Tim thông tin blog này:

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

Brother Enemy (Anh em thù địch) của Nayan Chanda (IV)

5. Cánh cửa mở ra với phương Tây
Ngày 16 tháng Ba 1977, khi chiếc máy bay phản lực của Không Quân Mỹ nghiêng cánh bắt đầu hạ thấp cao độ trên lưu vực sông Hồng màu xanh thẳm, Đại Sứ Mỹ Leonard Woodcock nhìn nghiêng qua cửa sổ. Phía dưới là các cánh đồng lúa nước chằng chịt những con kinh và đê điều. Đối với Woodcock, một lãnh tụ chuyên nghiệp công đoàn, đây là lần đầu tiên ông ta tới Việt Nam – miền Nam cũng như miền Bắc. Nhưng khi ông thấy những cái hố tròn lớn rãi rác trong khung cảnh đó, ông ta hiểu ngay đó là những hố bom. Những hố bom ấy đã bị những trận mưa lớn lấp đầy nước. Nhưng còn nhiều vết thương nữa cần phải hàn gắn, nhiều điều cần phải làm trước khi một chương sách tồi tệ của cuộc chiến Mỹ ở Việt Nam đóng lại.
Chủ tịch Liên Hiệp Công Đoàn Xe Hơi Mỹ cùng bốn nhân vật nổi tiếng khác của Mỹ trên chiếc máy bay C-141 chỉ mới bắt đầu công việc để kết thúc chương lịch sử này. Tổng thống mới được bầu Jimmy Carter cử Woodcock làm trưởng phái đoàn tới Hà Nội và Vạn Tượng để giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích (MIA) trong chiến tranh Đông Dương. Khi chiếc máy bay hạ cánh trên một vùng đất nghèo nàn rải rác những mái nhà rách nát và những hàng tre dày để đáp xuống phi trường Gia Lâm, ông ta tự hỏi không biết “kẻ thù” sẽ tiếp đón ông như thế nào ở thủ đô của họ. Ông ta biết phía chủ nhà, người thực hiện những cuộc thương thảo trực tiếp với ông là một trong những nhà ngoại giao nổi tiếng lịch sự: Thứ Trưởng Ngoại Giao Phan Hiền. Nhưng ông ta tự hỏi không biết viên chức cấp thấp nào sẽ có mặt ở phi trường để đón ông.

Chẳng bao lâu sau khi ông ta bước ra khỏi máy bay để xuống phi đạo, không khí ấm và ẩm ướt phả vào mặt ông. Tiếng động cơ ngừng hẵn, không khí rất ồn ào. Ông ta đang ở Hà Nội. Chưa tròn 5 năm trước, Hà Nội là địa ngục. Hàng ngàn thường dân bị giết. Nhà thương lớn nhất Hà Nội trở thành đống gạch trong cuộc không tập vào mùa Giáng Sinh năm 1972, khi Nixon cho hàng loạt máy bay B-52 oanh tạc lần cuối với nổ lực đạt tới mức độ cực điểm.(1) Các đơn vị phòng không Việt Nam bắn bừa lên không trong khi không thấy những máy bay khổng lồ bay cao hàng mấy dặm ở trên không. Tuy nhiên, giờ đây, trước mặt ông ta là tòa nhà hành khách nhỏ, người ta đang tụ họp đông đúc với vòng hoa, đứng chờ ở cuối đường băng. Công việc của ông ta là làm thế nào để có được hết danh sách những người Mỹ mất tích, bao gồm cả những phi đội B-52 bị bắn rơi ở Việt Nam. Vì là chủ tịch của Liên Hiệp Công Đoàn Xe Hơi Hoa Kỳ, ông ta phải thương thuyết với những người đầy đủ thẩm quyền nhất ở bàn hội nghị. Tuy nhiên, những người ông ta sẽ đương đầu để bảo đảm cho một thỏa hiệp hợp tác về vấn đề MIA (mất tích khi đang chiến đấu) khác với những người ở hãng General Motors và Chrysler. Đây là những đồng sự của Hồ Chí Minh, những người đã chiến đấu không ngừng trong 30 năm để đạt cho được mục đích của họ. Liệu ông ta có thể thành công được không? Liệu ông ta có thể giải quyết được những vấn đề quá khứ và mở đường quan hệ mới với kẻ cừu địch được không?
Khi ông ta bước lên đường băng, Woodcock nhận ra người giang hai tay đón ông không phải là một viên chức cấp thấp của Bộ Ngoại Giao mà chính là Phan Hiền đang mĩm cười. Người lùn, trông như một quan lại lịch sự và tự tín. Sau nghi lễ chào đón ngắn ngủi, Woodcock và các người trong phái đoàn – Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield, Đại Sứ Charles Yost, Dân Biểu Sonny Montgomery và nhà hoạt động nhân quyền Marian Edelman – cùng một một đám phóng viên, lên đoàn xe hơi đi trên một đoạn đường ngắn để vào Hà Nội. Dù chỉ là một đoạn đường ngắn, đoàn xe gặp phải một số đông xe cộ. Sau khi vượt qua dòng người đi bộ, đoàn xe tiến tới cầu Long Biên nổi tiếng. Xe bò, xe tải, hàng trăm người đi xe đạp, kẹt lại khi lên cầu. Tuồng như vì lý do khó hiểu, đường lái xe bên phải bị đổi, buộc xe qua trái trên một cây cầu trông như làm từ thời tiền sử. Hiền nói với Woodcock cây cầu được xây hồi Pháp thuộc – bị thả bom trong thời kỳ chiến tranh và chưa sửa xong. Ông ta cũng chẳng bận lòng yêu cầu giải thích hướng giao thông thay đổi trên cầu là do hậu quả chiến tranh.
Vào cao điểm cuộc chiến, cảng Hải Phòng nằm về phía Đông Hà Nội là con đường sống độc nhất của đất nước. Hàng ngàn tấn chiến cụ và lương thực được bốc dở ở Hải Phòng và vận chuyển lên Hà Nội rồi chuyển vào miền Nam qua chiếc cầu này. Qua nhiều năm, phía cầu dùng cho xe tải đi từ phía Hải Phòng lên bị nghiêng, rất nguy hiểm. Trong khi các kỹ sư Liên Sô và Trung Hoa chưa biết giải quyết như thế nào để chống đỡ cây cầu bị nghiêng đó thì người Việt Nam tìm ra một phương cách giải quyết theo kiểu nông dân. Khi dùng đòn gánh để gánh rau, gạo, họ đổi vai khi một vai gánh lâu bị đau. Bây giờ họ chỉ cần đơn giản đổi hướng xe. Những xe chở nặng từ Hải Phòng lên thì chạy phía bên trái – trước kia dùng cho xe không chạy vào Hà Nội. Đơn giản vậy thôi.
Mặc dù gánh chịu nhiều chết chóc, tàn phá và thương đau vì chiến tranh, những người Việt trên đường đi không tỏ ra một chút thù hận nào đối với người Mỹ. Người Việt Nam báo động cho Woodcock và phái đoàn của ông ở nhà khách chính phủ biết rằng việc họ ra đường là nguy hiểm nếu không có người hộ tống. Họ khẳng định khách không thể ra đường một mình. Họ nói rằng nhân dân vẫn còn “hết sức giận dữ” người Mỹ. Nhưng khi các viên chức Việt Nam ra về, một vài người trong phái đoàn lẻn ra ngoài nhà khách. Đi dọc theo đường phố, họ ngạc nhiên vì thấy người dân thoải mái và thân thiện với họ. Sáng hôm sau, Woodcock và Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield đi bộ dọc theo bờ hồ Hoàn Kiếm (Restored Sword). Hồ này, nằm ngay phía sau nhà khách. Câu chuyện thần thoại của người Việt Nam về cái hồ này, thanh kiếm thần, câu chuyện về Vua Arthur (chuyện vua Lê Lợi – nd) làm Woodcock xúc động. Theo truyền thuyết của người Việt Nam, một thanh kiếm nổi lên từ đáy hồ là sự ủy thác cho một vị anh hùng nổi tiếng đánh bại quân Trung Hoa xâm lược. Sau khi chiến thắng, theo phương cách biểu lộ một năng lực siêu phàm, thanh kiếm được trả về trời nơi cái hồ rùa này.
Đêm trước trời mưa. Cây hai bên hồ như điểm sương. Vài người Việt Nam đang tập thể dục nhịp điệu (T’ai Chi) trong khi những người khác ngồi trên băng ghế nhìn xuống mặt hồ. Woodcock thấy hai em bé gái ngồi xổm trên mặt đất nhìn cái gì đó trong vũng nước đục. Bỗng nhiên, một em thấy bóng người ngoại quốc, la lên báo động. Cả hai đứng thẳng dậy. Sau này, ông ta nhớ lại có một em quay mặt về phía ông. Ông ta thấy khuôn mặt em bé đẹp nhưng có một cái sẹo lớn trên đó. Ông ta nói với vẽ buồn rầu: “Tôi không nhận ra ngay lúc đó, nhưng về sau, chắc chắn tôi nhớ khuôn mặt đó có vết sẹo”.
Woodcock kể lại khi ngồi đối bàn với Phan Hiền, tìm cách chấm dứt một trang sử đau buồn. Buổi tối hôm trước, ông ta ngạc nhiên khi gặp Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Nguyễn Duy Trinh. Ông bộ trưởng tới nhà khách để chào phái đoàn. Với tính cách riêng, ông ta chúc mừng ngày sinh nhật Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield. Woodcock nói với Trinh: “Tôi hy vọng với cuộc thăm viếng này, chúng ta sẽ đặt được nền tảng cho mối quan hệ gần gủi hơn.” Nhưng ông bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, có cặp môi hẹp trông giống như cặp môi cá và cặp mắt dữ, là một người cương quyết. Ông ta nói một cách chắc chắn với Woodcock không có tiền thì không có gì về việc người Mỹ mất tích hết. Người Mỹ bằng lòng trả tiền bồi thường như đã nói trong Hiệp Định Paris trước khi Việt Nam tham dự vào việc thảo luận tìm kiếm người Mỹ mất tích. (2)
Woodcock cũng cương quyết. Ông ta nói Hiệp Định Paris đã chết rồi. Vấn đề bây giờ là trên căn bản nhân đạo. Woodcock nói với Trinh: “Không phải chúng tôi đi nửa vòng trái đất để tham gia vào một cuộc tranh luận vô bổ như thế này.” Cuộc họp chấm dứt trong sự bất hòa.
Những cuộc họp có tính cách hình thức với Hiền tuồng như chẳng có gì tốt đẹp hơn. Woodcock đọc một bài phát biểu đã soạn sẵn, kêu gọi một giải pháp nhân đạo về vấn đề người Mỹ mất tích. Và Hiền đưa ra lời yêu cầu tái thiết. Trong tiệc trà giải lao, Woodcock đề nghị gặp riêng, mặt đối mặt với Hiền và với một thông dịch viên người Việt mà thôi. Nếu phá vở được sự băng giá đó, như Woodcock và Mansfield quyết định trước đó, có thể tiến tới trực tiếp họp riêng. Cuộc họp sẽ không được ghi chép lại. Woodcock giải thích với thông dịch viên Việt Nam “Nếu không đạt được gì, cuộc họp coi như không xảy ra”. Một lần đối diện với Hiền, Woodcock nói thẳng rằng đoàn đại biểu này do chính Tổng Thống Jimmy Carter gởi đi, Việt Nam có cơ may độc nhất để lập quan hệ bình thường. Woodcock nhớ lại đã nói với Hiền: “Ông chẳng bao giờ gặp một phái đoàn nào tốt hơn phái đoàn này. Ông biết trong chiến tranh, tôi đứng về phía nào, Thượng Nghị Sĩ Mansfield đứng về phía nào, (Charles) Yost đứng về phía nào. Ông rõ Marian Edelman đứng về phía nào chứ? Chỉ có một người trong đoàn chúng tôi, đứng ở vị thế khác là Dân Biểu Sonny Montgomery. Nhưng ông biết ông ấy rồi ra chắc chắn sẽ đứng về phía nào”. Nếu chúng tôi trở về mà không có kết quả gì, thì ông hãy quên chuyện lập lại quan hệ bình thường trong vòng mười hay mười hai năm”. Ông ta nói rằng đây là cơ hội bằng vàng để xóa đi tấn thảm kịch của thời gian trước. Ông ta kể lại với Hiền ông xúc động như thế nào hồi sáng nay khi họ thấy vết sẹo lớn trên khuôn mặt em bé gái. – Một cái sẹo có lẽ do bom Mỹ tạo ra. “Buổi sáng nầy có thể quyết định nếu như một loạt sự kiện như thế xảy ra nữa”. Khi nói, ông ta thấy nước mắt chảy xuống trên khuôn mặt của người thông dịch viên. Hiền nói một cách đơn giản: “Ông thật là người thẳng thắn. Chúng ta sẽ làm gì? Trở lại bàn hội nghị?”. Woodcock trả lời đầy hy vọng: “Đó là điều chúng tôi muốn”.
Trở lại chiếc bàn phủ khăn thô màu xanh lá cây, Hiền chờ một cái cặp giấy từ Bộ Ngoại Giao tới. Sau đó, ông ta lấy từ trong cái cặp ấy ba xấp giấy và nói: “OK. Có ba vấn đề: MIA, bình thường hóa quan hệ ngoại giao, và viện trợ kinh tế. Đó là ba vấn đề riêng nhưng liên hệ với nhau rất chặt chẽ”. Đây là điều mà Woodcock, người rất hiểu phải trái, sẵn sàng chấp thuận. Hiền thông báo rằng có thể đem về 12 bộ hài cốt người Mỹ mất tích do Việt Nam tìm ra. Ông ta cũng thông báo cho Woodcock một văn phòng đặc biệt được thành lập để tìm kiếm tin tức về những người Mỹ mất tích hoặc tìm hài cốt họ, Việt Nam sẽ trao cho Mỹ càng sớm càng tốt tất cả những tin tức có được hoặc hài cốt của họ
khi tìm thấy. Kể từ đó, có sự hợp tác của người Việt Nam về vấn đề MIA, là vấn đề nhân đạo, – Hiền nhấn mạnh-, trong một hành động phải chăng, Mỹ cũng sẽ vì nhân đạo mà tái thiết những nơi bị tàn phá vì chiến tranh. Từ quan điểm hỗ tương đó, Hoa Thịnh Đốn tiến lên vài bước bày tỏ quan tâm của họ đối với người Việt Nam. Ông ta nói: “Giúp đỡ, là điều buộc phải thực hiện vì lương tâm và trách nhiệm của quý vị”. Để sự giúp đỡ có thể thực hiện được, Hiền bảo đảm với Woodcock, phía Việt nam rất uyển chuyển. (4)
Woodcock tìm ra một phương cách hợp lý: Không còn viện trợ tái thiết theo Hiệp Định Paris. Woodcock kể lại: “Tôi muốn họ thực thi những điều nầy vì lý do nhân đạo, cũng cùng những lý do đó mà chúng tôi giúp đỡ họ, giúp họ xây dựng đất nước”.
Mấy tháng sau, Hiền kể cho tôi, Woodcock bàn về khả năng Hoa Kỳ viện trợ nhân đạo cho Việt Nam. Mặc dù có sự ngăn cấm viện trợ trực tiếp, theo Woodcock nói với Hiền, tổng thống có đủ quyền lực để viện trợ cho Việt Nam rồi sau đó sẽ được quốc hội thông qua. Việt Nam nôn nóng muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Hiền nói rằng điều đó tùy thuộc vào thái độ của Mỹ, – “khi họ từ bỏ những chính sách sai lầm quá khứ” như là cấm vận, và phủ quyết việc Việt Nam xin gia nhập Liên Hợp Quốc.
Việc làm của đoàn đại biểu Woodcock trước khi rời Việt Nam là tới thăm xã giao Thủ Tướng Phạm Văn Đồng. Khi đoàn đại biểu vào Dinh Thủ Tướng thì Đồng, một nhà “cách mạng khổ hạnh”, đứng chờ ở ngưỡng cửa. Trán rộng, tóc tiêu muối chải ngược ra sau, hai môi mím chặt như cái túi, và áo dài màu xám thường tạo cho ông vẽ người có nhân cách và buồn. Nhưng sáng hôm nay, mắt ông sáng lên như có vẽ cười.
Sau cái bắt tay nồng nhiệt, Đồng mời khách vào phòng tiếp tân. Dưới cái nhìn của Hồ Chí Minh trên tấm hình bán thân treo trên tường, người ta có cảm tưởng như cái nhìn ấy chế ngự cả căn phòng. Woodcock ngồi trên ghế bành cạnh Đồng, kẻ “cựu thù.” Họ cười khi máy quay phim bắt đầu chạy. Đối với Việt Nam đó là giờ chiến thắng cuối cùng. Đoàn đại biểu – của kẻ thù hùng mạnh nhất đã bị đánh bại -, nay tới đây để kiếm tìm bang giao mới. Có thể nào Hoa Kỳ, giống như Pháp, kẻ thù cũ trước kia đã bị đánh bại, nay trở thành một người hợp tác ưu tiên? Phương cách của Hà Nội là tạo nên thoải mái. Đồng nói với Woodcock: “Tôi biết Tổng Thống Jimmy Carter giải quyết những vấn đề của chúng ta bằng một tinh thần mới. Và nếu như được thế, tôi thấy chẳng có trở ngại gì khi giải quyết nó”. Woodcock cũng vậy. Ông ta bày tỏ một tinh thần mới bằng cách ca ngợi niềm “tự hào và can đảm” của nhân dân Việt Nam. Ông ta nói: “Quá lâu, những vấn đề chiến lược đã chia rẽ hai quốc gia chúng ta.” (5) Sau đó, ông ta tuyên bố trong một buổi họp báo tại Hà Nội rằng những cuộc thương thảo vững chắc và xây dựng đã “bắt đầu tiến tới để cải thiện một viễn tượng bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt”.
Trong không khí thân hữu trong hai ngày đó, Woodcock cảm thấy thoải mái tự do để xin phía chủ nhà một ân huệ không thích hợp lắm. Khi đoàn đại biểu quan sát 12 cái quan tài kim loại đựng hài cốt của quân nhân Mỹ đưa lên máy bay, Woodcock nắm tay Phan Hiền đang đứng bên cạnh để nhờ Hiền một việc.
Woodcock muốn Hiền giúp đỡ một thành viên trong phái đoàn ông cho gia đình được sum họp: Đại Tá Paul Mather. Phụ Tá Ken Quinn báo cho Woodcock biết người vợ hứa hôn Việt Nam của Mather đã bị kẹt lại Sài Gòn sau 1975. Hiền ghi nhận việc này và hứa ông ta sẽ làm những gì ông ta có thể làm được. Trong vòng mấy tháng sau, cô gái hứa hôn này được rời Việt Nam qua Mỹ kết hôn cùng Mather.(6) Tuy nhiên dù cố tạo thoải mái cho quan hệ mới với Việt Nam, kết quả chuyến đi đạt được chỉ là việc sum họp với vợ của Mather và thu hồi 12 bộ hài cốt.
Chờ trận mưa đô la
Chẳng bao lâu sau mùa xuân năm 1975, khi truyền hình Mỹ chiếu lên màn ảnh hình ảnh các chuyến bay di tản người tị nạn và quan chức Mỹ trước khi Cộng Sản vào Sài Gòn, Hoa Thịnh Đốn muốn quên Đông Dương đi. Họ giữ lại số tiền ký quỹ 150 triệu của Việt Nam (Cộng Hòa) trước kia ở Hoa Kỳ và cấm vận Việt Nam và Cam Bốt. Sau những xúc động ngắn ngủi về vụ tàu Mayaguez hồi tháng năm, Đông Dương chìm mất trong tầm nhìn của người Mỹ.
Hoa Kỳ chán ngấy và thấy chẳng có lợi gì ở Đông Dương nữa thì hầu như ngược lại, Việt Nam hết sức mong muốn lập lại quan hệ với đối thủ cũ. Ngay trước khi chiến tranh chấm dứt, Hà Nội quyết định củng cố quan hệ với Tây Phương, đặc biệt với Hoa Kỳ. Đó là bước chủ yếu để tiến tới thời kỳ xây dựng tiếp sau.
Vài ngày sau khi Cộng Sản chiến thắng Sài Gòn, tôi hỏi một anh lính đứng canh tại Tòa Đại Sứ Mỹ cũ tại sao không treo cờ chính phủ Cộng Hòa/Miền Nam Việt Nam trên tòa nhà nầy trong khi đó họ lại treo cờ “giải phóng” trên các tòa đại sứ Phương Tây khác. Anh lính trả lời: “Tại chúng tôi không được phép”. Trong cách nhìn, nó không đơn giản. Hà Nội hội hè thắng trận, nhưng điều quan tâm hơn là chiến thắng hòa bình. Tháng Bảy 1975, tôi hỏi Hoàng Tùng, biên tập nhật báo Nhân Dân của đảng khi ông ta sắp sửa xuất bản “Saigon papers” – một số lượng vĩ đại về những tài liệu bí mật lấy được ở Sài Gòn. Giữa những tài liệu đáng tin cậy ấy là các băng từ máy điện toán nói về hoạt động của CIA ở Việt Nam để lại cho các viên chức Cơ Quan Tình Báo Việt Nam (CIO) đồng sự với CIA. Hoàng Tùng rất tin tuởng khi trả lời: “Việt Nam không muốn trưng những tài liệu này ra và xát muối vào vết thương của người Mỹ”. Ông ta nhắc lại những điều Hồ Chí Minh nói với ông hồi năm 1954. Sau khi Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, họ Hồ ra lệnh cho Tùng lúc ấy đã là biên tập tờ nhật báo đảng là đừng quá say sưa với chiến thắng của mình. Hồ giải thích: “Trong thời gian tới, chúng ta cần tình thân hữu và hợp tác của Pháp”.
Vào lúc đó, Tùng không nói với tôi lý do quan trọng nhất là Việt Nam hết sức mong muốn tái lập quan hệ dân sự với Hoa Kỳ, là nguồn hy vọng để có thể nhận được 4 tỷ 7 đô la viện trợ kinh tế mà Richard Nixon bí mật hứa trong khi ký Hiệp Định Paris. Trong khi chờ đợi người Mỹ thực thi yêu cầu đó, Việt Nam bắt đầu ve vãn các ông chủ ngân hàng và thương giới Mỹ. Chỉ hai tháng sau khi Sài Gòn sụp đổ, đại diện Bank of America và First National City Bank được mời tới Việt Nam để nghiên cứu khả năng thương mại và tài chính. Cũng trong vòng hai tháng sau khi Sài Gòn sụp đổ, Việt Nam tỏ dấu cho thấy họ đón mừng các công ty đã khai thác dầu ở ngoài thềm lục địa Việt Nam quay trở lại.
Ngõ lời trước Quốc Hội ngày 3 tháng Sáu, một tháng sau khi Sài Gòn sụp đổ, Phạm Văn Đồng đưa ra đề nghị Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam và vinh danh Hiệp Định Hòa Bình Ba Lê bằng viện trợ tái thiết Việt Nam. Lời kêu gọi đó bị Hoa Thịnh Đốn từ chối. Hồi tháng Mười Một 1975, Hoàng Tùng nói với một nhóm người Mỹ: “Trong các dịp lễ người Việt Nam chúng tôi thường chơi đô vật. Cuối cùng chúng tôi ôm hôn nhau. Việt Nam thì sẵn sàng nhưng Ford thì không chịu”.
Có một sự đáp ứng, nâng cao hy vọng nhất thời: Ngoại Trưởng Henry Kissinger hồi tháng 11/1975, đáp ứng dịp Hà Nội phóng thích 9 người Mỹ đã bị bắt hồi tháng Ba ở Nam Việt Nam, cho phép một nhóm hoạt động tôn giáo và nhân đạo gởi đồ cứu trợ cho Việt Nam. Ngày 24 tháng 11, Kissinger tuyên bố quan hệ Mỹ Việt Nam “sẽ không căn cứ vào quá khứ. Chúng tôi chuẩn bị đáp ứng với ý hướng tốt đẹp. Nếu chính phủ các nước Đông Dương “chứng tỏ sự thông cảm” cho người Mỹ và quan tâm của các nước láng giềng của họ, “xây dựng” trên vấn đề 832 người Mỹ mất tích, trao trả hài cốt của họ thì Hoa Kỳ “sẵn sàng đáp ứng”.
Báo New York Times ghi nhận: “Đây là sự bắt đầu đáng ca ngợi, có tính cách uyển chuyển mới đối với các chế độ Cộng Sản ở Đông Dương, nhưng cũng còn một con đường dài phải đi”(8). Nó gợi ý rằng Hoa Kỳ sẽ không dùng quyền phủ quyết đã dùng hồi tháng Tám, ngăn Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, phương hướng của Hoa Thịnh Đốn là muốn quên Việt Nam chứ không phải là làm dịu đi. Với cuộc bầu cử sắp tới, Gerald Ford đang đối đầu với thách thức của hữu phái: Ronald Reagan. Ngay từ đầu, việc viện trợ cho Việt Nam, về mặt chính trị, chẳng có cơ may gì sẽ được chấp thuận. Rõ ràng trong vị thế khó khăn của Mỹ, Kissinger mới nói phần trả lại hài cốt người Mỹ mất tích còn toàn bộ những người này thì chưa tìm ra, ”đó hoàn toàn là điều kiện tiên quyết, nếu không có điều ấy chúng tôi không thể xem xét việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao được.” Ngay cả Nixon cũng nói riêng với Ủy Ban Quốc Hội tìm kiếm người Mỹ mất tích ở Đông Nam Á là mối quan tâm, là trở ngại buộc Hà Nội từ bỏ yêu cầu viện trợ. Kissinger nói: “Nếu không vì vấn đề người Mỹ mất tích thì họ lèo lái về phía chúng ta. Chúng ta thì lo lắng hơn. Họ cương quyết hơn”.
Tuy nhiên, Hà Nội không bao giờ từ bỏ hy vọng nhận được đô la Mỹ và đạt được quan hệ ngoại giao bình thường. Trong khi tranh cải vấn đề người Mỹ mất tích không phải là điều khoản quan trọng trong Hiệp Định Ba Lê, trừ phi người Mỹ hoan nghênh viện trợ tái thiết. Dù sao, hồi tháng Chạp 1975, Việt nam cũng đã trao trả hài cốt ba nguời Mỹ. Họ cũng trao trả hài cốt hai Thủy Quân Lục Chiến Mỹ chết cuối cùng ở Nam Việt Nam và đưa ra một danh sách gồm 12 người Mỹ mất tích. Đó cũng là một sự tính toán đầy hy vọng Mỹ sẽ có hành động tương xứng bằng viện trợ, nhưng chưa thấy gì. Chiến thuật mời các hãng Mỹ khai thác dầu ngoài thềm lục địa trở lại cũng chẳng thành công. Trước khi Sài Gòn sụp đổ, gần một chục công ty dầu Mỹ đầu tư khoảng một trăm triệu đô la để khai thác dầu ở Nam Việt Nam. Cả hai hãng Mobil và Shell cùng khai thác nhưng sự sụp đổ của Nam Việt Nam xảy ra trước khi họ biết chắc chắn trữ lượng dầu có đủ tính thương mãi hay không. Từ tháng Bảy 1975, đại diện các hãng dầu Mỹ họp kín với các quan chức Việt Nam ở Ba Lê để nối tiếp việc tìm kiếm dầu. Tháng Hai 1976, một vài người trong số đó được mời tới Hà Nội để nhận đề nghị. (10) Nhưng rồi chẳng có gì xảy ra cả mặc dù có áp lực từ những vận động của nhóm khai thác dầu lửa. Chính quyền Ford từ chối tháo bỏ cấm vận nếu Việt Nam không đáp ứng hoàn toàn đầy đủ vấn đề người Mỹ mất tích.
Mùa thu năm 1976, trong khi Cam Bốt thanh trừng đẫm máu, và Trung Hoa đang vượt qua một giai đoạn thay đổi quan trọng, cuộc vận động bầu cử tổng thống Mỹ đang thời kỳ quyết liệt, ứng cử viên tổng thống Jimmy Carter của đảng Dân Chủ tấn công dữ dội vào Tổng Thống Gerald Ford, gọi ông này là “sự thất bại rắc rối nhất” vì không chịu gởi một phái bộ đi tìm dữ kiện về người Mỹ mất tích ở Đông Dương hay nói chuyện thẳng với Hà Nội. Việc ông Carter quan tâm tới vấn đề người Mỹ mất tích không chỉ là vấn đề chính trị (Hoa Kỳ đang còn chịu đau đớn về vết thương chiến tranh Việt Nam, nó còn là vấn đề rất dễ gây xúc động và dễ kiếm phiếu). Nó cũng mở đầu cuộc thử nghiệm cho một chính sách mới nhằm tiến gần Việt Nam hơn.
Dấu hiệu sai lầm phía Hà Nội
Carter chọn Cyrus Vance làm bộ trưởng Bô Ngoại Giao và Richard Holbrooke làm phụ tá đặc trách về Đông Á và Thái Bình Dương. Cả hai đều có tham gia vào những cố gắng tìm kiếm hòa bình. Do những kinh nghiệm về Việt Nam, Vance tin rằng việc bình thường quan hệ với Hà Nội sẽ giúp Hà Nội bớt tùy thuộc vào Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh. Holbrooke cũng tin rằng quan hệ Việt Mỹ sẽ góp phần xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước trong Hiệp Hội Đông Nam Á (ASEAN). Thảo luận với tổng thống mới được bầu Carter, tại sao Hoa Ký có lợi ở Châu Á, Holbrooke nói: “Viễn Đông là nơi Mỹ gặp phải nhiều vấn đề lớn trong vòng 30 năm qua. Ba cuộc chiến tranh vừa qua của chúng ta khởi đầu từ nơi này và chúng ta cũng có một trận đánh ngay tại quê nhà, rồi để mất Trung Hoa, Korea, Việt Nam và Cam Bốt. Tôi nghĩ rằng chính quyền của tổng thống có thể vượt qua một khúc quanh. Chúng ta từ bỏ chính sách liên tục gây nên nhiều hậu quả như trên và xây dựng lại một vị trí hợp lý hơn ở Châu Á.” (11)
Carter, nguyên là thống đốc Georgia, một người chẳng bao giờ giữ chức vụ gì có liên hệ đến chiến tranh Việt Nam, chẳng liên hệ gì tới những học thuyết chiến lược lớn về trật tự mới ở châu Á. Holbrooke nói với tôi: “Tôi không nghĩ là Carter có những cảm nhận nhẹ nhất về vấn đề này. Carter chỉ thấy lợi ở Việt Nam vì nó là biểu tượng cho một sự kiện quan trọng, vì nó là một trong những lý do khiến ông ấy được chọn làm tổng thống, vì ông là ứng cử viên thời kỳ sau Việt Nam. Ông ta rất muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vì đó là một biểu tượng. Ông ta cũng rất muốn bình thường quan hệ với Trung Hoa và Cuba. Ông ta muốn bình thường với tất cả mọi người.” Vì là tổng thống đầu tiên sau chiến tranh Việt Nam, công việc ông ta là hàn gắn phân ly ở trong nước và phục hồi hình ảnh Mỹ đã bị lu mờ ở ngoại quốc. Bỏ vấn đề Việt Nam lại phía sau, một trong những hành động đầu tiên của ông khi làm tổng thống là đưa ra một lời xin lỗi chung cho những người trốn quân dịch. Điều quan trọng khác là muốn quên đi nỗi đau khổ quá khứ, có tới hai ngàn năm trăm người mất tích ở Đông Dương, trong đó có hơn 800 người đưọc ghi vào danh sách những người đã hy sinh khi thi hành nhiệm vu. (12)
Vì đòi hỏi một điều không thực tế là có đủ những người Mỹ mất tích trước khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, chính quyền Ford thực ra đã kết thúc vấn đề. Trong suốt thời gian vận động bầu cử, Ford phải tự che mình vì bị tấn công, bị cho là kẻ khù khờ. Tuy nhiên, công việc của Cater nhẹ hơn nhờ bản tường trình của Ủy ban Quốc hội tìm kiếm người Mỹ mất tích ở Đông Nam Á, đứng đầu là dân biểu Sonny Montgomery của đảng Cọng Hòa. Bản tường trình không những kết luận rằng “Không người Mỹ nào còn sống đang bị ở tù ở Đông Dương hoặc nơi nào khác do hậu quả chiến cuộc Đông Dương” nhưng bản tường trình đó cũng nói rằng “đối với toàn bộ vấn đề người Mỹ mất tích thì các chính phủ Đông Dương không thể mà cũng không mong có được.” (13)
Tất cả nghị trình về chính sách ngoại giao của chính phủ mới, đối với chiến cuộc Việt Nam thì coi như đóng lại rồi, trở thành một việc đơn giản. Từ khi Hoa Kỳ không trông mong tìm được đầy đủ số người mất tích trong chiến tranh nữa thì họ muốn có một danh sách tương đối đầy đủ nhất có thể có được. Hà Nội thì mong muốn hợp tác, đặc biệt có củ cà-rốt viện trợ nhân đạo lủng lẳng trước mặt. Trong một bản ghi nhận về chính sách ngoại giao do tổng thống vạch ra, hồi tháng Mười/1976, Vance đề nghị tổng thống gởi một phái đoàn đi Đông Dương để thảo luận vấn đề người Mỹ mất tích. Trong suốt chuyến đi đó, phái đoàn được trao quyền thảo luận với Hà Nội. Vance viết: “Mỹ phải chuẩn bị đưa ra Quốc hội một chương trình viện trợ nhân đạo trong đó có những phần như gia cư, sức khỏe, lương thực để tương xứng với vấn đề người Mỹ mất tích” (14)
Và đó là chỗ ngoặt trong chính sách ngoại giao của tổng thống Carter. Ba tháng sau khi nhậm chức, một phái đoàn do tổng thống cử đi, Woodcock hướng dẫn, tới Hà Nội. Một viên chức bộ Ngoại giao nói riêng: “Toàn bộ vấn đề chuyến đi của Woodcock là việc tuyên bố vấn đề người Mỹ mất tích coi như thế là xong. Đó không phải là vấn đề nhân đạo mà là tiền.” Ngũ giác đài giữ tên những người mất tích trong sổ xếp loại theo định kỳ cho đến khi được công bố là chết rồi.
Carter vui sướng với những kết quả đó. Đối với việc ngoại giao, đó là thành công đầu tiên của ông. Ông ta gọi sự đáp ứng của Việt Nam với phái đoàn Woodcock là “hết sức khích lệ” và thỏa mãn về những điều Việt Nam đã đóng góp cho vấn đề người Mỹ mất tích. Ông ta tuyên bố:“Tôi nghĩ rằng đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm được. Tôi chẳng có cách nào ngoài việc nói rằng họ đã làm hết những gì đối với những người họ đã thu nhận được tin tức. Tôi nghĩ là tôi xác nhận họ làm việc một cách đáng tin.” (15)
Việc người Việt Nam muốn hợp tác cho thấy rõ điều ấy tương phản với những lời đã kích Carter từ phía Khmer Đỏ. Sứ mạng của Woodcock chẳng đạt được đáp ứng nào từ phía Kampuchia khi ông ta yêu cầu đến thăm Phnom Pênh. Trong khi ở Vạn Tượng, thủ đô Lào, được Việt Nam hỗ trợ, đoàn đại biểu Woodcock thực hiện cố gắng chót: Một viên chức của bộ Ngoại giao với một thành viên trong đoàn đại biểu tới tòa đại sứ Kampuchia Dân chủ xin đến thăm nước này. Nhưng cũng giống như ở Kampuchia, tòa đại sứ đóng kín cửa. Sau nửa giờ gỏ cửa, bà vợ ông đại sứ, cũng là đệ nhất bí thư của cơ quan nầy mở cửa để nhận một thư viết tay của Woodcock đưa qua cánh cửa mở hé trước khi đóng lại: “Ông đại sứ không có đây.” Bà vợ ông đại sứ nói vậy. Đài phát thanh Phnom Pênh loan tin: “Cơn giận dữ của nhân dân Kampuchia chống đế quốc Mỹ và bọn chó săn vẫn còn sôi sục. Vì nhân dân Kampuchia muốn độc lập, giữ quyền tự chủ và tự do. Họ không thể chấp nhận yêu cầu của đế quốc Mỹ gởi phái đoàn đến thăm nước Kampuchia Dân chủ và không thể tham gia bất cứ một cuộc họp nào ở bất cứ nơi nào.”
Người ta không ngạc nhiên khi thấy Carter thỏa mãn với những gì mà ông ta xem là sự hòa giải mới với Việt Nam. Ông ta ghi nhận rằng trong quá khứ Việt Nam nói là không thương nghị cũng như không đưa thêm tin tức nào về người Mỹ mất tích cho đến khi Mỹ chịu bồi thường chiến tranh. Tuy nhiên, bây giờ Việt Nam đề nghị một vòng hội đàm mới ở Paris mà không có điều kiện tiên quyết nào. Theo Carter, Việt Nam nói với Hoa Kỳ “Chúng tôi không theo đuổi những thỏa hiệp hay bất đồng nào trong quá khứ. Chúng tôi nóng lòng đi tới tương lai.” Hiểu lầm về vị thế Việt Nam, Carter giải thích rằng Hà Nội sẵn sàng từ bỏ những yêu cầu trong quá khứ về việc đòi Hoa Kỳ viện trợ tái thiết. Tuy nhiên, ngay chính bản tường trình của Woodcock nói rõ rằng mặc dù không đưa ra điều kiện tiên quyết về vấn đề bình thường hóa quan hệ hai bên, Việt Nam không nghi ngờ gì việc móc nối hai bên lại với nhau.
Hà Nội mau lẹ thách đố đề nghị của Carter là việc viện trợ không lâu quá hơn những điều kiện tiên liệu việc bình thường hóa đó. Ba ngày sau khi Carter đưa ra những dấu hiệu mới, trong một buổi phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam, Phan Hiền gián tiếp bác bỏ. Hiền nói ông ta quả thật có nói với phái đoàn Woodcock Việt Nam sẵn sàng hướng tới tương lai trong quan hệ mới với Hoa Kỳ nhưng “người ta không thể cắt rời tương lai với quá khứ”. Phan Hiền nói rằng quá khứ đã để lại một số chướng ngại trên con đường bình thường hóa mà chúng ta cần phải dẹp bỏ.(16)
Nếu Carter hiểu lầm việc Việt Nam sẵn sàng bỏ quá khứ lại đàng sau, tự ông ta đưa ra những lời tuyên bố bị dịch lầm ra tiếng Việt.
Mặc dù phủ nhận Hoa Kỳ không có ràng buộc nào phải giúp đỡ Việt Nam, Carter còn đưa ra một khả năng: Ông tuyên bố “trong việc bình thường quan hệ hai bên, bao gồm cả thương mại, viện trợ bình thường rồi tôi sẽ đáp ứng tốt đẹp”.
Thật ra tổng thống Hoa Kỳ không nói rõ viện trợ như thế nào mà chỉ nói là viện trợ đến sau khi quan hệ bình thường, khuyến các nhà lãnh đạo ở Hà Nội muốn thúc đẩy viện trợ như là một phần trong tiến trình bình thường quan hệ ngoại giao. Thắng lợi bầu cử của Carter và cá tính hòa giải chiến tranh của ông đã tạo hy vọng ở Hà Nội. Việc ông ta gởi phái đoàn đến Hà Nội cũng biểu lộ cá tính đó của ông. Carter tuồng như tái xác nhận quan điểm của người Việt Nam là Hoa Kỳ phải chuộc tội. (17) Trong một lời công bố khi phái đoàn Woodcock trở về, Carter từ chối việc bắt buộc vì lương tâm. Ông ta nói “Tôi không thấy là chúng ta phải xin lỗi hay tự mình trừng phạt. Tôi không thấy là chúng ta có mang một món nợ nào.”
Tuy nhiên, việc phái đoàn được gởi đi và ấn tượng về Việt Nam thu đạt được gì tại bàn hội nghị với Woodcock không phá tan được ý nghĩ cho rằng Hoa Kỳ có sự bắt buộc lương tâm để hàn gắn vết thương chiến tranh. Quyết định của Carter về việc tổng thống gởi một phái đoàn đi Việt Nam rất sớm, sau lễ nhậm chức, cũng làm tăng cường ý nghĩ của Hà Nội cho rằng Việt Nam vẫn còn nằm ở trọng tâm chính sách ngoại giao Hoa Kỳ và Hoa Thịnh Đốn trả một cái giá nào đó để bắt đầu thực hiện quan hệ mới.
Là những người Mác-xít, những nhà lãnh đạo ở Hà Nội thường hay kết hợp những vấn đề quan trọng với hoạt động kinh tế sau khi đế quốc Mỹ can thiệp vào nước này. Họ được khuyến cáo rằng sức quyến rũ khả năng tiềm tàng về kinh tế Việt Nam, tài nguyên thiên nhiên và khả năng lao động sẽ làm cho tư bản Mỹ trở lại. Có phải viện trợ cho Việt Nam cũng có nghĩa là giúp đỡ công nghiệp Mỹ? Ủy ban Liên hợp Kinh tế Việt Mỹ đạt được bản sơ thảo thỏa hiệp năm 1973 qua đó Việt Nam sẽ mua của Hoa Kỳ 85 phần trăm hàng hóa tài trợ bằng 1 tỷ rưởi từ chương trình viện trợ. Thêm vào đó là lợi ích về vốn, Hà Nội còn hy vọng vào lòng cao thượng của người Mỹ và mặc cảm tội lỗi của họ đối với Việt Nam. Việt Nam hy vọng việc hàng ngàn người đi bộ cho hòa bình, hàng chục lãnh tụ Quốc hội, những người chống chiến tranh bây giờ sẽ thúc đẩy bình thường hóa quan hệ ngoại giao và viện trợ tái thiết.
Thực ra, các viên chức chính quyền Carter không nắm được hoàn toàn ý muốn của Việt Nam về viện trợ to lớn của Mỹ như thế nào, không hẵn là một phần thưởng cho họ đối với vấn đề người Mỹ mất tích (MIA) mà chính là một hành động bắt buộc vì lương tâm. Chắc chắn chẳng có ai nghĩ rằng Việt Nam trông chờ lòng hào hiệp của người Mỹ – giúp đỡ theo kiểu một kế hoạch Marshall mới – để xây dựng lại đất nước bị tàn phá. Một viên chức Việt Nam cao cấp xác nhận với tôi trong khi phác thảo chương trình phục hưng kinh tế sau chiến tranh ngay sau khi Jimmy Carter thắng cử, thực tế là Việt Nam trông vào lời hứa viện trợ 4tỷ 7 của Mỹ. Một viên chức Việt Nam khác nói với tôi “áp lực từ những nhà hoạch định kinh tế như Lê Thanh Nghị yêu cầu chúng tôi phải cương quyết đòi hỏi viện trợ Mỹ, coi như đó là điều kiện tiên quyết để lập lại quan hệ bình thường giữa hai nước.” (18)
Nhiều năm sau, khi tôi nói với Richard Holbrooke về kế hoạch của người Việt được thiết lập đặt căn bản trên lời hứa của Tổng Thống Nixon, thì Holbrooke rất ngạc nhiên. Ông ta nói: “Họ phải bỏ ra ngoài trí óc họ việc đó đi”.
Holbrooke, 36 tuổi, một người tiến rất nhanh trong việc thiết lập đường lối ngoại giao Hoa Kỳ, là một trong những người bị con rệp Việt Nam cắn cho một phát. Công việc đầu tiên của ông là phục vụ ở Việt Nam ba năm. Kinh nghiệm đó đã ám ảnh ông.
Khi Carter và Cyrus Vance chọn ông làm phụ tá ngoại trưởng đặc trách về Đông Á, Holbrooke thấy có cơ hội để thực hiện chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Châu Á.(19) Lập quan hệ ngoại giao bình thường với Việt Nam và Trung Hoa là những bước đầu tiên của tình hình mới. Chỉnh đốn lại quan hệ với Việt Nam là ưu tiên hàng đầu. Sau nầy một viên chức Bộ Ngoại Giao nhận xét: “Dick bị ám ảnh về vấn đề Việt Nam. Ông ta muốn lưu danh trong lịch sử như là một người đã hàn gắn với Việt Nam và đóng lại một chương sách đau buồn chính sách ngoại giao của Mỹ”
Đối với chính quyền Carter, tìm kiếm quan hệ bình thường với Việt Nam cũng còn vì những lý do thực tế. Bàn về Việt Nam, chính Tổng Thống Nixon cũng nói tới tài nguyên thiên nhiên. Việt Nam còn nhiều tiềm năng, bao gồm cả dầu lửa mà Việt Nam nắm được. Các ông chủ nhà băng và thương gia Hoa Kỳ cũng như các công ty dầu lửa thúc ép bải bỏ lệnh cấm vận. Họ không muốn các công ty Châu Âu và Nhật giành mất cơ hội ở Việt Nam. Ngày 18/4/1977, Hà Nội ban hành một đạo luật tự do kinh doanh cho đầu tư tư nhân (điều này đáng ngạc nhiên). Mấy tháng trước đó, họ đã đưa một bản phác thảo về điều luật này cho các ông chủ nhà băng Mỹ.
Quan hệ kinh tế tùy thuộc quan điểm rộng rãi hơn về ngoại giao. Vance và Holbrooke không nghi ngờ gì một nước Việt Nam độc lập rất mong muốn có quan hệ cân bằng với các siêu cường hơn là hoàn toàn tùy thuộc vào Liên Sô. Họ thấy việc vắng bóng các nhà ngoại giao Mỹ ở Việt Nam là một yếu tố quan trọng ngăn ngừa khả năng Mỹ đối đầu với ảnh hưởng Liên Sô tại Đông Nam Á. Sau này, Vance viết trong hồi ký: “Tôi thấy việc lập quan hệ ngoại giao bình thuờng với Hà Nội, – được các bạn bè Á Châu hỗ trợ mạnh mẽ, có thể làm gia tăng ảnh hưởng của chúng ta đối với Việt Nam và đem lại lệ thuộc hỗ tương về chính trị và quân sự với Liên Sô và Trung Hoa.”(20) Chỉ có Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, không nhiệt tình đối với những điều ông ta gọi là “những vấn đề ngoại vi như Việt Nam”. Sự khác biệt về quan điểm này tạo ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về sau. (21)
Từ Ba Lê, với Chagrin
Một tháng sau khi Woodcock đi Việt Nam về, Ba Lê lại trở thành nơi hội nghị giữa Việt Nam và Mỹ – lần này thảo luận rộng rãi hơn về những vấn đề của hai kẻ cựu thù, bao gồm cả việc bình thường hóa quan hệ hai bên. Tháng Năm ở Ba Lê thật huy hoàng và triệu chứng thành công đang được khuyến khích. Mặc dù có lệnh cấm vận, chính quyền Carter đã chuẩn chi 5 triệu đô la viện trợ nhân đạo. Việc nầy làm đảo ngược chính sách của chính quyền Ford và không nghịch lại với chương trình phát triển cho vay nợ của Liên Hiệp Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn trước khi Holbrook rời Hoa Thịnh Đốn, ông ta bày tỏ khả năng Hoa Kỳ viện trợ gián tiếp cho Việt Nam. Chuyến viếng thăm Hà Nội lần đầu tiên của phái đoàn Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hồi tháng Chạp 1976, và phái đoàn Ngân Hàng Thế Giới hồi tháng Giêng 1977 nâng cao hy vọng Việt Nam nhận viện trợ Mỹ thông qua các tổ chức này. Cả hai tổ chức nầy đều bị Mỹ kiểm soát chặt chẽ. Một bản tường trình mật của Ngân Hàng Thế Giới khen ngợi Việt Nam sau khi chính phủ nước này đưa ra nhiều cố gắng để sử dụng tài nguyên và phát triển tiềm năng to lớn của họ. Điều đó thúc đẩy “viện trợ thực tiễn” qua từng thời gian. Bản tường trình nói rằng Việt Nam mong muốn được viện trợ nhiều hơn bởi vì ”sự thực đất nước đang trong thời kỳ tái thiết, vì cuộc chiến lâu dài, và nhu cầu cần có một khoảng không gian để thở, việc tái chỉ đạo kinh tế cho thời bình”. (22)
Ngày 27 tháng Tư, một báo cáo của đại sứ Mỹ ở Thái Lan gởi về Hoa Thịnh Đốn nói tới hy vọng đang dâng cao ở Hà Nội. Trích dẫn lời đại sứ Bỉ ở Hà Nội, ông ta báo cáo rằng Việt Nam hy vọng nhận được viện trợ Mỹ sau khi bình thường hóa quan hệ “và mong muốn một phái bộ ngoại giao Mỹ hiện diện tại Hà Nội vào cuối năm 1977”. Trong một báo cáo khác, đại sứ Mỹ dẫn ra một nguồn tin cho rằng Thủ Tướng Phạm văn Đồng “hết sức nồng nhiệt” về viễn tượng quan hệ Mỹ-Việt.
Tuy nhiên, sau hai ngày hội đàm (ngày 3 và 4 tháng Năm) phái đoàn Cộng Sản Việt Nam ở Ba Lê đã làm lu mờ hy vọng đó. Phan Hiền đưa ra lá thư của Tổng Thống Nixon viết hồi 1973 gởi cho Phạm văn Đồng, trong đó tổng thống Mỹ hứa viện trợ 3 tỷ 250 triệu tái thiết cộng thêm 1 tỷ rưởi viện trợ hàng hóa. Chính phủ Carter trả lời không thể đáp ứng khoản cam kết đó. ”Chỉ thị của tôi là đề nghị với Việt Nam hai bên công nhận nhau mà không có điều kiện tiên quyết nào, và bày tỏ ước muốn của chúng ta là thấy Việt Nam dự phần vào sự ổn định và hòa bình ở Đông Nam Á”. Sau này, Holbrooke nói với tôi ông ta bày tỏ cảm tình với Phan Hiền về tình trạng Việt Nam bị tàn phá vì chiến tranh nhưng Holbrook từ chối thực hiện bất cứ lời cam kết viện trợ nào cho Việt Nam. Ông ta nói viện trợ chỉ có thể có sau khi lập quan hệ bình thường, không phải là trước khi thực hiện được điều đó. Ông ta bảo đảm Hoa Kỳ sẽ không phủ quyết khi Việt Nam xin gia nhập Liên Hợp Quốc. Điều nầy không làm cho nhà thương thuyết Việt Nam phải hồi hộp vì Hà Nội đã được chấp thuận trước rồi.
Ken Quinn, hồi ấy là phụ tá đặc biệt cho Holbrooke, nhắc lại trong cuộc hòa đàm, có lần Holbrooke chồm qua bàn và nói: “Ông bộ trưởng, gạt ra ngoài vấn đề làm chia rẽ chúng ta. Chúng ta hãy ra ngoài và tuyên bố với báo chí chúng ta quyết định lập lại quan hệ ngoại giao”. Hiền nói không. Hoa Kỳ phải đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh. Quinn thấy Việt Nam gặp trở ngại khi đòi viện trợ mà điều ấy nằm ngoài cảm nhận về một sự chiến thắng đạo đức. Chiến thắng của họ năm 1975 biện minh cho việc điều chỉnh đường lối đảng trong 40 năm qua và những quốc gia khác như Nhật Bản, Pháp chấp thuận việc bồi thường tái thiết. Quinn nói: “Trong cuộc đấu tranh của người Việt Nam, đó là điều chính đáng. Điều này sẽ không được hoàn toàn công nhận nếu Hoa Kỳ trở lại mà không có bồi thường tái thiết nào cho Việt Nam cả”.
Những chuyển hướng gay gắt làm xấu đi vòng đàm phán đầu tiên chấm dứt ở Ba Lê. Phía Việt Nam đòi hỏi điều Tổng Thống Nixon bí mật cam kết viện trợ và những đề nghị mới yêu cầu Mỹ viện trợ gián tiếp làm cho Quốc Hội Mỹ bực mình và làm sống lại cảm tưởng rằng Vance và Holbrooke không định liệu trước. Dù Tổng Thống Carter có tham khảo với Qqốc hội trước khi gởi Holbrooke đi Ba Lê, vẫn còn có sự chống đối của nhóm bảo thủ đối với bất cứ hành động nào nhằm tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Hạ Viện đang giữa chừng tranh luận đạo luật về chính sách viện trợ cho nước ngoài thì nhận được báo cáo nói rằng Phan Hiền, trong buổi họp báo ngày 4 tháng Năm ở Ba Lê, buộc Mỹ phải viện trợ cho Việt Nam – báo cáo gởi qua máy viễn tự tại Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện. Dân Biểu William Askbrook cầm bản báo cáo hoa lên để kêu gọi quốc hội chận đứng bàn tay của Bộ Ngoại Giao. Tu chính của ông nhằm ngăn cấm chính quyền Mỹ không được “thương thảo về vấn đề tái thiết hoặc bất cứ một hình thức trả tiền nào khác” cho Việt Nam, được quốc hội thông qua cùng một ngày bằng 266 phiếu chống 131. Thất bại trước phương cách chống Việt Nam của quốc hội, Vance tuyên bố “Chúng tôi nói rõ cho Việt Nam hay rằng chúng tôi không trả bất cứ khoản tái thiết nào”. (24)
Ngày 6 tháng 2, khi Hiền tới Tòa Đại Sứ Mỹ trên đại lộ Gabriel ở Ba Lês để thương thảo vòng 2 với Holbrooke thì tình hình đã thay đổi đáng kể. Thật ra, đây là lần thứ nhất một viên chức Hà Nội vào một Tòa Đại Sứ Mỹ không mang theo một cảm giác đặc biệt nào về thành tích của người Việt Nam. Điều thấy rõ là Hà Nội cần nhượng bộ nhiều hơn nữa để có thể có được viện trợ to lớn của Mỹ. Ngày 19 tháng Năm, Hà Nội công bố bức thư bí mật của Nixon. “Chính phủ Hoa Kỳ sẽ đóng góp việc tái xây dựng thời hậu chiến ở Bắc Việt Nam mà không cần điều kiện chính trị nào”. Đó là điều Nixon đã viết cho Phạm Văn Đồng ngày 1 tháng Hai năm 1973. Ông ta nói rõ rằng sự đóng góp của Mỹ “là vào khoảng 3 tỷ 250 triệu trong thời gian 5 năm”. Hà Nội coi điều này là “lá bài ăn” để giành được viện trợ Mỹ. Tuy nhiên, những người trước kia tiến vào Ngũ Giác Đài để kêu gọi hòa bình thì bây giờ họ không ở đó để đòi hỏi phải giúp đỡ Việt Nam. Điều quan trọng hơn hết, việc Bắc Việt xua quân chiếm miền Nam, tiếp theo là những đợt sóng người tị nạn chạy trốn khỏi đất nước họ, và những bản báo cáo về việc tống giam 10 ngàn người chống đối chính trị đã làm cho những nhà lập pháp Mỹ chống Việt Nam. Một lời hứa bí mật của một tổng thống bị bất tín nhiệm trước khi Sài Gòn thất thủ chẳng có giá trị gì.
Trong khi Holbrooke ngồi đối diện qua bàn hội nghị với Phan Hiền, một bức màn vô hình mới đã buông xuống và một cảm giác chẳng tốt đẹp gì đã nằm sẵn trước mặt hai người. Frank Sieverts, một viên chức của Bộ Ngoại Giao chịu trách nhiệm vấn đề người Mỹ mất tích, tham gia các cuộc hội đàm hồi tháng Năm và tháng Sáu, ngạc nhiên khi thấy Holbrooke tùy thuộc vào đa số hơn là chuyên tâm lưu ý đến cuộc thảo luận với Việt Nam. “Tôi ngạc nhiên nếu như Dick hành động theo mệnh lệnh khác, chỉ sau nầy tôi mới biết tại sao”. Ngay trước khi rời Hoa Thịnh Đốn đi Paris, FBI cho Holbrooke biết có một điệp viên nằm trong chính quyền Mỹ, – có thể trong Bộ Ngoại Giao – đã báo cáo cho Việt Nam. Ken Quinn kể lại: “Tôi không rõ bao nhiêu người Việt Nam biết việc đó, nhưng chúng tôi có cảm giác lạ rằng những người thương nghị với chúng tôi ngồi phía bên kia bàn đã biết chúng tôi nhận những chỉ thị gì”. Tuy nhiên, tôi thấy có điều gì khác làm cho Holbrooke lưu tâm và bí mật hơn. Việc gián điệp không cản trở ông ta đi tới bởi vì phía Mỹ kết luận rằng “nếu Việt Nam biết được nội dung ngắn gọn trong hồ sơ, chúng tôi cũng chẳng thể cho họ gì nhiều hơn điều Dick đã nói với họ trước kia”.
Và những gì Holbrooke đề nghị – một lời hứa mơ hồ về viện trợ gián tiếp sau khi có quan hệ bình thường – không phải là điều Hiền muốn nghe. Việt Nam cung cấp thêm tin tức hai mươi người Mỹ mất tích, mong nhận được đáp ứng từ phía Mỹ. Hiền nói với Holbrooke: “Làm sao tôi có thể trở về Hà Nội với hai bàn tay không? Cơ quan tìm kiếm người Mỹ mất tích mới đưa cho tôi danh sách hai chục người sẽ hỏi tôi đem về được gì?”. Ông ta bác bỏ lời biện bạch của Holbrooke là những nhà lập pháp đã trói tay chính phủ ông. Hiền hỏi: “Ông sẽ làm gì nếu như tôi nói rằng Quốc Hội Việt Nam đã thông qua một đạo luật cấm việc tìm kiếm người Mỹ mất tích. Việt Nam sẵn sàng uyển chuyển về số lượng và phương cách viện trợ”. Hiền nói với Holbrooke: “Đối với chúng tôi một đô la là một đô la. Chúng tôi không cần biết tiền đó từ đâu tới”. Holbrooke nói: “Chúng tôi sẽ giúp đỡ nước ông qua các tổ chức quốc tế khác nhau”. Tại hậu trường của cuộc tranh cải ở Hội Nghị Ba Lê, Hiền nói với tôi với vẽ thất vọng và cay đắng, dù bề ngoài ông ta có vẽ trầm tư và cười mĩm: “Nhưng khi tôi hỏi ông ta số tiền viện trợ là bao nhiêu thì ông làm thinh”. Hiền nói Holbrooke trấn an ông ta rằng Tòa Bạch Ốc và quốc hội là hai thực thể khác nhau và Tòa Bạch Ốc sẽ không quyết định được điều gì khi quốc hội đã biểu quyết. Hiền nói, điều đó đúng nhưng “Bộ Ngoại Giao không đủ can đảm để báo cáo với quốc hội hay với công chúng những gì họ suy nghĩ về việc giúp đỡ Việt Nam”. (25)
Sự thất bại ở vòng hội đàm lần thứ hai về bình thường hóa quan hệ ngoại giao và những xúc cảm trong số những người bảo thủ, có nghĩa là chấm dứt đường lối ngoại giao đầu tiên của chính phủ Carter. Như Woodcock nói với tôi sau này, đơn giản là chính phủ đã không tạo ra được những cảm nghĩ sâu sắc trong số các nhà lãnh đạo quốc hội, ngay cả những người có khuynh hướng phóng khoáng chống lại viện trợ cho Việt Nam. Tháng Sáu, Hạ Nghị Viện chấp thuận tối đa một đạo luật viện trợ cho ngoại quốc do dân biểu thuộc đảng Dân Chủ Lester Wolf đệ trình, có nhắc lại, trên hình thức, lời hứa của Nixon về 3 tỷ 250 triệu cho Việt Nam. Ngay từ đầu, Carter đã viết một bức thư cho chủ tịch Hạ Viện thúc hối ông ta đừng chấp thuận bất cứ một tu chính án nào có thể hạn chế khả năng của Ngân Hàng Thế Giới cho Hà Nội vay tiền. Nhưng bằng đa số phiếu, quốc hội đã khước từ lời yêu cầu của tổng thống và thông qua đạo luật ngăn các tài khoản Mỹ “trực tiếp hay gián tiếp” chuyển cho Việt Nam (cũng như Lào, Kampuchia và Uganda).
Mặc dù Holbrooke và Vance vẫn còn chú tâm đến việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, họ cũng không có đủ tin tưởng để đến điện Capitol yêu cầu quốc hội viện trợ, ngay cả viện trợ nhân đạo. Hơn nữa, hồi tháng Tám, Carter ký một thỏa ước về kinh đào Panama. Ông ta không có ý định chống lại những người ủng hộ thỏa hiệp này trong quốc hội bằng cách thúc đẩy vấn đề Việt Nam là vấn đề không được lòng dân chúng.
Vào lúc Holbrooke gặp Phan Hiền một lần nữa vào ngày 19 tháng 12/1977, một điệp viên Việt Nam tạo nên một bầu không khí u ám cho vấn đề bình thường hóa quan hệ. Một nhân viên FBI hoạt động quan hệ với Ken Quinn hồi mùa hè, phát hiện một viên chức Mỹ bí mật đưa tin cho Việt Nam, và theo dõi người này. Tháng Sáu, lần đầu tiên ông ta chuyển cho Holbrooke một bản photocopy bản tin bị ăn cắp từ Bộ Ngoại Giao. Quinn nhún vai cho rằng người làm việc này có thể là một người nào đó có liên hệ gia đình hay tình cảm ở Việt Nam và đang bị Hà Nội tống thư nặc danh. Ông ta nghĩ tới Ronald Humphrey, một nhân viên được chỉ định làm việc tại Trung Tâm Điều Khiển Thông Tin Bộ Ngoại Giao (USIA). Hồi tháng Ba, người này có đến gặp ông ta để xin giúp đỡ đưa một người bạn gái ra khỏi Việt Nam. Lúc ấy Quinn đang chuẩn bị đi Hà Nội với Woodcock. Không như Woodcock đưa vấn đề người vợ chưa cưới của Đại Tá Paul Marther thẳng cho Việt Nam để xin giúp đỡ, ông nầy lại đến Tòa Đại Sứ Thụy Điển để nộp đơn xin di trú cho người bạn gái của Humphrey. FBI điều tra Humphrey, tìm ra sự thật. Trong khi Humphrey đang còn bị FBI theo dõi, thỉnh thoảng, ông ta có đến thăm Quinn để nói chuyện về người bạn gái của ông và hỏi thăm về việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Quinn kể lại: “Tôi rất khó nói với anh ta vì chẳng có gì hay ho xảy ra cả”. Humphrey không nghi ngờ gì, tiếp tục chuyển những bức điện – có giá trị thấp của Bộ Ngoại Giao khi những điện văn nầy được đưa qua Trung Tâm Điều Hành USIA – cho David Trương (Truong Dinh Hung – nd). David Trương là thành phần phản chiến, và là con trai của Luật Sư Trương Đình Du, người ra ứng cử tổng thống Nam Việt Nam và bị tù. David Trương chuyển những tin tức này cho phái đoàn Việt Nam ở Liên Hợp Quốc và Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Ba Lê.
Tới tháng 12/1977, Việt Nam hiểu rằng chẳng thể có được tiền bạc gì trước khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Nhưng họ không biết những cố gắng gián điệp vụng về của họ đang bị FBI giám sát. Việt Nam vẫn còn thúc ép Mỹ viện trợ. Khi Hiền ngồi đàm phán vòng ba với Holbrooke vào đầu tháng 12, ông ta đưa ra yêu cầu viện trợ kinh tế. Trong giờ giải lao, khi Hiền nói chuyện thẳng với Holbrooke bằng tiếng Pháp, không cần thông ngôn hay người ghi chép hiện diện, Hiền hỏi Holbrooke có nhớ những điều khoản A và B được thảo luận giữa các người thương nghị Việt Mỹ năm 1966 hay không. Điều khoản A bao gồm việc Mỹ ngưng ném bom Việt Nam và điều khoản B bàn việc hai bên chắc chắn thực hiện những điều mà không cần tuyên bố chính thức. Hiền đề nghị trong phần A mới, Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường quan hệ ngoại giao và trong phần B mới, – có nghĩa là sau khi đã bình thường rồi – Hoa Kỳ sẽ tự mình tuyên bố vài viện trợ cho Việt Nam. Điều Việt Nam mong muốn là một lời cam kết riêng về phần B. Holbrooke kể lại lời Hiền yêu cầu như sau: “Ông vừa nói nhỏ bên tai tôi về khoản ông muốn viện trợ. Và thế là đủ”. Holbrooke nói: “Tôi xin lỗi. Tôi không có quyền làm việc ấy”. Holbrooke cũng từ khước lời đề nghị của Hiền là Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận như là bước đầu để tiến tới quan hệ bình thường. Hà Nội đưa ra đạo luật đầu tư hồi tháng 4, rất muốn các công ty Hoa Kỳ tham gia vào việc phát triển kinh tế Việt Nam. Về sau, một viên chức Hoa Kỳ có mặt tại buổi họp báo cáo: “Phía Việt Nam trông có vẽ ngạc nhiên khi Holbrooke nói với họ không thể có được điều ấy”. (25)
Lời đề nghị có vẽ mới mẽ nhất của Holbrooke là hai bên thành lập các phái bộ liên lạc tại thủ đô của mỗi nước để chờ một giải pháp cho các vấn đề khác và thiết lập quan hệ ngoại giao hoàn toàn. Hiền nói với Holbrooke: “Chúng tôi chẳng bao giờ làm những điều như Trung Hoa làm”. Ông muốn nói tới việc thành lập các phái bộ ngoại giao ở Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn hồi tháng Hai 1973. Thật ra việc quan hệ ngoại giao bình thường giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa vẫn chưa hoàn toàn sau 4 năm hai bên đã gởi các phái bộ ngoại giao đến mỗi nước. Điều nầy làm cho Việt Nam nãn lòng. Việc từ chối này ám ảnh Việt Nam trong khi chỉ một năm sau đã có nhiều cố gắng gia tăng quan hệ bình thường Hoa Mỹ.
Rõ ràng Việt Nam không hiểu được vết thương Watergate, một lần đã là ân sủng cho họ thì nay nó lại là tai ương. Đó là sự xáo trộn chính trị làm suy yếu quyền lực tổng thống khi Nixon từ chức, đem lại cho các nhà lãnh đaọ Hà Nội cơ hội bằng vàng để mở cuộc tấn công vào miền Nam hồi mùa xuân năm 1975 mà không bị Mỹ trừng phạt. Giờ đây, cùng một sự yếu kém quyền lực đó của tổng thống, cũng như quyền quyết định của Quốc hội là một trở ngại to lớn ngăn cản viện trợ từ Hoa Thịnh Đốn cho Hà Nội. Phía Việt Nam thất bại khi nhận ra rằng sau vết thương Watergate và thất bại quân sự ở Đông Dương, họ chẳng còn hy vọng gì ở phương cách hành xử bí mật của Nixon-Kissinger. Nixon có thể thách thức ý kiến công chúng bằng việc gởi B-52 tới Hà Nội và ông ta cũng có thể đưa ra những hứa hẹn bí mật về viện trợ. Việt Nam vẫn giữ hy vọng Carter sẽ hành xử như Nixon cầu hòa. Đối với điều đáng kinh ngạc đó, họ khám phá ra rằng Việt Nam không còn chiếm ngự vị trí trung tâm trong suy nghĩ của người Mỹ nữa, và như thế, đối đầu với một quốc hội chống đối, Carter phải thu hồi những lời cam kết trước kia của ông ta, – chuyển lời qua Holbrooke -, điều gọi là viện trợ nhân đạo. Việt Nam chỉ còn hai con đường chọn lựa: Ngậm và nuốt điều mong muốn thiết lập quan hệ với kẻ thù đã bị đánh bại vì chính thái độ của phía kẻ thù hoặc từ bỏ hy vọng kiếm được đô la và kỹ thuật Mỹ mà quay về với Mạc Tư Khoa.
Một ông chủ nhà băng viếng thăm Hà Nội vào mùa xuân năm 1977 nói với tôi rằng ông ta “kinh ngạc về sự uyển chuyển và thực dụng” của các viên chức Việt Nam khi họ thảo luận với các nhà thương nghiệp Tây Phương. Tuy nhiên, chẳng có gì đáng kể về tính thực dụng và cởi mở trong đạo luật đầu tư. Không có việc bỏ đi tứ tán của các nhà đầu tư đã tới Hà Nội. Những ai tới đây rồi sẽ phải nản lòng vì tính quan liêu của người Việt Nam, và vì lo sợ cho nền an ninh, Hà Nội tạo ra những bức tường chắn nghi ngờ. Việt Nam hy vọng thiết lập mau lẹ thân hữu và hợp tác với Tây Phương với một nửa là lòng nhiệt thành và một nửa là sự từ chối.
Trong cái thảm kịch mở cửa ra với Tây Phương, Việt Nam lập kế hoạch cho chuyến đi ngoại quốc đầu tiên của thủ tướng sau đại hội đảng là đến thăm Pháp, và trong lộ trình ấy, thăm các các nước Tây Âu. Tuy nhiên, vì những lý do nội bộ và đơn giản vì không muốn có quan hệ nào trước Mỹ, khi Mỹ chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam, hầu hết các nước Tây Âu, ngoại trừ Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, từ chối tiếp Đồng sau khi Đồng thăm Pháp. Ngay cả những nước đã đón ông ta, họ chẳng hứa hẹn gì nhiều. Câu trả lời tiêu biểu có lẽ là câu của Hãng Thông Tấn Đan Mạch, nói rằng việc ấy chỉ có thể “muốn hạn chế sự mở rộng” của Việt Nam. (27)
Ngay chuyến đi lịch sử của Đồng tới Pháp cũng chỉ có tính cách tượng trưng, đoàn kết hơn là cam kết viện trợ. Tổng Thống Valery Giscard d’ Estaing ca ngợi nhà cách mạng cũ trong bữa tiệc tráng lệ ở Điện Élyssé, và hai thỏa ước hợp tác nhỏ về kinh tế và văn hóa được hai bên ký kết. Nhưng điều Hà Nội mong muốn ở lòng hào hiệp của Tây Phương thì chẳng tìm thấy đâu cả. Như một nhà ngoại giao Pháp làm việc ở Hà Nội viết sau này rằng Việt Nam cay đắng. “Họ thấy chán nãn vì hy vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu”. (28)
Hy vọng của Việt Nam quan hệ với Hoa Kỳ và hậu quả thất vọng là điểm gặp gỡ quyết định giữa những lý thuyết gia và thực dụng ở Việt Nam. Năm 1977 là thời điểm có đầy đủ tất cả những dữ kiện đối với tình hình trong nước tuồng như xấu đi nhiều. Hồi tháng Hai, mùa màng ở phía Bắc hư hại vì lạnh gắt, tiếp sau nhiều tháng hạn hán nặng nề rồi lại lũ lụt lớn. Kết quả là lương thực thiếu hụt trầm trọng. Tháng Ba năm 1977, Việt Nam kêu gọi Liên Hợp Quốc và các nước bạn bè viện trợ khẩn cấp lương thực – chẳng có đáp ứng nào. Vì tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và các cơ phận thay thế, kỹ nghệ cũng xuống dốc theo.
Bên ngoài, người ta không biết Bộ Chính Trị thảo luận chính sách đối nội, đối ngoại như thế nào. Tuy nhiên, các quan sát viên ở Hà Nội thấy được những dấu hiệu lưỡng lự giữa các nhà soạn thảo kế hoạch. (29) Hai nhóm chính trị trong đảng Cộng Sản Việt Nam tranh cải gay gắt. Phái hòa hoãn do Phạm văn Đồng dẫn đầu muốn hợp tác gần gủi với các nước kỹ nghệ Tây Phương và chuyển hóa miền Nam dần dần, như thế có thể xử dụng vốn và nguồn nhân lực ở đây. Nhóm kia, người tranh luận nổi tiếng là lý thuyết gia Trường Chinh, muốn xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa, chủ trương lý thuyết thuần túy, bảo vệ hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa không để cho “kẻ thù xâm nhập và cướp đoạt.” Nhóm này chống lại chính sách nới rộng và mở cửa với Tây Phương. Họ đã kích sự chậm lụt trong việc chuyển hóa miền Nam -là nguồn nhiễm độc về sự suy đồi đang lan tràn ra phía Bắc. Trong khi Đồng đi Châu Âu vắng, Trường Chinh mở cuộc tấn công vào đường lối quan liêu nguy hại và kêu gọi trừng phạt nhiều cơ quan trong chính phủ. Sự thật là Hoa Kỳ khăng khăng từ chối bất cứ một trách nhiệm tinh thần nào đối với việc tàn phá chiến tranh ở Việt Nam, điều Nhật và Pháp có tranh luận “chút ít” với Việt Nam để trả món nợ cũ và bồi thường chút ít. Việc nầy chỉ giúp củng cố các phần tử cứng rắn sẵn có quan điểm thù địch với Phương Tây. Nguồn hy vọng đối với Trung Hoa đang trên đường thực tiễn hóa làm cho Việt Nam muốn noi theo, vào hồi đầu tháng Sáu khi Phạm Văn Đồng từ Bắc Kinh trở về sau những cuộc đụng độ gay gắt với các nhà thương thảo Trung Hoa.
Một quan sát viên Pháp ở Hà Nội ghi nhận “Giữa năm 1977 một đường hướng tổng quát mới đã được thỏa thuận. Như thường thấy ở Việt Nam, người ta im lặng đạt tới một phương cách mà không cần bất cứ những lời kêu gọi ồn ào nào hay sự buộc tội giữa công chúng đối với những người bị thất bại, bao hàm cả những sự cứng rắn của nhóm Trường Chinh. Bên ngoài, đường hướng mới phản ảnh sự khác biệt đang gia tăng với phương Tây và một đường hướng thu hẹp với tất cả liên hệ với khối Xã Hội Chủ Nghĩa.” (30)
Cuối tháng 6/1977, hội nghị trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam thông qua chương trình hợp tác hóa nông nghiệp và tăng cường công tác tư tưởng. (31)
Theo kế hoạch này, công việc xây dựng nông nghiệp Xã Hội Chủ Nghĩa sẽ hoàn tất vào đầu thập niên 1980. Bước tiến này phải được thực hiện sớm, tiếp theo các bước quyết định để loại trừ công thương nghiệp miền Nam. Cánh cửa mở ra để đón ngọn gió Tây tuồng như đóng lại.

Brother Enemy
The War After the War
Nguyên tác của Nayan Chanda
Hoàng Long Hải/ Tuệ Chương dịch
Nguồn: Tvvn

Tìm kiếm Blog này