NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH CỦA NGƯỜI VIỆT (KINH)
Kiến trúc và điêu khắc đình làng
Đa số làng Việt ở Phú Yên đều có đình làng, đó là công trình kiến trúc công
cộng lớn nhất trong thôn xã dưới thời phong kiến. Trong quá trình phát triển,
đình làng Phú Yên có những chi tiết kiến trúc còn giữ lại nguyên xưa như: đình
thường đặt ở vị trí trung tâm làng, mặt hướng về phía tụ thủy. Nhưng có những
chi tiết khác với đình làng ở miền Bắc là: đình làng Phú Yên là nơi thờ cúng thần
nên dân làng ít khi lui tới, chỉ có những ngày cúng lễ, dân làng mới đến tham gia
các sinh hoạt, lễ hội tại đình làng.
Trong các ngôi đình hiện còn ở Phú Yên, đình Phú Lâm (huyện Tuy Hòa)
được xem là ngôi đình còn mang những nét kiến trúc cổ, nhưng cũng chỉ cách
nay trên 50 năm.
Đình Phú Lâm có chiều dài khoảng 12m, chiều rộng 8m, được xây cất trên
một khu đất có diện tích khá rộng. Theo vết tích còn lại, ngày xưa, người ta xây
tường, rào xung quanh đình khá cẩn thận, trước mặt đình có hai trụ cổng cao
được đắp hình búp sen ở đỉnh, gần cổng có tấm bình phong, trên đó chạm khắc
các linh vật như hổ, long, ly, quy, phụng...
Về kiến trúc, đình Phú Lâm gồm có 5 hàng cột dọc và 6 hàng cột ngang;
được phân thành 5 gian 2 chái. Gian chính thờ thần hoàng, hai gian tả hữu thờ
các vị thần khác và tiền hiền, hậu hiền. Nếu phân chia về chức năng thì đình Phú
Lâm có hai phần, phần bên trong dùng để thờ thần và phần ngoài là hiên nhà.
Lối kiến trúc này chịu ảnh hưởng của kiến trúc nhà dân dụng.
Những hàng cột dọc (từ trước ra sau) đỡ những đầu và đuôi kèo, những
hàng cột ngang liên kết nhau bằng các thanh xiên. Ở trung tâm gian chính, 4 cột
cái vừa đỡ đầu kèo thượng vừa đỡ đuôi kèo trung được liên kết nhau bởi các
thanh trính để gác gầm thượng tạo nên trần của lòng đình.
Khác với đình ở miền Bắc, đình Phú Lâm có các họa tiết điêu khắc không
nhiều. Ở đuôi kèo, các môtíp điêu khắc chủ yếu là cây cỏ. Phần trên và trước
các gian thờ, họa tiết trang trí và điêu khắc gồm có rồng, ngựa, chim, cuốn thư,
nai, rắn, phong cảnh (cây cỏ hoa lá). Đặc biệt, gian thờ giữa có một mảng khắc
gỗ khá lý thú là tháp Chăm, tại điểm góc các khung cửa ra vào đều có chạm hình
rồng đang trong tư thế bay. Nhìn chung, những môtíp được điêu khắc ở đình
Phú Lâm hầu hết là đơn giản, kỹ thuật chưa cao, chưa có sự mềm mại và kích
thước rất nhỏ.
Kiến trúc và điêu khắc chùa
Phật giáo xuất hiện ở Việt Nam khá sớm và đã đi vào đời sống tinh thần của
các tầng lớp nhân dân một cách mạnh mẽ, để lại dấu ấn khắp nơi bằng các ngôi
chùa.
Chùa ở Phú Yên có mấy nguồn gốc:
- Do các làng đứng ra vận động tín đồ mộ đạo góp công, của xây dựng. Khi
xong, làng họp tín đồ, cử giám tự, hộ niệm và đề nghị Giáo hội Phật giáo tỉnh
chọn người trụ trì.
- Do các bậc cao tăng có đức hạnh, qui tụ một số tín đồ qui y, thọ giáo xây
dựng. Ban đầu, thường là tịnh xá, dần dần chuyển thành chùa với kiến trúc ban
đầu là tranh tre, nứa lá, khi có điều kiện chuyển sang xây dựng kiên cố.
- Do một số họ tộc mộ đạo xây dựng để những người trong họ tộc tu luyện,
lễ Phật mà không phải đến những nơi xa xôi cách trở. Ban đầu, vị tộc trưởng
tạm thời lo hương hỏa, sau đó chọn người trong họ đã xuất gia, cho đi thọ giáo
các vị cao tăng, đến khi thành đạt sẽ về kế thừa. Những ngôi chùa dạng này, có
chùa xin gia nhập vào tổ chức Giáo hội Phật giáo, có chùa đứng ngoài, theo hệ
phái cổ truyền, cổ sơn môn.
- Do các gia đình khá giả lập ra để thờ Phật, gia đình này chọn con trai của
mình cho đi xuất gia, thọ giới để trụ trì chùa.
Chùa Phú Yên được xây dựng theo quan niệm cổ truyền nên hầu hết được
bố trí trên mảnh đất thu giữ được khí thiêng của trời đất với các đặc điểm: đất
cao, tươi nhuận, có dòng chảy hồ ao trước mặt, gần dân, gắn liền với làng xóm.
Mặt chùa thường hướng về phía nam, đó là hướng bát nhã (trí tuệ), vì đạo Phật
cho rằng có hiểu biết mới chống được ngu dốt, mà ngu dốt là mầm mống của tội
ác, hướng này cũng là hướng phát triển thiện tâm.
Mở đầu cho ngôi chùa là Tam quan (tức là cổng chùa) thường có 3 lối vào.
Tam quan gồm không quan, giả quan và trung quan. Mỗi quan thể hiện một triết
lý của đạo pháp nên chỉ có chùa mới có Tam quan.
Qua Tam quan, là con đường dẫn vào thế giới Phật (Nhất chính đạo), mở
đầu là tòa tiền đường, nơi đây các phật tử ngồi tụng kinh để rèn tâm kiến tính,
nhằm xây dựng trong mỗi người lòng từ bi của Phật. Bàn thờ Phật nằm ở gian
giữa, gian này thường mở lùi về phía sau, tạo cho chùa có cấu trúc hình chữ
công hoặc chữ đinh. Do cửa chùa luôn luôn mở rộng với chúng sinh nên nơi thờ
không bao giờ được che chắn. Phía sau là nhà hậu để thờ tổ, thờ mẫu, thờ
những người có công với chùa, đồng thời làm nơi ở cho tăng, cho khách. Ngoài
ra, hầu như chùa nào cũng có tháp, số tầng tháp nhiều nhất là 3 tầng, ít nhất là 1
tầng. Trên đỉnh tháp có đắp bầu rượu là của nam giới, búp sen là của nữ giới.
Đặc biệt, tại chùa Thiên Hưng khi trùng tu lại, ngôi mộ tháp của Tổ khai sơn, húy
Thiệt Lãm xây cao 4 tầng, là tháp có qui mô lớn nhất hiện nay.
Về kiểu dáng kiến trúc những ngôi chùa có niên đại sớm thường có 3 gian 2
chái, đường nóc ngắn, 4 mái rộng hay nhà cặp lá mái song song theo chiều
ngang. Hệ thống cột kèo được bào chuốt trơn láng, có khi chạm trổ. Đầu mút
các mái chùa lợp ngói xuôi theo gờ. Các ngôi chùa có niên đại muộn hoặc được
xây cất, trùng tu thời gian gần đây chịu ảnh hưởng bởi các kiểu kiến trúc mới,
kiểu lầu bê tông cốt sắt, mái ngói uốn cong vút lên, hai bên có lầu chuông, lầu
trống,... Chính diện thường rộng rãi, có treo biển hiệu chùa, sắc phong của vua
hoặc là bức hoành phi Đại hùng bửu điện hay Pháp luân thường được sơn son
thếp vàng lộng lẫy. Nhiều chùa có bàn thờ tổ khai sơn hoặc nhà tổ ở phía sau
chính điện. Những nơi thờ tự này thường treo bức đại tự với các câu: Tổ ấn
trung quang hay Tôn phong vĩnh chấn.
Các ngôi chùa xây ở lưng chừng núi thường kiến trúc theo hình chữ nhất.
Với các ngôi chùa xây dựng ở trên khu đất rộng rãi, bằng phẳng, ngoài phần
chính điện, có nhà đông, nhà tây được xây chồm tới trước tạo thành hình chữ
“môn” hoặc lùi ra sau chính điện giống hình chữ “phẩm”.
Hầu như chùa nào cũng có tượng chư Phật và tượng Bồ Tát, những tượng
này được coi như là sự gợi ý để học tâm, rèn tính, hướng tới thiện nghiệp. Theo
vòng quay của chữ “Vạn” là cầu mong sự tinh tiến về thiện căn, nên Phật tử
thường vào lễ Phật từ cửa bên trái tiền đường và cũng là nơi đầu tiên tiếp cận là
bàn thờ đức Ông. Hình tượng Ông được thể hiện như một quan văn mặt đỏ, râu
dài. Vào bàn thờ giữa tức Phật điện trên cao và sâu nhất hàng thứ nhất là bộ
tượng tam thế mà tên đầy đủ là “Tam thế thường trụ điện pháp thân”, hàng thứ 2
là bộ Di Đà tam tôn gồm A di đà ngồi giữa trong tư thế thiền định, cũng có khi là
tượng Di Đà phát quang, bên trái tượng Di Đà là Quan Âm, hiện thân của từ bi,
bên phải là Đại thế chí Bồ Tát, tượng trưng cho trí tuệ. Hàng thứ ba là bộ Hoa
nghiêm tam thánh, chính giữa là Thích Ca cầm bông sen, hai bên là Văn thù Bồ
Tát cỡi sư tử và Phổ Hiền cỡi voi trắng. Hàng thứ tư là Di Lặc phật, hàng thứ
năm là Thích Ca sơ sinh với biểu tượng là hình chú bé tay trái chỉ lên trời, tay
phải chỉ xuống đất, ẩn chứa trong đó câu nói “Thiên thượng thiện hạ duy ngã
độc tôn”. Hai bên tượng này có 2 vua trời hộ trì khi Phật xuống trần là Phạm
Vương và Đế Thích. Trên bàn thờ chính nhiều chùa còn có tượng Ngọc Hoàng
và Nam Tào, ở góc trái của thượng điện có bàn thờ đức Quan Âm nam hải (cũng
gọi là Thiên thủ Thiên nhãn, Quan Âm Chuẩn đề). Tượng có nhiều tay ngồi trên
đài sen do quỉ đội, ở góc bên phải là tượng Quan Âm tọa sơn...
Do nguồn gốc các chùa khác nhau, nên bài trí ở các chùa cũng thường
không giống nhau. Một số chùa, bài trí bên trong chính điện thường có 3 án thờ.
Án giữa, trên hết là tượng Phật Tam thế, phía trước theo chiều thấp dần là Phật
Thích Ca và án thờ tượng Bồ Tát Phổ Hiền, Chuẩn đề Văn Thù. Bên tả thờ phật
Quan Thế Âm. Bên hữu thờ Bồ Tát. Mặt tiền của hai gian tả, hữu thờ Quan
Thánh, Thổ địa, Thổ công, Táo quân.
Tượng Phật chùa Bảo Lâm
Về tượng, các tượng Phật hầu hết được đúc bằng thạch cao, có nơi tượng
làm bằng gỗ mít. Đặc biệt, chùa Châu Lâm (Tuy An) có tượng Thế Tôn đúc bằng
đồng nặng 2 tấn, cao 1,2m, cách nay 250 năm, là pho tượng Phật lớn nhất tỉnh.
Ngoài những ngôi chùa của người Việt, Phú Yên còn có một số ngôi chùa
của người Hoa.
Có thể nhận biết dễ dàng chùa của người Hoa nằm trong các đô thị nhờ đặc
điểm kiến trúc là màu sắc rực rỡ, tươi sáng của cổng chùa, mái chùa và nghệ
thuật trang trí.
KIếN TRÚC VÀ ĐIÊU KHắC CHĂM
Kiến trúc và điêu khắc Chăm phần lớn có
liên quan đến đời sống tôn giáo và tín ngưỡng,
điển hình là hình tượng người phụ nữ được coi
là Mẹ xứ sở, bà Po Inư Nagar (Thiên Y A Na),
sản sinh ra các dòng họ trị vì đất nước. Bà đầu
tiên giáng xuống hạt Brama (Tuy Hòa), lập ra
một làng lấy tên là Pallai Sarioanoa (tức là xóm
Bà Lài), sau đó lập đền ở xóm Pâ
Chucmararaasan ở Panduranga (Phan Rang), ít
lâu sau bà cho ra đời Chơcalâu (Diên Khánh).
Những hình tượng nghệ thuật liên quan đến phụ
Rắn NAGA (Điêu khắc Chăm)
nữ thời kỳ này đều được thể hiện dưới dạng những chiếc núm tròn như vú phụ
nữ trên các tác phẩm điêu khắc. Bên cạnh đó, còn có tín ngưỡng thờ các tảng
đá lớn dựng đứng, tượng trưng cho thần đất mà sau này được chuyển thành
tượng sinh thực khí nam (Linga) khi người Chăm tiếp thu văn hóa Ấn Độ giáo.
Các thần linh của Ấn Độ giáo như Siva, Brahma, Vishnu được người Chăm
tôn thờ, thần Siva được thể hiện dưới hệ thức khác là Linga và trở thành biểu
tượng phổ biến trong
nghệ thuật tôn giáo
Chăm.
Trong khi theo
phái Siva của Ấn Độ giáo,
người Chăm cũng rất tôn sùng đạo Phật. Các
công trình kiến trúc
Phật giáo lớn được xây dựng
tập trung ở xứ Amaraviti,
trong
đó lớn nhất
là Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam) vào
cuối thế kỷ IX.
Tháp Nhạn
Trong số những
di tích cổ Chămpa còn lại ở
tỉnh Phú Yên, tháp
Nhạn (thị xã Tuy Hòa) không
chỉ là công trình còn
lại vào loại nguyên vẹn nhất
mà còn là một kiến
trúc tháp có giá trị cả về lịch
sử cũng như nghệ thuật. Tuy còn đứng vững
đấy, nhưng tháp
Nhạn cũng đã bị hư hại khá
nhiều, mà chủ yếu lại bị phá vào cuối thế kỷ XIX.
Theo lời các cụ già
ở Tuy Hòa, khi Pháp mới
chiếm nước ta, một tàu
Tháp Nhạn
thủy Pháp đi qua cửa
biển Tuy Hòa, nhìn
thấy tháp Nhạn, thủy quân
Pháp tưởng là pháo đài của ta, bèn nã pháo vào. Kết quả là đỉnh tháp Nhạn bị
đổ và cổng tháp bị vỡ. Hiện nay, cách tháp chừng 20m, còn nằm trên mặt đất
một đỉnh tháp bằng đá, cao 1,60m và mỗi cạnh rộng 0,90m. Đỉnh tháp có chân
hình vuông, được chạm hình cánh sen ở phía dưới và đỉnh hình bầu nhọn.
Tháp Nhạn là một trong những ngôi tháp vào loại lớn của người Chăm (mỗi
cạnh ở chân dài 11m, và cao gần 20m) và thuộc loại tháp tầng, hình vuông.
Trên các mặt tường của thân tháp, như thường lệ được trang trí bằng các cửa
giả (mỗi mặt một cửa, trừ tường phía đông là cửa ra vào) ở chính giữa là các cột
ốp và khung tường giữa các cột ốp. Giống như các tháp thuộc phong cách
chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định, trên mặt
tường của tháp Nhạn không có hoa văn trang trí, các cột ốp chỉ có một đường
rạch nhỏ sâu chạy dọc thân, không xuyên qua phần trên cột để tách mỗi cột ốp
thành một cặp cột đứng song song. Khoảng tường giữa các cột ốp chỉ là một
khung trơn hình chữ nhật đứng, vòm của cửa giả hình cung nhọn, có hình đầu
quái vật Kala trên đỉnh. Các tháp góc ở trên các tầng là một hình tháp mô phỏng
không phải toàn bộ mà chỉ các tầng của tháp chính. Các tầng trên là những cấu
trúc thu nhỏ dần của phần thân tháp. Do bị hư hại nhiều, nên từ mấy chục năm
nay, người ta đã dùng xi măng xây kín cả chân tháp. Vì thế chúng ta không thể
biết được gì về hình dạng và trang trí phần chân của tháp Nhạn. Chỉ gần đây, khi
phần chân bằng xi măng được bóc đi, chân tháp Nhạn lộ ra thật đẹp.
Thành Hồ 11
Theo khảo tả của H. Parmentier trong cuốn sách Thống kê khảo tả các di
tích Chăm ở An Nam từ những năm đầu của thế kỷ XX, thì khu thành này có
hình vuông, mỗi cạnh độ 700m. Bờ thành nam bị mất từng phần do sông Ba xói
lở, các bờ thành còn lại được nhận biết qua những dải đất đắp cùng với các gò,
các cửa tòa thành và con sông, được bảo vệ bởi một bức tường thành xiên dọc
chiều dài sườn núi. Mặt bắc có 6 tháp canh, mặt đông có 7 tháp (kể cả cái nằm
ở góc). Giữa mặt đông có pháo đài phòng ngự rộng 17,5m dài 10-13m, dọc theo
lũy pháo được xây bằng gạch lớn, tường dày 1,7m. Mặt nam tuy đã bị sụt lở
song ở phía tây còn lại ụ đất ở góc cũng có thể là một tháp canh.
Năm 1980, các nhà khảo cổ đã đến nghiên cứu và nhận thấy: thành Hồ là
một thành mang tính quân sự rất kiên cố và lớn của người Chăm, có bình đồ
gần chữ nhật với bốn chòi canh ở bốn góc, tường thành phía nam chạy dọc theo
sông Ba dài 825m, tường thành phía tây dài 940m, tường thành phía đông dài
732m, tường thành phía bắc dài 738m. Trong khu thành có bức tường thành thứ
năm chạy theo hướng bắc-nam song song và cách tường thành phía đông
700m. Như vậy, thành có hai khu đông và tây, khu tây có thể là thành nội và cao
hơn thành ngoại. Trong khu tây hiện còn một mỏm đất mà nhân dân gọi là mỏm
sân cờ, cao 10m, chân rộng 34x34m, với rất nhiều gạch ngói của một kiến trúc
lớn xưa đã đổ nát. Cách tường thành phía tây 28m, còn có một bức tường thành
chắn thứ sáu, xây trên sườn núi như một lá chắn, dài 360m, nhân dân trong
vùng gọi là “thành chắn”. Ngoài bốn chòi canh ở bốn góc thành, tại tường thành
phía đông cách góc đông - nam 300m, có chòi canh thứ năm. Các chòi canh đều
có bình đồ vuông, mỗi cạnh dài 11m và cao hơn mặt thành 3m. Tất cả các tường
thành và chòi canh đều đắp bằng đất và được ốp ở mặt ngoài và mặt trong bằng
lớp tường dày 1,5m. Chân tường thành đều được đắp choãi ra. Gạch xây thành
là loại gạch lớn, có kích thước 40cmx20cmx10cm hoặc 38cmx18cmx9cm. Qua
dấu vết còn lại, có thể thấy tất cả tám cổng thành: hai cổng phía nam, một cổng
phía bắc, một cổng phía đông, hai cổng phía tây, hai cổng nối thành ngoại và
thành nội. Ngoài ra, trong và ngoài thành hiện còn dấu vết các hào nước và ba
hồ lớn.
Núi Bà
Là một di tích được phát hiện vào những năm đầu của thế kỷ XX, một số
tượng Chăm tại núi Bà được người Pháp thu nhặt và đưa trưng bày ở Bảo tàng
Chăm tại Đà Nẵng.
Năm 1997, tại khu này đã phát hiện một số tác phẩm điêu khắc đất nung,
điêu khắc đá và một số bia ký. Trong số những tác phẩm điêu khắc núi Bà, đáng
chú ý là hiện vật điêu khắc bằng đất nung, cao 0,28m, rộng 0,21m, dày 0,04m
11 Nhân dân địa phương còn gọi thành Hồ là thành Hời, tức là thành của người Chăm
thể hiện đức Phật ngồi trên đài rắn Naga giữa hai hình tháp hai bên. Một trán
cửa bằng đá (cao 0,47m, rộng 0,75m, dày 0,13m) thể hiện đầu sư tử với răng
nanh to lớn, mắt cuốn thành hình sừng. Một pho tượng tựa lưng vào tấm bia đá
(chữ khắc phía sau) cao 1,3m, đứng nghiêm, chắp tay trước ngực, mặc áo
sampot, đội mukuta (mũ kiểu vương miện), khoác trên mình một dải bằng vải.
Một trán nhà bằng đá (cao 0,85m, rộng 0,65m, dày 0,15m) thể hiện nữ thần
Laksmi (vợ thần Vishnu) bốn tay ngồi xếp bằng, nữ thần thân dài và mảnh, hai
tay trước cầm bông sen đặt song song với đùi, hai tay sau đưa cao gần vai, cầm
chiếc tù và ở tay trái và chiếc đĩa ở tay phải, đầu đội mukuta, thân mặc chiếc áo
mỏng để lộ cặp vú nhô cao, phần thân dưới mặc váy sarông, đeo nhiều đồ trang
sức ở cổ, ở tay... Ngoài các điêu khắc thể hiện các nhân vật của Phật giáo,
Vishnu giáo, cũng ở núi Bà còn tìm thấy một vài pho tượng thuộc Siva giáo, đó
là tượng thần Siva. Tượng thần Siva được tạc vào phiến đá có khắc chữ (cao
0,40m, rộng 0,85m, dày 0,06m), ngồi trên mình bò Nandin, chân trái để thõng,
chân phải gập lên, tay phải cầm kiếm, tay trái cầm đinh ba, khoác trên mình một
dải Bàlamôn hình rắn Naga... Bức tượng Siva giáo thứ hai có thân là tượng
Ganesa (thần đầu voi, con trai của Siva) cao 0,8m, dựa vào phiến đá cao 0,8m,
rộng 0,45m, dày 0,55m, ngồi xếp bằng, tay đặt lên đầu gối, đầu đội mukuta
nhọn, có năm tầng.
Theo các nhà nghiên cứu, một số tác phẩm điêu khắc núi Bà như Phật ngồi
trên Naga, tượng Ganesa... thuộc nhóm những tác phẩm điêu khắc cổ nhất của
Chămpa (trước thế kỷ VII).
Trên đất Phú Yên cũng đã phát hiện những hiện vật điêu khắc thuộc loại cổ
nhất của Chămpa khác, có niên đại đầu thế kỷ VII, tiêu biểu là:
- Đầu tượng đất nung ở chùa Hồ Sơn
Đầu tượng cao 22cm và rộng cũng 22cm, thể hiện một người đàn ông có mái
tóc dày, khuôn mặt thanh tú với chiếc mũi thẳng, khóe môi đang mỉm cười và
chiếc cằm hai ngấn phúc hậu. Điều đáng lưu ý ở đầu tượng này là: bộ tóc dày
được tạo bởi các vòng xoáy ốc lớn và chảy xuống phủ kín cả hai vai, hai tai bị
che kín bởi tóc và hai chiếc vòng tai hình đĩa lớn căng dái tai ra. Với những đặc
điểm trên, đầu tượng chùa Hồ Sơn gần như hoàn toàn giống những tượng Phú
Ninh mà J.Boatsơliê đã khảo tả.
- Hình Phật bằng gốm có nguồn gốc từ chùa Hồ Sơn
Trên mảnh gốm dài 12cm và rộng 8cm, có hai mặt trước và sau. Ở mặt
trước, khắc hình đức Phật ngồi tọa thiền và một chiếc ngai lớn, cao ngang tầm
vai đức Phật, được trang trí xòe ra như một tán ô. Hình Phật được thể hiện khá
sắc nét và tinh tế, khiến ta dễ nhận ra mái tóc rất đặc trưng của Phật: có u sọ
nhô cao và xoắn tóc hình bụt ốc; khuôn mặt bầu bầu, phúc hậu với cặp mắt lim
dim, đôi vai lớn... Thân đức Phật để trần, vai nhô, ngực nở, eo thót. Tất cả
những đường nét trên tượng Phật chùa Hồ Sơn gần với những đặc trưng của
tượng Phật thời Gúpta của Ấn Độ (thế kỷ IV - VI).
Điều lý thú nữa của hình gốm này là ở đằng sau có 4 chữ phạn khắc chìm.
- Ba hình Phật nung ở thôn Sơn Thọ, xã Hòa Kiến
Ba hình Phật có nguồn gốc từ hòn Miễu cùng kích thước như nhau (cao
24cm, rộng 20cm và dày 2,5cm), màu xám, ngồi thiền trên đài sen. Tư thế, cách
thể hiện thân mình của ba hình Phật ở hòn Miễu (Sơn Thọ) đều giống với hình
Phật của chùa Hồ Sơn. Chỉ có một số điểm khác là: Phật ở Sơn Thọ ngồi trên
đài sen, đầu đội mũ hình trụ và tựa vào vầng hào quang phía sau.
- Đầu tượng đất nung ở thôn Sơn Thọ, xã Hòa Kiến
Chiếc đầu tượng này tuy bị mòn đôi chút, nhưng vẫn còn giữ lại những nét
đẹp và chuẩn xác. Đầu tượng (toàn bộ cao 29cm) có hai phần: mũ hình chóp cụt
và khuôn mặt.
Đặc điểm đáng chú ý của đầu tượng Sơn Thọ là không tạc nổi trên đất nung
dẹp và cũng không phải là tượng tròn, mà là một chiếc vỏ bằng gốm (kiểu như
mặt nạ) để ốp vào một khối hình nào đó. Qua nghiên cứu cho thấy, đầu tượng
Sơn Thọ có những nét trang nhã và thanh tú gần nghệ thuật Ganhara của Ấn Độ.
- Pho tượng đồng ở Xuân Sơn Tượng cao 18cm, gồm hai phần: phần đế và phần tượng. Đế là một khối
vuông (mỗi cạnh 5cm) có 3 nấc thắt dần và cao gần 2cm. Tượng đứng trên bệ
sen tròn và tựa lưng vào tấm hậu hình am thờ.
Tượng thể hiện một nhân vật có 8 tay, mình trần, mặc váy dài, đeo vòng cổ,
vòng tay, hoa tai. Đầu đội mũ theo kiểu trang trí hoa tròn bốn, năm cánh, được
thể hiện tinh tế ở từng chi tiết. Đó là những yếu tố khá tiêu biểu của tượng Giava
thế kỷ VIII - IX.
Pho tượng Xuân Sơn là một hiện vật bổ sung vào nhóm tượng thuộc phong
cách Hòa Lai (thế kỷ IX). Hơn thế nữa, tượng Xuân Sơn là một bằng chứng nữa
về sự giao lưu nghệ thuật Chăm - Giava thời cổ.
- Bộ bàn nghiền và chiếc ấm kendi ở xã Hòa Thắng Bộ bàn nghiền gồm hai bộ phận: chiếc chày dài 22 cm, đường kính 5cm và có
hình như một ống tre; chiếc bàn nghiền
không lớn lắm với phần mặt rộng, hơi cong
về phía đầu, dài 40cm và rộng 12cm. Hai
chân đỡ của bàn nghiền cách nhau 15cm,
cao 3cm.
Chiếc ấm kendi làm bằng đồng có thân
kiểu hình cầu dẹt, phình to ở phần giữa,
đáy phẳng và nhỏ, thắt mạnh ở cổ, cho
nên thoạt trông như hình cái bát lùn. Theo
lời kể của nhân dân tại khu vực phát hiện,
chiếc ấm có nắp đậy được đặt trong một
chiếc hộp bằng bạc.
Đồ gốm Chăm
Hai hiện vật ở Hòa Thắng vừa khảo tả trên là những hiện vật Chămpa hiếm
thấy. Xét về chức năng, cả hai đồ vật trên dùng cho các nghi thức tế thần của Ấn
Độ giáo.
NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN CỦA NGƯỜI VIỆT (KINH)
Hò khoan
Là một loại dân ca mà giai điệu và tiết tấu của nó thường gắn với nhịp điệu
và cường độ lao động của nghề nghiệp. Theo điều tra, nghiên cứu và phân loại,
Phú Yên có nhiều loại hò khoan: vùng biển có hò bả trạo, hò đan lưới, vá lưới,
kéo thuyền, đi rẩu (đi chợ), vãi chài; vùng đồng bằng có hò cấy lúa, giã gạo, kéo
sợi, dệt vải, đạp mía, lảy bấp..., vùng núi có hò kéo gỗ, đốn gỗ, chặt cây...
Hò khoan là loại ca hát đối đáp mang tính tập thể, nhiều người cùng tham
gia, và cuộc chơi đôi khi mang tính ngẫu hứng nên người đối và đáp phải thể
hiện tài năng ứng khẩu của mình. Do đó, hò khoan còn là một cuộc đấu trí hấp
dẫn nên sân hò lúc nào cũng đông người.
Gọi là hò khoan vì mở đầu câu hò, người hò thường xướng câu “hố khoan...
hố...” hoặc “khoan mời bạn hò khoan” và người tham gia cuộc chơi cũng cất cao
giọng hát đáp lại hơ hò khoan...
Cũng như các loại trò chơi dân gian, hò khoan có luật chơi riêng của nó. Dựa
vào diễn trình và nội dung câu hò, các nhà nghiên cứu chia trò chơi hò khoan
thành các bước:
- Hò rao: là những câu hò (nam hoặc nữ) hát rao (hát dạo) để tìm bạn hò nên
câu hò được chọn thường mang nội dung đó:
- Hò chào: có hai loại, hò cựu và hò tân.
Hò cựu tức là gặp lại những người hò cũ.
Hò tân là những người hò mới gặp nhau.
Có những sân hò, sau lời hò chào còn có hò mời (của nữ hoặc nam), khi đã
thỏa thuận thì bước tiếp theo là hò dưng.
- Hò hỏi: (hò đố) là giai đoạn kế tiếp của hò dưng. Hò hỏi có nhiều nội dung,
có thể là hò hỏi quê quán, ăn học, vợ con, gia đình, có khi là hỏi tích truyện...
Nếu trong hò hỏi, nam nữ còn có những điều chưa rõ thì họ hò nghi vấn để
hỏi cho rõ hơn.
Sau các câu hò ban đầu, hai bên bắt đầu hò nhân nghĩa, đây là loại hò giao
duyên (trao duyên). Nội dung câu hò thể hiện tình cảm, ước muốn, nhớ mong và
khi đã hiểu nhau họ bắt đầu hò xe kết, hò nghinh hôn, hò cưới và kết thúc cuộc
chơi là hò tiễn, hò đưa về.
Thế nhưng, không phải ai đến sân hò cũng đạt được những điều tốt đẹp, đôi
khi giữa các bạn hò lại trở thành hiềm khích, thù ghét với nhau. Từ đó, trong hò
khoan cũng sinh ra loại hò ghình, hò xỏ, hò điếm, hò gạt.
Rồi có những cuộc tình duyên không mãn nguyện, ruột đứt, gan bầm tình nghĩa
đôi ta, chàng và nàng gửi tâm sự của mình vào điệu hò than, hò trách phận.
Ngoài ra, còn có hò qua cầu, hò thơ (lớp chim), hò nhạn đưa thư và lớp hò
xuyến vàng.
Phú Yên còn có một loại hò khá đặc biệt là hò mép.
Hò mép còn gọi là hò xuyên hoa mép, nó thuộc loại hò xảo, hò xỏ, hò tếu...
Hò khoan được cấu tạo bởi hai thành tố, đó là phần nhạc và phần lời:
Phần nhạc: giai điệu và tiết tấu nhanh hay chậm phụ thuộc vào tính chất và
cường độ lao động.
Phần lời: thường sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể, một phần lấy
trong ca dao, một phần do người hò sáng tác.
Căn cứ giọng hò, các nhà nghiên cứu còn chia hò khoan Phú Yên thành hai
vùng: vùng nam sông Đà Rằng và vùng bắc sông Đà Rằng.
Hát rập
Là hình thức hát đối đáp dùng cho phụ nữ trong lúc cấy lúa, làm cỏ lúa, cỏ
bắp. Giai điệu của hát rập êm dịu, dàn trải, thích hợp với những động tác uyển
chuyển, nhẹ nhàng.
Lời của hát rập thường lấy trong ca dao, dân ca.
Hát ru
Là lời hát dùng để ru em hoặc ru con, sử dụng trong lúc ru con (em) ngủ. Vì
vậy, phần kết cấu giai điệu thường sử dụng điệu thức 5, kết hợp với những nốt
luyến láy bằng ngôn ngữ địa phương, tạo cho hát ru một âm hưởng man mác,
êm dịu.
Hát ru Phú Yên có thể chia theo mấy giọng:
- Giọng ơi hời là phổ biến nhất, mang nét tương đồng với hát ru các tỉnh ven
biển miền Trung, nhưng về âm hưởng và giai điệu thì gần với những điệu ru của
xứ Huế.
- Giọng ru đàn phổ biến ở vùng Sông Cầu, Đồng Xuân. Đây là giọng ru
thường dùng các chữ ru ri, ngân nga theo giai điệu, tạo cho người nghe có cảm
giác giống như tiếng đàn.
- Giọng ru phía nam sông Đà Rằng lời ru thường có cụm từ hố hơ hố hơ hời.
- Giọng ru phía bắc sông Đà Rằng (vùng thị xã Tuy Hòa, Tuy An) mở đầu lời
ru bằng hơ... hơ... hơ.
- Giọng ru phổ thông, câu vào đầu thường là hời ơi, hay ơi hời tiếp đó là câu
ca dao theo thể lục bát.
Đặc điểm chung của hát ru Phú Yên là nét nhạc dịu êm, du dương, trìu mến,
tiết tấu thong thả, lời ca phần lớn lấy từ ca dao, mang đậm tính giáo dục và nhân
văn.
Về diễn xướng, so với hò khoan thì mức độ sáng tạo của hát ru còn thấp,
nếu có thì cũng chỉ ở mức độ điều chỉnh, thay đổi về địa danh, nhân vật cho phù
hợp với tâm trạng, hoàn cảnh. Vì thế, trên một làn điệu hát ru, người ru có thể
dùng câu ca dao này hoặc câu ca dao khác tùy thích.
Hát lô
Là một loại hát mở đầu và kết thúc với ba tiếng lô là lô, giữa hai tiếng thì cắt
nhịp bằng tiếng lô để nghỉ hơi.
Hát lô không chỉ cần phải thuộc nhiều bài, mà còn phải nhanh trí nhằm đối
đáp kịp thời với người chơi khác.
Hát bả trạo
Trong lễ cầu ngư của các cư dân miền biển, hát bả trạo đóng một vai trò
quan trọng trong nghi thức lễ.
Hát bả trạo có các làn điệu:
- Nói lối
- Bạch
- Xướng
- Phú
- Khách
- Nam
- Ngâm thơ...
Hát bả trạo
Đặc biệt xướng và xô được dùng khá phổ biến trong các làn điệu.
Hát xà hát mộc
Là một trò diễn dân gian tồn tại phổ biến ở những cư dân làm nông nghiệp.
Nội dung của hát xà hát mộc là nói đến việc mượn đất (tá thổ).
Hát xà hát mộc gồm 7 bài hát, liên kết theo một chuỗi khá chặt chẽ.
Bài 1: Vương khâm hát mời thổ địa giúp, khi ông được vua sai đến miếu
Thần Nông cầu mưa.
Bài 2: Thánh Quan Công hát mời Tề, Huyền, Đô cùng đi trừ Mang Du Hổ
(Vưu Hổ).
Bài 3: Vũ Lang hát mời thiên linh, thiên tướng xuống lập trận đồ bát quái.
Bài 4: Vũ Lang mời thiên tướng ngũ phương xuống lập trận đồ bái quái.
Bài 5: Tam thánh Tề, Huyền, Đô cùng hát triệu binh tướng.
Bài 6: Tam thánh hát điều khiển binh tướng bắt Vưu Hổ.
Bài 7: Thánh Quan Công hát mời Phật thánh Già la xuống trừ yêu quái.
Hát xà hát mộc có các làn điệu:
- Nói lối
- Bạch
- Xướng
- Thán
- Khách
- Tẩu
- Nam
- Loạn đả
- Loạn chạy
- Chiếu tinh đăng
- Hò bả trạo...
Qua đó cho thấy các làn điệu trong nghệ thuật hát bội đều có trong hát đàm
xà trảm mộc. Đáng lưu ý là hát nam, hát khách, hát tẩu trong hát xà hát mộc ngữ
khí thường nặng nề, ít luyến láy.
Bài chòi
Là loại hát xuất phát từ trò chơi đánh bài chòi, khởi đầu là những câu hô thai
đơn giản của anh Hiệu, đến bài chòi hô có nội dung cụ thể nhưng vẫn gắn với
tên con bài, rồi bài chòi lớp chuyên (hô) kể về các tích, truyện rút từ các vở tuồng
cổ và tiến đến bài chòi truyện. Các hình thức hát bài chòi nêu trên gọi là bài chòi
chiếu.
Cùng với quá trình trên, các làn điệu bài chòi cũng có những bước biến đổi
và phát triển. Thời kỳ đầu là hát lặc nô tức là hát một nhịp, đến khi bài chòi lớp,
bài chòi truyện hình thành thì các làn điệu như xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hò
quảng được đưa vào, nên bài chòi ngày càng có sức lôi cuốn và hấp dẫn.
Trước năm 1954, ở nhiều vùng nông thôn Phú Yên có một số gánh hát bài
chòi, phạm vi hoạt động nhỏ hẹp nên không phát triển được; sau năm 1954 các
gánh hát hầu như bị tan rã.
Tuy vậy, ở thời kỳ nào bài chòi vẫn được nhân dân ưa thích, chính đó là nơi
nuôi dưỡng, truyền bá và phát triển dân ca bài chòi cho đến ngày nay.
Hát tuồng (hát bội)
Là một loại hình ca kịch dân tộc, có một quá trình hình thành và phát triển lâu
đời. Theo các tài liệu có được, trên đất Phú Yên hát tuồng được hình thành vào
những năm cuối thế kỷ XIX, với sự xuất hiện của gánh tuồng Phú Nhiêu ở xã
Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa mà người đứng đầu là ông Hộ Tịnh.
Hộ Tịnh (tức là Nguyễn Tịnh) con của ông Nguyễn An và bà Đào Thị Ân,
người gốc Bình Định, nên khi còn nhỏ ông đã rất mê tuồng, lớn lên ông đích
thân ra Bình Định mời các nghệ nhân và diễn viên tuồng vào làng Phú Nhiêu để
xây dựng đoàn hát.
Hoạt động biểu diễn của đoàn có các hình thức:
- Hát cúng đình, cúng miếu trong dịp xuân - thu hàng năm của làng Phú
Nhiêu.
- Đêm 16-4 âm lịch tổ chức hát không thu tiền, tưởng nhớ ngày mất của tiền
hiền Nguyễn An.
- Hát chầu: tức là hát có hợp đồng do một dòng họ hay gia đình khá giả yêu
cầu.
- Hát trường: tức là đi biểu diễn các nơi.
Sau đoàn tuồng Phú Nhiêu, tại Phú Yên còn có:
- Đoàn tuồng Phú Thứ (1933)
- Đoàn tuồng của Ông Nguyễn Dương (Chánh ca Chạng, 1940)
- Đoàn tuồng Phước Thành (1959)
- Đoàn tuồng Thiên Thành (1964)
- Đoàn tuồng Thanh Vân (1970)
- Đoàn tuồng Mỹ Hiệp (1970)
- Đoàn tuồng Phú An (1970).
Sau năm 1975, đoàn tuồng Thanh Vân, Phú An, Mỹ Hiệp nhập thành đoàn
tuồng Thống Nhất.
Trong thời kỳ chống Mỹ, tại vùng căn cứ cách mạng, trong đoàn Văn công
giải phóng Phú Yên có bộ phận hát tuồng, phần lớn diễn viên xuất thân từ hai
đoàn tuồng Phú Nhiêu và Phú Thứ.
Đặc điểm của hát tuồng Phú Yên là gắn bó mật thiết với hát tuồng Bình Định.
Cách diễn tuồng: trước khi hát ông biện tuồng (ông Nhưng) họp đoàn hát lại
nhắc tích tuồng cho diễn viên, sau đó phân vai. Ai nhận vai gì thì tuỳ theo bối
cảnh, diễn biến trên sân khấu mà chuẩn bị câu hát cho phù hợp, lối hát này gọi
là hát cương. Tuồng hát có hai loại tuồng đồ và tuồng pho.
Hát mới
Ngoài các điệu hò, lý... các bài hát mới ở Phú Yên cũng bắt đầu hình thành
từ những năm kháng chiến chống Pháp. Bài hát ra đời vào loại sớm là bài “Căm
thù thằng Tây cướp mùa lúa đến” của Nhật Lai.
Sau năm 1975, đội ngũ sáng tác nhạc được hình thành và cũng từ đó một số
tác phẩm có giá trị ra đời, được công chúng yêu thích, điển hình là:
- Hành khúc mùa xuân xây dựng, Tiếng hò trên đồng lúa Tuy Hòa (Hoàng
Thơ Huy).
- Hạt gạo Tuy Hòa (Vĩnh An).
- Bài ca Phú Yên (Văn Chừng).
- Sông Ba yêu thương (Đức Thanh).
- Yêu lắm quê mình (Ngọc Quang).
- Tuy Hòa chín nhớ mười thương (Cao Hữu Nhạc).
Ngoài hát, người Việt ở Phú Yên còn có nhiều điệu múa dân gian song đa số
chúng tồn tại dưới dạng thức múa tín ngưỡng như:
Múa siêu
Là một loại múa thường sử dụng trong tang ma, lễ hội cầu ngư và cúng tế
đình làng. Đội múa thường có 5 hoặc 7 người, trong đó 4-6 người múa và một
người cầm trống lệnh hoặc sanh gõ chỉ huy. Mục đích của múa siêu là nhằm diệt
ác, trừ tà...
Đạo cụ múa là những cây siêu, độ dài từ 1,2m đến 1,5m có phần cán và
phần lưỡi.
Múa bả trạo
Thường tổ chức trong nghi lễ thờ cúng cá ông/ cá voi như: tang ma, thỉnh
ngọc cốt, cầu ngư...
Diễn viên múa là nam giới chưa lập gia đình, số lượng không ổn định, từ 8,
10, 12 hoặc 14 người... Ngoài ra, còn có tổng lái, tổng mũi và tổng thương.
Đội hình múa: các con trạo xếp theo hình một con thuyền. Tổng mũi đứng
trước đầu, tổng lái đứng sau và tổng khoan đứng ở giữa.
Đạo cụ múa là mái chèo độ dài khoảng 1,5m gồm hai phần: phần cán và
phần mái. Cán sơn màu đỏ, mái màu trắng.
Động tác múa mô phỏng theo động tác bơi thuyền.
Múa lân
Đây là điệu múa của người Hoa, người Việt tiếp thu và biến nó thành một
hoạt động văn hóa tinh thần trong ngày tết Trung thu (15-8 âm lịch).
Đội hình múa lân gồm có: lân mẹ, lân con, lại thêm ông địa, tề thiên, trư bát
giới nhằm tăng sự vui nhộn và hài hước.
Nhạc đệm cho múa là trống (trống lớn), mõ hoặc bộ chũm chọe.
Do tiếp thu của người Hoa nên về cơ bản múa lân của người Việt giống múa
lân của người Hoa.
Múa tứ linh
Múa tứ linh xưa thường được tổ chức dùng trong các lễ tế thần tại đình, về
sau dùng trong lễ vạn thọ, thánh thọ, thiên thọ, thiên xuân...
Tứ linh gồm 4 con vật là long, lân, quy, phụng.
Nội dung và ý nghĩa của múa tứ linh là thể hiện sức mạnh và quyền lực của
quân vương, sự thanh bình của đất nước, hạnh phúc của muôn dân trong bối
cảnh quốc thái dân an. Tuy vậy, trong điệu múa cũng có nhiều hình tượng khác
thể hiện về hạnh phúc gia đình như những cử chỉ âu yếm của lân cha, lân mẹ.
Tình mẫu tử, phụ tử cũng được tô đậm qua cảnh lân mẹ cho con bú, lân cha
liếm lông và chăm sóc lân con vừa mới chào đời.
Múa lục cúng
Là loại múa nghi lễ, có nguồn gốc từ Ấn Độ do các thiền sư Ấn Độ truyền
sang. Các chùa khi cúng thường dùng múa này để dâng hương đăng, hoa quả,
trà và thực lên tam bảo.
Múa lục cúng thường có 6 người, trong quá trình phát triển múa biến thành
đông người hơn. Đây là loại múa hình tượng, sử dụng những yếu tố xiếc, tạp kỹ
như chồng người, các thế tay được kết hợp với các thế chân và động tác chân.
Thủ pháp là dùng những hình tượng để thể hiện nội dung như cỗ la liệt và cỗ
giác hoàng.
Ngôn ngữ và cấu trúc múa lục cúng khác xa với múa Ấn Độ. Những nét cầu
kỳ hoặc nặng nề của múa Ấn Độ đã được đơn giản hóa.
Giáo dục ở Phú Yên trước năm 1945
Do hoàn cảnh lịch sử, nền giáo dục ở Phú Yên bắt đầu định hình và được tổ
chức với tư cách có cơ quan quản lý Nhà nước, có đội ngũ thầy giáo, có trường
lớp, có chế độ thi cử từ thời Nguyễn.
Giáo dục thời Nho học
Dưới thời Gia Long, tỉnh Phú Yên có duy nhất một trường Nho học, lập vào
đầu thời Gia Long.
Lúc đầu trường nằm ở xã Ngân Sơn (nay thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện
Tuy An). Vào năm 1847, trường được dời về thôn Long Uyên, huyện Đồng
Xuân. Năm 1899, dời về làng An Thổ, khi tỉnh đường dời về Sông Cầu, trường
cũng dời về Long Bình (nay thuộc thị trấn Sông Cầu, huyện Sông Cầu).
Để khuyến khích học trò Phú Yên đi học, năm 1812 vua Gia Long có lệnh
cho học trò Phú Yên được cấp lương đi đường khi dự trường thi Hương ở
Quảng Đức và Bình Định.
Năm 1823, trấn Phú Yên được triều đình bổ chức quan Đốc học trông coi
việc giáo dục. Vị Đốc học đầu tiên là ông Phạm Vũ Phác.
Năm 1832, xét vì số học trò ở Phú Yên ít nên vua Minh Mạng bỏ chức Đốc
học, đặt một Giáo thụ giảng dạy ở trường tỉnh.
Năm 1846, do lời tâu của quan tỉnh rằng học trò ở phủ Tuy Hòa theo học khá
đông, vua Thiệu Trị chuẩn y cho đặt chức Huấn đạo huyện Tuy Hòa. Vào năm
1847, vua Thiệu Trị lại cho đặt chức Đốc học tỉnh Phú Yên. Song năm 1853, tỉnh
Phú Yên đổi thành Đạo, lại bớt chức Đốc học, đặt một Giáo thụ. Năm 1876, khi
Phú Yên được nâng thành tỉnh, triều đình đặt lại chức Đốc học.
Dưới thời Gia Long, để đề cao sự học và Nho học, triều đình đã cho xây Văn
Miếu ở tỉnh và các huyện Tuy Hòa, Đồng Xuân.
Sau thời Gia Long, Phú Yên đã mở thêm một số trường học ở các huyện
như:
- Trường phủ Tuy An ở làng Hội Phú (nay thuộc xã An Ninh, huyện Tuy An).
- Trường phủ Tuy Hòa ở làng Đông Phước (nay là xã Hòa An, huyện Phú
Hòa), lập năm 1846.
- Trường huyện Đồng Xuân ở thôn Khoan Hậu (nay thuộc xã Xuân thọ I,
huyện Sông Cầu), lập năm 1899.
- Trường huyện Sơn Hòa ở làng Củng Sơn (nay là thị trấn Củng Sơn), lập
năm 1899.
Bên cạnh hệ thống trường lớp do Nhà nước thành lập, còn có các trường
học tư do những thầy đồ mở tại làng xã.
Trẻ con khi đi học, được cha mẹ xem ngày tốt, đem lễ vật (gà cồ, gạo nếp,
hoa quả,...) đến thưa với thầy, cúng khai tâm và bắt đầu đi học. Sau khi học ở
các trường tư, lên học ở trường huyện, trường phủ rồi trường tỉnh. Học sinh học
ở trường phủ, huyện được gọi là thí sinh, học trường tỉnh gọi là học sinh.
Học sinh được tham dự kỳ thi Hương, nếu trúng tuyển đậu Cử nhân hay Tú
tài theo thứ tự cao thấp và định số mỗi khoa thi. Những thí sinh xuất sắc hoặc
các ấm sinh cũng được dự kỳ thi Hương. Cho đến khi thời kỳ Nho học chấm dứt,
Phú Yên không có vị nào đậu đại khoa, chỉ có 30 vị Cử nhân, 21 vị Tú tài. Ông
Lê Đức Ngạn người xã Cư Lộ, huyện Đồng Xuân đậu đầu tiên năm 1831 và
khoa thi cuối cùng dưới thời vua Khải Định, Phú Yên có 2 vị đậu Cử nhân và 1 vị
đậu Tú tài.
Giáo dục thời Pháp thuộc
Dưới thời Pháp thuộc, giáo dục ở Phú Yên đặt dưới quyền quản lý của Kiểm
học, là vị quan có thứ bậc sau Tuần vũ và Án sát.
Cả tỉnh có 5 trường tiểu học, 30 trường sơ học.
Trường tiểu học có 5 lớp: lớp đồng ấu (lớp 1), lớp dự bị (lớp 2), lớp sơ đẳng
(lớp 3), lớp nhì nhất niên - nhị niên (lớp 4) và lớp nhất (lớp 5), học trong 6 năm.
Trường sơ học có 3 lớp: đồng ấu, dự bị và sơ đẳng, nhưng một số trường
chỉ có 2 lớp: đồng ấu và dự bị.
Do điều kiện cách trở giao thông nên học sinh Phú Yên đi học cũng không
nhiều, phần lớn là con nhà giàu và con các quan lại mới có điều kiện đi học.
Xưa, chưa có qui định chặt chẽ về tuổi tối đa, tối thiểu cho học sinh tiểu học.
Các thầy giáo căn cứ vào tuổi ta (tuổi tính theo âm lịch) qui ra năm sinh cho học
trò. Cũng có thể thầy giáo tùy ý chọn một năm sinh nào đó, phù hợp với lớp vào
học, người dân gọi tuổi này là tuổi trường. Nhiều học sinh chưa có tên, hoặc tên
xấu, thầy giáo đặt cho một cái tên mới. Khi đi thi, học trò làm một chứng thư khai
sinh, có Lý trưởng chứng nhận và đưa ra Công sứ ký.
Năm 1920, Pháp mở trường tỉnh tại Sông Cầu nhưng đến năm 1923 mới có
lớp nhì, lớp nhất. Tại phủ Tuy Hòa, trường tiểu học cũng thành lập năm 1920;
năm 1923 mới có lớp nhì, năm 1929 - 1930 mới có lớp nhất.
Trường tiểu học phủ Tuy An lập năm 1920, tại Ngân Sơn, xã An Thạch đến
1932 mới có lớp nhì.
Trường tiểu học Đồng Xuân lập năm 1937 tại La Hai.
Trường tiểu học Bàn Thạch (xã Hòa Xuân) lập năm 1940.
Người đậu khai khoa bằng Primaire (tiểu học) ở Phú Yên là ông Lê Hoàng
Hà, ông học trường Hậu Bổ ở Huế, đỗ năm 1920. Năm 1921, ông Quách Đình
Liên cũng đậu bằng Primaire ở Huế. Từ năm 1922 về sau, mỗi năm Phú Yên có
từ 4 vị trở lên đậu Primaire. Người phụ nữ Phú Yên đậu Primaire đầu tiên là bà
Võ Thị Trang, tốt nghiệp năm 1923, nhưng không tiếp tục học lên nữa.
Người đậu thành chung (Diplome) đầu tiên là ông Trần Sĩ (1929). Đậu tú tài
đầu tiên là ông Nguyễn Tích, Trần Kỳ Doanh (1929). Người thi đậu Đại học đầu
tiên là ông Trần Ngũ Phương sau đó là ông Trần Suyền (1943).
...................
Trích từ Thuvienhaiphu
(tít bài blog: TC)