Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

Sinh hoạt tập tục... người xứ Nẫu - Phú Yên

ĂN UỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT (KINH) 
Bữa ăn hàng ngày 
Người dân Phú Yên quen ăn một ngày ba bữa, gồm ăn sáng, ăn trưa và ăn 
chiều. Tùy bữa ăn mà cách nấu nướng, số lượng món ăn, thức ăn khác nhau. 
- Ăn sáng: là bữa phụ nhưng không vì thế mà người dân ăn không no. Họ ăn 
để đi làm, thường là món mặn và khô như cá kho khô, kho mặn, trứng luộc, 
mắm hoặc các thức ăn buổi tối hôm trước còn lại. 
- Ăn trưa: là bữa ăn chính thức, món ăn nhiều hơn, gồm món kho, xào, canh, 
mắm (mắm nước, mắm cái, mắm ruốc) rau luộc, đôi khi còn có cả món thịt lợn, 
gà. Nhưng phổ biến là món kho, canh và mắm, có lúc thêm món đặc sản do 
đánh bắt, thu lượm được như cá đồng, măng le, nấm rừng, thịt rừng. Việc chế 
biến cũng đơn giản, thường là kho, nướng, luộc, xào... 
- Ăn chiều: có phần kém thức ăn hơn bữa trưa nhưng nhiều hơn bữa sáng. 
Món ăn gồm món kho, canh, mắm, đôi khi thêm món rau luộc, món xào. 
Nhưng trong cuộc sống không phải lúc nào ăn uống cũng chỉ có thế, mà thực 
tế còn phong phú hơn nhiều. Người Việt (Kinh) đôi lúc tổ chức bữa ăn dành 
riêng cho người già, người bệnh, sản phụ, trẻ con; bữa ăn cho thợ làm nhà, cấy 
lúa, gánh đất, lợp nhà, đánh tranh, trét vách; bữa ăn phụ thường vào nửa buổi 
sáng, hoặc xế chiều. Ngoài ra, có bữa ăn bất thường, nhân dịp thu hoạch lúa 
thóc xong; bữa ăn khi có khách đến viếng thăm. Tùy theo cấp độ công việc, khả 
năng kinh tế gia đình, thời điểm bữa ăn, đối tượng khách mà chủ nhà lựa chọn 
món ăn thích hợp. Lời tục xưa có câu “Nhịn miệng đãi khách”, “Khách đến nhà 
không gà thì vịt”.
 

Bữa ăn trong cúng giỗ - đám tiệc Trong gia đình người Việt, hầu như nhà nào cũng có cúng giỗ, đám tiệc. 
Ngày kỵ, thường là giỗ cha mẹ, ông bà, người thân, khi đó, họ mời anh em bà 
con chòm xóm đến dự. Lời mời là đến “uống nước”. Người đi ăn giỗ không phải 
mang theo quà biếu. Đám giỗ đôi khi dọn ăn cả ngày. 


Mâm cỗ giỗ thường có các món thịt heo, thịt gà, vịt, canh (bầu, bí, canh chua, 
canh thập cẩm) gỏi, xào, bánh tráng... Đám giỗ luôn luôn có cơm tẻ, sau này mới 
dùng bún, bánh mì, cơm gà.... 
Món bánh dùng cho đám giỗ là bánh nậm, bánh ít ngọt lá gai, bánh tét, bánh 
tro, có nhà làm thêm bánh thuẫn. Tùy theo kinh tế gia đình mà làm nhiều hoặc ít 
loại bánh. 
Món ăn cuối cùng có thể là xôi như lời tục “hết xôi rồi việc”. Phú Yên có hai 
giống nếp nấu xôi ngon là nếp quạ và nếp ớt. 
Do việc sản xuất nếp ngày một ít dần, nay món ăn xôi được thay bằng món 
lòng lợn, với ý “hết lòng vì khách” có thể là món thơm (dứa) được thái từng 
miếng nhỏ hoặc trái cây. 
Bữa ăn ngày Tết 
Như một tục lệ, đến Tết người dân Phú Yên từ thôn quê đến thành thị ai 
cũng sắm sửa từ món thịt đến món bánh, chậu bông... Nên dịp này, có mời nhau 
cũng ít người đến dự, gần như nhà nào nấy ăn. Ba ngày Tết thăm nhau khách 
cũng chỉ nhắm chút ít dưa món, củ kiệu, thịt bì, nem chua... với ly rượu (bia) là 
xong. Do đó, món nào đặc sắc mới đem mời khách nếm một ít “xem thử ra sao”. 
Các món ăn ngày Tết: 
- Thịt heo: được chế biến món luộc (phay), lụi, ram, chả giò, chả lụa, chả thủ, 
thịt bì, thịt ngâm dấm, ngâm mắm. 
- Thịt gà: có món luộc, chiên... 
- Món canh: có canh nấu xương (nước ngọt), canh đậu miếng, canh bí đao, 
canh ổ qua... 
- Các món xào (đậu đũa, hành tây, mộc nhĩ). 
- Các món đồ nhắm: phổ biến là dưa món, củ kiệu, hành chua, kim chi. 
- Các loại bánh có: bánh cúc, bánh kẹp, bánh in, bánh tét, cốm nếp. 
- Các món rim có: rim gừng, bí chanh, đu đủ, khoai lang, nhiều nơi làm rim 
bằng thơm (dứa). 
Người dân ở nông thôn luôn sắm Tết khá nhiều, vì đây là dịp để ăn uống, vui 
chơi qua một năm làm lụng. “Có nghèo cũng ngày tết, có hết cũng ngày mùa”... 
Ăn đám làng 
Xưa, hàng năm làng xóm thường tổ chức cúng xuân và tế thu. Khi đó, cả 
dân làng đều được mời đến dự cỗ. Các món ăn cũng là thịt phay, lụi, ram, cơm, 
canh, xào..., nhưng món phay thường nhiều hơn món lụi, rau sống chỉ thấy màu 
chuối chát. Mâm cỗ được dọn theo hai hàng dài, dùng ván ghép lại làm bàn, 
chân là cọc gỗ, cọc tre. Ghế ngồi cũng được làm theo cách ấy. 

Việc ăn uống đám làng được sắp xếp theo thứ hạng. Hạng chức sắc ngồi ăn 
nơi bộ phản trong đình, hạng người đứng tuổi, có chút ít học vấn, có tài sản 
trung bình ngồi ở rạp, hạng trai tráng, người lao động, dân nghèo ngồi ở ngoài. 
Ăn chay 
Trong cộng đồng người Việt ở Phú Yên người theo đạo ăn chay là lẽ 
thường, nhưng có một bộ phận người không theo đạo cũng ăn chay. Người ăn 
chay mỗi tháng hai ngày gọi là nhị trai, bốn ngày gọi là tứ trai, sáu ngày gọi là lục 
trai, mười ngày gọi là thập trai. Trai kỳ mỗi năm ăn chay ba tháng là tháng giêng, 
tháng 7 và tháng 10 âm lịch. 
Các món ăn chay gồm có: 
- Muối mè, muối đậu phụng. 
- Đậu miếng, đậu dầm, tương, chao, xì dầu. 
- Các món canh dùng đậu phụng chưa rang, giã nhỏ nấu với bầu, bí, đu đủ, 
khoai, bắp chuối... 
- Các món xào rau quả, xác đậu xào với rau giá. 
- Món rau (nhưng kiêng các loại gia vị kích thích như hành ta, hành tây, hẹ, 
tỏi...) 
Nhìn chung, món ăn chay chủ yếu là đậu được chế biến thành các món. 
Ngày nay, món ăn chay được chế biến đa dạng hơn, với việc làm giả các món 
ăn mặn như tôm lăn bột, thịt nướng, thịt luộc, lụi, cua, mực... 
Món ăn chay ở chùa cũng không có sự thay đổi về món mà chỉ thay đổi về số 
lượng. 
Nửa đầu thế kỷ XX về trước một số dòng họ lớn ở nông thôn tổ chức cúng 
giỗ theo hình thức: 
- Trong chay ngoài mặn. 
- Chay trước mặn sau. 
- Trong chay ngoài bội (hát bội). 
Những trường hợp này gia chủ phải thiết kế hai phần cỗ: cỗ chay mời các vị 
tu sĩ, cư sĩ và những người hướng về đạo; cỗ mặn dành cho các đối tượng 
khác. 
Một vài món ăn đặc sản Phú Yên 
Bánh tét 
Loại bánh cho hương vị giống như bánh chưng, được làm từ gạo nếp ngâm 
nước một ngày hoặc một đêm rồi vớt, hong cho ráo. Nhân bánh gồm có thịt heo 
ướp hành, tiêu, nước mắm, cũng có khi là nhân chay làm bằng đậu xanh. Cách 
chế biến: đặt lá chuối thành nhiều lớp, dàn gạo nếp trước, sau đó đặt nhân rồi 

gói cuộn lại thành đòn hình trụ, to bằng bắp chân, dài độ 10cm, gọi là cây bánh 
tét hoặc đòn bánh tét. Lớp áo lá chuối phải dày và được buộc bằng lạt tre mỏng 
nhiều nuộc. Xong, xếp vào thùng (nồi) luộc chừng 12 tiếng đồng hồ là bánh chín. 
Khi ăn, cắt bánh tét thành từng lát bằng một sợi chỉ hoặc bằng ngay chính chiếc 
lạt gói bánh được tước nhỏ. Ngày Tết, bánh tét dùng để cúng tổ tiên, làm quà 
biếu hay đãi khách. Khi ăn, thường chấm với nước mắm hoặc dưa món. 
Bánh bảy lửa 
Loại bánh làm bằng các nguyên liệu là nếp, mè rang, đường. Cách làm như 
sau: gạo nếp ngâm, đồ thành xôi, trải xôi ra nia để cho nguội và phơi khô. Đem 
cơm nếp khô rang giòn rồi xay thành bột và cà nhuyễn với đường cát trắng. Đổ 
bột lên cái khuôn đục lỗ, dùng dao cắt thẳng thành những thỏi, rồi đem hấp trong 
chõ, thắng nước đường nhúng qua, rồi lăn với mè rang, sau đó đem sấy khô. 
Bánh qua bảy lửa rất giòn và thơm. 
Bánh cốm gừng 
Loại bánh này nguyên liệu là hạt cốm rang trộn với mứt gừng, mứt bí, cà rốt, 
khoai tây..., đem các thứ trên giã nhuyễn, nén chặt như những viên gạch nhỏ, 
mỏng. Khi ăn, cắt ra từng lát hay từng thỏi. Ăn bánh cốm gừng, uống nước chè 
có tác dụng tiêu mỡ rất tốt. 
Bánh tro 
Loại bánh làm bằng gạo nếp, ngâm với tro củi và nước vôi trong một đêm, 
sau đó gói như bánh tét, nhưng không có nhân và phải buộc chặt tay. Bánh này 
thường luộc với măng tươi hoặc măng khô, nước măng thấm vào, tạo cho bánh 
tro có lớp vỏ đỏ, bên trong hơi vàng. Bánh tro ăn với đường cát. 
Bánh ít ngọt 
Làm bằng lá gai, bột nếp và đường, nhân là đậu xanh, đậu phụng, dừa. Qui 
trình làm bánh như sau: lá gai đem luộc, vắt ráo nước, cho vào cối giã nhuyễn 
rồi cho bột nếp, đường đã thắng keo như nước mật, trộn cho nhuyễn quánh lại. 
Sau đó, gói bằng lá chuối, đem luộc chín. Bánh ít lá gai là món không thể thiếu 
trong ngày giỗ. Khi ăn giỗ, khách thường được mời ăn bánh ít trước. Khi ra về, 
được gia chủ gửi bánh làm quà cho người ở nhà. 
Bánh xèo 
Làm bằng bột gạo xay lẫn nước, đúc trong khuôn có thoa mỡ. Có hai loại: 
bánh xèo vỏ là loại bánh đúc bằng bột; bánh xèo thịt là loại bánh xèo có thêm 
thịt, giá... Khi ăn bánh xèo phải dùng nước mắm có pha chế với đường, ớt, dứa, 
chanh. 
Bánh tráng 
Làm bằng gạo ngâm, xay thành nước, sau đó tráng rồi phơi khô. Có nhiều 
cách ăn bánh tráng. Bánh ướt là bánh vừa vớt từ lò ra, chấm mắm nước hoặc 
mắm nêm; bánh ỉu (hay bánh dỉu) là bánh tráng phơi nửa chừng, chưa khô hẳn, 

vừa dẻo vừa dai; bánh nhúng là bánh tráng khô nhúng nước; bánh tráng xắt 
thành sợi phơi khô dùng để xào, nấu canh. Phú Yên có 3 nơi tráng bánh nổi 
tiếng là thôn Đông Bình (Hòa An - huyện Phú Hòa), Phường Lụa (thôn Ngân 
Sơn, thị trấn Chí Thạnh - Tuy An), Hòa Đa (An Mỹ - Tuy An). Bánh tráng, thịt 
luộc, rau sống là món ăn nhiều người ưa thích. 
Mắm thơm 
Phú Yên có nhiều làng trồng thơm (dứa) nhưng nhiều hơn cả là các làng 
thuộc huyện Sơn Hòa như Lương Sơn, Trung Trinh, Phong Cao. 
Đến mùa thơm chín rộ, người ta lựa trái lớn đem chợ bán, trái nhỏ để lại ướp 
mắm bằng cách gọt sạch vỏ, phơi qua một nắng cho héo rồi xếp vào hũ. Cứ một 
lớp thơm một lớp muối, lần lượt cho đến đầy hũ, đậy nắp, dùng tro trét kín đặt 
gần bếp lửa. Tháng 9 tháng 10 mưa dầm lấy ra ăn. 
Cách ướp mắm thơm trông thật đơn giản, nhưng ướp sao cho lòng trái thơm 
có màu đỏ hồng, không mặn, nước dẻo keo. Bởi vậy, người xưa thường nhắc 
những người có tay bỏ mắm. Mắm thơm đem kho với cá, thịt chim dùng để ăn 
sáng, trưa, chiều... 
Gỏi cá diếc 
Món ăn này có ở làng Phú Long xã An Mỹ, huyện Tuy An, chỉ trong khoảng 
thời gian từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 trong năm. Bởi vào thời gian này, cá 
diếc có nhiều ở bầu Phú Long. Cá bắt được thả bơi trong thau nước nhằm thải 
hết chất bẩn trong mang và quanh mình, chuẩn bị các thứ rau quả như: cà chua 
xanh, me, đậu phụng rang giòn, nước mắm ớt và gia vị. Cách ăn như sau: nhai 
các thứ rau, quả và gia vị trước, sau đó bắt cá sống trong chậu, bẻ bớt những 
vây cứng rồi cắn từ đuôi cá lên. Món này cho vị ngọt, béo, ăn ngon phải có rượu. 
Gỏi sứa 
Làm bằng sứa chân hoặc sứa tai. Sứa được xắt thành từng miếng nhỏ trộn 
với rau thơm, đậu phụng rang, gia vị, dùng bánh tráng nướng xúc ăn. Món này 
mát, bổ, dễ tiêu. 
Sò huyết và hàu 
Là những món đặc sản của vùng đầm Ô Loan. Hàu có thể chế biến các món 
cháo hàu, hàu nướng, hàu tái chanh (các món này luôn phải có các gia vị: 
chanh, tiêu, muối). Sò huyết chà sạch vỏ, ngâm cho nhả hết bùn, nướng trên lò 
than vừa chín tới, ăn cùng với rau thơm, đậu phụng rang, chanh, muối, tiêu, 
bánh tráng nướng. 
Món cá thài bai kho tiêu 
Cá thài bai (còn gọi là cá xà bai) là một loại cá bống sống ở nước ngọt và 
nước xà hai, thường có nhiều vào những tháng đầu năm. 
Món ăn làm từ bong bóng cá (bào ngư) 
Bong bóng cá làm sạch, thổi phồng, phơi khô, sau đó nhồi thịt nấu. 

Cước cá 
Phường 6, thị xã Tuy Hòa là nơi có nghề chế biến từ vây cá nhám thành 
cước cá để ăn và xuất khẩu. Đây là một món đặc sản khá nổi tiếng. Thi sĩ Tản 
Đà đã viết về các đặc sản ở Phú Yên: 
Lấy chi vui thú thu tàn 
Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu. 
Cá ngừ đại dương (cá bò gù) 
Là món ăn đặc sản xuất hiện đồng thời với nghề câu cá ngừ đại dương. Cá 
ngừ sống xắt lát hình chữ nhật, dày độ 3-4cm, ướp đá lạnh, chấm với bồ tạt, 
tương, xì dầu, và ăn kèm với đậu phụng, rau thơm, cải cay, khế chua, chuối 
chát, bánh tráng nướng. 
Thịt bì 
Thịt thủ lợn xắt nhỏ như xắt phay rồi trụng (nhúng) nước sôi làm cho miếng 
thịt hơi quăn lại, vớt ra để ráo. Bắp hạt rang giòn, giã nhỏ, rây lấy bột làm thính. 
Trộn thịt với lượng thính vừa đủ, gói lại bằng lá chuối, bên trong có lá vông, lá ổi 
hoặc lá chùm ruột. Thời gian ăn được khoảng từ 5 đến 7 ngày. 
Thịt dim nước mắm 
Thịt ba chỉ cắt từng miếng, luộc chín, để cho ráo nước rồi dùng nước mắm 
có pha đường đun sôi để nguội rồi đổ vào nồi thịt, sao cho nước mắm phủ kín, 
để từ 5 đến 7 ngày là ăn được. Món này thường ăn kèm với hành chua, củ kiệu, 
dưa món. 
Ngoài các thức ăn, thức uống của người Việt cũng rất phong phú: 
- Uống nước lạnh (nước lã): người dân nông thôn xưa thường có lời nửa 
đùa nửa thật rằng “ăn no ra vò kéo gáo”, tức là ăn xong ra vò múc nước lạnh 
chứa trong vò uống. Người bệnh, người già thường uống nước đun sôi để nguội. 
- Uống nước lá: thường thấy ở vùng núi, loại lá để nấu uống là lá ngấy. Theo 
giáo sư Đỗ Tất Lợi trong cuốn sách “Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” thì cây 
ngấy chính là “cây đùm đũm”, tên khoa học là Rubuscochin chinensis Tratt, 
thuộc họ hoa hồng, cây thường mọc hoang trong rừng. Người ta có thể hái lá và 
đọt quanh năm, nhưng thường nhất là vào mùa hạ vì dễ phơi khô, để dùng cả 
năm. Đôi khi người dân cũng dùng lá ổi, lá vối nấu nước uống. 
- Uống nước chè (trà): có hai loại chè tươi và chè khô: 
Chè tươi: hái lá từ cây chè bỏ vào ấm đun sôi, uống. 
Chèø khô: là loại đã qua chế biến, sao tẩm, đóng gói. 
- Uống nước giải khát: phổ biến ở đầu thế kỷ XX là nước chanh, nước hột é, 
nước trái ư. Chế biến các thứ đồ uống này chỉ dùng nước lã, thêm đường cát, 
chanh, hột é, hột ư. Từ năm 1954 đến nay, đồ uống phát triển tốc độ khá nhanh 
với nhiều chủng loại. 

Từ năm 1945 trở về trước, nước đá chỉ dành cho ông Tây, bà đầm, quan 
chức cao cấp và những nhà giàu có ở Sông Cầu, Tuy Hòa. 
- Uống rượu: thường thấy trong các đám tiệc và lễ Tết. 
- Uống bia: trước năm 1945 bia chỉ dành cho những người sang trọng. 
Người dân thôn quê chưa biết uống loại nước này. Từ sau năm 1954, bia sản 
xuất nhiều và bắt đầu từ thành thị tràn về nông thôn rồi nơi nào cũng có, với các 
loại Larue và Royal chai 65cl và 33cl. 

TRANG PHỤC CỦA NGƯỜI VIỆT (KINH) 

Từ xa xưa, người Việt ở Phú Yên đã tự trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm, kéo 
sợi, dệt vải để đáp ứng yêu cầu mặc. Hai làng dệt nổi tiếng là Ngân Sơn ở hạ 
lưu sông Kỳ Lộ và Đông Bình ở hạ lưu sông Đà Rằng. 
Mặt hàng lụa do người thợ dệt Phú Yên làm đã có mặt nhiều nơi như: lụa 
lèo, lãnh, nhiễu, gấm. Mặt hàng vải phần lớn là vải khổ hẹp, rộng chừng 5-6 tấc. 
Vải có hai loại: loại vải sợi nhỏ và loại vải sợi to. Trong 9 năm kháng chiến chống 
Pháp, người thợ Phú Yên đã dệt được vải xi-ta. 
Cùng với nghề dệt vải, nghề nhuộm vải cũng hình thành nhằm đáp ứng nhu 
cầu về màu sắc. Người Việt thường nhuộm màu đen bằng vỏ cây thiu liu, lá cây 
bút, nhuộm màu nâu bằng vỏ cây dúi dẻ, nhuộm màu xanh lá cây bằng lá cây 
chàm, nhuộm màu mốc (xám) bằng cách dùng than củi tốt, đập vụn, rồi đun sôi 
để nhuộm. Để giữ màu, người thợ nhuộm đem vải ngâm vào nước bùn, có khi 
ngâm vào nước dừa hoặc pha dầu dừa vào nước nhuộm. 
Cùng với sự phát triển kinh tế và xã hội, cũng như sự thông thương về 
đường sá, người Việt ở Phú Yên tiến đến sử dụng vải vóc trong và ngoài nước 
sản xuất để may mặc. 
Về kiểu dáng, trang phục của người Việt ở Phú Yên chịu khuôn phép, qui 
định của triều đình cũng như trào lưu ăn mặc của người Việt ở miền Trung trong 
thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, triều Tây Sơn và nhà Nguyễn. 
Trong bối cảnh phân chia giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, ở Đàng Trong từ 
cuối thế kỷ XVII đầu XVIII, nhà Nguyễn khuyến khích phụ nữ mặc quần. Nhất là 
từ khi vua Minh Mạng ra chiếu cấm phụ nữ mặc váy (năm 1828), phụ nữ mặc 
quần trở nên phổ biến. Cùng với mặc quần, phụ nữ mặc một loại áo gọi là áo bà 
ba (tương tự áo cánh ngoài Bắc), trang trọng hơn thì mặc áo dài màu sáng, may 
kiểu năm thân (tiền thân của chiếc áo dài tân thời sau này). Sau này, do sự ảnh 
hưởng của trang phục Âu châu, trang phục cả nước, nam mặc quần âu, áo sơ 

mi, đi giày, phụ nữ mặc đồ bộ với đủ màu sắc. Vải hoa không chỉ mặc trong nhà 
mà còn mặc cả khi đi ra ngoài đường. 
Đồ bộ là một sáng tạo của phụ nữ Nam Trung Bộ và Nam Bộ, phù hợp với 
thời tiết nóng bức của vùng này và rất thuận tiện cho sinh hoạt. 
Việc mặc quần áo dài đối với nữ sinh trung học khi đến trường gần như là 
qui định phổ biến. 
Phụ nữ người Việt (Kinh) ở Phú Yên cũng dùng đồ trang sức. Những món đồ 
trang sức thường đeo là: vòng đeo cổ (kiềng vàng, kiềng bạc), dây chuyền vàng, 
bạc (có mặt, không có mặt), chuỗi ngọc các loại, chuỗi san hô, ngà voi v.v... 
- Vòng đeo tay có: xuyến vàng trơn và nạm ngọc, vòng ngọc thạch, vòng tay 
không đối xứng, vòng xích, vòng tay kiền vàng, dây đồng hồ vàng, lắc vàng, bạc, 
vòng đồi mồi, vòng chuỗi ngọc trai... 
- Vòng đeo tai: hoa tai vàng, ngọc, bạc, trơn hoặc nhận ngọc; bông tai trĩu, 
bông tai búp, bông tai nở, bông tai cẩm thạch... 
- Nhẫn: nhẫn vàng, bạc, bạch kim, đá quí... 
- Trang sức mái tóc có trâm cài đầu, thoa cài tóc, lược cài tóc, kẹp tóc... 

NHÀ Ở CủA NGƯờI VIỆT (KINH) 

Buổi đầu định cư trên vùng đất mới, người Việt xây dựng làng mới theo truyền 
thống xây dựng và tổ chức làng Việt. Làng Việt ở Phú Yên vẫn giữ được nhiều nét 
của làng Việt ở Bắc Bộ là tương thân tương ái, tối lửa tắt đèn có nhau. 
Các làng thường được lập trên những giồng đất ven sông ở đồng bằng hoặc 
ven biển. Do vậy, kiểu phân bố địa vực cư trú của người Việt phổ biến là sống 
bám dọc đường cái, dọc bờ sông. Một số làng lại tổ chức thành khối theo các 
xóm, các xóm này tự xếp cạnh nhau thành những “ô bàn cờ”, tách nhau bởi 
những lối đi tương đối thẳng hay những ô không hình thể rõ ràng. Một số làng 
được hình thành từ những xóm cách biệt nhau bởi những cánh đồng lúa. 
Những làng Việt nằm ở vùng núi, trung du thì nhà ở được làm trên đồi, vùng 
đất dưới chân đồi để sản xuất. 
Không hiếm làng người Việt được lập trên những nơi người Chăm đã sinh 
sống. Khi tiếp quản nó, người Việt một mặt xây dựng nhà ở, một mặt kế thừa 
những công trình mà người Chăm đã xây dựng để phục vụ cuộc sống, sinh hoạt 
hàng ngày (như giếng nước) và đời sống tín ngưỡng. 
Tên gọi làng, xóm của người Việt xưa, thường đặt theo tên họ tộc, hướng 
sông núi, điều kiện tự nhiên.... Trường hợp làng mang tên một dòng họ như 
Dương Xá, Đặng Xá hay Cao Xá ở ngoài miền Bắc ít thấy. 
Nhà là nơi ở chính thức của con người, khi sống con người cần có nhà để ở, 
khi chết cần có một chỗ chôn cất. Tục ngữ có câu: “sống có nhà, già có mồ”
người cùng đinh mạt hạng thì “sinh vô gia cư, tử vô địa táng”. 
Nhà ở của người Việt tại Phú Yên có nhiều loại, thường người ta căn cứ vào 
vật liệu lợp trên mái mà đặt tên, gồm có: 
- Nhà lá: lợp bằng các loại lá, hoặc lá dừa. 


- Nhà tranh: mái lợp bằng tranh.
- Nhà ngói: mái lợp bằng ngói.
- Nhà lầu: là nhà có nhiều tầng, mái có thể đúc bằng xi măng cốt thép hoặc
lợp ngói.
- Nhà tôn: mái lợp bằng tole.

Cấu trúc bên trong ngôi nhà Việt cổ
Nhà tranh 
Là loại nhà phổ biến ở vùng nông thôn xưa, nhà tranh thường có hai loại:
- Loại nhà tranh đơn giản 
Nền nhà thường đổ cao hơn mặt đất vài ba tấc, xung quanh có thể chất đá
để chống lài, nền nhà luôn được nện kỹ.
+ Cột: có nhà trồng thẳng xuống nền, có nhà dùng đá tảng lót đáy rồi đặt cột
trên đó.
+ Đầu cột, kèo, trính, xiên, đòn tay đều đục lỗ, dùng con xẻ chốt dính vào
nhau.
Rui mè thường dùng lạt để buộc.
Mái lợp bằng tranh hoặc bằng rạ.
Vách tường trét bằng đất được nhồi với rạ.
- Loại nhà tranh kiên cố 
Muốn cất nhà này, người ta phải chuẩn bị trước đó vài năm để tìm một nét
gỗ. Nét gỗ thường được chọn là những cây loại tốt như kiền kiền, gõ, mìn lin,
sao, cà te, muồng...
Nông thôn Phú Yên trước đây chỉ có nhà giàu, nhà chức sắc mới làm nổi nhà
kiên cố. 


Loại nhà tranh kiên cố có hai loại cột: cột tròn và cột vuông. Tất cả đều được 
bào láng, phần trên và dưới chân thường được chạm khắc hoa văn hoặc có 
những đường nét uốn lượn, nên gỗ cột phải là loại gỗ lớn. 
Kèo, trính, xiên, đòn tay ở những chỗ tiếp nhau đều đục mộng, được đo tính 
tỉ mỉ để khi ráp khít liền nhau. 
Trụ lỏng là điểm trang trí quan trọng bên trong ngôi nhà nên gỗ được chọn là 
loại tốt nhất, thẳng nhất. Trụ lỏng được thiết kế theo nhiều dạng như: ba lá, chữ 
lập, cối. Phần cửa cũng rất đa dạng tùy theo ý muốn của chủ gia đình mà đặt 
làm cửa lá sách, cửa bảng, cửa bàng pha. 
Mái lợp theo từng hàng mè gọi là lợp diệc, lối lợp này đuôi tranh dày, 4 góc 
vút cong lên... 
Bên cạnh nhà tranh, ở nông thôn Phú Yên còn có nhà lá mái; loại nhà này có 
cấu tạo giống như nhà tranh kiên cố nhưng có thêm những chi tiết khác là bên 
dưới mái tranh có một mái bằng đất, giàn rui mè được đặt bên trên mái đất và 
được neo xuống cột bằng dây mây. Ngoài ra còn có nhà trần bằng, nhà cặp. 
Dù loại nhà nào thì cấu trúc luôn luôn có ba gian, hai chái, có phần hiên ở 
trước cửa, có sân để sinh hoạt và phơi lúa, nhiều nhà trước mặt đặt cái thủ kỳ. 
Nhà ngói 
Nhà ngói của người Việt có kiểu dáng giống như nhà tranh, cũng được dựng 
theo kiểu ba gian, hai chái và có phần hiên. Điểm khác nhau chủ yếu là vật liệu 
xây dựng và vật liệu lợp nhà. 
Xưa, do chưa có xi măng nên người ta dùng vôi trộn với mật đường, nước 
nhựa cây để xây tường. 
Ngói lợp là loại ngói vảy, hình đa giác, phẳng và mỏng, chỉ lớn bằng nửa viên 
ngói hiện nay. 
Nhà tầng 
Cùng với sự phát triển của vật liệu xây dựng và nhu cầu đô thị hóa ngày 
càng cao, các ngôi nhà tầng cũng bắt đầu xuất hiện. 
Về kết cấu: dùng bê tông cốt sắt làm móng, trụ và mặt sàn. 
Quan niệm xây cất nhà cửa 
Người Việt trước khi làm nhà thường nhờ thầy địa lý xem hướng, thường 
người ta chọn hướng nam, đông hay đông nam, bất đắc dĩ mới chọn hướng 
khác. 
Theo dân gian, tùy năm cất nhà mà chọn hướng. Những năm Thân, Tí, Thìn, 
hướng nam bất lợi, hướng đông, tây đại lợi. 
- Những năm Tị, Dậu, Sửu, hướng đông bất lợi, hướng nam, bắc đại lợi. 
- Những năm Dần, Ngọ, Tuất, hướng bắc bất lợi, đông, tây đại lợi. 

- Những năm Hợi, Mão, Mùi, hướng tây bất lợi, nam, bắc đại lợi. 
Nếu chủ nhà hợp hướng đông thì làm nhà vào các năm Thân, Tí, Thìn, Dần, 
Ngọ, Tuất. Hợp hướng nam làm nhà vào các năm Tỵ, Dậu, Sửu, Hợi, Mão, Mùi. 
Lý do là trong mỗi nhóm có 3 năm, người ta căn cứ vào năm đứng giữa để 
chọn tốt xấu. Thân-Tí-Thìn, thì tính năm Tí là thủy, kỵ với hướng nam là hỏa. Tỵ-
Dậu-Sửu, Dậu là kim, kỵ với đông là mộc. Dần-Ngọ-Tuất, Ngọ là hỏa kỵ với bắc 
là thủy. Hợi-Mẹo-Mùi, Mẹo là mộc kỵ với tây là kim. 
Phú Yên có tục không mở móng cất nhà vào tháng giêng và tháng năm (âm 
lịch); kỵ cất nhà kéo dài 2 năm. 
Coi tuổi cất nhà, theo dân gian cần nhớ 6 câu: 
- Nhất kiết-Nhì nghi-Tam địa sát - Tứ tấn tài-Ngũ thọ tử-Lục hoang ốc. 
Ba trường hợp tốt: kiết, nghi, tấn tài. Ba trường hợp xấu: địa sát, thọ tử, 
hoang ốc. 
Trước hết, tính 10 năm ứng vào nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục như trên, còn dư 
lại tính từng năm. Số tuổi rơi vào câu nào thì câu ấy là kết quả. 
Tất nhiên, đây là cách tính chung. Nếu không được năm, được tuổi mà có 
điều kiện để xây cất thì nhờ một người nào đó trong thân quyến hợp tuổi đứng ra 
nhận lãnh vai trò như chủ nhà. Về nguyên tắc, ngôi nhà ấy thuộc về người nhận 
lãnh vai trò chủ nhà. 
Đòn tay thả trong ngôi nhà được tính theo 12 trực là: kiến, trừ, mãn, bình, 
đinh, chấp, phú, nguy, thành, thân, khai, bế. Số 5 đúng vào trực đinh, số 9 đúng 
vào trực thành, đây là những trực tốt. Những năm gần đây số đòn tay thả trên 
nhà được tính theo số chữ sinh, lão, bệnh, tử. Tránh chữ bệnh và chữ tử nên 
nhằm vào chữ sinh. 
Cất nhà xong, xem ngày về nhà mới, ngày này có cúng chè xôi. Nhà nghèo 
hoặc không có điều kiện xem ngày thì làm xong lúc nào vào ở lúc ấy, “theo đuôi
tranh mà về
”, tức là lợp xong, hớt đuôi tranh xong về ở nhà mới. 
Trong ngôi nhà mới, người ta thường dùng 3 cái chai (cỡ chai 1/4 lít), trong 
đó, một chai đựng gạo, một chai đựng muối và một chai đựng nước, đặt trên 
cao, ngụ ý mong muốn trong nhà luôn luôn có đủ lương thực, đồ ăn, thức uống. 
Sau khi nhà làm tròn 3 năm, việc ở đã ổn định, gia chủ làm lễ cúng lớn, mời bà 
con đến dự. Ba cái chai lúc này có thể hạ xuống, người ta dùng gạo (trầm mễ), 
muối trong các chai ấy để trị bệnh tiêu chảy. 
Khi được mời đi ăn đám mừng nhà mới, người đi đám đem quà mừng gia 
chủ, thường là bức tranh sơn thủy vẽ trên kính, những bức vẽ hay chạm khắc 
những con ngựa phi với hàng chữ “mã đáo thành công”, hoặc đồng hồ treo 
tường, ly tách, bộ bình trà, những vật dụng trong gia đình... 

PHONG TỤC TẬP QUÁN CỦA NGƯỜI VIỆT (KINH) 

Nếp sống trong gia đình và ngoài xã hội Người Việt (Kinh) ở Phú Yên xưa, theo nghề nghiệp sinh nhai phân làm bốn 
hạng: sĩ, nông, công, thương. Người làm nông nghiệp chiếm số đông, có đức 

tính cần cù, chịu khó, gắn bó với đồng ruộng, “chỗ nào có hoa lợi, không bỏ đất
hoang”.
 
Trong gia đình, cũng như ngoài xã hội, người Phú Yên chất phác, thuần hậu, 
việc ma chay cúng tế giản tiện, nhưng gặp việc cầu thần hay lễ tạ thì thường bày 
ra cuộc hát xướng, diễn tuồng, thù tạc vãng lai, lãng phí rất nhiều. 
Trong giao thiệp, ứng xử tính khí lại dịu dàng, lịch thiệp trong đàm đạo, ít khi 
nổi giận và cho rằng nổi giận là tính xấu. 
Tính hiếu khách, tính đoàn kết cộng đồng, chia ngọt sẻ bùi rất cao, rất thông 
cảm với nhau, đối xử thành thật, trong sáng, “như thể tất cả đều là anh em với
nhau
”. 
Tính quảng đại hay giúp đỡ người nghèo khó, hoạn nạn. Người dưới kính 
trọng người trên, đặc biệt kính trọng và dành ưu điểm cho người già nua, tuổi tác 
(trọng xỉ) cho dù ở cấp bậc nào, gia cảnh ra sao. 
Người Phú Yên xưa trọng văn hơn võ, trọng nghĩa tình hơn tranh cãi được 
thua, can đảm và phẩm cách trong nguy hiểm và chiến đấu. 
Trong gia đình, đề cao tình nghĩa vợ chồng hòa thuận chung thủy, con cháu 
hiếu kính cha mẹ, ông bà tổ tiên. 
Trải qua thời gian, nếp sống trong gia đình và ngoài xã hội của người Phú 
Yên xưa đến nay tuy có những biến đổi nhưng về cơ bản những truyền thống 
quý báu vẫn còn lưu giữ và phát huy. 
Lễ Tết trong năm 
Tết Nguyên Đán 
Tết Nguyên Đán của người Việt bắt đầu vào lúc giao thừa, giờ phút cuối 
cùng của năm cũ chuyển sang giờ phút đầu tiên của năm mới, tuy vậy, việc 
chuẩn bị đón Tết diễn ra từ trước đó. Những ngày gần cuối tháng chạp, người ta 
sửa sang nhà cửa, lau chùi đồ thờ bằng đồng, bằng thau trên bàn thờ tổ tiên. 
Đối với những người trồng hoa, tháng chạp là lúc chăm bón kỹ hơn để hoa nở 
đúng vào dịp tết. Các cơ quan Nhà nước, những người có giao dịch lo mua thiệp 
chúc tết, mua lịch để gửi biếu. Các gia đình cũng lo tu sửa phần mộ tổ tiên, thời 
gian tảo mộ đông nhất là trong khoảng từ rằm đến ngày 25, gia đình đi dẫy mả 
xong, về nhà có mâm cỗ cúng ông bà. Nếu cả họ cùng tổ chức đi dẫy mả thì tổ 
chức cúng ở nhà từ đường hoặc nhà trưởng họ. Cũng trong khoảng thời gian 
này, người ta gửi biếu quà tết cho gia đình, bạn bè, cha mẹ vợ, thầy giáo. Quà 
tết xưa chỉ là gói trà, gói bánh, cân đường. 
Thời phong kiến, sau buổi gặp gỡ tất niên các quan chức lau chùi đồng triện 
(con dấu) cất đi, sau tết khai ấn. 
Một việc quan trọng vào cuối năm là thanh toán nợ nần, để ăn tết được thoải 
mái và kiêng cho năm sau khỏi phải vay mượn, vì bị đòi nợ đầu năm sẽ bị “dông” 
cả năm. 

Phú Yên có tục gói bánh tét vào ngày tết. Ngày tết mà không có bánh tét là 
thiếu hương vị tết. 
Ngoài bánh tét, người ta còn làm bánh ngọt và các loại rim mứt. 
Xưa, ở Phú Yên có tục vào chiều ngày cuối năm (ngày 30 hoặc 29 tết) dựng 
cây nêu. Đó là một cây tre được phạt hết các cành ở gốc, để lại những cành lá 
nhỏ ở phần ngọn, buộc trên ngọn một tấm vỉ có dán lá bùa và treo trên đó một 
giỏ đựng trầu cau. Cây nêu được hạ xuống vào ngày mồng bảy tết. 
Tối 29 hay 30 tháng chạp, mọi nhà đều có mâm hoa quả hay bánh mứt cúng 
giếng nước. Sau lễ cúng, không được múc nước giếng lên ngay, phải đợi đến 
sáng mồng một. Nếu nhà nào kỹ hơn thì kiêng cả ngày mồng một. Song cũng có 
nhà sau lễ giao thừa, đã múc nước dùng. 
Xưa, Phú Yên lễ giao thừa cử hành rất trọng thể ở đình, chùa, sau đó là gia 
đình. Tại đình làng, người ta cúng thành hoàng và các vị thần. Tại chùa lễ Phật, 
lễ vật dâng cúng là đồ chay được bày ở bàn thờ chư Phật và bàn thờ đức Ông. 
Lễ giao thừa làm tại nhà lễ vật được bày trên một bàn thờ thiết ở ngoài sân. 
Ngày nay, rất ít nơi làm lễ cúng giao thừa ở đình, chùa mà thường cúng ở 
gia đình. 
Vùng núi, sau phút giao thừa, người ta thường lắng nghe tiếng con vật nào 
kêu trước. Theo tiếng kêu của con vật, người ta đoán định sự may rủi, được 
mất, no đói của thôn xóm trong năm. 
Phú Yên, người dân không có tục hái lộc xông đất, song, có lệ xem ngày, giờ 
để xuất hành đầu năm. Tuy vậy, nhiều người không coi trọng vấn đề này lắm. 
Sáng mồng một, mọi nhà đều làm mâm cỗ cúng gia tiên. Xưa, từ mồng một tới 
ngày mồng bảy, ngày nào cũng làm cơm cúng, nhiều gia đình mồng một cúng 
chay, mồng hai cúng mặn. Cúng tạ từ mồng ba đến mồng bảy, thông thường là 
mồng ba, mồng bốn. 
Ngày mồng một thường là ngày dành để đi thăm họ hàng thân thiết, con 
cháu về thăm ông bà, cha mẹ. Người Phú Yên cũng có tục chọn người xông nhà 
để mong gặp được nhiều may mắn trong năm. Sáng mồng một, có người đi lễ 
chùa, có người đi thắp hương ở nghĩa trang. 
Từ ngày mồng hai tết, mới đi thăm viếng bạn bè. 
Lời hỏi thăm đầu năm khi gặp nhau thường là “đã đi chơi đâu, nhiều không 
?” và kèm theo lời chúc đầu năm mới mạnh khỏe, vạn sự như ý... 
Người Phú Yên cũng có tục mừng tuổi trẻ con bằng tiền, gọi là “lì xì”, tiền 
này có khi đựng trong một phong bì nhỏ màu đỏ do học được của người Hoa, 
song phổ biến là đưa tiền thẳng cho trẻ, tiền mừng tuổi thường là tiền mới. 
Ngày xưa, những người dùng danh thiếp, khi đến thăm bạn, nếu chủ nhà đi 
vắng, thì gửi lại một tấm danh thiếp có xếp một góc nhỏ, theo quy định chung 
của phép xã giao. Nay, lệ xếp góc hầu như không còn. 

Ngày xưa ở Phú Yên vào ngày mồng bảy cúng hạ nêu (lễ cúng tạ) sau đó 
dâng mâm cỗ tết trâu bò, cúng vị thần bảo hộ gia súc. Trong tục cúng tết trâu bò 
có cúng bánh tét chay, dán giấy vàng bạc ở chuồng, có khi dán lên sừng trâu, 
bò, nhất là những con đầu đàn (“cầm bầy”). Phong tục Phú Yên xưa cũng có gia 
đình làm lễ hạ điền, bằng việc dâng cúng lễ vật, sau đó mắc trâu bò cày vài ba 
đường gọi là lấy ngày. 
Tết Thượng Nguyên 
Tổ chức vào ngày rằm tháng giêng. Người Phú Yên có câu “lễ Phật cả năm 
không bằng ngày rằm tháng giêng”. Rằm tháng giêng là ngày rằm đầu tiên của 
năm. Nhiều người tin rằng ngày ấy đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ 
lòng thành của Phật tử, trong dịp này người ta đi lễ chùa rất đông. Cũng vào 
ngày rằm tại các chùa thường tổ chức lễ dâng sao, giải hạn để trừ tai ương, cầu 
tốt lành cho những ai trúng năm tuổi hoặc thường gặp xui xẻo. Ngoài đi lễ chùa, 
các gia đình thường làm cỗ cúng ông bà tổ tiên, tạ ơn họ đã phù hộ, độ trì con 
cháu một năm qua và cầu xin tiếp tục che chở, phù hộ con cháu trong năm mới. 
Lễ Thượng Nguyên còn có tên gọi là tết Nguyên Tiêu. Vào đêm của ngày 
này, các văn nhân thi sĩ thường hợp nhau uống rượu, thưởng xuân, ngâm vịnh, 
thơ phú. 
Từ ngày tỉnh Phú Yên được tái lập, ngành văn hóa tỉnh thường xuyên tổ 
chức đêm thơ Nguyên Tiêu tại núi Nhạn. Nhiều nhà thơ trong và ngoài tỉnh tham 
dự và trình bày những bài thơ tâm đắc của mình. Đêm thơ này khởi đầu từ năm 
1981, do một số bạn yêu thơ tổ chức trong phạm vi thư viện tỉnh (Thư viện Hải 
Phú). Đến năm 1987 mới được tổ chức với qui mô rộng rãi. 
Tết Thanh Minh 
Thanh minh trong tiết tháng ba (âm lịch), ở Phú Yên, chỉ có người Hoa và 
một số người Việt tổ chức cúng tết, đi tảo mộ. Trong ngày này, tại các nghĩa 
trang Phật giáo tổ chức tụng kinh cầu nguyện cho tất cả các linh hồn an nghỉ tại 
đây. 
Tết Đoan Ngọ 
Tết này tổ chức vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, mục đích cầu an. 
Trong dịp tết Đoan Ngọ, học trò (cả học chữ, học nghề) có quà biếu thầy, 
con rể (nhất là mới làm lễ ăn hỏi) có quà biếu cha mẹ vợ, người dưới có quà 
biếu bậc trưởng thượng, ân nhân... 
Tết Đoan Ngọ chỉ có một ngày, nhưng người Phú Yên ăn tết mồng 5 tháng 5 
rất chu đáo. Ở nông thôn, thường làm cỗ cúng. Ở thị xã, thị trấn, việc cúng bái 
đơn giản hơn. Dịp này nhiều gia đình, thanh niên nam, nữ, mang theo đồ ăn, 
thức uống tổ chức những cuộc vui chơi ở bãi biển, nơi có phong cảnh đẹp. 
Trước đây, người dân Phú Yên cũng có một số tục vào sáng mồng 5 tháng 5 
như: 

- Buổi sáng, lúc mặt trời mọc, ra sân mở mắt nhìn mặt trời nháy mắt vài cái 
để cho được sáng suốt. 
- Hái một nồi lá xông, nấu nước tắm vào giờ ngọ để được khỏe mạnh, không 
bệnh tật. 
- Các ông thầy thuốc nam đi hái lá thuốc vào ngày mồng 5, thuốc sẽ linh nghiệm. 
Nay các tục lệ này hầu như không còn. 
Tết Trung Nguyên 
Còn gọi là lễ xá tội vong nhân, Phật giáo gọi là lễ Vu lan, tổ chức ngày rằm 
tháng bảy. 
Trước đây, vào ngày này, tại đình, chùa tổ chức cúng âm hồn, cô hồn. Các 
gia đình cũng bày cỗ cúng trước cửa nhà với phẩm vật gồm: hoa quả, cháo hoa, 
cơm nấm, trầu cau... đặt trong nia (mẹt). Ngoài đồ ăn, thức uống còn có đồ mã 
là quần áo, tiền vàng... ở đình, chùa còn đặt đàn làm chay. 
Ngày nay, các gia đình trong nhà làm cỗ cúng ông bà, tổ tiên, ngoài sân thiết 
thêm một mâm cỗ cúng âm hồn, cô hồn với vật phẩm là chè, xôi, chuối, hoa quả, 
bông... 
Trong nửa đầu tháng bảy, những gia đình có người chết trong năm thường 
tổ chức tụng kinh cầu siêu với ước nguyện linh hồn người ấy được siêu thoát. 
Cũng trong tháng bảy, có gia đình tổ chức tụng kinh cầu an. Trong các buổi lễ 
này, họ mời nhà sư đến tụng kinh, đọc sớ, trong đó kể tên những tiên linh mà gia 
đình cầu nguyện cho linh hồn của họ siêu thoát nơi chín suối, cũng như xướng 
tên những người trong gia đình để mong được phù hộ, độ trì. Cách bố trí các 
bàn thờ trong buổi lễ tụng kinh như sau: phía trong cùng là bàn thờ ông bà tổ 
tiên, tiếp theo là bàn thờ Phật trên đặt di ảnh của Phật Thích Ca; trước bàn thờ 
Phật đặt một bàn thờ nhỏ, thấp hơn trên để đặt quyển kinh, chuông, mõ. Bên 
cạnh bàn thờ này trải chiếu để thầy ngồi tụng kinh, gõ mõ và để gia chủ lễ bái. 
Phía ngoài bàn kinh là bàn thờ Địa tạng và bàn thờ các vị thần linh, phía ngoài 
cửa là bàn thờ âm hồn. 
Lễ vật cúng bàn thờ Phật ngoài hoa quả còn có bát cơm trắng, đĩa đậu luộc, 
trái cây và đồ cúng bắt buộc là nồi cháo trắng. 
Khi nhà sư tụng kinh, chủ nhà và các thành viên trong gia đình quỳ lạy và 
làm lễ ở phía sau nhà sư. Lúc nhà sư đọc sớ, chiếc phong bì đựng sớ để trong 
chiếc đĩa đặt lên đầu chủ nhà (đội sớ), sau khi đọc xong, lá sớ được đem đốt 
(như đốt vàng mã). 
Việc tụng kinh cầu siêu cho những người chết trong dịp Tết Trung Nguyên có 
thể tổ chức tại nhà hay tại chùa. 
Tết Trung Thu 
Tết Trung thu được tổ chức vào ngày rằm tháng tám (15-8 âm lịch). Ở Phú 
Yên trước năm 1975, tết Trung thu không được đông đảo người dân chú ý. 
Song, từ năm 1975 đến nay, tết Trung thu đã trở thành một ngày tết lớn trong 

năm. Đây không chỉ là một ngày sinh hoạt vui chơi quan trọng dành cho thiếu 
niên nhi đồng, mà còn là dịp để các bậc ông bà, cha mẹ, anh, chị em, các cơ 
quan, đoàn thể, tổ chức xã hội thể hiện sự quan tâm chăm sóc tới trẻ em. 
Tết Trung thu gắn với sinh hoạt văn hóa của trẻ em như: cắm trại, rước đèn 
ông sao, rước múa sư tử, lân... 
Những lễ thức vòng đời người 
Từ lúc đứa trẻ bắt đầu cất tiếng khóc chào đời đến khi chết theo chu trình 
khép kín tự nhiên của con người (sinh ra, lớn lên, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ 
cái, rồi mất đi). Ở mỗi giai đoạn, người Việt ở Phú Yên đều có những phong tục 
tập quán gắn với nó, chi phối nếp cảm, nếp nghĩ và những sinh hoạt gắn với 
từng giai đoạn. 
Sinh đẻ 
Người phụ nữ khi biết mình có thai đã chú ý tới việc tu nhân tích đức cho 
mình và cho con, cũng như giữ gìn sức khỏe cho mình và thai nhi. Họ giữ cho 
mình tính thật thà, ngay thẳng, khiêm nhường, nói năng dịu dàng, cử chỉ khoan 
thai, giữ sự tươi cười, tránh xa những điều xấu, những cảnh hãi hùng, đau đớn, 
chết chóc. Họ kiêng xem phim ảnh bạo lực, những đoạn hát tuồng có nhân vật 
phản diện, hung ác hay diện mạo xấu xí, dữ tợn. Họ tránh những cuộc cãi vã, 
không nghe, không nói những lời thô tục. Họ không nổi giận vô cớ hoặc có cớ, 
tránh kêu gào, không làm những điều gian tà, khuất tất, vu oan giá họa người 
khác. 
Người phụ nữ cũng không đứng ra chia phần vật gì, không sát sinh gia súc, 
gia cầm, không ăn cua (để tránh đẻ con xoay ngang, theo quan niệm), không ăn 
thịt chó (để con khỏi bị sứt môi), không ăn sò, ốc, hến (tránh con nhiều dãi nhớt, 
theo quan niệm), không ăn những quả sinh đôi (“dính lẹo” để tránh sinh đôi, theo 
quan niệm), không ăn đồ cúng trong đám tang (sợ con bị sài). Do quan niệm 
nuôi con ở ngoài không nuôi con trong bụng và sợ thai lớn khó đẻ, vì thế lúc phụ 
nữ mang thai thường ăn ít chất bổ. Ngược lại, họ được khuyến khích ăn nhiều 
trứng gà, để sinh con da dẻ hồng hào, ăn trứng ngỗng để đẻ nhanh. Trong vài 
chục năm trở lại đây, trong thời gian người phụ nữ mang thai, vợ chồng thường 
treo trong phòng ngủ riêng tranh, ảnh những đứa trẻ bụ bẫm, kháu khỉnh. Vì nghĩ 
rằng, nhìn ngắm nhiều tranh, ảnh đó, sẽ có tác động để đứa con trong bụng, khi 
sinh ra cũng được khỏe mạnh, đẹp đẽ. 
Muốn đẻ nhanh và không đẻ ngược, trong thời gian mang thai, phụ nữ rất 
chịu khó đi lại, vận động. Giường nằm của họ thường đặt trong buồng không 
quá sáng. 
Khi sinh con đầu lòng, người phụ nữ thường về ở nhà mẹ đẻ. 
Trước khi sinh khoảng một hay hai tháng, gia đình làm lễ cúng bà, cầu cho 
sinh nở nhanh chóng. 

Xưa, việc sinh đẻ diễn ra tại nhà, đỡ đẻ là một bà mụ. Người dân đối với bà 
mụ cũng kính trọng và lễ tết như đối với thầy dạy học. Bà mụ cắt rốn cho trẻ sơ 
sinh bằng một con dao nhíp, có khi bằng một thanh cật tre vót mỏng. Nhau trẻ 
con đem chôn phía sau nhà, nơi sẽ không bị đào xới. Sau khi đẻ vài hôm, người 
nhà dùng một cái mật heo (lợn) hơ lửa cho bay hết nước, dẻo quánh lại, rồi lấy 
bôi lên giấy bản, sau đó dán kín bụng đứa trẻ để giữ cho bụng được ấm. Trẻ 
sinh ra đã được mặc áo, tã lót, đội mũ thóp, phần lớn là đồ cũ của trẻ đã dùng 
(của anh, chị, em ruột hoặc đi xin), cũng có khi quần áo của trẻ mới sinh được 
may (gọi là “chằm”) bằng áo cũ của ông bà, cha mẹ. 
Sau khi sinh, sản phụ có một số kiêng cữ trong ăn uống như: chỉ ăn cơm với 
các món khô, có tính chất nóng như món kho mặn hoặc kho muối tiêu, kiêng ăn 
những món có tính chất hàn (lạnh). Để có nhiều sữa, các sản phụ thường ăn 
món chân giò lợn hầm, chủ yếu là phần móng chân (“móng đất”) hầm với đu đủ 
chưa chín. 
Người dân Phú Yên có quan niệm “sinh dữ tử lành” và nhiều người cho rằng 
việc sinh đẻ của phụ nữ là xú uế. Vì thế họ cho rằng, nếu gặp sản phụ mới sinh 
chưa tròn tháng là xui xẻo, gọi là mắc phong long, nên những gia đình có người 
mới sinh rất ít khách đến thăm, nhất là những người buôn bán, làm nghề. Học 
trò mắc phong long thì bị u mê, tăm tối trong việc học hành, thi cử. Bế em bé mới 
đẻ là việc học trò kiêng kỵ. Do đó, trong thời gian đang nằm xó, nằm hóc, sản 
phụ kiêng đi lại, giao thiệp với người ngoài gia đình, đến lúc tròn tháng sản phụ 
mới tắm rửa sạch sẽ, đi phiên chợ đầu tiên, gọi là đi chợ xổ cữ, có ý rằng tất cả 
những gì kiêng cữ xấu xa được cởi bỏ nơi hỗn tạp là phiên chợ. Từ đó, người 
phụ nữ mới hội nhập với cuộc sống bình thường. 
Thường, trẻ đầy tháng, người ta mới đến thăm sản phụ. Quà tặng là chân 
giò heo, trứng gà, quần áo hoặc đồ chơi trẻ em. 
Khi trẻ tròn một tháng tuổi, gia đình làm lễ cúng đầy tháng. Khi tròn năm, làm 
lễ thôi nôi. Vào dịp cuối năm, gia đình làm lễ cúng ông Táo cho trẻ con, lễ vật là 
con gà trống. 
Xưa, việc đặt tên cho trẻ chưa được chú trọng. Đứa trẻ sinh ra không làm 
giấy khai sinh, không có họ, tên đệm, tên thật mà chỉ gọi tên tục hoặc tên của 
các loài động thực vật. Phần nhiều dân chúng đặt tên cho con rất nôm na. Cha 
mẹ tên Lãnh, con có thể đặt Lụa, Tơ, Thao, Đũi... Cha mẹ là Dưa, con có thể là 
Mắm, Cà, Mận... 
Những nhà có học chữ Hán, đặt tên cho con sau khi đứa trẻ chào đời không 
lâu, cũng có trường hợp đặt tên cho con khi chúng đến tuổi đi học, đi thi. Tên 
con thường đặt theo bộ với tên cha, theo bộ của dòng họ hoặc một câu trong 
sách có liên quan đến tên ông, cha. 
Sau năm 1945, cùng với việc tổ chức làm giấy khai sinh của chính quyền, 
việc cải tên và đặt tên cho con mới được các gia đình quan tâm, chú ý, những 
người có tên “xấu” đều đổi thành tên “đẹp”. 

Đối với nhiều gia đình không con, muộn con hoặc chỉ có con gái, muốn có 
con hoặc con trai để nối dõi tông đường, họ đến chùa làm lễ cầu tự. Muốn đi cầu 
tự phải ăn chay, niệm Phật, giữ mình cho thanh khiết, để lòng thành động tới 
thần thánh. Sau khi đi cầu tự về một thời gian mà có con, đứa trẻ đó gọi là con 
cầu tự, thường rất được cưng chiều. 
Xưa, ở nông thôn có tục nhà nào có trẻ con hay ốm đau hoặc khó nuôi, thì 
mời thầy phù thủy về cúng bái rồi dùng dao rạch một chữ thập nhỏ trên trán, sau 
đó, đốt lá bùa lấy tro chít vào chỗ ấy, làm dấu hiệu cấm ma quỷ xâm nhập, quấy 
phá. 
Nếu đã làm phép chém trán mà không hết bệnh, người nhà đi xem thầy, nếu 
tuổi của đứa bé không hợp với tuổi của cha mẹ thì họ bày ra một kế là bí mật 
dặn trước người ăn xin nào đó, khi vào cổng, người mẹ dẫn đứa bé ra, người 
này liền cướp lấy dẫn chạy độ vài trăm mét, người nhà chạy theo giành lại. Họ 
coi như đứa trẻ đã sang tay người khác, như vậy sau này sẽ dễ nuôi. 
Người Phú Yên cũng có tục nhận con nuôi. Người con nuôi mang họ của cha 
mẹ nuôi, được đối xử và hưởng quyền lợi như con đẻ, chỉ biết có cha mẹ nuôi, 
không hề biết cha mẹ đẻ, hoặc có biết nhưng phần tình cảm và trách nhiệm đối 
với cha mẹ nuôi vẫn là chính. 
Trưởng thành 
Dưới thời chúa Nguyễn, theo lệ định từ thời Hồng Đức có tổ chức phép 
duyệt tuyển (duyệt dân tuyển lính), 6 năm một lần tuyển lớn, 3 năm một lần 
tuyển nhỏ. Người đã qua duyệt tuyển được công nhận là đã trưởng thành. 
Những người trưởng thành phải thi hành một số nghĩa vụ ở thôn xã. Trừ các 
hạng chức sắc, dân đinh đều phải nộp thuế và đi lính, những người già cả (lão 
nhiêu), tật nguyền, vị thành niên, phụ nữ không phải thi hành các nghĩa vụ này. 
Thời Pháp thuộc, người dân khi đã đủ tuổi phải “trực tráng”, tức là được làng 
xã ghi tên vào bộ đinh, được công nhận đủ tư cách công dân, nên phải nộp thuế 
thân (thuế đinh) và các khoản tiền, hoặc phải lao động công ích, tư ích, để góp 
phần xây dựng đất nước và địa phương. Cũng từ lúc này, nếu có khả năng, 
được cử làm việc làng, chức vụ thấp nhất là biện (thư ký), thủ (thủ quỹ xóm ấp), 
dần dần được vào ngũ hương, lý trưởng, phó tổng, chánh tổng. Có công trạng 
thì được ban phẩm hàm, ở thôn quê thường là tùng cửu phẩm hay chánh cửu 
phẩm. Người có học, hoặc đi lính cho Tây về mới được phẩm hàm cao hơn, 
nhưng cũng là tùng, chánh bát phẩm. Các phẩm hàm này cũng có thể “mua”, tức 
là nộp cho Nhà nước một khoản tiền nào đó thì được cửu hay bát phẩm bá hộ. 
Cửu, bát phẩm văn giai chỉ ban cho người có học, có làm việc. Hoặc là dùng tiền 
“mua” một chức vụ cấp phó, như phó tổng, gọi là phó tổng dụng. 
Sau khi trực tráng, mỗi người được lý trưởng cấp cho một bài chỉ, tức là giấy 
tùy thân. Trên đó in chữ quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán, khuôn khổ bài chỉ độ 
7x14cm, ghi: tỉnh, phủ - huyện, tổng, làng, tên, tuổi, năm sinh, chánh, trú quán 
của đương sự, gồm các hạng: 
- Hạng chính tráng, bài chỉ màu mốc xám, đương sự phải nộp thuế thân và 
tiền công ích, tư ích. 

- Hạng lão nhiêu, cũng màu mốc xám, nhưng được miễn thuế thân và tiền 
công ích, tư ích. 
- Hạng miễn sai, miễn nhiêu, màu xanh, phải nộp thuế thân, được miễn tiền 
công ích, tư ích. 
- Hạng chức sắc, màu đỏ, được miễn cả thuế thân và tiền công ích, tư ích. 
Người lãnh bài chỉ xanh, được tôn trọng tại địa phương. Bài chỉ đỏ chỉ dành 
cho người có quyền chức đứng đầu trong làng xóm. 
Song bài chỉ chỉ có giá trị trong phạm vi lãnh thổ bảo hộ Trung Kỳ, do Nam 
triều trực tiếp cai trị. Nếu vào Nam Kỳ, phải có thẻ căn cước do Công sứ cấp, 
thường là Phó sứ ký và phải có thị thực của Lý trưởng. 
Lão nhiêu được miễn nộp thuế đinh và chia làm ba hạng: 
- Từ 60 tuổi trở lên, được phép chống gậy đến làng, tức là khi đến nơi chức 
sắc trong làng làm việc. 
- Từ 70 tuổi trở lên, được phép chống gậy đến quan, tức là nơi quan huyện, 
phủ, tỉnh làm việc. 
- Từ 80 tuổi trở lên, được phép trượng triều, tức là được phép chống gậy 
đến triều đình gặp vua khi có lệnh triệu. 
Và trong cuộc đời con người cũng nhiều lần tổ chức khao vọng. 
Những trường hợp sau đây có tổ chức khao vọng. 
Trước hết là cúng mừng, báo cáo với tổ tiên ông bà những điều đạt được. 
Thứ hai là khi được vua ban phẩm hàm. Các vị được ban cửu phẩm, bát 
phẩm, được giữ vai trò tiên chỉ đều có tổ chức khao vọng. 
Thứ ba là những người được cử giữ chức vụ quan trọng ở làng, tổng, như lý 
trưởng, chánh tổng, phó tổng, người đỗ đạt. 
Khao vọng mừng thọ được tổ chức khi người già được vua ban biển ngạch 
“thọ dân”. Theo Đại Nam thực lục, dưới thời nhà Nguyễn, Phú Yên có 17 cụ thọ 
từ 100 tuổi trở lên. Gần hơn, còn nhiều người biết là cụ Đào Tấn Nhu ở Hòa 
Thắng, năm 92 tuổi được võng cáng ra tỉnh lỵ Sông Cầu, được Công sứ và Tuần 
vũ tiếp, ủy lạo, trao tặng biển ngạch “thọ dân”, và được võng cáng về. Các cấp 
thọ thấp hơn (80, 70, 60) thì lễ mừng thọ tổ chức trong phạm vi một làng, một 
xóm ấp, hay trong gia đình. 
Ngày xưa, ở Phú Yên không tổ chức lễ sinh nhật, ngày nay, sinh nhật cũng 
chỉ được tổ chức ở những nhà giàu và những gia đình còn trẻ, theo cách sống 
mới. 
Những gia đình làm nông, sau vụ mùa thu hoạch, nếu gần đến có ngày kỵ, 
sẽ dùng gạo lúa mới nấu nồi cơm mới cúng ông bà. Nếu không có dịp thì nấu 
cơm gạo mới, sửa soạn cỗ bàn vừa phải, gọi là “làm một mâm cơm” cúng tạ ơn 
ông bà. Những nhà làm vườn, sau khi cây già, trái chín cúng tạ ơn ông bà. 

Trường hợp thật quan trọng gia chủ mới tổ chức hát bội. Ví như: gặp một 
việc tranh chấp rắc rối, trong nhà có người bệnh nặng lâu ngày... van vái tổ tiên, 
ông bà tai qua nạn khỏi sẽ hát bội mừng. 
Hát bội thường tổ chức khoảng cuối xuân đầu hạ. Gia chủ rước một gánh hát 
về và lo mọi thủ tục, phí tổn. 
Thời gian hát có thể 3 ngày đêm, ít nhất là một buổi chiều và một đêm, kết 
thúc vào lúc sáng. 
Trước khi hát, phải rước thần từ đình về rạp. Chức sắc, kỳ lão, ban hát, dân 
chúng tề tựu lại. Sau lễ thần, ban hát ra mắt, một vị bô lão hoặc chức sắc có uy 
tín được mời khai tiên (đánh chầu mở đầu), tiếp theo là cử nhạc và mở màn. 
Buổi chiều cùng ngày có tế âm hồn các đẳng ở hai bên rạp. Vở hát sẽ kết thúc 
vào lúc mờ sáng với lớp tôn vương. 
Hôn nhân 
Việc hôn nhân ngày xưa thường do cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Có những 
đôi nam nữ do cha mẹ hoàn toàn quyết định, hai người không hề biết nhau. Tuy 
vậy, do đời sống nông thôn cởi mở, việc đi lại dễ dàng là những điều kiện để 
nam nữ bày tỏ tình cảm, tìm hiểu nhau trước khi cưới hỏi. 
Các lễ trong hôn nhân ở Phú Yên xưa như sau: 
- Xem mặt: nhà trai đến nhà bên gái để biết qua dung mạo và có thể là cách 
ứng xử của người định chọn làm cô dâu. 
- Đi chơi (đi dạm): nhà trai đến nhà bên gái, tặng một vài món quà và ngỏ ý 
việc cầu hôn. 
- Đi nói: nhà trai đưa ra lời chính thức cầu hôn. 
- Đi hỏi: lễ này tuy chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình, nhưng phải có sự 
chứng kiến của một số ít bà con gần gũi. Chàng rể cùng cô dâu lạy bàn thờ tổ 
tiên bên nhà gái, hai bên công nhận là rể là dâu, đôi nam nữ được gọi song thân 
của nhau là cha mẹ. 
- Cầu giá: nhà trai đến xin nhà gái định số lễ vật phải nộp, gồm: nữ trang 
dành cho cô dâu và các khoản tiền chi phí. 
- Lễ cưới: có thể tổ chức trong hai ngày, ngày trước là nhóm họ, họp mặt bà 
con, ngày sau là đưa dâu (bên gái) hoặc rước dâu (bên trai). Lễ cưới được tổ 
chức ở cả hai bên gia đình. Đôi bạn một lần nữa lạy bàn thờ tổ tiên bên gái, rồi 
khi sang nhà trai thì lạy bàn thờ tổ tiên bên trai. Ngày giờ cho các nghi thức này 
do thầy lễ xem xét và quyết định. 
Thời trước, sau lễ hỏi, chàng rể phải thường xuyên đến nhà vợ, giúp đỡ việc 
này việc khác, thậm chí làm nhiều việc nặng nhọc, gọi là ở rể. Có người phải ở 
rể vài ba năm mới được cưới vợ. Mỗi dịp tết Nguyên Đán hay mồng năm tháng 
năm, chàng rể phải đem quà biếu cha mẹ vợ, gọi là đi tết vợ. 

Trong những năm gần đây, các nghi lễ trong hôn nhân ở Phú Yên được đơn 
giản hóa. Con trai, con gái đã biết mặt quen nhau, tìm hiểu nhau, cha mẹ hai bên 
cũng biết rõ về chàng rể, cô dâu nên việc coi mắt không còn cần thiết nữa. Do 
vậy, hôn nhân chỉ có các lễ: 
- Đi chơi (đi dạm): nhà trai tặng quà cho bên nhà gái, có thể bàn ngay thời 
điểm cho các lễ kế tiếp. 
- Đi nói và đi hỏi gộp chung, trong lễ này có cả nạp tài. Việc hôn nhân coi 
như đã thành, chỉ còn lễ cưới. 
- Lễ cưới: sau khi tiệc tùng ở nhà gái, nhà trai ra về, họ gái đưa dâu đến nhà 
trai, bên nhà trai đón dâu, làm lễ. Có khi vì lý do tuổi tác, năm tháng không được 
tốt, hay quá xa xôi, không đưa rước dâu, thì cô dâu cùng đi với họ trai về nhà 
chồng. Cũng có khi gửi rể, chàng rể ở lại nhà vợ 3 ngày rồi đưa vợ về nhà mình. 
Có trường hợp chàng rể ở hẳn nhà vợ gọi là bắt rể. 
Thời chưa có sổ nhân thế bộ, gia đình có con gái lấy chồng phải nộp cho làng 
khoản tiền cheo. Làng nhận khoản tiền đó, có nghĩa là xác nhận cuộc hôn nhân 
hợp pháp, chàng rể nếu là người nơi khác đến ở nhà vợ không bị làng hạch hỏi, 
làm khó dễ. Từ khi có sổ nhân thế bộ thì Hương bộ hoặc Ủy viên hộ tịch được 
mời đến dự đám cưới để chứng kiến hôn lễ. Có khi Hương bộ (hoặc ủy viên hộ 
tịch) mang theo sổ và con dấu cho ngay trích lục hôn thú tại đó, có khi vài hôm sau 
đến nhà Hương bộ (ủy viên hộ tịch) để xin nhận. Hương bộ từ chối dự đám cưới, 
nếu vì một lý do nào đó không vừa lòng, sẽ là khó khăn cho đôi vợ chồng trong 
việc xin giấy trích lục. Ngày nay, mặc dù có các thủ tục đăng ký kết hôn, người ta 
vẫn mời chính quyền xã, phường, thị trấn đến dự hôn lễ. Trước hết là tôn trọng 
địa phương, muốn báo cáo chính thức việc hôn nhân, sau nữa là vấn đề tình cảm. 
Do đó, trong đám cưới lời thưa bao giờ cũng là “hai làng hai họ”. 
Vấn đề của hồi môn không nằm trong phong tục cưới Phú Yên. Người con 
gái không bị bắt buộc phải đem về nhà chồng một số tài sản nào. 
Mọi chi phí trong hôn lễ, trên nguyên tắc do nhà trai chịu hoàn toàn (từ nữ 
trang, y phục cô dâu, bữa tiệc họ trai đến họ gái, xe cộ cho họ gái v.v...), nhưng 
thực tế nhà trai chỉ nộp nữ trang và tiền cưới. Việc thách cưới là chuyện ngày 
xưa và chỉ ở gia đình giàu có, khó tính, câu nệ. 
Ngày cưới, những người bà con, chú bác, cô dì, cậu... theo hoàn cảnh đều 
cho cháu một khoản tiền nào đó nhân dịp cưới vợ hay lấy chồng. Bà con xa hơn 
và bạn bè của gia đình thường đi đám bằng tiền, bạn bè của đôi nam nữ thì 
thường đi đám bằng các tặng phẩm để làm kỷ niệm hoặc tặng các vật dụng cho 
đời sống gia đình sau này. 
Trong lễ cưới, ngày trước y phục của chàng rể là áo dài sa văn minh đậu 
bông mặc bên ngoài, bên trong là áo dài trắng, quần trắng đội khăn đóng, đi giầy 
hạ. Cô dâu cũng mặc áo cặp màu xanh hoặc tím, bới tóc, bịt khăn nhiễu xanh, 
đeo kiềng vàng, xuyến vàng đi dép quớt. Khi bái lạy ông bà, ở những gia đình 
giàu có, chàng rể và cô dâu mặc thêm chiếc áo rộng xanh, vải mỏng bên ngoài. 

Trong lễ cưới ngày nay, chàng rể mặc veston, cài hoa; cô dâu mặc áo dài hoặc 
váy, đội vương miện hay khăn vàng, mang găng tay. 
Sau lễ cưới, vợ chồng ở bên nhà trai ba ngày, đi chào thăm bà con họ hàng, 
rồi trở về bên nhà gái, cũng đi chào thăm họ hàng ba ngày. Sau đó, hội nhập vào 
sinh hoạt của đại gia đình. Ít người có tiền bạc để hưởng tuần trăng mật bằng du 
lịch. 
Sau một thời gian, tùy hoàn cảnh mỗi gia đình, cha mẹ cho vợ chồng “ăn 
riêng” để bắt đầu bước tự lập. Có khi, trước lúc ăn riêng có một giai đoạn “ăn
chung làm riêng
”, tức là ăn với cha mẹ, nhưng phần làm được thì để riêng. 
Quan niệm của người dân Phú Yên “dâu là con, rể là khách”, vì người dâu 
gánh vác mọi việc chính trong gia đình. Nhưng người rể tốt vẫn được tin cậy nên 
lại có câu “dâu hiền con gái, rể thảo con trai”. 
Tuổi lập gia đình của nam nữ Phú Yên ngày xưa nam là 16, nữ là 13, so với 
ngày nay là sớm, nhưng thời ấy là bình thường như mọi nơi. 
Cưới chạy tang 
Lễ thành hôn không được phép tổ chức khi hai bên đương sự có đại tang. 
Cho nên gặp trường hợp ông bà cha mẹ đau nặng sắp qua đời, hay vừa tắt thở, 
nếu bắt con cháu phải chờ đợi mãn tang quá lâu, sau đó có thể không được năm 
được tháng, thì hai gia đình bàn nhau cho tổ chức cưới chạy tang. Người vừa 
mất được để nằm yên đó, coi như đang giấc ngủ, bên ngoài lễ cưới được tổ 
chức, tất nhiên phải đơn giản hơn dự định nhiều, chỉ đủ các nghi lễ tối cần thiết. 
Đám cưới tiến hành xong xuôi thì tổ chức phát tang. Cô dâu chú rể đã là thành 
viên chính thức của gia đình, chịu tang như mọi người. 
Trường hợp tang dưới một năm thì không ảnh hưởng đến hôn nhân. “Vô cơ 
dĩ thượng, khả dĩ nghị hôn”. 
Ly dị 
Ngày xưa ở Phú Yên ly dị xảy ra rất ít. 
Cũng như các nơi, người phụ nữ khi phạm vào thất xuất thì bị ly dị. Thất xuất 
là bảy lỗi lớn của người đàn bà: 
+ Không con. 
+ Dâm dật. 
+ Không thờ cha mẹ chồng. 
+ Đa ngôn. 
+ Trộm cắp. 
+ Ghen tuông. 
+ Có ác tật. 

Thật ra, nói ly dị là theo từ ngữ sau này. Ngày xưa, phụ nữ bị chồng bỏ, 
chồng đuổi, chứ không bao giờ được quyền lên tiếng đòi ly dị hay không chấp 
nhận ly dị. Tất cả các vụ ly dị phần lỗi đều quy vào người phụ nữ. Cho nên, chỉ 
cần người chồng viết giấy ly dị (tức là giấy bỏ vợ, nôm na lại gọi là “tờ để”) là 
cuộc hôn nhân coi như bị tiêu hủy. Người bị chồng bỏ bị xã hội khinh rẻ. 
Có những ông chồng vin vào một lỗi nào đó của người vợ, có thể là vô tình 
mắc phải, nhưng không chịu viết giấy ly dị vợ mà cứ để vậy hành hạ. Lại có 
nhiều ông chồng không biết chữ để viết giấy, trường hợp này, người phụ nữ 
muốn thoát khỏi cái địa ngục nhà chồng phải van xin chồng, rồi tìm người biết 
chữ viết giúp giấy ly dị cho chồng. Nhưng không phải ai biết chữ cũng sẵn lòng 
giúp đỡ, vì theo quan niệm ngày xưa, viết giúp giấy ly dị là việc làm thất đức, chỉ 
những người không có con mới bất đắc dĩ làm. Người có con, nhất là đông con 
không muốn giúp đỡ việc này. 
Như đã nêu phần trước, người vợ phạm vào những điều thất xuất có thể bị 
chồng bỏ. Nhưng có ba trường hợp người chồng không được bỏ vợ, đó là: 
- Người vợ đã chịu một cái tang ba năm ở nhà chồng (đại tang), tức là đã có 
công giúp chồng báo hiếu. 
- Gia đình ấy trước nghèo sau giàu, tức là có sự giúp đỡ của người vợ, có 
công của người vợ, người chồng không thể phụ công vợ, đuổi vợ. 
- Nếu người đàn bà từ giã nhà chồng không còn nơi nương tựa, vì trong thời 
gian xuất giá cha mẹ chết hết, anh chị em họ hàng không còn ai, người chồng bỏ 
vợ như vậy là bất nghĩa. 
Cưới vợ bé - tục huyền - tái giá 
Người đàn ông chết vợ được phép cưới vợ hoặc tục huyền, người vợ này là 
gọi vợ kế. 
Trường hợp người đàn ông còn vợ, cưới thêm vợ khác thì người vợ cưới 
thêm gọi là vợ thứ. Phú Yên gọi là vợ bé, vợ nhỏ, những người này do vợ chính 
đi cưới cho chồng trong một nghi lễ đơn giản. 
Vợ thứ được coi trọng nếu sinh con trai, trong khi vợ chính không có con trai 
nối dõi. 
Con cái của các bà vợ thứ phải coi trọng bà vợ chính của cha hơn mẹ mình. 
Trong các gia đình đa thê, thường xảy ra tình trạng ghen tuông lộn xộn, tranh 
chấp nhau giữa các bà và các dòng con. Nhiều bà thứ chỉ được danh nghĩa là 
vợ, nhưng phải làm lụng vất vả. Cũng có bà thứ trẻ đẹp, khôn ngoan, lấn quyền 
bà chính thu gom quyền lợi cho mình. 
Nhiều trường hợp bà vợ thứ, vợ kế là em, cháu người vợ chính, với nhiều lý 
do, hoặc do sự gần gũi thân mật, hoặc khi người đàn ông góa vợ, gia đình bên 
vợ không muốn phân chia tài sản ra người ngoài, không muốn đứa cháu mồ côi 
sống với người dì ghẻ xa lạ. 

Đối với các quả phụ còn trẻ, không con, thường sau khi đoạn tang chồng trở 
về nhà mình, bước đi bước nữa (tái giá) do cha mẹ đứng gả, hoặc tự mình quyết 
định. Cũng có trường hợp cha mẹ chồng chủ trì cho cuộc tái giá của quả phụ. 
Quả phụ có con, tái giá, thường gia đình bên chồng giữ lấy con cái. Những 
người đem con theo, đứa con gọi chồng sau của mẹ là dượng, lời tục gọi là cha 
ghẻ (để phân biệt với cha ruột, cha nuôi) hay dượng ghẻ (để phân biệt với 
dượng là chồng cô, dì). Con cái ở với dượng ghẻ, dì ghẻ phần nhiều không mấy 
thuận hòa, ngoại trừ những trường hợp cá biệt. 
Hôn nhân với người nước ngoài 
Do sống cận cư, xen cư trong một quá trình lâu dài, giữa người Việt và Hoa 
thường có quan hệ hôn nhân với nhau, nhưng chủ yếu là trai Hoa lấy gái Việt, 
dân chúng quen gọi các ông Hoa kiều là ông Khách, chú Khách, các bà vợ Việt 
biến thành bà Khách, thím Khách. 
Từ năm 1954 -1975 có một số người lấy chồng Phi Luật Tân, Hàn Quốc; 
những năm gần đây có một số lấy Việt kiều và những người thuộc các quốc tịch 
khác. 
Đạo nghĩa vợ chồng 
Người dân Phú Yên sống theo quan niệm Nho giáo, xuất giá tòng phu, 
nhưng việc phu xướng phụ thì không nhất thiết câu nệ. Người vợ có phần bình 
đẳng với chồng, vì phụ nữ Phú Yên vốn đảm đang, cần kiệm, luôn luôn cố gắng 
chăm lo mọi việc gia đình, giúp chồng nuôi con, ít đua đòi bên ngoài. Ở đây, câu 
“của chồng công vợ” rất đúng với đa số, và “chồng cái đó, vợ cái đơm”. Chính 
người vợ giữ gìn, điều chỉnh mức sống gia đình cho phù hợp, đồng thời dành 
dụm dự trữ cho tương lai. 
Tang ma 
Khi nhà có người sắp từ giã cõi trần, nhất là người già, tuổi cao (ông bà, cha 
mẹ, hoặc cô dì cùng sống trong gia đình) thường mời thầy chùa tụng kinh để 
đưa tiễn linh hồn người chết và cầu nguyện cho linh hồn ấy siêu thăng yên ổn. 
Nếu sắp chết gặp phải ngày xấu thì thân nhân cố tìm mọi cách kéo dài sự 
sống của người già, người bệnh cho qua khỏi thời gian ấy. Cách thông thường 
là dùng sâm đúng liều lượng. 
Trường hợp lâm chung đột ngột, gặp phải ngày xấu (như ngày trùng tang, 
gây tai hại chết chóc cho con cháu) thì phải rước thầy phù thủy lập bùa tống thần 
trùng, đuổi quỷ tinh để ngăn ngừa. 
Khi sắp trút hơi thở cuối cùng, con cháu dùng một miếng lụa hoặc vải trắng 
đắp lên mặt để vía người chết nhập vào đó. Khi tắt thở, đem miếng vải (hay lụa) 
này thắt lại hơi giống hình người, đó là hồn bạch để thờ. Việc tiếp theo là tắm 
rửa cho người chết (lễ mộc dục), thay đổi vị trí nằm, tiếp đến là đặt một chiếc 
bàn nhỏ phía đầu người chết, thắp ngọn đèn con và đặt ba vắt cơm, mỗi vắt vừa 
trong lòng bàn tay nắm lại. 

Gia đình tiến hành việc may tang phục, chuẩn bị đồ tẩm liệm, đóng hòm, đến 
nhà thầy địa lý xem ngày giờ chôn cất, đi xem huyệt mả. Việc tẩm liệm do người 
sãi thực hiện, thường thì người này lo luôn việc tắm rửa người chết. Nhiều 
trường hợp tang phục, đồ tẩm liệm, hòm (cỗ thọ đường) đã được sắm sửa khi 
còn sống, nơi huyệt mộ cũng được chọn trước. 
Sau tẩm liệm là lễ nhập quan, nhà nghèo dùng rơm quấn trong giấy báo từng 
lọn bằng bắp tay, nhà khá giả thì dùng trà để khâm liệm. Nhập quan xong, đặt 
quan tài lên đôi ghế ngựa gọi là “an sàng” và tiến hành lễ thành phục. Lễ thành 
phục gồm có: thiết linh sàng (giường dành cho vong hồn người chết), linh tọa 
(ghế dành cho vong hồn người chết ngồi), mặc tang phục, lập minh tinh. Trên 
minh tinh có ghi ngày tháng, nơi chôn, chức tước, họ tên thụy của người chết 
(tên thụy là tên được đặt lúc người chết sắp đi về cõi âm. Có người tự đặt trước 
cho mình, tên này thường căn cứ vào nghĩa của tên chính mà đặt). Lúc viết minh 
tinh phải tính theo 4 chữ “quỷ, khốc, linh, thính”, không được để chữ cuối trên 
minh tinh rơi vào chữ quỷ, chữ khốc, sợ tà ma quấy nhiễu và gia đình sẽ có 
thêm người chết. 
Lễ thành phục có đọc văn tế và con cháu tới trước bàn thờ nhận tang phục. 
Trong lễ tang thường có đội nhạc lễ cử lên khi xướng lạy, khi tế, khi phúng 
điếu. Không có ban nhạc thì ít nhất cũng phải có chiêng trống. Ở thôn quê, tiếng 
trống còn là hình thức báo tang. Khi nghe tiếng trống bà con làng xóm hỏi thăm 
nhau, tự nguyện đến giúp đỡ gia đình có tang các công việc tùy theo khả năng 
của mình. 
An táng 
Sau lễ thành phục là động quan, tức là di linh cữu ra một ít, để bắt đầu 
phúng điếu. 
Linh cữu được ngăn cách với bàn thờ người chết bằng một bức màn. Trên 
linh cữu thắp đèn cầy, tín đồ Phật giáo dùng đèn cầy màu đỏ, Thiên Chúa giáo 
dùng đèn cầy màu trắng. Dưới linh cữu có thắp đèn (dầu phụng hay dầu dừa) 
đựng trong thếp và chiếc ấm đất. Trước kia, từ lúc nhập quan đến lúc an táng 
thời gian kéo dài cả tuần, nửa tháng, có khi hàng tháng, khi đó người ta phải 
dùng chất chai hàn kín những chỗ áo quan có thể rò rỉ, gọi là trị quan. 
Bàn thờ người chết ngày xưa chỉ đặt bài vị, ngày nay gia chủ đem phóng một 
di ảnh người chết cỡ 18 x 24cm hoặc 13 x 18cm đặt ở đó. Cũng như mọi nơi, ở 
Phú Yên, bức đan triệu được viết hai chữ Trung tín, nếu là đàn ông, Trinh thuận 
nếu là đàn bà. 
Phần tế có hai hạng: tế lớn do làng, xóm, họ tiến hành và có heo, có văn tế; 
tế nhỏ (tế trạng) không có heo, không có điếu văn. Người ngoài đến phúng điếu 
chỉ bái trước quan tài hai bái. Chỉ những người có quan hệ bà con mới lạy. Thân 
nhân người chết đứng phía trong màn bái trả. 
Ngày nay, phần tế của làng xóm, cơ quan, đoàn thể, nhóm bạn hữu... chỉ là 
một bài văn xuôi, nội dung nhắc đến tiểu sử người chết, lòng thương tiếc của 

người sống. Lễ vật phúng điếu là các bức trướng có câu đối, nhang đèn, tiền 
bạc. 
Lúc di quan, khi đội âm công nâng quan tài lên, chiếc ấm đất bên dưới được 
đập vỡ. Ngày trước quan tài do người khiêng, ngày nay xe chở quan tài, đội âm 
công chỉ khiêng quan tài lên xe và từ xe xuống huyệt. Lại còn có đội cờ, đội siêu 
chạy quanh quan tài. Dọc đường dừng lại làm lễ cáo đạo lộ, đội siêu múa đàng 
trước, đánh tan ma quỷ, dẹp đường cho quan tài đi. Những gia đình theo đạo 
Phật, có xe các nhà sư ngồi tụng kinh trước quan tài. 
Đến huyệt, làm lễ tế thổ thần, xin phép cho người chết được an táng nơi đây. 
Khi hạ huyệt, lá minh tinh có nơi đặt trên quan tài và chôn theo, có nơi lật qua lật 
lại ba lần rồi đem giấu vào một hốc cây, bụi cây nào đó. Những người đưa tang, 
nắm một nắm đất ném xuống mộ. Khi nấm mộ đã vun cao vừa đủ, gia chủ cúng 
rước vong hồn người chết. Trong ba đêm liền, dùng trấu, củi đốt bên cạnh mộ. 
An táng tại nghĩa trang Phật giáo thì trước khi ra huyệt có tụng kinh, yết cáo 
tại nơi thờ chung ở nghĩa trang. 
Trở về nhà, có lễ cúng sơ ngu, thiết bàn thờ, mời linh hồn an vị. 
Ngày thứ hai sau khi người chết được an táng là ngày tái ngu, ngày thứ ba là 
tam ngu. Ngày tam ngu gia chủ mời bà con, họ hàng đến dự, tạ ơn. Trong ngày 
tam ngu, có cúng chè xôi ở mộ, ngày trước có thả một con gà. 
Trong vòng 40 năm nay, ở thị xã Tuy Hòa nhân ngày tam ngu, có đăng lời 
cảm tạ trên báo hoặc đài, hoặc có thiệp cảm tạ gửi đến những người đã đến 
thăm hỏi, giúp đỡ, phúng điếu... trong lễ tang. 
Sự hiếu kính 
Sự hiếu kính đối với người chết được thể hiện qua tang phục và thời gian để 
tang. 
Màu tang là màu trắng, gồm có áo dài trắng bằng loại vải xô. Con trai và dâu, 
rể mặc áo dài, bịt khăn, con gái đội mống. Trẻ con có thể dùng chiếc mũ vải 
trắng thay khăn. Ngoài ra, còn dùng màu đen cho những băng tang mang trên 
mũ, trên áo, trên cánh tay. 
Thời gian để tang cho mỗi người, theo sách “Thọ mai gia lễ”, chia ra các bậc: 
+ Đại tang, để tang 3 năm 
+ Cơ phục, để tang 1 năm 
+ Cửu công, để tang 9 tháng 
+ Tiểu công, để tang 5 tháng 
+ Ty ma, để tang 3 tháng. 
Để tang 3 năm khi con cái để tang cha mẹ, vợ để tang chồng. 
Để tang một năm là các trường hợp: chồng để tang vợ; cha mẹ để tang con 
trai, nàng dâu trưởng, con gái (chưa xuất giá); anh chị em ruột để tang; ông bà 

để tang cháu đích tôn; đích mẫu, kế mẫu, từ mẫu để tang các con chồng và dâu 
trưởng; rể để tang cha mẹ vợ... 
Các trường hợp khác chịu tang từ 9 tháng trở xuống. 
Về cha mẹ, ngoài cha mẹ ruột, con cái còn phải để tang tam phụ và bát phụ mẫu. 
Tam phụ (chồng của mẹ mình khi tái giá) tiền hậu đồng cư (trước sau ở 
chung nhau) để tang ba năm, tiền đồng cư hậu bất đồng cư (trước có ở chung, 
về sau ở riêng) để tang một năm, tiền hậu bất đồng cư (không ở chung với nhau) 
không tang, nếu có chỉ là nghĩa phụ. 
Bát mẫu - đích mẫu (mẹ lớn) để tang ba năm, kế mẫu (mẹ kế) để tang ba 
năm, từ mẫu (lo nuôi từ nhỏ) để tang ba năm, dưỡng mẫu (nuôi như con đẻ) để 
tang ba năm, giá mẫu (cha chết, mẹ tái giá) để tang một năm, xuất mẫu (mẹ bị 
cha bỏ) để tang một năm, thứ mẫu (mẹ là vợ nhỏ của cha) để tang một năm, nhũ 
mẫu (vú nuôi) để tang ba tháng. 
Y phục đại tang không lên trôn (trảm thôi), áo lộn sống ra ngoài, có phụ bản. 
Để tang mẹ khi cha còn sống thì y phục tư thôi (được lên trôn), không lộn sống 
ra ngoài, có phụ bản. Con gái đã xuất giá chịu tang ở nhà mình giảm xuống một 
bậc. 
Nghĩa trang Những nghĩa trang lớn ở Phú Yên là: nghĩa trang Phật giáo, nghĩa trang 
Thiên Chúa giáo lập cách nay trên 40 năm. Nghĩa trang thị xã Tuy Hòa lập sau 
ngày giải phóng, lâu hơn cả là Hoa kiều nghĩa địa. Hiện nay, ở tỉnh và các 
huyện, xã đều có nghĩa trang liệt sĩ. 
Ở thôn quê, các nghĩa trang gọi nôm na là gò mả, chung cho cả làng, cả 
xóm, hoặc riêng cho một tộc họ. Nhiều khi người chết không an táng nơi gò mả 
mà chọn một nơi nào đó coi là tốt và thích hợp. 
Lăng mộ Xưa, mộ ở Phú Yên có hình dáng hơi khác lạ so với các nơi, mộ có kích 
thước lớn, hình hoa sen được cắt thành hai và được đặt trên một phiến đá mộ. 
Có nơi vẫn dùng kiểu hoa sen ấy nhưng hình dạng được cách điệu giống như 
một chiếc yên ngựa. Nhân dân ở các địa phương cho rằng sự khác nhau của hai 
kiểu hoa phúng dụ nói lên giới tính của người quá cố. Song có ý kiến khác cho 
đó là lòng tôn kính và sùng đạo Phật của người dân Phú Yên. Hoa sen tượng 
trưng cho sự trong trắng, còn cái “yên ngựa” hẳn là để gợi lại hình ảnh vật cỡi 
của người truyền bá đạo Phật. Những người trung thành với đạo Phật chọn hình 
yên ngựa võng lưng đặt trên ngôi mộ của mình. 
Trước năm 1975, đa số các ngôi mộ là mộ đất, vun cao, chung quanh chất 
đá, có hình thuẫn hoặc hình chữ nhật, có hai hòn đá đặt hai đầu mộ. Ngày nay, 
nhiều mộ xây gạch, dựng bia, mộ nhà giàu xây thành quách bao bọc, có trụ biểu, 
bên trên là giàn hoa hoặc mái che. 

Người Phú Yên quan niệm chôn cất là vĩnh viễn an nghỉ, không có tục cải 
táng, chỉ trường hợp đặc biệt mới cải táng như nơi ấy gần sông suối bị bào mòn, 
sụt lở hay do Nhà nước quy hoạch, bắt buộc phải dời đi. 
Việc tuần tự 
Việc cúng kỵ người chết, trong thời gian đầu ngày nào cũng cúng gọi là cúng 
cơm. Trường hợp người chết là trẻ con thì mỗi bữa ăn, người ta bới một chén 
cơm, đặt đôi đũa nơi vành mâm, coi như đứa bé cùng ngồi ăn với gia đình. Chén 
cơm này được thay 2,3 lần, có nghĩa là đứa bé ăn hai hoặc ba chén. 
Cúng cơm cho người lớn trong vòng đến tuần chung thất (49 ngày), nhưng 
về sau cũng chước giảm, chỉ cúng trong tuần sơ thất (7 ngày). Trong vòng 49 
ngày, có gia đình chỉ cúng vào dịp sóc vọng (mồng một và rằm). 
Việc tuần tự gồm có: 
+ Sơ thất : 7 ngày 
+ Tam thất : 21 ngày 
+ Chung thất : 49 ngày, còn gọi là tứ cửu. 
+ Bách nhật : 100 ngày 
+ Tiểu tường: tròn năm (tuần giáp năm). 
+ Đại tường: tròn 2 năm (mãn tang). 
Tuần chung thất, những gia đình Phật giáo thường mời thầy tụng kinh. Tuần 
100 ngày hoặc là làm đúng vào ngày thứ 100, hoặc trong thời gian 90 ngày đến 
100 ngày, nhằm ngày tốt thì tổ chức, nhưng không quá 100 ngày. 
Trong thời gian để tang nếu có tháng nhuận, thì cũng tính tròn 24 tháng, chứ 
không tính theo ngày mất. Ví dụ, đến 25 tháng 10 mới mãn tang, nhưng trước 
đó, có tháng nhuận, 25 tháng 9 là đủ 24 tháng, vẫn làm tuần mãn tang. Một 
tháng sau, ngày 25 tháng 10 là ngày giỗ đầu, những năm sau, dù có tháng 
nhuận, ngày giỗ vẫn là 25 tháng 10. 
Tảo mộ - cúng kỵ 
Trong thời gian để tang, ngôi mộ giữ y như lúc mới chôn hay làm mả, sau 
mãn tang mới dẫy mả. Ở Phú Yên, dẫy mả thường vào tháng chạp, trong 
khoảng từ ngày rằm đến ngày hai mươi lăm. Những ngày cuối năm (29 - 30 âm 
lịch) và những ngày đầu năm, vào dịp tết con cháu lại ra viếng mộ ông bà, cha 
mẹ, nhất là những người đi làm việc ở xa, ngày tảo mộ không về được. 
Mãn tang người chết được thờ phụng và cúng giỗ hàng năm. 
Giỗ cha, giỗ mẹ là quan trọng hơn cả. 
Người giữ từ đường, ăn hương hỏa phải giỗ tất cả những người có tài sản 
để lại. Những người ăn phần thực thì giỗ người có ruộng đất mà họ được 
hưởng. 


Trích từ Thuvienhaiphu
(tít bài blog: TC)

Tìm kiếm Blog này