TRÒ CHƠI DÂN GIAN
Cũng như các sinh hoạt văn hóa tinh thần, trò chơi dân gian là một nhu cầu
văn hóa do con người sáng tạo ra trong quá trình lao động, sản xuất. Song nó
cũng trải qua một quá trình phát sinh, phát triển và biến đổi nhằm thích nghi với
điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và môi trường sống của con người. Do vậy
trong quá trình đó, có trò chơi được bảo tồn, có trò chơi được cải tiến hoặc đổi
mới, có trò chơi không còn phù hợp nên dần dần mất đi. Vì thế, việc sưu tầm và
giới thiệu diện mạo trò chơi dân gian Phú Yên không tránh khỏi những thiếu sót
và hạn chế.
Phần này chỉ giới thiệu một số trò chơi tương đối phổ biến trong cộng đồng
người Việt và các tộc người thiểu số đang sinh sống ở Phú Yên.
Sấp - Ngửa
Sấp-Ngửa là hai tiếng nói tắt để chỉ một vật nào đó úp mặt xuống hay ngửa
mặt lên như bàn tay, đồng tiền, mảnh sứ...
Cách chơi Ba bạn cùng chơi đứng quay mặt vào nhau, một bàn tay (thuận) nắm chặt,
cùng đồng thanh ba tý xùm - bum tý xà, cứ xướng lên một tiếng thì bàn tay đưa
qua đưa lại lên tiếng “xà” cuối cùng thì “ra”, tức là chìa bàn tay ra đồng loạt (úp
sấp hay lật ngửa bàn tay): hai sấp một ngửa thì ngửa thắng hoặc ngược lại.
Nhiều người cùng chơi thì loại dần.
Ba tiếng xùm/Oản-Tù-Tì
Ba tiếng xùm (hay ba tý xùm) là ba tiếng đầu trong câu “ba tiếng xùm- bum
tiếng xà” mà các em cùng xướng rập ràng trong khi chơi. Ba tiếng đầu không rõ
nghĩa, ba tiếng sau nói lái ba tiếng trước nên càng không rõ nghĩa, chỉ như một
hiệu lệnh đơn thuần.
“Ba tiếng xùm...” là trò chơi thường dùng để hai người tranh ngôi thứ trước
sau khi bắt đầu một trò chơi nào đó, như kiểu tung đồng tiền chọn mặt sấp,
ngửa, bốc thăm hiện nay, nên rất thông dụng. Nhưng với tuổi lên bốn lên sáu thì
ba tiếng xùm... còn là trò chơi để rèn luyện sự nhanh trí, tìm hiểu công dụng của
đồ vật.
Bắt ve
Bắt ve (còn gọi là ve ve), là trò chơi dành cho những em bé mới chập chững,
chưa nói thạo. Thường, các em xúm xít quanh bà, quanh mẹ hoặc một người
lớn (có khi bé nào được cưng nhất còn ngồi gọn trong lòng bà).
Cách chơi
Bà ngửa một bàn tay ra, mỗi em dùng ngón tay trỏ gí vào lòng bàn tay,
miệng kêu ve ve...
Trong khi làm ve kêu và gí ngón tay vào lòng bàn tay, phải luôn chú ý vì
chưa biết lúc nào, ngón tay mình sẽ bị nắm lại. Ngón tay người nào bị nắm,
được coi như thua.
Chi chi chành chành
Chi chi chành chành là câu đầu của bài đồng dao các em hát trong khi chơi.
Cách chơi
Một em ngửa bàn tay ra, các em khác dùng một ngón tay trỏ vào và cùng
nhau vừa hát vừa chọc ngón tay theo nhịp (cũng có thể chỉ một mình em làm cái
hát) bài:
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba phương thượng đế
Chấp chế thượng hạ
Ba chạ đi tìm
Ú tim: ập !
Bài đồng dao này có nơi hát :
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết chương
Ba vương ngũ đế
Cấp kế đi tìm
Ù...à... ù ập !
- Trong khi hát, các bạn chơi phải chú ý đến câu cuối, đúng vào tiếng ập,
phải nhanh chóng rút ngón tay ra và cũng chỉ chờ đến tiếng ập thì bàn tay chủ
cái lập tức nắm lại.
- Ai bị nắm lại là thua.
Cút - kiếm
Cút-kiếm là phương ngữ, đồng nghĩa với trốn-tìm, các tỉnh phía bắc gọi là ú -
tìm. Trò chơi không phân biệt nam nữ, khoảng 8-10 em cùng chơi với nhau.
Chỗ chơi thường là trong sân, vỉa hè... nơi rộng rãi và có nhiều ngóc ngách
nhưng sạch sẽ, để trốn cho kín đáo.
Trước hết các em cùng nhau giao ước luật chơi như:
- Phạm vi trốn (thường chỉ với nhau từ đâu tới đâu).
- Thời gian đi trốn.
- Người đi kiếm phải tự mình nhắm mắt, không được ti hí, giả đò nhắm và
miệng đếm liên tục đến con số quy định mới được mở mắt ra và chạy đi kiếm.
- Người kiếm, nếu phát hiện được bạn nào cút ở đâu thì “xùm” hoặc nói rõ
nơi bạn đang cút (tùy giao ước). Người bị bắn xùm phải vào thay, lần chơi khác
lại bắt đầu.
Nếu không tìm được ai, thì người kiếm hô lên “chịu thua”. Các bạn từ nơi cút
ùa ra..., lần chơi khác lại tiếp tục...
Rồng rắn
Rồng rắn là hai tiếng mở đầu của bài hát đồng dao.
- Trẻ em từ 5 đến 8 tuổi, nam nữ cùng chơi.
Tất cả các em ôm ngang bụng một hàng dọc thành rồng rắn. Xong đâu đấy,
rồng rắn vừa lượn vòng vèo trước mặt thầy thuốc vừa hát:
Rồng rắn lên mây
Có cái cây núc nác (lúc lắc)
Có cái bác nhà binh
Có ông chủ ở nhà không ? Thầy thuốc trả lời: ông chủ không có nhà.
Vừa trả lời dứt câu, thầy thuốc tìm cách đuổi bắt khúc đuôi (tức bạn đi sau
cùng), trong khi đó, rồng rắn phải cố chạy, khúc đuôi thì cố tránh xa thầy thuốc,
còn khúc đầu, khúc giữa thì cản thầy thuốc không cho bắt bạn cuối hàng...
Cứ như vậy, bên tránh, bên đuổi bắt reo hò vui vẻ, cho đến lúc có một bên
thua (bắt được đuôi hay là rồng rắn bị đứt), trò chơi kết thúc.
Trong khi đuổi bắt, chỉ người dẫn đầu mới được dùng tay cản thầy thuốc,
người khác chỉ có chạy, không được buông tay, rời tay.
Chồng bông sen
Chồng bông sen là câu đầu bài hát đồng dao (có nơi gọi là chồng nụ chồng
hoa). Trò chơi không hạn chế số người, không phân biệt nam nữ, thích hợp với
lứa tuổi nhi đồng.
Cách chơi
Chia bạn chơi thành hai bên, một bên nhảy, một bên làm bông sen.
Nếu có nhiều bạn chơi thì chọn hai người làm bông sen, các bạn khác cùng nhảy.
Bên nhảy không được chạm vào bông sen, dù để quần áo chạm vào cũng
phạm luật.
Các bạn đều nhảy qua được hết, coi như thắng.
Một trong các bạn nhảy bị dính, thì cả nhóm bị thua.
Nếu thắng hoàn toàn thì phải sấp ngửa hoặc oản tù tỳ để chọn bạn làm bông
sen.
Nhảy cò cò
Nhảy cò cò là trò chơi của những em bé từ 4 - 6 tuổi nhằm rèn luyện thể
chất, hoàn thiện bước đi, bước nhảy của mình.
Cách chơi
- Một chân co lên như con cò đang ngủ/nghỉ, có thể quặt chân ra sau lưng rồi
dùng tay kia chéo xuống, nắm chắc ngón chân cái của chân co, thuận chân nào
thì co chân đó.
- Sân rộng thì cò cò vòng quanh sân, sân hẹp thì vẽ mức ở hai đầu.
- Các em thi nhau cò cò, ai nhảy được nhiều vòng mà không chấm chân cò
xuống đất, không ngã là được.
Đá gà - cò cò huých
Đá gà hay cò cò huých là trò chơi của các em từ 6 đến 10 tuổi.
Động tác nhảy cò cò - chỉ nhảy bằng một chân (tùy chân thuận của người
chơi), chân kia quặt ra sau lưng rồi chéo tay kia ra sau lưng, dùng bàn tay nắm
chắc ngón chân cái. Quặt chân mặt thì nắm tay trái, nếu quặt chân trái thì nắm
tay mặt.
Trò chơi này có thể chơi theo hai cách, chia từng cặp một hoặc chia thành
hai bên, tùy giao ước.
- Nếu huých đơn thì khi trọng tài giơ tay ra hiệu, hai đối thủ từ mức xuất phát
nhảy cò cò ra mức giữa sân chơi. Động tác như đã nói trên và dùng mông huých
vào nhau.
- Nếu huých đồng loạt thì tất cả cùng cò cò ra giữa sân và từng cặp huých
nhau, bên nào có nhiều người ngã là bị thua.
- Bạn nào sau cùng không ngã được coi như người khỏe nhất.
- Bên thắng được bên thua cõng chạy một vòng quanh sân.
Chụp chen
Chụp chen hay chập chen chập chườn là những tiếng mở đầu của một bài
đồng dao mà các em đồng thanh hát, nhằm giữ nhịp cho trò chơi được rập ràng,
thêm lý thú.
Cứ ba hay bốn em hợp thành nhóm cùng chơi.
Nhảy năm tiền
Nhảy năm tiền là những câu mở đầu của một bài đồng dao. Trẻ em từ 8 tuổi
trở lên, cả trai lẫn gái cùng vui chơi, bao nhiêu em cũng được. Trò chơi không
chỉ đòi hỏi sức khỏe, sức bật của đôi chân mà đòi hỏi sự nhanh nhạy, gan dạ.
Cách chơi
Chia số bạn chơi thành hai nhóm đều nhau.
Bắt cái để tránh phần “bị”.
Nhóm thắng nắm lấy tay nhau, vây thành một vòng tròn.
Nhóm bị đứng trong vòng tròn.
Nhóm vây vòng tròn vừa nắm tay nhau vừa hát.
- Mỗi nhịp câu hát cả vòng cùng nhảy đều một bước về một bên, làm cho
vòng tròn, người vừa nhấp nhô vừa xoay đều theo nhịp hát...
- Hát hết bài, lại hát lại từ đầu (hát lượt khác) và vòng tròn nhảy ngược chiều
trở lại...
- Nhóm bị bên trong phải sẵn sàng chờ cho bài hát tới nhịp “năm quan” thì
nhảy qua tay bạn thoát ra ngoài vòng.
Có nơi, khi bài hát được hát lại lần thứ hai, thứ ba...thì việc nhảy ra ngoài
không đợi đến năm quan nữa, nhưng có nơi buộc phải chờ tới nhịp năm quan.
Vật tay
Đây là trò chơi thông dụng đối với cả nam nữ (chủ yếu là nam) và cho mọi
lứa tuổi. Vật tay không đòi hỏi sân chơi, chỉ cần một cái bàn nhỏ hay một chiếc
ghế (đẩu)... kê đủ hai cùi chỏ tay là được. Thậm chí, có khi ngồi trên giường,
hoặc ngồi bệt xuống đất để hai cùi chỏ lên hai đầu gối là có thể thi tài.
Tuy trò chơi chỉ có hai người, nhưng luôn hấp dẫn, bởi được các bạn reo hò
cổ vũ hết sức nồng nhiệt và sôi nổi.
Vật chân
Vật chân là trò chơi góp phần rèn luyện sức khỏe, sức chịu đựng bền bĩ
không chỉ đôi chân mà cả thân người. Trò chơi vật chân thích hợp với mọi lứa
tuổi, nam nữ đều có thể tham gia.
Luật chơi vật chân thường được thỏa thuận giữa hai người chơi với những
quy ước cụ thể sau đây:
- Vị trí ngồi không được xê dịch, nhất là bàn chân trái.
- Hai tay không được chống xuống sân chơi (nhất là tay phải chống về bên
phải) để tạo điểm tựa, thêm sức mạnh.
- Thân luôn ngồi thẳng hay được nghiêng ngả.
- Chỉ vật một lần hay ba lần để phân thắng thua.
Chim bay...cò bay...
Chim bay...cò bay... là một trò chơi tập thể, phù hợp cho cả nam và nữ từ độ
tuổi mẫu giáo đến thiếu niên, thanh niên. Ngoài việc góp phần rèn luyện thân
thể, trò chơi còn giúp cho trẻ em hiểu biết thêm về vạn vật, tự nhiên, luyện khả
năng suy nghĩ, hành động qua phân tích, không bị ảnh hưởng của phản xạ tự
nhiên theo thính giác hoặc thị giác.
Cách chơi
Người quản trò hô to: chim bay, đồng thời nhảy lên, hai tay vung cao (như
chim bay), mọi người cùng hô và làm theo... Sau đó, người quản trò hô tiếp: cò
bay ! gà bay ! ngỗng bay !...và mỗi lần hô đều nhảy và vung tay lên cao... để mọi
người làm theo, bất chợt, người đó hô: nhà bay, hay ngựa bay ! và cũng nhảy,
vung tay lên để đánh lừa... Nếu bạn nào hô và nhảy theo (tức làm sai) sẽ bị phạt.
Cũng có khi bạn cầm cái hô “quạ bay !” nhưng lại ngồi thụp xuống... Nếu ai làm
theo (tức làm sai) cũng bị phạt.
Người bị phạt có thể phải chạy một vòng, có thể phải hát một bài...tùy quy định.
U tù
U tù hoặc u mọi, có nơi gọi là chơi ù, là trò chơi tập thể của nam nữ thiếu
niên, thanh niên, nhằm rèn luyện sự nhanh nhẹn khi đuổi bắt, tránh trớ và cả sức
bền.
Số bạn chơi có thể đến 15-20 bạn.
Sân chơi rộng rãi, thoáng mát, không có vật cứng, gồ ghề, nên chọn bãi cỏ,
bãi cát... là tốt nhất.
Cách chơi
- Chia số bạn chơi thành hai bên, mỗi bên cử người ra oãn tù tỳ hay sấp -
ngửa để giành ưu tiên u trước.
- Mỗi bên đứng phía sau mức xuất phát của bên mình thành một hàng
ngang, tự phân công ai chơi trước, ai chơi sau để khi có lệnh thì lập tức xuất
phát sang phía bên kia để bắt tù.
- Khi rời vạch xuất phát, miệng người chơi phải vừa u...u...u.. liên tục vừa tìm
mọi cách để bắt tù - tức là đập nhẹ, chạm vào bất kỳ người nào của bên B - một
hay nhiều người càng tốt. Chạm trúng ai thì người đó chết, coi như bị bắt tù,
phải sang đứng phía sau hàng bên A để ở tù.
Trong khi đó, tất cả người bên B tìm mọi cách bắt giữ người bên A u sang.
Nếu người đang u bị bắt giữ trên phần sân của bên B mà tắt hơi (tắt tiếng u) thì
phải ở tù cho bên B. Trường hợp người bên A u sang bị bắt, nhưng nhờ sức
khỏe hoặc nhanh nhẹn vùng ra được chạy về phần sân của mình mới đứt hơi,
thì những ai đã chạm vào người u đó đều bị tù.
Những bạn bị tù mà được người bên mình u sang chạm trúng thì coi như
sống, trở về cùng chơi bình thường. Muốn cứu tù, thì các bạn bị tù và người u
sang lợi dụng lúc đối phương sơ hở, tạo điều kiện, phối hợp với nhau.
Hai bên thay phiên nhau chơi đến khi nào một bên bị chết hết, hoặc chịu
thua thì kết thúc.
Đấu ngựa
Đây là trò chơi tập thể, ít nhất có bốn bạn chơi, chia làm hai bên. Một con
ngựa đấu gồm hai bạn, một bạn làm ngựa và một bạn cưỡi. Tùy số bạn chơi đông
hay ít mà chọn sân chơi thích hợp. Điều cần thiết là sân chơi phải sạch sẽ, bằng
phẳng, di chuyển dễ dàng, tránh gồ ghề, dễ vấp ngã. Nơi hai đầu sân kẻ hai vạch
xuất phát, cách nhau ít nhất 10 mét. Giữa sân kẻ đường ranh giới hai bên.
Cách chơi
- Người và ngựa bên nào đứng sau vạch xuất phát của bên đó.
- Nếu cùng lúc có nhiều cặp cùng chơi thì ngựa đứng trước, người cưỡi
đứng sau và hai bên cùng điểm số để biết rõ đối thủ của mình.
Có hai cách chơi:
- Từng đôi đấu với nhau.
- Tất cả cùng ra quân và cùng đấu.
Chặt cây dừa, chừa cây mận
Chặt cây dừa, chừa cây mận là trò chơi của các em thiếu nhi. Đồ chơi chỉ là
cái cây nhỏ như cái roi, dài non mét. Sân chơi không cần rộng, ở góc sân, trước
thềm, dưới bóng mát trong vườn đều tổ chức trò chơi được.
Cách chơi
Các em ngồi vòng tròn, dựng cây ở giữa, tất cả cùng đưa tay nắm vào, từ
dưới lên trên và theo thứ tự giáp vòng, hết tay trái rồi tay phải.
Em nào có bàn tay phải cuối cùng (trên hết) là em được chỉ vào bàn tay của
các em cùng chơi đang nắm trên cây và các em cùng nhau hát bài đồng dao:
Chặt cây dừa
Chừa cây mận
Chống cây đao
Cây nào cao
Cây nào thấp
Cây nào rập
Cây nào rào
Mùng tơi chín đỏ
Cà cọ chín đen
Đường phèn chín thụt
Mắc hơi trời đánh
Mang gánh mang gồng
Mang gông chết chém
Ném bụi thúi ình
Cọp tha ma bắt (giấu)
Bỏ giẻ
Trò chơi này dùng đồ chơi là một miếng giẻ để người chơi cầm đi bỏ.
Bạn đi bỏ giẻ tay cầm giẻ (khăn) gọn trong nắm tay, di chuyển nhẹ nhàng
phía sau lưng bạn chơi. Vừa đi vừa quan sát và bí mật bỏ mảnh giẻ ngay sau
lưng một bạn nào đó và tiếp tục di chuyển bình thường...
Trường hợp bạn này không biết thì đi giáp vòng, tới nơi đã bỏ giẻ, đập nhẹ
vào vai bạn này báo cho biết. Bạn này lập tức đứng lên chịu phạt, thường là
nhảy cò cò giáp vòng.
Trường hợp bạn này phát hiện được thì lập tức cầm ngay miếng giẻ đứng lên
và đuổi theo, đập nhẹ vào vai bạn bỏ giẻ thì bạn bỏ giẻ bị thua, phải ngồi vào thế
chỗ. Nếu đuổi giáp vòng mà không đập trúng vào vai bạn thì phải chịu phạt.
Bịt mắt bắt dê
Đây là trò chơi của nhiều lứa tuổi, từ mẫu giáo đến thanh thiếu niên, cả nam
nữ cùng chơi.
Cách chơi Chọn một người điều khiển cuộc chơi.
Chọn một người đóng vai dê và một người đóng vai người bắt dê.
Tất cả bạn chơi xếp thành vòng tròn, nắm tay nhau đứng xung quanh. Hai bạn đóng vai bắt dê và vai dê đều bịt mắt bằng một chiếc khăn.
Sau khi bịt mắt, người điều khiển dẫn hai bạn chơi ra xa nhau. Khi có hiệu lệnh bắt đầu chơi, bạn đóng vai dê vừa di chuyển phải vừa giả
tiếng dê kêu be be... để bạn đi bắt nghe.
Cướp cờ
Cướp cờ là trò chơi tập thể của lứa tuổi thiếu niên, đồ chơi có thể là chiếc
khăn tay, miếng giẻ, nhành lá... giả làm cờ.
Cách chơi
- Vạch hai đường thẳng ở hai đầu sân làm vạch xuất phát.
- Giữa sân kẽ một vòng tròn, đường kính khoảng một mét.
- Cờ được đặt giữa tâm hình tròn.
- Chọn người điều khiển cuộc chơi (nếu không có thầy giáo, cô giáo, người
lớn thì chọn bạn có năng lực).
- Chia số bạn chơi thành hai bên đều nhau bằng cách thỏa thuận hoặc ba
tiếng xùm, bạn thắng một bên, bạn thua một bên.
- Hai bên xếp hàng ngang sau vạch xuất phát ở hai đầu sân.
Theo lệnh người điều khiển, hai bên đếm số bằng cách tự hô số theo thứ tự
từ 1 đến hết. Ai đếm số nào thì mang số đó.
- Khi nghe gọi, bạn nào mang con số đó lập tức chạy nhanh ra nơi vòng tròn
đặt cờ, tìm cách cướp cờ. Bạn cướp được cờ nhanh chóng chạy về chỗ cũ bên
mình, bạn kia đuổi theo tìm cách đập nhẹ vào người bạn cướp cờ. Nếu bạn
cướp được cờ về tới nơi mà không bị bạn kia đập trúng là thắng, bị đập trúng là
thua.
Người điều khiển ghi điểm và tiếp tục gọi số khác ra tranh tài.
Bắt vịt dưới nước
Đây là trò chơi của những người dạn dày sông nước, giỏi bơi lặn, sức khỏe
dồi dào và thường dành cho thanh thiếu niên. Vào những ngày lễ, ngày Tết
nhiều nơi tổ chức trò chơi này, số người chơi không hạn chế.
Địa điểm tổ chức thường là ao hồ hoặc một vũng nước trên sông.
Cách chơi Thả phao (thường là những cây tre, bương to) vừa giới hạn khu vực vừa có
ý nghĩa bảo đảm sự an toàn.
Thả vào đó một số con vịt, thường khoảng 5 đến 10 con.
Những người chơi đứng cùng một vị trí trên bờ, khi có hiệu lệnh mới đồng loạt
lao xuống nước. Thường, mỗi lần chơi không quá bốn người và kéo dài không quá
10 phút. Trong thời gian đó, người chơi tìm mọi cách bắt được vịt dưới nước.
Hết thời gian quy định phải lên bờ, nhóm khác xuống chơi.
Một số nơi, do địa điểm và người chơi hạn chế, mỗi lần chơi chỉ một hoặc hai
người.
Nhảy dây
Là trò chơi phổ biến của trẻ em từ 5-6 tuổi, nữ thích chơi hơn nam. Đồ chơi
là một sợi dây dừa, dây nhựa, dây cao su.
Các cách nhảy dây Nhảy dây từng bạn một là cách chơi của trẻ em nhỏ tuổi, mới tập chơi. Từng
bạn một, lần lượt thay nhau nhảy, hai hay nhiều bạn khác đứng bên cạnh đếm
số lần nhảy, ai nhảy được nhiều lần nhất là hơn.
Hai bạn nhảy cùng một dây là cách chơi phối hợp ăn ý giữa hai bạn với
nhau. Các bạn khác bên ngoài cùng đếm số bước nhảy... đến khi bị vấp dây, đôi
bạn khác vào thay... Đôi nào có số lần nhảy nhiều hơn là thắng.
Nhiều bạn cùng nhảy dây trên một dây (nhảy dây tập thể) khác với hai cách nhảy
dây trên. Dây dùng để nhảy phải dài, hai bạn cầm dây đứng cách xa nhau, cùng quay
đều cho dây dập đất rồi vòng lên cao, sao cho hai, ba, có khi cả bốn bạn cùng vào
nhảy một lúc được dễ dàng... Chỉ khi bạn nào vướng dây mới dừng và quay lại từ đầu.
Kéo co
Kéo co là trò chơi tập thể cho cả nam, nữ ở nhiều độ tuổi, nhằm tăng cường
sức khỏe cơ bắp và rèn luyện sự kiên trì, bền bĩ, sự phối hợp đồng bộ của tập
thể. Đồ chơi là một đoạn dây thừng, buộc vải màu, đánh dấu tại điểm giữa và hai
điểm cách đều hai bên trên dây làm giới hạn của bàn tay nắm. Dây dài, ngắn,
nhỏ, to... tùy theo độ tuổi và số người chơi. Sân chơi thường rộng rãi, thoáng
mát hoặc khoảng đất trống... Giữa sân vạch một đường ngang đánh dấu phần
sân hai bên. Số người chơi không hạn chế.
Cách chơi - Chọn một người điều khiển cuộc chơi. - Chia số người chơi thành hai bên đều nhau, mỗi bên chọn một người chỉ
huy (đội trưởng).
- Hai đội đứng vào hai đầu dây, thành hai hàng so le, hai tay nắm chặt sợi
dây, người hơi ngã về phía sau, chân trước choài ra, chân sau làm trụ.
- Sau khi người điều khiển kiểm tra điểm giữa sợi dây nằm đúng trên vạch
giữa sân thì giơ tay (hoặc cờ) báo hiệu cho hai bên chuẩn bị.
- Khi có lệnh, mọi người lập tức kéo dây về phía mình.
- Đang kéo có người ngã thì bị thua.
Đẩy gậy
Đẩy gậy là trò chơi cho từng đôi. Người chơi phần lớn là thanh niên, thiếu niên
nhằm rèn luyện cơ bắp - nhất là đôi tay và tư thế hợp lý toàn thân. Đồ chơi là một
cây gậy tròn, dài khoảng một mét, to vừa nắm, bào thật láng, không có vết sướt.
Sân chơi rộng đủ vẽ một vòng tròn, có đường kính từ 2 đến 5m (tùy thỏa thuận)
và đủ chỗ cho những bạn chơi khác đứng vòng quanh cổ vũ động viên...
Cách chơi - Chọn người điều khiển (trọng tài).
- Hai bạn chơi bước vào vòng tròn, nắm chắc lấy gậy theo tay thuận của
mình. Hai tay trước của hai người nắm sát nhau tại điểm giữa cây gậy. Hai đầu
gậy luôn chệch khỏi thân người để tránh chấn thương. Tư thế thân người và hai
chân hơi chồm vào nhau.
- Khi có hiệu lệnh, hai bạn bắt đầu đẩy.
- Bạn nào bị ngã, chân lùi ra ngoài vòng tròn là thua.
Đẩy gậy - một trò chơi dân gian
Đá gà cỏ
Gà cỏ là các loại cỏ thân dây nhỏ mà chắc, nơi ngọn kết thành một chùm lá
cứng tròn bằng đầu các ngón tay, nhọn xòe ra một vài phân giống như đuôi gà.
Loại cỏ này thường mọc nhiều trong vườn, trên gò, bên bãi, trên vệ đường, nơi
bờ ruộng... Các bạn nhỏ rủ nhau đi nhặt lấy con gà. Khi mỗi bạn có được năm
mười con thì xúm lại dưới bóng mát, chơi đá gà cỏ.
Cách chơi
- Mỗi lần chơi có hai con gà (hai bạn).
- Dùng trò chơi ba tiếng xùm hay sấp ngửa để giành quyền được đá trước.
Bạn nào bắt cái thua thì đưa gà ra trước mặt cho bạn kia cầm gà quất vào.
Sau đó, đổi phiên nhau, quất cho tới khi gà nào rụng là thua.
Trò chơi đơn giản, được thua không lệ thuộc nhiều vào sức quất hay cách quất,
mà chủ yếu do độ bền chắc của những con gà cỏ trong thiên nhiên nhổ được.
Đá dế
Đây là trò chơi được trẻ em, không chỉ ở vùng thôn quê mà ở đô thị cũng ưa
thích. Các em rủ nhau đi bắt dế dưới những luống cày, thân cây ủ mục, dưới
quả bí, dưa.
Đá dế không đòi hỏi sân bãi, chỉ cần một khoảng rộng trước thềm, trên sân,
giữa nhà, trên mặt bàn...đôi khi hứng chí túm tụm nhau bên vệ đường đá vẫn
hấp dẫn.
Cách chơi Hai bạn thả hai dế ra sân, nhìn thấy đối thủ, chúng xông vào nhau, dùng hai
bộ răng như cặp gọng kìm đen sắc nhọn siết vào. Đôi khi, một trong hai con
quay ngoắc rất nhanh, bật đôi càng đầy gai nhọn vào đầu đối thủ...Có lúc, nhìn
thấy đối thủ kia chúng chưa xông vào ngay mà vểnh râu, rung cánh gáy vang
như uy hiếp đối phương.
Đá kiện Trò chơi rất hấp dẫn của các em ở lứa tuổi thiếu niên, thanh niên. Đá kiện
tuy không đòi hỏi sức lực nhiều nhưng luôn vận động toàn thân, chủ yếu là nâng
cao kỹ năng, đón đỡ chính xác trái kiện đang di động, sự khéo léo uyển chuyển
của chân tay. Đặc biệt là động tác lắc, bật của bàn chân khi điều khiển trái kiện
theo ý muốn.
Đá kiện không chỉ đá bằng chân mà còn bằng tay, hoặc chân tay kết hợp,
cho phép đỡ nơi trán, ngực, lắc vai, co tay đánh cùi chỏ, ngửa cánh tay bật nơi
khuỷu, tung kiện trên đầu gối...với rất nhiều động tác khéo léo mang tính nghệ
thuật.
Sau đây là những cách đá kiện:
- Ngửa bàn tay.
- Sấp - ngửa bàn tay.
- Đá cùi chỏ.
- Đá lòn tay qua một chân.
- Đá lòn tay qua hai chân bằng hai tay.
- Đá bằng má trong hoặc lòng bàn chân.
- Đá bằng má ngoài bàn chân.
Đánh đáo
Là trò chơi của trẻ em ở tuổi thiếu niên, chủ yếu là nam. Trong trò chơi chỉ
dùng một loại tiền đồng đều nhau, thường là tiền ăn ba vừa nhỏ, vừa mỏng và
một hòn chì, cũng có người dùng đồng xu đỏ, nhưng rất hạn hữu.
Sân chơi là sân nhà, sân trường, một khoảng đất trống bằng phẳng, sạch sẽ.
Đầu sân chơi, kẻ một đường ngang chừng một mét làm giới hạn cho người chơi,
cách đường ngang này chừng một sải tay, gạch tiếp một đường ngang song
song gọi là mức.
Ở phía trước mức chừng bốn mươi phân, dùng đồng tiền khoét một lỗ tròn
vừa đủ cho đồng tiền lọt xuống, gọi là lỗ đáo.
Cách chơi
Bạn được chơi đầu tiên cầm tất cả số tiền kẽm các bạn gộp vào trên tay,
đứng phía sau vạch giới hạn, lia số đồng kẽm bay về phía trước mức gọi là đi.
Khi đi và cả khi đánh không được dẫm lên vạch, dù chỉ một ngón chân.
Sau khi lia xong, sự phân bố các đồng kẽm xảy ra có mấy hiện tượng:
- Tất cả các đồng kẽm nằm ở phía trước mức.
- Có một hoặc nhiều đồng nằm gọn dưới lỗ đáo.
- Có một hoặc nhiều đồng nằm ở phần miệng lỗ đáo.
- Có hai, ba hoặc nhiều đồng nằm chồng lên nhau thành một cụm, hiện
tượng này gọi là chồng.
- Có hai, ba hoặc nhiều đồng nằm sít vào nhau, hiện tượng này gọi là dính.
- Có đồng nằm cán mức. - Có đồng nằm phía sau mức.
Cách xử lý từng trường hợp:
- Đồng kẽm nào nằm gọn dưới lỗ đáo thì bạn chơi được ăn.
- Đồng nào nằm kề miệng lỗ đáo thì bạn chơi dùng hòn chì của mình ném
cho bay khỏi lỗ mà không va vào bất cứ đồng kẽm nào khác thì được ăn.
Trường hợp ném trúng mà đồng kẽm rơi xuống lỗ đáo hoặc bay đi và chạm vào
đồng kẽm khác hoặc ném không trúng thì mất lượt.
- Có một chồng thì dùng hòn chì đánh cho tan. Nếu có đồng nào khi tan ra
mà chạm vào đồng khác thì không những không được ăn mà còn mất lượt. Nếu
có hai hay ba chồng thì bạn chơi chỉ chồng nào thì đánh chồng đó.
Đánh bi
Là trò chơi chủ yếu dành cho nam thiếu niên. Mỗi bạn chơi, ít nhất có vài hòn
bi, phòng khi thua. Bạn nào lỡ thua hết thì mượn bạn hoặc mua để chơi tiếp.
Trước khi chơi, các bạn cùng nhau thỏa thuận luật chơi và tranh thứ tự nhất,
nhì...bằng cách tỳ ngón cái vào một lỗ và bắn bi vào lỗ kia. Bi của bạn nào nằm
dưới lỗ là nhất, bi ai gần lỗ hơn được xếp trên, ai xa hơn xếp thấp dần. Trường
hợp có hai bạn nhất thì đi lại...
Tuy đánh bi có ăn có thua nhưng điều này không quan trọng, chủ yếu là phô
diễn tài nghệ bắn trúng đích từ xa. Bắn liếc cạnh cho bi bạn lăn từ từ vào lỗ, bắn
như trái phá cho bi bạn bay tít ra xa, tính toán góc độ để bắn một mà đẩy được
hai ba...điệu nghệ như ngày nay các tay cơ chơi bi da nghệ thuật.
Vài thập kỷ lại đây, các em cũng có trò chơi bi nưng gọi là “bi ve” và động tác
chơi, cách chơi không giống như cách chơi thuở trước.
Đánh trổng
Đánh trổng có nơi gọi là đánh khăng, là trò chơi của trẻ em nam có sức khỏe
tốt và mạnh mẽ. Đồ chơi là hai đoạn gỗ nhỏ, một đoạn dài trên dưới 30 phân gọi
là trổng mẹ và một đoạn ngắn hơn 10 phân gọi là trổng con. Thân và đầu trổng
đều được gọt chuốt trơn tru, không để vết xước.
Bạn chơi đánh trổng không chỉ đòi hỏi phải nhanh mắt, nhanh tay, khéo léo
thực hiện những động tác đạt mức chính xác cao, mà còn phải có phản xạ tốt để
tránh né hoặc đón bắt trổng con đang bay vun vút. Có lẽ vì vậy nên từ xưa đã có
câu “đánh trổng đem u, đánh cù lỗ óc”.
Nơi chơi trổng thường rộng, thoáng. Tại một đầu khoét một lỗ hình hột xoài,
dài chừng 10 phân hướng về đầu bên kia và bề ngang nơi rộng nhất chừng 5-6
phân, chỗ sâu nhất chừng 4-5 phân, đây là lỗ bắt đầu đánh trổng.
Các động tác chính:
- Ne
- Dích
- Chém
- Nảy hay nẩy
- Bắt hay bắt trổng con
- Ném
- Phạt
Cách chơi
- Hai bạn hay bốn năm bạn cùng chơi, số bạn chơi chẵn thì chia thành hai
nhóm, lẻ thì chơi từng người.
- Thỏa thuận điểm dừng của một ván (ví dụ: 100 điểm 1 ván thì bạn nào tới
số điểm đó là thắng, bạn ít điểm nhất phải chịu phạt).
- Thỏa thuận một thước là một điểm hay mấy thước một điểm.
- Khi đo, đoạn cuối cùng không đủ thước thì bỏ hay thêm.
- Hình thức phạt (đem u).
Đánh cù
Có nơi gọi là chơi quay, là trò chơi của nam thiếu niên, giúp các em thêm
tinh mắt và rèn luyện kỹ năng khéo léo đôi tay. Đồ chơi là một con cù hay con
quay đẽo bằng loại gỗ chắc, hình tròn, trên to, dưới nhỏ dần và nhọn đít, giữa
tâm đóng một cái đinh nhọn nhô ra chừng non một phân. Để cù quay, phải dùng
sợi nhợ quấn, giật. Sân chơi không cần rộng nhưng bằng phẳng, có thể hai bạn
hoặc 5 - 6 bạn cùng chơi.
Trước khi vào cuộc chơi, chọn người thả cù (tức là giật cho con cù quay tít
dưới sân chơi) xuống trước cho các bạn đánh. Trong trò chơi đánh cù, việc chọn
cái, sắp xếp trước sau bằng cách tất cả đều thả cho cù quay, cù của bạn nào
quay lỏng (tức là không quay tít ) hoặc ngã sớm nhất thì phải thả cù trước cho
các bạn đánh.
Cũng có lúc thỏa thuận với nhau mỗi người lần lượt thả cù vào cho các bạn
đánh...
Đánh lục bộ
Trò chơi phổ biến trong dân gian, phù hợp với mọi lứa tuổi và có thể chơi
trong những lúc rảnh rỗi công việc. Đặc biệt vào ngày Tết, ai ai cũng chơi một
ván, coi như quẻ bói đầu năm.
Đồ chơi là một bàn lục bộ bằng giấy cứng, hình vuông, trên đó kẻ ba vòng ô
vuông từ ngoài vào trong và một hình vuông trung tâm. Giữa hình vuông này để
một cái đĩa sứ.
Nơi góc xuất phát là các hạng dân, những vòng trong là các bậc chức sắc
theo thứ tự từ thấp đến cao dần trong xã hội thời phong kiến, thể hiện sự thăng
quan tiến chức cho đến lục bộ (sáu bộ). Nơi trung tâm là tứ trụ triều đình.
Tất cả các ô vuông nhỏ có một hàng chữ lớn ghi hàm hay chức và dưới đó
chia làm sáu hàng. Trong đó bốn hàng ghi rõ từng chức vị thuộc cấp cao hơn, có
một hàng lưu dung (nằm lại tại chỗ), một hàng gián cấp (bị kỷ luật phải hạ cấp).
Đồ chơi còn có thêm một con dụ làm bằng gỗ, hình trụ, cao chừng hai phân,
sáu mặt đều nhau. Trên sáu mặt con dụ ghi rõ nhất, nhì, tam, tứ, ngũ, lục.
Cách chơi
Tất cả những người chơi bắt cái bằng cách lần lượt cầm con dụ xoay trong
đĩa, con dụ xoay hết trớn ngã lăn ra, mặt hướng lên trên có con số nào thì ghi
nhận số đó. Ai có số nhỏ nhất được đi trước và theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, ai
trùng số thì xoay lại.
Mỗi người để vào ô xuất phát một vật nhỏ (hột ngô, hột đỗ đỏ, miếng cau...)
làm dấu và lần lượt xoay con dụ, ai xoay được số nào thì tìm ô vuông có ghi
chức đó mà đưa vật làm dấu. Nếu thấy ghi lưu dung thì xin cứ để nguyên tại
chỗ, nếu thấy ghi giáng cấp thì xem mình bị hạ xuống cấp nào, đem vật làm dấu
lùi về ô vuông đó.
Cứ như vậy, mọi người lần lượt xoay con dụ và đi liên tục tới khi có người
vào được tứ trụ triều đình là tới.
Đánh chuyền
Trò chơi của các em gái tuổi thiếu niên nhi đồng, có hai-ba em cùng chơi.
Đồ chơi là một hòn chuyền và những que chuyền. Hòn chuyền thường là một
trái ổi non tròn trịa, hoặc trái cam non nhỏ rụng ngoài vườn... hay một hòn đá
nhỏ láng trơn vừa với tay nắm. Que chuyền gồm 10 cây, nhỏ như chiếc đũa con,
dài chừng 10 phân, chuốt láng.
Trong khi chơi, các bạn cùng chơi chung một hòn chuyền và nắm que
chuyền, nhưng cũng có bạn do quen với hòn chuyền nặng nên có thể có dùng
hòn chuyền riêng.
Thứ tự các động tác:
- Bắt
- Chấm
- Quẹt
- Chuyền
- Gõ hay khõ
Luật chơi
Mỗi động tác đều thực hiện 10 lần.
Trong khi thực hiện các động tác không được để rơi hòn chuyền hay que
chuyền.
Khi bắt que nào lên thì không được chạm đến que khác.
Khi mất lượt, (do thỏa thuận trước), có thể đi lại từ đầu hay đi tiếp theo từ
động tác bị mất.
Đánh ruộng
Đánh ruộng có nơi gọi là chơi ô ăn quan, là trò chơi của các em gái tuổi từ 6-
7 đến 10. Sân chơi chừng vài thước vuông, bằng phẳng, sạch sẽ, thường hai em
chơi với nhau. Đánh ruộng thì trên sân chơi các em khoét hai hàng, mỗi hàng 10
(hoặc 8) lỗ tròn, đường kính vài phân, sâu vài phân gọi là ruộng. Hai đầu của hai
hàng ruộng là hai lỗ hình quả trám gọi là ruộng quan.
Mỗi bạn chơi tìm nhặt những hòn sỏi tròn nhỏ, hạt mãng cầu hay những vỏ
ốc... bỏ vào ruộng của mình. Mỗi ô ruộng 5 hạt và ruộng quan ở đầu 10 hạt. Số
lượng hạt mãng cầu hay sỏi bỏ vào các ruộng có thể thay đổi do hai bạn chơi
thỏa thuận.
Đây chính là trò chơi tập luyện cho các em tính toán hơn trăm số trong phạm
vi 12 ô mà các em vừa bỏ vào.
Luật chơi
Bạn nào đến lượt đi thì phải bốc quân nơi ruộng của mình.
Khi rải xuống các ô ruộng phải rải đủ, không được bỏ sót hoặc rải độ.
Đến lượt đi, phải tính toán kỹ, đã sờ ô ruộng nào thì buộc phải bốc quân ở ô
ruộng đó, không được thay đổi.
Theo thỏa thuận ban đầu, nếu có một bạn thua và vay tiền tới mức quy định
thì phải trích ra một ô ruộng của mình cho bạn, gọi là ô nợ. Ô nợ là ô đặc quyền,
ai rải quân cũng phải bỏ vào, nhưng không ai được ăn vì nó thuộc về bạn cho
vay.
Đi cà kheo
Chơi cà kheo hay đi cà kheo là trò chơi của nam giới từ thiếu niên đến trung
niên. Cà kheo được làm bằng hai đoạn tre (hoặc gỗ nhỏ) chắc chắn, cao thấp
tùy trình độ kỹ thuật của người chơi. Trên đầu mỗi đoạn tre, người ta đóng một
then ngang làm điểm tỳ vào nách. Từ đây trở xuống, người ta đóng một chốt
ngang thứ hai song song với điểm tỳ ở nách nhưng chỉ lộ ra sao cho vừa với hai
bàn tay nắm chắc, có thể coi đây là chốt nắm tay. Từ chốt nắm tay trở xuống,
người ta đóng một cái chốt nữa chắc chắn hơn, vừa đúng với lòng bàn chân, có
thể coi đây là bàn đạp. Đoạn từ bàn đạp xuống tới đất cao thấp bao nhiêu tùy
thuộc vào trình độ người chơi.
Khi tổ chức cho nhiều người cùng chơi hoặc thi chạy việt dã cần quy định độ
cao (từ bàn đạp tới đất) phù hợp với từng đối tượng.
Nếu có nhiều người tham gia thì chia thành nhiều nhóm.
Cần quy định số điểm bị trừ cho một lần ngã... mấy lần ngã thì phạm quy.
Cấm những người dự thi cản trở bạn cùng thi.
Với những người tham gia cổ vũ động viên, chỉ có thể dùng tiếng hò reo,
trống, mõ, kích thích tinh thần những vận động viên, cấm mọi hành động cản trở
vận động viên đội bạn.
Nhảy bao bố
Nhảy bao bố, có nơi gọi là nhảy bị, là trò chơi của nam nữ thiếu niên, thanh
niên. Đồ chơi là những cái bao bố (bao gai, bao tải, bao sọc xanh...tùy nơi gọi)
dùng để cho hai chân vào đó.
Trò chơi thường thu hút nhiều người cùng tham gia. Sân chơi thường phải
bằng phẳng, rộng rãi.
Luật chơi Quy định số điểm phải trừ cho mỗi lần ngã, mấy lần ngã thì bị loại khỏi cuộc
chơi.
Nếu chơi cá nhân thì người không phạm lỗi mà có thời gian về tới đích ngắn
nhất là người thắng cuộc.
Nếu chơi đồng đội thì lấy điểm từng cá nhân trong đội cộng lại để tính đội
thắng đội thua.
Bịt mắt đập ấm
Bịt mắt đập ấm, có nơi gọi là đập niêu, là trò chơi thường được tổ chức vào
những ngày hội, ngày Tết. Những người tổ chức bí mật cho vào ấm, kẹo, bánh,
tro, trấu... hoặc một vài thứ khác.
Tại một đầu sân, người ta trồng hai trụ cách nhau 4 - 5 mét (có thể rộng hoặc
hẹp hơn). Ở độ cao chừng 3 - 3,5 mét, người ta buộc một thanh ngang chắc
chắn. Trên thanh ngang này, người ta treo những cái ấm đất đã được chuẩn bị
sẵn, với độ cao bằng nhau và khoảng cách mỗi ấm non một mét. Từ chân hàng
cột treo ấm lùi về giữa sân chừng 5 mét, người ta vẽ đường xuất phát.
Cách chơi Người chơi đứng trước vạch xuất phát, mỗi người được phát một cây gậy
hơn một mét (đủ dài để đập trúng ấm) và một cái nón.
Treo bao nhiêu ấm thì có bấy nhiêu người chơi.
Trọng tài dùng khăn bịt mắt những người tham gia cuộc chơi.
Hiệu lệnh phát ra, những người chơi từ từ tiến về phía treo ấm. Khi đoán
chắc mình đã đến đích, người chơi tự mình xoay một vòng rồi giơ gậy lên đập
mạnh vào cái ấm trên đầu.
Đập trật coi như mất lượt, đập bể ấm nào thì được hưởng những tặng phẩm
ban tổ chức đã để sẵn trong ấm. Nếu được kẹo bánh coi như phần thắng, nếu
gặp tro trấu thì chấp nhận xui xẻo.
Cuộc chơi cứ thế tiếp tục…
Cờ gánh
Cờ gánh là loại cờ dân gian, bàn cờ là góc sân, lề đường được vẽ bằng
than, gạch non hay que nhọn. Quân cờ mỗi bên có 2 tướng và 6 quân. Chúng là
những hòn sỏi nhặt ngay trên đường hoặc những hạt mãng cầu, hạt vông...,
thậm chí có thể bẻ que thành những đoạn ngắn...
Bàn cờ hình vuông, tại mỗi cạnh chia làm 4 đoạn đều nhau rồi vẽ thành các
đường thẳng song song, chia bàn cờ thành 16 ô vuông nhỏ. Kế đến, vẽ hai
đường chéo và cuối cùng vẽ một hình vuông nội tiếp mà bốn góc nằm trên điểm
giữa của bốn cạnh.
Mỗi bạn chơi ngồi vào một cạnh bàn cờ, hai tướng xếp hai góc, quân xếp lên
các tiếp điểm trên cạnh bàn cờ.
Cách chơi
Quân và tướng của ai người ấy đi.
Mỗi lần đi một nước theo một đoạn thẳng, giới hạn trong hai điểm tiếp giáp
hoặc giao nhau.
Hai người luân phiên mỗi người đi một nước, trừ trường hợp gánh (ăn quân)
liên tiếp.
Cờ chém
Cờ chém cũng là một loại cờ dân gian được thanh thiếu niên chơi trong lúc
rảnh rỗi. Nơi chơi là góc sân, trước hiên nhà, ô đất bằng trên bờ ruộng... Bàn cờ
chém cùng kiểu như bàn cờ gánh gồm 16 ô vuông nhỏ trong một hình vuông
lớn, vẽ thêm hai đường chéo và một hình vuông nội tiếp. Điểm khác biệt là cờ
chém không có tướng mà toàn là quân. Mỗi bên có tám quân xếp xung quanh
bàn cờ, người chơi bên nào xếp quân mình bên đó. Quân cờ là những hạt mãng
cầu, hòn sỏi, đoạn que nhỏ... cốt yếu là phân biệt rõ quân hai bên.
Mục đích của cờ chém là tìm mọi cách chém được quân bạn, đi một nước
mà chém được nhiều quân càng hay. Tất nhiên là bên kia tính toán từng nước đi
của quân mình sao cho không bị sơ hở…
Sau khi phân định người đi trước, đi sau, hai người luân phiên đi mỗi người
một nước.
Một nước đi là di chuyển một quân cờ đến một điểm trống gần nhất theo
đường vẽ trên bàn cờ, trừ nước chém ăn quân như đã nói ở trên.
Hai bên cứ luân phiên đi, cho tới khi một bên hết quân hoặc bị vây không còn
đường đi là thua.
Cờ tam cúc
Cờ tam cúc, có nơi gọi là bài tam cúc, là một trò chơi giải trí dựa trên các
quân cờ tướng hay nửa bộ bài tứ sắc. Quân cờ tam cúc gồm một bên đỏ, một
bên trắng, mỗi bên có 16 quân gồm: tướng (1) sĩ (2) tượng hay bồ (2) xa hay xe
(2) pháo (2) ngựa hay mã (2) chốt hay tốt (5).
Đây là trò chơi nhằm rèn luyện sự quan sát, trí nhớ của người chơi, thông
qua diễn biến cuộc chơi để suy đoán quyết định nước đi của mình với xác suất
thắng cao nhất.
Hai người có thể cùng chơi nếu ba, bốn hay năm người thì thỏa thuận với
nhau bỏ bớt vài quân tốt để có số quân được chia đều, chẵn.
Cách chơi
Trước khi chơi, lật úp tất cả các quân cờ xuống, trộn đều và lần lượt bắt mỗi
người một quân, ai được quân lớn thì làm cái. Nếu là quân bài tứ sắc thì cử một
người xốc bài, xong, đặt xuống đĩa và mỗi người tự ý rút một con …
Sau khi bắt cái xong, lại lật úp toàn bộ quân cờ xuống, trộn đảo nhiều lần và
xếp thành hàng. Theo thứ tự đã bắt cái, lần lượt mỗi người bắt một quân cho
đến hết. Nếu là bài tứ sắc thì sau khi xốc bài xong, đặt toàn bộ lên đĩa, một
người ngắt bớt một số con bài bất kỳ để sang một bên, người chia bài bắt đầu
chia hết số bài dưới đĩa, xong tiếp tục chia tiếp số bài vừa ngắt bớt.
Sau khi được chia đủ số quân cờ, mỗi người tự sắp xếp những quân cờ hiện
có trên tay sao cho hợp lý, để khi cái gọi thì kịp thời ra quân.
Sau khi mọi người đã ra quân và úp quân trước mặt mình xong, người cầm
cái lật ngửa bài của mình lên cho mọi người rõ. Ai có quân lớn hơn quân cái thì
lật lên ăn. Trường hợp quân một, đôi, bộ ba... ngang nhau thì quân mang màu
đỏ lớn hơn, lại gặp khi cùng quân, cùng màu thì người tay trên, tức người ngồi
kế bên phải người cầm cái lớn hơn. Quân nào ăn được, xếp hàng ngay ngắn
trước mặt người đó để lấy điểm.
Những người khác có quân thấp hơn hoặc không ra quân theo đúng lời cái
gọi đều phải chui, nghĩa là úp quân cờ vào số quân chết giữa bàn cờ, không ai
có quyền lật lại để xem.
Người nào thắng thì được làm cái cho lần kế tiếp.
VĂN HọC DÂN GIAN
Tình hình sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian
Văn học dân gian còn gọi là văn học truyền khẩu, một thể loại văn học hình
thành từ thời công xã nguyên thủy, trải qua các chế độ xã hội có giai cấp và tiếp
tục tồn tại đến ngày nay.
Cũng như các tỉnh ven biển miền Trung, Phú Yên được xác định là nơi có
con người cư trú từ rất sớm. Từ nhu cầu sinh hoạt và đáp ứng đời sống tinh
thần, các tộc người đã sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa, trong đó văn học
dân gian với tư cách là thành tố của văn hóa dân gian chiếm vị trí rất quan trọng.
Nhưng từ lâu, việc sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian chưa được tiến
hành khoa học và đều đặn. Các bài viết và khảo cứu của một số tác giả viết về
văn học dân gian ở vùng đất này trước năm 1975, chưa có công trình nghiên
cứu chuyên ngành mà xem văn học dân gian chỉ là một bộ phận nằm trong một
chương hoặc một phần của các công trình khác. Nên các tác giả không có điều
kiện tổng hợp, phân tích, nêu bật đặc điểm, cấu trúc, phong cách nghệ thuật và
bản sắc văn hóa trong từng tác phẩm văn học dân gian.
Theo tài liệu có được, tác phẩm ghi chép văn học dân gian vào loại sớm của
Phú Yên là công trình nghiên cứu của A.Laborde, đăng trên tạp chí Đô Thành
hiểu cổ (BAVH) năm 1929. Trên 55 trang viết bằng tiếng Pháp, tác giả dành 3
trang ghi chép tục ngữ và thành ngữ. Tác giả quan niệm: “Tôi cho là hay trong
việc hoàn thành bản chuyên khảo về tỉnh này bằng việc ghi lại một số câu thành
ngữ và châm ngôn địa phương”.
Năm 1939, trong tác phẩm Địa dư tỉnh Phú Yên, tác giả Nguyễn Đình Cầm
và Trần Sĩ lồng ghép một số câu ca dao, dân ca vào các bài viết, bài đọc nhằm
giúp cho học sinh hiểu thêm về phong cảnh, sản vật tỉnh Phú Yên.
Trong thời kỳ chống Mỹ, ở miền Nam, các tác giả nghiên cứu, sưu tầm văn
học dân gian không nhiều, phần lớn là người ngoài tỉnh, nên công trình của họ
cũng nằm ở dạng khái quát hoặc sơ lược giới thiệu; trong đó, Việt Tấn Xã có
công trình Phong tục tập quán đồng bào Thượng ở Phú Yên (1961), Trần Nhân
Thân có bài viết “Phú Yên qua ca dao”, đăng trên Văn đàn tuần báo (số 43-
1963). Đặc biệt, trong công trình khảo cứu Non nước Phú Yên của Nguyễn Đình
Tư (1964), tác giả đã đưa vào đây đáng kể số lượng các bài dân ca, ca dao.
Cùng một phong cách thể hiện như Non nước Phú Yên, các tác giả trong Địa
phương chí Phú Yên (1969) cũng trích dẫn và đưa một số câu ca dao vào phần
du lịch, các phần còn lại do mục đích và nhiệm vụ của đề tài, công trình không
đề cập và giới thiệu.
Bên cạnh công trình trong nước còn có những tác giả nước ngoài viết về các
tộc người thiểu số ở Phú Yên. Đáng chú ý là cuốn sách Các nhóm dân tộc thiểu
số ở Cộng hòa Việt Nam do Bộ Quân lực Hoa Kỳ xuất bản, năm 1966, trong đó
có một chương viết về người Hroi (Chăm-Hroi) ở Phú Yên và Bình Định với
những đặc điểm kinh tế, xã hội, nhân học, truyền thuyết và lễ tục.
Cũng trong thời gian này ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, một số trí thức là
người Êđê, người Chăm ở Phú Yên như Y-Điêng, Y-Đúp đã sưu tập, dịch và
xuất bản một số truyện cổ tích, thơ ca dân gian, trường ca, tiêu biểu là quyển
Truyện cổ các dân tộc thiểu số miền Nam, Trường ca Đam San, Trường ca Xinh
Nhã, Trường ca Khinh Dú....
Công việc sưu tập và nghiên cứu văn hóa dân gian nói chung và văn học
dân gian nói riêng thật sự khởi sắc từ sau ngày giải phóng. Năm 1981, tác phẩm
sưu tầm văn học dân gian đầu tiên: thơ ca dân gian Phú Khánh được xuất bản.
Tuy còn những hạn chế và sai sót về nội dung, chú thích, chú giải, song đây là
cố gắng đáng kể trong bối cảnh nghiên cứu văn học dân gian của một địa
phương mới chỉ là bước đi chập chững ban đầu.
Từ khởi điểm đó, về sau có hàng loạt tác phẩm ra đời. Đó là: Trường ca Xing
Chơ Niếp (Hà Nam Tiến sưu tầm, biên dịch, xuất bản năm 1983); Truyện về tháp
Cổ Rùa và Tháp Nhạn (Ngô Sao Kim, 1986); Truyện xưa cho học sinh (Ngô Sao
Kim 1990); Nàng tiên gió thứ bảy (Lê Thế Vịnh 1990); Thơ ca dân gian Đồng
Xuân (Nguyễn Văn Hiền 1991); Trường ca Chi Lơ Kôk (Ka Sô Liễng, 1991);
Trường ca Xing Chi Ôn (Ka Sô Liễng, 1993); Phú Yên dọc đường ca dao (Trần
Sĩ Huệ, 1995); Ca dao dân ca trên vùng đất Phú Yên (Nhiều tác giả, 1996);
Trường ca Tiếng cồng ông bà H’bia Lơ Đă (Ka Sô Liễng, 1999); Kinh nghiệm dân
gian qua ca dao, tục ngữ dân gian (Bùi Tân, 1999); Câu đố Việt Nam (Nguyễn
Đình Chúc, Huệ Nguyễn, 2000); Truyện cổ Tuy Hòa (Nguyễn Hoài Sơn, 2000);
Tìm hiểu địa danh qua ca dao, tục ngữ (Nguyễn Đình Chúc, 2000).
Cạnh đó, còn hàng chục công trình nghiên cứu và sưu tầm của các tác giả
đã gửi dự thi ở các Hội và Cơ quan Trung ương. Trong đó, nhiều công trình đoạt
giải thưởng như: Chân dung làng quê Phú Xuân (giải ba, Hội VNDGVN); Tục thờ
cúng trên ba vùng đất tỉnh Phú Yên, núi-biển-đồng bằng (giải khuyến khích, Hội
VNDGVN); Lễ tá thổ ở Phú Yên (tập thể, giải ba, Hội VNDGVN); Ca dao - Dân
ca và điển tích (giải khuyến khích, Hội VNDGVN) của tác giả Bùi Tân; Đất Phú
trời Yên (giải nhì, Hội VNDGVN); Chân dung làng quê Vân Hòa (giải ba, Hội
VNDGVN); Trăm năm trăm cõi người ta và Quê tôi nhìn từ ca dao (giải ba, Hội
VNDGVN) của tác giả Trần Sĩ Huệ; Trường ca Chi Liêu; Trường ca Yàng Hlăm
xấu bụng; Trường ca Mơ Nâm (giải ba, Hội VNDGVN và Hội Văn hóa các dân
tộc) của Ka Sô Liễng; Hò khoan Phú Yên (giải ba, Hội VNDGVN) của Nguyễn
Đình Chúc và Huệ Nguyễn.
Các thể loại văn học dân gian của người Việt (Kinh)
Cũng như nhiều vùng đất của xứ Đàng Trong, văn nghệ dân gian Phú Yên
được hình thành theo hai hình thức. Một là tiếp thu di sản văn hóa từ các nơi
khác đưa đến theo một mẫu chung, được phổ biến rộng rãi. Tất nhiên có sự thay
đổi một số chi tiết để phù hợp với thị hiếu, thẩm mỹ và điều kiện sống của địa
phương. Hai là, tự hình thành tại chỗ để đáp ứng, thỏa mãn đời sống tinh thần.
Do đó, trong văn học dân gian hiếm khi có bản duy nhất, mà thường gặp nhiều
dị bản, được lưu truyền ở nhiều vùng, nhiều nơi. Qua công tác sưu tầm và
nghiên cứu văn học dân gian ở Phú Yên, đặc trưng này cũng bộc lộ khá rõ.
Tục ngữ
Là một tỉnh đại đa số nhân dân sinh sống bằng nghề nông, do đó, các yếu tố
về thời tiết đều tác động và ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Qua quá trình theo dõi,
người nông dân ở vùng đồng bằng Tuy Hòa tổng kết thời tiết qua câu:
Chóp
Chài
đội mũ
Mây
phủ Đá Bia
Cóc nhái kêu lia
Trời mưa như trút.
Còn ở Đồng Xuân:
Khói
đá núi Giỏ
Mây
phủ hòn Chuông
Suối Chình đổ sấm
Mưa luôn ba ngày.
Lại có trường hợp nhân dân dự đoán thời tiết bằng việc chiêm nghiệm những
triệu chứng báo trước như sấm chớp: “trời chớp mũi Nạy; thức dậy mà đi”; ráng:
“ráng mỡ gà có nhà phải chống”; trạng thái động vật: “chuồn chuồn bay thấp trời
mưa, bay cao trời nắng, bay vừa trời râm”…
Trong sản xuất nông nghiệp, quan trọng nhất là nước-phân-cần-giống,
nhưng đất đai là yếu tố không thể xem nhẹ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến năng
suất cây trồng. Qua lao động sản xuất, người nông dân tổng kết: “đất mịn giữ
nước, đất xốp mau khô”, “ruộng sâu dùng trâu mà cày”, “trồng khoai lang đất lạ,
gieo mạ đất quen”.
Cũng qua quá trình lao động, sản xuất, kinh nghiệm về vật nuôi cũng được
nhân dân tổng kết bằng những câu tục ngữ ngắn gọn và xúc tích. Đối với con
bò, loại tốt là “mình hổ cổ rô”; con ngựa loại tốt là “sắc hởi chân đen, bốn gót có
xoáy, sức bền vô song”. Còn “nuôi heo thì phải lựa nái, nuôi gà mái thì lựa gà
giò” v.v… Song trong chăn nuôi, người dân cũng rút ra những điểm xấu từng con
vật. Đối với bò bướm trán lỏ đuôi, với ngựa có xoáy ở đùi, với heo có chân 5
móng,… là những thú vật cần được loại bỏ, phải đem bán hoặc mổ thịt.
Trong chăn nuôi, người dân cũng có câu: “muốn giàu nuôi heo nái, muốn lụn
bại nuôi bồ câu”.
Về xử thế: tục ngữ Phú Yên cũng tìm được nhiều câu mang tính triết lý của
cuộc sống như “người sống hơn đống vàng”; “làm khi lành để dành khi đau”, “lời
nói hơn gói bạc”. Song cũng khuyên người đời không nên “được voi đòi tiên” mà
cần phải “liệu cơm gắp mắm”…
Về ăn: mọi người cho rằng ăn uống làm quan trọng (dĩ thực vi tiên), nhưng
không phải gặp gì ăn nấy, mà theo quan niệm của nhân dân là “ăn chắc mặc
bền”, chớ “tham thực cực thân”.
Về xây cất nhà cửa: theo tập quán “có đất mới cất được nhà”, “có cột có kèo
mới thả đòn dông”. Song việc xây cất nhà cửa ngày xưa là việc làm vượt quá
khả năng của nhiều người. Do vậy, trong quá trình làm nhà không ít người phải
đi vay mượn. Tính phổ biến đó được tục ngữ tổng kết qua câu “một năm làm
nhà ba năm trả nợ”. Dù vậy, mọi người cũng phải gắng sức cố công, “vì có an cư
mới lạc nghiệp”.
Về đi lại: kinh nghiệm nhân dân cho rằng “đi hay không bằng may đò”; “ăn cỗ
đi trước lội nước đi sau”; “gặp rắn thì đi, gặp quy (rùa) thì về”.
Tục ngữ Phú Yên còn có những câu nói về lẽ sống, tình yêu lứa đôi, khôn
dại, tâm niệm của cha mẹ đối với con cái, tập tục xã thôn, đời sống gia đình…
Những lời khuyên dạy đó, ngày nay vẫn còn giá trị.
Câu đố
Câu đố là loại sáng tác phản ánh sự vật và hiện tượng của thế giới khách
quan theo lối “nói chệch”, nói một đằng hiểu một nẻo.
Đối tượng phản ánh của câu đố (tức là vật đố) là các sự vật và hiện tượng
của thế giới khách quan, phần lớn chúng là các sự vật và hiện tượng ở nông
thôn, liên quan đến lao động, sản xuất hàng ngày.
Sau đây là một số loại câu đố:
- Câu đố về hiện tượng tự nhiên
Một bầy cò trắng
Ăn tại núi cao
Ban
đêm lao xao
Ban ngày cút mất.
(Sao)
- Câu đố về con người
Trên lòng dưới lòng
Phồng lên để ngắm.
(Con mắt)
- Câu đố về sự vật
Một miếng mẻ sành
Chạy quanh hòn núi.
(Cái lược)
- Câu đố về thực vật
Cây
suôn
đuồn đuột
Lá
tựa đuôi công
Lấy nước tổ tông
Về nuôi thiên hạ.
(Cây mía)
- Câu đố về động vật
Ai kêu ai hú bên sông
Mẹ kêu mặc mẹ có chồng phải theo.
(Cá bạc má)
- Câu đố lái
Nháy chà tốt đui (tức là nhà cháy, tui đốt)
Cầm đục, cất đục (cục đất)
- Loại câu đố dùng làm phương tiện đả kích hay ngợi ca những hành vi tốt
xấu trong nhân dân:
Ở nhà anh anh em em
Ra đi lại bỏ không đem theo cùng
Chàng ơi cho thiếp đi chung
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam
(Cái gối)
Tóm lại, câu đố Phú Yên mang đặc tính chung là cô đọng, cân đối, nhịp
nhàng trong cách gieo vần, được xây dựng trên nguyên tắc của phép ẩn dụ. Vì
thế, muốn giải được câu đố, nhiều người phải trải qua một quá trình suy nghĩ,
tìm tòi. Đó chính là thú vui, lôi cuốn mọi người tụ họp, quây quần thức suốt đêm
đố nhau.
Truyện cổ tích
Từ lúc bước chân vào vùng đất mới, dưới cái nhìn của người Việt, cảnh vật
nơi đây vừa hùng vĩ, vừa xa lạ đã đập vào mắt hàng ngày, khiến họ không khỏi
băn khoăn và tự đặt ra những câu hỏi để giải thích. Do vậy, trên vùng đất Phú
Yên đã xuất hiện khá nhiều truyện kể về sự tích như: sự tích miếu Bà, sự tích
miếu Ông, sự tích sông Bàn Thạch, sự tích sông Ba, sự tích chùa Hương, sự tích
chùa Hang, sự tích Bà Hậu Thổ, sự tích cầu Ông Chừ, sự tích chùa Bảy Tiên, sự
tích hang Thuồng Luồng, sự tích đầm Ô Loan, sự tích đầm Cù Mông, sự tích mả
Cao Biền, sự tích đầm Môn, sự tích lăng Ông Nổi, miếu Bà Trang, sự tích Hàng
Giao, sự tích giếng Tiên, sự tích chùa Từ Ân, v.v... Điểm chung của các loại
truyện kể về sự tích là gắn với một địa phương, một nhân vật cụ thể. Kết cấu
truyện phần lớn là đơn giản. Nội dung chủ yếu xoay quanh đối tượng hay sự vật
đang hướng đến.
Cùng với các loại truyện trên, chúng ta còn bắt gặp những truyện cổ tích có
xuất xứ từ những vùng quê miền Bắc. Đó là những truyện có tính khuyên răn,
dạy bảo con cái, những truyện liên quan đến phong tục lâu đời của dân tộc như
truyện: Trầu cau, Bánh dày bánh chưng, Mỵ Châu - Trọng Thủy, Sơn Tinh - Thủy
Tinh, Tấm Cám, An Tiêm, Chử Đổng Tử - Tiên Dung, Phượng hoàng và cây khế,
Thần Kim Qui, Phù Đổng Thiên Vương. Loại truyện về nhân vật thông minh tài
giỏi như: Trạng Lường, Lê Như Hổ, Thạch Sanh - Lý Thông, Cây tre trăm đốt
v.v... cũng tồn tại và lưu truyền từ vùng núi đến vùng biển.
Nét chung của truyện cổ tích Phú Yên là phản ánh đậm nét thực tại cuộc
sống, kết thúc các truyện đều có hậu. Đa số truyện cổ không bị nhiễm nặng tư
tưởng, đạo đức Nho giáo như các vùng khác, mà chúng đã được dân gian hóa
và trở thành quan niệm, lẽ sống phù hợp với điều kiện sinh hoạt và tâm lý của
cộng đồng. Chính đó là môi trường cần thiết để truyện cổ tồn tại và phát triển.
Truyện cười
Truyện cười là sản phẩm của trí tuệ, phản ánh sự vươn lên không ngừng
của tư duy và nhận thức trong xã hội loài người.
Truyện cười ở Phú Yên có nhiều loại:
- Loại đả kích vào giai cấp thống trị tiêu biểu là các truyện: Tại sao không nộp
thuế cho quan, Quan ăn cay, Đối quan – thắng quan, Phủ định, Đố nhau, Hối lộ,
Ngựa giúp phú ông... Nội dung các truyện nêu trên là vạch ra những tiêu cực
trong hành động của bọn quan lại, tầng lớp địa chủ, phú nông, những kẻ bề
ngoài làm ra vẻ thanh cao, hống hách, nhưng thực chất bên trong là những kẻ
hèn nhát, bất tài.
- Loại phê phán những mặt tiêu cực trong đời sống nhân dân là tương đối
phổ biến. Đối tượng được tập trung phản ánh là những kẻ lười biếng, những
người giàu nhưng tính tình tham lam, người dốt nhưng hay nói chữ, những kẻ
ranh ma lừa đảo, hiểm độc. Thầy tu, thầy đồ, thầy phù thủy cũng là những đối
tượng được truyện cười đề cập.
- Loại truyện cười phản ánh những chuyện hài hước thường gặp trong cuộc
sống trần tục, đó là những chàng ngốc, quan hệ hôn nhân, gia đình, cha-con,
những lời ứng xử có tính hài hước do trí tưởng tượng của con người tạo ra.
Vè
Đây là thể loại tự sự dân gian được thể hiện dưới dạng văn vần. Nội dung vè
kể lại những sự việc không bình thường, nhỏ thì thu hút sự chú ý của nhân dân
trong một thôn, xã, lớn thì cả vùng, cả dân tộc. Dụng ý của vè là kể về việc thật,
người thật. Tính chất người thật việc thật được thể hiện đặc biệt rõ nét trong
những bài vè lấy sự kiện đang xảy ra. Nhưng vè không để cho các sự việc xảy
ra lắng xuống mà chộp lấy ngay để bày tỏ thái độ và gây dư luận. Ví như sau
trận bão lụt năm Giáp Tý (1924) nhân dân đã sáng tác bài:
Hoàng triều Khải Định cửu niên
Là năm Giáp Tý Phú Yên tỉnh này
Hạ tuần tháng chín mưa đầy
Nửa đêm hăm bốn sang ngày hăm lăm
Trên trời gió bão ầm ầm
Nửa chừng sóng lại khôn cầm nước dâng
Sóng ào to quá sóng thần
Nước lên mau quá mười phần chìm bay
Tang thương tưởng cuộc vần xoay
Hay đâu mười phút chưa đầy nước lui
Nghĩ trong lúc ấy hỡi ôi
Cửa nhà, cái đổ, cái trôi xa vời
Người chạy ngược, kẻ chạy xuôi
Người thì lên núi, kẻ lên đọt dừa
Người thì lên đứng trang thờ
Người thì gió thổi sóng ùa trôi đi
Người thì niệm phật từ bi
Người thì vái chúa Xu-xi5 với trời
Tỉnh tòa phố rã nơi nơi
5 Xu-xi: Chúa Giê su
Cửa trôi, nhà sập, ngói rơi tan tành
Bà Đầm 6 Quan sứ hiền lành
Nên chi chị vú lấy mình đỡ con
Ngoái ra đâu tưởng không còn
Tớ thầy trọn nghĩa vuông tròn khó khăn
Cây dừa, dây thép, trụ đèn
Ngả nghiêng ngang dọc nằm chen đầy đường
Xi măng cầu cũng trơ sườn
Ghe thuyền lên núi, lên vườn ngổn ngang
Đường ra chợ Bãi thú hoang
Đường ra chợ Xổm lại càng thảm thương
Vali, rương, tráp; bạc vàng
Trâu bò, bàn ghế, ván giường thiếu chi
Có nhà sanh đặng hiếu nhi
Cõng cha đi trước không vì vợ con
Cả nhà rồi được vuông tròn
Trong cơn nguy biến trời còn độ cho
Có người tình hiếu không lo
Bạc mang đi trước chết co một mình
Cho hay trời cũng công bình
Tu nhân tích đức để dành mai sau
Nhưng, xu hướng chung của vè thế sự là trào phúng, đả kích những thói hư,
tật xấu, những vi phạm phong tục, đạo đức hoặc những người có cuộc sống trái
với qui luật bình thường:
- Đối với con gái lỡ thì:
Đồng xu đổ lộn đồng chì
Con gái lỡ thì như mít mùa đông
Mít mùa đông người ta còn hái
Gái lỡ thì như vãi đi tu,
Vãi đi tu người ta còn cúng
Gái lỡ thì như thúng lủng trôn...
Đối với thầy cúng là những người tưởng như có nhiều phép thuật để trừ ma
tà, nhưng khi:
6 Bà Đầm: Vợ bọn thực dân Pháp
Thầy gặp đom đóm
Thầy tưởng ma trơi
Thầy chạy một hồi
Đổ xôi đổ bánh.
Đối với những người lười biếng nhưng lại thích ăn chơi, tiêu xài, vè có bài đả
kích:
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè mụ Huệ
Làm ăn quá tệ
Lại muốn cho no
Ăn rồi nằm ngủ
Sáng dậy đo mặt trời…
- Đối với những người cờ bạc:
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè đánh bạc
Đầu hôm xơ xác
Bạc tốt như tiên
Đến khuya hết tiền
Mặt buồn như cú
Cái đầu sù sụ…
- Đối với những người quá tuổi mà kiếm thêm bà vợ nữa, vè bày tỏ thái độ
không đồng tình của nhân dân:
Xét trong mấy kẻ rụng răng
Không ai duyên muộn cho bằng ông Leo
Đi buôn năm động, bảy đèo
Thời may lại gặp vợ theo về nhà
Buổi đầu mới kết sui gia
Bà “Đũn” đứng gả nhận là rể con
Ông già lấy vợ còn non
Tỉ như Đổng Trác lấy con Điêu Thuyền ….
Ngoài ra, vè thế sự cũng được tìm thấy ở những đề tài khác, nhiều nhất là vè
ở mướn, mất cắp, động thực vật, đi lại, làm ăn, xây cất đền chùa, ca ngợi người
tốt việc tốt v.v...
Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, vè thế sự còn được nhân dân sử
dụng như một thứ vũ khí đấu tranh chống lại âm mưu, tội ác của địch, đồng thời
làm công tác binh địch vận.
Đêm nay bên ngọn đèn dầu
Nửa thương vì nước, nửa sầu vì anh
Nhà còn trang rưỡi giấy manh
Viết thư em gửi cho anh trong đồn
Kể từ ngày (anh) rời bỏ quê hương
Anh theo giặc Mỹ, em buồn thâu canh…
Ngoài loại vè thế sự, Phú Yên còn có loại vè lịch sử.
Từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, bài vè “chàng Lía” và bài vè “cắt tóc”
được lưu truyền khá phổ biến trong các vùng của tỉnh Phú Yên.
Năm 1960, phong trào Đồng Khởi nổ ra ở Hòa Thịnh, tiếp đó là các nơi khác
trong tỉnh. Người dân Tuy An sáng tác bài vè “Đồng Khởi”, ca ngợi khí thế tiến
công của quân và dân ta vào các đồn bốt, nơi đóng quân của địch, làm cho địch
kẻ tháo chạy, kẻ bị tiêu diệt, kẻ thì bị bắt.
Khi quân Mỹ đổ bộ vào miền Nam và chiếm đóng Tuy An, nhân dân Phú Yên
sáng tác bài vè đánh Mỹ. 7
Ngày 1-4-1975, tỉnh Phú Yên được giải phóng, nhân dân cũng kịp thời cho ra
đời bài “vè giải phóng”, diễn tả cảnh sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.
Cô bác lẳng lặng mà nghe
Tôi xin kể qua,
Câu vè giải phóng
Một ngày tháng 4…
Nghĩ thôi nực cười
Ngụy quyền sợ cóng
Bỏ chạy sạch trơn
Hậu cứ, tiền đồn
Chạy dồn cửa biển…
Đến thời kỳ xây dựng đất nước, vè có bài kêu gọi nhân dân thi đua lao động sản
xuất, coi đó là nghĩa vụ cao cả và là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân.
Nay dân làm chủ
Tất cả ruộng đồng
Là của nhà nông
Bàn tay lao động
7 Tư liệu văn học dân giản do Trường Đại học sư phạm Qui Nhơn sưu tầm tại xã An Hiệp, huyện Tuy
An, bản chép tay, tài liệu Địa chí Phú Yên.
Bắp lúa làm ra
Phải cho gấp bội
Dựng xây xã hội
Chủ nghĩa nước nhà
Vè lịch sử còn có những bài ca ngợi các anh hùng, liệt sĩ, những người xả
thân vì nước, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đất nước.
Song song với vè thế sự và vè lịch sử, Phú Yên còn có vè nói ngược. Nội
dung và đặc điểm những loại vè này là diễn tả các hiện tượng, sự vật trái với qui
luật và sự vận động của tự nhiên. Vì thế, có người cho rằng vè nói ngược cũng
là vè nói khoác.
Ngồi buồn nói láo chữ thiên
Thằng nhỏ hai tuổi đòi khiêng ông trời
Ra đồng thấy muỗi bắt dơi
Bồ hung, bồ niễng, tranh cùng hóa long
Xuống sông bắt một con còng
Bán tám đồng bạc, thịt bộ lòng xỏ xâu
Nhà tôi có một con trâu
Cái đuôi đằng trước, cái đầu sau khu
Nhà tôi có một cái lu
Đem ra đựng nước dự trù tám sông....
Tóm lại, vè là một thứ báo chí truyền miệng của dân gian rất nhạy cảm và có
tính chiến đấu cao. Nhưng nhân dân khi đặt vè, kể vè trước hết và chủ yếu là để
nói về những sự việc cụ thể, những con người cụ thể chứ không phải là để nói
những sự việc cùng loại và con người cùng loại.
Tuy vậy, vè cũng có những bài mang tính khái quát rộng lớn, có bài chứa
đựng nhiều phần hư cấu song tất cả đều nhằm mục đích hướng dẫn dư luận xã
hội.
Ca dao
Trong các thể loại văn học dân gian, thơ ca dân gian chiếm một số lượng
đáng kể. Dựa vào nội dung những bài ca dao sưu tầm được có thể chia thành
các nhóm chính sau:
Ca dao về thời tiết - khí hậu
- Lập lòe trời chớp Vũng Rô
Mây che Hòn Yến, gió vô Chóp Chài
- Ông tha mà Bà không tha
Làm cho cái lụt hai ba tháng mười
Ca dao về thiên nhiên
- Ngó vô Vũng Lấm Sông Cầu
Cù lao Ông Xá đứng hầu ngoài khơi
- Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào
Vũng Dông, Vũng Lấm vũng nào cũng thương
Ca dao về sản xuất
Muốn ăn hạt nếp vườn Trầu
Sợ e tát nước, đỡ gàu không lên
Ca dao về sản vật
- Xem trong địa thế Phú Yên
Lâm sản, thổ sản khắp miền thiếu chi
Phú Yên tỉnh nhỏ lo gì
Nhưng mà sản vật đủ thì nghinh ngang
Muốn ăn mía Tây đi đến Thạch Bàn
Thạch Thành, Lương Phước rõ ràng mênh mông
Còn ăn mía ta đến tổng Xuân Phong
Tổng An Sơn, tổng An Hải, phủ trong tổng Hòa Tường
Ăn cam sành đi chợ Củng Sơn
Ăn xoài Đá Trắng, ăn cam chợ Đồn
Dẫu mà mấy chị có nôn
Vân Hòa ăn mít, dưa hồng Tuy An
Ăn dừa, đường biển đi sang
Mỹ Quang, Long Thủy, Đồng Tàu, Đồng Xuân
Ăn đỗ phụng, thì phải dời chân
Sơn Hòa, An Đức, An Xuân, Hòa Bình
Dùng bông đến tổng An Vinh
Tuy Hòa, Hòa Lạc, Phước Bình nghinh ngang
Dùng gai thì đến Định An
Còn dùng thuốc lá thì đến Tân An, Sơn Hà
Dưa gang, dưa hấu, chan hòa
Trung Trinh, Lương Phước, Phước Hòa mênh mông
Trầu cau ở làng Định Phong
Trung Lương, Phong Phú, Quan Quan, Sơn Triều
Còn như súc sản cũng nhiều
Bò trâu đi đến Sơn Triều nhiều thay
Tân Long, Tân Hội, Đất Cày
Triêm Đức, Thạnh Đức cùng nay Sơn Bình
Sơn Xuân, Hòa Lộc, Trung Thiềng
Trung Lương, Sơn Hội, Tuy Bình, Củng Sơn
Cừu nuôi Vĩnh Cữu nhiều hơn
Liên Trì, Long Thủy, Nhơn Sơn, Sông Cầu
Vịt nuôi ở tại Tiên Châu
Bàn Nham, Thạch Chẩm, Vườn Trầu, Hòa Đa
Tằm nuôi Nước Nóng, Soi Hà
Phong Thái, Thạnh Nghiệp, Định Trung, Sơn Triều
Chợ nào bán cá cũng nhiều
Chợ Tuy Hòa, chợ Đông Mỹ, chợ Sơn Triều, chợ Thái Long
Chợ Phú Nhiêu, chợ Phú Thứ, chợ Phú Nông
Chợ Bàn Thạch, chợ Phủ Tiếp, chợ Hòa Đồng,
Chợ Phú Lâm, chợ Phú Hiệp nhiều hơn
Chợ Thạch Thành, chợ Phước Mỹ, chợ Lương Sơn, chợ Núi Sầm
Chợ Màng Màng, chợ Lò Giấy, chợ Nho Lâm
Chợ Lò Tre, chợ Xổm, chợ Phú Tân, Vân Hòa
Chợ Phú Vang, chợ Phú Cốc, chợ Hòa Đa
Chợ Phú Thạnh, chợ Phú Thứ cùng là chợ Quán Cau
Chợ Quang Thuận, chợ Quảng Đức, chợ Tiên Châu
Chợ Phong Thái, chợ Chí Thạnh, chợ Sông Cầu, chợ La Hai
Chợ Đèo, chợ Mới, chợ Đồng Dài
Chợ Phiên Thứ, chợ Phước Lãnh, chợ Gò Chai, chợ Bình Hòa
Nước mắm ngon chợ Khoan Hậu chợ Gành Bà
Chợ Tiên Châu, chợ Giã cùng là Phú Sơn
Vũng Bầu ở Yến nhiều hơn
Phú Câu, Đông Tác, Tuy Hòa, Đa Ngư
Còn như chị Bảy chị Mười
Ăn đường đen, đường cát đi thời Thái Long
Triêm Đức, Thạnh Đức, Phú Xuân
Tân Long cùng tổng Xuân Phong, Hòa Tường
Mua muối đi chợ Lệ Uyên
Tuyết Diêm, Đồng Trạch, Trung Trinh hằng hà
Bánh tráng đi chợ Hòa Đa,
Ngân Sơn, Mỹ Lệ, Tuy Hòa tứ tung
Cẩm Sơn làm trã làm vung
Làm chum, làm vại, nắn thùng, nắn niu
Quán Cau, xóm Gõ cũng nhiều,
Nào thùng, nào bộng, nào niêu, nào nồi
Đầu đuôi tôi kể hết rồi
Xem trong địa thế Phú Yên thời thiếu chi
Ca dao về đặc sản
- Thuốc ngon là thuốc Lỗ Quy
Nhơn cùng tắt biến phải đi lượm tàn
- Cá ngon là cá Cù Mông
Gạo ngon là gạo ở đồng Phú Lương
Ca dao về tình yêu nam nữ
- Ngó ra ngoài Yến ba lần
Thấy anh ở trần, trong bụng xót xa
Trở về mua lụa đậu ba
Cắt áo cổ giữa mà tra nút vàng
Không ai đem gửi cho chàng
Đêm khuya chàng bận, đỡ cơn hàn nắng mưa
Ca dao về sự nuôi nấng cha mẹ
- Tôm rằn lột vỏ bỏ đuôi
Gạo giã cho trắng, đem nuôi mẹ già
- Ba tiền một miếng cá bui
Cũng mua cho đặng, về nuôi mẹ già
Ca dao về ứng xử vợ chồng
- Cuốc kêu khắc khoải mùa hè
Làm thân con gái phải nghe lời chồng
- Sách có câu phu xướng phụ tùy
Làm thân con gái lấy chồng xuất gia
Lấy chồng thờ mẹ kính cha
Kính cha thờ mẹ mới là đạo con
- Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì
Ca dao về sự chia cách thương nhớ
- Ngó lên chùa Các cao lầu
Biệt ly em hỡi, để sầu cho ai
Sầu này không biết sầu ai
Cơm ăn không đặng đã hai tháng trời
- Ngựa ô chân mỏng, gót dài
Có hay chi lắm đường dài cũng kêu
Lăm xăm bước tới trường yên
Rùa bơi mặt nước, chim chuyền nhành mai
Bãi dài, sóng vỗ láng lai
Nghĩa nhơn lúc trước, của ai nấy nhìn…
Trích từ Thuvienhaiphu
(tít bài blog: TC)