Tim thông tin blog này:

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

Brother Enemy (Anh em thù địch) của Nayan Chanda (I)


Anh Em Thù Địch – Nayan Chanda (2)

(TVVN.ORG) Giải Bày của Người Dịch
Dù ít nhiều, trước 30 tháng 4 năm 1975, các quý vị phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, công chức hoặc cán bộ, có dịp nghe phát thanh hay đọc báo chí, v.v… nên biết ít nhiều tình hình thời sự, chính trị trong cũng như ngoài nước. Dù chế độ chính trị miền Nam lúc đó có kiểm duyệt báo chí (được gọi một cách văn hoa bóng bảy là “Sở Phối Hợp Nghệ Thuật”) nhưng cũng không đến nỗi quá khắt khe để ai nấy cũng phải mang một cái dàm vào mắt như con ngựa kéo xe sau năm 1975.
Sau năm 1975 thì vô phương. Ngoài các đài phát thanh và báo chí của nhà nước Cộng Sản hay làm cái đuôi đập ruồi cho con bò kéo xe như báo Tin Sáng của ông Ngô Công Đức (cha mẹ ông đặt tên muốn ông có Công và có Đức cho đời) thì ngoại dã cấm ngặt. Không thiếu gì người lén nghe đài BBC hay đài VOA nên phải trình diện công an, hoặc chỉ phải làm kiểm điểm hoặc không ít người lên đường vào trại “cải tạo” học năm bảy năm cho chín bài học cách mạng.
Vào trại cải tạo rồi thì cũng vô phương, như ếch ngồi đáy giếng. Thỉnh thoảng, thân nhân có lên thăm báo cho vài tin tức thì tin đó cũng tam sao thất bản, thiên hạ xào đi nấu lại, thêm bớt quá nhiều tiêu, hành, tỏi, ớt thành ra chẳng rõ nguyên thủy nó là món ăn gì.
Mùa hè năm 1981, một hôm, khoảng chạng vạng, tôi đi gánh nước đêm tưới rau cho trại cải tạo, ngang qua nhà thăm nuôi, chợt nghe thoáng đài BBC phát ra nho nhỏ – gia đình ai đó lên thăm được ở lại, thân nhân mở đài cho người cải tạo nghe vì lúc nầy cán bộ vào trại hết cả rồi. Khi tôi đứng ngoài nghe lén là lúc Phạm Duy đang giới thiệu “Nửa thế kỷ âm nhạc Việt Nam”. Một nữ ca sĩ, gọng quen lắm nhưng vì âm thanh vặn nhỏ nên tôi không nhận ra được là ai, đang hát: “Xuân về rồi, muôn đóa hoa đào tươi, cười trong nắng…”. Trong đời tôi, mê nhạc cũng dữ lắm, đã từng nhiều lần đi nghe hát ở Queenbee hay Đêm Màu Hồng, v.v… nhưng chưa bao giờ tôi thấy xúc động đến nỗi muốn chảy nước mắt như hôm đó. Hai cái: Đài BBC và “nhạc vàng” thấm sâu vào tim máu tôi tư thuở nào tôi không chắc, nhưng nó là món ăn tinh thần của tôi hằng ngày, cũng như cơm cháo vậy. Vậy mà từ tháng 5/1975 cho đến giờ tôi không được ăn. Thèm biết chừng nào!
Tôi nghe đài BBC từ năm 1951. Hồi ấy chưa có máy thu thanh chạy bằng pin nên khi thành phố Quảng Trị có điện trở lại thì bà mẹ anh Phan Văn C., bạn tôi, mua một cái ra đi ô hiệu Phillips để gia đình nghe chơi. Thỉnh thoảng, tôi qua nhà người bạn nghe ké đài BBC.
Năm 1954, tôi làm “gia sư” để kiếm cơm ăn học tại nhà một người bà con ở Huế. Người nầy làm ở Nha Thông Tin Trung Việt nên được cơ quan giao cho một cái radio để mỗi ngày lấy tin tức. Tôi được nghe và dần dần lấy tin giùm ông thành ra từ đó cho đến ngày 30 tháng 4/1975, nghe đài VOA mỗi ngày 2 lần, nghe đài BBC mỗi ngày 3 lần là thói quen không những cần mà còn thiết, cũng giống như ăn cơm vậy, buổi nào không nghe thì coi như buổi đó thiếu ăn. Món ăn thường ngày do Xuân Kỳ, Hữu Đại, hai người làm đài BBC chương trình tiếng Việt từ “thời thượng cổ”, sau nầy có thêm Ngọc Phách, Trần Minh, dọn ra cho tôi. Đỗ Văn, Xuân Hồng, Vĩnh Phúc, Lê Thảo, Lan Đài là “hậu duệ”. Thỉnh thoảng, nhân dịp tết ta, Giáo Sư Honey chúc tết, dọn thêm món ăn nửa Tây nửa ta, giống như mấy ông cha Tây giảng đạo trong nhà thờ. “Hôm nai la mua chai, cac con phai an cưc khô”. Judy Stow thỉnh thoảng cũng cho ăn vài món, nhưng vốn dĩ là đàn bà khéo tay nấu nướng nên món ăn tây mà có thêm mắm ruốc, dễ nuốt hơn.
Không riêng gì tôi, vô trại cải tạo rồi, dù muốn dù không, ai ai cũng coi trời bằng vung. Thế mà trong trại cải tạo thì lạm phát nhiều nhà bình luận chính trị, trăm hoa đua nở, chẳng có hoa nào chịu thua hoa nào. Các nhà bình luận nầy, không bút chiến được nhưng vẫn khẩu chiến liên miên, có khi trực tiếp, khi gián tiếp, ông nào cũng coi như “30 tháng Tư của Ngụy” tới bên lưng rồi, mỗi người sắp lên một “lon” tới nơi. Người được thăm nuôi có gì gia đình bới xách cho, hứng chí mời các nhà bình luận đến dự, chẳng mấy chốc trận chiến bát dĩa sạch bách, y như Cộng Sản rút lui về Bắc, chẳng còn mống nào dám ở lại miền Nam. Có điều đáng buồn, tất cả ý kiến của các nhà bình luận nầy đưa ra chẳng dựa vào nguồn tin nào để có cơ sở hết.
Ngày 2 tháng 7/1982, tôi được “tha ra khỏi trại cải tạo” như lệnh tha ghi nhưng thật ra thì cũng tù trong ra tù ngoài như chính vài công an, trong “phút nói thật” xác nhận. Về, có nghĩa là tiếp tục một cuộc sống đọa đày khác, suốt ngày lo gạo, rau, y như cảnh nhà thơ Trần Tế Xương “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”. “Món ăn vật chất” còn chưa có đủ để đút vào mồm, nói chi tới “món ăn tinh thần”. Chế độ Cộng Sản là một chế độ gồm có cây súng của công an cộng với sợi giây thắt bao tử là cái hộ khẩu, người dân còn ngo ngoe đằng nào được mà nói là chống chế độ.
28 tháng 5/1989, tôi vượt biên và thoát tới Bidong. Tới trại tị nạn rồi, bấy giờ “vui chơi tắm giặt nghe đài” thoải mái. Tôi như con cóc bò lên được trên miệng giếng. Sao mà trời cao đất rộng thế!
“Giòng lịch sử” đứt đoạn từ 30 tháng Tư nay được tiếp nối một cách phong phú, tràn đày, vui thú. Món ăn tinh thần bây giờ, tưởng như làm người ta bội thực.
Nói chung như trên là tình cảnh những người ở lại sau Tháng Tư Đen.
Còn ai kịp nhanh chân?
Tới Hoa Kỳ năm 1993, gặp một người bạn qua đây từ 1975, hỏi anh ta theo dõi tình hình như thế nào? Anh ta cười trừ. Mặc dù anh tốt nghiệp Luật Khoa thời chế độ cũ, từng làm hiệu trưởng một trường trung học, từng tranh cử dân biểu hạ viện, qua tới Mỹ thì học lại, lấy bằng Master, nhưng chuyện nhà, chuyện nước, chuyện bốn bể năm châu, chủ yếu là nhờ cái TV. Anh ta nói đâu còn nghe được những bài bình luận, những ký sự của những phóng viên lừng danh như Alexender Thompson, Bernard Fall (đã chết), Nayan Chanda, v.v… Anh bạn thú thiệt: “Về mặt nầy, tôi chẳng may mắn gì hơn anh bao nhiêu!”
Khi tôi nói tới cuốn sách Brother Enemy của Nayan Chanda và tỏ ý muốn dịch ra tiếng Việt, anh bạn khuyến khích: “Gắng lên, dịch đi. Tôi đọc được tiếng Anh nhưng tôi thích đọc tiếng Việt. Đọc tiếng mẹ đẻ như đọc từ trái tim chứ không phải từ bộ não”. Vẫn biết sách nầy cần cho bộ não hơn.
Đọc tức là tò mò muốn biết thêm: Biết Ieng Say là người Việt gốc Miên quê ở Sóc Trăng; biết Pol Pot là anh sinh viên kỹ sư điện Saloth Sar thi hỏng bất đắc chí, đi làm cách mạng nhưng không khác chi đi làm việc ở nhà tể sanh; biết ông cha chúng ta độc ác cướp đất của người Miên như thế nào để gây nên mối thù truyền kiếp giữa hai dân tộc Miên Việt; biết “Cáp Youn” mà Youn là loại ông kẹ nào mà các bà mẹ Miên thường đem ra dọa con nít ham chơi; biết Cộng Sản Việt Nam đã đẻ ra bao nhiêu anh Cộng Sản Miên, kẻ nào thì thủy chung như nhứt, kẻ nào thì đem con dân của thầy chặt làm nhiều khúc, moi ruột, lấy gan; biết tội nghiệp cho ông hoàng phong kiến Sihanouk khi trốn khỏi tay Khmer Đỏ được rồi, không một đồng xu dính túi, không có tiền trả tiền bệnh viện trong khi các ông tổng thống, chủ tịch các quốc gia tự do, dân chủ, Cộng Hòa, Cộng Sản thì tiền của các ông ấy trong nhà băng Thụy Sĩ chỉ có các ông ấy làm chủ, người dân đen không “chủ” được một đồng xu teng, tiền của mấy ổng, mấy ổng tiêu một mình, không “hò” cho dân đen chút xíu nào.
Thời đại chúng ta là thời đại Tự Điển Tra Ngược, có nghĩa rằng hễ nói:
– dân chủ thì ta phải hiểu rằng đó là độc tài,
– hạnh phúc là chén cơm ăn chan bằng máu và nước mắt.
– tự do có nghĩa là số phận người Mỹ da đen thời lập quốc
– bình đẳng có nghĩa là ngồi xe xích lô hạng hai nhưng vẫn phải trả tiền hạng nhứt
Nói sao cho hết!
Quý vị hãy bỏ chút thì giờ đọc cuốn sách nầy. Mua mà đọc hay mượn mà đọc cũng chẳng sao. Người dịch chỉ có một ao ước: Những người Việt như chúng ta, dù lưu vong hay còn ở trong nước nên đọc để hiểu thấm thía thân phận của mình, thân phận nhược tiểu dân tộc mình và làm thế nào để thoát ra khỏi những ràng buộc của chính mình, dân tộc mình và thế giới, tìm tới một tương lai chưa hẵn sẽ hoàn toàn tốt đẹp nhưng ít ra, mình tự quyết định số phận mình, không do ai áp đặt cả.
Hoàng Long Hải/Tuệ Chương
Lịch sử các nước Đông Dương sau khi Sài Gòn sụp đổ
Ngày 30 tháng Tư 1975, khi chiếc trực thăng cuối cùng bốc lên khỏi sân thượng Tòa Đại Sứ Mỹ là lúc Sài Gòn sụp đổ. Rồi một sự im lặng bao trùm cả Đông Dương. Quả thật người Tây Phương đã quên lãng xứ nầy. Mãi đến năm 1979, lúc ấy, quân đội Việt Nam (CS) tiến vào Cam Bốt, Trung Hoa xâm lăng Việt Nam và mười ngàn người tị nạn Việt Nam và Cam Bốt trốn chạy khỏi quê hương họ. Cả thế giới bất thần giật mình vì những nỗi kinh hoàng mới xảy ra ở Đông Dương.
Trong những năm Tây Phương hầu như lãng quên Đông Dương thì Nayan Chanda, phái viên Đông Dương của tạp chí Kinh Tế Viễn Đông (Fareast Economic Review) tiếp tục cung cấp những tin tức có giá trị nhất, những cảm nhận chưa rõ lắm về một cuộc chiến sắp xảy ra và xung đột trong vùng Cộng Sản kiểm soát ở Việt Nam, Lào và Cam Bốt. Không có một nhà báo nào theo dõi những biến chuyển ở vùng này một cách sít sao đến thế. Với những kiến thức có sẵn, ông tiếp cận ở mức độ cao và sâu để tìm hiểu sự thực. Giờ đây, trong tác phẩm “Anh Em, Thù Địch” (Brother Enemy), Chanda, với đầy đủ tư cách, vẽ nên một bức tranh về Đông Dương, kể từ khi chiến tranh tái phát. Câu chuyện lịch sử này bắt đầu khi quân đội Bắc Việt tràn vào dinh Độc Lập ở Sài Gòn và qua nhiều thập niên đẫm máu tiếp sau.
Tác phẩm của Chanda là một sự hiểu biết thực sự. Từ hàng trăm cuộc phỏng vấn với những nhân vật hàng đầu ở Hà Nội, Bắc Kinh, và Phnom Pênh, cũng như nhiều nhân vật khác ở Washington, Moscow, Paris, Tokyo, và Canberra, và từ những quan sát của chính ông qua hơn một thập niên, Chanda sắp xếp một cách hết sức khéo léo trong việc trình bày những bí mật, không những giữa các cựu đồng chí mà cả những mưu mô tranh giành quyền lực tại Washington. Ông ta đưa ra một nhãn quan hấp dẫn đầu tiên về những mối sợ hãi, tham vọng dẫn dắt Khmer Đỏ đi tới tai họa diệt chủng, cũng như lần đầu tiên thái tử Norodom Sihanouk bị giữ tại Cam Bốt và cuộc đào thoát không thành của ông ở Hoa Kỳ. Chanda cho chúng ta biết những sự kiện bên trong kế hoạch bí mật của Việt Nam (CS) xâm lược Cam Bốt Ông ta kể lại, lần đầu tiên, hồi mùa Thu 1978, Hoa Kỳ gần như sắp treo cờ Mỹ lên ở Hà Nội rồi làm thế nào mà Cố Vấn An Ninh Quốc gia của Tổng Thống Jimmy Carter, Zbigniew Brzezinski cố gắng dùng lá bài Trung Hoa để Hoa Kỳ trở thành một thành viên bất như ý của Trung Hoa trong cuộc xung đột cay đắng có tính cách lịch sử với Việt Nam (CS). Chanda giải thích làm thế nào chính sách này đã mở cửa cho Liên Sô bành trướng quân sự ở Đông Nam Á.
Đây là một tác phẩm lịch sử sáng chói nhất trong thập niên qua. “Anh Em, Thù Địch” (Brother Enemy) được xem như là một tác phẩm hay nhất.
Dẫn nhập: Con đường thoát
Đêm đổ xuống, đen như số phận Sài Gòn ngày 29 tháng 4/1975. Chiều hôm đó, lúc 6g30, một quyền lực sụp đổ, thành phố u ám. Tuy nhiên, tuồng như vì chìm đắm trong niềm xấu hổ thua trận, mà Sài Gòn lại được ơn trên phù hộ. Tôi đứng trên sân thượng khách sạn Caravelle dưới cơn mưa phùn nhẹ nhìn Sài Gòn đêm cuối cùng. Các trực thăng khổng lồ của Mỹ, đèn đỏ nhấp nháy, đèn chiếu thỉnh thoảng rọi xuống, lượn qua lượn lại trước khi sà xuống các sân thượng để đón những người Mỹ còn lại và vài người Việt Nam đã làm việc cho Mỹ, đưa đến nơi an toàn trên Hạm Đội 7 đậu ngoài khơi hải phận Việt Nam. Một lúc sau, trực thăng bay lên, tiếng máy gầm thét, điếc cả tai, rồi biến mất trong bầu trời bao phủ gió mùa. Trong khung trời đó, đầy đặc những viên đạn đỏ đan chéo nhau. Những chiếc trực thăng giống như những con rồng lửa khổng lồ hùng hổ nhảy múa ma quái trên bầu trời của một thành phố đang chết dần.
Bên dưới, thành phố tối đen và yên lặng, một thành phố được mang cả hai cái tên: Hòn Ngọc Viễn Đông và Ăn Chơi Trác Táng đang chờ kẻ chiếm đóng. Những ngôi nhà cao tầng in hình lên bầu trời, rực chiếu những ngọn lửa hỏa tiễn ở phía xa và ánh lửa đỏ đậm của những viên đại pháo đang bắn xuống phi trường Tân Sơn Nhứt. Đại Lộ Lê Lợi và Tự Do bóng loáng dưới cơn mưa phùn, hoàn toàn vắng vẻ, thỉnh thoảng chợt sáng lên vì ánh đèn vài chiếc xe hơi vội vã đưa gia đình sĩ quan và những người giàu có tới các các xà lan đang chờ trên sông Sài Gòn. Thoảng chốc, phía cầu tàu có tiếng súng nổ do bọn lính bắn chận đường những kẻ đang tuyệt vọng cố leo lên thuyền. Đó là những hành động cuối cùng, trong nỗi kinh hoàng, ghì chặt lấy người miền Nam từ khi Huế và Đà Nẵng thất thủ hồi tháng 3. Việc dân chúng trốn chạy ồ ạt vì quân Cộng Sản đang tiến tới một cách điên cuồng đã đến điểm tận cùng. Hồi đầu hôm, tôi quan sát hàng trăm người Việt Nam xô đẩy nhau trước cánh cổng sắt Tòa Đại Sứ Mỹ. Họ hoa lên những mảnh giấy, – thẻ nhận dạng – báo thị, và ngay cả những nùi đô la để được vào sân bay trực thăng trong Tòa Đại Sứ. Nhưng tất cả họ, rõ ràng chán nãn, mệt mõi sau một ngày bám víu và tơi tả trước cánh cổng đóng kín, do các Thủy Quân Lục Chiến Mỹ cầm súng canh giữ. Hàng trăm người vẫn còn chen nhau trong các cầu thang đẹp trong cao ốc được quy định là những con đường di tản bằng trực thăng, nhưng khi đêm đổ xuống, hy vọng tắt như ngọn đèn cầy.
Vẫn còn thời gian dù lịch sử bất thần tiến nhanh hơn, và đây là hồi kết thúc đang tới với một tốc độ nghẹt thở. Khi quân đội miền Bắc, do Tướng Văn Tiến Dũng chỉ huy, tấn công vào thành phố trung tâm Cao Nguyên Ban Mê Thuột ngày 10 tháng 3, làm cho chế độ Nguyễn Văn Thiệu rùng mình. Chưa hẵn đây là một hành động đủ táo bạo của Cộng Sản tiếp sau khi họ chiếm tỉnh Phước Bình (thật ra là tỉnh Phước Long – Phước Bình là tỉnh lỵ – chú thích của người dịch – nd) hồi tháng Giêng. Nhưng chừng đó cũng đủ cho thấy những gì rồi sẽ xảy ra – sự bắt đầu của một chương cuối. Đối đầu với những thách đố mới, Thiệu đổi ngược sách lược chiến đấu cũ giành từng tấc đất một. Ông ra lệnh rút lui chiến thuật khỏi Pleiku và Kontum ở Trung Tâm Cao Nguyên, chuyển một đơn vị tinh nhuệ nhất từ Huế về, tạo ra sự sụp đổ chiến lược mau lẹ. Việc tái phối trí lực lượng biến thành một cuộc trốn chạy hoàn toàn hỗn loạn, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang – và phần còn lại của phía Nam sụp đổ như một bàn cờ vào tay người Bắc Việt Nam chỉ trong vòng ba tuần.
Hồi đầu tháng Tư, Cộng Sản khóa chặt thòng lọng chung quanh Sài Gòn. Người Mỹ gia tăng cả hai mặt, không vận võ khí và di tản người Việt Nam làm việc cho họ và bạn bè. Chiến tranh cuối cùng vào tới Sài Gòn đúng ngay sau khi Thiệu chuồn khỏi đất nước bằng máy bay C118 của Không Lực Hoa Kỳ. Sáng sớm ngày 27 tháng Tư, tôi chợt giật mình thức dậy bởi một tiếng nổ. Trái hỏa tiễn đầu tiên của Cộng Sản bắn vào Sài Gòn trúng vào khách sạn Majestic, cách chỗ tôi ở một lô.
Một gián điệp Cộng Sản trong Không Lực Miền Nam, chính người bỏ bom dinh Độc Lập trước đó, ngày 28 tháng Tư quay trở lại cùng với máy bay Mỹ chế tạo tấn công phi trường Tân Sơn Nhứt. Sự tàn phá gia tăng với mưa đạn và hỏa tiễn, cuối cùng chấm dứt cầu không vận do Mỹ thiết lập.
Chiến dịch “Vãng Lai Phong” (Frequent Wind) do Hải Quân Mỹ mở ra vào chiều ngày 29 tháng Tư để di tản người Mỹ và nguời Việt bằng trực thăng chấm dứt hồi sáng ngày 30 tháng Tư. Từ trên sân thượng khách sạn Caravelle, tôi thấy xe tăng Cộng Sản như một đàn kiến bò trên Quốc Lộ 1 từ Biên Hòa tiến xuống. Từ hướng mặt trận này, tôi quan sát một chiếc trực thăng đơn độc hiện ra trên bầu trời xám rồi đáp xuống sân thượng Tòa Đại Sứ Mỹ có hình dáng như một cái hộp quẹt lớn. Chỉ trong vài phút, nó lại bốc lên, mang theo những người lính Thủy Quân Lục Chiến cuối cùng. Một làn khói hồng bay lên từ một trái lựu đạn khói nhằm xua đuổi những người Việt Nam cố chen lên máy bay. Nghiêng sát ngọn tháp truyền thanh của Tổng Nha Bưu Điện, chiếc trực thăng vượt lên, bay ngang sông Sài Gòn rồi biến mất ở cuối chân trời phía đông. Lúc đó là 7 giờ 35 sáng. Hai mươi mốt năm sau ngày Đại Tá Tình Báo Mỹ Edward Lansdale tới Sài Gòn để giám sát việc huấn luyện cho đội quân chống Cộng của Việt Nam Cộng Hòa. Cuối cùng bức màn buông xuống, kết thúc cuộc phiêu lưu của người Mỹ ở Đông Dương.
Bốn giờ sau, tôi ngồi một mình trong Văn Phòng Thông Tấn hãng Reuters của Anh, đối diện với Dinh Tổng thống, đánh đi bản tin việc quân Cọng sản đang tràn vào vùng ngoại ô Sài Gòn thì nghe tiếng máy xe gầm gừ và tiếng loảng xoảng xích sắt xe tăng. Qua cửa sổ, tôi thấy chiến xa ngụy trang của Cộng Sản cắm cờ xanh đỏ và vàng rầm rầm tiến vào Dinh Tổng Thống. Tôi với ngay máy chụp hình và phóng vội khỏi văn phòng. Tôi băng qua công viên giữa Văn Phòng Hãng Thông Tấn và Dinh Tổng Thống. Chiếc xe tăng bắn một tràng đạn lên không và húc đổ cánh cổng sắt xuống đất. Những người lính đội mũ sắt, lùng bùng trong bộ quần áo màu xanh lá cây, và vài người còn mang nón sắt thiết giáp nhảy xuống khỏi xe tăng, phóng vội lên các bực cấp để treo cờ Việt Cộng. Họ đã đi đến điểm cuối cùng của đường mòn Hồ Chính Minh. Chiến tranh chấm dứt!
Tôi ngạc nhiên vì những biến cố dồn dập, khó tin rằng chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến mà hầu như tôi lớn lên cùng với nó, đã chấm dứt. Năm trước, khi có phép thường trú ở Sài Gòn, làm phái viên Đông Dương của Tạp Chí Kinh Tế Viễn Đông, tôi biết rằng Hiệp Định Paris do Henry Kissinger và Lê đức Thọ, ủy viên Bộ Chính Trị Đảng CS Việt Nam đẻ ra thực sự đã chết. Sự ngưng bắn không còn hiệu quả trong các khu vực quân sự địa phương. Chẳng ai, ngay cả những người vạch kế hoạch ở Hà Nội thấy rằng nó thất bại. Tuy nhiên, giữa tháng Tư, có triệu chứng cho thấy giờ phút quyết định đã gần kề. Do sự yêu cầu của giám đốc ở Hồng Kông, tôi thuyết phục vợ tôi rời Sài Gòn, riêng tôi thì chống lại lời đề nghị của họ biểu tôi phải ra đi. Giám đốc nhắn tin cho tôi: “Không có gì quý bằng mạng sống của anh. Rời ngay nếu có nguy hiểm nào”. Trong thư gửi đi Hồng Kông hôm 25 tháng Tư tôi trả lời rằng tôi sẽ không đi “nếu không chứng kiến được những giờ phút cuối cùng của tấn thảm kịch”. Chỉ năm ngày sau đó, bức màn buông xuống. Tôi chứng kiến bao nhiêu người bạn Việt Nam của tôi ra đi mà lòng nặng trĩu vì gia đình ly tán. Cuộc di cư giành giựt xảy ra. Tôi thấy hàng ngàn người khốn khổ trốn chạy ngọn triều Cộng Sản từ bờ biển miền Trung tới nơi trú ẩn Sài Gòn, rồi lại sa vào bẩy sập một lần nữa. Cũng chưa có gì đáng nói lắm nếu sự kết thúc không tắm máu như nhiều người đã sợ. Sự chia cắt lâu dài giữa hai miền Nam Bắc chấm dứt bằng một phương cách kỳ lạ vì người Sài Gòn chen chúc quanh những chiếc xe tăng T54 của Bắc Việt, chuyện trò với những chú lính thẹn thùng trong bộ quần áo màu xanh lá cây từ phương Bắc mới vào. Có nhiều lo lắng về những gì sẽ xảy ra trong tương lai; nhưng cũng có những mối xúc cảm vì Việt Nam cuối cùng rồi cũng được hòa bình. Với thời gian, mọi việc sẽ qua đi.
Có điều không được vững tin lắm ở bên nước Cam Bốt láng giềng, nơi tấm màn buông xuống mười ba ngày trước. Trong chuyến đi của tôi tới Phnom Penh hồi tháng Giêng năm 1975, tôi thấy Khmer đỏ buộc sẵn thòng lọng chung quanh thủ đô xứ này. Dân số thành phố, căng phồng lên tới gần hai triệu người tị nạn. Họ chạy vào thành phố để tránh bom đạn, kinh hoàng vì những trận tấn công bằng hỏa tiễn. Khmer đỏ cắt đứt mọi đường giao thông, và chẳng bao lâu, sẽ tới phiên con đường sống độc nhất nối với thế giới bên ngoài: Sông Mê Kông (Cửu Long). Những cố gắng tuyệt vọng của Mỹ nhằm mở một đường không vận theo kiểu Bá Linh để vận chuyển lương thực và nhiên liệu đành bỏ dở vì phi trường Pochentong bị tấn công. Tổng Thống Lon Nol, mặt đầy nước mắt, rời bỏ đất nước, chẳng bao lâu sau là những viên chức người Mỹ. Ngày 17 tháng Tư, Khmer đỏ tiến vào thủ đô, dí súng đuổi dân ra khỏi thành phố. Hai tuần sau, những người ngoại quốc trước kia trốn vào Tòa Đại Sứ Pháp, khăn gói lên đường đi Thái Lan bằng xe vận tải. Và Cam Bốt, một âm thanh vang vọng đang chìm xuống chân trời – rồi bất thần biến mất.
Cuộc chiến tranh Đông Dương thứ hai đã chấm dứt, và một cuộc chiến tranh mới giữa những đồng chí và anh em cũ đang hình thành. Cũng khó mà kẻ thù đế quốc từ bỏ tình huống này: những tranh giành cũ và nghi ngờ trỗi dậy. Những đồng chí ngày hôm qua bắt đầu đòi hỏi quyền lợi cho quốc gia của mình và chống lại quyền lợi của quốc gia khác. Che dấu kín đáo dưới chiếc áo rộng, ngụy trang bằng những lời hoa mỹ đoàn kết cách mạng là mối thù truyền kiếp to lớn và vô hình. Tôi hiểu một chút rằng tôi đã trãi qua một thời kỳ lý thú nhất trong một thập niên tiếp theo cuộc xung đột được che dấu rồi lại lộ ra khi hòa bình Đông Dương tan vỡ. Với tôi, giống như xem một tấm hình, qua nhiều năm, mọi sự lớn hơn, gay gắt hơn khi tôi đi từ Đông Dương qua Trung Hoa -từ những cánh đồng chết ở Cam Bốt đến những trận địa rải rác trên các ngọn đồi vùng biên giới Việt-Hoa – và trò chuyện với không biết bao nhiêu người ở cả hai bên chiến tuyến. Cố gắng ráp nối những phần mất mát lại cùng với nhau, như một bức tranh được góp nhặt từ những miếng nhỏ để tìm hiểu sự xung đột mới. Do đó, tôi thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn các nhà soạn thảo sách lược và quan chức của các cường quốc, các lân bang của Đông Dương có liên quan đến tấn thảm kịch này. Cuốn sách này là kết quả của công việc điều tra khởi sự từ mười hai năm trước.
Tiếp sau Sài Gòn và Phnom Pênh sụp đổ là sự xung đột đẫm máu giữa những người Cộng Sản Việt Nam và Cam Bốt chiến thắng vì tranh giành kiểm soát các hòn đảo trong vịnh Thái Lan. Pol Pot, người lãnh đạo Khmer Đỏ, chẳng bao lâu sau khi nắm quyền kiểm soát đất nước đã mở ra một chương trình cưỡng bách để tiến nhanh tới xã hội chủ nghĩa, với mục đích làm cho Cam Bốt mau lớn mạnh để có thể đối đầu với Việt Nam, kẻ thù truyền kiếp. Chẳng bao lâu sau đó, có những cuộc thanh trừng đẫm máu để tiêu diệt những phần tử đối nghịch, những kẻ bị nghi ngờ thân Việt Nam, và mở ra những cuộc tấn công trực tiếp vào làng xã Việt Nam, tàn sát dân lành. Đối với Khmer đỏ, họ cho rằng đó là cuộc chiến tranh phòng ngự để sống còn nhằm chống lại kẻ thù lịch sử đang dự định nuốt trọn Cam Bốt. Với Việt Nam, sự thù địch của Cam Bốt có Trung Hoa hỗ trợ phía sau là một cuộc tái đấu của lịch sử. Trung Hoa là kẻ thù ngàn năm của Việt Nam, được xem như đang cố gắng chinh phục Việt Nam bằng hai gọng kềm từ phía Bắc và Tây Nam. Như mấy lần trong ngàn năm chống lại thiên triều, Việt Nam, một lần nữa, sẵn sàng đối đầu với mối đe dọa bị tấn công, và nó đã xảy ra vào cuối năm 1977. Sự xung đột dấu mặt ở Cam Bốt bùng nổ công khai vào ngày đầu năm 1978, khi đài phát thanh Phnom Penh loan báo cho thế giới hay rằng họ là nạn nhân của “Việt Nam xâm lăng”. Trong vòng 5 tháng, ngọn lửa bùng lên phía Bắc: Sắc dân thiểu số Hoa kiều, như làn sóng, ồ ạt rời Việt Nam, Bắc kinh vén bức màn bí mật lên và tố giác Hà Nội ngược đãi Hoa kiều, Hà Nội nhắm tới con đường bá quyền (tiểu bá – người dịch) ở Đông Dương. Sự phát triển mối liên minh của Việt Nam (CS) với Liên Sô gợi lên cho Trung Hoa cơn ác mộng lịch sử – một sự đe dọa cùng lúc từ những kẻ dã man ở phía Bắc cũng như ở phía Nam. Từ mùa hè năm 1978, họ đã có kế hoạch đưa ra một cú đấm trừng phạt Việt Nam “vong ân”, nước đã hưởng thụ sự viện trợ của Trung Hoa trong ba thập niên. Vì vậy, ngay khi mối liên minh với Khmer đỏ bị sụp đổ hoàn toàn vì cuộc xâm lược của quân đội Việt Nam (CS) thì Bắc kinh thực hiện sự trừng phạt này.
Cuộc xung đột ở Đông Dương liên hệ mật thiết đến việc tranh chấp giữa Liên Sô và Mỹ, và làm liên minh Mỹ-Hoa thêm phát triễn. Trong khi đó, nước Cam Bốt Dân chủ dưới sự cai trị của Khmer Đỏ đóng cửa biên giới, kín mít như bưng và sống dựa vào Trung Hoa. Từ 1975, Hà Nội cố gắng phát triển một chính sách ngoại giao độc lập, đặt căn bản trên sự cân bằng giữa hai siêu cường. Mùa hè năm 1977, Hà Nội gần như đạt được quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ sau khi họ chịu từ bỏ lời khăng khăng đòi viện trợ tái thiết. Một năm sau, khi sự xung đột với Cam Bốt và Trung Hoa gần như bùng nổ công khai, mối hy vọng lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ trở thành tuyệt vọng, họ phải từ bỏ yêu cầu đòi viện trợ Mỹ. Từ đó, cơ may của họ không còn nữa. Không cần biết đến Việt Nam (CS), Bắc Kinh quyết định dạy cho Việt Nam (CS) “một bài học” và cố gắng thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Hoa Kỳ trước khi có hành động trừng phạt Hà Nội. Bắc Kinh hoạch định một kế hoạch ăn nhịp hoàn toàn với Tổng Thống Mỹ Jimmy Carter và cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống để tìm kiếm một sự hợp tác toàn cầu chống Liên Sô. Hoa Kỳ quyết định bỏ rơi việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam (CS) và bí mật thúc đẩy việc thiết lập quan hệ với Bắc Kinh. Qua ba thập niên tham gia cuộc chiến ở Việt Nam để chống lại sự “bành trướng của Trung Hoa”, Hoa Kỳ, cuối cùng, im lặng trở thành người cộng sự trong cuộc chiến Trung Hoa chống lại Việt Nam. Hồi tháng 2 năm 1979, hân hoan trước thắng lợi trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, Phó Chủ Tịch Trung Hoa Đặng Tiểu Bình liền mở ra cuộc tấn công trừng phạt Việt Nam.
Việc Việt Nam (CS) chiếm đóng Cam Bốt và Trung Hoa tấn công Việt Nam chỉ là sự gia tăng mối xung đột đã nảy sinh một cách lặng lẽ từ năm 1975, mà cả mọi phía đều không có phương cách giải quyết. Tới đầu năm 1986, khoảng 180 ngàn bộ đội Việt Nam (CS) vẫn còn ở lại Cam Bốt để đánh nhau với quân du kích Khmer Đỏ. Đại pháo Trung Hoa vẫn còn bắn phá tan tành vùng biên giới phía Bắc Việt Nam và bộ binh, từng lúc, vẫn còn tấn công Bắc Việt. Mặc dù bị đánh đuổi ra khỏi Phnom Pênh, chính phủ liên minh Khmer Đỏ vẫn còn được công nhận là chính phủ của nước Cam Bốt Dân Chủ. Trong khi cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba đang tiếp diễn thì toàn bộ vấn đề có tính cách quốc tế này đã thay đổi một cách bi thảm. Nhờ chiến tranh Hoa Việt, Mạc Tư Khoa được hưởng các tiện nghi quân sự ở Việt Nam để bành trướng sức mạnh của họ ở Thái Bình Dương. Mối hy vọng một liên minh chống Liên Sô do Hoa Thịnh Đốn đứng đầu để giúp đỡ Trung Hoa chống lại Việt Nam (CS) lại bị bỏ rơi khi Trung Hoa trở lại chính sách độc lập và bắt đầu bình thường hóa các cuộc thương thuyết với Liên Sô. Theo đúng một chu kỳ, nước Việt Nam (CS) mạnh về quân sự nhưng đơn độc và kinh tế rách nát lại bắt đầu theo đuổi mối quan hệ vô cùng phức tạp với Hoa Kỳ.
Câu chuyện đấu tranh lịch sử này ở Đông Dương và chính sách ngoại giao của các cường quốc đã bao trùm lấy nó. Những biến cố ở Đông Dương, từ khi chiếc trực thăng Mỹ rời khỏi sân thượng Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn chứng tỏ một cách rõ ràng rằng một tiền đề sai lầm khi người Mỹ can thiệp vào Việt Nam như thế nào. Thay vì chận đứng sự bành trướng của Trung Hoa ở Châu Á như các nhà vạch kế hoạch Mỹ dự liệu, Việt Nam chứng tỏ cho mọi người thấy rằng họ là kẻ thù và đối thủ cay đắng nhất của Trung Hoa. Khmer Đỏ, từ lâu được xem như một con bài của Hà Nội thì họ lại tự bày tỏ cho thấy họ là kẻ thù sống chết của Việt Nam. Lịch sử thập niên vừa qua được xem như một bài học: Lịch sử và chủ nghĩa quốc gia – không phải bằng lý thuyết – đã đẻo gọt tương lai của vùng đất nhiều đổi thay này. Rồi bộ mặt nó có ra thế nào đi nữa, cũng khó mà tìm ra những chế độ bù nhìn thật sự ở Đông Dương.
Sau một tháng náo động vì chiến cuộc, tháng 5/1975, Đông Dương trở lại yên tĩnh. Những chiếc trực thăng bay lượn trên trời để đưa người di tản đến chỗ an toàn nay đã hết. Cuộc giải cứu kinh hoàng của Hạm Đội Bảy và hàng trăm thuyền tị nạn nối nhau ra biển cũng đã qua rồi. Ít ra, người ta cũng nghĩ vậy. Nhưng buổi sáng ngày 15 tháng 5, khi ánh bình minh lặng lẽ nhô lên ở cuối chân trời màu ngọc bích đảo Koh Tang trong vịnh Thái Lan thì những âm thanh chiến tranh lầm lạc quay trở lại. Mười một chiếc trực thăng hiện ra ở cuối chân trời phía tây còn tối, hướng tới hòn đảo này của Cam Bốt. Mục đích tấn công của lực lượng Mỹ (U.S. Air Force Jolly Green Giant and Knife helicopters) là Mayaguez, một chiếc tàu chở hàng cũ và hư hỏng của Mỹ bỏ neo phía ngoài đảo Koh Tang. Ngày 12 tháng 5, một chiến thuyền của Cam Bốt chở theo mấy chú lính Cam Bốt quần áo đen, bắt giữ một chiếc thuyền ngoài khơi đảo Wai, xa hơn về phía Nam (1). Lời kêu gọi của chiếc tàu Mayday được đáp ứng. Tổng Thống Gerald Ford ra lệnh một lực lượng không quân trực thăng thuộc đơn vị đóng ở Utapao, Thái Lan và Thủy Quân Lục Chiến thuộc Hạm Đội 7 tới cứu chiếc tàu Mayaguez và thủy thủ đoàn gồm 39 người. Vào lúc hừng đông, khi các lực lượng Mỹ tấn công vào hòn đảo nói trên, họ không biết rằng các thủy thủ đã được chuyển đến cảng Kompong Som trên đất liền. Những người lập kế hoạch cũng chẳng biết những người đi cấp cứu phải đối đầu với những dân quân trang bị rất yếu kém. Chỉ có một chiếc trực thăng Knife hạ xuống trên bờ biển cát và Thủy Quân Lục Chiến Mỹ bung ra tấn công. Hàng cây phía trên còn chìm trong bóng đêm bỗng bùng lên lửa súng máy và súng trường. “Trông giống như giây đèn trên cây Giáng Sinh” – Một phi công trực thăng kinh hoàng kể lại.(2) Chỉ trong vòng một giờ, hai chiếc trực thăng Knife bị bắn hạ và rớt trên bờ biển. Dù chẳng có ai trong thủy thủ đoàn được cứu, các Thủy Quân Lục Chiến cũng bị cầm chân vì sự kháng cự mạnh mẽ từ phía Cam Bốt. Mười bốn giờ sau, máy bay và tàu chiến của Hạm Đội Bảy làm cho khu vực này tan nát kinh hoàng.
Choáng váng trước sức mạnh của Mỹ, Khmer Đỏ vội vàng trả lại thủy thủ đoàn. Nhưng cuộc tấn công của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trên đảo Koh Tang vẫn chưa chấm dứt. Ford cho rằng cần chứng minh việc tấn công dữ dội đã nghiền nát sức phòng ngự trên bờ biển Cam Bốt. Vào cuối ngày của cuộc chiến, 15 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tử trận, phía Khmer không kể xiết người bị chết. Chỉ có một nhà máy lọc dầu và một phi đội nhỏ của Cam Bốt bị phá hủy. Đối với Tổng Thống Ford, sự kiện Mayaguez là một cơ hội để nâng cao tinh thần nước Mỹ bị chùng xuống sau khi họ nhục nhã rút khỏi Phnom Pênh và Sài Gòn. Sự bày tỏ sức mạnh của Mỹ qua vụ tàu Mayaguez, theo Tổng Thống Ford “là tia sáng rực rỡ nâng cao toàn bộ tinh thần của niềm tự tín mới. Hoa Kỳ vượt qua được những thời điểm hết sức khó khăn và bây giờ là lúc quay hướng lại và thay đổi một tiến trình”. Như ông nói sau này. Bây giờ là lúc Mỹ chú tâm vào việc hàn gắn vết thương, có thể quay lại Đông Dương đang chìm trong bóng tối.
Giai đoạn Mayaguez biến mất từ những trang trước, có vài điểm cần lưu ý: biến cố ấy chỉ là một trò phụ diễn không được quảng cáo cho một cuộc xung đột dữ dội hơn, một cuộc đấu tranh được trì hoãn lâu dài để giành chỗ sinh tồn giữa hai nước láng giềng cũ. Cú đánh cuối cùng của nước Mỹ hùng cường ở Đông Dương giúp che dấu âm mưu thực hiện một cuộc chiến tranh mới giữa các đồng chí và anh em cũ, những người đã một thời tay trong tay chống lại Hoa Kỳ. Việc bắt giữ tàu Mayaguez thúc đẩy Cam Bốt tấn công vào các hòn đảo do Việt Nam (CS) chiếm đóng trong vịnh Thái Lan. Những người lính Khmer đỏ non trẻ giận dữ khi bước lên tàu Mayaguez tay chỉ cầm những cây súng AK-47 rõ ràng muốn chứng tỏ quyền kiểm soát họ mới giành được ở vùng hải phận đất nước.
Chiến trận giành hải đảo
Trong vài ý nghĩa, điều đó là tự nhiên, hầu như không thể tránh được, là phần kết thúc của một cuộc chiến đấu thành công cho tổ quốc, chống lại ách thống trị ngoại bang. Kẻ chiến thắng cố gắng củng cố quyền kiểm soát toàn lãnh thổ được xem như di sản quốc gia do tổ tiên để lại. Tuy nhiên trong trường hợp Cam Bốt và Việt Nam, công việc này có ý nghĩa là mở lại mối thù hận và xung đột từ lâu đã được che dấu sau bộ mặt đồng chí và đoàn kết.
Khi sắp toàn thắng miền Nam, một trong những hành động đầu tiên của Hà Nội là “giải phóng” Trường Sa (Spratlys Inslands) trong biển Nam Hải (Đông Hải – nd) khỏi quyền kiểm soát của chế độ Thiệu và đòi quần đảo Hoàng Sa (Paracel Inslands) do Trung Hoa chiếm đóng. Chỉ mấy tuần sau khi chiếm Phnom Pênh, các đơn vị Khmer đỏ đã mở rộng an ninh biên thùy, lãnh địa cũng như lãnh hải. Quân đội được phái tới vịnh Thái Lan để kiểm soát các hòn đảo do chế độ cũ chiếm đóng hay đòi hỏi. Mệnh lệnh không chỉ là lãnh thổ mà thôi. Thiết lập quyền hạn trên toàn cõi và giương cao chiêu bài độc lập, đối đầu với những người bảo vệ đáng kính của họ trong chiến tranh. Đã đến lúc cách mạng Việt Nam (CS) và Cam Bốt đi theo những con đường chính trị dị biệt mà trong chiến tranh họ đã cùng chung một hướng, xem như để thống nhất và hợp tác. Chiến tranh qua rồi, Việt Nam (CS) không còn gì ngần ngại chống lại Trung Hoa để giành lãnh thổ, và Cam Bốt cũng chẳng có gì ngại ngùng để bày tỏ sự chống đối Việt Nam. Cuộc đấu tranh lịch sử dài lâu giữa Trung Hoa và Việt Nam, giữa Việt Nam và Cam Bốt đã ngưng lại dưới ách thống trị của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, nay bùng lên vì sống còn – ban đầu thì che dấu, nhưng rồi cường độ gia tăng. Khi họ sẵn sàng cắm bia đòi đất, không phải vì cách mạng, mà lại là muốn gia tăng mức độ xung đột. Nhu cầu khẩn thiết của họ là củng cố quyền lực trong nước và giải quyết vô số vấn đề hậu chiến, kêu gọi biện pháp thích hợp. Với hai lãnh tụ hàng đầu, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đang trên giường bệnh, Trung Hoa – những nhân vật chủ chốt khác trong cuộc tranh giành mới – cũng quá bận rộn với cuộc đấu đá sinh tồn về lý thuyết để lôi kéo sự chú ý hoàn toàn đối với các vấn đề đang nổi lên ở biên giới phía Nam. Sự bận tâm về các công việc nội bộ của những nhân vật chính đã gây ra sự lưỡng lự, những nỗi sợ hãi đã hằn sâu, và tham vọng chống đối lẫn nhau, chính sách ngoại giao và nội bộ dị biệt sâu sắc chẳng bao lâu đã đưa Cam Bốt và Trung Hoa vào con đường liên minh chống Việt Nam.
Ngày 12 tháng Tư/1975, năm ngày trước khi quân Khmer đỏ chiến thắng tiến vào thủ đô Phnom Penh, một trong những lãnh tụ Khmer đỏ, Ieng Sary, đang ở Quảng Trị, Nam Việt Nam. To con, mắt nhỏ, khuôn mặt tròn trịa và láng, Sary sinh trưởng trong một gia đình “Khmer Krom”, thiểu số người Khmer trong vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (Người Việt gốc Miên -nd). Thập niên 1950, du học ở Pháp và theo chủ nghĩa Mác, cùng với những sinh viên Khmer khác như Pol Pot, thành lập một chi bộ Cộng Sản Cam Bốt. Về sau, ông ta trở thành người có quyền lực đứng thứ hai sau Pol Pot, được gọi là “người anh thứ hai” đáng sợ. Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 1980, Sary kể lại với tôi rằng năm 1975, khi đang trên đường từ Bắc Kinh trở về vùng giải phóng Cam Bốt, ngang qua các vùng mới chiếm được ở Nam Việt Nam thì ông ta nhận được một bức điện từ Hà Nội, khuyến cáo ông ta về việc người Mỹ rút ra khỏi Cam Bốt. Chuyến đi của Sary dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh trắc trở, xuyên qua những con suối chảy mạnh trong tỉnh Rttanakiri của Cam Bốt. Ông ta đã sống ở Hà Nội một số năm trong thời kỳ chiến tranh và thực hiện nhiều chuyến đi đi về về Cam Bốt rất nguy hiểm. Tin nói về Phnom Pênh sắp sửa rơi vào tay Khmer Đỏ là ánh lửa rực sáng, chấm dứt hoàn toàn cuộc sống gian khó nhưng hữu ích này cho cách mạng Cam Bốt. Thay vì ngồi trên chiếc xe Jeep cà tàng mò mẫn dọc theo những dãy núi ở Trung phần Việt Nam để xuống Cam Bốt, Sary bay ngược ra Hà Nội rồi đi Bắc Kinh. Ông ta đến Phnom Pênh vào ngày 24 tháng tư, trên chiếc Boeing 707 của Trung Hoa, chuyến bay đầu tiên từ ngoại quốc hạ cánh xuống Cam Bốt, chấm dứt giai đoạn di chuyển theo đường mòn Hồ Chí Minh.
Điều ông ta không nói với tôi trong cuộc phỏng vấn là trong thời gian ngắn khi ở lại Bắc Kinh, ông ta thảo luận những gì với các nhà lãnh đạo Trung Hoa về vấn đề xây dựng lực lượng quân đội Cam Bốt. Ông ta yêu cầu nước chủ nhà đừng chuyển vận vũ khí và các trang bị khác xuyên qua con đường bình thường trước kia nữa – qua ngã Việt Nam. Vài tuần sau, tàu biển Trung Hoa chở theo gạo, nhiên liệu, và hàng hóa đổ xuống cảng Kompong Som.
Tuy nhiên, trước khi tàu biển Trung Hoa cặp bến, như một biểu tượng chính sách biệt lập của cách mạng Cam Bốt, Khmer Đỏ đã thách thức việc Việt Nam kiểm soát những hòn đảo trong vịnh Thái Lan. Nhằm nhắc lại việc đòi đảo Phú Quốc (tiếng Khmer là Koh Tral), Khmer Đỏ đã tấn công hòn đảo này hôm 4 tháng 5. Sáu ngày sau, Khmer đỏ đưa quân đổ bộ lên đảo Thổ Chu (Poulo Panjang -tiếng Miên là Krachak Ses) và bắt đi năm trăm người dân Việt Nam cư ngụ trên đảo, những người này về sau không còn nghe tin tức gì cả. Nguyễn Văn Tốt, một quân nhân chế độ Nam Việt Nam cũ, đang ở Rạch giá lúc cuộc chiến xảy ra, mất hết toàn bộ gia đình tất cả gồm 12 người. Bốn tháng sau, ông ta trở lại Thổ Chu thì căn nhà anh ta đã hư nát, còn trên đảo thì rải rác đầy sọ người. Hai tuần sau khi Khmer đỏ tấn công, Việt Nam phản kích, giết nhiều lính Khmer đỏ và bắt giữ khoảng 300 tù binh.(4)
Sary nói với một nhóm người Mỹ thân hữu rằng việc bắt giữ tàu Mayaguez hôm 12 tháng 5 là hành động của viên chỉ huy địa phương, không được lệnh từ Phnom Pênh(5). Có thể là các viên chỉ huy địa phương quá căm tức, muốn mở ra thật xa việc bảo vệ lãnh thổ Cam Bốt và tấn công các hòn đảo do Việt Nam chiếm đóng. Tuy nhiên, đúng hơn, là do lệnh ngầm của cấp cao. Có lẽ những lãnh tụ Khmer Đỏ nghĩ rằng thực sự chiếm đóng đất đai là lời tranh luận mạnh mẽ nhất trong các cuộc thương thuyết lãnh thổ. Cam Bốt chẳng bao giờ điều đình về việc họ bị mất các hòn đảo trên biển với chính quyền Nam Kỳ thuộc địa thời thực dân Pháp cũng như chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kế tục. Năm 1960, lúc còn là quốc trưởng Cam Bốt, Thái Tử Norodom Sihanouk đã thất bại trong việc đòi lại đảo Phú Quốc bằng đường lối ngoại giao. Ông ta cảnh cáo “việc chúng tôi bị mất các hòn đảo trên biển sẽ đưa tới việc làm ngưng trệ hoạt động của hải cảng Kompong Som, chẳng bao lâu chúng tôi cũng chẳng giữ được nền độc lập.” (6)
Giờ đây, lợi dụng lộn xộn lúc Sài Gòn thất thủ, Khmer Đỏ cho rằng thời gian đã chín mùi để đem quân chiếm đóng các hòn đảo tranh chấp. Pol Pot, người sinh viên kỹ sư điện thi hỏng ở Ba Lê, theo chủ nghĩa Mác Xít cuồng tín, tổng bí thư đảng Cộng Sản Cam Bốt (CPK) từ đầu thập niên 1960, là người đưa ra những hành động nhằm thực hiện tư tưởng cực đoan và thù hận sâu sắc người Việt Nam, kẻ thù truyền kiếp. Sau khi chiếm Phnom Pênh, Pol Pot tức khắc đưa ra một đường lối thực hiện gồm 8 điểm, trong đó, có hai điểm chính là trục xuất thiểu số người Việt ra khỏi Cam Bốt và phái quân đội tới biên giới, đặc biệt là biên giới Việt Nam.(7) Tuy nhiên sau khi thấy phản ứng quyết liệt của Việt Nam, ông ta phải xét lại sự khôn ngoan của ông trong khi quá vội vàng. Ngày 2 tháng 6, trong khi Nguyễn văn Linh, ủy viên Bộ Chính Trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam tới Phnom Pênh để thảo luận vấn đề này, Pol Pot được xem là có lỗi. Bày tỏ sự tiếc rẽ việc đã làm, Pol Pot thừa nhận rằng có hành động xâm lấn, tuy nhiên sự “đụng chạm đẫm máu và đau lòng” là do binh lính không biết rõ tình hình địa lý địa phương.
Lê Duẫn đi Phnom Pênh
Rõ ràng Việt Nam (CS) không thể chấp thuận lời giải thích đó. Trong khi Pol Pot có Ieng Sary, phó bí thư đảng, Nuon Chea và một số viên chúc khác tháp tùng tới Hà Nội vào ngày 12 tháng sáu, trong một cuộc “viếng thăm anh em” thì Việt Nam (CS) đã chiếm đóng doanh trại quân đội Cam Bốt trên đảo Wai và cắm cờ trên đảo này. Ngày 14 tháng 6, tờ New York Times trích dẫn một nguồn tin tình báo Mỹ cho hay rằng Việt Nam (CS) đã chiếm đảo này. Tuy nhiên việc phái đoàn Cam Bốt tới Hà Nội vào thời điểm trớ trêu ấy vẫn còn che dấu mãi đến ba năm sau.
Vài năm sau, Ieng Sary nói với tôi rằng trong suốt cuộc viếng thăm, phía Cam Bốt cố gắng một cách vô vọng đưa vấn đề biên giới ra thảo luận với Việt Nam (CS). Ông ta nói rằng người Cam Bốt muốn đạt tới những điểm căn bản trong bản tuyên bố năm 1967 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (DRV- Bắc Việt- người dịch) công nhận biên giới hiện tại của Cam Bốt. Nhưng Việt Nam (CS) từ chối thảo luận vắn đề này. Sau này, theo phía Việt Nam, dù Cam Bốt muốn ký một thỏa hiệp thân hữu nhằm bảo vệ các vấn đề thương mại, tài phán, phân định ranh giới, họ cũng không yêu cầu thực hiện tức khắc việc thảo luận biên giới. Ý tưởng đưa ra một thỏa ước hữu nghị là từ phía Cam Bốt nhằm dàn hòa với Việt Nam, trên hình thức chấp thuận biên giới Cam Bốt hiện thời. Vấn đề này chẳng bao giờ được nêu ra nữa (8).
Ngày 2 tháng 8, Lê Duẫn, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, Ủy Viên Bộ Chính Trị Phạm Hùng, Xuân Thủy, nhân vật tham gia hòa đàm Paris đến Phnom Pênh trong một chuyến viếng thăm ngắn. Đã cho Cam Bốt nếm mùi quân sự, bây giờ, các nhà lãnh đạo Việt Nam tỏ ra uyển chuyển hơn. Lê Duẫn, 67 tuổi, người cao lớn, trông có vẽ ảm đạm, thành viên nguyên thủy của Đảng Cộng Sản Đông Dương. Trước khi nắm chức bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam ông ta đã bị tù khoảng 10 năm và một số năm lãnh đạo cách mạng miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, không giống Phạm Hùng, một người miền Nam trông có vẻ oai vệ, có một thời gian dài lãnh đạo Cộng Sản Miền Nam Việt Nam và vẫn còn giữ mối quan hệ với các lãnh tụ Khmer Đỏ. Đây là lần đầu tiên Duẫn đến Cam Bốt. Mục đích của chuyến đi này rõ ràng không phải là để du lịch. Khách Việt Nam không được mời ra khỏi Phnom Pênh đã trở thành một thành phố ma sau việc tàn bạo xua đuổi dân chúng hồi tháng Tư. Theo lời yêu cầu của Khmer Đỏ, các bản tường trình về cuộc viếng thăm bị cắt giảm đến mức còn lại tối thiểu(9). Mặc dù sự tiếp đón không được nồng ấm, Duẫn vẫn là người muốn hòa giải. Ông ta thừa nhận rằng đảo Wai quả thật là lãnh thổ của Cam Bốt và hứa trả lại sớm. Một bản thông cáo chung được ký kết, cam kết giải quyết những dị biệt trong hòa bình, không dùng sự trừng phạt. Không có tiệc tùng hay diễn văn. Chỉ có một bản tường trình ngắn gọn được phổ biến trên cả hai đài phát thanh Hà Nội và Phnom Pênh vào ngày 3 tháng 8 cho hay rằng “những cuộc thương thảo chân thật đã thực hiện giữa hai phái đoàn Việt Nam và Cam Bốt trong bầu không khí thân hữu vì quyền lợi chung, có quan điểm thống nhất về mọi vấn đề đưa ra”.(10)
Dù thành thực hay giả vờ, không khí cũng có cải thiện dễ dàng khi đảo Wai được trả lại cho Cam Bốt. Ngày 10 tháng 8, Nguyễn Văn Linh gặp Nuon Chia, một trong những người lãnh đạo hàng đầu của Khmer Đỏ, báo cho ông nầy biết rằng quân đội Việt Nam (CS) đã rút lui khỏi đảo. Nuon Chia cám ơn về quyết định đó và nói rằng tất cả đều do “ngộ nhận về ranh giới giữa hai nước” (11). Thực ra, họ quá biết vấn đề biên giới và sự căng thẳng giữa hai phía đã tạo ra những cuộc xung đột đẫm máu sau khi họ chiến thắng phe tư bản. Chẳng bên nào muốn có chiến tranh. Đặc biệt, phía Việt Nam thì lo lắng không muốn dân chúng biết cuộc xung đột. Trong khi cố gắng giải quyết vấn đề bằng võ lực cũng như bằng ngoại giao, Hà Nội quyết định duy trì một bộ mặt đoàn kết chiến đấu với Cam Bốt. Hồi tháng Bảy, sau khi tôi ở thành phố “Sài Gòn giải phóng” được hai tháng, bay ra Hà Nội trên đường rời Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn Hoàng Tùng, biên tập tờ nhật báo của đảng CSVN: “Nhân Dân”, tôi có hỏi ông về tình hình quan hệ với Cam Bốt, ông ta trả lời một cách nhanh nhẵu là “bình thường”. Ngưng một chút, ông ta nói thêm “Nhìn chung là bình thường”. Ông ta phủ nhận tin tức báo chí Tây Phương cho rằng có xung đột ở những hòn đảo trong vịnh Thái Lan. Vào lúc tôi nói chuyện với Tùng trong văn phòng ánh điện mờ mờ, trông xuống hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội thì hàng ngàn người Việt Nam, đàn ông, đàn bà, trẻ con bị đuổi ra khỏi lãnh thổ Cam Bốt, đưa xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long của miền Nam Việt Nam. Sau khi qua biên giới, họ được quân đội Việt Nam (CS) đưa vào các trại tị nạn dựng tạm. Hàng trăm người Cam Bốt gốc Việt Nam và Trung Hoa vào trú tại một ngôi chùa ở Chợ Lớn. Phái viên hãng AP của Pháp tại Sài Gòn, Charles Antoine De Nerciat nghĩ rằng ông ta đã vớ được một tin giựt gân nhỏ khi ông nhận ra những người tị nạn nầy là từ nước Cam Bốt cách mạng anh em đến trú ẩn tại thành phố Sài Gòn đã “giải phóng”. Tuy nhiên, nhờ vào sự nghiêm nhặt của các tay kiểm duyệt Việt Nam (CS), bản tin ngày 12 tháng 6 của ông chẳng bao giờ được chuyển đi. Trong một sự trùng hợp khá buồn cười, ông ta viết câu chuyện này vào ngày Pol Pot tới Hà Nội thực hiện chuyến viếng thăm không được công bố. Dù rằng các tay kiểm duyệt có biết chuyến viếng thăm ấy hay không, người Việt Nam (CS) cũng chẳng được lợi ích gì khi cho một nhà báo tư sản nhắc lại câu chuyện thê thảm của những người tị nạn và như thế, làm cho mối quan hệ với Cam Bốt thêm phức tạp. Mãi đến năm 1978, câu chuyện đó mới được rõ ra. Trong chuyến viếng thăm các tỉnh biên giới Việt Nam hồi tháng 3 năm 1978, tôi được biết làm thế nào, trong suốt 5 tháng đầu sau khi “giải phóng” Phnom Pênh, hơn 150 ngàn người Việt Nam khốn khổ lũ lượt chạy về Đồng Tháp, An Giang và Tây Ninh. Người Việt Nam thì được phép định cư tại chỗ, những người Hoa, người gốc Khmer thì buộc phải trở lại Cam Bốt.
Việt Nam (CS) muốn Cam Bốt biết rằng họ có một người bạn có đủ sức mạnh. Sau Hà Nội, nơi Pol Pot dừng chân kế tiếp trong chuyến viếng thăm bí mật của ông ta là Bắc Kinh. Ngày 21 tháng 8, Pol Pot được vị anh hùng, người thầy lý tưởng của Pol Pot tiếp kiến: Mao – “Anh đã thực hiện được một cú đánh tuyệt hay còn chúng tôi thì đông như thế này mà đành thua”. Mao nói với người đệ tử sáng láng của ông (12). Khi Mao nói câu này thì hàng trăm ngàn người dân Cam Bốt bị đuổi ra khỏi các thành phố về các miền hoang dã ở thôn quê sống cuộc đời nông nô.
Mao hoàn toàn chấp thuận chương trình cách mạng của Pol Pot ở Cam Bốt và sách lược của ông ta độc lập với Việt Nam. Cuộc họp này cũng được dấu kín cho tới hai năm sau, khi Pol Pot lột bỏ cái áo ngụy trang vô danh, công khai trở thành tổng bí thư Đảng Cộng Sản Cam Bốt. Dĩ nhiên, phía Việt Nam họ hiểu một cách sâu sắc những lời ca ngợi của Mao đối với Cam Bốt. Năm 1975, Mao đã khuyên các nhà lãnh đạo (CS) Việt Nam “phải học tập ở Cam Bốt cách làm thế nào để thực thi cách mạng”. (13)
Tình hữu nghị giữa Trung Hoa của Mao và Cam Bốt đặt căn bản trên lý thuyết và, quan trọng hơn, đồng nhất về quyền lợi. Nhóm Pol Pot không những chỉ vô cùng ngưỡng mộ tư tưởng Mao về đấu tranh giai cấp và cách mạng không ngừng, họ còn chia sẻ với Trung Hoa về mối sợ hãi và ghê tởm Liên Sô. Chống lại Việt Nam âm mưu cai trị toàn cõi Đông Dương là mối quan tâm hàng đầu của nhóm Pol Pot, vì vậy, một cách tự nhiên, họ quay về phía Trung Hoa, một liên minh chính yếu trong truyền thống chiến lược, nhằm ngăn ngừa một sức mạnh trỗi dậy ở biên giới phía Nam.
Chẳng có gì ngạc nhiên, tháng Tám năm 1975, Chu Ân Lai, lúc ấy tình hình sức khỏe rất suy yếu, không còn sống bao lâu, giải thích với Lê Thanh Nghị, người đứng đầu Ban Kế Hoạch của Hà Nội, là Bắc Kinh không có khả năng giúp đỡ Việt Nam. Trong khi đó, Bắc Kinh lại nồng nhiệt hoan hô Phó Thủ Tướng Cam Bốt Khiêu Samphan và Ieng Sary, hứa viện trợ một tỷ đồng cho một chương trình 5 năm. Khoảng 20 triệu trong số tiền này đã được tháo khoán.
Trong khi chuyến viếng thăm của Khiêu Samphan và Ieng Sary thành công vẽ vang, được viện trợ kinh tế, được bày tỏ một cách công khai Trung Hoa hoàn toàn ủng hộ Cam Bốt thì những cuộc thảo luận bí mật về viện trợ vũ khí đã bắt đầu từ hồi tháng 6, khi Pol Pot lặng lẽ đến Trung Hoa. Trong tháng Tám và tháng Mười, các nhóm chuyên viên từ Bộ Quốc Phòng Trung Hoa thực hiện một cuộc thanh sát ở Cam Bốt để tìm hiểu nhu cầu quân sự, và, ngày 12 tháng Mười, họ trình một bản soạn thảo kế hoạch quân sự cho Phnom Penh để xin chấp thuận.
Ngày 6 tháng Hai năm 1976, ngày Tòa Đại Sứ Trung Hoa ở Hà Nội đưa ra lời than phiền chính thức đầu tiên việc bắt buộc nhóm thiểu số người Hoa ở Nam Việt Nam nhập quốc tịch, một quan chức quân sự hàng đầu của Trung Hoa thăm Phnom Pênh để kết thúc thỏa ước viện trợ quân sự. Wang Shangrong, phó tổng tham mưu quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Hoa (PLA), nói với Bộ Trưởng Quốc Phòng Cam Bốt Son Sen, quyết định của Trung Hoa về việc cung cấp bộ phận rời cho pháo binh, thuyền tuần phòng, và trang bị phòng không, trên căn bản ưu tiên. Tổng cộng có 500 cố vấn Trung Hoa huấn luyện cho quân đội Cam Bốt xử dụng các loại trang bị này. Wang cũng đưa ra một danh sách về các loại vũ khí sẽ được cung cấp cho Cam Bốt trong các năm 1977, 1978. Ngày 2 tháng Mười, một thỏa ước viện trợ quân sự cho Cam Bốt không phải bồi hoàn được ký kết giữa Wang và Son Sen (14).
Trong khi việc hợp tác quân sự được giữ hoàn toàn bí mật để khỏi làm cho Thái Lan và Việt Nam lo ngại, hoạt động chính của Trung Hoa tuồng như nhằm giúp đỡ ước muốn chính đáng của Cam Bốt là chuyển hóa quân đội của họ từ lực lượng du kích thành một đội quân thường trực, trang bị võ khí mới đủ sức phòng vệ đất nước. Mặc dù Bắc Kinh không nghi ngờ gì về sự mong muốn lấy lại cán cân mất thăng bằng nghiêm trọng giữa lực lượng Cam Bốt thiếu thốn và lực lượng quân sự Việt Nam to lớn, bộ máy quân sự trang bị hoàn hảo, lại thừa hưởng một số lượng võ khí trị giá 5 tỉ đôla từ quân đội Miền Nam VN trước đây, họ cũng chẳng có ý hay mong muốn đẩy quân Khmer Đỏ tiến lên đối đầu với quân đội Việt Nam (CS). Trung Hoa của Mao chỉ muốn Cam Bốt đủ mạnh để không bị Việt Nam bắt nạt mà thôi.
Viện trợ vũ khí của Trung Hoa cho Cam Bốt được dấu kín, tuy nhiên tin tức về các viện trợ khác của Trung Hoa cho Cam Bốt thì quảng bá ồn ào. Ngày 17 tháng Tư/1976, Bắc Kinh tổ chức một cách rầm rộ lễ kỷ niệm một năm “giải phóng” Cam Bốt. Trong điện văn gởi Pol Pot nhân dịp này, Mao, Chu Đức (Zhu De) và Hoa Quốc Phong ca ngợi Pol Pot đã bảo vệ hoàn toàn nền độc lập, quyền cai trị tối thượng, toàn vẹn lãnh thổ của Cam Bốt, tạo nên “sự thay đổi cách mạng sâu sắc nhất”. Tuy không nói rõ ra nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ đang bị đe dọa, lời cảnh cáo đó cũng không bỏ quên vai trò Hà Nội. Các nhà lãnh đạo Trung Hoa trấn an Pol Pot rằng nhân dân Trung Hoa sẽ cùng “vai kề vai tiến lên phía trước” với nhân dân Cam Bốt (15).
Hồi mùa Xuân năm 1976, Cam Bốt trở thành yếu tố chính trong sự căng thẳng giữa Trung Hoa và Việt Nam, tuy nhiên mối quan hệ đang suy thoái dần bắt đầu từ những năm trước. Từ khi Hà Nội chiến thắng ở Miền Nam, sự mâu thuẫn đặc biệt từ hai phía đã gia tăng vì khác biệt về chính trị và chiến lược.
Dồn quân tới Trường Sa
Ba tuần lễ trước khi Cộng Sản Bắc Việt cắm cờ trên thành phố Sài Gòn, sau này được đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh, Hải Quân Việt Nam (CS) tiến chiếm quần đảo Trường Sa, trước kia do quân đội Sài Gòn trú đóng. Hà Nội thấy trước thời kỳ rối loạn và chuyển tiếp khi chiếm miền Nam và không muốn dành cho Trung Hoa cơ hội chiếm các hòn đảo này, nơi cả hai phía đang tranh chấp. Ngày 5 tháng Năm, đài phát thanh Hà Nội đưa tin rằng khoảng thời gian sau ngày 11 tháng Tư “quân giải phóng và hải quân” đã “giải phóng” hoàn toàn sáu hòn đảo trong quần đảo Trường Sa. Ngày 7 tháng Năm, nhật báo “Sài Gòn giải phóng” cho phát hành một bản đồ màu cho thấy rằng lãnh thổ Việt Nam không những bao gồm quần đảo Trường Sa mà cả quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Hoa chiếm đóng.
Bắc Kinh vẫn “câm như đá” về các biến cố này. Mấy năm sau, tôi biết Trung Hoa nghĩ gì. “Khi chúng tôi sắp rời Hà Nội để thăm viếng miền Nam vừa mới “giải phóng” chúng tôi nghe tin việc chiếm đóng Trường Sa (Nansha). Tôi như ngậm phải tro”. Ling Dequan một phái viên của Tân Hoa Xã (Xinhua) nói với tôi. Ling đã làm việc vài năm tại văn phòng Tân Hoa Xã ở Hà Nội và tham gia nhóm phóng viên đầu tiên có văn phòng ở đây đi thăm miền Nam Việt Nam hồi tháng 5/1975. Ông ta nói rằng việc Việt Nam chiếm quần đảo này là tạo ra một phản ứng có từ trước, khi Việt Nam công nhận quyền cai trị của Trung Hoa ở quần đảo Hoàng Sa. Ling, dù sao thì cũng đã cường điệu hóa sự kinh ngạc này. Dù cho tới lúc đó, Việt Nam (CS) chưa nhận được phản kháng nào của Trung Hoa đối với việc chiếm đóng các hòn đảo này, Hà Nội cũng đưa ra đầy đủ chứng cớ về chủ quyền. Hồi tháng 6 năm 1974, Hoàng Tùng nói với một phái viên báo chí Thái Lan “Đông Nam Á thuộc về các dân tộc Đông Nam Á… Trung Hoa không phải là một quốc gia thuộc vùng Đông Nam Á, vì vậy Trung Hoa không có những vùng lãnh hải rộng lớn như họ đòi hỏi.”(16)
Khi Tùng nói tới vấn đề này, Hà Nội chưa tiên liệu việc chiến thắng một cách mau lẹ ở miền Nam. Bởi khi quân đội của Thiệu bắt đầu tan tác, Hà Nội cũng khó đứng ì một chỗ mà xem Trung Hoa chiếm đóng Trường Sa trong cùng một cung cách như họ đã chiếm Hoàng Sa năm trước.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở trong biển Nam Hải bao gồm 150 chõm đất, san hô và cát, từ mấy thế kỷ trước, đã được ngư dân Việt Nam, Trung Hoa và Phi Luật Tân biết đến để lấy phân bón hải điểu, thực phẩm cho người Trung Hoa sành điệu ăn uống – tổ chim yến (yến sào- nd). Hồi đầu thập niên 1970, những đảo nhỏ này lại có một giá trị mới khi việc tìm kiếm dầu hỏa bắt đầu nhộn nhịp trong vùng Đông Nam Á. Vấn đề chủ quyền càng thêm phức tạp khi Trung Hoa cho rằng tất cả những hòn đảo này là thuộc quyền của họ, lấy chứng cớ căn bản trên việc họ có lui tới những nơi này. Tuy nhiên, chẳng có ai, Trung Hoa, Việt Nam hay Phi Luật Tân chiếm đóng lâu dài trên những hòn đảo đó. Mãi đến cuối thập niên 1950, chính quyền Nam Việt Nam không chống lại Trung Hoa đòi chủ quyền trên các quần đảo. Bắc Việt Nam, đồng minh lý thuyết và là người nhận viện trợ Trung Hoa, nghĩ rằng khôn ngoan thì nên mặc cho Trung Hoa tranh giành chủ quyền trên các đảo đó. Nhưng sau năm 1959, khi Sài Gòn và Bắc Kinh lại tranh nhau chủ quyền các hòn đảo này thì Hà Nội tiếp tục tránh ủng hộ Trung Hoa bằng cách im lặng.
Hành động chiến tranh đầu tiên
Năm 1972, khi chính phủ Thiệu bắt đầu thỏa thuận cho các công ty ngoại quốc tìm dầu trên thềm lục địa Việt Nam, vấn đề các quần đảo trở thành mối quan tâm lớn của Trung Hoa. Họ âm thầm thiết lập những cái nhằm chứng tỏ sự hiện diện của họ trên chuỗi đảo Amphitrite thuộc quần đảo Hoàng Sa (Paracel) trong khi miền Nam Việt Nam vẫn duy trì những đồn binh nhỏ trên chuỗi đảo Lưỡi Liềm. Tháng Tư/ 1972, trong hành động nhằm tái xuất hiện – được Mỹ chấp thuận trong chuyến viếng thăm lịch sử của Tổng Thống Nixon hai tháng trước đó -, Bắc kinh phản kháng các chiến hạm Mỹ xâm nhập chung quanh đảo Hoàng Sa. Trong hồi ký, Bộ Trưởng Ngoại Giao Henry Kissinger không đặt thành vấn đề chủ quyền của Trung Hoa trên quần đảo này, mặc dầu nó chống lại đòi hỏi của Nam Việt Nam, lúc đó thực sự đang chiếm một phần quần đảo này, Kissinger thông báo cho Trung Hoa biết rằng “Không có gì thiệt thòi cho vị thế hợp pháp của chúng tôi trên vùng biển, hải quân chúng tôi sẽ không xâm nhập và giữ khoảng cách 12 dặm kể từ các hòn đảo ấy.”(17)
Hà Nội, và hầu như Sài Gòn cũng vậy, không biết đến cam kết của Kissinger không cho hạm đội Mỹ đến gần quần đảo. Ngày 26 tháng Mười Hai/ 1973, Hà Nội thông báo cho chính phủ Trung Hoa biết kế hoạch của họ bắt đầu thương thảo với công ty dầu khí Ý Đại Lợi tìm kiếm dầu trong vịnh Bắc Việt. Ngày 11 tháng Giêng, Bắc Kinh đưa ra lời tuyên bố đòi chủ quyền ở tất cả các hòn đảo trong biển Nam Hải. Bốn ngày sau, quân đội Trung Hoa tập trung gần đảo Lưỡi Liềm. Nam Việt Nam yêu cầu Bắc Kinh hãy có trách nhiệm, cẩn thận từ bỏ kế hoạch của họ. Ngày 18 tháng Giêng bằng không và hải quân, Trung Hoa tấn công lực lượng tăng cường Nam Việt Nam, đánh bật họ ra khỏi khu vực, và thiết lập quyền kiểm soát của Trung Hoa trên toàn bộ quần đảo. Chính phủ Thiệu yêu cầu Mỹ can thiệp nhưng bị từ chối một cách lịch sự. Ngũ Giác Đài nói rằng họ không biết gì về lời kêu gọi giúp đỡ đó và Hạm Đội Bảy vẫn ở ngoài khu vực xung đột. Một sĩ quan Mỹ cố vấn cho đơn vị Hải Quân Nam Việt Nam bị bắt, mấy tuần sau được hồi hương qua ngã Hồng Kông. Một ngày trước khi Trung Hoa tấn công, Bắc Kinh thông báo cho Hà Nội biết có thể có thương thảo với Việt Nam (CS) về vấn đề hải phận, nhưng rồi ra chẳng thực hiện cố gắng nào.
Vài năm sau, (tháng Giêng/1974), đại sứ Việt Nam tại Paris, Mai Văn Bộ, nói với tôi cuộc tấn công của Trung Hoa ở Hoàng Sa là “hành động đầu tiên tấn công Việt Nam”. Tuy nhiên, lúc ấy Hà Nội chỉ đơn giản nói rằng những cuộc thương thuyết về lãnh thổ giữa các nước láng giềng cần phải xem xét hết sức nghiêm chỉnh. “Các nước liên hệ phải nói chuyện với nhau, bằng thương thuyết và trong tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và láng giềng tốt”. (18)
Đối với việc Trung hoa chiếm Hoàng Sa, lời phát biểu này bao hàm một sự chỉ trích. Tuy nhiên vì cần có viện trợ kinh tế và quân sư của Trung Hoa cho chiến trường miền Nam, Hà Nội chẳng có thể làm gì được hơn. Một năm sau, khi cuộc toàn thắng ở phía Nam đã rõ ràng, là thời điểm cuối cùng để Cọng Sản VN công khai chống lại Trung Hoa bằng cách tuyên bố “giải phóng” sáu hòn đảo trong quần đảo Trường Sa (Spratly). Từ giữa thập niên 1950, đã có nhiều bất đồng về lãnh thổ trên biên giới Hoa-Việt, nhưng chẳng đặt thành vấn đề gì. Sau chuyến đi của Nixon đến Trung Hoa năm 1972, và với việc Mỹ chấm dứt ném bom ở miền Bắc, ký hiệp định Paris, Hà Nội bắt đầu nêu lên vấn đề lãnh thổ. Vài vụ đụng chạm xảy ra trên biên giới Hoa Việt nhưng không được thế giới biết đến. Theo tiết lộ của Trung Hoa sau đó, hàng trăm cuộc đụng độ đã xảy ra năm 1974 và sau khi Hà Nội chiến thắng miền Nam, số lượng ấy cứ tăng dần lên (19).

Nỗi sợ hãi có căn cứ
Lịch sử có một điều hết sức mai mỉa, còn hơn cả Hoa Kỳ thua trận: Trung Hoa cũng bị đánh bại ở Việt Nam. Việc Hoa Kỳ rút ra khỏi Việt Nam năm 1975 tuồng như đem lại cho các nhà chiến lược Trung Hoa một cơn ác mộng về Việt Nam. Một nước Việt Nam mạnh và thống nhất là một sự thách thức ở phía Nam Trung Hoa, đồng bọn với kẻ thù cay đắng ở phía Bắc.
Sự sụp đổ quyền lực bi thảm của Mỹ ở Việt Nam- biểu tượng bằng hình ảnh đại sứ Mỹ ở Phnom Pênh, John Gunther Dean dấu lá cờ Mỹ trong bọc nylon và những chiếc trực thăng bị xô xuống biển để rộng bãi đáp trên các chiến hạm Mỹ sau khi triệt thoái khỏi Sài Gòn, nay là lúc Bắc Kinh phải đối đầu với Liên Sô “đế quốc xã hội chủ nghĩa” đang mở rộng ảnh hưởng ở châu Á. Từ sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Nixon, sự hiện diện của Mỹ trông có vẽ ôn hòa. Tuy nhiên, Đài Loan là một ngoại lệ. Bây giờ Trung Hoa lo lắng vì sự rút lui hốt hoảng của Mỹ khỏi vùng Đông Nam Á chỉ có lợi cho Moscow, – kẻ viện trợ quân sự chính yếu cho Việt Nam -, sẽ lấp vào khoảng trống sau khi Mỹ rút đi. Sau ngày 29 tháng Tư, sau chiến dịch “Vãng Lai Phong” nhằm đưa hết những người Mỹ ra khỏi Việt Nam, đề mục chính của tin tức ngoại giao trong bản tin thế giới của Tân Hoa xã là sự thao dượt của hải quân Liên Sô. Sau khi nói rằng hải quân Liên Sô hiện diện nhiều nơi khác nhau trên khắp thế giới, bao gồm cả việc “hăng hái thâm nhập vào eo biển Malacca” ở phía nam Việt Nam. Hãng thông tấn này bày tỏ việc “tập trận sau cùng của hải quân Liên Sô đạt tới mức độ nghiêm trọng nhất” chống lại hiểm nguy do sự xâm lược và bành trướng của “đế quốc xã hội chủ nghĩa” (20)
Chủ Tịch Mao, Chu Đức và Chu Ân Lai dĩ nhiên gởi lời chúc mừng Hà Nội về “ngọn triều vui sướng” này nhưng họ cũng chỉ rõ rằng chiến thắng của nhân dân Việt Nam cũng là một biểu lộ khác của cuộc chiến tranh nhân dân đang ngấm ngầm, một khái niệm về sự khởi thủy và thực hiện ở Trung Hoa trước kia. Bài bình luận trên tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày 1 tháng Năm cho thấy rõ cố gắng bác bỏ bất cứ vai trò nào của Liên Sô trong chiến thắng của Việt Nam. Tờ báo viết: “Chiến thắng của nhân dân Việt Nam thêm một lần nữa được chứng tỏ rằng yếu tố quyết định cho sự thắng bại là nhân dân và sự ủng hộ của họ, không phải do vũ khí”. Nói cách khác, không phải nhờ xe tăng và hỏa tiễn Liên Sô được đưa vào Việt Nam mà thành công. Đó là sự ủng hộ của nhân dân.
Những lời cảnh cáo công khai như thế rất cần thiết vì Bắc Kinh nghi ngờ những phần tử xét lại Việt Nam có thể đang bị cám dỗ bởi những viện trợ rất có hiệu quả của Liên Sô và ngược lại Việt Nam sẽ dành cho Liên Sô các căn cứ quân sự. Trung Hoa ghi nhận và theo dõi đại biểu quân sự Liên Sô đến Hà Nội chỉ một tuần sau khi Sài Gòn sụp đổ và hàng loạt tàu Liên Sô đến các hải cảng Việt Nam. Chỉ 3 tuần sau khi Cộng Sản VN chiếm miền Nam, Trung Hoa, lần đàu tiên cảnh cáo bằng cách nói với đoàn đại biểu Nhật bản là Liên Sô đã yêu cầu Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam để cho họ xử dụng các căn cứ cũ của Mỹ ở miền Nam (21).
Tháng Bảy năm 1975, tôi hỏi Ngô Điền, một nhà ngoại giao hòa nhã giữ nhiệm vụ báo chí trong Bộ Ngoại Giao (Sau này là đại sứ ở Cam Bốt) quả thật Liên Sô có đòi xử dụng những căn cứ này hay không. Tuồng như ông ta hết sức bất bình. “Ông có nghĩ rằng Liên Sô có thể đòi những điều như thế ở đất nước chúng tôi hay không?”. Rồi ông ta không cần câu trả lời, nói tiếp: “Trước khi ông hỏi bạn ông một câu gì, ông phải hiểu là bạn ông sẽ nghĩ như thế nào về câu hỏi đó. Làm sao Liên Sô có thể đòi những “căn cứ” như thế được? -sặc mùi đế quốc.” Tuy nhiên, ông ta nói thêm rằng, quả thật tàu bè Liên Sô có xử dụng những tiện nghi ở vịnh Cam Ranh, giống như tàu bè của tất cả các nước anh em khác. Mấy năm sau tôi khám phá rằng, phát biểu của Điền chỉ là cải bướng, một trò chơi chữ. Sáu năm sau 1975, các nhà ngoại giao Việt Nam có nói với tôi rằng quả thật thời kỳ đó Liên Sô có gây áp lực ép để xử dụng các căn cứ quân sự cũ nhưng thất bại – thêm bốn năm nữa họ mới được những gì yêu cầu khi Việt Nam đã lún sâu vào cuộc chiến tranh với Trung Hoa.
Ngay cả việc nếu như không có căn cứ quân sự Liên Sô ở Nam Việt nam, Trung Hoa lo lắng cái gì sẽ xảy ra khi cán cân quyền lực ở Đông Nam Á không còn cân bằng vì với số lượng to lớn chiến lợi phẩm lấy được ở miền Nam, Hà Nội có sức mạnh vượt trội lên, theo đúng ngôn ngữ của nó, sẵn sàng nắm lấy vai trò cách mạng tiên phong ở khu vực này. Hầu như muốn chọc quê những lời cảnh cáo của Trung Hoa vì mối nguy hiểm do Liên Sô thay thế khoảng trống Mỹ ở Đông Nam Á, báo Nhân Dân số ra ngày 21 tháng Năm hân hoan với sự sụp đổ tuyến phòng ngự của Mỹ ở Đông Nam Á. Bài báo viết: “Một thời kỳ làm nên thắng lợi của nhân dân Việt Nam, đã góp phần đem lại sự thay đổi quan trọng trong cán cân quyền lực thế giới… Nhân dân trong vùng này có điều kiện dễ dàng để loại bỏ phụ thuộc của họ vào đế quốc tư bản… “(22). Nhìn từ hướng Bắc Kinh, điều đó cũng giống như Hà Nội đòi giành lấy vai trò lãnh đạo cách mạng Đông Nam Á. Tôi đã ngửi thấy cung cách thỏa mãn của Hà Nội trong chuyến viếng thăm ở đây vào mùa hè năm 1975. Nó là một thành phố không phải lỡm chỡm đầy những họng súng hay các bích chương kêu gọi cách mạng toàn thế giới. Hà nội vui mừng một cách thầm lặng. So với sự căng thẳng, ồn ào, và hỗn độn của Sài Gòn mà tôi đã bỏ lại đằng sau, thủ đô phía Bắc là một sự tìm tòi mâu thuẫn. Hà Nội thay đổi chút ít từ khi Pháp rời Đông Dương 21 năm trước. Thành phố có cái già cỗi đáng yêu: Những đại lộ có những hàng cây bóng rợp, và những mặt hồ yên ã. Những con đường lặng im chỉ bị khuấy động một chút bởi những âm thanh nhẹ nhàng của xe đạp đang chạy. Hà Nội có vẽ tin tưởng trong không khí lặng im. Nói chuyện với tôi trong ngôi nhà của Bộ Ngoại Giao xây theo kiểu Pháp, Ngô Điền đọc cho tôi nghe một bài thơ làm hồi thế kỷ 15 sau khi quân nhà Minh bị đánh đuổi ra khỏi Việt Nam:
Đánh một trận sạch không kình ngạc,
Đánh hai trận tan tác chim muông
… … … … … … … ,
Giang sơn từ đây mở mặt,
Xã tắc từ đây vững bền

(Bình Ngô Đại Cáo – người dịch)
Người Việt Nam vẫn còn sững sốt với chiến công của họ. Trong suốt những ngày chiến tranh đen tối, khi B-52 rãi thảm ở phía Bắc, hàng ngàn thanh niên rời bỏ quê hương đi Nam chiến đấu không bao giờ trở lại, chỉ có một ít hy vọng sống sót để thấy chiến thắng ở thành phố Hồ Chí Minh như họ tiên đoán. Sau khi vượt qua được những thử thách ghê gớm và đánh bại kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới, với họ, mọi việc tuồng như có thể làm được. Giờ đây, Việt Nam sẵn sàng góp mặt với thế giới, đứng thẳng lên cùng bè bạn và kẻ thù, bày tỏ ý kiến của mình.
Một Trung Hoa lo lắng, nắm lấy cơ hội kỷ niệm ba mươi năm của Bắc Việt để bày tỏ quan tâm về vai trò lãnh đạo của Việt Nam. Họ gởi một thành viên Bộ Chính Trị, Tướng Chen Xilian tham dự buổi lễ tổ chức tại Hà Nội. Chen, người to lớn, đang giữ chức tư lệnh Quân khU Bắc Kinh, năm 1969, chỉ huy lực lượng quân sự Trung Hoa trong chiến tranh với Liên Sô dọc theo biên giới Nga-Hoa và hiện ở trong cương vị có thể cảnh cáo Hà Nội về những nguy hiểm do Liên Sô tạo ra ở Châu Á.. Phát biểu trong một buổi lễ tại nhà máy thép Thái Nguyên do Trung Hoa xây dựng, bị thả bom trong chiến tranh, nay cũng do Trung Hoa giúp tái tạo, ông ta ca ngợi cuộc đấu tranh “chống bá quyền” (một danh từ Trung Hoa thường dùng để ám chỉ chống Liên Sô). Ông ta cảnh cáo “âm mưu của siêu cường nhằm mục tiêu bá quyền” – có nghĩa là Liên Sô cố lấp chỗ trống của Mỹ, đang tạo ra nhiều điều ghê gớm và đe dọa gia tăng chiến tranh. Khi Chen đến Hà Nội vào ngày 31 tháng 8, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng bước lên cầu thang máy bay ôm hôm thắm thiết – theo truyền thống những ngày đoàn kết chiến đấu. Nhưng giới báo chí Hà Nội đón tiếp không lịch sự nhằm bày tỏ tính cách độc lập của họ. Họ loại bỏ những điều Chen nói tới bá quyền trong các bài phóng sự. Không bỏ lỡ cơ hội phê bình quan điểm của Trung Hoa, đài phát thanh Mạc Tư Khoa phê bình Chen là “khiếm nhã và khiêu khích chính trị”. Bản tin đó nói rằng “Nhân dân Việt Nam biết phân biệt bạn và thù”, và họ ý thức được “sự giúp đỡ vô giá và vô vị lợi từ Mạc Tư Khoa”. (23)
Sự đấu đá công khai giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh về lòng trung thành của Hà Nội chẳng đem lại điều tốt lành nào cho chính sách của Việt Nam để lèo lái cuộc tranh chấp của các bậc đàn anh trong khi Hà Nội đang mong họ giúp đỡ. Ngày 22 tháng Chín, Lê Duẫn và Lê Thanh Nghị đi Bắc kinh để cám ơn và cầu viện. Rõ ràng đây là một thử thách về tài khéo léo của Việt Nam. Hôm trước lúc lên đường, một bản tường trình từ Bắc kinh báo cho biết trước những gì các nhà lãnh đạo Bắc Kinh muốn nghe Lê Duẫn trình bày. Sau khi họp với Mao và Đặng, cựu thủ tướng Anh Edward Heath nói với báo chí rằng Moscow đã “quá lậm” trong việc đòi hỏi xử dụng các căn cứ quân sự ở Việt Nam. Nhưng ông ta cũng nói rằng Trung Hoa không nghĩ rằng Liên Sô sẽ thành công trong việc vận dụng ảnh hưởng dài lâu với Việt Nam, cũng không thể tiến tới việc thiết lập căn cứ quân sự ở đây. Qua ông Heath, Trung Hoa đưa ra những dấu hiệu rõ với Hà Nội, không phải cho tới bây giờ, khi Duẫn trấn an Trung Hoa thì sự lạc quan mới thấy rõ.
Chẳng có thì giờ để tiệc tùng
Dù việc đón tiếp Lê Duẫn không hào nhoáng như lần đón Khiêu Samphan và Ieng Sary đến Bắc Kinh một tháng trước đó, nhưng cũng nồng ấm. Sau khi Đặng Tiểu Bình và một số lãnh tụ cao cấp ra đón tại cầu thang máy bay, Duẫn duyệt qua hàng quân danh dự quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, các em bé nhảy múa và tặng hoa. Đặng, 71 tuổi, người một thời bị Hồng Vệ binh chưỡi là “tên đầu sỏ” đi theo chủ nghĩa tư bản và phải chịu bốn năm làm công việc chùi quét các hội trường, năm 1973 được Chu n Lai phục hồi. Đón Lê Duẫn lần này là lần xuất hiện công khai cuối cùng của Đặng trước khi sự nghiệp chính trị của ông ta lại chìm xuống một lần nữa. Quảng Trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh treo đầy đèn vàng đỏ, cờ và biểu ngữ hoan hô tình hữu nghị. Tuy nhiên, bầu không khí đó chùng xuống khi Đặng, trong buổi tiệc chào đón, đọc một bài diễn văn “thuyết giảng” về sự xấu xa của “chủ nghĩa bá quyền.” Nói tới tình hữu nghị của Việt Nam và Liên Sô, Đặng tránh không nói trực tiếp Liên Sô, nhưng gọi chung là siêu cường. “Các siêu cường là những tên đàn áp bóc lột quốc tế lớn nhất hiện nay”. Đặng nhắc nhở phái đoàn Duẫn như thế. Rồi, hơi kín đáo một chút, Đặng kêu gọi Việt Nam (CS) cùng Trung Hoa chống lại Liên Sô. Đặng nói: “Càng lúc càng rõ, bây giờ nhân dân thấy rằng trận chiến chống siêu cường bá quyền là con đường sinh tử mà nhân dân mọi nước đang phải đối đầu.” Đặng chỉ ra rằng thời gian đã thay đổi, và khi nói tới Trung Hoa và Việt Nam, Đặng không dùng thành ngữ cũ – “như môi với răng” – nhưng lại theo cung cách dịch vụ là “tình láng giềng xã hội chủ nghĩa anh em”, Đặng lưu ý Duẫn rằng bảo tồn và phát triễn tình hữu nghị là quyền lợi căn bản (24).
Duẫn đã từng tham dự nhiều bữa tiệc có trang hoàng lộng lẫy ở Đại Sãnh Đường Nhân Dân Trung Hoa. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Duẫn đến Bắc Kinh không chỉ đơn giản để xin viện trợ mà còn xác quyết vị trí đoàn kết và độc lập của Việt Nam. Duẫn không hết lời ca ngợi sự thành công của Trung Hoa trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, “tình cảm nồng nàn và lòng biết ơn sâu sắc” đối với sự giúp đỡ của Trung Hoa, nhưng bằng phương cách lịch sự, Duẫn gạt bỏ quan điểm của Trung Hoa đối với thế giới. Dẫn ra rằng chiến thắng của Việt Nam (CS) chẳng thể có được nếu không có “nhiệt tình và sự giúp đỡ to lớn và giá trị” của các nước xã hội chủ nghĩa anh em -có nghĩa khối Liên Sô – Duẫn nói tiếp: “Với lý do đó, thắng lợi này là thắng lợi chung của những lực lượng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cuộc chiến đấu chung chống lại chủ nghĩa đế quốc, chống lại đế quốc Mỹ cũng như bọn đầu sỏ”. Duẫn nói Việt Nam sẽ không bắt tay với Trung Hoa trong phong trào chống Liên Sô. Tuy nhiên, mặc dù có sự dị biệt về chính trị này, Duẫn cũng yêu cầu Trung Hoa viện trợ. Duẫn nhắc lại cho chủ nhà hay rằng “Nhân dân Việt Nam minh xác, trong giai đoạn mới, cũng như trong quá khứ, họ vui mừng đón nhận sự giúp đỡ nồng nàn và to lớn cũng như viện trợ của Trung Hoa”. (25) Tại Hà Nội, bản tin của Cơ Quan Thông Tấn Xã Việt Nam cắt bỏ phần nói tới siêu cường bá quyền trong bài diễn văn của Đặng.
Việc Duẫn từ chối, không quan tâm đến đề nghị của Trung Hoa có nghĩa là tạo khó khăn cho việc viện trợ từ phía Bắc Kinh. Năm tuần lễ trước khi Lê Duẫn lên đường đi Trung Hoa, Lê Thanh Nghị, người được Trung Hoa gán cho biệt danh là “tên ăn mày” vì Nghị thường đến Bắc Kinh để xin viện trợ, cũng đã đến Bắc Kinh để xin giúp đỡ (26). Hồi tháng Sáu năm 1973, Chu Ân Lai đề nghị Duẫn ngưng chiến ở miền Nam trong vòng 2 năm và hứa viện trợ cho Việt Nam (Bắc Việt) thêm năm năm nữa. Nhưng ngày 13 tháng Tám năm 1975, khi Nghị đến thăm Chu Ân Lai lúc đó đã gần chết, Nghị nghe giọng nói của Chu đã khác đi. Theo tờ “Peking Review” số phát hành sau đó, Chu nói với khách Việt Nam rằng “Trong chiến tranh, khi bạn hết sức cần viện trợ, chúng tôi phải lấy nhiều thứ trong quân đội chúng tôi để giúp bạn. Chúng tôi phải hết sức cố gắng để giúp bạn. Số lượng chúng tôi giúp Việt Nam đứng vào hàng đầu trong số chúng tôi viện trợ cho các nước khác. Bạn hãy để cho chúng tôi nghĩ ngơi và lấy lại sức”.(27)
Bây giờ, Duẫn thấy nhà lãnh đạo Trung Hoa cương quyết chấm dứt mọi viện trợ dù đã được chuẩn nhận, cả viện trợ lương thực như đã hứa trước kia. Họ (TH) nói, bây giờ chiến tranh đã qua rồi, Việt Nam phải tự nuôi mình. Trong suốt cuộc họp với Mao, Nghị cố gắng nhún nhường nói với Mao “Không có Trung Hoa là hậu phương lớn của chúng tôi, không có sự giúp đỡ của các “đồng chí”, không có sự giúp đỡ của chủ tịch, chúng tôi không thể thành công… Chúng tôi luôn luôn nói rằng chính là Trung Hoa, không phải Liên Sô, có thể viện trợ cho chúng tôi những món hàng trực tiếp nhất và hữu ích nhất, ở những giờ phút khó khăn nhất khi số mạng chúng tôi treo bằng sợi tóc…”(28). Những lời nịnh hót như thế cũng chẳng đem lại lợi ích gì ngoài vài món nợ không lời tài trợ cho Việt Nam nhập cảng dầu và hàng tiêu dùng. Có điều rõ là Bắc Kinh chưa gạch sổ Việt Nam, đóng sầm cửa lại vì vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi nói chuyện với Lê Duẫn ngày 24 tháng Chín, Đặng không dùng lối tuyên truyền như “những hòn đảo này là vùng đất thánh của Trung Hoa” và vì vậy, không thể thương thuyết. Đặng chỉ nói rằng việc giải quyết các hòn đảo này phải qua thương nghị (29).
Tuy nhiên, sự khác biệt về chính trị của hai bên vẫn còn quá lớn và việc từ khước của Duẫn đã tạo khó khăn cho ông ta khi ký bản thông cáo chung. Không những Duẫn từ khước ký thông cáo chung – như trong chuyến viếng thăm chính thức năm 1973 – Duẫn còn hủy bỏ buổi tiếp tân, theo nghi lễ, mời lại nước chủ nhà. Đó là điều sau này một viên chức Trung Hoa cho là “Một hành động khác thường của người lãnh đạo đảng anh em”. (30) Ngày 25 tháng Chín Duẫn ghé Thiên Tân bằng tàu lửa rồi lên đường về Việt Nam. Sau chiến tranh họ đã có hành động sĩ nhục Bắc Kinh.
Một tháng sau lại có một hành động sĩ nhục khác khi Duẫn đi Mạc Tư Khoa để nhận viện trợ theo như hứa hẹn là viện trợ lâu dài và ký một thông cáo chung thừa nhận vị trí chính trị của Liên Sô ở ngoại quốc. Sau đó, một quan chức Trung Hoa nói với tôi là thông cáo chung Sô-Việt ngày 30 tháng 10 là “Việt Nam đầu hàng chủ nghĩa bá quyền”.(31)
Sự phát triển bên trong Việt Nam tuồng như củng cố mối sợ hãi của Trung Hoa. Mặc dầu Trung Hoa có hứa miệng mục tiêu tái thống nhất Việt Nam, nhưng nghi ngại về một viễn tượng thống nhất chính trị và cai trị của hai miền Việt Nam, thay đổi một cách có hiệu quả sự cân bằng ở Đông Dương. Trong điện văn chúc mừng Việt Nam chiến thắng, Bắc Kinh chua chát ám chỉ mối quan tâm này: “Chúng tôi chân thành mong muốn nhân dân Miền Nam VN sẽ không ngừng gặt hái thắng lọi to lớn và mới mẽ hơn nữa trong công cuộc tiếp tục đấu tranh thực hiện cách mạng dân tộc và dân chủ”. (32) Theo cách thường nói thì chiến thắng của Miền Nam VN chính là do nhân dân Miền Nam chứ không do xe tăng và binh lính Bắc Việt. Trung Hoa nói rõ điều này là có ý ly cách Miền Nam ra khỏi Bắc Việt.
Trong vài tháng đầu sau khi chiếm miền Nam. Các nhà lãnh đạo CS gây ra một ấn tượng cho rằng ít ra cũng phải 5 năm, miền Nam sẽ giữ một hệ thống kinh tế và xã hội khác biệt trước khi thống nhất với miền Bắc (33). Trong bài diễn văn mừng thắng lợi ngày 19 tháng Năm, Lê Duẫn tuyên bố miền Nam sẽ xây dựng một “Chế độ nhà nưóc dân chủ” -theo ngôn ngữ Mácxít, thân xã hội chủ nghĩa- Chính phủ Cách Mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam cũng xin gia nhập -như một thành viên riêng rẽ- vào Liên Hợp Quốc. Nhưng sau sáu tháng điều hành công việc ở Miền Nam, những người lãnh đạo đảng CS Việt Nam thấy rằng sự trì hoãn thống nhất là một điều bất lợi. Trong khi hủy bỏ một cách mau lẹ hệ thống tư bản ở Miền Nam, có thể tạo ra những bất ổn và đối kháng. Duy trì hệ thống kinh tế tự do trong khi không có đủ cán bộ có khả năng có thể tạo ra tình trạng xáo trộn, và nghiêm trọng hơn, tăng cường khuynh hướng tách rời miền Nam. Các nhà lãnh đạo CS Việt Nam (Hà Nội) cũng lo sợ Bắc Kinh trực tiếp với Cọng Sản Miền Nam xuyên qua thiểu số Hoa kiều ở Chợ lớn và mối quan hệ chặt chẽ của Trung Hoa đối Cam Bốt. Thật ra, Trung Hoa cũng rất nhạy bén trong việc miền Nam tồn tại riêng rẽ với Bắc VN, tạo ra tranh luận trong việc thống nhất Việt Nam mau chóng. Điều đó chỉ làm nổi bật mưu mẹo của Trung Hoa.
Bằng một hành động đáng kinh ngạc, đài phát thanh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hôm 9 tháng 11, cùng lúc thông báo trì hoãn “Hội Nghị Hiệp Thương” Nam Bắc chuẩn bị tái thống nhất, trong khi đã có quyết định sẽ họp trong vài tuần tới. Trung Hoa rõ ràng đã vắng mặt thì nay lại đưa ra lời chúc mừng Hà Nội.
Sự tức giận của Trung Hoa gia tăng khi Việt Nam (CS) tuyên bố ngày 24 tháng Mười một sau khi “Hội Nghị Hiệp Thương” họp ba ngày ở thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc hội nghị này của họ. Trung Hoa lên tiếng về vấn đề quần đảo Trường Sa, do Hà Nội dùng lực lượng “giải phóng” hồi tháng Tư. Một bài bình luận dài trên tờ Quang Minh Nhật Báo (Guangming daily) của Trung Hoa xác nhận quyền sở hữu từ xưa của Trung Hoa. Khác với thái độ của Đặng hồi tháng Chín, nói rằng vấn đề các quần đảo có thể thương thuyết, tờ báo này bây giờ lại tuyên bố đó là vùng “đất thánh của Trung Hoa”. Tờ báo tuyên bố một cách đáng ngại rằng: “Tất cả những hòn đảo thuộc về Trung Hoa phải được nằm trong vòng tay của đất mẹ”.(34)
Không nãn lòng trước đe dọa gay gắt của Trung Hoa, Hà Nội tiến hành việc củng cố kiểm soát toàn miền Nam, bao gồm cả một triệu rưởi Hoa kiều. Tháng Hai năm 1976, trong khi chuẩn bị tổng tuyển cử, việc kiểm tra dân số được thực hiện, qua đó, người dân phải khai rõ quốc tịch của mình. Việc khai lý lịch có thể bị tước mất quyền công dân, bao gồm cả khẩu phần lương thực, một số rất đông người Trung Hoa ở miền Nam phải nhập Việt tịch.
Đối với Bắc Kinh, đây là sự vi phạm không chỉ thỏa ước miệng năm 1955 giữa Trung Hoa và Bắc Việt Nam cho phép trú dân Trung Hoa được “tình nguyện” nhập Việt tịch, đó cũng là một chính sách tương tự của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Trung Hoa phản kháng cái gọi là “cưỡng bức quốc tịch” đối với Hoa kiều ở Việt Nam. Có ba cuộc họp để thảo luận về việc này hồi tháng Hai và tháng Tư/1976 nhưng không có kết quả. Ba năm sau, Nguyễn Trọng Vinh, đại sứ Việt Nam (CS) ở Bắc Kinh giải thích cho tôi: “Không có cái gọi là “tình nguyện” trong thỏa hiệp 1955”. Hai năm sau, sự kiện Hà Nội đối xử với Hoa kiều như trên châm ngòi cho cuộc đụng độ Hoa-Việt.
Cùng thời gian Việt Nam (CS) kiểm tra dân số và chuẩn bị bầu cử thống nhất đất nước, Hà Nội cũng cố gắng tăng cường vị thế của họ ở Đông Dương bằng cách lôi kéo Lào vào một liên minh chặt chẽ hơn để thảo luận với Cam Bốt về vấn đề lãnh thổ. Những người lãnh đạo ở Hà Nội quyết định thống nhất chính quyền, thực hiện các kế hoạch nội bộ, thắt chặt hơn nữa mối giây liên kết với các nước láng giềng. Đó là những điều kiện chính yếu để bắt tay vào một nhiệm vụ to lớn là xây dựng đất nước bị tàn phá vì chiến tranh và đem lại những cải cách xã hội xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, mỉa mai thay, chính sách này đã làm cho Việt Nam cùng một lúc đối đầu với hai kẻ thù là Trung Hoa và Cam Bốt trong mục tiêu chung. Trong khi cả Trung Hoa và Cam Bốt đều có lý lẽ riêng của chính họ để tranh cải với Việt Nam, họ thống nhất sức chống đối để chống Việt Nam mới nổi lên thành một sức mạnh có thể cai trị toàn Đông Dương.
Dù chủ ý hay tình cờ, hai ngày sau khi thỏa ước quân sự Trung Hoa và Cam Bốt ký ở Phnom Pênh, Việt Nam bước đầu thúc đẩy thành lập một Liên Minh Đông Dương. Thủ tướng Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào và cũng là Tổng Bí Thư Đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào (LPRP) Kaysone Phomvihane, một liên minh lâu năm với Việt Nam tới Hà Nội thực hiện cuộc viếng thăm chính thức. Một bản thông cáo chung được ký giữa Kaysone và Duẫn hôm 12 tháng 2/1976, tuyên bố mối “quan hệ đặc biệt” tồn tại giữa hai nước nhằm hợp tác lâu dài và viện trợ hỗ tương, cũng như phối hợp hành động chống lại “chủ nghĩa đế quốc và bọn phản cách mạng.” Bản thông cáo chung cũng hứa hẹn “gia tăng đoàn kết giữa Lào, Cam Bốt và Việt Nam”. Ý định của Việt Nam “nhằm bảo đảm rằng Lào trước hết, sẽ đi theo hướng Việt Nam”. Một quan sát viên sau này nói với tôi như vậy. “Việc xử dụng thành ngữ “quan hệ đặc biệt” nhằm cảnh cáo Trung Hoa và Cam Bốt là Hà Nội sẽ không tha thứ Cam Bốt liên minh với Trung Hoa để chống Việt Nam.” (35)
Về phía Bắc Kinh, chẳng có phản ứng tức khắc nào đối với việc đưa ra câu “quan hệ đặc biệt”. Vài tuần sau, khi Việt Nam tưng bừng tổ chức kỷ niệm một năm “giải phóng” miền Nam, Bắc kinh đón tiếp dịp này với một vẽ yên lặng khó chịu. Chẳng có bài bình luận nào trên tờ Nhân Dân Nhựt báo, chẳng có điện văn chúc mừng gởi tới cho các nhà lãnh đạo ở Hà Nội.
Phnom Pênh cũng vậy, họ tránh những lời bình luận công khai trong dịp này. Tuy nhiên, người ta có thể ước lượng được sức chống đối của Khmer Đỏ về “quan hệ đặc biệt” từ giai thoại được quốc trưởng Cam Bốt cũng nhà lãnh đạo Mặt Trận Đoàn Kết Quốc Gia Cam Bốt, Thái Tử Norodon Sihanouk kể lại trong hồi ký của ông “La calice jusqu’à la vie”, rằng suốt tháng Chín/1975 khi thăm viếng Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 30 Bắc Việt Nam. Sihanouk và Khiêu Samphan gặp Thủ Tướng Phạm Văn Đồng. Đồng mời “ăn cơm gia đình” với người Việt Nam, thành viên Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam, (PRG) và các nhà lãnh đạo Lào lúc ấy cũng có mặt ở Hà Nội. Trước sự kinh ngạc và hoảng hồn của Sihanouk, Samphan lạnh lùng từ chối, nói rằng Cam Bốt thích bữa ăn tối tổ chức giữa hai đảng. Sau này, Samphan giải thích với thái tử: “Chúng ta sẽ không bao giờ rơi vào cái bẫy sập của Việt Nam, những người muốn cai trị Cam Bốt của chúng ta và nuốt trọn toàn bộ Liên Bang Đông Dương. Cái ý một buổi ăn tối như thế quả thật là rất nguy hiểm”.
Ông ngáo ộp về một Liên Bang Đông Dương mà đảng Cọng sản Đông Đương muốn dựng lên từ thập niên 1930 đã ám ảnh người Khmer. Ngày 17 tháng Tư, kỷ niệm một năm “giải phóng” Cam Bốt, Ieng Sary, cũng bị ám ảnh mối “quan hệ đặc biệt” như thế, nói rằng “Nhân dân chúng ta kiên quyết không cho nước ngoài chôn vùi nền độc lập, quyền cai trị và toàn vẹn lãnh thổ của Cam Bốt.” Ám chỉ quân đội Việt Nam (CS) hiện diện ở Lào qua mối “quan hệ đặc biệt,” Sary nói: “Việc phòng vệ một quốc gia là bổn phận của chính nhân dân nước đó, và cách mạng chỉ hoàn thành do chính nhân dân và nền độc lập của đất nước.” (36)
Mặc dù có những lời chỉ trích như vậy, đại sứ Việt Nam tại Phnom Pênh, Phạm văn Ba, vận động Cam Bốt chấp thuận đề nghị của Việt Nam mở một cuộc họp thượng đỉnh vào tháng Sáu. Trong khi đứng vững trên mặt chính trị, nước Cam Bốt Dân chủ vẫn tìm cách giải quyết vấn đề biên giới. Thực ra, về phía Phnom Pênh, thái độ của Việt Nam về cuộc thương thảo chủ quyền lãnh thổ là một thử nghiệm về lòng tốt của Hà Nội và vì vậy, phải có điều kiện tiên quyết chính yếu cho hội nghị thượng đỉnh.
Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phan Hiền, đến Phnom Pênh ngày 4 tháng Năm, thương thuyết trong hai tuần về vấn đề biên giới. Cuộc thương thảo tức thời gặp khó khăn khi Việt Nam đòi xử dụng bản đồ trước 1954 do Pháp ấn hành để vạch ranh giới, trong khi Cam Bốt, dù chấp thuận dùng bản đồ này làm căn bản cho việc thảo luận, nhưng đòi quyền sửa đổi đường biên giới. Về sau, Ieng Sary giải thích: “Bản đồ của Pháp có lợi cho Việt Nam vì khi bản đồ ấy được vẽ ra, Nam kỳ là thuộc địa Pháp. Nếu chúng tôi chấp thuận theo bản đồ ấy để vẽ biên giới thì Việt Nam sẽ chấp thuận đường phân ranh hải phận.”(37)
Vấn đề không phải là hải phận do Pháp vẽ trong bản đồ. Năm 1939, đường ranh Brévié – được gọi theo tên Jules Brévié, toàn quyền Pháp ở Đông Dương – bao gồm luôn cả những hòn đảo nằm giữa Nam Kỳ và Cam Bốt. Con đường này nhắm một góc 140 độ kể từ bờ biển giữa hai nước ra tới vịnh Xiêm La, nhưng xác định đảo Phú Quốc 1 dặm rưởi nằm trong khu vực cai trị của Nam Kỳ là mục đích của chính quyền thực dân. Tuy nhiên, chính Brévié có nói thêm “vấn đề chủ quyền những đảo này vẫn còn phải chờ.” (38)
Trong cuộc thương thuyết giữa Cam Bốt và Mặt Trận Giải Phóng năm 1966, lúc ấy Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam VN cần sự ủng hộ của Thái Tử Sihanouk, vì ông không phải là người đối lập, Việt Nam chấp thuận đường ranh Brévié. Trong cuộc phỏng vấn ở Paris hồi tháng Sáu năm 1977, (Khi cuôc họp của Phan Hiền hồi tháng năm trước đó còn giữ bí mật), tôi hỏi Hiền tại sao Hà Nội chấp thuận đường ranh Brévié thì ông ta trả lời: “Vâng, bởi vì khi chúng tôi chấp thuận đường ranh Brévié, chúng tôi không rõ lằn ranh hải phận, lục địa, v.v… những điều quái dị mới”. Rõ ràng là có sự ngụ ý từ khi có việc khai thác dầu lửa ngoài thềm lục địa vào thập niên 1970, Hà Nội phải nhìn lại hải phận của họ.
Thời gian khó khăn cho một toán quay phim
Trong thời gian thương thảo ở Phnom Pênh, Phan Hiền đồng ý đặt vấn đề chủ quyền các hòn đảo căn bản theo đường ranh Brévié. Những đảo ở phía Bắc đường ranh này thì thuộc Cam Bốt và đảo nào ở phía Nam thì thuộc Việt Nam, nhưng Hiền lại đề nghị vẽ lại đường ranh nầy. Về sau, Phnom Pênh tố cáo đề nghị của Việt Nam là nhằm giành một số lớn phần biển của Kanpuchia. “Đối với người Khmer, rõ ràng bọn bành trướng Việt Nam muốn giành đất Cam Bốt”. Cuộc thảo luận bị hoãn, rồi coi như chết từ đó, không họp lại. Cùng chiều hướng đó, hội nghị thượng đỉnh cũng chết luôn. Tuy nhiên, dù thất bại trên mặt thương thuyết, chưa bên nào đóng sầm cửa lại. Phan Hiền quay về Hà Nội, đem theo lời mời của Ieng Sary mời báo chí Việt Nam đến thăm nước Cam Bốt Dân Chủ kín mít như bưng.
Tháng 7 năm 1976, một đoàn đại biểu báo chí và truyền hình Việt Nam do Trần Thanh Xuân, phó giám đốc Việt Nam Thông Tấn Xã dẫn đầu là đoàn báo chí ngoại quốc đầu tiên đến thăm Cam Bốt. Xuân, 50 tuổi, lực lưỡng, đeo kiếng, được chọn vì Xuân có du học ở Pháp, biết rõ Pol Pot và Ieng Sary và nhiều người khác sau khi ở Pháp về, trở thành các nhà lãnh đạo Cọng sản Cam Bốt. Pol Pot, con người bí mật, lý lịch thật vẫn còn là một vấn đề người ngoài đang tra cứu, xuất hiện từ bóng tối để cho Xuân phỏng vấn và chụp hình. Bốn năm sau khi hồi tưởng cuộc gặp gở này, Xuân nói rằng Pol Pot vẫn còn duyên dáng, không chỉ là một người chủ nhà khả ái, mà còn là người Xuân phỏng vấn đầu tiên từ trước tới giờ. Pol Pot tỏ lòng cám ơn của Cam Bốt đối với bạn hữu và anh em Việt Nam về sự giúp đỡ trong quá khứ và nói rằng tình hữu nghị và đoàn kết giữa hai phía là “về vấn đề chiến lược và tình cảm thiêng liêng.”
Mục tiêu của Cam Bốt mời báo chí Việt Nam -như Xuân giải thích trong cuộc phỏng vấn hồi tháng giêng năm 1981 tại thành phố Hồ Chí Minh- chính vì sự phá hoại do các bản tường trình sai lạc tạo ra, sự chỉ trích của các đại sứ Tây phương đầu tiên đến thăm Cam Bốt hồi tháng 3. Pol Pot nghĩ rằng Việt Nam đúng là những nhà làm báo làm công việc này. Pol Pot cũng không sai lầm. Dù những người Việt Nam này hoàn toàn xúc động trước bối cảnh của đất nước Cam Bốt, Hoàng Tùng, người có cặp mắt diều hâu đoan chắc rằng không một ấn tượng nào mà không được chắt lọc trong bản tường trình của họ. “Đoàn quay phim của chúng tôi gặp phải nhiều khó khăn trong việc tìm cho ra những nụ cười của nông dân đang xây dựng đất nước. Trông họ hết sức cau có và buồn bã.” Xuân nhớ lại như thế. Chính Tùng cũng nhắc lại một câu trên tờ Nhân Dân và nói: “Trong khi các thành phố thì trống không, dân chúng đều làm việc ngoài đồng.” Tốt hơn là nên tập trung vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh do Lon Nol và Mỹ gây nên. Cuộc viếng thăm đầy những biểu tượng thảm khốc. Một năm sau, Tùng tiết lộ rằng Pol Pot có thái độ hiểm độc với ông ta bằng cách gởi biếu Tùng một món quà: Một con vật ăn thịt người, con cá sấu con (39). Thật ra, Pol Pot có nhiều biểu tượng trong trí khi chọn quà. Sau này, trong việc tuyên truyền của Khmer Đỏ, họ thường gọi Việt Nam là “những con cá sấu vong ơn”.
Vì sự quan hệ giữa Việt Nam với Trung Hoa và Cam Bốt càng lúc càng căng thẳng, Hà Nội gia tăng thân hữu với thế giới không Cọng sản. Trong những tháng ngay sau toàn thắng, Việt Nam (CS) huênh hoang thóa mạ những nước chống Cọng trong Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) vì trong quá khứ, họ đã tán trợ đế quốc Mỹ, và yêu cầu tháo bỏ các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Lan và Philippines. Cuối năm 1975, Việt Nam thấy Trung Hoa ve vãn các nước ASEAN để chống lại Liên Sô và Việt Nam, đặc biệt là cố gắng của Bắc Kinh làm mối lái cho Thái Lan và Cam Bốt. Chỉ một tháng sau khi Sài Gòn sụp đổ, Trung Hoa bình thường hóa ngoại giao với Thái Lan. Tháng Mười/1975, trong khi Việt Nam (CS) chưa thiết lập ngoại giao với Thái Lan, thì Ieng Sary, nhờ Trung Hoa, thực hiện chuyến đi Băng Cốc bằng máy bay của Trung Hoa, để phá vở quan hệ băng giá giữa hai nước.
Trong khi Việt Nam tự thấy mình là “tiền đồn xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á” và ấp ủ một viễn tượng trở thành trung tâm cách mạng cho phong trào Cộng Sản ở khu vực này, các nhà lãnh đạo Cộng Sản Hà Nội có đủ tự hào để thấy rằng ưu tiên tối thượng của họ là xây dựng lại một nền kinh tế rách nát. Các phong trào đấu tranh cũng còn trong thời kỳ ấu trĩ, vì vậy, Hà Nội phải đương đầu với những chế độ mạnh. Bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng là cần thiết về cả hai mặt chính trị và kinh tế. Việt Nam không còn cơ hội để nhận viện trợ Tây Phương nếu Hà Nội bị coi như kẻ quấy rối trong vùng.
Sự im lặng khó chịu ở Bắc Kinh
Ngày 7 tháng Năm, ba ngày sau khi thống nhất chính quyền Nam Bắc Việt Nam, trở thành nước Cọng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Hà Nội thông báo chương trình 4 điểm để thiết lập và phát triển “quan hệ hữu nghị và hợp tác trên nhiều lãnh vực” với các nước Đông Nam Á, đặt căn bản trên sự tôn trọng nền độc lập của nhau, không nước nào cho nước ngoài lập căn cứ để trực tiếp hay gián tiếp chống nhau, họ theo đuổi chính sách láng giềng tốt, phát triển hợp tác, “nhằm giữ cho mỗi quốc gia những điều kiện đặc biệt và vì nền độc lập, hòa bình và trung lập thật sự của Đông Nam Á.” (40)
Một tuần sau, Phan Hiền đi thăm Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia và Miến Điện. Trong chuyến đi này, Hiền giải thích rằng trong quá khứ báo chí Hà Nội đã tấn công các nước Đông Nam Á bằng một luận điệu khéo léo. Hiền nói “Báo chí viết về cái gì họ cảm nhận, nhưng đó không phải là quan điểm của chính phủ.” Dù chẳng có nước nào nghĩ rằng Việt Nam (CS) tự phê phán mình, phản ứng của họ cũng chỉ là gật đầu lịch sự. Mặc dù Singapore vẫn còn bi quan về ý muốn của Hà Nội trở thành một nước láng giềng tốt, Hiền cũng đã gây được ấn tượng với các nước khác rằng Việt Nam (CS) thành thật mong tìm thân hữu mặc dù có sự khác biệt về chủ nghĩa. Có nghĩa là Hà Nội bây giờ mĩm cười hơn là nạt nộ các nước ASEAN và bày tỏ sự khuây khỏa.
Một nhân vật hàng đầu của Bộ Ngoại Giao Mã Lai, sau chuyến đi của Hiền tới Kuala Lumpur nói với tôi: “Chúng tôi có ấn tượng Việt Nam (CS) muốn giữ khoảng cách cân bằng giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh”. Hiền nói với các viên chức Mã Lai là “Việt Nam (CS) chống lại bá quyền của các nước lớn. Và không ai được phép dùng căn cứ Hải Quân Cam Ranh”. Một viên chức Mã lai nói: “Rõ ràng đó là lời bóng gió nói tới Liên Sô. Và cũng chẳng hay ho gì mà nói việc ấy với các nước không Cọng sản.” Mã lai cũng tìm được một điều hay, chính là Liên Sô và các nhà ngoại giao Đông Âu hết sức mong muốn tìm ra những gì mà Hiền nói về họ. Có điều khôi hài là khi bay ngang vùng trời Trường Sa trên đường bay từ Manila tới Kuala Lumpur, Hiền chẳng nói bóng gió bất cứ vấn đề gì về Trung Hoa cả.
Tuy nhiên, Trung Hoa quan sát cố gắng của Việt Nam gặt hái tình bạn ở các nước Đông Nam Á trong sự im lặng khó chịu. Tân Hoa Xã thường đưa tin những vấn đề quan trọng trong nội bộ và ngoại giao của Việt Nam, hoàn toàn không nói gì tới chuyến đi của Hiền. Vài ngày sau khi Hiền trở về Hà Nội, đài phát thanh Bắc Kinh phát đi một bài bình luận, lưu ý các nước ASEAN chống Liên Sô xâm nhập và bành trướng. Bài bình luận viết “Bao lâu nhân dân các nước Đông Nam Á đoàn kết như một, kiên trì chiến đấu, họ không chỉ đánh đuổi con cọp mà còn có thể thành công trong việc bảo vệ nền độc lập và cai trị của họ”.(41)
Buổi phát thanh cho thấy không còn nghi ngờ gì về điều nói tới sự xâm nhập của Liên Sô. Dù Bắc Kinh lặp đi lặp lại việc lên án Việt Nam (CS), vài người Việt Nam trực tính không che dấu việc họ đứng về phía Liên Sô chống Trung Hoa. Trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Thụy Điển Eric Pierre, hồi tháng Bảy, Hoàng Tùng nói: “Hiển nhiên là có lợi cho Liên Sô và Việt Nam trong việc giảm bớt ảnh hưởng của Trung Hoa tại vùng này”. Đây là một dấu ấn mà sau này các nhà lãnh đạo Trung Hoa nhắc Hà Nội nhớ rằng Việt Nam (CS) đã “làm đau nhức nhân dân Trung Hoa” như thế nào.(42)
Mùa hè năm 1976, Trung Hoa cũng quá ưu tư về việc tranh giành quyền lực quốc tế chống lại chính sách ngoại giao của Việt Nam (CS) bằng đường lối tuyên truyền. Từ cuối 1973, Bộ chính trị đảng Cọng sản Trung Hoa chia rẽ sâu sắc: Một số đứng về phe thực tiễn của Chu Ân Lai, tìm cách loại bỏ sự đe dọa của Liên Sô bằng liên minh với Hoa Kỳ. Chống lại là nhóm cực đoan do Trương Xuân Kiều và Vương Hồng Văn lãnh đạo. Họ chống lại cả hai siêu cường và kêu gọi một cuộc chiến đấu vũ trang toàn diện chống chủ nghĩa đế quốc (43). Cả hai nhóm đều tích cực ủng hộ Khmer Đỏ. Nhóm cực đoan dần dần giành ưu thế như nắm được tay Mao và sức chống cự của nhóm Chu suy yếu dần. Năm 1974-75, nhóm cực đoan thực hiện một cuộc tấn công thô bạo vào mối liên lạc với Mỹ và đã kích sự hòa dịu Liên Sô-Hoa Kỳ là nhờ vào chính sách của Chu Ân Lai. (44)
Tháng Giêng 1976, Chu Ân Lai qua đời. Đặng Tiểu Bình, cánh tay mặt của Chu bị thanh trừng vào tháng Tư năm đó. Cán cân bây giờ đạt ưu thế cho nhóm cực đoan. Hoa Quốc Phong, một người Hồ Nam lực lưỡng, là thành viên của nhóm cực đoan củng cố được ngôi vị lãnh đạo. Tuy nhiên đây không phải là chiến thắng quyết định. Rồi vào những giờ đầu tiên của ngày 9 tháng Chín, nhà trọng tài vĩ đại, Mao, biến mất khỏi chính trường. Bất thần số phận Trung Hoa cân bằng, cũng như cảnh ngộ của Trung Hoa với toàn thế giới. Cùng với 900 triệu người Trung Hoa, các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới, và đặc biệt ở Mạc Tư Khoa, Hoa Thịnh Đốn, Hà Nội, và Phnom Pênh, người ta hướng mắt về Bắc Kinh và chờ đợi.
Brother Enemy
The War After the War
Nguyên tác của Nayan Chanda
Hoàng Long Hải/ Tuệ Chương dịch
Nguồn: Tvvn

Tìm kiếm Blog này