21/01/2010 05:59 GMT+7
TT - Sau một ngày xét xử sơ thẩm vụ án "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", chiều 20-1, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên án đối với các bị cáo.
Theo đó, hội đồng xét xử tuyên phạt: Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù, Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù, Lê Công Định và Lê Thăng Long cùng bị phạt 5 năm tù.
Bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức còn bị quản chế 5 năm tại địa phương sau khi đã chấp hành xong hình phạt tù, các bị cáo còn lại bị quản chế 3 năm. Các bị cáo đều phạm tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức tại phiên tòa - Ảnh do HTV cung cấp |
Bị cáo Lê Công Định tại phiên tòa - Ảnh: TTXVN |
Các bị cáo (từ phải sang) Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung và Trần Huỳnh Duy Thức tại phiên tòa - Ảnh: TTXVN |
Thừa nhận hành vi phạm tội
Trong suốt phần thẩm vấn, hai bị cáo Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung đều thừa nhận hành vi phạm tội.
Cụ thể, bị cáo Định khai tháng 3-2008 được Trung giới thiệu với Nguyễn Sỹ Bình (một phần tử lưu vong phản động người Việt ở nước ngoài) và Trần Huỳnh Duy Thức. Một năm sau thì cả ba gặp nhau tại Phukhet (Thái Lan). Tại đây, cả ba bàn việc thành lập “đảng Lao động” do Lê Công Định trực tiếp phụ trách và “đảng Xã hội” do Trần Huỳnh Duy Thức chịu trách nhiệm. Tòa hỏi: “Ai đề xuất việc này, thành lập để làm gì?”. Bị cáo Định: “Dạ do Nguyễn Sỹ Bình đề xuất, mục đích là từ hai đảng này sẽ phát triển lực lượng cho đảng Dân chủ VN”. Tòa hỏi tiếp: “Bị cáo cho biết đã tham gia những khóa huấn luyện nào?”. Bị cáo Định: “Bị cáo tham gia khóa huấn luyện tại Pattaya, Thái Lan về đấu tranh bất bạo động do đảng Việt Tân bỏ kinh phí ra tổ chức”.
Từ chối luật sư bào chữa
Trong phần thủ tục, bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức đề nghị được thay đổi toàn bộ hội đồng xét xử. Tuy nhiên, yêu cầu này của bị cáo Thức bị chủ tọa Nguyễn Đức Sáu bác bỏ. Chủ tọa khẳng định những căn cứ mà Thức nêu ra không có cơ sở và không phù hợp với các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Cũng trong phần thủ tục, bị cáo Lê Thăng Long từ chối việc luật sư Nguyễn Minh Tâm bào chữa cho mình vì “quan điểm của luật sư không tương đồng với quan điểm của bị cáo”. Đề nghị này của bị cáo Long được HĐXX chấp nhận vì phù hợp với quy định của pháp luật.
|
Tòa hỏi: “Bị cáo nhận thức việc làm của mình như thế nào?”. Bị cáo Định: “Là luật sư, bị cáo biết mình đã vi phạm điều 79 Bộ luật hình sự vì đã tham gia đảng Dân chủ VN mà mục đích cuối cùng của đảng này là hoạt động nhằm thay đổi thể chế chính trị ở VN”. Đến đây, chủ tọa hỏi thêm: “Bị cáo sinh ra và lớn lên ở đâu?”. Bị cáo Định: “Dạ, ở TP.HCM này ạ”. “Vậy bị cáo thấy thành phố của mình có thay đổi, có phát triển không?”. “Dạ có, chính bản thân và gia đình bị cáo cũng thụ hưởng sự phát triển đó”.
Lý giải về hành vi của mình, bị cáo Định nói: “Những sai phạm của bị cáo xuất phát từ cái nhìn phiến diện, tiêu cực về tình hình kinh tế, chính trị xã hội tại VN. Do bị cáo du học nước ngoài và tiếp xúc, làm việc với những tổ chức cá nhân chống đối, phản động thù địch VN nên ảnh hưởng theo”.
Sau phần thẩm vấn Lê Công Định, hội đồng xét xử cho gọi bị cáo Nguyễn Tiến Trung. Tại tòa, bị cáo Trung thừa nhận mình đã tham gia “đảng Dân chủ VN” và thành lập tổ chức “Tập hợp thanh niên dân chủ” nhằm mục đích tuyên truyền đa nguyên đa đảng và lật đổ chính quyền. Bị cáo Trung cũng thừa nhận đã giới thiệu năm người khác vào “đảng Dân chủ VN”, trong đó có Lê Công Định.
Trước tòa, bị cáo Trung nói: “Trong thời gian bị tạm giam, bị cáo nhận thức mình đã vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến người thân, gia đình. Sai lầm đó xuất phát từ việc bị cáo quá tin tưởng vào lời dụ dỗ của Trần Huỳnh Duy Thức. Bị cáo đã thành lập tổ chức thanh niên dân chủ để lôi kéo du học sinh VN ở nước ngoài, giới thiệu Lê Công Định vào đảng Dân chủ và cung cấp thông tin liên quan đến Nhà nước VN cho các tổ chức phản động nước ngoài”.
Chủ tọa hỏi: “Đất nước ta trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, bị tàn phá hết sức nặng nề. Để có được ngày hôm nay là cả một nỗ lực lớn của Đảng, Chính phủ. Bị cáo có thấy điều đó không?”. Bị cáo Trung cúi đầu: “Dạ, bị cáo thấy từ 1986 đất nước ta đã đổi mới, những năm gần đây phát triển mạnh mẽ. Thưa hội đồng xét xử, bị cáo bị lôi kéo, xúi giục rằng chỉ có con đường đa nguyên đa đảng mới đưa đất nước phát triển như vậy. Đây là sai lầm của bị cáo, bị cáo rất ân hận”.
Khoan hồng cho những bị cáo thành khẩn
Trong phần nhận định bản án, hội đồng xét xử nêu: “Tất cả các bị cáo trong vụ án này đều là những người hiểu biết pháp luật, có trình độ học vấn cao, sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Các bị cáo được Nhà nước ưu đãi, được thừa hưởng thành quả cách mạng của cha ông trong đó có chính những người thân của các bị cáo. Nhưng chỉ vì một chút định kiến, động cơ cá nhân mà các bị cáo đã đi ngược lại đường lối chính sách của đảng, lợi ích quốc gia dân tộc”.
Cũng theo hội đồng xét xử, tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, hai bị cáo Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung đã thành khẩn khai báo, có đơn xin khoan hồng, vì vậy hội đồng xét xử có cân nhắc khi lượng hình.
Riêng hai bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long, mặc dù tại cơ quan điều tra đã thừa nhận hành vi phạm tội, cả hai đã có bản nhận tội và mong muốn được xử lý nhẹ để sớm về sum họp gia đình nhưng tại phiên tòa hôm nay lại cố tình chối tội, khai báo vòng vo. Dù vậy, căn cứ vào tài liệu điều tra cũng như lời khai của các bị cáo đã đủ chứng cứ buộc tội hai bị cáo này.
* Tin bài liên quan:
Diễn biến vụ án Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định: Họ đã khai gì?Khởi tố các ông Lê Công Định , Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng LongBắt Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh KimBắt khẩn cấp luật sư Lê Công Định về hành vi tuyên truyền chống nhà nướcEU can thiệp vào công việc nội bộ của VNYêu cầu Hoa Kỳ không can thiệp vào vấn đề nội bộ của Việt NamLiên đoàn Luật sư VN lên án hành vi sai trái của luật sư Lê Công ĐịnhThu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của ông Lê Công ĐịnhXét xử 4 đối tượng phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”Hôm nay, xét xử Lê Công Định và đồng phạm