Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

Hôn phối của người Miên ở biên giới.

Châu Đốc có nhiều người Miên. Người Miên Châu Đốc đi qua đi lại biên giới, đi xe qua thị xã Tà Keo, cảng Sihanouk Ville hay lên thủ đô Nam Vang dễ dàng chớ không phải khó khăn như người Miên Trà Vinh, Sóc Trăng sau năm 1979 mới có thể đi Nam Vang dễ dàng.
Người Miên có tiền hay có thế lực ở Thất Sơn hay Châu Đốc ưa cho con cái lên Nam Vang học trung học chương trình Pháp chớ không đưa lên Sài Gòn. Khoảng cách đường sông Châu Đốc- Nam Vang gần hơn Sài Gòn, đi ghe đò theo sông Cửu Long lên Nam Vang khá thuận tiện. Đi bằng đường bộ lên Nam Vang cũng dễ dàng và cự ly ngắn hơn đường bộ Châu Đốc- Sài Gòn.
Thời Sihanouk chưa bị lật đổ tức trước năm 1970 đường sông và đường bộ bên Miên an toàn hơn bên phía Việt Nam đang có chiến tranh.
Hiện nay đi về Châu Đốc không còn phải qua phà nữa do đã có cầu Mỹ Thuận, cầu Vàm Cống. Tuy nhiên thời gian đi xe từ Châu Đốc lên Nam Vang cũng vẫn nhanh hơn Châu Đốc- Sài Gòn nhiều. Đó là lý do người Miên Châu Đốc vẫn dễ gắn bó với Nam Vang hơn là gắn bó với Sài Gòn nếu tính kỹ từ hồi Pháp thuộc cho tới thời bây giờ.

Người Miên ở Thất Sơn hồi năm 1963- 1964 làm nghề trồng trọt, nấu đường thốt nốt, làm lò đất, nồi đất. Một số khác có chút học thức biết tính toán thì bắt chước người Hoa buôn bán hay xin đi làm tư chức công chức bên đất Miên hay bên đất Việt, chỗ nào cần người và trả tiền công cao hơn thì họ làm. Người Hoa ở biên giới tin tưởng vào sự thật thà dễ bảo của người Miên hơn là tính cách ưa so đo tính toán thiệt hơn của người Việt.
Người Miên sống ở biên giới dĩ nhiên thường kết hôn với người Miên, không biết sao rất ít khi kết hôn với người Việt. Do bởi sự thù oán giữa người mất đất và người chiếm đất đồng bằng sông Cửu Long? Do tiếng Miên khác xa tiếng Việt? Do người Miên tóc quăn tít ít chải đầu còn người Việt tóc thẳng dài ưa xức dầu dừa? Do hai bên chê nhau hôi rình? Do văn hóa khác biệt, người Việt theo văn hóa Trung Hoa còn người Miên theo văn hóa Ấn Độ?
Hôn phối Hoa Việt tại vùng biên giới Châu Đốc ít hơn hôn phối Hoa Miên nhiều lắm, chắc vì nhiều lý do, lý do lớn nhất chắc có lẽ là do mâu thuẫn lịch sử mấy ngàn năm qua rất khó hàn gắn.
Tuy khác văn hóa nhưng người Hoa và người Miên có vẻ dễ hòa hợp với nhau. Chắc vì không có mâu thuẫn lịch sử. Lai giống giữa người Hoa và người Miên cho ra sắc dân “đầu gà đít vịt”, con gái thường có nhan sắc nổi trội với khuôn mặt trái xoan, mũi cao, vóc dáng thanh thoát, mắt hai mí, nước da ngăm ngăm nhưng sáng. Con trai đầu gà đít vịt thường có sức khỏe võ nghệ hơn người, vóc dáng vạm vỡ, nói được nhiều ngôn ngữ, làm ăn giỏi dang hơn người không có máu lai.
Hôn phối Hoa Việt tại Nam Bộ từ lâu đời đã cho ra giống người Minh Hương. Lúc đầu vào thời nhà Nguyễn có nhiều nhân tài Minh Hương lỗi lạc như Trịnh Hoài Đức, Phan Thanh Giản... nhưng rồi người Minh Hương bị Việt hoá nhanh chóng nên con cháu của họ hiện nay đang sinh sống ở Việt Nam đã khá cà tàng cà tàng giống y như con cái của người Việt vậy.
Còn hôn phối Hoa Miên vùng biên giới nhất là hôn phối giữa người gốc Triều Châu và người Miên cho ra nhóm con buôn đầu gà đít vịt xưa giờ chuyên buôn lậu, kinh doanh tiền tệ, buôn bán hàng hóa từ cửa hàng tạp hoá nho nhỏ tới các nhóm thương gia qui mô lớn buôn bán độc quyền. Họ khai thác các sòng bài tại khu vực biên giới và ven biển Campuchia. Nhóm Miên gốc Hoa ở Nam Vang khá mạnh, hiện nay kiểm soát quá phân nửa nền kinh tế của Campuchia, làm hoa tiêu dẫn đường làm ăn cho các nhóm Hoa kiều khác, nhất là tham gia tích cực vào các vụ đầu tư của chính phủ Trung Quốc để giành ảnh hưởng chính trị tại Campuchia.
Thời gian chiến tranh 1954- 1975 nhóm mại bản Hoa Miên và Hoa Việt bắt cá hai tay vừa buôn bán cung ứng vũ khí lương thực cho cán binh Cộng sản tại các mật khu vùng biên giới và trên đất Miên, vừa kết hợp với các sĩ quan và viên chức tha hoá của chính quyền Sài Gòn buôn lậu tiền tệ và hàng hoá. Sau năm 1979 nhóm đầu gà đít vịt chi phối càng lúc càng sâu vào nền kinh tế và chính trường Campuchia, trong khi ảnh hưởng chính trị và kinh tế của người Việt Nam càng ngày càng yếu đến không còn gì nữa.
Các cấp lãnh đạo Khmer Đỏ cũ như Polpot và vợ, Yiêng Sari… là đầu gà đít vịt. Khá đông các quan chức Campuchia hôm qua và hiện nay cũng đầu gà đít vịt. Để ý kỹ con cháu của nhóm lai Việt Miên hiện nay cũng bắt đầu cà tàng cà tàng giống y như con cái của người Việt, không được nổi trội như đám Hoa Miên.
8.Châu Đốc- An Giang: Người Chăm và người Miên.
Việt, Miên, Hoa, Chăm... là bốn sắc dân cùng ngẫu nhiên tụ hội nơi vùng đất biên giới hiểm yếu này. Đây là nơi khá hiếm hoi có nhiều người theo đạo Hồi trên đất Việt.
Người Chăm An Giang có mối quan hệ chặt chẽ với người đồng đạo tại Mã Lai, Indonesia. Người Chăm có chương trình phát thanh tiếng Chăm trên làn sóng phát thanh của nhà nước Mã Lai. Có những nhà khoa học được nhà nước Mã hỗ trợ nghiên cứu về văn hóa và dân tộc Chăm-pa đang làm việc tại các viện và trường đại học ở Kuala Lumpur. Người Chăm được nhà nước Mã Lai ưu đãi như những sắc dân bản địa Mã Lai trong khi chính phủ Mã không ưu đãi người gốc Hoa.
Kinh Koran và tiếng Ả-rập được dạy tại các giáo đường Hồi giáo tại Châu Đốc, An Giang. Từ năm 1995 trở đi Mã Lai và Indonesia hỗ trợ đưa học sinh người Chăm biên giới đi du học, gần thì Mã Lai hay Indo, xa thì Trung Đông...
Sao người Chăm tại Ninh Thuận, Bình Thuận không được hỗ trợ đi du học như Chăm An Giang? Do người Chăm tại miền Trung không theo đạo Hồi gốc mà theo loại đạo Hồi có pha trộn với các lễ nghi tín ngưỡng Ấn giáo, thậm chí có nhiều người Chăm miền Trung theo hẳn đạo Bà La Môn chớ không theo đạo Hồi. Nên các tổ chức Hồi giáo quốc tế chỉ chăm chú hỗ trợ cho nhóm Chăm An Giang vốn quen dùng chữ Ả-rập và tụng kinh Koran dễ giao tiếp, còn nhóm Chăm miền Trung dùng chữ riêng do họ tạo ra xuất phát từ chữ Phạn?
Ngôn ngữ cũng hơi khác. Chăm An Giang nghe hiểu được loại ngôn ngữ Mã Lai vùng giáp biên giới với Thái Lan, còn Chăm Thuận Hải thì không. Hai nhóm Chăm này do hoàn cảnh cách biệt nên ngôn ngữ cũng bắt đầu dị biệt, tiếng Chăm miền Trung ngày càng vay mượn nhiều từ gốc Việt còn tiếng Chăm An Giang mượn nhiều từ Ả-rập, Mã Lai, Miên, Thái...
Tại vùng biên giới Châu Đốc sinh hoạt giữa người Miên và người Chăm khá tách biệt. Miên chuyên nông nghiệp còn Chăm dệt vãi, buôn bán, làm nghề sông nước... Miên theo Phật giáo còn Chăm theo Hồi giáo. Trong quá khứ và hiện tại mâu thuẫn Chăm và Miên hầu như không hoá giải được. Họ không thể hoà hợp với nhau, có thể do hoàn cảnh phải sống sát bên nhau nhưng không muốn chung đụng.
Bên Miên có quê hương dành riêng cho người Chăm là Kampong Cham. Thời Polpot dân Chăm trên đất Miên bị giết quá phân nửa và sau này không thể phục hồi dân số Chăm tại Campuchia được do nhiều nguyên nhân. Có dư luận cho rằng chính phủ Miên không muốn.
Nếu người Việt nhờ kinh nghiệm hàng hải của người Chăm mà nghề đi biển và thủy binh mới phát triển nhanh chóng được, thì thời trước 1975 chính phủ Miên xử dụng bản năng sông nước và thiện chiến của người Chăm bằng cách tuyển nhiều người Chăm vào các đơn vị thủy quân hay biệt kích.
Tháng tư 1975 khi quân Polpot đại thắng, nhiều binh sĩ người Chăm trong quân đội PhnomPenh đã dùng đủ các loại ghe thuyền trốn thoát được qua Thái hay qua Mã, nhưng rất nhiều người Chăm vẫn còn ở lại.
Người Miên không thích người Chăm cũng như không thích người Việt. Mà chắc chắn người Chăm cũng không ưa người Việt sau khi họ chẳng còn một miếng đất cắm dùi.

Nguồn: 

Tìm kiếm Blog này