Tim thông tin blog này:

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

Brother Enemy (Anh em thù địch) của Nayan Chanda (II)

Thái Tử Norodom Sihanouk: Kẻ chiến thắng
Tại ngôi nhà sang trọng trên đường Anti-Imperalism ở Bắc Kinh Thái Tử Norodom Sihanouk được tin Phnom Pênh thất thủ. Một bản tin điện do một viên chức Bắc Kinh mang đến cho ông vào sáng hôm 17 tháng Tư 1975. Đồng minh của ông năm năm nay đang tiến vào thủ đô Cam Bốt.
Tướng Lon Nol, bệnh bại liệt, người cầm đầu cuộc đảo chánh năm 1970 lật đổ Sihanouk đã lưu vong sang Hoa Kỳ. Những tên “phản bội” hợp tác với Lon Nol, hoặc trốn chạy, hoặc đầu hàng Khmer Đỏ. Chiến tranh chấm dứt. Canh bạc thái tử chơi hồi tháng Tư/1970 với kẻ thù lâu năm Cộng Sản cũng trả xong rồi. Danh dự của ông được bảo tồn. Những tướng tá và chính trị gia phản động và tham lam tiền bạc đã đổ tên ông xuống bùn nhơ sau cuộc đảo chánh, nay bị quăng vào thùng rác lịch sử. Người cha đẻ của nền độc lập Cam Bốt không muốn chấm dứt sự nghiệp chính trị của mình bằng cuộc đời lưu vong của đấng quân vương. Ông ta cũng nhận biết đủ rằng chiến thắng của Khmer Đỏ cũng có nghĩa là chấm dứt vai trò của ông: Biểu tượng cho sự thống nhất và chính thống cuộc kháng chiến của nhân dân Khmer. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1973, khi Khmer Đỏ không còn dùng ông ta nữa, Thái Tử Sihanouk nói: “Họ có thể nhổ phẹt tôi như nhổ phẹt hột anh đào. Đó là sự biểu lộ nỗi sợ hãi chính đáng để nhắm trước những điều sau này sẽ phát triễn thêm”. Khi lễ mừng chiến thắng ở Bắc Kinh đã qua và nhiều tuần lễ qua đi, chẳng có tin tức nào gọi Sihanouk trở về vùng giải phóng, Sihanouk bắt đầu lo lắng tự hỏi khi nào thì giờ phút kinh hoàng của đời ông sẽ đến.

Ông ta thúc dục đại diện Khmer Đỏ ở Bắc Kinh: “Cho tôi trở về Phnom Pênh. Nếu ông không muốn Sihanouk làm quốc trưởng thì đó là quyền của ông. Tôi không muốn làm quốc trưởng nhưng tôi muốn sống ở Cam Bốt, không muốn làm người lưu vong.” Người đại diện cho Khmer Đỏ nói: “Vâng, ông có thể về, nhưng không phải lúc này, lúc chúng tôi đang đối đầu với nhiều khó khăn”. Họ nói với ông ta: “Ngài không liên hệ gì đến những khó khăn này”. Rõ ràng Khmer Đỏ không muốn liều lĩnh đưa ông hoàng lém lĩnh này về lại Cam Bốt để ông sử dụng mánh lới của ông trước nhân dân. Trong khi ông hoàng lo lắng chờ đợi thì Khmer Đỏ tiếp tục xua đuổi và phân tán dân ra khỏi hết mọi thành phố, những người dân mà họ cho là bị “tiêm nhiễm đế quốc và phản động”. Cuộc “cách mạng huy hoàng” bắt đầu.
Từ năm 1970, khi ông hoàng bị truất phế này liên minh với Khmer Đỏ, càng lúc ông càng thất vọng về vai trò của ông chỉ là một biểu tượng lãnh đạo lưu vong. Nhiều lần ông ta đòi về thăm khu du kích nhưng bị từ khước vì lý do an ninh. Điều làm ông hoàng 53 tuổi, nguyên là vua, phật lòng nhất là sự giám sát liên tục của một người mà ông phải miễn cưỡng tiếp xúc. Đó là Ieng Sary, “người anh số 2 của Khmer Đỏ”, đại diện ở Bắc Kinh. Điều đó làm cho ông nhớ lại những “cố vấn” người Pháp, những người theo dõi từng bước chân của ông trong những năm ông làm vua bù nhìn cho thực dân Pháp ở Cam Bốt. Trong chuyến viếng thăm Hà Nội năm 1973, Sihanouk suýt gây ra một sự việc ngoại giao khi ông ta tố giác Ieng Sary. Đại sứ Thụy Điển ở Hà Nội, Jean-Christophe Oberg, đến thăm ông tại nhà khách. Ông hoàng than phiền bằng giọng nói the thé: “Thưa ông đại sứ. Thằng Ieng Sary khả ố luôn luôn theo dõi tôi. Khi đi ra khỏi phòng nầy, nếu nhìn xuống chân màn, ông sẽ thấy cặp chân của nó. Hắn luôn luôn đứng đó để nghe lén”. Ông đại sứ luống cuống bước ra khỏi phòng, không dám nhìn xuống chân màn.
Tháng Ba/1973, Khmer Đỏ đã kiểm soát một vùng rộng lớn ở Cam Bốt. Sau khi Hiệp Định Paris đã ký xong, ngăn cấm Mỹ ném bom ở Nam Việt Nam, đường mòn Hồ Chí Minh trở nên an toàn. Lần đầu tiên, Sihanouk được phép về thăm vùng giải phóng, trong nội địa Cam Bốt. Chuyến đi ấy, dù có sự nâng đỡ tinh thần, ông ta thấy ông không còn thích hợp với Khmer Đỏ đang càng ngày càng mở rộng vùng kiểm soát của họ. Suốt trong chuyến đi, ông và vợ, bà Hoàng Monique, bị các lãnh tụ Khmer Đỏ ngăn chận. Họ kiểm soát một cách chặt chẽ, không cho ông và bà hoàng tiếp xúc trực tiếp với dân chúng. Tất cả những gì ông ta thấy chỉ là những khuôn mặt dữ dằn của người dân, đang nắm tay đưa cao tỏ rõ quyết tâm, và hô vang khẩu hiệu. Chẳng có cơ hội nào như ông thường làm trước kia, nhảy xổ vào đám đông, nắm vai, cầm tay người dân đang hô to “Samdec” (cha già dân tộc).
Chu Ân Lai là người bạn và cũng là người bảo vệ Sihanouk, chia sẻ với ông những mối lo lắng đối với bọn Khmer Đỏ cực đoan. Hồi đầu tháng Hai/1973, Chu Ân Lai nói với Kissinger: “Có khả năng Cam Bốt bị nhuộm đỏ hoàn toàn. Nếu điều ấy xảy ra, sẽ tạo ra nhiều khó khăn lớn hơn. (10) Với Chu, giải pháp hay nhứt là đưa Sihanouk về nắm quyền ở Cam Bốt. Tuy nhiên, những cố gắng của Chu thuyết phục Hoa Kỳ để Hoa Kỳ nói với ông hoàng nên trở về bị thất bại. Cuối cùng, hai năm sau, khi Hoa Kỳ truất phế Lon Nol và yêu cầu thái tử trở về nước thì Khmer Đỏ hầu như đã hoàn toàn chiến thắng. Trưởng nhiệm Sở Liên Lạc của Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, George Bush, qua đại sứ Pháp, yêu cầu Sihanouk trở về lãnh đạo chính phủ trung lập ở Cam Bốt. Ngày 11 tháng Tư, Hoa Kỳ đưa ra lời đề nghị chính thức, để Sihanouk trở về Phnom Pênh trên một chuyến bay của Trung Hoa và nắm quyền lãnh đạo đất nước. An ninh cho cá nhân Sihanouk được bảo đảm. Nhưng khi đó thì Khmer Đỏ đã ở ngoại ô thành phố Phnom Pênh. Ngay cả Chu Ân Lai cũng không đồng ý kế hoạch nầy. Sáng ngày 12 tháng Tư, đề nghị của Hoa Kỳ bị bác bỏ. Trong mấy tiếng đồng hồ, cuộc Hành Quân Phượng Hoàng với chừng hai chục trực thăng của Hải Quân Hoa Kỳ di tản các viên chức Mỹ với những người hợp tác với họ ở Phnom Pênh. Canh bạc đã qua. Nhớ lại việc nầy, Sihanouk nói với tôi: “Đúng là quá trễ”.
Không giống năm 1953, khi ông ta giành độc lập cho Cam Bốt từ tay người Pháp, Sihanouk không còn ở vị thế quyết định thời gian và phương cách hoạt động nữa.
Tất cả sự khôn khéo mà ông ta học được trong ba mươi bốn năm trên ngai vàng tuồng như vô dụng. Năm 1941, Pháp chọn Sihanouk, 19 tuổi, hậu duệ dòng Norodom của hoàng gia, mà không chọn người bên dòng Sisowath đối lập vì Pháp tin rằng ông ta khéo léo hơn. Bà Decoux, vợ toàn quyền Pháp ở Đông Dương giải thích khi nhìn cậu học trò nhỏ: “Vì anh ta dễ thương, cậu nhỏ ấy”. Sihanouk được ông bà toàn quyền mời dùng cơm trưa tại dinh Norodom ở Saigon.
Chẳng bao lâu ông hoàng tay chơi này ưa thích chính trị và bắt đầu vui hưởng ngôi báu. Ông ta khéo léo lèo lái các đảng phái chính trị đòi Pháp trả quyền tự do và ông tự tạo cho mình vị thế người quốc gia. Từ một ông vua bù nhìn, ông trở thành người đứng đầu đòi độc lập cho Cam Bốt. Trước mặt Tổng Thống Pháp Vincent Auriol và Ngoại Trưởng Mỹ Foster Dulles, ông ta nói rằng độc lập là vũ khí để chống Cộng Sản, những người đang giương cao ngọn cờ chống thực dân. Ông ta xử dụng báo chí quốc tế và làm điệu bộ rất kịch như là tự nguyện lưu vong khỏi Cam Bốt, gây khó khăn cho Pháp, giành được sự ủng hộ của Pháp cho ngôi vị mình. Cuối cùng, tháng 11 năm 1953, Pháp nhượng quyền độc lập để tăng cường sức mạnh chống Hồ Chí Minh, lãnh tụ Việt Minh.
Trong suốt 17 năm lèo lái Cam Bốt, ông hoàng đã cai trị đất nước ông với đầy đủ lưong tri nhất. Nhằm mục đích thực hiện toàn bộ quyền hạn của một người đứng đầu đất nước hơn là một vị quốc vương theo định chế, Sihanouk nhường ngôi cho vua cha năm 1960. Từ những bài viết trên báo cho tới những chương trình thủy lợi hay thiết lập những trung tâm y tế hương thôn, chẳng có việc nào nằm ngoài sự chăm chú của ông. Ông tự xưng là hữu phái hoặc cộng hòa, đối nghịch với Khmer Xanh hay tả phái Khmer Đỏ, cả hai đều bị lên án là những phần tử trung thành với những phần đất cũ của Cam Bốt. Ông nhẫn tâm đánh đuổi Khmer Đỏ nhưng cũng cố gắng để họ hợp tác trong chính quyền của ông. Hồi đầu thập niên 1960, những lãnh tụ Khmer Đỏ như Khiêu Samphan, Hou-Youn và Hu-Nim là các bộ trưởng trong chính phủ ông. Bên trong, ông cố hướng ngọn gió tả phái qua phía “Chủ nghĩa Xã Hội Phật Giáo” nhãn hiệu từ bên ngoài gán cho, có tiếng là độc đoán và quá đồi bại vì thiếu những phần tử tốt và nhiều bọn theo đuôi. Bên ngoài, cố gắng của ông là nhằm duy trì nền độc lập và toàn vẹn của Cam Bốt bằng hành động yếu ớt giữ cân bằng giữa các thế lực quốc tế. Tuy nhiên, khi chiến tranh Việt Nam gia tăng cường độ và những khó khăn nội bộ Cam Bốt cũng gia tăng thì những viên chức cao cấp của Sihanouk bị giựt giây lật đổ ông.
Nhằm mục đích giúp đỡ Bắc Việt Nam, những người theo Sihanouk thấy trước rằng cuối cùng Hà Nội sẽ thắng và sẽ là một quốc gia hùng mạnh ở Đông Dương, ông đổi hướng trung lập, dành cho Hà Nội một vùng đất thánh dọc theo biên giới, và vận chuyển vũ khí qua những hải cảng ở Cam Bốt. Những biến động do thối nát, điều hành sai lạc, và thiếu viện trợ Mỹ tạo nên nhiều bất mãn chính trị. Giận dữ vì sự hiện diện của người Việt làm bùng thêm ngọn lửa đang cháy, với sự ủng hộ ngấm ngầm của Mỹ, Tướng Lon Nol lật đổ Sihanouk khi ông này trên đường từ Mạc Tư Khoa về nước sau khi chữa bệnh ở Pháp. Do Việt Nam (BV) và Trung Hoa thúc đẩy, ông để danh nghĩa ông cho kháng chiến quân Cam Bốt và cư trú tại Bắc Kinh.
Mùa hè năm 1975, ông ngạc nhiên tự hỏi không biết bao lâu nữa thì Bắc Kinh sẽ trở thành nơi cư trú thường trực của ông. Không có tiền chuyển lậu ra ngoại quốc, không giống như những nhà cai trị bị lật đổ khác, Sihanouk không có cách nào khác là đành phải nhờ vào sự giúp đỡ của hai nước Trung Hoa và Bắc Hàn bạn hữu. Mao và Chu nói với ông muốn ở đây bao lâu cũng được. Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Nhật Thành ra lệnh xây một lâu đài vĩ đại nhìn xuống hồ Chhang Sou On ở Bình Nhưỡng cho ông cư ngụ. Tháng 9/1975, Sihanouk đang ở Bình Nhưỡng thì phó thủ tướng Chính Phủ Liên Hiệp Quốc Gia Cam Bốt (chính phủ lưu vong do Sihanouk thành lập có sự hợp tác của Khmer Đỏ, viết tắt theo thiếng Pháp là GRUNK – Royal Government National Union of Cam Bốt -) Khiêu Samphan và Bộ Trưởng Thông Tin Ieng Thirith (vợ của Ieng Sary) đến mời. Sihanouk nhớ lại Khiêu Samphan nói với ông: “Nay chúng tôi hết sức sẵn sàng đón chào Ngài. Bây giờ chúng tôi tạo đủ điều kiện trăm phần trăm Cộng Sản. Chúng tôi đã vượt qua Trung Hoa anh em. Với một bước nhảy vọt vĩ đại, chúng tôi có thể đạt tới mục đích của chủ nghĩa Cộng Sản mà không cần kinh qua giai đoạn xã hội chủ nghĩa”. Điều ấy làm ông hết sức bối rối nhưng ông vẫn hồi hộp về việc trở về nước.
Họ cùng về Bắc Kinh bằng tàu lửa. Ở đây, một chiếc Boeing 707 của Trung Hoa đưa họ về Phnom Pênh. Trước khi rời Bắc Kinh, Sihanouk và Monique có Khiêu Samphan đi kèm, đến cáo biệt Chủ Tịch Mao và Thủ Tướng Chu. Run rẩy vì bịnh Parkinson, Mao, 82 tuổi, không nói được nhiều. Tuy nhiên, một trong những lời chỉ dẫn của ông sau đây là rõ ràng. Ông ta nói với Khiêu Samphan và Ieng Thirith “Xin vui lòng đừng đưa Thái Tử Sihanouk và vợ ông vào hợp tác xã”. Với Sihanouk, lời nói nầy chính là lời cứu mạng.
Bị bịnh ung thư tới thời kỳ chót, Chu chỉ còn là cái bóng của mình. Với giọng nói yếu ớt chỉ đủ nghe, ông năn nỉ Khiêu Samphan “Vui lòng tiến lên Cộng Sản Chủ Nghĩa chầm chậm, từng bước một. Bạn không thể tiến ngay lên Cộng Sản Chủ Nghĩa, phải từng bước một. Xin vui lòng đi từng bước nhỏ, chậm và chắc”. Xúc động hơn là lời khuyến cáo tiên liệu của ông: “Đừng đi theo con đường “Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại” đã thất bại của chúng tôi.” Ông ta nhắc lại những chiến dịch ão tưởng của Trung Hoa nhằm khẩn trương xây dựng Cộng Sản chủ nghĩa hồi cuối thập niên 1950 đã để lại một nền kinh tế như trong lò sát sinh. Samphan và Thirith cười một cách thông cảm. Nghe nhiều khoa trương việc đang xây dựng một chế độ Cộng Sản thuần túy cho Cam Bốt, Sihanouk hiểu ngay những nụ cười ấy nói lên được gì.
Ngày 9 tháng Chín lại một lần lễ lớn. Thiên An Môn được trang hoàng cờ, đèn, hoa, chúc mừng Sihanouk điều mà Đặng Tiểu Bình nói về Sihanouk trước kia “trở về trong vinh quang.” Khi chiếc máy bay Boeing của Trung Hoa nhắm hướng hạ cánh xuống phi trường Pochentong của Phnom Pênh, Sihanouk nhìn xuống những mái ngói đỏ và cột tháp vàng của thành phố nằm dài bên đưới. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng giêng 1970 ông lại đưa mắt nhìn xuống thủ đô đã quay lưng lại với ông. Phnom Pênh trong lạ hẵn và không có sự sống dưới hơi nóng mặt trời giữa buổi sáng mai. So với mười ngàn người đứng chật đường phố Bắc Kinh để chào từ biệt ông hoàng, ở đây chỉ có một đám đông hỗn tạp ở phi đạo Pochentong. Một nhúm các ông sãi áo vàng nghệ cũng đứng trong đám đông cầu nguyện cho ông trước khi ông lên xe đi vào thành phố vắng tanh. Đó là sự nhượng bộ cuối cùng mà ông đã chứng kiến dưới chế độ Khmer Đỏ ở Cam Bốt.
Sihanouk muốn khóc khi nhìn thành phố ma quái mà một thời được coi là thành phố đẹp nhất của Đông Dương thuộc Pháp. Những đại lộ với hai hàng cây xanh, công quán, những biệt thự theo kiểu nhiệt đới Nam Mỹ, tháp vàng, lâu đài hoàng gia và chùa chiền vẫn còn đây, trong màu tang tóc. Khmer Đỏ giải thích với ông hoàng việc xua dân ra khỏi thành phố là cần thiết vì không có đủ lương thực nuôi dân và cũng vì vấn đề an ninh. Họ không nói với ông hoàng đó là bước đại nhảy vọt tiến lên Cộng Sản Chủ Nghĩa. Trong việc xua đuổi hàng loạt dân chúng hồi tháng Tư, có ông chú già của Sihanouk, ông Hoàng Monireth và một trong những bà cô của ông cũng bị đuổi về vùng quê. Lời yêu cầu của ông được đi thăm những người ấy bị từ khước. Họ trả lời với ông “Họ được chăm sóc cẩn thận. Ngài sẽ được thăm họ khi Ngài từ Nữu Ước trở lại.” Tuy nhiên, không bao giờ ông gặp lại họ. Kế hoạch của Khmer Đỏ trong chuyến đi ba tuần lễ ở Phnom Pênh là tạo niềm tin đối với sự lãnh đạo của ông trước khi họ gởi ông đi Nữu Ước để đòi chiếc ghế cho Cam Bốt tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc. Sihanouk và tùy tùng được đưa đi thuyền trên sông Mê Kông, tiệc tùng sang trọng, các buổi hội tối có tính cách mạng nhưng không bao giờ ông gặp những người dân đã biến mất khỏi Phnom Pênh.
Chẳng bao lâu Sihanouk biết những gì Khmer đỏ nghĩ về những lời khuyến cáo của Chu Ân Lai là từng bước chầm chậm tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa. Son Sen, tư lệnh quân đội, và Khiêu Samphan nói với ông Cam Bốt sẽ chứng tỏ cho thế giới biết rằng chỉ trong một nhát chỗi lớn họ đã tiến lên Cộng Sản Chủ Nghĩa hoàn toàn. “Vì vậy tên tuổi đất nước chúng ta sẽ được viết bằng chữ vàng trong lịch sử thế giới như là một quốc gia đầu tiên thành công trong việc Cộng Sản hóa mà không có bước chân nào là vô ích”.
Sau khi trở về Bắc Kinh hồi đầu tháng Mười, ông ta để cho những người trong gia đình và những người theo ông tùy ý lựa chọn. Ông ta, vì là người yêu nước và người đứng đầu quốc gia, sẽ về lại Cam Bốt sau khi đại diện cho nước ông ở Liên Hợp Quốc, còn họ muốn ở đâu thì tùy. Một số phụ tá của ông vì xúc động trước cảnh Phnom Pênh nên không dám trở về. Họ đi Pháp.
Trên đường đi, Sihanouk ghé qua Pháp. Một số đông người Cam Bốt đến chào mừng ông tại phi trường Charles De Gaulle. Sau đó, một số trong bọn họ tới tư dinh của đại sứ Cam Bốt ở Paris để nghe ông hoàng lần đầu tiên nói chuyện về sự sinh sống của người dân dưới chế độ Khmer Đỏ. Họ ngạc nhiên vì ông hoàng vốn thường sôi nỗi thì bây giờ lại thận trọng. Một người hỏi ông về những binh lính của Lon Nol bây giờ ra sao! Ông ta trả lời là Angkar (tổ chức Cộng Sản rất quyền lực) cho mỗi người một chiếc chiếu, một cái mùng và đưa họ đi trồng lúa. Ông ta nói thêm họ có được những gì họ cần. Ngồi sát cạnh ông, Ieng Sary chỉ cười và những lãnh tụ Khmer Đỏ khác gật đầu tán thưởng. Không có một người bạn cũ nào của Sihanouk có thể vượt qua được mạng lưới an ninh để gặp riêng ông. Sihanouk có thể thấy trước điều gì đang đến. Nhưng vì lòng tự cao, những tình cảm bắt buộc, có thể kêu gọi ông bỏ đi rất nhiều. Tháng 12/1975, ông cùng vợ, bà Monique, mẹ vợ, 22 đứa con và cháu, lên đường trở về Cam Bốt.
Tơ tằm và chuột
Vào một thời điểm thích hợp nhất, Hà Nội là thành phố trông có vẽ trầm tư. Với cái lạnh thấu xương, những người dân thiếu mặc thường ở trong nhà. Qua những hàng cây dài, thành phố già nua này trông vắng vẻ và buồn. Người đi bộ chầm chậm, cong lưng trên xe đạp, choàng khăn quanh cổ chống gió lạnh, áo choàng ngoài bằng vải sợi trơn hay áo có nút kéo che lấy thân thể. Tôi lúng túng khi tiếp cận với sư giao thông run rẩy và lặng lẽ ấy của người Hà Nội khi tôi mặc một cái áo ngoài nhồi bông tốt và mang găng tay, cởi chiếc xe đạp Raleigh bóng loáng mượn của một nhà ngoại giao. Nếu tôi ngồi trong xe hơi, người ta không thể thấy lối ăn mặc nổi bật như vậy. Tôi không cần đến một chiếc Volga màu xám thuê ở một văn phòng du lịch Hà Nội, cần cho những cuộc thăm viếng chính thức. Tôi gởi trả cho Bộ Ngoại Giao (VN) bản hướng dẫn, nói rằng tôi chẳng có hẹn với ai chiều hôm đó. Cuộc hẹn kín đáo của tôi là vào hôm 23 tháng Mười Một/1977 với một người mà Bộ Ngoại Giao chẳng mấy ưa.
Chiều hôm ấy có gió, trời không sáng lắm, tôi lẽn ra cổng sau khách sạn Thống Nhất rồi nhắm tới Tòa Đại Sứ Cam Bốt. Việt Nam và Cam Bốt vẫn còn lịch sự chúc mừng nhau vào các dịp lễ lạc, nhưng quan hệ thì đã suy thoái nhiều. Chuyến đi Bắc Kinh của Pol Pốt hồi tháng Mười và những cuộc tấn công chống Việt Nam (CS) được bật mí chút ít là những xác nhận công khai đầu tiên về cuộc khủng hoảng. Trong chuyến đi có ghé thủ đô Vạn Tượng của Lào trên đường đi Hà Nội, lần đầu tiên tôi nghe một nhà ngoại giao Việt Nam nói về những cuộc tấn công tàn bạo vào Việt Nam của Khmer Đỏ trong mấy tháng vừa qua. Do đó, tôi cũng nghe loáng thoáng phía Khmer Đỏ nói ngược lại về cuộc xung đột này.
Một nhà ngoại giao người Mễ Tây Cơ thân với Khmer Đỏ xếp đặt cho tôi được gặp In Sivouth, cố vấn chính trị của Tòa Đại Sứ Cam Bốt. Từ xa, người ta có thể nhìn thấy ngọn cờ đỏ như máu của tòa đại sứ bay lượn trong gió, phản chiếu trên màu đá đen của nhà công quán xây theo kiểu thuộc địa. Tất cả các cửa sổ đóng kín mít. Chẳng có dấu hiệu nào chứng tỏ có sự sống trong đó ngoại trừ một người cảnh sát Việt Nam áo quần màu rơm, mũ xám đứng gác ở cổng ra vào. Anh ta thấy tôi khi tôi xuống xe đạp đi thẳng vào cổng. Công việc anh ta, giống như ở bất cứ ở tòa đại sứ nào khác ở đây, là đuổi người Việt Nam xa ra. Dù đi xe đạp, rõ ràng tôi là người ngoại quốc, vì vậy, chẳng bỏ công để anh ta chú ý tới.
Sau khi tôi bấm chuông một lúc, cánh cửa gỗ tòa đại sứ cẩn thận hé ra một chút. Qua khoảng cửa, một cặp mắt ló ra. Có tiếng nói gần như thầm thì: “Ông Chanda?”. Cánh cửa hé ra cho tôi lọt vào rồi đóng lại ngay sau lưng. Vừa đủ quen mắt với hành lang tối, tôi thấy In Sivouth. Bên trong tòa đại sứ trời đã tối rồi, ngọn đèn treo trên trần nhà vẽ ra một khoảng ánh sáng trong văn phòng ông ta, tất cả các cửa sổ đều đóng và buông màn. Sivouth, nhỏ người, hơi còm với cái tuổi trên bốn mươi một chút, cười nhút nhát. Bằng một thứ tiếng Pháp trơn tru, ông ta nói: “Đây là tất cả cái cần thiết để ngăn Việt Nam khỏi nghe lén được”. Sivouth có vẻ hơi không giống Khmer Đỏ. Ông ta chưa bao giờ ở trong mật khu. Khi còn là sinh viên ở Ba Lê, ông theo Cộng Sản và gia nhập tổ chức Khmer Đỏ. Trong những năm dài ở Ba Lê, ông học hỏi khá nhiều về CIA và khả năng của họ. Từ xa, họ có thể nghe lén được câu chuyện bằng những dụng cụ gắn vào cửa sổ. Ông ta chắc chắn rằng người Việt Nam độc ác có khả năng như thế để “thuỗng” những dụng cụ điện tử ấy vào trong Tòa Đại Sứ Cam Bốt. Mặc bộ đồ đen theo kiểu Mao, Sivouth ngồi ưỡn trên cái đivăng rộng thì thào với tôi câu chuyện Việt Nam “phản bội” Cam Bốt. Sivouth kể lại, với nụ cười chua chát: “Hồi năm 1973, khi Việt Nam (CS) ký Hiệp Định Paris với Mỹ, họ cố gắng ép chúng tôi thương thuyết với Lon Nol. Thái tử đã chống lại lời khuyến cáo ấy… Việt Nam thỏa thuận với Mỹ, trong thời gian 5 tháng rưởi, những B-52 trước kia bỏ bom ở Việt Nam nay được gởi tới nghiền nát Cam Bốt”.
Trước khi được chỉ định tới Hà Nội, Sivouth đã hoạt động vài năm ở Bắc Kinh trong tòa đại sứ của Chính Phủ Liên Hiệp Quốc Gia Cam Bốt. Sau khi Khmer đỏ chiến thắng, ông ta không có cơ may trở về Phnom Pênh với vợ con. Ông ta cũng nhìn nhận rằng đã một năm rưởi nay, không được tin tức của vợ. Điều ông ta biết những gì đang xảy ra ở Cam Bốt làm cho ông ta nói với tôi với vẽ lo lắng, đặc biệt là tin nghe từ đài phát thanh Phnom Pênh. Tuy nhiên, dù thiếu dữ kiện ông ta vẫn tin vì ông có lòng tin vô bờ đối với công lý cách mạng Cam Bốt. Bằng việc đuổi dân ra khỏi thành phố, bắt mọi người phải làm việc ngoài ruộng, Angkar gặp nhiều khó khăn nhưng đó là con đường thuần túy mình tự tin vào mình. Ông ta nói với giọng cười miệt thị: “Việt Nam không còn khống chế chúng tôi được nữa. Cam Bốt không phải là Lào”. Ông ta cho rằng thỏa ước thân hữu Lào-Việt Nam ký hồi tháng Bảy là bước đầu tiến tới thực dân hóa Lào. Ông ta hỏi tôi: “Ông muốn thấy chuyện gì xảy ra không?”. Rồi ông ta vói lấy tờ nhật báo Lào khổ nhỏ ở góc bàn. Bằng cớ là hình ảnh những nông dân Lào trồng lại giống lúa. “Người Việt Nam đã lấy hết ruộng lúa của Lào”. Sivouth vừa nói, vừa chỉ vào một người trong bức hình đang đội cái nón lá kiểu nông dân Việt Nam hay đội. Sự thực cái nón lá đáng lưu ý nhưng đó không hẵn là lối trang phục đặc biệt của nông dân Việt Nam đáng cho ông ta quan tâm. Còn hơn điều ông quan tâm nữa kia: Dự tính của Việt Nam với Đông Dương là một thực tế tự nó đã rõ ràng. Chỉ một cái nón lá giữa những nông dân Lào do ông ta thấy trong bức hình chỉ là một chứng cớ cần thiết dành cho những người ngoại quốc bi quan mà thôi.
Sau một lúc thảo luận toàn bộ và đưa ra chứng cớ về Việt Nam “tham lam” và “xảo trá” pha trộn vào lòng tin chắc chắc tính “độc ác” của Việt Nam và những xung đột không tránh khỏi trong cuộc đấu tranh sinh tồn, bức tranh Sivouth vẽ ra chiều hôm ấy khi ông ta ngồi trong căn phòng tối là điều nhắc nhở chắc chắn về những sự kiện nhỏ nhặt đã thay đổi. Bên trong cái võ lịch sự và những bài thuyết giảng hay ho về chủ nghĩa Mác, hiện nguyên hình tâm hồn một người Khmer chìm đắm tromg hồi ức đắng cay của lịch sử và những định kiến về chủng tộc.
Từ bảo vệ đất nước tới Liên Bang
Nguồn gốc của sự kình địch giữa người Khmer và người Việt Nam nằm trong khoảng thời gian một ngàn năm hai bên tiếp xúc với nhau. Ba trăm năm cuối của sự tiếp xúc đó là những cuộc chiến khi nước Việt Nam bành trướng thêm còn phía Cam Bốt thì thu nhỏ lại.
Nam tiến – là con đường người Việt tiến về phương Nam – là hướng phát triển chính của lịch sử Việt Nam sau khi họ thoát khỏi ách đô hộ của người Tàu vào thế kỷ thứ 10. Một học giả Pháp lưu ý rằng “Lịch sử Việt Nam phát triển ra toàn cõi Đông Dương như một ngọn triều, xua đuổi các dân tộc khác khi họ chiếm ruộng nương ở vùng đất thấp hay nơi họ có thể trồng lúa được”.(1) Tại châu thổ sông Hồng Hà, vùng đất trung tâm của Việt Nam – vì áp lực dân số cao, ở sát Trung Hoa, và sự bất ổn về chính trị, đưa tới các cuộc di dân tìm vùng đất mới. (2) Con đường Nam tiến này quyết định do yếu tố quyền lực và địa lý: Phía Bắc là Trung Hoa khổng lồ, phía Tây là rặng Trường Sơn cao ngất, và phía Đông là Nam Hải (Đông Hải – nd).
Con đường Nam tiến của người Việt Nam kéo dài hàng mấy thế kỷ, bao gồm cả việc chinh phục không những chỉ vùng đất xa mà cả những dân tộc khác. Trước hết, Chiêm Thành rơi vào tay Việt Nam. Dân tộc này trước theo Ấn Giáo (sau đó theo Hồi Giáo), là một dân tộc nhỏ, giống như các dân tộc khác ở Đông Dương. Vương quốc của họ, một thời là thù địch Việt Nam. Qua nhiều trận chiến, Việt Nam toàn thắng và thu nhận đất Chiêm vào Việt Nam. Bằng những đợt di dân chậm và chắc, Việt Nam quét sạch vương quốc này trên bản đồ vào hồi cuối thế kỷ 17. Đa số người Chàm bị giết, bị xua đuổi hoặc bị đồng hóa, đến nổi, ở thế kỷ 11 có khoảng 30 ngàn gia đình (khoảng 240 đến 300 ngàn dân) chỉ còn lại khoảng 65 ngàn dân ở trong vùng đất Việt Nam hiện nay.(3) Hàng ngàn người chạy trốn qua Cam Bốt và cuối cùng bị Pol Pot tàn sát vì tôn giáo.
Ngay trước khi đế quốc Việt Nam tiêu diệt toàn bộ Chiêm Thành, di dân người Việt đã bắt đầu dựng làng trong vùng đồi cao của Cam Bốt, bây giờ thuộc vùng Biên Hòa, Bà Rịa. Sự kiệt quệ của nhân dân Khmer vì cai trị sai lầm và suy thoái lâu dài của đế chế Khmer, – một thời mở rộng từ bán đảo Mã Lai tới miền Trung nước Lào -, cùng với sự bành trướng của Việt Nam đang đà vươn lên; sự chống đối bè phái thường xuyên trong nội bộ triều đình Khmer, cùng với những cố gắng của Xiêm La (Thái Lan, lân bang hùng mạnh và bành trướng của Cam Bốt), thành lập một chư hầu ở Cam Bốt, tạo những cơ hội lý tưởng cho Việt Nam can thiệp vào nước nầy. Những can thiệp như thế, hoặc để bảo vệ một người cầm quyền yếu thế, hoặc đưa một người lên ngôi vua, là tạo ra cơ hội nhượng thêm đất đai cho Việt Nam. Vào thế kỷ thứ 18, chiến thuật được mô tả một cách tổng quát về việc dần dần chiếm đất của Cam Bốt dưới danh nghĩa bảo vệ ngai vàng là “tằm ăn dâu”. Việt Nam có tham vọng to lớn với kế hoạch tằm ăn dâu, và trong tiến trình một trăm năm (1650-1750) toàn bộ lưu vực sông Vàm Cỏ và đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm cả ngôi làng đánh cá của người Khmer Prey Nokor (sau này là Sài Gòn) trở thành lãnh thổ Việt Nam.
Việc chiếm hết vùng đất màu mỡ phía Nam, giữ gìn phần đất này chống lại Thái Lan, trở thành mối quan tâm chính của các hoàng đế Việt Nam ở Huế. Khi Cam Bốt trở thành con đường cho quân Thái Lan tiến tới Sài Gòn, người Việt Nam khéo léo biến vùng này thành một nước bảo hộ. Hoàng Đế Minh Mạng viết năm 1831: “Chân Lạp (Cam Bốt) là phiên ly của chúng ta, không thể để nó sụp đổ được”.(5)
Năm 1833-34, tiếp sau những cố gắng không thành của Thái lan để đưa Cam Bốt trở lại dưới quyền kiểm soát của họ, Việt Nam khởi đầu một cuộc tiến công vô hạn, có thể dẫn tới việc làm biến mất
hoàn toàn nước Cam Bốt. Các đồn binh được xây dựng khắp nước và một doanh trại đóng ngay Phnom Pênh. Nền độc lập của Cam Bốt là ở trong “Trấn Tây Thành” của Việt Nam. Vua Minh Mạng đưa ra nhiều chương trình mạnh mẽ để đưa người Khmer còn “mọi rợ” về với thế giới văn minh. Các thầy giáo được gởi tới Cam Bốt để giáo dục về cách sống theo “đường lối Khổng Mạnh” cho quan chức Cam Bốt. Hoàng đế Việt Nam còn áp đặt lối ăn mặc, tóc tai, quần áo theo kiểu Việt Nam cho người Khmer, một hệ thống thuế khóa theo Việt Nam và ngay cả việc bắt nông dân trồng lúa như ở Việt Nam. Ai không tuân sẽ bị trừng phạt nặng. Vì uất hận, một số cuộc nổi dậy xảy ra. Sự cai trị hà khắc và lao động khổ sai gây nên một cuộc nổi loạn hồi đầu năm 1820 do một nhà sư tên Kai lãnh đạo. Họ tàn sát những người Việt sinh sống ở biên giới phía đông Cam Bốt trước khi họ bị đè bẹp bằng một lực lượng mạnh hơn do tổng trấn phía Nam (Gia Định Thành -nd) phái tới.(6) Cuộc khởi loạn nghiêm trọng nhất xảy ra năm 1840 vì việc bắt giữ các quan chức hàng đầu Cam Bốt và dẫn độ bà hoàng đang cai trị qua Việt Nam. Người Khmer sợ nền độc lập của họ không còn nữa. Năm 1840, một viên quan lớn của Cam Bốt tên là Prom viết: “Chúng tôi thấy sung sướng khi giết người Việt, chúng tôi không còn sợ họ nữa tuy họ mạnh hơn”. Ông ta nói với đồ đệ hễ tìm được người Việt Nam thì giết “từ vùng phía Bắc cho tới biên giới phía Nam”. Trong một bức thư gởi cho quan chức Thái, ông ta thông báo: “Tôi đề nghị tiếp tục giết người Việt Nam.” (7) Đó là bản tuyên ngôn được truyền đời từ Prom cho đến người cai trị sau này ở Cam Bốt: Pol Pot.
Ký ức về những cuộc khởi nghĩa của người Khmer hồi đầu thế kỷ 19 và vô số cuộc đàn áp tàn bạo vẫn còn ghi lại trong niên sử và tập tục của người Cam Bốt. Những bà mẹ Cam Bốt thường dọa trẻ em bằng cách: “Mày đi chơi xa trong bụi, Yuon nó bắt mày.” (Yuon, tiếng Khmer với ác ý có nghĩa là dã man, tức là Việt Nam -nd). Kinh Vĩnh Tế, con kinh dài 25 dặm nối liền vịnh Thái Lan với sông Vĩnh Tế được đào năm 1820, do Việt Nam xử dụng lao công Khmer, vẫn còn là một vết thương sống động trong ký ức người Cam Bốt. Tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần trước và sau thời Pol Pot nói về việc ba người Khmer bị trừng phạt vì không làm đủ chỉ tiêu đào kinh. Người Việt Nam chôn những người Khmer xấu số tới cổ mà thôi, còn đầu thì dùng để làm ông táo nấu nước sôi. Khi nạn nhân giãy giụa vì đau đớn và lắc đổ nước trong ấm thì người Việt Nam cảnh cáo: “Không được làm đổ nước trà của quan lớn”. Câu chuyện này về sau trở thành một phần trong chính sách tuyên truyền của Khmer Đỏ mà người kể cố làm gia tăng sự “thù hận cách mạng” đối với kẻ thù Việt Nam.(8)
Những tình cảm thù địch chủng tộc và những định kiến của người Khmer đối với người Việt không có sự tương phản. Một ngàn năm Bắc thuộc đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong suy nghĩ của người Việt Nam. Người Việt tự thấy mình giống như một Trung Hoa nhỏ mà những dân tộc còn bán khai bao quanh. Về mặt chính thức tuy không còn sử dụng nữa, người Việt Nam vẫn thường gọi theo cách Trung Hoa là Cao Miên, – hay dân mọi rợ vùng Cao Nguyên. Nó cũng có nghĩa là người Cam Bốt. Có lẽ ngày nay nhiều người không rõ nguồn gốc Trung Hoa của danh từ này, cho rằng đó là cách gọi người Khmer theo cách phát âm tiếng Việt. Dưới triều đại nhà Nguyễn, các vị hoàng đế Việt Nam thống nhất và hùng cường, cho rằng do mệnh Trời, họ phải đem ánh sáng văn minh đến vương quốc nhỏ yếu chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ. Coi thường người Khmer không đủ khả năng đồng hóa văn hóa Hoa-Việt, một hoàng đế Việt Nam mô tả người Khmer là “khỉ trong rào và chim trong lồng”. Năm 1840, vua Minh Mạng lo lắng vì những cuộc nổi dậy của người Khmer chống lại các phái bộ văn hóa Việt Nam. Xúc động vì hành vi của người Khmer, xem như kẻ phản phúc, nhà vua ra lệnh cho người chỉ huy của ông ở Cam Bốt “Chúng ta giúp họ khi họ khốn khổ, kéo họ ra khỏi bùn nhơ… Nay họ khởi loạn. Trẫm giận đến dựng tóc… Hãy dùng gươm giáo mà trừng trị chúng, chặt đầu chúng nó đi, tán phát chúng nó đi”. Có người Việt Nam khác cho rằng cuộc nổi loạn năm 1840 biểu thị sự thất bại chiến thuật đánh và rút của du kích Khmer, những kẻ chạy trốn như “chuột và mèo” khi phải đối đầu với những lực lượng Việt Nam ưu thế hơn.(9)
Trong khi người Cam Bốt tiếp tục nuôi dưỡng tư tưởng truyền thống coi người Việt là kẻ xảo quyệt, những kẻ “nuốt mất đất đai của Khmer” thì người Việt Nam ngày nay chẳng có ý tưởng mạnh mẽ nào chống lại người Khmer cả. Điều ấy chẳng có gì ngạc nhiên bởi vì chính Khmer là quốc gia đã gánh chịu nhiều gian khổ nhất trong suốt thời gian dài tiếp xúc với Việt Nam. Cũng có lúc người Việt cư ngụ ở Cam Bốt gánh chịu nhiều đau khổ, nhưng tuồng như không ảnh hưởng trên toàn bộ quan điểm của người Việt Nam. Tuy nhiên, trong nhiều cuộc nói chuyện với những viên chức và dân thường Việt Nam, ý thức ưu thế của họ với người Khmer trong giáo dục chính trị, tổ chức và khả năng lãnh đạo là một nhận thức rõ ràng. Vì nhân đạo, người Việt có khuynh hướng nhìn người Khmer như trẻ con cần có người dẫn dắt. Tuy nhiên, người Việt Nam vẫn thường thất bại trong việc che dấu sự nóng giận của họ với những người Khmer bất trị và giả dối và những rắc rối do họ tạo ra cho người Việt Nam.
Tính chất lý thuyết và trừu tượng của ký ức quần chúng và những “ác cảm truyền thống” chẳng có ích gì về mặt chứng liệu khoa học trong việc phân tích xã hội và lịch sử. Tuy nhiên, những cảm nhận này thì lại rất rõ ràng cho bất cứ ai trãi qua một thời gian nào đó ở Cam Bốt, lại không biết tới nó để hiểu rõ những biến cố mới xảy ra. Trong suốt thời gian cai trị, thái tử Sihanouk nuôi duỡng ký ức quần chúng nầy mãi tồn tại bằng cách nhắc đi nhắc lại không ngừng rằng trong lịch sử, Việt Nam lấn áp Cam Bốt. Một phần thì lên án Việt Nam không thay đổi tính chất bành trướng, một phần thì vì tính chất thời trang chính trị, những nhà lãnh đạo nước Cam Bốt Dân chủ chọn phương cách giải thích sự xung đột giữa hai nước không vì tính giai cấp mà lại vì chủng tộc. Trong cuốn “Sách Đen” (Black Book) do chế độ Pol Pot xuất bản hồi tháng 9/1978 -vài tháng sau khi tôi nghe lời kể lễ than phiền của In Sivouth – đường đột nói rằng: “Hành động xâm lấn và bành trướng lãnh thổ mà Việt Nam vi phạm trong quá khứ cũng như hiện nay chứng tỏ rõ tính chất thật sự của Việt Nam, và Việt Nam có nghĩa là kẻ xâm lược, bành trướng chủ nghĩa và nuốt trọn đất đai của người khác”. Cuốn sách khẳng định rằng dù dưới chế độ phong kiến, thực dân hay Cộng Sản, sự cai trị cũng chỉ vậy thôi. Về sau, nhóm Pol Pot còn nói thẳng rằng đảng Cộng Sản Cam Bốt được thành lập năm 1960 “là nhằm để chống lại Việt Nam” – Một mục tiêu khác với mục tiêu của những cha đẻ Chủ Nghĩa Cộng Sản.
Sự thành lập chế độ bảo hộ Pháp năm 1863 đã cứu Cam Bốt khỏi bị Việt Nam và Thái Lan tiêu diệt. Tuy nhiên, đối với xứ láng giềng Nam Kỳ thuộc địa (Cochin-China) – Miền Nam Việt Nam -, thực dân Pháp hoàn toàn thiếu kinh nghiệm trong việc cai trị đã đem lại cho Cam Bốt nhiều bất lợi khi chính Pháp vẽ ra đường biên giới hai nước. Đường ranh này đặt căn bản trên địa lý và sự tiện lợi cho việc cai trị của người Pháp ở Nam Kỳ hơn là bối cảnh lịch sử, ngôn ngữ hoặc chủng tộc. Hậu quả việc vẽ đường ranh này khiến vùng Paksé (hiện thuộc Nam Lào), tỉnh Darlac, khu vực Sông Bé, Tây Ninh, Gò Dầu Hạ và Hà Tiên – tất cả hiện nay đều thuộc Việt Nam – là lấy từ phần đất của Cam Bốt. Trong luận án tiến sĩ ấn hành năm 1966, Sarin Chhak, sau này là bộ trưởng Bộ Ngoại Giao của Chính Phủ Liên Hiệp Quốc Gia Khmer năm 1970 đã nhấn mạnh tới những vùng đất bị mất này và yêu cầu Việt Nam thương thuyết để vẽ lại cho đúng biên giới. (11)
Những nhà cai trị Cam Bốt từ vua Ang Duong (1848-60) cho tới Pol Pot không bao giờ ngưng than phiền về việc họ bị mất đất vì Việt Nam. Trong một bức thư gởi cho Hoàng Đế Napoleon Đệ Tam năm 1856, Vua Ang Duong thúc đẩy vua Pháp đừng chấp thuận các vùng đất đai của Cam Bốt do Việt Nam chiếm cứ lúc ấy nếu như “Việt Nam không dâng đất ấy cho hoàng đế”. Năm 1949, khi thực dân Pháp đồng ý sáp nhập Nam Kỳ để thống nhất Việt Nam, Phnom Pênh đã chính thức phản đối. Ngay sau khi được độc lập trong Liên Bang Đông Dương hồi năm 1954, trong mấy năm liền, Cam Bốt liên tiếp đòi chính phủ Quốc Gia Việt Nam trả lại phần đất Cam Bốt Krom (vùng đồng bằng sông Cử Long, một thời là Cam Bốt hạ – Thủy Chân Lạp – nd) và các hòn đảo dọc theo bờ biển như Koh Tral (Phú Quốc). Tình trạng những người Khmer Krom sống ở Việt Nam vẫn còn là mối quan tâm và thỉnh thoảng chính phủ Sihanouk lại phản kháng.
Việc người Việt Nam di dân đến Cam Bốt phát triển nhanh dưới thời thực dân. Người Pháp cho rằng người Việt Nam là những công nhân giỏi hơn và năng động hơn người Khmer, do đó trở thành phương tiện tốt cho họ khai thác kinh tế Cam Bốt. Năm 1921, người Việt chiếm khoảng 7 phần trăn dân số Cam Bốt. Trong khi đó, một số đông người nghèo khổ Bắc Việt Nam đến làm phu cho các đồn điền cao su Pháp ở Cam Bốt (chỉ một số ít người Khmer làm công việc này mà thôi). Nhiều nông dân và ngư dân Việt Nam cũng rời Nam Việt Nam để cạnh tranh với người Cam Bốt trong các vùng đất tốt và các khu vực đánh cá ở Cam Bốt. Đặc biệt người Việt Nam theo đạo Thiên Chúa La Mã, được các sứ bộ Pháp che chở, tước đoạt các vùng đất tốt của Cam Bốt.(13) Điều này tạo nên những bất ổn đáng kể.
Tuy nhiên, việc đụng chạm đến tình cảm người Khmer, đặc biệt nhất chính là phần đông các viên chức cấp thấp trong chính quyền thuộc địa Pháp lại là người Việt Nam. Trong cuộc nổi loạn chống Pháp ở Cam Bốt vào các năm 1885-86, những người nổi loạn nhắc lại những cố gắng của người Việt trước kia nhằm quét sạch người Cam Bốt và lên án người Pháp dùng người Việt Nam để phá vở văn hóa và xã hội Cam Bốt. Tuy nhiên, điều nầy không có nghĩa là hai cộng đồng dân tộc nói trên bao giờ cũng đần độn. Nhiều người Việt Nam tham gia những cuộc lật đổ Pháp của người Cam Bốt. Mặc dù có sự căng thẳng và không ưa nhau, hai cộng đồng nầy cùng tồn tại an lạc trong nhiều khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, những cuộc biến động hoặc các yếu tố bên ngoài bất di bất dịch đã làm cho những định kiến tiềm tàng bỗng nảy sinh thêm. Ngay cả những sự phát triển như phong trào Cộng Sản Quốc Tế ở Cam Bốt cũng không miễn trừ định kiến chủng tộc. Thực ra, con đường phong trào Cộng Sản được hình thành và phát triển ở Cam Bốt đã giúp đỡ nuôi dưỡng Chủ Nghĩa Chauvin chống Việt Nam (danh từ này trích từ tên một người lính Pháp, Nicolas Chauvin, y thường ngợi ca sự thành công của Napoleon đệ nhất, ngay cả sau khi Napoléon bị thua trận Waterloo hồi năm 1815. Điều anh ta thường tán dương làm cho anh ta trở thành một hiện tượng kệch cỡm. Chủ Nghĩa Chauvin (Chauvinism) được coi là một quái thai của thời đại xã hội ngày nay, thường đồng minh với Chủ Nghĩa Đế Quốc hoặc Chủ Nghĩa Quân Phiệt cực đoan – người dịch chú thích).
Ở cả Lào và Cam Bốt, di dân Việt Nam cung cấp nhiều tiểu tổ cơ bản cho đảng Cộng Sản Đông Dương (ICP). Ngay chính người Khmer cũng dần dần bị lôi cuốn vào nền độc lập chính trị và tới năm 1950, phong trào Khmer Issarak, (Khmer Độc Lập) là phong trào do Đảng Cộng Sản Đông Đương đẻ ra. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh biết rất rõ tình cảm chống Việt Nam của người Khmer và Lào. Đây là lý do khiến Hồ, năm 1951, quyết định chia đảng Cộng Sản Đông Dương ra làm ba đảng của ba nước. Một tài liệu nội bộ của đảng Lao Động Việt Nam (VWP) giải thích việc này, nói rằng các người kế nghiệp đảng Cộng Sản Đông Dương nhận xét: “Các phần tử quốc gia Lào và Cam Bốt nghi ngờ Việt Nam muốn kiểm soát cả hai nước này. Đế quốc và bù nhìn có thể đưa ra những phương cách tuyên truyền nhằm tách rời Việt Nam khỏi Lào và Cam Bốt, tạo rối loạn trong dân chúng Cam Bốt và Lào”.(14)
Sự phân chia Đảng Cộng Sản Đông Dương thành ba coi như dâng một món đồ cúng cho các phần tử quốc gia đang ra sức chống lại chính sách chia để trị của thực dân Pháp. Việc lãnh đạo chính trị của phong trào Cộng Sản Đông Dương vẫn nằm trong tay Hà Nội. Một bản hướng dẫn mật của Đảng Cộng Sản Việt Nam đưa ra hồi tháng Sáu/1952 ra lệnh cho người Việt Nam và người Trung Hoa cư trú ở Cam Bốt tham gia Đảng Lao Động Việt Nam hơn là Đảng Cách Mạng Nhân Dân Khmer (KPRP), vì nó “không phải là đội tiên phong của nhân dân lao động, nhưng là đảng tiên phong của quốc gia tập trung mọi phần tử yêu nước và tiến bộ của nhân dân Khmer”(15). Dù vậy, Ủy Ban Chấp Hành Lâm Thời của đảng Nhân Dân Cách Mạng Khmer được thành lập hồi tháng Chín năm 1951 phần chính cũng là người Việt Nam – 1.800 người Việt sinh ở địa phương so với 150 Khmer chính gốc.
Giữa đế quốc và ông hoàng
Hồi tháng Giêng/1953, Saloth Sar trở về Phnom Pênh sau ba năm ở Ba Lê. Nhà cách mạng 25 tuổi, sau này trở thành một người nổi tiếng tàn ác dưới cái “tên gây chiến tranh” (nom de guerre): Pol Pot. Đơn của ông ta xin gia nhập Đảng Nhân Dân Cách Mạng Cam Bốt lúc ấy còn phôi thai được một cán bộ Việt Nam xem xét và chấp thuận. Con người lùn và mập xét đơn ấy là Phạm Văn Ba. Một cán bộ lâu năm của Đảng Cộng Sản Đông Dương sống ở Phnom Pênh dưới nhiều võ bọc khác nhau, ngay cả ngụy danh một nhà báo. Cuối thập niên 1950, ông ta biến mất khỏi Phnom Pênh rồi lại xuất hiện dưới danh nghĩa một nhà ngoại giao của Việt Cộng. Sau khi giữ vai trò trưởng đoàn Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời (Miền Nam Việt Nam) ở Ba Lê tới năm 1975, Ba trở thành đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Cam Bốt thời Pol Pot.
Bảy năm sau khi tôi gặp Ba tại Văn Phòng Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời ở Ba Lê, lại thấy ông ta tại thành phố Hồ Chí Minh, tháng Giêng/1981. Ông ta nói một cách khoái trá trước sự ngạc nhiên của tôi, tiết lộ những điều trước khi có sự gảy đổ với Khmer đỏ: “Hồi ấy tôi là bí thư (bí mật) của Văn Phòng Đảng Cộng Sản Đông Dương ở Phnom Pênh. Pol Pot tiếp xúc với tôi, xin gia nhập đảng. Ông ta có cái thẻ đảng viên Đảng Cộng Sản Pháp (PCF), có tham gia chi bộ Cam Bốt của đảng này trong khi theo học École de Radio-Électricité ở Paris. Tôi gởi điện cho ban tham mưu đảng ở Bắc Bộ, yêu cầu họ kiểm chứng với đảng Cộng Sản Pháp. Thời gian sau tôi nhận được một bức điện mật do Hoàng Văn Hoan gởi từ Băng Cốc, – nơi ông Hoan đang điều hành phân bộ Việt Nam hải ngoại của đảng,- xác nhận rằng quả thật Pol Pot là đảng viên Cộng Sản. Vì vậy tôi cho ông ta gia nhập đảng”.
Tuy nhiên, sự giám sát trực tiếp của Việt Nam (CS) đối với Đảng Nhân Dân Cách Mạng Cam Bốt ngưng lại một năm sau khi chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất chấm dứt. Do áp lực của đại biểu Nga và Trung Hoa trong Hội Nghị Genève năm 1954, Cộng Sản Việt Nam buộc phải chấp thuận chia cắt tạm thời Việt Nam và thỏa thuận nhường phần đất của Khmer Issrak giải phóng cho Chính Phủ Hoàng Gia Cam Bốt. Không giống như kháng chiến Lào, họ được Hội Nghị Genève chập nhận và cho phép tập trung tại hai tỉnh phía Bắc giáp giới Việt Nam và Trung Hoa (vùng an toàn hậu phương). Phong trào Khmer Issarak bị buộc phải giải tán. Ông vua trẻ Sihanouk, người đưa ra áp lực cá nhân của ông để ngừa trước phong trào Issarak do Việt Nam (CS) hỗ trợ, đã giành phần thắng tại Hội Nghị Genève. Cùng với hiệp định này, lực lượng Việt Minh cùng khoảng 2 ngàn người kháng chiến Khmer, núp trong quân đội Việt Minh phải rút về Bắc Việt Nam để chờ một ngày tốt đẹp hơn. Ba giải thích: “Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng Pháp sẽ thi hành đầy đủ Hiệp Định Genève, vì vậy chúng tôi phải chuẩn bị”. Quả thật đó là điều thấy xa. Dù năm 1972-75 nhóm Pol Pot đã loại trừ phần lớn những người Cam Bốt do Hà Nội huấn luyện, một số người sống sót mấy năm sau đã tham gia chính quyền thân Hà Nội ở Cam Bốt.
Trong khi một số lãnh tụ Khmer Issarak bị buộc phải rút lui, những người trẻ, được huấn luyện du kích ở ngoại quốc thì cay đắng hơn. Những phần tử Cộng Sản quốc gia quá khích như Pol Pot, Ieng Sary và Son Sen, những người từ Ba Lê về đã tố cáo Việt Nam hy sinh những thành quả do người Khmer đạt được trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên, những người kháng chiến và những khuôn mặt lãnh đạo rút khỏi những phần đất rộng lớn ở Cam Bốt, những người hoạt động gần gủi với Việt Minh, những người đào thoát và cả những người đã bị giết, để lại cho nhóm Pol Pot những vùng đất rộng lớn để họ phát triển khu vực chính trị của chính họ.
Khi Sơn Ngọc Minh, một nhà lãnh đạo Cộng Sản của phong trào Khmer Issarak chọn ở lại Hà Nội sau Hiệp Định Genève, quyền lãnh đạo Đảng Cộng Sản Cam Bốt nằm trong tay Sieu Heng. Người này phản bội. Sau vài năm hợp tác bí mật với cảnh sát, – đưa tới việc sát hại hầu hết các chi bộ Cộng Sản – năm 1959, Heng đào thoát theo chính quyền Sihanouk. Tại hội nghị bí mật của Đảng Cộng Sản Cam Bốt ở nhà ga xe lửa Phnom Pênh từ 28 đến 30 tháng 8/1960, một nhà sư theo Cộng Sản Tou Samouth (người này có liên hệ gần gủi với Việt Nam) được bầu làm bí thư đảng. (16)
Hồi ấy Pol Pot là giáo viên ở Phnom Pênh, năm 1961 được chọn làm phó bí thư. Tháng Sáu/1962, Samouth bí mật mất dạng, Pol Pot nắm quyền bí thư đảng. Chẳng bao lâu sau, Pol Pot, em bạn rễ là Ieng Sary và Son Sen cùng những người khác trốn vào rừng bí mật tổ chức đảng. Từ đó cho đến năm 1970 mới nghe lại tin tức họ.
Trong suốt thời gian ấy, những dị biệt về chủng tộc, chủ nghĩa quốc gia cực đoan càng lúc càng phát triển sâu sắc giữa nhóm Pol Pot và nhómn ôn hòa muốn hợp tác với chính phủ Sihanouk để chống Mỹ và chống Việt Nam. Trong chuyến đi Hà Nội hồi tháng 3/1978, bất thần tôi được mời tới ăn một bữa cơm tối giản dị tại nhà một viên chức cao cấp. Sau nhiều năm phủ nhận không có gì nghiêm trọng xảy ra với Cam Bốt, Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Võ Đông Giang nói với tôi buổi tối hôm đó về sự xung đột có từ hai thập niên trước, sự chia rẽ sâu sắc giữa Đảng Cộng Sản Việt Nam và nhóm Pol Pot trong Đảng Cộng Sản Cam Bốt. Theo ông ta ngay từ khi bắt đầu, Việt Nam (CS) đã đứng về phía nhóm người “điều chỉnh” trong Đảng Cộng Sản Cam Bốt để chống lại nhóm Pol Pot. Ông ta nói tới họ bằng cách châm biếm như là bọn “Dân quân, những người chẳng có công trạng gì trong việc tham gia kháng chiến chống Pháp”. Giang nói chính sách của họ đem lại một thứ cách mạng, thứ Cộng Sản chính thống trẻ con bởi vì “ngọn cờ chống Mỹ vẫn do Sihanouk giương cao, tiếng tăm của ông ta trong dân chúng không ai bằng được. Do đó, người Cộng Sản biết làm cách nào để dùng uy tín của ông mà chống lại đế quốc Mỹ, giành sự ủng hộ của dân chúng. Tiếng tăm trong dân chúng Cam Bốt thuộc về Sihanouk, sau mới đến những người hoạt động chính trị (bên trong đảng Cộng Sản Cam Bốt) để đoàn kết dân chúng chống lại kẻ thù, chứ không phải Pol Pot. Chính sách thống nhất mọi lực lượng chống kẻ thù chung và kêu gọi đoàn kết giữa nhân dân ba nước Đông Dương là đường lối cách mạng của chúng tôi từ trước cho tới bây giờ. Tuy nhiên, vì Pol Pot lãnh đạo Đảng Cộng Sản Cam Bốt theo đường lối phân biệt chủng tộc, nên cách mạng gặp phải những khó khăn hồi năm 1967-69”. Giang nói khéo đến việc Sihanouk đàn áp Cộng Sản.
Giang nói đúng khi ông ta nhấn mạnh đến việc Sihanouk được quần chúng ủng hộ khi ông nầy lãnh đạo nhân dân Cam Bốt giành độc lập. Nhưng Giang nói sai khi nhắc lại khoảng thời gian trước 1954, khi đó Việt Minh và Khmer Issarak xem Sihanouk như là tên đầy tớ của Pháp. Nhắm vào chính sách chống Mỹ của Sihanouk trong thập niên 1960, Giang cũng tránh không nêu lên vấn đề Thái Tử Sihanouk đàn áp phái hữu. Trong thập niên nầy, Việt Nam (CS) cũng khuyến cáo Đảng Cộng Sản Cam Bốt gia tăng kêu gọi từ bỏ đấu tranh giai cấp ở Cam Bốt để khỏi gây rắc rối cho thái tử và có hại cho mối giao hảo giữa Sihanouk và Hà Nội.
Điều Giang không muốn nói ra là Hà Nội gia tăng phương cách gìn giữ quan hệ của họ với Sihanouk đang ngọt ngào. Việc gia tăng cường độ chiến tranh sau năm 1965, quân Việt Cộng và Bắc Việt xâm nhập sâu hơn bao giờ hết vào những vùng đất thánh ở Cam Bốt và con đường tiếp tế an toàn – một nhu cầu mà Thái Tử Sihanouk đang muốn chứng tỏ một cách công khai dưới chiêu bài trung lập. Mặc dù Sihanouk đối xử với Khmer Đỏ bằng bàn tay sắt, ông ta cũng tỏ lộ cảm tình với Cộng Sản Việt nam. Trong khi ông ta loại trừ những tên Cộng Sản địa phương, xem họ như là kẻ làm tình báo cho Hà Nội và Bắc Kinh, thì ông ta coi chiến tranh Việt Nam đúng là cuộc chiến đấu của những người quốc gia chống lại sự bất công do chính sách can thiệp của ngoại bang. Như sau này ông ta viết trong hồi ký, ông ta nhắm mắt cho Việt Nam (CS) thiết lập các căn cứ dưỡng quân, bệnh viện và trung tâm tiếp liệu trong nội địa Cam Bốt. Ông ta cũng chấp thuận cho tàu bè Trung Hoa, Liên Sô, Tiệp Khắc, và các nước Xã Hội Chủ Nghĩa khác được cập bến Sihanoukville, đổ hàng xuống và từ nơi nầy được công khai vận chuyển tới biên giới Việt Nam sau khi giữ lại cho quân đội Cam Bốt một phần. (17)
Điều Sihanouk giúp Cộng Sản Việt Nam đặt căn bản trên tính toán sáng suốt là nắm trước những thời điểm tốt đẹp với những kẻ chắc chắn sẽ chiến thắng. Sau này Sihanouk nói: “Lý do tôi quyết định hợp tác với Việt Nam (CS) là làm cho Cộng Sản Việt Nam mắc Cam Bốt một món nợ, để sau này họ chẳng bao giờ dám đưa tay, mở mồm chống lại đất nước và dân tộc chúng tôi là ân nhân của họ”. (18)
Có lẽ Sihanouk cũng sợ Cộng Sản Bắc Việt chống ông ta nếu ông ta chống lại cuộc chiến đấu của họ. Sihanouk biết trước rằng Trung Hoa và Việt Nam là những nước sẽ chế ngự Châu Á sau khi Mỹ rút quân về. Tháng 8 năm 1963, Sihanouk cẩn trọng đặt mối quan hệ ngoại giao với Nam Việt Nam và một năm sau ông ta từ chối viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ cho Cam Bốt. Tháng năm 1965, Sihnouk cắt đứt quan hệ ngoại giao với Hoa Thịnh Đốn – một hành động được Hà Nội và Bắc Kinh ca ngợi. Cũng năm này, tháng Sáu, Sihanouk hỗ trợ cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam bằng viện trợ y tế. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Mười một năm 1965, ông ta tâm tình với người phỏng vấn ông rằng “Người Mỹ có thể giết 10 hay 20 triệu người Việt Nam, nhưng không chóng thì chầy họ buộc phải trả lại Việt Nam cho những người còn sống… Hoa Kỳ tự họ dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mà hậu quả thất bại sẽ không tránh được”.(19)
Việt Nam (CS) biết ơn sự giúp đỡ của Sihanouk, và cũng chẳng ai lạ gì hồi mùa hè 1965, Pol Pot bí mật thăm Hà Nội trên đường đi Bắc Kinh. Hà Nội khuyên Pol Pot ủng hộ chính sách chống đế quốc của Sihanouk. Nếu đảng Cọng sản Cam Bốt phát động cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chính quyền Sihanouk thì sẽ có hại cho chiến lược của Việt Nam (CS). Hà Nội không cho rằng điều này là phụ thuộc, mà coi cuộc chiến đấu của nhân dân Cam Bốt có tinh cách ích kỷ, hơn là nhu cầu của Việt Nam (CS) vì họ tin rằng tình hình Cam Bốt chưa đủ chín mùi để phát động đấu tranh giai cấp vũ trang. Hơn thế nữa, Hà Nội cho rằng chiến thắng ở Miền Nam Việt Nam cuối cùng sẽ tạo ra những điều kiện thành công lý tưởng cho cuộc chiến đấu chống lại chính quyền Sihanouk.
Cuộc chiến đấu vũ trang bắt đầu
Tuy nhiên, nhóm Pol Pot không tin những gì Việt Nam chủ trương. Thời gian 5 tháng khi Pol Pot ở lại Bắc Kinh hồi cuối năm 1965 và đầu năm 1966 – thời gian có cuộc cách mạng văn hóa chống đế quốc – chống bọn xét lại cực đoan đang diễn ra cao độ, hướng dẫn Pol Pot đi vào con đường đấu tranh vũ trang chống lại chế độ phong kiến, kẻ y đã liên minh. Ngay cả khi không có viện trợ công khai của Trung Hoa để chống Sihanouk – khi Trung Hoa càng lúc càng quan tâm tới liên minh Việt-Sô – cũng có thể ủng hộ Pol Pot theo một phương cách khác với Việt Nam (CS).(20)
Sau này, một cuốn “Sách Đen” nói rằng hồi năm 1966 cho thấy rõ là “có sự mâu thuẫn căn bản giữa cách mạng Cam Bốt và cách mạng Việt Nam. Việt Nam muốn đặt cách mạng Cam Bốt dưới sự chỉ huy của họ”. Có lẽ ý muốn nói là cách mạng Cam Bốt đặt ở mức độ ưu tiên thấp hơn mức độ Việt Nam tìm kiếm trong phong trào của người Khmer. Tuy nhiên, thực ra Hà Nội không muốn hoàn toàn làm mất lòng Khmer Đỏ và cũng có lẽ muốn đưa tay ngăn cản họ. Cuối cùng, Hà Nội thỏa thuận viện trợ huấn luyện và quân sự cho nhóm Pol Pot. Một viên chức cao cấp Cộng Sản Việt Nam đào thoát năm 1973 nói với các điều tra viên của Mỹ rằng hồi năm 1966 Việt Nam (CS) đã tổ chức một đơn vị gọi là P-36 để giúp đỡ Cộng Sản Cam Bốt. Ngay trước khi Sihanouk bị lật đổ năm 1970, P-36 báo cáo đã huấn luyện cho người Khmer và nhóm thiểu số người Việt sinh sống ở Cam Bốt. (21)
Cũng không rõ là đúng hay sai, bộ phận P-36 bí mật này giữ vai trò gì trong thời gian đầu của cuộc nổi dậy ở Cam Bốt.
Tiếp sau cuộc nổi dậy của nông dân chống lại việc chiếm đất – cuộc nổi dậy nầy được đoàn thanh niên chính thức ủng hộ – hồi tháng Ba và tháng Tư năm 1967 ở Samlaut, Pol Pot quyết định thành lập Quân Đội Cách Mạng để bắt đầu cuộc chiến đấu vũ trang chống lại chế độ Sihanouk. Ngày 17 tháng Giêng/1968, du kích Khmer Đỏ tổ chức các cuộc phục kích, bắt cóc, ám sát rời rạc lực lượng và viên chức chính phủ. Mặc dù Đảng Cộng Sản Việt Nam hết sức bối rối và mệt mỏi vì sự phát triển này, Sihanouk, chẳng biết gì về những rạn nứt có tính cách chiến thuật giữa hai Đảng Cộng Sản, liền đổ lỗi cho Hà Nội và Bắc Kinh khuyến khích cuộc xung đột. Một sử gia hàng đầu của Phong Trào Cộng Sản Cam Bốt viết “Đảng Cộng Sản Cam Bốt càng thắng lợi thì càng bất lợi cho con đường tiếp vận và vùng đất thánh của Việt Nam (CS) ở trong lãnh thổ Cam Bốt. Dù thế nào đi nữa, Việt Nam (CS) cũng đã cố gắng làm suy giảm cuộc đấu tranh của Đảng Cộng Sản Cam Bốt và chắc chắn đã làm gia tăng căng thẳng và ngờ vực giữa hai đảng này”. (22)
Sihanouk đáp ứng cuộc nổi dậy của nông dân bằng cách tăng cường đàn áp phái Tả, kết quả là làm cho tình hình chính trị trở nên phổ quát hơn. Những nhà kinh tế tốt nghiệp ở đại học Sorbonne, Khieu Samphan và Hou Youn và những trí thức Cộng Sản khác như Hu Nim, – ông này đã hoạt động lâu năm trong hệ thống chính quyền của Sihanouk -, trốn vào rừng. Mặt khác, những nhà chính trị hữu phái, các tướng lãnh, những người chống lại chính sách chống Mỹ của Sihanouk, và trong trường hợp riêng lẽ, chống lại việc khước từ viện trợ Mỹ của Sihanouk năm 1963, buộc ông ta chịu trách nhiệm về sự hiện diện các vùng đất thánh của Việt Cộng ở Cam Bốt và mối đe dọa đang gia tăng của Đảng Cộng Sản Cam Bốt. Tới năm 1968, Sihanouk thêm nghi ngờ có sự giúp đỡ của Trung Hoa. Sự quá độ của cách mạng Văn Hóa Trung Hoa tạo ra xáo trộn có mức độ ở Cam Bốt, làm Sihanouk giao động. Nếu Trung Hoa không còn tôn trọng người giữ ngôi vị lãnh đạo quốc gia của họ, Lưu Thiếu Kỳ, vì lý do lý thuyết, thì Sihanouk lo lắng hiểu rằng làm thế nào ông có thể bảo đảm được số phận của chính ông. (23) Sihanouk cũng lo lắng việc Việt Cộng gia tăng xử dụng lãnh thổ của Cam Bốt. Quân số Mỹ gia tăng ở Việt Nam dưới thời kỳ Tổng Thống Lyndon Johnson khiến ông phải xét lại quan điểm của ông trước kia cho rằng sự chiến thắng của Cộng Sản là không thể nào tránh được. Sihanouk không những thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Hoa Thịnh Đốn năm 1969 mà còn vội vàng báo cho Hoa kỳ biết rằng ông ta “sẽ nhắm mắt lại” nếu Mỹ đánh bom các vùng đất thánh của Cộng Sản tại nơi không có đông dân cư ở Cam Bốt.(24)
Việc Sihanouk bày tỏ sự nễ trọng trước sức mạnh của Mỹ chỉ nhằm giúp củng cố vị thế Tướng Lon Nol và ông Hoàng Sirik Matak, lãnh tụ khối đối lập Không Cộng Sản, thấy rằng điều họ chỉ trích Sihanouk là đúng hoàn toàn. Kinh tế suy sụp nghiêm trọng làm cho mọi việc thêm phức tạp. Trong tình hình căng thẳng hồi mùa Xuân năm 1970, những người thuộc cánh hữu tìm được cơ hội lý tưởng để chống lại Sihanouk và sách lược của ông nầy tìm bảo đảm từ phía Việt Cộng và Bắc Việt Nam. Sự lo lắng của những người thuộc cánh hữu trùng hợp khít khao với mối quan tâm của Mỹ về việc quét sạch các vùng đất thánh trong lãnh thổ Cam Bốt để đạt thắng lợi ở Nam Việt Nam. Mặc dù không có chứng cớ chắc chắn cho thấy các viên chức cao cấp Mỹ có liên hệ trực tiếp âm mưu chống lại Sihanouk, Hoa Thịnh Đốn cũng biết trước âm mưu lật đổ Sihanouk và họ chẳng làm gì để ngăn chận. Trong khi Hoa Kỳ hoan hô việc Sihanouk kín đáo giúp chống lại Cộng Sản Việt Nam, sự xung khắc với ông quá sức mãnh liệt khiến Hoa Kỳ phải can thiệp vào Cam Bốt. Cuối cùng, một cách trung thành, nhóm chống Việt Nam (CS) và thân Mỹ chống Sihanouk ra tay. Một cựu nhân viên phân tích CIA, Frank Snepp viết rằng: “Chúng tôi xoa tay và nắm lấy cơ hội”. (25).
Tại Phnom Pênh, giữa các cuộc biểu tình hỗn loạn của sinh viên chống Việt Nam (CS) và lục phá Tòa Đại Sứ Bắc Việt, quốc hội do cánh hữu chiếm đa số đã truất phế Sihanouk (18 tháng Ba/1970), trao quyền cho Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Quốc Phòng Lon Nol. Lúc này, Sihanouk đang trên đường từ Mạc Tư Khoa về Bắc Kinh. Nơi này trở thành ngôi nhà thứ hai của ông.
Cuộc đảo chánh chống Sihanouk đe dọa phe Tả ở Cam Bốt cũng như vùng đất thánh và đường tiếp tế của Việt Cộng. Bằng một hành động, nhóm đảo chánh đẩy Khmer Đỏ và Cộng Sản Viêt Nam trở thành một thứ liên minh khập khểnh chống lại kẻ thù chung: Chính quyền Lon Nol do Mỹ hỗ trợ. Điểm then chốt quan trọng của liên minh này là việc truất phế Thái Tử Sihanouk. Trong khi Khmer Đỏ cần đến tên tuổi ông ta để khoác cái áo chính danh với quốc tế và lôi kéo sự ủng hộ của nông dân trong nước thì phía Việt Nam (CS) thấy ông ta không những chỉ là cái cột trụ để chống lại Hoa Kỳ và Lon Nol mà còn là một sự bảo đảm chống lại việc cai trị của nhóm Pol Pot.
Ngược lại, thái độ Trung Hoa mơ hồ hơn. Sihanouk phủ nhận lý lẽ – do Hà Nội đưa ra một cách mạnh mẽ, có thêm phân tích Tây Phương – ban đầu Trung Hoa lưỡng lự ủng hộ ông ta. Sihanouk nói: “Từ lần gặp gỡ đầu tiên (ngày 19 tháng Ba) tại nơi tôi cư trú, Chu Ân Lai và tôi đã thỏa thuận sự việc do bọn phản loạn tạo ra không bao giờ được chấp thuận và tính chất “hợp pháp” của chế độ Khmer mới này sẽ bị chống tới cùng”. Tuy nhiên, Chu đã không có cố gắng nào để thúc đẩy Sihanouk bắt tay với Khmer Đỏ. Theo Sihanouk, ông ta có mang một bức thư của Chủ Tịch Mao, thư nói rõ rằng:
“Bắc Kinh cẩn thận xem xét bất cứ quyết định nào của thái tử. Nếu ông ta muốn kết thúc sự nghiệp chính trị của ông do cuộc đảo chánh ngày hôm qua, Trung Hoa sẽ tôn trọng quyết định đó, nhưng nếu Sihanouk quyết định lãnh đạo phong trào giải phóng quốc gia kháng chiến chống Mỹ để giành lại Cam Bốt, Trung Hoa sẽ ủng hộ Thái Tử Sihanouk và sẽ dành cho ông ta tất cả những gì có thể giúp được.” (26)
Sihanouk giải thích có vẽ thiên lệch như là tại sao Bắc Kinh vẫn còn một thời gian duy trì liên hệ với chế độ Lon Nol. Rõ ràng Trung Hoa không muốn cắt đứt quan hệ với Phnom Pênh mà không chắc rằng việc chống đối bằng vũ lực sẽ được thực hiện. Đặc biệt, cuộc đảo chánh đã xảy ra vào lúc, – do hậu quả xung đột vũ trang với Liên Sô -, Bắc Kinh đang tìm cách cải thiện bang giao với Hoa Thịnh Đốn. Trung Hoa thấy rằng dính dáng đến cuộc chiến tranh chống Lon Nol chỉ làm cho mối quan hệ với Mỹ thêm u ám.
Về sau, Việt Nam (CS) tuyên truyền rằng Bắc Kinh đã thông đồng với Lon Nol để ngăn không cho Việt Cộng thắng lợi ở miền Nam. Tuy nhiên, phát ngôn viên chính thức của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Hoàng Tùng, vào hồi tháng Ba/1970 nói với tôi, rằng Trung Hoa không ưa gì Sihanouk vì Sihanouk phê bình Mao trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Tùng nói: “Và mấy ông bạn Cộng Sản của chúng tôi ở Cam Bốt nuôi dưỡng lòng thù địch Sihanouk vì hành động tàn sát Cộng Sản của ông này. Trong khoảng 1955 đến 1965, Sihanouk đã giết rất nhiều cán bộ Cộng Sản… (27) Khi Sihanouk đang ở Bắc Kinh (3/1970), Chu Ân Lai cũng như Pol Pot chẳng có ai đề nghị Sihanouk đứng về phe kháng chiến. Chính là chúng tôi, chúng tôi có sáng kiến ấy”. Phạm Văn Đồng (người lãnh đạo một phái đoàn Việt Nam (CS) bí mật thăm Bắc Kinh ba ngày sau khi có cuộc đảo chánh) thuyết phục Chu Ân Lai, trong khi Phạm Hùng (một thành viên bộ chính trị đi theo Đồng, ông này trước 1970 vẫn giữ quan hệ mật thiết với Khmer Đỏ) thì thuyết phục Pol Pot.
Sihanouk xác nhận rằng ông ta được Đồng nồng nhiệt ủng hộ. Ngày 23 tháng Ba, – một ngày sau khi Sihanouk họp rất lâu với Đồng -, Sihanouk kêu gọi kháng chiến vũ trang. Trong một bức thư viết tay gởi cho thái tử vào ngày hôm sau, khi rời Bắc Kinh, Đồng nói rằng “nhân dân Việt Nam có tình hữu nghị sâu xa với nhân dân Cam Bốt, ngưỡng mộ và kính trọng Ngài, chính sách của Ngài và công cuộc đấu tranh do Ngài lãnh đạo trong vai trò người đứng đầu nhân dân Cam Bốt anh hùng”. (28) Năm năm sau những cuộc họp đó, các nhà lãnh đạo Hà Nội và Sihanouk có quan hệ mật thiết với nhau trong nồng ấm và nhiệt tình.
Trong những ngày Đồng đề nghị giúp đỡ Cam Bốt, các đơn vị quân Việt Cộng tiến về các làng mạc phía Đông Cam Bốt, phân phát truyền đơn và phát thanh lời kêu gọi của Sihanouk. Cảm tình với Sihanouk của nông dân đã làm cho hàng trăm người tham gia các đơn vị do Việt Nam (CS) trang bị và huấn luyện, biến họ thành một lực lượng quân sự Sihanouk, gọi là Khmer Rumdo (Khmer Giải Phóng). Các huấn luyện viên Bắc Việt Nam cũng thiết lập các trường quân sự tại tỉnh Kratié ở phía Đông Bắc để huấn luyện cho những tân binh này. Dưới cái Sihanouk gọi là “hậu quả hiển nhiên và mộc chắn anh dũng” do Bắc Việt Nam tạo ra, lực lượng kháng chiến Khmer phát triễn từ 4 ngàn người hồi tháng Ba/1970 lên tới 30 ngàn năm 1975. Pháo binh Việt Nam (CS), xe tăng và các sư đoàn bộ binh tấn công tiêu hao các chiến dịch quân sự của Lon Nol nhắm mục đích giảm thiểu các thành phố đang bị Khmer Đỏ bao vây. Tới cuối năm 1972, khi các đơn vị Khmer Đỏ và Khmer Rumdo bắt đầu tự hoạt động lấy, thì quân đội thường trực Bắc Việt Nam đánh vở hậu tuyến quân đội Lon Nol và một khu vực rộng lớn ở Cam Bốt đã nằm dưới quyền kiểm soát của quân kháng chiến.
Liên minh thuốc độc
Chính sự thành công của cuộc kháng chiến nói lên được mối liên minh giữa Hà Nội và Đảng Cộng Sản Cam Bốt vào thời kỳ đầu. Mặc dầu có sự cải thiện bề ngoài, sau tháng Ba/1970, nhóm Pol Pot vẫn dè dặt đối với Việt Nam. Trong hồi ký của Sihanouk, ông mô tả thời kỳ 1970, 71 khi các bộ trưởng Chính Phủ Kháng Chiến Khmer viếng thăm Hà Nội, nói với nhau về “Youn đạo đức giả” (Youn = Bọn dã man # Việt Nam- chú thích của nd) và “nhân dân Khmer cần phải coi chừng tham vọng bá chủ của Bắc Việt Nam sau khi họ chiến thắng xâm lược Mỹ và Lon Nol phản bội”. Bởi tai vách mạch rừng, Sihanouk bị châm biếm chua cay, khi những lời này được báo cáo cho Tướng Võ Nguyên Giáp. Vào ngày hôm sau, khi nói chuyện với Sihanouk, Giáp nổi giận. Giáp nói với Sihanouk rằng những người lãnh đạo có “dấu hiệu chống Việt Nam (CS), ngay tại Hà Nội này, đã xúc phạm chúng tôi vô cùng, bởi vì mỗi ngày chiến sĩ của chúng tôi, rời xa quê hương thân yêu, từ bỏ gia đình thân yêu, chiến đấu và hy sinh trên mãnh đất Cam Bốt anh chị em, sát cánh chống kẻ thù chung, để cứu giúp và giải phóng Cam Bốt, đất nước của Ngài”. Những lời nói chi li của Giáp bùng nổ như vậy là nhắm vào những lời nói và hành động xảy ra trong nhà khách ở Hà Nội, và cũng do từ thất vọng mà Việt Nam (CS) quá kinh nghiệm với Khmer Đỏ. Trong những cuộc thương thảo với Lê Duẫn ở Hà Nội hồi tháng Tư/1970, Pol Pot bác bỏ đề nghị của Việt Nam thành lập một bộ chỉ huy quân sự hỗn hợp. Trong hai năm 1970-71, mặt trận Khmer mới hình thành đã giành chính quyền từ tay Việt Cộng tại các làng mạc mới giải phóng. Năm 1971, mối quan hệ giữa binh lính Khmer Đỏ và Việt Nam (CS) trở nên căng thẳng. Hồi năm 1978, Khmer Đỏ tố cáo – nhưng không trưng bằng chứn g- rằng Việt Nam (CS) âm mưu đầu độc Pol Pot trong một cuộc họp ở Hà Nội hồi tháng Mười một/1970. Tuy nhiên, lời tố cáo mơ hồ ấy rõ ràng phản ảnh sự căng thẳng hiện đang tồn tại. Theo một bản báo cáo của CIA hồi tháng Chín/1970, quân Khmer Đỏ nổ súng vào quân Cộng Sản Việt Nam từ phía sau trong khi lực lượng này đang tấn công quân đội Lon Nol tại Kompong Thom.(29)
Nguyễn Thị Cư, một người Việt Nam sống sót sau khi Khmer Đỏ tấn công vào Tây Ninh là một trong hàng ngàn người Việt Nam sống ở Cam Bốt chạy trốn khỏi vùng Khmer Đỏ năm 1972. Gia đình bà ta từ Bắc Việt vào làm phu đồn điền cao su Pháp ở Chup (Cam Bốt). Chồng và hai người em trai theo Việt Cộng hồi cuối thập niên 60 và sau khi Sihanouk bị lật đổ thì họ tiếp xúc với Khmer Đỏ. Từ cuối năm 1971, – như bà ta kể với tôi hồi năm 1978 – Khmer Đỏ bắt đầu quấy rối người Việt Nam ở trong đồn điền và không bán gạo cho họ nữa. “Quân giải phóng Việt Nam cố gắng bảo vệ chúng tôi, nhưng càng lúc càng khó khăn. Vì vậy năm 1972, người em ở bộ đội của gia đình tôi giúp chúng tôi trốn khỏi Cam Bốt”.
Sự căng thẳng âm ỉ giữa Việt Nam (CS) và Khmer Đỏ tạo ra cuộc khủng hoảng hồi cuối năm 1972 khi – ở giai đoạn cuối của cuộc thương thuyết hòa bình giữa Mỹ và Việt Nam (CS) tại Paris, – có cố gắng nhằm đưa Khmer Đỏ nói chuyện với Lon Nol. Henry Kissinger nói rằng yêu cầu này phải được gởi tới cho lãnh tụ Khmer Đỏ trong các cuộc họp bí mật hồi cuối 1972, và lần cuối cùng, từ ngày 24 đến 26 tháng Giêng/1973 trong lần gặp giữa Phạm Hùng, ủy viên Bộ Chính Trị và Pol Pot. Đề nghị này bị từ chối một cách khinh miệt. Pol Pot thấy rằng tình hình quân sự có thể đưa tới chiến thắng mau lẹ từ khi chế độ Lon Nol bị cô lập và bị mất tín nhiệm, đang thở hơi cuối cùng. Việt Nam (CS) cảnh cáo Khmer Đỏ cho rằng việc từ khước của họ sẽ bị Hoa Kỳ trừng phạt nặng nề như đã từng thấy. Sau đó, trong cuốn “Sách Đen” nói rằng Việt Nam đã tới đường cùng và muốn tạm ngưng chiến, nhưng họ không muốn cuộc kháng chiến của người Cam Bốt đạt tới thắng lợi bởi vì rồi ra Cam Bốt không thể nào trở thành một vệ tinh của Việt Nam được.(30)
Nhưng việc trừng phạt thì Việt Nam nói đúng. Không ràng buộc vào nhiệm vụ trong phần còn lại của chiến trường Đông Dương, các pháo đài bay Mỹ đã thả 257 ngàn tấn bom xuống Cam Bốt trong khoảng thời gian từ tháng Hai đến tháng Tám/1973, hơn một nửa số bom Mỹ đã thả xuống Nhật Bản trong Thế Chiến Thứ II. Một số lớn dân chúng thương vong. Bốn năm sau, ngồi trong ngôi nhà hình dạng như cái pháo đài, Tòa Đại Sứ Cam Bốt Dân chủ ở Hà Nội, In-Sivouth cay đắng nhắc lại “Việt Nam phản bội” khi họ ký hiệp định hòa bình riêng rẽ với kẻ thù, để Hoa Kỳ trực tiếp đổ cơn thịnh nộ xuống Cam Bốt. Lời tố cáo này là một ví dụ cổ điển về định kiến chủng tộc và tình cảm thù địch có tính lịch sử do nhóm Pol Pot dẫn đầu, nhằm đổ tội cho Việt Nam về tất cả những điều bất hạnh của họ. Rõ ràng các nhà lãnh đạo Hà Nội chẳng quan tâm gì nhiều tới cuộc chiến đấu của nhân dân Cam Bốt khi cuộc chiến đấu nầy không nằm trong mục đích của họ. Bên cạnh đó, những nhà lãnh đạo Khmer Đỏ cũng chẳng có nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam thống nhất đất nước. Cũng khá mai mĩa nếu như thỏa hiệp hòa bình với Việt Nam (CS) làm cho Mỹ rảnh tay ở Cam Bốt, mặc nhiên mở cuộc ném bom. Theo Kissinger, Chu nói là ai “cần hành động quân sự của chúng tôi ở Cam Bốt vì hậu quả chính sách của họ thì hầu như chúng tôi đã làm rồi”. Việc Mỹ bỏ bom, theo ông ta là một chút tranh cải để có được liên minh Trung Hoa-Khmer Đỏ chấp thuận ngồi lại thảo luận với Sihanouk xem ông nầy là người lãnh đạo.”(32)
Bảy tháng sau, khi Khmer Đỏ từ chối nói chuyện với Lon Nol và đạt được nhiều tiến bộ quân sự đáng kể, Chu vẫn còn chú tâm đến việc thương thảo với Lon Nol. Thất bại trong việc thuyết phục Khmer Đỏ tới bàn hội nghị, tháng 2/1973, Việt Nam (CS) đề nghị Kissinger nói chuyện với Sihanouk. Tám năm sau, khi viết về việc này, Kissinger cho hay đã loại bỏ đề nghị của Việt Nam (CS) như là một sự “đột ngột” nếu so với quan tâm của Chu là đưa Sihanouk trở lại cầm quyền. (33) Tuy nhiên, có chứng cớ đầy đủ là Việt Nam (CS) đã nghiêm nghị xem xét lá bài Sihanouk, và trong bất cứ trường hợp nào họ cũng rảnh tay hơn Chu để đối phó với Khmer Đỏ.
Tuy nhiên, vài nhà quan sát nghi ngờ việc Chu thật sự muốn thái tử trở lại cầm quyền hoặc Chu chỉ muốn xử dụng uy tín của Sihanouk trong dân chúng Cam Bốt và trên trường quốc tế để bảo đảm chiến thắng cho Khmer Đỏ, đồng minh lý tưởng của Trung Hoa. Cũng có thể có khả năng vị thủ tướng bệnh hoạn gần qua đời này, người đã từng đối đầu sự chống đối mạnh mẽ của nhóm cực đoan do Giang Thanh, vợ của Mao – lãnh đạo. Năm 1973 sự căng thẳng càng khích lệ Sihanouk chống lại Khmer Đỏ. Vào cuối năm 1974, khi Pháp thực hiện một nhiệm vụ ngoại giao bí mật hợp tác với Hoa Thịnh Đốn nhằm giành lại quyền hành cho Sihanouk giữ vai trò lãnh đạo một liên minh rộng lớn, Trung Hoa quyết định bằng một thái độ nước đôi. (34)
Dù thái tử vẫn tỏ lòng cám ơn tình bạn của Chu và bảo vệ thái tử chống lại Khmer Đỏ, trong những lúc nghi ngờ như một lần ông ta nói với tôi với vẽ buồn bả: “Tôi nghĩ Trung Hoa biết rõ ngay từ đầu Khmer Đỏ muốn loại trừ tôi”. Trong suốt cuộc nói chuyện trong ngôi nhà sang trọng của ông ở Bắc Kinh hồi tháng Tư/1980, ông ta hồi tưởng những năm sau khi bị lật đổ. Đầu năm 1971, Sihanouk tiếp tục yêu cầu Chu buộc Khmer Đỏ đưa ông ta về thăm vùng giải phóng ở Cam Bốt. Trong cuộc sống lưu vong ở Bắc Kinh, ông ta lý luận là ông ta ít được quốc tế tin ông là người đứng đầu chính phủ kháng chiến. Nhưng lời yêu cầu của ông ta vô ích. Sihanouk nói: “Điều xúc phạm tôi chút ít là ngay từ đầu, Trung Hoa chẳng ủng hộ chút nào cả (trong cố gắng đi thăm Cam Bốt)”. Chu từ chối việc Sihanouk muốn thực hiện chuyến đi, nói rằng nguy hiểm. Con đường độc nhất đi vào vùng giải phóng Cam Bốt là phải qua đường mòn Hồ Chí Minh – mục tiêu bị đánh bom thường xuyên – Sau khi Hiệp Nghị Paris ký kết, Sihanouk hỏi Ieng Sary (Ông này sống ở Bắc Kinh từ tháng Tám/1971 đến tháng Tư/75, giữ nhiệm vụ liên lạc với Đảng Cộng Sản Trung Hoa và cũng là một tên chó săn theo dõi ông hoàng bất thường này) là bây giờ ông ta có thể về thăm quê hương được không?! Câu trả lời cụt ngủn là “Không”. Sihanouk cố gắng tìm cơ may thêm một lần nữa với Hà Nội. Từ khi ông ta cư ngụ ở Bắc Kinh, mỗi năm, nhằm dịp Tết Âm Lịch, ông ta thường đi Hà Nội. Đây cũng là cách ông hoàng muốn tỏ tình đoàn kết với Việt Nam. Trong dịp Tết hồi tháng Hai/1973, Sihanouk yêu cầu Phạm Văn Đồng can thiệp với Khmer Đỏ. Ông ta nói: “Ông có cách gây áp lực với Khmer Đỏ. Họ không thể tiếp tục chiến đấu nếu ông không vận chuyển tiếp liệu của Trung Hoa cho họ”. Đồng nói với Khmer Đỏ rằng “Sihanouk phải trở về Cam Bốt, bằng không ông ta không thể đại diện đất nước ông, có đủ danh dự và tư cách tại cuộc họp ở Alger”. Sau đó, Đồng họp rất lâu với Ieng Sary, thảo luận với ông nầy về khả năng để cho ông hoàng về thăm vùng giải phóng nhưng Ieng Sary vẫn không nhúc nhích. Cuối cùng, Đồng nói với Trung Hoa. Và thành công. Sihanouk kể lại: “Sau khi tôi trở về Trung Hoa, Ieng Sary nói với tôi rằng tôi được phép về nội địa (đi thăm Cam Bốt). Đó là sự thành công của Đồng”. (35)
Chuyến trở về lịch sử của Sihanouk xảy ra ba năm sau khi ông ta bị lật đổ. Do áp lực của Hà Nội, có thể chuyến đi ấy tốt đẹp. Tuy nhiên, chuyến đi đó cũng cho Sihanouk thấy sự căng thẳng đang gia tăng giữa Khmer Đỏ và cái gọi là đồng chí Việt Nam. Tháng Ba/1973, trên chuyến bay Antonov 26 của không quân Việt Nam (CS), ông hoàng bay từ Hà Nội tới Đồng Hới ở cuối Bắc Việt Nam. Nguyễn Thương, đại sứ đặc nhiệm tháp tùng Sihanouk tới Cam Bốt, và dĩ nhiên cả “cái bóng” của ông ta: Ieng Sary, và bà hoàng Monique, đi dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh bằng xe “command car”. Trong một tháng ròng ở vùng Khmer Đỏ kiểm soát phía bắc và đông bắc Cam Bốt, ông ta nghe những lời tố cáo Việt Nam (CS) cố gắng diệt trừ Khmer Đỏ từ trong trứng nước. Son Sen nói với ông ta: “Lính Việt Nam ăn cắp, hãm hiếp phụ nữ, thiết lập căn cứ bên trong nội địa Cam Bốt mà không được phép, bắt người Khmer phục vụ như là thành phần trừ bị trong quân đội Việt Nam và cướp hàng tiếp liệu của Trung Hoa viện trợ cho Cam Bốt”. Khiêu Samphan thì nói với ông ta Việt Nam đang chuẩn bị đưa một chính phủ lên cầm quyền ngụy danh chính phủ Cam Bốt nhưng thực sự là nô lệ Việt Nam.
Trong khi Sihanouk nghe những tiết lộ bí mật về các đồng chí Việt Nam, Pol Pot, người theo dõi ông hoàng trong bóng tối, và các bạn của ông ta có thể thấy sự nhẫn nhịn của nhà cai trị đã bị truất phế nầy. Mặc dù có sẵn một bức tường an ninh bao quanh Sihanouk, trong những cuộc họp với dân chúng, chẳng có sai lầm nào về lòng trung thành và tình cảm mà ông hoàng đã tạo nên trong dân chúng. Vừa khi ông hoàng kết thúc chuyến thăm viếng, nhóm Pol Pot đưa ra một chiến dịch phỉ báng Sihanouk, tăng cường loại trừ ảnh hưởng Việt Nam (CS). Những phần tử cán bộ Khmer Đỏ theo Sihanouk, hoạt động lâu năm trong dân chúng, bắt đầu bày tỏ mặt thực của họ bằng cách thóa mạ ông hoàng trong các cuộc họp công cộng: “Trước kia, tất cả chúng tôi (Khmer Đỏ) nói rằng “Chúng trôi muốn Sihanouk”, bây giờ thì không còn nữa.” Năm 1973, một người tị nạn nói: “Trước kia, ông có thể nói bất cứ gì về Sihanouk, nhưng bây giờ ông không thể đưa ra một bức hình của Sihanouk”. Không ai dám thắc mắc chính sách này, người tị nạn ấy giải thích: “Bởi thắc mắc có nghĩa là chết”.(36) “Họ chuẩn bị một ngày cho đảng, không phải là ngày cho Sihanouk lên cầm quyền. Giữa năm 1973, để mở rộng phần lãnh thổ và kinh tế do đảng kiểm soát, đất tư hữu và việc dùng tiền bị bải bỏ, thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Các thương gia, ngư dân Việt Nam bị đuổi ra khỏi Cam Bốt. Những cư dân Việt Nam vẫn còn ở lại Cam Bốt được tập trung vào các hợp tác xã mà theo Sihanouk, “mau lẹ trở thành các trại tập trung”.
Các bản tường trình hồi cuối năm 1973 nói về các cuộc đụng độ giữa Khmer Đỏ và Khmer Rumdo bắt đầu xì ra. Một tỉ dụ là hồi tháng 11/1973, một cuộc chạm súng xảy ra ở tỉnh Kandal sau khi Khmer Rumdo từ chối lời yêu cầu của Khmer Đỏ biểu ngưng hợp tác với Việt Cộng và Bắc Viêt Nam. Kem Quinn, một viên chức Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Cần Thơ báo cáo về Hoa Thịnh Đốn ngày 24 tháng 2/1974 “Khmer Rumdo được Việt Cộng và quân Cộng Sản Bắc Việt yễm trợ giết 42 tên KK (Khmer Krom hay Khmer Đỏ) và đánh đuổi số còn lại. Từ đó Khmer Rumdo và Khmer Đỏ vượt qua sông Mekong, xâm nhập lãnh thổ của nhau.” (37)
Năm 1974, Khmer Đỏ gia tăng chính sách kinh tế triệt để, – hợp tác xã nông nghiệp và thủ tiêu thương nghiệp – bắt đầu thanh trừng những phần tử chống đối thật sự hay bị nghi ngờ chống chính sách này. Tháng Tám/1974, bảy mươi mốt cán bộ được Hà Nội huấn luyện ở vùng phía đông Cam Bốt được “tập trung học tập”, qua đó, họ bị khiển trách nghiêm khắc nên phải trốn qua phía Việt Nam (CS). Mười người mất tích. Số còn lại bị bắt, bị cưỡng bức lao động có giám sát. Một người trong bọn họ, Hem Samin, bây giờ có lẽ là người sống sót độc nhất trong nhóm họ, trốn qua được Việt Nam. Tại vùng tây nam Cam Bốt, 91 cán bộ từ Hà Nội về đã bị hành quyết hồi tháng 9/1974.(38) Một trong những người sống sót, Yos Por, trốn thoát và chạy qua phía Việt Nam. Cả Samin lẫn Por sau này trở thành những người lãnh đạo được Hà Nội hỗ trợ chống lại Pol Pot.
Hiệp Định Paris năm 1973 cũng đánh dấu thời kỳ Khmer Đỏ bắt đầu tấn công các vị trí quân sự Việt Nam, bệnh viện, và các căn cứ bên trong nội địa Cam Bốt- Tấn công, theo cách giải thích của nhóm Pol Pot, là do sự hiểu lầm và vô kỷ luật của binh lính cấp dưới. Hai nhân viên của Cơ Quan Thông Tấn Xã Việt Nam bị giết vì “sai lầm” trong khi họ thăm viếng tỉnh Kompong Cham hồi tháng 10. Tháng 2/1975, toàn bộ một nhóm cán bộ văn hóa của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam đã bị phục kích chết trong khi họ từ Mỹ Tho vòng qua biên giới Cam Bốt để đến vùng giải phóng thuộc tỉnh Tây Ninh. Khi những nhà lãnh đạo Việt Cộng yêu cầu giải thích, phía Cam Bốt trả lời là do binh lính vô kỷ luật thực hiện. Năm 1973, Trần Thanh Xuân, phó giám đốc Việt Nam Thông Tấn Xã, nói với tôi là các viên chức khác, ít ra là ngang hàng với ông ta, chẳng ai nghĩ việc giết chóc này là hành động của Đảng Cộng Sản Cam Bốt. “Chúng tôi cho việc đó là thương vong không thể tránh được trong chiến tranh”. Tuy nhiên, cũng khó mà tin rằng những người trong Bộ Chính Trị hiểu rõ những gì đã xảy ra. Không muốn tranh cải với Pol Pot trong khi vẫn còn cần những an toàn khu trong nội địa Cam Bốt, Hà Nội giả vờ chấp thuận lời giải thích của Khmer Đỏ. Việt Nam (CS) tin rằng “đường hướng điều chỉnh” sẽ nổi lên từ nội bộ Cam Bốt, khước từ Chủ Nghĩa Chauvin của Pol Pot. Nhiệm vụ chính yếu của Hà Nội là chiếm miền Nam, không làm cho cuộc xung đột với “đồng minh bướng bỉnh” này thêm trầm trọng. Vì vậy, mặc dù có sự căng thẳng giữa hai bên, Việt Nam vẫn đi tới. Để đáp lại yêu cầu của Khmer Đỏ, họ gởi các đơn vị công binh và pháo binh tới để cuối cùng bóp chết Phnom Pênh.
Pol Pot cũng vậy, tiếp tục duy trì bề ngoài tốt đẹp với Việt Nam (CS). Ngày 3 tháng Mười/1974 ông ta viết một bức thư cám ơn đảng Cộng Sản Việt Nam, nhấn mạnh rằng “Sự thắng lợi chúng tôi đạt được là sự thắng lợi của tình đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau giữa đảng và nhân dân hai nước”. Những lời nói này được viết xuống sau khi hàng ngàn người Việt Nam bị đuổi ra khỏi Cam Bốt, các cán bộ do Hà Nội huấn luyện bị hành quyết, và các căn cứ của Viêt Nam bị tấn công. Những chữ viết khó hiểu cũng như những văn thư khác bao gồm cả những lời Pol Pot trấn an Lê Đức Thọ: “Tất cả chân thành từ đáy trái tim của tôi”, rằng ông ta vẫn luôn luôn trung thành với con đường đoàn kết vĩ đại, tình hữu nghị cách mạng giữa Cam Bốt và Việt Nam (39). Vì cần có sự cân bằng lực lượng bên trong nội bộ đảng Cọng sản Cam Bốt và vì tình hình địa phương hay quốc tế chưa cho phép mở tra những cuộc đối đầu với Việt Nam, ba năm nữa trôi qua trước cái ngày phải đến.
Bắc Kinh: Ra mắt
Đối với Phó Thủ Tướng Cam Bốt Dân Chủ Ieng Sary, bản tin ngày 13 tháng Mười/1976 giống như trên trời xanh rớt xuống. Ông ta thấy khó mà ở trong ngôi nhà khách ở Belgrade sau chuyến bay mệt mỏi từ Nữu Ước đến. Dusan Gaspari, giám đốc Á Châu Sự Vụ của Bộ Ngoại Giao Nam Tư và là người chính thức tiếp xúc với Ieng Sary ở Belgrade, mặt mày nghiêm nghị, đi vào phòng khách. Ông ta nói: “Thưa ngài, tôi được sai đến thông báo cho ngài hay tình hình đang diễn ra ở Trung Hoa: Bà Giang Thanh, các ông Trương Xuân Kiều, Diêu văn Nguyên, và Vương Hồng Văn đã bị bắt về tội phản đảng và phản quốc.” Về sau, Gaspari mô tả lại màu sắc hiện ra trên khuôn mặt choáng váng của Ieng Sary lúc ấy. Ieng Sary thì thào trong họng chỉ vừa đủ nghe: “Không! Không thể có được! Họ là những người tốt”. (1)
Từ mùa thu năm 1971, khi Ieng Sary tới Bắc Kinh, làm đại diện cho đảng Cộng Sản Cam Bốt bên cạnh Đảng Cộng Sản Trung Hoa, y là bạn của những phần tử cực đoan này. Những người trẻ thường gây bất hòa này đã trở nên nổi tiếng trong những ngày xáo trộn của cuộc Cách Mạng Văn Hóa khi Mao gọi Hồng Vệ Binh “oanh tạc vào các cơ quan đầu não” của Đảng Cộng Sản Trung Hoa và loại trừ bọn xét lại. Một người đặc biệt, Diêu Văn Nguyên, từ trong bóng tối tiến lên, từ một nhà phân tích văn chương ở Thượng Hải, đạt tới ngôi vị trong Bộ Chính Trị năm 1969, trở thành một người bạn rất thân của Ieng Sary. Ngoài những quan điểm khác, họ chia sẻ với nhau lòng ghét bỏ Sihanouk, coi ông này như là tên phản động hoạt đầu.(2) Tình bạn này đặc biệt có giá trị vì Diêu là người điều hành Ủy Ban Ngoại Vụ Cơ Quan Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Hoa. Các lãnh tụ Khmer Đỏ biết chắc họ được giúp đỡ vì chủ trương cực đoan của họ bao lâu Diêu còn là người thi hành chính sách đảng.
Việc bắt người bạn thân nhất của Sary và đồng bọn, như sau này Sary biết, xảy ra hai ngày sau khi Sary rời Bắc Kinh đi Nữu Ước để dự Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc họp hàng năm. Đêm 6 tháng Mười, ba tuần sau khi Chủ Tịch Mao qua đời, đơn vị quân sự đặc biệt 2341, dưới quyền chỉ huy của người cựu cận vệ của Mao, Uông Đông Hưng, mau lẹ bao vây ngôi nhà vợ góa của Mao và ba người đồng sự của bà. Tên của họ, chẳng bao lâu được tập hợp lại dưới cái tên chung là “bè lũ bốn tên”. Quyền Thủ Tướng Hoa Quốc Phong và bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Tướng Dương Thượng Côn, người âm mưu hành động với Uông chỉ huy cuộc hành quân vào lúc chương trình TV đang phát hình.
Tuy nhiên, khoảng thời gian ba ngày khi Sary ghé lại Bắc Kinh và thời gian ông ta nói chuyện với Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Hoa Kiều Quán Hoa, Sary chẳng biết gì về âm mưu đó ở Bắc Kinh cả. Chỉ hai ngày trước, trước khi ông ta rời Nữu Ước để đi Belgrade, Sary là khách danh dự của một bữa tiệc do Kiều tổ chức. Mặc dù cũng là một người bạn của “bè lũ bốn tên”, Kiều chẳng hé lộ chút vào về biến cố này. Bây giờ, bỗng nhiên, đất dưới chân Sary tuồng như sụp đổ.
Trong ít lần thăm viếng vừa qua ở Bắc Kinh, qua Giang Thanh, Sary biết cái chết của Mao đã gần kề. Đối với nhóm cực đoan, mọi sự sẽ không suông sẻ. Sau cái chết của Thủ Tướng Chu hồi tháng Giêng/1976, nhóm cực đoan được Mao hỗ trợ, loại trừ việc Mao bao che Đặng Tiểu Bình, con người thực dụng. Nhưng rõ ràng Mao không muốn Giang Thanh và phe nhóm của bà kế tục ngôi vị. Ông ta không biết gì vai trò ứng viên của Trương Xuân Kiều, đứng đầu nhóm lý thuyết của những người này. Và ông đã chọn Hoa Quốc Phong, thuộc cánh tả của đảng CS, đang đảm trách Bộ Công An làm quyền thủ tướng. (3) Sau khi Mao chết, Hoa cũng nắm chức vụ chủ tịch Đảng Cộng Sản. Rõ ràng những người trong Đảng Cộng Sản Cam Bốt như Pol Pot và Ieng Sary rất quan tâm đến cái chết của Mao, sợ cái chết đó sẽ làm nghiêng cán cân về phía hữu. Trước khi rời Phnom Pênh ngày 30 tháng Chín để đi Nữu Ước, Sary giúp thảo một bức điện chào mừng quyền thủ tướng Hoa nhân dịp Quốc khánh Trung Hoa. Bức điện ca ngợi cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Trung Hoa và thành công của Đảng Cộng Sản Trung Hoa đập nát bọn “chống Chủ Nghĩa Xã Hội và bộ chỉ huy phản cách mạng Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình”. Cái ý bao hàm của bức điện là Đảng Cộng Sản Cam Bốt hoan hô Hoa nối dài con đường cách mạng tả phái mà ông đã theo.
Cuộc đảo chánh không đổ máu ở Bắc Kinh có dự kiến cán cân hướng qua cánh hữu, và có lẽ quay lại với Đặng, người đã bị thanh trừng hai lần. Sự quan tâm của Sary đối với biến chuyển ở Trung Hoa thấy được là do hành vi bất thường của ông trong mấy tuần lễ sau.(76) Sau khi dừng chân một thời gian ngắn ở Nam Tư và Lỗ Mã Ni, Sary được Lỗ Mã Ni và cơ quan thông tấn Trung Hoa báo cho biết phải rời Bucarest ngày 16 tháng Mười. Rồi Sary biến mất, hai mươi lăm ngày sau lại xuất hiện ở Phnom Pênh. Việc di chuyển bình thường của ông ta là xử dụng hàng không Lỗ Mã Ni, Tarom, tới Bắc Kinh, rồi đáp chuyến bay nửa tháng một kỳ giữa Bắc Kinh và Phnom Pênh. Trong những chuyến đi trước, quá cảnh Bắc Kinh, ông ta thường được thứ trưởng ngoại giao đón tại phi trường, và nếu thời gian quá cảnh lâu hơn một ngày, ông ta sẽ được một thành viên Bộ Chính Trị Cộng Sản Trung Hoa mời dự tiệc. Tất cả những hành động niềm nở này được Tân Hoa Xã đưa tin. Lần này, cả người Trung Hoa cũng như giới truyền thông Cam Bốt không nói gì tới Sary sau khi ông ta rời Bucarest. Ngày 12 tháng Mười một, đài phát thanh Phnom Pênh đưa tin ông ta đón ba đại sứ được ủy nhiệm tới Cam Bốt. Ông ta giữ nhiệm vụ của ông ở Phnom Pênh cho đến ngày 8 tháng Mười một thì có tin Bộ Trưởng Quốc Phòng Son Sen giữ chức quyền bộ trưởng Bộ Ngoại Giao. (4)
Ông ta đã ở đâu? Nhiều năm sau, tôi hỏi vợ ông ta là Ieng Thirith. Sary gặp bà ta hồi ông còn là sinh viên ở Paris. Pol Pot yêu bà chị của Thirith, Khieu Ponnary, bà này cũng là sinh viên ở Paris. Hai chị em và chồng của họ trở thành những cặp vợ chồng có quyền lực nhất ở Cam Bốt, nói theo kiểu Sihanouk là “bè lũ bốn tên”. Thirith nhã nhặn trả lời là không biết. Bà ta nói với tôi: “Ông biết, chúng tôi thường không sống gần nhau.” Theo người ta cho biết thì Sary ở suốt ba tuần lễ tại Trung Hoa. Giới truyền thông Trung Hoa im lặng là vì tính cách riêng của công việc ông ta ở đó, hoặc có lẽ vì nó phù hợp với điều ông ta muốn dấu mặt bởi vì Trung Hoa đang trãi qua một thời kỳ hỗn loạn, bất ổn định. Có lẽ ông ta đã qua một thời gian như thế vì những xáo trộn dữ dội ở Trung Hoa và ông cố tìm kiếm đảm bảo nơi các nhà lãnh đạo mới của Trung Hoa, muốn rằng cái chết của Mao và sự thanh trừng nhóm cực đoan không làm suy yếu viện trợ của Trung Hoa dành cho Cam Bốt.
Mối quan tâm của Ieng Sary về viện trợ của Trung Hoa đặt căn bản trên tình cảm và ý thức hệ. Đó là nỗi lo sợ chính đáng. Trong gần một thập niên, cuộc Cách mạng Văn hóa diễn ra cùng thời với cuộc đấu tranh vũ trang ở Cam Bốt và sự bành trướng của Khmer Đỏ, ý thức hệ là động lực mạnh mẽ. Giờ đây, những người cùng ý thức hệ với Sary đã bị loại ra khỏi trung tâm quyền lực ở Bắc Kinh, làm thế nào Cam Bốt có thể dựa vào sự viện trợ của phe hữu ở Trung Hoa? Nhưng chẳng bao lâu sau những người lãnh đạo Cam Bốt nhận ra rằng quyền lợi của Trung Hoa là điều quan trọng hơn ý thức hệ. Trung Hoa muốn bẻ cong sức mạnh của Việt Nam và chống lại Liên Sô mạnh hơn họ, hơn bất cứ một thứ ý thức hệ buồn nôn nào; những nhà lãnh đạo mới của Trung Hoa cần có Pol Pot ở Cam Bốt. Chưa đầy một năm, quan hệ Trung Hoa-Cam Bốt lại được củng cố, và Pol Pot xuất hiện từ trong bóng tối vô danh để ra mắt quốc tế ở Bắc Kinh.
Sự quan tâm ở Phnom Pênh
Bên ngoài những quan tâm như thế, những người đồng sự của Ieng Sary trở về và vội vàng gởi cho Hoa Quốc Phong điện văn chúc mừng sau khi Hoa được bầu làm chủ tịch đảng CS Trung Hoa. Hầu hết các đảng anh em không ai muốn can dự vào các cuộc đấu đá bên trong Đảng Cộng Sản Trung Hoa. Họ chào mừng Hoa mà chẳng liên can đến việc nhóm cực đoan bị rơi đài. Nhưng người Cam Bốt thì rất cần viện trợ của Trung Hoa, quá đến nổi các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh không còn gì ngờ vực lòng trung thành của họ cả. Điện văn của họ cũng bày tỏ nhiệt tình đối với chiến thắng của Hoa “đập tan bè lũ bốn tên phản cách mạng”. Đây là điều phản phúc đáng lưu tâm, vì chỉ mới hơn một tháng trước, một bức điện từ Phnom Pênh gởi đi nồng nhiệt ủng hộ ngay chính những người mà bây giờ bị gọi là “bọn phản cách mạng”.
Dù vội vàng trấn an Bắc Kinh rằng những nhà lãnh đạo ở Phnom Pênh đã chịu ơn “bè lũ bốn tên”, rõ ràng Pol Pot quan tâm đến tình hình ở Trung Hoa quá nguy hiểm, đang lan rộng trong nước. Nó có thể làm cho nội bộ đảng Cọng sản Trung Hoa nghĩ rằng chủ nghĩa cấp tiến của Pol Pot, Ieng Sary đi quá xa. Điện văn gởi cho Hoa không được phát trên đài phát thanh Phnom Pênh, -nguồn thông tin độc nhất của nhân dân Cam Bốt, rãi rác khắp các trại lao động đơn độc -. Mãi đến ngày 2 tháng 12/1976, một tuần trước khi phái đoàn báo chí Trung Hoa đến, đài phát thanh Phnom Pênh mới tiết lộ cho thính giả tin tức về việc Hoa được bầu làm chủ tịch đảng và việc bắt giữ “bè lũ bốn tên”. Tin tức đó cũng không nói rõ thêm ai là bè lũ đó và cũng không nói rõ tội trạng của họ.
Đoàn đại biểu kinh tế và thương mại Cam Bốt xuất hiện ở Trung Hoa đúng lúc tình hình xáo trộn đang xảy ra. Họ được phía chủ nhà bảo đảm rằng “Bắc Kinh luôn luôn là người bạn đáng tin cậy của chính phủ và nhân dân Cam Bốt”. (5) Có thể vẫn còn những hậu quả bất lợi trong số chống tả phái ở Trung Hoa có ảnh hưởng đến viện trợ cho Cam Bốt và, hơn thế nữa, về mặt tinh thần của Đảng Cộng Sản Cam Bốt, rõ ràng làm Pol Pot lo lắng. Do đó, mỗi cơ hội mà người Cam Bốt có thể nhắc nhở “thành quả cuộc Cách Mạng Văn Hóa.” Trung Hoa (có nghĩa là tất cả những biện pháp cực tả được thực hiện trong thời kỳ 1967-71) sẽ được bảo tồn và phát triển, và cuộc đấu tranh giai cấp là mối “quan hệ cốt lõi” trong việc xây dựng đất nước. Trong bữa tiệc ngày 10 tháng Chạp chào đón đại biểu Tân Hoa Xã tới Phnom Pênh, Bộ Trưởng Thông Tin Hu Nim ca ngợi việc đập tan bè lũ bốn tên nhưng cũng chỉ ra rằng nhân dân Trung Hoa sẽ “không cho phép chủ nghĩa xét lại và giai cấp tư bản quay trở lại” – một thành ngữ biểu lộ quan tâm hơn là kết tội.
Những cơn gió lạnh từ Bắc Kinh thổi tới
Thái độ của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đối với Khmer Đỏ như thế nào? “Nhận xét của các viên chức Trung Hoa viếng Phnom Pênh hồi tháng Chạp làm cho họ bớt nhiệt tình trong việc viện trợ”. Họ lịch sự làm như không biết tới những điều người Cam Bốt nhắc nhở họ cần thiết tiếp tục đấu tranh giai cấp. Họ cũng không viện trợ như thường lệ cho Cam Bốt “trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thỗ”. – một cách nói gián tiếp về việc Bắc Kinh hỗ trợ cho Cam Bốt chống Việt Nam. Thái độ chần chừ của họ không muốn liên can đến các cuộc tranh luận về ý thức hệ và ngay cả việc che dấu viện trợ đã dự phần vào việc lưu ý Phnom Pênh nên đứng ngoài tình hình chính trị của Trung Hoa. Trong một trường hợp, khi từ Phnom Pênh trở về, Fang Yi, bộ trưởng Bô Quan Hệ Kinh Tế với ngoại quốc nói với đại sứ Lỗ Mã Ni ở Bắc Kinh rằng ông ta không ưa những gì ông đã thấy ở Cam Bốt. “Họ đã đi quá xa trong vấn đề tự túc”. Nói chuyện với đồng nghiệp Tây Phương trong suốt thời kỳ đó, đại sứ Trung Hoa ở Hà Nội không che dấu ngạc nhiên đối với chủ trương tự túc của Khmer Đỏ. Ông ta nói với các đại Tây Phương rằng người Cam Bốt cũng không xử dụng ngay cả hàng hóa đã viện trợ cho họ – khoảng 20 triệu – số lượng Trung Hoa viện trợ năm 1975. (6)
Những lời phê bình có tính cách riêng tư của Khmer Đỏ nói rằng hồi mùa xuân năm 1977, các nhà ngoại giao và báo chí nghe các viên chức Trung Hoa phản ảnh sự thay đổi đã diễn ra ở Trung Hoa khi Trung Hoa loại trừ những phần tử cấp tiến. Năm 1974, khi các phần tử cực tả vươn lên ở Trung Hoa thì một tài liệu lưu hành trong nội bộ đảng mô tả Cộng Sản Cam Bốt như là những phần tử sáng chói nhất, thực hiện tư tưởng Mao ở ngoại quốc. Nhưng kể từ 1975, những người tị nạn Cam Bốt trốn chạy ra ngoại quốc tố cáo với thế giới rằng Khmer Đỏ rất độc ác. Các chính phủ Tây Phương phỏng chừng Khmer Đỏ chịu trách nhiệm về cái chết của hơn một triệu người trong nước từ khi họ cầm quyền. Tới cuối năm 1976, truyền thông Trung Hoa hằng ngày thóa mạ “bè lũ bốn tên” đã làm vô số tội ác khi đàn áp nhân dân. Các viên chức Bắc Kinh cũng có phần bối rối khi ở ngoại quốc, họ được xem như là quân sư ý thức hệ cho Khmer Đỏ. Một nhà bỉnh bút tờ nhật báo Cộng Sản Trung Hoa ở Hồng Kông nói với tôi hồi đầu năm 1977 “Chúng tôi không thể chỉ trích họ (Khmer Đỏ) vì chính sách của Trung Hoa là không can thiệp nội bộ các nước khác. Nhưng chúng tôi cũng cảm thấy họ đã đi quá xa trong việc thực hiện chủ nghĩa bình đẳng và tự túc”. Đặc biệt ông ta phê bình quyết định của Khmer Đỏ hủy bỏ tiền bạc, chợ búa và tài sản riêng. Ông ta chống lại việc Khmer Đỏ từ khước đi theo đường lối Mác Xít Lêninít cổ điển về cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến lên từng phần. Một viên chức Trung Hoa khác nói riêng với tôi là Trung Hoa bối rối, nhắm mắt giả điếc trước lời tố cáo của nhóm người Hoa tị nạn chạy khỏi Cam Bốt, yêu cầu Bắc Kinh can thiệp để ngưng việc giết chóc của Khmer Đỏ. Tuy nhiên, ông ta nói rằng Trung Hoa không thể xen vào công việc nội bộ của Cam Bốt. Dù vậy, những biến cố về sau, cũng cho thấy rằng không phải do xung khắc tinh thần hay bất đồng về ý thức hệ đã có ảnh hưởng đến viện trợ của Trung Hoa cho Cam Bốt mà căn bản là vấn đề chính trị vậy.
Một lễ chu niên về việc giết người
Bằng một sự trùng hợp kỳ lạ, trong khi những cuộc đấu đá trong nội bộ đảng chống lại nhóm cực đoan đạt tới cao điểm ở Trung Hoa sau khi Mao qua đời và việc bắt giữ “bè lũ bốn tên” thì ngọn triều cũng đổi qua hướng đối nghịch ở Cam Bốt. Cuối tháng Tám năm 1976, nhóm lãnh đạo Đảng Cộng Sản Cam Bốt chung quanh Pol Pot tham dự một cuộc họp ba ngày, qua đó họ quyết định thực hiện hợp tác toàn bộ nông-công nghiệp và tổ chức nhà ăn cộng đồng trên toàn quốc. Pol Pot tin rằng việc xây dựng Chủ Nghĩa Cộng Sản phải tiến nhanh hơn để đối đầu với Việt Nam mạnh hơn. Một bài báo thu hẹp trên nhật báo “Cờ Cách Mạng” (Tung Padevat) xuất bản hồi tháng Sáu năm 1976 giải thích rằng “Chúng ta muốn mau lẹ xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa, và chúng ta muốn mau lẹ thay đổi xã hội. Chúng ta muốn nhân dân chúng ta thành công huy hoàng. Điều này đặc biệt ngăn chặn kẻ thù làm hại chúng ta”.(7) Con đường đi tới “vinh quang” này có quá nhiều máu và nước mắt của mười ngàn người buộc làm việc nặng nề như súc vật mà lại thiếu ăn trong những nhà ăn công cộng và nhiều khi bị trừng phạt tới chết vì than phiền công việc nặng nhọc. Chế độ làm việc thì khắc nghiệt cho những “người dân mới” – những người trước kia ở thành thị, những người bị xem là tiêm nhiễm tư tưởng tiểu tư sản. Họ phải được thanh lọc bằng lao động chân tay. Những ai yếu sức thì coi như không ích lợi gì cho cách mạng Cam Bốt. “Có họ (dân thành phố) cũng chẳng được gì, không có họ cũng chẳng mất gì”. Đó là câu châm ngôn lạnh lùng mà cán bộ Khmer Đỏ thường nhắc đi nhắc lại trong các buổi nói chuyện của họ. Pol Pot cũng tính rằng nhiệt tình cách mạng giúp đập tan bọn chống đối trong nội bộ đảng. Theo một tài liệu của đảng công bố hồi cuối năm 1976. “Vi trùng độc trong nội bộ đảng” sẽ nổi lên quét sạch tính chân thật trong đảng.(8) Theo Pol Pot, những ai chống lại hoặc thắc mắc cũng là tay sai đế quốc hay gián điệp Việt Nam (CS), cố ý phá hoại bước đại nhảy vọt của Cam Bốt. Sự kiện là hồi giữa năm 1976 có nhiều âm mưu ám sát Pol Pot, có lẽ là do tình hình khẩn cấp, để tìm ra bọn chống đối còn tiềm tàng.
Ít ra cũng có một âm mưu giết Pol Pot được nhắc lại trong cuốn “Sách Đen” của Cam Bốt Dân Chủ được một người đào thoát khỏi Khmer Đỏ xác nhận. Sau khi trốn qua Thái Lan, người này nói với các viên chức Mỹ về âm mưu giết Pol Pot hồi giữa năm 1976 bằng cách bỏ thuốc độc vào thức ăn của ông ta. Âm mưu này bị phá hỏng khi một người cận vệ của Pol Pot vô tình ăn nhằm mẫu thức ăn đã bị thuốc và chết tức khắc. Theo người đào thoát này, những kẻ âm mưu -một người chỉ huy quân đội Khmer Đỏ tên là Chan Krey và những người đồng sự – nguyên do là vì “công việc nặng nhọc và lao khổ” mà nhân dân đang gánh chịu. (9) Cũng chẳng có gì ngạc nhiên nếu những người có dự mưu này phản đối chính sách độc ác chống Việt Nam của Pol Pot. Tuy nhiên, cũng chẳng có chứng cớ gì để làm sáng tỏ thêm lời cáo buộc của cuốn “Sách Đen” nói rằng Việt Nam (CS) có dự vào âm mưu đó.
Việc thanh trừng có hệ thống các thành viên của Cộng Sản Cam Bốt hồi tháng Chín năm 1976 trực tiếp liên hệ đến quan hệ giữa Đảng CS Cam Bốt với Việt Nam (CS). Cho tới lúc đó, ngày thành lập Đảng Cộng Sản Cam Bốt được công nhận là ngày 30 tháng Chín năm 1951 – một ngày phát xuất trực tiếp từ ngày thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương do Hồ Chí Minh thành lập năm 1930. Suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-54) ba phong trào Việt Nam, Cam Bốt và Lào hợp tác chặt chẽ và nhiều người Cam Bốt hoạt động hữu hiệu trong sự hợp tác này. Cựu cán bộ CS Cam Bốt Keo Meas là một trong những người lãnh đạo như thế. Ông ta muốn xác định lại nguồn gốc Việt Nam của đảng ông bằng cách tổ chức kỷ niệm lần thứ 25. Chính sách nội bộ của Việt Nam (CS) cũng mang tính chính thống Mác Xít hơn là nhóm cực đoan Cam Bốt. Có lẽ Keo Meas cảm thấy cần hành động khẩn cấp khi thấy kế hoạch của nhóm cực đoan được tán thành hồi tháng Tám và việc Pol Pot công khai thừa nhận lòng trung thành với chủ nghĩa Mao qua những lời tán dương đối với cái chết của Mao. Nhà sử học Cam Bốt David Chandler lý luận rằng sự quan hệ suy giảm với Việt Nam hồi giữa năm 1976 và tình hình chính trị bất ổn ở Trung Hoa sau khi Mao qua đời có lẽ đã khuyến khích Keo Meas vội vã tổ chức lễ kỷ niệm vì tin vào tính chất quan trọng của đảng.
Mặt khác, Pol Pot muốn cắt đứt quan niệm lỏng lẽo cho rằng Đảng Cộng Sản Cam Bốt có nguồn gốc từ Việt Nam hay chỉ vì lợi ích chung mà có san sẽ với đảng CS Việt Nam. Ông ta chỉ rõ rằng ngày sinh nhật của Đảng Cộng Sản Cam Bốt là bắt đầu từ đại hội năm 1960, lúc ông ta được chọn làm phó bí thư đảng, chứ không phải từ năm 1951. Lịch sử được viết lại, nói rằng Đảng Cộng Sản Cam Bốt đạt tới sự nghiệp vinh quang khởi đầu từ thời Pol Pot đứng ở ngôi vị hàng đầu và xóa bỏ chín năm gần gủi – hay tòng thuộc – quan hệ hợp tác với Việt Nam. Thời kỳ này Pol Pot chẳng có vai trò gì đáng kể. Tờ báo “Cờ Cách Mạng” (Tung Padevat) ấn hành hồi tháng Chín và Mười giải thích tại sao ngày sinh nhật của đảng không phải là năm 1951 mà lại là 1960. “Chúng ta phải điều chỉnh lại lịch sử đảng” và một bài trong một tờ nhật báo, thường tự tay Pol Pot viết, nói rằng “để rõ ràng và hoàn hảo, phù hợp với chính sách của đảng ta về độc lập và tự chủ”. (11)
Mười ngày trước khi lễ, Pol Pot ra lệnh đình chỉ việc chuẩn bị, bắt giữ Keo Meas và một nhà lãnh đạo hàng đầu khác, Nay Sarang. Họ bị giải vào Trung Tâm Điều Tra An Ninh Quốc Gia, trước kia là trường cấp hai Tuol Sleng ở Phnom Pênh nay biến thành trại tù và trung tâm thẩm vấn, bí số S-21. Sau một tháng bị hành hạ và với một loạt bản tự thú, họ bị giết. Hai năm tiếp sau, gần hai chục ngàn cán bộ đảng và gia đình họ bị hành quyết sau khi bị giam tại trung tâm giam giữ nổi tiếng độc ác này.(12)
Sau khi chối bỏ liên hệ lịch sử với Việt Nam, Chandler viết: “Pol Pot chẳng bao lâu khởi đầu một kế hoạch để chờ lúc mở cuộc chiến tranh toàn diện chống Việt Nam cũng như hợp tác hóa nông nghiệp bên trong Cam Bốt mà không theo một khuôn mẫu hay khuyến cáo nào từ phía Việt Nam”. (13)
Bài viết trên tờ “Cờ Cách Mạng” cho thấy rõ việc thanh trừng cũng là sự tiếp nối việc chống đối chính sách cực tả của Pol Pot, nói rằng một số người trong đảng coi việc đuổi dân ra khỏi thành phố và hủy bỏ việc sử dụng tiền và tài sản riêng là “tả chủ nghĩa”. Bài báo nói thêm: “Chúng ta có lý do của chúng ta. Và phong trào đã xác quyết rằng chúng ta làm đúng… Tả hay không tả, chúng ta phải đi đúng phong trào”. Bài báo cũng kết tội vài người trong đảng đã “chống lại phong trào và phản cách mạng”. (14)
Ngày 27 tháng Chín năm 1976, đài phát thanh Phnom Pênh đưa tin một tuần trước (ngày Keo Meas bị bắt) Ủy Ban Trung Ương Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân – quốc hội bù nhìn của Cam Bốt- thuận cho Pol Pot tạm thời nghỉ việc “vì sức khỏe trong vài tháng” và chỉ định Nuon Chia làm quyền thủ tướng. Nhiều quan sát viên vội cho rằng Pol Pot bị thanh trừng, nhưng việc “rời chức vụ vì bệnh” của Pol Pot chỉ là để cho ông ta rảnh tay “chữa trị những ung thối” do bất đồng trong đảng. Ken Quinn tin rằng Pol Pot đã quyết định “việc đi nghỉ” sau khi sống sót qua khỏi vụ đầu độc hồi giữa năm 1976.
Việc tìm hiểu của Quinn đưa tới kết luận là Pol Pot lui vào một khu bí mật và được bảo vệ kỹ, không thể bị tấn công và có thể trực tiếp đưa ra những cố gắng nhằm loại trừ tất cả những ai bị nghi ngờ có dính líu đến âm mưu giết ông ta. Những người sống sót và người tị nạn sau cuộc thanh trừng tới Thái Lan trong năm 1977 cho biết có cuộc tàn sát lớn những người được gọi là “Khmer Đỏ cũ” (có lẽ là những người được xem là có cảm tình với Việt Nam và muốn có chính sách nội bộ ôn hòa, và những người được coi là chống lại Pol Pot), những người bị nghi là “phản động”. Cùng lúc đó, các nhà tình báo Mỹ ở Thái Lan cũng có thu nhận tin nói rõ về việc Pol Pot tự tay trực tiếp chỉ huy việc thanh trừng ở vùng Tây Bắc Cam Bốt. (15)
Cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên vì trong suốt nửa sau của năm 1976, khi cuộc thanh trừng lên cao, Cam Bốt tìm cách duy trì quan hệ bình thường với Việt Nam. Trong khi Pol Pot đang làm “trong sạch” đảng và thực hiện chương trình cải cách cấp tiến của họ, rõ ràng họ muốn giữ Việt Nam trong mối quan hệ tốt. Tháng Tám, một đoàn đại biểu phụ nữ tới thăm Hà Nội. Pol Pot còn đón mừng Đại Sứ Phạm Văn Ba trong dịp kỷ niệm ba mươi năm nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 21 tháng Chín, một buổi lễ được tổ chức tại phi trường Pochentong ở Phnom Pênh để đánh dấu ngày mở đầu đường bay từ thành phố Hồ Chí Minh tới Phnom Pênh. Có lẽ hầu như người Việt Nam không biết rằng chỉ mới ngày hôm trước, một trong những người bạn Khmer ít ỏi của họ đã bị bắt nhốt vào Toul Sleng.
Trước Liên Hợp Quốc, hồi tháng Mười, Ieng Sary lên tiếng đã kích Việt Nam dã man nhưng không nói rõ tên. Dù sao, ông ta cũng đã kêu gọi cơ quan quốc tế này cho Việt Nam gia nhập. Đơn xin gia nhập Liên Hợp Quốc của Việt Nam bị Hoa Kỳ phủ quyết. Ngày 28 tháng Mười vì Ieng Sary vắng mặt, quyền Bộ Trưởng Ngoại Giao Son Sen tiếp Đại Sứ Phạm văn Ba trong hai tiếng đồng hồ. Cuộc nói chuyện được giữ bí mật nhưng đài phát thanh Phnom Pênh mô tả là “thành thật và thân hữu.” (16)
Đảng Cộng Sản Cam Bốt còn lặng lẽ gởi một phái đoàn gồm bảy “nhà báo” Cam Bốt tham gia đại hội lần thứ tư Đảng Cộng Sản Việt Nam họp tại Hà Nội giữa tháng Chạp. Việc gởi phái đoàn đi tham dự cũng như điện văn chúc mừng từ Angkor Padovat (tên Khmer Đỏ thường tự dùng để gọi Tổ Chức Cách Mạng Cam Bốt trước khi Đảng Cộng Sản Cam Bốt ra công khai) là một phần cố gắng nhằm duy trì bề mặt quan hệ bình thường. Lời “chúc mừng nồng nhiệt” của Phnom Pênh gởi cho Việt Nam (CS) nói rằng Cam Bốt và Việt Nam “kéo dài tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị anh em làm bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng”.(17) Điện văn này do Hà Nội công bố nhưng đài phát thanh Phnom Pênh lại chẳng thông báo gì. Vào lúc những người có cảm tình với Việt Nam đang bị nhân viên an ninh Pol Pot săn đuổi, việc phát đi một bản tin như thế sẽ gây xáo trộn trong hàng ngũ Đảng Cộng Sản Cam Bốt.
Mối sợ hãi về một Liên Bang
Việt Nam nghi ngờ có sự gia tăng đàn áp trong nội bộ Cam Bốt nhưng không biết rõ. Trong buổi nói chuyện riêng với một du khách Thái thuộc cánh tả hồi cuối năm 1976 Thủ Tướng Việt Nam (CS) Phạm Văn Đồng bày tỏ quan tâm của ông ta về sự an toàn cho “một vài người bạn Cam Bốt”. Một số nhà cựu ngoại giao thời Sihanouk lãnh đạo chính phủ kháng chiến viết thư cho bạn hữu của họ ở Hà Nội trước khi họ từ Bắc Kinh bay về Phnom Pênh. Rồi từ đó, không nghe tin tức gì về họ cả. (18)
Có thể Hà Nội không biết rõ tình hình thanh trừng ở Cam Bốt nhưng có biết những thù hằn trong nội bộ nước này. Đầu tháng Ba năm 1977, một nhà ngoại giao Việt Nam nói với tôi ở Việt Nam là có “đấu tranh nghiêm trọng” bên trong nội bộ Đảng Cộng Sản Cam Bốt, giữa những người ông ta gọi là “một trăm phần trăm thân Mao-Pol Pot” và những người được gọi là theo “đường lối ôn hòa”. Những người theo đường lối ôn hòa coi như thân Việt Nam, và ông ta tiên đoán rằng “cuối cùng họ sẽ giành được thắng lợi.” Đồng cũng đồng quan điểm với nhóm này khi ông ta nói với du khách Thái ấy về hy vọng “những cuộc cách mạng chân chính” sẽ nổi dậy ở Cam Bốt. Hy vọng này buộc Hà Nội giữ tình láng giềng tốt trong khi tìm phương cách đối đầu với thách thức của Pol Pot. Có lẽ việc ấy vượt ra ngoài quan tâm về những vấn đề phát triển trong nội bộ Cam Bốt mà Việt Nam sẵn sàng cúi mình để làm vui lòng Pol Pot. Họ không muốn tạo thêm những bất lợi giao hảo và nhóm bạn hữu của Hà Nội đang bị dồn vào góc tường trong nội bộ Đảng Cộng Sản Cam Bốt. Đầu tháng Hai năm 1977, một đoàn đại biểu phụ nữ được Hà Nội gởi đi Phnom Pênh để củng cố tình đoàn kết. Ngày 15 tháng Hai, Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Hoàng Văn Lợi tới Phnom Pênh trong một chuyến đi thăm hai ngày không được công bố. Nhiệm vụ chính của ông ta là thuyết phục Cam Bốt tham gia một hội nghị cấp cao về Đông Dương. Hà Nội muốn trục xuất về nước những người Cam Bốt trốn qua Việt Nam trong mấy tháng trước để làm dịu bầu không khí ngoại giao và tạo sự hợp tác toàn vẹn giữa hai nước. (19) Nhiều lúc, việc trục xuất về nước bao gồm cả những phần tử xấu trong khi thi hành các dịch vụ. Trong hành động như vậy, hồi đầu năm 1977, Việt Nam dành cho Khmer Đỏ quyền chọn 49 người tị nạn tại một trại ở Mộc Hóa đem về nước để đổi lại một tên đầu cơ.(20)
Tuy nhiên, Cam Bốt từ khước ý định họp thượng đỉnh. Họ thấy rằng đề nghị đó là một bằng chứng xa hơn nữa việc Việt Nam không ngừng cố gắng đặt Đông Dương dưới ảnh huởng của Việt Nam. Tháng Hai năm 1976, Phnom Pênh cảnh giác, phản ứng với danh từ “quan hệ đặc biệt” dùng để mô tả quan hệ giữa Việt Nam với Lào. Hồi tháng Chạp năm 1976, sự cảnh giác này được quan tâm đặc biệt khi Hà Nội thông báo rằng quan hệ thường trực đặc biệt với Cam Bốt là mục tiêu lâu dài của Cộng Sản Việt Nam. Cộng Sản Việt Nam công bố quyết tâm của họ rằng Việt Nam sẽ duy trì và phát triển quan hệ đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, Cam Bốt anh em, tăng cường đoàn kết chiến đấu, tin tưởng nhau, hợp tác lâu dài và viện trợ hỗ tương trên mọi lãnh vực… để ba nước có thể trở thành một hiệp hội cùng nhau đấu tranh giải phóng đất nước và hợp tác mãi mãi trong xây dựng và bảo vệ xứ sở vì nền độc lập và thịnh vượng của mỗi nước.(21)
Hồi cuối tháng 3/1977, sau cuộc thanh trừng bắt đầu hồi tháng Chín trước, loại bỏ hàng trăm cán bộ và để Pol Pot kiểm soát đảng chặt chẽ hơn, đôi khi Phnom Penh giải thích giải pháp cuối cùng đối với sự đe dọa của Việt Nam. Tuồng như Pol Pot quyết định loại bỏ quan hệ bình thường giã vờ với Việt Nam. Đã đến lúc tiến hành chiến dịch trục xuất tất cả số người Việt Nam còn ở lại Cam Bốt và thực hiện các cuộc tấn công vào Việt Nam.
Ros Saroeun, một người thợ máy xe hơi sống sót sau thời kỳ Khmer Đỏ kể lại những ngày giao động ấy. Đó là hồi đầu tháng Tư/1977 ở Oudong. Trong khi chờ viên quận trưởng Khmer Đỏ tới chỉ thị việc sửa chữa các xe, Saroeun căng cổ ra đọc lá thư trên bàn anh ta có đóng dấu “Ban chỉ đạo 870”, ngày ghi là ngày 1 tháng Tư/1977. Vào lúc đó, anh ta không biết bí số 870 là Ủy ban Trung ương đầy quyền lực hoặc là cái bóng của Angkar (tổ chức). Nhưng sự chỉ đạo lạnh lùng trong bức điện nói rõ rằng: Tất cả những người Việt Nam ở trong quận và tất cả những người Khmer nói tiếng Việt hay có bạn bè Việt Nam sẽ bị đưa tới cơ quan An ninh Quốc gia. Saroeun cảm thấy lạnh mình. Ngay từ khi còn là trẻ mồ côi, Saroeun đã được ông chủ garage người Việt ở Phnom Pênh nuôi nấng. Saroeun không những nói được tiếng Việt mà còn lấy vợ Việt Nam. May mắn là vợ anh ta trông không giống người Việt và ngay cả những người trong hợp tác xã cũng không biết chị ấy là người Việt hay biết chị ấy nói được tiếng Việt. Sau khi sửa xong chiếc xe Jeep cho ủy ban quận, Saroeun vội vàng về nhà báo cho vợ hay. Chị ấy cũng biết rồi. Một người đàn bà Việt Nam ở trong làng vừa bị Khmer Đỏ lấy gậy lớn đánh tới chết và chôn phía ngoài làng sau khi bắt chồng bà ta là người Khmer đi phá rừng. Vài ngày sau, người chồng về thấy nhà trống không. Hàng xóm sợ hãi, lặng lẽ quay đi, không ai dám nhìn ông chồng. Lang thang trong làng, rồi anh ta tìm ra chỗ kinh hãi ấy -một bàn tay đặt trên nấm mộ mới đắp. Ông ta nhận ra bàn tay của vợ nhưng không biết nói như thế nào. Từ tháng Ba, trong khi chuẩn bị vũ trang đánh nhau với Việt Nam, các đơn vị quân đội Cam Bốt ở khu phía đông không còn giữ nhiệm vụ sản xuất để chuẩn bị chiến đấu. Tới 30 tháng Tư /1977, Khmer Đỏ tấn công một loạt các làng mạc và thị trấn dọc theo biên giới tỉnh An Giang trong lưu vực sông Cửu Long, giết hại dân thường và đốt nhà cửa của họ. Chỉ riêng cuộc tấn công vào Tịnh Biên cũng đã giết một trăm người dân thường. Một năm sau, đến thăm thị trấn ma quái này, tôi nghe nhiều người sống sót nhắc lại đêm kinh hãi 30 tháng Tư/1977 ấy. Sự thực, dù Cam Bốt đã tấn công các tỉnh dọc biên giới Việt Nam từ tháng Giêng/1977 nhưng họ chọn ngày 30 tháng Tư để mở ra cuộc tấn công dữ dội nhứt vì ngày đó có rất nhiều ý nghĩa. Đó là ngày Việt Nam (CS) tổ chức lần thứ hai kỷ niệm giải phóng miền Nam và chuẩn bị ngày Lễ Lao Động – đó là ngày đoàn kết quốc tế của công nhân.
Hà Nội đánh cuộc với Đặng
Có sự ngập ngừng và phấn khởi ở Hà Nội qua tiếng máy teletype lách cách trong bộ Ngoại giao, báo tin về cái chết của Mao. Vài tháng kể từ khi Chu Ân Lai chết hồi tháng Giêng 1976, các bản báo cáo từ Bắc Kinh gởi về nói rõ việc tranh giành quyền lực căng thẳng trong đó nhóm cấp tiến tuồng như thắng thế, điều đó không ai chối cải. Có thể nào cái chết của Mao cũng là hồi chuông báo tử cho phe tả? Ít ra, Hà Nội cũng hy vọng như thế. Không để mất cơ hội lấy lại lòng trung thành trong mối quan hệ đã băng giá, Việt Nam cho một chuyến bay đặc biệt mang vòng hoa tang đến Bắc Kinh. Hầu hết thành viên Bộ Chính Trị của Đảng Cộng Ssan3 Việt Nam tập trung tại Tòa Đại Sứ Trung Hoa hình dạng giống như cái chùa để viết lời chia buồn vào sổ tang.
Ngày 12 tháng Mười khi nghe tin bắt giữ “bè lũ bốn tên”, Việt Nam không dấu giếm nỗi vui mừng. Một viên chức Việt Nam bồng bột nói với phóng viên báo L’humanité của Pháp rằng “Năm tới anh ta có thể đi Bắc Kinh đưa tin về sự phát triễn tình hình ở đó”. (23) Đó chỉ là một sự tiên đoán hoàn toàn cường điệu khi những thành viên chống Liên Sô của đảng Cộng Sản Pháp không được đón chào ở Trung Hoa. Quả thật Việt Nam hy vọng quá nhiều vào việc phe cực tả bị loại trừ. Trung Hoa sẽ quay lại quan điểm của họ, bớt chủ nghĩa Chauvin hơn và thái độ thực tế hơn trong khi đối phó với Việt Nam. Nếu đường lối ôn hòa hồi cuối thời Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình,- người đã từng bị sĩ nhục – lại nổi lên ở Trung Hoa, có lẽ Hà Nội được thông cảm hơn về vị thế độc lập của họ.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Hoa, Nguyễn Trọng Vĩnh nói với vài đồng nghiệp rằng nếu Đặng trở lại nắm quyền thì một giải pháp cho vấn đề Trung Hoa và Việt Nam tranh cải chủ quyền các hòn đảo ở ngoài khơi biển Trung Hoa (biển Đông – nd) sẽ đạt được. Vĩnh nói rằng khi Tổng Bí Thư Lê Duẫn gặp Đặng hồi tháng Chín 1975, Đặng có đồng ý sau này phải họp để thương thảo vấn đề này. Nhưng ngay từ khi bắt đầu chiến dịch chống Đặng hồi cuối năm 1975, Bắc Kinh làm cho tình hình thêm khó khăn bằng cách tuyên bố rằng sự kiện các hòn đảo là không thể thương thuyết vì “nó là vùng đất thiêng quê mẹ”. Việc Đặng phục hồi quyền lực, theo Việt Nam hy vọng, sẽ đem lại một tình hình thực tiễn hơn. (24)
Việt Nam đang ở giữa thời kỳ kế hoạch năm năm lần thứ hai khi có tin từ Bắc Kinh đưa tới. Hơn một năm qua, các nhà lãnh đạo Hà Nội đi vòng các nước khối xã hội chủ nghĩa, cố gắng bảo toàn viện trợ cho kế hoạch của họ. Chỉ có Trung Hoa là nước xã hội chủ nghĩa lớn từ chối mọi sự cam kết có tính cách lâu dài. Với việc loại trừ nhóm cấp tiến ra khỏi quyền lãnh đạo, Hà Nội muốn xác định khi nào thì Trung Hoa thay đổi ý kiến của họ. Ngày 15 tháng Mười, ba ngày sau khi có bản báo cáo về sự sụp đổ của nhóm cực đoan, Hà Nội gởi một bức thư cho Bắc Kinh yêu cầu viện trợ. Tuy nhiên, cho mãi tới tháng Chạp, Hà Nội không nhận được phúc đáp. Lúc đó Việt Nam đang tổ chức đại hội đảng tại Quảng Trường Ba Đình. Không có đại biểu Trung Hoa trong số 29 đại biểu các đảng anh em tham dự đại hội. Việc nầy để lại ấn tượng một âm mưu trong chính sách của Việt Nam. Chính sách ngoại giao trọng yếu của đảng là tập trung vào khối không liên kết và Thế Giới Thứ Ba, loại trừ vấn đề căn bản chia rẽ Moscow và Bắc Kinh. Mặc dù đảng Cọng sản Việt Nam nhận định khác với Trung Hoa về chủ nghĩa đế quốc Mỹ, như là mối đe dọa chính cho hòa bình thế giới, Việt Nam ca ngợi Trung Hoa lẫn Liên Xô về những thành quả của các nước này. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nói rõ ra họ không tin tưởng bất cứ một kiểu mẫu cách mạng nào: Mỗi quốc gia tự phát triển chiến lược và chiến thuật thích hợp với điều kiện riêng của mỗi nước.
Việc Trung Hoa chậm phản ứng đối với lập trường Việt Nam không đứng về phe nào chấm dứt vào cuối tháng Hai /1977. Cuối cùng Bắc Kinh phúc đáp thư của Việt Nam hồi tháng Mười năm trước – một bức thư giả cớ xin viện trợ nhưng thực chất muốn biết thái độ của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh thời hậu Mao – Thư cũng lịch sự. Trung Hoa không thể đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam xin giúp đỡ. Bắc Kinh nói với một phó thủ tướng Việt Nam đang viếng thăm rằng chính Trung Hoa đang lão đão để thoát ra khỏi sự phá hoại do “bè lũ bốn tên” tạo ra, đang bị động đất nghiêm trọng. (25)
Đây không phải chỉ là một sự thoái thác và cũng không đủ lý do để giải thích việc từ chối của Trung Hoa. Sau gần một thập niên xáo trộn và đấu tranh nội bộ, sự tàn phá do động đất taị tỉnh Hồ Bắc (7/1976) giết chết gần 700 ngàn người, hơn một triệu người không nhà ở, tình hình kinh tế Trung Hoa rất bết bát. Tuy nhiên tình hình đó cũng không ngăn việc phái ông Fang Yi đi Phnom Pênh vào tháng Chạp để ký thỏa ước viện trợ cho Cam Bốt, cung cấp “toàn bộ trang thiết bị”. Lý do Trung Hoa trì hoãn trả lời thư xin viện trợ mới của Việt Nam có lẽ là do tình hình chính trị bất ổn ở Bắc Kinh. Thật ra, Trung Hoa phải mất bốn tháng mới trả lời thư xin viện trợ của Việt Nam là vì những tranh luận trong nội bộ về việc này. Nội dung cuộc tranh luận không bao giờ được công bố nhưng phía Việt Nam hy vọng một đường lối ôn hòa mới ở Bắc kinh do Đặng duyệt lại những sai sót. Mãi đến cuối năm 1978, khi Đặng trở thành một nhà lãnh đạo vô song, và do tình hình quốc tế thay đổi, Đặng mới hết sức cương quyết với kẻ thù Việt Nam. Vào mùa xuân 1977, không do nhóm theo Mao tập trung quanh Hoa Quốc Phong, cũng không do nhóm thực tế quanh Đặng đủ an toàn để đưa ra một chính sách ngoại giao mới, đặc biệt đi ngược với chính sách đã có từ 1975. Trong cái nhìn cay đắng do việc tranh chấp lãnh thổ tạo ra, Hà Nội đão ngược chính sách đối xử với nhóm dân thiểu số Trung Hoa ở Việt Nam và hướng về việc xây dựng một ưu thế ở Đông Dương, một thực tế mà Trung Hoa không dễ gì có được. Các nhà lãnh đạo Trung Hoa cần có quan điểm, sự ngụy biện, một loạt cố gắng chính trị để khuyến khích Việt Nam tìm kiếm chính sách độc lập và không giải thích quan tâm của họ về an ninh của Việt Nam. Thay vì hoan hô những cố gắng của Việt Nam nhằm cải thiện quan hệ với Tây Phương, tạo cân bằng với Moscow thì các nhà lãnh đạo Trung Hoa lại nhăn mày trước chuyển biến này. Cuối cùng, sức nặng của hàng ngàn năm lịch sử đô hộ và mối sợ hãi về liên minh Việt-Xô quyết định con đường phải theo là đối đầu với Hà Nội. Nó là cây gậy hơn là củ cà rốt. Chọn con đường truyền thống và an toàn chính trị, Bắc Kinh tự mình hủy bỏ một sức đẩy vẫn còn hướng về phía Việt Nam.
Trong khi Trung Hoa đáp ứng nhỏ giọt hy vọng của Hà Nội muốn xích lại gần hơn, họ ước muốn những người lãnh đạo mới ở Trung Hoa sẽ rời xa bọn Khmer Đỏ. Tuồng như sự xa cách giữa hai bên cũng có phần gia tăng. Sau 5 tháng lơ là vùng Đông Nam Á vì Bắc Kinh đang gặp cơn rối loạn, các nhà lãnh đạo Trung Hoa một lần nữa lại chú tâm vào vùng này. Trong một cố gắng rõ ràng cho thấy có nứt rạn ở Trung Hoa là vì chính sách cấp tiến trong thời gian qua, tính thực dụng của Chu Ân Lai, bà vợ góa của ông nầy, Đặng Dĩnh Châu, với sứ mạng cao cấp hàng đầu của Trung Hoa đi thăm Miến Điện. Cuộc viếng thăm này tiếp nối những cuộc viếng thăm trước ở Pakistan và Tích Lan. Sau nhiều tháng vắng bóng ở Bắc Kinh, Ieng Sary lại đi Trung Hoa và được các viên chức cao cấp mời tiệc. Hà Nội lưu tâm tới sự có mặt của Tướng Wang Shangrong, phó tham mưu trưởng quân đội Trung Hoa trong bữa tiệc ngày 31 tháng Ba do Phó Thủ Tướng Lý Tiên Niệm khoản đãi Ieng Sary. Sự hiện diện của Tướng Wang có thể cho thấy Trung Hoa đã lập lịch trình hợp tác quân sự với Cam Bốt.
Trung Hoa khuyến khích Cam Bốt vượt qua thế đứng đơn độc và ve vãn các nước không Cộng Sản ở trong vùng. Giới truyền thông Trung Hoa vốn lưu ý sự im lặng đáng ngờ của Thứ Trưởng Ngoại Giao Phan Hiền qua chuyến đi thăm các nước trong Hiệp Hội Đông Nam Á (Asean) hồi tháng Bảy 1976 (cuộc viếng thăm đầu tiên từ khi chiến tranh chấm dứt) đã khuyến khích Ieng Sary đi thăm các nước trong vùng. Để trấn an, Ieng Sary mang tới cho các nước Mã Lai, Tân Gia Ba và Miến Điện một điện văn nói rằng không có sự kết hợp thành “Đông Dương Đỏ” dưới sự kiểm soát của Hà Nội. Ieng Sary nói với Phó Thủ Tướng Tân Gia Ba Sinnathamby Rajaratnam rằng “Người Cam Bốt không tin vào Liên Bang Đông Dương”. Sau đó, ông ta tiếp tục báo cho Tân Gia Ba biết việc tranh chấp biên giới giữa Cam Bốt và Việt Nam. Ieng Sary nói – rõ ràng ngược với sự cô lập hiện tại của Cam Bốt- điều đất nước ông ta muốn là mối quan hệ láng giềng tốt và buôn bán với Tân Gia Ba.
Ieng Sary tiếp tục chuyến thăm các nước Đông Nam Á sau nhiều tháng im lặng trước việc Trung Hoa công khai đòi những hòn đảo ở vùng biển Nam Trung Hoa. Một bài trên tờ nhật báo Trung Hoa phát hành hôm 14 tháng 3/1977 nhắc Việt Nam nhớ rằng Trung Hoa tiếp tục đòi đảo Trường Sa (Spratly Islands).(27) Những lời tuyên bố từ Phnom Pênh và Bắc Kinh ngày 17 tháng Tư 1977 trong lễ kỷ niệm chiến thắng lần thứ hai của Khmer Đỏ cho thấy không còn gì nghi ngờ việc Cam Bốt muốn tạo thêm căng thẳng với Việt Nam cũng như giao ước của Trung Hoa với chế độ Pol Pot. Trong một bữa tiệc tại Phnom Pênh, Ieng Sary xác nhận môt cách mơ hồ việc thanh trừng những phần tử thân Việt Nam. Tại một bữa tiệc ở Bắc Kinh trong cùng thời gian, Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Hoa Hoàng Hoa hoan hô Cam Bốt Dân Chủ đã “triệt phá được âm mưu phá hoại của kẻ thù ở trong và ngoài nước”. Ông ta bảo đảm với Cam Bốt rằng Trung Hoa sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao của Mao bằng cách liên minh với những nước nhỏ chống lại các nước lớn đang âm mưu lật đổ, can thiệp nội bộ hoặc ức hiếp. Hoàng Hoa nói “Chúng ta tin vào tương lai của hai dân tộc Trung Hoa và Cam Bốt cùng đi trên con đường chiến đấu chung”. (28)
Chỉ hai tuần sau khi những lời khuyến khích như vậy được đưa ra, Khmer Đỏ mở một cuộc tấn công lớn vào Việt Nam. Việt Nam trả đủa bằng không kích với loại máy bay A37 do Mỹ để lại. Tuy nhiên, cả hai phía đều không loan báo gì về sự xung đột xảy ra ở biên giới cả. Qua hình thức một văn thư ngoại giao, lời cảnh cáo đầu tiên không được công bố của Việt Nam gởi cho Cam Bốt, mãi tới ngày 7 tháng Sáu mới được gởi đi, một ngày trước khi Phạm Văn Đồng tới Bắc Kinh. Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam trao thư này cho So Kheang, đại sứ Cam Bốt Dân Chủ tại Hà Nội, đề nghị thảo luận ở cấp cao để xét lại vấn đề biên giới và chấm dứt “những sự kiện đẫm máu” – rõ ràng nói tới việc Khmer Đỏ tấn công vào Tịnh Biên và nhiều nơi khác trong tỉnh An Giang. Lần đầu tiên Việt Nam chỉ tay tố cáo các nhà lãnh đạo ở Phnom Pênh. Bức công hàm nói rằng “Việc xử dụng những lực lượng vũ trang đáng kể tấn công đồng thời trên một khu vực rộng lớn trong một thời gian lâu dài không thể là sự manh động của chính quyền địa phương”. Công hàm hỏi “có phải đây là hành vi phạm tội của một nhóm người, của những người có đầu óc xấu xa, cố gắng phá hoại truyền thống đoàn kết và hữu nghị kết hợp hai đảng và hai dân tộc chúng ta”.(29)
Một ngày sau, tờ “Quân Đội Nhân Dân” lần đầu tiên công khai nói tới vấn đề biên giới, kêu gọi sẵn sàng chiến đấu, đẩy lùi những cuộc tấn công bất thần của địch. Tuy nhiên, mãi đến 1978, dân chúng Việt Nam mới được thông báo rõ ràng kẻ thù nào và vùng nào trên biên giới bị tấn công.
Ngày 18 tháng Sáu Cam Bốt phúc đáp đề nghị của Việt Nam thương thảo vấn đề biên giới, nói rằng có thể xem xét tới vấn đề này “sau một thời gian” khi tình hình trở nên bình thường.(30) Một tuần sau khi Cam Bốt lần đầu tiên đưa ra những lời bóng gió về những việc rắc rối với Việt Nam, họ khen ngợi cán bộ và chiến sĩ thuộc tỉnh Kampot, giáp ranh với Việt Nam đã “hy sinh để bảo vệ và gìn giữ mãi mãi lãnh thổ, biển và nước và các hải đảo”. (31)
Bắc Kinh nhe răng
Sự suy sụp nghiêm trọng trong quan hệ với Cam Bốt xảy ra trong khi tướng Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Quốc phòng đang viếng thăm Liên Xô và các nước Đông Âu. Các nhà lãnh đạo Việt Nam dè dặt và lo lắng bảo vệ tính cách độc lập, không muốn Bắc Kinh thấy họ công khai liên minh với Moscow. Ngay khuynh hướng chính trị và nhu cầu kinh tế buộc họ đi gần hơn với Mạc Tư Khoa, họ cũng thấy rằng Trung Hoa quá quan trọng và nguy hiểm nếu họ chống lại nước này. Vào tháng Sáu, chẳng bao lâu sau khi từ Mạc Tư Khoa trở về, Tướng Giáp thực hiện cuộc “thăm viếng thân hữu chính thức” Trung Hoa, dẫn đầu một số đông đại biểu quân sự, ngoại giao tương tự như phái đoàn ông ta lãnh đạo đi Liên Sô trước đó vậy. Tuy nhiên, cuộc viếng thăm này rất tồi tệ. Phía Việt Nam tức giận vì Giáp không được tiếp đón ở phi trường cũng như mời tiệc mừng theo nghi lễ của Tướng Ye Jianying, đại diện phía chủ nhà. Tất cả những cuộc thảo luận chỉ diễn ra với những nhà lãnh đạo hạng hai. Giáp làm cho người Trung Hoa choáng váng bằng cách tiết lộ rằng các cố vấn Trung Hoa của Khmer Đỏ đã bị bắt cầm tù hồi tháng Năm trong cuộc tấn công của Việt Nam. (32)
Để bày tỏ bất mãn việc Trung Hoa xử sự tệ với Giáp, tờ nhật báo “Quân Đội Nhân Dân” của Việt Nam in nơi trang đầu các báo cáo về cuộc viếng thăm của Giáp ở Bắc Kinh, câu chuyện Bảo Tàng Viện Hà Nội có trưng bày một ngàn năm Việt Nam chống lại Trung Hoa để giành độc lập.
Ngày 8 tháng Sáu, một ngày sau khi Giáp rời Bắc Kinh, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng dừng chân ở Bắc kinh trên đường từ Mạc Tư Khoa về. Hồi tháng Tư, khi dừng lại ở thủ đô Trung Hoa trên đường đi Ba Lê, Đồng đã tìm cách thảo luận nhiều vấn đề khác nhau. Bây giờ lại sắp xếp cuộc họp. Đồng chân thật ngồi nói chuyện với Phó Thủ Tướng Lý Tiên Niệm, cánh tay phải phụ trách kinh tế của Thủ Tướng Chu Ân Lai trước đây, từng có quan hệ lâu dài tới việc viện trợ cho Việt Nam. Nhưng lần này Việt Nam không đưa ra một danh sách xin viện trợ của Bắc Kinh. Lý đưa cho Đồng một giác thư – lời than trách chống lại Việt Nam. Ông ta tố cáo Việt Nam theo đuổi chính sách chống Trung Hoa trong lời nói cũng như trong hành động. Năm 1975, Trung Hoa có đề nghị họp thảo luận vấn đề biên giới. Lý nói với Đồng: “Nhưng chính ông, trong khi gạt bỏ việc thảo luận với chúng tôi, thì lại tiếp tục cho người lén lút vào Trung Hoa một cách bất hợp pháp, đòi hỏi đất này đất kia là của Việt Nam… rồi đánh nhau và có những hành động bạo lực khác”. (33)
Ông ta tố cáo các biến cố xảy ra ở biên giới gia tăng từ 100 vụ năm 1974 lên 900 năm 1976. Lý xác nhận lãnh thổ của Trung Hoa ở vùng biển Nam Hải như đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam tấn công và chiếm Trường Sa năm 1975, biến nó thành một vấn đề lớn để tranh cải. Lý cũng tố cáo Hà Nội phản bội lời cam kết trước bằng cách trấn áp trú dân Trung Hoa ở Việt Nam. Hà Nội không bao giờ tiết lộ phản ứng của Đồng khi bị Lý đưa lên ghế bị cáo. Theo người Trung Hoa, ông ta nói vấn đề các hòn đảo thay đổi đột ngột là do tình trạng cấp bách của chiến tranh. Đồng đáp lại rằng trong khi bận rộn với chiến tranh chống Mỹ và cần Trung Hoa viện trợ, Việt Nam không thể đặt nhiều chú tâm tới vấn đề các hòn đảo. Sự đối đầu chua chát giữa hai cựu đồng chí tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân Bắc Kinh diễn ra đã rõ ràng. Những điệu bộ giã vờ, nhưng câu chuyện bóng gió, và việc đã kích công khai đưa tới những lời châm biếm và đối đầu tệ hại. Sự đụng độ thì chưa tới nhưng răng cỏ thì đã nhe ra.

Tình hữu nghị bị xúc phạm
Sự rắc rối trong chuyến đi Trung Hoa của Tướng Giáp và cuộc đối đầu gay gắt giữa Phạm Văn Đồng và Lý Tiên Niệm hồi tháng Sáu, – một tháng sau khi Khmer Đỏ tấn công dữ dội vào Việt Nam -, chỉ làm cho Hà Nội khẩn trương tìm kiếm an toàn. Về phía Việt Nam, những biến cố từ tháng Tư đến tháng Sáu làm cho họ thêm củng cố lòng tin đã lâu rằng chính an ninh của Việt Nam cột chặt với an ninh Lào và Cam Bốt. Nếu một thế lực thù địch với Việt Nam thiết lập được liên hệ với Lào hay Cam Bốt, như các nhà chiến lược Việt Nam suy tính, sự hợp tác đó sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng cho nền an ninh Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn sau khi từ Trung Hoa trở về, Đồng lại ra đi. Lần này, ông ta tới Lào để ký một thỏa ước hữu nghị – sự cản trở đầu tiên có thể ngăn Trung Hoa can thiệp vào Đông Dương.
Những biện pháp làm thế nào để hai bên hợp tác chặt chẽ với nhau được giao cho một số nhân vật cao cấp trong phái đoàn Việt Nam tới Vạn Tượng vào sáng ngày 15 tháng Sáu. Ngoài Tổng Bí Thư Lê Duẫn, Thủ Tướng Phạm văn Đồng, hai thành viên Bộ Chính Trị, hai ủy viên Trung Ương Đảng, còn có một lô các quan chức hàng đầu khác. Đây là lần đầu tiên Lào thì đón và Hà Nội thì gởi đi một phái đoàn đại biểu cao cấp như vậy. Toàn bộ chính phủ Lào – từ “ông hoàng đỏ” có râu mép (Chủ Tịch Souphanouvong) và Thủ Tướng Kaysone cho tới thứ, bộ trưởng thấp nhất – đều ra chào mừng Việt Nam tại phi trường. Ngày hôm sau, một cuộc tập họp đông đảo được tổ chức gần That Luang – chùa cột vàng cao ngất trời Vạn Tượng- để chào mừng phái đoàn Việt Nam. Một số ít người trong số công dân được Đảng Cộng Sản Lào gọi tập trung ở đây biết rằng ý nghĩa việc làm của Kaysone là đập tan “mưu đồ phản trắc, xảo trá và những hành động cướp bóc của bọn đế quốc và tay sai, bọn phản động” hay ý nghĩa lời thề của Kaysone là “làm tất cả những gì chúng tôi có thể làm được để tăng cường đoàn kết chặt chẽ với nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa”. (34)
Chỉ những biến cố về sau cho thấy rõ Kaysone gián tiếp nói “mưu đồ xảo trá” của Trung Hoa và Khmer Đỏ phá vở mối liên hệ đặc biệt của Việt Nam với các nước láng giềng Đông Dương. Câu trả lời của Lào-Việt Nam nói tới những “mưu đồ” được tiết lộ vào buổi sáng ngày 18 tháng Bảy. Trước khi lên đường về Hà Nội, Việt Nam ký một thỏa ước hữu nghị và hợp tác với Lào đến nỗi cả hai nước sẽ “duy trì tình đoàn kết mãi mãi trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước”. Đề mục 1 của thỏa ước 25 năm là giáo dục đảng và nhân dân “kiên trì tôn trọng, bảo vệ và nuôi dưỡng mối liên hệ đặc biệt Việt Nam-Lào được trong sáng và mãi mãi bền vững”. Điểm này nhằm xóa tan tính truyền thống chống đối Việt Nam, ngăn ngừa chủ nghĩa Chauvin và ão giác thù địch Việt Nam, theo kiểu cuồng nộ hiện tại ở Cam Bốt. Đề mục 2 nói rằng trong khi nền an ninh quốc gia còn là trách nhiệm của mỗi nước “hai bên yêu cầu hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau toàn tâm toàn ý và hợp tác chặt chẽ nhằm gia tăng khả năng quốc phòng và gìn giữ độc lập, tự trị, sự toàn vẹn lãnh thổ (của mỗi quốc gia) và chống lại mọi mưu đồ và hành động cướp bóc của bọn đế quốc và các thế lực phản động nước ngoài.” (35)
Hiệp nghị thân hữu và những thỏa ước khác đặt ra nền tảng hợp pháp cho việc hợp tác chặt chẽ và vai trò an ninh của Việt Nam ở Lào -là điều kiện sống còn từ khi nước Cộng Hòa Lào được khai sinh. Tuy nhiên, thỏa ước đó chỉ là hình thức hóa sự thật. Nó muốn nhắc cho Trung Hoa và Cam Bốt biết rằng, bất kể sự chống đối của họ, Hà Nội quyết định duy trì sự lãnh đạo của họ đối với Đông Dương. Nếu có chuyện Cam Bốt tấn công Việt Nam thì điều đó chỉ làm cho Hà Nội gia tăng liên hệ đặc biệt với Lào và Cam Bốt ở mức độ ưu tiên cao chứ không còn là điều xa vời nữa.
Đối với Pol Pot, thỏa hiệp Lào-Việt Nam là sự xác định cuối cùng đối với nỗi lo sợ của ông ta. Việt Nam đã làm hết sức để xây dựng một kế hoạch lâu dài về Liên bang Đông Dương. Ông ta chẳng còn nghi ngờ gì về tham vọng của Việt Nam là “chiếm cứ toàn bộ Cam Bốt dưới hình thức một Liên bang Đông Dương bằng cách mỗi năm gởi hàng ngàn hoặc hàng triệu người Việt tới định cư ở Cam Bốt. Nếu Việt Nam đi theo con đường này thì chỉ trong vòng 30 năm hay hơn, nhân dân Cam Bốt sẽ trở thành thiểu số”. Pol Pot phát biểu với một nhà báo Nam Tư như vậy vào hồi tháng Ba/1978.(36) Quyết định của Việt Nam cột Lào bằng một thỏa ước quan hệ đặc biệt, theo Pol Pot, là điều chỉ rõ cho thấy là Hà Nội có ý định nối liền với Cam Bốt. Sự căm ghét của Pol Pot đối với thỏa ước này không bày tỏ công khai. Trong một bản tường trình ngắn về chuyến đi thăm của phái đoàn Hà Nội ở Lào, đài phát thanh Phnom Pênh nói bóng gió một cách mờ ám rằng anh chàng kỵ sĩ Việt Nam không quan tâm tới quyền tối thượng của Lào, chỉ nói lên thỏa ước lãnh sự qua đó các viên chức Việt Nam và Lào “quá cảnh mà không cần thông hành”. (38)
Sự láo xược của chiến thắng
Bằng một sự trùng hợp kỳ lạ, trong cùng một ngày -17 tháng Bảy/1977- những nhà lãnh đạo Việt Nam kết thúc chuyến đi thăm và ký thỏa ước với Lào, các cán bộ hàng đầu của Đảng Cộng Sản Cam Bốt ở vùng phía đông tập trung trong một khu vực bí mật để thực hiện chiến lược chống Việt Nam. Một tháng sau, nghị quyết thông qua trong buổi họp đó được đưa ra ánh sáng vì một bản nghị quyết này rơi vào tay Việt Nam trong một cuộc hành quân càn quét nội địa Cam Bốt. Nghị quyết nói rằng Việt Nam “có kế hoạch đen tối chiếm đóng lãnh thổ chúng ta và tiêu diệt dân tộc Khmer”. Vì vây cuộc xung đột “không bao giờ giải quyết được bằng chính trị”. Trong một lời ám chỉ việc thanh trừng những cán bộ từ chối đi theo đường lối chống Việt Nam, nghị quyết kết kuận “Chúng ta có nghĩ là sẽ giải quyết được vấn đề ấy (Cuộc xung đột với Việt Nam) phù hợp với thành phần ấy trong đảng ta hay chúng ta phải giải quyết nó phù hợp với sự hèn nhát của bọn phản bội quỳ gối và phục tùng như những tên đầy tớ của bọn Youn? Chúng ta phải xác định rằng không bao giờ trở thành những tên đầy tớ của bọn Youn”.
Nghị quyết kêu gọi chiến sĩ tiêu diệt người Việt Nam nếu Việt Nam tấn công Cam Bốt. “Không những chúng ta chỉ chận đứng và tiêu diệt chúng ngay trên lãnh thổ chúng ta mà chúng ta còn phải vượt qua biên giới để chận đứng và tiêu diệt chúng ngay trên lãnh thổ của chúng. Đây là ý chí để tạo thêm khó khăn cho chúng và làm cho chúng càng thêm sợ hãi chúng ta. Rồi, sau đó, chúng không bao giờ dám xâm lấn lãnh thổ chúng ta nữa. Chúng ra sức chống lại chúng ta”. (39)
Nghị quyết không nói rõ những mục tiêu của Khmer khi đẩy Việt Nam vào thế phòng ngự. Nhưng trong khi cổ võ binh lính chống lại Việt Nam hồi đầu năm 1977, một vài người theo Pol Pot bày tỏ ước muốn đòi lại vùng Cam Bốt Krom (Nam phần ngày nay) và Prey Nokor (tên Khmer, chỉ vùng Sài Gòn bây giờ)
Có phải Pol Pot thực sự tin vào những người lính trẻ, trang bị yếu kém có thể đánh bại Việt Nam. Giống như Mao, ông ta có lòng tin vào quyền tối ưu của con người vượt qua được máy móc và vũ khí. Điều này làm gia tăng niềm tự hào dân tộc của Khmer Đỏ dũng mãnh và khả năng của quốc gia họ. Hồi tháng Chín 1977, Pol Pot tuyên bố: “Nếu nhân dân chúng ta đã xây dựng được Đế Thiên Đế Thích, họ sẽ có thể xây dựng được mọi thứ.” Ông ta tự thuyết phục rằng Khmer Đỏ đã đánh bại hoàn toàn đế quốc Mỹ và giúp đỡ người Việt Nam chiến thắng.
Mọi thứ rồi có thể xảy ra sau một chiến thắng kinh ngạc như thế. Pol Pot lý luận, binh lính của Việt Nam bành trướng chẳng bao giờ có thể đối đầu với người lính Cam Bốt vì họ chiến đấu cho chính quốc gia họ. Pol Pot cho sức mạnh của nước Cam Bốt Dân Chủ là ở sự trong sáng của quân đội và tổ chức căn bản của nó. Trong một buổi họp đảng, ông ta nói rằng “Nếu chúng ta tổ chức quân đội tốt, chắc chắn chúng ta chiến thắng An Nam (Việt Nam) bởi vì chúng ta là một xã hội hợp lực trong khi xã hội Việt Nam thì yếu kém vì tài sản riêng tư, xáo trộn, và hỗn loạn.” (41)
Sự “thành công” do binh lính Khmer thu được trong việc tàn phá các làng mạc Việt Nam và tàn sát dân lành trong những cuộc tấn công bất thần kể từ tháng Tư 1977 mà Việt Nam không phản ứng đã thúc đẩy mạnh mẽ lòng tin của Pol Pot. Điều Hà Nội đang phải đối đầu nghiêm trọng là khủng hoảng lương thực, sự rối loạn vô cùng ở miền Nam, sự chống đối bằng vũ lực của nhiều nhóm khác nhau, -ít nhất trong đó có Fulro (the United Front for the Struggle of Oppressed Races – Front de L’unité de Liberation des Races Oppressés) nhận được viện trợ vật chất từ Khmer Đỏ – chỉ có Khmer Đỏ mới đủ can đảm thách đố Việt Nam.
Pol Pot cũng kết luận rằng việc thương thảo về lãnh thổ với Việt Nam là khó đạt được. Chỉ có việc biểu dương lưc lượng dọc theo biên giới và sự đòi hỏi công khai vùng biển có thể làm cho Cam Bốt duy trì độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Trong các cuộc thảo luận về biên giới hồi tháng Sáu/1976, Phan Hiền, đại biểu Việt Nam đã từ chối, không chấp thuận đường ranh Brévié, đường phân ranh trên biển. Cuộc thương thảo bị đình chỉ và không trù định họp lại. Tuy nhiên, ngày 12 tháng Năm/1977 Hà Nội tuyên bố khu vực kinh tế của họ (thềm lục địa) kéo dài tới 200 dặm kể từ bờ biển. (42)
Dù Việt Nam nói họ sẵn sàng “họp hội nghị thảo luận với bất cứ quốc gia nào quan tâm tới mọi vấn đề liên hệ tới lãnh hải và lục địa của mỗi quốc gia trên căn bản tôn trọng độc lập và quyền cai trị của mỗi bên theo luật pháp quốc tế”, Cam Bốt vẫn không tin những gì Việt Nam hứa hẹn. Tháng 8/1977 tạp chí “Cam Bốt Dân Chủ Tiên phong” một tạp chí phổ biến ra ngoại quốc, ấn hành một bản đồ Cam Bốt, chỉ có một điểm đặc biệt đáng lưu ý được phác thảo là một đường chấm (đường ranh Brévié) trong vịnh Thái Lan biểu thị vùng biển của Cam Bốt. Đó là câu trả lời của Phnom Pênh đối với lời tuyên bố của Việt Nam về đường ranh vùng biển.
Ngày 30 tháng Bảy, một bài bình luận của đài phát thanh Phnom Pênh nói rằng trong quá khứ, “bọn phản bội cầm quyền” ở Cam Bốt đã cho đế quốc xâm lấn lãnh hải của nước này. Nhưng chúng không còn được phép nữa vì “tiến trình cách mạng hiện nay bảo vệ và xây dựng đất nước”. Bài bình luận này cũng kê ra một lô các hòn đảo dưới quyền kiểm soát của Cam Bốt và tuyên bố rằng họ cương quyết không khoan thứ “bất cứ kẻ thù nào xâm lược hay chiếm đoạt lãnh hải và hải đảo.” (43) Sự xung đột giữa Việt nam và Cam Bốt đạt tới đỉnh cao khi chế độ Pol Pot thấy cần đưa vấn đề này ra để cảnh cáo Hà Nội.
Một nhân vật bí mật ở Bắc Kinh
Ngày 28 tháng Chín/1977, tuồng như có hy vọng mới ở Bắc Kinh. Đã lâu thành phố này không thấy lễ lược như vậy. Năm 1976 bắt đầu với cái chết của Chu Ân Lai. Tiếp theo là cuộc rối loạn chính trị ở Bắc Kinh, động đất tàn phá, Chủ Tịch Mao Trạch Đông qua đời, và sự thay đổi trong ngành vệ binh. Nước Trung Hoa tê liệt bây giờ thấy nhẹ nhõm vì nhóm cực đoan đã bị loại trừ. Lễ kỷ niệm lần thứ 28 nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày 1 tháng 10 được cử hành lần đầu tiên thời hậu Mao. Có một số ít người ngờ rằng, lần thứ nhất đối với thế giới, nhà lãnh đạo dấu mặt Cam Bốt sẽ xuất hiện vào buổi lễ “tấn phong” thỏa ước Trung Hoa-Khmer. Thiên An Môn trông giống như hình ngôi chùa với một hành lang rộng, lan can lát đá cẩm thạch là cỗng vào cấm thành, nằm sau một cái sân rộng được trang hoàng cờ xí. Việc trang hoàng đó không những chỉ dành riêng cho ngày quốc khánh Trung Hoa mà còn có cờ vàng đỏ nước Cam Bốt Dân Chủ, bay lượn trên hành lang. Dọc theo Đại Lộ Tràng An, chạy phía trước Thiên An Môn, các cột đèn đều gắn trên đầu những ngọn đèn lớn hình hoa sen, treo cờ hai nước liên minh. Hàng trăm trẻ em học sinh tay cầm bảng màu đứng dọc theo hai bên hành lang đi vào Thiên An Môn. Ở đoạn cuối có mấy em bé cầm bảng đưa cao lên khỏi đầu có hàng chữ gỗ “Chào Mừng Quan Khách” viết bằng tiếng Trung Hoa và Khmer. Hàng trăm ngàn người dân thành phố Bắc Kinh được gọi đứng hai bên đường từ phi trường vào tới Đại Lộ Trường An để chào đón quốc khách. Một ít nhân vật Trung Hoa hàng đầu ngang chức với quốc khách đứng đón. Ngay từ việc chuẩn bị đón chào quốc khách rực rỡ như thế này, người ta biết rằng đây là khách đặc biệt của Trung Hoa. Trong không khí dịu mát của bầu trời mùa Thu, Bắc Kinh thực sự đã làm sống lại nước Cam Bốt Dân Chủ.
Bức màn bí mật như tấm khăn tang che phủ những lãnh tụ Khmer Đỏ, sáng hôm ấy được ưu ái vén lên khi họ mặt mũi tươi cười, tóc tai cắt ngắn, áo đen lãnh tụ theo kiểu Mao xuất hiện ở cửa chiếc máy bay Boeing 707 của Trung Hoa. Nhân vật hàng đầu cách mạng Cam Bốt, người chẳng bao giờ xuất hiện công khai trước đây là Pol Pot. Kể từ mùa Xuân 1976, khi đài phát thanh Phnom Pênh loan báo Pol Pot được chọn làm thủ tướng, người ta bàn luận không ngớt về đời thật của nhân vật hoàn toàn không được biết này. Sự bí mật càng lúc càng sâu vì bốn tháng sau khi làm thủ tướng, người ta lại nghe loan báo Pol Pot tạm nghỉ chức vụ này vì lý do sức khỏe. Trọn một năm người ta không nghe tới tên ông cho đến ngày ông ta xuất hiện trên tấm thảm đỏ trãi ra ở phi trường Bắc Kinh. Con người bí mật ấy, cuối cùng đã xuất hiện bằng xương bằng thịt trước ánh sáng chói lòa với toàn thế giới. Toét miệng cười, hai con mắt hí hầu như bị che khuất dưới các nép nhăn của mặt, Pol Pot nồng nhiệt bắt tay Thủ Tướng kiêm Chủ Tịch Đảng Hoa Quốc Phong đứng trên đường tới thang máy bay. Tám nhân vật lãnh đạo hàng đầu, gần một phần ba nhân vật đầy quyền lực trong Bộ Chính Trị, gồm cả phó thủ tướng mới được phục chức Đặng Tiểu Bình, tập họp tất cả tại phi trường để bày tỏ tình thân hữu bền chặt của Trung Hoa với nước Cam Bốt Dân Chủ. Cùng với Hoa, Pol Pot đứng trên xe mui trần chạy từ sân bay xuống phố Tràng An trong khi đám đông đánh chiêng trống và hoa cờ giấy Cam Bốt, thả hàng trăm hàng ngàn bong bóng lên không. Tiếng hoan hô ầm ỉ nổi lên mỗi khi đoàn xe đi qua.
Trong buổi họp báo dành cho báo chí Bắc Kinh, Pol Pot tiết lộ một ít về cuộc đời cách mạng của ông, nhưng lại chẳng bao giờ ông ta nói thật về ông. So sánh chi tiết tiểu sử và hình ảnh ông, các nhà phân tích kết luận rằng Pol Pot chính là nhà lãnh đạo Cộng Sản Saloth Sar, người đã biến mất khỏi Phnom Pênh năm 1963. Ngoại trừ các bạn hữu Bắc Hàn và Trung Hoa và một số ít các nhà phân tích ngoại quốc, ít ai nhận ra Pol Pot đã nổi bật từ trong bóng tối chỉ sau một năm thanh trừng đẫm máu loại trừ những người thật sự hay bị nghi ngờ chống lại ông ở trong đảng. Bây giờ, ông ta thấy đủ an toàn để tuyên bố với thế giới sự hiện hữu của Đảng Cộng Sản Cam Bốt, từ lâu che dấu dưới cái áo khoác của tổ chức Angkar nặc danh – và thể hiện trong chuyến đi ngoại quốc lần đầu tiên trong vai trò tổng bí thư đảng và thủ tướng chính phủ.
Trong ngày lễ quốc khánh, vào buổi tối 1 tháng Mười, người khách danh dự Pol Pot đứng bên cạnh chủ tịch Hoa Quốc Phong trên diễn đàn tại Thiên An Môn để xem đốt pháo bông. Giữa các khách ngoại quốc có Hoàng Văn Hoan. Mặc dù bị trục xuất khỏi Ủy ban Trung ương đảng, ông ta vẫn còn là phó chủ tịch quốc hội Việt Nam. Một điều lạ lùng là Hoan đã họp kín với Pol Pot để nghe Cam Bốt than phiền hoặc là ủy thác ông ý kiến về các nhà lãnh đạo Việt Nam (CS). Cái ý nghĩ đặc biệt dằn vặt ông bởi vì hai năm sau Hoan đã làm cho thế giới kinh ngạc khi ông ta là nhà lãnh đạo cao cấp đầu tiên trốn qua Trung Hoa và tố giác chính sách của Hà Nội đối với Cam Bốt.
Trong những bài diễn văn đọc tại bữa tiệc và buổi họp báo tại Bắc Kinh, Pol Pot ám chỉ việc mất đất của Cam Bốt vì các nước láng giềng (Việt Nam và Thái Lan) trong quá khứ, và rõ ràng với Việt Nam trong trí, ông ta tuyên bố: “Chúng tôi không khoan thứ cho bất cứ một cuộc xâm lấn nào, khiêu khích, can thiệp, lật đổ, gián điệp, do bất cứ ai chống lại nước Cam Bốt Dân chủ và nhân dân nước này”. Về chế độ cách mạng ở Cam Bốt, “phải bảo vệ biên giới hiện hữu và biên giới đó không bao giờ mất”.(44)
Tuy nhiên, trong các cuộc thảo luận rất tin tưởng với các nhà lãnh đạo Trung Hoa, Pol Pot nói về việc tấn công, không phải là hành động phòng vệ chống lại Việt Nam (CS), ông ta nói với Hoa và những nhà lãnh đạo khác rằng theo nhận xét của ông, tinh thần binh lính Việt Nam (CS) là thấp. Họ không chấp thuận sự thiếu thốn như đã có trong quá khứ. “Trong bối cảnh đó, nếu phong trào cách mạng Đông Nam Á tăng cường tấn công Việt Nam thì tình hình sẽ cải thiện và có khả năng giải quyết vấn đề.” Ông ta cũng thông báo cho các nhà lãnh đạo Trung Hoa hay rằng đảng Cọng sản Cam Bốt đã trao đổi quan điểm với các đảng (CS) Thái Lan, Mã Lai Á, Nam Dương và Miến Điện về vấn đề này và tất cả họ đều đồng ý. “Tuy nhiên vẫn còn vài vấn đề về việc thi hành chánh sách”. Ông ta nói: “Ở phiá Bắc chúng tôi có sự viện trợ của các bạn Trung Quốc và ở Đông Nam Á, sự toàn ý trong các bạn bè. Khúc quanh chiến lược này là một sự khích lệ lớn lao đối với chúng tôi.” (45)
Theo một tài liệu mật đánh cắp từ Bắc Kinh được tiết lộ mấy năm sau, Pol Pot không phóng đại sự gia tăng viện trợ của Trung Hoa. Trong một bản báo cáo đáng tin về tình hình quốc tế phân phối cho một nhóm đảng phái vào ngày 30 tháng Bảy/1977, Hoàng Hoa nói rằng việc Pol Pot thanh trừng những tên xâm nhập xét lại Liên Sô là đúng bởi vì nó cần “trong sạch hóa quân đội và tăng cường khả năng tác chiến”. Những cuộc thanh trừng này gia tăng gấp đôi với những người Cam Bốt từ chối chấp nhận Việt Nam như là một Người Anh Lớn và sự đối nghịch ý thức hệ giữa Việt Nam và Cam Bốt chống chủ nghĩa xét lại. Ông ta nói rằng ông ta đã khơi ngòi cuộc chiến. Bọn “xâm nhập xét lại” mà Hoàng Hoa nói tới ở đây là những người chống lại chủ nghĩa cấp tiến của Pol Pot và thân Việt Nam. Mặc dầu ông ta có nói tới sự dính dáng của bọn xét lại Liên Sô, rõ ràng trong trí ông ta là nói tới Việt Nam một khi ông ta nhắc tới khả năng chiến tranh giữa Cam Bốt và bọn xét lại. “Đôi khi một cuộc chiến tranh lớn quyết định một trong hai ai là kẻ ưu thế. Và qua một trận chiến quyết định, vấn đề sẽ được giải quyết. Dù cho sự mất mát có lớn lao, vấn đề sẽ được giải quyết toàn bộ.” Ông ta nói Trung Hoa sẽ không hờ hững đứng ngoài và đồng ý cho bọn xét lại Liên Sô can thiệp vào quyền cai trị của Cam Bốt: “Chúng tôi cương quyết ủng hộ quyết định của đất nước và nhân dân Cam Bốt chống lại chủ nghĩa đế quốc và cung cấp cho họ mọi thứ viện trợ trong khả năng chúng tôi làm được”. (46)
Thật khó mà biết bao giờ thì cái ý muốn đáng ngạc nhiên này hỗ trợ cho “cuộc chiến tranh lớn” đại diện cho sự nhất trí của Trung Hoa hay hơn thế nữa, phản ảnh tả phái trong việc tiếp tục cầm quyền chống nhau giữa phái Mao-ít và nhóm thực tiễn trong các nhà lãnh đạo Trung Hoa. Sự thực tài liệu này của Trung Hoa được giữ im và vài tháng sau, một trong các nhà lãnh đạo ôn hòa ở Bắc Kinh cố gắng trì hoãn việc Khmer Đỏ mạo hiểm chống lại Việt Nam. Sự rối rắm trong nội Bộ Chính Trị Trung Hoa về vấn đề Cam Bốt được dấu kín. Đối với thế giới bên ngoài, thông điệp của Trung Hoa là rõ ràng. Báo chí phương Tây không nói gì tới việc giết người hàng loạt ở Cam Bốt. Trung Hoa đứng về phía đồng minh của họ. Trong bữa tiệc, Hoa đọc diễn văn “Nhân dân Cam Bốt anh hùng không những chỉ tài giỏi trong việc đã phá xã hội cũ mà cũng tài giỏi khi xây dựng xã hội mới”. Một cách bóng gió, ông ta cũng nói tới việc Trung Hoa ủng hộ các cuộc thanh trừng của Pol Pot và hành động chống Việt Nam. Ông ta hoan nghênh sự thành công trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Cam Bốt – nói một cách khác, đang đứng trên ranh giới chiến tranh với Việt Nam – và trong việc đập tan “ý đồ lật đổ và phá hoại của kẻ thù trong nước cũng như ngoài nước”. Ông ta nói với Pol Pot mặt mũi đang tươi cười: “Vì là anh em và đồng chí sát cánh chiến đấu, nhân dân Trung Hoa rất vui mừng với chiến thắng sáng lạng của các bạn”. (47)
Cuộc thăm viếng thắng lợi của Pol Pot ở Trung Hoa không những chỉ xua tan mối nghi ngờ, không tin chắc vào quan hệ Trung Hoa-Cam Bốt kể từ hồi mùa thu/1976 mà cũng còn giúp củng cố thêm vị trí của Pol Pot trong nội bộ đảng CS Cam Bốt. Cuộc viếng thăm đó chứng tỏ rõ ràng tình thân hữu Trung Hoa dành cho Cam Bốt được bám rễ từ những quan điểm về lịch sử và tân-chiến lược. Những dị biệt về ý thức hệ không thể vượt qua được quyền lợi của Bắc Kinh trong việc viện trợ cho Cam Bốt, đứng lên đối đầu với kẻ thù địch lớn nhất của Trung Hoa ở trong khu vực này: Việt Nam.
Thái Tử Norodom Sihanouk: Nương thân
Đối với Sihanouk, đây là cách khuây khỏa để tránh khỏi thành phố Bắc Kinh lạnh lẽo và sương mù. Vào tháng Chạp, thủ đô Phnom Pênh nắng dịu, không còn những ngày ẫm ướt nặng nề của những tháng hè. Những tia sáng biến mất khỏi mặt nước sông Mekông lóng lánh như tấm gương soi, ngay cả một vệt nhẹ trên không trung. Điều đó làm cho Sihanouk thấy vui khi được trở lại cố hương sau 5 năm sống lưu vong. Những ngày tháng trống rỗng, nếu so với bước chân cuồng nhiệt mà ông đã thực hiện trong suốt cuộc đời -ngay cả khi ông sống lưu vong ở Bắc Kinh. Ông từng muốn trở thành một đại sứ lưu động của nước Cam Bốt mới, đi vòng quanh thế giới để mong tìm thiện cảm, giúp đỡ và viện trợ, xây dựng lại đất nước ông bị tàn phá vì chiến tranh. Nhưng Khmer Đỏ đã quay lưng lại với những điều ông mong ước. Họ chẳng có thể tin vào “ông hoàng phong kiến” lại có thể trở thành người đại diện cho chế độ cách mạng cơ bản nhất của họ, dù ông có lòng hăng hái, nhiệt tình. Thực ra, đối với Khmer Đỏ, điều cần thiết của họ là tránh né thế giới bên ngoài và xây dựng đất nước của họ theo kiểu một xã hội lao động và cô lập. Bởi vì vẫn còn là một người, trên danh nghĩa, đứng đầu nước Cam Bốt, Sihanouk có thể trấn an thế giới rằng ở Cam Bốt mọi điều đang xảy ra đều tốt đẹp khi Khmer Đỏ thực hiện những chương trình cải cách bạo tàn của họ.
Hồi đầu năm 1975, trong suốt cuộc nói chuyện với Chủ Tịch Mao trước khi Phnom Pênh sụp đổ, Sihanouk nói rằng ông ta muốn nghỉ hưu sau khi Khmer Đỏ chiến thắng. Đơn giản, ông ta không thể hợp tác với họ. Mao chống lại ý kiến ông hoàng một cách mạnh mẽ: “Ông phải giúp Khmer Đỏ. Sự khác biệt giữa ông với họ chỉ là ở mức độ 2 phần 10, còn lại 8 phần 10 thì rất thông cảm nhau. Hãy quên cái 2 phần 10 đó đi.” Sihanouk nói: “Thưa chủ tịch, điều đó không thể được”. Rồi thôi, ông không muốn tranh luận với Mao khi đó Mao đã già yếu lắm rồi. Cuối cùng, Sihanouk trở về Cam Bốt. Nhưng chẳng bao lâu, ông ta lại nhận ra rằng sự khác biệt giữa ông và Khmer Đỏ không chỉ ở mức độ 20 phần trăm như Mao nói mà là một sự khác biệt hoàn toàn.
Một trong những điều đầu tiên đưọc thấy là sự áp bức, tinh thần bài ngoại trong đám Khmer Đỏ tình cờ xảy ra trong buổi lễ tiếp tân ngày quốc khánh Cuba tại nhà quốc khách. Theo nghi lễ, Sihanouk bắt đầu đọc lời chúc mừng bằng tiếng Khmer rồi ngưng lại để chờ một người nào đó thông dịch. Trong số những người lãnh đạo Khmer Đỏ, có người đã từng du học ở Pháp nhưng chẳng ai dịch cả. Ngay cả Khieu Samphan, đậu bằng tiến sĩ ở Sorbonne, dù ông ta bị Suong Sikoeun thúc đẩy. Suong cũng là một người xuất thân trường Pháp, từng là giám đốc Khmer Thông Tấn Xã. Sau khi chờ một lúc chẳng thấy ai, Sihanouk tự dịch ra tiếng Pháp lời chúc mừng của ông. Trong chế độ Pol Pot, kiến thức ngoại ngữ được xem là dấu hiệu của tinh thần nô lệ hơn là khoe khoang.
Vài lần ông ta ngồi với Khiêu Samphan, Bộ Trưởng Ngoại Giao Ieng Sary, hay Bộ Trưởng Thông Tin Hu Nim, họ lễ phép gạt bỏ lời đề nghị nhỏ nhất của ông. Ông ta hỏi: “Tại sao không cho nhân dân trong các hợp tác xã ít nhất cũng được nghỉ việc ngày Chủ Nhật?” Câu trả là: “Chúng tôi không cản được nhiệt tình cách mạng của nhân dân muốn vượt quá chỉ tiêu”. Thất vọng, Sihanouk phải lấy sự chua chát và nhạo báng để xua đi cảm giác đau đớn của ông.
Vài tuần sau khi về tới Phnom Pênh, ông ta mời Đại Sứ Việt Nam Phạm Văn Ba mới từ miền Nam tới để dùng cơm trưa. Lời mời, tự nó là một sự mai mỉa. Trước kia, khi còn hoạt động Cộng Sản bí mật tại Phnom Pênh, đã có lúc Phạm Văn Ba, con người nhỏ nhắn đó đã phải chạy trốn cảnh sát của Sihanouk. Sau đó, ông ta lại xuất hiện ở Ba Lê trong vai trò đại diện cho chính phủ lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam. Bữa cơm có Hu Nim, bộ trưởng thông tin của chính phủ Cam Bốt tham dự. Chính phủ này còn mang tên Chính Phủ Hoàng Gia Liên Hiệp Quốc Gia – GRUNK (Royal Government of National Union of Cam Bốt). Đại Sứ Ba trình bày với Sihanouk những khó khăn đang gặp phải sau khi giải phóng Miền Nam. Sihanouk nói chen vào trước sự khó chịu thấy rõ của Hu-Nim. “Cam Bốt cũng vậy, đang đi trên con đường tệ hại”. Sau này Ba giải thích với tôi, anh ta muốn làm lệch ý nghĩa câu nói của Sihanouk. Ông ta nói: “Được rồi, cả miền Nam và Cam Bốt là hai nước yếu kém vì đế quốc Mỹ. Bây giờ là lúc phải hàn gắn”. Không nãn lòng trước những lời nói ôn hòa của Ba, ông hoàng trả đủa: “Đó là sự thực nhưng các nhà lãnh đạo ở đây đã dùng những liều thuốc quá mạnh”. Trong sự im lặng khó chịu đang bao phủ đó, Ba liếc nhìn Hu-Nim. Ông nầy đang nhìn chằm chằm xuống đất. Một năm sau, Hu-Nim bị giết vì bị kết tội làm tình báo cho CIA.
Tháng Hai/1976, một nhóm 7 người từ Châu Âu, Ả Rập, Châu Phi có cơ sở ở Bắc Kinh – được mời tới thăm Phnom Pênh. Khi chuyện vãn trong bữa tiệc chào mừng khách, Sihanouk lại có cơ hội để bày tỏ tình cảm của ông qua những lời mai mỉa nặng nề. Một người khách hỏi ông làm thế nào mà Cam Bốt có thể xây dựng đất nước khi tất cả trí thức phải về miền quê. Ông hoàng đáp lời, đưa tay chỉ vòng quanh bàn: “Ở đây, chúng tôi không thiếu trí thức. Đây là Khieu Samphan, có bằng tiến sĩ kinh tế. Đây là Thioun Thioenn, bác sĩ y khoa. Đây là Yeng Sary, một trí thức học ở Pháp… “ Ông ta nói một hơi, lý luận một cách nhạo báng trong khi quan khách ngồi im lặng một cách khó chịu. Các nhà ngoại giao thấy một thành phố ma, một nền kinh tế không có giấy bạc lưu hành, Ngân Hàng Quốc Gia đóng cửa và những chứng phiếu rãi rác, bay theo gió trên các đường phố. Họ không thể quên được khung cảnh kinh hoàng này như thế nào.
Những ngày tham dự những buổi tiệc ngẫu nhiên này, khi Sihanouk còn gặp những du khách ngoại quốc, chấm dứt sớm. Những biện pháp kế tiếp dành cho số phận Sihanouk xảy ra một tuần sau khi ông ta trở lại Phnom Pênh. Ngày 5 tháng Giêng, ông ta ký bản hiến pháp mới của nước Cam Bốt Dân Chủ thay thế cho hiến pháp Vương Quốc Cam Bốt. Điều đó cho thấy rằng “quốc gia nhân dân” này chẳng ích lợi gì nhiều cho ông. Ngày 8 tháng Giêng năm 1976, người bạn mà cũng là người che chở cho ông, Chu Ân Lai từ trần. Trong vòng một tuần lễ nhân dịp đám tang này, một chiến dịch báo chí ở Trung Hoa bắt đầu chống lại người được chọn kế tục Chu: Đặng Tiểu Bình. Đây là dấu hiệu nhóm cực đoan ở Trung Hoa, người bạn linh hồn của Khmer Đỏ nổi lên lại.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi Sihanouk yêu cầu được đi Bắc Kinh để lần chót bày tỏ lòng tôn kính của ông với Chu bị từ chối thẳng thừng. Khi Khmer Đỏ công bố chính phủ mới, Sihanouk nghĩ rằng đã tới lúc ông nên rời bỏ chính trường. Khmer Đỏ rất vui lòng việc ông rút lui.
Nhưng việc lặng lẽ để cho ông ta rút lui có thể tạo ra những sự ngờ vực ở ngoại quốc. Kể từ ngày đầu trở về, ông hoàng đã có cơ hội phát biểu trên đài phát thanh. Bài diễn văn từ nhiệm của ông được cán bộ hoan hô, – do một nhân viên đến tận nhà ông ta để thu băng – Trong giọng nói cảm động, Sihanouk đọc lời từ biệt với toàn thể quốc dân, được phát thanh vào ngày 2 tháng Tư năm 1976.
“Khi Lon Nol và đồng bọn đảo chánh ở Phnom Pênh ngày 18 tháng Ba năm 1970, tôi tự hứa và thề với nhân dân Cam Bốt rằng tôi sẽ cùng với nhân dân chống lại đế quốc Mỹ và bọn phản bội để đạt tới thắng lợi hoàn toàn, và sau khi mở ra một thời kỳ cách mạng mới, tôi sẽ hoàn toàn và mãi mãi rút lui khỏi chính trường, vai trò của tôi sẽ chấm dứt.
“Đối với quảng đời còn lại, tôi xin cám ơn nhân dân Cam Bốt, các nam nữ anh hùng và cán bộ cách mạng đã làm sáng tỏ hoàn toàn tên tôi trước thế giới và lịch sử. Trước tình cảm và lòng tin tưởng nhân dân và Cách mạng thông cảm tôi là một chiến hữu của họ, tôi xin được rút lui khỏi chính trường ngày hôm nay”.
Hai ngày sau, đài phát thanh Phnom Pênh thông báo chính phủ rất lấy làm tiếc phải chấp thuận sự từ chức của ông và ban cho ông tước hiệu “Nhà Yêu Nước Vĩ Đại”. Chính phủ đề nghị xây dựng một đài kỷ niệm vinh danh ông và trả cho ông một khoản hưu bỗng 8 ngàn đô la một năm. Đài kỷ niệm ấy chẳng bao giờ nghe nói tới. Nhiều năm sau, tôi hỏi Sihanouk là ông ta làm gì với số tiền 8 ngàn đô trong một xứ sở không dùng tiền. Ông ta nói qua tiếng thở dài nhạo báng: “Ồ! Không! Tôi không thấy được một đồng, dù chỉ là cái bóng của nó.” Thực ra, ông ta có viết một bức thư cho “Cách Mạng” từ khước số tiền đó. Đài phát thanh cũng loan tin ông ta “rút lui khỏi hoạt động chính trị để chú tâm vào cảnh sống gia đình sau 35 năm trong chính trường”. Việc đầu tiên “Cách Mạng” giúp đỡ gia đình ông ta là đưa hai người con gái của ông, cùng với chồng của họ và mười đứa cháu đi lao động ở nông thôn. Người chồng của cô con gái cưng của ông, Botum Bopha, một phi công Cam Bốt, người đã lái chiếc T-28 thả bom xuống dinh của Lon Nol hối tháng Ba/1972 trước khi bay vào vùng Khmer Đỏ kiểm soát. Sihanouk chẳng bao giờ gặp lại họ. Ông ta không biết rằng cùng với việc ông ta từ chức, ông đã bị giam lỏng không chính thức tại lâu đài của ông ở Phnom Pênh.

Brother Enemy
The War After the War
Nguyên tác của Nayan Chanda
Hoàng Long Hải/ Tuệ Chương dịch
Nguồn: Tvvn

Tìm kiếm Blog này