Chuyện "bắt cái nước"
Rơchăm Sơn “bắt chồng” năm chị 17 tuổi. Họ ăn ở với nhau trên mười năm, không có mụn con nào cho vui nhà vui cửa. Rồi anh bị bệnh sốt rét, hết thầy mo đến trung tâm y tế chữa mà bệnh vẫn không hết. Anh về với đất, bỏ lại chị một mình ở cái tuổi ngấp nghé 30.
Rơchăm Sơn buồn lắm, ban đầu khóc hoài, sau đó hết khóc nhưng vẫn buồn ngấu buồn nghiến. Buồn mà không biết nói ra với ai.
Tháng 11 vừa rồi làng mở hội đâm trâu ăn mừng. Con trâu tơ béo mập, rượu cần thơm phức, đống lửa sáng bập bùng, tiếng cồng chiêng nhịp nhàng, tiếng người nói cười râm ran... đã bứng cái chân Rơchăm Sơn ra khỏi cái nhà.
Đêm hội thật vui. Rơchăm Sơn cùng xẻ miếng thịt trâu nướng vừa chín tới chấm muối ớt ăn với cơm nếp, cùng kéo cái cần ống trúc xuống vừa tầm để rượu đổ vào cái miệng mình. Đêm đó chị uống thật nhiều, cười vang như suối đổ rồi say lúc nào không hay. Khi chị ngất ngưởng trở về thì con trăng non đã muốn nghiêng xuống ngọn đồi trước mặt.
Cái rượu thật lạ, nó khiến máu người ta chạy rần rật, lại càng khiến người ta mạnh dạn hẳn lên, ước mơ một cái chi chi đó. Rơchăm Sơn bước đi, cũng ước mơ một cái chi đó nhưng không biết hắn là cái chi. Rồi chị cất tiếng hát, vừa đi vừa hát. Con người chị như muốn bay lên khỏi mặt đất, như cái trăng non treo trên trời, như cái gió mát đang thoảng qua ngàn cây.
Từ ngã ba hiện ra một thằng đàn ông. Rơchăm Sơn biết thằng Ksor này. “Về sớm hử, Rơchăm Sơn?”. “Ừ, mình về ngủ. Cái rượu say quá”. Rồi bỗng nhiên Rơchăm Sơn túm lấy cánh tay thằng đàn ông: “Này, muốn “bắt cái nước” (*) không?”. Thằng đàn ông ngạc nhiên: “Ở đâu, với ai?”. “Ở đây, với mình!”. Rơchăm Sơn kéo thằng đàn ông vào một chỗ khuất.
Việc xong họ ra đi, ai đi đường nấy. Rơchăm Sơn tiếp tục đi về nhà mình. Cái rượu vẫn làm máu chạy rần rật, nghe thật ấm.
Người thứ hai mà Rơchăm Sơn gặp là một thằng thanh niên. Chị “bắt” hắn ngay. Thằng nhỏ có vẻ vừa sợ sệt, vừa mắc cỡ. Kệ hắn, chị lôi tuột hắn đi theo mình và cho hắn “bắt cái nước”. Xong việc, thằng nhỏ chạy như bị ma rượt. Rồi Rơchăm Sơn gặp người thứ ba, người thứ tư. Chị cũng cho hai người này “bắt cái nước” luôn.
Một đêm ấy chị cho bốn thằng “bắt cái nước” với mình. Khi chị về tới nhà, con chó nhỏ chạy ra ngoắc đuôi mừng chủ. Chị chỉ kịp vuốt đầu nó một cái rồi bịch ra chiếu, ngủ ngay. Thiệt là một ngày và một đêm sảng khoái!
Hôm sau và liên tiếp những hôm sau đó Rơchăm Sơn quên hẳn mọi chuyện. Nhớ cái đồ yêu ấy làm chi cho mệt! Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng lâu lâu Rơchăm Sơn nhớ lại và tự mỉm cười, không hiểu sao hôm đó mình dạn dĩ vậy. Tất nhiên là chị giấu kín, không kể với ai. Và cảm thấy thú vị một mình.
Vài tháng sau chị cảm thấy người khang khác, cứ hay ớn lạnh về buổi chiều. Bưng cái cơm ăn, nhiều lúc chị muốn ói mà chẳng hiểu là ói vì cái chi. Chị lên trạm xá xã khám bệnh. Bà trưởng trạm khám cho chị thật kỹ, cũng chẳng ra bệnh gì. Rồi đột nhiên chị lại ói.
Bà trưởng trạm hiểu ra, nói nhỏ: “Mày có mang cái bụng rồi đó, Rơchăm Sơn”. “Là sao?”. “Trong bụng mày đang có cái thai. Mày sẽ có con”. Rơchăm Sơn về nhà điểm danh lại bốn thằng đàn ông đêm ấy. Chị biết hết tên tuổi của họ nhưng không hiểu được anh chàng Ksor nào đã làm ra cái thai chi chi đó trong bụng chị. Mà cái bụng chị thì theo ngày, theo tháng hắn cứ lớn lên, không giấu ai được nữa.
Mấy bà trong làng thấy tướng đi khệnh khạng của chị bảo nhau: “Con Rơchăm Sơn có bụng rồi. Con của thằng nào đó, Rơchăm Sơn?”. Chị không trả lời được.
Chính Rơchăm Sơn mới là người cần biết điều đó hơn mấy bà. Rơchăm Sơn bèn cắt một nải chuối thật đẹp, đi đến gặp ông thầy giáo trường tiểu học. “Mình nhờ ông thầy viết cho một cái đơn”. “Đơn gửi cho ai, nói việc chi?”. “Gửi lên cái tòa án gì đó trên K, nói về cái chuyện tìm thằng cha của đứa con trong cái bụng mình”.
Thầy giáo viết ngay cho Rơchăm Sơn. Ông không khỏi buồn cười khi nghe Rơchăm Sơn kể lại chuyện đêm đó chị ăn nằm với bốn anh chàng Ksor. Viết đơn xong, ông hướng dẫn Rơchăm Sơn ký tên rồi nói: “Đem cái đơn này nộp vào tòa án huyện K. Nhớ nói đúng lời mình dặn là “xin truy nhận cha cho con” nghe!”.
Sáu chữ đó khiến Rơchăm Sơn mừng quá, lặp đi lặp lại mấy lần cho khỏi quên. Có vậy chớ, có đứa con thì phải có thằng cha. Trong bốn anh chàng Ksor, cách chi tòa cũng tìm giúp cho Rơchăm Sơn một chàng.
Bà thẩm phán T. nhận đơn của Rơchăm Sơn, mời Rơchăm Sơn ngồi ghế và đọc đơn ngay. Bà đọc đi đọc lại mấy lần, lắc đầu nguầy nguậy: “Khó xử lắm, chị Rơchăm Sơn à. Nếu mỗi anh Ksor gặp chị ở mỗi con trăng khác nhau thì tòa có thể điều tra và biết được anh nào là cha đứa bé. Đằng này cả bốn anh cùng một đêm...”.
Rơchăm Sơn cãi: “Phải có mấy thằng đó thì mới có cái bụng này chớ”. “Đúng, nhưng mình phải hiểu rõ được là của người nào. Thôi thì Rơchăm Sơn sinh xong đi rồi tòa mình sẽ hướng dẫn cách đưa đứa bé đi xét nghiệm ADN”. “Là cái chi?”. “Là lấy một chút máu đứa bé rồi lấy một chút máu của bốn anh Ksor kia để đối chiếu. Hễ kết luận về di truyền máu đứa bé giống máu anh nào thì anh đó mới là cha đứa bé”.
Rơchăm Sơn hơi lùng bùng cái lỗ tai khi nghe chuyện xét nghiệm chi đó. Chị hỏi lại: “Cái này... làm ở Pleiku phải không?”. “Pleiku mình chưa làm được. Phải đưa ra Hà Nội”. “Cái này... ai bỏ tiền ra làm?”. “Rơchăm Sơn phải bỏ tiền ra”. “Bao nhiêu?”. “Khoảng bằng giá một con trâu lớn, Rơchăm Sơn à”.
Một con trâu lớn! Tiền đâu Rơchăm Sơn có? Bà tòa hiểu cái bụng của Sơn, động viên: “Bề gì nó cũng là con của mình, đẻ ra rồi nuôi cho đàng hoàng. Nhớ đừng có nghe ai xúi biểu đi phá thai, tội nghiệp lắm nghe, Rơchăm Sơn”.
Rơchăm Sơn ra trước cổng tòa ngồi khóc một chặp rồi trở về làng.
.....
Vũ Đức Sao Biển
Nguồn: Tuoitre
___________
Và "đòi lại cái nước"
Cùng tuổi cập kê, A Chức và Y Hling (cùng là người dân tộc Ba Na, trú làng Groi, phường Lê Lợi, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã nghe theo tiếng gọi của con chim rừng mà ngủ với nhau. Đến khi Y Hling có con, A Chức lại phụ tình, đi lấy vợ khác. Bị dân làng dọa phạt A Chức bảo đều là do Hling ưng thuận, cười cười khi A Chúc đưa cái nước vào nên A Chức không có tội. Nếu làng phạt A Chức thì A Chức buộc Hling phải trả đủ “cái nước” mà A Chức đã cho vào người Hling.
Nhức đầu với lập luận của kẻ bội tình này, già làng A Yim cuối cùng cũng nghĩ ra được một lý “độc” để xử. Ông họp làng lại, bảo A Chức: “Mày muốn đòi lại cái nước trong người Hling thì mày hãy tự lấy nó ra đi vì khi cho vào mày tự ý đưa vào, đúng không? Nếu mày lấy được cái nước đó ra thì cái lý của mày mới đúng và mày mới không có tội!”.
Cứng lưỡi với ý của già làng, A Chức đành phải nộp phạt và cam kết thực hiện nghĩa vụ nuôi cho đến khi đứa trẻ đủ 18 tuổi.
Nguồn: Nld