10. Một mùa Giáng Sinh đỏ
Ngày 6 tháng Giêng 1979, Đại Sứ Lào Khamphan Vilachit trãi qua một đêm không ngủ. Sáu thành viên trong bộ tham mưu của ông cũng vậy. Chiến tranh tuồng như đang đến gần, hết sức nguy hiểm. Sự im lặng chết chóc thường bị quấy động vì tiếng đại bác và tiếng dội ầm ỉ của nó trong thủ đô vắng lặng. Các khung cửa sổ dội tiếng đạn kêu lách cách. Khamphan nghĩ rằng chiến tranh đang tới, nhưng chưa bao giờ ông nghĩ nó đến nhanh như vậy.
Ông ta biểu nhân viên cầu Phật. Xa gia đình và xa nhà, sống nơi xa xôi nầy, nơi họ sống chung với nhau, những người trẻ nầy hầu như trở thành trẻ con. Tuy nhiên, không phải thuộc những người chính thống Cộng Sản, và có cách sống hết sức tự nhiên, chắc chắn ông ta có thể xoay xở được dưới mọi hoàn cảnh. Ông ta như sống trong một hòn đảo hoang vậy. Từ ngày 2 tháng Giêng, chỉ có Tòa Đại Sứ Lào là nhóm độc nhất còn lại trong thành phố ma ám, chờ giờ phút cuối cùng của thủ đô. Tại những giờ phút như thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi họ quay trở lại với lời dạy của Phật Tổ về con đường đi tới niết bàn để thoát khỏi vòng luân hồi.
Khamphan cảm thấy không thoải mái khi được gởi đi làm đại sứ nước Xã Hội Chủ Nghĩa Lào tại quốc gia cực đoan nhất thế giới nầy. Khamphan là người to con, trán rộng và có nụ cười e lệ, được chọn làm đại sứ Lào ở Cam Bốt Dân chủ không phải vì lòng tin cách mạng nhưng vì ông nói rành tiếng Khmer và có quan điểm tĩnh tại về cuộc sống. Sự bình tĩnh là điều hết sức cần thiết cho sự sống còn của thành phố Phnom Pênh dưới chế độ Pol Pot. Người tiền nhiệm của ông là một cán bộ cách mạng trẻ. Ông nầy gần như hoàn toàn không thể chịu đựng nổi sau một năm sống cô lập ở Phnom Pênh. Ông ta yêu cầu được về gấp -một việc chẳng có nghĩa lý gì dưới chế độ Khmer Đỏ ở Cam Bốt cả. Mỗi tháng chỉ có một chuyến bay đi Vạn Tượng. Nhà ngoại giao nầy trở về Lào bằng thuyền, đi ngược sông Mekông. Chuyến đi kéo dài một tuần lễ.
Trước đây bốn mươi năm, Khamphan đã ở Cam Bốt, khi ông là chú tiểu tu ở Học Viện Phật Giáo Phnom Pênh. Sau nầy lớn lên, có một thời gian dài ông làm nhân viên chính quyền và thị trưởng Thủ Đô Hoàng Gia Luang Prabang. Đó cũng là một trung tâm quan trọng nhất đối với việc tu học đạo Phật ở trong nước. Ông ta không bao giờ nghĩ là sẽ trở thành một nhà ngoại giao và chắc chắn không phải là ở một quốc gia tuyên chiến với tôn giáo. Nhưng ông ta không thể từ chối lời yêu cầu của Chính Phủ Cách Mạng Nhân Dân Lào. Điều đó chứng tỏ sự khoan dung quá mức của đạo Phật.
Sau tám năm vắng mặt, ông lại trở lại Cam Bốt. Phong vị của một thành phố đáng yêu theo kiểu Pháp không còn nữa. Ngoại trừ một ngôi chùa gần lâu đài hoàng gia, những lâu đài khác, hoặc bị bỏ hoang hoặc trở thành vựa thóc hay xưởng làm nước mắm. Các tu sĩ đều bị bắt hoàn tục, bị giết hay đi lao động ở vùng quê. Khmer Đỏ tự hào cho Khamphan xem một cuốn phim, qua đó, các cựu tu sĩ làm việc lao động cực nhọc như súc vật hoặc kéo cày ngoài ruộng.
Ở Cam Bốt, giá trị con người hết sức thấp. Sáng ngày Chủ Nhật 7 tháng Giêng, đời người không hơn gì một phút dù du, như giọt nước trên lá sen. Ông ta nghe đài ngoại quốc nói quân đội Việt Nam đang mở cuộc xâm lăng Cam Bốt. Tiếng súng nổ rất gần khiến ông ta nghĩ rằng tình hình còn nghiêm trọng hơn cả tin tức trên đài phát thanh. Sự nguy hiểm còn rõ hơn vì họ là đoàn ngoại giao độc nhất còn lại ở Phnom Pênh. Đường giây liên lạc mật mã với Vạn Tượng cũng đã chết ngủm cách đây sáu ngày. Trả lời bức điện mừng năm mới của ông, về sự bất an ở đây, bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Lào ở Vạn tượng khuyến cáo họ đừng sợ và nên ở lại. Điều họ có thể làm được từ hôm nhận bức điện ấy rõ ràng là chẳng có cách nào thoát ra khỏi Phnom Pênh. Sau nầy ông ta biết là người hiệu thính viên ở Bộ Ngoại Giao Lào bị tiêu chảy đúng vào tuần lễ có cuộc chiến căng nhứt ở Phnom Pênh.
Đêm 2 tháng Giêng, một nhân viên đại sứ đánh thức ông dậy. Người nầy lo lắng báo cáo cho ông hay: “Khmer Đỏ đang di tản hầu hết nhân viên ngoại giao. Tuồng như họ chẳng hỏi han gì chúng ta.” Trời lúc ấy có trăng. Qua cửa sổ, ông ta thấy nhiều biến động trên đường phố do việc di tản các nhân viên ngoại giao. Binh lính Khmer Đỏ bận rộn chất hàng hóa dụng cụ của nhân viên ngoại giao đoàn lên xe tải, trong khi họ sẵn sàng ngồi trong xe hơi của họ. Một nhân viên Tòa Đại Sứ Lào hỏi người lính gác Miên: “Có chuyện gì vậy? Đồng chí!”. Vì lý do an ninh, các cơ quan ngoại giao được chuyển đi Battambang. Anh ta trả lời, rồi nói thêm là Tòa Đại Sứ Lào không có lệnh đi. Rõ ràng là Pol Pot muốn bắt giữ đồng minh của Việt Nam làm con tin ở tại thủ đô để ngăn ngừa việc tàn sát.
Quyết định triệt thối của Khmer Đỏ đã rõ. Buổi sáng ngày 2 tháng Giêng, Đại Sứ Nam Tư Mihailo Lompar tới thăm Pol Pot và trao cho ông ta một món quà là thuốc men của hội Hồng Thập tự Nam Tư gởi tặng. Pol Pot tin tưởng mạnh mẽ rằng cuộc xâm lăng của Việt Nam bắt đầu hồi cuối tháng Chạp sẽ bị đánh bại. Nhưng buổi chiều hôm đó, một cán bộ ngoại giao ngần ngại báo cáo với ông đại sứ rằng ông ta phải “tạm thời di tản” khỏi thủ đô. Lompar nghĩ rằng đây chỉ là sự chuẩn bị hờ mà thôi. Tuy nhiên, khi người cán bộ nói: “Ông phải rời ngay đây trong khoảng một tiếng đồng đồ.” thì Lompar thấy vẽ kinh hãi trong mắt người cán bộ Khmer. Có phải vậy là chấm dứt chế độ Cam Bốt Dân Chủ? Trong vòng mấy tiếng đồng hồ, một đoàn dài gồm xe tải và xe du lịch chở tất cả đoàn ngoại giao, ngoại trừ Lào, hướng về Battambang. Đại Sứ Lompar gặp đồng nghiệp Trung Hoa, ông Sun Hao, con người thường vui vẻ. Ông nầy hết sức khó chịu. Việc triệt thoái làm cho ông ta kinh ngạc.
Sau khi trãi qua một đêm ở Battambang, các đoàn đại sứ Nam Tư và Trung Hoa quay lại Phnom Pênh bằng đường bộ. Đã có sắp xếp đưa hai đoàn nầy ra khỏi Cam Bốt bằng máy bay đi Bắc Kinh. Ngày 6 tháng Giêng, súng nổ gần thủ đô hơn, vài trăm người Khmer và Trung Hoa chờ máy bay ở phi trường Pochentong. Với ngoại lệ đáng kể do Pol Pot chỉ thị, tất cả các nhà lãnh đạo Khmer Đỏ đều có mặt. Ai nấy mặt mày nghiêm nghị. Lompar biết ngay tại sao họ có mặt ở đây: Ông nhận ra khuôn mặt quen nhưng đã lâu không gặp của ông Hoàng Sihanouk. Những người chủ Khmer Đỏ đều có mặt ở đây để miễn cưỡng tiễn ông hoàng ra đi. Năm ngoái, Lompar yêu cầu được thăm ông hoàng vì ông là bạn cũ của Jozip Broz (Thống Chế Tito) nhưng bị từ chối khéo. Cuối cùng, việc giam giữ ông hoàng qua rồi. Ieng Sary tới gần đại sứ Nam Tư xin lỗi một cách lịch sự. Còn rất nhiều người chờ chuyến bay nhưng tòa đại sứ của họ chỉ đưọc dành cho có 4 chỗ. Sary nói với ông ta như vậy. Cả đại sứ Trung Hoa và Nam Tư chọn ở lại để dành chỗ cho các người đang chờ.
Đến trưa, chiếc phi cơ sơn màu xanh bạc Boeing 707 của Hãng Hàng Không Trung Hoa hạ cánh. Sihanouk đầm đìa nước mắt – ông vui vì bây giờ ông được tự do thật sự, nhưng buồn vì thêm một lần trốn chạy khỏi quê hương. Ông ta ôm lấy đại sứ Nam Tư và nói bằng giọng nghẹn ngào: “Cho tôi gởi lời chào Thống Chế Tito và thưa với ông ta rằng nhân dân chúng tôi không bao giờ đầu hàng”. Sau khi máy bay cất cánh, hai ông đại sứ lại lên đường đi Battambang.
Từ sáng sớm ngày 7 tháng Giêng, khu vực chung quanh nhà ga Phnom Pênh rất xáo trộn. Hàng ngàn đàn ông, đàn bà và trẻ em – cán bộ chính quyền và gia đình họ sống ở những trại bên ngoài thủ đô, – chạy tới đây bằng xe tải, xe gắn máy và xe đạp. Nhưng không đủ chỗ cho họ: Hai toa tàu trên sân ga đầy nhóc thương binh và những nhân viên dân sự đang lo sợ kinh hãi. Ieng Sary, con người thường gây rắc rối và cán bộ Bộ Ngoại Giao của ông đang cố gắng trấn an đám đông, dành thêm chỗ cho thương binh. Dưới ánh nắng gay gắt, phòng ốc dần dần trở thành cái lò. Sau 9 giờ một chút, tin điện đưa tới báo cho Ieng Sary biết một đạo quân Việt Nam cách thủ đô có ba dặm. Ieng Sary ra lệnh khởi hành. Hàng trăm người tuyệt vọng ngồi trên nóc toa, đeo vào thành cửa. Chuyến tàu cuối cùng hết sức hỗn độn rời khỏi sân ga, hướng về Battambang.
Ngồi trên sân thượng tòa đại sứ, Khamphan lấy làm lạ tại sao mọi sự chấm dứt. Từ bình minh lửa cháy ầm ầm cùng với tiếng súng nổ. Khoảng mười giờ sáng, một chiếc xe Jeep lái vào tòa đại sứ đang bị canh giữ để đón những người lính cuối cùng đang đứng gác. Trước khi rời đi, một người trong bọn họ bất thình lình bắn một loạt đạn AK-47. Chẳng ai bị thương. – Một nhân viên Lào đang đứng nhìn nơi của sổ bỗng cúi đầu xuống như vịt. Nhưng một viên đạn trúng vào chân dung Thủ Tướng Kaysone và hai khung cửa kiếng bể rơi xuống đất.
Thành phố ma quái ngày trước bây giờ gần như điên dại. Thỉnh thoảng, những chiếc xe tải do Trung Hoa chế tạo chất đầy người chạy xuống Đại Lộ Monivong với một tốc độ khủng khiếp. Tiếng đại pháo nổ đều đặn bị át đi bởi tiếng trực thăng ầm ầm, tiếng cánh quạt ù ù, làm xáo động không khí buổi sáng sớm. Máy bay vội vàng biến mất ở chân trời phía tây. Có phải Pol Pot ở trên đó? Khamphan tự hỏi như vậy. Đứng trên sân thượng Tòa Đại Sứ Lào, ông ta chứng kiến thời điểm chấm dứt một giai đoạn. Khoảng trưa, ông nhận ra những tiếng động mạnh khác thường. Ông nhìn xuống. Ở cuối đường, khoảng nằm giữa những khu nhà cao tầng ở hai bên Đại Lộ Monivong là con đường chính của thành phố Phnom Pênh: Nhiều chiến xa nối đuôi nhau, mang cờ đỏ vàng bay phất phới, khói xe màu xanh nhạt tỏa lên không. Quân Việt Nam đang tới. Ông gọi to nhân viên trong tòa đại sứ: “Treo cờ lên! Treo cờ lên.”
Một giờ sau, bí thư thứ hai của tòa đại sứ bước ra đường, nồng nhiệt ra dấu cho một toán nhỏ quân tuần tiểu Việt Nam đang đi xuống đại lộ vắng tanh. Ngạc nhiên vì tiếng gọi của ông, họ đưa súng về phía đó. Ông ta vội đưa tay lên quá đầu. Khi họ tới gần, ông ta giải thích với một người Khmer độc nhất trong nhóm biết rằng ông ta là nhà ngoại giao Lào, rồi chỉ vào tòa đại sứ. Tối ấy, khoảng một chục binh lính Việt Nam đến canh giữ tòa đại sứ. Cơn ác mộng đã qua. Khamphan phấn khởi, ra lệnh mở tiệc với cơm và thịt hộp thết đãi những người đến giải phóng họ. (1)
Hiệp ước hữu nghị, chẳng có ai
Trong khi những nhà ngoại giao Lào và những người lính mới đến canh giữ tòa đại sứ mở tiệc mừng thì thế giới ngạc nhiên. Chỉ có hai tuần lễ, Việt Nam đã đè bẹp nước Xã hội Chủ nghĩa láng giềng, lật đổ quyền lực đồng minh độc nhất của Trung Hoa ở Đông Nam Á. Thời điểm cuối cùng đã tới sau nhiều tháng ngoại giao căng thẳng và chuẩn bị quân sự ở cả hai phía Việt Nam và Trung Hoa. Thỏa hiệp Việt-Xô xảy ra tiếp sau Hoa-Mỹ bình thường quan hệ ngoại giao, sự kiện nầy lại đưọc tiếp nối bằng việc Việt Nam xâm lăng Cam Bốt và Trung Hoa xâm lăng Việt Nam. Trong vòng ba tháng, bản đồ chính trị châu Á vẽ lại bằng những đổi thay bi thảm.
Trong tiến trình trục xuất Hoa kiều ra khỏi Việt Nam hồi mùa hè năm 1978, Việt Nam cố gắng vẽ ra một nước Trung Hoa như là mối đe dọa cho toàn vùng Đông Nam Á. Đồng thời, họ cố gắng một cách tuyệt vọng để củng cố quan hệ với các nước Đông Nam Á, kiếm tìm thông cảm, ủng hộ họ chống lại Trung Hoa và Cam Bốt. Trong việc nầy, họ thực hiện một điều trở trái làm mặt vì họ đã từng khinh miệt các nước trong Hiệp hội Đông Nam Á,(ASEAN). Hồi năm 1967, trong khi Việt Nam CS đang chống lại Hoa Kỳ, đảng Cọng sản Việt Nam thường ngày gọi các nước ASEAN “là sản phẩm của chính sách đế quốc Mỹ nhằm can thiệp và xâm lược.” (2)
Nhưng giữa năm 1976, Hà Nội yêu cầu các nước ASEAN hãy thiết lập quan hệ bình thường và hợp tác với Hà Nội dù cho vẫn còn một khoảng cách.
Tuy nhiên, chủ trương của Hà Nội đối với các nưóc ASEAN có khuynh hướng thân Tây Phương đành phải lặng lẽ gác lại khi xung đột Hoa-Việt lên cao. Bắc Kinh và Hà Nội bắt đầu tranh giành gay gắt “trái tim và khối óc” của các nước ASEAN. Tháng Sáu 1978, khi Việt Nam bắt đầu oanh tạc hạn chế khu vực ở Cam Bốt, khoảng ba chục phi vụ một ngày, họ tuyên bố sẵn sàng hợp tác với khối ASEAN, -đến bây giờ vẫn còn khăng khăng từ chối. Tháng Bảy/1978, Phan Hiền đi thăm Mã Lai và tuyên bố ủng hộ hòa bình và trung lập khu vực nầy.
Tháng Chín/1978, Thủ Tướng Phạm văn Đồng thực hiện chuyến đi thăm lịch sử, ve vản các nước chống Cộng Đông Nam Á. Trong một hành động đặc biệt đối với Mã Lai chống Cộng, Đồng đến đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các chiến sĩ trận vong trong cuộc tiểu trừ Cộng Sản nổi loạn. Ông ta còn xin lỗi riêng với các nhà lãnh đạo Mã Lai Á vì Hà Nội đã viện trợ cho cuộc nổi loạn nầy, cuộc nổi loạn đã bị bỏ rơi vì “sự thông cảm bị sứt mẻ”. Ở Băng Cốc, Đồng bảo đảm với thủ tướng Thái Lan là Việt Nam không ủng hộ Đảng Cộng Sản Thái Lan (CPT), xác nhận đó là đảng phi pháp. Thực ra, nhà lãnh đạo Việt Nam khẩn khoản muốn ký một thỏa ước thân hữu và hợp tác với các nước trong khối ASEAN để hợp thức hóa một tiến trình mới, xích lại gần nhau hơn. Đề nghị đó bị nhóm nầy từ chối một cách lịch sự, họ quyết định không ký kết bất cứ một thỏa ước chính thức nào với Việt Nam. Thực ra, họ có ký một bản thông cáo chung ít quan trọng hơn, giao kết tình trạng hữu nghị giữa các nước nầy với Việt Nam.
Cố gắng của Việt Nam nhằm lôi kéo Thái Lan vào liên minh chống Trung Hoa cũng bị thất bại. Trong khi Kriangsak và Đồng ký thông cáo chung chủ trương không “thực hiện những cuộc lật đổ, trực tiếp hay gián tiếp, để chống đối lẫn nhau và xử dụng lực lượng để đe dọa hay chống đối nhau” thì Thái Lan từ chối đề nghị của Việt Nam gài thêm danh từ “nước thứ ba” xử dụng lãnh thổ của mỗi bên nhằm mục đích thù địch. Điều nầy là để đả kích Trung Hoa hiện đang xử dụng Cam Bốt trong mưu đồ chống Việt Nam.
Việc các nước ASEAN từ chối ký thỏa hiệp thân hữu làm cho Hà Nội phải đảo lộn kế hoạch dùng lá chắn ngoại giao đối với hành động quân sự mạo hiểm của họ ở Cam Bốt. Với sự ngây thơ đáng ngạc nhiên, Việt Nam hy vọng đề nghị ký thỏa ước của họ sẽ triệt tiêu nỗi sợ hãi về chủ nghĩa bành trướng của Việt Nam, và là một bằng chứng lòng thành thực của họ đối với quan hệ hữu nghị vớI các nước ASEAN, dù cho họ có những hành động quân sự ở Cam Bốt. Một loạt thỏa ước hữu nghị với các nước láng giềng và bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ là điều các nhà lãnh đạo Hà Nội tính toán, giúp Hà Nội giải trừ được lo ngại khi họ tiến tới ký thỏa ước với Mạc Tư Khoa.
Quá trình ngoại giao do Việt Nam thực hiện mau lẹ hồi mùa thu có liên hệ chặt chẽ với thời biểu tính toán hoạt động quân sự của họ. Cuối mùa hè 1978, khi Hà Nội đề nghị chuyến viếng thăm của Đồng tới các nước trong khối ASEAN, các nước nầy ngạc nhiên vì Việt Nam muốn thực hiện chuyến viếng thăm đó không trễ hơn tháng Mười. Nhiều nhà ngoại giao khối ASEAN cho rằng Việt Nam muốn giành trước chuyến đi thăm của phó chủ tịch Đặng Tiều Bình tới Thái Lan và Tân Gia Ba sẽ diễn ra vào tháng Mười một. Chẳng phải chỉ là vấn đề thời biểu của các cuộc thăm viếng nầy. Hà Nội cũng gây áp lực lớn với một vài nước ASEAN để đạt đưọc thỏa hiệp hữu nghị. Các nhà ngoại giao Mã Lai ở Hà Nội -từ bí thư thứ hai của đại sứ -được những người đối thoại phía Việt Nam báo cho biết nếu chuyến đi của Đồng thất bại, Việt Nam sẽ cứu xét lại chính sách ngoại giao của họ.(3) Dù việc “thành công” đó không được xác định rõ, như Việt Nam đã nói trong khi đề nghị ký thỏa hiệp thân hữu, bên kia nửa địa cầu, tại Nữu Ước, bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, thúc đẩy chính phủ Hoa Kỳ tiến nhanh hơn trong việc ký một bản thông cáo chung về việc thiết lập quan hệ ngoại giao hai bên.
Nhìn chung, công việc ngoại giao của Việt Nam được xúc tiến nhanh có lẽ là do quyết định tiến vào Cam Bốt vào mùa khô bắt đầu vào tháng Chạp. -Đất đai cứng để chiến xa có thể di chuyển được và vụ mùa thu hoạch xong có sẵn lương thực cho quân kháng chiến Cam Bốt do Hà Nội huấn luyện từ đầu năm 1978. Thời điểm xâm lược không thể quá kề cận với ngày ký thỏa ước với Liên Xô vì nó có thể tạo ra ấn tượng vai trò Liên Xô trực tiếp và chỉ đạo trong cuộc phiêu lưu ở Cam Bốt hơn là do Hà Nội muốn cho mọi người thấy chính họ mới là chủ động. Điều này cũng làm cho Hà Nội mau lẹ thực hiện thỏa uớc ký với Mạc Tư Khoa hồi mùa thu, việc bình thường quan hệ với Hoa Thịnh Đốn và ký hiệp ước thân hữu với các nước ASEAN trước khi mọi việc xảy ra ở Cam Bốt. Trong khi tìm cái dù che Liên Xô, Việt Nam cũng tìm kiếm bảo đảm từ các cửa ngõ khác của Tây phương, không đóng sầm lại vì sự xung đột với Trung Hoa và Cam Bốt, không thể làm cho Việt Nam bị cô lập. Việt Nam có lẽ cũng tính toán việc củng cố vị trí ngoại giao, tăng cường thế mạnh của họ khi nói chuyện với Liên Xô.
Tìm kiếm bảo đảm từ phía Liên Sô
Vào giữa tháng Mười, khi Phạm Văn Đồng đi thăm các nước Đông Nam Á trở về thì kế hoạch của Việt Nam tuồng như gặp trở ngại. Các nước trong hiệp hội Đông Nam Á nghi ngại nên từ chối ký thỏa ước. Lúc đó Việt Nam lại gặp phải nhiều trận mưa bất ngờ dữ dội, lũ lụt và giông bão khắp khu vực sông Hồng, miền Trung Việt Nam và đồng bằng sông Mê Kông trong suốt hai tháng Tám và Chín. Gần một triệu ruởi tấn lúa gạo bị hư hại, 20 phần trăm gia súc bị dịch chết. Theo dự đoán, sự thiếu hụt lương thực trong năm đạt tới con số bi đát: Ba triệu tấn. (4)
Lụt gây ảnh hưởng không những ở Quân Khu 9 của Việt Nam – quân khu được giao nhiệm vụ tấn công Cam Bốt- mà còn ở cả một vùng rộng lớn phía đông Cam Bốt nữa. Đây là vùng sông Mê Kông chảy về phía Nam. Điều ấy cho thấy một vùng sủng nước rộng lớn đang chờ đón chiến xa Việt Nam một thời gian lâu dài sau khi mưa đã dứt. Điều đáng lo ngại là chẳng thấy tin tức gì từ phía Hoa Kỳ. Richard Holbrooke rời Mỹ, thực hiện chuyến đi thăm các nước Châu Á trong khi Thạch nôn nóng chờ đợi ở Nữu Ước để ký một thỏa ước bình thường quan hệ ngoại giao.
Vì tháng Mười đã gần hết, Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam tuồng như quyết định, dù tình hình không thuận lợi lắm, họ cũng không thể trì hoãn ký thỏa ước với Mạc Tư Khoa và ra lệnh cho Thạch đi Liên Sô. (5)
Tối ngày thứ Tư, 1 tháng Mười một, tuyết nhẹ bao phủ phi đạo phi trường Vnukovo của thủ đô Mạc Tư Khoa, khi chiếc phi cơ phản lực đặc biệt hạ cánh giữa tiếng vỗ tay chào mừng. Trong bầu không khí ấm áp bất thường, năm thành viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Liên Sô và chín thành viên Trung Ương Đảng, vài chục viên chức cao cấp chính quyền tập trung tại phi trường. Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Liên Sô Leonid Brezhnev ăn vận quần áo ấm nặng nề bước tới cửa máy bay – dưới ống kính truyền hình – ôm hôn thắm thiết Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Duẫn. Sau các bản quốc thiều, và sau khi Lê Duẫn cùng Phạm Văn Đồng duyệt hàng quân danh dự, đoàn đại biểu lên xe về Nhà Quốc Khách. Dọc đưòng có treo cờ đỏ sao vàng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bên cạnh cờ búa liềm của Liên Sô. Biểu ngữ chăng ngang đường với hàng chữ “Chào mừng bạn hữu Việt Nam thân mến”, “Chào nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam “Tiền đồn Xã Hội Chủ Nghĩa ở Đông Nam Á”.
Liên Sô có lý do để vui mừng với vai trò Việt Nam làm “tiền đồn” vì từ lâu họ ôm áp giấc mơ trói buộc Việt Nam vào một liên minh quân sự chống Trung Hoa, và bây giờ, điều ấy thành sự thực. Ngày 3 tháng Mười một, các nhà lãnh đạo Cộng Sản Liên Sô và Việt Nam họp nhau ở đại sãnh đường Điện Cẩm Linh để ký một thỏa hiệp 25 năm hữu nghị và hợp tác. Điều khoản thứ Sáu của thỏa hiệp nầy bảo đảm cho Việt Nam có thể chống lại Trung Hoa. Điều khoản ấy nói rằng “nếu một trong hai nước bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công thì hai bên sẽ thảo luận với nhau nhằm giải trừ mối đe dọa đó, thực hiện những biện pháp thích đáng và có hiệu quả để gìn giữ hòa bình và an ninh của cả hai nước”.(6)
Brezhnev, con người say sưa với chiến thắng không quên bỏ mất cơ hội khoe khoang cú đánh của Liên Sô và vén lên bức màn mỏng để cảnh cáo Trung Hoa. Ông ta tuyên bố thỏa hiệp sẽ làm cho những ai không vui lòng vì tình hữu nghị Sô Việt và cho những ai vui lòng vì sự phân rẽ của khối Xã Hội Chủ Nghĩa, làm cho sự căng thẳng thêm nghiêm trọng … “thì từ nay trở đi, thỏa hiệp nầy là một thực thể chính trị dù người ta có ưa hay không, người ta cũng phải quan tâm đến nó”. (7)
Thực thể, như nó đã chứng tỏ một cách rõ ràng mấy tháng sau đó, là về mặt quân sự. “Những hành động thích hợp” như nói ở điều Sáu, là bao gồm những tiện nghi dành cho Hải Quân và Không Quân Liên Sô ở Việt Nam. Đó là cái giá mà Việt Nam phải trả cho sự bảo đảm của Liên Sô khi họ chống lại Trung Hoa, để nhận đưọc hàng tiếp liệu, mọi thứ vũ khí và trang bị cần đến cũng như viện trợ kinh tế, bao gồm cả viện trợ lương thực khẩn cấp một triệu rưởi tấn lúa. Hồi tháng Tám 1978, khi Hà Nội còn quan tâm đến bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Phạm Văn Đồng đã nói tới điều nguy hiểm khi chỉ liên hệ đến một cường quốc mà thôi. Ông ta nói: “Từ lịch sử bốn ngàn năm của chúng tôi, Việt Nam đã phụ thuộc vào một người bạn lớn, và đó là tai họa”.(8) Tuy nhiên, chỉ ba tháng sau, Việt Nam dính tới một cuộc phiêu lưu quân sự mới. Đất nước nầy lại bị đưa vào đúng vị thế lệ thuộc tai hại vì chỉ liên hệ đến một người bạn mà thôi.
Tại buổi tiệc mừng lễ ký kết thắng lợi, Lê Duẫn tuyên bố bây giờ Việt Nam càng thêm khích lệ để hoàn thành một cách tự hào “nhiệm vụ quốc gia cũng như nhiệm vụ quốc tế cao cả”. Nói một cách khác, có nghĩa là tự bảo vệ chống lại Trung Hoa và can thiệp vào Cam Bốt. Việc bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của các nhà lãnh đạo Hà Nội tại Mạc Tư Khoa làm cho các quan sát viên cảm thấy tuồng như Việt Nam đã nhận được một “món quà để sống”. Lê Duẫn cúi đầu chào hai lần trước khi lên máy bay phản lực trở về nước hôm 9 tháng Mười Một.
Vận chuyển súng đạn về phía Nam
Trong thời gian đoàn đại biểu Việt Nam đang ở Mạc Tư Khoa, Trung Hoa bí mật kết thúc những hoạt động kỹ thuật, chuẩn bị cuộc tấn công Việt Nam. Hồi đầu tháng Tám/1978, tình báo Mỹ thu nhận tin tức cho thấy việc chuẩn bị hoạt động quân sự bất thần của Quân Khu Quảng Châu sát biên giới Việt Nam. Vệ tinh tình báo Mỹ và du khách ở Hoa Nam thấy nhiều phi đội máy bay Mig-19 và Mig-21 của Không Lực Trung Hoa được chuyển về những phi trường gần biên giới Việt Nam hơn như Nam Ninh và Côn Minh. Chiến xa và pháo hạng nặng cũng dần dần được chuyển về phương Nam. Tới đầu tháng Mười Một, kế hoạch chi tiết cho cuộc chuyển quân rộng lớn bao gồm cả thiết giáp, pháo binh và nhiên liệu tới vùng biên giới Việt Nam hoàn tất. Lại có tin đồn khác do tình báo Mỹ thu nhận được cho hay Trung Hoa đã thiết lập đài truyền tin liên lạc bằng luồng sóng ngắn trên một ngọn đồi thuộc tỉnh Quảng Tây. Việc nầy nhằm để bộ Tổng Tham Mưu Trung Hoa và Quân Ủy có thể liên lạc trực tiếp với bộ chỉ huy chiến trường của quân giải phóng Trung Hoa (PLA). (9)
Một trong những nguồn tin hay nhất về việc Trung Hoa chuẩn bị chiến tranh được tình báo Tây Phương ghi nhận là hồi đầu năm 1982, do một người đào thoát tiết lộ. Một sĩ quan thuộc một đại đội Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Hoa từ Quân Khu Quảng Tây chuồn qua Hồng Kông làm di dân bất hợp pháp được cảnh sát Hồng kông đón nhận. Viên sĩ quan nầy khai với Anh Mỹ rằng hồi cuối tháng Mười Một viên chỉ huy đơn vị anh ta đã phân phát một bản tuyên bố nói tới khả năng có thể có chiến tranh với Việt Nam. Sau đó, ngày 11 tháng Chạp, Tướng Wei Guoquing, chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Hoa, phát biểu trong một buổi họp ở Nam Ninh, kỷ niệm lần thứ hai mươi ngày thành lập “khu tự trị Quảng Tây-Doang” là Việt Nam đã có nhiều hành động thù địch chống Trung Hoa và Bắc Kinh sẽ “dạy cho Việt Nam một bài học”. Lời phát biểu ấy của một lãnh tụ thiểu số người Doang 72 tuổi, – người nầy cũng là đồng minh quân sự chính của một người quyền lực mới nổi lên cầm quyền: Đặng Tiểu Bình, đánh dấu thời điểm cuối cùng việc Trung Hoa chuẩn bị xâm lăng Việt Nam.
Vì là lãnh tụ “khu tự trị Quảng Tây-Doang” nằm dọc theo biên giới Việt Nam và vì là thân thuộc với các nhóm dân thiểu số sống ở cả hai bên vùng biên giới Hoa Việt, Wei đã từng tham gia trực tiếp vào việc viện trợ quân sự cho Cộng Sản Việt Nam. Khi có cuộc bao vây ở trận đánh Điện Biên Phủ năm 1954, Wei là một trong những cố vấn Trung Hoa bên cạnh bộ chỉ huy quân sự Việt Nam. Trong cao điểm cuộc Cách Mạng Văn Hóa, khi ông ta là mục tiêu tấn công của Hồng Vệ Binh, Wei cố gắng bảo trì liên tục đường viện trợ quân sự xuyên qua lãnh thổ ông. Bây giờ, hai mươi năm sau, nhiệm vụ của Wei là thông báo cho Hồng Quân Trung Hoa nhiệm vụ của họ là chống lại Việt Nam “vô ơn”. Ngay sau lời phát biểu đó, Bộ Tư Lệnh Quân Khu Quảng Tây chuyển đến gần biên giới Việt Nam hơn, và Sư Đoàn Độc Lập số Một – người đào thoát thuộc sư đoàn nầy – chiếm đóng một vị trí cách biên giới khoảng một dặm, và bắt đầu huấn tập. (10) Giữa tháng Chạp, một cuốn sách bỏ túi màu đỏ được phân phối cho các đơn vị Hồng Quân Trung Hoa trú đóng dọc theo biên giới. Cuốn sách nầy giải thích về quân phục và huy hiệu của các ngành khác nhau trong quân đội Việt Nam.
Khi các hoạt động quân sự bí mật chống Việt Nam bước vào tiến trình mới là lúc Đặng Tiểu Bình quay lại ve vản các nước không Cộng Sản ở Đông Nam Á. trong chuyến đi thăm chín ngày qua Thái lan, Mã Lai Á và Tân Gia Ba. Nhiệm vụ của Đặng là trấn an các nước nầy về hảo ý của Trung Hoa, như là người gìn giữ an ninh khu vực và ủng hộ các nước nầy đối đầu với Việt Nam. Mặc dù Trung Hoa tránh bày tỏ thù địch với các nước không Cộng Sản nầy từ hồi đầu thập niên 1970, và mặc dù từ năm 1975 đã thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước nầy, ngoại trừ một vài quốc gia trong khối ASEAN, quan hệ giữa họ với nhau vẫn còn lạnh nhạt. Thương mãi và văn hóa có phát triễn, nhưng việc Trung Hoa ủng hộ bọn phiến loạn Cộng Sản ở Thái Lan và Mã Lai Á đã để lại một bầu không khí nghi ngờ, treo lững lơ trên quan hệ với các nước nầy. Bắc Kinh giải thích quan hệ hữu nghị giữa một quốc gia với một quốc gia không liên can gì đến quan hệ anh em giữa đảng và đảng chẳng thuyết phục được ai. Mặc dù Trung Hoa phủ nhận, chính phủ các nước trong Hiệp Hội Đông Nam Á biết rõ chương trình phát thanh của Đảng Cộng Sản Mã Lai Á và Thái Lan kêu gọi đấu tranh vũ trang chắc chắn phát đi từ đài chuyển vận ở Vân Nam, và vũ khí cũng như tiền bạc là do Bắc Kinh tài trợ. Việc bảo đảm công khai của Thủ Tướng Phạm Văm Đồng đối với các nước ASEAN vài tuần trước khi Đặng tới, là Việt Nam không ủng hộ các cuộc nổi dậy làm cho Trung Hoa lúng túng. Hoặc là họ theo chân Việt Nam và bỏ rơi những nguyên tắc căn bản mà họ theo đuổi từ lâu, hoặc duy trì thế đứng làm cho Hà Nội dễ tuyên truyền về mối đe dọa của Trung Hoa đối với khu vực Đông Nam Á.
Đặng giải quyết tình trạng tấn thối lưỡng nan bằng cách tấn công: “Tôi không bắt chước Phạm Văn Đồng bằng cách nói láo”. Ông ta tuyên bố như vậy trong một buổi họp báo tại Băng Cốc khi được hỏi về quan hệ của Trung Hoa với Cộng Sản Thái. “Chân thật là điều kiện ưu tiên cho quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia”. Trong khi duy trì vị thế căn bản ủng hộ tinh thần cho các đảng Cộng Sản anh em, Đặng hứa riêng với Thủ Tướng Thái Kriangsak là Trung Hoa sẽ chấm dứt viện trợ cho Đảng Cộng Sản Thái Lan. Ông ta biện luận rằng nếu Trung Hoa công khai ngừng ủng hộ cho Đảng Cộng Sản Thái thì Liên Sô sẽ nhảy vào, điều nầy chẳng có lợi gì cho cả Trung Hoa lẫn ASEAN.
Thời gian để chinh phục bạn hữu và ảnh hưởng nhân dân
Tuy nhiên, nếu Việt Nam không coi việc quấy rối là chính sách để làm mất uy tín Trung Hoa thì việc ký kết thỏa hiệp hữu nghị Việt Sô chỉ hai ngày trước khi Đặng tới Thái Lan là một sự tuyên truyền trời cho. Việc công bố thỏa ước mới được ký nầy làm lung lay nghiêm trọng lòng tin của các nước Đông Nam Á đối với chủ trương của Việt Nam Cộng Sản cho rằng họ là một quốc gia độc lập và không liên kết, làm cho các nước ASEAN càng thêm nhạy cảm về lời tuyên bố của Đặng cho rằng Liên Sô là “đại bá” đang khuyến khích “Việt Nam tiểu bá”.
Trong một buổi họp hạn chế ngày 6 tháng Mười Một, trong đó chỉ có một phụ tá, một thông dịch viên và một người ghi chép được tham dự, Đặng làm cho Thủ Tướng Thái Lan Kriangsak kinh ngạc vì sự chân thật và khó chơi của ông ta. Đặng nói: “Có khả năng Phnom Pênh sẽ sụp đổ. Đó không phải là lúc chấm dứt mà chính là lúc khởi đầu một cuộc chiến”. (12)
Ông ta nói Trung Hoa không cùng quan điểm với chính sách của Pol Pot, nhưng sẽ không bao giờ cho phép khu vực có tính cách chiến lược nầy rơi vào tay Việt Nam. Ông ta nói: “Trung Hoa sẽ không bao giờ làm ngơ đứng ngoài. Chúng tôi sẽ có biện pháp thích đáng”. Đặng nói bóng gió nhưng rõ ràng là Trung Hoa sẽ trừng phạt Việt Nam bằng quân sự. Mấy ngày sau, Đặng cũng nói như vậy với các nhà lãnh đạo Tân Gia Ba. Phó thủ tướng Tân Gia Ba Sinnathamby Rajaratnam, người ngồi họp với Đặng nói rằng “Người Trung Hoa chẳng bao giờ đa cảm, nhưng khi thủ tướng Lý Quang Diệu hỏi Đặng về người Việt Nam thì lần đầu tiên tôi thấy mắt ông ta long lanh. Thật vậy. Tôi cho rằng không phải giả bộ. “Những kẻ vô ơn nầy cần phải bị trừng phạt. Chúng tôi đã viện trợ cho họ 20 tỷ bạc. Trung Hoa đã đổi mồ hôi, máu và chứng kiến những gì xảy ra.” Lý hỏi Đặng trừng phạt Việt Nam như thế nào. “Chúng tôi có nhiều phương cách.” Đặng nói một cách bí ẩn. Hồi tháng Bảy/1978, mặc dù Trung Hoa quyết định “dạy cho Việt Nam một bài học” đã được trả lời bằng chính sách của Việt Nam đối với Hoa kiều thì bây giờ Đặng lại nói vì an ninh và ổn định của vùng Đông Nam Á, đặc biệt với Thái lan, Trung Hoa phải chống lại Việt Nam. Đặng vẽ ra một viễn ảnh bằng những lời tiên đoán đáng kể, như những biến cố về sau chứng minh, Việt Nam tấn công ồ ạt vào Cam Bốt và cuộc kháng chiến lâu dài của người Cam Bốt. Trong cuộc chiến tranh chống Việt Nam bành trướng, Trung Hoa và Thái Lan cần hợp tác chặt chẽ. Thủ tướng Thái Lan, người thực hiện chính sách cân bằng theo truyền thống Thái Lan, dè dặt để khỏi bị lôi cuốn vào một cuộc chiến của các nước Cọng sản. Ông ta chỉ hứa có hành động khi tình hình cho phép. (13)
Tuy nhiên, ông ta chấp thuận yêu cầu của Trung Hoa cho một đường bay tới Phnom Pênh xuyên qua không phận Thái. Sự căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Lào, đồng minh của Hà Nội khiến Bắc Kinh thấy cần xử dụng một đường hàng không tới Phnom Pênh được bảo đảm. Bây giờ cũng là lúc Trung Hoa cần gia tăng khối lượng vật liệu và cố vấn tới Cam Bốt đang bị vây hãm.
Thực ra, trong khi Đặng thực hiện chuyến đi quanh các nước vùng Đông Nam Á thì một đoàn đại biểu khác của Trung Hoa, do một ủy viên Bộ Chính Trị lãnh đạo, Uông Đông Hưng, tới Cam Bốt. Cuộc viếng thăm nầy nhằm bày tỏ sự ủng hộ của Trung Hoa dành cho Cam Bốt trong khi nước nầy đang ở trong tình trạng càng lúc càng có nhiều triệu chứng cho thấy Việt Nam đang chuẩn bị một cuộc tấn công rộng lớn. Uông Đông Hưng, người cận vệ Mao trước kia và đối thủ chính trị của Đặng, người được chọn để truyền đạt một bức diện không vui gì cho người “bạn tả phái” ở Phnom Pênh. Dù ông ta công khai xác nhận sự ủng hộ của Trung Hoa đối với nhân dân Cam Bốt “Chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, cai trị và toàn vẹn lãnh thổ” nhưng ông ta đắn đo, tránh không đĂa ra một cam kết rõ ràng nào về sự đáp ứng quân sự cho Cam Bốt. Sự thực, ông ta nói rằng bọn xâm lược “có thể hùng hổ một lúc” nhưng cuối cùng sẽ bị thất bại. Tuồng như ông ta chủ trương một cuộc kháng chiến du kích trường kỳ hơn là nhờ sự ủng hộ quân sự từ bên ngoài. (14)
Về sau, nhiều tiết lộ cho thấy Việt Nam triển khai lực lượng của họ từ hồi mùa Thu 1978 làm cho Pol Pot giao động đối với lòng tin của y cho rằng Việt Nam không thể thắng nổi Cam Bốt. Một bằng chứng hay ho cho thấy Khmer Đỏ đã ngạc nhiên vì Trung Hoa từ chối lời yêu cầu của Laurence Pisq, một cán bộ nhiệt tình sinh ở Pháp, ông nầy kết hôn với một cán bộ cao cấp Khmer Đỏ trong bộ ngoại giao và làm việc tại Phnom Pênh trong vai trò thông dịch và đánh máy. Picq dịch một bài diễn văn của nuớc chủ nhà đón chào Uông. Tuy nhiên, một khoảng thời gian ngắn trước buổi tiếp tân, người chồng chạy hết hơi trở về yêu cầu bà vợ bỏ một đoạn và đánh máy lại bài diễn văn. Đoạn văn đó nói: “Chính phủ nước Cam Bốt Dân chủ và đảng Cọng sản tin chắc vào sự giúp đỡ của quân đội nước Trung Hoa anh em khi cần thiết”. (15) Lời kêu gọi giúp đỡ của Cam Bốt được Uông chứng kiến, và chủ nghĩa cấp tiến điên rồ cũng như xã hội rối loạn cũng được các đồng minh chính trị của Đặng là Hồ Diệu Bang và Yu Qiuly quan sát thấy,-Hồ Diệu Bang và Yu Qiuly là thành viên trong phái đoàn của Uông,- họ cung cấp tài liệu đầu tiên cần thiết cho cuộc thảo luận về chính sách chủ yếu đối với vai trò của Trung Hoa ở Đông Dương.
Đặng nhận lãnh vai trò kiểm soát
Một thời gian ngắn sau các chuyến viễn du của Đặng và Uông, Bộ Chính Trị mở cuộc họp lớn ở Bắc Kinh. Chương trình nghị sự gồm những vấn đề nội bộ, chính sách quan hệ với Hoa Kỳ và Đông Dương. Hội nghị nầy kéo dài từ 11/11 đến 15 tháng 12, cho thấy đây là giao điểm trong sinh hoạt chính trị của Trung Hoa, đánh dấu việc thiết lập quyền kiểm soát của Đặng, điều nhà nghiên cứu về Trung hoa, Jurgen Domes gọi là “CC bảng kiểm soát điện” – những đòn bẩy quyền lực chính của Ủy Ban Trung Ương Đảng. (16) Đặng khéo léo điều khiển một cuộc vận động, tập hợp và quảng bá những người ủng hộ ông trong Ủy Ban Trung Ương để thay đổi thành phần Bộ Chính Trị. Bốn người ủng hộ ông ta – gồm cả vợ góa của Chu Ân Lai, bà Đặng Dĩnh Châu được bầu vào Bộ Chính Trị, và người ủng hộ ông ta mãnh liệt nhứt, Zhao Zhiyang, được bầu làm tổng bí thư Ủy Ban Trung Ương. Một số lãnh đạo khác, những người đạt địa cao trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa và chống lại chính sách kinh tế thực tiễn của Đặng – Chủ Tịch Hoa Quốc Phong, Thủ Trưởng An Ninh Uông Đông Hưng và Thị Trưởng Bắc Kinh Wu De – buộc phải làm bản tự kiểm và chấp thuận giảm bớt quyền lực. (17)
Sự củng cố quyền lực của Đặng bên trong đảng giờ đây có thể làm cho ông ta xúc tiến chính sách ngoại giao không ai có thể tranh cải như trước kia. Sự lu mờ của các nhà lãnh đạo tả khuynh – một số trong bọn họ đã từng thăm Cam Bốt và ủng hộ mạnh mẽ Khmer Đỏ -làm gia tăng ảnh hưởng đường lối của Đặng đối với khoảng cách ý thức hệ của Trung Hoa và Khmer Đỏ, xây dựng một liên minh rộng rãi với các nước không Cộng Sản để bẻ gãy sức tấn công của Việt Nam. Nhà sử học King C. Chen tin rằng việc thảo luận về chính sách ngoại giao trong cuộc họp tập trung vào vấn đề “can thiệp hay không can thiệp” và một vài thành viên có khuynh hướng diều hâu. Uông Đông Hưng thuật lại lời cầu xin của Pol Pot là Trung Hoa nên gởi quân tới. Chính Ủy Hải Quân Su Zhenhua đề nghị Trung Hoa nên phái hạm đội Đông Hải tới Cam Bốt để giúp đỡ nước nầy giữ vững mặt biển. Nguyên Chỉ Huy Trưởng Quân Sự Quân Khu Quảng Tây Xu Shiyou muốn chỉ huy quân của ông ta tấn công Việt Nam. (18)
Tuy nhiên, Đặng và bạn hữu ông ta tranh cải mạnh mẽ, chống lại việc Trung Hoa can thiệp trực tiếp: Điều nầy phản lại những nguyên tắc của Trung Hoa mà cũng chống lại việc hiện đại hóa Trung Hoa đang theo đuổi. Geng Biao ủy viên Bộ Chính Trị cho rằng “Nếu chúng ta gởi quân đội Cam Bốt thì chúng ta sẽ tạo ra những ấn tượng gì trong con mắt của các nước Đông Nam Á và các nước khác trên thế giới? Hơn nữa, đối với sự thất bại khi xây dựng một mặt trận liên hiệp chống bá quyền bằng cách đoàn kết với các nước trong khối thế giới thứ ba, chúng ta sẽ trở thành một cường quốc bá quyền mới”. Ông ta cho rằng Mạc Tư Khoa thực sự hy vọng Trung Hoa gởi quân đội tới Cam Bốt. Lúc đó, Liên Sô sẽ vận động thế giới chống lại Trung Hoa, và như thế sẽ làm trở ngại cho công việc hiện đại hóa. (19)
Mặc dù chống việc gởi quân tới Cam Bốt, Đặng vận động đảng thực hiện kế hoạch của ông ta trừng phạt Việt Nam. Ông ta cho rằng trước hết là để “tự bảo vệ để khỏi bị tấn công” đối với Việt Nam sẽ không lôi kéo Liên Sô mở cuộc tấn công lớn vào Trung Hoa. Nhắc lại tin tình báo quân sự Mỹ cho biết việc quân đội Liên Sô triễn khai dọc theo biên giới Nga-Hoa, ông ta cho rằng quân đội nầy không thể tiến nhanh vào Bắc Kinh. Trung Hoa có thể cầm chân các cuộc tấn công nhỏ của họ. Thứ hai nữa, việc Trung Hoa tấn công vào Việt Nam có thể coi như “tự vệ” thay vì đưa quân vào Cam Bốt, sẽ không tạo ra phản ứng quốc tế bất lợi cho Trung Hoa. Thứ ba, biện pháp trừng phạt sẽ không ảnh hưởng đến bốn hiện đại của Trung Hoa, thực tế sẽ ngăn Việt Nam tránh khỏi những xáo trộn trong tương lai. Ông ta cho rằng nếu Trung Hoa đạt được 70% mục tiêu quân sự thì 30% thất bại được coi như là sự cổ xúy cho việc cải cách quân đội. Ông ta cho rằng, điều quan trọng nhất, việc xâm lăng của Trung Hoa và việc rút lui khỏi Việt Nam sẽ cho Liên Sô và Việt Nam thấy rõ quyết định và khả năng của Trung Hoa có thể bẻ gảy vòng bao vây của họ. Chiến lược toàn cầu của Liên Sô sẽ suy thoái ở châu Á. Đặng kết luận như vậy. (20)
Không những hội nghị đồng ý quyết định nầy của Đặng mà còn hỗ trợ chính sách liên minh với Hoa Kỳ của Đặng, hứa hẹn vị thế vững mạnh của Trung Hoa đối với vấn đề Đài Loan. Michel Oksenberg sau nầy ghi nhận rằng, hành động quân sự bất ngờ chống Việt Nam “gia tăng lưu tâm hoàn tất việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Nó cũng tăng cường sức mạnh của Đặng chống lại sự chống đối còn tiềm tàng, hóa giải mọi sự để đạt tới thỏa thuận”. (21)
Việc vươn lên ngôi vị vững chắc ở trong đảng của Đặng liên hệ trực tiếp việc chấp nhận chương trình kinh tế thực tiễn, kế hoạch của ông ta trừng phạt Việt Nam là ý muốn của ông thiết lập quan hệ hoàn toàn với Hoa Kỳ. Trong sự trùng hợp lịch sử, cá nhân Đặng và sự tính toán về chính sách Đông Dương của ông lại ăn khớp một cách hoàn hảo với chính sách của Carter. Như sau nầy Oksenberg ghi nhận, ngày 2 tháng 11, khi Tổng Thống Carter gởi cho Đặng đề nghị cuối cùng về quan hệ bình thường giữa hai nước vào ngày dự định 1 tháng Giêng 1979, ông ta “bắt đầu nghĩ tới ba sự thành đạt đặc biệt để công bố cho nhân dân Mỹ trước ngày nghỉ lễ Giáng Sinh, hoàn tất thỏa hiệp ở Camp David, bình thường quan hệ với Trung Hoa và SALT II”. (22)
Thời gian để người Mỹ lên tàu
Một ngày sau khi đề nghị của Tổng Thống Carter được thông báo cho Bắc Kinh, hiệp uớc liên minh quân sự Việt-Sô cũng hoàn thành, và ba ngày sau đó, Đặng viếng thăm các nước Đông Nam Á.. Ở một khúc quanh mai mỉa của lịch sử, các thế lực chính trị nội bộ ở Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh – nói một cách rõ ràng là những vận động của Brzezinski chống Vance và Holbrooke và những âm mưu chính trị của Đặng với cánh tả của Đảng Cộng Sản Trung Hoa và tình hình chiến lược, tuồng như tập trung vào việc thúc đẩy liên minh Hoa-Mỹ tiến nhanh hơn trong khi bóng đen chiến tranh hiện ra ở chân trời. “Mãi đến tháng Mười Một, tháng Chạp, trong hội nghị, Hoa Quốc Phong vẫn cương quyết chống lại việc bình thường hóa với Hoa Kỳ nếu như hiệp ước ấy bao gồm luôn cả liên hệ của Hoa Kỳ với Đài Loan”. Hai năm sau, một viên chức thuật lại với tôi như trên. Chỉ ra mối đe dọa của liên minh Việt-Sô đang càng lúc càng bành trướng đối với cả Trung Hoa cũng như đồng minh của nó là Cam Bốt, Đặng thuyết phục được rằng uyển chuyển về vấn đề Đài Loan là một cái giá đối với việc hợp tác nhiều mặt của Hoa Thịnh Đốn.
Nhân vật hàng đầu của Trung Hoa nói bóng gió rằng họ có thể hòa giải với Đài Loan vào ngày 4 tháng Chạp năm 1978 – đúng hai ngày sau khi Hà Nội thông báo việc thành lập Mặt Trận Kháng Chiến (KNUFNS) chống Pol Pot ở Cam Bốt. Ngày hôm đó, khi Đại Sứ Woodcock tiến hành cuộc họp với Quyền Ngoại Trưởng Hàn Niệm Long để thảo luận đề nghị bình thường hóa quan hệ của Mỹ trước kia, ông ta chú ý ngay tới sự thay đổi nhân sự. Hai phụ tá thuộc tả phái nổi tiếng, những người nầy thường hiện diện trong các buổi họp thảo luận về vấn đề quan hệ bình thường trước kia, Vương Hải Dung, cháu gái của Mao và Nancy Đường, người mới được chọn làm thông dịch viên, bị thay thế bằng hai nhà ngoại giao chuyên môn. Hàn Niệm Long cũng vậy, cũng có giọng điệu khác. Trung Hoa không còn đòi dùng võ lực với Đài Loan nhưng chống lại bất cứ một lời tuyên bố đơn phương nào của Hoa Kỳ bày tỏ hy vọng một tương lai hòa bình cho Đài Loan. Trung Hoa không “công khai chống lại vấn đề Đài loan”. Chấm dứt buổi họp, Hàn nói rằng Phó Thủ Tướng Đặng sẽ tiếp Đại Sứ Woodcock trong một ngày gần đó.
Ngày 13 tháng Chạp, trong khi Woodcock bước vào Đại Sảnh Đường Nhân Dân Bắc Kinh để tham dự buổi họp đầu tiên với Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo Trung Hoa, một người không được Hoa Kỳ biết đến nhiều, giành được quyền lãnh đạo tối cao Đảng Cộng Sản Trung Hoa, chủ trương tấn công trừng phạt Việt Nam. Việc thiết lập quan hệ ngoại giao hoàn toàn với Hoa Kỳ và chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Đặng (hai ngày trước, Tổng Thống Jimmy Carter đã chuyển lời mời đến ông ta) theo Đặng tính toán, sẽ đem lại cho Trung Hoa một cơ hội lý tưởng để gặt hái thêm một vài hỗ trợ chống lại Mạc Tư Khoa và củng cố kết quả liên minh với Hoa Kỳ trước khi mở cuộc tấn công Việt Nam. Về sau, Woodcock nói với tôi rằng từ hồi tháng Mười Một 1978, thỉnh thoảng ông ta có nhận được những bản tin tình báo về việc Trung Hoa chuyển quân tới gần biên giới phía nam nhưng ông ta “hơi bi quan” về khả năng tấn công của Trung Hoa. (23)
Trong bất cứ trường hợp nào, một số ít những người lập chính sách có liên quan đến các buổi họp tối mật với Bắc Kinh hầu như hoàn toàn có nhiệt tình với việc xây dựng lại quân đội Trung Hoa, và không quan tâm đến việc chuẩn bị tấn công Việt Nam Cộng Sản. Điều Hoa Kỳ muốn là Trung Hoa sẽ trở thành người hợp tác với họ chống Mạc Tư Khoa. Trung Hoa không thể dùng quan hệ với Hoa Thịnh Đốn để dương oai diệu võ ở trong khu vực nầy và cũng không để xảy ra hay làm điều gì phiền tới người Mỹ. Sự thất bại của Hoa Kỳ là cảm thấy thất vọng khi Trung Hoa muốn dùng quan hệ Hoa-Mỹ đạt tới một mức độ cao mà Đài Loan dù muốn cũng không đạt tới được.
Vì không biết âm mưu của Trung Hoa, Woodcock ngạc nhiên một cách thích thú khi thấy Đặng mau lẹ chấp thuận những gì do Mỹ đề nghị. Đặng nói, trước sự ngạc nhiên của Woodcock: “Chúng tôi chấp thuận những gì Hoa Kỳ soạn thảo và chấp thuận lời mời của tổng thống sang thăm quý quốc”. Tuồng như Đặng vội vã sang thăm Hoa Kỳ. Ông ta nói rằng ông muốn trong vòng một tháng việc quan hệ bình thường sẽ xong – tháng Giêng 1979(24) Sự thỏa thuận của Đặng đặc biệt ngạc nhiên, kể từ khi Hoa Kỳ đề nghị và bây giờ ông ta chấp thuận lại chính là điều trước kia ông ta từ chối khi Vance đưa ra hồi tháng Tá /1977. Bây giờ Carter đề nghị Hoa Kỳ duy trì thỏa hiệp phòng thủ hoàn toàn với Đài Loan thêm một năm, tiếp tục bán các vũ khí đã chọn cho Đài Loan sau khi thỏa hiệp phòng thủ nầy hết hạn kỳ và Trung Hoa không có mâu thuẫn gì với Hoa Kỳ, về quan tâm của Hoa Kỳ đối với những hành động của Hoa Kỳ về vấn đề Đài Loan.
Carter bị giao động vì những đáp ứng của Đặng. Những điểm chính yếu về thỏa hiệp quan hệ bình thường cuối cùng đã dặt được nhưng ông ta không muốn tin tức đó bị tiết lộ ra, tạo nên sự chống đối của phía bạn hữu của Đài Loan ở quốc hội. Thay vì chờ đợi công bố vào ngày 1 tháng Giêng như chương trình đã dự liệu từ đầu, ông ta quyết định thông báo tin tức đó tức thì. Carter cho rằng “Ngược lại, tôi làm cho Đặng ngạc nhiên”. Theo chỉ thị của ông ta, Woodcock đến thăm Đặng vào buổi sáng ngày 14 tháng Chạp và đề nghị thỏa hiệp sẽ được công bố vào ngày hôm sau. Thỏa hiệp cuối cùng về thời gian công bố chưa bàn xong. Carter cũng chưa được yêu cầu công bố thỏa hiệp, bản thông báo về bình thường ngoại giao chưa kết thúc. Đặng ngạc nhiên nhưng ông ta đồng ý.
Sự thay đổi cảnh sắc nầy cho thấy cú đánh cuối cùng dành cho Vance trong cuộc xung đột giữa ông ta với Brzezinski về vấn đề Trung Hoa. Chính sách của Vance là cân bằng quan hệ với cả hai nước Việt Nam và Trung Hoa bị thất bại khi những khuyến cáo của ông về bình thường quan hệ với Việt Nam bị xếp lại để thiết lập liên hệ với Trung Hoa. Giờ đây, mối quan tâm của ông là hậu quả lá bài Trung Hoa đối với quan hệ Mỹ-Mạc Tư Khoa, một thời gian ngắn ngủi để thi hành, Vance đồng ý vào ngày 1 tháng Giêng, một ngày được chọn để lập quan hệ bình thường với Trung Hoa. Tuy nhiên, ông ta không muốn việc bình thường ấy được công bố trước ngày ông ta, theo lịch trình, sẽ gặp Ngoại Trưởng Liên Sô Andrey Gromyko vì nó có thể làm đão ngược kết quả thỏa hiệp SALT thương thảo lâu dài mới có được. Tuy nhiên, ngày 14 tháng Chạp, Carter gọi ông ta đang ở Jerusalem cho biết rằng quan hệ bình thường với Trung Hoa sẽ tiến hành vào ngày 15 tháng Chạp, có nghĩa là trước ngày Vance gặp Gromyko. Vance viết trong hồi ký: “Tin đó là một cú sốc. Vào giờ phút nghiêm trọng, Brzezinsky đã khóa tay (Thứ Trưởng Ngoại Giao Warren Christopher và Phụ Tá Ngoại Trưởng Richard). Holbrooke bị gạt ra ngoài quyết định trong vòng 6 giờ đồng hồ. Họ không thể báo cho tôi biết những gì xẩy ra.” (26)
Trong khi Vance đang trên đường trở về Hoa Thịnh Đốn để trình bày việc công bố, Carter đang phấn khởi và Brzezinski bỗng nhiên cảm thấy lạnh giò. Không biết rằng việc thúc đẩy mau lẹ quan hệ bình thường với Trung Hoa thích hợp một cách toàn hảo với kế hoạch quân sự của người Tàu. Họ ngạc nhiên không hiểu tại sao Đặng mau lẹ đồng ý, là hậu quả việc hiểu lầm vị thế của Hoa Kỳ với Đài Loan. Woodcock nhắc lại một bức điện khẩn Carter gửi cho ông ta vào buổi sáng ngày 15 tháng Chạp (buổi tối ngày 14 ở Hoa Thịnh Đốn) ra lệnh cho ông ta tìm gặp Đặng để bảo đảm rằng Đặng biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan sau một năm diên kỳ. Woodcock xem lại bản dịch cuộc nói chuyện của ông ta với Đặng vào ngày hôm trước. Chẳng có sự hiểu lầm nào cả. Tuy nhiên trong một bức điện khác thì Carter yêu cầu ông ta đến gặp Đặng một lần nữa. Bằng một sự dễ dãi bất thường, chỉ trong vòng một giờ để hẹn cuộc gặp. Woodcock cùng với phụ tá phái bộ Mỹ, Stapleton Roy trên đường đến Đại Sảnh Đường Nhân dân để gặp Đặng lần thứ ba chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ.
Đặng chẳng có gì khác trước. Khi Woodcock nhắc lại với ông ta việc Hoa Kỳ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, ông ta nổi đóa: “Tại sao ông lại đem chuyện bán võ khí ra nói lần nữa?”. Woodcock không nắm chắc tại sao lại có cuộc họp nầy nhưng ông ta cũng cố gắng giải thích Hoa Kỳ có quyền cung cấp vũ khí phòng vệ cho Đài Loan là việc cần thiết. Woodcock kể lại, như sống lại với kinh nghiệm: “Đặng đổ gánh nặng lên cho tôi. Ông ta đánh qua đầu tôi. Ông ta cay đắng”. Đặng cương quyết nhắc lại rằng Trung Hoa xem Đài Loan là một tỉnh của họ, Đài Loan không thể có quan hệ vũ trang độc lập với Hoa Kỳ sau khi đã có quan hệ ngoại giao hoàn toàn. Cuối cùng Đặng tuyên bố: “Chúng tôi không bao giờ thỏa thuận như thế”. Woodcock nói rằng ông ta không tìm kiếm thỏa thuận của Trung Hoa về vấn đề ấy, ông ta theo đuổi việc bình thường hóa quan hệ. Một khi việc nầy đã đạt được, mọi sự sẽ bắt đầu thay đổi. Woodcock nói: “Quan hệ giữa lục địa và Đài Loan bắt đầu thay đổi, quan hệ của chúng tôi với Đài Loan cũng thay đổi. Mọi việc tưởng như không giải quyết được thì bây giờ nó trở thành một vấn đề dễ giải quyết”. (27)
Đặng trầm tỉnh lại một chút. Ông ta hỏi: “Chúng ta sẽ làm gì đây?”. Woodcock nói: “Tôi mong ước được đề nghị, thưa ông phó thủ tướng, chúng ta thi hành thỏa ước đã đạt được”. Với lời trấn an của Woodcock, Đặng nói “Okay”. Vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan được xếp lại đó, về sau làm hại cho quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, vào lúc đó người hùng họ Đặng của Trung Hoa đang muốn đạt được thắng lợi trong cuộc chạy đua thầm lặng giữa Trung Hoa và Việt Nam, cố giành giựt cho được hữu nghị của Hoa Kỳ.
Sẵn sàng hành động cuối cùng
Việc chuẩn bị quân sự của Bắc Kinh ở biên giới phía Nam không làm người Mỹ chú ý. Việc Việt Nam chuẩn bị quân sự dọc theo biên giới Cam Bốt đã được thực hiện. Tới ngày 12 tháng Mười, nhiều sư đoàn quân đội Việt Nam, bao gồm cả vài đơn vị tinh nhuệ (đặc công – nd) được triển khai ở tỉnh Đạc Lắc, Tây Ninh và An Giang dọc theo biên giới Cam Bốt. Hồi tháng Sáu họ dùng máy bay lấy được ở miền Nam do Mỹ chế tạo như oanh tạc cơ A-37 và F.5 đánh phá Khmer Đỏ. Cuối cùng, vì không có đủ cơ phận thay thế, họ bắt đầu dùng máy bay do Liên Sô chế tạo như Mig-19s và Mig-21s từ miền Bắc đưa vào những căn cứ ở phía Nam như Chu Lai, Biên Hòa và Cần Thơ.
Công việc chuẩn bị của Việt Nam Cộng Sản bao gồm cả biện pháp chống lại đe dọa từ phía Cam Bốt. Họ rất lưu tâm đến khả năng có thể Cam Bốt tấn công thành phố Hồ Chí Minh bằng không quân. Từ Phnom Pênh tới chưa đầy nửa giờ bay. Hồi tháng Mười Một, một viên chức Liên Hiệp Quốc thường xuyên lui tới Nam Việt Nam vì công tác, ngạc nhiên khi thấy vùng ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh tạm thời thiết trí các đơn vị phòng không cùng hỏa tiễn hướng về phía Tây. Hầm trốn không tạc được đào bên cạnh những trung tâm quan trọng của thành phố này. Một phần, việc chuẩn bị nầy nhằm lôi kéo dân chúng đứng sau lưng chính quyền để chống lại Cam Bốt, tuy nhiên các nhà thiết lập kế hoạch quân sự Việt Nam cũng thấy được đe dọa của hai gọng kềm tấn công: Cuộc tấn công của Khmer Đỏ do Trung Hoa hỗ trợ dọc theo biên giới Tây Nam và cuộc tấn công trực tiếp của Trung Hoa ở phía bắc. Mối lo sợ đó căn cứ trên những tin tình báo thu thập được từ mùa xuân năm 1978, cho biết Trung Hoa không chỉ gia tăng viện trợ chiến xa, xe thiết giáp, Mig-19s cho Cam Bốt mà còn gia tăng công việc ở một phi trường mới mở rộng ở tỉnh Kompong Chnang. Phía Việt Nam cũng tin rằng khoảng vài chục ngàn binh lính Trung Hoa, cố vấn và kỷ thuật viên, mau lẹ tham gia việc xây dựng quân đội Cam Bốt để thực hiện các cuộc chiến đấu ở nam Việt Nam. (28)
Tình hình ngoại giao và chính trị phát triển mau lẹ cũng làm tăng thêm tình trạng khẩn trương mới cho kế hoạch quân sự của Việt Nam. Như về sau Việt Nam cho thấy rõ, họ quan tâm đến những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nỗ lực hòa bình của Khmer Đỏ đối với thế giới. Mùa Thu năm 1978, do Trung Hoa thúc đẩy, Cam Bốt thoát khỏi tình trạng cô lập, chính sách đóng cửa bài ngoại và bắt đầu cải thiện hình ảnh đẫm máu của họ. Trong suốt mùa hè và mùa thu, Cam Bốt đón tiếp nhiều phái đoàn ngoại quốc đếm thăm thân hữu – từ những nhóm nhỏ người Mỹ theo chủ nghĩa Mác-Lê, nhóm người Bỉ thân Mao và Nhật Bản thiên Xã Hội Chủ Nghĩa. Vài du khách trở về ca ngợi những ”tiến bộ” đạt được ở Cam Bốt và lên án những bài tường thuật của giới báo chí về việc giết người, coi đó là trò tuyên truyền. Một du khách Mỹ viết trên tờ New York Times, trừ vài trường hợp quá độ, ở Cam Bốt, cũng là nơi cách mạng không thể tránh được, “huyền thoại về diệt chủng chỉ là sản phẩm” được ngụy tạo ở Băng Cốc do những phần tử khích động, những người đã “trả 50 đô la một lần cho một số người tị nạn để kể những câu chuyện kinh hoàng cho người ngoại quốc nghe”. (29)
Phó Thủ Tướng Cam Bốt Ieng Sary thực hiện chuyến đi thăm các nước Đông Nam Á, kêu gọi thắt chặt liên hệ, đặc biệt với các ngoại trưởng Thái Lan, Mã Lai và mời họ đến thăm Cam Bốt. Trong một cuộc họp báo ở Nữu Ước, chính Ieng Sary đề nghị những cuộc thăm viếng Cam Bốt: “Chúng tôi muốn quý vị tự mình đến xem xét nhân quyền có bị vi phạm hay không”. Để chứng tỏ Cam Bốt không quan tâm đến những lời lên án của thế giới, họ đưa ra lời mời Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc Kurt Waldheim đến thăm nước họ và xem xét các hồ sơ lưu trữ về nhân quyền. Ông ta dự trù đến thăm Cam Bốt vào tháng Hai/1979. Vào tháng Mười Một, Cam Bốt cho phép một hãng du lịch Thái, – chủ nhân là Chatchai Choohavan, cựu bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Thái Lan và cũng là một bạn thân của Bắc Kinh -, mở những chuyến du lịch dài một ngày tới thăm Đế Thiên Đế Thích. Chỉ có công dân của những nước như Việt Nam, Do Thái, Nam Hàn, Đài Loan và Nam Phi bị cấm tham gia các chuyến du lịch nầy. Theo dự trù công việc sẽ bắt đầu vào tháng Giêng. (30) Chatchai nói với tôi: “Tôi không quan tâm tới lợi nhuận. Tôi chỉ muốn Cam Bốt mở cửa. Trung Hoa họ cũng muốn như vậy.” (31)
Ông hoàng của mọi mùa
Về mặt chính trị, đó là một vấn đề lớn hơn những gì Việt Nam quan tâm, cho thấy Khmer Đỏ cuối cùng tiến tới việc phục hưng Thái Tử Sihanouk. Hồi tháng Mười, khi đến trụ sở Liên Hiệp Quốc, Ieng Sary phân phát những tấm hình thái tử chụp trong một buổi “dạ tiệc thân hữu để vinh danh những nhà ái quốc” tổ chức ở Phnom Pênh hồi tháng Chín. (32)
Việt Nam Cộng Sản không những chỉ sợ việc phục hồi ngôi vị Thái Tử Sihanouk, việc nầy làm cho bộ mặt Khmer Đỏ kém bị ghét bỏ; điều đó còn đối nghịch với kế hoạch của Hà Nội là dùng danh nghĩa của ông hoàng để giành sự hỗ trợ ở trong nước cũng như ngoại quốc cho công cuộc kháng chiến chống Pol Pot. Hồi đầu tháng Mười năm 1978, một đại diện Việt Nam trong tổ chức UNESCO ở Ba Lê bí mật đến một thành phố ở vùng French-Midi thăm một nhân vật sáng giá nhất trong các con của Sihanouk – Thái Tử Norodom Ranarith. Ông nầy đang dạy luật ở trường Đại Học Aix-en-Provence. Với cái đầu tròn, đôi mắt to tròn và rất hay cười, ông hoàng nầy chính là hình ảnh của thân phụ ông ta. Theo ông ta kể lại, người khách đến mang theo một bức thư của một người bạn chung Việt Nam và tự nhận mình là một phái viên đặc biệt của Việt Nam Cộng Sản. Ông ta ca ngợi vai trò của Sihanouk trong việc xây dựng một nước Cam Bốt hiện đại và tỏ ý rằng Việt Nam muốn “giải thoát” Sihanouk khỏi tay Khmer Đỏ để ông ta nắm vai trò lãnh đạo cuộc kháng chiến chống chế độ Pol Pot. Người Việt Nam nầy nói với ông ta: “Chúng tôi muốn ông hợp tác với phong trào kháng chiến mới của Cam Bốt, đại diện cho Samdech Sihanouk”. Ranarith hết lời cám ơn vị khách Việt Nam vì những quan tâm của Việt Nam đối với thân phụ ông ta nhưng từ chối không tham gia bất cứ một sự hợp tác nào. Về sau, Ranarith nói với tôi, giải thích việc từ khước của ông: “Tôi không rõ tình trạng cha tôi đang bị giam giữ như thế nào và thực sự tôi cũng không biết Việt Nam muốn tạo dựng cái gì đây”. Ông ta có một ý tưởng hay hơn đối với việc nầy khi người khách đó đến thăm ông ta một lần nữa, vào giữa tháng Chạp. Ông ta kể lại: “Khoảng một tuần hay mười ngày trước lễ Giáng Sinh, vì lúc ấy tôi đang dựng cây Noel và kết đèn thì ông ta tới. Lần nầy người khách Việt nam yêu cầu tôi chấp thuận giữ vai trò đại biểu cho Mặt Trận Cứu Nguy Quốc Gia vừa mới công bố. Tôi lại từ chối một lần nữa.” (33)
Sự thất bại trong việc tìm hỗ trợ trong đám hậu duệ của Sihanouk hay bất cứ một khuôn mặt Cam Bốt nào không phải là Cộng Sản, để mượn uy danh của họ cho Mặt Trận Kháng Chiến do Hà Nội hỗ trợ hoặc những người có liên quan đến việc chống Phnom Pênh cho thấy Hà Nội không có nhiều cơ may. Thời gian dành cho Việt Nam can thiệp vào Cam Bốt có thể được thế giới hay kẻ cùng âm mưu hỗ trợ trôi qua rất nhanh. Mặc dù Waldheim (tổng thư ký Liên Hiệp Quốc) không nhận lời mời đến thăm, việc Cam Bốt mở rộng cửa và hình ảnh ghê tởm của họ có phai mờ đi đôi chút, giờ đây vẫn còn đe dọa cho kế hoạch của Hà Nội. Nếu Việt Nam tiến hành việc thành lập một chính phủ cho lực lượng du kích, theo Hà Nội tính toán, thì phải thực hiện ngay bây giờ hoặc không bao giờ có thể làm việc đó được cả.
Liên minh quân sự và ngoại giao với Mạc Tư Khoa xong rồi, Việt Nam chú tâm vào việc chuẩn bị lần cuối để tấn công Cam Bốt. Tình hình tiến nhanh hơn cả những điều các nhà lãnh đạo ở Hà Nội tiên liệu. Mấy trăm cán bộ Khmer Đỏ trước kia nay đang được Hà Nội huấn luyện ở Miền Nam Việt Nam quyết định chống lại chế độ Pol Pot, nhưng họ chưa dàn xếp ổn thỏa với nhau về dị biệt chính trị, có thể dựng nên một đảng Cọng sản Cam Bốt mới để lãnh đạo công cuộc chiến đấu. Thời gian thì thúc ép. Việt Nam thì chưa thuận tiện mở cuôc họp mà phải chờ đến khi có đại hội đảng được triệu tập và một ban lãnh đạo đảng mới được thành lập. Ngay cả khi không có đảng, Mặt trận Giải phóng Cam Bốt cũng đã được công bố cho toàn thế giới biết trước khi quân đội Việt Nam mở cuộc tấn công.
Vấn đề học thuyết chính trị và huấn luyện quân sự cho người Khmer bắt đầu năm 1978 và hiện tại đang ở mức căng thẳng. Một khuynh hướng thì muốn loại bỏ mọi trở ngại do tình trạng ngôn ngữ tạo ra, khuynh hướng nầy đưọc sự hỗ trợ của thiểu số người Khmer Krom -tức là người Việt gốc Miên sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và người Miên ở phía Nam Cam Bốt. Dưới con mắt của các nhà lãnh đạo Hà Nội, những người Việt gốc Miên nầy thường bị nghi ngờ vì họ có khả năng nói được cả hai thứ tiếng Việt và Miên và rất hữu ích trong vai trò trợ thủ một khi quân đội Việt Nam tiến vào lãnh thổ Cam Bốt. Thiếu tá Say Pak, một người Cộng Sản Miên sống ở Hà Nội từ năm 1954, tới Bặc Liêu hồi tháng Mười một năm 1978 để tuyển mộ thanh niên Việt gốc Miên. Mỗi tuần, ông ta mở những cuộc họp với thanh niên trong một ngôi chùa để thúc đẩy họ tham gia Mặt Trận Giải Phóng Cam Bốt. Ông ta hứa với họ là sau khi giải phóng Cam Bốt rồi “các bạn sẽ có một địa vị quan trọng trong chính quyền Cam Bốt”. Sau khi làm lễ quy nạp, năm trăm thanh niên được gởi tới Cà Mau để được huấn luyện quân sự. Tháng Giêng năm 1979, đám nầy đi theo quân đội Việt Nam tiến vào tỉnh Tà Keo bên Cam Bốt.
Cánh cửa hậu để vào mặt trận
Một điều thích thú ở đằng sau việc Việt Nam mở cuộc tấn công vào Cam Bốt là do Đinh Cẩn (hay Căn- nd) kể lại. Ông ta là cựu sĩ quan công binh của quân đội miền Nam Việt Nam trước kia. Tính ra, ông ta được xem là “nhẹ tội” hơn những sĩ quan chế độ cũ đang bị Hà Nội giam giữ trong các trại “cải tạo.” Hà Nội đang cần những chuyên viên do Mỹ huấn luyện để bổ sung cho Sư Đoàn Công Binh 476 xây dựng cầu đường tại tỉnh Darlac, Sông Bé và Tây Ninh là những tỉnh nằm dọc theo biên giới Việt Miên. Ông ta đồ chừng Việt Nam đang có kế hoạch gì đó trong lãnh thổ Cam Bốt và công việc nầy được bắt đầu từ mùa Hè năm 1978, khi có lệnh sửa gấp những con đường dẫn tới Cam Bốt. Từ tháng Mười, quân đội Việt Nam Cộng Sản đã chiếm đóng một dãi đất chạy dọc theo biên giới hai nước. Tới giữa tháng Muời một thì Việt Nam mở cuộc tấn công lớn vào tỉnh Kratie của Cam Bốt dọc theo Quốc Lộ 13. Một trận đánh đẫm máu xảy ra, tiêu diệt một sư đoàn Khmer Đỏ và chiếm một vùng được xem là “khu giải phóng”. Tuy nhiên, đối với Đinh Cẩn (Căn), việc đó chưa rõ ràng lắm. Mãi đến cuối tháng đó, ông ta thấy một chiếc trực thăng đáp xuống giữa đám bụi đỏ quay tròn tại bộ chỉ huy của đơn vị ông ta gần biên giới hai nước. Ông ta ngạc nhiên khi thấy các vị khách không ai khác hơn là Lê Đức Thọ và Tướng Đồng Văn Cống, phó tư lệnh Quân Khu 7 của Việt Nam Cộng Sản. Họ tới để giám sát việc thành lập tổ chức kháng chiến Cam Bốt và việc thành lập bộ chỉ huy tiền phương của quân đội Việt Nam Cộng Sản.
Địa điểm nầy được chọn để cho thế giới biết Mặt Trận Giải Phóng Cam Bốt mới được thành lập (The Kampuchean National United Front for National Salvation – Mặt Trận Đoàn Kết Quốc Gia Cứu Quốc – viết tắt là KNUFNS) nằm sâu trong nội địa Cam Bốt khoảng hai dặm. Nơi nầy là một khoảng đất trống giữa một đồn điền cao su ở phía đông Cam Bốt, gần thị trấn Snoul. Cẩn lái một chiếc xe ủi đất vào đây để ủi mặt bằng. Các binh lính của đơn vị 476 dựng khán đài và hệ thống loa truyền thanh. Buổi sáng ngày 2 tháng Chạp 1978, vài ngàn người Khmer tập trung ở đây dưới ánh mặt trời chói chang để chứng kiến lễ ra mắt “Mặt trận Đoàn kết Quốc gia Cứu Quốc”. Hầu hết đàn ông và đàn bà tập trung về đây là những người đang sống trong các trại tị nạn ở Việt Nam và được xe vận tải chở tới. Vài trăm binh sĩ, gồm cả những người đào ngũ khỏi Khmer Đỏ cũng như những người được huấn luyện tại Việt Nam cũng được tập trung về đây, hân hoan trong bộ quần áo và mũ màu xanh lá cây. Một bài quốc ca mới được hát lên trong khi một chục lá cờ mới màu đỏ và vàng của mặt trận bay phất phới trong cơn gió nhẹ.
Hết người nầy đến người khác, 14 thành viên trong Ủy Ban Trung Ương được choàng vòng hoa khi họ được giới thiệu giữa tiếng hoan hô vang dậy. Chủ tịch Mặt Trận là Heng Samring, đọc chương trình của Mặt Trận trong khi đám đông đưa nắm tay lên hoan hô. Sau cuộc họp, Heng Samring tới cám ơn Lê Đức Thọ đang đứng xa xa để nhìn như gà mẹ nhìn đàn gà con. Samring tươi cười nói với Thọ: “Tôi không ngờ Ngài tổ chức việc nầy hoàn hảo đến như vậy.”
Sau cuộc “mít tin”, các đơn vị quân kháng chiến và các nhà lãnh đaọ Mặt Trận đến thăm các làng dọc biên giới, nơi những đơn vị Khmer Đỏ đã rút lui. Họ giải thích cho dân chúng chương trình mười một điểm của Mặt Trận để lật đổ chế độ Pol Pot và bảo tồn đời sống gia đình, chợ búa, tiền bạc và tôn giáo và chấm dứt chiến tranh biên giới với Việt Nam.(35) Một đài phát thanh đặt ở thành phố Hồ Chí Minh mệnh danh là “Tiếng Nói Nhân Dân Cam Bốt” bắt đầu phát thanh chương trình của Mặt Trận và các bài tường thuật về cuộc đấu tranh của họ. Hàng ngàn truyền đơn được thả xuống các tỉnh dọc theo biên giới Cam Bốt, kêu gọi nhân dân đứng lên lật đổ chế độ hiện tại ở Phnom Pênh.
Việc xây dựng Mặt Trận trông giống như một cuốn phim cũ đem chiếu lại. Hai mươi tám năm sau khi Việt Nam giúp đỡ để xây dựng tổ chức đầu tiên giải phóng quốc gia – Mặt trận Issarak Đoàn kết – để chống lại chế độ thực dân Pháp và tám năm sau khi tay bắt tay chống Mỹ, Mặt Trận Đoàn Kết Quốc Gia Cam Bốt do Việt Nam đỡ đầu khơi dậy một cuộc đấu tranh “giải phóng quốc gia” khác ở một nước láng giềng. (36) Chính Lê Đức Thọ, nhà lãnh đạo Việt Nam chịu trách nhiệm việc huấn luyện cán bộ kháng chiến Khmer, là người đã dựng nên Mặt Trận Issarak Đoàn Kết và lãnh trách nhiệm Bộ Chính Trị Đặc Biệt cho Cam Bốt từ năm 1966. Tuy nhiên, kẻ thù lúc nầy không phải là thực dân Pháp, cũng không phải là Đế quốc Mỹ mà chính là những người một thời họ là liên minh của Cộng Sản Hà Nội.
Một biểu tượng đấu tranh, tượng trưng cho truyền thống liên minh Việt Nam-Cam Bốt cũ, là ngọn cờ mới: Năm ngọn tháp màu vàng trên nền đỏ. Lá cờ nầy khởi nguyên từ Khmer Issarak hồi thập niên 1950 đã bị nhóm Pol Pot loại bỏ năm 1975 khi nước Cam Bốt Dân chủ chọn lá cờ ba ngọn tháp màu đỏ.
Tuy nhiên, tính biểu tượng đã bị người dân Cam Bốt bỏ mất vì quan tâm chính của họ là sự còn mất của gia đình và bạn bè họ vẫn còn nằm trong sự kiểm soát của Khmer Đỏ. Đó là sự thù ghét có tính cách chung đối với chế độ Pol Pot, đã đưa họ tới đặt mình dưới sự chỉ dẫn của Việt Nam CS, tập họp rời rạc những người sống sót -những người tỵ nạn thuộc giai cấp trung lưu trốn thoát được, những người đào thoát khỏi Khmer Đỏ. Những người Khmer được tập họp lại là những người đã bị thất tán gia đình và số đông họ nghi ngờ về lý do bí mật của Việt Nam. Tuy nhiên, họ không có sự chọn lựa nào khác ngoài trợ giúp của Việt Nam CS để chống lại một chế độ giết người đang đe dọa cả nước Cam Bốt. Mười bốn thành viên Ủy Ban Trung Ương trình diện trong cuộc “mít tin” là những người đại diện cho một sự tập hợp không có gì chặt chẽ. Sáu người trong số họ, gồm cả Chủ Tịch Heng Samring là những cán bộ cũ của Khmer Đỏ, bốn người là đảng viên Đảng Cộng Sản Cam Bốt thân Hà Nội (Khmer Issarak). Những người khác thuộc thành phần trí thức thành thị và một nhà sư. (38)
Trong khi cuộc “mít tin” đang diễn tiến, các đơn vị quân đội thường trực Việt Nam Cộng Sản bọc theo vòng ngoài khu vực và những tay súng phòng không mắt hờm sẵn về phía chân trời. Sau khi lễ ra mắt hoàn tất, Đinh Cẩn (Căn) và những người trong nhóm ông ta được lệnh khai hoang một khu rừng gỗ nằm xa hơn một dặm trong lãnh thổ Cam Bốt, thuộc tỉnh Kratié dùng để đặt bộ chỉ huy tiền phương của quân đội Việt Nam Cộng Sản. Các bồn chứa bằng nhôm, – của quân đội Mỹ trước kia xử dụng ở Việt Nam -, chở tới. Các ngôi nhà bằng tranh được dựng lên và các công sự chiến đấu xây đắp. Máy điện, máy truyền tin đặt dưới các tàng cây to. Bộ chỉ huy, được gọi là “Tiền Phong” hay “Vanguard” chẳng bao lâu tạo nên bão táp trên lãnh thổ Cam Bốt.
Chiến dịch bắt đầu
Tuy nhiên phát súng lệnh của chiến dịch quân sự được bắn ra ở Ban Mê Thuột, một thành phố nằm ở trung tâm Cao Nguyên. Việc chiếm được thành phố nầy đã là một cuộc tấn công ngạc nhiên hồi tháng Ba 1975, đánh dấu việc mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh, chấm dứt bằng việc chiếm đóng Sài Gòn. Thành phố có tính chiến lược nầy, lại một lần nữa được chọn làm nơi tự hào cho lịch sử quân sự Việt Nam. Nửa đêm ngày 24 tháng Chạp, khi tiếng chuông nhà thờ ngân vang, Tướng Chu Huy Mân, chính ủy Quân Ủy Trung Ương Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (VPA) rút súng bắn lên không phát súng lệnh để chính thức mở đầu chiến dịch. Tướng Chu Huy Mân từ Hà Nội tới để làm lễ xuất quân cho đạo quân do Tướng Hoàng Cầm chỉ huy. Về sau, một viên chức Việt Nam nói với tôi: “Tướng Hoàng Cầm biết rõ vùng phía đông Cam Bốt như biết rõ lòng bàn tay ông ta vì ông ta đã chỉ huy những chiến dịch quân sự chống Lon Nol hồi thập niên 1970”. Dưới bầu trời lạnh và đầy sao, những đoàn chiến xa T-54 và những xe vận tải chở đầy binh lính bắt đầu tiến theo Quốc Lộ 14, hướng tới biên giới Cam Bốt. Trong vòng 5 ngày, quân đội Việt Nam đánh tan các đồn binh Khmer Đỏ và chiếm thủ phủ tỉnh Kratie. (39)
Kratie là một thành phố mà người Việt Nam biết rất rõ. Sau khi “giải phóng” thành phố nầy khỏi tay Lon Nol hồi thập niên 1970, Việt Nam Cộng Sàn đã thiết lập một trường quân sự ở đây để huấn luyện hàng trăm cán bộ Khmer Đỏ. Giờ đây, chín năm sau, Việt Nam CS lại chộp lấy thành phố nầy khỏi tay những người học trò cũ để giao lại cho đồng minh Khmer mới.
Tháng Giêng 1979, từ Lào, lực lượng quân sự Việt Nam tiến dọc theo sông Mê Kông xuống chiếm đóng thành phố thứ hai, tỉnh lỵ Stung Treng. Chiếm được hai thành phố lớn trên sông Mê Kông, quân Việt Nam đã cắt đứt liên lạc bốn tỉnh phía Đông Bắc với các tỉnh còn lại của Cam Bốt. Mặc dù các tỉnh nầy có dân cư thượng du thưa thớt, với nhiều ngọn đồi và rừng rậm bao phủ vùng Đông Bắc, hồi thập niên 70 là căn cứ chống Lon Nol, giờ đây trở thành “khu giải phóng” cho mặt trận Khmer mới.
Trong khi đó, các sư đoàn quân Việt Nam thuộc Quân Khu 7 và Quân Khu 9, dưới quyền chỉ huy tổng quát của \Tướng Lê Đức Anh bắt đầu mở cuộc tấn công lớn theo Quốc Lộ 1 và Quốc Lộ 7, cả hai đạo quân nầy đều nhắm tới sông Mê Kông. Gần một tuần lễ trước khi mở chiến dịch có xe tăng dẫn đầu nầy, lực lượng Không Quân Việt Nam gia tăng đánh phá các vị trí Khmer Đỏ. Vì tập trung gần ba chục ngàn binh sĩ – một nửa quân đội thường trực Khmer Đỏ -, trong một vùng đất có hình vòng cung dọc theo khu vực có tên gọi là Mỏ Vẹt và Lưỡi Câu gần biên giới Việt Nam, Pol Pot đã làm cho số quân nầy bị tiêu diệt dễ dàng. Đạo quân nầy bị tàn sát vì đại pháo và không tập sau khi bị không thám phát hiện. Đáng ngạc nhiên là sức kháng cự của lực lượng dân quân Pol Pot, những người được biết là giết người bằng dao và mã tấu, không có thì giờ để được huấn luyện lái máy bay hay dùng súng phòng không. Hầu hết các cố vấn Trung Hoa và chuyên viên quân sự vội vàng rút ra phía biển, để lại các toán quân của Pol Pot chưa được huấn luyện nầy tự bảo vệ lấy họ. Hàng mấy dãy máy bay Mig-19 mới toanh sơn màu cờ Cam Bốt Dân Chủ nằm im ở phi trường Pochentong, nhiều chiếc nệm ghế còn bọc ny lông khi quân Việt Nam tiến chiếm Phnom Pênh và rồi Việt Nam tuyên bố thắng trận.
Mặc dù đã có không tập, cuộc tấn công trên bộ cũng không dễ dàng. Đại Tá Bùi Tín, quan sát từ trên trực thăng và chụp hình, nói với tôi trận đánh nặng nhất của chiến cuộc nầy trước khi chiếm Phnom Pênh là trận ở khu vực Lưỡi Câu. Trận đánh kéo dài khốc liệt hai ngày khi quân đội Việt Nam Cộng Sản cố gắng vượt qua tuyến phòng ngự dọc theo các kinh đào và các bãi mìn. Khi vượt qua được tuyến phòng ngự nầy rồi, quân đội Việt Nam Cộng Sản tiến nhanh tới sông Mê Kông, đối diện với tỉnh lỵ Kompong Cham. Hai trận đánh lớn khác là trận Neak Luong, bến phà trên Quốc Lộ 1 và trận Tani, (tỉnh Takeo) trên Quốc Lộ 3 dẫn ra biển. (40) Một lực lượng biệt kích Việt Nam Cộng Sản tiến tới bờ sông Tonle Sap, đối diện với Phnom Penh. Buổi sáng ngày 2 tháng Giêng họ cố gắng vượt qua sông để “giải thoát” Thái Tử Sihanouk khỏi nơi ông cư trú đang bị canh gác chặt chẽ. Tuy nhiên, họ thất bại. Sihanouk nói với tôi trong tiếng thở dài tiếc rẽ: “Họ cố vượt qua sông để bắt cóc tôi nhưng họ đã bị giết hết. Vào lúc đó tôi chẳng biết tại sao bất thần buổi tối đó (2/ tháng Giêng) Khiêu Samphan đến nói với tôi: “Ngài có 15 phút để chuẩn bị rời khỏi nơi nầy. Sau đó họ đưa tôi đi Battambang rồi Sisophon”. (41)
Đến ngày 4 tháng Giêng, quân Việt Nam kiểm soát toàn bộ khu phía Đông sông Mê Kông gồm 7 tỉnh nhưng viễn tượng đưa ông Hoàng Sihanouk lên làm lãnh đạo Mặt Trận Cứu Nguy kiểm soát “vùng giải phóng” nầy coi như tan biến.
Sau một ngày tình hình lắng dịu, lệnh cuối cùng của Bộ Chính Trị ban ra ngày 4 tháng Giêng: “Tiến tới Phnom Pênh.” Ngày 6 tháng Giêng, các đơn vị quân đội Việt Nam vượt sông Mê Kông ở bến phà Neak Luong và phía bắc tỉnh Kompong Cham. Cầu nổi do Liên Sô chế tạo và những chiếc phà lớn do Mỹ sản xuất được đưa từ Việt Nam tới để đưa xe tăng và quân lính vượt sông. Chẳng bao lâu, 9 trong số 12 sư đoàn quân Việt Nam với ba trung đoàn đi tiên phong từ phía Tây Nam và hướng bắc tiến vào Phnom Pênh. Buổi sáng ngày 7 tháng Giêng, pháo binh bắt đầu bắn vào ngoại ô Phnom Pênh. Hai con đường quan trọng tiến tới thủ đô – Quốc Lộ 1 và 7 đã bị khóa chặt vì các đoàn quân Việt Nam đang tiến vào thủ đô.
Tiệc tùng chấm dứt
Quan sát mọi mặt, khung cảnh ngày cuối cùng của thành phố Phnom Pênh trông giống như trong một cuốn phim của Fellini. Độc nhứt chỉ còn bệnh viện hoạt động đầy đặc thương binh từ mặt trận chuyển về. Hàng trăm người nằm trong sân và trên những con đường chung quanh bệnh viện, đầy máu và ruồi. Họ kêu la hấp hối. Các nơi khác trong thành phố lúc nầy người ta tiệc tùng kỷ niệm. Mùa cá truyền thống bắt đầu từ cuối tháng Chạp và đầu tháng Giêng khi các đăng lưới cá đặt trên sống Tonle Sap thu hàng tấn cá. Buổi sáng ngày 6 tháng Giêng hai chiếc xe tải đầy cá được chở tới trại “Bar 30”, một khu trại của các cán bộ trẻ và gia đình họ. Đối với những người dân gần chết đói cả tháng nay, hình ảnh những chiếc xe chở đầy cá như thế làm họ phấn khởi. Tức thì không khí hội hè diễn ra. Mọi người bận rộn lo làm cá kẻo sợ ươn. Các người trong trại lo ăn trưa rồi chuẩn bị cá cho buổi tối và để dành cho những tháng sắp tới. Nhưng bất thình lình tiệc tùng chấm dứt. Lệnh ban ra là phải di tản tức khắc. “Đi ngay tức khắc”. Một người đàn bà chưa tin hỏi: “Còn cá của chúng tôi thì sao?”. Một đống cá cao tới mấy “fít” đang nằm trong nhà bếp cộng đồng lấp lánh dưới ánh đèn dầu hôi mờ mờ, như nỗi kinh hoàng của những người trong trại. (42)
Một buổi tiệc khác cũng bị bỏ dở ở nhà máy dệt không xa trại nầy bao nhiêu. Cùng một ngày Khmer Đỏ cho phép công nhân giết heo và gà để tổ chức tiệc tùng kỷ niệm năm đầu tiên “chiến thắng lịch sử” đánh bại Việt Nam. (42)
Rõ ràng cuộc tấn công của Việt Nam dịu lại kể từ đêm 3 tháng Giêng, tạo cho Phnom Pênh không khí an toàn giả tạo. Ngay buổi tối 5 tháng Giêng, Pol Pot nói với Sihanouk một cách tin tưởng rằng lực lượng quân sự của y sẽ quét sạch quân đội Việt Nam ra khỏi Cam Bốt. Mặc dù Bắc Kinh khuyến cáo Khmer Đỏ nên xây dựng khu dự trữ trong vùng núi Cardamon khi phải bỏ thủ đô và mặc dù trong cuộc phỏng vấn của Tân Hoa Xã hồi 11 tháng Chạp, Pol Pot tuyên bố chính phủ ông ta sẵn sàng đối đầu khi quân đội Việt Nam tấn công trong một cuộc “chiến tranh trường kỳ”, đơn giản là họ không tiên liệu được sức phòng ngự của họ bị sụp đổ hết sức bất ngờ. Tới lúc Pol Pot thấy không thể chiến thắng thì đã quá trễ. Trong vòng 24 tiếng đồng hồ thủ đô Phnom Pênh bị bỏ ngõ, bỏ lại những bữa ăn chưa xong và hàng tấn cá ươn thúi, cả những hàng núi vũ khí đạn dược và hồ sơ lưu trữ các bản tự khai của nhà tù Toul Sleng. Ngay cả với một nhân vật đang bị chế độ tầm nã, Deuch, người đứng đầu trại tù Toul Sleng, hầu như cũng bị bỏ lại. Ông nầy chuồn ra khỏi Phnom Pênh dễ dàng khi quân Việt Nam tiến vào. Đại sứ Trung Hoa và hàng trăm cố vấn Trung Hoa cũng rời Phnom Pênh đúng lúc, nhưng họ phải bỏ lại mọi thứ. Với Việt Nam, điều họ thích thú nhất là tìm thấy trong Tòa Đại Sứ Trung Hoa một hầm đầy rượu “cô nhắc” của Pháp.
Việc Phnom Pênh sụp đổ có làm cho Việt Nam ngạc nhiên hay không? Không có câu trả lời sẵn. Không giống như “chiến dịch Hồ Chí Minh” chiếm đóng Sài Gòn, chiến thắng đem lại hai cuốn hồi ký của hai tướng Cộng Sản tham dự chiến dịch đó. (34) Chẳng có ai viết hồi ký về cuộc mạo hiểm của Việt Nam trên lãnh thổ Cam Bốt.
Những hồi ký như thế về cuộc chiến năm 1975, tiết lộ là theo kế hoạch đầu tiên của Bộ Chính Trị Cộng Sản Việt Nam thông qua hồi tháng Chạp năm 1974, Quân Đội Nhân Dân Việt Nam thực hiện từng bước đấu tranh chính trị và quân sự trong các năm 1975-76 “làm thế nào để tạo ra những điều kiện tiến tới thực hiện tổng tấn công và nổi dậy… và giải phóng miền Nam.” (45)
Nhưng sau cuộc tấn công sơ khởi ở miền Cao Nguyên hồi tháng Ba 1975, chế độ miền Nam sụp đổ mau lẹ đến nổi Bộ Chính Trị quyết định nắm lấy thời cơ và “giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa”. Có phải việc chiếm đóng Phnom Pênh là lặp lại việc chiếm đóng Sài Gòn bốn năm trước đó? Hay Việt Nam đã có kế hoạch chiếm đóng toàn bộ Cam Bốt và thành lập một chế độ lệ thuộc? Quan sát việc quân đội Việt Nam tiến nhanh vào thủ đô Phnom Pênh và thành lập chính phủ mới, hầu hết các quan sát viên kết kuận rằng quả thật đây là mục tiêu của họ. Tuy nhiên cũng không có gì nổi bật để kết luận như thế. Giống như điều đã xảy ra ở Sài Gòn năm 1975, việc chiếm đóng Phnom Pênh cũng vậy, có thể đó là cơ may có chiến lược.
Chứng cớ lý thú nhất về giả thuyết đó là ở cuộc phỏng vấn hai nhân vật lãnh đạo Mặt Trận Cứu Nguy: Chea Soth, một trong những người xây dựng Mặt Trận và là một thành viên Bộ Chính Trị của đảng Nhân Dân Cách Mạng Cam Bốt (Kampuchea People’s Revolutionary Party -viết tắt là KPRP) nói với Stephen Heder năm 1981, thoạt tiên họ không nghĩ có thể chiếm lấy toàn bộ đất nước. Ông ta nói: “Đúng ra, chúng tôi nghĩ phải có một thời kỳ chiếm đóng một nửa đất nước, một nửa bờ sông Mê Kông và để phía bên kia cho Pol Pot”. Kế hoạch đó đã thay đổi sau khi quân đội Việt Nam giành được chiến thắng quân sự đầu tiên: Chiếm Phnom Pênh và chiến đấu trường kỳ. “Chúng tôi không nghĩ là chúng tôi chiếm được toàn bộ đất nước cùng một lúc. Nhưng sau khi tấn công và không thấy sức kháng cự đáng kể, họ (lực lượng Pol Pot) chỉ rút lui mà thôi thì chúng tôi cứ thế mà tiến tới. Khi chúng tôi nắm được tình hình (Phnom Pênh đã bỏ trống) thì chúng tôi vào ngay thành phố nầy. Chẳng có nơi nào còn lại mà không bị chiếm”.
Một ủy viên khác của Ủy Ban Trung Ương Đảng Nhân Dân Cách Mạng Cam Bốt, Hem Saming cũng nói với Heder trong một cuộc phỏng vấn khác là: Kế hoạch nguyên thủy chỉ tấn công và “chiếm đóng một nửa bờ sông Mê-kông. Nhưng khi tấn công và truy kích chúng thì chúng tôi thấy dễ quá. Chúng tôi cứ thế mà tiến tới”. (47)
Những điều nầy hỗ trợ cho những chứng cớ rõ ràng việc chuẩn bị gấp rút của Mặt trận để nắm lấy tình hình. Cuộc tấn công bắt đầu hồi cuối tháng Chạp thì chưa tới ngày 6 tháng Giêng Mặt trận đã “tức tốc” công bố chương trình tám điểm để thi hành trong vùng giải phóng Cam Bốt. Chương trình nầy được thông qua ngày 5 tháng Giêng sau nhiều lần trì hoãn cuộc họp được triệu tập ở Mimot trong tỉnh Kompong Cham để tái tổ chức đảng Cọng sản. Đại hội đang tiến hành nhằm bầu lãnh tụ mới và các thành viên chính thì ngay trưa ngày 7 tháng Giêng “tin điện báo cho biết Phnom Pênh đã được giải phóng. Đảng vừa mới thành lập tức thì kêu gọi tinh thần trách nhiệm 66 đại biểu đang họp hôm đó”.(48)
Ngày 8 tháng Giêng, trong khi những người lãnh đạo Mặt trận đang chờ có được tin tức rõ ràng hơn từ phía quân đội Việt Nam đưa tới để tiến vào Phnom Pênh thì đài phát thanh của Mặt trận loan tin sau khi “lực lượng quân đội cách mạng và nhân dân Cam Bốt” giải phóng Phnom Pênh, một Hội đồng Cách mạng gồm 8 thành viên được thành lập do Heng Samring lãnh đạo. Vị cựu tư lệnh sư đoàn Khmer Đỏ, người đã đào thoát qua Việt Nam chỉ bốn tháng trước đây bất thần trở thành quốc trưởng nước Cam Bốt.
Việc vội vàng ra lệnh cho các nhân viên dân sự Việt Nam -kỹ thuật viên và hành chánh- lãnh mọi trách nhiệm ở Cam Bốt chứng tỏ có thiếu sót trong kế hoạch của Việt Nam dự trù chiếm đóng Cam Bốt. Một điều thích thú khác cho thấy mục tiêu đầu tiên của Việt Nam có thể là chưa kiểm soát toàn bộ Cam Bốt là thật vì theo sự quan sát của tình báo Mỹ, xe tăng Việt Nam hết xăng nửa đường khi họ tiến về tỉnh Kopmpong Thom trên quốc lộ 6. Trong khi chờ được tiếp tế nhiên liệu, vài chiếc đã bị Khmer Đỏ bắn hạ khi bọn nầy rút lui. Việc chờ đợi nhiên liệu kéo dài cả tuần lễ trước khi đoàn xe tăng tới được thành phố Battambang.(49)
Mặc dù tới tuần lễ thứ ba của tháng Giêng, việc chiếm đóng toàn bộ những khu chiến lược của Cam Bốt – bao gồm những thành phố lớn và những con đường chiến lược cũng chưa xong, mãi tới trước tháng Tư 1979 cùng với chính lực lượng tăng phái, Việt Nam mới có thể mở ra cuộc tấn công chính vào tuyến phòng thủ Ta-Sanh do Khmer Đỏ dựng lên gần biên giới Thái Lan khi họ rút lui.
Kể từ chuyến bay cuối cùng cất cánh ở phi trường Pochentong hôm 6 tháng Giêng và chuyến xe lửa cuối cùng, trên đó có Ieng Sary rời Phnom Pênh vào sáng ngày 7 tháng Giêng, với người Cam Bốt, biên giới Thái Lan là con đường độc nhất để tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Các nhà ngoại giao Trung Hoa, Nam Tư và các nước khác nữa có trụ sở ở Phnom Pênh cũng như hàng mấy trăm cố vấn và kỹ thuật viên Trung Hoa lo lắng và lếch thếch đổ xô qua biên giới để tìm nơi an toàn trong lãnh thổ Thái. Một quan chức Bộ Ngoại Giao Thái kể lại: “Đối với Trung Hoa, đó là giây phút nhục nhã. Trước kia chẳng bao giờ có sứ bộ của Trung Hoa phải trốn chạy khỏi một nước chư hầu một cách nhục nhã như vậy.” Dĩ nhiên Thái Lan đón tiếp họ với thái độ nhã nhặn nhứt. Họ kín đáo sắp đặt những chuyến bay Boeing 707 của Trrung Hoa hạ cánh xuống Thái Lan, đáng mỉa mai lại là đáp xuống chính ngay căn cứ Mỹ cũ ở Utapao để đón những người Trung Hoa di tản từ Cam Bốt sang. Chỉ mấy năm trước thôi, Trung Hoa lớn lối tuyên bố những căn cứ Mỹ ở Thái Lan là bàn đạp cho “cuộc xâm lăng của Đế quốc Mỹ”.
Ngày 11 tháng Giêng/1979, Ieng Sary chạy tới biên giới Thái Lan, vừa đói vừa mệt. Trong cuộc tháo chạy hỗn loạn đó, ông ta bị mất dép. Các nhà ngoại giao Trung Hoa ở Băngkok phải đem quần áo và giày mới tới cho ông. Một chiếc máy bay trực thăng của quân đội Thái bí mật chở ông ta và các cọng sự -gồm những người làm việc cho đài phát thanh Phnom Pênh – tới phi trường Đôn-Mường của Bangkok. Ở đây, họ được đưa lên một chuyến bay quốc tế thường lệ của hãng hàng không Thái để đi Trung Hoa qua ngã Hồng Kông.
Sứ mạng bí mật ở Utapao
Tài liệu Việt Nam bắt đưọc ở Utapao, bao gồm cả những bản phiên dịch các cuộc nói chuyện của các nhà lãnh đạo Trung Hoa và Ieng Sary trong bốn lần khác nhau. Trong cuộc họp ngày 13 tháng Giêng/1979, Đặng đã rầy rà Sary về “chiến dịch thanh trừng do đồng chí chỉ đạo là hết sức thừa thải và bao quát”. Đối với cuộc thanh trừng của Khmer Đỏ, Đặng giận dữ nói với Sary rằng y đã tạo nhiều bất lợi cho Trung Hoa và đem lại “kết quả hoàn toàn vô ích”. Ông ta chỉ ra một ví dụ: đoàn kết với kẻ thù ít thù địch hơn, như một thời Cọng sản Trung Hoa liên minh với Tưởng Giới Thạch trong chiến tranh Hoa-Nhật và ông ta thúc đẩy Sary phải lôi kéo Thái Tử Sihanouk vào chung một mật trận. Ông ta nói “Chúng ta sẽ mất mát nhiều nếu chúng ta không liên kết được với thái tử. Để nắm lấy cơ may và trong tương lai gần, tôi yêu cầu ông phải đưa thái tử lên ngôi vị nguyên thủ quốc gia. Đồng chí Pol Pot sẽ làm thủ tướng kiêm bộ trưởng quốc phòng và tư lệnh tối cao”. Nếu đảng Cọng sản Cam Bốt đồng ý với đề nghị đó thì Trung Hoa sẽ “giúp một tay”. Đặng gay gắt đưa ra một cái giá. Ông ta khuyến cáo Sary phải thay đổi giọng điệu tuyên truyền. “Lúc nầy không nên đặt vai trò đảng lên hàng đầu, nên nhấn mạnh tới chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa quốc gia và dân chủ”.
Tài liệu Việt Nam bắt đưọc ở Utapao, bao gồm cả những bản phiên dịch các cuộc nói chuyện của các nhà lãnh đạo Trung Hoa và Ieng Sary trong bốn lần khác nhau. Trong cuộc họp ngày 13 tháng Giêng/1979, Đặng đã rầy rà Sary về “chiến dịch thanh trừng do đồng chí chỉ đạo là hết sức thừa thải và bao quát”. Đối với cuộc thanh trừng của Khmer Đỏ, Đặng giận dữ nói với Sary rằng y đã tạo nhiều bất lợi cho Trung Hoa và đem lại “kết quả hoàn toàn vô ích”. Ông ta chỉ ra một ví dụ: đoàn kết với kẻ thù ít thù địch hơn, như một thời Cọng sản Trung Hoa liên minh với Tưởng Giới Thạch trong chiến tranh Hoa-Nhật và ông ta thúc đẩy Sary phải lôi kéo Thái Tử Sihanouk vào chung một mật trận. Ông ta nói “Chúng ta sẽ mất mát nhiều nếu chúng ta không liên kết được với thái tử. Để nắm lấy cơ may và trong tương lai gần, tôi yêu cầu ông phải đưa thái tử lên ngôi vị nguyên thủ quốc gia. Đồng chí Pol Pot sẽ làm thủ tướng kiêm bộ trưởng quốc phòng và tư lệnh tối cao”. Nếu đảng Cọng sản Cam Bốt đồng ý với đề nghị đó thì Trung Hoa sẽ “giúp một tay”. Đặng gay gắt đưa ra một cái giá. Ông ta khuyến cáo Sary phải thay đổi giọng điệu tuyên truyền. “Lúc nầy không nên đặt vai trò đảng lên hàng đầu, nên nhấn mạnh tới chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa quốc gia và dân chủ”.
Đặng thông báo cho Sary biết Trung Hoa dành một số tiền 5 triệu đồng cho Cam Bốt. Khi tiền nầy hết, sẽ được bổ sung thêm. Đặng hỏi: “Làm thế nào để chuyển số tiền này đi? Qua ngã Băng Cốc? Qua ngã Kriengsak? Qua ngân hàng Thái lan?” Y dè dặt đề nghị: “Chúng tôi muốn đưa vào trương mục của Tòa Đại Sứ Trung Hoa ở Bangkok”. (50)
Ngày 13 tháng Giêng, trong cuộc họp mấy giờ đồng hồ giữa Đặng và Ieng Sary, hai nhà chiến lược hàng đầu của Trung Hoa – Ủy Viên Bộ Chính Trị Geng Biao và Thứ Trưởng Ngoại Giao Hàn Niệm Long, vội vàng tới phi trường Bắc Kinh để đáp máy bay Boeing 707 của hãng Hàng Không Quốc Gia (CAAC) với một sứ mạng bí mật. Chuyến bay được sắp đặt vội vàng nầy nhằm đưa Geng và Hàn cùng vài thành viên cao cấp của bộ Tổng tham mưu quân đội Nhân dân Trung Hoa đi Utapao. Thủ Tướng Thái Lan Kriengsak tới phi trường nầy đón khách. Ngày 14 tháng Tư có cuộc họp lâu dài giữa hai bên để điều hòa hợp tác Hoa-Thái về cuộc chiến ở Cam Bốt. Bao nhiêu nước trên sông Mê Kông đã “chảy qua cầu” từ khi Đặng đưa ra ý kiến hợp tác của Trung Hoa để nâng đỡ Khmer Đỏ. Trong khi vẫn duy trì thế đứng trung lập, Kriengsak bây giờ sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh. Về sau, theo một viên chức cao cấp của Thái tiết lộ, trong cuộc họp bí mật giữa Trung Hoa và các nhà lãnh đạo quân sự Thái, những điều căn bản về hợp tác Hoa-Thái được sắp đặt.(51) Sau một ngày họp, quan chức Trung Hoa bay về lại Bắc Kinh cùng với Sun Hao, đại sứ Trung Hoa tại Phnom Pênh mới di tản ra khỏi Cam Bốt và một trong những thỏa ước quan trọng nhất đã được thông qua. Kriengsak đồng ý cho xử dụng lãnh thổ Thái lan để tiếp tế cho Khmer Đỏ, giúp vận chuyển và phương tiện di chuyển cho người và hàng tiếp liệu Khmer Đỏ, giúp đỡ các lãnh tụ Khmer Đỏ dùng ngõ Thái-Lan để tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Điều đó cho thấy có bước mở đầu quan hệ chiến lược của Bắc Kinh ở Đông Nam Á thời kỳ hậu-Việt Nam. Hai tàu chở hàng đầy vũ khí tới Cam Bốt khi Phnom Pênh thất thủ nay được lệnh tới cảng Thái Lan ở gần Cam Bốt. Máy bay Trung Hoa cũng thực hiện những chuyến bay bí mật chở tiếp liệu khẩn cấp tới căn cứ không quân cũ của Mỹ ở Takhli (Thái Lan).
Ngày 16 tháng Giêng, hai ngày sau khi có cuộc họp Thái-Hoa, đài phát thanh Cam Bốt Dân Chủ ngưng phát thanh từ ngày 7 tháng Giêng, bây giờ lại lên tiếng cùng với những giọng nói cũ, đòi hỏi cũ về cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống Việt Nam xâm lược. Theo tình báo Hoa Kỳ ghi nhận, có điều khác là làn sóng điện đài bá âm nầy phát đi qua trạm chuyển tiếp trong nội địa Trung Hoa.
Trong khi những công việc cơ bản được đặt ở Thái lan để hỗ trợ cho phong trào chiến tranh du kích chống Việt Nam -Đúng như đường lối Đặng đã vạch ra trong chuyến đi thăm Thái Lan của ông hai tháng trước đó -Trung Hoa bắt đầu chuyển đại quân, thiết giáp và không quân gần tới biên giới Việt Nam hơn. Trong chuyến đi Thái Lan, cố gắng của Geng Biao thực ra là hoan nghênh Kriengsak trong vai trò mới, vai trò liên kết với Khmer Đỏ để trừng phạt Việt Nam trong tương lai. Ông nầy nói với nhà lãnh đạo Thái: “Không chỉ đơn giản là đe dọa mà Trung Hoa gởi quân tới Quảng Đông và Vân Nam, chúng tôi dự đoán mọi phản ứng”. (53)
Brzexinski thắng một trận ở Hoa Thạnh Đốn
Công bố việc quan hệ bình thường với Hoa Kỳ và đã kích quan hệ Đài Loan- Hoa Thịnh Đốn, giờ đây có thể làm cho Trung Hoa chuyển nhiều sư đoàn từ các tỉnh ở eo biển Đài Loan tới biên giới Hoa-Việt hay Nga-Hoa. Cuối tháng Giêng, vài trong số 17 sư đoàn quân đội thường trực, tức là vào khoảng 225 ngàn người được tập trung ở vùng biên giới gần Việt Nam. Bảy trăm máy bay oanh kích và ném bom – đơn vị thứ năm của Không Quân Trung Hoa cũng được chuyển xuống những phi trường gần Việt Nam. Ngày 19 tháng Giêng, tình báo Mỹ gởi một “giác thư khẩn cấp” cho cấp lãnh đạo tối cao về các hoạt động quân sự Trung Hoa. Một vài viên chức, đặc biệt ở Bộ Ngoại Giao, hết sức quan tâm tới các hoạt động quân sự có tính cách chuẩn bị nầy để thực hiện một cuộc tấn công ngay trước ngày Đặng Tiểu Bình sang thăm Hoa Kỳ. Don Oberdorfer, một nhà ngoại giao Mỹ có vẽ giao động vì sự kiện nầy, nói với phái viên đặc trách vấn đề ngoại giao của tờ Washington Post: “Tôi không rõ ông ta (Đặng) đang muốn lôi kéo gì đây. Ông ta muốn đút đầu vào cuộc tấn công, ít ra cũng một chút hương thơm của cuộc xung đột”.(54) Richard Holbrooke, trước chuyến viếng thăm của Đặng, trong vòng một tuần lễ, hai lần triệu đại sứ Trung Hoa, Chai Zemin, ở Hoa Thịnh Đốn tới, lưu ý ông ta rằng việc tấn công Việt Nam trong khi Đặng đang viếng thăm Hoa Kỳ sẽ gây nhiều khó khăn cho chính phủ Hoa Kỳ. (55)
Trung Hoa bắt buộc, không phải vì họ không muốn gây phiền phức cho Hoa Thạnh Đốn, nhưng vì họ đã tính toán thời gian cho cuộc tấn công Việt Nam vào lúc đã định sẵn rồi. Hồi tháng Ba/1979, một viên chức Trung Hoa nói với tôi: “Khi phó Chủ tịch Đặng đi Hoa Thịnh Đốn, chúng tôi đã tính toán thời điểm cho cuộc tấn công. Không phải phó Chủ tịch đi Mỹ để Mỹ đồng ý, chỉ là một sự ủng hộ về tinh thần thôi.” Cuối cùng, Trung Hoa gặt hái được nhiều hơn thế. Lịch sử có tính cách mai mỉa: Trung Hoa tấn công Việt Nam với sự ủng hộ dè dặt của Hoa Kỳ. Nhiều người băn khoăn nhớ rằng một trong những lời biện minh việc Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam là ngăn chận “Trung Hoa bành trướng” và cái biểu hiệu của MACV (U.S. Military Assistance Command in Vietnam) là thanh gươm Mỹ đâm thủng “Vạn Lý Trường Thành” – biểu tượng của nước Tàu.
Đặng trực tiếp đưa ra nhiều đòi hỏi trong chuyến đi Hoa Kỳ của ông. Ông ta muốn đuợc ủng hộ và thông cảm về kế hoạch tấn công Việt Nam Cộng Sản, ảnh hưởng tới quyền lợi của Mạc Tư Khoa và Hà Nội, và gây ấn tượng cho những phần tử còn lưỡng lự trong đảng Cộng Sản Trung Hoa. Ngày 28 tháng Giêng, ngay đêm đầu tiên khi Đặng tới Hoa Thịnh Đốn, ông ta nói với Brzezinski rằng ông ta muốn họp riêng với Tổng Thống Carter để thảo luận vấn đề Việt Nam. Ngày hôm sau, tại cuộc hội kiến đầu tiên ở Tòa Bạch ốc, Đặng lưu ý Tổng Thống Carter “Cả hai nước Trung Hoa và Hoa Kỳ đã tiếp xúc lâu dài và không ưa thích gì Việt Nam Cộng Sản”. Buổi tối, lúc gần tới giờ nhập tiệc, ông ta lại muốn gặp riêng Tổng Thống Carter để thảo luận vấn đề hai bên cùng tin tưởng. Carter rời phòng họp và trở về Phòng Bầu Dục cùng với Mondale, Vance, Harold Brown và Brzezinski để nghe Đặng phác họa kế hoạch tấn công Việt Nam. Phì phà điếu thuốc là hiệu Panda, Đặng tuyên bố rằng Trung Hoa phải phá vở chiến lược của Liên Sô. “Chúng ta xem việc ấy là cần thiết để ngăn chận tham vọng điên cuồng của họ đối với Việt Nam và cho họ một bài học hạn chế thích đáng”. Đặng bảo đảm rằng cuộc tấn công hạn chế cả về mặt thời gian và không gian. Điều ông ta yêu cầu là Hoa Kỳ “ủng hộ tinh thần” đối với quốc tế. (56)
Cùng với việc Đặng đề nghị một thỏa hiệp chống Mạc Tư Khoa và tìm được sự hỗ trợ của Mỹ đối với việc tấn công Việt Nam của Đặng, sự đấu đá nhau giữa Brzezinski và Vance đạt tới một đỉnh cao mới. Ngay trước cuộc viếng thăm của Đặng, Vance tuyên bố chính sách của Mỹ đối với Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh “sẽ được cân bằng và không thiên lệch bên nào”. (57)
Để tránh lên tiếng cùng với Trung Hoa chống lại “chính sách bành trướng”, Bộ Ngoại Giao cố gắng không đưa ra một bản thông cáo chung nào. Nhưng Brzezinski lại thắng điểm trước Vance thêm một lần nữa. Không những Carter từ khước những cố gắng nầy, mà còn căn cứ trên lời đề nghị của Brzezinski, bác bỏ lời phát biểu chung về việc giữ cân bằng giữa hai nước và về hai bản công bố trước giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ mà mối quan hệ giữa hai bên là “không liên hệ trực tiếp gì đối với nước khác”. Ngay trước cuộc họp của Đặng và Carter, Brzezinski làm dịu sự chống đối của Carter về ý định của Trung Hoa trừng phạt Việt Nam. Sau nầy ông ta viết: “Tôi e ngại tổng thống sẽ bị Vance thuyết phục nhằm tạo áp lực tối đa đối với Trung Hoa đừng dùng vũ lực, bởi vì việc nầy không chỉ là một sự thuyết phục đơn giản vì Hoa Kỳ đã có lúc bị Trung Hoa cho là con cọp giấy.” (58) Tuy nhiên, điều cần thiết hơn là phải chứng tỏ cho thấy nước Mỹ là hùng mạnh (macho). Trong chính ngôn ngữ của Brzezinski, ông ta và vài người bạn của ông, những người liên hệ một cách kín đáo tới những cuộc thảo luận diễn ra trước khi Trung Hoa cố đạt được việc cho Việt Nam một “bài học”… cảm nhận được lợi ích nữa.” (59)
Sự chói sáng của một quyền lực còn non nớt
Đối với Carter và Brzezinski, cả hai đều bị gây ấn tượng sâu sắc do một lãnh tụ cứng rắn của một quốc gia thù địch cũ đang kiêu hãnh về việc dạy cho Việt Nam môt “bài học”. (60) Đối với Brzezinski, lời trình bày của Đặng về kế hoạch tấn công Việt Nam “chứng tỏ là điều xúc động nhất về một quyền lực chính trị còn non nớt”. mà ông ta chưa bao giờ gặp phải trong bốn năm làm việc tại Tòa Bạch Ốc. Sau nầy ông ta viết: “Tôi kín đáo muốn việc Đặng thích thú dùng quyền lực sẽ loại trừ được những quyết định chính của những người hoạch định chính sách Mỹ”. (61) Có thể nói rõ ra rằng một trong những người hoạch định chính sách, theo ông ta nghĩ là Vance. Ông nầy không chấp nhận việc Trung Hoa cho Việt Nam một “bài học” và ông là người hết sức quan tâm đến việc Hoa Thịnh Đốn đón tiếp Đặng sẽ làm cho Mạc Tư Khoa kết thúc liên minh Hoa-Mỹ. (62) Nhưng Carter từ chối những điều ông ta coi là sự “tán dương” của Vance tiến tới quan hệ với Trung Hoa. (63)
Điều nầy có nghĩa là Đặng thu gặt được hết điều ông ta muốn. Đặng công khai tố giác Liên xô, chất vấn về sự hữu ích của thỏa hiệp SALT II mà Hoa Kỳ đã kiên trì lâu dài để đạt được thỏa hiệp nầy với Liên Sô, và đưa ra những lời đe dọa Việt Nam. Carter, là người chủ, sung sướng và lịch sự, chẳng cần gì làm ngược lại hoặc ngay cả tự ông ta tự tìm cách lánh xa những lời phát biểu của Trung Hoa. Trong buổi họp hạn chế với Đặng hôm 29 tháng Giêng, Carter tỏ ra không nhiệt tình lắm, làm cho nhà lãnh tụ Trung Hoa cảm thấy chán nãn. Nhưng ông ta không bao giờ nói bóng gió rằng hành động trù liệu của Trung Hoa sẽ có ảnh hưởng đến quan hệ Hoa-Mỹ. Ông ta chẳng hỏi tới phần kết thúc mà chỉ là hỏi tới phương cách mà thôi. Carter cho rằng Việt Nam càng ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế vì xâm lăng Cam Bốt và nếu như Trung Hoa chống lại Việt Nam thì sẽ được thế giới ủng hộ. Tuy nhiên, thấy Đặng không lay chuyển quyết định trừng phạt Việt Nam, Carter đề nghị họp thêm một lần nữa. Buổi sáng ngày 30 tháng Giêng, họ lại họp với nhau trong Phòng Bầu Dục, chỉ có một thông dịch viên có mặt. Lúc đó, Carter có một hành động hơi lạ. Ông ta đọc to rồi trao cho Đặng một bản viết tay một lá thư tóm tắt ý kiến của ông làm cho Đặng nhụt lòng xâm lăng Việt Nam. Mục đích tuồng như là nói hết ý kiến chống đối của ông ta trong khi ông ta nghĩ rằng Đặng chẳng chú tâm gì tới. Carter viết: “Điều khích động nhất là quyết định đã có rồi. Việt Nam sẽ bị trừng phạt”. (64)
Nội dung của bức thư không được tiết lộ nhưng về sau Brzezinski có trình bày việc viết lá thư ấy là hành động đúng vì, như ông ta nói là ngay thật, “chúng ta không thể thông đồng một cách chính thức với Trung Hoa bằng cách hỗ trợ cho điều mà chẳng khác gì là công khai mở ra một cuộc tấn công quân sự. Đồng thời, lá thư cũng không đặt Hoa Kỳ vào thế kẹt về sau khi có nhiều áp lực lên án Trung Hoa tại diễn đàn Liên Hợp Quốc.”
Dù sao, sợ Trung Hoa sẽ chộp lấy những phản kháng hình thức nầy một cách nghiêm trọng, trong cuộc họp riêng với ngoại trưởng Hoàng Hoa của Trung Hoa cùng ngày hôm đó, Brzezinski nói chỉ có một điều Hoa Kỳ lo âu thực sự là khả năng phản ứng của Liên Xô đối với hành động quân sự của Trung Hoa. Ông ta cố “khuyến khích Trung Hoa tập trung vào hành động quân sự mau lẹ và cương quyết và không kéo dài.” -Điều nầy Đặng đã trình bày với Carter. Trong hồi ký của Brzezinski, ông ta viết: “Với hành động thân hữu đặc biệt, tôi tới bãi đáp trực thăng gần đài kỷ niệm Washington để chào từ biệt riêng với Đặng. Tôi muốn nhấn mạnh đến sự ủng hộ của tổng thống và Đặng tỏ dấu hiệu làm cho tôi rất vui lòng”. Nếu Carter thực sự muốn làm nãn lòng Trung Hoa trong việc họ muốn tấn công Việt Nam, thì Brzezinski lại không làm theo ý chủ bằng cách nhấn mạnh đến tính cách biểu trưng trong hành động của tổng thống. Thực ra, phân vân giữa xu hướng hòa bình của người công giáo và sự thôi thúc làm thế nào để được tiếng là một tổng thống có ý chí mạnh mẽ, Carter đã chọn con đường thoát ra nhẹ nhàng – một sự chống đối có tính cách hình thức và một cái nháy mắt ra dấu. Trong khi nôn nóng chờ đợi cuộc tấn công của Trung Hoa xảy ra 16 ngày sau đó, Washington hành động như một cái mộc che Liên Sô trả thù bằng cách thúc ép sự trì hoãn của Liên Sô, đặt quan hệ tốt đẹp với Liên Sô bằng cách ký thỏa hiệp SALT II. (65)
Nếu Carter và Brzezinski bỏ qua vài cảm nghĩ chống việc Trung Hoa xâm lăng Việt Nam thì một nhà lãnh tụ quốc hội lại thẳng thắn ủng hộ Đặng. Trong buổi họp ở điện Capitol, Chủ Tịch Hạ Viện Tip O’neil nói với Đặng nếu hành động phiêu lưu của Việt Nam không bị ngăn chận thì có thể có thế giới chiến tranh thứ ba. Ông ta nhắc lại hồi Nhật tấn công Mãn Châu năm 1931, cả thế giới chẳng làm gì hết, rồi cả thế giới thấy mình đang ở giữa cuộc thế giới chiến tranh thứ hai. Đặng thực hiện một bước lùi bằng một sự căng thẳng tương tự nào đó nhưng ông ta nói với chủ tịch Hạ Viện tình hình Việt Nam hoàn toàn không phải như vậy. Tuy nhiên, cần thiết phải “dạy cho Việt Nam một bài học.” (66)
Sau các cuộc họp với các lãnh tụ hành pháp và lập pháp, Đặng họp báo ở Hoa Thịnh Đốn, tuyên bố: “Chúng tôi coi Việt Nam như một Cu Ba ở Phương Đông. Nếu quý vị không dạy cho chúng một bài học cần thiết thì chúng sẽ gia tăng khiêu khích… Nhưng nếu trừng phạt, chúng ta còn phải chờ xem. Tôi có thể nói hai điều: Một là người Trung Hoa chúng tôi nói là làm. Thứ hai, chúng tôi có hành động táo bạo”.
Một thông điệp cho Mạc Tư Khoa
Đặng hết sức thành thật, nôn nóng trong việc lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, Những cuộc họp riêng và những lời phát biểu công khai đã được tính toán từng bước hết sức cẩn thận theo đúng kế hoạch của Trung Hoa tấn công Việt Nam. Không giống Việt Nam, – họ tìm cách che dấu yếu tố bất ngờ bằng cách chối rằng họ không có ý định tấn công Cam Bốt -, Trung Hoa thì thuyết phục một cách khéo léo rằng việc tấn công tùy thuộc vào diễn tiến tình hình. Bằng những bức điện có tính cách lôi kéo sự quan tâm của những nước khác, Trung Hoa cố tạo ra một bầu không khí thông cảm và đồng lòng, về một cuộc chiến tranh có tính cách giáo dục Việt Nam. Trên đường từ Hoa Kỳ về, Đặng ngừng lại ở Đông Kinh. Ông ta vẽ ra những nét khái quát cho các nhà lãnh đạo Nhật Bản về kế hoạch tấn công Việt Nam cũng như sự tính toán của Trung Hoa về tính cách giới hạn khả năng phản ứng của Liên Sô. Ông ta cũng nói cho họ biết việc Trung Hoa thông báo cho Tổng Thống Jimmy Carter Trung Hoa đã có kế hoạch trừng phạt Việt Nam. (68)
Sự tiết lộ và thiếu phản ứng công khai của Hoa Thịnh Đốn đối với những lời đe dọa của Trung Hoa đã làm gia tăng ngờ vực của người Nhật về liên minh Hoa-Mỹ. Mặc dù trong tư tưởng, họ chống đối, nhưng một cách khác biệt với Mỹ, họ chỉ biểu lộ sự bất đồng một cách dịu dàng mà thôi”. (69)
Ngày 9 tháng Hai, một ngày sau khi Đặng từ Đông Kinh về, Ủy Ban Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Hoa họp ba ngày, do Đặng chủ tọa, để thực hiện quyết định cuối cùng. Đặng nói với ủy ban về thái độ thuận lợi của các nước Phương Tây cũng như các nước trong khối ASEAN. Có điều cần xem xét kỷ lưỡng là có thể Liên Sô có phản ứng.
Theo ông ta thì có ba điều: Mạc Tư Khoa sẽ lên án bằng miệng, hoặc mở ra các cuộc tấn công trừng phạt giới hạn dọc theo biên giới Nga-Hoa, hoặc mở ra một cuộc tấn công toàn bộ. Ông ta cho rằng điều tiên liệu thứ ba nói trên khó có thể xảy ra và có khả năng nhứt là điều tiên liệu thứ nhứt. Ông ta nói Trung Hoa chuẩn bị đối đầu với điều có thể xảy ra như trong dự đoán số hai. (70)
Mai mỉa thay, điều Đặng tin Liên Sô không có phản ứng là dựa trên việc Liên Sô bị ràng buộc vào thỏa hiệp SALT II – chính cái thỏa hiệp mà ông ta từng lên án. Dự đoán của Đặng (sau nầy chứng tỏ là đúng), là Liên Sô thấy quá lợi ích trong thỏa hiệp SALT II nên không muốn liên hệ vào các vấn đề thù địch khác. Hoa Kỳ cũng hy vọng gây áp lực với Mạc Tư Khoa để khỏi gây ra nguy cơ vũ trang giới hạn vì thỏa hiệp SALT bằng cách thực hiện một hành động quân sự chống lại Trung Hoa. Đặng nói với cả Mỹ lẫn Nhật cuộc xâm lược có giới hạn và không kéo dài quá 20 ngày, và có lẽ ông ta hy vọng sẽ có sự trấn an Điện Cẩm Linh. (71)
Tuy nhiên, Bắc Kinh không chỉ dựa vào Mỹ và Nhật. Ngày 12 tháng Hai, một nhà ngoại giao Pháp còn trẻ ở Manila ngạc nhiên vì được Xiao Fei gọi tới. Ông nầy là một đồng sự, mời dự một tiệc rượu với người quen. Ông ta vội tham dự cuộc họp mặt. Buổi tiệc đơn giản chiều hôm đó được tổ chức ngay trong văn phòng tòa đại sứ Pháp. Xiao hổn hển tuyên bố lý do cuộc hop mặt. Ông ta nghiêm nghị nói rằng Trung Hoa đã tới cùng kế và sẽ trừng phạt Việt Nam trong một thời gian ngắn tới đây. Ông ta trấn an: “Giống như cuộc trừng phạt của chúng tôi với Ấn Độ hồi năm 1962, cuộc tấn công cũng giới hạn trong cả hai mặt không gian và thời gian”. Nhà ngoại giao Pháp hỏi Liên Sô có đồng ý không? Xiao trả lời một cách tin tưởng: “Họ bảo đảm rằng họ sẽ không can thiệp.” Nhà ngoại giao Pháp ngạc nhiên sự tiết lộ kỳ dị về cuộc chiến tranh sắp xẩy ra và đánh điện về cho Quai D’Osay. Do lộn xộn thường có trong công viêc thư lại, bức điện ngày 12 tháng Hai của nhà ngoại giao trẻ người Pháp thông báo về cuộc xâm lược của Trung Hoa chỉ về tới Ba Lê sau khi cuộc chiến tranh đã xảy ra được một ngày. (72)
Do đó, Ba Lê không có cơ hội để thông báo cho Hà Nội cũng như thăm dò phản ứng của Liên Sô đối với lời tuyên bố của Trung Hoa, nhưng người ta thấy an toàn vì biết có sự hạn chế của cuộc chiến nầy và Liên Sô cũng biết được điều đó trước buổi sáng ngày 17 tháng Hai, khi hàng trăm trọng pháo bắn nát vùng biên giới Việt Nam.
Buổi sáng ngày 16 tháng Hai, giờ Hoa Thạnh Đốn, đúng 6 tiếng đồng hồ trước khi trận chiến nổ ra, đại sứ Trung Hoa tại Hoa Kỳ, Chai Zemin chuyển tới tòa Bạch Ốc một bức điện thông báo việc Trung Hoa bắt đầu “tự bảo vệ” chống lại Việt Nam. Bắc Kinh chọn đúng thời điểm. Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ Atal Behari Vajpayee đang viếng thăm Trung Hoa sau mười năm quan hệ hai bên “băng giá” tiếp sau cuộc chiến hồi 1962. Một ít người, chắc chắn không có Việt Nam trong đó- nghĩ rằng Trung Hoa làm hỏng quan hệ mới trở lại nầy bằng cách tấn công một nước bạn của Ấn Độ trong khi Vajpayee đang thăm viếng Trung Hoa. Thực ra, Hà Nội hết sức tin tưởng, ngày 16 tháng Hai, thủ tướng Phạm Văn Đồng có đại tướng Văn Tiến Dũng, tham mưu trưởng và các nhà lãnh đạo cao cấp khác rời Hà Nội đi Phnom Pênh trong cuộc thăm viếng bốn ngày để thắt chặt quan hệ với một quốc gia mới thành lập. (73)
Vũ khí mới, chiến tranh cũ
Trước bình minh sáng thứ Bảy ngày 17 tháng Hai, khi màn sương dày còn bao phủ những ngọn đồi trên biên giới Hoa-Việt, Quân Đội Nhân Dân Trung Hoa mở đầu cơn giận dữ điên cuồng. Mức độ tấn công lúc bây giờ khác hẵn với trận đánh năm 1788 trước kia, khi Hoàng Đế Mãn Châu Ch’ien Lung gởi các đơn vị kỵ và bộ binh viễn chinh để đưa một người ông ta đã chọn lên làm vua ở Hà Nội. Hàng trăm đại bác 130 ly, đại bác tầm xa 122 ly, các dàn phóng hỏa tiễn đa năng đổ lửa xuống biên giới Việt Nam với mức độ một giây một quả. Sau nầy, một nhà báo Mỹ đi thăm vùng biên giới thuật lại: “Mức độ pháo dày đặc, tiếng nổ rền như tiếng bom B-52.” Rồi ông ta nói thêm: “Ít ra thì cũng như tiếng đập nước chảy kéo dài trong 20 phút hơn là chỉ kéo dài một phút hay ít hơn như khi máy bay Mỹ bỏ bom”. (74)
Rồi như nước lũ tràn qua đập, 85 ngàn binh lính Trung Hoa, có xe thiết giáp yễm trợ, tràn qua Việt Nam tại 26 địa điểm dọc theo biên giới. Trong khi sức tấn công chính thì thu hẹp vào 5 cửa ải dẫn tới các thành phố lớn, lực lượng quân xâm lược mở rộng mạng lưới tiêu diệt hết các đồn bót Việt Nam. Với chiến thuật “biển người” quân Trung Hoa xử dụng trong chiến tranh Đại Hàn, hàng ngàn binh sĩ cố gắng đánh bật quân du kích và cảnh biên trên những ngọn đồi và vực sâu. Như sau nầy Bắc Kinh thừa nhận, chiến thuật đó cho thấy là một tai họa. Trung Hoa không tiên liệu được cái bẫy sập do Việt Nam đưa ra bằng hệ thống hầm hố và công sự chằng chịt xây dựng trên vùng biên giới. Chỉ trong vòng ba ngày đầu, Trung Hoa chịu thiệt hại nặng, số thương vong rất cao vì hệ thống súng máy bắn ra từ các công sự chiến đấu và mìn bẫy.
Bắc Kinh xác nhận sự thất bại bằng việc thay thế Tướng Xu Shiyou chỉ huy cuộc tấn công bằng môt vị tuớng trẻ hơn, Dương Đắc Chí (Yang Dezhi), biệt danh là “tướng luôn luôn chiến thắng” vì những chiến công của ông trong chiến tranh Đại Hàn. Ông ta bỏ ngay chiến thuật biển người và ra lệnh gia tăng các cuộc tấn công có pháo binh và xe tăng yễm trợ. Trong mười ngày chiến đấu, các đạo quân có xe tăng yễm trợ từ từ tiến sâu vào nội địa khoảng 20 hay 30 dặm, và sau nhiều trận đánh dữ dội họ chiếm được các thành phố lớn như Lai Châu, Lao Cai, Hà Giang và Cao Bằng. Với chiến thuật tiền pháo, hậu xung (tấn công có xe tăng yễm trợ), ngày 27 tháng Hai, Trung Hoa bắt đầu tấn công Lạng Sơn – thành phố lớn độc nhất còn lại trên vùng biên giới. Đây là trận đánh gay go nhất trong toàn bộ chiến dịch. Sau khi chiếm các cao điểm chung quanh thành phố buồn bã do Pháp xây dựng nầy, quân Trung Hoa phải đánh chiếm từng căn nhà một, từng công sự một để đánh bật quân phòng ngự. Tới 2 giờ 40 chiều ngày 5 tháng Ba, Trung Hoa hoàn toàn chiếm đóng thành phố Lạng Sơn và mở ra con đường tiến xuống đồng bằng sông Hồng Hà. Thành phố hoàn toàn sụp đổ, rãi rác đầy xác đồng chí mà nay đã biến thành kẻ thù. Trong vòng mấy tiếng đồng hồ, Bắc Kinh tuyên bố quân tiền đạo của họ đã chiếm được các mục tiêu. Cùng ngày hôm đó, họ bắt đầu rút quân khỏi vùng họ chiếm đóng.
Cuộc “chiến tranh giáo hóa” kéo dài 16 ngày để lại một đường cắt dài bằng sự tàn phá của họ dọc theo biên giới Hoa-Việt. Mĩa mai là vùng nầy, trước kia, trong chiến tranh, các cuộc ném bom của Hoa Kỳ dành riêng, không đụng tới. Vì sợ đụng tới lãnh thổ Trung Hoa mà không báo trước, Hoa Kỳ không oanh tạc các thành phố biên giới, coi như là vùng ngoại ô của Hà Nội, nơi có nhiều tòa lâu đài bằng gạch được xây dựng. Ngày nay, trên đường tấn công của Trung Hoa, mọi thứ thành bình địa. Không giống như Lạng Sơn, nơi bị chiến cuộc tàn phá, còn các thành phố khác là những mục tiêu bị phá hủy một cách có hệ thống. Vài tháng sau chiến cuộc, trong một chuyến đi Cao Bằng, tôi xúc động vì công binh Trung Hoa phá sập tất cả những gì có thể đứng vững – từ những toà nhà công cộng cho đến bưu điện, trường học. Những ngọn đồi thoai thoải xanh tươi, một thời là nơi Hồ Chí Minh họp bàn với bạn hữu Trung Hoa, đứng lặng câm trong cảnh hoang tàn. Mái bị trốc, những thanh sắt đưa lên trời, ngôi chợ trung ương đứng chơ vơ như bộ xương dưới khung trời vắng. Một bồn sắt cong queo, các miểng bình ốcxygen, và các bánh lăn nằm hỗn độn trên nền xi măng cho biết rằng nơi đây trước kia là một bệnh viện. Cây cầu sắt ở ngoài thành phố một đầu dựa chênh vênh trên móng, đầu kia đổ sập xuống nước. Chẳng có dấu hiệu nào có đánh nhau trong thành phố. Ấn tượng đó xác minh thêm lời tuyên bố của một đại tá Việt Nam, cho biết việc phá hủy xẩy ra hôm 10 tháng Ba – 5 ngày sau khi Trung Hoa tuyên bố rút quân. Ông ta nói Trung Hoa không phá hủy thành phố vào lúc đầu, sau khi họ chiếm thành phố với lý do là Trung Hoa hy vọng họ sẽ dùng vùng đất chiếm được để mặc cả với việc Việt Nam phải rút quân khỏi Cam Bốt.
Một cái nháy mắt của Hoa Thịnh Đốn
Mục đích của Trung Hoa là gì? Mục đích của Bắc Kinh tuồng như có sự thay đổi sau tháng Bảy 1978, khi lần đầu tiên Bộ Chính Trị trù liệu việc dạy cho Việt Nam “một bài học”. Trong khi ý định trừng phạt Việt Nam “vô ơn” và là một anh “học trò bất trị” bằng cách đánh mạnh vào Việt Nam và buộc họ phải suy nghĩ lại chính sách của họ vẫn còn là một mục tiêu chính, tình hình thế giới có liên hệ tới vấn đề nầy đã làm cho Trung Hoa tăng cường mục tiêu. Việc Việt Nam liên minh với Liên Sô và xâm lược Cam Bốt loại trừ cuộc so găng với một Trung Hoa vượt trội trong khu vực Châu Á. Mất mặt vì chế độ Pol Pốt sụp đổ, và bị Mạc Tư Khoa đe dọa bao vây có thể làm suy yếu quyền lực Trung Hoa. Đổ một phần tư triệu người để chống Việt Nam, đánh đổ cái gọi là “huyền thoại Việt Nam là một nước vô địch” như Đặng đã từng tuyên bố, là nhằm làm mờ nhạt niềm tự hào và bảo tồn tiếng tăm tin cậy nơi Trung Hoa và cũng là buộc Việt Nam phải rút vài đơn vị ra khỏi Cam Bốt. Đó cũng là một bài học cho toàn thể thế giới Tây Phương mà họ từng coi Trung Hoa như một con bệnh tê liệt khi phải đối đầu với Liên Sô đang theo đuổi chủ nghĩa phiêu lưu. Đặng tuyên bố với một nhà báo trong khi cuộc xâm lăng của Trung Hoa đang diễn ra: “Chúng tôi không tha thứ cho một Cu Ba phách lối một cách hoang tàng ở Phi Châu, ở Trung Đông hay các khu vực khác, chúng tôi cũng không thể nào tha thứ cho một Cu Ba ở phương Đông (tức Việt Nam) phách lối ở Lào, ở Cam Bốt hay trên vùng biên giới (Hoa-Việt). Hiện giờ, một vài nơi trên thế giới sợ không dám đụng đến chúng, ngay cả khi chúng làm điều gì đó kinh khủng. Những nước nầy không dám có hành động nào chống lại chúng”. (75)
“Giải phóng quân Nhật báo” của Trung Hoa còn nói một cách gay gắt hơn: “Cuộc tấn công phòng vệ của chúng tôi là một phương thuốc ngăn ngừa cho những ai mắc chứng sợ hãi Liên Sô. Chiến thắng của chúng tôi là một khích lệ lớn cho các nước Đông Nam Á và cho cả thế giới đối với cuộc đấu tranh toàn bộ chống lại chủ nghĩa bá quyền.” (76)
Tuy nhiên, lời bột phát của Đặng chống lại chính sách hòa hoãn của Phương Tây lại chính là thừa nhận gián tiếp về thất bại của Trung Hoa khi họ muốn kêu gọi ủng hộ cho hành động thô bạo của họ. Nhờ có sự hỗ trợ của Brzezinski đối với hành động nầy, Hoa Kỳ chỉ là một quốc gia đơn độc ở Tây Phương chấp thuận cuộc chiến do Trung Hoa gây ra. Trái ngược với việc lên án trước đây khi Việt Nam xâm lăng Cam Bốt là “Một sự đe dọa cho nền hòa bình và ổn định trong khu vực, có thể tạo ra nhiều xung dột nguy hiểm và rộng lớn hơn”. Hoa Kỳ âm thầm đồng ý với việc Trung Hoa lên án Việt Nam xâm lược Cam Bốt. Tổng Thống Carter tuyên bố: “Trong vài tuần qua, chúng ta thấy Việt Nam xâm lược Cam Bốt và như kết quả cho thấy, quân Trung Hoa xâm nhập biên giới Việt Nam”. Phát ngôn viên Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam tức khắc rút quân khỏi Cam Bốt và Trung Hoa rút quân khỏi Việt Nam, một hình thức can thiệp đúng lúc, ám chỉ Hoa Kỳ không phải là mục tiêu của quân đội Trung Hoa ở lại Việt Nam bao lâu quân Việt Nam còn trụ lại Cam Bốt. (77)
Brzezinski thành công khi chống lại yêu cầu của Vance đòi trì hoãn chuyến đi Trung Hoa của Bộ Trưởng Bộ Ngân Khố Michael Blumenthal để bày tỏ sự bất bình của Hoa Kỳ đối với viêc Trung Hoa tấn công Việt Nam. Brzezinski viết trong hồi ký một cách kín đáo: “Nhờ sự hỗ trợ của Carter, mối quan hệ mới Hoa-Mỹ đạt được thành công trong lần đầu ra trận”. (78)
Chiến tranh Hoa-Việt tuồng như đánh dấu một bước mới trong việc hợp tác an ninh Hoa-Mỹ sau chuyến thăm của Brzezinski hồi tháng Năm 1978. Những năm sau, vài viên chức Mỹ đi thăm Trung Quốc với tính cách riêng, có nói với tôi trong khi đám mây đen bao trùm biên giới Hoa-Việt trong tuần lễ đầu tiên của cuộc chiến, đã ngăn vệ tinh gián điệp Mỹ không khám phá ra được các cuộc triễn khai nhỏ của quân đội Việt Nam. Hoa Thạnh Đốn kín đáo giúp Trung Hoa bằng cách dùng vệ tinh thám sát việc triển khai quân đội Liên Sô dọc biên giới Nga-Hoa và báo cho Trung Hoa biết quân đội Liên Sô ở Tây Bá Lợi Á được đặt trong tình trạng báo động sau khi Trung Hoa mở đầu cuộc chiến Việt Nam”. (79)
Một bài học cho tất cả
Cuộc tấn công ồ ạt của Trung Hoa, chết chóc và tàn phá xảy ra ở Việt Nam và sự bất động của Liên Sô chắc chắn tạo thêm lòng tin của Trung Hoa. Thật ra, Liên Sô chỉ chuyển quân dọc biên giới Nga-Hoa để đe dọa và tăng cường viện trợ cho Việt Nam, được Trung Hoa dùng như một bằng cớ để tuyên truyền Liên Sô chỉ là “con gấu Bắc cực làm bằng giấy”. Tuy nhiên, khi Trung Hoa tuyên bố thắng trận và rút quân thì có báo cáo không mấy thuận lợi rằng có ba sư đoàn quân đội thường trực Việt Nam đang tiến tới Lạng Sơn. Sự thực, Liên Sô nghiêm khắc yêu cầu Trung Hoa chấm dứt cuộc xâm lăng “trước lúc tình hình trở nên quá trễ”. Trước sự việc Trung Hoa rút quân, theo một nhà phân tích thân Trung Hoa thì sự thành công chính của Trung Hoa là ở chỗ phá hoại hết hạ tầng cơ sở quân sự của Việt Nam, các đường giây liên lạc và các tiện nghi xã hội căn bản ở phía Bắc Việt Nam. (80)
Kinh tế Việt Nam đã què quặt và yếu kém, hơn thế nữa, nay phải gánh vác trách nhiệm bảo vệ biên giới phía Bắc để chống lại những cuộc xâm lược sau nầy của Trung Hoa. Bắc Kinh còn cho rằng đó là điều Hà Nội phải trả vì muốn chống lại Trung Hoa. Tuy nhiên, đối với sự hy sinh của binh lính và dân thường -Trung Hoa tính vào khoảng 2 chục ngàn thương vong, (81) và sự lãng phí tài nguyên, cuộc xâm lăng của Trung Hoa đạt ít thắng lợi.
Nếu Bắc Kinh cho rằng chết chóc và tàn phá là sự trừng phạt Việt Nam thì nó cũng là điều đáng ngạc nhiên vì ngay trước lúc quân Trung Hoa rút lui, Việt Nam thông qua đạo luật tổng động viên, ra lệnh cho toàn quốc phải trở thành những đơn vị chiến đấu. Hà Nội thách thức tuyên bố: “Công cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của bọn phản động Trung Hoa bắt đầu”.
Rõ ràng Việt Nam chẳng học bài học nào và cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc xâm lược Cam Bốt của họ. Phạm Văn Đồng viếng thăm Cam Bốt như không có gì xẩy ra. Ông ta ký một thỏa hiệp thân hữu và hợp tác kéo dài 25 năm với Heng Samring, thỏa ước nầy có tính cắch hồi tố, xác định lại việc hiện diện của mấy sư đoàn quân Việt Nam ở Cam Bốt. Không thèm rút quân khỏi Cam Bốt, các nhà lãnh đạo Việt Nam kiêu căng, chẳng cần gởi quân đội chính quy tới biên giới mà giao nhiệm vụ canh phòng cho quân địa phương và dân quân. Việt Nam mất một số lớn binh lính, có lẽ khoảng mười ngàn cả binh lính và dân sự. (82) Tuy nhiên, bằng cách không đưa quân chính quy ra trận, chia thành trừng trận đánh nhỏ để đánh nhau với quân Trung Hoa, Hà Nội đã giành khỏi tay Bắc Kinh cơ hội để đạt được chiến thắng quyết định.
Bài học quan trọng nhất cho cuộc chiến tranh nầy có lẽ là dành cho ngay chính Trung Hoa. Một bản tường trình đáng tin kết luận rằng Trung Hoa và Việt Nam tổn thất “tương đương nhau, và quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Hoa “không thể đảm đương một cuộc chiến tranh hiện đại””. Những tổn thất nặng nề của họ trong cuộc chiến cũng như sự thất bại về vũ khí và chiến thuật làm cho Trung Hoa thấy rằng họ phải tiến hành gấp việc hiện đại hóa quân đội. (83)
Dù Trung Hoa dạy cho Việt Nam một bài học và Việt Nam có học bài học đó hay không thì đây cũng một một cuộc chiến tranh bất phân thắng bại. Đi thăm Cao Bằng hồi tháng Bảy 1979, tôi thấy một đám dân thường nghèo khó đang vất vã tái tạo cuộc sống của họ giữa cảnh hoang tàn bằng những viên gạch lát đường chưa bị hỏng. Những ngôi chợ một thời đông đúc vì hàng hóa Trung Hoa chuyển qua biên giới thì bây giờ hàng họ ít ỏi, lèo tèo mấy người dân bán những món hàng tái sinh lẻ tẻ. Đi xuyên qua tỉnh Quảng Tây và Vân Nam vào những tháng sau chiến tranh, tôi ngạc nhiên thấy rất đông binh lính quân đội Nhân Dân Trung Hoa tật nguyền, mặc quân phục màu xanh lá cây, chống gậy khập khiểng và số đông dân chúng uể oải đi xem triển lãm về “chiến đấu tự vệ thắng lợi” ở Côn Minh. Điều đáng nói nhất là cuộc chiến tranh để giáo hóa của người Trung Hoa lại xảy ra vào lúc có trình diễn văn hóa tại Nam Ninh. Có một viên chức Trung Hoa đi kèm, tôi đi nghe hát và xem nhảy múa của các bộ tộc ít người tại tỉnh Quảng Tây. Mỗi một điệu múa, một bài ca đều được khán giả đông đúc trong hội trường có treo đèn và kết giấy ngũ sắc hoan hô nồng liệt. Họ biểu diễn tuồng “Quân Đội Nhân Dân Trung Hoa anh hùng trừng phạt Việt Nam côn đồ.” Hai người giả làm lính Việt Nam mặc bộ đồ xanh rách rưới, đội cái nón sắt người ta đã bỏ đi, đang đứng trên sân khấu “chôm” đồ ăn rồi họ đánh nhau vì giành một miếng ăn tìm thấy trên đường đi. Họ thoi vào mũi nhau, chùi tay vào quần – rất giống với cách thức của những vỡ kịch cách mạng trong những ngày “Cách Mạng Văn Hoá” mô tả những anh lính GI Đế Quốc Mỹ. Bất thần, từ trong sân khấu, nhảy ra một người lính anh hùng của quân đội Nhân Dân Trung Hoa ăn mặc quần áo trắng đẹp đẻ. Trong một điệu bộ pha trộn giữa leo giây, vũ ba lê và nhu đạo, anh ta lẹ làng đánh gục hai tên Việt Nam côn đồ. Vừa khi màn kéo xuống, có một sự im lặng khó chịu trong hội trường. Người Tàu dẫn tôi đi nhìn lên trần nhà. Người dân Nam Ninh biết rõ hơn ai hết vì họ thấy hàng ngàn quan tài từ Việt Nam chở về Trung Hoa.
Brother Enemy
The War After the War
Nguyên tác của Nayan Chanda
Hoàng Long Hải/ Tuệ Chương dịch
Nguồn: Tvvn
The War After the War
Nguyên tác của Nayan Chanda
Hoàng Long Hải/ Tuệ Chương dịch
Nguồn: Tvvn