Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2019

“Pot ở đầu phum ta cuối phum”

Xem lại câu chuyện đau lòng trên Bên thắng cuộc của Huy Đức, phản ánh một chiến trường phức tạp và dữ đội ở Camphuchia.
....Tháng 5-1986, Thượng úy Trần Hữu Long, đang là giáo viên quân sự ở trường Quân chính Quân khu VII, được điều sang chiến trường Campuchia làm đại độitrưởng Đại đội 11, Trung đoàn 4, Sư 5, Mặt trận 479. Long kể: “Đơn vị đóng ở nơi ác liệt nhất, nhưng vũ khí vẫn rất thiếu thốn. Đại đội tôi có 110 người mà chỉ còn chín mươi khẩu súng; theo lý thuyết thì hỏa lực phải được trang bị tới tận phân đội nhưng tiểu đội thì có B40, trung liên, tiểu đội không”.
Đóng quân ở bìa rừng, nơi lực lượng Khmer Đỏ thường từ Thái Lan vượt biên giới vào bên trong đất Campuchia. Long kể: “Chiến tranh như trò đùa, chúng tôi thì cứ phơi mặt ra, trong khi Khmer Đỏ lại lẩn khuất trong bóng đêm, trong dân. Từ biên giới luồn qua, tụi lính Pol Pot lại dừng lại đánh nhau với tụi tôi một chặp, sau đó đi về lại bắn nhau thêm một chặp nữa. Chúng tôi phải đắp tường và đào hào vây quanh doanh trại theo kiểu pháo đài. Loại pháo đài tường đất với những ngôi nhà tranh tre chỉ cần một phát B40 là cháy rụi”.
Sự ác liệt mà những người lính ở Campuchia đã phải trải qua là không thể định lượng. Đánh chiếm một căn cứ của Khmer Đỏ thì có vẻ như rất dễ, nhưng tiêu diệt lực lượng Pol Pot thì rất khó. Có những đơn vị Quân Tình nguyện Việt Nam đã từng bị “xóa sổ”. Thượng úy Long kể: Đầu mùa khô năm 1986, trung đoàn tổ chức truy lùng địch, đại đội tôi được giao ở nhà giữ cứ. Tối, tôi qua Đại đội 13, anh em kêu ngồi vào uống ly rượu tiễn. Đang ăn, Đại đội trưởng Thụ hỏi: “Còn đạn K54 không?”. Tôi rút nguyên băng đạn từ khẩu K54 bên hông đưa cho Thụ. Trưa hôm sau ra phum, thấy mấy người già Khmer ngồi khóc, nói: “Bộ đội ông Thụ chết hết rồi”.
Toàn bộ lực lượng Đại đội 13 tham gia trận đánh bị hy sinh, chỉ còn một người lính vác chân đại liên sống sót. Đêm ấy, gần 300 lính Khmer Đỏ bị Trung đoàn 4 bao vây, dồn đánh. Chúng buộc phải mở đột phá khẩu. Nơi chúng chọn nằm trong phạm vi chốt chặn của Đại đội 13. Những tên lính Khmer Đỏ hung hãn nã B40 nhưvãi xuống những người lính đang phơi lưng giữa đồng trống. Người lính sống sót về kể rằng, trước khi chúng đến, anh kịp nằm sấp xuống, kéo xác đồng đội đè lên.
Lính Khmer Đỏ lần lượt bắn bồi vào những cái xác bộ đội Việt Nam, nhưng không hiểu sao anh sống sót. Sáng hôm sau, người dân đưa xe bò vào rừng chở về bốn mươi xác bộ đội trong đó có cả “Đại đội trưởng Thụ”.
Sau trận ấy, Thượng úy Long triệu tập đơn vị nói, lực lượng mỏng, chúng ta có thể bị đánh bất cứ lúc nào. Rồi ra lệnh mở kho đạn, nâng cấp báo động, đặt đơn vị trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đầu năm 1987, một tiểu đoàn Pol Pot xuất hiện trong khu vực đại đội Long đóng quân. Lúc này, Long đã chuyển sang chỉ huy Đại đội 12. Người dân trong phum nói: “Ông Long ơi, nó chuẩn bị đánh bộ đội 12 đó”.
Nguôn, tiểu đoàn trưởng Khmer Đỏ, nhắn qua dân: “Nói ông Long chỉ cần ra khỏi doanh trại, bước qua bìa phum là tôi bắn”. Thượng úy Long nhắn lại: “Nói ông Nguôn có giỏi thì cứ đưa quân về đây”. Khmer Đỏ không đánh ngay mà cứ dấm dứ hàng tháng trời hòng đặt bộ đội của Thượng úy Long trong trạng thái căng thẳng kéo dài cho đến khi mệt mỏi. Bộ đội của Long vẫn thường nghêu ngao hát: “Pot ở đầu phum / Ta cuối Phum / Uống chung dòng nước thối um um / Lên đây đã trải bao mùa lúa / Pot vẫn đầu phum ta cuối phum”564.
Thượng úy Long kể: “Đêm Campuchia tối tới mức ngửa lòng bàn tay ra đưa lên trước mặt cũng không nhìn thấy. Khi hành quân đêm, chúng tôi phải bắt con sâu đất có ánh lân tinh quệt lên ba lô của người lính trước mặt để bám theo nhau. Đêm đi qua trảng trống, nếu lỡ tụt lại phía sau phải nằm sát mặt đất may ra mới nhìn thấy bóng những người lính hành quân in trên nền trời”. Những khoảnh khắc hay bị phục kích nhất là ở thời điểm trăng vừa lên, Khmer Đỏ phục sẵn chỉ chờ có ánh sáng nhận rõ mục tiêu là bắn. Khi tiểu đoàn Khmer Đỏ của Nguôn vẫn thập thò ngoài rừng, Long kể: “Cứ hai tiếng một lần, tôi lại phải dậy đi một vòng đốc gác. Tiền đồn tối như mực mà không có lấy một trái hỏa châu. Khmer Đỏ áp sát hàng rào cũng khó lòng nhìn thấy”.
Sau bốn ngày bị bao vây, “bộ đội 12” căng như dây đàn nhưng đám lính Khmer Đỏ vẫn chưa khởi chiến. Trung đoàn 4 lúc đó cũng không còn khả năng chi viện vì lực lượng đã bị dàn mỏng. Tiểu đoàn nhắn xuống: “Tập trung phòng thủ cho tốt”.
Khoảng 4:30 sáng, Thượng úy Long đi đốc gác lần cuối, thấy anh em chấp hành nghiêm, anh trở về lán. Long kể: Vừa đặt lưng, tôi nghe tiếng AK nổ phát một bụp, bụp. Chưa kịp nhảy ra thì quả B40 thứ nhất nổ sát nóc nhà sở chỉ huy. Tôi phóng xuống hầm.
Nghe đạn của tụi Pol Pot bắn hết cỡ mà không thấy tiếng súng bắn trả của anh em mình. Tôi nói với cậu liên lạc: không ra đánh là chết hết. Vừa dợm chân ra thì một trái B40 nổ ngay cửa hầm hất mình trở lại. Nhìn thấy miệng cậu liên lạc mấp máy, tôi hét lên: “Tao còn sống, đánh!”. Ra khỏi hầm, thấy hàng chục nóc nhà đang bốc lửa. Một nhóm bộ đội đang vác khẩu cối 82 chạy ra phía sau. Long hét: “Dựng nòng, bắn cấp tập”. Hô xong vẫn không nghe tiếng cối, Long quát: “Không bắn, tao bắn tụi bây bây giờ”. Quát xong nhìn lại, thấy miệng khẩu cối chớp liên tục, anh em không kịp gá chân, cứ thế dựng nòng, thả đạn. Khi ấy, Long mới biết tai mình đã điếc.
Chạy xuống Trung đội 1, thấy một chiến sỹ bị thương lòi ruột, anh em đang lấy bát úp bụng băng lại. Ở Trung đội 2, Trung đội trưởng Nê bị một viên đạn xuyênqua ngực, chết trong khi tay ôm chặt một chiếc gối hồng. Đại đội trưởng Long giật mình. Chỉ hai ngày trước, khi nhìn thấy chiếc gối, Long đùa: “Ai tặng đây?”. Nê tự hào: “Người yêu em tặng. Có chết em cũng sẽ ôm theo chiếc gối”. Người yêu của Nê là một cô gái người Khmer mới quen. Người lính có mặt trong giờ phút trung đội trưởng Nê hy sinh kể: “Anh ấy đang chỉ huy thì khựng lại, máu rỉ ra từ một vết nhỏ trên ngực. Ngay lập tức anh ấy bảo em vào hầm lấy chiếc gối, rồi ra lệnh: Bắn! Anhấy ôm chặt chiếc gối cho đến khi mặt tái lại và lịm dần”.
Trời sáng, lực lượng Khmer Đỏ rút lui. Ở Trung đội 3, hai người lính đang cố gắng để nâng xác một đồng đội bị B40 xé nát một mảng lưng. Lửa vẫn cháy ở gần như tất cả những ngôi nhà của đại đội. Ba người lính hy sinh, ba người khác bị thương. Xác anh em được đưa về Sở Chỉ huy. Long lấy khăn lau mặt cho từng tử sỹ rồi đợi xe bò của người Khmer vào đưa xác những bộ đội xấu số lên trung đoàn. “Đêm khô như tiếng mõ trâu / Rừng khô như tờ bánh tráng / Trời không một tia gió thoảng”565. Mùa khô ở Campuchia, đất sắt lại, phải hai ba người đào một ngày mới được một cái huyệt để chôn đồng đội.
Ngay cổng chính, xác một lính Khmer Đỏ bị bắn chết khi đang vác khẩu B40 với viên đạn đã sẵn sàng nhưng chưa kịp bắn. Trên lưng hắn ta còn sáu quả đạn. Tiếng AK “bụp” phát một mà Long nghe khi vừa trở về chỗ nằm là của người lính mà anh vừa gặp khi đi đốc gác. Nếu anh bộ đội để cho tên lính Khmer Đỏ mang bảy quả B40 ấy lọt qua hàng rào thì thế trận có nguy cơ vỡ. Đêm ấy, lực lượng Pol Pot chỉ tấn công ba mặt, chừa một mặt để, nếu “bộ đội 12” bỏ chạy, sẽ rơi trọn vào bẫy phục kích của chúng. Đấy là trận tập kích khốc liệt nhất của Khmer Đỏ vào nơi đóng quân của “bộ đội 12” nhưng không phải là trận đánh duy nhất....
Trích từ: Bên thắng cuộc - Chương 11 Campuchia của Huy Đức
_______________

Tìm kiếm Blog này