Tim thông tin blog này:

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

Brother Enemy (Anh em thù địch) của Nayan Chanda (III)

4. Một nét tổng quát về lịch sử
Dù đoàn đại biểu Pol Pot đi bằng máy bay Jet và xe hơi Hồng Kỳ hơn là đi xe ngựa, tới lăng Mao thay vì lâu đài hoàng đế để tỏ lòng thành kính, cuộc viếng thăm của phái đoàn Cam Bốt tại Bắc Kinh, theo nhiều phương cách, đó là sự lặp lại của lịch sử. Một quan chức cao cấp Bộ Ngoại Giao Trung Hoa bay tới Phnom Pênh để tháp tùng đoàn quan khách đến thủ đô. Ngày xưa, quan chức triều đình Trung Hoa phải tới biên giới để tháp tùng sứ bộ các chư hầu tới triều cống rất linh đình. Tuy nhiên, quan trọng hơn hình thức đó là quan điểm về chiến lược và chính trị xác định mối liên hệ của Trung Hoa với các nước láng giềng Đông Nam Á.
Từ thế kỷ thứ ba sau Tây Lịch cho đến cuối thế kỷ 15, vua các vương quốc khác (Phù Nam, Chân Lạp, Chiêm Thành và Cam Bốt – vùng sau này trở thành Nam Việt Nam) đều chấp nhận quyền lực tối thượng của Trung Hoa, ít ra trên mặt biểu tượng, thỉnh thoảng phải triều cống cho thiên tử. Các đoàn đi sứ này thực ra chỉ là hình thức giả dạng của một công việc mà lý do chính thức khác là tìm sự che chở của Trung Hoa. Vua các nước vùng Đông Nam Á hy vọng một lời cảnh cáo từ vị hoàng đế đầy quyền lực Trung Hoa đủ ngăn cản cuộc xâm lăng của nước láng giềng. (1)
Phương cách triều cống như trên chỉ hữu hiệu khi đế quốc Trung Hoa vững mạnh, đủ sức bảo trợ lời đe dọa của họ bằng sức mạnh quân sự hoặc khi Trung Hoa không gặp khó khăn nội bộ. Năm 1407, vua nhà Minh Yongle gởi một đạo quân mạnh 200 ngàn người trừng phạt Việt Nam về nhiều tội, luôn cả tội tấn công Chiêm Thành.
Việt Nam thua trận phải trả lại phần đất mà họ đã lấy của Chiêm. (2) Tuy nhiên, năm 1414, vua Cam Bốt, kém may mắn hơn khi ông ta gởi sứ bộ tới Bắc Kinh khẩn cầu Trung Hoa giúp đỡ chống lại Chiêm Thành xâm lược. Hoàng Đế Yongle đang bận chống quân Mông Cổ ở phương Bắc, có lời đoan chắc rằng Chiêm, một chư hầu khác, sẽ tuân lệnh hoàng đế. Hoàng đế cũng gởi một sứ bộ tới Chiêm, “thúc đẩy vua nước này rút quân khỏi Cam Bốtđể Cam Bốt được hòa bình”. Lời hoàng đế chẳng kèm theo sự đe dọa trừng phạt nào, giống như rơi vào tai người điếc. Các toán vũ trang của Chàm tiếp tục cướp phá Cam Bốt. Thực ra, thời kỳ tiếp sau đó, khi Vương Quốc Cam Bốt suy yếu, trở thành miếng mồi ngon cho các nước láng giềng tham lam – Việt Nam và Thái Lan – thì Trung Hoa chẳng quan tâm đến số phận của nó nữa. Quan điểm truyền thống xem Trung Hoa như là tên lính kiểm ở địa phương làm cho người Khmer nghĩ đến vấn đề có tính chiến lược. Người cai trị đầu tiên của Cam Bốt hiện đại, Thái Tử Norodom Sihanouk tìm ở Trung Hoa Cộng Sản tình hữu nghị với hy vọng Trung Hoa ngăn cản các nước thù địch tiềm tàng xâm lược xứ sở ông ta. Năm 1966, ông còn đi xa hơn, nói rõ ra rằng Trung Hoa là “đồng nghĩa với sự sống còn của nước Cam Bốt độc lập, hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ”. Rõ ràng là với Việt Nam và Thái Lan trong trí, ông ta cảnh cáo “Nếu chúng ta tách rời Trung Hoa, chúng ta sẽ bị những con kên kên nuốt sống, những con kên kên này muôn đời nuốt sống đất đai Cam Bốt”. (3)
Nước Cam Bốt trong thời cận đại, thấy Trung Hoa là kẻ bảo vệ khoan hòa và là một nước cần có quan hệ trong khi Việt Nam là một phần tử quan hệ rất khác biệt. Trong khi bảo vệ các chư hầu, triều đình Trung Hoa không ngừng cố gắng khuất phục Việt Nam. Và Việt Nam, trong khi chống lại áp lực Trung Hoa, mai mỉa thay, lại tìm cách trở thành một đệ tử ngoan của Trung Hoa bằng cách tự biến thành một Trung Hoa nhỏ. Từ khi giành được độc lập, Cộng Sản Việt Nam tiếp tục theo đuổi công việc của triều đại nhà Nguyễn cũ bằng quan hệ triều cống với Lào và Cam Bốt, thành một hệ thống liên minh để bảo đảm an ninh và ưu thế kinh tế. Như trong thời trước, cố gắng của Việt Nam giữ quyền tối thượng ở vùng biên giới phía Nam Trung Hoa giờ đây không ngừng khiêu khích chống lại những nhà Cộng Sản cai trị.

Châm cứu ở “ngón chân”
Nguồn gốc dân tộc Việt Nam vẫn còn là một đề tài thảo luận của các sử gia. Theo một giả thuyết thì người Việt đầu tiên xuất hiện ở tỉnh Quảng Đông bên Trung Hoa và lưu vực sông Hồng Hà. Vương Quốc Việt Nam đầu tiên còn ghi lại trong sử Trung Hoa là Nam Việt (tiếng Trung Hoa là Nan Yueh) do một người chỉ huy quân sự nội phản dựng nên năm 208 trước Tây Lịch. Đó là Triệu Đà. Ông ta có vợ Việt Nam, theo phong tục Việt Nam và giết tất cả những ai còn trung thanh với hoàng đế Trung Hoa. Sau một thế kỷ tự trị, khi nhà Hán nổi lên, Nam Việt lại bị sáp nhập vào Trung Hoa và trở thành vùng Panyu (thuộc tỉnh Quảng Đông) và Giao Chỉ (lưu vực sông Hồng Hà). Trong suốt thời gian một ngàn năm Bắc thuộc người Việt Nam bị Trung Hoa đồng hóa về mặt xã hội và tổ chức chính trị. Họ bắt chước kỹ thuật canh tác nông nghiệp của Trung Hoa tiến bộ hơn và phát triển ngôn tự theo Trung Hoa. Thời kỳ này người ta cũng thấy sự xuất hiện văn hóa Hán-Việt lấy từ trong văn hóa Trung Hoa và triết học Khổng Giáo. Điểm sâu sắc là sự tôn kính của người Việt đối với văn hóa Trung Hoa, như trả lời một câu hỏi của người Trung Hoa về phong tục trong chữ An Nam (có nghĩa là phương Nam thanh bình) một danh xưng người Trung Hoa ban cho người Việt năm 697 sau Tây Lịch. Ở thế kỷ 15, một nhà cai trị Việt Nam viết:
An Nam tự hào về lề thói, phong tục
Vua quan ta theo luật nhà Hán
Áo mão theo cách nhà Đường 
(4)
Ngay cả khi ngọn gió dân chủ Tây Phương bùng lên mạnh mẽ hồi đầu thế kỷ này, kẻ sĩ Việt nam vẫn còn tự hào về tài khéo léo của họ trong nghệ thuật viết chữ Tàu và kiến thức của họ về Trung Hoa cổ. Nhiều người trong số các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam, kể từ Hồ Chí Minh đều có học văn hóa Trung Hoa.
Tuy nhiên, một cách nghịch lý, sự đồng hóa văn minh Trung Hoa cũng đã đem lại cho người Việt Nam phương cách tổ chức chính trị và kinh tế để có thể đương đầu với thiên triều. Như một nhà sử học lưu ý, “Trung Hoa đã vô tình dựng nên một quốc gia mới thành công trong việc mô phỏng theo thể chế Trung Hoa và xây dựng nên một nền độc lập cho chính họ”. (5) Tinh thần quốc gia nổi lên sau chín trăm năm dưới ách cai trị của Trung Hoa lại được mài dũa qua hàng ngàn năm kháng chiến chống lại Trung Hoa.
Lợi dụng thời kỳ xáo trộn bên Trung Hoa, Ngô Quyền lật đổ chế độ cai trị của Trung Hoa ở Việt Nam vào năm 939 sau Tây Lịch và dựng nên triều đại tự chủ. Sự thất bại cũng không nhẹ nhàng gì cho các hoàng đế nhà Tống hay Nguyên Mông, nhà Minh và nhà Thanh kế nghiệp sau đó. Bốn mươi năm sau khi Việt Nam tách rời khỏi đế quốc, khi trật tự đã được phục hồi ở phía Nam Trung Hoa, hoàng đế nhà Tống gởi quân đội tới để thu hồi xứ Giao Chỉ nổi loạn. Một bức thư của hoàng đế Đại Tống gởi cho vua Việt Nam trước khi đưa quân sang đánh chứng tỏ thái độ của Trung Hoa đối với Việt Nam.
Bức thư viết rằng: “Quan hệ của Trung Quốc với các bộ tộc man rợ phía Nam, giống người ta có hai chân và hai tay giăng ra theo ý muốn của trái tim, như thế, trái tim là chủ. Nếu có mạch máu ở tay chân nào không hoạt động và tinh thần bất an thì phải dùng thuốc mà trị, nếu không thấy kết quả thì phải dùng kim mà châm cho đến khi sức khỏe phục hồi. Sau khi dùng thuốc và làm cho đau đớn chân tay – có nghĩa là các bộ tộc nhỏ ở phương Nam – bây giờ hoàng đế chú tâm vào Việt Nam giống như một ngón chân. “Có phải là không khôn ngoan khi làm ngơ trước một ngón chân đau. Nếu như thế thì kết quả độc nhất để cho các người thoát khỏi vòng ngu dốt tối tăm, nó sẽ làm ô nhiễm sự trong sáng của chúng ta”.
Bức thư đòi Việt Nam phải tùng phục triều đình nhà Tống để cho thân thể Trung Hoa đươc mạnh khỏe. Nhưng nếu như chúng nó từ chối. “Ta ban lệnh cắt xẻ thân thể các ngươi ra, chặt xương các ngươi ra, để cho cỏ hoang mọc trên đất đai của các ngươi… Dù biển các ngươi có châu ngọc, chúng ta đem quẳng xuống sông, dù núi non các ngươi có vàng bạc, ta đổ nó vào tro bụi, ta chẳng thèm những thứ có giá của các ngươi. Các ngươi bay nhảy như man rợ, ta có xe ngựa kéo, các ngươi uống qua mũi, ta có lúa gạo và rượu. Hãy để ta thay đổi phong tục các ngươi. Các ngươi cắt tóc, ta đội mũ. Trong khi các ngươi nói năng như chim, ta đã có sách vở và thi cử. Hãy để cho ta dạy cho các người kiến thức và luật pháp. Các ngươi có muốn thoát khỏi vòng man rợ như người ở các hải đảo xa mà nhìn vào ngôi nhà văn hiến. Các ngươi có muốn bỏ áo quần các ngươi làm bằng cỏ lá và mặc áo thêu núi thêu rồng? Các ngươi biết chưa? Đừng có bỏ mà đi và làm điều sai trái đáng tội chết. Ta chuẩn bị xe ngựa và binh lính…” (6)
Vua Việt Nam Lê Hoàn chẳng hề nao núng trước những lời đe dọa đó và năm 981, quân Tống thất bại nặng nề, chết hại vô số kể. Một ngàn năm kế tiếp, Việt Nam đánh bại mấy lần các cuộc xâm lược từ phương Bắc.
Các nhà bác học phân tích quan hệ truyền thống Trung Hoa với các nước láng giềng thường đồng ý với nhau rằng Trung Hoa cảm thấy từ trong cội rễ, họ có quyền tối thượng trong việc triều cống, nằm trong bình diện văn hóa hơn là chính trị. Việc triều cống là để ban cấp cho một vị vua chứ không phải cho một nước. Mỗi vị vua chư hầu cần phải biết tới quyền tối thượng của hoàng đế và phải cầu xin “Trung Quốc” thuận phong cho làm vua nước đó. Trên lý thuyết, hoàng đế không lưu tâm tới bộ tộc man khai có chấp thuận quyền tối thượng đó hay không. Điều đó, cuối cùng, đặt căn bản trên mặt đạo đức. Tuy nhiên, trong thực tế, Trung Hoa tìm cách chiếm đóng và trực tiếp kiểm soát khu vực ngoại vi của Trung Hoa. Trong trường hợp Việt Nam, vì địa thế hiễm trở và vì Việt Nam kiên quyết kháng cự, việc triều cống chỉ có khi họ suy yếu mà thôi. Tuy nhiên, việc triều cống này đặt căn bản trên những nguyên tắc của Khổng tử nhằm mở đường cho Trung Hoa can thiệp khi nào Việt Nam suy yếu.
Mặc dù các vị vua Việt Nam tiếp tục chấp nhận quyền bá chủ của Trung Hoa, các hoàng đế Trung Hoa kế nghiệp (khi nào họ thấy có sức mạnh quân sự) can thiệp vào Việt Nam để bảo tồn sự vững vàng và sắp đặt mọi việc đúng với trật tự Khổng Giáo. Chẳng hạn như trước khi tấn công xâm lược Việt Nam, Hoàng Đế Yongle đã liệt ra 20 tội của vua Việt Nam. Trong số này có 8 tội thuộc về luân lý và vi phạm ý thức hệ, chẳng hạn như tiếm quyền và giết hại tiên đế đã được Trung Hoa thuận phong, tàn hại dân lành và lừa gạt hoàng đế nhà Minh. Năm tội tiếp sau có liên hệ đến sự an toàn của Trung Hoa, trong đó bao gồm cả việc quấy phá các bộ tộc thiểu số ở biên giới và khuyến dụ họ chống lại hoàng đế Trung Hoa. Năm tội khác là xâm lược Chiêm Thành. Hai tội cuối cùng là biểu lộ sự bất kính với hoàng đế. Những tội đó, như nhà sử học Wang Gungwu ghi nhận: “chứng tỏ một lãnh vực, qua đó, Trung Hoa muốn chứng minh quyền bá chủ, không thuận tình với tinh thần tự do và độc lập của các nước chư hầu”, đặc biệt Việt Nam, trong một thời gian lâu dài là một phần của đế quốc Trung Hoa. (7) Việt Nam không hẵn là một nước chư hầu. Nó là một tỉnh cũ của Trung Hoa đã chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Điều chính yếu khi Vua Yongle đưa ra để trừng phạt Việt Nam năm 1407 vì Việt Nam là một mi mi (liên hệ hết sức gần gủi). Nền văn hiến Việt Nam có được là từ Trung Hoa, tạo thành mối hữu nghị, những “tội trạng” là của các nhà vua, đặc biệt là việc xâm phạm của họ.
Đánh để cho dài tóc
Sau cuộc xâm lược năm 1407, trong khoảng 20 năm, các người cai trị hàng đầu ở Việt Nam là những người Tàu. Họ tiêu hủy hết sách của Việt Nam hoặc đem về Trung Hoa và hầu hết bị mất mát. Đó là điều đau đớn nhất của người Việt đối với văn học của họ sau này. Họ áp dụng thuế khóa theo cách của nhà Minh. Trường học chỉ dạy cổ văn Trung Hoa. Các quan cai trị buộc người Việt phải theo phong tục, truyền thống và an vận để tóc theo lối Tàu. Tục xăm mình, nhuộm răng và ăn trầu – tục truyền thống của người Việt – bị cấm chỉ. Trong thời kỳ đầu của cuộc chiếm đóng, quan lại Trung Hoa bắt người Việt đi tìm vàng, bạc, đồng vả mỏ sắt, săn voi để lấy ngà, sừng tê giác và xuống biển mò ngọc trai. (8)
Lê Lợi mở cuộc kháng chiến lâu dài và chấm dứt nền đô hộ của người Trung Hoa vào năm 1427. Trong vòng 450 năm sau đó, mãi đến khi Pháp xâm chiếm Việt Nam, Việt Nam giữ được nền tự chủ. Một đe dọa lớn xảy đến cho họ năm 1788, khi nhà Thanh đem quân sang xâm lược, muốn đô hộ Việt Nam trở lại. Cuôc xâm lược đó bị đại bại vì một nhà chiến lược sáng chói Việt Nam: Vua Quang Trung và vì tinh thần quốc gia độc lập đã bùng lên từ mấy trăm năm nay. Nguyễn Huệ (vua Quang Trung – dg) có một bài hịch cho binh lính ông:
Đánh cho để dài tóc,
Đánh cho để trắng răng
Đánh cho để chích luân bất phản
Đánh cho không còn manh giáp
Đánh cho Nam quốc tri hữu chủ 
(9)
Cuộc chiến đấu chống lại ách đô hộ Trung Hoa trở thành một động lực cho chủ nghĩa quốc gia Việt Nam được tôn giáo nâng cao.
Ngay trong cao điểm chiến tranh chống Mỹ, khi viện trợ Trung Hoa có tính cách quyết định cho sự sống còn của Việt Nam (CS) thì tinh thần tôn giáo đó lại âm thầm đóng một vai trò thực tiễn. Trong thời gian thăm viếng Bắc Việt Nam hồi tháng 10/1972, học giả Mỹ George Kahin tò mò khám phá ra sự tự do tôn giáo có mức độ. Sau khi quan sát một đám đông người ngoan đạo ở Nhà Thờ Chánh Tòa Hà Nội, người tùy tùng Việt Nam của ông hỏi: “Ông có muốn xem vài điểm về tôn giáo của chúng tôi không?”. Kahin nhận lời mời nên được đưa đi xem một ngôi đền giữa hồ Hoàn Kiếm. Tại đền này có ba bàn thờ: Một thờ Phật, một thờ Thủy Thần và giữa thì thờ Đức Trần Hưng Đạo, một vị tướng đánh bại (3 lần – nd) quân Mông cổ hồi thế kỷ thứ 13. Do yêu cầu, Kahin tìm thấy ở Hà Nội có khoảng 6 ngôi đền người Việt Nam dùng để thờ lạy các vị nam nữ anh hùng như Lê Lợi, Hai Bà Trưng, những người đã chống lại Trung Hoa xâm lược. (10)
Trong khi chiến đấu để giành độc lập, người Việt Nam phát triễn một kiểu mẫu chính trị pha trộn giữa hai tính bền vững và uyển chuyển. Sự bền vững bảo tồn tính khác biệt và độc lập, sự uyển chuyển là tính thỏa hiệp với Trung Hoa. Tính độc đáo này cũng phản ảnh quan điểm hai mặt với Trung Hoa, đánh dấu sự yêu mến và thù ghét, thua kém và tự hào, lòng can đảm anh dũng và sự tự đắc. Điều ấy lại được củng cố bởi tinh thần làm chủ của mình, luôn luôn được tài bồi bởi ý thức về sức mạnh Trung Hoa và lòng khâm phục của họ đối với quốc gia nầy. Các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu rất rõ rằng ngay từ khi mới giành được độc lập, tinh thần anh dũng của dân tộc họ, đất đai thuận lợi, và chiến lược hay có thể đánh bại các cuộc xâm lược, nhưng Trung Hoa là một nước quá đông dân, và tiềm năng của họ rất phong phú. Việt Nam phải đối đầu với Trung Hoa biết tới bao giờ mới thôi. Chấp thuận bá quyền của Trung Hoa, các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể tránh được sự can thiệp của quốc gia này. Có nhà viết sử Việt Nam nói rằng: “Nhượng bớt quyền hành cho Trung Hoa có lợi hơn cho các vị vua Việt Nam, có thể bảo đảm an toàn được trong khi loạn lạc có Trung Hoa che chở còn trong thời bình thì không bị Trung Hoa chiếm đóng hoặc cai trị trực tiếp”. Thông thường, sau khi đánh bại quân Trung Hoa xâm lược, vua Việt Nam thường phái sứ bộ sang Tàu xin lỗi và đem đồ cống sứ qua cho thiên tử. Thường thì việc ấy được vua Trung Hoa chuẩn nhận. (11)
Bây giờ chiến đấu, triều cống sau
Sau khi đánh thắng quân Minh năm 1427, một số dân chúng và binh lính yêu cầu vua Lê Lợi giết tất cả những binh lính nhà Minh bị bắt để trả thù họ đã giết hết tù binh họ bắt được. Nguyễn Trãi, nhà chiến lược mà cũng là một nhà thơ, một vị quân sư rất gần gủi với Lê Lợi chống lại ý kiến ấy. Nguyễn Trãi tâu: “Hiện tại, việc tấn công kẻ thù và uống máu chúng cho đã khát là việc không khó. Nhưng thần e rằng việc ấy sẽ gây lòng thù hận sâu xa đối với Minh triều. Để trả thù và để giữ uy danh một nước lớn, Minh triều lại đưa quân sang. Chiến tranh tàn hại kéo dài bao lâu nữa. Điều có lợi cho cả hai nước là nhân dịp này, kẻ thù đang thế cùng lực kiệt mà giải hòa với họ.” Lê Lợi nghe lời Nguyễn Trãi, bèn cho quân Minh năm trăm thuyền, vài ngàn ngựa và lương thực để họ kéo về nước. (12)
Biết rất rõ tính hiếu đại và thể diện của hoàng đế Trung Hoa, người Việt Nam áp dụng nghệ thuật vuốt ve rất khéo và giả vờ ngoan ngoãn để thuận lòng hoàng đế, những điều hoàng đế không thể dùng vũ lực để chiếm được. Hồi đầu thế kỷ thứ 18, hoàng đế Trung Hoa giận muốn điên lên vì Việt Nam đòi một vùng đất dài 40 lý (bằng 13 miles) dọc theo biên giới Hoa Việt. Nhưng khi vua Việt Nam bày tỏ lòng ăn năn hối cải thì hoàng đế Trung Hoa nhân hậu thuận trao cho vùng đất tranh chấp được vĩnh viễn thuộc về Việt Nam. (13) Sau khi đánh bại cuộc xâm lược nhà Thanh năm 1789, anh hùng Nguyễn Huệ gửi một lá thư xin lỗi hoàng đế Trung Hoa, việc ông ta chống lại quân đội thiên triều, theo ông ta khiêm tốn giải thích, là một tai nạn.
Để xoa dịu lòng tự phụ của hoàng đế Trung Hoa, Nguyễn Huệ nói ông ta sẽ tự thân mang đồ cống phẩm qua Tàu nhân dịp bát tuần của hoàng đế. Trong dịp này ông gởi một người cháu trông giống ông giả làm vua Việt Nam. Không biết hoàng đế Trung Hoa có biết trò hai mặt này của Nguyễn Huê hay không, người cháu đóng giả vai vua Quang Trung được tiếp đón một cách huy hoàng, xứng đáng với một vị khách của thiên triều đã biết hối cải. (14)
Từ thế kỷ thứ 10, mặc dù Việt Nam theo đuổi một chính sách độc lập với các nước láng giềng như Chiêm Thành, Cam Bốt, Thái Lan và Lào, họ vẫn thường cáo lên hoàng đế lý do hành động tại sao phải chinh phạt các chư hầu Trung Hoa. Năm 1044, Vua Lý Thái Tông biện giải việc ông ta xâm lược Chiêm Thành bằng cách dẫn ra những lời giáo huấn của Khổng Tử nói rằng Chiêm Thành thiếu lòng tôn kính – một kiểu giải thích có thể làm vui lòng triều đình Trung Hoa. Năm 1446, Việt Nam kêu gọi triều đình nhà Minh chống lại Chiêm Thành cướp phá biên giới của họ. Kết quả, vua Minh buộc Chiêm Thành chấm dứt hành vi cướp phá đó. Hai mươi ba năm sau, trước khi mở một cuộc tấn công nghiêm trọng vào Chiêm Thành, Hoàng Đế Thánh Tông nhà Lê cho một sứ bộ qua Trung Hoa giải thích lý do mở cuộc phạt Chiêm để tránh cơn thịnh nộ của vua Tàu. (15)
Kết quả, trong khi Việt Nam thừa nhận bá quyền Trung Hoa, họ cũng thiết lập một hệ thống chư hầu cho họ như kiểu Trung Hoa vậy. Các vua Việt Nam tự xưng Vương (king) khi tiếp xúc với Trung Hoa nhưng lại tự xưng mình là đế (emperor) khi tiếp xúc với những vua chúa cai trị vùng Đông Nam Á. Trong khi cố gắng bắt chước Trung Hoa, các vị vua Việt Nam cũng tự gọi nước họ là “Trung Quốc” – Middle Kingdom và xây dựng một hoàng thành ở Huế theo kiểu “Cấm Thành” ở Bắc Kinh, cũng cùng với hào lũy, các cửa thành giống như Trung Hoa vậy. Từ đầu thế kỷ thứ 11, triều đình Huế (có lẽ tác giả nhầm lẫn. Thời điểm này thuộc nhà Lý, kinh đô còn đóng ở Thăng Long – người dịch) gởi cho vua Cam Bốt – được xem là chư hầu của Việt Nam – một cái ấn bằng vàng chậm nổi hình con lạc đà – một kiểu mô phỏng đã được nhận từ Bắc Kinh, coi như một bằng chứng được thừa nhận là vua. Cái hình vật “lạ” trên cái ấn gây nên sự tò mò ở Phnom Pênh, họ thường coi biểu tượng Trung Hoa là con sư tử. (16)
Trong khi vẫn giữ lòng trung thành với Trung Hoa về mặt tổ chức chính trị, (Alexander Woodside chỉ rõ ra rằng) hoàng đế Việt Nam và triều thần của ông bị buộc phải tin “Trung Hoa là kim chỉ nam văn hóa của một xã hội có các bộ tộc man rợ bao quanh”. (17) Kỳ vọng văn hóa của triều đình Việt Nam cũng vĩ đại như Trung Hoa nhưng họ khác Trung Hoa ở chỗ chung quanh Việt Nam cũng là những dân tộc có nền văn hóa tương đương. Yếu tố này làm cho người Việt Nam không tự tin như người Trung Hoa. Kết quả là sự căng thẳng và bất ổn như trong một cố gắng thất bại của Hoàng Đế Minh Mạng nhằm Việt Nam hóa người Cam Bốt hồi thập niên 1830.
Ngoài mặt văn hóa, Việt Nam biện giải việc họ giám hộ Cam Bốt và Lào là vì lý do an ninh. Nguyễn Tri Phương, một vị quan lại của triều đình Huế, năm 1835 viết: “Việt Nam ở vào một vị trí tối nguy hiểm, liền với một nước lớn mà dân số đông hơn tới mấy chục lần, hiếu chiến, luôn luôn muốn bành trướng, sát nhập đất đai xứ mà họ cho là man rợ hơn. Đó là Trung Hoa. Phía Đông và phía Tây thì nối liền với các dân tộc cũng muốn bành trướng và quấy nhiễu chúng ta. Họ phải luôn luôn chống lại sự xâm lược của các dân tộc và các bộ lạc để giữ mình và để tấn bộ… Cam Bốt thì yếu và thường khốn khổ vì các cuộc nội loạn, bị quân Xiêm La (Thái Lan) xâm lấn mà bọn này thường tàn sát hàng loạt. Bởi vậy, nước này đã nhiều lần yêu cầu quân ta đến để vãn hồi an ninh trật tự trong nước họ.”.(18) Dưới danh nghĩa bảo vệ Cam Bốt khỏi bị Xiêm La xâm lấn, triều đình Huế kiểm soát toàn bộ nước này. Năm 1827, dưới danh nghĩa giúp Lào chống Xiêm La đe dọa, Việt Nam chiếm đóng một dãi đất dài ở phía Bắc và Trung Lào, bao gồm cả Sầm Nứa (một vùng đất 125 năm sau trở thành pháo đài của phong trào Pathet Lào do Việt Nam hỗ trợ). Hồi cuối thế kỷ 19, khi Pháp cai trị Lào, Cam Bốt và Việt Nam, không những họ chỉ chấm dứt hàng ngàn năm bá quyền của Trung Hoa tại những xứ này mà còn làm cho các nước này trở thành các đơn vị chính trị và chiến lược – Liên Bang Đông Dương – mà các vị hoàng đế nhà Nguyễn tuồng như đã thực hiện gần xong cho Việt Nam.
Sự cai trị của các đồng chí
Một phần tư thế kỷ sau khi Đông Dương thuộc Liên Hiệp Pháp giải thể để trả độc lập cho các nước Lào, Cam Bốtvà Việt Nam, ý nghĩ về một “Khối Đông Dương đoàn kết” dưới sự lãnh đạo của Hà Nội bây giờ lại nổi lên. Có phải Cọng Sản Việt Nam cố gắng tiếp tục kềm giữ biên cương thuộc địa cũ và như thế “hoàn thành mục tiêu văn hóa và chính trị của Việt Nam?” (19) Có phải khái niệm “Liên bang Đông Dương” do Cọng Sản Việt Nam đề khởi hồi thập niên 1930 mà nay là sự diễn dịch về kỳ vọng của triều đại nhà Nguyễn ngày xưa? Một bản nghiên cứu về sự phát triển chính sách Việt Nam với Đông Dương trong vòng năm chục năm qua cho thấy sự kế tục đáng lưu ý trong tư tưởng chiến lược của họ -được tăng cường với những kinh nghiệm hiện đại- Nhưng nó cũng chứng tỏ cho thấy sự tán thưởng sức mạnh chủ nghĩa quốc gia và sự cân bằng địa lý chính trị là hai lực song song, đơn giản giữa chính sách của Hà Nội và sự yếu thế của Việt Nam.
Không như huyền thoại trong dân chúng về giấc mơ của Hồ Chí Minh xây dựng một “Liên Bang Đông Dương” do Hà Nội kiểm soát, điều đưa ông tiến tới việc thành lập đảng Cọng Sản Đông Dương, ý niệm về trách nhiệm rộng rãi hơn đói với toàn bộ khu vực nầy khởi nguyên từ Quốc tế Cọng sản tại Moscow hay Đệ Tam Quốc Tế. Các nhà nghiên cứu mới đây cho thấy hồi thập niên 1930 nhóm Cọng sản Việt Nam tập họp tại Hồngkông để thành lập đảng Cọng sản lấy tên là Việt Nam Cọng sản đảng (VCP). Quyết định đó đã bị Đệ Tam Quốc Tế khiển trách vì theo đuổi một chính sách quốc gia hẹp hòi và không lưu tâm tới chủ nghĩa quốc tế vô sản. Sau đó, lệnh của Đệ Tam Quốc tế đổi tên thành Đông Dương Cọng sản đảng (ICP). Việc đổi tên này được lý luận rằng thực dân Pháp ở Đông Dương là kẻ thù chung của dân tộc ba nước Đông Dương. Do đó, cần tổ chức chung một lực lượng để chống lại nó. Một tạp chí của đảng Cọng sản Đông Dương giải thích hồi năm 1932: “Mặc dù ba nước (Lào, Cam Bốtvà Việt Nam) là ba dân tộc khác nhau, ngôn ngữ và truyền thống cũng như cá tính khác nhau, họ kết thành một xứ… Không thể thực hiện các cuộc cách mạng riêng rẽ cho Việt Nam, Cam Bốtvà Lào. Để chống lại kẻ thù, cách mạng thống nhất lực lượng toàn cõi Đông Dương, đảng Cọng sản Đông Dương cũng phải tập trung lực lượng của giai cấp vô cản ba nước này thành một mặt trận chung dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản do đảng Cọng sản Đông Dương dại diện.” (20)
Tuy nhiên, dù có sự chỉ đạo như thế, những người Cọng sản Việt Nam chỉ có một phần cố gắng để động viên “giai cấp vô sản Đông Đương” -một thực thể không hiện hữu- hoặc chiêu tập các thành viên Lào và Cam Bốtvào trong đảng. Không kể tới việc Việt Nam đánh giá thấp tiềm năng cách mạng Lào và Kampuchia, họ cũng đánh giá thấp khả năng dân tộc hai nước này. Nhìn chung, trong đảng Cọng sản Đông Dương toàn bộ là Việt Nam ngoại trừ danh xưng, và ngay cả những người Việt Nam sinh sống tại hai nước này là thành phần nồng cốt để thành lập các chi bộ Cọng sản tại đây. Ưu thế triết lý Cọng sản Quốc tế của Đệ Tam (QT) và lòng trung thành với Liên Xô, dù sao cũng đã dẫn dắt đảng Cọng sản Đông Dương thông qua một nghị quyết trong đại hội đảng lần đầu tiên hồi tháng 3/1935, khơi dậy khả năng của toàn liên bang. Nghị quyết nói rằng: “mỗi nước có quyền tự trị, có thể tham gia vào Liên bang Đông Dương hoặc đứng riêng rẽ. Tự do tham gia hay rút lui khỏi Liên bang hoặc có thể theo đuổi bất cứ phương hướng nào.”(21). Tới đầu thập niên 1940, người Việt Nam thấy được sự phấn khởi và tinh thần quốc gia trong các dân tộc Lào và Kampuchia, đặc biệt sức lôi cuốn càng ngày càng tăng trong phong trào Khmer Issarak. Một nghị quyết của đảng Cọng sản Đông Dương năm 1941 nhấn mạnh nhu cầu “điều chỉnh việc thực hiện chính sách quốc gia tự quyết sau khi Pháp buộc phải nhả Đông Dương”. “Các dân tộc sinh sống trên bán đảo Đông Dương có thể tham gia Liên bang Cọng hòa Dân chủ Đông Dương hoặc trở thành một nước riêng biệt.” (22) Mười năm sau, khái niệm mơ hồ về một Liên bang Đông Dương như thế bị thả nổi. Quan ngại Pháp có thể thúc đẩy lòng ganh ghét Việt Nam trong số những người Lào và Kampuchia, đảng Cọng sản Đông Dương giải thể thành ba đảng của ba nước. Ý niêm về một liên bang không được nhắc đến nữa. Tuy nhiên, vai trò lãnh đạo ý thức hệ của Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương đã có dấu ấn sâu sắc. Điều đó lại được nuôi dưỡng thêm vì những kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh chống Pháp vừa qua.
Việt Nam từ bỏ khái niệm liên bang do Đệ Tam Quốc Tế thúc đẩy, tuy nhiên, trong thực tế, kinh nghiệm quân sự lèo lái họ vào một hướng khác: đoàn kết Đông Dương về mặt chiến lược: Họ đã hiện đại truyền thống quân sự, rút từ trong truyền thống anh hùng chống Trung Hoa trong một thời gian lâu dài và tôi luyện bằng những khái niệm về chiến tranh nhân dân do Mao phát triển. Tuy nhiên, không giống như Cọng sản Trung Hoa, người Việt Nam không có những vùng đất rộng lớn để rút lui, hàn gắn vết thương, xây dựng căn cứ địa trước khi thách thức với kẻ thù có ưu thế hơn. Họ chẳng có thời gian. Sự yếu kém đó lộ rõ khi Pháp xử dụng toàn cõi Đông Dương. Năm 1947, Pháp mở một cuộc tấn công lớn vào các cứ điểm Việt Minh ở Lào và Kampuchia. Như nhà sử học quân sự William Turley ghi nhận: “buộc Việt Nam thấy rằng hiệu năng cách mạng ở Lào và Cam Bốtcó ý nghĩa tấn công và đánh sụp Pháp từ phía sau”. (23)
Năm 1950, Việt Minh chuẩn bị cuộc tổng phản công để đánh Pháp. Tướng Giáp, chỉ huy quân sự, viết trong một cuốn sách nhỏ truyền bá quan điểm chiến lược Đông Dương: “Đông Dương đơn thuần chỉ là một đơn vị chiến lược, một mặt trận mà thôi. Vì lý do này, và đặc biệt vì đây là một vùng đất chiến lược, chúng ta không thể quan niệm Việt Nam được độc lập trong khi Lào và Cam Bốtcòn dưới ách thống trị của đế quốc. Bọn thực dân dùng Cam Bốtđể tấn công Việt Nam, Lào và Kampuchia, tạm thời là hậu cần an toàn của kẻ thù, đồng thời là khu vực trọng yếu của toàn bộ chiến trường Đông Dương. Vì vậy, chúng ta cần mở các mặt trận Lào và Cam Bốtmột cách cương quyết và mạnh mẽ.” (24)
Việt Minh đã làm như thế thật. Trước khi đẩy Pháp vào bẫy sập Điện Biên Phủ (một thung lũng trên biên giới Lào Việt), lực lượng Việt Minh thắng lợi ở Bắc, Trung và Nam Lào và ở Trung phần Việt Nam trong khi một lực lượng nhỏ Việt Minh và đồng minh Khmer Issarak của họ quấy rối Pháp ở Kampuchia. Khi quân Pháp ở cứ điểm Điện Biên phủ giương cờ trắng đầu hàng là lúc có dấu hiệu họ phải rời bỏ không những chỉ ở Việt Nam mà toàn cõi Đông Dương.
Mặc dù bây giờ Pháp đã bị loại, không còn là kẻ thù chung của các phần tử quốc gia trên chính trường Đông Dương nữa, hậu quả cuộc chiến đấu của Việt Nam tái thống nhất tuồng như tăng cường giá trị lý thuyết của tướng Giáp. Những ai chống lại sự thống nhất Việt Nam đều cần tới lãnh thổ Lào và Cam Bốtvà làm sáng tỏ công trạng của Cọng sản Hà Nội phải cố gắng thành công. Như William Turley đã nói ngay trước khi chiến tranh Đông Dương lần thứ hai xảy ra, Hoa Kỳ và đồng lõa Thái sẽ nắm cơ hội bất ổn ở Lào để bảo toàn cứ địa trong cùng một vùng bình nguyên mà Pháp đã tấn công Việt Minh. Việc phân chia Việt Nam tạm thời theo hiệp định Genève dọc theo vĩ tuyến 17, là buộc đảng Lao Động Viẹt Nam đang cầm quyền ở phía Bắc dùng lãnh thổ Lào làm hành lang để duy trì tiếp xúc với tổ chức của họ ở phía Nam. Với chiến tranh du kích ở Nam Việt Nam trên đà đi tới, một hệ thống đường mòn xuyên qua vùng rừng rậm trên vùng núi hẹp để tiến xuống Đông Bắc Kampuchia, sau này phát triển thành đường mòn Hồ Chí Minh nổi tiếng -một hệ thống đường mòn phức tạp, xe hơi có thể xử dụng được, tính chung dài khoảng tám ngàn dặm. Con đường mòn này trở thành con đường sinh thời đi xuống phía Nam. Hoa Kỳ gia tăng cuộc chiến do họ hỗ trợ chống lại Việt Nam Cọng Sản bằng cách trang bị vũ khí cho lực lượng trung lập hoàng gia Lào và lực lượng quân sự của các bộ lạc Lào. Đối đầu với hiểm nguy đang gia tăng ở phía Nam, Việt Cọng dùng các vùng đất thánh và căn cứ bên kia biên giới Cam Bốttrung lập.
Tháng Ba năm 1970, một cuộc đảo chánh xảy ra ở Phnom Pênh lật đổ thái tử Sihanouk và sau đó quân Mỹ xâm lăng Kampuchia, cuối cùng đã loại bỏ tất cả các chướng ngại. Toàn bộ Đông Dương, một lần nữa trở thành một vị trí chiến lược đấu tranh để tái thống nhất bằng những cuộc chiến đấu trong vùng rừng núi ở Cam Bốtvà đồi núi Lào. Nhờ đánh thắng Mỹ và quân đội Miền Nam Việt Nam trong cuộc xâm lược của Miền Nam VN vào Nam Lào với ý định cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh hồi tháng Hai/ 1971 và bằng việc đánh bại hai cuộc hành quân đầy tham vọng của Lon Nol ở Cam Bốttrong cùng một năm, Bắc Việt Nam đã bảo vệ được một vị trí vững chắc ở Đông Dương. Nhờ số đông dân chúng ủng hộ, nhờ huấn luyện và viện trợ, Pathet Lào và Khmer Đỏ thêm vững mạnh mà nếu như họ chỉ có một mình thì không bao giờ có thể làm được. Tình hình thuận lợi đưa tới cuộc tấn công cuối cùng vào mùa xuân 75. Hai mươi lăm năm sau khi Giáp phát triển tư tưởng bàn về tình hình Đông Dương chỉ là “một mặt trận thống nhất”, nay sự thực đã chứng minh lời tiên đoán ấy. Trong một khoảng thời gian chỉ có 5 tháng, chiến thắng cách mạng đã hoàn thành trên cả ba nước Đông Dương.
Yếu tố chiến lược đạt tới đỉnh cao trong suy nghĩ của người Việt về Đông Dương -trong thời kỳ hậu chiến tái xây dựng, củng cố ý thức hệ và chính sách kinh tế mang tính cách quan trọng mới. Bây giờ, nền hòa bình đã đạt được. Việt Nam tìm cách xây dựng quan hệ đặc biệt về một cấu trúc liên minh có thể đảm bảo được tình hình an ninh Việt Nam và có thể thực hiện hợp tác kinh tế lâu dài giữa những quốc gia có căn bản ý thức hệ chung. Nhận thức được chủ nghĩa quốc gia cực đoan trong số Khmer Đỏ, gia tăng thù địch Việt Nam trong những năm cuối của cuộc chiến và chủ nghĩa cực đoan của họ, Hà Nội muốn tiến gần hơn với Cam Bốtvà xúc tiến liên hệ chặt chẽ hơn. Nếu Cam Bốtlàm gảy đổ liên hệ giữa hai nước thì kẻ thù cũ của họ sẽ xây dựng căn cứ địa tại đây và mối đe dọa mà Nguyễn Tri Phương và Võ Nguyên Giáp đã từng lo ngại sẽ có cơ sống lại. Chiến lược phát triển khác biệt của nhóm Cam Bốtcực đoan làm đảo lộn kế hoạch của Việt Nam về hợp tác kinh tế và chia xẻ các nguồn lợi thiên nhiên.
Giải thích về quan hệ đặc biệt này, khởi thủy Việt Nam nhấn mạnh đến tình hữu nghị đã được xây dựng trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung hơn là quan tâm về kinh tế và an ninh. Nghĩ rằng đã nhiều hy sinh trên chiến trường Đông Dương, Việt Nam (CS) cho đó là món “nợ máu” để Lào và Cam Bốtgiữ quan hệ gần gủi với Việt Nam. Võ Đông Giang, thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói với tôi năm 1978: “Chúng tôi yêu cầu thiết lập quan hệ đặc biệt, vì trong toàn bộ lịch sử thế giới chưa bao giờ có quan hệ như thế của ba dân tộc, chia nhau từng hột gạo, từng hột muối, từng viên đạn trong cuộc chiến đấu chống quân thù. Mối quan hệ gần gủi đó phải được tiếp tục trong tinh thần xây dựng, bảo vệ và tôn trọng lẫn nhau.”
Việt Nam chẳng bao giờ nói một cách công khai ý kiến chia sẽ tài nguyên giữa ba nước Đông Dương – ngoài việc hợp tác xử dụng sông Mêkông. Tuy nhiên, một cách hợp lý hơn, người ta phải nghĩ rằng các nhà lập kế hoạch ở Hà Nội nhìn Đông Dương không đơn thuần trên mặt chiến lược sinh tử mà còn về mặt kinh tế nữa. Với khoảng 60 triệu dân (thời điểm tác giả viết sách này. Bây giờ là 72 triệu – người dịch) sống trên một giải đất hẹp có nhiều núi non (tổng cọng chỉ có 6 triệu hecta canh tác được) tỷ lệ đất canh tác so với dân số thì Việt Nam ở mức độ thấp nhất vùng Đông Nam Á. Tới năm 2000, Việt Nam có khoảng 90 triệu dân. Hà Nội thấy rằng việc hợp tác kinh tế với các nước láng giềng có mật độ dân số thấp nhưng đất đai giàu có ở là cần thiết. Cơ sở kỷ thuật và kỷ nghệ Việt Nam đang phát triển tốt đẹp, nông nghiệp và các nguồn lợi quặng mỏ ở Lào và Cam Bốtở ba nước sẽ bổ sung cho nhau.
Trong một cuộc họp mật để lập kế hoạch về Đông Dương, một viên chức cao cấp của Việt Nam, Chế Việt Tấn hồi đầu thập niên 1980 viết rằng “Trong vị trí chiến lược vững chắc, ba nước Lào, Cam Bốtvà Việt Nam ở vào thế liên lập. Đó là điều kiện cần thiết để phối hợp thế chiến lược của ba vùng với những khu vực kinh tế, điều hòa phân phối lực lượng lao động và dân chúng để xây dựng nền tảng sản xuất lúa gạo, khu vực kỷ nghệ và hạ tầng cơ sở…” (25)
Chỉ sau khi mối căng thẳng Hoa Việt bùng nổ công khai thì Hà Nội mới công bố lý thuyết chiến lược quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương. Tờ Quân Đội Nhân Dân, hồi tháng Tư/79 viết “Từ hơn một thế kỷ nay, lịch sử bao giờ cũng nối liền số phận của ba nước Việt Nam, Lào và Kampuchia. Khi một trong ba nước bị xâm lăng, bị lệ thuộc, nền độc lập và an ninh của những nước còn lại cũng lâm vào tình thế nguy hiểm, không thể sống trong hòa bình. Vì vậy, kẻ thù của một nước cũng là kẻ thù của ba nước. Phải duy trì tinh thần đoàn kết giữa ba dân tộc và để đoàn kết chiến đấu và chiến thắng -đây là một định luật về sự thành công của cách mạng của ba nước”. Chuẩn bị kỷ vấn đề, Việt Nam cho rằng kinh nghiệm lịch sử chứng tỏ cho thấy đó là một định luật -một điều không thể tránh khỏi- trong phương cách kẻ thù đe dọa Đông Dương. Chính sự đoàn kết đã bảo vệ nền độc lập của ba nước. Sức mạnh bên ngoài muốn kiểm soát cả ba thì đầu tiên tạo ra sự phân rẽ giữa ba nước và chiếm đóng dần dần từng nước một. Một tướng lãnh Việt Nam (CS) tuyên bố năm 1984: “Trong âm mưu chiếm đoạt Đông Dương và bành trướng ra toàn vùng Đông Nam Á, bọn phản động Bắc Kinh chẳng có cách nào ngoài việc tuân theo định luật đó.” (26)
Gìn giữ hòa bình giữa những bộ tộc man rợ phía Nam
Chuẩn bị”định luật” này lại là phục vụ cho người Việt. Lịch sử và địa lý chính trị, dù sao, cũng chỉ cho thấy một điều không thể tránh được vị thế của Trung Hoa đối với Việt Nam để trả giá cho quyền bá chủ ở Đông Dương. Một đặc điểm nổi bật trong lịch sử quan hệ Trung Hoa với Đông Nam Á là tự coi mình như một người bảo hộ chính trực đối với trật tự và ổn định trong khu vực. Đó là sự thực nhưng cuộc xâm lược của nhà Minh với Việt Nam hồi năm 1407 là ngoại lệ. Trung Hoa không dùng sức mạnh quân sự để đóng vai trò một tên hiến binh. Tuy nhiên, nhiều lần các nước triều cống trong khu vực này đã kêu gọi Trung Hoa ngăn chận các nước láng giềng hay xâm lược. Thiên triều vẫn luôn quở trách các nước hay xâm lược nầy.
Theo đường lối Khổng Tử, như lời rầy la của một người cha, vua Yongle trách cứ vua Xiêm (Thái lan- nd) có hành động xâm lược các nước Chiêm Thành, Malacca (một vương quốc trên bán đảo Mã Lai), và Sumatra, và ra lệnh “Từ nay, nhà người phải theo luật lệ của ta, giữ phận bề tôi, giữ gìn biên cương nhà ngươi, thành thật với các nước lân bang, vậy ngươi có thể vui hưởng đời đời và an toàn mãi mãi.” (27)
Đằng sau vai trò công chính của vai bá chủ là tham vọng của Trung Hoa muốn có một miền Nam an bình -một sự cân bằng quyền lực giữa các nước nhỏ, không tạo ra đe dọa nào cho chính sự ổn định của họ- Những lời quở mắng đặc biệt này của Thiên triều chẳng ngăn cản được Việt Nam lấy đấy Chiêm Thành hay Thái xâm lược Malacca. Tuy nhiên, sự bành trướng đất đai của các chư hầu phía Nam Trung Hoa chẳng đe dọa gì đến nền an ninh của Thiên triều và cũng chẳng hại gì tới ưu thế của Trung Hoa cả. Dù các nước chư hầu có làm gì với nhau chăng nữa rồi họ cũng làm dịu cơn thịnh nộ của Thiên triều bằng cách tạ tội và gởi sứ bộ đến triều cống.
Lý do quan trọng tại sao Trung Hoa ít can thiệp quân sự vào các nước phía nam là vì họ phải tập trung vào vùng Tây Bắc. Từ hàng mấy thế kỷ, các bộ tộc du mục ở Trung Á -Mông Cổ và Khitans- sau này là người Nga, thường đe dọa Trung Hoa một cách nghiêm trọng. Thực ra, Hongwu, vị hoàng đế sáng lập nhà Minh, sau khi đánh bại nhà Nguyên, cấm chỉ các người kế nghiệp ông không được xâm lăng mà không có lý do chính đáng đối với các bộ tộc nhỏ ngoài biển khơi hay các nước trong vùng núi non hiểm trở. Năm 1371, ông ta viết: “Nếu chúng không gây khó khăn cho ta thì nhứt quyết đừng tấn công chúng. Đối với các bộ tộc ở phía Tây-Bắc, nhiều đời nay chúng thường gây nguy hiểm cho ta. Ta phải cẩn thận, sẵn sàng chống lại.” (28)
Môt cuộc thử nghiệm về điều này đã xảy ra khi hoàng đế Trung Hoa chọn một quyết định giữa những mối đe dọa từ phía Bắc và từ phía Nam hồi cuối thế kỷ 19. Năm 1882, một tài liệu của Trung Hoa mô tả Việt Nam là “phiên ly của Trung Hoa” có thể bảo vệ Hoa Nam. Mặc dù nó (Viêt Nam) ở ngoài biên thùy, chúng ta “cũng không thể bỏ rơi” (Việt Nam). Tuy nhiên, hai năm sau, khi đối đầu với áp lực Pháp từ phía Nam và sự đe dọa gây ra do chiến tranh Nga-Nhật ở phía Bắc, triều đình Trung Hoa yếu kém đành từ bỏ trách nhiệm như trong trật tự Khổng Tử đã có từ xưa đối với việc bảo vệ vua nước Việt Nam chư hầu. Năm 1884, một quan chức nhà Thanh viết: “Việc bảo bọc cho các nước triều cống từ xưa là chuyện nhỏ. Việc củng cố, bảo vệ toàn Trung Hoa lớn hơn nhiều.”(29) Vì chính sự an toàn của họ đang bị lung lay, trong thời gian chiến tranh Nga Nhật xảy ra, năm 1885, Trung Hoa đã ký hòa ước Thiên Tân với Pháp và từ bỏ quyền bá chủ ở Việt Nam (chiến tranh Hoa-Nhật xảy ra năm 1895 và chiến tranh Nga-Nhật xảy ra năm 1905. Có thể tác giả nhầm lẫn về niên đại – người dịch)
Khi nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (PRC) thành lập năm 1949, Trung Hoa không những chỉ là kẻ tiên phong bước vào thời đại mới để giữ các mối quan hệ bình đẳng mà, như một nhà Mác Xít nói “cũng là một sự bắt buộc để duy trì quan điểm về “chủ nghĩa quốc tế vô sản”. Tuy nhiên, trong tiến trình thực hiện chính sách ngoại giao, sức nặng lịch sử và những quan điểm xa xưa về an toàn của Trung Hoa tạo ra những xung khắc lớn hơn. Đằng sau sự khoa trương cách mạng Trung Hoa hiện ra rõ ràng sự nối tiếp tiến trình bảo vệ an ninh cho Trung Hoa, một tiến trình mang tính di sản từ thời phong kiến cũ. Sự tương quan lý thuyết giữa Trung Hoa Cọng sản và Bắc Việt Nam chỉ hữu hiệu trong mục đích bảo vệ quyền lợi của mỗi nước qua từng thời kỳ.
Từ khi bắt đầu có phong trào Cộng Sản Việt Nam, Hồ chí Minh và những đồng chí của ông duy trì quan hệ chặt chẽ với đảng Cọng sản Trung Hoa. Một số lớn cán bộ Cộng Sản Việt Nam được huấn luyện quân sự và học tập chính trị ở Trung Hoa và có thời gian sinh hoạt trong quân giải phóng của Mao. Một thời gian ngắn sau khi giành được chính quyền ở Hoa lục, Bắc Kinh thừa nhận chính phủ Hồ Chí Minh lúc ấy đang đặt căn cứ trong rừng rừng rậm là chính phủ của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Lần thứ hai trong lịch sử (lần thứ nhất là khi quân Cờ Đen qua giúp Việt Nam chống Pháp hồi thập niên 1880) vũ khí và bộ đội Trung Hoa vượt qua biên giới vào Việt Nam để giúp Việt Nam (CS) chống lại kẻ thù. Nói rõ ra là những vũ khí đó đã giúp Giáp gặt hái chiến thắng lịch sử ở Điện Biên Phủ (1954). Về sau, Bắc Kinh nói rằng những tướng lãnh hàng đầu của Trung Hoa như Tướng Trần Canh (Chen Kang) có trách nhiệm trong việc vạch kế hoạch cho trận đánh này – người Việt Nam (CS) cười ngạo nghễ trước luận cứ này -. Dù vai trò thực của Trung Hoa trong trận đánh đó như thế nào đi nữa, về sau, nhiều sự việc cho người ta thấy rằng hợp đồng của Trung Hoa chính là quan tâm của họ (nếu không là nhiều quá) về sự an toàn dọc theo biên giới phía Nam của nước họ với Việt Minh đặt trên tình cảm và hữu nghị giữa hai bên vậy.
Do sự giải tỏa một số tài kiệu đáng tin về Hội Nghị Genève Đông Dương 1954 -lần đầu tiên đánh đấu sự xuất hiện Trung Hoa của Mao trên chính trường quốc tế, người ta biết tính chất truyền thống của Trung Hoa Cộng Sản trong tiến trình quan hệ với Đông Dương như thế nào ngay từ lúc bắt đầu. Paul Mus, một học giả về Việt Nam và nguyên là cố vấn của Cao Ủy Pháp ở Đông Dương, năm 1965 nói rằng Trung Hoa nhượng bộ Pháp ở Hội Nghị Genève để ngăn chận Việt Nam chiếm toàn cõi Đông Dương. Mười bốn năm sau, Mus giải thích thêm rằng, điều quan tâm trước nhất của Trung Hoa trong hội nghị này, căn cứ trên hồ sơ lưu trữ là an ninh của họ- Nhà sử học Pháp Francoise Joyaux cũng đồng quan điểm.
Một môn đồ Khổng giáo ở Genève
Một trong những bế tắc đầu tiên của hội nghị được phá vở là khi Trung Hoa gây áp lực với Việt Nam buộc nước này không được hỗ trợ cho chính phủ kháng chiến Lào và Khmer do Việt Nam dựng nên. Các chính phủ đó được Việt Nam giúp đỡ để tham gia hội nghị. Không riêng gì Chu Ân Lai, trưởng đoàn Trung Hoa, thất bại trong việc ủng hộ quan điểm của Việt Nam, chủ trương rằng các chính phủ kháng chiến này mới thực sự đại diện cho dân tộc họ. Chu cũng thuyết phục Cộng Sản Việt Nam đừng mở những cuộc tấn công vào Cam Bốt để tăng cường vị trí của chính phủ kháng chiến Khmer.(30) Quan tâm chính của Chu là ngăn Mỹ can thiệp vào Đông Dương. Sự can thiệp này có thể lôi kéo Trung Hoa vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn. Chu Ân Lai nói riêng với trưởng phái đoàn Pháp là Trung Hoa chấp thuận các chính phủ Đông Dương thân Tây Phương được tồn tại. Ông ta nói với Pháp: “Nếu các chính phủ vương triều này được nhân dân họ ủng hộ thì tôi thấy chẳng có lý do gì để họ không được tồn tại”. Ông ta nói Trung Hoa muốn hai vương quốc này trở thành những quốc gia hòa bình, dân chủ giống như Nam Dương, Miến Điện hay Ấn Độ. Ngay cả ba nước cũng có thể tham gia vào khối Liên Hiệp Pháp. Tuy nhiên, ông ta cảnh cáo “Nhưng chúng tôi không muốn các nước này trở thành căn cứ của Mỹ. Điều này đe dọa an ninh của Trung Hoa. Chúng tôi tự thấy chẳng ích lợi gì cho chúng tôi khi việc ấy xảy ra” .
Tuy nhiên, không hẵn vì mối đe dọa của Mỹ hiện diện ở vùng biên giới phía Nam Trung Hoa mà Chu Ân Lai công nhận hai Vương Quốc Lào và Cam Bốt và thúc đẩy Việt Minh rút quân của họ khỏi hai nước này. Dù Hiệp Định Genève không làm cho Việt Minh hoàn toàn thỏa mãn đòi hỏi độc lập toàn bộ cho cả nước và tạm thời chia cắt đất nước chờ tổng tuyển cử, Chu nói với Pháp trong cuộc thảo luận rằng Trung Hoa muốn kéo dài sự hiện hữu hai nước Việt Nam, và, một cách tổng quát, nhiều quốc gia liên hệ tới biên giới của Trung Hoa. Trong một điệu bộ bất thường, biểu lộ sự công minh của một người cha trong cung cách cai trị theo kiểu Khổng Giáo hơn là với tinh thần quốc tế vô sản, Chu mời Thủ Tướng Phạm Văn Đồng (thực ra lúc đó Phạm Văn Đồng là bộ trưởng Bộ Ngoại Giao – nd) của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (DRV) dự tiệc tối với các nhà ngoại giao khác của Đông Dương, gồm luôn cả đại biểu Mỹ và Pháp đang hỗ trợ cho chính phủ Bảo Đại. Trong bữa tiệc, Chu đề nghị đại biểu chính phủ Quốc Gia (Bảo Đại – nd) thiết lập một văn phòng đại diện tại Bắc Kinh. Thấy sự ngạc nhiên hiện ra trên mặt Đồng vì đề nghị này, Chu giải thích, “Dĩ nhiên, về ý thức hệ, Phạm Văn Đồng gần gủi với chúng tôi hơn. Tuy nhiên điều ấy không thể loại trừ đại diện của miền Nam. Suy cho cùng thì cả hai phía Việt Nam của các ông và chúng ta không phải là người Châu Á cả hay sao?”.
Hai thập niên sau Hội Nghị Genève này, Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách bằng mọi cách duy trì một Đông Dương manh mún không có một sức mạnh nào vượt trội. Âm mưu đó hiện hữu trong chính sách ngoại giao âm thầm, thuyết phục về kinh tế, và dĩ nhiên, cả sức mạnh quân sự… Mãi đến khi Mỹ bắt đầu can thiệp trực tiếp vào Lào năm 1963, Bắc Kinh không chỉ đề nghị với các đồng chí Pathet Lào của họ mà cả các chính phủ liên minh trung lập có thể tạo ra một vùng đệm ở phía Nam Trung Hoa. Trung Hoa, cũng giống như Liên Sô, chẳng nhiệt tình gì lắm với việc xử dụng võ trang như là một phương cách để tái thống nhất Việt Nam.
Việc Bắc Kinh hỗ trợ quân sự cho những nổ lực của Hà Nội ở Lào và ở Nam Việt Nam vượt quá mối quan tâm của họ để đẩy Mỹ ra khỏi Đông Dương và tranh \ với Liên Sô nhằm thu phục ý chí và tình cảm của những người Cộng Sản Đông Dương, đặc biệt với Viêt Nam (CS). Tự coi mình là kẻ chiếm hàng đầu trong các cuộc đấu tranh giải phóng quốc gia chống đế quốc Mỹ và tay sai, Trung Hoa tự cho họ có bổn phận ủng hộ cuộc chiến đấu của Việt Nam (CS). Khi Mỹ bắt đầu oanh tạc Bắc Việt hồi năm 1964, việc thiết lập hàng loạt căn cứ quân sự Mỹ và đưa năm trăm ngàn quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam trong những năm tiếp sau, thì đó một trong những lý do căn bản để Trung Hoa đóng vai trò điều hòa trong Hội Nghị Genève 1954 không còn nữa. Đối đầu với đe dọa Mỹ có thể đưa quân bộ chiến vào Bắc Việt và với những cuộc oanh tạc của Mỹ sát biên giới Trung Hoa, Bắc Kinh không chỉ hy sinh một cách vô cùng to lớn cho Việt Nam để ủng hộ nước này, mà còn muốn Hà Nội nắm giữ vai trò lãnh đạo Đông Dương.
Bởi chiến tranh gia tăng cường độ ở Việt Nam, mà Hoa Thịnh Đốn cho rằng đó là do “chủ nghĩa bành trướng” của Trung Hoa ở vùng Đông Nam Á, lo lắng Trung Hoa có thể bị tấn công trực tiếp gia tăng một cách đáng ngại. Việc Trung Hoa viện trợ cho cuộc chiến đấu của Cộng Sản Việt Nam vượt quá trách nhiệm của tình đồng chí. Đó là sự kiện bắt buộc vì chính an toàn của Trung Hoa. Vợ Mao, Giang Thanh, nói với phái viên nhiếp ảnh người Mỹ của bà “Nếu Bắc Việt Nam không chiến đấu thì kẻ thù sẽ tấn công vào Trung Hoa”.
Chính sách bảo vệ của Mỹ đối với Bắc Kinh
Bắc Kinh giúp Hà Nội trong cuộc chiến đẫm máu và coi đó là phương cách bảo đảm làm cho kẻ thù đế quốc suy yếu. Họ còn muốn hân hoan đón quân Mỹ xuất hiện ở gần biên giới của họ, coi đó là một sự bảo đảm sẽ không bị tấn công bằng bom nguyên tử. Thủ Tưóng Chu Ân Lai nói với Tổng Thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser hồi năm 1965 ở Cairo: “Chúng tôi sợ vài tay quân sự Mỹ có thể thúc đẩy một cuộc chiến nguyên tử chống lại Trung Hoa và chúng tôi nghĩ rằng việc Mỹ dính líu vào Đông Dương là một chính sách bảo đảm chống lại một cuộc chiến nguyên tử như thế, bởi vì chúng tôi có móng tay bấu vào vô số da thịt của họ. Mỹ đưa nhiều quân đội vào Việt Nam thì chúng tôi vui sướng hơn vì chúng tôi có đủ sức mạnh nắm lấy họ, nắm lấy máu thịt họ”. (34)
Giữa các năm 1965-68, Trung Hoa gởi 320 ngàn người gồm binh lính, công nhân và nhân viên kỹ thuật (để mở rộng đường xe lửa Trung Hoa-Việt Nam), các đơn vị phòng không và các cố vấn kỹ thuật tới Việt Nam. Sự hiện diện đó là một đòn tính toán để làm nản lòng người Mỹ, khiến họ không xâm lăng Bắc Việt Nam hoặc đe dọa phía Nam Trung Hoa. Bắc Kinh cũng cung cấp phương tiện vận chuyển cán bộ Cộng Sản Việt Nam và cố vấn của họ sang Lào qua ngã Trung Hoa, viện trợ cho Việt Nam với tổng số lên tới ba chục ngàn xe vận tải để chuyên chở mười ngàn tấn vũ khí của Trung Hoa xuống phía Nam dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh và dàn xếp với Sihanouk để được vận chuyển vũ khí và lương thực cho Việt Cộng qua ngã Cam Bốt.
Tháng Tư 1980, tôi tới Bắc Kinh để phỏng vấn Hàn Niệm Long, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Trung Hoa, cánh tay mặt trong thời kỳ cuối cùng của Thủ Tướng Chu Ân Lai, và một trong những nhà cấu trúc chính sách của Trung Hoa về Đông Dương. Tôi hỏi ông ta tại sao Trung Hoa, sau khi đã giúp Việt Nam có mặt ở Lào và Cam Bốt trong suốt thời gian chiến tranh, tới bây giờ chống lại việc ấy. Lắc đầu một cách rất rõ ràng, Hàn Niệm Long nói rằng tình hình lúc ấy và bây giờ rất khác nhau. Lúc ấy “họ (Việt Nam) thực hiện một con đường chiến đấu xuyên qua Lào và Cam Bốtn hư là một con đường thống nhất nhằm chống đế quốc Mỹ.
Dĩ nhiên lúc ấy chúng tôi ủng hộ họ… Một điều chúng tôi không ngờ là nước ấy bị thế lực đế quốc bắt nạt trong chiến tranh thì nay họ lại bắt đầu bức hiếp các nước anh em khác khi họ đã giành được thắng lợi cuối cùng”.
Hàn Niệm Long đưa ra một lời tuyên bố đáng kinh ngạc rằng Trung Hoa “chẳng bao giờ nghe Hồ Chí Minh nói gì về một Liên Bang Đông Dương”. Họ cố ý vẽ ra hình ảnh những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay là “phản bội” chính đường lối Mác Xít của Hồ, Bắc Kinh mô tả Việt Nam xúc tiến bá quyền ở Đông Dương là chỉ sau 1975. Nhưng, trong chỗ riêng tư, các viên chức cao cấp của Trung Hoa, gồm cả Đặng Dĩnh Châu (Wang Guangmei), vợ góa của Lưu Thiếu Kỳ, phê bình Hồ vì Hồ âm mưu thành lập Liên Bang Đông Dương. (35)
Bàn về tham vọng của Việt Nam ngày xưa muốn cai trị cả Đông Dương, một viên chức cao cấp Tân Hoa Xã, hồi tháng Ba 1982, dẫn cho tôi thấy một đoạn văn trích trong cương lĩnh của đảng Lao Động Việt Nam (VWP) năm 1951, nói về Liên Bang Đông Dương. Ông ta nói: “Ngay cả trong thời kỳ chống Mỹ, người Việt Nam (lúc ấy Hồ Chí Minh còn lãnh đạo) không bao giờ bỏ rơi ý nghĩ này. Họ luôn luôn sẵn sàng thành lập Liên Bang Đông Dương… Dưới danh nghĩa bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh, họ đưa quân đội tới Hạ Lào và Cam Bốt. Nhưng sau khi chiến tranh chấm dứt, thay vì rút quân đội này về, họ lại gởi thêm quân tới những vùng khác, chẳng hạn như ở Thượng Lào.”
Nhận xét này của Bắc Kinh về vai trò Việt Nam ở Đông Dương không đơn giản chỉ là viết lại lịch sử. Có thể Trung Hoa không tiên liệu, như Hàn Niệm Long tuyên bố, Việt Nam không che dấu cố gắng của họ để cai trị toàn vùng. Có đầy đủ chứng cớ cho thấy trong khi tiếp tục viện trợ to lớn cho Việt Nam trong thời chiến, Bắc Kinh lo lắng về vai trò của Việt Nam trong tương lai ở Đông Dương. Từ giữa thập nên 1960, Trung Hoa bắt đầu xây dựng một con đường chiến lược từ Vân Nam tới Bắc Lào. Cũng nhằm mục đích này, Trung Hoa đóng ở Lào 20 ngàn quân, gồm các đơn vị công binh cùng phòng không để bảo vệ toán quân này. Những đơn vị quân đội này không chỉ nhằm mục đích ngăn ngừa cuộc tấn công bất thần của Mỹ mà còn là một cố gắng để cân bằng với lực lượng quân đội Việt Nam hiện diện ở Lào. Sau khi thảo luận tình hình con đường này với Chu Ân Lai năm 1974, Henry Kissinger kết luận một cách thỏa mãn rằng việc Trung Hoa có mặt ở Lào được xem như là một sự thay thế “cho khu vực còn trống vì quân đội Việt Nam chưa tiến tới để cai trị toàn Đông Dương”. (36)
Những cố gắng của Trung Hoa hồi cuối thập niên 1960 và đầu 1970 tưởng thưởng cho một số phần tử Pathet Lao muốn tránh khỏi lệ thuộc vào Việt Nam, đưa tới các cuộc tranh chấp và ám sát, ít ra là số phận một nhân vật Lào thân Bắc Kinh. (37) Lãnh tụ Pol Pot của đảng CS Cam Bốtthăm Trung Hoa hồi cuối năm 1965 và nhận được sự hỗ trợ của Mao vì chính sách độc lập của Pol Pot không phụ thuộc vào Hà Nội. Tuy nhiên cuộc đảo chánh xảy ra hồi tháng 3/1970 tạo ra một tình trạng mới, qua đó, sư hợp tác giữa ba đảng CS của ba nước trở thành khẩn thiết.
Ngay khi Thái Tử Sihanouk vừa mới bị lật đổ, một hội nghị cao cấp về Đông Dương được triệu tập ở Quảng Đông vào tháng Tư 1970. Tại hội nghị này, gồm có Sihanouk, Phạm Văn Đồng, Hoàng Thân Souphanouvong của Pathet Lào, Nguyễn Hữu Thọ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, đã đưa ra một bản tuyên bố khuyến cáo về việc chống lại bất cứ một đảng nào âm mưu cai trị toàn vùng. “Đặt căn bản trên nguyên tắc giải phóng và sự bảo vệ của mỗi nước là nhiệm vụ của nhân dân nước đó”, bản tuyên bố còn nói rằng “Các đảng phái riêng rẽ phải đảm nhận tất cả những gì họ có thể làm được và có thể có sự giúp đỡ hỗ tương tùy thuộc vào yêu cầu của đảng liên hệ và trên căn bản tôn trọng lẫn nhau”. Bản tuyên bố cũng nhấn mạnh đến việc hợp tác trong tương lai nhằm xây dựng cho mỗi nước “có thể tùy thuộc vào phương hướng của nước đó”. Mặc dù có những lời lưu ý này, sự quan hệ giữa Khmer Đỏ và Trung Hoa, ý định về việc thiết lập sự hợp tác Đông Đương coi như chết yểu. Hồi tháng Tư 1979, nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn, Thái Tử Sihanouk cho rằng các nhân vật Khmer Đỏ làm việc với ông và Trung Hoa đã bỏ rơi đề nghị của ông đòi triệu tập một cuộc họp tối cao về Đông Dương tại Hà Nội năm 1971 với mục đích điều hòa và tăng cường liên minh. Một lý do Trung Hoa không thuận là họ không muốn gây trở ngại, làm căng thẳng thêm tình hình với Hoa Thịnh Đốn. Tháng Bảy 1971, Henry Kissinger bí mật thăm Bắc Kinh, chuẩn bị cho cuộc thăm viếng lịch sử của Tổng Thống Nixon vào năm tới. Nhưng trên hết, Trung Hoa muốn tránh bất cứ một cuộc họp mặt nào có thể hậu thuẩn cho vị thế quân sự chính yếu của Hà Nội ở Đông Dương.
Nói chuyện với cựu Thủ Tướng Pháp Mandès France ở Bắc Kinh hồi tháng 12/1971, Sihanouk cho rằng sau khi chiến tranh Đông Dương chấm dứt thì Đông Dương không thể rơi vào tay một quyền lực độc nhất nào cả – có nghĩa là Hà Nội. Hậu quả thiếu quân bình không thể trở thành một cơ hội cho bất cứ ai. “Tôi đã thảo luận vấn đề này với Thủ Tướng Chu Ân Lai và ông ta đồng ý với tôi. Tình trạng cũ của Đông Dương có thể tồn tại là hoàn toàn độc lập và Trung Hoa giúp đỡ để bảo đảm tình trạng đó.” Sihanouk nói với cựu thủ tướng Pháp như vậy. (38)
Cựu thủ tướng Pháp nói lại với Chu Ân Lai việc này, người đối thoại với ông trong Hội Nghị Genève trước kia, và các nhà lãnh đạo Trung Hoa khác. Ông ta kết luận: “Rõ ràng Trung Hoa không muốn bất cứ một quyền lực nào, trong đó có cả Bắc Việt Nam chế ngự hay cai trị toàn cõi Đông Dương. Họ nói tới tính độc lập của mỗi đơn vị chính trị, không riêng gì Lào, Cam Bốt mà cả Nam Việt Nam nữa”. (39)
Đối với Trung Hoa, hiệp định hòa bình Ba Lê tháng Giêng năm 1973 là một sự đảm bảo chống lại Việt Nam bá quyền. Nói chuyện với Đại Sứ Pháp Etienne Manac’h hồi đầu năm 1973, Chu nhấn mạnh đến một điều có tính cách quan trọng liên hệ đến Bắc Kinh là điều khoản 20 của hiệp định này, điều đó nói rằng phải “rút lui tất cả quân đội ngoại nhập” khỏi lãnh thổ Cam Bốt và Lào. Chu nói: “Chúng tôi sẽ không đến đó (Kampuchia) nhưng chúng tôi cũng không muốn bất cứ ai đến đó”. (40)
Năm 1972, Hoa Kỳ được khuyến cáo rằng Bắc kinh muốn thấy một “Đông Dương bị Balkan hóa”. Đó cũng là đường lối Hoa Thịnh Đốn đã làm. Một sự thông cảm làm cho căng thẳng Hoa-Mỹ dịu đi. (41)
Theo một câu chuyện của người Việt Nam sau khi xung đột Hà Nội-Bắc Kinh bùng nổ công khai: Mao khuyên Đồng nên để cho miền Nam tách riêng ra. Mao nói riêng với Đồng hồi tháng 11/1972, “Người ta không thể quét quá xa nếu cái cán chổi quá ngắn. Đài Loan quá xa nên cái chổi của chúng tôi không với tới được. Đồng chí! Thiệu ở miền Nam cũng quá xa với tầm chổi của đồng chí. Chúng ta phải trở lại với chính vị trí của chúng ta”. Đồng bảo đảm với Chủ Tịch Mao rằng cái cán chổi của ông ta rất dài.(42) Không chối bỏ giai thoại đó, sau này Bắc Kinh giải thích rằng, theo sự phán xét của họ, Hà nội phải chờ một thời gian trước khi mở cuộc tấn công để thống nhất Nam Bắc bởi vì khi ấy, Hoa Kỳ không thể can thiệp vào Việt Nam một lần nữa.
Muốn có hai hay ba Việt Nam
Mặc dù Trung Hoa có thể đóng một vai trò nào đó trong công cuộc thống nhất Việt Nam, Bắc Kinh quyết định xây dựng quan hệ với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Trung Hoa sắp đặt việc viện trợ vũ khí, lương thực, tài chánh cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam qua ngã Cam Bốt, không những căn cứ trên lý do an toàn mà còn nhắm mục đích duy trì một đường giây quan hệ trực tiếp với cách mạng Miền Nam. Sau Cách Mạng Văn Hóa Trung Hoa năm 1966-67, Hà Nội kiểm soát chặt chẽ việc phân phối văn hóa phẩm Trung Hoa ở miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, qua đường giây bí mật, Bắc Kinh vẫn duy trì viện trợ cho bộ phận Cộng Sản ở miền Nam.
Thực ra, theo sự phân tích của Mỹ, khi chiến tranh tiến hành theo phương cách làm cho Hà Nội toại ý và Hoa Kỳ bắt đầu rút quân tác chiến theo học thuyết Nixon, Trung Hoa cố gắng gia tăng liên hệ trực tiếp, không những với Lào, Cam Bốt mà cả miền Nam Việt Nam. (43)
Trương Như Tảng, nguyên bộ trưởng Bộ Tư Pháp Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam VN (CPLTCHMNVN), đào thoát khỏi VN năm 1979, nói với tôi rằng Trung Hoa đã duy trì quan hệ “hết sức thân hữu” với CPLTCHMNVN. Theo ông ta thì “Ngay từ lúc đầu Trung Hoa cho rằng miền Bắc đã áp đặt quan điểm của họ xuống miền Nam. Vì vậy nên họ ủng hộ CPLTCHMNVN. Chính Trung Hoa đòi hỏi quyền tự trị cho miền Nam tại Hội Nghị Ba Lê”. (44)
Đưa ra một ví dụ cho thấy việc Trung Hoa tôn trọng chính quyền miền Nam, Tảng nói rằng trong suốt thời gian thăm viếng Bắc Kinh tháng 2/1975, không riêng gì đại biểu CPLTCHMNVN do ông ta dẫn đàu, sinh hoạt riêng trong một nhà quốc khách tách biệt hẵn với phái đoàn chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (miền Bắc) mà Trung Hoa còn tiếp đãi riêng, trang trọng với CPLTCHMNVN nữa. Việc Tảng phân tích thái độ của Trung Hoa (bấy giờ ông ta rất thỏa mãn) đã đem lại vài điều đáng tin cho bản báo cáo do Francois Missoffe viết. Ông này là một phái viên đặc biệt của Bộ Ngoại Giao Pháp. Sau chuyến đi Bắc Kinh hồi đầu năm 1976, qua đó ông ta tham dự những buổi họp cấp cao, Missoffe nói rằng: “Dù có hai hay ba Việt Nam cũng chẳng thấy vấn đề gì. Trung Hoa cho rằng không thể chỉ có một Việt Nam”. (45)
Bốn năm sau, Việt Nam tố cáo Bắc Kinh thúc đẩy Hà Nội đừng mở cuộc tấn công cuối cùng vào Sài Gòn. Lời tố cáo ấy, cũng giống như bao nhiêu lời tố cáo khác sau khi quan hệ giữa hai nước đổ vỡ, được xem như những lời tuyên truyền. Tuy nhiên, Philippe Richer, người giữ vai trò đại sứ Pháp ở Hà Nội trong khoảng thời gian 1973-75, sau này, ngày 20/4/1975, chín ngày trước khi Sài Gòn sụp đổ, ông ta xác nhận quả thật Bắc Kinh đã cảnh cáo Hà Nội sự nguy hiễm nếu “đưa cán chổi đi quá xa”, họ dùng câu tỷ dụ mà Mao đã dùng hồi năm 1972. (46)
Dù sao, không có gì nghi ngờ việc Trung Hoa kiên trì chống Việt Nam trở thành một tiểu bá quyền ở Đông Dương. Quan tâm lâu dài của Trung Hoa là sự cân bằng quyền lực giữa các nước nhỏ ở ngoại vi của họ. Lo lắng của họ, từ 1954, là đẩy những thế lực thù địch ra khỏi Đông Dương rồi lại phải đối đầu với Hà Nội.
Thái độ của người Việt Nam cũng vậy, thay đổi qua nhiều năm.
Trong khi theo đuổi quyền lợi đất nước, Hồ Chí Minh duy trì một hình thức quan hệ có tính cách truyền thống. Tự tay ông ta viết thư cám ơn Mao và bằng những lời phát biểu công khai nói rằng Việt Nam “đích thực” kính trọng Trung Hoa. Người Việt Nam, ý thức rõ hơn Trung Hoa, tài bồi một mối quan hệ, xem Trung Hoa là người anh lớn và lâu dài. Francois Joyaux, ghi nhận rằng hồi đầu thập niên 1960, những nhà lãnh đạo Việt Nam đã dùng cùng một tiêu đề cho Mao giống như các vị vua Việt Nam trước kia đã dùng với các vị hoàng đế Trung Hoa. Hồ chỉ thị cho các viên chức cao cấp tháp tùng các phái đoàn thượng thặng của Trung Hoa khi họ viếng thăm Việt Nam là phải tiếp tục cung cách triều cống như ngày xưa. Joyaus nói quan điểm xem Trung Hoa là chúa tể đối với Việt Nam “là một hiện tượng lạ kỳ, còn phức tạp hơn thế nữa. Thực ra, người ta có thể nhớ lại một số trường hợp các nhà lãnh đạo Việt Nam tự xem họ là “chư hầu” của Trung Hoa”. (47) Trong khi thách thức với Trung Hoa để bảo vệ quyền lợi đất nước, người Việt Nam lại dùng những phương cách cũ.
Tuy nhiên, phương cách đó dần dần biến mất vì sự xung khắc ngày càng căng thẳng giữa hai bên và đặc biệt là sau chuyến viếng thăm lịch sử của tổng thống Nixon đến Trung Hoa. Người Việt Nam coi đó là sự phản bội. Năm 1972, Liên Sô và Hà Nội công bố mà không nói rõ tên ai rằng đó là một sự “thỏa hiệp đáng thương rơi vào con đường đen tối và bùn lầy”. (48)
Sau chiến thắng vẽ vang năm 1975, bây giờ một nước Việt Nam đầy tự tin, quân đội mạnh mẽ, không những muốn thỏa hiệp những gì được xem là quyền lợi quốc gia để làm vui lòng Trung Hoa mà cũng muốn xác quyết lại việc điều hòa quan hệ với Trung Hoa bằng cách từ bỏ những đường lối, mặc dù trống rỗng và vô nghĩa, bày tỏ lòng tôn kính với kẻ khổng lồ phía Bắc. Đã đến lúc Việt Nam sẵn sàng trả giá cho công việc lãnh đạo cách mạng vùng Đông Nam Á.
Tuy nhiên, điều biểu thị bi thảm nhất cho nền độc lập có tính cách thách thức của Việt Nam xảy ra hồi tháng 9/1975 khi Tổng Bí Thư Lê Duẫn của đảng CSVN chấm dứt chuyến viếng thăm Bắc Kinh mà không có một bữa tiệc tiễn chân theo truyền thống ngoại giao. Có thể nói thêm rằng các nhà lãnh đạo Cộng Sản Trung Hoa hy vọng một mối quan hệ ngoại giao có tính cách triều cống như xưa đối với Việt Nam, nhưng căng thẳng đã xẩy ra ở Trung Hoa về việc Việt Nam “vô ơn và lòng dạ đen tối” và sự “to đầu bướng bỉnh” của họ từ khi bắt đầu có cuộc xung đột công khai thì đó không còn là mối quan hệ của thế kỷ 20 nữa. Những lời gây xúc động ấy đối với việc bỏ công vô ích của Trung Hoa ở một nước láng giềng nhỏ bướng bỉnh như Việt Nam là hành động sai lầm. Hà Nội đòi lại quần đảo Hoàng Sa trong biển Nam Hải (Trung Hoa chiếm năm 1974), Hà Nội sai lầm trong việc đối xử với nhóm thiểu số người Hoa sinh sống ở Việt Nam, cố gắng của Hà Nội nhằm cai trị toàn Đông Dương, được Bắc Kinh xem như Việt Nam ngạo ngược. Bắc Kinh hết sức bối rối vì Việt Nam chế nhạo những tình cảm và quan điểm của Trung Hoa vì như vua Yongle ghi nhận từ năm trăm năm trước Việt Nam “liên hệ quá gần gủi” với Trung Hoa.
Một lý do quan trọng để Trung Hoa chống lại việc Việt Nam cai trị toàn cõi Đông Dương – một sự chống đối có tính cách quyết định và xâm lấn hơn bất cứ thời kỳ nào trong quá khứ- là Hà Nội tỏ ý coi thường Trung Hoa, sắp xếp một tiến trình thân hữu với Liên Xô là kẻ thù của Trung Hoa. Thắt chặt quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự với Moscow, Việt Nam tạo ra một đe dọa mới mà kể từ năm 1949, chưa bao giờ Trung Hoa phải đương đầu. Hoàng đế Hongwu khuyên các người kế nghiệp ông chẳng bao giờ nên xâm lấn các bộ tộc man rợ phía Nam nếu không có đủ lý do chính đáng vì mối đe dọa chính của Trung Hoa thường từ phía Bắc xuống. Tuy nhiên, khi chiến tranh Đông Dương lần thứ hai chấm dứt năm 1975, với việc người Mỹ ra đi không kèn không trống thì Trung Hoa thấy mình phải đối đầu với một đe dọa hoàn toàn mới. Cùng với 50 sư đoàn bộ binh của Liên Xô dàn ra với vô số hỏa tiễn và không quân triển khai ở phía Bắc, lại có viễn tượng một liên minh Xô-Việt ngay ngưỡng cửa phía Nam. Nhiều năm sau, một viên chức cao cấp Việt Nam giải thích rằng liên minh Việt Nam-Liên Xô chỉ để chống lại Trung Hoa. Ông ta nói: “Trong toàn bộ lịch sử, chúng tôi chỉ có an toàn không bị Trung Hoa xâm lấn là với hai điều kiện: Một là khi Trung Hoa suy yếu, nội bộ phân ly. Điều kiện thứ hai là khi họ bị đe dọa vì những giống rợ ở phía Bắc của họ. Trong thời đại ngày nay, người Nga là giống rợ của Trung Hoa đấy”. (49)
Liên Sô hỗ trợ Việt Nam thống trị Đông Dương là một mối đe dọa cho Trung Hoa mà cũng là một thách thức đối với thế giới “tự nhiên” chịu ảnh hưởng Trung Hoa ở Đông Nam Á. Mở ra mối quan hệ Hoa-Mỹ năm 1972 là cuối cùng đuổi “con sói” chủ nghĩa đế quốc Mỹ khỏi ngưỡng cửa Trung Hoa, nhưng năm 1978, “con cọp” Liên Sô, con vật đã từng gầm gừ ở phía Bắc Trung Hoa, bây giờ lại xuất hiện trong tầm mắt của Bắc Kinh, an toàn tại nơi trú ẩn ở phía Nam Trung Hoa vậy. Trong chiến lược sắp xếp như thế, một số ít nhà cai trị Trung Hoa có thể nào làm ngơ trước lời kêu cứu từ một nước triều cống của họ khi nước đó đang đối đầu với đe dọa như của thiên triều? Dù có sự xác định lý thuyết với Mao của Trung Hoa, nước Cam Bốt Dân Chủ đang bị đánh phá, dĩ nhiên nước này không phải là một chư hầu. Tuy nhiên, kinh nghiệm quá khứ của Trung Hoa và nỗi sợ hãi ngày nay cho thấy Trung Hoa vẫn tiếp tục coi Việt Nam và Cam Bốt cũng chỉ ở trong đường hướng đó mà thôi, như các hoàng đế của họ từ những thế kỷ trước vậy.

Brother Enemy
The War After the War
Nguyên tác của Nayan Chanda
Hoàng Long Hải/ Tuệ Chương dịch
Nguồn: Tvvn

Tìm kiếm Blog này