Tim thông tin blog này:

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

Chủ nghĩa chủ quan duy ý chí qua trải nghiệm của tôi.

Khi tôi nhận công việc đội trưởng đội công tác kiêm chuyên gia xã khi còn quá trẻ. Hai mươi mấy tuổi đời, chỉ là đoàn viên, trung sĩ, chức quèn: trung đội phó rồi lên trưởng. Không hề biết gì cơ cấu tổ chức của chính quyền, đoàn thể và dân quân. Cấp trên chỉ tập huấn cho lính có một tuần trước đó, để hiểu sơ về đất nước và con người xứ lạ. Biết qua về âm mưu ba phái của địch và nội tình chính trị của Campuchia.
Xong, thảy thằng tui xuống một xã lạ hoắc của huyện khác. Tới nơi, mình rất lo lắng, không biết bắt đầu từ đâu, làm sao để từ vài cán bộ chỉ định tạm trước đó mà xây dựng nên cơ cấu hoàn chỉnh cho xã hoạt động. Dù mình có lập đôi công tác bạn (như lính) để hổ trợ và thông qua đó cho chính danh. Nhưng đội bạn đều là người mới, biết gì đâu, chỉ sao nghe vậy. Còn oái ăm thay, bắt đoàn viên tui xây dựng nòng cốt để kết nạp đảng cho cán bộ bạn nữa cơ!.
Trong khi ấy, tiếng Khmer mới biết bập bõm. Chuyên gia dân chính và chỉ huy cấp trên dội chỉ đạo xuống: cần làm chuyện này, cấn làm chuyện kia. Đúng là bộ đội Đa giê năng, không biết thì ráng tự học. Mò mẫm làm và làm tuốt theo kiểu nghề dạy nghề. Rồi cũng mình học lóm nhập khẩu cách mệnh Việt, bày vẽ dở chiêu đủ cả. Ví dụ như bầu bán thì dở trò mèo, đưa người vào cho đủ số nhưng 7 sẽ rớt 2 như ý định...
Thời gian loáng qua, tiếng Khmer của mình cứng dần, nâng tầm chém gió. Mình tự tin ghê lắm, trực tiếp truyên truyền cho cán bộ, dân, quân xã, có lúc xổ raphan hai tiếng đồng hồ liền. Vẽ đâu họ nghe đấy, ông cố vấn mà, cán bộ và dân nể trọng ông kẹ , gọi mình là "Tà Hùng" (ông Hùng). Uy quyền của ông cố vấn ngày càng trùm một cõi. Xã thì nghèo nhưng rộng lớn giáp hai tỉnh Kro Ché và Kompuông Thom. Xã nằm bên kia sông, cách chỉ huy tiểu đoàn và uỷ ban huyện, một buổi chèo ghe. Khó thì khó nhưng hợp ý mình thích tự tung tự tác làm đạo diễn.
Có một phum (làng) nằm sâu trong rừng cách chỗ đội công tác mình đóng "sở chỉ huy" chừng mười mấy cây số. Cơ sở bí mật báo: mấy lần địch vào, cả quân Pol Pot lẫn Sêrây Ka "giao lưu" với dân làng. Ở xa không trị được, mình ức lắm nhưng không trách cán bộ, dân phum vì "thế thời phải thế". Dân quân có năm ba khẩu súng CKC, địch vào thì dấu súng chứ làm gì nhau!.
Mình nghĩ ra cách phải đưa dân ra ven sông, gần để dễ quản lý, chi viện. Tuy là tổng quản cóc keng thôi nhưng cũng lên phương án di dời, lập kế hoạch ất giáp bài bản. Báo cáo thuyết minh với chỉ huy tiểu đoàn và chuyên gia dân chính huyện, tỉnh. Chỉ xin hổ trợ gạo cho dân lúc di chuyển và định cư. Rồi cấp trên ok đồng ý, mình bàn cán bộ xã nghe theo luôn, thế là xong!.
Lệnh ban: Phum trong rừng tự túc dời di rừng sâu ra đất quy hoạch. Dân lũ lượt chuyển gia sản ra ven sông bằng xe bò. Cán bộ và dân hai phum ven sông có trách nhiệm hỗ trợ nhường đất làm ruộng họ. Dân mới đến tự phát quang rừng gần sông làm rẫy. Vậy mà họ đùm bọc, nhường xơm xẻ áo cho nhau tốt, không ai phàn nàn. Để công bằng, không cho ai khổ hơn ai: Mình bàn với cán bộ bạn: chọn bãi đất rộng lập "khu hành chính". Có nhà uỷ ban, đoàn thể, dân quân... và ngu sao không nhân tiện cất nhà cho ông cố vấn. hehe. Dân hai phum ven sông có trách nhiệm góp tre gỗ... và nhân lực. Ba tháng xong cơ bản, cả di dời dân song song với xây dưng cơ quan.
Mãi sau này, mình nghĩ lại, tuy đạt ý đồ, tiện bảo vệ dân nhưng phương án ấy duy ý chí. Vì làm thế là trái quy luật đời sống tự nhiên. Và làm như vậy thì hoá ra cả nước co cụm nhường lãnh thổ cho địch. Dân thỉnh thoảng phải về phum cũ để làm rẫy vì đất tốt dễ kiếm miếng ăn, làm sao không gặp và bị địch khống chế/
Biết bao công sức của dân một xã nghèo. Mấy chục hộ gia đình lớn bé phải rời bỏ quê cũ quen thuộc. Đến nơi mới, phải làm lại từ đầu đã đành mà đất canh tác xấu hơn...
Có điều cũng vì cái phum cũ mà dân còn đi về, nên dẫn đến tổn thất đau lòng sau khi mình rời xa nhận công tác khác. Do đời sống, dân cố níu kéo bám về phum cũ, dẫn đến tổn thất , làm mình day dứt như đã kể ở stt trước. Vì trên đường vào đó, đội công tác bạn bị địch phục kích. Mất đi một trung đội trưởng người Chăm gan lỳ mà mình hay gọi là bố. Và mất một đội trưởng người Kuôi trung thành chí cốt, mà mình gọi bằng anh, cụt một chân. Xót xa nhà ảnh nghèo, ba con còn nhỏ, mọi việc nhà nông, đánh cá dồn lên vai người vợ tảo tần...
Phương án dời dân đúng hay sai? đến giờ mình vẫn không dám chắc. Giữ được địa bàn nhưng có gì áy náy, ray rứt trong đó.
(Cái Phum dời đi kể trong phương án, nằm xa phía trái hình):


Tìm kiếm Blog này