Dân Việt - Để làm điều này, Tỉnh ủy hay Ủy ban chỉ cần ban hành văn bản pháp quy quy định các bước thẩm định ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm. Các cơ quan báo chí cứ theo đó mà làm. Không thể để tình trạng cứ như Phú Yên là một quốc gia riêng biệt trong lĩnh vực VHNT vậy...
Tơi bời Báo Phú Yên
Nhà
báo Phạm Ngọc Phi - Tổng biên tập Báo Phú Yên tỏ ra đau buồn đến kiệt
sức trong những ngày phải đi hầu kiện, giải trình hết cuộc họp này đến
cuộc họp khác; với bao nhiêu “vụ án” văn chương trên báo này, mà gần
nhất là truyện ngắn “Bóng anh hùng” (Doãn Dũng).
Ông
Phi nói: “Khổ lắm, áp lực tinh thần ghê gớm lắm. Triền miên là các cuộc
họp với đủ loại chỉ trích “kinh hồn”. Không hiểu họ muốn gì, vì sao
phải “đấm văn, bẻ chữ” xuyên tạc văn chương báo chí đến tận cùng như thế
…”.
Nhà
văn, nhà báo Phương Trà -PV Báo Phú Yên, nguyên Biên tập viên Văn nghệ
của báo này cũng ở tâm trạng tương tự nhưng chị lại có thêm cái khủng
hoảng, đau lòng của một người sáng tác.
Được
biết, Phương Trà đã bị sốc liên tục trong nhiều vụ quy chụp các tác phẩm
do chị trực tiếp biên tập trước đó. Đến vụ truyện ngắn “Bóng anh hùng”
thì Phương Trà đã gần như quỵ ngã, chị đau khổ đến mức sinh bệnh, phải
xin phép cơ quan cho nghỉ một thời gian…
Xa
hơn chút, ngày 1.3.2008, Báo Phú Yên “dính đạn” khi đăng bài thơ tình
“Nếu không muốn đi hết con đường” của nhà thơ Nguyễn Phong Việt (TP.Hồ
Chí Minh, tác giả tập thơ đang là “hiện tượng phát hành” "Đi qua thương
nhớ").
Đơn thư khiếu kiện tới tấp, cho là bài
thơ “phản động”, cứ thế âm ỉ khắp nơi; đến năm 2009 thì hàng loạt lãnh
đạo, thư ký tòa soạn, biên tập viên Báo Phú Yên bị kỷ luật; trong lúc
các cơ quan chức năng trung ương kết luận “bài thơ không có vấn đề gì”.
Nguyễn
Phong Việt nói: “Câu chuyện của bài thơ “Nếu không muốn đi hết con
đường” của tôi khi được đăng trên Báo Phú Yên đã gây ra rất nhiều khó
khăn cho các đồng nghiệp, thậm chí có người đã phải bỏ việc để chuyển
sang một tòa soạn mới vì những áp lực không đáng có từ phía những người
cho rằng phải xử lý những ai đã cho đăng bài thơ ấy.
Với
tư cách là người viết ra bài thơ ấy, và bài thơ ấy cũng đã được đưa vào
tập thơ “Đi qua thương nhớ” phát hành vào cuối năm 2012, với số lượng
bản in đến giờ này bán ra đã gần 20.000 bản. Tôi thật sự cảm thấy không
ổn chút nào cho những suy nghĩ kiểu quy chụp, những cách đọc mà chỉ tìm
cách soi mói theo chiều hướng xấu như vậy...
Thời
gian là câu trả lời tốt nhất cho những suy nghĩ không tốt đó, và câu
chuyện của Nếu không muốn đi hết con đường đã chứng minh là nó đã đúng
hoàn toàn trước bất cứ thách thức nào của những ai đã cho rằng bài thơ
này là độc hại”.
Nhiều vụ “tai ách” liên tục
làm cho một bộ phận phóng viên, tòa soạn, lãnh đạo Báo Phú Yên “ăn không
ngon, ngủ không yên” trước áp lực liên miên các cuộc kiểm thảo, chấn
vấn, hù dọa, kỷ luật…
Đã và đang có thực một
không khí “khó ở” bao trùm trên hoạt động báo chí, văn nghệ tại Phú Yên,
mà “no đòn” nhất là Báo Phú Yên, đến nỗi nhiều phóng viên, biên tập
viên và lãnh đạo (đến cả Phó Tổng biên tập) đã không thể chịu nỗi áp lực
kiểm điểm, kỷ luật mà phải “xách gói ra đi”.
Ông
Nguyễn Văn Tân - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Phú Yên nói: “Trong các cuộc họp, tôi đã chính thức trả lời: “Bóng anh
hùng” là một truyện ngắn hay, không có vấn đề gì như các đơn thư phản
ánh này nọ. Thế nhưng những người “ghét” truyện ngắn này đã khiếu kiện
vượt lên Thường trực Tỉnh ủy, mặc dù Ban Tuyên giáo trung ương đã chính
thức trả lời là truyện không có vấn đề gì.
Văn
chương bây giờ khác xưa, không thể cứ đọc theo cách cũ kỹ. Cái hồi bài
thơ Nếu không muốn đi hết con đường cũng vậy, quá sức ấu trĩ. Riêng
những vấn đề gì đúng, phải kiên quyết bảo vệ anh em tới cùng”.
Tiếp nhận kiểu “lạ”
Thầy
giáo, nhà thơ trẻ Đào Tấn Trực (Phú Yên), một nạn nhân của sự “hiểu
lầm” về bài thơ “Vọng làng” của anh đoạt giải nhất Cuộc thi thơ Phú Yên
năm 2008, sau đó đăng nhiều nơi.
Anh nói:
“Văn bản văn học có các đặc điểm như: tính kí hiệu, tính mở, tính không
chính xác, tính thỏa thuận giữa văn bản và người đọc,... nên không giống
những văn bản thuần túy khác. Người đọc tiếp nhận văn học thuộc về lĩnh
vực thẩm mỹ tinh thần. Tùy theo trình độ, nhận thức, thời đại mà mỗi
người đọc có một cách tiếp nhân khác nhau.
Tuy
nhiên, dù tiếp nhận kiểu gì đi nữa thì cũng không nên dựa vào tính mở
của văn bản mà biến cái chủ quan ngây thơ của mình thành ý kiến quy
chụp, hoặc suy diễn, như vậy sẽ thiển cận và chủ quan. Ở góc độ người
sáng tác, và cũng là người đã từng bị “chụp”, tôi rất buồn về điều này.
Cũng may có số đông bạn đọc đã nói hộ mình. Tôi cảm thấy rất buồn vì
thấy xung quanh những người sáng tác lại có những đọc giả kiểu "lạ" như
vậy”.
Một phóng viên của Đài PTTH Phú Yên cho
biết: năm 2009, anh đã từng một phen “lên bờ, xuống ruộng” khi chỉ đưa
một mẩu tin sách về tập truyện ngắn và tản văn “Xoa tay và cười” (NXB
Văn học, 2009) của nhà văn “nông dân” Ngô Phan Lưu (hội viên Hội Nhà văn
VN).
Chương trình đài vừa phát, ngay ngày
hôm sau, một cán bộ của Ban Tuyên giáo Phú Yên đã đến gặp Ban giám đốc
để lấy bản thu âm và photocoppy toàn bộ bản thảo chương trình.
Tại
phòng làm việc của nhà báo Trần Văn Lộc (lúc ấy là Phó giám đốc Đài
PTTH Phú Yên, hiện là Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên), phóng viên đã
điện thoại cho ông Vũ Văn Thoại (khi ấy là Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng
Ban Tuyên giáo Phú Yên) để hỏi “vì sao?”, thì được ông Thoại nói rằng:
các anh có biết nhân thân Ngô Phan Lưu như thế nào không? các anh và cô
Phương Trà ở Báo Phú Yên có cấu kết bàn bạc như thế nào mà cùng đưa tin
về cuốn “Xoa tay và cười”?,...
Một biên tập
viên của Đài này cho hay, cũng đã bị “thu âm, photo” chương trình, rồi
anh cùng những người liên quan đã bị “kiểm điểm, nhắc nhở nghiêm khắc”
khi cho phát ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề… quy chụp văn chương!
Một
số anh em làm Tạp chí Văn nghệ Phú Yên cũng than phiền: nhiều lần phải
“vò đầu bứt tai” vì những ý kiến “xiên xẹo, ngang ngược” khi đăng một số
bài thơ, truyện ngắn… Họ luôn ở trong tâm trạng lo sợ, thấp thỏm. Đến
nỗi, tại nhiều cơ quan báo chí ở đây, mỗi khi được phân công viết, biên
tập về mảng văn chương nghệ thuật, thì đều lắc đầu quầy quậy như “đỉa
phải vôi”, mặc dù rất yêu thích công việc này!
Nhà
văn Đào Minh Hiệp (nguyên Chủ tịch Hội VHTN kiêm Tổng biên tập Tạp chí
Văn nghệ Phú Yên) cám cảnh: “Tôi cảm thấy buồn vì bản thân cũng là một
người cầm bút ở địa phương, cũng gần chục năm quản lý tờ Văn Nghệ của
Hội VHNT tỉnh, và cũng từng bị đưa lên “đoạn đầu đài” không chỉ một lần
vì cho in mấy bài thơ mà theo quan điểm của Ban Tuyên giáo (thời ông Vũ
Văn Thoại làm Trưởng ban - PV) là “phản động”.
Đầu
tiên là bài thơ "Ngọn cỏ tịch điền" của nhà thơ Trần Huyền Ân, bị kết
tội vì nói đến “cánh đồng chết”, trong khi ai cũng biết lễ hội Tịch điền
là lễ hội xuống đồng đầu năm mới của nhà vua để cầu cho mưa thuận gió
hòa mùa màng bội thu. Bài thơ thứ hai là bài "Ông già" của nhà thơ Thanh
Quế kể chuyện một ông già uyên bác, đi khắp Đông Tây Nam Bắc, giữ nhiều
chức vụ cao, khi về già qua đường phải chống gậy.
Hai
bài thơ nói trên bị Ban Tuyên giáo đánh giá là: “Thể hiện sự bế tắc,
cùng đường của con người trước cuộc sống, trước xã hội,... xúc phạm đến
danh dự và nhân cách của các bậc tiền bối, cán bộ cách mạng lão thành”.
Bao
nhiêu cuộc họp đã được tổ chức, thậm chí còn gửi cả giấy mời Thanh Quế
từ Đà Nẵng vào kiểm điểm, nhưng Thanh Quế đã trả lời qua điện thoại “Tôi
không nói chuyện với những thằng ngu!”. Rồi đến truyện ngắn Chỗ trống
dưới ngón tay Phật của tác giả Nguyễn Hiệp trên tạp chí Văn nghệ Phú Yên
cũng bị nhắc nhở, và bây giờ là “Bóng anh hùng”.
Chuyện
quy chụp tác phẩm văn học đôi khi vẫn xảy ra ở tỉnh này, tỉnh nọ, nhưng
chỉ là cá biệt, còn ở Phú Yên gần như trở thành thường xuyên, cứ lặp đi
lặp lại, khiến các văn nghệ sĩ đều ngán ngẩm, còn ban biên tập thì mệt
mỏi, chán chường, không “tâm phục, khẩu phục”, một số nhà báo chán đến
mức phải “bỏ của chạy lấy người”.
Ban biên
tập cũng đã hỏi ý kiến của các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực văn học
như Hội Nhà văn VN, Ban Tuyên giáo TW,… nhưng tất cả những ý kiến của
cấp trên đều bị bỏ ngoài tai hoặc bị xem là quan điểm “ngoại lai”. Còn
các tiến sĩ, thạc sĩ văn học công tác ở tỉnh nhà thì không bao giờ được
hỏi ý kiến.
Thiết nghĩ không nên để tình
trạng như thế này kéo dài mãi, cần phải có định chế nào đó như là một cơ
quan chuyên môn có tiếng nói quyết định trong việc đánh giá tư tưởng
của tác phẩm (chẳng hạn như Hội đồng thẩm định tác phẩm văn học của
tỉnh). Nếu địa phương không “tìm được tiếng nói chung”, thì phải tôn
trọng ý kiến của các cơ quan chuyên môn cấp trên, và coi đó là kết luận
cuối cùng.
Để làm điều này, Tỉnh ủy hay Ủy
ban chỉ cần ban hành văn bản pháp quy quy định các bước thẩm định ý
nghĩa tư tưởng của tác phẩm. Các cơ quan báo chí cứ theo đó mà làm.
Không thể để tình trạng cứ như Phú Yên là một quốc gia riêng biệt trong
lĩnh vực VHNT vậy!”.
Nhà văn Doãn Dũng, tác giả truyện ngắn “Bóng anh hùng” đang “rùm beng” tại Phú Yên.
|
PV Dân Việt đã liên hệ phỏng vấn tác giả “Bóng anh hùng” của nhà văn Doãn Dũng (Hà Nội):
Anh
cảm nhận thế nào khi truyện ngắn “Bóng Anh hùng” bị “đánh”, quy chụp là
“độc hại, phản động” khi đăng trên Báo Phú Yên? Đời viết của anh đã
từng gặp?
- Tôi mới viết nên đây là lần
đầu tiên xảy ra với mình, nhưng những chuyện như thế này xảy ra ở đâu đó
tôi vẫn theo dõi trên báo chí nên cũng không có gì bất ngờ lắm. Quyền
phán xét tác phẩm thuộc về bạn đọc, vì vậy tôi tiếp thu cả ý kiến khen
lẫn chê.
Được biết, nhà văn – nhà báo
Phương Trà (Báo Phú Yên), người trực tiếp biên tập truyện ngắn “Bóng anh
hùng” đã rất đau khổ, khủng hoảng khi sự vụ “nổ” ra?
-
Đây chính là điều tôi băn khoăn nhất. Nhà văn Phương Trà có xin lỗi tôi
vì đã để tôi bị “vạ lây”. Tôi thì nghĩ ngược lại và thấy áy náy vô
cùng. Tôi gặp Phương Trà lần đầu ở trại viết Phú Yên do tạp chí VNQĐ tổ
chức khi Phương Trà đến lấy tin.
Phương Trà
xin tôi một buổi phỏng vấn ghi hình nhưng tôi từ chối. Sau này Phương
Trà có dịp công tác Hà Nội, chúng tôi có ngồi café với nhau một buổi và
cô ấy viết bài trên Báo Phú Yên khắc họa chân dung. Thú thật là tôi cũng
không nhớ chính xác bài báo ấy thế nào, vì chân dung tôi nó thế rồi,
tôi hiểu tôi quá rõ nên không cần phải nhìn mình qua ngòi bút người
khác. Khi tôi ra tập truyện “Bóng anh hùng”, Phương Trà có nhắn tin hỏi
xin phép đăng lại truyện ngắn này trên báo nhà, còn nói nhuận bút thấp
lắm anh đường cười nha.
Sau đó tôi có nghe
chuyện loáng thoáng qua các bạn văn, tôi hỏi Phương Trà thì cô ấy một
mực xin lỗi vì làm phiền tôi và nói không có gì nghiêm trọng cả. Vừa
rồi, tôi mới biết sự việc đã đẩy đi quá xa. Về phần tôi không vấn đề gì,
nhưng cũng thấy buồn và lo lắng cho mọi người có liên quan.
Theo anh, làm sao để tình trạng qui chụp văn chương này không còn đất sống?
-
Đến bây giờ, các cơ quan chức năng và chuyên môn đã có kết luận chính
thức: “Truyện ngắn này không có gì đặc biệt và sai phạm về nội dung và
hình thức”. Vì vậy những ý kiến còn lại là ý kiến độc giả, và không thể
bắt họ nghĩ theo cách mình nghĩ được.
Xin cảm ơn anh!
VPMT
*****