Vén lên bức màn che dấu chiến tranh
Kiều Minh, bí thư thứ nhất Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Phnom Pênh, có thói quen mở đầu công việc mỗi ngày bằng cách mở đài phát thanh Phnom Pênh để biết tin tức chế độ Pol Pot. Một bản dịch được in trên máy ronéo gởi tới cho tòa đại sứ vào buổi chiều. Minh, nói sõi tiếng Miên, thích nghe tin tức trên đài hơn là chờ tới buổi chiều để đọc bản tin bằng tiếng Pháp. Buổi sáng ngày 31 tháng 12/ 1977, có việc khác thường xảy ra. Thay vì bắt đầu bằng nhạc cách mạng và tin tức thì hồi 6 giờ đài phát thanh đưa ra lời thông báo đặc biệt. Chương trình bắt đầu bằng tuyên truyền chống Việt Nam với lời lẽ không bao giờ thấy trong “tình anh em các nước xã hội chủ nghĩa”.
Bài phát thanh nói: Nhìn vào hành động độc ác và dã man của Việt Nam xâm lăng nước Cam Bốt Dân Chủ và nhân dân Cam Bốt vô tội; nhìn vào thái độ bất thân hữu và ý đồ xấu xa của chính phủ nước Cọng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam… Chính phủ nước Cam Bốt Dân chủ quyết định tạm thời cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước Cọng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kể từ 31 tháng 12 năm 1977 cho đến khi lực lượng xâm lược nước Cọng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam rút ra khỏi vùng đất thánh của Cam Bốt Dân chủ, cho đến khi bầu không khí thân hữu giữa hai nước được vãn hồi. (30)
Bốn giờ sau, quan chức bộ Ngoại giao Cam Bốt đến đưa cáo thị trục xuất, nhân viên và quan chức Việt Nam phải rời khỏi Cam Bốt trong vòng một tuần lễ. Ngày 3 tháng Giêng, Kiều Minh và các nhân viên khác rời Cam Bốt về thành phố Hồ Chí Minh trên một chuyến bay đặc biệt. Đối với Minh, việc ra đi ấy cho thấy còn hơn là một buổi tiễn đưa ngắn ngủi. Một năm sau, Minh lại trở lại thành phố Phnom Pênh “giải phóng”, khi quân đội Cộng Sản Việt Nam đã lật đổ chế độ Pol Pot. Nhân viên Tòa Đại Sứ Cam Bốt ở Hà Nội thì gặp số phận khác. Trước khi rời khỏi phi trường Hà Nội đi Bắc Kinh ngày 2 tháng Giêng, Đại Sứ Cam Bốt So Kheang ôm hôn một quan chức ngoại giao Việt Nam. Hành động đó, do các viên chức ngoại giao Trung Hoa tại phi trường quan sát thấy, và cũng như những người khác được xem là thân Việt Nam, ông đại sứ nầy đã bị hành quyết sau khi trở về Phnom Pênh được ba tháng. (31)
Khmer Đỏ đúng. Thế giới cảm thấy kinh hoàng trước lời tố cáo của đài phát thanh Phnom Pênh. Chưa được ba năm sau khi chiến tranh Đông Dương lần thứ hai chấm dứt, một cuộc chiến tranh mới trong nội bộ các nước Cộng Sản với nhau bùng nổ công khai, chấm dứt thời gian nói bóng gió và suy đoán về những vấn đề rắc rối giữa hai thế lực cựu đồng minh. Bất thần cán cân quyền lực ở Đông Nam Á đổi chiều.
Việc tính toán thời cơ để tố cáo Hà Nội của Khmer Đỏ quả thật đã làm cho chính phủ nước nầy hết sức bối rối bởi vì bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam mới đi thăm các nước Đông Nam Á, đề nghị thiết lập ngoại giao tốt đẹp với các nước nầy. Trong khi gia tăng cuộc tấn công ngoại giao, rõ ràng Hà Nội không tính đến những phản ứng chung từ phía Cam Bốt. Những cuộc phản công trước kia của Việt Nam chống Cam Bốt, bao gồm cả không kích, thì Khmer Đỏ âm thầm chịu đựng. Nay ngọn đèn chiếu rọi vào việc nầy bất thần bừng sáng lên, soi rõ cuộc chiến tranh bí mật giữa các đồng chí, Việt Nam vội vàng đưa ra lời tuyên truyền, cực lực tấn công Khmer Đỏ. Với một thứ ngôn ngữ thích ứng với sự lên án gay gắt của Khmer Đỏ, Hà Nội trình bày chi tiết về vô số tội trạng của chế độ Pol Pot và việc họ tấn công rất nhiều lần vào Việt Nam, trước kia được che dấu rất kỷ trước con mắt công chúng.
Không biết khi nào thì Pol Pot tham khảo ý kiến với Bắc Kinh hoặc Bắc Kinh chuẩn bị trước hành động chống Việt Nam. Chen Yonggui, người ít nói, nhận định về cuộc xung đột biên giới chỉ mười ngày trước đó, cho rằng việc Cam Bốt tạm thời cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam có thể được xem như để thúc đẩy Trung Hoa thực hiện thêm một điều gì đó đối với Việt Nam. (32)
Những nhà lãnh đạo Cam Bốt không uổng công khi nhắc nhở Trung Hoa thực hiện tốt đẹp lời hứa viện trợ quân sự. Cũng phải hơn một năm rưởi Bắc Kinh mới thực hiện một cách tích cực những gì họ đã hứa hồi tháng Hai 1976. Họ cũng không để mất cơ hội dù Đặng Tiểu Bình không cam kết gì về cuộc xung đột Miên-Việt. Tháng Mười 1977, trả lời câu hỏi của báo chí về cuộc xung đột nầy, Đặng nói: “Họ sẽ giải quyết với nhau. Điều chúng tôi mong muốn là họ thực hiện những cuộc thương nghị có hiệu quả tốt. Từ phía chúng tôi, chúng tôi không phán xét ai đúng ai sai.” (33) Sự thực là Đặng, người mà một năm trước đó bị Phnom Pênh lên án là tên “phản cách mạng”, đang củng cố vị trí của ông ta trong nội bộ đảng Cọng sản Trung Quốc, như có thể thêm lý do cho Pol Pot bày tỏ với Trung Hoa một việc đã rồi. (34)
Những nhà ngoại giao Trung Hoa ở Hà Nội bày tỏ đoàn kết với Cam Bốt bằng cách tháp tùng nhân viên Tòa Đại Sứ Cam Bốt ở Hà Nội khi những người nầy lên máy bay Trung Hoa để về Phnom Pênh qua ngã Trung Hoa. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng không thoải mái khi thấy cuộc xung đột leo thang một cách đáng lo ngại và sự đoạn giao công khai giữa hai nước Đông Dương. Tân Hoa Xã đưa tin đầy đủ những lời kết án của Cam Bốt đối với Việt Nam nhưng họ cũng đưa tin Việt Nam phản kích lại Cam Bốt, tuy nói ngắn gọn. Trong khi mặc nhiên có thiện cảm với Cam Bốt, Trung Hoa muốn giải quyết vấn đề bằng hòa đàm hơn là leo thang xung đột. Trung Hoa vẫn chưa sẵn sàng công khai gây áp lực với Việt Nam, bởi vì một điều thấy rõ là ngày 10 tháng Giêng 1977, họ còn ký một thỏa ước viện trợ lương thực hàng năm cho Việt Nam. Như các nhà phân tích Mỹ ghi nhận, vào lúc Trung Hoa có thể “trì hoãn thỏa ước nếu họ cảm thấy không bằng lòng Hà Nội”. (35) Trung Hoa cũng thỏa thuận xếp đặt một cuộc họp giữa Việt Nam và Cam Bốt – cũng chẳng có ích lợi gì như cuộc họp trước, hồi tháng Mười. (36)
Một cuộc thăm viếng Cam Bốt khác được vội vàng xếp đặt. Lần nầy, ý kiến của Trung Hoa được một lãnh tụ có tiếng là nhà thương thuyết hòa giải mang đi, bà Đặng Dĩnh Châu. Trung Hoa không những quan tâm về sự an toàn của Cam Bốt khi đối đầu với Việt Nam, có ưu thế vượt trội về quân sự và sự nguy hiểm cố hữu về chính sách khiêu khích của Cam Bốt. Lo sợ chiến tranh, thấy quan hệ của Việt Nam với Moscow phát triển ngày một cách vững chắc, Trung Hoa không thể không biết tới khả năng Liên Xô liên hệ với Việt Nam nhiều hơn nếu Liên Xô công khai quan tâm đến cuộc xung đột Việt-Miên. Rõ ràng là vì quyền lợi, Bắc Kinh không muốn cuộc xung đột ở Đông Dương vuột khỏi tay họ. Tuy nhiên, bà Đặng Dĩnh Châu khuyến khích Phnom Pênh tin tưởng thêm nữa vào Trung Hoa. Bà không chỉ là vợ góa của Thủ Tướng Chu Ân Lai, mà cái chết của ông ta không khỏi làm cho Khmer Đỏ cảm thấy vui, ông ta cũng là người bạn cũ của người lãnh đạo Cam Bốt, thái tử Sihanouk, đang bị giam lỏng tại nhà ở Phnom Pênh. (37)
Cái đuôi chó ve vẫy
Ngày 18 tháng Giêng, tháp tùng bằng một số đông người, gồm cả Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Trung Hoa Hàn Niệm Long và nhiều chuyên viên khác về Đông Nam Á, bà Đặng tới Phnom Pênh. Bà nhận được những lời khoa trương để che dấu nhiều thất bại nghiêm trọng. Từ mùa Thu 1977, các nhà lãnh đạo Trung Hoa thúc đẩy Cam Bốt mở rộng nền tảng chính trị và đưa ông Sihanouk trở lại sinh hoạt quốc gia. Bây giờ, họ lại từ chối lời yêu cầu không cho bà gặp thái tử. Bức thư của con gái thái tử, một vũ nữ biểu diễn trong một đại hí trường ở Ba Lê, Bopha Devi nhờ bà trao cho thân phụ, vẫn chưa trao được.(38) Lời đề nghị của bà với Cam Bốt nên thương nghị với Việt Nam để giải quyết sự xung đột cũng bị bác bỏ. Trong một bài diễn văn đọc công khai ở Phnom Pênh, bà Đặng Dĩnh Châu xác quyết một lần nữa sự hỗ trợ của Trung Hoa đối với 5 nguyên tắc sống chung hòa bình như là “những nguyên tắc căn bản, qua đó, tất cả mọi quốc gia trên thế giới, gồm cả những nước xã hội chủ nghĩa, có thể căn cứ vào đó, cố gắng thiết lập các quan hệ giữa cc quốc gia với nhau”. (39)
Trong đáp từ, Chủ Tịch Quốc Hội Nhân Dân Cam Bốt Nuon Chea bảo đảm với bà Đặng rằng nhân dân Cam Bốt “yêu nước một cách hợp lý và vững chắc nhất, không bao giờ khiêu khích hay có ý khiêu khích bất cứ ai. Tuy nhiên, một cách cương quyết, nhân dân Cam Bốt sẽ chiến đấu chống lại những hành động cướp đoạt và lật đổ, có mục đích sắp đặt những cuộc đảo chính để lật đổ nước Cam BốtDân Chủ, chống lại những hành động có mục đích chiếm dần vùng biên giới, và tất cả những hành động xâm lược và bành trướng từ bên ngoài.” (40)
Coi như việc bác bỏ đề nghị của Trung Hoa thế vẫn chưa đủ, Phnom Pênh thực hiện thêm một bước không cần thiết, hé lộ sự phê phán Trung Hoa trong khi bà Đặng vẫn còn ở Cam Bốt. Vào chiều ngày 20 tháng Giêng, ngay sau khi bà Đặng rời thủ đô đi Angkor trên đường trở về nước, đài phát thanh Phnom Pênh đưa ra một bài bình luận nhan đề “Nhân dân Cam Bốt cương quyết giữ vững nền Độc lập, Tự chủ, Tự tin, phân biệt rõ Bạn và Thù trên toàn thế giới.”
“Cam Bốt là một nước nhỏ và nghèo, dân cư thưa thớt. Tuy nhiên” bài bình luận xác quyết “dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Cam Bốt, nhân dân rất can đảm”. Trước sự viện trợ đáng kể của Trung Hoa, nhân dân Cam Bốt chiến đấu “chính là do cố gắng của chính họ”. “Đối đầu với sự xâm lăng và bành trướng của Việt Nam, Cam Bốt cần bạn hữu nhưng chỉ với ai đối xử với Cam Bốt trên sự bình đẳng”. Bài bình luận ám chỉ áp lực của các nước bạn mạnh hơn: “Chúng ta phân biệt bạn tốt và bạn xấu. Chúng ta tôn trọng và yêu mến những bạn bè tốt, những ai tôn trọng độc lập, quyền cai trị và toàn vẹn lãnh thổ của Cam Bốt, những ai đối xử ngang chân (bình đẵng) với chúng ta. Tuy nhiên, tiêu chuẩn bằng hữu không đặt trên căn bản giúp đỡ vật chất. Tình bạn hữu đó đặt trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, trên tình cảm đoàn kết phù hợp với nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền hạn mỗi nước, dù lớn hay nhỏ, mỗi nước tự điều hành sinh hoạt của nưóc đó vậy…” (41)
Pol Pot xem thường quan điểm hẹp hòi của Bắc Kinh. Mùa Đông năm 1977, Trung Hoa quan tâm đến cái được gọi là chính sách hòa dịu của chính quyền Carter đối với Mạc Tư Khoa. Bắc Kinh thấy không nên khiêu khích Mạc Tư Khoa bằng cách công khai ủng hộ Pol Pot chống lại Việt Nam. Tuy nhiên khi Cam Bốt bày tỏ phản ứng, có thể nguy hại đến liên minh quan trọng nhất của họ ở Đông Nam Á, Bắc Kinh quyết định từ bỏ thắng lợi chiến thuật để bảo trì thuận lợi chiến lược. Có thể những phần tử tả khuynh trong đảng Cọng sản Trung Hoa cũng miễn cưỡng gây áp lực với đồng minh cách mạng vì sự khác biệt chiến thuật.
Những quan tâm khác, chẳng hạn như sự gia tăng Sô-Việt hợp tác, Liên Xô tấn công tuyên truyền vào Trung Hoa vì chính sách ủng hộ của họ cho Cam Bốt, và vấn đề thiểu số người Hoa đang cư trú ở Việt Nam – phải tranh luận để từ bỏ thế đứng trung lập của họ, Ủy Viên Bộ Chính Trị Grigory Romanov thực hiện chuyến đi bất thần tới Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hồi giữa tháng Hai. Sự việc nầy tiếp nối lời phát biểu của Việt Nam ngày 21 tháng Hai công khai tố cáo Trung Hoa. Một bài bình luận của đài phát thanh Hà Nội tố cáo có một thế lực vô danh đã dùng Cam Bốt để chống VIệt Nam. Việc xử dụng những danh từ bịa đặt mới với Trung Hoa, như là “bọn phản động đế quốc và quốc tế đã giúp cho chúng nó [Cam Bốt] xây dựng và tập hợp mau chóng hàng chục sư đoàn trang bị pháo binh hạng nặng và máy bay mà trước đó Cam Bốt không có”. (42)
Vì bị Pol Pot lập mưu hay vì Việt Nam tái hoạch định kế hoạch quân sự, Bắc Kinh vội vàng từ bỏ cố gắng thương thảo với Hà Nội. Trong khi tàu chở hàng của Trung Hoa bắt đầu chuyển xuống cảng Kompong Som đại pháo 130ly tầm xa, súng chống chiến xa, và xe lội nước, Bắc Kinh tự rời bỏ thái độ trung lập. (44) Trong bài diễn văn đọc ngày 26 tháng Hai, thủ tướng Hoa Quốc Phong chính thức khước từ điều họ khởi xướng trước đó là Năm Nguyên tắc Sống chung Hòa bình. Ông ta nói, rõ ràng là với Việt Nam trong trí “Không một nước nào có thể muốn làm tiểu bá ở trong vùng hoặc đặt định ý kiến của mình lên người khác. Dù đối xử ngang chân nhau (bình đẳng) hoặc tìm cách làm bá chủ là tiêu chuẩn hàng đầu, qua đó chúng tôi muốn nói với họ rằng khi nào họ có thể sống theo năm nguyên tắc sống chung hòa bình.” (44)
Đầu tháng Giêng 1978, trong khi chiến tranh tuyên truyền là phương cách được Phnom Pênh và Hà Nội hết lòng theo đuổi, thì các bộ phận của ba sư đoàn trung tâm dưới quyền chỉ huy của ba người chỉ huy dũng cảm Khmer Đỏ – Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Son Sen, Chỉ Huy Trưởng Khu Trung Tâm Ke Pauk và Chỉ Huy Trưởng Khu Tây Nam Ta Mok bắt đầu di chuyển về phía Đông. Tuy nhiên trước khi các sư đoàn nầy đụng độ với quân đội Việt Nam thì họ lại đưọc lệnh rút về vị trí cũ.
Để che dấu sự thất bại đầu tiên, Khmer Đỏ tăng cường công tác tuyên truyền, cho rằng việc quân Việt Nam rút lui là “một thắng lợi lịch sử vĩ đại” của Cam Bốt. Ngày 6 tháng Giêng được tuyên bố là ngày lịch sử, ngày ghi đậm nét chữ đỏ khi quân đội Việt Nam hùng mạnh đã bị quân Khmer Đỏ cắt làm nhiều mảnh. Để kỷ niệm chiến thắng nầy, các nhà ăn cộng đồng phục vụ thêm một dĩa cơm cho cán bộ ở Phnom Pênh. Nhiều câu chuyện được thuật trong các buổi họp đông người mô tả các chiến sĩ anh hùng đã diệt hàng chục xe tăng Việt Nam, đập tan chúng nó như đập vở dĩa đựng cơm vậy. (45)
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau lễ chiến thắng là một đợt giết người mới. Lãnh đạo trung ương lý luận nếu Việt Nam thành công trong việc xâm nhập sâu vào lãnh thổ Cam Bốt 25 dặm và hàng ngàn người trốn chạy qua Việt Nam, là do chính quyền khu Đông hoàn toàn phản bội. Chỉ một thời gian ngắn sau cuộc xâm lăng của Việt Nam thì tư lệnh Sư Đoàn 4 của Khmer Đỏ bị một nhân viên an ninh địa phưong trung thành với Pol Pot bắn chết. (46)
Bằng giọng điệu xuyên tạc quen thuộc, đài phát thanh Phnom Pênh tuyên bố nhiệm vụ mới bây giờ là bảo vệ “văn phòng và các bộ bằng cách diệt trừ kẻ thù được cài lại bên trong cũng như kẻ thù xâm lược bên ngoài”. Nhân dân phải “bằng mọi giá, loại trừ ra khỏi đầu óc mình tất cả những tàn dư do xã hội đế quốc, phản động, phong kiến, tư bản để lại cũng như tất cả những giai cấp áp bức khác… từ bỏ những quan điểm vô trách nhiệm… từ bỏ mọi thứ tư hữu, quan điểm chiếm hữu của chủ nghĩa cá nhân… và xây dựng đất nước với một tốc độ vô cùng mau lẹ… “(47) Thể hiện chính sách nầy có nghĩa là làm việc nhiều giờ hơn, ăn ít đi và gia tăng phát giác những phần tử có tư tưởng sai lầm. Khó khăn nhất là tại những tỉnh đã bị Việt Nam xâm nhập.
Một đợt thanh trừng mới và tàn ác – hầu hết nạn nhân là những cán bộ Khmer Đỏ và gia đình bị nghi ngờ – bắt đầu từ tháng Giêng 1978, đạt đến cao điểm trong cuộc chống đối bất thành hồi tháng Năm và sau một cuộc tàn sát lớn lao. Tên đao phủ đứng dầu cuôc thanh trừng đẩm máu nầy là tên thân cận được Pol Pot tin tưởng nhất, cựu lãnh đạo Cộng Sản Ta Mok, một tên nông dân cao lêu nghêu, hói đầu và mắt sắc. Tên của y trở thành mối kinh hoàng của người dân và binh lính của y là những tên tàn ác nhất. Dưới quyền chỉ huy của y, quân đội khu Tây Nam thỏa thích giết người ở phía Đông Cam Bốt, rồi sau đó lan tràn ra cả nước, trở thành một chế độ gia tăng vây hãm dân lành, tiếp tục săn tìm những kẻ thù còn trốn tránh. (48)
Trong khi chế độ Pol Pot thực hiện cuộc thanh trừng ở mọi cấp, xây dựng và tập hợp lực lượng võ trang lại thì các nhà lãnh đạo Việt Nam lo chuẩn bị chiến đấu.
Kế hoạch của Hà Nội đối với Cam Bốt
Kể từ ngày thống nhất đất nước năm 1975, mỗi mùa Đông các nhà lãnh đạo Việt Nam thường rời Hà Nội lạnh và sương mù để vào miền Nam nắng ấm. Họ đi thăm các nhà máy, các hợp tác xã, các đơn vị quân đội, đem lời chào mừng nhân dịp Tết Nguyên Đán và nói một cách tự hào về “nhiệm vụ huy hoàng xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa”. Những cuộc thăm viếng này cũng dành cho họ những ngày nghỉ ngơi nơi vùng có khí hậu tốt. Tuy nhiên, năm 1978 thì khác hẵn. Miền Nam không chỉ là nơi lui về nghỉ ngơi mà còn là nơi để hoạt động nữa. Cuối tháng Giêng 1978, các ủy viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam họp tại thành phố Hồ Chí Minh để kết thúc một loạt các buổi họp quan trọng. Việc Khmer Đỏ đoạn giao làm cho họ bị kích động. Cuộc xung đột Việt Nam hết sức dấu kín thì nay xuất hiện trên những trang đầu báo chí thế giới, và điều hoàn toàn bất ngờ là Việt Nam bị tố cáo âm mưu nuốt trọn nước láng giềng nhỏ bé. Người anh hùng ngày hôm qua chiến đấu “chống đế quốc” thì ngày hôm nay bị gán cho vai trò là một tiểu đế quốc.
Các lãnh tụ trong Bộ Chính Trị họp bí mật, xem xét lại kết quả cuộc tấn công Cam Bốt hồi tháng 12/1977. Họ đã làm cho bọn Khmer Đỏ thất điên bát đảo, tuy nhiên, không có chứng cớ gì rằng chiến thắng của họ có thể làm nguy hại tới vai trò lãnh đạo của Pol Pot. Thành quả quân sự của Việt Nam không tạo ra động cơ đảo chánh Pol Pot cũng không có gì thách thức tới vai trò lãnh đạo của y. Nhưng Việt Nam đã thành công trong việc kéo về với họ sáu chục ngàn người tị nạn Cam Bốt. Sau năm 1975, ba trăm ngàn người tị nạn Cam Bốt, Việt Nam và Trung Hoa đã trốn chạy khỏi Cam Bốt tới Việt Nam. Hà Nội giữ im lặng việc nầy. Nay loạt người tị nạn mới nầy, theo chân quân đội Việt Nam trốn chạy khỏi Cam Bốt, trở thành một chứng cớ mới cho thế giới thấy rõ thêm chế độ Pol Pot ở Cam Bốt. Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc được yêu cầu giúp đỡ cho những người tị nạn nầy.
Tháng Ba năm 1978, tôi đi thăm Trại Tị Nạn Bến Sanh ở tỉnh Tây Ninh, trại dành cho những người từ Cam Bốt mới trốn sang. “Trại” là một vùng đất bụi khô cằn với những cụm nhà vách tre lợp lá. Cuộc gặp gỡ không được sắp đặt trước với người Cam Bốt ở đây cho tôi thấy rõ họ thuộc một loại người tị nạn khác biệt. Về phía Việt Nam, trong trí họ không có gì khác hơn là vì nhân đạo mà họ dành cho những người tị nạn nầy một chỗ nương thân. Tôi hỏi một cô giáo trẻ do phía Việt Nam giới thiệu để nói chuyện với báo chí về những điều độc ác đang xảy ra trong xứ Cam Bốt: “Cô có muốn về lại Cam Bốt không?”. Cô ta trả lời bằng một thứ tiếng Pháp không sỏi lắm: “Vâng, khi toàn bộ đất nước tôi đã được giải phóng”. Ai giải phóng? Trước thái độ không được thoải mái của quan chức Việt Nam, cô ta trả lời: “Tại sao? Quân đội Việt Nam”. Có lẽ cô ta không biết việc quân kháng chiến Cam Bốt đang được thành lập tại Việt Nam. Tuy nhiên, những người Khmer khác ở trong trại nói riêng với tôi vài ngàn người lính mới, đàn ông và đàn bà từ trại Bến Sanh được đưa đi chiến đấu chống lại chế độ Pol Pot. Do đó, trong khi Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc bắt đầu chương trình nuôi ăn người dân trong trại thì quân đội Việt Nam được giả làm người Khmer. Rõ ràng Việt Nam đã cải tiến ngay cả tư tưởng Mao về chiến tranh nhân dân, trong đó, du kích với dân cũng giống như cá ở trong nước, được dân giúp đỡ.
Trong cuộc họp tháng Giêng, Lê Đức Thọ, “một người trong Bộ Chính Trị của Cam Bốt cũ”, nắm vai trò lãnh đạo cuộc thảo luận thực hiện những bước mới trong việc đối đầu giữa Việt Nam và Cam Bốt.
Những cuộc thảo luận gay gắt với các nhà lãnh đạo Trung Hoa hồi tháng Mười Một 1977 thuyết phục Lê Duẫn rằng “họ” – như Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch, có tham gia buổi họp, nói với tôi sau nầy: – “dùng Pol Pot chống lại chúng tôi.” Quyết định của Khmer Đỏ cắt đứt quan hệ với Việt Nam chỉ hai tuần sau khi một ủy viên Bộ Chính Trị Trung Hoa thăm viếng Cam Bốt, thúc đẩy Việt Nam chuẩn bị can thiệp lớn hơn. Thạch nói: “Trong khi Pol Pot cắt đứt quan hệ ngoại giao với chúng tôi, chúng tôi biết Trung Hoa đã chuẩn bị chiến tranh. Vì vậy, chúng tôi phải xem xét hết mọi mặt”. “Mọi mặt” đó là sự chuẩn bị quân sự và quan hệ ngoại giao “rách nát” với Hoa Kỳ và các nước không Cộng Sản ở Đông Nam Á. Đã đến lúc Việt Nam phối hợp áp lực quân sự và công khai kêu gọi nhân dân nổi dậy chống Cam Bốt. Việc chuẩn bị đó bắt đầu bằng cách thành lập lực lượng kháng chiến Khmer trong khi Việt Nam cố gắng tái lập quan hệ ngoại giao với Pol Pot.
Những cuộc thảo luận gay gắt với các nhà lãnh đạo Trung Hoa hồi tháng Mười Một 1977 thuyết phục Lê Duẫn rằng “họ” – như Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch, có tham gia buổi họp, nói với tôi sau nầy: – “dùng Pol Pot chống lại chúng tôi.” Quyết định của Khmer Đỏ cắt đứt quan hệ với Việt Nam chỉ hai tuần sau khi một ủy viên Bộ Chính Trị Trung Hoa thăm viếng Cam Bốt, thúc đẩy Việt Nam chuẩn bị can thiệp lớn hơn. Thạch nói: “Trong khi Pol Pot cắt đứt quan hệ ngoại giao với chúng tôi, chúng tôi biết Trung Hoa đã chuẩn bị chiến tranh. Vì vậy, chúng tôi phải xem xét hết mọi mặt”. “Mọi mặt” đó là sự chuẩn bị quân sự và quan hệ ngoại giao “rách nát” với Hoa Kỳ và các nước không Cộng Sản ở Đông Nam Á. Đã đến lúc Việt Nam phối hợp áp lực quân sự và công khai kêu gọi nhân dân nổi dậy chống Cam Bốt. Việc chuẩn bị đó bắt đầu bằng cách thành lập lực lượng kháng chiến Khmer trong khi Việt Nam cố gắng tái lập quan hệ ngoại giao với Pol Pot.
Hai tuần sau, Việt Nam đề nghị một bản dự thảo hiệp nghị. Ngày 5 tháng Hai 1978, đài phát thanh Hà Nội đề nghị ba điểm với Cam Bốt, kêu gọi hai bên cùng rút lui xa đường biên giới khoảng ba dặm, ký một thỏa ước bất tương xâm có quốc tế giám sát. Một viên chức Việt Nam sau nầy nói thêm với tôi: “Chúng tôi biết Khmer Đỏ chẳng bao giờ chấp thuận đề nghị đó, nhưng ít ra chúng tôi cũng có thể đổ tội cho họ là đã từ chối thương nghị”. Đề nghị của Việt Nam được phổ biến một cách rộng rãi và Liên Sô lên tiếng ủng hộ đề nghị nầy cho rằng đó là đề nghị “hợp lý nhất”. Y như Việt Nam muốn, Phnom Pênh tỏ vẻ khinh miệt đề nghị nầy, cho đó là cố ý đe dọa Cam Bốt và làm thay đổi sai lạc nhãn quan của thế giới.
Cuối tháng Giêng 1978, Tướng Grigoriyevich Pavlovsky, chỉ huy trưởng lực lượng lục quân Liên Sô đến Lào trên một chuyến bay đặc biệt để “thăm viếng thân hữu”. Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Võ Nguyên Giáp bay tới Vieng Say, ở phía bắc Lào, bí mật họp với Pavpovsky để xem xét lại tình hình Cam Bốt. Nhiều năm sau, một viên chức Việt Nam kể lại với tôi, lời khuyến cáo của Tướng Pavlovsky là “làm như ở Tiệp Khắc”. Trung Hoa không đủ sức để tới Cam Bốt giúp đỡ nước nầy. Việt Nam cứ cho nhiều đoàn chiến xa đánh thẳng vào Phnom Pênh và lật đổ chế độ Pol Pot, giống như phương cách trước đây quân đội Liên Sô lật đổ Alexander Dubcek ở Prague năm 1968. Giáp tránh không làm theo đề nghị đó. Viên chức nói trên nói với tôi Việt Nam giải quyết vấn đề “theo chính phương cách thích hợp của họ”.
Sự hình thành Quân Giải Phóng Khmer
Bộ Chính Trị họp một lần nữa hồi giữa tháng Hai ở vùng ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh, tại một vùng biệt lập trước kia là Học Viện Cảnh Sát của chế độ Thiệu. Cuộc họp nhằm nghiên cứu những vấn đề then chốt trong kế hoạch thành lập Đảng Cộng Sản Cam Bốt và tổ chức kháng chiến chống Pol Pot. Một thời gian ngắn sau cuộc họp, Lê Duẫn và Lê Đức Thọ họp riêng với nhhững cán bộ Đảng Cộng Sản Cam Bốt sống lưu vong ở Việt Nam từ năm 1954 và những người mới trốn khỏi các cuôc thanh trừng của Pol Pot đang nương náu ở Việt Nam. (49)
Theo Hiệp Định Genève, khoảng vài ngàn người Khmer tập hợp tại Hà Nội. Số đông đã trở lại Cam Bốt tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cở một chục người còn ở lại Bắc Việt Nam. Một số ít sống sót sau chiến tranh và sau các cuộc thanh trừng. Vì thế, số ứng viên được nhắm để đóng vai trò lãnh đạo hồi tháng Hai chỉ là một nhóm nhỏ sống sót. Đó là các ông Pen Sovan, một cán bộ 45 tuổi, năm 1954 đến Bắc Việt Nam cùng với hàng ngàn người khác, theo học trường đảng và quân sự ở Hà Nội và mang lon thiếu tá trong quân đội Việt Nam Cộng Sản. Chan Si và Khang Sarin, những thiếu tá trong quân đội Việt Nam Cộng Sản; Tang Saroem, một người Khmer lưu vong, đang làm giám thị ở mỏ than Hòn Gay, Keo Chanda, phát ngôn viên chương trình Khmer của đài phát thanh Hà Nội; Chea Soth, biên tập viên Thông Tấn Xã Việt Nam. Cùng với họ là những người trốn từ Cam Bốt sang, các cán bộ chính trị như Heng Samrin, Yos Por, Hun Sen và Bou Thang.
Lôi ra từ những văn phòng vô danh và từ trong trại tị nạn, bất thần họ được trình diện trước các nhà lãnh đạo chóp bu Việt Nam, những người trước kia họ chỉ thấy trên tranh ảnh mà thôi. Nhờ vận may, họ trở thành những nhà lãnh đạo của nước Cam Bốt mới đang còn trong bào thai. Lê Đức Thọ nói với họ rằng đã đến lúc phục hồi quan hệ và hợp tác đã có giữa hai Đảng Cộng Sản Việt Nam và Cam Bốt, phát triển cấu trúc chính trị và quân sự của phong trào kháng chiến mới cho Cam Bốt. (50)
Suốt trong tháng Ba/1978, thăm trại tị nạn Khmer, tôi gặp một trong những người lãnh đạo như thế mà không rõ vai trò của họ trong chiến lược của Việt Nam. Khi đoàn truyền hình đang quay phim một phụ nữ nói về đời sống dưới chế độ Pol Pot; hàng trăm đồng bào của bà ta đang tụ tập chung quanh, tôi lẻn ra ngoài nói chuyện với vài người Khmer mà không có người Việt Nam đi kèm tôi. Thong Pak, một viên chức của chế độ Lon Nol cũ, nói thầm vào tai tôi về một khóa học chính trị buổi tối để chuẩn bị chiến đấu chống lại Pol Pot. Ông nầy chỉ cho tôi thấy một người lùn, mập, đội cái mũ cối quân đội: “Chính ông ta, ông Đức. Ông ta là giảng viên chính trị.”
Mặc áo trắng ngắn tay, quần kaki, dép nhựa, khuôn mặt tròn. “Ông Đức” hơi có vẻ e ngại một chút khi tôi tới gần để hỏi về cuộc đời của ông. Ông ta ngại ngùng khi nói chuyện với người lạ. Mặc dù ông ta có vẻ là người Việt và có bộ tịch như cán bộ Cộng Sản Bắc Việt Nam, nhưng ông ta là người có dòng máu Khmer trăm phần trăm, một cán bộ cũ của Đảng Nhân Dân Cách Mạng Cam Bốt. Giống như hàng ngàn cán bộ đảng khác, ông ta tới Hà Nội năm 1954 theo Hiệp Định Genève. Năm 1971, ông ta trở lại Cam Bốt tham gia cuộc kháng chiến chống Lon Nol. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 3 năm ông ta phải chạy trở lại Việt Nam để trốn tránh cuộc thanh trừng của Pol Pot. Sau ba năm sống như một nông dân trong một làng ở đồng bằng sông Cửu Long, “Đức” nói, ông ta quay trở lại theo tiếng gọi của cách mạng. Nhiệm vụ của ông ta là huấn luyện các tân binh và cán bộ trong số những người tị nạn để chống lại chế độ Pol Pot. Ba năm sau nữa, ở Phnom Pênh, tôi khám phá ra Yos Por, người lãnh đạo “Mặt Trận Đoàn Kết Cứu Nguy Quốc Gia Cam Bốt” mới (Kampuchean National United Front for Salvation – KNUFNS), người có nụ cười cương quyết, mặc bộ quần áo màu sáng, đeo cái đồng hồ vàng to, chẳng ai khác hơn là “Ông Đức” ở trại Bến Sanh; khác hẵn với điều mong muốn trở thành một nông dân trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, ông ta trãi qua ba năm ở Hà Nội trước khi nhận nhiệm vụ nầy.
Chỉ bốn tháng sau khi ngoại giao với Cam Bốt bị cắt đứt, một loạt các trại bí mật được dựng lên ở miền Nam Việt Nam để huấn luyện cho du kích Khmer. Các nhà lãnh đạo ở Hà Nội thực hiện những điều họ cho là tốt đẹp nhất. Có điều mỉa mai là trong khi chuẩn bị cuộc “giải phóng” thứ hai cho Cam Bốt, họ đã làm đầy đủ những điều mà kẻ cựu thù họ đã làm – Hoa Kỳ và chế độ Thiệu để lại. Học Viện Cảnh Sát Thủ Đức, cách ly bởi những bức tường cao có rào kẽm gai ở vùng ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh, trở thành căn cứ chính và bí mật khi Đảng Cộng Sản Khmer còn sơ sinh. Những căn cứ quân sự cũ của Mỹ ở Xuân Lộc và Long Giao gần thành phố Hồ Chí Minh và căn cứ trực thăng Vị Thanh ở đồng bằng sông Cửu Long bí mật trở thành những căn cứ mới để mở ra cuộc chiến bí mật chống Pol Pot.(51). Ngày 22 tháng Tư/1978, binh đoàn thứ nhất của quân đội kháng chiến được trao quyền trong một buổi lễ bí mật. (52) Tới cuối năm 1978, vài binh đoàn như thế sẵn sàng tham gia với quân đội Việt Nam trong cuộc tiến công chống lại Cam Bốt.
Cùng với sự chuẩn bị bí mật, Hà Nội cũng gia tăng bộ máy tuyên truyền. Trong khi báo chí và đài phát thanh Việt Nam đưa ra vô số bản tường trình về những hành động sai lầm của Khmer Đỏ, mở rộng cửa cho báo chí ngoại quốc. Trong khoảng hai năm sau khi tôi rời Sài Gòn, chỉ có hai lần tôi tới Việt Nam vì thơ mời và điện tín của nước chủ nhà. Bây giờ thì mới có ba tháng tôi lại được mời trở lại đây. Chẳng bao lâu sau khi tôi tới Hà Nội, ngày 4 tháng Ba 1978, các viên chức Việt Nam cho tôi thấy rõ mục đích của chuyến đi nầy là để biết toàn bộ vấn đề Cam Bốt. Tôi không muốn tìm thăm các quan chức trong Ủy Ban Kế Hoạch Nhà Nước hoặc thăm viếng các hợp tác xã ở lưu vực sông Hồng Hà. Phạm Văn Cương, một viên chức có nhiệm vụ hướng dẫn các đoàn báo chí thăm viếng Việt Nam nói với tôi: “Anh phải hiểu một cách rõ ràng nguồn gốc vấn đề của chúng tôi với Cam Bốt”.
Người được Hà Nội chọn để dùng mưu mẹo trong việc xử dụng chiến tranh tuyên truyền chẳng ai khác hơn là thứ trưởng Bộ Ngoại Giao. Ngày 5 tháng Ba, ông ta mời tôi và hai nhà báo Châu Âu -Roland Pierre Paringaux của báo Le Monde và Karel Van Wolferen của NBC Handelsblad tới ăn cơm riêng và nói chuyện. Lời mời nầy làm tôi nhớ lại những kỷ niệm cũ vào một sáng thứ Bảy năm 1974-75, tôi tìm đường lẻn vào trại David ở trong phi trường Tân Sơn Nhứt ở Sài Gòn có lính gác rất chặt chẽ. Theo Hiệp Định Paris 1973, các cuộc họp báo được tổ chức hằng tuần do một đại tá Việt Cộng mặc bộ đồ xanh lá cây chủ tọa. Mặc dù đại diện Việt Cộng của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời ở Sài Gòn khó khăn trong việc duy trì cuộc ngưng bắn – mục tiêu giả của họ – báo chí được mời đến uống trà, nước ngọt, và đôi khi được uống rượu đế hiệu “Lúa Mới”. Người thường họp và uống rượu với báo chí là Đại Tá Giang, chủ nhân bữa tiệc mời chúng tôi tối hôm đó.
Hai gò má sâu, mắt nhỏ như hột nút và sáng, Giang có vẽ hơi ốm, mặc áo trắng, trông già dặn. Ông ta nói thông thạo cả ba thứ tiếng Pháp, Anh và Tây Ban Nha – một thời ông ta phục vụ tại Tòa Đại Sứ Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời ở Cuba. Ông ta có vẻ dịu dàng, che dấu được nét hốc hác trong cuộc đời cách mạng gian khổ. Rõ ràng đây là cơ hội gặp “người bạn cũ tại những ngày ở Tân Sơn Nhứt”. Trong ba giờ liền, một mình ông ta nói tới những điều đáng buồn về cuộc xung đột huynh đệ tương tàn và những lời đã kích chua cay Pol Pot, và cả những người ngoại quốc đứng đàng sau ủng hộ ông nầy. Giang tiết lộ một số sự việc xung đột mà trước kia chưa ai nói tới.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, một người có nhiệm vụ tiếp xúc với báo chí ngoại quốc, Bùi Hữu Nhân, đưa ra tấm vé du lịch để trống:
“Ông có thể đi bất cứ nơi đâu dọc theo biên giới Miên Việt, đến khi ông thỏa mãn những điều ông biết về vấn đề nầy thì thôi”. Những lời mời công khai như vậy, rõ ràng là muốn đạt kết quả tới mức tối đa đối với những nhà báo còn bi quan, để biết rằng Việt Nam chẳng có gì dấu họ hết, cho họ biết sự thực về những nạn nhân của các cuộc tấn công của Khmer Đỏ, và không như Pol Pot tố cáo, không có gì gọi là Việt Nam muốn bành trướng cả.
Tỉnh Tây Ninh là nơi đáng nôn nóng để tới hơn hết. Thành phố rải rác với những chòi tạm trú – sát trên vỉa hè thành phố, kề những công thự, và trên đất tư của nhà dân. Phía Bắc thành phố, cách biên giới Cam Bốt vài dặm là làng Tân Lập, với những dãy nhà tranh vách đất bị cháy rụi, nằm dọc hai bên con đường đất. Đây là chứng cớ cuộc tấn công của Khmer Đỏ sáu tháng trước. Đây là cái làng Sandor Gyori đã bị tịch thu phim ảnh chụp về cuộc tàn sát của Khmer Đỏ. Bây giờ chúng tôi nói chuyện với bà Nguyễn Thị Cư không khó khăn gì, bà là một trong sô ít người sống sót ở trong làng. Bà ta khóc nức nở khi kể lại cuộc tàn sát. Ngoại trừ người anh (em) bị thương trong cuộc tấn công, bảy người trong gia đình bà đều bị giết. Bà cũng như người anh (em) nằm chui vào đống xác người và giả vờ chết.
Dọc theo biên giới, chúng tôi còn thấy nhiều làng mạc hoang tàn, những ruộng lúa bỏ hoang, và hàng trăm ngôi mộ. Chúng tôi nghe những người sống sót thuật lại những câu chuyện dông dài về những tội ác như thời trung cổ. Trí óc tôi chẳng còn nghi ngờ gì về sự thực cuộc xung đột cay đắng mà đã lâu Việt Nam muốn dấu kín thế giới. Dù có cho rằng Hà Nội sắp đặt để trưng bày cho báo giới thì những chứng cớ nầy cũng đã quá rõ ràng.
Tuy nhiên, tất cả những điều tôi thấy hôm đó cũng không cho tôi biết mới đây có những cuộc tấn công lớn bằng mức độ cuộc tấn công năm ngoái. Sự thực, tôi thêm nghi ngờ bây giờ chủ động là phía Việt Nam. Dầu sao, ai có thể giải thích được tại sao bây giờ chúng tôi có thể thảnh thơi khi đứng sát biên giới. Những dấu xích chiến xa trên con đường đất gần biên giới tỉnh Tây Ninh với Cam Bốt và một chiếc xe vận tải nhà binh chở đầy bắp cải đậu sát biên giới – rõ ràng là chở đồ tiếp liệu cho binh sĩ – những thứ đó cho thấy quân đội Việt Nam đã tiến sâu vào nội địa Cam Bốt ở những nơi có thể tiến được, họ đã đẩy một “cordon sanitaire” – hàng rào y tế – vào bên trong lãnh thổ Cam Bốt. Tình hình nầy tạo cho người ta lòng tin về an ninh, để có thể đưa giới báo chí quốc tế ra tận biên giới xem xét chứng cớ sự cướp bóc của Khmer Đỏ.
Điều nghi ngờ Việt Nam ngưng chiến tranh tuyên truyền đã được chứng minh trong chuyến thăm làng An Phú thuộc tỉnh Châu Đốc. Rõ ràng là làng vừa bị Khmer Đỏ pháo kích và tấn công hai ngày trước đó. Dấu hiệu của sự tàn phá còn rõ. Dân làng đang kiếm tìm đồ đạc của họ trong những căn nhà bỏ hoang sau khi được đưa đến nơi tạm trú.
Tuy nhiên, có ai đó quyết định cho các nhà báo tiểu tư sản ưa đi tìm cảm giác, biết một chút hành động của họ. Một vài người trong số chúng tôi hơi bi quan về việc các trái pháo đang rít ở trên đầu khi nó từ bên phía lãnh thổ Cam Bốt bắn sang. Một lúc sau, người thông dịch viên của tôi – đi theo từ Hà Nội, tên Huỳnh Văn Tâm – gọi: “Chúng ta tới bìa làng, có thể thấy họ đang đánh nhau”. Chúng tôi được cho mượn ống nhòm và biểu hãy nhìn vào hàng cây bên kia cánh đồng lúa. Chỗ đó là biên giới với Cam Bốt. Một người lính Việt Nam đi theo chúng tôi đứng bên bụi tre, nói vào máy truyền tin ông ta mang trên lưng. Bỗng nhiên, ông ta la to lên: “Xuống hầm ngay”. Mấy giây sau có tiếng trái pháo bắn đi từ phía sau lưng chúng tôi, tiếp sau là tiếng đạn rít và có tiếng nổ ở phía hàng cây chúng tôi đang quan sát. Tiếng người sĩ quan cau có: “Bọn Khmer đang tấn công”. Ông ta chẳng lưu tâm núp đạn. Rồi vài loạt đạn bắn tới và tiếng súng nổ. Chúng tôi lại được yêu cầu núp đạn. Một trái đạn khác rít trên đầu chúng tôi và nổ ở phía hàng cây.
Chúng tôi cười vì cho rằng đó là cố gắng của họ muốn gây một ấn tượng cho chúng tôi. Một viên chức đi theo chúng tôi từ thành phố Hồ Chí Minh mặt dài ra. Tình hình thiệt là tệ hại vì Pol Pot chẳng phản ứng gì để bên phía Việt Nam có cớ mở một cuộc tấn công khác trong khi các nhà báo đang có mặt ở đây. Chúng tôi biết ra điều ấy thì đã quá trễ.
Chưa tới một trăm dặm phía trước, ở một chỗ khác trên biên giới, một trận chiến thực sự đang xẩy ra để đánh đuổi quân Khmer Đỏ đang mở cuộc tấn công.
Ba ngày sau, tại khách sạn ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại được Tâm đánh thức dậy bất thường. Tâm báo cho tôi biết trong vòng một giờ nữa, các nhà báo phải có mặt tại phi trưòng Tân Sơn Nhứt để đi thăm một chỗ chưa được thông báo.
Một số đông nhà báo đang ở phi trường Tân Sơn Nhứt, có các nhà báo phương Tây, Cuba, một toán quay phim người Ba lan, một số phóng viên nhiếp ảnh và quay phim Việt Nam. Tất cả đi Hà Tiên. Tim tôi muốn ngất xỉu khi thấy phương tiện di chuyển. Nó giống như một con quái vật thời tiền sử: Một chiếc trực thăng Chinook xơ xác. Màu sơn lá cây đã bạc. Chỉ có cái nét vẽ còn lại trên chiếc máy bay hạng nặng cũ kỷ nầy của quân đội Mỹ để lại sau khi rút đi là dấu hiện ngôi sao vàng đỏ của Không Quân Việt Nam trên thân máy bay. Hai cái cửa sổ là hai cái lỗ. Mấy sợ giây điện xoắn vào nhau treo lững lơ trong thân máy bay. Dù sao thì rồi máy cũng nổ, chúng tôi được nâng lên khỏi bãi đáp. Tôi nhìn xuống những hàng máy bay khác nhau còn lại, trông đen đủi và giống như loài thú ăn thịt. Đó là di sản chú Sam để lại cho nước Việt Nam Xã hội Chủ Nghĩa.
Chẳng bao lâu chúng tôi bay trên cánh đồng sậy, lỗ chỗ những hố bom và đạn pháo, và màu xanh rợp của đồng bằng sông Cửu Long – chằng chịt những con kinh màu nâu. Gió mát từ các cửa sổ hư tạt vào. Những cửa sổ hư nầy giúp chúng tôi thấy mặt đất bên dưới rõ hơn là qua những cửa kiếng đầy vết bụi và dầu. Sau khi ngừng lấy thêm dầu xăng ở Cần Thơ, thủ phủ vùng đồng bằng, chúng tôi bay đi Hà Tiên.
Tôi nhìn xuống phi trường Cần Thơ hoang vắng, một trong những phi trường lớn nhất do Mỹ xây dựng ở Việt Nam. Những chiếc A-37 do Mỹ chế tạo chứa đầy bom, gầm thét rời khỏi phi đạo, chắc chắn là với nhiệm vụ tấn công Cam Bốt. Tôi lại cảm thấy mỉa mai trước toàn bộ những việc như thế. Chỉ mới ba năm trước, Hoa Kỳ chiến đấu chống ”Cam Bốt đại điện cho Hà Nội”. Hồi ấy Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Kissinger chẳng tin Lê Đức Thọ khi Thọ nói rằng ông ta không đủ khả năng gây ảnh hưởng với Khmer Đỏ. (53) “Nói cho cùng, không phải là Cộng Sản Cam Bốt do Việt Nam đẻ ra hay sao?”
Tóm tắt cuộc hành trình của chúng tôi, gồm cả trạm dừng chân ở Hà Tiên, được vẽ trên tấm bản đồ dã chiến Mỹ bọc plastic. Nhưng giờ đây thì không còn người sĩ quan Mỹ nói giọng rền rền của bang Texas hướng dẫn cuộc hành trình và vị trí địch quân được đánh dấu bằng bút chì không phải là Việt Cộng hay Cộng Sản Khmer – nói theo kiểu các sĩ quan Mỹ thời đó – nhưng lại là quân Pol Pot của nước Cam Bốt Dân Chủ. Bây giờ là cuộc chiến mới nhưng người ta còn xử dụng phương tiện chiến tranh cũ.
Phi trường Hà Tiên vắng ngắt. Cột khói trắng của nhà máy Xi măng bốc cao trong bầu trời xanh. Ở cuối đường băng, nước ngọt và bánh quy được bày ra trên một cái bàn phủ khăn trắng để mời báo chí. Tại nước Việt Nam Cọng sản, chẳng có việc gì được thực hiện mà không có sự tiếp đãi của địa phương. Vì ở dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, nên mấy chai nước cam lạt lẽo cũng được người ta hoan hô lắm.
Sau khi thiếu tá Hoàng Châu nói tóm tắt về cuộc tấn công của Khmer Đỏ, chúng tôi vào thành phố Hà Tiên. Trước kia, thị trấn nầy đông nghẹt với chừng ba mươi ngàn dân, thì nay hoàn toan trống không. Nhà cửa, tiệm quán đều khóa cửa hết. Mãnh đạn còn nằm rải rác chung quanh. Tại bến phà, một vài người đang chờ phà. Họ mang giỏ, bị bàng, hộp nhựa, treo tòn ten trên đòn gánh đặt trên vai, chất trên xe đạp hay xe đẩy. Đoàn xe buýt và xe thường chở báo chí và cán bộ dừng ở cuối thành phố, nơi các đám ruộng lúa xã Mỹ Đức kéo dài tới những ngọn đồi gần biên giới Cam Bốt.
Chúng tôi đi băng qua một đám ruộng khô, chân làm tung lên những đám bụi trắng. Khi chúng tôi tới gần các túp lều tranh thì ngửi thấy mùi thối, rõ ràng là mùi người chết. Khoảng một chục người đang im lặng, toát mồ hôi đào huyệt. Mười lăm xác người, đàn ông, đàn bà, trẻ em nằm gần bên căn nhà trống trơn. Một vài xác người bị đánh cho tới chết nằm quanh quất. Một cái xác nằm giữa hai chân người đàn bà chết nằm giang tay chân ra. Hai đứa con của bà ta thì bị chặt khúc. Vài xác không có đầu, vài xác bị moi bụng, ruồi xanh bu đầy. Tôi thấy nôn mữa và phải ngồi nghỉ một chút dưới gốc cây. Rồi tôi đi xuyên vào làng. Nhà nào cũng cảnh máu me như vậy. Ngay cả súc vật cũng không khỏi bị giết. Xác bò, xác chó nằm dọc theo con đường đi bên cạnh đường mương. Trên một hố đất gần Hà Tiên mà người ta đã đào trong cuộc tấn công, có hai xác Khmer Đỏ. Những tên trốn chạy để lại súng AK-47, B-40 và súng không giật do Trung Hoa chế tạo.
Nguyễn Văn Hoan, 25 tuổi, cùng với vợ thức giấc vào lúc nửa khuya ngày 14 tháng Ba vì tiếng la Chone-Chone- (Vào đi, vào đi) của bọn Khmer Đỏ, và tiếng la hét của dân làng. Trong đêm tối, họ chạy trốn vào một ngọn đồi có rừng cây rậm. Họ trốn ở đó hai ngày. Sáng hôm sau, từ chỗ trốn trên đồi, Hoan thấy Khmer Đỏ mang gạo và những đồ dùng của dân làng đi. Nhìn những căn nhà tranh vách đất nầy, tôi không nghĩ có gì đáng giá để cướp bóc. Điều đáng nói ở đàng sau vụ tấn công giết người nầy là câu biểu ngữ tiếng Khmer viết nguệch ngoạc bằng than trên cửa: “Ti nih srok yoong”, (có nghĩa đây là đất chúng tao). Thật vậy, ba trăm năm trước, toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long, kể cả Hà Tiên, là vùng đất của người Cam Bốt. Một số đông người ở xã Mỹ Đức nầy, và ngay số người chết ở đây, gốc là người Cam Bốt.
Kinh nghiệm tê cứng lại. Người ta không thể nào hiểu để tìm đáp số cho cuộc tàn sát nầy. Giống như hầu hết thế giới bên ngoài, tôi không thể hiểu những gì đã xẩy ra ở khu phía Đông nước Cam Bốt sau khi Việt Nam tấn công năm 1977. Tôi cũng không hiểu được tính khoa đại sức mạnh của Khmer Đỏ sau cái gọi là chiến thắng ngày 6 tháng Giêng 1978. Mấy tháng sau, Ieng Sary giải thích cho phóng viên ngoại quốc rằng vì Việt Nam xâm nhập vào lãnh thổ Cam Bốt nên “chúng tôi phải tấn công họ để đẩy họ ra khỏi lãnh thổ chúng tôi và đẩy chúng sâu vào lãnh thổ của chúng”. (54)
Chúng tôi quay trở lại thành phố Hồ Chí Minh, với nhiều chứng cớ ghê gớm của các đồng chí Đông Dương trong chiến tranh. Chẳng bao lâu sau, tôi cũng biết quyết định gởi các phóng viên báo chí đi Hà Tiên bằng trực thăng trước khi các xác chết được chôn cất là của Lê Đức Thọ, người có nhiệm vụ thực hiện chính sách của Hà Nội đối với Cam Bốt. Pol Pot tuyên truyền chống Thọ, và Thọ cũng chẳng để mất cơ hội. Tuy nhiên, Cam Bốt cũng có chính phương cách của họ để giành sự hỗ trợ của ngoại quốc. Ngày chúng tôi thăm Hà Tiên là ngày Pol Pot tiếp đón đoàn báo chí Nam Tư tại nhà khách bên bờ sông ở Phnom Pênh – Lần đầu tiên các nhà báo chuyên nghiệp được phép đến Cam Bốt kể từ khi Khmer Đỏ chiến thắng. Ông ta nói với các nhà báo Nam Tư là Cam Bốt đang cố gắng giải quyết vấn đề với Việt Nam, “để giữ tình trạng cho được vững chắc. Nếu Việt Nam quả thật thân thiện với chúng tôi, thì vấn đề được giải quyết ngay, không có khó khăn gì”.
Võ Đông Giang nói vắn tắt với chúng tôi, trực tiếp hơn, là làm thế nào để gìn giữ mối quan hệ thân hữu đó. Ông ta nói: “Có hai cách kết thúc cuộc xung đột nầy: Hoặc là Cam Bốt thay đổi chính sách của họ hoặc chính nhân dân Cam Bốt thay đổi chế độ”.
Thái Tử Norodom Sihanouk: Mắc kẹt trong lồng
Lần đầu tiên trong đời, Thái Tử Sihanouk trở thành cái tên riêng của chính ông, chung quanh là sự trống rỗng hoàn toàn. Nơi ông ở là lâu đài hoàng gia nằm trong những bức tường cao và cũ, trở thành cái lồng vàng, với những thanh niên nông dân đen đúa mặc đồng phục màu đen và chẳng có một nụ cười, canh giữ lâu đài nầy. Ông ta nói với tôi là nếu không có phép của Angkar, ông không thể rời khỏi nơi ông ở. Tuy nhiên người lãnh đạo quốc gia hưu trí nầy cũng chẳng cần phải đi đâu, ngay cả việc đi mua rau ráng. Mỗi sáng, có một anh lính đi xe đạp mang cá và rau tới. Cùng đi với anh lính là cựu thủ tướng và người cộng sự cũ của Sihanouk, Penn Nouth. Ông nầy cũng đã về hưu, và thư ký riêng của ông nầy, bà Sao Saroth. Họ sống riêng trong những ngôi nhà nào đó tại thành phố Phnom Pênh. Từ khi các con gái của Sihanouk và gia đình họ rời khỏi thành phố nầy, thế giới của ông chỉ còn lại có bà Monique và hai con trai: Sihamoni và Narindrapong.
Ba năm sau, bà Monique nói với tôi: “Từ khi Ngài về hưu (tháng Tư 1976), chúng tôi chẳng thấy một bóng ma nào. Ngay cả người làm họ cũng bắt đi”. Lần đầu tiên trong đời, bà phải nấu nướng cho cả gia đình. Trong năm năm sống lưu vong ở Bắc Kinh, họ có được một trong những đầu bếp Pháp giỏi nhất ở Trung Hoa. Chu Ân Lai đã chọn một người đầu bếp hàng đầu để thỏa ý một người sành điệu ăn uống như ông hoàng. Bây giờ thì bà Monique có cậu con trai Sihamoni giúp một tay làm mọi việc nhà: Lau chùi, nấu nướng và làm vườn. Họ trồng được vài cây chuối.
Trong niềm im lặng tê tái đó, với Sihanouk, thời gian là kẻ đứng hàng đầu. Chùa bạc đứng kế bên lâu đài hoàng gia bây giờ hoang vắng. Tháp vàng và hội trường có những cây cột cao, nơi đoàn vũ hoàng gia trình diễn trước kia theo nhịp trống chậm rãi, bây giờ im lặng một cách kỳ dị. Sự sống còn lại nơi cung điện nầy chỉ còn có tiếng vỗ cánh của những con chim bồ câu. Điều Sihanouk quyết định cần gìn giữ là một sức mạnh tinh thần. May mắn ông còn giữ được một cái radio (máy thu thanh) to hiệu Grundig do Khieu Samphan biếu ông hồi tháng Giêng. Đó là cánh cửa sổ ông mở ra với thế giới bên ngoài, là phương cách để tâm hồn ông thoát ra khỏi cảnh sống nơi nầy, ngày đêm buồn nãn khôn nguôi. Mỗi sáng, mỗi tối, ông tìm hết đài nầy tới đài khác, những đài phát thanh lớn trên thế giới mà ông có thể bắt được: BBC, VOA, Úc, Pháp quốc tế, NHK, Hà nội. Mang ống nghe vào tai, ông ngồi hằng giờ liền, nghe từng bản tường trình về Cam Bốt, về các nơi trên thế giới.
Ông nghe tin tức phát thanh báo chí nói về số phận ông với lòng biết ơn và vài nỗi vui. Thế giới chẳng quên ông. Một bản tường trình thì nói ông hoàng bây giờ kinh hãi vì những gì ông thấy, đến nổi ông tịnh khẩu. Một bản tường trình khác thì trích lời Ieng Sary, trấn an nhà báo rằng bây giờ Sihanouk sống yên ổn trong lâu đài và đang bận bịu viết hồi ký. Khi đi thăm Mã Lai Á hồi mùa Xuân 1977, Ieng Sary nói với một nhà báo ngoại quốc rằng bây giờ thái tử không muốn gặp ai hết bởi vì, ông ta nói giả câu của Sihanouk: “Nếu tôi gặp ai, tôi lại sẽ dính líu vào chính trị”. Sihanouk thán phục tài dối trá của Ieng Sary.
Điều quý nhất là những bản tường trình của các phóng viên từ biên giới Thái-Cam Bốt gởi về và từ các thủ đô khác ở Châu Á – cho ông biết về những sự việc đang xảy ra ở Cam Bốt, bên ngoài lâu đài bị cô lập của ông. Những tin tức đó chỉ làm cho ông buồn và lo lắng. Một cách tự nhiên, theo ông, những vụ hành quyết, lao động khổ sai và những nỗi đau khổ do các người tị nạn kể lại là có thực. Tác phong những người lính gác cũng chỉ cho ông thấy những thanh niên nầy cuồng tín, độc ác và tàn bạo như thế nào.
Sihanouk biết rằng chẳng có ai lưu tâm về tình trạng thái quá ở Cam Bốt. Buổi sáng, ông ta mở hết âm độ để nghe đài phát thanh Phnom Pênh tuyên truyền, mở toang cửa sổ cho mấy tên lính gác Khmer Đỏ có thể nghe được. Khi cái màn lễ nghi đó qua rồi, ông ta mang ống nghe vào để nghe các đài quốc tế. Ông ta có thói quen thâu băng lại các bài bình luận vào máy cát xét để có thể nghe thêm một lần nữa, phân tích tất cả những gì có thể báo trước cho số phận đất nước bi thảm của ông.
Việc thâu băng các bài bình luận của các đài ngoại quốc là may rủi. Một ngày cuối năm 1976, ông được báo trước sáng hôm sau Khiêu Samphan sẽ đến đưa ông đi thăm một vòng thành phố. Điều ấy có nghĩa là ông phải bỏ cái máy cát xét ở nhà và nó có thể tố giác tội của ông. Sau nầy ông kể lại: “Suốt đêm hôm đó, tôi, vợ tôi, và Hoàng Tử Sihamoni vội vàng thu nhạc chồng lên trên tất cả những băng cát xét, để xóa mất những bài tôi đã thu băng trước kia.”
Chuyến đi thăm thành phố với Khieu Samphan cho Sihanouk thấy bước nhảy vọt vĩ đại mà Khmer Đỏ đang cố công thực hiện. Ông ta thấy những cảnh làm việc với hàng ngàn đàn ông đàn bà, họ lặng lẽ đào những con kinh dài, gánh đất trên vai đắp đê. Khung cảnh đó trông giống như bàn cờ với những đoàn người mặc đồ đen như kiến. Người dân ở đàng xa nhìn ông, họ có nhận ra ông là Sihanouk không? Dù có biết ông, họ cũng sợ, không dám đến chào như trước kia. Chỉ có một lần, người dân làm việc rất gần con đường chiếc xe Mercedes của Sihanouk dừng lại. Người ta thấy mặt ông qua cửa sổ xe, la lên: “Sandech Euv” rồi họ chạy dồn về phía chiếc xe. Cảm động, Samdech nói với bà Monique: “Vậy là đủ. Tôi sẽ nói chuyện với họ.” và ông bước ra khỏi xe. Samphan, ngồi bên cạnh tài xế, bật ra ngoài và nói với thái tử: “Yêu cầu im lặng và trở lại xe”. Monique cũng vậy. Bà nài nỉ thái tử hãy tự chế. Sau nầy bà ta nói với tôi Khiêu Samphan làm đúng. Ông ta không muốn Sihanouk bày tỏ tấm lòng của ông và tạo ra một cuộc nổi loạn ngấm ngầm. Sihanouk đồng ý và ông ta trở lại xe, vội vàng rời khỏi nơi đó. Bà Monique thấy người dân quỳ xuống đưa tay sờ vào chỗ đất thái tử vừa đứng.
Đối với thái tử và hàng triệu người Khmer, sống còn là điều ám ảnh họ. Với Sihanouk, nó có nghĩa là nuốt đi niềm tự hào và cúi đầu xuống. Sau nầy ông ta nói với tôi đã có lúc ông chống lại, “nhưng càng chống càng bị đàn áp, càng bị Khmer Đỏ xiết bù loon. Họ thu hồi hết toàn bộ những người làm, cả việc tiếp xúc với người ngoài. Suốt cả năm 1977, Khiêu Samphan chẳng tới thăm tôi một lần”. Và rồi sau một lần tranh cải gay gắt lâu dài với Monique về việc có nên khôn ngoan mà đừng chống Khmer Đỏ hay không; và rồi vì gia đình, Sihanouk từ bỏ hết. Theo chính lời ông, ông bắt đầu cầu nguyện cho bọn Khmer Đỏ mau chầu trời. Ông ta nói: “Điều ấy có phần cải thiện được tình hình. Tuy nhiên điều mình tự phỉnh mình lại là mình tự kết tội mình, mình tự hạ mình tệ hại mà tôi chưa từng làm”. Điều ông tin chắc như vậy là một phương cách cứu được ông và gia đình.
Tuy nhiên, càng luồn lụy Khmer Đỏ thì sự xung đột gia tăng với Việt Nam lại làm lợi cho ông. Không lưu tâm tới ông, Khmer Đỏ bắt đầu giết dân, những ai có gốc Việt Nam hoặc người Khmer có cảm tình với Việt Nam. Tháng Tư 1977, Khmer Đỏ bắt đầu xâm nhập các làng Việt Nam dọc theo biên giới. Một số nhà lãnh đạo Trung Hoa quan tâm tới những cuộc phiêu lưu như vậy, không hay gì cho Cam Bốt, có thể bị cô lập trước thế giới. Trong chuyến thăm Trung Hoa của Pol Pot tháng Chín và Mười 1977, Trung Hoa thuyết phục Pol Pot đưa Sihanouk về nước, dùng uy danh của Sihanouk để củng cố hình ảnh Cam Bốt Dân Chủ với thế giới bên ngoài. Để nhấn mạnh quan tâm của mình với người bạn, Chủ Tịch Bắc Hàn Tiên Kim Nhật Thành nhờ Pol Pot mang về cho Thái Tử Sihanouk một giỏ táo.
Giỏ táo đó đã gây ra điều kinh ngạc thích thú. Pol Pot đề nghị Sihanouk đừng dùng hết. Đó cũng là cách bày tỏ lòng cám ơn Kim Nhật Thành đã lưu tâm, nhấn mạnh tới bình bằng hữu với thái tử bằng cách nhờ tay Pol Pot gởi tới cho thái tử một món quà. Sihanouk cũng không muốn bỏ mất cơ hội đề phá vở cảnh cô lập hoàn toàn do Khmer Đỏ áp đặt cho ông kể từ đầu năm 1977. Ông gởi thư bày tỏ “lòng chân thành cám ơn” Pol Pot đã mang quà về cho ông, một thiệp khác thì chúc mừng Pol Pot “vào dịp kỷ niệm sự thành công vô cùng huy hoàng của Đảng Cộng Sản Cam Bốt” và cái thứ ba thì chức mừng Pol Pot về điều “thành công vĩ đại và vinh dự nhứt” trong chuyến viếng thăm Trung Hoa và Bắc Triều Tiên. Những thiệp nầy chẳng bao lâu được loan báo trên đài phát thanh Phnom Penh. Sihanouk vui thú khi nghe đài phát thanh đổi ngược tấm thiệp của ông thành ra là “món quà cao quý” do Pol Pot gửi tặng. Các tay kiểm duyệt của đài phát thanh cũng đặt vào mồm Sihanouk những câu ca ngợi đảng Cộng Sản Cam Bốt “tình cảm nồng nàn và đầy đủ về tình hữu nghị và lòng yêu mến”. Sihanouk phá lên cười khi ông ta kể lại chi tiết đó. Tuy nhiên ông cũng chẳng lưu tâm lắm. Sự thật là sau 18 tháng im lặng, nay đài phát thanh Phnom Pênh lại nhắc tới tên ông. Điều đó hạnh phúc hơn giỏ táo do Kim Nhật Thành gởi biếu ông nhiều. Ông thấy một tia sáng nhỏ chiếu xuyên qua bóng tối đang bao phủ quanh ông.
Con đường đi tới chiến tranh
Ngày 24 tháng Ba 1978, bắt đầu một ngày tưởng như chẳng có gì lạ trong cuộc sống thành phố Hồ Chí Minh. Mặt trời ló lên đằng sau hàng cây và bến tàu trên sông Saigon đang còn yên lặng. Những người Việt Nam và Tàu trung niên đang tập thể dục nhịp điệu bên bờ sông. Hàng trăm dân ngủ hè vẫn còn đang nằm trên hè phố đường Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, chưa trở mình. Trước khi mặt trời lên cao là thời gian còn mát mẽ nhất trong ngày. Một người chạy xe ôm thủng thỉnh đạp xe xuống đường để kiếm khách, và một người đàn bà trên đường Lê Thánh Tôn đang nấu mì gói. Ít ai để ý tới một điệu nhạc cách mạng và hàng loạt khẩu hiệu tuyên truyền đang tuông ra trên loa phóng thanh ở Công Trường Lam Sơn tại trung tâm thành phố. Trong ánh sáng dịu dàng của buổi sớm mai, thành phố vẫn còn mơ màng như những ngày mang tên Sài Gòn cũ.
Giấc mơ đó bỗng dưng tan biến ngay khi hàng trăm công an mặc đồ vàng, binh lính mặc đồ xanh lá cây và sinh viên học sinh mang băng đỏ tỏa ra khắp thành phố trong một cuộc hành quân như kiểu quân đội, kể từ khi chiến tranh chấm dứt. Chính quyền vừa loan tin trên đài một thương gia thuộc giai cấp tư sản vừa bị tuyên án tử hình. Trong khi công an án ngữ các cửa tiệm ở trung tâm thành phố, thì nơi tập trung lớn nhất của họ là Chợ Lớn. Ngơ ngác thức giấc trước chấn động đó, hàng ngàn người Tàu sợ hãi nhìn công an có trang bị vũ khí và Thanh Niên Xung Phong bao quanh khu vực Chợ Lớn nầy. Nhiều người nghĩ rằng đó cuộc biểu dương sức mạnh của chính quyền, có lẽ để bắt giam thêm một số người có liên hệ đến hoạt động chống đối xảy ra bốn ngày trước.
Ngày 20 tháng Ba, Chợ Lớn, – trung tâm buôn bán lớn nhất của thành phố Hồ Chí Minh chứng kiến một khung cảnh bất thường. Khi một chiếc xe Jeep chở binh lính tới để bắt giữ thanh niên Trung Hoa không chịu đi lính (nghĩa vụ quân sự – nd) thì có một đám đông tụ tập lại. Chẳng bao lâu cuộc tụ tập đó trở thành một cuộc biểu dương chính trị chống đối chế độ. Vài người giương cao ảnh Mao Trạch Đông. Rồi đám đông đó, khoảng vài trăm người, thừa thế xông lên, diểu hành trên đường phố và hô to khẩu hiệu. Ho yêu cầu được trả về Trung Hoa, đất mẹ, hơn là đẩy họ vào nơi thiếu tình thương: Vùng Kinh Tế Mới, hay con em họ phải vào bộ đội. Họ không muốn làm bia đỡ đạn cho cuộc leo thang chiến tranh với Cam Bốt. Công an tới, giải tán đám biểu tình bằng dùi cui và bắt đi khoảng một chục người.
Nhưng chẳng mấy chốc người ta biết cuộc động binh buổi sáng hôm đó không chỉ là bắt một vài người Trung Hoa bất mãn chế độ, nhưng đánh ngay vào trung tâm điểm Chợ Lớn. Sau khi những người võ trang đã vào vị trí trên đường phố đâu đó rồi, Thanh Niên Xung Phong, một cách có hệ thống, lục soát nhà ở và cửa tiệm để tìm vàng chôn dấu và kiểm soát hàng hóa để tịch thu. Sau khi nhân viên chính quyền mang vàng và đô la tìm được trong cuộc càn quét đi thì các thương gia được lệnh cấm bán bất cứ mộ thứ gì đã bị quốc hữu hóa. Dư luận trong giới bình thường Việt Nam, những người chẳng thích gì lắm khi thấy quyền lực của Chợ Lớn sụp đổ tan tành, thì chính quyền đã tịch thu cở 7 tấn vàng. “Thành phố Hồ Chí Minh trở thành tan hoang”. Một ít du khách ngoại quốc có mặt hồi ấy kể lại: “Người dân vô phương; bất thần như bị rơi vào bẫy chuột, chạy quanh một cách vô vọng”. Có báo cáo 18 người tuyệt vọng tự tử.
Mặc dù chính quyền không dấu kín kế hoạch của họ để đưa miền Nam vào Xã Hội Chủ Nghĩa, sự việc bất thình lình và mức độ hành động cương quyết của chính quyền đã làm cho người dân choáng váng. Năm 1976, chính quyền Cộng Sản ở phía Nam đổi tiền làm cho dân bớt giàu. Chính quyền cũng có những cố gắng rời rạc để kiểm soát và thu thuế. Tuy nhiên, hình như bao giờ cũng có những kẻ hở để cho thương gia Tàu tránh bị kiểm soát. Sáng hôm đó thì họ không còn tránh được nữa. Mười ngàn Thanh Niên Xung Phong huấn luyện trong các trại biệt lập được đưa tới thành phố để giúp cán bộ kiểm kê mọi dịch vụ thương mại. Những nơi được chừa là quán ăn. Bỗng nhiên ba mươi ngàn gia đình thương nhân – đa số là người Tàu – bị tước đoạt mọi tài sản và cả phương tiện sinh sống. Trong một hành động cương quyết khác, ngày 3 tháng Năm, tiền miền Nam bị hủy bỏ. Những người giàu cất tiền mặt coi như trắng tay. Trên lý thuyết, tiền cũ có thể đổi ra tiền mới, nhưng chỉ được đổi một số nhỏ mà thôi. (1)
Việc cải cách tiến tới Xã Hội Chủ Nghĩa được thông báo từ lâu, cuối cùng đã thực hiện ở Nam Việt Nam. Mĩa mai thay, cuộc tấn công vào Chủ Nghĩa Tư Bản cũng là loạt đạn của Việt Nam Cộng Sản đối đầu với Trung Hoa Xã Hội Chủ Nghĩa.
Dù cuộc xung đột Việt Nam Cộng Sản và Cam Bốt đã công khai hóa, cho tới lúc nầy, Việt Nam và Trung Hoa cũng chỉ đánh gió nhau mà thôi. Trong khi Hà Nội lên án bọn “phản động quốc tế” là tên xúi giục Khmer Đỏ thì Trung Hoa công bố viện trợ cho Cam Bốt để chống lại bọn “bá quyền dấu mặt”. Nhưng sau cuộc tấn công vào Chợ Lớn, và hàng loạt trú dân Trung Hoa trốn khỏi Việt Nam thì Bắc Kinh công khai tố cáo Việt Nam Cộng Sản. Trong khi chiến tranh bằng mồm Hoa-Việt leo thang, một âm mưu lật đổ hồi tháng Năm của nhóm chống Pol Pot bị thất bại thì Việt Nam không tránh khỏi bị tố cáo can thiệp. Việt Nam bị kẹt trong cuộc xung đột với Trung Hoa nên họ không thể trì hoãn hơn nữa việc liên minh với Liên Sô. Việc sắp đặt cho cuộc chiến nầy, giờ đây đã vượt ra ngoài biên thùy Việt Nam và Cam Bốt.
Khi Việt Nam chuẩn bị cuộc tấn công vào thành trì Chủ Nghĩa Tư Bản (đánh tư sản – nd), họ tin rằng báo chí ngoại quốc được phép vào miền Nam để tường trình về việc Cam Bốt khiêu khích, sẽ không biết được việc đánh tư sản của họ. Tôi ở thành phố Hồ Chí Minh cho tới ngày 20 tháng Ba và có vào Chợ Lớn thăm ba gia đình các bạn cũ của tôi, tôi được ăn những bữa cơm ngon tuyệt tại những nhà hàng ở Chợ Lớn. Chợ Lớn ồn ào và đông đúc – đầu mối hàng buôn lậu cũng như sản phẩm địa phương – tôi ngạc nhiên thấy nó tương phản với những kệ hàng trống không ở Hà Nội, thấy đáng thương cho cái chợ nghèo nàn ngoài ấy. Những người làm việc tại Bộ Ngoại Giao ở Hà Nội đi theo chúng tôi, lõ mắt qua cửa kính, nhìn những món hàng chưng trong tủ mà trước kia họ chưa bao giờ thấy. Nhưng khi thấy giá hàng thì họ giựt mình. Tôi có nghe những lời than phiền của những tay chính trị hoạt đầu từ Hà Nội vào, lấy làm lạ rằng còn bao lâu nữa thì những người khắc kỷ ở phía Bắc sẽ tấn công vào khu Chợ lớn hấp dẫn nầy. Lê Quang Chánh (-trong nguyên tác là Le Quang Chan -nd) phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng thành phố Hồ Chí Minh nói với tôi: “Nhiệm vụ của chúng tôi là thay đổi từ một thành phố tiêu thụ trở thành một thành phố sản xuất, để xứng đáng với cái tên Hồ Chí Minh”. Ông ta không minh thị làm thế nào để có thể thay đổi như vậy được.
Theo chương trình, tôi phải trở lại Hà Nội để đáp máy bay rời Việt Nam ngày 24 tháng Ba. Ngày hôm sau, tôi biết tại sao họ giữ chúng tôi tại phòng. Tại buổi ăn tối do Ủy Ban Quan Hệ Văn Hóa Với Nước Ngoài khoản đãi tối 23 tháng Ba, tôi thảo luận với Hồng Hà, biên tập viên kinh tế báo Nhân Dân về vấn đề đưa miền Nam vào Xã Hội Chủ Nghĩa. Sau khi giải phóng ba năm, sau đó qua vài cuộc đổi tiền và cải cách chống tư bản, đà tiến kinh tế của miền Nam vẫn còn mạnh. Hầu hết kỹ nghệ và thương mãi ở miền Nam, đặc biệt việc buôn bán lúa gạo có tính chiến lược, đều do tư nhân người Tàu kiểm soát. Người ta tính khoảng hơn một nửa số tiền mặt và hầu hết số vàng và đôla ở miền Nam nằm ở Chợ Lớn. -trung tâm đối nghịch kinh tế. (2) Chợ Lớn là “trái tim Tư bản mạnh khỏe đập giữa thân thể Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa”. Hồng Hà nhận xét như trên trong khi ông ta giải thích sự khan hiếm hàng hóa, lạm phát và chợ đen phát triễn quá mức ở miền Nam. Tôi hỏi ông ta: “Ông có kế hoạch nào để giải quyết vấn nạn nầy?”. Ông ta cười nhẹ, và nói: “Chúng tôi đang suy nghĩ về vấn đề ấy”. Nhưng ngay khi chúng tôi đang nói chuyện thì hàng ngàn cán bộ và lực lượng an ninh của thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng cho cuộc tấn công tư bản sáng hôm sau dành cho “sự thay đổi trái tim”.
Như sau nầy tôi biết, việc chuẩn bị đánh tư sản và sức mạnh kinh tế của người Hoa ở miền Nam bắt đầu cùng thời với việc họ lập kế hoạch để đối phó với Cam Bốt. Trong cùng một buổi họp của Bộ Chính Trị hồi tháng Hai 1978, để quyết định thành lập lực lượng kháng chiến chống Pol Pot, họ cũng thảo luận về vấn đề an ninh liên hệ đến người Hoa kiểm soát kinh tế ở miền Nam Việt Nam. Họ cũng chuẩn bị đối đầu lớn hơn với Bắc Kinh đang hỗ trợ cho Cam Bốt. Thật ra, hồi tháng Giêng, Trung Hoa đã đề ra chính sách mới đối với người Hoa ở hải ngoại: Kêu gọi họ tiếp tay với cuộc đấu tranh chống bá quyền. Điều nầy chỉ làm cho Việt Nam phải quan tâm nhiều hơn tới công đồng người Hoa ở Việt Nam rất mạnh. Giữa tháng Ba, Bộ Chính Trị lại họp ở thành phố Hồ Chí Minh một lần nữa, hoàn toàn bí mật, vạch kế hoạch cuộc tấn công vào Chợ Lớn. Đó là phát súng lệnh nghiêm trọng tạo ra cuộc trốn chạy vĩ đại nhất kể từ sau chiến tranh và tạo thêm một cuộc đấu tranh mới về vấn đề chủng tộc và quốc gia đang phát triển ở Châu Á.
Bác Sĩ Jekyll và ông Hyde ở phố Tàu
Sự căng thẳng giữa Trung Hoa và Việt Nam bùng phát từ mùa Hè năm 1978 thể hiện qua vài hình thức, phải kể lại từ thuở Việt Nam hình thành quốc gia. Di dân Trung Hoa bắt đầu đến Việt Nam từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch. Từ đó, trong khoảng hai ngàn năm (gồm cả chín trăm năm bị Tàu đô hộ) những làn sóng người liên tục nầy gồm những đạo binh tan rã, viên chức chính quyền, tội phạm và những kẻ nổi loạn, đã tới Việt Nam. Thái độ vua chúa của một nước Việt Nam độc lập là kình địch – Họ có thể củng cố chế độ cũng như có khả năng tiềm tàng. Là nhóm người cần mẫn và kỷ luật, di dân Trung Hoa cải hóa đất đai, thành lập những khu dân cư mới, phát triển thương mại, và mở rộng vùng cai trị của Viêt Nam. Hồi thế kỷ 17, vài ngàn người theo nhà Minh bị người Mãn châu đánh đuổi, đến Sài Gòn. Chính quyền Khmer hữu danh vô thực không biết đối phó với những di dân nầy ra làm sao, bèn xin hoàng đế nhà Nguyễn giúp đỡ. Nhà Nguyễn mau chóng đưa họ vào vòng trật tự và định cư họ ở một vùng gần Sài Gòn, sau nầy là Chợ Lớn. Cái giá của sự giúp đỡ nầy là Cam Bốt chấp thuận quyền cai trị của Việt Nam ở khu vực Sài Gòn. Mặc Cửu (trong nguyên tác là Mặc Cu – nd) lãnh đạo một nhóm khác định cư ở Hà Tiên. Khu vực nầy, hồi thế kỷ 17 là lãnh thổ của Cam Bốt. Tự đặt mình như là “vua của Hà Tiên” theo kiểu Trung Hoa, Mặc Cửu làm thay đổi phần đất nầy thành nơi buôn bán thịnh vượng, mở rộng quyền cai trị của ông tới các tỉnh lân cận, và vì trung thành với hoàng đế Việt Nam, do đó đã mở rộng biên giới Việt Nam tới ranh giới hiện nay. (3)
Trong khi xử dụng người Trung Hoa tới định cư, các vua nhà Nguyễn không bao giờ thoải mái với lòng trung thành của họ. Thật ra vì họ tới từ nước Tàu rộng lớn, mà nước nầy không bao giờ ngưng cố gắng xâm lược và cai trị Việt Nam, do đó, những di dân nầy trở thành những đối tượng bị ngờ vực. Trong mối quan hệ nầy, có một lần tệ hại nhất là khi Tây Sơn khởi nghĩa chống lại chúa Nguyễn hồi thế kỷ 18, mười ngàn người ở Chợ Lớn đã bị tàn sát vì tham gia việc khởi loạn. Cũng nhiều lúc họ được tự do và phồn thịnh. Tuy nhiên họ luôn luôn biệt lập với dân chúng Việt Nam. Năm 1840, Hoàng Đế Minh Mạng của triều Nguyễn ngạc nhiên vì chính sách phóng khoáng của triều đình Xiêm La (Thái Lan) cho phép người Hoa được chung sống với dân địa phương. Ông ta tiên đoán không có chính sách cô lập người Hoa sẽ dẫn tới việc Xiêm La sụp đổ. (4)
Như một nhà bác học Nhật Bản ghi nhận, “Người Hoa ở Việt Nam là Bác Sĩ Jekyll và ông Hyde của Việt Nam, một nửa có hại phải để mắt vào đó, và một nửa thì có ích …” Ngay cả trong trường hợp nhà Nguyễn có chính sách ưu đãi họ, nhà Nguyễn vẫn lo lắng về quan hệ với Trung Hoa. Họ thường dùng người Hoa để tìm hiểu tình hình thực tế Trung Hoa và cố gắng cải thiện quan hệ với nước nầy. (5)
Mặc dù Đảng Cộng Sản Việt Nam thừa hưởng một di sản cùng trên căn bản với cộng đồng người Hoa, việc đối xử của họ với người Hoa đặt trên căn bản ý thức hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội trong các thập niên 1950-60, và nhu cầu thực tế viện trợ của Trung Hoa cho Việt Nam chiến đấu thống nhứt đất nước. Thực ra, chỉ có 15 phần trăm người Hoa sinh sống ở miền Bắc đa số là công nhân kỷ nghệ, thợ mõ, và ngư dân, và đảng điều hành họ không mấy khó khăn. Vì họ thuộc về một nước anh em Xã Hội Chủ Nghĩa nên không có vấn đề tình trạng luật pháp mà chỉ cần một sự sắp xếp giữa hai đảng với nhau. Bằng một thỏa ước ký vào năm 1955 giữa hai đảng Cọng sản Trung hoa và Việt Nam, trú dân Trung Hoa ở Việt Nam được đặt dưới sự “lãnh đạo của Đảng Lao Động (Cộng Sản) Việt Nam”. Nhờ thỏa ước đặc biệt nầy, người Hoa ở Việt Nam (thực ra là Bắc Việt Nam – nd) không giống như đồng bào của họ ở các nước Đông Nam Á vừa giành được độc lập, buộc họ phải thay đổi quốc tịch ngay. Họ vẫn sống ở Việt Nam và giữ quốc tịch Trung Hoa một thời gian tạm cho đến cuối cùng, trở thành công dân Việt Nam.
Hai mươi ba năm qua, kể từ khi có khẩu ước, Hà Nội không có một cố gắng công khai nào để áp đặt quốc tịch Việt Nam trên số trú dân Trung Hoa nầy. Năm 1961, Trung Hoa thỏa thuận một đề nghị của Việt Nam, trên căn bản, người Hoa cư trú ở miền Bắc phải nhập Việt tịch. Bắc Kinh đồng ý chỉ cấp chiếu khán cho người Việt gốc Hoa có thân nhân ở Trung Hoa mà thôi. (7)
Tuy nhiên, dần dần tình trạng hai mặt làm cho Hoa kiều có nhiều ưu đãi. Ke Xuan, 71 tuổi, nguyên cư trú ở Hà Nội, nói: “Chúng tôi được lợi cả hai phía. Người Hoa (thật ra là sinh đẻ ở Việt Nam, hậu duệ người Hoa di dân -) ở miền Bắc có đủ mọi quyền công dân và ưu đãi, không có gì bất lợi cả. Khoảng năm 1970, Việt Nam cố buộc chúng tôi phải trở thành công dân Việt Nam. Một số ít trong chúng tôi thấy đó là có lợi nhất. Chúng tôi có thể tham gia các cuộc bầu cử. Chúng tôi được mọi điều ngoại trừ việc chúng tôi phải đi lính” (nghĩa vũ quân sự – nd) (8)
Điều ưu đãi cuối cùng là điều rất có giá trị đối với một nước mà hầu hết gia đình nào cũng có người chết trong chiến tranh. Giống như đồng hương họ ở Trung Hoa những người làm nghề buôn bán ở miền Bắc lo lắng trước động cơ cải cách Xã Hội Chủ Nghĩa nhưng lại không bị kỳ thị. Thực ra có một số cán bộ người Hoa giữ những nhiệm vụ mẫn cảm trong đảng và trong chính quyền. Đồng hương của họ dưới chế độ chống Cộng ở miền Nam thì giàu có nhưng bị chính quyền Ngô Đình Diệm buộc nhập Việt tịch. Bắc Kinh phản kháng hành động nầy. Hà Nội thì mượn tiếng nói của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam do họ kiểm soát cũng phản kháng và hứa hẹn với người Hoa ở miền Nam sẽ cho họ quyền chọn quốc tịch sau khi giải phóng xong.
Tuy nhiên thái độ của Cộng Sản Việt Nam bắt đầu thay đổi hồi cuối năm 1960 khi ngọn triều Cách Mạng Văn Hóa bắt đầu có ảnh hưởng trên cộng đồng người Hoa ở phía Bắc. Trong khi Hồng Vệ Binh đã kích Hà Nội và ngăn cản việc chuyển vận vũ khí cho Việt Nam thì những người theo Mao trong cộng đồng người Hoa ở Bắc Việt Nam thực hiện cuộc Cách Mạng Văn Hóa cho chính họ, tố cáo Đảng Cộng Sản Việt Nam là bọn xét lại. (9)
Sự quấy nhiễu tái sinh
Sau nầy, một viên chức Việt Nam nói với tôi, theo kinh nghiệm cuộc Cách Mạng Văn Hóa và đặc biệt việc Nixon tới thăm Trung Hoa hồi năm 1972, các nhân vật chóp bu trong Đảng Cộng Sản Việt Nam nhận ra rằng cần có “hành động chăm sóc” đối với cán bộ gốc Hoa. Sự cấu trúc ý thức hệ chung hai đảng với nhau xem ra đã hao mòn. Sau cuộc viếng thăm của Nixon, nếu không còn tin Trung Hoa nữa, thì cũng chẳng thể tin các cán bộ gốc Hoa, dù họ thuộc thế hệ thứ hai ở Việt Nam. Với tình hình quan hệ đang suy yếu dần, sự quấy nhiễu của người Việt, bắt nguồn từ hai ngàn năm trước trong lịch sử, lại bắt đầu nổi lên. Một cách thận trọng, các cán bộ thuộc con cháu người Hoa được giao công việc mới, ít có nguy hiểm hơn.
Năm 1975, các nhà lãnh đạo Việt Nam cho rằng Bắc Kinh chẳng ưa gì một nước Việt Nam thống nhất và hùng mạnh. Điều đó thấy rõ hơn vào mấy năm sau, ngay trong chiến thắng huy hoàng tháng Năm 1975, họ cũng không muốn có sự hiểm nguy tiềm ẩn khi đối diện với Trung Hoa. Ngay sau khi tới phi trường Tân Sơn Nhứt của thành phố Sài Gòn, trong sự đón tiếp cảm động, Tổng Bí Thư Lê Duẫn, như người ta báo cáo, có nói bây giờ đất nưóc phải lo đối phó với nhiều hiểm nguy lớn “bởi vì chúng ta chống lại hai sự đe dọa: Nạn đói và bọn phản động Trung Hoa”. Ông ta không nói rõ khả năng xâm lược của Trung Hoa, như sau nầy một ủy viên Bộ Chính Trị có nhắc lại “vì sự kiện ấy không thể tồn tại nữa nhưng ông ta có nói phải cần hết sức lưu tâm đến họ”.
Trong các năm 1976-77 vì viện trợ của Trung Hoa cho Việt Nam ngày càng ít đi, và vì tình hình quan hệ càng lúc càng tồi tệ, Hà Nội càng lúc càng thấy ít cần đến cộng đồng người Hoa ở Việt Nam. Nếu có cần đến họ chăng thì, như Việt Nam nghĩ, cần xiết chặt hơn nữa việc kiểm soát họ. Từ ngày giải phóng, đảng Cọng sản Việt Nam nghi ngờ lòng trung thành của cộng đồng người Hoa có thế lực ở miền Nam Việt Nam. Cộng đồng nầy có đến hàng triệu người. Khó có thể có cảm tình với trú dân Trung Hoa ở Chợ Lớn, vì những ngày đầu giải phóng, người Hoa đã treo cờ Trung cọng và chưng ảnh Mao Trạch Đông. Đối với số người Hoa tư sản ở Chợ Lớn, -những người coi Đài Loan chống Cọng như là kẻ bảo trợ cho họ, thì hành động có tính chất thời cơ trấn an những người cai trị mới là trái tim họ đặt đúng chỗ, có lẽ cũng muốn cho thấy rằng bây giờ họ có một người bảo vệ hết sức mạnh, là Bắc Kinh. Dần dà họ biết rằng hành động như thế là xúc phạm đến các nhà lãnh đạo ở Hà Nội, và cái hố chia cách giữa Việt Nam và Trung Hoa, đằng sau những lời tuyên bố chính thức về tình hữu nghị, sâu đến bực nào!
Nhà cầm quyền bây giờ không muốn nhắc lại lời hứa của Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc trước kia, cho họ tự do chọn quốc tịch. Nhiều năm sau, khi tôi hỏi một đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh về việc nước ông không giữ lời hứa của Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc, ông ta gạt qua một bên, nói: “Thực tế lịch sử để lại cho chúng ta là tất cả những trú dân Trung Hoa ở Chợ Lớn là người Việt Nam. Chúng tôi thấy không cần thiết đảo ngược tình thế. Xét cho cùng, lời tuyên bố là một chuyện mà thực tế là một chuyện khác”. (11)
Lòng tự tín của một nước Việt Nam tái thống nhất khác với những năm đầu ở Bắc Việt Nam, họ gần gủi và tùy thuộc vào Trung Hoa. Hà nội không sẵn sàng mở lại cái hộp của Pandora về quốc tịch, cũng không trao cán cân kiểm soát ở phía Nam bằng cách thuận cho Bắc Kinh quyền bảo vệ quốc tịch người Hoa ở vùng nầy. Đầu năm 1976, tất cả những người gốc Hoa ở miền Nam bị buộc nhập Việt tịch. Bắc Kinh không bày tỏ thái độ bất mãn, nhưng sau đó, ngày 10 tháng Sáu năm 1977, trong một cuộc họp với Thủ Tướng Phạm văn Đồng, Phó Thủ Tướng Lý Tiên Niệm của Trung Hoa lên án Việt Nam không giữ lời hứa và buộc người Hoa phải nhập tịch. (12) Lý không chỉ than phiền về vấn đề người Hoa ở miền Nam. Mùa Xuân năm 1977, Việt Nam bắt đầu làm sáng tỏ vấn đề quốc tịch của những người dân sống dọc theo biên giới với Trung Hoa. Gia đình những người dân ở trên vùng núi cao nầy có thân nhân ở cả hai bên biên giới và họ tự do. Nếu bị coi là cư trú bất hợp pháp, họ về bên nầy hay bên kia, đi qua đi lại buôn bán hoặc thăm viếng gia đình. Hà Nội sợ ảnh hưởng của Trung Hoa trên số người nầy và đặc biệt về sự lôi cuốn sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh nên lặng lẽ trục xuất những ai có quốc tịch Trung Hoa. (13)
Chẳng bao lâu sau, việc quan tâm tới sức mạnh thương mại của Trung Hoa lại gia tăng bằng mối lo đã có từ lâu vì an ninh. Từ mùa Hạ năm 1977, khi Cộng Sản bắt đầu áp dụng chương trình hợp tác nông nghiệp ở miền Nam, nhịp độ cải cách Xã Hội Chủ Nghĩa tiến nhanh hơn. Một ủy ban đặc trách công thương nghiệp tư nhân được thành lập để thi hành kế hoạch đè bẹp ngành công thương nghiệp tư bản. Việc sụt giảm nghiêm trọng sản xuất lúa năm 1977 và chợ đen lúa gạo làm gia tăng tình trạng khẩn cấp cần kiểm soát thị trường chặt chẽ hơn. Cùng thời, nền an ninh Việt Nam lại bị đe dọa vì những cuộc tấn công càng lúc càng gia tăng của Khmer Đỏ, cũng như cuộc kháng chiến bền bĩ của FULRO (Front Unitée pour la Lutte des Races Oppressés) và các nhóm chống Cộng khác, chính quyền không thể làm tan rã bộ máy kinh tế để tạo ra bất ổn xã hội miền Nam.
Hà Nội quay tròn theo đuôi rồng
Khi Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam họp tại thành phố Hồ Chí Minh giữa tháng Hai năm 1978, họ nghiên cứu chính sách mới của Trung Hoa về vấn đề người Hoa ở hải ngoại. Trong thời gian có cuộc Cách Mạng Văn Hóa, Ủy Ban Quan Hệ Hoa Kiều Hải Ngoại như ở trong địa ngục và chính sách của họ đối với Hoa Kiều rất lộn xộn. Tuy nhiên, từ đầu năm 1977, cùng một thời gian khi Việt Nam “thanh lọc” vùng biên giới sát Trung Hoa của họ, Bắc Kinh bắt đầu chứng tỏ cho thấy họ lưu tâm đến tài năng và vốn liếng của người Hoa ở hải ngoại. Ngày 4 tháng Giêng 1978, một bài báo của Liao Chengzhi trên tờ “Nhân Dân Nhựt Báo” của Trung Hoa hé lộ cho thấy chính sách mới của Bắc Kinh, gọi Hoa kiều là “một phần của đất nước Trung Hoa…. mà số phận kết liên gần gủi với quê mẹ”. Chủ tịch Ủy Ban Quan Hệ Hoa Kiều Hải Ngoại – ban nầy mới được củng cố -, thúc đẩy Hoa kiều thành lập “Mặt Trận Đoàn Kết Yêu Nước Hải Ngoại” chống lại “bá quyền”. Hoa kiều không những được ưu ái như thế mà còn được gọi là “bạn hữu của quốc gia ở hải ngoại, hậu duệ của người Hoa”. Liao còn tuyên bố thêm là sẽ bảo vệ quyền hạn của Hoa kiều, những ai còn giữ quốc tịch Trung Hoa. Trung Hoa cũng “hoan nghênh và sắp xếp thích đáng cho những người muốn trở về để góp phần xây dựng đất nước hoặc cư ngụ.” Những ai giữ quốc tịch ở nước đang định cư thì được xem là “quyến thuộc và bạn hữu.” (15)
Câu nói nổi bật của Liao là dù có quốc tịch nào đi nữa, tất cả những người có nguồn gốc Trung Hoa đều có quyền tham gia việc chống Mạc Tư Khoa và bè lũ, và được xem là bạn hữu của Bắc Kinh. Từ đầu năm 1978, tòa đại sứ Trung Hoa ở Hà Nội giải thích chính sách mới cho cộng đồng người Hoa và bắt đầu lặng lẽ cấp phát thông hành cho Hoa kiều ở một vài thành phố giàu có, những người nầy muốn đóng cửa tiệm và nhà hàng để trở về Trung Hoa. Đối đầu với hành động nầy của Bắc Kinh càng lúc càng gia tăng trong cộng đồng người Hoa ở Việt Nam và việc họ dính líu càng lúc càng sâu ở Cam Bốt, Hà Nội kết luận rằng đã đến lúc có hành động cương quyết để giải quyết cả hai vấn đề kinh tế và an ninh tại Chợ Lớn cùng một lúc. (16)
Tuy nhiên, một cách lạ lùng, hình như Việt Nam không nghĩ rằng Trung Hoa sẽ không công khai lên án hành động chống Trung Hoa của Việt Nam. Hồi cuối tháng Ba, một nhà ngoại giao Việt Nam tiên đoán “Trung Hoa không làm thiệt hại uy danh quốc tế của họ bằng cách công khai tấn công chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục đấm nhau dưới gầm bàn.” Vừa nói ông vừa đưa tay lên trời.
Hà Nội tính toán rằng Bắc Kinh sẽ không gây nguy hiểm cho những cố gắng của Việt Nam nhằm ve vãn các nước không Cọng sản ở Đông Nam Á bằng cách công khai thiết lập quan hệ với người Hoa ở hải ngoại và đem lại cho những nước ở trong vùng nỗi sợ hãi người Hoa sẽ trở thành đạo quân thứ năm. Việt Nam cũng hy vọng Trung Hoa sẽ không công khai chống lại hành động của chính quyền Hà Nội ở Chợ Lớn vì đó là hành động đầu tiên chống tư bản. Rõ ràng với quan điểm loại trừ bất cứ một sự phê phán nào của Trung Hoa, ngày 24 tháng Ba, Việt Nam tuyên bố “Chính sách thủ tiêu thương nghiệp tư sản sẽ đem lại đoàn kết tại thành phố và tất cả thành thị miền Nam, không phân biệt quốc tịch và tôn giáo.” Họ cũng cảnh cáo nhân dân: “vẫn còn phải thận trọng chống lại âm mưu phản động (Bắc Kinh) xuyên tạc chính sách nầy và chia rẽ nhân dân lao động.” (18)
Việt Nam tính sai rất lớn. Bắc Kinh coi hành động của Việt Nam ở Chợ Lớn như là một sự thách thức công khai đối với chính sách kiều dân của Trung Hoa mà thật ra, đối với Bắc Kinh, họ cho là sức mạnh của họ ở trong vùng. Bắc Kinh thất bại không làm được gì để bảo vệ Hoa kiều ở Việt Nam, đặc biệt sau khi họ tuyên bố chính sách mới về kiều dân của họ, hứa hẹn có phản ứng nghiêm trọng để bảo vệ uy danh của họ trước 15 triệu Hoa kiều ở vùng Đông Nam Á. Sự kiện Trung Hoa không có phản ứng gì trở thành một điều khích lệ cho những nhà chính trị ở trong vùng có khuynh hướng chống Trung Hoa cũng như có tinh thần quốc gia cực đoan. Họ sẽ có những hành động tương tự như Việt Nam vậy.
Bốn tháng sau sự kiện Chợ Lớn, Bắc Kinh vẫn im lặng. Tuy nhiên đằng sau sự im lặng đó là sự căng thẳng trong hàng ngàn người Hoa ở phía Bắc, tạo thành làn sóng tỵ nạn đổ dồn sang Trung Hoa và thêm nhiều thương gia Hoa Kiều ở miền Nam đi vùng Kinh Tế Mới. Thời gian cũng có điều mai mĩa. Bắc Kinh chọn ngày kỷ niệm lần thứ ba chấm dứt chiến tranh Việt Nam để bắn phát súng đầu xuyên suốt vào cây cung của Việt Nam, báo hiệu khởi đầu một cuộc chiến tranh mới. Trong một tiệc trà tiếp đãi du khách Hoa kiều vào ngày 30 tháng Tư/ 1978, Liao Chengzhi tuyên bố một số lớn Hoa kiều ở Việt Nam đã “bất thần trở về Trung Hoa.” Chẳng có gì kiểu cách, ông ta nhắc nhở rằng “Trung Hoa quan tâm và theo dõi sát sao tình hình nầy”.
Mười hai ngày sau, Trung Hoa gia tăng áp lực với Hà Nội bằng cách lặng lẽ nói với nước nầy là họ đình hoãn 21 hạng mục công trình do Trung Hoa giúp đỡ, nói là để nhằm “chuyển ngân khoản và vật liệu của công trình để lo cho đời sống của Hoa kiều vừa bị xua đuổi khỏi Việt Nam.” Đó cũng là một kịch bản buồn cười được lập lại vì hồi năm 1960 Moscow cũng bất thần đình hoãn các chương trình viện trợ của họ cho Trung Hoa để bày tỏ sự giận dữ với Bắc Kinh. Trung Hoa tố cáo mạnh mẽ để có thể cuối cùng đoạn tuyệt với Hà Nội. Tuy nhiên, Bắc Kinh chờ đến khi con nguời chống Liên Sô ồn ào Zbigniew Brzezinsky, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Hoa Kỳ rời khỏi Trung Hoa, họ mới mở cuộc tấn công Việt Nam đầu tiên. Ngày 24 tháng Năm, Văn Phòng Kiều Dân Trung Hoa tố cáo Việt Nam đày ải, ngược đãi Hoa kiều ở Việt Nam và xua đuổi họ về lại Trung Hoa. Bản tuyên bố đó nói rằng nhiều người bị ngược đãi, cướp bóc và ngay cả bị đánh đập tàn nhẫn. “Họ chẳng còn gì ngoài bộ quần áo mặc trong mình khi họ tới lãnh thổ Trung Hoa”. Bản tuyên bố cũng tố cáo Việt Nam “bắt giữ hàng loạt kiều dân, làm bị thương và giết chết nhiều người ở thành phố Hồ Chí Minh”. Bắc Kinh cảnh cáo Hà Nội phải chịu trách nhiệm về hậu quả của những hành động “độc đoán, tàn bạo và phi pháp của họ”. (20)
Khi Trung Hoa đầu tiên công khai tố cáo vấn đề hàng loạt người Hoa rời khỏi Việt Nam thì có khoảng 17 ngàn người sẵn sàng vượt biên giới. Cuộc di cư nầy bắt đầu như thế nào? Tại sao Trung Hoa mở rộng cửa biên giới. Tại sao họ phải chờ đến lâu như thế mới công khai hoá? Chẳng bao giờ có thể biết toàn bộ câu chuyện như thế nào. Nó được che dấu bằng những lời tố cáo mạnh mẽ và gay gắt, biến bạn thành thù. Trung Hoa tố cáo Hà Nội đày đọa và ngược đãi Hoa Kiều; nghe nói là cưỡng bức họ tới biên giới rồi xua đuổi ra khỏi nước. Hà Nội tố cáo ngược lại Trung Hoa xúi dục Hoa Kiều ra đi bằng cách ngụy tạo những lời đồn đãi độc ác để phá vở kinh tế Việt Nam và dùng áp lực cho mưu đồ chính trị. Tới giữa tháng Sáu thì số người di cư nầy lên tới 133 ngàn mà chẳng có lời giải thích đầy đủ nào về một cuộc di cư vĩ đại như thế. Cuộc di cư ở phía Bắc, mặc dù bắt đầu từ tháng Ba – chẳng liên hệ trực tiếp gì việc đánh tư sản ở Chợ Lớn. Nó có liên hệ đến một số thương gia, nhưng phần đông là công nhân, thợ mõ và ngư dân. Thật ra, ở cảng Hải Phòng, – cảng lớn ở phía Bắc mở ra với thế giới- các mỏ than và hoạt động đánh cá bị ngưng trệ vì Hoa Kiều bỏ đi, ám chỉ rằng có bàn tay Hà Nội đằng sau cuộc di cư dó. Tuy nhiên cũng không phải vì mười ngàn ngư dân rách nát và công nhân Hoa kiều thiếu tay nghề mà Trung Hoa khuyến khích họ trở về đất mẹ để góp phần vào “Bốn Hiện Đại”. Có chứng cớ cho thấy dù cả hai phía Hà Nội và Bắc Kinh một bên kéo, bên đẩy kiều dân Trung Hoa, chẳng bao lâu cuộc di cư bùng lên là do chính động lực của nó, đạt tới một số lượng chẳng ích cho ai cả. Như chúng ta đã thấy, ban đầu Việt Nam kiểm tra dân số vùng biên giới, cho rằng vấn đề quốc tịch Trung Hoa là một phần trong biện pháp gìn giữ an ninh. Rồi đến khi việc đánh tư sản ở Chợ Lớn xảy ra, Hà Nội bắt đầu gây khó khăn cho một nhóm nhỏ thương gia và nhà hàng, tố cáo rằng họ làm giàu bất chính và trốn thuế. Tháng Hai, Hà Nội tổ chức hai buổi lễ kỷ niệm bất thường: Chiến thắng của hai vị anh hùng lịch sử, đánh bại Trung Hoa xâm lược. Đó là Lê Lợi và Trần Hưng Đạo. Những buổi lễ như thế không làm cho Hoa kiều an tâm.
Lời đồn đãi chiến tranh
Đầu năm 1978, Tòa Đại Sứ Trung Hoa tại Hà Nội bắt đầu cấp chiếu khán cho một số Hoa kiều. Tuy nhiên, động lực chính phát xuất từ dư luận cho rằng sẽ có chiến tranh giữa Trung Hoa và Việt Nam. Ban đêm, nhiều truyền đơn thả trước cửa nhà Hoa Kiều, yêu cầu họ trở về Trung Hoa để xây dựng đất nước hoặc bị đe dọa trừng phạt nếu còn tiếp tục ở Việt Nam. Ai ở đằng sau dư luận nầy? Hà Nội thì nói rằng “đó là những phần tử xấu trong số người Hoa”. Bắc Kinh thì tố cáo đó là hành động của công an Việt Nam. Mục tiêu chiến dịch nầy thì không rõ. Charles Benoit, một học giả Mỹ nói được cả tiếng Hoa và tiếng Việt, phỏng vấn nhiều người trốn khỏi Bắc Việt Nam kết luận rằng “động lực chính khiến Hoa kiều trốn khỏi Bắc Việt Nam là vì họ sợ rồi sẽ có chiến tranh giữa Trung Hoa và Việt Nam, vấn đề nầy liên hệ đến quốc tịch của họ. Họ sợ mất quốc tịch, khả năng của họ giúp họ giữ được một đời sống cơ bản, những ưu đãi bị giảm bớt dần và họ nghĩ rằng họ sẽ không được thụ hưởng mãi như là một thường trú nhân ngoại quốc”. (21)
Dù là gì ở đằng sau những lời đồn đãi ấy, chắc chắn Việt Nam chẳng làm gì mạnh để ngăn chặn làn sóng người ra đi. Thiếu phương tiện vận chuyển, quan trọng hơn nữa, việc hạn chế người dân di chuyển vì tình hình an ninh, và lại ở xa biên giới, việc ra đi của một số đông người như vậy không thể đến biên giới được nếu không có sự đồng lõa của chính quyền. Dù thế nào, Hà Nội giảm bớt thái độ của họ một cách rõ rệt trong ba tháng đầu khi Trung Hoa gia tăng công khai tấn công Việt Nam. Ngày 30 tháng Năm, Trung Hoa công bố chấm dứt chương trình viện trợ phụ trội 51 cho Việt Nam, nâng tổng số chương trình bị hủy lên tới 72, một hành động không những chống lại nguyên tắc Trung Hoa đã từng tuyên bố là không dùng viện trợ như một động lực để chống lại bất cứ một quốc gia nào và cũng cho thấy trong vòng một tháng, họ đã dùng hết phương tiện truyền thông, một phương cách bất bạo động để gây sức ép với Việt Nam.
Việc chấm dứt viện trợ gây hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế rách nát Việt Nam. Tuy nhiên, ngay tức thì, Hà Nội không còn ngần ngại gì nữa tham gia khối Comecon. Trong cuộc họp cao cấp bí mật ở Moscow hồi mùa Xuân năm 1977, Việt Nam thỏa thuận trên nguyên tắc sẽ tham gia khối Comecon vào “thời gian thích hợp”. Hà Nội không muốn khiêu khích Trung Hoa bằng cách tham gia vào một tổ chức do Liên Sô đứng đầu bao lâu Bắc Kinh còn duy trì quan hệ bình thường với Việt Nam. (23) Giờ đây, quyết dịnh của Trung Hoa làm cho Việt Nam thấy tự do, chính thức tham gia Comecon ngày 28 tháng Sáu. Mỉa mai thay, bước đầu thắng lợi trong cuộc đấu tranh Hoa-Việt là làm cho Hà Nội tiến tới gần Mạc Tư Khoa hơn.
Ngày 26 tháng Năm, Bắc Kinh leo thang xung đột bằng cách công bố gởi hai chiếc tàu thủy tới Việt Nam để “đón về nước những người Hoa đang bị ngược đãi.” Hà Nội lên án quyết định đơn phương của Trung Hoa là “ngoại giao pháo hạm”. Một nhà bình luận ở Hà Nội phê bình: “Đó là cao điểm của sự láo xược. Biển Nam Hải không phải là cái hồ của Trung Hoa, Hải Phòng và Hồ Chí Minh không phải là các cảng của Trung Hoa mà tàu bè Trung Hoa muốn ra vào lúc nào cũng được”. (24)
Hà Nội cũng không bỏ lỡ cơ hội tố cáo sự mâu thuẫn giữa lời yêu cầu của Bắc Kinh bảo vệ kiều dân của họ và chính sách của Trung Hoa đối với Cam Bốt, nơi hàng ngàn Hoa Kiều đang chịu khổ nạn dưới bàn tay Khmer Đỏ. Một bài phát thanh của đài Hà Nội mai mỉa, nếu Trung Hoa muốn hồi hương những “nạn nhân Trung Hoa” thì “hãy đưa tàu tới đón kiều dân Trung Hoa ở Cam Bốt nhanh bao nhiêu tốt bấy nhiêu.” (25)
Sứ mạng đi cứu Hoa kiều ở Việt Nam thất bại ngay từ đầu. Trung Hoa nhấn mạnh rằng chỉ hồi hương những “nạn nhân Trung Hoa” có nghĩa là Việt Nam không những chỉ thừa nhận có ngược đãi mà còn yêu cầu không còn người Hoa nào ở Việt Nam, – người Hoa, có nghĩa là người Việt có gốc gác Trung Hoa. Việt Nam lợi dụng ngay cơ hội nầy để đưa ra 22 địa điểm đón người Hoa. Trung Hoa nói rằng họ có thể đón hết tất cả Hoa Kiều, những ai muốn rời Việt Nam sau khi đơn xin của họ được cứu xét và Trung Hoa cấp chiếu khán cho họ. Thực ra, Bắc Kinh không bao giờ có thể đón về một triệu hai trăm ngàn người công dân Việt Nam được xem có gốc Trung Hoa. Trung Hoa cũng tự bày tỏ cho thấy họ đã can thiệp vào nội bộ Việt Nam.
Có điều hoàn toàn nghi ngờ là Trung Hoa muốn Việt Nam thừa nhận có ngược đãi Hoa Kiều bằng cách cho phép họ lên tàu về nước. Thật ra, hai chiếc tàu nầy chỉ chở khoảng 2,200 người, chỉ là sự tượng trưng cho hành động của Trung Hoa mà thôi. Hành động đó chỉ nhằm để gây khó khăn cho Hà Nội và chứng tỏ cho Hoa Kiều thấy mối quan tâm sâu sắc của họ đối với số phận người Hoa.
Sau sáu tuần đấu trò ngoại giao về phương pháp đón người về nước với những chi tiết việc bốc người đi, cùng với chiến dịch tuyên truyền gay gắt của cả hai bên, tới tháng Bảy, mọi việc đều bị bỏ lững. Một toán tiên phong chuẩn bị để thành lập tòa lãnh sự ở thành phố Hồ Chí Minh bị cầm chân ở Hà Nội ba tháng trước khi quay trở về Bắc Kinh. Hà Nội cho rằng vì lý do an ninh, toán nầy không được phép vào thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội nói có thể mở cửa tòa lãnh sự vào quý Ba năm 1978, sau hạn kỳ triệt thoái hết người Việt gốc Hoa ra khỏi Việt Nam. Sau khi chờ ngoài khơi biển Việt Nam sáu tuần lễ, trong lúc gió mùa thổi dữ dội, hai chiếc tàu của Trung Hoa lặng lẽ trở về hải cảng Hangpu với nhiều thủy thủ bị bệnh, chén bát bị vỡ. Chẳng bao lâu sau, đối đầu với tình trạng hàng vạn người đến Trung Hoa bằng đường bộ, – rõ ràng là do Hà Nội thúc đẩy từ hồi tháng Năm, Bắc Kinh phải dời câu “chào mừng kiều dân trở về” tới nhiều điểm trên biên giới.
Toàn bộ tiến trình đón người trở về bằng tàu cho thấy việc đó gây khó khăn cho Bắc Kinh và vận may tuyên truyền cho Hà Nội. Hà Nội nhắm hướng tuyên truyền vào các nước Đông Nam Á, nói rằng “Sự tráo trở của Trung Hoa đối với Việt Nam khiến chính phủ các nước vùng Đông Nam Á có lý do để lo lắng. Nếu họ không đề cao cảnh giác, thì họ sẽ mất hết an toàn vốn liếng tài sản. Quả thật Trung Hoa có quan tâm đến điều đó”. (26) Đại sứ các nước trong Hiệp Hội Đông Nam Á đều được thông báo đặc biệt, trấn an rằng phản ứng của Trung Hoa đối với sự đối xử của Việt Nam với Hoa kiều là “trường hợp đặc biệt” vì hành động của Hà Nội là một phần trong âm mưu của Liên Sô.
Phản ứng sai lạc của Trung Hoa gây cho kiều dân Trung Hoa tại Việt Nam gặp nhiều nguy cơ hơn. Những lời tuyên bố nẩy lửa của họ như “Đồng bào chúng ta ở Việt Nam hy vọng ngày nầy để được đón về quê mẹ”. (27) đã tạo ra nhiều hy vọng hão huyền, thúc đẩy hàng ngàn Hoa kiều ở phía Bắc chạy lên biên giới Hoa-Việt và hàng trăm ngàn người ở Chợ Lớn công khai xin về nước. Trong tháng Sáu, văn phòng cho ghi danh người muốn trở về Trung Hoa mở tại thành phố Hồ Chí Minh tưởng như tràn ngập với ba chục ngàn đơn trong vòng một tuần lễ.
Hầu hết những Hoa kiều muốn trở về Trung Hoa cũng tìm cách di cư tới một nước khác. Nhưng trong con mắt Việt Nam, họ là người đứng về phía kẻ thù. Tỏ ý muốn trở về với Trung Hoa Cọng sản, nơi tình trạng buôn bán tư nhân không tốt gì hơn ở Việt Nam, làm gia tăng sự quấy rối ở Việt Nam như một đạo quân thứ năm. Thay vì buộc các thương nhân Chợ Lớn làm nông nghiệp ở các vùng Kinh Tế Mới, như họ đã ép buộc các nhóm chủng tộc khác không có công ăn việc làm, chính quyền quyết định loại trừ tất cả người nầy và đó cũng là điều lợi cho họ. Sự kiện nầy là bước khởi đầu của một trong những cuộc di dân vĩ đại và bi thảm nhất thời hậu chiến. Sau khi hai chiếc tàu thủy quay mũi về Trung Hoa và biên giới Hoa Việt đóng lại, Hà Nội đưa ra một chính sách di dân bóc lột trắng trợn. Một thương gia Chợ Lớn giải thích: “Vì chúng tôi từ chối đi về quê sản xuất, chẳng bao lâu chúng tôi cũng phải trốn đi, chính quyền quyết định gom vàng của chúng tôi lại rồi cho chúng tôi đi”. (29)
Mùa hè năm 1978, Công An Việt Nam thành lập một số văn phòng tại các thành phố gần bờ biển ở miền Nam để đóng tàu và cho người Hoa (hay Việt Nam giả dạng người Hoa) rời Việt Nam sau khi họ đóng một phí khoản nặng bằng vàng và đôla. (30) Các nhà ngoại giao Tây phương ở Hà Nội gán cho sự việc này cái tên là “Công Ty Du Lịch cái bô sét” (Rust Bucket Tours Inc.), có trách nhiệm làm cho gần một phần tư triệu người, trong vòng hai năm, chạy trốn khỏi Việt Nam. Khoảng ba đến bốn chục ngàn trong số thuyền nhân nầy đả bỏ mạng ngoài biển (41)
Phương Đông Đỏ
Trong khi thế giới chú ý vào việc hai con rồng, một lớn một nhỏ ở Châu Á gầm gừ nhau, Cam Bốt đang ở trong thời kỳ cực điểm của bạo lực, có thể thúc đẩy Việt Nam can thiệp vào nước nầy sớm hơn. Ngay cả một nhóm quan sát viên Cam Bốt ở Phương Tây, những người có nhiệm vụ điều hành chương trình phát thanh của đài Phnom Pênh và phỏng vấn những người tỵ nạn vừa mới trốn khỏi Cam Bốt, cho biết những điều chính yếu đang xảy ra trong nội địa nước Cọng hòa dấu kín nầy, cũng không thể ngờ rằng các hành động bạo lực ghê gớm đã xảy ra ở trên các đồng lúa và trong các đồn điền cao su ở phía Đông Cam Bốt. Hôm 24 tháng Năm, một ngày sau khi Brzezinsky rời Bắc Kinh sau chuyến đi thành công tốt đẹp, Trung Hoa công khai đá giò lái Việt Nam. Cùng một ngày thứ Tư đó, trùng hợp một cách mai mỉa, một cuộc tấn công loại khác vào một thành phố nhỏ ở Cam Bốt, tên gọi là Suong, xa Bắc Kinh hai ngàn dặm. Pol Pot gởi các sư đoàn trung ương tới để bao vây bộ chỉ huy đảng Khu Đông, bắt giữ những tên lãnh đạo đảng “phản bội” nghi ngờ có quan hệ với Việt Nam. Một số ít bị bắt, bị tra khảo, và làm bản tự thú, rồi sau đó bị hành quyết. So Phim, bí thư Khu Đông, một thời là cánh tay mặt của Pol Pot, tự tử. Một số khác nổi dậy chống quân Pol Pot, rồi chạy trốn qua Việt Nam, làm cho số lượng kháng chiến chống Pol Pot gia tăng. Cuộc giết chóc cán bộ và binh lính Khu Đông một cách tàn bạo đã dập tắt hy vọng cuối cùng nhằm lật đổ Pol Pot. Hỏa lực Việt Nam bây giờ là bắn phá dọc vùng biên giới.
Ngày 25 tháng Sáu, thế giới ngạc nhiên vì lời tố cáo của Phnom Pênh, khi họ cho biết đã đập tan một âm mưu phản loạn do Việt Nam và CIA (Central Intelligence Agancy -Cơ quan Tình báo Trung ương của Mỹ) xúi dục. Một ít người tin lời tố cáo hành động hợp đồng ám muội đó, cùng lúc với việc Việt Nam tuyên truyền các cuộc lật đổ ở Cam Bốt, củng cố thêm niềm tin hình như có gì quan trọng đang xảy ra trong nội bộ Cam Bốt. Phải đến hai năm sau, sau khi hành động giết người được trình bày chi tiết, và cuộc khởi loạn ở phía Đông nổi lên, toàn bộ câu chuyện mới được rõ. Cuộc lật đổ bị phá vở và việc đàn áp ở khu vực nầy nằm trong chuỗi biến động ở Đông Dương, chỉ là câu chuyện làm cho người ta chú ý thêm mà thôi.
Trong nhiều ý nghĩa, các cuộc thanh trừng ở phía Đông đạt tới mức đổ máu tối đa để bảo vệ quyền lực của Pol Pot đối với tất cả các khu trong nước. Nước Cam Bốt Dân chủ phân chia thành 7 khu dựa trên địa lý. Khu Bắc, khu Đông Bắc, khu Đông, khu Tây Nam, khu Tây, khu Tây Bắc và khu trung ương, duy trì gần y như tình trạng trong thời kỳ hoạt động bí mật và cũng giống như trong thời kỳ kháng chiến (1970-75). Việc thiếu phương tiện liên lạc và vì tình hình an ninh, đưa tới tình trạng tự trị giữa các đơn vị đảng trong những vùng khác nhau. Trong vòng bốn năm kể từ khi nắm quyền, lãnh đạo trung ương của Pol Pot phải tìm cách áp đặt quyền hạn trực tiếp và kiểm soát chặt chẽ các khu. Với sự hỗ trợ của các lực lượng trung ương và Tây Nam, Pol Pot mở ra các cuộc thanh trừng trong các năm 1976-77 để loại trừ cấp lãnh đạo khu Bắc và Tây Bắc. Quan điểm chính yếu khác nhau của họ là tiến trình thực hiện biện pháp cách mạng khắc nghiệt. Đối với những người thắc mắc về phương pháp cực đoan của Pol Pot nhằm tiến nhanh lên chủ nghĩa cọng sản và sự đối xử bất nhân với dân thành phố bị đuổi về nông thôn, chính sách phiêu lưu của ông ta với Việt Nam, những người nầy bị đánh giá là phản bội và xử tử. Mỉa mai thay, phần nhiều các nạn nhân bị thanh trừng lại tin rằng Việt Nam đe dọa Cam Bốt, trừ phi sự sai lầm được sửa chữa, không thì cách mạng Cam Bốt sẽ thất bại hoàn toàn và quốc gia sẽ không còn đủ sức chống lại Việt Nam -một sự chẩn đoán chính xác mà những biến cố sau nầy đã chứng minh. Bởi vì Pol Pot và nhóm nhỏ trung thành với ông ta tố cáo những người bất đồng ý kiến là phản bội là biện pháp tiện lợi nhất để tránh “ tranh cải về đường lối của đảng, qua đó, không những Pol Pot bị đánh bại mà còn có thể tháo gỡ đưọc mọi sự rắc rối trong nôị bộ đảng.” Stephen Heder chỉ rõ cho thấy như vậy. (32)
Trong các khu vực, khu Đông là mối đe dọa nghiêm trọng hơn hết đối với quyền lãnh đạo của Pol Pot. Từ khi có phong trào Issarak chống Pháp vào thập niên 1940, khu vực nầy thuận tiện cho việc hợp tác với Cọng sản Việt Nam. Sự tiếp cận địa lý với Việt Nam và sự có mặt của công nhân Việt Nam trong các đồn điền cao su làm cho việc tiếp xúc dễ dàng. Trong thời kỳ đầu chống Lon Nol, đây là khu vực Việt Nam giúp để huấn luyện và tổ chức quân kháng chiến Cam Bốt. Việc hợp tác lâu dài với Việt Nam đã để lại những ấn tượng sâu sắc trên hình thái chính trị của đảng cọng sản Cam Bốt trong khu vực nầy. Trong khi nhóm do Pol Pot lãnh đạo thì chịu ảnh hưởng Mao rất lớn về khái niệm bình đẳng và đấu tranh giai cấp không ngừng. Các nhà lãnh đạo khu Đông thì không tiến bộ bằng, họ theo đường hướng Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đường hướng nầy chủ yếu nhắm tới việc xử dụng các nguồn dự trữ có sẵn -giai cấp tư sản và các phương tiện khác- để gia tăng sản xuất, loại bỏ sự khác biệt về giai cấp là mục tiêu thứ hai. (33)
Người ta không biết khi nào thì những dị biệt nầy được thảo luận công khai hoặc khi nào thì các nhà lãnh đạo khu Đông thách thức quyền lực chính trị của Pol Pot. Hình như các nhà lãnh đạo khu Đông không nhiệt tình trong việc áp dụng một vài chính sách cực tả và khắc nghiệt do Trung ương chỉ đạo. Trong suốt ba năm đầu Khmer Đỏ cai trị, khu nầy có nhiều lương thực, và trong vài trường hợp được chiếu cố, đời sống của “người dân mới” -dân thành phố bị xua đuổi- đỡ khắc nghiệt hơn các nơi khác ở trong nước. (34)
Tuy nhiên, điều nầy không có nghĩa là khu Đông không có sự giết chóc. Hơn sáu chục ngàn người Chàm thiểu số – hầu hết ở trong khu vực tỉnh Kompong Cham – bị giết chết vì theo đạo Hồi. Một trong những cách giết chóc người dân thường Việt Nam tàn ác nhất là do các đơn vị khu Đông xâm nhập vào Việt Nam – Dĩ nhiên có sự chỉ đạo của trung ương. Dù sao, sự thực vẫn cho thấy hoặc là vì hậu quả bất bình của đảng viên, hoặc vì sự quấy nhiễu của Pol Pot đối với khu Đông, khu vực nầy của Cam Bốt là nơi sản sinh ra nhiều cán bộ nhứt, họ là những người đứng lên chống Pol Pot hoặc bị Trung ương dẹp tan trước khi họ làm được gì. (35)
Thân mình Cam Bốt, trí óc Việt Nam
Tình hình khu Đông liên quan phức tạp đến số phận của So Phim. Ông nầy là một nông dân mập lùn, mặt tròn, lãnh đạo phong trào Cọng sản ở Cam Bốt hơn một phần tư thế kỷ. Năm 1954, ông là một trong hàng ngàn người Cọng sản Khmer tập kết ở Hà Nội. Trong vòng hai năm, ông ta bí mật trở lại Cam Bốt để tổ chức đảng. Năm 1963, ông là thành viên gốc nông dân độc nhất trong ủy ban năm người của đảng (tương đương với bộ chính trị) do Pol Pot, một trí thức chống Việt Nam lãnh đạo. Trong những năm du kích chống Lon Nol, ông ta vươn lên thành phó tư lệnh lực lượng Khmer Đỏ. Trong suốt hai thập niên 1960-70, ông ta vẫn duy trì mối quan hệ gần gủi với Việt Nam Cọng sản, dù có lúc đụng chạm. Ảnh hưởng của ông ở khu Đông lớn đến nỗi sau năm 1975, ông là người độc nhất trong bộ chính trị vẫn còn nắm giữ khu vực nầy. Ông ta được tin tưởng vì đã tạo ra sự thịnh vượng cho khu Đông, nhưng các học giả Cam Bốt đã phân tích vai trò của ông trong quá trình sụp độ cuối cùng ở đây.
Chúng ta thấy sự thất bại của quân đội khu Đông, không ngăn chận nổi sức tiến công của quân đội Việt Nam hồi tháng Chạp năm 1977, đưa tới những cuộc thanh trừng mới. Trong sự hỗn loạn sau khi quân đội Việt Nam rút lui, các đơn vị địa phương thất tán trước khi Việt Nam tấn công, về sau lại liên hệ đến cuộc đấu đá với quân đội trung ương mới gởi tới, tạo ra nhiều mối nghi ngờ phức tạp. Từng người một, các cán bộ quân sự cấp giữa của lực lượng khu Đông cũng như các đơn vị trung ương được gọi về Phnom Pênh để “họp”. Họ đi không bao giờ về. Tài liệu ở nhà tù Toul Sleng cho biết kể từ 19 tháng Tư/1978 số cán bộ quân sự khu Đông bị giam ở đây là 409 người, gấp mười lần số cán bộ Tây Bắc cùng chung số phận. Con số lớn thứ hai là không có từ khu nào cả. Toàn bộ 28 người chuyển đến ngày hôm sau cũng là từ khu Đông. Cấp chỉ huy của hai sư đoàn trung ương đóng tại phía Đông cũng bị bắt hồi tháng Tư. Một trong số họ là anh (em) của Heng Samrin, Heng That, tư lệnh sư đoàn 290.
Ngày 10 tháng Năm đài phát thanh Phnom Pênh đặc biệt kêu gọi tiêu diệt dân Việt Nam và “thanh lọc” hàng ngũ chính họ. “Tính theo số lượng, một người của chúng ta giết ba chục người Việt….. có nghĩa là chúng ta mất một, họ mất ba chục. Chúng ta không cần tới 8 triệu dân (dân số phỏng chừng Cam Bốt thời kỳ đó). Chúng ta chỉ cần hai triệu binh lính để đè bẹp năm chục triệu dân Việt Nam. Chúng ta cũng còn lại 6 triệu dân”. Thực hiện tham vọng như vậy, họ hoàn toàn trong cậy vào quân đội, đảng và nhân dân. Bài phát thanh chấm dứt với lời kêu gọi: “Chúng ta phải thanh lọc hàng ngũ quân sự, đảng và số đông dân chúng để tiếp tục chống lại kẻ thù, bảo vệ lãnh thổ và dân tộc Cam Bốt.” (37)
Vì là một chỉ huy cao cấp của đảng, có phải Phim ủng hộ chính sách tàn bạo và các cuộc thanh trừng nầy? Ben Kiernan, một học giả người Úc nói được tiếng Miên, ông nầy trãi qua một thời gian dài nghiên cứu lịch sử Cam Bốt hiện đại, tin rằng lúc đó So Phim đang bị bệnh, và không biết việc bắt giữ. Khi ông ta hay tin các cấp chỉ huy của hai Sư Đoàn Trung Ương 280 và 290 đóng tại khu Đông bị bắt bèn nổi giận. Ông ta “yêu cầu mọi người quan sát bên ngoài và cẩn thận”. Theo Kiernan, So Phim đau đớn vì ông ta là một đảng viên, và ông ta tin rằng những việc bắt giữ, giết người nầy không phản ảnh tính chất cách mạng. Khi những cuộc thanh trừng mở ra, ông trở nên trì độn và không còn quyền lực để chống lại được. Tuy nhiên, Stephen Heder, tin rằng đó là hậu quả do việc Việt Nam tấn công hồi tháng 12. So Phim chống lại việc thanh trừng cán bộ của Pol Pot. Ở Cam Bốt Dân Chủ chỉ có một con đường để lãnh đạo tồn tại là bằng cách đổ lỗi sự thất bại của họ cho những người thân cận, gọi họ là phản bội. Heder nói: “So Phim làm đúng như thế. Tuy nhiên ông ta không biết rằng chính ông ta bị nghi ngờ vì đã làm cho Khu Đông phát đạt và phát triễn lực lượng địa phương.” (38)
Dù Phim là người hảo tâm nhưng lại là một lãnh tụ ngây thơ hoặc là kẻ tòng phạm giết người của Pol Pot, mà thời gian thì không còn. Những cố gắng chậm trễ của ông ta để thoát khỏi cái thòng lòng xiết cổ ông chỉ là đánh dấu sự bắt đầu một cuộc nội chiến đạt tới cao điểm khi Việt Nam can thiệp hoàn hoàn vào nội tình Cam Bốt.
Cuối tháng Năm 1978, Ke Pauk, chỉ huy trưỏng Khu Trung Ương được Pol Pot phái tới Khu Đông để tổ chức cuộc thanh trừng. Ông nầy gởi một “thư mời” Phim đến họp. Phim hiểu rất rõ ý nghĩa của bức thư mời đó là gì. Ông ta gởi ba tay thân cận của ông, trong đó gồm cả một bí thư cao cấp của đảng đi điều tra xem mục đích cuộc họp đó là gì. Ba người nầy không bao giờ trở về.
Ngày 24 tháng Năm, một lữ đoàn thiết giáp từ Phnom Pênh tới tăng cường quân đội trung ương, bao vây bộ chỉ huy khu Đông ở thành phố Suong, cách biên giới Việt Nam hai chục dặm. Một số viên chức đảng bị bắt và bị đưa đi hành quyết. Nhưng Phim vẫn còn lên xe Jeep cùng vợ, con, và cận vệ thoát ra khỏi vòng vây, hy vọng tới Phnom Pênh. Theo Kiernan, Phim nói với cộng sự viên của ông ta rằng Pauk và Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Son Sen là những tên phản bội, ông ta sẽ yêu cầu lãnh đạo bắt giữ bọn chúng. Theo Heder thì Phim còn nghĩ đơn giản rằng quân đội trung ương làm việc vượt quá quyền hạn mà thôi. Do đó, ông ta ra lệnh cho quân Khu Đông chống lại quân trung ương cho đến khi ông ta có thể yêu cầu Pol Pot ngăn cản quân của Pauk và Son Sen lại. Dần dần, ông ta hiểu rằng dưới con mắt của Pol Pot, ông ta đã trở thành tên phản bội hàng đầu ở Khu Đông. Từ tháng Năm 1978, Pol Pot được báo cáo rằng So Phim là tên hoạt động bí mật cho “Đảng Lao Động Cam Bốt” do Việt Nam và CIA dựng nên để cầm quyền ở Cam Bốt. (39)
Ông ta ngừng xe lại bên bờ sông Mê Kông để chờ tin tức Pol Pot (ông ta đã gởi người tới gặp Pol Pot trước khi ông ta vào thủ đô). Ngày 2 tháng Sáu, hai chiếc phà chở đầy lính đến “đón chào” Phim. Phim vẫn còn tự tin nên không biết cách hộ tống đó có nghĩa là thế nào. Cuối cùng, khi biết ra thì ông ta bèn rút súng và tự bắn vào ngực.
Cuộc thanh trừng ngày 24 tháng Năm bắt đầu một chương đẫm máu nhất trong lịch sử đẫm máu của nước Cam Bốt Dân chủ. Rồi từ đó về sau, những cuộc thanh trừng cán bộ chính trị được tổ chức một cách bí mật. Các nạn nhân được gọi đi dự các buổi “tư vấn thường lệ”, “các khóa học tập”, “hội nghị bất thường” hay “một nhiệm vụ” mới ngoài phạm vi làng rồi cuối được chuyển giao cho Công An Quốc Gia. Trong khoảng thời gian bốn năm, hai mươi ngàn người “được mời” như thế, bị tra khảo để thú nhận tội lỗi rồi bị giết tại nhà tù Toul Sleng. Những việc nầy làm cho người ta thấy rằng công việc của đảng đang cai trị và sự cô lập hoàn toàn giữa khu nầy với khu khác, những biện pháp làm cho người ta thấy ngấm ngầm sợ hãi và lòng họ không ổn định nhưng chưa phải kinh hoàng. Kiểm soát đảng bộ khu tại Suong bằng các đơn vị thiết giáp, trong trí Pol Pot không có gì nghi ngờ là các cán bộ còn sống chẳng có ích lợi gì cho đảng. Ngày hôm sau, cán bộ cấp tiểu đoàn và trung đoàn của sư đoàn 4 và 5 được gọi về họp. Khi tới nơi, họ bị tước võ khí và bị trói lại. Họ được đưa lên xe tải và đưa ra ngoài ruộng, bị bắn bằng súng máy. Chỉ có một người, thoát chết một cách lạ lùng, sau đó trốn qua Việt Nam và kể lại câu chuyện nầy. (41)
Tư lệnh Sư Đoàn 4 Heng Samring, thấy anh (em) ông ta biến mất, nên không chờ tới phiên mình. Khoảng với một ngàn binh lính trung thành với ông, họ trốn vào rừng. Một cán bộ trung cấp, Tea Sabun, hướng dẫn một toán dân quân địa phương, xâm nhập kho võ khí khu Đông để lấy súng và vũ khí chống chiến xa. Họ giao chiến với quân đội Trung ương gần ba tuần lễ trước khi kéo vào rừng. Tư lệnh các khu khác như Chea Sim, Mat Ly, Men Chhan, Ouch Bun Choeun, và Sim Kar cũng trốn vào rừng với khoảng ba ngàn tay súng và ba chục ngàn dân thường. Sau tháng Năm, trong gần hai tháng, ba thành phố ở Khu Đông gồm Kompong Cham, Svay Riêng và Prey Veng trở thành chiến trường của những trận đánh và rút, tấn công vào quân đội khu Trung ương. Khi các cán bộ Khmer Đỏ chạy trốn, nhiều dân làng tới phá tan các “nhà bếp cộng đồng” rồi chia nhau trâu bò, súc vật và tài sản chung.
Đối đầu với những vũ khí và xe thiết giáp do Trung Hoa chế tạo, do quân trung ương xử dụng, tới tháng Sáu thì có thêm đội quân hung hãn Nirdey do Ta Mok chỉ huy, cuộc kháng chiến tự phát của các toán quân được tổ chức một cách vội vàng, không kéo dài được lâu.
Trong tháng Bảy, sau cuộc chiến đấu sống chết, việc giết chóc trả thù bắt đầu. Cuộc tàn sát không giống như bất cứ lần nào trước mà khu Đông đã thấy. Dưới con mắt của Pol Pot và các đồng chí của ông, người dân khu Đông cho thấy bản sắc của họ. Họ là những kẻ “thân hình thì Khmer mà đầu óc thì Việt Nam”. Và phải đè bẹp hết. (42)
Không chỉ những người phản loạn và gia đình họ bị giết, toàn thể dân làng nào mà những người khởi loạn tới ẩn náu, cũng bị giết tuốt. Họ bị chở lên xe tải, đem ra ngoài ruộng, rồi giết chết bằng cuốc, dao. Hai năm sau, tôi đến thăm một trong những khu đất giết người ở Kompong Cham, nơi được tính vào khoảng năm chục ngàn người bị giết. Dưới những gốc xoài, sọ và xương người, già trẻ bày ra một cách hết sức kinh hãi.
Số người ở Khu Đông bị giết trong cuộc nổi loạn hồi tháng Năm tính vào khoảng trên một trăm ngàn. Nhằm dọn sạch hết những gì có thể nghi ngờ, một phần ba dân số được chuyển từ phía Đông qua khu có sốt rét rừng ở phía tây Cam Bốt. Nơi nầy, một nửa trong số họ lại chết vì đói hay bệnh tật, nếu họ không bị hành quyết.
Khi cuộc đàn áp tàn bạo đang diễn ra, dân chúng Khu Đông và những người lãnh đạo cuộc nổi loạn trốn trong rừng, dưới những cơn mưa mùa nước đổ như xối. Thiếu lương thực, quần áo, thuốc men và vũ khí, chẳng bao lâu họ tan rã. Tới lúc nầy họ phải chọn, hoặc là đầu hàng, – chắc chắn sẽ chết hoặc tìm kiếm cơ may với Việt Nam. Nhiều người thuộc các sư đoàn trung ương khi đánh nhau với Việt Nam, không chịu nỗi sợ hãi cũng tìm cách trốn. Những cán bộ thường tuyên truyền chống Việt Nam cũng khó khăn khi chọn lựa. Những cán bộ Issarak trước kia một thời có quan hệ gần gủi với Việt Nam, còn sống sót, nay đưọc giao cho sứ mạng vượt qua vùng biên giới đầy đặc mìn. Từ cuối tháng Sáu, Hà Nội bắt đầu phát thanh chương trình tiếng Miên, kêu gọi lật đổ. Tiếng nói của các cán bộ Khmer nổi tiếng, những người tưởng đã chết rồi, nay lại nghe tiếng trên đài làm cho người ta yên tâm. Sự thật là người anh của Heng Samrin, Heng Samkai, một lãnh tụ khác của Khu Đông, được Việt Nam giúp đỡ. Năm 1981, Samkai nói với tôi:
“Chúng tôi biết rằng, tự chúng tôi không thể lật đổ Pol Pot được. Chúng tôi phải tìm Việt Nam giúp đỡ.” Là chủ tịch cơ quan vận chuyển thư điện khu Đông, – những người mang thư điện đi lại giữa các bộ phận của đảng, cũng như với Việt Nam, – ông ta biết tiếng Việt từ lâu. Tháng Giêng 1978, ông ta tới biên giới, rồi dọt lên máy bay trực thăng của Việt Nam bay tới thành phố Hồ Chí Minh. Ông và hai người Khmer Đỏ đào tẩu khác tập trung tại Trường Cảnh Sát của chế độ cũ ở Thủ Đức.
Việt Nam Cộng Sản bắt đầu huấn luyện những người kháng chiến và tập họp thành phong trào. Sự triệt hạ đảng bộ khu Đông, nơi Việt Nam hy vọng có thể có được cảm tình, đã đóng lại cơ hội có thể qua đó thực hiện sự thay đổi từ trong nước: Một cuộc đảo chánh chống Pol Pot. Nay thì có rất ít cơ may cho những người Khmer được huấn luyện ở bên Việt Nam, lẽn về trong nước để liên lạc với những phần tử bất mãn và tổ chức nổi loạn.
Đã có tiếp xúc giữa Việt Nam và các nhóm nổi loạn khác nhau đang lẫn trốn ở trong rừng. Đầu tháng Chín, Việt Nam mở một cuôc tấn công khác có chiến xa dẫn đầu vào nội địa Cam Bốt. Mục tiêu lần nầy là để tiếp xúc với Heng Samrin và những người theo ông đang trốn trong rừng và hộ tống họ về Việt Nam. Với Heng Samrin, Chea Sim, và những cán bộ Khmer Đỏ còn sống sót khác, một chính phủ tương lai của Cam Bốt thân với Việt Nam được thành lập. (43)
Lê Đức Thọ từ Hà Nội bay vào. Tháp tùng ông ta là những chuyên viên Khmer khác trong đảng. Ông triệu tập một cuộc họp gồm có những người Khmer Đỏ đào tẩu và những thường trú nhân Khmer cũ như Pen Sovan, Chea Soth, tại Thủ Đức trong hai ngày 21 và 22 tháng Chín. Họ quyết định biện pháp quân sự để chống lại Pol Pot sẽ thực hiện vào tháng Chạp, khi mùa màng đã gặt xong và đất đai khô ráo. Toàn nhóm bắt đầu làm việc để thành lập Mặt Trận Cứu Nước Đoàn Kết Quốc Gia Cam Bốt và cuộc chiến đấu bắt đầu.
Brother Enemy
The War After the War
Nguyên tác của Nayan Chanda
Hoàng Long Hải/ Tuệ Chương dịch
Nguồn: Tvvn