi ý của Lào, ngày 10/4/1978, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh gửi công hàm cho Ieng Sary nhắc lại đề nghị 3 điểm, nhờ Lào chuyển công hàm này. Ngày 15/5/1978, Bộ Ngoại giao CPC gửi công hàm trả lời, vu khống VN xâm lược, muốn lập Liên bang Đông Dương, đòi VN thực hiện 4 điều kiện trong 7 tháng đến cuối năm 1978, có như vậy hai bên mới có thể gặp nhau.

Đáp lại công hàm của phía CPC, ngày 6/6/1978, Bộ Ngoại giao ta gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao CPC nhắc đề nghị 3 điểm ngày 5/2/1978 và đề nghị 2 bên tuyên bố chấm dứt hoạt động quân sự thù địch ở biên giới vào một ngày gần nhất mà hai bên thoả thuận, tách quân khỏi biên giới 5 Km, cùng ngày đại diện ngoại giao 2 bên tại Viên Chăn (Vientiane) hoặc bất cứ thủ đô nào gặp nhau để thoả thuận ngày giờ, địa điểm, cấp bậc cuộc họp đại diện giữa 2 Chính phủ.

Tuy nhiên, mọi cố gắng đề nghị thương lượng của ta với CPC đều bị bác bỏ kể cả nhờ LHQ và Phong trào Không liên kết. Trong khi đó những cuộc tiến công giết hại đồng bào ta ở biên giới ngày càng nghiêm trọng thêm điển hình là vụ thảm sát vô cùng dã man ở xã Ba Chúc (An Giang) và thị xã Châu Đốc luôn bị pháo kích bằng pháo 130 ly. Tại Hội nghị Ngoại trưởng Phong trào Không liên kết ở Beograd 27/7/1978), phía CPC vu cáo ta thậm tệ và chống lại nội dung thông cáo của Hội nghị Không liên kết kêu gọi 2 nước thương lượng. Còn ở LHQ, Kurt Walheim, TTK/LHQ nói về quan hệ VN-CPC không được TQ tán thành.

Trong khi cuộc chiến tranh biên giới với CPC ngày càng diễn ra ác liệt thì quan hệ với TQ ngày càng căng thẳng hơn. Ngày 30/4/1978, lần đầu tiên, Lưu Thừa Chí, Chủ tịch Văn phòng công việc Hoa kiều thuộc Quốc vụ viên TQ công khai nói Hoa kiều ở VN về nước hàng loạt, mở đầu cho chiến dịch nạn kiều.

Ngày 12/5/1978, TQ gửi công hàm phản đối ta “bài xích, xua đuổi Hoa kiều”, thông báo quyết định hủy bỏ 21 hạng mục thiết bị toàn bộ cùng khoản tiền viện trợ dùng cho các hạng mục đó. Ngày 27/5/1978, TQ bác bỏ đề nghị của ta về chấm dứt tuyên truyền chống nhau, đại diện 2 Chính phủ gặp nhau đàm phán và tự quyết định đưa tàu sang đón “nạn kiều”. Ngày 30/5/1978, Chính phủ TQ gửi công hàm cho Chính phủ ta hủy bỏ thêm 51 hạng mục thiết bị toàn bộ cùng khoản viện trợ dùng cho các hạng mục đó. Ngày 2/6/1978, TQ gọi tất cả chuyên gia TQ ở VN về nước. Ta gửi công hàm phê phán TQ (17/6/1978) làm xấu đi quan hệ với VN và ủng hộ Pol Pot chống VN. Ngày 16/6/1978, TQ đòi ta rút 3 tổng lãnh sự quán ở Côn Minh, Nam Ninh và Quảng Châu.

Về quan hệ với Mỹ, ngày 3/2/1978 Mỹ trục xuất đ/c Đinh Bá Thi, Trưởng phái đoàn ta tại LHQ. Tháng 5/1978, Phó Tổng thống Mondale đi Đông-nam Á. Ngày 19/5/1978, Đặng Tiểu Bình nói với báo chí: trong suốt thời gian Phó Tổng thống Mondale thăm Đông-nam Á, hầu như ngày nào CPC cũng bị VN tấn công. Những cuộc tấn công ác liệt này là do ảnh hưởng của Liên Xô ở VN tăng lên.

Ngày 20-23/5/1978, Brezinski thăm TQ, hai bên tố cáo “chủ nghĩa bá quyền Liên Xô” và cam kết cùng nhau chống bá quyền. Ngày 16/12/1978, Mỹ, TQ công bố sẽ chính thức lập quan hệ ngoại giao từ 1/1/1979 và trước đó ngày 12/8/1978 đã ký Hoà ước Trung-Nhật trong đó có điều khoản chống bá quyền. Trong khi TQ, Mỹ đi vào câu kết chống Liên Xô, Đặng Tiểu Bình không ngừng hết lời công kích và khiêu khích VN. Ngày 7/6/1978, Đặng Tiểu Bình nói với nhà báo Thái: VN đã đi bước thứ 10 chống TQ. Khi họ đi bước thứ 11 thì TQ mới đi bước thứ 1, tức là giảm viện trợ cho họ. Nếu họ đi bước thứ 12 thì TQ sẽ có bước thứ 2. Ngày 3/10/1978, một lần nữa Đặng nói với các nhà báo Thái: TQ cố tìm nguyên nhân tại sao VN chống TQ mạnh như thế và thấy rằng đó là do VN muốn lập Liên bang Đông Dương mà TQ thì không tán thành. Ngoài ra, còn do Liên Xô xúi giục và sử dụng VN để tìm căn cứ quân sự ở Đông-nam Á. Hiện nay VN đã đưa quân lên biên giới TQ rất đông. Nếu VN cho rằng tiềm lực của mình đứng thứ 3 thế giới và đem quân đánh phá các nước thì để họ làm thử xem… Ngay dù Phnom Penh có mất, những người CPC kiên cường sẽ làm chiến tranh du kích đến thắng lợi cuối cùng. TQ sẽ không đưa quân sang chiến đấu ở CPC nhưng sẽ tiếp tục viện trợ cho CPC trong tất cả lĩnh vực. Ngày 5/11/1978, Đặng thăm Thái Lan và gọi VN là tên côn đồ phương Đông. Giữa tháng 11/1978, Cơ Bằng Phi nói với Đại sứ Nam Tư, và Đại sứ CHDC Đức nói lại với ta rằng: nếu VN tấn công CPC và cả Phnom Penh, TQ sẽ không đưa quân vào; TQ sẽ có biện pháp kiềm chế VN ở biên giới Việt-Trung.

Tình hình trên đặt ra cho ta một tình thế rất khó khăn, quan hệ với CPC, TQ đều xấu đi nghiêm trọng và nhanh chóng. Tháng 5/1978, Bộ chính trị có Nghị quyết. Tháng 6/1978, Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khoá IV của Đảng quyết tâm tiêu diệt bè lũ Pol Pot-Ieng Sary (theo tinh thần đề nghị của Nhóm 77 như trên trình bày) và kiên quyết chống chủ nghĩa bá quyền TQ, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mar-Lenin.

Ngày 27/7/1978, đ/c TBT Lê Duẩn ký Nghị quyết số 09-NQ/TW với tiêu đề “Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 4 của BCH Trung ương về tình hình và nhiệm vụ mới”.

Về nhận định tình hình, Nghị quyết viết: “sự nghiệp phấn đấu đưa cả nước tiến lên CNXH theo đường lối của đại hội lần thứ IV của Đảng đã thu được những thành quả bước đầu đáng phấn khởi và đương trên đà tiến triển tốt.

Nhưng chúng ta có nhiều khó khăn phải giải quyết trong quá trình tiến lên. Khó khăn lớn nhất hiện nay là âm mưu và hành động phá hoại của tập đoàn phản bội theo chủ nghĩa Mao trong giới cầm quyền Bắc Kinh đối với cách mạng nước ta. Chúng đã dùng bè lũ Pol Pot-Ieng Sary gây ra cuộc chiến tranh chống VN, đánh phá biên giới Tây-nam nước ta. Gần đây, chúng dựng lên sự kiện “nạn kiều”, cắt hoàn toàn viện trợ kinh tế, rút hết chuyên gia về nước, đóng cửa 3 tổng lãnh sự quán của ta ở TQ, tìm cách gây rối cho ta về chính trị và kinh tế, uy hiếp về quân sự ở tuyên biên giới Việt-Trung và ở Biển Đông, tiếp sức cho bọn phỉ Mẹo ở Lào17 và ở biên giới phía Tây, hàng ngày tuyên truyền kích động tư tưởng chống VN ở TQ và trên thế giới”.

…“Mục tiêu chiến lược của chủ nghĩa Mao là xóa bỏ chủ nghĩa Mar-Lenin, xóa bỏ CNXH, thực hiện chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn trên thế giới, trước hết là ở Đông Nam châu Á”.

…”Trên thế giới đã hình thành 2 lực lượng đối lập đấu tranh với nhau: một bên là các lực lượng cách mạng và tiến bộ trong 3 dòng thác cách mạng của thời đại; một bên là các lực lượng đế quốc, phản động, chống CNXH, độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình, trong đó Mỹ là lực lượng đầu sỏ, tập đoàn theo Mao phản bội chủ nghĩa Mar-Lenin trong giới cầm quyền Bắc Kinh là thế lực phản động quốc tế lớn nhất, đồng minh của Mỹ.

Ở Đông-nam Á nổi bật lên mâu thuẫn chủ yếu giữa độc lập dân tộc và CNXH với chủ nghĩa bành trướng, bá quyền nước lớn của tập đoàn theo Mao trong giới cầm quyền Bắc Kinh và các thế lực đế quốc đương tranh giành quyền lợi và ảnh hưởng trong khu vực này. Tập đoàn phản bội theo Mao đóng vai trò xung kích phản cách mạng nguy hiểm nhất, trực tiếp chống lại 3 dòng thác cách mạng ở Đông Nam châu Á. Nước Cộng hoà XHCN VN độc lập, tự chủ, tiêu biểu cho CNXH và độc lập dân tộc, có sức mạnh và tiềm lực lớn, có uy tín chính trị cao trên thế giới, là nhân tố quan trọng của hòa bình và cách mạng ở Đông- nam Á, đồng thời là trở lực lớn nhất đối với mưu đồ bành trướng và bá quyền ở Đông-nam Á của những người cầm quyền Bắc Kinh theo Mao…

…Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của tập đoàn phản bội trong giới cầm quyền Bắc Kinh là một bộ phận quan trọng trong cuộc đâu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và cách thế lực phản động, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH trên thế giới. Thắng lợi của cuộc đấu tranh đó sẽ có tác dụng to lớn, phát triển thế tiến công của 3 dòng thác cách mạng, bảo vệ chủ nghĩa Marx-Lenin, nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, khôi phục và tăng cường đoàn kết trong hệ thống XHCN thế giới và trong phong trào cộng sản quốc tế” .

…“Chúng ta đang ở trong giai đoạn vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh trên một bộ phận đất nước, đồng thời kẻ địch đương đe dọa chiến tranh từ bên ngoài và gây rối bên trong, hòng gây khó khăn cho công cuộc xây dựng của chúng ta và làm suy yếu ta về kinh tế và quốc phòng. Tình hình còn diễn biến phức tạp. Chúng ta không loại trừ khả năng kẻ địch tiến công quân sự qui mô lớn. Ta phải làm thất bại mọi âm mưu và hành động của kẻ thù. Một mặt, ta phải tìm mọi cách làm cho khả năng xấu nhất không xẩy ra. Nhưng mặt khác, ta phải khẩn trương chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với mọi tình thế “.

…“Chúng ta đương có nhiều khó khăn của một nước sau nhiều năm chiến tranh ác liệt nhưng Đảng, Nhà nước, nhân dân ta hoàn toàn có đủ sức đánh thắng bọn theo chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc, nếu chúng trực tiếp xâm lược nước ta, đồng thời đạp tan mọi âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ.

Chưa bao giờ nước VN XHCN lại có sức mạnh như ngày nay. Đó là sức mạnh tổng hợp của một nước độc lập, thống nhất, có chính nghĩa, có truyền thống anh hùng, bất khuất, đoàn kết chống ngoại xâm, đã đánh thắng nhiều đế quốc lớn, kể cả tên đế quốc đầu sỏ; có sức mạnh của nền chuyên chính vô sản…”

…“Đánh bại mọi âm mưu và hành động của chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc chống VN là sứ mệnh lịch sử của nhân dân cả nước ta để bảo vệ độc lập dân tộc, tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên CNXH, góp phần bảo vệ và tăng cường CNXH trên thế giới và ở TQ, giữ gìn sự trong sáng của chủ nghĩa Marx-Lenin.

Một lần nữa, tiếp theo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, mâu thuẫn của thời đại lại tập trung ở VN, cuộc đụng độ lịch sử mới có thể lại diễn ra ở VN, và kết quả cuối cùng là nhân dân VN, chủ nghĩa Marx- Lenin, chính nghĩa và công lý sẽ thắng!”.

Từ những nhận định như vậy, Nghị quyết xác định nhiệm vụ chung của cách mạng VN trước tình hình mới là:

“Động viên cao độ tinh thần yêu nước và yêu CNXH, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống đoàn kết chiến đấu chống ngoại xâm, tinh thần tự lực tự cường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, xây dựng chế độ làm chủ tập thể XHCN toàn diện và rộng khắp, đẩy mạnh công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, tăng nhanh tiềm lực kinh tế và quốc phòng, phá tan âm mưu của địch hòng làm suy yếu và đánh phá nước ta, giành thắng lợi trong chiến tranh biên giới phía Tây-nam, tăng cường phòng thủ đất nước, sẵn sàng chiến đấu đánh bại chiến tranh xâm lược trên qui mô lớn. Tăng cường đoàn kết với các nước XHCN anh em và toàn thể loài người tiến bộ, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, chống chủ nghĩa bành trướng và bá quyền nước lớn của tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Bắc Kinh, làm tốt nghĩa vụ quốc tế của nhân dân ta, góp phần bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Marx-Lenin, tăng cường lực lượng của CNXH và độc lập dân tộc ở Đông-nam châu Á và trên thế giới“.

Về quốc phòng, an ninh:

…”Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng theo một kế hoạch cơ bản, lâu dài và được nghiêm chỉnh thực hiện từng bước vững chắc. Chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để nắm chắc thế chủ động, giáng cho kẻ thủ xâm lược những đòn sấm sét ngay từ đầu, dù chúng dùng phương tiện chiến tranh gì, với bất cứ qui mô nào.

Tập trung sức thực hiện nhiệm vụ quân sự trước mắt là đánh thắng trong chiến tranh biên giới phía Tây-nam; tăng cường khả năng và trình độ sẵn sàng chiến đấu trên hướng Bắc và Tây Bắc, tăng cường phòng thủ các đảo và bảo vệ vùng biển; bảo vệ vững chắc cả nước. Phối hợp với các đ/c Lào dẹp bạo loạn, củng cố mọi mặt ở tuyến biên giới phía Tây, phát huy sức mạnh của đường biên giới hữu nghị Việt-Lào, ra sức làm tốt nghĩa vụ quốc tế“… ‘

Nghị quyết kết luận:

“Tiếp theo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vừa kết thúc thì sứ mệnh lịch sử mới, cuộc đấu tranh mới chống một đối tượng mới rất thâm độc và thô bạo, lại bắt đầu.

Nhân dân ta đương vững bước tiến lên, hăng hái, dũng cảm và bình tĩnh thông minh vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết giành những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc VN yêu quý, đánh bại mọi mưu đồ của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc, tích cực làm nghĩa vụ quốc tế cao cả vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH trên toàn thế giới, tích cực góp phần bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Marx- Lenin“.

Từ đây, ta tiến hành một loạt hoạt động quan trọng để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 :

-    Ngày 16/6/1978, BCT ra Nghị quyết 20 thành lập một ban mới gọi là B- 68 nhằm giúp Trung ương trong việc giúp cách mạng CPC. Nghị quyết nói rõ đây là một cơ quan nghiên cứu, làm tham mưu, vừa là cơ quan chuyên gia của bạn CPC. Trụ sở B-68 đặt ở ngôi nhà 606, đường Trần Hưng Đạo thành phố HCM. B-68 lúc đầu do đ/c Nguyễn Xuân Hoàng làm Trưởng Ban, là đ/c có quá trình lâu dài giúp CPC, từng là Trưởng ban CP-48 của Trung ương Đảng; sau này đ/c Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện làm Trưởng ban, Phó ban có các đ/c Lê Hai (hiện là Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị), Đăng Thành, Vũ Oanh, Phan Đình Vinh, Nguyễn Hữu Tài (Ban Đối ngoại Trung ương), Ngô Điền, sau này có thêm đ/c Phạm Chung (nguyên Phó Văn phòng Trung ương Đảng). Khi cơ quan thành lập do đ/c Lê Đức Thọ trực tiếp phụ trách đã nhanh chóng triển khai những công việc đế chuẩn bị thực hiện Nghị quyết Trung ương

    Đ/c Lê Đức Thọ vào Nam, tập hợp những cán bộ miền Nam vốn quen biết CPC để xác minh những người ly khai Pol Pot chạy sang VN, dùng trực thăng để triệu tập cán bộ, lúc này Souvanna ở miền Đông CPC vốn có quan hệ tốt với VN hồi 1970 bị Pol Pot trấn áp đã tự sát, (sau này Nayan Chanda và Ben Kierman viết nhiều sách về vụ nổi dậy này ở miền Đông). Theo lời Hun Sen, Chea Sim, trước khi tự sát Souvanna có dặn khi khó khăn cần chạy sang VN tìm sự giúp đỡ. Heng Somrin và Chea Sim chạy sang VN năm 1978 cùng một số đông cán bộ cũng thuộc lực lượng miền Đông mà Pol Pot gọi là khu 203, còn Hun Sen thì sang VN từ 6/1977. Một nguồn cán bộ nữa là những người dân CPC khi ta tấn công lên CPC ở khu vực Svay Rieng tháng 12/1977 cũng theo bộ đội VN về VN tị nạn, sống tập trung ở trại Bến Sắn (Tây Ninh) trong số đó sau này có người là Bộ, Thứ trưởng như Prach Sun, Phó Ban đối ngoại; Chay Kannha, Chủ tịch Hội phụ nữ và Thứ trưởng Bộ Y tế; Chan Ven, Bộ trưởng Bộ Giáo dục… Tôi được nghe kể lại là đ/c Lê Đức Thọ dặn cán bộ ta là phải tìm cho bằng được ngọn cờ, ngọn cờ chính trị của người CPC dù đó là “ngọn cờ rách”.

Trong khi bên trong ta chuẩn bị khẩn trương như vậy thì hoạt động đối ngoại để chuẩn bị cho hành động của ta cũng diễn ra rất khẩn trương. Nghị quyết Trung ương IV tháng 7/1978, đề ra nhiệm vụ cho hoạt động đối ngoại là:

“Tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, giữ vững độc lập, tự chủ, đoàn kết với tất cả các lực lượng chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc, tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ, ra sức lợi dụng mọi mâu thuẫn giữa các đế quốc, giữa đế quốc và các nước khác với bọn phản động quốc tế phân hoá và cô lập cao độ kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất hiện nay của nhân dân các nước Đông-nam châu Á là tập đoàn phản động theo Mao trong giới cầm quyền Bắc Kinh.

Ra sức củng cố và tăng cường tình đoàn kết anh em và quan hệ hợp tác gắn bó về mọi mặt với Liên Xô, đồng thời tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước XHCN khác tranh chủ sự giúp đỡ của các nước XHCN cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ta“…

-     Ngày 29/6/1978 : VN chính thức gia nhập SEV ( Hội đồng tương trợ kinh tế ).

-     Ngày 3/7/1978: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phan Hiền thăm Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Malaysia, Lào.

-    Từ 13/9/1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi thăm các nước Thái Lan, Philippines, Indonesia, Maylaysia, Singapore nêu đề nghị ký Hiệp ước không xâm lược, không lật đổ, lập khu vực hòa bình, độc lập, tự do, trung lập và ổn định, phồn vinh. Ta tuyên bố không ủng hộ các tổ chức Mao-ít ở các nước này.

-     Cuối tháng 9/1978, tại LHQ, VN và Mỹ gặp nhau về bình thường hóa quan hệ 2 nước. VN không gắn điều 21 với bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ.

Hai bên thoả thuận lập Working Group bàn về bình thường hóa quan hệ 2 nước.

-     Trong 2 tháng 8 và 9/1978 đàm phán Trung-việt về người Hoa nhưng không kết quả.

-    Tháng 10/1978, Mỹ chuyển mạnh sang câu kết với TQ chống Liên Xô, VN, giảm và tạm ngừng thương lượng về bình thường hóa quan hệ với VN.

-    Ngày 3/11/1978, VN ký với Liên Xô Hiệp ước hữu nghị và hợp tác.

-    Ngày 2/12/1978, ta giúp hình thành Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước CPC, ngọn cờ chính trị của lực lượng yêu nước CPC và Hãng thông tấn SPK ra đời. Anh Ngô Tiến (hiện là phát thanh viên tiếng Khmer của Đài Tiếng nói An Giang) là người dịch và chép tay bản Tuyên ngôn và Cương lĩnh của Mặt trận để phân phát. Trong quá trình chuẩn bị, một lần nữa những người CPC lại tỏ ý ngại VN lại chi phối CPC, điển hình là Ouch Bun Chhoeun người thuộc khu miền Đông cùng chạy sang với Chea Sim, cũng nhắc lại đề nghị tương tự như Pol Pot năm 1970 là VN chỉ giúp pháo binh, vũ khí và huấn luyện còn CPC tự đánh. Vì tư tưởng dân tộc đó nên Ouch Bun Chhoeun không được lựa chọn vào hàng ngũ lãnh đạo mặc dù anh ta có trình độ, sau này Chhoeun làm Bộ trưởng tư pháp. Người được lựa chọn đứng đầu Mặt trận là Heng Somrin, một người nông dân chất phác, hiền lành.

Ngay trước và sau khi ra đời Mặt trận, ta đã từng bước ém quân vào sâu trong nội địa CPC, giúp xây dựng những đội quân vũ trang tuyên truyền CPC. Sau khi tập trung 19 trong số 25 sư đoàn ở biên giới CPC-VN, ngày 23/12/1978, quân Pol Pot tiến công thị trấn Bến Sỏi và mục tiêu là đánh chiếm thị xã Tây Ninh. Từ 25/12/1978, ta bắt đầu mở cuộc tấn công lớn sang CPC và 7/1/1979, đánh chiếm Phnom Penh và các tỉnh khác của CPC.

Cần nói thêm rằng, sau khi ta đã đưa quân đánh sang CPC ngoài Mặt trận ta chưa kịp giúp thành lập Đảng, khi Phnom Penh sắp giải phóng, ngày 6/1- 8/1/1979, tại Thủ Đức (thành phố HCM) đã họp Hội nghị xây dựng lại Đảng CPC với tất cả là 62 đảng viên tập hợp từ các nguồn khác nhau bầu 7 người vào Ban xây dựng Đảng (sau này được gọi là Đại hội III): Pen Sovan19, Trưởng ban; Heng Somrin, Chea Sim, Van Son, Chan Kiri, Bouthong, Hun Sen là Uỷ viên. Van Son làm Trưởng ban tổ chức; Chan Kiri làm Trưởng ban kiểm tra. (Chan Kiri là một đ/c gốc Nam bộ tham gia kháng chiến chống Pháp, người trung thực chất phác nhưng năng lực hạn chế. Pen Sovan không thích đ/c này, thường chê bai và cũng không muốn có một đ/c lớp cũ như vậy trong lãnh đạo. Van Son là Trưởng ban tổ chức kiêm Bí thư thành Uỷ Phnom Penh sớm có những biểu hiện sa đoạ và liên hệ với những phần tử xấu. Tháng 3/1979 Van Son và Chan Kiri bị Pen Sovan gạt và đưa Sai Phuthong thay Van Son nhưng không trao đổi gì với phía VN. Pen Sovan, Chea Sim và Sai Phuthong hình thành Thường vụ Trung ương Đảng). Ngày 7/1/1979, ta giải phóng Phnom Penh và các tỉnh nhưng các cán bộ chủ chốt của CPC vấn còn ở tại căn cứ Quân khu 7 ở sân bay Tân Sơn Nhất mãi đến ngày 24/1/79, một chiếc Yak 40 của ta mới chở số lãnh đạo CPC bao gồm cả Pen Sovan, Heng Somrin, Chea Sim, Hun Sen… về Phnom Penh để 25/1/1979 dự lễ mừng chiến thắng ở sân vận động Olimpic, còn mọi việc của buổi lễ đều do chuyên gia và anh Phùng Thế Tài đứng ra tổ chức. Chuyên gia VN đến làm tất cả, “làm thay, làm thầy” và “làm cả tớ”. Khi chuẩn bị đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ngoài vật chất, lễ tân, người phục vụ do Anh Khai ở Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh đưa lên, ta còn đưa cả công nhân quét đường lên Phnom Penh. Tôi còn nhớ một chi tiết khi Phnom Penh giải phóng, cần ra đời Chính phủ và tên nước mới, Bộ Ngoại giao được giao nhiệm vụ soạn giúp Tuyên ngôn của Chính phủ mới CPC. Một buổi tối sau 7/1/1979, tại Phòng họp lớn của Bộ, các đ/c Nguyễn Cơ Thạch, Võ Đông Giang, Phạm Bình, Nguyễn Xuân, Lưu Văn Lợi thảo luận và phân công giao viết gấp. Anh Võ Đông Giang nói là Tuyên ngôn nên ngắn gọn, súc tích, mang tính chất hiệu triệu như Tuyên ngôn 2/9 của VN. Tuyên ngôn phải ra đời tên nước có ý kiến là đặt tên là Cộng hoà Dân chủ, có ý kiến là Cộng hoà Dân chủ Nhân dân, ý kiến này bị bác vì quá giống tên nước Lào, cuối cùng anh Giang đề nghị đặt tên Cộng hoà Nhân dân cho giống TQ.

Bản Tuyên ngôn được viết, điện mật vào trong tp HCM và 12/1/1979, Tuyên ngôn của Hội đồng nhân dân cách mạng CPC chính thức được công bố và tên nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân CPC có từ đấy. Và cũng từ đó, do Bộ Ngoại giao CPC chưa hình thành, chuyên gia giúp Bộ Ngoại giao chỉ có anh Ngô Điền, anh Chiến Thắng và anh Bùi Hữu Nhân nên phần lớn các tuyên bố của Bộ Ngoại giao CPC đều được viết từ Bộ Ngoại giao VN, anh Võ Đông Giang duyệt rồi gửi sang Phnom Penh để dịch và công bố.

Ngày 16/2/1979, Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang thăm chính thức CPC; ngày 17/2/1979 ký Hiệp ước hữu nghị và Hiệp định quân sự; cùng ngày TQ đưa 60 vạn quân tiến công các tỉnh miền Bắc VN để “dạy cho VN một bài học”.

Chúng ta đưa quân vào CPC, giúp CPC làm lại cuộc cách mạng từ con số 0 trên tất cả mọi lĩnh vực. Để hiểu thực chất đội ngũ cán bộ CPC, xin trích đoạn báo cáo nhận xét của chuyên gia ta ở CPC năm 1980:

“Lực lượng cán bộ, đảng viên CPC do nhiều nguồn tập hợp lại, chưa thông cảm và hoà hợp với nhau:

-    Số cán bộ đảng viên tập kết từ miền Bắc VN về nay còn độ 40 người.

Số lượng ít song giữ vị trí quan trọng, chủ chốt (3/6 Uỷ viên Trung ơng, 5/8 Bộ trưởng, 9/26 Thứ trưởng, 7/29 Bí thư và Chủ tịch tỉnh. Nói chung, thái độ chính trị tốt, tin cậy và đoàn kết với VN. Có một ít thật sự là ly khai Pol Pot ở lại miền Bắc, giác ngộ chính trị khá. Còn số đông là già yếu hoặc do cầu an, sinh hoạt bê tha. Đến nay một số đã thoái hoá, rơi rụng.

-     Lực lượng ly khai Koh Kong thuộc dân tộc Thái, đã sớm nhận ra bản chất phản động của Pol Pot, nổi dậy chống lại chúng ngay từ năm 1974 rồi chạy sang Thái Lan, lúc đó có 65 đảng viên. Lực lượng ly khai Đông Bắc chủ yếu là thuộc dân tộc ít người ở Ratanakiri cũng đã sớm chống lại Pol Pot, chạy sang VN và Lào.

Hai lực lượng ly khai này đều thuộc các dần tộc ít người, nói chung có lập trường chính trị tốt, đoàn kết gắn bó với VN. Các dân tộc ít người tuy chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng có lực lượng cán bộ, đảng viên khá đông và giữ vị trí quan trọng. Dân tộc Thái chỉ có gần 4.000 người song đảng viên hiện tới 70 người chẳng những giữ vị trí chủ chốt của tình Koh Kong mà cả Kampot và một vài ngành Trung ương. Số cán bộ dân tộc ở Ratanakiri nay được bố trí giữ các chức vụ chủ chốt ở cả 4 tỉnh Đông Bắc và một vài ngành Trung ương.

Bên cạnh chỗ mạnh, căn bản về lập trường chính trị, các cán bộ đảng viên người dân tộc (Koh Kong và Đông Bắc) đều có nhược điểm là trình độ văn hoá thấp, chủ nghĩa địa phương và thành kiến dân tộc với người CPC Kinh20 khá nặng nề.

-     Lực lượng nổi dậy của K-203, có số cán bộ, đảng viên khá đông, giữ nhiều chức vụ quan trọng (2 Uỷ viên Trung ương, 10 Bí thư tỉnh, 2 Bộ trưởng và 4 Thứ trưởng). Số do nhận rõ đường lối, quan điểm Pol Pot phản động mà chống nó là số ít còn số đông do bị Pol Pot nghi ngờ trừng trị mà nổi dậy. Có người đến nay thấy rõ là tiến bộ, chuyển biến tốt lên nhưng cũng còn những người ta chưa thật hiểu rõ, ảnh hưởng quan điểm dân tộc hẹp hòi, nghi ngờ VN, tác phong xấu của thời kỳ Pol Pot trong một số người còn nặng.

-    Những người tị nạn và ly khai khác, lẻ tẻ không thành tổ chức, chạy rải rác sang VN từ 1977 đến cuối 1978. Số này không thuần nhất. Có những người tốt nay trở thành cán bộ nòng cốt. Nhưng cũng có người khá phức tạp.

-    Lực lượng cán bộ mới sau 7/1/1979, chủ yếu là học sinh, sinh viên, trí thức. Số đông có tinh thần yêu nước, nhiệt tình, tận tuỵ đã thấy những nhân tố mới, có triển vọng nhưng những người giác ngộ chính trị thấp, nhận thức mơ hồ, dễ dao động, có ảo tưởng đối với Sihanouk, hoài nghi chưa tin chế độ mới.

Số cán bộ này đã chiếm tới 25% các Ban cán sự tỉnh, 38% UBND tỉnh, 80% cấp Vụ, Cục và 7 Thứ trưởng”.

II.   Diễn biến cuộc đấu tranh về CPC và một số quan hệ đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 1979-1991

 Cuộc đấu tranh về vấn đề CPC trong gần 13 năm (1979-1991) và những quyết sách của ta về CPC luôn luôn gắn liền với những biến đổi trong chiến lược của các nước lớn những biến đồi sâu sắc trên thế giới. CPC là trọng tâm của hoạt động ngoại giao của ta trong giai đoạn này. Có thể có nhiều cách chia giai đoạn khác nhau những để tiện trình bày được chi tiết, tôi phân chia làm 4 giai đoạn nhỏ:

 2.1 Giai đoạn 1979 – 1981

 a)    Bối cảnh quốc tế:

Thắng lợi của VN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đưa đến sự suy yếu và khủng hoảng sâu sắc nhất của đế quốc Mỹ, kéo theo sự khủng hoảng toàn diện của chủ nghĩa đế quốc trong thời kỳ sau VN. Mỹ phải rút khỏi lục địa châu Á, chuyển sang chiến lược quần đảo tạo nên khoảng trống trong khu vực. Thất bại của Mỹ, thắng lợi cách mạng VN và các nước Đông Dương đã đưa tới sự khủng hoảng của các nước ở Đông-nam Á. Mỹ ra sức giải quyết khủng hoảng nội bộ bằng mọi cách khôi phục lại sức mạnh của Mỹ về quân sự, kinh tế và vị trí số một đối với đồng minh; đối phó với việc Liên Xô mở rộng ảnh hưởng và sự phát triển của cách mạng thế giới. Nhằm mục tiêu đó, từ cuối những năm 70, Mỹ đẩy mạnh chạy đua vũ trang, kiềm chế Liên Xô và quan hệ Đông-tây nhưng tránh không làm đổ vỡ quan hệ Xô-Mỹ; đồng thời đẩy mạnh hoà hoãn với TQ, từng bước chơi con bài TQ chống Liên Xô và cách mạng, nhất là từ sau chuyến đi TQ của Brezinski tháng 8/1978, khi TQ chuyển hẳn sang đi với Mỹ chống Liên Xô, phục vụ 4 hiện đại hóa. Trong vấn đề CPC, Mỹ lợi dụng chính sách chống Liên Xô của TQ, tuy nhiên tránh dính líu trực tiếp và điều Mỹ quan tâm nhất là bảo đảm an ninh cho các nước ASEAN nhất là Thái Lan.

Liên Xô triệt để khai thác cục diện quốc tế “sau VN”, sự suy yếu của Mỹ và khó khăn của TQ để mở rộng ảnh hưởng, bao vây, kiềm chế TQ và phá câu kết Mỹ-Trung. Đặc biệt Liên Xô đã lợi dụng thắng lợi của VN để tăng cường vị trí ở Đông-nam Á. Liên Xô đã ủng hộ ta đưa quân vào CPC, đồng thời thúc đẩy quan hệ với VN (ký Hiệp ước hợp tác hữu nghị tháng 11/1978), với Lào, thiết lập quan hệ với CPC, mở rộng sự có mặt của Liên Xô cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự, tranh thủ VN và các nước Đông Dương đi với Liên Xô đối phó với câu kết Trung-Mỹ song tránh dính líu trực tiếp vào cuộc xung đột.

TQ coi Đông-nam Á là khu vực ảnh hưởng và là hướng bành trướng chủ yếu của TQ. Thắng lợi của VN, Đông Dương và sự phát triển của xu hướng hòa bình, ổn định ở Đông-nam Á làm cho TQ thất bại trong chính sách truyền thống lợi dụng và kiềm chế cuộc đấu tranh của 3 nước Đông Dương, phá hoại và chia rẽ các nước Đông-nam Á vì lợi ích chiến lược của TQ.

Thắng lợi của VN kéo theo việc Liên Xô tăng cường ảnh hưởng ở Đông Dương, Mỹ thất bại và bị đẩy ra khỏi lục địa Đông-nam Á tạo một khoảng trống chiến lược lớn. Các chính quyền của các nước ASEAN lâm vào khủng hoảng, trong khi TQ bị suy yếu nghiêm trọng sau cách mạng văn hoá và bè lũ 4 tên.

Trong tình hình đó, từ 1978 TQ triển khai mạnh mẽ kế hoạch 4 hiện đại [hóa] đi liền với sự chọn lựa “phương Tây hoá cả gói” đã quyết định bước ngoặt chiến lược đối ngoại của TQ đi với Mỹ dẫn đến đỉnh cao của câu kết Trung-Mỹ trong những năm 1978-1981. TQ triệt để lợi dụng sự suy yếu của Mỹ và yêu cầu của Mỹ ngăn chặn Liên Xô và cách mạng thế giới, khai thác mâu thuẫn Mỹ-Xô và giữa cách mạng với phản cách mạng, đưa ra khấu hiệu chống “đại bá” và “tiểu bá” tự xưng là “NATO phương Đông” phát triển mạnh quan hệ với Mỹ và phương Tây.

TQ cũng triệt để lợi dụng mối lo ngại của các nước ASEAN trước việc Mỹ rút lui và nguy Cơ Liên Xô mở rộng ảnh hưởng ở Đông-nam Á để lập mặt trận TQ-Mỹ-ASEAN-phương Tây chống Liên Xô, VN và cách mạng thế giới. Nhằm thực hiện mục tiêu tranh thủ Mỹ và phương Tây phục vụ 4 hiện đại hoá đồng thời chống lại sự bao vây, kiềm chế của Liên Xô, TQ đã có những bước đi rất quyết liệt về mặt đối ngoại, cắt viện trợ cho VN, Anbani (1978), khuyến khích, hỗ trợ cho bọn Pol Pot tiến đánh VN, trực tiếp tiến hành chiến tranh xâm lược chống VN tháng 2/1979, và lôi kéo Mỹ, ASEAN, phương Tây bao vây cô lập VN, đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Liên Xô, VN trong khu vực. Việc TQ chuyển từ cách mạng sang đi với Mỹ chống cách mạng, dùng vấn đề CPC để chống Liên Xô và VN đánh dấu sự thay đổi lớn trong chiến lược của TQ trong hơn 40 năm qua.

 b)    Về CPC, ngày 7/1/1979 khi ta giải phóng CPC mặc dù ta dùng cả hải-lục-không quân; dùng lính dù nhảy xuống Siem Reap nhưng chủ yếu là lùa quân Pol Pot từ phía Đông sang phía Tây, do đó cơ bản lực lượng Pol Pot không bị tiêu hao lớn.

Về mặt đối ngoại, ta phải đối phó với tình hình rất khẩn trương. Ngày 6/1/1979, TQ cho máy bay đón Sihanouk sang Bắc Kinh và cũng trong những ngày này Cảnh Tiêu, Hàn Niệm Long21 bí mật sang Bangkok gặp Thủ tướng Kriangsak Chomanan bàn việc giúp Pol Pot ” đất thánh” và vận chuyển vũ khí của TQ cho Pol Pot (tài liệu ta bắt được ở căn cứ Tà Sanh – Battambang). HĐBA/LHQ họp ngày 10/1/1979 và ra dự thảo nghị quyết lên án VN xâm lược, đòi VN rút quân; Liên Xô đã phủ quyết dự thảo nghị quyết này. Ngày 9/1/1979, Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN ra tuyên bố kêu gọi rút ngay, rút hết quân nước ngoài khỏi CPC. Cũng ngày 9/1/1979, Ngoại trưởng Mỹ Cyrus Vance nói: cuộc nói chuyện giữa VN và Mỹ về bình thường hóa quan hệ đã đổ vỡ do cuộc xâm lăng của VN vào CPC. Từ lúc này sức ép đòi ta rút quân ngày càng mạnh và cũng từ 30/6/1979 dòng người VN di tản ngày càng tăng vọt trong khi kinh tế trong nước rất khó khăn làm xấu đi hình ảnh VN trên thế giới. Lập trường Cơ bản của chúng ta về CPC lúc này là tuyên bố “tình hình CPC là không thể đảo ngược” và quyết tâm “ăn cả” ở CPC. Tháng 7/1981, chúng ta tẩy chay không tham dự Hội nghị quốc tế của Liên hợp quốc về CPC (ICK).

Trong nội địa CPC, sau giải phóng 7/1/1979, ngoài việc bộ đội ta tiếp tục tiến công đánh vào 11 căn cứ lớn của Pol Pot, nhiệm vụ khẩn cấp là phải cứu đói cho dân, lo tổ chức toà án kết tội Pol Pot (8/1979) làm ngọn cờ chính trị cho chính quyền CPC, lo tổ chức bộ máy chính. quyền từ Trung ơng đến địa phương, tổ chức in và phát hành đồng tiền trở lại. Cần nói thêm rằng trong bối cảnh tình hình CPC lúc đó việc xây dựng Đảng và chính quyền đều làm từ trên xuống, lập chính quyền tỉnh rồi mới đến huyện, xã; phát triển đảng viên trong Bộ, Thứ trưởng trước rồi mới đến cán bộ… đây cũng là nguyên nhân tại sao CPC không thể có Cơ sở vững chắc. Ngày 1/5/1981, ta giúp tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội ở CPC; 26-29/5/1981, tổ chức Đại hội IV của Đảng ( Nhân dân Cách mạng CPC ) và công bố Hiến pháp mới. Có thể nói tất cả mọi hoạt động của ta về đối ngoại và trên thực địa CPC lúc này là nhằm củng cố chính quyền CPC, giữ nguyên trạng ở CPC.

Từ giữa năm 1979, một vấn đề nữa mà ta phải đối phó là nhân việc dân CPC đói, các tổ chức quốc tế dùng chiêu bài “cứu trợ quốc tê” để mùa mưa kéo dân CPC tị nạn sang biên giới Thái và mùa khô thì đẩy trở lại vào nội địa CPC để giúp bảo tồn và cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men cho bọn Pol Pot. Tiếp theo Hội nghị 3 Ngoại trưởng VN, Lào, CPC lần thứ nhất năm 1980 tại Phnom Penh nhân kỷ niệm một năm ngày giải phóng CPC (đ/c Nguyễn Duy Trinh dự Hội nghị này; sau Hội nghị, đ/c Nguyễn Cơ Thạch trở thành Bộ trưởng ngoại giao). Hội nghị 3 ngoại trưởng lần thứ 2 họp tháng 7/1980 ở Vientiane là nhằm đối phó với vấn đề tị nạn, cứu trợ quốc tế và từ đấy hình thành cuộc họp thường kỳ Ngoại trưởng ba nước.

Về Sihanouk, sau khi rời Phnom Penh 6/1/1979, Sihanouk được đưa đến New York để trình bày vấn dề CPC, đòi VN rút quân; trong tâm trạng vừa thoát khỏi tù Pol Pot nhưng phải bảo vệ Pol Pot, ngày 14/1/1979, Sihanouk xin tị nạn chính trị ở Mỹ nhưng TQ đã thuyết phục Mỹ không cho Sihanouk tị nạn. Trở về Bắc Kinh, Sihanouk 4 lần viết thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng (7, 23, 27/10/1979 và 11/11/1979), nội dung thư Sihanouk cám ơn đã giải phóng CPC khỏi diệt chủng nhưng đề nghị được đàm phán với VN để khôi phục chủ quyền CPC.

Ta không nhận và không trả lời những thư đó. Trong cuộc họp báo ở La Havana nhân dịp Hội nghị cấp cao 6 của Phong trào không liên kết (tháng 8/1979), Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói về Sihanouk như sau: “Qest ce qui est Sihanouk? C’est ùn homme fini”. Tình hình đó là do lợi ích của ta là giữ nguyên trạng ở CPC, còn những người lãnh đạo mới ở CPC rất sợ uy tín và ảnh hưởng của Sihanouk nên kiên quyết không muốn ta tiếp xúc với Sihanouk. Trong một cuộc gặp lãnh đạo ta năm 1979, để ngăn ta có thể có tiếp xúc với Sihanouk, Pen Sovan nói: giống như tục ngữ CPC, Sihanouk như con chó khi chui qua rào thì cụp đuôi, vượt qua rào nó sẽ vểnh đuôi trở lại.

 c)   Về quan hệ của ta với chính quyền CPC:

Cán bộ, chuyên gia “làm thay, làm thầy, làm tớ”, còn những người lãnh đạo, cán bộ CPC “hưởng thụ từ lúc còn thơ, quan liêu từ lúc bơ vơ mới về” lại sớm nảy sinh đầu óc hẹp hòi dân tộc. Điển hình là vụ Chea Sim và Pen Sovan. Chea Sim là đại biểu Quốc hội của Pol Pot, được coi là người mẫu mực của CPC Dân chủ và Chea Sim dẫn đầu đoàn ly khai chạy sang VN 1978 trong đoàn có Heng Somrin nhưng không được trọng dụng, được cử làm Bộ trưởng nội vụ một thời gian ngắn lại chuyển sang làm Mặt trận, Quốc hội. Vốn mặc cảm vì không được tin cậy nên Chea Sim tỏ ít nói, lầm lì và càng mặc cảm hơn khi bị khám nhà. Ngày 10/3/1979 một chiếc ca nô cặp bến Phnom Penh, có 47 người, có vũ trang và cờ Pol Pot, nói về để liên hệ với Chea Sim; tối 12/3/1979, quân quản Phnom Penh đem xe tăng đến khám nhà Chea Sim, chụp ảnh tài liệu, những người trong nhà và cho máy rà mìn tìm vũ khí quanh nhà Chea Sim. Cuối tháng 3/1979, Hun Sen nói với anh Ngô Điền về sự kiện này như sau: Sao lại khám nhà một đ/c Trung ương. Có địch mới làm như vậy. Nếu là tôi, tôi không cho phép làm thế, tôi bắn cả người khám và bắn cả tôi luôn. Còn Pen Sovan, vốn là trẻ mồ côi CPC do bộ đội ta nhặt được và được nuôi từ bé, trở thành đại uý quân đội ta, và thành Tổng Bí thư nhưng sớm trở mặt chống lại ta và tháng 7- 8/1981 làm găng về vấn đề người Việt ở CPC và đòi cử đoàn của Trung ương Đảng CPC sang đàm phán với Trung ương Đảng VN về vấn đề này. Trong nội bộ đảng CPC, Pen Sovan độc quyền, không tôn trọng tập thể. Tháng 12/1981, BCT CPC khai trừ Pen Sovan, nhờ ta bắt giam Pen Sovan ở Hà Nội và Heng Somrin trở thành Tổng Bí thư.

Đối với Bộ Ngoại giao, từ 3 đ/c chuyên gia đầu năm 1979, tháng 9/1979 theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao CPC ta đã cử sang 17 chuyên gia bố trí tới tất cả các Vụ của Bộ Ngoại giao CPC (như các đ/c Hoàng Đình Cầu – trưởng đoàn, Ngô Quý Cận, Ngô Viết Lũy, Đặng Đức Khôi, Châu Phong, Lê Đông, Trần Ngữ, Đỗ Ngọc Sơn, Nguyễn Huy Cẩm, Lê Quang (Tài vụ), Kim Lân (Cục) v.v…). Tháng 3/1981, Pen Sovan và Hun Sen gặp đ/c Nguyễn Cơ Thạch ở nhà khách góc đường Nguyễn Du ở Hà Nội có ý chê chuyên gia ta, cho rằng một số việc CPC tự làm tốt hơn chuyên gia VN như về lễ tân, báo chí… và yêu cầu ta rút chuyên gia khỏi Bộ Ngoại giao và chỉ cử một vài cố vấn giỏi. Theo yêu cầu của CPC, ta rút chuyên gia khỏi Bộ Ngoại giao và cử 5 cố vấn sang CPC giúp Bộ Ngoại giao CPC trong thời gian từ 1982 đến 1988 (các đ/c Vũ Toàn, Hoàng Đình Cầu, Khang, Trần Ngữ, Đoàn Trần Cảnh/Ban Đối ngoại, Phạm Công Bai…).

Cần phải nói rằng Bộ Ngoại giao ta có sự giúp đỡ rất to lớn đối với Bộ ngoại giao CPC, ngoài sự giúp đỡ trực tiếp rất tỉ mỉ hàng ngày của đ/c Ngô Điền với cá nhân Hun Sen và Bộ Ngoại giao CPC, những cuộc họp ba ngoại trưởng thường kỳ hoặc những dịp sang trao đổi tình hình với những bài phát biểu chuẩn bị công phu của đ/c Nguyễn Cơ Thạch thật sự là sự bồi dưỡng rất Cơ bản về đánh giá tình hình thế giới và khu vực cũng như phương pháp luận trong việc xem xét xử lý các vấn đề đối ngoại và điều này có ảnh hưởng rất lớn đến Hun Sen. Không những thế, năm 1985 ta còn giúp mở lớp bồi dưỡng kiến thức ngoại giao cho CPC, các đ/c Vũ Khoan, Lê Mai, Nguyễn Phượng Vũ đã từng sang CPC giới thiệu với lớp học này về chiến lược của Liên Xô, Mỹ, TQ.

2.2 Giai đoạn từ 1982-1986

a)    Bối cảnh quốc tế:

Dưới tác động mạnh mẽ của cuộc chạy đua toàn cầu về kinh tế và KHKT và do những khó khăn nội tại của mỗi nước, từ đầu những năm 1980 cả ba nước Mỹ, Xô, Trung đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược, tập trung phát triển sức mạnh bên trong, giảm bớt tình trạng căng mỏng ra nhiều địa bàn và nhiều mục tiêu, từ đó ở mức độ khác nhau buộc phải giảm bớt chạy đua vũ trang, giảm cam kết ở bên ngoài, tránh đụng độ trực tiếp với nhau và tránh bị sa lầy vào một cuộc xung đột quân sự kéo dài. Quan hệ 3 nước lớn đã vượt qua thời kỳ đối đầu căng thẳng của giai đoạn trước, chuyện sang hình thái cải thiện quan hệ từng đôi một. Xô- Mỹ đã đẩy nhanh việc cải thiện quan hệ (gặp gỡ cấp cao Genève 1985, ký INF 12/1985), củng cố thế 2 cực. TQ tiếp tục duy trì quan hệ với Mỹ trong khuôn khổ các thông cáo chung Trung-Mỹ từ 1972, đồng thời từng bước đi vào bình thường hóa với Liên Xô (nối lại đàm phán Thứ trưởng từ 1982, gặp gỡ 2 Ngoại trưởng tháng 9/1984, đón Phó Thủ tướng Liên Xô Arkhipov tháng 12/1984). Tuy nhiên, việc cải thiện từng cặp quan hệ các nước lớn chỉ đang ở bước đầu.

 b)     Cuộc đấu tranh về vấn đề CPC trong giai đoạn này về cơ bản vẫn nằm trong khung cảnh tập hợp lực lượng.cho cuộc đối đầu giữa 2 phía, đồng thời xuất hiện nhân tố mới là các nước lớn bắt đầu sử dụng vấn đề CPC để dàn xếp quan hệ với nhau.

Khi nối lại đám phán Trung-Xô tháng 10/1982, ngay từ đầu TQ nêu “3 trở ngại”, trong đó có vấn đề CPC, đồng thời trao 5 điểm cho Liên Xô (VN tuyên bố rút hết quân và bắt đầu rút một bộ phận, đàm phán bình thường hóa Việt-Trung, cải thiện quan hệ Trung-Xô, lập Chính phủ liên hiệp ở CPC, bảo đảm quốc tế cho một nước CPC độc lập và không liên kết). Đến 1/3/1983, TQ đưa ra công khai 5 điểm, tháng 6/1983, TBT Triệu Tử Dương nhắc lại 5 điểm ở Quốc hội TQ, và 10/1983 TQ nhắc lại tại vòng 3 Xô-Trung. Lập trường của TQ về vấn đề CPC lúc này là không chấp nhận được đối với ta. Trong khi thương lượng với Liên Xô về CPC, TQ cương quyết bác bỏ đàm phán với ta, dùng việc TQ cải thiện quan hệ với Liên Xô, các nước XHCN để ép ta và gây xung đột lớn trên biên giới Việt-trung đầu năm 1984. Đi vào đàm phán với TQ từ tháng 10/1982, Liên Xô tiếp tục ủng hộ VN, CPC, chưa chịu bàn với TQ về 3 trở ngại. Cùng với việc điều chỉnh quan hệ với TQ, Mỹ coi trọng hơn vị trí của ASEAN. phó Tổng thống, Ngoại trưởng, Bộ trưởng quốc phòng, Tham mưu liên quân Mỹ lần lượt thăm Đông-nam Á (1983-1984). TQ cùng các nước ASEAN thúc đẩy việc lập “Chính phủ liên hiệp 3 phái” (6/1982) và Mỹ ủng hộ, và từ 1983 TQ bắt đầu đề cao vai trò Sihanouk phù hợp với yêu cầu của Mỹ và ASEAN hơn.

Từ năm 1985, khi các nước lớn đẩy mạnh quá trình cải thiện quan hệ từng cặp một, vấn đề CPC ngày càng trở thành một chủ đề quan trọng và trực tiếp trong đàm phán tay đôi giữa 3 nước lớn.

Từ giữa năm 1984, thái độ của Liên Xô trên vấn đề CPC đã bắt đầu thay đổi, Liên Xô thúc đẩy ta và CPC đi vào giải quyết vấn đề CPC bằng chính trị. Tháng 6/1984, lần đầu tiên gợi ý ta tiếp xúc với Sihanouk, đồng thời lấy vấn đề CPC làm một nội dung trong đàm phán tay đôi với Mỹ và TQ. Tháng 5/1985 vấn đề CPC đã được đặt vào chương trình nghị sự cuộc đàm phán cấp chuyên viên Xô-Mỹ bàn về các vấn đề khu vực. Từ vòng 9 đàm phán Xô-Trung tháng 10/1986, Liên Xô bắt đầu nhận bàn với TQ về vấn đề CPC, nêu lên khả năng sử dụng Khieu Samphan. Tháng 7/1986, TBT Gorbachov tuyên bố ở Vladivostok nêu vấn đề CPC phải giải quyết giữa VN và TQ là 2 nước XHCN. Tháng 3/1987, Ngoại trưởng Liên Xô Shevardnadze thăm VN, CPC khuyên CPC nên đẩy mạnh hoà hợp dân tộc. Tháng 6/1987, đ/c Nguyễn Văn Linh thăm Liên Xô, Liên Xô gợi ý giải pháp về CPC theo công thức Afghanistan; sau chuyến đi này, đ/c Nguyễn Cơ Thạch sang CPC (2/6/1987) thông báo cho lãnh đạo CPC và phân tích sự khác nhau giữa CPC và Afghanistan… Tháng 7/1987, Gorbachov tuyên bố với báo Merdeka (Indonesia) Liên Xô ủng hộ việc lập Chính phủ liên hiệp ở CPC giống như ở Afghanistan; cuối 1987, Liên Xô lại gợi ý với ta về việc Hun Sen gặp Khieu Samphan. Khác với trước, Mỹ tăng cường hoạt động về vấn đề CPC, từ tháng 5/1985, cùng với Liên Xô đưa vấn đề CPC vào danh mục các vấn đề khu vực nhưng ưu tiên bàn về các khu vực khác quan trọng hơn đối với Mỹ, đồng thời Mỹ bắt đầu viện trợ công khai cho 2 phái không cộng sản CPC nhằm giúp 2 phái này tăng cường lực lượng, khẳng định vai trò của Mỹ trong việc giải quyết vấn đề CPC. Tới tháng 9/1985 Mỹ cùng với Liên Xô đàm phán ở cấp Thứ trưởng về CPC và châu Á- Thái Bình Dương. Qua 8 vòng đàm phán Xô-Trung, TQ kiên trì đòi lấy vấn đề CPC làm một nội dung đàm phán về bình thường hóa quan hệ 2 nước, và trước bước phát triển nhanh của quan hệ Xô-Mỹ, TQ đã giảm yêu cầu, cố vượt qua “trở ngại” để thúc đẩy quan hệ Trung-Xô (tháng 4/1985, Đặng đặt vấn đề: nếu VN rút quân khỏi CPC, Liên Xô có thể duy trì căn cứ Cam Ranh và tháng 9/1986, Đặng tuyên bố sẵn sàng gặp Gorbachov nếu để giải quyết vấn đề CPC). Ngay trong khi sử dụng vấn đề CPC để thúc đẩy quan hệ với Liên Xô, TQ vẫn rất coi trọng việc tranh thủ Mỹ, phương Tây và ASEAN. Tháng 11/1986, Đặng tuyên bố một chính thể cộng sản không phù hợp với CPC, đồng thời TQ không chịu nói chuyện với VN.

Trước triển vọng Xô-Mỹ, Xô-Trung dùng vấn đề CPC để dàn xếp với nhau, ASEAN cũng điều chỉnh chính sách gia tăng đối thoại với VN về vấn đề CPC, trong đó Indonesia đi mạnh hơn cả do Indonesia muốn đề cao vai trò nước lớn trong khu vực, tạo thế đi vào bình thường hóa với TQ. Từ cuối 1987, Thái Lan cũng bắt đầu tìm kiếm quan hệ với ta và CPC. Một nhân tố không kém phần quan trọng là các nước Đông-nam Á cũng đi vào cuộc chạy đua về kinh tế và KHKT, từ đầu những năm 1980 do giá sản phẩm sơ cấp giảm mạnh, nhiều nước khó khăn lớn, phải điều chỉnh cơ cấu để thích nghi với tình hình.



Nguồn: Vnmilitaryhistory

Tìm kiếm Blog này