Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

Thổ Chu, Koh Tang, Poulo Wai trong ký ức đau thương

Phân định Vùng nước lịch sử giữaViệt Nam và Campuchia, 1988

_______________

Loạt bài trên báo Tuổi trẻ: 
Thổ Chu - ký ức đau thương 

07/01/2014 10:35 (GMT + 7) 
TT - Cuộc thảm sát đẫm máu lên tới hơn 500 người dân của ta ở Thổ Chu sao lại ít được nhắc tới trong sách sử quá? Hỏi ra mới hay hồi đó chúng lùa dân lên tàu chở đi giết sạch, nhân chứng không còn ai! Có thật là không còn ai? Lần theo những sợi chỉ thông tin mỏng manh, chúng tôi lên đường ra Thổ Chu, rồi từ Thổ Chu đến với một số điểm đảo trên vùng biển Tây Nam. May quá, vẫn còn đó những nhân chứng của cuộc thảm sát dã man ngày ấy sống và kể lại...
Trưa 7-1-1979, thủ đô Phnom Penh của Campuchia được giải phóng. Đêm đó, gia đình ngư dân Tư Sĩ ở hòn Mấu (xã đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, Kiên Giang) ngồi quanh chiếc radio nghe bản tin phát đi và vỡ òa niềm vui. Họ tin rằng sẽ được gặp lại những bà con xóm giềng cật ruột từng chung sống trên đảo Thổ Chu bị quân Pol Pot bắt dẫn đi biệt mù tăm tích từ năm 1975 sẽ được trở về. Nhưng không! Không một ai trong số 513 người dân đảo bị bắt đi từ gần bốn năm trước trở lại. Và mãi mãi họ không thể về quê quán nữa. Cuộc thảm sát bi thương hơn 500 sinh mạng cư dân Thổ Chu dường như lâu nay còn ít người biết đến.
Đi tìm nhân chứng
Đầu tháng 5-1975, khi VN vừa bước vào ngày hòa bình thống nhất đầu tiên, những chiếc tàu chở quân Khmer Đỏ ập lên đảo Thổ Chu, nơi có hơn 500 cư dân VN sinh sống bình an từ bao năm. Trước đó, quân đội Sài Gòn trấn giữ đảo đã theo tàu quân sự di tản, trên đảo chỉ còn lại dân. Thổ Chu lại cách xa đất liền hơn 200 cây số nên quân giải phóng chưa kịp ra tiếp quản thì quân đội Khmer Đỏ đã lợi dụng điều này đổ bộ chiếm đóng đảo.
Vài tuần sau, những người dân ở đây bị quân Khmer Đỏ lùa lên tàu đưa về một hòn đảo Campuchia giết chết không còn một ai. Câu chuyện này về sau mới biết được, khi quân đội cách mạng Campuchia và quân tình nguyện VN giải phóng những hòn đảo này. Các anh đã tìm thấy rất nhiều căn cước (chứng minh nhân dân) đề tên của dân Việt. Một cuộc thảm sát người Việt rất kinh hoàng đã xảy ra trên những hòn đảo này dưới tay quân Khmer Đỏ! Hơn 500 dân của đảo chỉ mỗi gia đình ông Tư Sĩ “cao số” may mắn thoát được.
Chuyến công tác của chúng tôi ra quần đảo Thổ Chu cùng với hải quân Vùng 5 gom góp những gì còn lại vào tháng trước để tái hiện phần nào dấu vết câu chuyện bi thương. Nhưng nhân chứng của Thổ Chu những ngày tháng 5-1975 không còn ai sống trên hòn đảo này. Gia đình ông Tư Sĩ lại đang sống tại hòn Mấu, cách Thổ Chu hơn trăm cây số, hải trình của đoàn công tác lại không ghé qua hòn Mấu. Thổ Chu hôm nay xinh đẹp và trù phú, chứng nhân của nỗi đau ngày ấy có chăng là những rặng dừa cao vút san sát vây quanh bãi Ngự. Kết thúc cuộc hành trình trên biển Tây Nam, chúng tôi quyết định sẽ tìm cách ra hòn Mấu để gặp ông Tư Sĩ...
...Chuyến tàu đò Rạch Giá ra Nam Du xuất bến lúc 10 giờ đêm, dông gió mịt mù suốt hải trình. Tàu cập xã đảo Nam Du lúc 4 giờ sáng. Tìm chỗ tá túc đợi mặt trời lên để tìm thuyền đi từ Nam Du qua hòn Mấu. Hòn Mấu chỉ là một đảo nhỏ, may cho chúng tôi, vừa đặt chân lên đảo đã gặp ngay con rể của ông Tư Sĩ. Dắt chúng tôi đến quán cà phê nhỏ trên hòn Mấu, một lão ngư với mái tóc bạc trắng đang ngồi trầm ngâm trước ly cà phê. Ông là Tư Sĩ. Câu chuyện về Thổ Chu dường như đã quá đầy ắp trong tâm trí ông, cứ thế tuôn ra như khơi chạm mạch nguồn.

Quần đảo Thổ Chu nằm ở phía tây nam đảo Phú Quốc và được xem là ở cực tây nam của VN, thuộc xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nằm cách Rạch Giá 198km, Thổ Chu là đảo lớn nhất trong quần đảo này.
“Tui bất đắc dĩ thành người làm chứng của chuyện này. Chẳng ai muốn rơi vào cảnh sống chết tấc gang ấy cả. Giờ tuổi cũng lớn rồi, kể lại vầy cũng là để sau này con cháu mình biết - ông Tư Sĩ mở đầu câu chuyện - Năm 1971 đó, chế độ cũ bắt lính tơi bời, tui bàn với vợ chắc phải dong thuyền ra đảo Thổ Chu trốn quân dịch. Gửi lại hòn Mấu hai đứa con lớn cho cha mẹ nuôi dưỡng, rồi cùng vợ đưa ba đứa con nhỏ ra đi. Thằng lớn là Nguyễn Văn Toại khi đó 9 tuổi, và hai con gái mới một, hai tuổi chưa biết gì. Tài sản là chiếc ghe 1 tấn, trên ghe là gạo, đường, cuốc xẻng và vài chỉ vàng phòng thân. Lúc tàu nổ máy rời hòn Mấu, tôi không quay đầu nhìn lại, còn vợ tôi dằn lòng mà vẫn khóc nấc khi xa con”.
Lùa bàn tay xương xẩu lên mái tóc bạc phơ, ánh mắt ông Tư Sĩ dường như lấp lánh hơn khi nhớ về miền đất cưu mang vợ chồng ông ngày đó:
“Thuyền nhắm hướng Thổ Chu chạy miết, trưa hôm sau lên đảo, cập thuyền chỗ rặng dừa bãi Ngự đã thấy có năm hộ dân là người miền Trung sinh sống. Sống với nhau trên đảo nên ai cũng tốt bụng, đùm bọc nhau lắm! Họ chỉ dạy tui làm rẫy, khuyên nuôi đồi mồi để bán cho thương lái người Hà Tiên làm giàu. Hai vợ chồng tui khai hoang làm được 1 ha rẫy trồng xoài, trồng dừa, đu đủ... rồi đánh bắt cá và tập tành nghề nuôi đồi mồi. Đêm xuống tui soi đèn đào lỗ trên bãi biển tìm ổ trứng đồi mồi. Lúc đó đồi mồi ở Thổ Chu nhiều lắm. Một ổ đồi mồi nằm dưới cát cho khoảng 200 quả trứng, đem về ấp và xây bồn nuôi. Sau hai năm nuôi, đồi mồi to bằng cái đĩa ba tấc bán với giá mỗi con một chỉ vàng. Tui đã bán 30 con được ba cây vàng, gom tiền mua ximăng, tấm lợp, để chuẩn bị cất nhà gần ngay mốc chủ quyền trên đảo.
Đến năm 1974, chế độ cũ đưa thêm hàng trăm hộ dân ra đảo để khai hoang lập ấp, thành lập chính quyền xã Thổ Châu. Lúc đó trên đảo có một tiểu đội hải quân VN Cộng hòa và một hải đội neo đậu tàu dưới bãi Ngự. Cuộc sống trên đảo bình yên, hai vợ chồng cũng yên tâm làm lụng kiếm sống chờ khi cất được nhà sẽ đưa con từ hòn Mấu ra chung sống. Ngoài việc trồng rẫy, vợ tôi còn mở tiệm may vá và hay giúp người dân trên đảo lúc họ túng thiếu. Cư dân trên đảo sống gắn bó tối lửa tắt đèn có nhau. Mọi người hiểu rằng nơi đảo hoang xa đất liền hàng trăm cây số thì láng giềng sống chết phải có nhau.
LÊ ĐỨC DỤC - QUANG VINH
Đọc cuốn sách Đời chiến sĩ của đại tướng Phạm Văn Trà, chúng tôi cứ ám ảnh mãi bởi một câu chuyện bi thương nhắc lại trong hồi ký của ông:
“Với tâm trạng rất buồn, anh Ba Trung (phó tư lệnh Quân khu 9, chỉ huy trưởng chiến dịch giải phóng các đảo thuộc vùng biển Tây Nam) truyền đạt nhiệm vụ mà như tâm sự, như giãi bày một phẫn uất: “Tình hình xấu quá rồi. Quân Pol Pot đã chiếm một số đảo của ta hơn một tháng nay. Chúng tàn sát đồng bào ta rất dã man. Được Tư lệnh Quân khu phân công trực tiếp giải quyết tình hình các đảo, vừa rồi tôi đã sử dụng một lực lượng của quân khu, có hải quân tăng cường đổ bộ bí mật lên đảo Thổ Chu, bất ngờ tiêu diệt gọn một tiểu đoàn Pol Pot, bắt 300 tên. Nhưng điều đáng buồn là khi ta giải phóng đảo, quân Pol Pot đã sát hại trên 500 bà con ta sinh sống lâu đời ở đây”. (trang 250)
__________
Ký ức của những năm đầu sinh sống trên đảo bình yên bao nhiêu thì những gì diễn ra trong tháng 5-1975 đã ám ảnh ông Tư Sĩ đến tận bây giờ.

Trong tay Khmer Đỏ 
08/01/2014 09:05 (GMT + 7)
TT - Sửng sốt, bàng hoàng là tâm trạng của người dân trên đảo Thổ Chu sau này, bởi ban đầu thấy quân Khmer Đỏ lên đảo họ vẫn nghĩ đấy là “bạn”.
Giả dạng anh em
Trong chuyến hải trình quanh vùng biển Tây Nam mới đây, trong một sáng vần vũ mây trời xám xịt, chúng tôi đã đứng trên nóc của hải đăng đảo Hòn Đốc thuộc quần đảo Hải Tặc khi xưa (nay gọi là quần đảo Hà Tiên) và ngóng vọng về phía đảo T. Đó chính là nơi 513 người dân Thổ Chu xấu số đã chết dưới tay Khmer Đỏ và mong sẽ có một ngày được đến đó thắp một nén nhang tưởng nhớ, dù giờ đây trên đảo Thổ Chu, một đền thờ tưởng niệm 513 người dân bị thảm sát ngày ấy đã được dựng lên khang trang và bề thế.
Lúc quân đội Sài Gòn rút khỏi Thổ Chu khi biết Sài Gòn giải phóng, một viên trung úy hải quân tên Tuất nói với ông Tư Sĩ: “Nếu anh Tư muốn đi nước ngoài thì đi với tụi tui, ở đây không được nữa rồi, tàu còn chỗ”. Ông Tư Sĩ trả lời: “Tui còn hai đứa ở hòn Mấu, với lại ra nước ngoài tui không biết làm gì để sống”. Mấy hộ dân khác như Chín Hải, Hai Nông, Tư Tận... - hàng xóm của ông Tư Sĩ - cũng quen sống bằng nghề đánh bắt hải sản, nuôi đồi mồi, làm rẫy nên ai cũng từ chối ra nước ngoài.
“Tụi tui quyết tâm ở lại khó khổ cùng nhau chia sẻ và chờ bộ đội ra tiếp quản - ông Tư nói và kể tiếp - Ai dè mấy hôm sau, trong lúc tui đang gánh nước mặn lên bờ để rửa bồn nuôi đồi mồi thì thấy phía bãi Ngự có hai chiếc tàu hộ tống PCE và tàu chiến của quân Khmer Đỏ chạy vòng quanh đảo để gom bắt số người vượt biên trên biển lên tàu của chúng. Trên tàu tui thấy lính Khmer Đỏ cổ quấn khăn rằn, tay ôm AK. Khi lên bờ, ban đầu chúng đối xử cũng đàng hoàng với dân trên đảo nên không ai nghĩ chúng sẽ ra tay tàn độc như sau này”.
Danh Thương, khoảng 30 tuổi, là cư dân trên đảo sống bằng nghề đốt than, vốn nói sõi tiếng Khmer được tay chỉ huy kêu tới làm phiên dịch. Danh Thương dịch theo lời y, cho biết chúng ra đảo để tổ chức cho bà con sống, làm việc tập thể và yên ổn làm ăn. Chúng còn nói chúng là “đàn em” của Quân giải phóng Việt Nam đến để giữ đảo vì sợ quân Mỹ sẽ quay trở lại chiếm đảo. Chúng còn cho mỗi hộ dân 10kg gạo.
Trong những ngày chiếm đảo, quân Khmer Đỏ bắt dân đảo bốc vác vật liệu, nhặt nhạnh súng ống của quân đội Sài Gòn vứt lại để làm công sự dài hàng trăm mét ở bãi Ngự. Khi công sự làm xong, đến chiều 13-4 âm lịch (ông Tư Sĩ chỉ nhớ ngày âm lịch, sau này tra cứu chúng tôi được biết đó là ngày 23-5-1975), các toán quân Khmer Đỏ lùa dân xuống bãi Ngự. Lúc đó một số gia đình chấp hành, số khác giằng co không đi. Nhưng đến khoảng chập tối thì chúng gí súng lùa hết số dân còn lại ra bãi Ngự. Người nào đã bước ra khỏi nhà chúng không cho trở lại. Lúc đó mọi người đã biết số phận của mình như cá nằm trên thớt.
Dù rất lo sợ nhưng mọi người vẫn cố níu kéo với ý nghĩ nó sẽ đem mình về Campuchia là để mai này trao trả thông qua Đại sứ quán Việt Nam. Lúc đó không ai tính đến chuyện họp bàn để biết xem chúng sẽ đưa mình đi đâu, làm gì sau đó, cứ nhắm mắt đưa chân.
Lúc chúng lùa dân xuống bãi Ngự, dưới bãi đã có hai chiếc tàu, là loại tàu cá của ngư dân Thái Lan. Có lẽ quân Khmer Đỏ đã cướp của dân Thái để sử dụng. “Tui không mấy tin vào chuyến đi bất thường này và nỗi lo cứ lớn dần lên. Trước lúc bị lùa đi, tui may mắn làm quen được một anh tài công quê Châu Đốc, biết nói tiếng Khmer. Lúc đó anh tài công đã cho tôi biết tối nay chúng sẽ lùa hết dân lên hai chiếc tàu này và bảo tôi phải chuẩn bị máy móc, xăng dầu và xin chúng nó cho dòng ghe đi theo”.
Dòng ký ức đầy ám ảnh nặng nề dường như khiến ông Tư Sĩ cảm thấy mệt. Quay qua chúng tôi, ông bảo: “Đi về nhà tui, vợ tui còn nhớ được nhiều chuyện của cái buổi chiều chúng lùa dân chuẩn bị đưa lên tàu lắm!”.
Chuyến đi định mệnh
Căn nhà của ông Tư Sĩ có vẻ to nhất ở ấp Hòn Mấu. Và một điều đặc biệt nữa là nếu như những căn nhà ở đây được dựng chỗ khá kín gió thì nhà ông Tư Sĩ “hiên ngang” rộng cửa hướng về phía nam, hướng nhìn về đảo Thổ Chu. Dường như ký ức của cả gia đình ông luôn dõi về phía hòn đảo đó, sau ngàn trùng sóng biển.
Vợ ông Tư Sĩ, bà Cái Thị Viện, kể tiếp cho chúng tôi nghe nối vào hồi ức của ông chồng: “Tụi nó sau khi lùa đủ dân tập trung trên bãi cát liền bảo “Ai đi theo thì ngồi yên, còn ai từ chối không đi thì giơ tay đứng lên”. Tui là người giơ tay trước hết thảy. Khi đứng lên tui nói nếu đưa tui về Kiên Giang thăm con thì tui đi, còn về Campuchia thì không. Khi tui giơ tay đứng lên cũng có nhiều người khác cùng giơ tay đòi yêu sách không đi qua Campuchia. Tên chỉ huy trả lời: “Nếu đưa về Kiên Giang thì sau này Đại sứ quán Việt Nam đòi biết lấy dân ở đâu để trả lại cho phía Việt Nam?”. Nó còn trấn an: “Dân là cha mẹ sẽ không giết dân đâu, bà con cứ ngồi xuống đi!”. Thấy tui cương quyết quá, nó đành cho hai vợ chồng tui về nhà nấu cơm.
Về đến nhà, lúc Danh Thương là người phiên dịch và tên chỉ huy tiểu đoàn trưởng đi ngang qua nhà, nhớ lại lời khuyên của anh tài công hồi chiều, ông Tư Sĩ bèn hỏi xin được buộc chiếc thuyền của gia đình vào đuôi tàu của chúng để cùng đi. Tên chỉ huy hỏi: Đem ghe theo để làm gì? Tui trả lời: Để qua bên đó làm ăn. Nó nói bên đó có gì mà làm ăn, khi đó chồng tui liền giải thích: “Nếu mấy ông không cho mang ghe đi thì vợ con tui cương quyết không chịu đi”. Thấy tui làm dữ quá và sợ ảnh hưởng đến nhiều gia đình khác nên tên chỉ huy rốt cuộc phải đồng ý. Tên chỉ huy vừa đi, vợ chồng tui đã khuân dầu lửa, một ít thực phẩm xuống thuyền rồi nhờ người tài công lấy sợi dây thừng buộc vào đuôi một trong hai con tàu của Khmer Đỏ”.
Toại, đứa con trai lớn của ông, khi nghe nhắc lại chuyện này đã góp thêm: “Lúc mới xuống ghe, nghe má cầu khẩn ông bà phù độ cho gặp may mắn, cho ba giật máy là nổ liền. Nhưng ba tui giật đến lần thứ bảy, thứ tám máy mới nổ, càng làm cho má lo sợ thêm”. Dù bội phần lo sợ nhưng không còn đường thoát, đến lúc ấy chỉ cần trái ý là chúng sẵn sàng hạ sát ngay.
Đêm 23-5 ấy nhằm vào đêm 13-4 âm lịch, sắp đến Phật Đản nhưng bầu trời không sáng rỡ bởi ánh trăng. Trong ánh sáng nhờ nhờ, những người dân Thổ Chu im lặng nhẫn nhục lục tục bước lên tàu.
Tàu nhỏ, người đông, chúng không cho dân mang theo đồ đạc sinh hoạt gì thêm. Hai chiếc tàu Thái Lan trọng tải khoảng 100 tấn đã chật ních người. Và vì tàu quá chật, ngoài chiếc thuyền của gia đình ông Tư Sĩ, chúng cho hai gia đình khác, trong đó có gia đình ông Hai Nông, cũng được dòng dây kéo thuyền theo. Tám giờ tối, hai chiếc tàu nổ máy hướng về phía Campuchia, hai tàu lớn chở người và ba chiếc ghe nhỏ được dòng dây kéo theo dập dềnh sau ngọn sóng đuôi tàu. Không một ai hay biết số phận của họ sẽ được định đoạt bởi bàn tay của những tên Khmer Đỏ khát máu.
Chuyến đi định mệnh ấy tất cả những người dân vô tội, từ trẻ em đến cụ già, bị đưa về một hòn đảo cách bờ biển Campuchia không xa. Và tất cả đã bị giết chết dã man!
LÊ ĐỨC DỤC - QUANG VINH
______________________
Gia đình ông Tư Sĩ đã thoát khỏi chuyến đi đến địa ngục của Khmer Đỏ vào đêm 23-5-1975 ấy như một phép mầu. Và giờ đây họ trở thành nhân chứng cho một nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai giữa biển trời Thổ Châu.


Những người đào thoát
09/01/2014 10:11 (GMT + 7)
TT - Ngồi tâm tình với chúng tôi, cả hai vợ chồng ông Tư Sĩ đều chung một nỗi niềm: “Rõ ràng cả nhà tui đã chết đi sống lại.
Kể lại chuyện này, mấy chú đưa lên báo, biết đâu nhờ ơn trên mà có khi gặp lại vị ân nhân năm ấy, người tài công quê Châu Đốc. Nếu không giờ cả nhà tui, năm người này cũng thành ma trên hoang đảo...”.
Sợi dây thừng cứu mạng
Ông Tư Sĩ kể rằng thuyền ông được tàu kéo nên tắt máy. Đêm đó biển lặng sóng, thuyền dập dềnh chạy sau đuôi lái, không biết lính Khmer Đỏ sẽ đưa mình đi đâu về đâu. Ba đứa con nhỏ của ông cũng không buồn khóc. Chúng còn nhỏ quá, chưa hình dung được chuyến đi mịt mù này. Tàu chạy suốt từ tầm lưng lửng tối đó ở bãi Ngự cho đến ba bốn giờ sáng, mặt biển tối sầm, chắc cũng gần đến đảo của Campuchia bỗng vợ chồng ông nghe một tiếng “phựt”. Chiếc thuyền bị hẫng ra, chao đảo, thì ra sợi dây kéo đã bị đứt. Định thần lại, chiếc tàu của quân Khmer Đỏ kéo thuyền chạy trước mắt cũng mất hút, không để lại một ánh đèn hay tiếng còi hụ nào. “Vợ chồng tui như đứng tim không biết chuyện gì đang xảy ra. Khi trên biển chỉ còn lại mình chiếc ghe nhỏ, tụi tui mới biết mình có thể thoát được”.
“Nhưng lúc đó vợ chồng tui quýnh quáng quá, không nghĩ gì chuyện kiểm tra xem sợi dây thừng bị đứt là do bị chặt hay là tự đứt. Mãi sau này khi về được hòn Mấu, vợ chồng tui mới nhớ lại anh tài công người Châu Đốc và chỉ có thể là anh đã chặt đứt dây, bởi dây thừng bện bằng sợi nilông của Thái to hơn ngón chân cái, còn rất mới nên rất khó đứt. “Tui nghĩ đó là người tài công, bởi trước đó anh này không chỉ khuyên vợ chồng tui nên xin tên chỉ huy Khmer Đỏ cho được buộc dây vào tàu Thái để kéo ghe đi, mà còn dặn vợ chồng tui không được nói với ai và biểu phải chuẩn bị đủ nhiên liệu dầu và máy nổ để dự phòng. Chắc anh ấy đã biết trước mọi chuyện và có ý cứu gia đình tui từ chiều hôm đó”.
Khi sợi dây vừa đứt, ông Tư vội giật máy nổ, và không như buổi chiều khi khiêng máy xuống thuyền giật tới bảy tám lần mới nổ. Lần này ông Tư chỉ giật một lần là máy nổ giòn giã. Bà Tư lo lắng: “Biết đường về hòn Mấu không ông?”. Ông Tư móc trong túi quần ra cái la bàn trả lời: “Biết sao không!”. Chiếc ghe với đầy đủ nhiên liệu được đem theo dự phòng trước đó đã bẻ hướng chạy thẳng về hòn Mấu.
Cuối buổi chiều 24-5, thuyền của cả nhà ông Tư Sĩ đã trông thấy rặng dừa trên hòn Mấu. Lúc đó cũng chỉ nghĩ đã về được với cha mẹ, được gặp lại hai đứa con gửi nhờ ông bà nuôi là mừng chứ đâu có nghĩ mình đã thoát khỏi cuộc thảm sát trong gang tấc! Ông Tư Sĩ vẫn hồ nghi những xóm giềng của mình ở bãi Ngự trên hai chiếc tàu đó rồi sẽ được đưa về Campuchia, có giam giữ một thời gian rồi cũng sẽ được trao trả, nào ngờ...
Về đến Hòn Mấu, ông Tư Sĩ mới biết rằng mấy hôm trước khi cả nhà ông thoát khỏi chuyến tàu áp tải về địa ngục đó, một người bạn của ông là Ba Ảnh (Lê Văn Ảnh) đã tìm cách trốn khỏi Thổ Chu về báo tin quân Khmer Đỏ chiếm đảo. Thật may mắn khi tìm gặp ông Tư Sĩ, chúng tôi đã gặp luôn người bạn già Ba Ảnh của ông.
Cuộc đào thoát của Ba Ảnh
“Khi quân Khmer Đỏ lên chiếm đảo là tui đã thấy không an tâm rồi - ông Ba Ảnh bộc bạch - đảo Thổ Chu là đảo của người VN, khi thất trận quân Sài Gòn có rút đi thì trước sau gì bộ đội ta cũng tiếp quản đảo này. Việc quân Khmer Đỏ nói rằng giải phóng giúp bộ đội VN trên hòn đảo đang có hàng trăm hộ dân là chuyện khó tin. Lại thấy chúng bắt dân đi xây hầm hào công sự càng khiến tui nung nấu ý đồ trốn thoát càng sớm càng tốt để về báo cho nhà chức trách. Hỏi “nhà chức trách” là ai, ông Ba Ảnh cười: “Thì “nhà chức trách” là bộ đội chớ ai nữa!”.
Ông Ba Ảnh đã kể lại với chúng tôi mưu kế để trốn thoát khỏi hàng rào kiểm soát vây quanh Thổ Chu của Khmer Đỏ. Buổi trưa hôm trước khi đi làm rẫy, ông Ảnh đến làm quen với tên chỉ huy phó tiểu đoàn trưởng Khmer Đỏ và xin được đi nhặt trứng nhàn (loại chim to như bồ câu sống nhiều trên đảo Thổ Chu). Tên chỉ huy phó đồng ý.
Đến buổi tối cùng ngày, ông Ảnh cùng người em rể lái chiếc ghe của mình ra chiếc tàu chiến của Khmer Đỏ đang neo đậu ở bãi Ngự để gặp lại và cho viên chỉ huy phó một rổ trứng nhàn cùng nhiều món hải sản quý hiếm khác. Ông Ảnh nài nỉ tên chỉ huy cho ông lái chiếc ghe về bãi sau nghỉ đêm để sáng mai đi chặt cây nhum và lượm trứng nhàn tiếp tục. Tên chỉ huy thấy ông Ảnh thật thà và biết điều nên gật đầu. Lợi dụng lúc chúng mất cảnh giác, hai anh em ông Ảnh đã tắt đèn lái ghe chạy thẳng về hòn Mấu ngay trong đêm đó.
Về đến hòn Mấu, ông Ảnh lập tức báo cho mọi người biết rằng hàng trăm người dân trên đảo Thổ Chu, trong đó có gia đình ông Tư Sĩ đang bị quân Khmer Đỏ quản thúc, có thể sẽ bị chúng đưa đi mất. Lời cảnh báo của ông Ảnh đã được ghi nhận nhưng ngày đó phương tiện thông tin liên lạc chỉ là nhắn nhe qua những chuyến thuyền, từ đất liền ra Thổ Chu phải hàng trăm cây số. Nhưng nhờ tin đó bộ đội VN đã có những hành động kịp thời.
Mười ngày sau khi nghe tin bộ đội đánh tan quân Khmer Đỏ, ông Tư Sĩ và ông Ba Ảnh đã lên thuyền trở lại Thổ Chu. Lúc đó trên bãi Ngự, ông Tư nhìn thấy chiếc ghe của gia đình Hai Nông và ghe của một gia đình khác bị chúng dòng dây kéo đi theo tàu cùng với thuyền của ông vào đêm 23-5. Xác chiếc ghe còn đó nhưng chủ của chúng đã không còn. Không biết còn sống hay đã chết. Bộ đội hải quân trên đảo kể lại khi đuổi đánh Khmer Đỏ đã tìm thấy và kéo được hai chiếc ghe về lại đảo Thổ Chu. Phải vài năm sau ông Tư Sĩ mới biết được sự thật về những bè bạn láng giềng của ông đã bị giết chết rất man rợ, không một ai trong số họ sống sót trở về.
Ở hòn Mấu chúng tôi còn gặp lại Nguyễn Văn Toại, con trai của ông Tư Sĩ. Khi chính quyền cũ lập xã Thổ Châu năm 1974, trên đảo có hàng trăm hộ dân với hàng chục đứa trẻ cùng trang lứa sáng chiều nô đùa trên bãi biển với Toại. Anh cứ nhớ mãi những ngày đảo Thổ Chu bị Khmer Đỏ xâm chiếm, ai ở nhà nấy, bạn bè của Toại không thấy ai ra bãi biển nữa. “Buổi tối khi bị Khmer Đỏ lùa mọi người xuống tàu, tui cố nhìn để tìm bạn bè người quen nhưng tất cả đã bị nhốt kín trong chiếc tàu cá”.
Gần mười năm sau (năm 1984), Nguyễn Văn Toại đã tình nguyện nhập ngũ vào đơn vị C3, tiểu đoàn 561 hải quân đóng tại đảo Thổ Chu. Ngày ra đảo, Toại vui mừng khi thấy bia chủ quyền quốc gia ở gần trường học vẫn còn nguyên vẹn. Cảnh vật vẫn hoang sơ không khác trước, nhưng bạn bè tuổi thơ của anh không còn một ai. Hàng đêm khi tới ca trực đi tuần tra canh gác, Toại lại đi dọc bãi biển hòn Mun, bãi Giông, xóm Nẫu. Anh bảo rất nhớ ngôi trường làng mái lá ở bãi Ngự có thầy giáo rất hiền và những đứa bạn học. Sau chuyến tàu đêm 23-5-1975 đó, mãi mãi Toại không thấy được những người bạn thơ ấu lên chín lên mười của mình nữa.
LÊ ĐỨC DỤC - QUANG VINH
________________
513 người dân VN bị quân Khmer Đỏ đưa sang một hòn đảo Campuchia và không ai trở về nữa. Đó là đảo nào? Chuyện gì xảy ra? Kỳ sau là tường thuật của một nhân chứng đã đặt chân đến đó hơn 30 năm trước...


Đây, chứng tích thảm sát Koh Tang
10/01/2014 10:35 (GMT + 7)
TT - Trong chuyến đi năm 1982 trên con tàu HQ-1348, tôi đã đến một số hòn đảo thuộc quần đảo Hải Tặc, đã đến An Thới, Phú Quốc nhưng chưa có hòn đảo nào để lại trong tôi suy tưởng và những sâu lắng như ở đây - đảo “Thương Tang”.
Hòn đảo này có tên trên bản đồ là Koh Tang (koh tiếng Campuchia nghĩa là đảo). Nhưng các chiến sĩ trên đảo vẫn gọi là đảo “Thương Tang” để khắc sâu một ký ức đau thương. Nơi đây gần 1.000 người dân Việt Nam và người dân Campuchia đã chết dưới bàn tay tội ác của bọn diệt chủng Pol Pot.
Xác người dưới những gốc dừa
Tôi đến hòn đảo này muốn tận mắt chứng kiến nơi mà những người dân vô tội đã bị chết oan uổng giữa bốn bề biển cả. Tôi đến hòn đảo này còn vì một lý do nữa, nơi đây các chiến sĩ hải quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ quốc tế cùng quân đội Campuchia anh em.
“Quân đội cách mạng Campuchia mới thành lập. Chúng tôi chưa đủ sức để bảo vệ các hòn đảo tiền tiêu, các bạn Việt Nam giúp đỡ thì chúng tôi vững tin lắm“. Hôm gặp tôi ở cảng Kampong Som, đồng chí Phong Dót, chỉ huy trường quân sự thành phố, đã nói như vậy.
Koh Tang là một hòn đảo đẹp, nằm phía tây bắc đảo Phú Quốc. Đảo dài 7km, nơi rộng nhất 3km, nơi hẹp nhất chỉ có 100m. Đứng ở nơi này thấy hai bên là biển xanh rì rầm sóng vỗ. Xung quanh đảo có đá ngầm, san hô, có nơi vách đá dựng đứng, núi nhoài ra biển.
Có nơi bãi cát trắng mịn màng, bình độ thoai thoải, tàu lớn có thể vào sát chân đảo. Cây cối trên đảo xanh tươi với các loại gỗ quý như lim, sến, táu, những lâm sản quý như trầm hương, tốc hương, sa nhân, đỗ trọng và rất nhiều tắc kè...
Một buổi sáng sau khi lên đảo một ngày, khi tôi đang đứng ngắm những hàng dừa xanh tươi ven bãi cát, đảo trưởng Nguyễn Đức đến bên tôi hỏi:
- Anh nhìn gì mà chăm chú thế?
- Ở đây có những vườn dừa thật đẹp - tôi nói.
Anh Đức lặng im một lúc. Rồi hàng mi anh chớp chớp, giọng trầm xuống như nghẹn lại:
- Xương máu của đồng bào mình và bà con Khmer đấy!
Tôi sửng sốt:
- Anh bảo sao? Xương máu đồng bào mình?
Trước khi ra đảo, tôi nghe nói là quân Pol Pot đã tàn sát dã man đồng bào ta ở đó. Nhưng tôi không ngờ rằng chúng mang xác đồng bào ta để bón cho những gốc dừa. Tôi gặng hỏi, đảo trưởng Đức xúc động kể tiếp:
- Khắp đảo này có tới trên 2.000 hốc dừa mới trồng từ năm 1976, 1977. Vậy mà hầu như gốc dừa nào cũng có xương người. Có chỗ một gốc dừa đến hai, ba xác chết. Cái chỗ anh đang đứng, khi chúng tôi lên đảo thấy có mấy xác người bị chúng trói tay chân và đập vỡ sọ. Chúng chưa kịp vùi xuống cát. Sau đó các chiến sĩ VN đã mai táng cho họ. Những ngôi mộ đó ở đằng kia...
Nhìn xuống đất, tôi sởn gai ốc. Một cảm giác lành lạnh nơi hai bàn chân. Bây giờ có thấy gì nữa đâu, cát trắng mịn và cỏ xanh. Thế mà cách đây mấy năm, những tiếng kêu rên xé lòng. Và cát thấm máu, đất và cây cỏ thấm máu. Nơi đảo xa này không một ai biết được cái chết sớm đến với họ thê thảm như thế nào.
Những năm thảm khốc ấy không có ai ở đây để trực tiếp chứng kiến. Đầu năm 1979, các chiến sĩ hải quân VN cùng các chiến sĩ quân đội cách mạng Campuchia tấn công lên hòn đảo này. Bọn sát nhân đã xuống tàu và chạy trốn, chỉ còn dấu tích là những bằng chứng sống. Hồ sơ, thẻ căn cước, màu áo, vật kỷ niệm...
Từ những hồ sơ dấu tích ấy mà ghép lại, đối chiếu, so sánh, các chiến sĩ đã có thể kết luận những gì đã xảy ra trên hòn đảo này, những gì minh chứng tội ác bọn diệt chủng.
...Tháng 4-1975, quân Pol Pot đổ quân lên đánh chiếm đảo Thổ Chu của VN. Chúng bắt đi hơn 500 dân đang sống yên bình trên hòn đảo VN. Tưởng chúng đưa hơn 500 đồng bào trên vào Kampong Som, Battambang hay Pursat.
Nào ngờ chúng đã dồn họ lên đảo Koh Tang này. Chúng bắt họ lao động khổ sai và giết dần giết mòn cho đến khi không còn một người.
Chúng bắt họ xây lôcốt, hầm ngầm, làm trận địa pháo, đào công sự, trồng cây ăn quả, khai thác hải sản, lâm sản... Khi các chiến sĩ lên đảo còn thấy những vườn rau, ao cá và đàn bò, đàn heo hàng trăm con, gà vịt chạy khắp rừng. Mấy trăm con người làm cật lực, làm cho đến chết chỉ để nuôi một bọn quỷ đảo.
Những tấm căn cước trên đảo Koh Tang
- Anh đi với tôi! - đột nhiên đảo trưởng Đức quay lại và nói, giọng gấp gáp.
- Đi đâu anh?
- Cứ đi. Rồi anh sẽ thấy thêm nhiều chứng tích...
Anh chỉ một ngôi mộ nhỏ:
- Đây là mộ của hai mẹ con xấu số. Khi ra đảo, anh em đào công sự phát hiện ra. Chúng chỉ vùi cát sơ sài. Chúng trói chặt đứa trẻ vào mẹ. Người mẹ và đứa trẻ bị đập vỡ sọ. Có lẽ chúng giết hồi cuối năm 1978 cho nên tháng 1-1979, anh em bới lên thấy xác họ thịt chưa rữa hết. Trong túi áo người mẹ còn tấm thẻ căn cước đề: Nguyễn Thị Tua, 29 tuổi, ở đảo Thổ Chu, do chính quyền Sài Gòn cấp ngày 20-2-1968...
Chúng tôi đi qua khỏi vườn dừa, vòng ra bãi biển. Ven bờ cát có một cây dương cao vút đứng chơ vơ. Xung quanh cỏ cây mọc rậm rạp.
- Anh nhìn lên cây dương, có thấy gì không? - anh Đức hỏi.
- Một đoạn dây!
Rồi tôi thấy gai người, thốt lên:
- Một đoạn dây thòng lọng.
Anh Đức giải thích:
- Đúng vậy. Đây là nơi chúng hành hình đồng bào ta. Khi mới lên đảo, dưới gốc cây nhẵn thín, hàng trăm dấu chân đè lên nhau. Xung quanh gốc cây chúng còn vứt rải rác gậy, dây trói, búa, dao quắm. Khi ấy anh em còn thấy máu đọng khô lại.
Chúng tôi qua bãi lau rậm, đi trên chiếc cầu gỗ bắc qua hồ nước rồi vòng ra chân đồi. Ở đây có những căn nhà lợp ngói. Một kiểu nhà sàn bốn mái, xung quanh lát gỗ, cầu thang bằng ximăng. Kiểu nhà này là nguyên dạng cấu trúc nhà ở mà người ta thường thấy ở Trung Quốc.
- Đây là nhà của các cố vấn Trung Quốc.
- Sao anh biết?
- Biết chứ! Giấy tờ, tư trang và cả thư của họ để lại mà.
Phía trước căn nhà sàn bốn mái ấy là một dãy hầm bêtông nửa mái nổi. Dãy hầm này mới xây xong khoảng năm 1978, rêu phủ một lớp xanh sẫm ở bậc lên xuống.
Chui vào hầm còn thoảng mùi vôi vữa. Dãy hầm có bốn ngăn. Mỗi ngăn chứa gần 10 người. Ngăn nào cũng có lỗ châu mai hướng ra biển.
Trong số giấy căn cước đã nhàu nát, mối xông, thấm nước, vứt rải rác quanh khu nhà bốn mái này, tôi còn đọc được những địa danh, phần lớn là Thổ Chu, những căn cước khác có ghi rõ quê quán nạn nhân ở Chợ Lớn, Biên Hòa, Long Xuyên, Rạch Giá, Trà Vinh...
Khi sáng, ở ven chân đảo phía đông, tôi còn thấy những chiếc tàu đánh cá loại vừa và nhỏ đã bị hỏng. Có con tàu gối lên bờ cát, cái thì nằm chềnh ềnh giữa lối đi, có cái nửa chìm nửa nổi. Một mảnh ván bị sóng đánh tung lên bờ từ khi nào khô cong, mốc thếch, nứt nẻ.
Một chiếc tàu có mấy chữ số kẻ sơn còn đọc được: KG13..., mấy chữ số tiếp theo bị bong hết sơn. À, bọn diệt chủng Pol Pot chẳng những bắt hơn 500 người dân đảo Thổ Chu về đây, mà chúng còn bắt cóc tàu thuyền đánh cá của ngư dân VN đang làm nghề trên biển.
Bao nhiêu người già, đàn bà, trẻ em? Bao nhiêu người bị đánh đập tàn nhẫn rồi bị chết vùi thân dưới những gốc dừa kia? Chẳng ai trả lời được những câu hỏi ấy.
Đại tá, nhà báo BÙI VĂN BỒNG
Nguồn Tuoitre.vn



Thổ Châu - Hòn đảo bị bắt cóc:Kỳ 4: Đảo xương người
TTO - Khi giúp quân đội Campuchia canh giữ quần đảo Koh Tang, bộ đội Việt Nam mới phát hiện một sự thật đau lòng: mỗi gốc cây trên đảo đều có xương người. Từ đây, những bí ẩn về hòn đảo xương người này dần được phơi bày.
Thổ Châu - hòn đảo bị bắt cóc - Kỳ 4: Đảo xương người
Ông Hoàng Xuân Kỳ viết thư tay gửi gắm cho người quen tại Campuchia để giúp phóng viên Tuổi Trẻ tìm ra nhân chứng vụ mất tích của trên 500 đồng bào Thổ Châu - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Các cựu binh Koh Tang kể lại khi mới ra đó họ đã thấy xương người khắp nơi. Từ gốc dừa đến cây mít, cây xoài... được trồng trên đảo nơi nào cũng có xương người.
Ông Thành kể: Bệnh xá nằm phía dưới vườn cây. Khi lập phương án bảo vệ bệnh xá, bộ đội tiến hành đào các giao thông hào. Nhưng đào đến đâu thì lại gặp xương người đến đó. Cảm giác như từng thớ đất trên đảo Koh Tang đều có thể che giấu một số phận bi thảm
Vùng biển hắc ám
Giữa cuối tháng 5-1975, sau khi bị đánh bật khỏi các đảo của Việt Nam, quân Khmer Đỏ vẫn cố thủ ở các quần đảo phía Nam Campuchia như quần đảo Poulo Wai, quần đảo Koh Tang... để tiếp tục tác oai tác quái. Chúng được trang bị hỏa lực mạnh để nhanh chóng biến khu vực phía Nam Campuchia trở thành vùng biển chết chóc.
Quân Khmer Đỏ dùng tàu đuổi bắt tàu thuyền qua lại, từ tàu cá, tàu buôn... Nhiều tàu của thuyền nhân Việt Nam vượt biên đã bị chúng chặn bắt, cướp bóc, hãm hiếp và sát hại. “Không ai lọt vào tay quân Khmer Đỏ mà sống sót trở về” - một cựu binh Campuchia nói.
Một trong những sự kiện cướp bóc do quân Khmer Đỏ tiến hành được cả thế giới biết đến lúc đó là khi họ chặn bắt tàu hàng Mayaguez của Mỹ. Hành động của Khmer Đỏ khiến Mỹ giận dữ điều hai đại đội thủy quân lục chiến đi giải cứu tàu Mayaguez.
Trong trận đánh cuối cùng của Mỹ ở Đông Dương, lịch sử tiếp tục ghi nhận thất bại của quân Mỹ: lực lượng giải cứu bị sa vào trận địa hỏa lực của quân Khmer Đỏ, khiến ba trực thăng chở quân Mỹ bị bắn rơi. Trong trận đánh chớp nhoáng này, 41 quân Mỹ thiệt mạng, 3 người mất tích và 50 người khác bị thương ở khu vực đảo Koh Tang.
Những ngày nằm trong sự kiểm soát của quân Khmer Đỏ, vùng vịnh phía Nam Campuchia trở thành vùng biển hắc ám. Nó che giấu bao nhiêu cái chết của những thường dân vô tội khi sa vào tay quân Khmer Đỏ.
Vĩnh viễn không ai biết được có bao nhiêu người bị quân Khmer Đỏ sát hại rồi thả xác xuống biển, cũng chưa ai đếm được có bao nhiêu người bị chôn vùi trên các hòn đảo ở đây trong những ngày bị quân Khmer Đỏ kiểm soát. Chỉ biết chắc một điều rằng trong số những sinh linh chết thảm ấy, có không ít là thường dân Việt Nam.
Một sĩ quan quân đội Campuchia cho biết sau khi có tin Puolo Wai thất thủ trước quân đội Việt Nam, quân Khmer Đỏ đóng trên quần đảo Koh Tang gần đó đã co cụm lại. Sợ quân Việt Nam sẽ tiến đánh tiếp Koh Tang, Khmer Đỏ đã tăng cường nhiều hỏa lực phòng thủ cho quần đảo này.
Thổ Châu - hòn đảo bị bắt cóc - Kỳ 4: Đảo xương người
Quần đảo Koh Tang nằm ngoài khơi phía Nam của Campuchia, gần vùng biển tiếp giáp với Việt Nam - Đồ họa: V.CƯỜNG
Ký ức nhói lòng
Sau khi giải phóng các đảo phía Nam Campuchia khỏi bàn tay quân Khmer Đỏ, bộ đội Việt Nam được Chính phủ Campuchia nhờ ở lại giúp bảo vệ các hòn đảo này, để phòng quân Khmer Đỏ quay lại tái chiếm.
Khi đặt chân lên đảo Koh Tang, bộ đội Việt Nam đã chứng kiến một khung cảnh khiếp đảm: tử thi, xương người la liệt. Cả hòn đảo rộng lớn chẳng khác nào một bãi tha ma. Một cựu sĩ quan có thời gian công tác tại Koh Tang nói rằng những hình ảnh chết chóc đã ám ảnh không ít bộ đội Việt Nam những ngày đứng chân trên đảo, nhất là những người trẻ.
Đại tá Hoàng Xuân Kỳ (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đảng ủy Vùng 5 hải quân) nói: “Đã chừng ấy năm rồi nhưng hình ảnh về Koh Tang cứ hiển hiện với tôi trong giấc ngủ”. Đại tá Kỳ kể năm 1980, ông là chính trị viên tiểu đoàn 562 - Vùng 5 hải quân, được điều động sang giúp bạn bảo vệ Koh Tang.
Dù trước đó đã nghe nói về những gì Khmer Đỏ gây ra trong thời gian chúng chiếm hòn đảo này, nhưng khi tận mắt chứng kiến thì sự thật “ngoài sức tưởng tượng” của ông. “Một người bình thường không thể nào tưởng tượng ra con người có thể hành xử với đồng loại dã man đến thế - ông Kỳ nhớ lại - Chạy dài ven bãi biển gần cổng doanh trại lúc ấy có tám cây dương cổ thụ.
Trên mỗi cây dương đều có treo lơ lửng các dây thòng lọng do quân Khmer Đỏ dùng để treo cổ những người bị chúng bắt được. Còn hàng dừa, hướng nhìn về đất liền Kampongsom, hầu như gốc nào cũng có sọ người. Mỗi gốc dừa có ít nhất một, hai đầu lâu. Có những gốc dừa chúng tôi đếm đến chín đầu lâu. Khi đào xuống đất quanh các gốc dừa này, chỗ nào cũng có xác người” - ông Kỳ rùng mình.
Trung tá, bác sĩ Vũ Văn Thành, làm nhiệm vụ trên đảo Koh Tang từ năm 1985 - 1989, nhớ lại: “Lúc tôi ra đảo, chứng kiến các gốc dừa phía mé biển, mỗi gốc dừa bốn hướng đều có bốn hố, mỗi hố rộng 2m. Bọn Pol Pot đào để vùi lấp xác người dưới đó.
Tôi và anh em đào lên đem chôn cất đàng hoàng. Mỗi hố chúng tôi đem lên hai bao tải xương người. Có những hố nạn nhân chết trong tư thế hai ngón tay, hai ngón chân cái bị trói chặt, ngồi co quắp, xương đầu bị bể từ phía sau. Có nhiều hố có cả xương trẻ em... trong túi áo người chết còn có đồng xu tiền Việt Nam”.
Một cựu sĩ quan có thời gian công tác trên đảo Koh Tang nói rằng khi ra giúp bạn tiếp quản đảo Koh Tang, ông bắt gặp trong những hiện vật để lại của những nạn nhân, có cả những thẻ căn cước của cư dân Thổ Châu do chính quyền VNCH cấp trước đây.
Điều này nói lên rằng đã có cư dân Thổ Châu bị Khmer Đỏ đưa về Koh Tang sát hại. Điều này trùng khớp với lời kể của ông Tư Sĩ, một cựu ngư dân Thổ Châu, người đã may mắn thoát được khi quân Khmer Đỏ dẫn giải cư dân trên đảo về hướng vùng biển Campuchia.
Ông Sĩ nói trước ngày quân đội Việt Nam giành lại Thổ Châu, Khmer Đỏ đã lùa dân, nói là đến một hòn đảo nào đó thuộc Campuchia nhưng ông không biết rõ đảo nào.
Sự thật qua lời những nhân chứng càng củng cố thêm giả thuyết về số phận người dân Thổ Châu bị Khmer Đỏ bắt cóc. Chúng đã đưa họ đến quần đảo Koh Tang rồi sát hại, vùi xác ở đây. Tuy nhiên, ngoài những lời kể của các nhân chứng Việt Nam, vẫn chưa có sự thừa nhận nào từ phía Campuchia, nhất là những kẻ từng tham gia chuyện bắt cóc, gây nợ máu này.

TIẾN TRÌNH


Thổ Châu - Hòn đảo bị bắt cóc: Cuộc trao đổi thất bại
TTO - Đã có một thỏa thuận lấy tù binh Khmer Đỏ chiếm đảo VN để đổi lấy dân thường VN bị chúng bắt cóc. Thế nhưng, do Khmer Đỏ tráo trở nên không một người dân nào được may mắn trở về. 
 
"Nghe đọc bài: Thổ Châu - Hòn đảo bị bắt cóc: Cuộc trao đổi thất bại"
Thổ Châu - Hòn đảo bị bắt cóc: Cuộc trao đổi thất bại 
Sơ đồ các mũi hành quân giải phóng quần đảo Poulo Wai - Nguồn: QK9 - Đồ họa: N.KH 
Thiếu tướng Lê Xã Hội (Chín Hội), nguyên phó tư lệnh - tham mưu trưởng QK9, người trực tiếp đưa các tù binh Khmer Đỏ sang Campuchia theo thỏa thuận trao đổi, cho biết ông cực kỳ thất vọng. Nỗi thất vọng này vẫn còn theo ông đằng đẵng hơn 40 năm trời.
Giao tranh ở Poulo Wai
“Quân mình đã đánh quyết liệt để giải cứu các đảo bị chúng chiếm đóng và giải cứu dân thường. Nhưng chúng đã đem dân đi và giết hết. Mình chiến thắng nhưng cũng không có người dân nào trở về. Đánh Thổ Châu rồi đánh Poulo Wai cũng vậy. Chúng đã đem dân đi và giết từ trước đó rồi” - trong buổi chiều tháng 6, vị tướng già nói về những điều mà đến giờ ông vẫn canh cánh bên lòng.
Sau trận đánh ba ngày, ngày 27-5-1975, QĐNDVN đã giải cứu được Thổ Châu, diệt gần 200 tên, bắt sống trên 300 quân Khmer Đỏ. Thế nhưng, nhiệm vụ giải cứu trên 500 dân Thổ Châu đã không thành, khi trước đó quân Khmer Đỏ đã bắt cóc toàn bộ cư dân trên đảo dời đi nơi khác.
Lúc này lại có tin quân Khmer Đỏ mang toàn bộ dân Thổ Châu về hướng Poulo Wai.
Poulo Wai là quần đảo với hai đảo lớn, còn được Việt Nam gọi là Hòn Ông và Hòn Bà. Là đảo cực nam Campuchia cách Rạch Giá 220km, cách cảng An Thới (Phú Quốc) 113km về hướng tây. Trước 30-4-1975, quần đảo này do quân đội VNCH và quân đội Cộng hòa Khmer đóng giữ.
Sau 17-4-1975, sau khi đánh thắng quân đội Cộng hòa Khmer, Khmer Đỏ đã xua quân đánh chiếm Poulo Wai và tàn sát hết quân của VNCH và Cộng hòa Khmer đóng tại đây. Chúng đưa hai trung đoàn ra đồn trú, được trang bị hỏa lực mạnh, lại được chi viện bởi lực lượng từ đảo Koh Tang gần đó.
Chiều 31-5-1975, các tàu thê đội 1 (tiểu đoàn 309 và các phân đội trực thuộc) rời Phú Quốc hành quân về Poulo Wai. Tuy nhiên, cuộc hành quân đã gặp bất lợi do thời tiết xấu, phải đến bốn ngày sau mới được tiếp tục.
Ngày 5-6-1975, quân Việt Nam nổ súng tấn công quân Khmer Đỏ ở hai đảo Hòn Ông và Hòn Bà. Quân Khmer Đỏ kháng cự quyết liệt. Trong 10 ngày vây đánh, quân đội Việt Nam đã tiêu diệt hai tiểu đoàn quân Khmer Đỏ, bắt 320 tù binh... Tuy nhiên, để chiếm được Poulo Wai, chúng ta đã hi sinh 18 người, bị thương 84 cán bộ chiến sĩ (nguồn: QK9).
“Quân mình đã đánh quyết liệt để giải cứu các đảo bị chúng chiếm đóng và giải cứu dân thường. Nhưng chúng đã đem dân đi và giết hết
Thiếu tướng Lê xã Hội
Không tìm thấy dân
Thế nhưng tại Poulo Wai, quân đội của chúng ta đã không tìm thấy bóng dáng người dân VN nào bị chúng bắt cóc.
“Không chỉ có dân ở Thổ Châu, mà dân Việt Nam sinh sống trên đảo ở Poulo Wai cũng biến mất. Trước năm 1975, chính quyền VNCH đã đưa dân ra ở đó. Họ sống bằng nghề đánh cá và di cư theo mùa, theo sườn đông và tây đảo” - tướng Hội nhớ lại qua khai thác tù binh, ông biết chúng đã đem toàn bộ dân đi giết. Tuy nhiên, chừng nào chưa thấy chứng tích thì vẫn chưa nguôi hi vọng.
Là người biết tiếng Khmer, ông Chín Hội kể lại các tù binh Khmer Đỏ khai chính quyền Campuchia dân chủ (Khmer Đỏ) đã rắp tâm đánh chiếm các đảo trên biển Tây từng do VNCH kiểm soát. Sau khi chiếm các đảo này, chúng thủ tiêu toàn bộ dân cư để xóa dấu tích chủ quyền của Việt Nam, ngụy tạo chứng cứ nhằm đối phó khi có đấu tranh pháp lý.
Số tù binh Khmer Đỏ bị bắt ở hai trận đánh Thổ Châu và Poulo Wai tổng cộng trên 600 tên. Ban đầu tất cả được đưa về Phú Quốc. Sau có lệnh di chuyển số tù binh này về thị trấn Kiên Lương (Kiên Giang).
“Tôi hỏi: tụi bây đem dân đi đâu mất biệt? Chúng khai: đưa sang vùng biển Campuchia. Tôi hỏi chúng bắt đi bao nhiêu dân? Chúng khai trên 500 người... Tất cả đều bị sát hại”, ông Chín Hội trầm giọng.
Trao đổi bất thành
Thổ Châu - Hòn đảo bị bắt cóc: Cuộc trao đổi thất bại 
Thiếu tướng Lê Xã Hội
Thời điểm năm 1975, thiếu tướng Lê Xã Hội đang là phó phòng tác chiến QK9. Ông nói lúc ấy việc quân Khmer Đỏ thủ tiêu trên 500 dân Việt Nam chỉ có các hàng binh thừa nhận. Còn nhà cầm quyền cứ lấp lửng về số phận các cư dân này. Cho nên, đã có một thỏa thuận là phía Việt Nam đem 600 tù binh Khmer Đỏ để đổi lấy trên 500 dân Việt Nam bị bắt cóc.
Ban đầu phía Khmer Đỏ đã đồng ý việc trao đổi này. Địa điểm trao đổi được xác định là tại Tứk Mía, thuộc tỉnh Kampot (giáp với thị xã Hà Tiên, 
Kiên Giang).
“Tôi được lệnh đưa các tù binh sang Campuchia để đổi lấy cư dân Thổ Châu. Lệnh là khi nào mình có đủ dân thì mới trao tù binh Khmer Đỏ. Trước đó, tù binh Khmer Đỏ được giáo dục không được gây hấn với Việt Nam, phải coi Việt Nam là bạn. Phía Việt Nam còn cấp quân trang mới, cho thêm một bộ đồ, balô, mùng, giày, võng, một “ruột ngựa” chứa đầy gạo” - ông Chín Hội kể.
Kể đến đây, giọng tướng Hội bỗng rưng rưng: “Nhắc chuyện đó tới giờ tôi vẫn còn thấy đau đớn... Tôi không sao quên được. Buổi sáng mình đưa tù binh đi, hàng ngàn người dân ra đường tiễn. Người ta mong đợi mình đưa thân nhân của họ trở về... Vậy mà” - tướng Hội thở dài.
Khi quân Việt Nam đưa các tù binh đến địa điểm hẹn trước với Khmer Đỏ thì không thấy bóng dáng người dân Việt Nam nào. Lúc này quân Khmer Đỏ chối bay việc bắt cóc dân thường trên đảo Thổ Châu.
“Chúng nói không bắt người dân Việt Nam nào cả - Ông Hội tiếp - Vì vậy chúng tôi tiếp tục đấu tranh, không đồng ý thả tù binh cho chúng”.
Tin Khmer Đỏ tráo trở được báo về Việt Nam. Ông Hội nói Bộ Tư lệnh QK9 không chấp nhận thả tù binh Khmer Đỏ. Phái đoàn Việt Nam ban đầu vẫn giữ các tù binh và tiếp tục đấu tranh với Khmer Đỏ để đòi dân. Nhưng sau ba ngày kỳ kèo, ông Hội nói có lệnh từ trung ương phóng thích toàn bộ số tù binh Khmer Đỏ dù không đưa được người dân nào trở về!
Về lại bên đây biên giới, phái đoàn trao đổi gặp người dân đứng hai bên đường chờ đợi. Khi biết sự thật tất cả người dân Thổ Châu đã bị giết, đoàn người chờ đợi đã tột cùng thất vọng. Họ tức giận đòi đập xe của phái đoàn.
Những lời oán trách tuôn ra: “Dân mình thì bị chúng giết hại. Còn bọn sát nhân thì mình lại phóng thích sau khi cho ăn ngon mặc ấm...”.
Ông Hội nói trong đám tù binh có tên tiểu đoàn trưởng mang tên Việt Nam là Dân. Chúng khai đã giết dân Việt Nam theo lệnh của cấp trên.
Ngày 27-5-1975, Bộ tư lệnh Tiền phương đã giao nhiệm vụ cho trung đoàn bộ binh 1 (lúc này do ông Phạm Văn Trà làm trung đoàn trưởng) tiến công Poulo Wai, giải cứu dân thường khỏi Khmer Đỏ. Kế hoạch là hợp đồng tác chiến giữa các binh chủng hải - lục - không quân, sẽ đánh chiếm Poulo Wai trong vòng một, hai ngày.
So với trận đánh Thổ Châu, trận Poulo Wai lực lượng của ta đã được trang bị hỏa lực mạnh, được chi viện 12 máy bay ném bom A37, 4 trực thăng vũ trang, 2 máy bay trinh sát L-19, 2 máy bay CH 47, 1 máy bay trực thăng cứu thương; hải quân có 11 tàu PCF, 10 tàu LCM, 3 tàu cao tốc, 3 tàu vận tải(Nguồn: Quân khu 9).

TIẾN TRÌNH
Nguồn: Tuoitre


Tìm kiếm Blog này