Giấy báo tử của anh Nguyễn Xuân Thanh. |
Trong những giấy tờ gia đình anh còn lưu giữ được, chúng tôi tìm thấy tấm giấy báo tử do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình ký ngày 20-11-1991 xác nhận chiến sỹ Nguyễn Xuân Thanh “mất tin” tháng 9-1986 nhưng không rõ anh “mất tin” tại nơi nào trên đất nước Campuchia. Bấm đốt ngón tay từ đó đến khi anh trở về quê hương, vùi đầu vào lòng mẹ già mắt mù lòa vì những tháng năm khóc thương con thì đúng 30 năm chẵn.
Một kỷ vật khác của anh là bức thư gửi cho vợ Nguyễn Thị Lan viết tại tỉnh Xiêm Riệp ngày 31-12-1985, sau chuyến công tác dài hơn 4 tháng. Anh viết: “Hôm nay anh về tuyến sau rửa xe nên có thằng bạn về nước trưa nay, nhân tiện anh ghi vội mấy chữ thăm em và gia đình vì quá lâu rồi Lan ạ!”. 9 tháng sau, gia đình anh ở Việt Nam cùng đồng đội không còn biết một chút gì về anh nữa.
Ký ức đứt đoạn, tiếng Việt Nam, thứ tiếng mẹ đẻ 30 năm nay chưa một lần sử dụng thành ra trọ trẹ, Nguyễn Xuân Thanh kể về những thăng trầm trên đất nước Campuchia từ lúc anh “mất tin”: “Một ngày tháng 9-1986, tôi cùng 5 đồng chí trong đơn vị có chuyến công tác đến phun (thôn) Puk Chhma, khum (xã) Anlong Vill, huyện Sangkae, tỉnh Battambang, một tỉnh nằm ở phía tây bắc Campuchia thì lọt vào ổ phục kích tàn dư Pôn Pốt. 6 anh em chúng tôi bị chúng bắt, dùng báng súng AK tra tấn dã man. Sau cùng, chúng lần lượt giết chết từng người, đồng đội tôi ngã xuống, người cuối cùng là tôi, một cú đánh mạnh vào đầu, tôi chìm vào khoảng tối đen, chẳng biết gì nữa”.
“Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong ngôi nhà nhỏ của một gia đình người Campuchia tốt bụng tại phun Puk Chhma. Tôi không còn biết gì về chuyện quá khứ nữa? Tôi là ai? Quê quán ở đâu? Người thân ai còn ai mất?”.
“Người cứu tôi tên Sooc Thia. Ông ấy bảo tôi may mắn vì khi bọn Pôn Pốt chuẩn bị giết tôi thì ông ấy xuất hiện dùng tiền bạc, gạo trắng hối lộ cho chúng rồi đưa tôi về nhà chăm sóc. Nhằm tránh tai mắt tàn dư Pôn Pốt, Sooc Thia bắt tôi để tóc dài, uốn quăn lên giống người Campuchia thực thụ. Sooc Thia đặt tên Campuchia cho tôi là Soocvana”.
“Thực ra, gia đình ông Sooc Thia biết tôi bộ đội tình nguyện Việt Nam, nhưng hỏi tôi quê quán ở đâu, tên tuổi là gì thì tôi không còn nhớ. Ông bảo, thôi mày làm người Campuchia đi, tao có đứa con gái Sooc Hiêng, mày ưng, tao gả cho, nên chồng, nên vợ. Sau đó, tôi với Sooc Hiêng nên duyên vợ chồng, cũng chẳng cưới hỏi gì”.
Bàn thờ chung của anh Thanh và người vợ Việt Nam Nguyễn Thị Lan. |
Họ lần lượt có với nhau 6 người con, 3 trai, 3 gái. Thương chồng, cũng muốn biết “quê cha đất tổ” của chồng, Sooc Hiêng cùng các con cố tìm các phương thuốc đặc trị thần kinh chạy chữa cho chồng, cho bố.
Không biết có phải vì thế hay không mà Nguyễn Xuân Thanh- Soocvana dần dần nhớ lại. Ban đầu chỉ là chút đốm lửa sáng le lói phía cuối đường hầm khi trong anh bật lên cái tên: Lan! Lan- đó là vợ anh ở Việt Nam, họ quen nhau khi cả hai đang trong quân ngũ tại Hà Nội. Lan- họ thành chồng vợ chỉ trọn một tháng phép khi anh từ Campuchia về năm 1985. Lan-những dòng thư anh viết vội vàng gửi bạn chuyển cho vợ tại tỉnh Xiêm Riệp...
Từ tên Lan, Nguyễn Xuân Thanh nhớ thêm tên bố: Mua, tên mẹ: Giót, nhớ đến quê hương đâu đó ở Việt Nam có các địa danh: cây Đa, chợ Đôộng, ngày lên đường làm nghĩa vụ quốc tế xuất hành tại ga Thuận Lý. “Đó là chuyện của 2 năm về trước”- Nguyễn Xuân Thanh chậm rãi- “Tôi kể cho vợ, con... bảo họ muốn về Việt Nam, tìm lại người thân xem ai còn ai mất. Họ khuyên tôi lên Lãnh sứ quán Việt Nam tại PhnomPenh xem có giải quyết được gì không.
Lên đó, tôi trình bày câu chuyện của đời mình nhưng không chứng minh được mình là người Việt Nam, mặc dù là người Việt Nam chính cống. Ra về lòng nặng trĩu thất vọng, dù vậy ý chí tìm đường về Việt Nam cứ lớn dần trong tôi”.
Nguyễn Xuân Thanh bảo: “Một tháng trở lại đây, tôi nhớ Việt Nam quay quắt, đêm nằm không ngủ được. Biết ý tôi đã quyết, vợ cùng các con lặng lẽ chuẩn bị hành trang, đổi tiền Việt, dò la đường về Việt Nam cho tôi”. Từ huyện Sangkae, từ biệt đại gia đình thân yêu người Campuchia gắn bó cùng anh 30 năm, Nguyễn Xuân Thanh đón xe lên thủ đô PhnomPenh. Tại PhnomPenh, anh đi thẳng về thành phố Hồ Chí Minh.
Nhớ lại ngày lên đường, Nguyễn Xuân Thanh khởi hành ở một ga tàu có tên Thuận Lý, đâu đó xa tít tận miền Trung. Anh đến ga Sài Gòn hỏi dò ga Thuận Lý hiện tại thuộc tỉnh nào. Nhân viên đường sắt cho anh biết nay không còn tên ga Thuận Lý nữa mà đã đổi tên thành ga Đồng Hới, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Gia đình ở Campuchia của anh Thanh. |
Đến chợ Đôộng, chợ Đôộng vẫn còn, cây Đa làng già cỗi thăng trầm theo thời gian vật đổi sao dời vẫn đứng đó, cho người con quê hương, người lính tình nguyện Việt Nam “mất tin” 30 năm trên đất nước Campuchia lấy đó tìm thấy lối về. Nguyễn Xuân Thanh tạt vào ngôi nhà ven đường hỏi nhà ông Mua, bà Giót. Họ bảo, có, có gia đình đó, ông Mua mất năm 2006 rồi, chỉ còn bà Giót mù lòa vì khóc thương thằng con trai đầu Nguyễn Xuân Thanh đi bộ đội Campuchia mất tích 30 năm nay, giấy báo tử gửi về nhưng vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ.
Người được hỏi thao thao bất tuyệt, kẻ lữ hành mỏi mệt tìm cội nguồn cảm giác kiệt sức khi chạm đến đích, nơi anh cần trở về sau 30 năm lưu lạc nơi xứ người.
Nguyễn Xuân Thanh hội ngộ với gia đình, người thân, quê hương bản quán như thế. Cuộc hội ngộ thấm đẫm máu, nước mắt và đậm dấu ấn nhân sinh.
(QBĐT) - Mười ngày nay, ngôi nhà nhỏ của bà Dương Thị Giót ở thôn Xuân Lai, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy lúc nào cũng đông nghịt người. Bà con lối xóm, bạn bè thân hữu nghe tin Nguyễn Xuân Thanh trở về nguyên vẹn, bằng xương bằng thịt sau 30 năm bặt tin đến chia vui cùng anh và gia đình.
>> Bài 1: Mối lương duyên Việt-Campuchia hồi sinh người lính tình nguyện
Hành trình trở về quê hương để được sống giữa mẹ già và người thân trong gia đình. |
“Tôi như người trên trời rơi xuống”- Nguyễn Xuân Thanh bày tỏ cảm xúc tột cùng- “Bố tôi mất, mẹ tôi mù lòa, người vợ tên Lan của tôi chung thủy chờ chồng, 5 năm sau ngày nhận giấy báo tử tôi không chịu nổi cú sốc quá mạnh cũng qua đời luôn. Tôi hội ngộ người thân và đón nhận nhiều sự chia ly”.
Tôi xin trở lại với lá thư Nguyễn Xuân Thanh gửi cho vợ Nguyễn Thị Lan tại tỉnh Xiêm Riệp, Campuchia, ngày 31-12-1985, anh viết: “Vừa qua, anh không ghi thư thăm em cùng gia đình được, đó là lỗi tại anh, bổn phận chưa làm tròn với em...Chuyến đi công tác xa đơn vị đến 4 tháng nay. Tuy thương nhớ vô cùng nhưng không sao gửi thư được. Anh nói đến đây em hiểu anh rồi chứ. Vợ chồng cảnh lính sẽ hiểu và thông cảm cho nhau phải không em? Mong muốn là anh sắp về rồi đấy, lúc đó tha hồ mà tâm sự...”.
Mối tình hai vợ chồng là mối tình đẹp, “đôi lứa xứng đôi” thời bấy giờ, chị Lan quê Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Họ quen nhau tại Hà Nội khi cả hai đều quân nhân. Anh Thanh đi nghĩa vụ quốc tế Campuchia, năm 1985, tranh thủ một tháng phép về thăm nhà rồi tổ chức lễ cưới.
Cưới xong, ở với nhau non tháng, chưa kịp bén hơi, anh quay về đơn vị. Anh đi, 9 tháng sau thì “mất tin”. Anh đi... không biết rằng nơi quê nhà, người vợ trẻ đã mang trong mình giọt máu của anh. Mãi cho đến 30 năm sau, khi trở về, Nguyễn Xuân Thanh mới rưng rưng đón nhận đứa con gái Nguyễn Thị Lan Hương, sinh năm 1986. “Tôi đâu biết mình có con ở Việt Nam!”- anh bảo, nước mắt chảy xuôi.
Nguyễn Đức Châu, em trai út anh Thanh kể về người chị dâu đáng kính: “Năm 1991, nhận giấy báo tử anh, chị đau khổ đến tột cùng. Chị không tin rằng chồng mình đã chết, cứ tự động viên mình, anh chỉ đi xa đâu đó thôi, sẽ có ngày trở về. Chị âm thầm dồn tình cảm thương yêu cho đứa con gái bé bỏng, hứa trước vong linh anh nuôi nó trưởng thành.
Đêm đêm, chị nhớ anh, nước mắt đẫm ướt gối. Chị khóc thương anh đến mù cả đôi mắt, sầu anh đầu rụng hết tóc. Cho đến lúc không thể nào chịu đựng được nỗi đau quá lớn trong cuộc đời, chị tôi mất vào năm 1996 lúc vừa tròn 32 tuổi”.
Người thân trong gia đình xem Nguyễn Xuân Thanh đương nhiên đã chết. Họ không biết anh “chết” ngày nào, tháng nào, năm nào nên chọn ngày giỗ chị Lan vào 11-10 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ chung cho cả hai người. Bà Dương Thị Giót bấm đốt ngón tay nhẩm tính: “Rứa là tròn 20 cái giỗ thì thằng Thanh về”. “Người chết” trở về, bàn thờ anh thường ngày được cất đi, thôi không còn nhang khói.
Cũng như người vợ xấu số của anh Thanh, bà Dương Thị Giót không lúc nào nguôi nhớ đến đứa con trai đầu. Nhớ là khóc... cộng với tuổi cao, sức yếu, đau ốm, đôi mắt bà mờ dần đi, bây giờ thì mù hẳn. Ngày đón Nguyễn Xuân Thanh, bà chỉ biết đưa đôi bàn tay run rẩy sờ khắp người con, để tin rằng con bà thực sự trở về, bằng xương bằng thịt.
Hội ngộ với người thân, Nguyễn Xuân Thanh đón nhận thêm một sự chia ly khác. Ông Nguyễn Văn Mua, ba anh, nguyên sỹ quan quân đội, sau khi nhận giấy báo tử của con trai đã gõ cửa rất nhiều cơ quan chức năng khẩn cầu công nhận liệt sỹ cho con và giải quyết chế độ, chính sách cho gia đình có người thân “mất tin” trong thời gian tại ngũ làm nghĩa vụ quốc tế. Đơn thư, hồ sơ ông gửi từ xã lên huyện, đến tỉnh, ra tận Quân khu IV và Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội... nhưng vẫn không đâu đến đâu. Buồn phiền, ông đổ bệnh, mất năm 2006.
Nguyễn Thị Lan Hương, con gái anh Thanh mà anh chưa một lần gặp mặt, tuổi tròn 30, đúng quãng thời gian anh “mất tin” tại đất nước Campuchia, nay đã có chồng, theo chồng vào lập nghiệp ở tỉnh Bình Dương. Ngày anh tìm về Việt Nam, tìm ra gia đình, mọi người tin vào, con gái Lan Hương đón máy bay ra ngay với bố. Hai cha con diện kiến nhau, trùng phùng, sợi dây máu mủ linh thiêng cứ xiết chặt, xiết chặt họ lại, giữa họ có sự hiện diện của người vợ, người mẹ Nguyễn Thị Lan, chị chắc cũng ngậm cười nơi chín suối.
Rất nhiều bà con, bạn bè thân hữu đến chia vui cùng anh Thanh và gia đình ngày anh trở về. |
“Nhưng anh tôi có thể làm gì khi hiện tại vẫn được xem là người đã chết trong tất cả các văn bản, giấy tờ, sơ yếu lí lịch của người thân và hệ thống chính quyền từ xã lên huyện, đến tỉnh?”- Nguyễn Đức Châu đặt câu hỏi cho chúng tôi, câu hỏi 10 ngày nay vì đang hạnh phúc trước sự trùng phùng quá lớn nên không ai để ý đến. Nguyễn Xuân Thanh tiếp lời em: “Tôi là người Việt Nam, tôi muốn được phục hồi đầy đủ mọi quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân Việt Nam”.
Cuộc sống rồi sẽ trở lại bình thường như quy luật muôn đời, những gì Nguyễn Xuân Thanh cống hiến vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, những mất mát của anh xã hội sẽ công bằng suy xét và trả lại cho anh. Nhưng tôi cứ ám ảnh đến lời khẩn cầu của anh: “Xin cho tôi làm người Việt Nam”...
Nguyễn Xuân Thanh sẽ được xác lập lại quyền công dân sau 30 năm làm “người chết”, từ đó để anh hoàn thành mong ước: ở lại Việt Nam chăm mẹ già, động viên con gái Nguyễn Thị Lan Hương. Thời gian rảnh anh trở lại Campuchia thăm các con, thăm người vợ bên đó. Nếu có điều kiện anh đưa cả gia đình Campuchia về thăm quê cha đất tổ.
Ngô Thanh Long
Nguồn: Baoquangbinh