Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

Một đoạn văn lính viết tả cảnh hay và rất sinh động: Tết Chol Ch’năm.

TC - Một đoạn văn lính viết tả cảnh hay và rất sinh động.
Mình nghĩ nếu tác giả chăm chút thêm thì nó không thua gì thế hệ các nhà văn tiền bối. Tất nhiên mỗi thời văn phong mỗi khác.
____________

TẾT - MANG VÕNG ĐI KHIÊNG CÁ
Trích ( mùa chinh chến ấy )
Tết Chol Ch’năm Th’mây của người Kh’mer thường được tổ chức vào các ngày 13, 14 tháng Tư dương lịch. Đây là tháng cuối mùa khô. Mùa mưa chưa đến. Ở các thành phố hoặc vùng song nước trù phù thì không nói lam gì, nhưng trên vùng núi hoang vu, sát biên giới Thai Lan, lại là vấn đề lớn. Tháng Tư đến rồi mà trong phum vẫn bình thường, không có dấu hiệu gì.
Một hôm, vào khoảng ngoài mùng 10, anh Lan thông báo, dân phum mời bộ đội Việt Nam đi bắt cà cùng để đón Tết. Dân bảo, bộ đội chỉ đi cho vui. Và nhớ mang theo cái võng lớn. Nhưng anh Lan vẫn cảnh giác. Một trung đội tăng cường được cử đi, mang đầy đủ các cơ số đạn. Đề phòng đang bắt cá, địch tập kích thì khốn.
Sáng sớm, chúng tôi vào phum, đã thấy dân khá đông. Họ cười nói rôm rả. Đàn ông, đàn bà và các cô gái đều tươi vui. Mấy trẻ nít nhìn chúng tôi với cặp mắt ngây thơ pha lạ lẫm. Đặc biệt, chúng nhìn những khẩu súng và những viên đạn lớn với vẻ tò mò. Đi đánh cá mà họ chẳng mang dụng cụ gì, chỉ vài tấm lưới. Và một chiếc xe trâu cổ lỗ. Họ vẫn ăn mặc như ngày thường. Không thấy ai khoe da thịt và cơ bắp như có vẻ sắp xuống nước. Mấy con chó biết được đi chơi xa, đuôi luôn ngoe nguẩy, quấn quýt, hít hà người này người nọ. Tôi chẳng thấy nó khác gì con người.
Chúng tôi đi bộ vào rừng. Con đường khúc khuỷu. Đất đá khô cứng. Mình đi giầy còn thấy đau chân. Nhưng dân đi chân không mà bước cứ thanh thoát, nhẹ nhàng. Trẻ con chạy hai bên lề đường. Lũ bốn chân thì lao lên trước. Bộ đội đi sau dân. Tiếng mõ trâu vang giòn. Nếu không có mấy khảu súng trên vai, đây chắc là một chuyến đi thời bình.
Đi khoảng 5 km, rẽ vào rừng một đoạn, bỗng một cái hồ khá lớn hiện ra. Giữa mùa khô mà còn đầy nước. Mặt sáng như gương. Như một cái mâm xanh giữa rừng. Phẳng lặng. Bình yên.
Phụ nữ tỏa đi chặt cành lá. Đó là loại cây mã tiền. Cây này thả xuống nước, cá say đứ đừ, nổi lập lờ, chỉ việc nhặt. Họ để quanh bờ, dùng gậy đập cho rã . Rồi ném xuống hồ. Đàn ông ngồi trên bờ, hút thuốc rê, thả khói thong thả. Chờ cho các chất trong lá tan trong nước. Tụi trẻ nít thì hái lá, đan các con vật rất xinh đẹp. Mấy con chó ngồi nhìn đám bọt nổi trên mặt nước, rồi lại nhìn các ông chủ, như dò hỏi. lính tráng cũng ngồi vấn thuốc, kể chuyện ‘’hồi ở quêm tui bắt cá thế nào’’. Nhưng chắc chắn, không thể giống ở đây.
Giờ bắt cá đã đến. Họ ào xuống nước, rải lưới quanh hồ. Rồi họ đập nước, dồn cá. Người hú, người hét. Có mấy người đồng ca một khúc hát cổ. Mặt ai cũng tươi. Gọi nhau. Đùa nhau. Hò hét ầm ĩ. Họ từ từ dồn cá vào một góc. Thấy động, lũ cá nhốn nháo. Đã lao xao mặt hồ. Có con hoảng quá, lao vút lên cao rồi bổ nhào xuống. Họ bắt nửa hồ bên phái trước. Khi tất cả dồn về một góc, chưa kéo lưới lên, cá đã dầy đặc. Nhiều con say thuốc, nhất là những con to, không còn sức quẫy, nằm dài mà ngáp. Xe trâu được đánh tới. Người bắt, người tung, người đỡ, người chuyền tay..một sợi dây người chuyển cá lên xe. Chẳng mấy chốc, cá đã đầy xe trâu. Đến lượt bộ đội mang võng đến. Loáng một cái, võng cũng đầy cá. Căng phình. Cái võng vải rộng mét rưỡi, nặng như hai người nằm. Phải hai anh khỏe nhất ra khiêng, mãi mới nhấc lên được. Mới bắt nửa hồ đã nhiều thế. Chưa bao giờ tôi thấy bộ đội mình dùng võng khiêng cá.
Anh trưởng phum bảo, hồ này là vựa cá chung của phum. Không ai được bắt. Vào những dịp trọng đại, muốn bắt cá, cả phum phải họp lại. Chỗ cá hôm nay, về chia cho mọi người. Ai cũng có phần. Kể cả con nít và người già đau ốm. Còn cá trên đồng, trong mương, trong suối, dân bắt tự do. Tôi để ý, mình đã qua nhiều phum, gặp nhiều dân, nhưng chưa thấy ở phum nào có chuyện trộm cắp; không thấy chuyện vợ chồng cãi nhau; cũng chẳng thấy chuyện cha mẹ đánh mắng con cái.
Và ở phum nào cũng thấy hình ảnh các cô gái ngồi bên khung cửi dệt vải. Cô gái đẹp, vải đẹp. Cô gái dịu dàng, vải dịu dàng. Hình ảnh đó tỏa ra hương vị ấm áp của phong cảnh gia đình. Hôm trước buổi trưa đi lấy nước, thấy cảnh mấy người hàng xóm chuyện trò bên cầu thang nhà sàn. Có bà mẹ ngồi chải tóc bắt chấy cho con. Khung cảnh giản dị này chứa bao điều bình yên. Dường như nó có sẵn từ bao đời nay trên miền rừng núi này.
Dân trong phum xì xòm làm bún, làm rượu. Họ là bún rất khéo. Tôi thích nhất đoạn, cho cục bột vào cái thùng gỗ, đục lỗ sẵn rồi dùng chày ấn xuống. Những sợi bún nhỏ dài trắng muốt như đàn trẻ nít xoắn xít tuôn ra. Anh Lan và tôi cứ lang thang trong phum, ghé nhà này một chút, chơi nhà kia một lát, nhưng tôi dặn họ, đến khi nào làm ra sợi bún thì gọi tôi về. Vì tôi chỉ thích mỗi công đoạn thú vị này. Đến đoạn làm rượu cũng vui. Dân Kh’mer không nấu mà làm rượu. Tức là họ chỉ ủ men trong cơm. Mà cơm thì họ nấu còn cả trấu. Khi men đã hoai, họ vắt lấy rượu. Mà nước có cần đun sôi đâu. Cứ sẵn suối, sẵn giếng đấy, múc đầy cru, đổ vào. Và khi họ vắt, chẳng cần tấm vải tấm vóc nào cho nhiêu khê, sẵn váy choàng bằng khăn rằn đó, đi trên đường bám đầy bụi, ngồi bệt bạt lê la khắp chốn, cởi ngay ra, lót xuống, đổ men rượu vào , vắt ra lấy nước. Và múc bằng bát. Chuyền tay nhau uống.
Thứ rượu này có mầu trắng đục, dân Kh’mer gọi là ‘’sara’’. Một tối ở đại đội, chúng tôi ủ được ít men. Anh Lan mời dân vào chơi. Và mang rượu ra tiếp. Nhưng chẳng có gì để vắt. Ngay lập tức,một cô cởi ngay cái khăn trùm váy của mình ra, làm khăn vắt rượu. Lúc đó, chúng tôi đều khâm phục cô gái đó thông minh. Tiệc tan, đêm tàn, dân ra về, chúng tôi cũng chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau, anh Trung, chính trị viên, người Mường, mới nói:’’ Hôm qua mình vắt rượu bằng cái khăn bẩn của mấy em’’. Khi đó, ai nấy mới ngớ người. Xong cười xòa, cho qua. Rượu mà, có đau bụng đâu mà sợ. Anh Huyên, chính trị viên phó, vừa về phép cưới vợ xong, còn đùa:’’ Có tí mùi đàn bà vào, uống càng đậm’’.
Lính tráng vào phum, bị dân té nước. Có mỗi bộ quần áo, giờ ướt đầm đìa, biết làm sao? Có anh chạy về thay, lại bị ướt. Lúc đầu lính ta chịu trận, cho họ té. Nhưng sau cũng té lại. Mượn cru, mượn gáo nhà bên, cũng vừa chạy vừa té. Có anh còn tả xung hữu đột, té hết nhà này sang nhà khác, té hết cô này sang cô khác. Có anh còn kinh hơn. Bà già ngồi sưởi nắng cũng bị hất nước . Đứa trẻ còn đang bế ngửa cũng dính nước. Ông già đang chống gậy đóng khố cũng cho khố ướt luôn. Cái khoản gì lính ta còn kém, chứ khoản vui đùa té nước, lính vượt dân rất nhanh. Có ông tướng còn chạy về đơn vị, xách theo thúng nước gạo chua lòm, xông pha tứ phía. Trời đất, người ta té nước sạch để cầu cho mình may mắn. Đằng này, chơi nước bẩn cả thùng thì may nỗi gì? Song được cái, Tết mà. Miễn sao tất cả cùng vui.
Buổi tối, dân múa răm-vông. Chúng tôi chạy vào xem. Múa hôm Tết có rượu. Vừa múa vừa uống. Rượu đựng trong cru, cứ việc cầm bát múc uống. Tôi cũng quýnh quáng nhảy vào. Vừa đi được một vòng, có cô gái đã đến chúc. Nhưng không phải rượu. Cô bốc miếng ăn cho vào miệng tôi. Chưa biết là món gì, định không ăn, nhưng cô gái cứ ép. Vừa mở miệng, một nắm bún tống vào. Lại thêm vị tanh lòm, thật khó nuốt. Anh Lan lên tiếng:’’ Bún cá đấy’’. Đành phải gắng gượng nhai. Nhưng may sao, ngay lúc đó, cô gái đưa cái gáo đựng đầy sara. Đưa lên miệng uống thật mạnh. Bún cá trôi xuống họng. Suýt nữa thì nôn.Định thần lại, mới nhìn vào cái cru. Trong đó đầy bún cá. Tức là bún trộn cá lẫn lộn. Nát nhừ. Không có nước. Cũng không có gia vị gì. Khi ăn chỉ thò tay vào bốc. Mà dân đây vốn ăn bốc. Nhìn xung quanh. À, thì ra có mấy cru rượu ở kia. Ai thích ra múc uống. Sau khi có rượu vào, ăn bún cá kiểu Kh’mer cũng thấy ngon.
Chắc chúng tôi là đơn vị bộ đội Việt Nam đầu tiên đến phum này. Thời chống Mỹ, có nhiều bộ đội ta sang đây. Nhưng chỉ hoạt động ở mạn S’tung T’reng và Công Pông Thom, phía dưới. Còn lên đến tỉnh Preach Vi-hia, sát biên giới Thái Lan, chắc chỉ có thời này. Cái Tết Chol Ch’năm Th’mây đầu tiên còn nghèo, nhưng khá vui. Anh Lan bảo:’’ Họ đãi bộ đội Việt Nam bây giờ, nhưng đêm về, họ lại đãi con em họ. Vì trong phum này, 90 phần trăm gia đình có con em đi lính Pol Pot.’’

ĐOÀN TUẤN

Tìm kiếm Blog này