Tim thông tin blog này:

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Đứng dưới Tượng đài Quân tình nguyện

 MINH DIỆN
              Tour du lịch Campuchia khởi hành từ chùa Ấn Quang , qua cửa khẩu Mộc Bài, đi  Siem Reap , vòng quanh Biển Hồ rổi về  Phnom Penh. Gần bốn chục người trên chiếc xe khách năm chục ghế, rộng thênh, có máy lạnh,  do một tài xế Campuchia điều khiển. Chiếc xe  chạy bon bon qua bao nhiêu phum sóc, núi rừng và những cánh đổng lúa bạt ngàn  đang  chín rộ  như  tấm  lụa  mút tầm mắt, in bóng  những hàng cây thốt lốt cao chót vót , tàn lá xòe  như  những chiếc dù treo lơ lửng dưới vòm trời  xanh thẳm.  Tôi  chăm chú ngắm nhìn cảnh thanh bình của đất nước Chùa tháp lướt nhanh qua khung cửa kính xe hơi, lòng nao nao,  buồn vui khó tả.
                Đây là lần đầu tiên tôi trở lại Campuchia sau khi  rời mảnh đất này lần cuối cùng  mùa thu năm 1985. Còn lần đầu tiên tôi đặt chân lên đất bạn là năm 1969.
                Sau chiến dịch Mậu Thân, nhiều đơn vị quân giải phóng miền Đông Nam lập cứ ở  khu vực Cà Chay, Mi Mốt dọc biên giới hai nước.  Cuộc đảo chính của Non Nol  ngày 17-3-1970   lật đổ  Norodom Sihanouk , đẩy Campuchia vào  nội chiến.  Quân giải phóng miền Nam  giúp Khmer đỏ đánh Lon Nol ,  Campuchia ,Việt Nam thành một chiến trường.  Tôi theo các  đơn vị tham gia chiến dịch  Chenla II, giải phóng Kompong Thom tháng 10 -1971 trước khi  về nước tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ, 1972.
                Có một kỷ niệm tôi không bao giờ quên .
                 Đó là vào tháng 10-1972, tôi được giao nhiệm vụ quay lại Campuchia  lấy một số tải liệu ở một cơ sở Việt Kiều tại thị trấn Mi Mốt.  Bấy giờ toàn bộ vùng  ấy  đã  thuộc chính quyền Khmer đỏ , mà quan hệ với chúng ta  là tình đồng chí chung một chiến hào.
                Tôi ngồi sau chiếc xe Honda 90 do thượng sỹ Nguyển Văn Khoản lái, từ Lộc Ninh   qua Snoul ,  theo quốc lộ 7  tới  Mi Mốt.  Nhận tài liệu gồm những tấm bản đố tác chiến , tôi gói cẩn thận , bọc ni lon cho vào  bồng (một cái túi vải lớn có quai đeo thay ba lô)  trên để mấy bịch  thuốc rê và đường thốt lốt.  Tôi đeo chiếc bồng và chiếc dây lưng có  bi đông nước, võng,  đèn pin với  trái lựu đạn US và khẩu súng ngắn K54.  Khoản  khoác khẩu súng AK báng gấp. Cứ tưởng đi trên đất bạn cũng như trên đất mình sẽ chẳng có chuyện gì sảy ra, nào ngờ về đến Snoul , chỗ ngã ba đường rẽ về quốc lộ 13, thì ba lính áo đen xuất hiện. Họ cản đầu xe , chĩa thẳng mũi súng vào chúng tôi,khuôn mặt lầm lì .  Tôi  nhận ra thiếu úy  Nuôi Chuân . Ba hôm trước , chúng tôi đã gặp Nuôi Chuân  ở trạm gác Hoa Lư của Việt Nam.  Anh ta sang xin gạo và thực phẩm. Hôm ấy Nuôi Chuân  rất vui vẻ, hỏi chúng tôi đi Mi Mốt  bao giờ về , bắt tay  rất thân mật. Nhưng  hôm nay mặt anh ta nặng như chì và lạnh như tiền.  Tôi cười, chìa tay ra :
                    -Xóc -xop-bai-boong ? –Anh có khỏe không?
                    Nuôi Chuân không bắt tay, đáp:
                    -Kh’nhum -thi-loap-boong!-Tôi không quen anh!
                    Tôi chìa bao thuốc lá Ara mời:
                    -Boong -miên-th’năm- chuôc- tê ?-Anh  có hút thuốc không?
                    Nuôi Chuân hất mạnh  tay tôi , dằn giọng:
                    -Min-thi-loap!  
                    Nuôi Chuân yêu cầu chúng tôi để lại  toàn bộ súng đạn, bồng bị, chỉ được ra khỏi Snoul người không. Tôi giải thích  chúng tôi đi công tác, và  đã có thỏa thuận giữa Việt Nam và Campuchia đoàn kết giúp đỡ nhau chống Mỹ.  Viên thiếu úy không thèm nghe , hắn  ra lệnh  hai tên lính sáp vào. Một tên giữ ghi đông xe, một tên cướp khẩy AK của Khoản. Sự trở mặt  như trở bàn tay!
                Tôi đã nghe nhiều người nói về đặc tính tham lam, tráo trở của Khmer đỏ,  giờ  được trải nghiệm .Tôi cố gắng thuyết phục Nuôi Chuân,   biếu hắn  mấy bánh thuốc rê,  mấy kg đường thốt lốt mới mua ở Mi Mốt, nhưng  Nuôi Chuân không chịu.  Hắn đòi thêm cái bi đông, chiếc đèn pin , sợi dây lưng, tôi cho luôn. Nhưng suy nghĩ một lát hắn đòi  hai khẩu súng, cái bồng tài liệu và cả hai đôi dép chúng tôi đang đi. Nghĩa là hắn lột sách .  Mất  súng và tài liệu thì mất đầu! Trong lúc ngặt ngèo, tôi nhớ có lần nghe anh em chiến sỹ  kể  chuyện , từng gặp bọn lính Khmer đỏ gây rắc rối,  biện pháp tốt nhất là rút lựu đạn dọa chia đôi với chúng. Tôi quyết định làm theo mẹo ấy. 
               Bằng một động tác tỏ ra rất quyết liệt, tôi bật chốt trái lưu đạn US , dí vào ngực  tên thiếu úy Nuôi Chuân, thét :
                    -Đuôi - khnia!
                    -Ôi ! Can-hơi!-Ối!  chết rồi!
                     Đúng là hiệu quả thật! Tên thiếu úy kêu thảng thốt, ù té chạy. Hai thằng lính hốt hoảng chạy theo. Khoàn lập tức rồ ga ,  chiếc xe Honda nhảy vọt lên như con ngựa phi nước đại. Tôi ném trái US lại phía sau. Một tiếng nổ chát chúa vang lên, khói mù mịt. Chúng tôi chạy khá xa mới nghe tiếng súng bọn Khmer đỏ bắn đuổi theo.
                     Năm năm sau, đồng  đội của bọn  quay quắt phản bạn ấy đã lẻn sang  giết hại hàng chục em  học sinh và cô giáo  ở xã Tân Lập, huyện Xa Mát , Tây Ninh, mà tôi đã kể lại trong bài báo “Chuyện sảy ra đêm trăng rằm”. Cũng bọn Khmer đỏ  khốn kiếp  đó,  đã tàn  sát đồng bào ta trên khắp biên giới Tây Nam, đặc biệt  ở Ba Chúc, An Giang.
                   Ngày 1-1-1979,  tôi có mặt ở Phnom Penh chứng kiến sự sụp đổ của chế độ diệt chủng  Pon Pot. Nhưng cuộc chiến đấu với bọn Khmer đỏ chưa dừng lại ở đó, mà suốt chín năm sau, bao nhiêu xương máu của cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam vẫn tiếp tục đổ xuống trên khắp mọi miền đất nước chùa tháp, để mang lại màu lúa vàng ngút ngàn và cuộc sống thanh bình hôm nay. Trong những năm tháng đó, tôi nhiều lần sang Campuchia, và có một lần tôi không thể nào quên. Bây giờ ngồi trên chuyến xe lướt nhanh trên những vùng đất  từng in dấu chân mình,  kỷ niệm  ùa tới, tôi bỗng thấy mọi việc  như mới sảy ra hôm qua, những hình ảnh hiển hiện trước mắt tôi, mặc dù nó đã đi vào quá vãng 28 năm rồi.
                    Đó là vào mùa khô năm 1985.
                    Theo yêu cầu cùa Tổng biên tập Đinh Văn Nam, phải thực hiện một loạt phóng sự về quân tình nguyện Việt Nam , chiến đấu giúp bạn thoát khỏi chế độ diệt chủng,  đăng nhiều kỳ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân. Tổng biên tập Đinh Văn Nam cử một trưởng ban kỳ cựu từ Hà Nội vào thực hiên phóng sự đó.
                 Khi ông trưởng ban bay vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi dẫn ông   tới Bộ tư lệnh quân khu 7, làm thủ tục đi  trận.  Đồng chí phó chính ủy quân khu tiếp thân mật,  và giành hai tiếng đồng hồ,  nói rõ những khó khăn, gian khổ, hy sinh ngoài mặt trận cho ông trưởng ban của tôi nghe.  Sau đó đồng  chí ra lệnh cho Phòng quân nhu, Hậu cần  phát quân trang,quân dụng,  lương khô cho ông trưởng ban của tôi,  theo tiêu chuẩn sỹ quan cấp tá, và ra lệnh cho cơ quan tác chiến giúp đỡ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho nhà báo.  Trong chiến tranh  các cán bộ chỉ huy  quân đội luôn  giành sự ưu ái cho nhà báo như vậy, bất kể nhà báo mặc áo lính hay dân sự.
                  Buổi tối hôm ấy,  chúng tôi  tổ chức liên hoan tiễn chân đồng chí Trưởng ban ra trận. Trong bữa liên hoan, tôi thấy ông tỏ ra gượng gạo, băn khoăn, lo lắng. Hình như những chuyện  phó chính ủy Quân khu kể đang đè nặng tâm tư ông.  Nửa đêm  , ông bỗng  lên cơn đau tim  đột ngột,  phải đưa ngay vào cấp cứu ở bệnh viện Thống Nhất.
                  Tin ấy báo ra Hà Nội , và Tổng biên tập gọi  điện thoại cho tôi:
                 -Thôi , Minh Diện đi thay anh L. vậy! Tôi biết đồng chí đã phải đi nhiều lần rồi,  nhưng đây là trường hợp bất khả kháng!
                  Đối với tôi, từng là người linh,  đã quen lăn lộn trong chiến đấu nên việc đó rất đơn giản.
                  Tôi theo đơn vị của  trung tá Nguyễn Danh Giảng sang Snoul. Trong chiến tranh chống Mỹ, anh Giảng làm trưởng ban tuyên huấn công binh , thủ trưởng trực tiếp của tôi. Đó là một người gầy gò, cao lêu đêu,có đôi mắt sâu hoáy,hay nói thẳng nói thật. Anh nhập ngũ  năm 1949, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại đi khai hoang,  năm 1964  mới lấy vợ,sinh được đứa con gái, vợ chưa hết ở cữ thì anh  đi B2.  Ngày thống nhất, anh đưa vợ vào Sài gòn, xin việc làm ở nhà máy dệt Thành Công.  Cuộc chiến tranh biên giới sảy ra Nguyễn Danh Giảng lại đi biền biệt.
                Đến Snoul , tình cờ gặp nhà văn Văn Lê. Vẫn cái thân hình ốm nhom, da đen xám, khoác bộ quân phục bạc phếch,lấp lánh đôi mắt rất sáng và nụ cười ranh mãnh . Văn Lê khoe mới được một vị tướng tặng khẩu súng ngắn Volte nhỏ xíu và rủ tôi ra góc rừng bắn bia. Cũng như tôi, sau khi Văn Nghệ quân giải phóng giải tán, Văn Lê cởi áo lính  làm báo dân sự. Nhưng ngay cuối năm 1977, theo yêu cầu , Văn Lê quay lại quân đội, làm phóng viên báo Quân khu 7.  Cái nghiệp lính đeo bám chúng tôi và đó chính là mảnh đất mầu mỡ để chúng tôi có thể cày xới sau này!
                 Vừa bắn bia, Văn Lê vừa nhêu ngao hát:
                  “Pôn Pốt đầu phum ta cuối phum!
                 Uống chung dòng nước mùi thum thum!
                   Đánh nhau đã suốt năm mùa lúa,
                   Pốt ở đầu phum, ta cuối phum!”
           Trung tá Nguyễn Danh Giảng nói với tôi:
           - Ta đánh gập xương sống  Khmer đỏ, nhưng không tiêu diệt được lực lượng của chúng. Đánh một căn cứ , một chốt,  dễ như trở bàn tay, nhưng tiêu diệt lực lượng của chúng thỉ khó. Cứ đụng  mình là chúng bỏ chạy, phân tán nhỏ lẻ , ẩn núp trong rừng, trong phum, sóc và đặc biệt trong dân. Ta đánh nhau với những chiến binh du kịch, đi chân đất,  thoắt ẩn, thoắt hiện. Chúng như những bóng ma ẩn nấp trong bóng tối còn mình thì phơi mặt ra ...
            Anh Giảng  cho biết bọn Khmer đỏ thao tác gài các loại mìn rất nhanh. Có loại mìn  nhỏ bằng hộp xi đánh giầy, làm gãy chân  đối phương, có loại lớn bằng trái măng cụt , nhảy lên ngay lưng mới nổ,  sát thương nhiều hơn nhưng ít tử vong.  Khi bắt được tù binh , chúng khai : “ cố vấn Trung Quốc nói làm bộ đội Việt Nam bị thương tốt hơn giết , vì mỗi người bị thương mất 4 người phục vụ và để lại hậu quả lâu dài” Đúng là thâm hiểm như Tàu!
             Bấy giờ nhân dân ta từ Bắc chí Nam đang đói. Đói điêu đứng vẫn phải gồng lên giúp bạn !Tiêu chuẩn cho bộ đội ngoài mặt trận được ưu tiên, nhưng cũng chỉ có 6 lạng gạo một ngày. Rồi không đủ gạo phải độn bột mì, bo bo. Đói ăn, thiếu dinh dưỡng, sức lực bộ đội suy kiệt. Anh Giảng nói :
             -Sốt rét không từ ai . Đang hành quân gục xuống không đứng dậy được nữa. Mùa mưa sốt rét đã đành, mùa khô cũng sốt rét...
              Suốt đêm tôi mắc võng nằm cạnh chính ủy trung đoàn Nguyễn Danh Giảng . Hết  chuyện này sang chuyện kia. Anh Giảng  nói chuẩn bị bước sang tuổi 54 , ba bảy tuổi quan, vẫn mang cái quân hàm trung tá. Ngày ấy lên được trung tá trầy da trớt vảy chứ không như bây giờ.  Hôm sau có xe  chở khí tài lên Siêm Riệp anh cho tôi đi theo .Lúc chia ta ,anh nói:
             -Trên đó ác liệt gấp trăm lần ở đây. Mày  cẩn thận!
              Văn Lê cũng tạm biệt tôi đi hướng khác.
              Tôi tới một đại  đội thuộc  Sư đoàn 330 đang chiến đấu giáp biên giới Thái Lan. Đã cuối mùa thu,tiết trời ngày nóng, đêm lạnh. Càng về khuya càng lạnh. Đơn vị đóng quân  ở bìa một khu rừng già,còn sót lại những cây khọc, bằng lăng cổ thụ .  Mặt rừng  phủ đầy lá khô, bướm bay rợp những dòng suối cạn. Hầm , hào giao thông  nhằng nhịt sau  bức tường đất. Những căn nhà lợp tranh lúp súp bán âm dương.
              Vẫn những cánh võng đung đưa như thời chống Mỹ, nhưng  cảm thấy cô đơn, hụt hẩng hơn. Ngày  trước chiến hào trong lòng đất mẹ,chung quanh đồng bào  mình, giờ bơ vơ giữa xứ người, sự sống và cái chết của người lính viễn chinh mang một ý nghĩa hoàn toàn khác.
              Đại đội trường Thu và chính trị viên Hòa cũng mang tâm trạng đó. Hòa quê Thài Bình, nhập ngũ năm 1973, ba hai tuổi đời , mười hai tuổi quân mang quân hàm trung úy. Thu quê  Nghệ An , kém Hòa  hai tuổi đời, một tuổi quân , cũng trung úy. Cả hai đều chưa có vợ con. Nghe nói Thu yêu một cô gái Campuchia  , mười chín tuổi ở phum Thala  nhưng cấp trên không đồng ý,  bị kiểm điểm, nên đang nhập nhằng. Tôi nói với Hòa
                 -Mình có người anh đồng hao, cũng tên là Hòa và chiến đấu ở vùng này. Cách đây hơn nửa tháng , nghe tin đồn anh ấy bị thương, đưa về Sài Gòn, vợ anh ấy và vợ chồng mình đi tìm mấy ngày ở bệnh viện 175 không thấy.
                 Hòa hỏi:
                -Anh ấy họ gì và cấp bậc gì?
                -Nguyễn Thanh Hòa, người Quảng Nam, cấp bậc hạ sỹ quan.
                 Hòa  nói:
                 -Đơn vị tôi cũng có hai đồng chí tên Hòa  hy sinh, nhưng như vậy không phài anh ấy. Hy vọng còn sống sót!
                Cuộc sống trôi đi phẳng lặng ba bốn ngày. Ban ngày trời nóng hầm hập, mặt đất ướt đẫm mô hoi. Đêm trở lạnh và  tối đen như mực. Giơ bàn tay lên sát mặt không nhìn thấy gì. Gió hun hút qua trảng trống , rít lên khi va vào những cây thốt lốt cô đơn. Tiếng côn trùng  rên rỉ như một điệu nhạc buồn tê lòng.
                 Một buổi tối, Hòa  kề cho tôi nghe chuyện mối tình đầu của anh. Cô gái cùng thôn  yêu Hòa . Năm 1980,Hòa về phép, hai gia đình làm lễ ăn hỏi, dự định tổ chức cưới vào năm sau. Hòa về đơn vị gom góp chuẩn bị, từ cái mền bông đến chiếc mùng. Trong khi đó ở nhà sảy ra chuyện không ngở:  Ông phó chủ tịch huyện  có cậu con trai kém Hòa ba tuổi, chuẩn bị đi lao động hợp tác ở Công hòa dân chủ Đức thì  bị tai nạn giao thông , phải cưa mất một chân.   Ông phó chủ tịch huyện nói thẳng  với bố mẹ người yêu Hòa  : “ Nếu con gái ông bà lấy con trai tôi,thì được hưởng suất lao động hợp tác đó!”
                Bố mẹ cô ngưởi yêu Hòa , khuyên con gái hy sinh tình riêng, cứu gia đình.  Người yêu Hòa  khóc một đêm,  hôm sau gọi điện Hòa về.  Cô gục đầu vảo ngực Hòa  khóc.  Rồi ngẩng mặt lên nhìn Hòa  bằng đôi mắt thẫn thờ, nuốt nước mắt, và nấc lên:
                  -Em   xin được đền đáp cho anh bằng trinh tiết của mình!
                  Hòa  đẩy người yêu ra,đeo ba lô về đơn vị ngay trong đêm. Anh chịu đựng suốt một mùa đông dài đằng đãng, lạnh lẽo và u buồn trước khi qua mặt trận 479 này.
                Một tuần ở chốt với đại đội Hòa,nghe bao nhiêu chuyện buồn vui.Tưởng thời gian sẽ trôi đi phẳng lặng như mặt trảng cỏ mênh mang kia,nào ngời vào cuối ngày chủ nhật bùng lên dữ dội.
                 Buổi chiều ấy chúng tôi đứng trên chiến hào quan sát phía biên giới. Chúng tôi phóng tầm mắt qua trảng trống,nhìn những bụi cây cằn cỗi, những tảng đá nhấp nhô trong ánh sáng chiều đỏ ối, mơ hồ. Hòa  nói, trong những mô đá đó thường xuất hiện những tay súng Khmer đỏ. Không có bất kỳ một hiện tượng nào báo trước cho những cuộc tập kích của chúng. Chúng thoắt ẩn, thoắt hiện như bóng ma! Chỉ có một quy luật là chúng hay lợi dụng  buổi chiều nhập nhoạng, hoặc đêm sáng trăng .
                  Đang nói chuyện, bỗng Hòa  kêu ối  một tiếng. Một lỗ nhỏ sau vai Hòa  tuôn máu ra,  giật giật , lúc phun mau, lúc chậm theo nhịp thở hổn hển của Hòa.  Hòa  ngước cặp mắt ngơ ngác nhìn chúng tôi, như muốn hỏi chuyện gì sảy ra vậy? Ánh mắt ngơ ngác của Hòa  dại dần. Anh từ từ  khụyu  xuống, hai bàn tay bám chặt vào bờ hào, miệng ngoặm vào mu bàn tay, người muốn rướn lên. Rồi anh ngã vật ra, mắt mở trừng trừng!
                   Bọn Khmer đỏ tập khích bất ngờ từ phía sau. Chúng chui lên từ những đống lá phủ dày trên mặt rừng.
                    -Đoàng!
                     Một trái B40 , bắn trúng căn nhà ban chỉ huy đại đội.
                    -Đoàng!
                    Phát thứ hai trúng đoạn hào phía trái chúng tôi, đất tung lên cùng khói bụi khét lẹt.
                    Thu thét :
                     - Cối đâu?
                     Hai chiến sỹ đặt khẩu cối 82 trước của hầm, chỉnh tọa độ, rồi phóng đạn. Những tiếng nổ chát chúa,  từng đụn khói bốc lên phía Khmer đỏ.
                     Bọn chúng di chuyển,chạy lom khom qua những gốc cây.Thu tựa lưng vào thành công sự, đưa khẩu B40 lên vai, ngắm và bóp cò. Một đám lửa bùng lên giữa đám lính áo đen.
                     Thu buông khẩu B40, vồ lấy khẩu Ak, thét :
                      -Xung phong!
                      Đại đội vọt lên khỏi bỏ chiến hào  truy kích .
                     Trận chiến đấu chớp nhoáng kết thúc. Bên ta chính trị viên Hòa  hy sinh , ba chiến sỹ bị thương nhẹ. Bọn Khmer đỏ rút chạy về phìa biên giới, đề lại ba bốn vũng máu .  
                      Đại đôi trưởng Thu hối thúc tôi về. Thu nói:
                     -Tụi em không thể bảo đảm an toàn cho anh được. Anh chết tụi em bị   kỷ luật ốm đòn!
                     Thu gửi tôi là thư mang về Sài Gỏn cho người chị gái. Tôi về Bộ chỉ huy mặt trận , la cà nửa tháng sau mới về. Khi đến nhà chị gái Thu đưa thư, thì được biết Thu bị thương nặng đang điều trị ở quân y viên 175. Tôi vào thăm, Thu cười nhợt nhạt:
                    -Hôm ấy anh không nghe em là tiêu đời! Hai ngày sau bọn khốn chơi tụi em một trận ác liệt,làm hai lính em hy sinh.
                    Gần ba chục năm rồi Thu nhỉ? Bây giờ Thu ở đâu , làm gì? Hài cốt Hùng và những người đồng đội của chúng ta đã được trở về đất mẹ chưa?
                    Những câu hỏi ấy cứ quẩn quanh trong đầu tôi.
                   Bao nhiêu người , từ khắp nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng Angko Thom, Angko wat, phế tích  kinh đô  huy hoàng của đế  quốc Khmer thời cực thịnh.   Ho say sưa  nghe thuyết minh và chiêm nghiệm những  tầng Trần Gian, Địa Ngục, Thiên Đàng, những trận chiền của thần Sita, những điệu mua mê hồn của tiên nữ Apsara. Nhưng  họ quên không  nhắc tới những người lính tình nguyện Việt Nam,  đã đổ máu để cứu đất nước này thoát họa diệt chủng và bảo vệ những giá trị thiêng liêng đó.
                 Không biết có phải tôi nhầm, hay chưa đi hết, nhưng  trong thành phố Siêm Riệp hầu như không có nhà hàng, khách sạn, hoặc cơ sở kinh tế nào tầm cỡ của Việt Nam. Trong khi đó những nhà hàng, khách sạn của Trung Quốc như nấm.
               Trên những cánh đồng lúa chín vàng của Campuchia, những tổ hợp máy gặt đập của Trung Quốc hối hả thu hoạch. Và ở Phnom Penh, sự hiện diện của kinh tế, văn hóa Trung Quốc càng đậm đặc hơn.
                Tôi đứng dưới chân tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam ở thủ đô Phnon Pênh suy nghĩ mông lung. Chúng ta phải làm gì nhỉ? Chả nhẽ bao nhiêu máu xương con em, đồng đội chúng ta đổ xuống đất này, chỉ để dựng lên một bức tượng đài kỷ niệm?
     M D

Blog Bùi Văn Bồng
*****

Tìm kiếm Blog này