Vụ án kéo dài 10 năm và sau 38 năm Lữ Anh Dồi mới được công nhận liệt sĩ
Bài 1: Cái chết của Lữ Anh Dồi và những ngày tháng đoạn trường của người vợ trẻ
Đăng lúc: 22.02.2017 13:43
Di ảnh của ông Lữ Anh Dồi
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTB&XH, TAND Tối cao, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, UBND tỉnh Cà Mau báo cáo việc xem xét công nhận chế độ liệt sĩ cho ông Lữ Anh Dồi. Theo đó, các cơ quan phải báo cáo trước ngày 20.2 để họp liên ngành giải quyết dứt điểm.
Một Thế Giới xin lần lượt đăng tải hồ sơ về vụ việc từng gây chấn động miền Tây này.
Năm 1979, thiếu úy Lữ Anh Dồi bị đồng đội sát hại và vu khống tội phản quốc. Bà Nguyễn Thị Mai (vợ ông Dồi) đã không quản khó khăn đi đòi công lý cho chồng. 10 năm sau, dưới sự chỉ đạo của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, vụ án được đưa ra xét xử. Ông Dồi được rửa tiếng oan phản bội Tổ quốc, những kẻ có tội phải chịu trừng phạt của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay, 27 năm sau những phiên tòa, các cơ quan liên quan đều đang tranh cãi trong việc suy tôn ông Dồi.
37 năm không bình yên
Tháng 7.2016, các ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã thống nhất đề nghị Bộ LĐTB&XH suy tôn ông Lữ Anh Dồi là liệt sĩ. Ông Lữ Anh Dồi là nạn nhân trong một vụ án giết người, vu khống cách đây đã 37 năm. Vụ án đã khép lại từ đầu những năm 90, nhưng việc giải quyết chế độ cho ông Dồi thì vẫn kéo dài dai dẳng cho đến ngày hôm nay…
Cũng từ đây, dư luận 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu (trước đây cùng thuộc tỉnh Minh Hải) lại một lần xôn xao trở lại vụ án Lữ Anh Dồi, nguyên thiếu úy công an vũ trang, bị đồng đội bắn chết một cách nhẫn tâm để thực hiện một âm mưu khác. Hung thủ gây nên vụ án oan khuất, chấn động dư luận năm xưa cũng đã đền tội, nhưng những hậu quả mà vụ án để lại cho những người trong gia đình của ông Lữ Anh Dồi thì thật to lớn, không thể nào khỏa lấp.
Bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Lữ Anh Dồi hiện nay đã ngoài 60 tuổi. Cả cuộc đời của bà đã đi khắp nơi để minh oan, đòi lại danh dự cho chồng, nay tuổi đã cao nhưng tâm nguyện ấy vẫn chưa thành hiện thực. Người phụ nữ hiền lành nhưng bản lĩnh ấy tạo cho người đối diện cảm giác rất ấn tượng chỉ sau vài câu nói. Bà Mai bắt đầu buổi trò chuyện với một niềm vui nho nhỏ. Đó là kết quả của chuyến đi ra Hà Nội vào cuối năm 2016, gặp những cơ quan cao nhất có trách nhiệm trong việc công nhận chồng bà là 1 liệt sĩ.
“Tôi đã chờ từ ngày này qua ngày nọ, năm này qua năm khác. Người ta cứ bảo tôi chờ, tôi còn biết làm gì nữa, tôi chờ thôi. Chờ đến ngày danh dự của chồng tôi được phục hồi”, bà Mai chậm rãi kể chuyện.
Cái chết của thiếu úy Lữ Anh Dồi
Năm 1979, bà Mai và ông Dồi đã nên vợ chồng được 3 năm. Cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn nhưng hạnh phúc luôn tràn đầy. Ông Dồi lúc này là thiếu úy công an vũ trang (nay thuộc lực lượng bộ đội biên phòng) của Ty Công an Minh Hải cũ (tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau ngày nay). Còn bà Mai là giáo viên của trường Trung học Sư phạm Bạc Liêu.
Vì tính chất công việc, ông Dồi phải đi công tác thường xuyên từ vài ngày, có khi cả tuần mới về thăm vợ. 1 ngày cuối tháng 3.1979, bà Mai đang loay hoay với sách vở trong thư viện trường Trung học Sư phạm Bạc Liêu thì có người bạn tìm đến trường, hỏi thăm bà Mai.
Bà Nguyễn Thị Mai kể lại hành trình 37 năm tìm lại danh dự cho chồng
Vừa gặp bà Mai, người bạn này tròn mắt, ngạc nhiên hỏi: “Ủa, sao Mai còn ở đây, Mai chưa đi hay sao?”. “Đi? Đi đâu?”, bà Mai ngạc nhiên hỏi lại, lòng gợn lo âu. Người bạn này kéo bà Mai đi khỏi thư viện, vào một chỗ khuất rồi nói khẽ: “Mai chưa hay tin gì sao?”. “Tin gì?”, bà Mai không giấu được sự ngạc nhiên. “Anh Dồi chết rồi!”, người bạn buông câu nói, bà Mai lặng người rồi bừng tỉnh hỏi dồn dập.
“Bạn tôi kể lại tình cờ biết được cái chết của anh Dồi. Đó là ngày hôm trước, ngay tại thị trấn Hộ Phòng, bạn tôi đi ngang qua một đám đông đang xôn xao. Tò mò bước vào xem thì bạn tôi nhận ra anh Dồi đã chết, trên mình có nhiều vết đạn.
Thông tin duy nhất mà bạn tôi nghe được là chồng tôi chết vì tội phản quốc, móc nối với quân chính quyền Sài Gòn, tổ chức vượt biên nên bị bắt. Vì chống cự nên ảnh bị công an nổ súng bắn”, bà Mai nhớ lại câu chuyện đau thương.
Để chắc chắn về cái chết của chồng mình, bà nhờ người trong trường đánh điện về Ty Công an nơi chồng làm việc để hỏi thêm lần nữa. Khi biết chồng thực sự đã nằm xuống, bà Mai rơi vào tâm trạng hỗn độn, lo âu, đau xót không biết phải hành động như thế nào.
Bà bắt xe xuống Hộ Phòng ngay chiều hôm đó. Đoạn đường chỉ chừng 40 cây số nhưng dài dăng dẳng thách thức sự chịu đựng của bà. Đến Hộ Phòng, bà được những người dân tốt bụng kể lại toàn bộ câu chuyện, diễn biến cái chết của chồng mình.
Đó là vào lúc buổi trưa, Lữ Anh Dồi và 1 người đồng đội đi uống cà phê về. Vừa bước chân vào cửa hàng thu mua thủy sản, lợi dụng lúc ông Dồi không để ý và dường như có sự chuẩn bị từ trước, người đồng đội này móc khẩu K54 đã lên đạn hướng về phía ông Dồi. Tiếng súng nổ đanh thép giữa trưa vắng khiến người dân giật mình. Họ kéo đến cửa hàng thủy sản thì ông Lữ Anh Dồi đã tắt thở, trên mình nhiều vết đạn trúng chỗ hiểm.
Người bắn Lữ Anh Dồi lăm lăm khẩu súng nói dõng dạc tuyên bố: “Tên này là sĩ quan Ngụy ở Bến Tre, hắn mang quân hàm giả, xuống đây tổ chức vượt biên nên tôi bắn chết”. Người dân nghe như thế thì quá kinh hãi, bởi ông Dồi và những đồng đội của mình không phải xa lạ đối với họ. Lực lượng công an vũ trang thường xuyên làm nhiệm vụ tại đây. Người dân vẫn biết đến Lữ Anh Dồi là thiếu úy công an, nhưng không ai dám hó hé nửa lời. Ngay sau đó, một toán công an có mặt, xông vào lột quân phục của thi thể Lữ Anh Dồi, rồi đưa ông xuống mé sông, đầy sình lầy, cây dại để lấp đi tạm bợ…
Nghe xong câu chuyện của bà con thị trấn Hộ Phòng, bà Mai lê những bước chân thiểu não đi tìm nơi chôn cất chồng mình. Băng qua những bãi đất sình lún cả bàn chân, bà Mai nhìn thấy giữa mặt nước xấp xấp có một mô đất cao cao được lấp bởi đám cây ô rô (môt loại cây dại).
Cùng người dân vạch đám cây dại ra, bà Mai thấy chồng mình nằm co quắp, trên mình độc 1 chiếc quần cộc, nét mặt vẫn còn nguyên nét kinh hoàng. Có lẽ chính ông Lữ Anh Dồi cũng không hiểu được việc gì đã diễn ra. Bà Mai suy nghĩ rồi quyết định để nguyên xác chồng như vậy. Bà muốn chính thủ trưởng của chồng mình phải có trách nhiệm chôn cất đàng hoàng, không thể đối xử như con thú bị bắt chết, vứt đi…
Sáng đó, bà Mai đến Ty Công an Minh Hải tìm gặp lãnh đạo của chồng để hỏi cho ra lẽ. Không ai tiếp, bà tìm đến nhà thủ trưởng trực tiếp của ông Lữ Anh Dồi là trung tá Nguyễn Ngọc để hỏi sự tình. Tiếp bà Mai ở ngay cổng nhà, ông thủ trưởng cao giọng nói: “Thằng Dồi phản bội Tổ quốc, móc ráp với quân Ngụy tổ chức vượt biên, đến cuối cùng bị phát hiện vẫn ngoan cố chống đối, nó bị bắn chết là phải rồi. Có gì nữa đâu mà cô phải thắc mắc?”. Nói rồi, ông thủ trưởng lạnh lùng quay lưng bước vào nhà, không kịp để bà Mai nói thêm câu nào.
Đêm hôm đó, bà Mai ngủ lại nhà những người dân tốt bụng ở Hộ Phòng. Thức gần trọn đêm, bà Mai trăn trở biết bao nhiêu với những thông tin mình biết được. Có điều, nói ông Lữ Anh Dồi có tội phản quốc thì thật vô lý.
Bà Mai nhớ lại: “Lúc đó tôi vẫn chưa tin những chuyện này lại xảy ra với mình. Nhưng tôi biết là cái chết của chồng có vô vàn điều uẩn khúc. Ngay cả những người dân Hộ Phòng cũng thắc mắc và có nhiều nghi vấn về cái chết của thiếu úy Lữ Anh Dồi. Nhưng, bắt đầu từ đâu để làm sáng tỏ cái chết chồng tôi?”.
Thái Văn Hùng, người bắn Lữ Anh Dồi
Trước mộ chồng, bà Mai quỳ xuống thắp nhang, dùng dao lam cắt vải làm khăn tang quấn lên đầu. Buổi cúng kiến đó tuy diễn ra chóng vánh nhưng ý nghĩa vô cùng. Vì đó là lần đầu tiên sau 3 ngày Lữ Anh Dồi mất, ông mới được đối xử như 1 con người!
Chạm trán những kẻ giết người
Sau đêm đầu tiên đầy cảm xúc và nước mắt ở thị trấn Hộ Phòng, bà Mai tiếp tục tìm đến Công an Minh Hải, quyết tìm hiểu rõ sự thật. Gặp trung tá Nguyễn Ngọc, bà Mai chỉ nhận những câu trả lời phũ phàng, truy trách nhiệm cho người đã chết. Nhưng, người phụ nữ ấy vẫn không khuất phục.
“Nếu chồng tôi phải bội tổ quốc, lại cấu kết với quân giặc thì tại sao các ông không bắt chồng tôi lại để khai thác thêm, làm rõ những người liên quan? Trái lại, cái chết của chồng tôi lại xảy ra bất ngờ và đầy mâu thuẫn như thế.
Hơn nữa, dù sao chồng tôi cũng đã chết, các ông không thể “chôn cất” chồng tôi sơ sài, bằng cách giấu xác vào bụi ô rô như một con vật như vậy được”, bà Mai chất vấn ông Ngọc trong cơn xúc động mạnh. Trả lời những thắc mắc chính đáng của người phụ nữ mất chồng, ông Ngọc chỉ lạnh lùng quát mắng lại hoặc lảng tránh.
Bà Mai kể lại trong một lần tìm ông Ngọc, bà Mai tình cờ gặp 1 người công an trẻ, mang hàm chuẩn úy. “Tôi không biết gì về người đàn ông này. Nhưng khi vừa chạm mặt tôi trong phòng làm việc của ông Ngọc, người này liền đưa tay vào bao súng, và rút súng ra. Khuôn mặt của anh ta đầy đề phòng. Sau này tôi mới biết, đó chính là chuẩn úy Thái Văn Hùng, người đã bắn chồng tôi”, bà Mai kể lại.
Những thái độ khó hiểu của ông Ngọc, Thái Văn Hùng càng khiến cho bà Mai tin rằng, cái chết của chồng mình có nhiều điều mờ ám. Bà Mai cũng kể lại, trong thời gian quen biết rồi nên vợ chồng với Lữ Anh Dồi, bà chưa một lần nghe thấy chồng có ý định vượt biên hay có bất cứ biểu hiện gì bất thường. Giờ đây, ngay sau khi chồng vừa ngã xuống thì tội danh phản quốc đổ ập xuống đầu khiến bà choáng váng.
Những ngày sau khi chồng mất, bà Mai sống trong nước mắt và nỗi hoang mang không sao kể xiết. Đến ngày thứ 3, bà Mai vẫn gõ cửa những cơ quan cấp tỉnh để mong có một câu trả lời rõ ràng hơn cho cái chết của chồng mình. Thấy bà Mai suy sụp, nhiều bạn bè, đồng nghiệp động viên bà cố gắng vượt qua.
Giữa tâm trạng rối bời, hỗn độn đó bà Mai sực nhớ ra nơi chồng yên nghỉ tồi tệ như thế nào. Với lại, từ ngày chồng mất bà chưa để tang, cúng cho ông 1 chén cơm để làm tròn đạo lý.
Bài báo viết về hành trình kêu oan cho chồng của bà Mai
“Lúc đó, chị em trong trường cùng mấy cô giáo sinh chuẩn bị cho tôi 1 bộ tam sên (phần đồ cúng gồm thịt, trứng, tôm - PV) với một ít nhang đèn để tôi đi cúng cho anh ấy. Đó là cái ngày mà tôi chết lên chết xuống, một ngày mà trong cuộc đời tôi không thể nào quên được”, bà Mai chậm rãi nhớ lại.
Lúc đó trời đã vào chiều muộn, bà Mai cùng 1 cô giáo sinh xách giỏ đồ cúng ra trước cổng trường để bắt xe về Hộ Phòng. Năm ấy, để có thể lên 1 chiếc xe khách là một điều không hề đơn giản. Nếu có nhu cầu đi lại, bà Mai phải viết đơn xin và mua vé trước rất lâu. Dù biết cơ hội lên được xe là rất thấp, bà Mai vẫn không bỏ cuộc.
Bao nhiêu chiếc xe qua đi, không một chiếc nào dừng lại để rước bà Mai và cô giáo sinh tội nghiệp nọ. Sự chờ đợi cứ kéo dài trong im lặng đến thê lương mà không hề có tín hiệu khả quan. Bà Mai nước mắt ngắn dài, nghĩ đến chồng mà hành động…
Những người tốt vẫn còn rất nhiều
1 chiếc xe đò chạy tới gần ngã tư, nơi bà Mai và cô giáo sinh đang chờ đợi. Biết chiếc xe này cũng sẽ không chịu dừng lại rước mình, bà Mai bất chấp nhảy ra đường đứng chặn lại. Chiếc xe thắng gấp, chỉ còn cách bà Mai chừng nửa mét. Người phụ nữ ấy, mặt không chút cảm xúc, không hề tỏ ra một chút sợ hãi. Người lơ xe mở cửa, nắm lấy tay bà Mai lôi thẳng bà lên xe.
Cửa đóng lại, tài xế nhấn ga chạy thẳng. “Anh lơ xe… lạy tôi rồi nói rằng, tôi muốn chết thì đừng tìm đến xe của anh ta. Tôi trả lời rằng, không phải là tôi muốn chết nhưng tôi không biết làm sao để bắt được xe. Mà thực ra lúc đó, tôi cũng không muốn sống nữa”, bà Mai nói.
Đến thị trấn Hộ Phòng lúc trời đã nhá nhem tối. Bà Mai thểu não đi qua những dãy nhà leo lét ánh đèn dầu, tìm đường đến nơi chồng được chôn cất. Một số người phụ nữ nhận ra bà Mai, liền đi theo hỏi: “Ủa, tôi tưởng cô đi rồi? Chồng của cô được mấy ổng đưa lên khỏi chỗ cũ, cho vào hòm chôn chỗ khác rồi. Cách chỗ cũ cũng không xa đâu”.
Hỏi ra, bà Mai mới được biết, ngay sau khi bà nói với ông Ngọc về chuyện chồng mình được chôn cất tạm bợ, không được đối xử như 1 con người, ông trung tá Ngọc đã cho lính đào thi thể của Lữ Anh Dồi lên, để an táng lại.
“Để qua mặt người dân, ông ta nói rằng đó là hành động nhân đạo dành cho kẻ phản quốc. Ông ta còn nói anh Dồi bị gia đình bỏ rơi hết rồi, không ai dám nhận 1 thằng mang tội danh phản quốc làm người thân”, bà Mai vẫn không giấu được bức xúc khi kể lại.
Trước nỗi lòng của bà Mai, những người phụ nữ ở thị trấn Hộ Phòng hết sức thương cảm. Họ an ủi bà Mai, biết được bà có ý định tới cúng cơm, thắp nhang cho chồng nhưng đồ cúng bị xe khách bỏ lại rồi, họ lại lọ mọ phân công nhau đi tìm.
Chỉ chưa đầy nửa tiếng, những người này mang đến cho bà Mai đầy đủ nhang đèn, đồ cúng, ngoài ra còn có 1 mảnh vải trắng để làm khăn tang. Cả nhóm người tay cầm ngọn đèn dầu leo lét, cùng nhau đưa bà Mai đến chỗ chôn cất mới của Lữ Anh Dồi.
Trước mộ chồng, bà Mai quỳ xuống thắp nhang, dùng dao lam cắt vải làm khăn tang quấn lên đầu. Buổi cúng kiến đó tuy diễn ra chóng vánh nhưng ý nghĩa vô cùng. Vì đó là lần đầu tiên sau 3 ngày Lữ Anh Dồi mất, anh được đối xử như 1 con người! Chính vì điều đó mà bà Mai đã không quản ngại vất vả, hiểm nguy, bằng mọi giá phải có mặt trước mộ chồng.
Cũng tại đây, lời thề máu cũng được bà Mai lập lên. Trước mộ chồng, bà Mai dùng dao lam rạch vào cánh tay trái của mình. “Máu nhỏ xuống, tôi thề với chồng sẽ đi tìm công lý với bất cứ giá nào”, bà Mai nhớ hồi tưởng. Đến nay, vết sẹo ấy trên tay của bà Mai vẫn còn rõ. Đó chính là một minh chứng cho sự sắt đá, bền lòng của người phụ nữ Việt Nam.
Những ngày sau đó, bà Mai tiếp tục tìm đến các cơ quan Viện kiểm sát, Sở Tư pháp, Tòa án để kêu oan cho chồng. Đáp lại thỉnh cầu của bà, các cơ quan này đều trả lời giống nhau rằng đây là một vụ án của công an, và sẽ do công an giải quyết.
3 tháng sau, có người tìm đến bà Mai và nhà trường, nơi bà công tác. Người này quả quyết rằng Lữ Anh Dồi mang tội phản quốc và đã bị cấp trên phát hiện từ lâu. Nếu bà Mai vẫn tiếp tục gửi đơn đi khắp nơi, thưa kiện Thái Văn Hùng thì sẽ bị đuổi khỏi ngành giáo dục và bị bắt nhốt.
Những lời hăm dọa không khiến bà Mai mảy may run sợ, ngược lại càng khiến cho người phụ nữ này tin vào sự trong sạch của chồng. Bà Mai tiếp tục gửi đơn đến khắp nơi trong tỉnh Minh Hải. Rồi đơn của bà cũng ra đến Trung ương với những hy vọng nhỏ nhoi và thời gian chờ đợi khủng khiếp.
Sự gan lì, bất chấp này của bà Mai cũng khiến bà phải trả giá khá đắt. Đó là sức ép khiến bà Mai phải rời khỏi ngành giáo dục. Những anh em của Lữ Anh Dồi làm việc nhà nước cũng cùng chung số phận. Họ bất ngờ bị đuổi khỏi ngành với những lý do có liên quan đến người mang tội danh oan là phản quốc.
Lữ Anh Dồi và bà Mai sau ngày cưới
9 năm sau vụ án, những kẻ liên quan đến cái chết, sự oan khuất của Lữ Anh Dồi vẫn chưa bị trừng phạt. Hành trình kêu oan cho chồng của bà Nguyễn Thị Mai vẫn chưa dừng lại. Chuyển biến mới khi bà Mai có cơ duyên “diện kiến” lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Lữ Anh Dồi và bà Mai sau ngày cưới
9 năm sau vụ án, những kẻ liên quan đến cái chết, sự oan khuất của Lữ Anh Dồi vẫn chưa bị trừng phạt. Hành trình kêu oan cho chồng của bà Nguyễn Thị Mai vẫn chưa dừng lại. Chuyển biến mới khi bà Mai có cơ duyên “diện kiến” lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Lữ Anh Dồi và bà Mai sau ngày cưới
9 năm sau vụ án, những kẻ liên quan đến cái chết, sự oan khuất của Lữ Anh Dồi vẫn chưa bị trừng phạt. Hành trình kêu oan cho chồng của bà Nguyễn Thị Mai vẫn chưa dừng lại. Chuyển biến mới khi bà Mai có cơ duyên “diện kiến” lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Những năm tháng công lý bị vùi lấp
Sau khi bà Nguyễn Thị Mai vì kêu oan cho chồng mà phải rời khỏi ngành giáo dục, bà trở về nhà cha mẹ, sống một cuộc đời thầm lặng. Đó cũng là thời gian theo bà là khủng khiếp nhất khi phải đối diện với dư luận. Những người thân trong gia đình cũng hết lời khuyên ngăn bà Mai kêu oan cho Lữ Anh Dồi.
Mọi người đều nhìn thấy “ngõ cụt” mà bà Mai đang đi. Trong khi đó, những câu hỏi: “Ai giết anh Dồi? Tại sao lại giết anh Dồi?” cứ lởn vởn trong đầu. Bà Mai sống với đồng ruộng, việc nhà, xa lánh mọi người và bị mọi người xa lánh. Nhưng lời thề trước mộ chồng vẫn không nguôi ngoai. Mỗi năm, những đơn thư kêu oan của bà vẫn được gửi đều đặn đến các cơ quan chức năng, từ Trung ương đến địa phương.
2 năm sau ngày nghỉ dạy, vì trường thiếu giáo viên, bà Mai được gọi trở lại trường làm việc dưới hình thức hợp đồng. Bà Mai kể: “Tôi lao vào công việc, tôi không để bản thân mình được rảnh rang. Bởi mỗi lần không làm việc gì thì hình ảnh của anh Dồi cứ hiện hữu trong đầu tôi. Lúc đó thời gian cứ trôi qua, hàng tháng rồi hàng năm. Vụ án của chồng tôi vẫn chìm trong nỗi tuyệt vọng”.
Trở lại với công việc, bà Mai có cơ hội tiếp xúc với nhiều thông tin có lợi cho việc kêu oan cho chồng. Vụ án của Lữ Anh Dồi lúc ấy lại được nhiều người biết tới. Nhiều người đồng cảm, ủng hộ bà Mai kêu oan cho chồng.
1 trong sự ủng hộ đó là từ Báo Minh Hải, đó cũng là thời điểm mà vụ án đã trôi qua được 8 - 9 năm. Bài báo đầu tiên được tờ báo này đăng tải trong mục báo chí công khai với tựa đề: “Tiếng kêu thống thiết của chị Nguyễn Thị Mai”.
Nội dung được đăng tải là lá đơn đẫm nước mắt của bà Mai. Hàng trăm câu hỏi được đặt ra, đau đáu suốt gần 1 thập kỷ qua. Nhà báo trẻ Dương Thanh Long và Trần Thành Nên của Báo Minh Hải, là 2 cây bút được phân công để điều tra, tìm hiểu vụ án còn nhiều điều nghi vấn này. Sát cánh bên bà Mai chính là nhà báo trẻ Dương Thanh Long, ông đã không quản ngại khó khăn, vất vả để lao vào cuộc chiến tìm công lý.
Thái Văn Hùng chuẩn bị hầu tòa
Ông Long chia sẻ: “Lúc mới nhận đơn thư của bà Mai, với linh cảm nghề nghiệp tôi nhận thấy vụ án này còn nhiều uẩn khúc. Lúc ấy tôi chỉ mới vào nghề chập chững vài năm, vụ án Lữ Anh Dồi tôi đã từng nghe qua nhưng chưa bao giờ được tiếp xúc trực tiếp hồ sơ”.
Càng lắng nghe bà Mai, ông Long càng trân quý sự can đảm, kiên trung của người phụ nữ này. Gần 10 năm qua, bà Mai chưa bao giờ nguôi ngoai tâm nguyện giải oan cho chồng. Nhiệt huyết ấy khi gặp được người biết lắng nghe đã có khả năng truyền tải vô cùng ấn tượng. Ông Long sau khi nắm hết sự tình đã hạ quyết tâm, sát cánh cùng bà Mai trong hành trình truy tìm sự thật này.
Năm 1988, sau một thời gian tìm hiểu, ông Long biết được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sinh sống ở Sài Gòn. Biết được địa chỉ, ông Long bàn với bà Mai và 1 người bạn, cả 3 người chuẩn bị tư trang lên Sài Gòn. Họ ở nhờ nhà người quen để tìm cơ hội gặp Tổng Bí thư.
Chờ đợi suốt nhiều tuần mà không có kết quả, cả 3 người lại trở về Minh Hải. Nhưng từ đó, dù có khó khăn mấy bà cũng nhất định bằng mọi giá phải gặp được người lãnh đạo cao nhất để kêu oan.
Được người rước tới gặp Tổng bí thư
Dịp may hiếm có, trong năm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dành thời gian đến Minh Hải để thăm và làm việc. Nhận được tin này từ nhà báo Long, bà Mai rối bời tìm cách để gặp Tổng Bí thư.
Bà Mai không giấu được hồi hộp, kể: “Tôi có lại đăng ký gặp bác Linh, nhưng mấy anh bên ủy ban bảo rằng đợt làm việc này bác Linh không có kế hoạch tiếp dân. Nhưng nếu bỏ lỡ cơ hội này, tôi sẽ không còn cơ hội nào tốt hơn nữa để kêu oan cho chồng, tôi quyết nắm bắt lấy”.
Được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhà báo Long, bà Mai đi từ cửa sau của UBND tỉnh Minh Hải, vượt qua nhiều trạm gác để tiến vào phía trong. Nhưng khi còn cách Tổng Bí thư đúng 1 cánh cửa thì bà Mai bị lính gác giữ lại.
Nhìn thấy bà Mai tay cầm di ảnh chồng, đầu quấn khăn trắng, lính gác hoảng hồn đưa bà Mai ra khỏi ủy ban. “Tôi buộc phải trở về, nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi về tính lại, phải có cách nào đó để gặp được bác Linh, đó là hy vọng cuối cùng của tôi”, bà Mai kể.
Trong lúc thất thểu trên đường ra về, bà Mai được nhiều phụ huynh học sinh và người dân nhận ra. Họ hiếu kỳ kéo theo bà Mai suốt một đoạn đường dài. Thông tin bà Mai đi gặp Tổng Bí thư để kêu oan cho chồng được lan rộng nhanh chóng, hàng trăm người dân cùng kéo theo bà Mai để bảo vệ cho bà.
Việc này, khiến Công an P.2 của TX.Cà Mau lúc bấy giờ vô cùng hoảng hốt. Họ cho xe ra rước bà Mai vào trụ sở để người dân ra về. Nhưng chính vì hành động này, người dân cho rằng bà Mai đi kêu oan cho chồng bị bắt khiến họ càng nhốn nháo lên.
“Họ kéo đến vây kín trụ sở Công an P.2, đòi công an thả tôi ra. Mấy chú công an lúc đó cũng phát hoảng, tôi mới nói với mấy chú cho tôi ra giải thích với bà con rằng tôi không bị bắt. Có như vậy, bà con mới chịu tin và ra về. Tôi được mấy anh công an đưa về tận nhà”, bà Mai kể chuyện.
Trở về nhà, bà Mai đang lo lắng suy nghĩ không biết bằng cách nào để gặp được Tổng Bí thư thì bất ngờ 3 ngày sau, có chiếc ô tô chạy đến đỗ trước nhà bà. Các cảnh vệ, công an tìm gặp bà thông báo Tổng Bí thư cho gọi bà đến gặp.
Bà Mai bàng hoàng không tin được vào tai mình. Suốt đoạn đường ngồi trên xe tới ủy ban, bà vừa mừng vừa lo, những cảm xúc lẫn lộn đan xen. Sau này bà Mai biết được, để có buổi gặp mặt “lịch sử” này là nhờ vào các lãnh đạo tỉnh Minh Hải lúc bấy giờ đã khéo léo sắp xếp, an bài.
Đến nơi, bà Mai ngồi chờ ở phòng khách ủy ban ít phút. Tổng Bí thư xuất hiện giản dị, gần gũi trong chiếc áo trắng, khuôn mặt hiền hậu. Bà Mai xúc động nhớ lại: “Bác chủ động chào tôi trước, hỏi thăm sức khỏe tôi. Bác rất nhẹ nhàng, dịu dàng như bậc cha chú trong gia đình vậy. Điều đó khiến tôi an tâm hơn rất nhiều. Sau khi thăm hỏi xong, bác bảo tôi có 30 phút để trình bày việc của mình”.
Trong 30 phút ấy, vị lãnh đạo cao nhất của dân tộc đã lắng nghe hết sức chăm chú còn bà Mai cũng đã trút hết nỗi lòng chất chứa suốt 9 năm qua. Câu chuyện kết thúc với lời động viên của Tổng Bí thư. Và, quan trọng hơn là lời hứa sẽ sớm đưa vụ việc ra xét xử.
Bà Mai trở về nhà, lòng nhẹ nhõm như trút được gánh nặng ngàn cân. Sau gần 10 năm, đây là lần đầu tiên vụ án của Lữ Anh Dồi có một chuyển biến lớn như vậy.
Lại nói về Thái Văn Hùng, kẻ bắn chết Lữ Anh Dồi. Sau khi vụ án xảy ra, Hùng được lên lon thiếu úy vì lập công lớn. Nhưng kề sau quyết định lên chức cũng chính là quyết định tạm giam để điều tra vụ án. Trong quá trình điều tra, Hùng một mực khẳng định đã làm tròn chức trách của mình.
Ngọc Hàm
Nguồn: Motthegioi
Nguồn: Motthegioi