Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

Thành Hồ ở Phú Yên

hình Phuot.vn
____________________


THÀNH HỒ TRONG BỐI CẢNH THÀNH CỔ CHAMPA
Đặng Văn Thắng - PGS - TS, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh
1. Quá trình phát hiện và nghiên cứu Thành Hồ
Thành Hồ thuộc thôn Định Thọ, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, cách Thành phố Tuy Hòa 13.455m theo đường chim bay về hướng Tây Nam và cách cửa sông Đà Rằng 14.993m theo đường chim bay về hướng Tây Nam. Nơi cao nhất trong xóm Cổ Đạo/ Thổ Gạch (khu vực có nhiều hố khai quật) có tọa độ 130 01’ 097” vĩ độ Bắc 1090 12’ 307” kinh độ Đông. Theo “Bản đồ địa hình xã Hòa Định Đông - huyện Phú Hòa - tỉnh Phú Yên” và “Bản đồ địa hình xã Hòa Phong - huyện Tây Hòa” tỉ lệ 1: 10.000 thì Thành Hồ nằm bên tả ngạn sông Đà Rằng, chỗ mặt sông đi ngang chia cắt thành 2 nhánh, từ bờ Bắc sang bờ Nam rộng 850m theo hướng Bắc Nam. Mùa nước lũ (tháng 9 - 10 âm lịch), dòng sông rộng lớn, mùa cạn có cù lao giữa sông, rộng khoảng 500m. Dòng sông bờ Bắc xói lở một đoạn tường Thành Nam. Bên trong phía Tây Thành có Hòn Mốc, kề núi Dinh Ông. Đối diện bên kia sông là núi Dinh Bà cao 40,7m, cách Hòn Mốc 1500m về hướng Nam, lệch Đông 20. Khu vực dân cư, cư trú trong Thành cao 12-13m và khu vực khác cao 11m so với mực nước biển.
Qua khảo sát thực địa, nghiên cứu bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích Thành Hồ, kết hợp với quan sát, đo đạc từ ảnh vệ tinh (Google Earth) có thể nhận diện Thành Hồ khá rõ. Bản vẽ mặt bằng Thành Hồ về cơ bản gần giống với bản vẽ của H. Parmentier công bố năm 1909. Thành có hai phần, phần gần hình vuông (có người gọi là thành ngoại) và phần gần hình thang vuông (có người gọi là thành nội), quay chính hướng Đông Tây Nam Bắc. Góc vuông Bắc có tọa độ 130 10’ 26,69” vĩ Bắc, 1090 12’ 38,23” kinh Đông; góc Tây Bắc có tọa độ 130 01’ 28,22” vĩ Bắc, 1090 12’ 14,20’’ kinh Đông; góc Tây Nam có tọa độ 130 00’ 57,63” vĩ Bắc, 1090 12’ 08,90” kinh Đông và góc Đông Nam đã bị lở có tọa độ 130 00’ 57,64” vĩ Bắc, 1090 12 38,06” kinh Đông. Tường thành Đông dài 909m, đã bị lở mất một đoạn, phần còn lại dài 810m; tường thành Tây bên trong dưới chân Hòn Mốc, hơi lõm vào trong, dài 944m, tường thành Tây bên ngoài đến đoạn xéo, dài 685m, đoạn nối xéo góc Tây Bắc từ thành ngoài đến thành trong dài 345m; tường thành Nam dài 905m, đã bị xói lở một đoạn, phần còn lại dài 336m;  tường thành Bắc dài 757m. Trên tường thành Đông và Bắc có những mô đất có kích thước lớn hơn tường thành và cao hơn thành mà địa phương gọi là Hòn Mô, trên đó có dựng những tháp canh. Những mô đất ở góc thành và giữa thành lớn hơn các mô còn lại, tạo thành thế đăng đối. Ở tường thành Đông có 7 mô đất, mỗi mô cách nhau khoảng 150m có một mô góc Đông đã bị lở xuống sông, tường thành Bắc có 5 mô đất, mỗi mô cách nhau khoảng 170m. Thành có 3 cửa: Tường thành Nam có một cửa rộng 20m nằm gần khoảng giữa tường thành Tây bên trong và tường thành Tây bên ngoài, cách góc Tây Nam 70m; tường thành Bắc có 2 cửa, mỗi cửa rộng 15m, cửa góc Tây Bắc 123m đi vào sẽ gặp Rộc Lác (dân địa phương gọi là cửa tử vì vào sẽ gặp Gộc Lác sâu rất nguy hiểm), cách cửa này 74m sẽ có cửa thứ hai và cũng là cửa mở ngay mô đất (dân địa phương gọi là cửa sinh). Trong thành có Rộc/Rạch nước nối với sông Đà Rằng, đoạn chảy ngang thành từ góc Tây Nam cho tới góc Tây Bắc và vì vậy tạo ra 3 cửa, gọi là cửa nước: 1 ở tường Tây bên ngoài, cách góc thành Tây Nam 198m; 1 ở tường thành Tây bên trong, cách tường thành Nam 243m và 1 ở tường thành Đông, cách thành Đông Bắc 146m.
Phần phía Nam của Thành là phần đất cao, có nhiều dấu vết di tích cổ, chỗ cao nhất 13,2m so với mặt nước biển, các chỗ khác thấp hơn chỉ cao khoảng 11,4m.
Sông Đà Rằng là con sông lớn nhất tỉnh phú Yên có vai trò quan trọng trong việc hình thành đồng bằng Tuy Hòa và là cơ sở cho việc xây dựng Thành Hồ. Đại Nam Nhất Thống chíghi chép về sông Đà Rằng như sau: «Sông Đà Diễn ở phía Nam huyện Tuy Hòa, có tên nữa là sông Đà Lãng, phát nguyên từ trong Man động về phía Tây núi Phước Sơn, chảy về phía Đông làm sông Thạch Hãn (sông có nhiều đá ngăn cản, nên gọi thế) ngoặt về phía Nam đến phía Nam xã Thạch Thành có sông Hương Sơn, nguồn ra từ núi Bình Yên chảy về phía Đông Bắc chừng 2 dặm thì hợp vào; lại chuyển sang phía Đông đến thôn Bảo Tháp có sông Bảo Tháp, nguồn ra từ núi Phú Cốc (có tên nữa là núi Bảo Tháp) chảy phía Nam mà hợp vào, lại chảy về phía đông 96 dặm rồi đổ ra cửa biển Đà Diễn. Sông này rộng 133 trượng, trong sông có nhiều bãi, đầu đời Gia Long liệt vào điển thờ »[1].
Sông Đà Rằng bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô, cao trên 1500m thuộc địa phận tỉnh Kon Tum. Từ thượng nguồn tới gần An Khê sông chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam qua địa phận núi non hiểm trở, lòng sông hẹp và nhiều gềnh thác. Từ An Khê đến Cheo Reo lòng sông mở rộng và hạ thấp dần nhận thêm nước từ hạ lưu Ayunpa đổ vào bên phải tại Cheo Reo. Từ Cheo Reo đến thị trấn Củng Sơn sông chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, nhận thêm nước của các phụ lưu sông Krông Năng tại ranh giới Gia Lai - Phú Yên, Sông Hinh tại Đức Bình đổ vào bên phải, hai sông Cà Lúi đổ vào bên trái. Đoạn cuối cùng sông chảy theo hướng gần như Tây Đông nhưng từ Đồng Bò ra tới cửa biển sông chuyển hướng hơi lệch về phía Bắc và đổ ra cửa Đà Diễn. Sông Đà Rằng không những là con sông lớn của tỉnh Phú Yên mà còn là con sông lớn khu vực miền Trung, có diện tích lưu vực 13.220km2 chủ yếu tập trung ở Gia Lai. Phần diện tích ở Phú Yên 2.420km2, chiếm 18,3%, phần qua địa phận Phú Yên dài 90km, chiếm 25%. Vào mùa nước lũ mực nước sông Ba dâng cao, vào mùa hè nước sông Ba cạn nước chỉ còn dưới lòng sông. Đồng bằng Tuy Hòa cũng là đồng bằng màu mỡ nhất, do sông Đà Rằng chảy qua các vùng đồi bazan ở thượng lưu, đã mang về hạ lưu phù sa gồm nhiều hạt mịn và nhiều phì liệu, nhất là kali, manhê[2].
Không những sông Đà Rằng có vị trí địa lý quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Phú Yên mà còn là tiềm năng kinh tế, mang phù sa bồi đắp cho cánh đồng Tuy Hòa, là nơi cư trú các loài thủy hải sản: Mùa xuân những loại cá đến sinh sống: thài bai, bóng cát, bóng trắng, bóng mú, bóng tượng, bóng lá, bóng đá, cá nghạnh, trắng chỉ, trắng mương, cá cháo, cá nhét... Vào mùa hạ cá ở nước mặn lên vùng sông ba sinh sản như cá úc, cá lăng,… và một số cá nuôi bị vỡ hồ sinh sống lẫn lộn như cá chép, cá sóc lát, cá vầy, cá sãnh, cá lăn. Vào mùa hè: cá chình lịch, bóng tượng, trắng trâu, cá trắng. Đầu Đông: Nhờ nước lũ cá đi ngược dòng lên sinh sản như: cá trê, cá tràu, cá chốt, rô phi…Kình ngư của sông này là cá trắm cỏ, có con nặng 50 ký.
Bao quanh tường thành Tây Thành Hồ là một dãy núi rất cao gọi là Hòn Mốc, phía Bắc là núi Sầm, theo dân địa phương, có rất nhiều đá vôi. Về mặt điều kiện tự nhiên ở khu vực Thành Hồ rất thuận lợi, có cả các yếu tố: sông, núi, đồng bằng… tạo cho Thành Hồ trở thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hoá Champa trên vùng đất Phú Yên.
Dọc theo sông, suối lớn, ven biển và các đầm hồ đều có cuội, sỏi, cát, đất phù sa. Dựa vào các đặc điểm Thạch học, địa mạo và vị trí phân bố thì ở thượng nguồn Sông Đà Rằng thành phần gồm: cuội, sỏi, cát, bột, độ mài từ trung bình đến tốt. Điều này thấy rõ qua các lớp của các hố khai quật, các hiện vật tìm thấy trong quá trình khai quật.
Đất phù sa chiếm 98% diện tích tự nhiên được hình thành do sự bồi đắp phù sa con sông Đà Rằng làm tốt và giàu chất dinh dưỡng (do sông Đà Rằng chảy qua nhiều vùng đất đỏ Tây Nguyên kéo đất về bồi đắp). Qua khai quật tại các lớp thì Thành Hồ có các loại đất phù sa, đất sét, sạn, sét vàng, sét pha cát có tầng loang lỗ, đỏ vàng tạo thành vùng đồng bằng màu mỡ ở phía Đông Nam - Tây Bắc, vùng đồng bằng rộng lớn này chủ yếu trồng lúa.
Đất xám chiếm 6,9% diện tích tự nhiên phân bố từ địa hình trung gian nối giáp với đồi núi và vùng thấp. Qua các hố khai quật và phân tích trữ lượng đá ở các hiện vật thì khu vực Thành Hồ trữ lượng đất sét khá dày bao gồm đất sét, sét pha cát, sét sạn. Đất có màu nâu, màu xám và màu đen, ở khu vực phía Bắc có đá vôi.
Do đặc điểm cấu trúc địa chất các hoạt động magma, kiến tạo xảy ra nhiều giai đoạn khác nhau dẫn đến sự hình thành các khoáng sản rất đa dạng và phong phú. Trong đó có những loại khoáng sản có tiềm năng kinh tế lớn và giá trị kinh tế cao: Đá xây dựng, sét gạch ngói... Ngoài ra còn có trường quặng Trảng Sim Nưng diện tích nhỏ, trữ lượng thấp.
Ở phía Bắc Thành Hồ, theo dân địa phương, có núi đá vôi ở núi Sầm. Qua khai quật Thành phía Bắc ở độ 2m tìm thấy đá mà theo người dân địa phương thì người Chăm lấy đá vôi ở Núi Sầm về đắp Thành. Ở Thành Hồ còn có những cuội đá các loại hay những khối đá nhỏ, được khai thác trong thiên nhiên xung quanh Thành Hồ, sử dụng trong việc xây dựng thành. Chẳng hạn như việc gia cố nền móng trong kiến trúc (đá cuội + đất sét). Đặc biệt là việc sử dụng đá vôi + đất sét để tạo móng vững chắc cho bờ thành không bị sạt lở. Chúng tôi đã chọn 31 mẫu và nhờ Trung tâm Phân tích Thí nghiệm thuộc Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam phân tích. Ngày 14-4-2009, cho kết quả như sau:
·  9 mẫu là đá Ryolit porphur (Hố 3 có 3 mẫu, Hố 4 có 5 mẫu, Hố 10 có 1 mẫu).
·  3 mẫu là đá Felsit porphyr (Hố 3 có 2 mẫu, Hố 4 có 1 mẫu).
·  4 mẫu là đá Granit biotit hạt vừa (Hố 1 có 1 mẫu, Hố 3 có 1 mẫu).
·  1 mẫu là đá Granit biotit dạng porphyr (Hố 1).
·  5 mẫu là đá Tuf ryolit (Hố 1 có 2 mẫu, Hố 3 có 1 mẫu, Hố 4 có 2 mẫu).
·  1 mẫu là đá Tuf dacit (Hố 3).
·  4 mẫu là đá thạch anh (Quarzit) (Hố 1 có 2 mẫu, Hố 3 có 1 mẫu, Hố 4 có 1 mẫu).
·  1 mẫu là đá Greisen (Hố 3).
·  1 mẫu là đá sừng thạch anh - cordierit - sericit - biotit (Hố 3).
·  2 mẫu là cát bột kết (Hố 1 có 1 mẫu, Hố 4 có 1 mẫu).
Điều chúng tôi lưu ý nhất là mẫu của Hố 10, hố khai quật cắt ngang thành, loại đá mà dân địa phương gọi là đá vôi đáng lẽ phải là đá Limestone, thì được phân chất là đá Ryolit porphur có thành phần khoáng vật sau: Hạt vụn 43% (Plagioclas 4-5%; thạch anh 5-7%; Felspat kali 3-4%; Biotit ít-1%); Khối nền 57% (Thạch anh - Felspat; Khoáng vật sét - sericit; Biotit, chlorit ít; Khoáng vật quặng ít). Có lẽ đây là loại đá đã bị phong hóa.
Phú Yên một năm có hai mùa khô và mùa mưa rõ rệt, mùa khô thường từ tháng 1 đến tháng 8 dương lịch, có gió nóng Tây Nam (gió Nồm), mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12 dương lịch, có gió Đông Bắc (gió Bấc).
Ở Phú Yên, thực vật tự nhiên rất phong phú và đa dạng phân bố trên các đồi núi với mật độ và số lượng loài khác nhau, cấu kết không gian thực vật gồm nhiều tầng: tầng trên, tầng giữa và tầng dưới và các thảm tươi, cây tái sinh, cây bụi, dây leo, các loại gỗ quí dùng để làm nhà và đóng thuyền: cây sao, cây gõ, cây hương, cây sân, cây xay, cây trâm, cây sến, cây chò, cây kiền kiền, cây liêm, cây bằng lăng (mằn lăng), cây tra xanh loại một, cây sọ thưởng, cây mít mài, cây xoài nước, cây huỳnh đăng, cây cổng tàng, cây hồng thị, cây hồng tía, cây cầy, cây nhãn, cây là bó, cây bạch đàn tía, cây bạch đàn trắng, cây bạch đàn keo, cây hồng đào…   
Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, trong phần trình bày Đạo Phú Yên có giới thiệu về Thành Hồ như sau: “Thành cổ An Nghiệp ở phía Bắc sông Đà Diễn, thuộc xã An Nghiệp huyện Tuy Hòa, chu vi 1400 trượng; tương truyền do người Chiêm Thành xây, tục gọi Thành Hồ. Năm Mậu Dần (1578) đời Thái Tôn bản triều, Quận công Lương Văn Chánh đánh lấy được thành này. Nay vẫn còn nền cũ[3] (1 trượng khoảng 4m, 1.400 trượng x 4m = 5.600m). Sách “Đại Nam nhất thống chí” cũng có ghi chép về Lương Văn Chánh như sau: “Lương Văn Chánh người huyện Tuy Hòa, đầu bản triều làm chỉ huy sứ, đánh được nước Chiêm Thành thăng Phụ quốc Thượng Tướng quân, sau làm Tham Tướng dinh Trấn Biên, có công chiêu tập dân phiêu tán khai khẩn ruộng hoang, chết tặng Quận công, phong phúc thần[4].
Năm Tân Hợi (1611), Nguyễn Hoàng mở rộng lãnh thổ, lấy đất từ đèo Cù Mông đến núi Đá Bia (Thạch Bi), lập phủ mới là phủ Phú Yên, gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa thuộc dinh Quảng Nam. “Đại Nam thực lục” ghi về sự kiện này như sau: “Tân Hợi, năm thứ 54 (1611), bắt đầu đặt phủ Phú Yên. Bấy giờ quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới. Chúa sai chủ sự là Văn Phong (không rõ họ) đem quân đi đánh lấy được (đất ấy), bèn đặt làm một phủ, cho hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa lệ thuộc vào. Nhân sai Văn Phong làm lưu thủ đất ấy[5].
Năm 1909, Henry Parmentier đã công bố việc khảo sát di tích Thành Hồ trong công trình “Thống kê khảo tả các di tích Chăm ở Trung kỳ”. Ngoài phần mô tả, ông còn thực hiện bản vẽ thành. Theo mô tả của H. Parmentier, Thành Hồ nằm bên tả ngạn sông Đà Rằng, cách cửa sông Đà Rằng độ 15km. Tòa thành hình vuông, cạnh 600m được xây chính hướng, mặt thành Nam bị mất một phần do sông xói lở. Khoảnh tam giác nằm giữa ngọn núi được bảo vệ bởi một bức tường thành xuyên dọc sườn đồi. Thành có hào rộng 30m bảo vệ mặt tường Bắc và Đông, khá cao, mặt tường còn lại rộng 3 - 5m. Chỉ mặt được núi bảo vệ là không có tháp canh. Mặt thành phía Bắc có 6 tháp canh, mặt thành phía Đông có 7 tháp canh, kể cả tháp ở góc. Mặt Namđã bị sụp lở, vẫn còn giữ ở góc Tây hai cái ụ, trong đó có môt cái ụ khá quan trọng, ở góc thành, có thể được làm chòi cảnh giới mặt sông. Về cửa thành, mặt Đông gần chỗ xẻ để nước vào, trông như là có 1 cổng, mặt Bắc có 2 cổng, ở hai đầu mặt Tây của tòa thành chính hình vuông có hai cổng, ở dãy rào bên ngoài mặt Tây gần góc Tây Nam có 1 và có thể là 2 cổng. Gạch xây thành rất lớn, dày hơn 0,10m, màu đỏ thẫm có khi tím. Công trình được bổ sung hoàn chỉnh bằng di tích Phước Tịnh, nằm trên trục Bắc Nam bên kia sông Đà Rằng và bằng một ngọn tháp, nằm trên trục Đông Tây, ở trên quả đồi tiếp theo bức tường xiên, vị trí này được nhận ra nhờ nhiều gạch vỡ đổ[6].
Năm 1965, Nguyễn Đình Tư trong sách “Non nước Phú Yên” có đề cập đến Thành Hồ. Theo Nguyễn Đình Tư, thành được xây thành hai lớp: thành ngoại và thành nội. Thành ngoại hình chữ nhật, chiều ngang hướng Đông Tây, khoảng 1000m, chiều dài hướng Bắc Nam, khoảng 1500m. Phía Bắc và phía Đông giáp ruộng vườn, phía Tây giáp núi rừng hiểm trở, phía Namgiáp sông Đà Rằng rộng lớn. Bờ thành xây bằng gạch Chàm, như gạch xây các tháp, theo hình thang, dưới chân rộng khoảng 30m, trên mặt rộng độ 10 hay 15m, cao khoảng 6-7m. Trên mặt thành có lối đi ở giữa, rộng khoảng 3-4m, sâu xuống ngang lưng quần, quân lính, xe ngựa có thể đi lại trên đường này, trông thấy địch quân mà địch quân không thấy. Trên mặt thành tại 4 góc và cứ cách nhau khoảng 200-300m, lại được xây cao lên như pháo đài, có lẽ là những chòi canh. Ngày nay những ụ đất này vẫn còn. Những cụ già 60-70 tuổi cho biết: khi các cụ mới 9-10 tuổi đã lên chơi trên thành và còn đùa chạy trong lòng rãnh ấy. Cũng theo các cụ già kể lại, thì mỗi phía thành có mở hai cửa ra vào, gọi là cửa sinh và cửa tử. Cửa sinh là cửa dành cho quân lính ra vào hàng ngày, không có gì là nguy hiểm, nhưng lại được canh gác cẩn mật. Trái lại cửa tử là cửa để quân địch vào và lẽ tất nhiên, sẽ bị những bẫy đã được bố trí sẵn làm thiệt mạng. Cửa này canh gác sơ sài, cố ý đánh lừa địch quân. Thành ngoại cách thành nội khoảng 150m. Thành nội xây bằng đất, cũng hình chữ nhật, trên mặt thành không có đường rãnh và không có pháo đài. Mỗi mặt thành nội cũng có cửa sinh và cửa tử. Ở giữa thành nội có một cái hồ hình mặt nguyệt. Ở góc thành nội phía Tây Bắc có Hòn Mốc, trên có một cái sân khá rộng, lát toàn gạch vuông, có đường tam cấp đi xuống thành[7].
Năm 1994, PGS.TS. Ngô Văn Doanh trong sách “Tháp cổ Champa sự thật và huyền thoại” có đề cập đến Thành Hồ. Ông cho biết năm 1980 đã đến nghiên cứu Thành Hồ và thấy Thành Hồ là một thành mang tính quân sự rất kiên cố và lớn của người Chăm. Thành Hồ có bình đồ gần chữ nhật với bốn chòi canh ở 4 góc. Tường thành phía Nam chạy dọc theo sông Đà Rằng dài 852m, tường thành phía Tây dài 940m, tường thành phía Đông dài 732m, tường thành phía Bắc dài 738m. Trong khu thành có bức tường thứ 5 dọc theo hướng Bắc Nam, chia thành thành hai khu Đông và Tây. Khu Tây là thành nội, cao, có mỏm sân cờ. Song song về phía Tây là bức thành thứ sáu xây hẳn trên sườn núi dài 360m. Ngoài bốn chòi canh ở bốn góc thành, tại tường phía Đông, cách góc Đông Nam 300m, có thêm một chòi canh thứ năm. Các chòi canh đều có bình đồ vuông, mỗi cạnh dài 11m và cao hơn mặt thành 3m. Tất cả các tường thành và chòi canh đều bằng đất và được ốp ở mặt ngoài và mặt trong bằng lớp tường dày 1,5m, khoảng giữa bằng đất rộng 4m. Như vậy, tường thành rộng 7m, chân tường thành được đắp choãi ra. Gạch xây thành là loại gạch lớn 40cm x 20cm x 10cm; hoặc 38cm x 18cm x 9cm. Thành có tám cổng: hai cổng phía Nam, một cổng phía Bắc, một cổng phía Đông, hai cổng phía Tây, hai cổng nối thành nội và thành ngoại. Trong và ngoài thành có dấu vết các hào nước rộng và ba hồ lớn[8]. Năm 2001, PGS.TS. Ngô Văn Doanh trong bài “Thành Hồ - Cửa ngõ Châu Thượng Nguyên (Tây Nguyên) của Champa” có đề cập về niên đại xây dựng Thành Hồ. Sau khi so sánh những hiện vật vật chất như gạch ngói ở Thành Hồ và các di tích quanh vùng như tháp Núi Bà, Tháp Nhạn, tháp Đông Tác, Ngô Văn Doanh cho rằng Thành Hồ được xây dựng vào thế kỷ XII và được sử dụng liên tục cho đến cuối thế kỷ XVI[9].
Tháng 7 năm 2001, GS. Trần Quốc Vượng dẫn đầu đoàn khảo sát Thành Hồ. Qua khảo sát đoàn nhận thấy bờ Nam bị sụt lở, chỗ bến sạn Ba Long có thể ứng với mô thứ năm của bờ thành Đông theo bản vẽ của H. Parmentier. Bờ thành Nam còn lại rõ nhất là chỗ cồn Mô Giao thông, tức góc Tây Nam của thành. Góc Tây Nam từ cồn Mô Giao thông chạy xéo qua mương nước hiện nay về phía Tây Hòn Mốc. Lác đác có cấu trúc gạch trên nền đá gốc, có thể là Granit biến chất tạo ra từ Đông Bắc xuống Tây Nam mà nhân dân gọi là Ghềnh Ông. Phía đối diện bên kia sông là Ghềnh Bà (tức chùa Phước Tịnh). Phía Tây Nam có một cửa nước đổ trực tiếp ra sông Đà Rằng. Phía Tây Bắc có một cửa nước. Nước được dồn xuống rộc chảy xuống bàu (Bàu Tròn, Bàu Đục) và đổ ra sông. Thành có hai phần, được phân cách bằng một lũy thành tương đối thẳng chạy từ Bắc xuống Nam, về phía Đông của Hòn Mốc. Dân gian gọi phía Tây là thành Nội và phía Đông là thành Ngoại. Dòng chảy từ cửa (nước) Tây Bắc sang Tây Nam chia thành hai phần. Thành Hồ có hình thể dựa theo thế núi, thế sông. Phía dưới cột cờ, phía bờ thành Tây, đoàn đã phát hiện một số mảnh gốm Chăm cổ, gốm thô, mềm và bở, đất khá đen. Có nhiều khả năng, đây là địa điểm Chăm sớm. Tại địa điểm Thổ Đạo hay Hưng Đạo, bờ thành Đông, đoàn đã tìm thấy nhiều hiện vật gốm như vò kendi, cà ràng… Một số bình, vò có thân trang trí văn in ô vuông, sóng nước, hồi văn, xương cá… Những hiện vật gốm này khá giống các loại hình gốm Chăm ở tầng văn hóa trên của di chỉ Trà Kiệu, Cẩm Phô và một số di tích Chăm khác ở Quảng Nam, Quảng Ngãi… Nhìn chung bộ sưu tâp này nằm trong khoảng thời gian từthế kỷ III đến thế kỷ V. Tại xóm Thổ Gạch hay xóm Thành Lòi/ Lồi, phía bờ thành Nam, trong khi đào đất, nhân dân đã tìm thấy một số điêu khắc đá. Một tượng Nữ Thần đứng bằng đá đã được thu giữ về Bảo tàng (đã bị mất). Trong đợt này đoàn tìm thấy và thu giữ một đầu tượng bị vỡ dọc thành hai mảnh, mũi và miệng đã bị vỡ. Ngoài ra còn tìm thấy nhiều gốm Chăm cổ. Rất có thể nơi đây cũng là một điểm cư trú lâu đời[10].
2. Thành Hồ qua những lần khai quật
2.1. Khai quật Thành Hồ lần thứ I
Năm 2003, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Phú Yên tiến hành khảo sát, khai quật Thành Hồ. Phụ trách khai quật: TS. Lê Đình Phụng. Theo “Báo cáo khai quật Khảo cổ học di tích Thành hồ (Phú Hòa - Phú Yên)” thì đợt khai quật này có mở hai hố với tổng diện tích 46,5m và thực hiện lát cắt tường thành nhờ việc mở con đường trung tâm huyện cắt ngang bờ thành Đông. Qua khai quật đã tìm thấy các di tích kiến trúc, đồ gốm gia dụng, đồ gốm trang trí kiến trúc, dọi se chỉ, bàn mài. Từ kết quả thu được, những người khai quật đưa ra nhận xét:
·  Đã tìm được trên 6 dấu vết kiến trúc khác nhau như hệ thống tường bao, công trình liên quan đến tôn giáo được xây dựng khá hoàn chỉnh, chất liệu bền vững như gạch ngói, được xây dựng ở nhiều thời kỳ khác nhau.
·  Di vật như gạch có kích thước lớn, ngói âm dương, đầu ngói ống trang trí mặt hề, mặt sư tử, mặt kala, cánh sen…, đồ đất nung có chất liệu hình dáng kế thừa từ đồ gốm Sa Huỳnh, đồ gốm như bình, vò, chậu…chủ yếu là hoa văn in ô vuông.
·  Thành Hồ được xây dựng khá sớm, thế kỷ V-VII[11].
2.2. Khai quật Thành Hồ lần thứ II
Năm 2004, Bảo tàng Phú Yên tiếp tục phối hợp với Viện Khảo cổ học - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức khai quật Thành Hồ lần thứ hai. Phụ trách khai quật: TS. Lê Đình Phụng. Theo “Báo cáo khai quật Khảo cổ học di tích Thành hồ (Phú Hòa - Phú Yên) lần thứ II” thì đợt khai quật này mở rộng diện tích 25m2 ở hai đầu của hố khai quật năm 2003, như vậy tổng diện tích hai lần khai quật của hố này là 5m x 10m = 50m2, thuộc khu đất của ông Trần Lớ. Hiện vật tìm được gồm gạch, ngói, đầu ngói ống, gốm trang trí kiến trúc, đinh gốm, đồ gốm như nồi gốm, nắp, núm, vòi ấm, bát chân cao, mảnh cà ràng… Từ kết quả thu được, những người khai quật đưa ra nhận xét:
·  Các công trình kiến trúc tìm được có khả năng là các công trình liên quan đến tôn giáo, được trang trí mỹ thuật đẹp. Các hiện vật liên quan như kendi, hệ thống máng dẫn nước, các họa tiết trang trí mặt sư tử, mặt hề, hoa sen…có ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ. Riêng khối hộp kiến trúc với hai hố đen tìm được trong lòng hộp có khả năng là dấu vết liên quan đến táng tục - tục hỏa táng?
·  Đồ gốm tìm được ở Thành Hồ cho thấy có yếu tố gốm bản địa, kế thừa từ gốm Sa Huỳnh. Những loại hình, họa tiết, hoa văn trang trí cho biết nhận thức thẩm mỹ của dân tộc Chăm và cho thấy có ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Trung  Hoa.
·  Nghiên cứu Thành Hồ góp phần hiểu biết về địa điểm, cấu trúc tòa thành của người Chăm. Thành Hồ không những là một công trình kiến trúc quân sự mà còn là một trung tâm chính trị, kinh tế thương mại của cả vùng đất. Khẳng định thành Champa là những địa điểm đa chức năng.
·  Tổng thể hiện vật thu được cho thấy việc xác định niên đại Thành Hồ vào thế kỷ V-VII là có cơ sở khoa học[12].
2.3. Khai quật Thành Hồ lần thứ III
Đầu năm 2008, Viện Khảo cổ học - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Phú Yên tiếp tục khai quật di tích Thành Hồ lần thứ III. Phụ trách khai quật: TS. Lê Đình Phụng. Lần khai quật này mở một hố 2m x 5m = 10m2 kề với hố khai quật cùa năm 2003 và năm 2004 về hướng Bắc.
2.4. Khai quật Thành Hồ lần thứ IV
Năm 2008, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên phối hợp với Trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn - Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành thăm dò, khai quật di tích thành Hồ thuộc thôn Định Thọ - thị trấn Phú Hòa - huyện Phú Hòa - tỉnh Phú Yên. Cuộc khai quật lần này được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn một nghiên cứu khảo cổ học ngoài trời  (thăm dò, khảo sát, khai quật) từ ngày 3 - 9 - 2008 đến ngày 18 - 10 - 2008 và giai đoạn hai nghiên cứu khảo cổ học trong phòng (phục dựng, chỉnh lý, nghiên cứu hiện vật) từ ngày 2 - 11 - 2008 đến ngày 30 - 11 - 2008. Tham gia khai quật, chỉnh lý có thầy cô giáo và 15 sinh viên năm thứ tư, năm thứ ba thuộc Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và lãnh đạo, cán bộ nhân viên thuộc Bảo tàng tỉnh Phú Yên. Qua hơn 1 tháng đã tiến hành khai quật được 10 hố khai quật, được đánh số ký hiệu theo trình tự thời gian mở hố từ H1 đến H10, với tổng diện tích 455,5m2.
Đầu năm 2009, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên phối hợp với Trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn - Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tiến hành thăm dò, khai quật di tích thành Hồ thuộc thôn Định Thọ - thị trấn Phú Hòa - huyện Phú Hòa - tỉnh Phú Yên. Cuộc khai quật lần này chỉ tiến hành trong một đợt, vừa khai quật vừa chỉnh lý hiện vật, kéo dài từ ngày 7 - 1 - 2009 đến ngày 24 - 1 - 2009. Tham gia đợt khai quật này có thầy cô giáo thuộc Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và lãnh đạo, cán bộ nhân viên thuộc Bảo tàng tỉnh Phú Yên. Qua hơn 15 ngày khai quật và chỉnh lý hiện vật của 2 hố khai quật, được đánh số theo trình tự thời gian mở hố và tiếp nối với những hố khai quật trước, từ H11 đến H12, với tổng diện tích 96m2.
Như vậy, tổng diện tích khai quật Thành Hồ qua hai đợt là 551,5m2. Trong đó từ Hố 1 đến Hố 7 và Hố 9 khai quật tập trung ở khu vực dân cư, cư trú của Thành Hồ; Hố 10 là hố cắt ngang bờ thành; Hố 11 ở phía Nam thành kề sông Đà Rằng; Hố 8 và Hố 12 ở thành Tây phía trong gần chân Hòn Mốc.
3. Đặc điểm của thành Hồ
Qua 4 lần khai quật có thể nhận ra di tích Thành Hồ như sau:
3.1. Thành Hồ
Thành Hồ nằm bên bờ Bắc của sông Đà Rằng, là di tích có mặt bằng gồm phần hình gần vuông và phần hình thang vuông ở phía Tây (cạnh Đông 909m, Tây trong 944m, Tây ngoài có 2 đoạn 685m + 345m, Nam 905m, Bắc 757m) đúng hướng Đông Tây Nam Bắc. Thành có thành cao hào sâu rộng vài chục mét nắm bên ngoài - thành trì. Thành Đông có 7 tháp canh, mỗi tháp cách khoảng 150m; thành Bắc có 5 tháp canh, mỗi tháp cách nhau 170m (tính luôn tháp canh ở 4 góc thành). Thành Tây và Nam chỉ có tháp canh ở các góc. Thành có 3 cửa gồm 2 cửa phía Bắc (cửa sinh và cửa tử - cửa tử đi vào sẽ gặp Rộc Lác, nước ngập, sình lầy) và một cửa phía Nam (ra sông Đà Rằng). Thành có Hòn Mốc trên có xây tháp Champa đã bị sập, ở phía Tây và có Rộc Nước chảy xuyên qua thành. Thành có thế “tựa núi, nhìn sông”. Bên bờ Bắc sông Đà Rằng có Gành Ông (góc Tây Nam thành) và đối diện bên kia (bờ Nam) là Gành Bà có tháp Champa đã bị sập gọi tháp Bà và cũng được khảo sát nghiên cứu[13], rất có thể bên kia thành cũng có chốt canh, tạo thế chốt canh hai bên sông Đà Rằng kiểm soát đường thủy và bảo vệ thành. Cùng với sông Đà Rằng và Rộc Nước trong thành, cũng như có tháp ở 2 bên bờ sông, có thể suy đoán quân giữ thành có đội quân thủy.
Qua Hố 10 khai quật cắt ngang thành Bắc, có thể nhận ra kỹ thuật khá cao trong việc xây dựng thành như: sử dụng đất sét  + đá , loại đá mà dân địa phương gọi là đá vôi có ở núi đá vôi núi Sầm ở phía Bắc Thành Hồ. Đó là loại đá hút nước làm cho sét xây móng và phần giữa (xương) bờ thành lúc nào cũng khô và rất cứng, sau đó kè một lớp gạch vụn, đất sét xen kẽ nhau hai bên chân thành để chống sạt lở. Một thời gian sau bờ thành được sửa chữa nâng cấp lần hai, phía ngoài có một lớp sét còn chủ yếu hai bờ trong và ngoài chân thành kè một lớp gạch vụn, đất sét xen kẽ nhau. Trên bề mặt thành có lót gạch và xây hai bờ tường gạch cao hai bên để quân lính di chuyển và núp bắn mà Ông Nguyễn Đình Tư cho rằng “Những cụ già 60-70 tuổi cho biết: khi các cụ mới 9-10 tuổi đã lên chơi trên thành và còn đùa chạy trong lòng rãnh ấy”. Rất có thể thành được đắp lần đầu vào thế kỷ thứ III mà hiện vật có thể minh chứng như niên đại của vò gốm, ngói có in văn in bên trong, mặt hề cùng loại với Trà Kiệu, cũng như niên đại C14 - 230 sau công nguyên. Theo sách Tấn Thư, vào đời vua Thái Khang nhà Tấn (280-290) vua Lâm Ấp là Phạm Dật sang Trung Quốc cống tiến, Phạm Dật có người nô lệ là Phạm Văn đi theo, qua Trung Quốc học được kỹ thuật xây thành, sau cái chết của Phạm Văn, Phạm Dật cướp ngôi lên làm vua Lâm Ấp, đến thời cháu là Phạm Hồ Đạt (380-413) đã cho xây thành Khu Túc vừa thủ phủ vùng đất phía Bắc vừa là nơi đồn trấn nhằm chống lại các cuộc tấn công từ Giao Châu[14]. Đến thế kỷ XV thành được đắp gia cố nâng cao hơn mà hiện vật cho niên đại là trôn đế gốm Gò Sành ve lòng tìm được trong bờ thành Bắc.
3.2. Kiến trúc
·  Ngoài khối gạch xây trên có máng nước thiêng (somasutra) - thường xuất hiện những nơi thờ thần Siva - , bình Kendi tìm được trong hai đợt khai quật năm 2003 - 2004, đợt khai quật lần IV, với việc khai quật về phía Đông (08.TH-H1 + 08.TH-H5) tìm được 5 chân trụ cột có thể là nơi chuẩn bị lễ vật (mandapa) giống như ở tháp Ponagar (Nha Trang), bình nước, bình nhỏ và sau đó là hồ nước phục vục cho nghi lễ; tìm được khu vực cư trú có nơi hành lễ, có đường đi trong thành có lề đường hay không có lề đường. Các dấu vết công trình kiến trúc tìm được qua khai quật có khả năng là các công trình kiến trúc liên quan đến kiến trúc tôn giáo, đường đi, nền móng. Dấu vết kiến trúc cho thấy đây là nhóm công trình kiến trúc liên quan mật thiết với nhau.
·  Tìm được đường đi nhỏ và có khả năng các đường đi này có mái che (vì có ngói và có gốm trang trí kiến trúc hình con tiện trên nóc, đinh gốm còn dính trong gốm trang trí… đổ sập trên lối đi hay hai bên lối đi) và các đường này được nâng cấp có nơi 2 lần (08.TH-H6) có nơi 3 lần (08.TH-H4). Tìm thấy móng tường hay nền móng nhà.
·  Các công trình kiến trúc được trang trí mỹ thuật đẹp như đầu ngói ống trang trí mặt hề giai đoạn đầu (giống đầu ngói ống trang trí mặt hề ở Thành Trà Kiệu, gốm mặt hề thời Tam Quốc 220 - 265) và đầu ngói ống trang trí hoa sen giai đoạn sau (gần giống đầu ngói ống trang trí hoa sen ở Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần của Việt Nam, đầu ngói ống trang trí hoa sen ở cố đô Silla, Hàn Quốc).
·  Ngói có trang trí hoa văn là những đường song song dọc hay ngang thân ngói, hoa văn in xéo hay hoa văn kiểu đan lát…mà có thể nhìn thấy hoa văn trên mái nhà (ngói dương) cũng như những gốm trang trí trên nóc, bờ nóc hay diềm mái và hoa văn trang trí trên ngói nhìn thấy bên trong nhà (ngói âm).
·  Căn cứ vào địa tầng có thể nhận ra 4 loại gạch với 4 loại chất liệu có thể được thực hiện theo trình tự sớm muộn như sau: gạch đất sét kính thước lớn màu đỏ ® gạch đất sét pha cát, sạn kích thước lớn màu đỏ ® gạch đất sét pha cát kích thước trung bình màu vàng nhạt ® gạch đất sét pha nhiều cát kích thước trung bình màu xám (loại này rất ít).  
3.3. Hiện vật
Số lượng hiện vật ở di tích Thành Hồ rất phong phú bao gồm nhiều loại hình, chất liệu: gốm, ngói, gạch, đá, kim loại, hạt chuỗi… 126.958 mảnh ngói, 27.952 gạch vỡ, 309 hiện vật đầu ngói ống, 10.566 mảnh đồ gốm, 33 mảnh ngói ghè tròn, 35 hiện vật trụ kiến trúc, 25 hiện vật đinh gốm, 11 hiện vật đá, 3 hiện vật hạt chuỗi, 51 hiện vật ngói âm dương, 2 hiện vật Linga bằng thạch anh, 1 Linga bằng gốm, 6 hiện vật đồ đất nung và 312 hiện vật đá kiến trúc. Các hiện vật liên quan như bình Kendi, hồ nước, các họa tiết trang trí mặt Kala, mặt hề, sư tử, hoa sen… Ngoài yếu tố thẩm mỹ còn cho thấy các họa tiết này có ảnh hưởng từ tôn giáo văn hoá Ấn Độ (bình Kendi, đầu ngói mặt Kala, đầu ngói mặt sư tử), Trung Quốc (vò gốm văn in, đầu ngói mặt hề) và Việt Nam (đầu ngói hoa sen)…
3.4. Đời sống
Hố 5 có khối đất đen tìm được có khả năng liên quan đến tập tục hoả táng? Trong thành có nghề sản xuất gạch ngói (08.TH-H7 và 08.TH-H9) qua việc tìm được cầu gạch và khe lửa, và mảnh bản dập hoa văn bằng đá, có thể nung ngoài trời hay kiểu lò đã tìm thấy ở Thánh Địa Cát Tiên (Lâm Đồng) hay lò cải tiến của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Nghề sản xuất ngói của cư dân Thành Hồ cũng đạt trình độ cao, thể hiện qua phương pháp sử dụng bàn đập hoa văn bằng đá (phát vật bàn đập hoa văn ở hố 08.TH-H9). Bên cạnh đó, cư dân nơi đây còn tiến hành nhiều hoạt động kinh tế khác: số lượng dọi se chỉ bằng gốm đã cho thấy đã tồn tại nghề dệt thổ cẩm. Họ chắc chắn cũng triệt để khai thác môi trường tự nhiên bằng các hoạt động đánh bắt cá ở sông thông qua việc tìm được 3 hiện vật chì lưới bằng gốm. Đặc biệt có múa “nỏ nường” (phồn thực, nhằm sinh sôi nẩy nở) qua việc tìm được biểu tượng nam bằng gốm - khá giống với biều tượng nam bằng gỗ tìm được ở cố đô Silla Hàn Quốc - mà người Chăm gọi là “Klai Kluk” (dương vật phía trước), mà gần đây người Chăm vẫn còn thực hiện (dương vật bằng gỗ)…
3.5.Niên đại
Đã gửi 6 mẩu cho Trung tâm Hạt nhân TP. Hồ Chí Minh để phân tích niên đại bằng phương pháp carbon phóng xạ C14. Ngày 16-2-2009 cho kết quả như sau:

TT
Ký hiệu mẫu
Ký hiệu mẫu gốc
Loại mẫu
Niên đại (năm, B.P)
01
HCM 02/09
08-TH-H1(1,79m)
Than gỗ
1.720 ± 60
02
HCM 03/09
08-TH-H1L5A3(1,51m)
Than gỗ
1.590 ± 55
03
HCM 04/09
08-TH-H1L2B2
Than gỗ
1.445 ± 50
04
HCM 06/09
08-TH-H4MRL3E5
Than gỗ
1.450 ± 50
05
HCM 07/09
08-TH-H4L4+H4L4A1(0,91m)
Than gỗ
1.480 ± 55
06
HCM 08/09
08-TH-H6L8(1,60m)
Than gỗ
1.260 ± 45

Như vậy, từ niên đại C14, có các năm sau công nguyên như sau:
·  1.720 ± 60 B.P (cách ngày nay) = năm 230 A.D (sau công nguyên)
·  1.590 ± 55 B.P                           = năm 360 A.D
·  1.445 ± 50 B.P                           = năm 505 A.D
·  1.450 ± 50 B.P                           = năm 500 A.D
·  1.480 ± 55 B.P                           = năm 470 A.D
·  1.260 ± 45 B.P                           = năm 690 A.D
Trong các niên đại C14 trên thì niên đại ở H1, với độ sâu 1,79m, cho niên đại năm 230 sau công nguyên là niên đại sớm nhất, khá phù hợp với niên đại của vò gốm và có thể nói, đấy là niên đại sớm nhất của Thành Hồ. Và trôn đế gốm Gò Sành ve lòng thế kỷ XV tìm được trong bờ thành Bắc là niên đại muộn của Thành Hồ.
Với niên đại như vậy, cùng với Thành cổ Trà Kiệu, Thành Hồ đã được xây dựng ngay sau khi thành lập vương quốc Champa, là một trong những thành được xây dựng sớm trong vương quốc Champa và qua một lần trùng tu, người Chăm đã sử dụng cho đến năm 1611.
4. Thành Hồ trong mối liên hệ rộng hơn
4.1. Vị trí thành
Dọc theo dải đất miền Trung từ Quảng Bình đến Phú Yên còn tìm thấy những vết tích thành cổ Chămpa như: Thành Khu Túc hay Thành Cao Lao Hạ ở xã Hạ Trạch, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; Thành Nhà Ngo ở xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; Thành Lồi ở hai xã Thủy Xuân và Thủy Biều và một phần ở Phường Đúc thuộc Thành phố Huế; Thành Hóa Châu ở xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế; Thành Trà Kiệu ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; Thành Đồng Dương ở xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; Thành Châu Sa ở Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi[15]Thành Thị Nại (Bình Lâm) ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; Thành Đồ Bàn ở xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định; Thành Cha (Thành An Thành) ở xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định; Thành Hồ ở thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên[16]Thành Văn Lâm ở làng Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam và Thành Vụ Bổn ở làng Vụ Bổn, xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận[17];Thành Sông Lũy ở Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận[18]. Trong đó có 2 di tích được khai quật là Thành Hóa Châu, khai quật năm 1997[19] và Thành Hồ.
Có thể nêu những vết tích thành cổ Champa ở những vùng thuộc Champa cổ như sau:
·  Vùng INDRAPURA (giới hạn từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân, nay là đất của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) có 4 thành: Thành Khu Túc, Thành Ngo, Thành Lồi, Thành Hóa Châu.
·  Vùng AMARAVATI (giới hạn từ đèo Hải Vân đến đèo Bình Đê, nay là đất của Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi) có 3 thành: Thành Trà Kiệu, Thành Đồng Dương và Thành Châu Sa.
·  Vùng VIJAYA (giới hạn từ đèo Bình Đê đến đèo Cù Mông, nay là đất của tỉnh Bình Định) có 3 thành: Thành Thị Nại, Thành Đồ Bàn và Thành Cha.
·  Vùng KAUTHARA (giới hạn từ đèo Cù Mông đến đèo Rù Rì - Nha Trang, nay là đất của tỉnh Phú Yên và nửa Bắc tỉnh Khánh Hòa) có Thành Hồ.
·  Vùng PANDURANGA (giới hạn từ đèo Rù Rì đến…?, nay là đất của nửa Nam tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận…) có 3 thành: Thành Văn Lâm, Thành Vụ Bổn và Thành Sông Lũy.
Về vị trí xây thành người Champa rất giỏi thủy chiến nên thường xây thành ở gần những con sông lớn. Thành xây dựng ở bờ Bắc của sông như  Thành Châu Sa (Quảng Ngãi) nằm cách bờ Bắc sông Trà 1km, khuôn viên thành được bao bọc bởi những hào khá sâu, nhờ hai gọng thành (gọi là càng cua) nối thành nội với sông Trà[20]. Thành Hồ (Phú Yên) nằm kề bờ Bắc sông Đà Rằng… Thành xây dựng ở bờ Nam của sông chiếm số lượng nhiều nhất như Thành Khu Túc (Quảng Bình) ở bờ Nam sông Gianh, phía Tây là sông Con, phía Đông là đồng bằng[21]; Thành Nhà Ngo (Quảng Bình), theo mô tả của Dương Văn An trong Ô Châu cận lục: “Thành ở địa phận xã Uẩn Áo, huyện Lệ Thủy. Sông Bình Giang chảy qua phía trước, sông Ngô Giang ôm phía sau, hai sông ấy chảy đến phía Tây Bắc thì hợp làm một. Thành ba mặt giáp sông, còn một mặt là núi”[22]; Thành Lồi (Thừa Thiên - Huế), toàn bộ thành chiếm cứ đồi Long Thọ nằm ở bờ Nam bờ sông Hương, Thành Trà Kiệu ở bờ Nam sông Thu Bồn…
4.2. Tường thành
Thành cổ Champa thường có dạng hình chữ nhựt như Thành Khu Túc, Thành Chà Bàn, Thành Hồ…[23], tường thành được xây dựng theo 2 loại như sau:
·  Tường thành được đắp bằng đất sét, hai chân thành kè đất sét gạch, trên xây gạch: Thành có một trục xương giữa gồm đất sét và đá có khả năng hút nước là cho trục xương giữa luôn khô cứng. Hai bên có kè lớp đất sét dày và rồi lớp đất sét và gạch vỡ tạo thành xuôi hai bên, chân thành rộng khoảng 30m. Trên tường thành có lót gạch, bên trên có xây hai bờ lũy cao hai bên để quân sĩ có thể di chuyển và núp bắn. Bên ngoài có hào rộng khoảng 30mét, khá sâu. Kiểu bờ thành này như tường Thành Hồ (Phú Yên)…
·  Tường thành xây bằng gạch: có thể nêu trường hợp Thành Khu Túc hay Thành Cao Lao Hạ (Quảng Bình). Sách Thủy kinh Chú của Trung Quốc có ghi về Thành Khu Túc như sau: “thành ở khoảng giữa hai con sông, ba mặt giáp núi, về phía Nam và phía Bắc thành nhìn ra sông; về phía Đông và phía Tây, khe núi chảy về dưới thành. Về phía Tây thành bẻ một góc. Chuvi thành là 6 lý 170 bộ. Chiều Đông Tây là 650 bộ. Thành xây gạch cao 2 trượng, trên thành có tường gạch cao 1 trượng[24], có mở nhiều lỗ vuông. Trên tường gạch có dựng ván, trên ván lại dựng năm từng gác, trên gác lại có nóc, trên nóc lại dựng lầu, lầu cao 7,8 trượng, lầu thấp là 5,6 trượng. Thành mở 13 cửa. Phàm các điện đều xoay mặt về hướng Nam. Nhà ở có hơn 2100 cái. Xung quang thành có chợ. Địa thế hiểm trở, cho nên binh lính của Lâm Ấp chứa hết ở đó[25].



[1] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 3, tái bản lần thứ hai, người dịch Phạm Trọng Điềm, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.84.
[2] Lê Bá Thảo (2003), Thiên nhiên Việt Nam, tái bản lần thứ hai, Nxb.Giáo Dục, tr.220.
[3] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 3, tái bản lần thứ hai, người dịch Phạm Trọng Điềm, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.87.
[4] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 3, tái bản lần thứ hai, người dịch Phạm Trọng Điềm, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.93-94.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập một (tái bản lần thứ nhất), phiên dịch Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr.36.
[6] Lý lịch di tích Thành Hồ (2003), tư liệu Bảo tàng Phú Yên, tr.10-11.
[7] Nguyễn Đình Tư (2004), Non nước Phú Yên, in lần thứ hai, Nxb.Thanh Niên, tr.106-112.
[8] Ngô Văn Doanh (2004), Tháp cổ Champa sự thật và huyền thoại, Nxb.Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, tr.135-136.
[9] Ngô Văn Doanh (2001), Thành Hồ - Cửa ngõ châu Thượng Nguyên (Tây Nguyên) của Champa, Nghiên cứu Lịch sử, số 3-2001, tr.55-60.
[10] Lý lịch di tích Thành Hồ (2003), tư liệu Bảo tàng Phú Yên, tr.13-16.
[11] Lê Đình Phụng, Phạm Văn Triệu (2004), Báo cáo khai quật Khảo cổ học di tích Thành Hồ (Phú Hòa - Phú Yên), Hà Nội, tư liệu Bảo tàng Phú Yên. 
[12] Lê Đình Phụng (2005), Báo cáo khai quật Khảo cổ học di tích Thành Hồ (Phú Hòa - Phú Yên), lần thứ II, Hà Nội, tư liệu Bảo tàng Phú Yên. 
[13] Lê Đình Phụng và Nguyễn Tiến Đông (1992), Núi Bà - Dấu tích một tháp Champa cổ, tạp chí Khảo cổ học, số 3 - 1992, tr.54-61.
[14] http://vi.wikipedia.org/wiki/Khu_T%C3%BAc
[15] Lê Đình Phụng 1990, Thành Châu Sa (Nghĩa Bình), Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1988, Viện Khảo cổ học - Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, tr.198-200.
[16]Xem thêm Ngô Văn Doanh (2002), Văn hóa cổ Chămpa, Nxb. Văn hóa Dân tộc, tr.206-292.
[17]Theo ghi nhận của PGS.TS. Thành Phần, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM
[18] Lê Đình Phụng (1993), Vài ý kiến về thành cổ Champa ở Bình Định, tạp chí Khảo cổ học, số 2-1993, tr.59.
[19] Phạm Như Hồ, Hà Thắng (1998), Khai quật lần thứ nhất di tích thành Hóa Châu (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế), Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1997, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.659-662.
[20] http://www.quangngai.gov.vn/quangngai/tiengviet/DL/102505206_167/
[21]http://vi.wikipedia.org/wiki/Khu_T%C3%BAc
[22] Dương Văn An (1997), Ô Châu cận lục (bản dịch), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.73-74. Dẫn theo Ngô văn Doanh (2002), Văn hóa cổ Chămpa, Nxb. Văn hóa Dân tộc, tr.225. 
[23]Xem thêm  Nguyễn Văn Kự - Ngô Văn Doanh (2005), Du khảo văn hóa Chăm, Nxb.Thế Giới, tr.267-280.
[24] 1 lí, 1 dặm (市里li) = 15 dẫn = 500 m1 dẫn (yin) = 10 trượng = 33,33 m1 trượng (市丈zhang) = 2 bộ = 3,33 m1 bộ (bu) = 5 xích = 1,66 m  (theo http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%87_%C4%91o_l%C6%B0%E1%BB%9Dng_c%E1%BB%95_Trung_Hoa)
[25] Dẫn theo Đào Duy Anh (2005),  Lịch sử cổ đại Việt Nam,  Nxb. Văn hóa Thông tin, tr.164.

Nguồn: Thuvienhaiphu

Tìm kiếm Blog này