Gia đình ai không có con nhất à con trai thì lên chùa cầu tự. Vợ lâu năm mà không có con hoặc không sinh con trai thì vợ buột phải đồng ý đứng ra cưới vợ hai cho chồng. Phụ nữ không chồng mà mang thai gọi là chửa hoang, thời đó định kiến rất nặng nề, làng trên xóm dưới đồn đãi xầm xì to nhỏ, có khi người đó phải bỏ làng đi nơi khác sanh con.
Thời kỳ mang thai, ăn kiêng cữ đủ thứ vì sợ khó sanh, xấu cho con về sau. Đến lúc sanh, gia đình mời bà mụ vườn mát tay đến nhà đỡ đẻ. Ở chòm xóm nào ban đêm nghe trẻ khóc tu-oa. tu-oa. đấy là xóm có bà đẻ.
Người đàn bà đẻ gọi là ở cữ, ở chỗ khuất như xó, hóc, chái nhà. Buồng bà đẻ được kéo màn kín mít, nặc mùi dầu khuynh diệp. Nằm trên chậu lửa than, ăn toàn đồ khô mặn, như mắm kho quẹt, cá trê kho lá gừng, do người nhà tiếp tế vào. Giáp tuần gọi là đầy cữ mới ra ngoài, đi lại rón rén nhẹ nhàng, chân đi tất, đầu trùm khăn, da lột ửng hồng.
Người ngoài có công việc với chủ nhà thì đứng ngoài sân nói chuyện, trẻ nhỏ hàng xóm được dặn không vào nhà vì sợ mắc phong long, làm ăn xui xẻo, học hàng tăm tối. Cho đến khi giáp tháng thì đàn bà đẻ mới ra khỏi nhà, đi chợ búa, lao động bình thường.
Gia đình nào có con hay đau bệnh khó nuôi thì bán (gửi) vào chùa một thời gian. Con hay đau bệnh thì mời thầy pháp về cúng bái, làm phép khắc lên trán dấu thập nhỏ màu mực xanh, đến khi lớn không tan. Thầy cho bùa là một túi nhỏ viết ký tự ngoằn ngèo gọi là cái phái, có dây đeo vào cổ ở trước ngực, lâu ngày bẩn thỉu, bóng nhẩy do lâu ngày không được cởi ra.
Trẻ con sinh ra quấn tã, mặc đồ mới của em bé hay bọc trong áo cũ của ông bà, cha mẹ do nghèo hoặc vì niềm tin quen hơi cho dễ nuôi. Con trẻ bị đốm trắng ở lưỡi gọi là đẹn, bà hay mẹ dùng mật ong sơ lưỡi. Tắm rửa không kỳ cọ phía trước đầu đứa nhỏ, lớn lên khi hớt tóc thì giữ lại chòm tóc phía trên trán gọi là để ấm mỏ ác, lâu ngày nổi vảy, đóng đất nhìn rất dơ. Trẻ nhỏ thường được mẹ, chị ẵm xóc nách đi lại khắp nơi nên một số đứa sau này chân bị cong dưới gối gọi là chân vòng kiềng...
(lưu từ FB)