Tim thông tin blog này:

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

1 Tư lệnh quân đoàn và 2 Sư trưởng hy sinh ở chiến trường K


Tư lệnh Kim Tuấn tại chiến trường năm 1979. Ảnh tư liệu

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể, vào giữa tháng 3/ 1979, Bộ Chỉ huy Quân đoàn 3 đóng ở khu vực Bat Tan Bang đã quyết định tổ chức chiến dịch truy quét vào hang ổ cuối cùng của Pol Pot tại vùng Săm Lop - Ta Sanh thuộc dãy núi Kravanh giáp biên giới Thái Lan. Thiếu tướng Kim Tuấn đã quyết định từ Bat Tan Bang trở về Xiêm Riệp để giao nhiệm vụ cho các sư đoàn đóng ở Xiêm Riệp phối hợp tổ chức chiến dịch cuối cùng này.
Ban đầu, tướng Kim Tuấn được đề nghị đi trực thăng, nhưng ông đã quyết định đi đường bộ với lý do muốn tham khảo địa hình trước khi cho các Sư đoàn hành quân. Trên đường đi, đoàn đã bị quân Pol Pot tập kích. Chiếc xe chở Thiếu tướng Kim Tuấn bị trúng một quả B40. Tư lệnh Kim Tuấn bị chấn thương nặng vùng cột sống. Dù bộ đội ta kịp thời ứng cứu, nhưng ông đã qua đời ngày 17/01 trên máy bay trực thăng đưa ông về cấp cứu ở Sài Gòn, khi máy bay vừa bay qua địa phận Phnom Penh.
Tướng Kim Tuấn là vị Chỉ huy cấp cao nhất của quân tình nguyện Việt Nam hi sinh ở chiến trường Campuchia. Ông cũng là chỉ huy đầu tiên của quân tình nguyện Việt Nam được phong AHLLVTND. Trước khi mất, ông đã nhận hết trách nhiệm của vụ tấn công về mình để văn phòng Quân đoàn không bị truy cứu trách nhiệm. Đó là nguyện vọng cuối cùng của vị Tư lệnh Anh hùng của Quân đoàn 3.
Theo: Vietnamnet
Về trường hợp hy sinh của Tướng Kim Tuấn, xem thêm ở: Vnmilitaryhistory

Sư đoàn trưởng trẻ nhất toàn quân
Năm 1984, những ai yêu mến Đại tá Trương Hồng Anh, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 đều bàng hoàng khi nghe tin một trong những sư đoàn trưởng trẻ nhất toàn quân lúc bấy giờ đã hy sinh trên đất bạn. Trương Hồng Anh sinh năm 1948 ở xã Bình Thuận, H. Bình Sơn (Quảng Ngãi). 16 tuổi nhập ngũ. Mới 22 tuổi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 90, 29 tuổi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 và 35 tuổi là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2. Chưa đầy 20 năm trong quân ngũ, anh được phong 13 cấp, từ binh nhì đến đại tá, từ chiến sĩ trinh sát đến sư đoàn trưởng. Anh hai lần có mặt ở chiến trường Campuchia trên cương vị trung đoàn trưởng và sư đoàn trưởng.
Đại tá Nguyễn Đình Ngật, nguyên Chánh Văn phòng Bộ tư lệnh Quân khu 5 nhớ lại: “Khi tôi làm Sư đoàn phó về chính trị thì Trương Hồng Anh làm Sư đoàn trưởng. Trong trận đánh vào căn cứ 547, ta và địch giằng co quyết liệt, lực lượng địch bố trí dày đặc. Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh ra lệnh cho Trung đoàn pháo binh 368 cơ động 2 khẩu pháo nòng dài 85mm và 4 khẩu pháo phòng không 37mm lên phía đài quan sát thực hiện “bắn xăm” vào các hốc đá, tiêu diệt các hỏa điểm địch.
Trận địa pháo 105mm cũng được lệnh phối hợp với pháo của xe tăng bắn cấp tập ghìm đầu địch xuống, tạo điều kiện cho pháo 37mm cơ động. Nhờ cách đánh này, các hỏa điểm địch đã nhanh chóng bị tiêu diệt. Tuy nhiên, Sư đoàn cũng chịu một tổn thất lớn. Ngày 27-3-1984, trên đường đi kiểm tra chiến trường trở về,  Trương Hồng Anh bị thương nặng. Cuộc giành giật sự sống cho anh đã diễn ra khẩn trương, Mặt trận huy động cả máy bay trực thăng vận chuyển cấp cứu; hàng trăm chiến sĩ xung phong truyền máu cho anh, nhưng anh đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 2-4-1984”.
Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng Đặng Xuân Thu vẫn nhớ như in ngày Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh bị thương: “Ngày đó tôi là phóng viên của chuyên mục LLVT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Chúng tôi từ trên chốt về và gặp xe Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh bị nạn. Đây là độc đạo chỉ có thể đi được một xe, anh cho xe của mình tránh sang bên để nhường xe chở thương binh về cấp cứu kịp thời. Xe GMC bị trúng mìn tăng của tàn quân Pôn Pốt cài lại. Anh bị nặng nhất”.
Theo: Cadn

Đại tá Trương Hồng Anh và con gái - năm 1982.
Đại tá Trương Hồng Anh và con gái - năm 1982.
Xem thêm đánh giá về Đại tá LH Anh ở Đây và Đây 


Đại tá, Sư đoàn trưởng Vũ Tiến Đức quê Quỳnh Phụ, Thái Bình nguyên là thiếu tá, Chính uỷ Trung đoàn 66, Sư đoàn (F) 304, Quân đoàn 2, đơn vị đánh vào cửa ngõ Sài Gòn rồi hợp quân tại Dinh Độc lập chiều ngày 30.4.1975. Những tưởng hoà bình rồi thì ông sẽ có điều kiện trở về đoàn tụ vợ, con sau hai chục năm đằng đẵng xa Nào ngờ, khi ông vừa tốt nghiệp Học viện Chính trị trung-cao thì chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, ông được cấp trên điều về F319, Quân khu 3 làm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn. Khi đó, Sư đoàn mới này có nhiệm vụ huấn luyện quân dự bị động viên cho quân đội.


Liệt sĩ, đại tá Sư đoàn trưởng Vũ Tiến Đức - Ảnh: Gia đình cung cấp

Biên giới Tây-Nam ngày một nóng bỏng, tin tức về những trận thảm sát dân lành của bọn Khmer Đỏ Pol Pot liên tục dội về và ngày một kinh hoàng hơn. Có lẽ vì ông là cán bộ chỉ huy có kinh nghiệm trận mạc nên cấp trên lại tiếp tục điều động ông vào mặt trận Tây-Nam.Sang Campuchia, ngoài chức danh Sư trưởng của quân ta, ông còn là chuyên gia của Sư đoàn trưởng 286 phía Campuchia, thuộc Mặt trận 479. Trong một trận đánh mà ông trực tiếp chỉ huy, ông bị trúng mìn của Khmer Đỏ gài trong xe. Ông bị thương nặng toàn thân và không qua khỏi vì chấn thương sọ não do Quân y tiền phương không phát hiện sớm. Ông hy sinh ngày 31.12.1984, khi mới 48 tuổi.

Tìm kiếm Blog này