Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Miệt u minh

Xuân Bình:
(viết xong vào ngày khởi công thủy điện Xayaburi, 19-4-2011)

Có những khoảnh khắc miền Tây khiến ta chợt nhận thấy trần gian, thiên đường, địa ngục được nối liền với nhau không chỉ bởi những dòng sông?
Mấy chục năm qua, chỉ còn duy nhất một nơi tôi chưa đi: Đất Mũi. Tôi đã lặng lẽ lần theo dấu vết Mê Kong từ thượng nguồn Tây Tạng xuôi qua Myanmar, Trung Quốc, Lào, Campuchia thì hà cớ gì ngại đi tận cùng đất Việt? Hành trình khám phá dòng chảy vỹ đại góp phần tạo nên đồng bằng Nam bộ này rất cần một khoảng bỏ ngỏ, thiếu hụt, chưa tròn đầy, không khép kín. Cũng là để dành chỗ cho một ước mong, hy vọng dù rất mong manh.
Nhưng cuối cùng thì một run rủi cũng đưa đẩy tôi tới cực Nam. Đất Mũi đã mau mắn bê tông hóa một câu thơ ngổn ngang sự tô vẽ. Cà Mau xây đắp, công kênh một con thuyền không đủ năng lực tạo nên dù chỉ là ảo giác chuyển động. Chòi lên cao hơn rừng đước, rừng tràm là cái tháp canh rất xấu. Nó chỉ giúp người ta trèo cao. Không có nhiều chất liệu để gây men cảm xúc tự hào về Tổ Quốc. Thiếu hụt một vị thế để tạo nên tầm nhìn vượt xa hơn biên cương. Cụt hẫng, cứng đờ một góc hình hài đất nước.
Nếu ai từng tới Kudat, một điểm cực Đông của Malaysia cách Đất Mũi chừng 1300km về phía Đông Nam, khi so sánh, đối chiếu với Đất Mũi chỉ thấy nghẹn đắng thất vọng và tủi.
Ký ức mây trắng?

Nhiều năm qua, với riêng tôi, không gian miền Tây là một tứ giác rộng lớn với bốn tọa độ: đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, Cần Giờ và Đất Mũi. Cực Nam chỉ là một phần không thể thiếu, nơi ấy không có sông hồn, rừng linh, đất thiêng nhưng luôn cho ta một cảm nhận lạ lùng.
Trong những lần trở về miền Tây, có khi tôi khởi phát từ dấu vết của nền văn hóa Giồng Phệt, điểm tiếp nối giữa di sản của sông Đồng Nai và Cửu Long. Có đôi lúc trôi xuôi theo con nước ròng sông Hậu hay ngược lên biên giới Tây Nam cùng con nước nổi Đồng Tháp. Không dự định, không kế hoạch hay toan tính, cứ để cảm xúc xuôi dòng hay tan chảy về khắp miền đồng bằng đúng như cách mà các dòng chảy đã bền bỉ tạo hình châu thổ.
Trong những hành trình đó, tôi ký thác niềm tin vào những khảo sát kỹ lưỡng của Lê Quang Định viết trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806 ) hay ghi chép của Trịnh Hoài Đức trong Gia định thành thông chí (1820).
Quá đỗi yêu thương một khúc Dạ Cổ Hoài lang của Cao Văn Lầu. Phải mất thật nhiều thời gian và công phu để trở thành nhịp 8 và tình khúc này đã lan tỏa khắp mọi ngóc ngách vui buồn, sướng khổ của đồng bằng châu thổ.
Trân trọng biết bao những trầm tích sống được lắng đọng từ Hương rừng Cà Mau, Vạch một chân trời…và từ một thân phận Sơn Nam héo hon.
Tôi ước rằng mình cũng có một tấm lòng như Nguyễn Hiến Lê khi ông để lại cho cuộc đời hàng trăm công trình khoa học. Học giả đã dành hơn 40 năm để viết “Con đường thiên lý” một tiểu thuyết duy nhất. Phía sau tác phẩm văn học là cuộc truy tìm về gốc tích, căn nguyên của một thân phận Việt. Một Trần Trọng Khiêm vật vã trốn chạy khỏi Bắc Kỳ trong một số kiếp lang bạt kỳ hồ. Một Lê Kim dứt bỏ châu Âu hoa lệ, “thung lũng vàng” xứ Hoa Kỳ để trở về làm vị tiền hiền khai phá đất hoang, đặt nền móng cho làng Hòa An- Cao Lãnh.
Thực sự cảm phục Đoàn Giỏi khi ông vượt qua những xô bồ của hiện thực Hà Nội trong những năm đầu kết thúc chiến tranh để tái hiện Đất rừng phương Nam. Làm thế nào để suy tư khi mỗi ngày phải khắc khoải bên cạnh bãi bia Cổ Tân, một nỗ lực tiêu biểu cho sự nghiệp nhậu nhẹt vỹ đại. Làm cách gì để mạch văn vẫn mượt mà khi sống chung với tiếng thử phanh lộng óc của xe tải trước cửa Nhà hát lớn…? Trong sâu thẳm ký ức Đoàn Giỏi, thiên nhiên Nam bộ vẫn bén rễ và trỗi dậy, vươn lên. Khi thoát khỏi một con người tuyên huấn, khi dừng mô tả, phân tích tính cách cũng như xây dựng nhân vật chính diện hay sự nghiệp họ theo đuổi, nhà văn rạng rỡ, bay bổng, quyến rũ như tâm hồn trẻ thơ. Chẳng bạn đọc nào có thể quên những đêm câu rắn, những lần tìm kiếm mật ong rừng hay chuyến bắt cá sấu…
Nhưng tôi cũng hoài nghi và nhiều lần tự hỏi điều gì thôi thúc Xuân Diệu viết bài thơ Mũi Cà Mau hay Hoàng Hiệp sáng tác ca khúc Đất Mũi Cà Mau? Mau hay chậm một lối tiếp cận hiện thực đời sống, một quá trình hoài thai tác phẩm? Khẩu hiệu nhiều hơn thơ? Tụng ca lấn át tình ca? Tình người láng coóng và cảm xúc trơ truội? Nhàn nhạt?
Nhiều ngày trở về từ Đất Mũi, trong tôi vẫn chỉ ám ảnh một nụ cười Nguyễn Ngọc Tư. Một dư âm tưởng như hồn nhiên, trong sáng, không gì vướng bận nhưng đôi khi mơ hồ cảm thấy cái… “không thật” như tác giả “tự thú” trong ghi chép “Đất Mũi mù xa”. Nụ cười mỏng mảnh ấy như muốn lan tỏa lớn rộng để che, giấu đi những điều đau buồn bất tận của những cánh đồng, những kiếp người?

Đổi dòng!


Trước khi vào Đất Mũi, gia đình tôi có ghé qua Cổ Tân. Con phố rất nhỏ, rất ngắn, hơi méo và nằm đối diện với Nhà hát lớn Hà Nội. Phố chỉ có hai số nhà. Căn phòng rất chật hẹp ở số 4, nơi Đoàn Giỏi từng kê giấy lên một cái gường để viết Đất rừng phương Nam đã không còn tồn tại, đã biến mất. Con tôi chạy dọc đường Tràng Tiền, Cổ Tân, gặp ai nó cũng thử dò hỏi. Anh ơi, cho em hỏi đường đi đến Cổ Tân? Dạ thưa chị: nhà ông Đoàn Giỏi ở chỗ nào? Bác cho cháu hỏi: Tác giả Đất rừng phương Nam từng ở đâu? Nhiều cái lắc đầu ngơ ngơ và… không có một câu trả lời đúng. Có lẽ nhiều người Hà Nội không biết Cổ Tân cũng như một nhân vật khá nổi tiếng từng ngụ cư nơi này.
Ngay lúc đó, một suy nghĩ cứ ám ảnh tôi: Đất Mũi, miền Tây sẽ còn lại những gì như đã tái hiện trong văn học? Hà Nội còn nhốn nháo, suy kiệt. Đà Nẵng vẫn tiếp tục loay hoay. Sài Gòn quá xộc xệch, hỗn loạn. Trong cơ đày ấy, miền Tây liệu có như Tây Bắc, Tây Nguyên?
Khi đã trườn mình trên kênh rạch Đầm Dơi, Cái Nước, Đông Thới, Năm Căn, An Đông, Ngọc Hiển…nào đâu còn lưu hương rừng Cà Mau? Không còn nhiều cơ hội biết đến một miền Tây như những ghi chép của Sơn Nam:
“Sậy mọc khỏi đầu. Hương rừng ngào ngạt, mùi hương xa lạ nhưng rất quen thuộc. Rừng cơ hồ không còn chiếc lá nào cả! Trên hàng vạn nhánh nhỏ, bàn tay thần nào rắc lấm tấm hằng hà sa số đợt bông gòn, không phải riêng trước mặt mà khắp các tứ phía. Rừng sáng lạn, ai dám nói là rừng âm u ? Bông kết oằn sai, mịn màng, trắng tuyết; đài, cánh đâu không thấy chỉ thấy toàn là nhụy ngọt.”
Bỗng thấy nhớ và thương đám bạn trẻ con ngày trước, đến bây giờ có đứa vẫn đọc cho con cháu nghe văn của Đoàn Giỏi:

“Càng đổ gần về hướng mũi Cà Mau thì sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện. Trên thì trời xanh dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá. Tiếng rì rào bất tận của những khu rừng xanh bốn mùa, cùng tiếng sóng rì rào từ biển Đông và vịnh Thái Lan ngày đêm không ngớt vọng về trong hơi gió muối.”
Không nhiều hiện thực hôm nay dám bảo chứng cho những điều mà các nhà văn, nhà văn hóa đã ghi chép, để lại.
Thấy buồn hơn khi đọc những chia sẻ của Nguyễn Ngọc Tư: “Đất Mũi thiệt tình không có núi cao, không có biển xanh, cát trắng, không cung đình cổ kính lại càng không có phổ cổ đìu hiu. Đất Mũi chỉ có bùn sình, rừng thẳm và biển. Dẫu biển không xanh ngằn ngặt mà đục ngầu phù sa nhưng ở đây nhiều biển lắm. Biển đằng trước, biển bên phải, biển bên trái. Bình minh, mặt trời từ biển quẩy nước ngoi lên rồi khi chiều về, mặt trời chín đỏ già nua lại ngụp về biển sau một ngày tự cháy.”
Mấy chục năm qua, môi trường nhân văn đổi thay theo chiều hướng không thuận thiên đã kéo theo quá nhiều hệ lụy. Một thời gian dài, người ta dư thừa tự tin với ý thức cải tạo thiên nhiên, thay trời, ngăn sông, mở đất, dịch chuyển giang sơn. Tư duy…Trị… thủy sông Hồng rất hồn nhiên, ngang nhiên tạo nên sóng thần ở miền Tây. Thuật ngữ “Mùa nước nổi” được “phiên dịch”, “chuyển ngữ” thành mùa ngập lụt. Sự hình thành tự nhiên của kênh rạch được định nghĩa như một nguy cơ gây nhiễu loạn dòng chảy. Ơn cao dày của trời đất, cơ may của đồng bằng châu thổ lại được hiểu là “thảm họa”. Nhiều kênh đào hiện hình để kỳ vọng nắn nước, đổi hướng phù sa bồi đắp cho vịnh Thái Lan. Những dòng chảy cũ được khơi sâu. Đê bao vươn dài, bưng kín, khu biệt những đô thị mới. Các ốc đảo này gần như ngưng nhịp thở hài hòa với đồng bằng. Tất cả để cho nước Mekong rút tháo nhanh ra biển với mục tiêu thau chua, rửa phèn hay “giải phóng” tình trạng cô lập cho những vùng thấp dễ ngập lụt?!?!
Năm đầu tiên của thiên niên kỷ, chẳng hiểu sao rất nhiều người hoảng sợ và những tờ báo có ảnh hưởng lớn nhất cũng liên tục báo động vì tình trạng nước lên cao? Chỉ 10 năm sau, khi thủy điện lạ mọc lên dày đặc trên thượng nguồn, mọi cảnh báo đã phải đổi chiều. Nguồn nước dần suy kiệt. Hậu quả nhãn tiền là mất con nước nổi, cháy rừng tăng cao, hệ sinh thái thay đổi, nhịp sinh học tự nhiên bị biến dạng. Hàng loạt chương trình phát triển nông nghiệp, thủy sản đã và sẽ có nguy cơ phá sản…
Sau chiến tranh, tiếp theo những tham vọng ấu trĩ, tính toán may rủi cùng nhiều quyết định liều lĩnh, đen bạc thì sự hiện hình của những thủy điện Mạn Loan, Đại Chiếu Sơn, Tiểu Loan, Cảnh Hồng của Trung Quốc, Xayaburi của Lào… thực sự là hiểm họa rất gần với miền Tây. (nơi cung cấp hơn 50% lượng lúa gạo, hơn 70% thủy sản và hơn 70% trái cây cho cả nước.) Thêm một lần nữa, khi nguồn nước bị chặn lại, đổi dòng từ những nơi rất xa thì người miền Tây có nhiều nguy cơ bơ vơ trên cánh đồng, lạc lối trong miệt vườn.

Từ những mắt thuyền…

Dù ở thời đại hồng thủy của Noe hay trong bộ phim giả tưởng 2012 của Roland Emmerich thì phương tiện giải cứu con người vẫn là những chiếc thuyền.
Điều này càng đúng hơn với một miền đất có khoảng 55000 km sông rạch. Nhà chỉ là chỗ tạm dừng, có thể bỏ. Hoàn cảnh sống sẽ tiếp tục biến đổi cực kỳ phức tạp. Nhưng trong tương lai vài trăm năm nữa, trung tâm, đặc trưng không gian sống miền Tây không phải là ngôi nhà. Bản thiết kế hay triết lý cho mọi kiến trúc miền Tây phải được chiết xuất từ những thông điệp lớn của những con thuyền. Triết lý ấy là sống thuận với trời đất, lựa theo con nước, ưa sự dịch chuyển, luôn thay đổi. Sơn Nam từng nhận xét: những con thuyền và nghề thương hồ đã tạo ra miền Tây.
Từ xa xưa miệt sông nước này có thật nhiều loại tàu thuyền, ghe, xuồng, phà, chẹt, bè. Xuồng có loại ba, năm lá, xuồng máy. Ghe có loại bơi chèo, chống, ghe lườn, ghe chài, ghe hầu, ghe bầu, ghe tam bản mui ngắn, ghe tam bản mui dài … Ghe lườn còn gọi là ghe độc mộc, thon nhẹ, bụng nhỏ và dài, không cong ở mũi và lái. Ghe chài dùng cho người sống trên sông nước, buôn bán đường dài. Ghe hai tầng, chia làm hai phần chứa hàng hóa và sinh hoạt. Di chuyển nhanh, chở nhẹ có ghe lưới. Chở hàng có ghe bè, ghe lồng. Đánh bắt tôm có ghe cào tôm. Chở cá thì có ghe cá, ghe rổi. Ghe hầu là loại ghe lớn có trang trí rồng, sơn son thếp vàng dùng cho gia đình giàu sang. Ghe bầu được đưa từ miền Trung vào Nam bộ những năm giữa thế kỷ 18. Ghe có lườn rộng, cấu trúc vững chãi, chịu sóng gió, sức chứa lớn.
Ngày trước, vật liệu tốt nhất để đóng ghe bầu là gỗ sao ( Hopea Odorata). Gỗ sao chịu được thay đổi của thời tiết, chống được côn trùng, dễ làm, dễ uốn dẻo, dễ sơn, chịu va đập mạnh. Nguồn gỗ sao quý nhất là ở rừng Quang Hóa thuộc Gia Định(nay thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Thuyền đóng bằng gỗ sao có thể dùng trong 60 năm.
Từ cuối thế kỷ 18 khi nhu cầu buôn bán gạo của Việt Nam- Thái Lan và Trung Quốc tăng đột biến, từng đoàn ghe bầu tấp nập trên các kênh rạch góp phần tạo nên hình ảnh một thương cảng, đầu mối giao thông nhộn nhịp bậc nhất châu Á cho đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày nay, hình ảnh của những con tàu cũng xộc xệch đổi thay từ những điều rất nhỏ. Mắt thuyền là điếm nhìn ấn tượng nhất của mỗi con thuyền. Vị trí đầu mũi, trán thuyền là một không gian được thiêng hóa. Vẽ mắt thuyền là một hiện tượng văn hóa phổ biến. Ngày trước thuyền ngự Long Lân, Trân Châu… của vua nhà Nguyễn thường chạm, khắc, vẽ long, phụng, hổ phù. Thuyền của các cự phú thì sơn son thếp vàng mô típ hoa lá, chữ phúc lộc…. Ghe xuồng của dân đều vẽ mắt để trấn áp thủy quái. Nhiều ghe trang trí rồng hoặc mô típ rắn thần Naga ảnh hưởng văn hóa Phật giáo Ấn Độ. Biểu tượng đó cũng đồng hiện với tín ngưỡng thờ sông, thờ nước.
Nhưng hôm nay trên rất nhiều vỏ lãi chế tạo từ nhựa tổng hợp đã mất dần đi biểu tượng linh thiêng đó. Ngay đầu mũi thuyền là hình con Cơ, con Nhép đỏ trong quân bài Tây. Du nhập đầu tiên vào Việt Nam ở vùng núi cực Bắc, poker mau chóng trở thành tú lơ khơ, ích xì những phương tiện không thể thiếu của những cuộc tá lả, xì lát, xì dách, xì tố, tiến lên, bài tấn, xập xám…Quân Nhép phiên trại âm từ trèfle vốn là tên gọi của một thứ cỏ ba lá. Quân Cơ là phiên âm từ coeur (gốc Latinh: cor) có nghĩa là trái tim.
Sau hơn 60 năm theo dòng người Bắc di cư, Nhép trở thành một định nghĩa mới về những may mắn, tài lộc, tài chính, tiền bạc. Cơ là biểu tượng mới cho may mắn, tình duyên, son đỏ, hên. Những lá bài may rủi đã trở thành những tín hiệu vật linh. Tiền và Tình trở thành tín ngưỡng, tôn giáo mới. Ở những chốn xa xôi, heo hút nhất, cái quá bình thường của văn hóa phương Tây lại được tôn vinh trên bề mặt những vật dụng thiết thân. Văn hóa vật chất lấn lướt văn hóa tâm linh. Cái thực dụng dẫn đầu, định hướng những giá trị tinh thần.
Từ một chi tiết nhỏ bé vẽ in trên vỏ thuyền lại có thể dự báo tương lai gần của Đất Mũi, miền Tây? Bao đời nay miền đất này vẫn chấp chới, nhập nhòa giữa đôi bờ hay hai lộ trình sáng- tối, phải- trái, động- tĩnh, dục- lý, nghĩa- lợi, hỷ- nộ, ai- lạc…Trôi dạt hay ngưng đọng…khi nước ngọt suy kiệt, thủy triều mặn dâng cao qua vùng biên giới Tây Nam?

1, 0994, 0996: không ảnh sông nước Nam bộ
8662- Ghe bầu Nam Bộ. Tranh do J.B. Piétri vẽ trong sách Contrôleur des Pêches de l’Indochine (Thuyền buồm Đông Dương).
8695- Nam bộ trong tranh khắc người Pháp TK18
8699- tàu thuyền của vua Tự Đức 1862
8700- một cảng sông 1883

*****

Tìm kiếm Blog này