Tim thông tin blog này:

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

Hồi ức của một người lính trong trận đánh căn cứ Ban Tatum

cuvietha
E55 - Bantatum Mùa Xuân 85 Đỏ Lửa
Lời tác giả:

Các bạn độc thân mến. Thật sự, tôi không nghĩ rằng sẽ có một ngày nào đó, mình phải ngồi xuống, ôn lại trong ký ức để viết ra những gì đã xảy ra trong đời lính của mình cách đây đã gần 28 năm! Nhưng, đây điều mà tôi sẽ làm bởi vì những hàng chữ mà tôi dự định sẽ viết ra chính là lời tự thuật của một người lính từng tham gia vào chiến dịch Bantatum, một cái địa danh mà có lẽ rất ít ai biết đến, nhưng đầy đau thương và khói lửa và qua đó, tôi muốn gửi đến những người bạn chiến đấu của mình lời nhắn nhũ từ đáy lòng của tôi: "Các bạn là những người bạn tôi yêu quí nhất!".

Bài viết sắp tới của tôi, sẽ được viết với góc nhìn của một người lính bình thường chứ không phải đứng trên cương vị của một người chỉ huy, do đó, những mục đích, mục tiêu, kế hoạch hành động, phương án tác chiến của chiến dịch Bantatum Mùa Xuân 85 sẽ không tìm thấy trong bài viết này. Tác giả cũng xin nói rõ rằng bài viết được viết dưới dạng tự thuật, vì vậy, tên người, địa danh có thể chỉ dành riêng cho những bạn đọc từng là cựu chiến binh E55 và những cái tên và địa danh đó cũng có thể bị nhầm lẫn bởi thời gian của sự kiện và hiện tại đã cách nhau quá xa. Cuối cùng, không ai hoàn thiện và luôn cầu tiến đó là phương châm hàng đầu của tác giả, do đó, mọi ý kiến đóng góp hoặc phê bình của bạn đọc luôn được đón nhận một cách nghiêm túc và nồng nhiệt.



Sau khi điểm danh xong, đoàn xe chở các anh em trong tiểu đoàn 2 đi chi viện cho đơn vị bạn bắt đầu chuyển bánh. Thật lòng mà nói, tôi, lúc bấy giờ, với cương vị là một trung đội phó quyền trung đội trưởng, cũng vẫn không biết đơn vị mình sẽ đi đâu và chi viện cho đơn vị nào. Thêm vào đó, vì xe dành cho đại đội 6 của chúng tôi là những chiếc xe nằm ở phía sau tận cùng của đoàn xe, nên tôi cũng không biết có bao nhiêu đại đội khác trong tiểu đoàn cùng tham gia vào chiến dịch chi viện này ngoài những nguồn tin vỉa hè mà tôi nghe ngóng được là toàn thể trung đoàn sẽ tham gia. 


Đoàn xe cứ tiếp lăn bánh, chạy qua trung đoàn bộ trên trục lộ 6, sau đó, chuyển hướng chạy vào trục lộ 68, rồi đến ngã ba Sầm Rông, đến chiều thì đoàn xe đưa chúng tôi đi, đã đến một bìa rừng, rồi tiến sâu vào trong. Suốt lộ trình này, tôi đã chú ý và thấy đường mòn này hình như đã được làm từ lâu và điều này chứng minh rằng cấp chỉ huy đã có sự chuẩn bị trước. Càng tiến sâu vào rừng, tôi lại thấy thỉnh thoảng có vài anh bộ đội công binh đóng dọc theo hai bên lề đường và chạy khoảng thêm một lúc, đoàn xe băng ngang qua một cánh rừng có cắm những lá cờ nhỏ màu xanh trải ngang trên mặt đất như lằn biên xa tít. Ngay lúc này, linh cảm đã báo cho tôi biết, chúng tôi đang tiến sâu vào lãnh thổ của Thái Lan!

Khi trời đã bắt đầu trở nên tối, những tiếng nói, cười đùa lẫn nhau của các chú đội trên xe đã không còn nữa và thay vào đó là sự im lặng bao trùm. Có lẽ, trong lúc này không ai muốn người khác quấy rầy sự suy tư của mình bởi nỗi lo âu đã hiện rõ trên gương mặt của mỗi người vì họ thừa thông minh để hiểu rằng càng đi sâu vào trong đất Thái, cơ hội để quay về an toàn lại càng mong manh... Cuối cùng thì điểm dừng của chúng tôi đã đến, đó là chân núi của một dãy núi hùng vĩ. Khi đoàn xe đã dừng hẵn, anh em đại đội 6 chúng tôi lục đục  kéo nhau xuống xe. Khi chúng tôi nghiêm chỉnh trong đội hình dọc để bắt đầu tiến lên núi, một chú đội, đầu băng trắng đi ngược theo chiều của chúng tôi, dừng lại và gọi một đồng đội trong trung đội tôi:

- Hoàng!
Hoàng, lính 82, Q10, A phó trong trung đội tôi, đứng lại mừng rỡ hỏi:
- Mày ở đơn vị nào?
- Tao ở trung đoàn 88.
- Mày bị gì vậy?
- Tao hên quá, chỉ bị thương thôi...
- Tình hình trên đó có sao không?
- Chết nhiều lắm... Tao hên nên mới bị thương xuống đây. Thôi tao đi đây. Mày cẩn thận!

Sau đó, hai người họ chào nhau chia tay và chúng tôi bắt đầu tiến lên núi. Mẩu chuyện trao đổi giữa hai người họ, anh em tôi đều nghe hết. Một ý nghĩ thoáng qua đầu tôi trong lúc đó: "Chỉ bị thương thôi mà đã hên rồi, vậy thì cái gì đang chờ đón anh em tụi tôi trên đó đây?".

Mặc dù trời đã tối, nhưng qua ánh trăng, những đoàn dân công Campuchia vẫn tải thương nườm nượp kéo xuống chân núi. Trên vai họ mang theo những cái võng đã được bó chặc và bất động. Trong đó đang chứa đựng những tử sĩ hay là thương binh của ta? Tôi không thể xác định điều được đó, nhưng có lẽ, những người đang nằm trên những chiếc võng đó sẽ không còn phải lo sợ trước những nguy hiểm mà chúng tôi sẽ phải đối diện ở phía trước.

Chỉ sau khoảng 30 phút hành quân leo lên đỉnh núi, người tôi ướt đẫm mồ hôi và suốt đoạn đường đó, tôi chú ý thấy bên vệ đường có những cái sạp chỉ có đà ngang vắt qua và trên đó là những cái võng được quấn chặc và được đặt lên trên những cái đà ngang. Linh tính đã cho tôi biết đó chính là những xác người đang chờ được tải xuống chân núi. Chúng tôi đi khoảng hơn 1 tiếng nữa thì có lệnh từ đại đội báo xuống toàn bộ C6 dừng chân và nghỉ tối tại đây. Triển đạt chỉ thị của đại đội đến các anh em trong trung đội xong, tôi uể oải tìm một khoảng trống, mắc võng, ngồi lên đó, đốt một điếu thuốc rê, rít một hơi thật dài, ngã người xuống, nhìn lên bầu trời cao và lòng mông lung tự hỏi điều gì sẽ đến và đang chờ đón chúng tôi...

Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời vừa bắt đầu ló dạng, anh em trong trung đội tôi đã cơm nước xong xuôi và trong tư thế sẵn sàng chờ chỉ thị từ đại đội. Cái cảm giác mà tôi cảm nhận được trong lúc đó là hầu như tất cả đều im lặng. Cái tánh hay chọc người của Hoàng "Đầu To", lính 82, Q10, đã biến mất đi từ lúc nào và thay vào đó là sự đăm chiêu trầm tư. Cậu Cường lính 84, Nhà Bè, anh nuôi trung đội, người có tánh hay cằn nhằn với tôi về những cái việc nhỏ nhất trong trung đội, hôm nay cũng im lặng! Và, tôi không tin rằng cậu ta đã đổi tánh một cách đột ngột như vậy. Có lẽ, điều mà tôi cảm nhận từ nơi họ đó là nỗi lo lắng cho những điều không may sẽ xảy ra.

Cậu liên lạc chạy xuống truyền chỉ thị của đại đội: Đơn vị bắt đầu hành quân. Tôi sắp xếp đội hình trung đội và sau đó, cùng hòa nhập vào đội hình của đại đội. Do tình hình địa hình mới và tính chất bí mật của chiến dịch, cho đến lúc này, tôi vẫn chưa biết vị trí của các đại đội bạn trong đội hình của tiểu đoàn tôi như thế nào, nhưng có lẽ, tôi cũng không còn đầu óc để nghĩ đến chuyện đó nữa. Đội hình của tiểu đoàn tôi bắt đầu theo con đường mòn tiến sâu vào dãy núi phía trước. Hành quân cho đến trưa, sau khi bỏ lại một đoạn đường rừng núi phía sau khá xa, chúng tôi đã bắt đầu nghe rõ tiếng pháo nổ vang dội ở phía trước. "Họ chơi luôn cả pháo binh!", tôi thầm nói. Tâm trạng của tôi lúc đó đã có phần hoang mang bởi tôi và có lẽ các anh em khác trong trung đội chưa bao giờ có những trận đánh phối hợp binh chủng ghê như vậy. Nhưng tôi đã nhanh chóng xác định được tư tưởng của mình. Đã lên đến đây rồi, cùng lắm là chết, có gì phải lo sợ?

Đi được thêm một đoạn đường rừng, đội hình đại đội tôi bắt đầu tiến ra một trảng trống được bao quanh bởi những cánh rừng. Khi chúng tôi băng ngang cái trảng trống đó, tôi thấy dọc theo bìa rừng, có nhiều dãy nhà dã chiến đã được dựng lên từ lúc nào. Tôi thầm đoán mò, có lẽ đây là sở chỉ huy mặt trận và trạm y tế chăng? Kế đến, giữa bãi đất trống đó là những khẩu pháo nòng dài của đơn vị pháo binh đang nã đạn về hướng mà chúng tôi đang tiếp tục hành quân đến. Trên đoạn đường này, anh em trong trung đội bắt chuyện được với một vài anh em thuộc đơn vị bạn đang làm nhiệm vụ đóng chốt ở khu vực này. Sau một vài câu xã giao, chúng tôi biết được họ là lính của sư đoàn 302 mà anh em thường gọi đùa là: Ba-Khiêng-Hai.

Qua thăm hỏi, chúng tôi biết thêm anh em thuộc sư 302 đã nằm chốt trong khu vực này lâu rồi và hình như hai chữ "chợ búa" đã bị loại ra khỏi tự điển Việt Nam của họ đã từ lâu. Một anh đội, mặt mày xanh lè, tóc dài, môi thâm - dấu hiệu của chứng sốt rét rừng kinh niên, cười nói với anh em tụi tôi: "Tụi mình ở trong này, 6 tháng mới có người ra chợ một lần, nên để dành được bao nhiêu tiền lương là dốc ra mua đồ hết...". "Sáu tháng mới đi chợ một lần?!", tôi hỏi lại với giọng đầy kinh ngạc. "Ừ, 6 tháng một lần", cậu ta nhắc lại với một giọng vô cùng bình thản. Tôi nhìn thẳng vào gương mặt của anh với lòng đầy nễ phục và xót xa cho đồng đội của đơn vị bạn phải thi hành những nhiệm vụ quá sức tưởng tượng của tôi!

Chia tay với người "đồng hương" thuộc sư 302, các anh em trung đội tôi chạy vội vào đội hình của đại đội và tiếp tục cuộc hành quân tiến về phía trước. Theo lối đường mòn có sẵn, chúng tôi lại tiếp tục đi sâu vào trong rừng. Càng đi, tôi càng nghe tiếng nổ đề-pa của đạn pháo bắn ra từ hướng ngược chiều của đoàn quân càng rõ. Có lẽ, đó là hướng từ bên Thái. Tiếng đạn bay rít, xé gió trên không trung, và những tiếng nổ chát chúa, long trời lở đất tiếp theo liền sau đó đã làm cho cái sợ quay trở lại bao trùm lên ý nghĩ của tôi. Tại sao lại không sợ chứ khi tôi đã bắt đầu hiểu được rằng cái sống và cái chết trong lúc này chỉ còn là tích tắc?

Đoàn người không ai nói nhau một lời nào, vẫn tiếp tục hướng nhanh về nơi có những tiếng nổ khiếp sợ đó. Đi được thêm khoảng 1 - 2 tiếng, chúng tôi đi ngang một khoảng trống nhỏ trong khu rừng rậm rạp thì gặp một chú lính Thái, tóc cao, chỉ mặc mỗi chiếc áo thun xanh và cái quần ka-ki xám dính đầy máu, nằm chết bên lề rừng. Ngay lúc này, tôi chắc chắn rằng đã không còn là trò đùa nữa bởi mình đang đập nhau với bọn Thái! Khi vừa đi qua chỗ xác chết đó khoảng hơn 200 mét, có lệnh báo dừng lại để nghỉ giải lao và khoảng 30 phút sau, cậu liên lạc chạy xuống báo, đại đội cần gặp tôi để hội ý.

Thả chiếc ba lô xuống vệ đường, tôi đi ngược về phía sau để gặp cán bộ đại đội. Anh trung úy Cư đại đội phó, cán bộ chỉ huy của đại đội tôi trong chiến dịch này, triển khai chỉ thị của tiểu đoàn, bộ đội sẽ nghỉ chân tại đây đêm nay, nhắc nhỡ anh em đào hầm cá nhân và canh gác cẩn thận. Sau cuộc hội ý với đại đội, tôi đi về phía trước, gọi các A trưởng đến hội ý, phân chia đội hình dừng chân của trung đội và truyền đạt lại mệnh lệnh của đại đội.  


Sau khi đội hình của trung đội đã được bố trí xong, tôi chọn một vị trí cách đường mòn khoảng 3 mét, tiếp giáp với đại đội để tiện cho việc liên lạc, làm chỗ dừng chân cho đêm nay. Sau đó, tôi và Cường, đãm nhiệm "chức vụ" anh nuôi trung đội, cùng nhau đào hố cá nhân. Cơm chiều xong (Nói là cơm chiều, nhưng thực ra chỉ là mớ gạo sấy ngâm nước, chờ nở ra, được đưa vào bao tử cùng với mấy hột muối trắng trộn chung với bột ngọt!), tôi khoác súng lên vai, đi đến các tiểu đội thị sát, nhắc nhỡ anh em phải canh gác cẩn thận và luôn củng cố hầm hố nhằm đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra. Dặn dò xong, tôi lặng lẽ trở về vị trí của mình, ngã người nằm trên võng với một cảm giác thật thoải mái sau một ngày hành quân vất vả.

Hôm nay đã là ngày thứ hai và bóng đêm đã phủ trên bầu trời cao. Pháo đã dừng bắn từ lúc chiều. Có lẽ, khi giao chiến, người ta bắn lẫn nhau, nhưng đến giờ nghỉ thì cũng nên tôn trọng giờ giấc? Tôi bật cười cho cái ý nghĩ trẻ con đó và ngồi bật dậy đưa tay tìm gói thuốc rê. Cường, nằm trên chiếc võng kế bên tôi, chợt hỏi:

- Ông Đắc, mình đi đánh cứ như vậy, ông nghĩ sao?

Tay tôi vẫn đang vấn điếu thuốc rê:

- Có gì phải sợ? Cùng lắm là hết về với gấu mẹ vĩ đại thôi.

Nó nhe răng cười hềnh hệch và không nói gì. Tôi biết, trong cái đầu mộc mạc của Cường, chắc sẽ còn rất nhiều điều muốn hỏi, nhưng có lẽ, nó đã không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng, như vậy cũng tốt vì càng ít suy nghĩ, sẽ càng ít lo lắng. Mà phải lo lắng điều gì khi mình đã lên đến nơi này? Nhứt chín, nhì bù cũng như mình đang chơi một ván bài định mệnh cho số phận vậy thôi. Được thì về, không được thì nằm lại. Có gì phải lo? Chẳng phải sống và chết đều có số hết hay sao?

Tôi quay lại nhìn thằng Cường và thấy nó đang ngữa mặt nhìn lên bầu trời đầy sao. Tôi thầm hỏi, nó đang nghĩ về điều gì? Có lẽ, nó đang nghĩ về mẹ và đàn em của nó và điều gì sẽ xảy đến với gia đình nếu nó không về được?

Từ từ ngã người nằm xuống võng, cũng như thằng Cường, tôi cũng ngữa mặt lên nhìn bầu trời cao. Cảnh vật chung quanh thật yên tịnh quá và khó có ai có thể tin được, nơi đây chính là chiến địa vô cùng nóng bỏng! Những hình ảnh thân thương nơi quê nhà đang dần hiện lên trong trí tưởng tượng của tôi. Những con đường, những thằng bạn, hình ảnh già yếu của mẹ tôi, tất cả cứ thế mà hiện ra. Có những giây phút trong dòng suy nghĩ đó, tôi đã trở thành tên ích kỷ. Tôi ghen tỵ với tất cả những thanh niên cùng trang lứa đang sống bình yên nơi quê nhà. Tôi tự hỏi, tại sao số phận của họ lại may mắn hơn tôi? Tại sao họ không như tôi, cùng nằm ở nơi này để bảo vệ sự bình yên cho tổ quốc và tại sao những người đó chỉ là tôi và những đồng đội thân yêu?

Sáng sớm hôm sau, khi bình minh vừa ló dạng, tôi đã được đánh thức bởi một loạt pháo từ bên Thái bắn qua. Tiếng pháo đề-pa từ xa nghe bụp một cái, kế đến, những tiếng xé gió từ những viên đạn bay trên bầu trời xanh, và chỉ vài giây sau, đó là những tiếng nổ vang rền, rung chuyển bầu không gian vốn đã được yên lặng từ đêm qua. Hôm nay, tôi đã bắt đầu quen dần với những tiếng đạn, tiếng pháo và không còn cái cảm giác sơ sệt như lúc ban đầu nữa. Con người thật hoàn mỹ bởi cái vốn bản năng sẵn có để hòa nhập với từng hoàn cảnh mà tồn tại. Không bao lâu, pháo binh phe ta cũng bắt đầu hòa âm với bản nhạc chiến tranh bằng những loạt pháo bắn ra tạo nên một bản đồng ca đầy khói lửa.

Cơm sáng xong xuôi, tôi đeo súng và thả bộ xuống tiểu đội của Hoàng Đa-Sa-Ép, lính 82, Q3, A trưởng trong trung đội của tôi. Hai thằng cùng đứng về phía bên trái của con đường mòn, hút thuốc và nói chuyện. Nhìn vào địa hình hố cá nhân của tiểu đội Hoàng, tôi đề nghị:

- Hoàng, mày cho anh em phát hoang đằng sau mấy cái hố cá nhân một chút, bụi rậm như vậy làm sao bắn B40 được?

- Ừ, để tao nói với anh em...

Hoàng "Đầu To", bước ra cùng tham gia trò chuyện. Sau đó, ba thằng cùng kéo nhau xuống đại đội để nghe ngóng tình hình. Cũng không có tin tức gì mới, ngoài việc tiếp tục dừng chân chờ đợi chỉ thị của cấp trên. Ba anh em cùng rũ nhau đi ngược về coi cái xác của tên lính Thái bất hạnh. Mặc dù hắn đã chết được mấy ngày và cái xác đã bắt đầu sình lên, nhưng gương mặt của hắn vẫn có thể nhận ra được. Hoàng "Đầu To" với giọng quả quyết:

- Tao chắc chắn thằng này là thằng Thái.

Tôi đáp lại:

- Ừ, nhìn quần áo của nó là biết rồi.

Hoàng "Đầu To" thắc mắc:

- Không biết nó đụng với đơn vị nào...

Tôi và Hoàng Đa-Sa-Ép đều im lặng vì cả hai đều có cùng một câu hỏi.

Cả ba cùng kéo nhau về. Đến giờ trưa thì tiếng pháo đã bắt đầu ngớt đi và sau đó thì im bặt.

Khoảng 2 giờ trưa, tôi nhận được tin một chiến binh, lính 84, thuộc đơn vị của tiểu đoàn trong khi đi lấy nước ở dưới suối thì bị phục kích. Một lát sau, thi hài của người đồng đội bất hạnh đó được tải ngang qua nơi tôi chốt quân. Vì tải vội từ dưới suối lên, nên xác của người đồng đội xấu số được vắt ngang qua một thân cây nhỏ và gánh đi. Tôi bước ra nhìn theo và lòng xót xa khi thấy cái mặt đã bị bắn tan mất, chỉ còn lại lớp da đầu cùng với trùm tóc dính vào nhau.

Chừng tiếng sau, có hàng loạt đạn cối nổ dồn dập và tiếng súng vang rền trong khu vực của đại đội trú quân. Vài trái cối nổ gần ngay hố cá nhân của tôi và Cường. May là hai anh em đã kịp thời nhảy xuống hố, nên không ai bị gì. Khoảng 15 phút sau, tiếng cối đã vơi đi và dừng hẵn, nhưng tiếng súng vẫn còn nổ liên hồi. Có tiếng người và tiếng bước chạy về phía bên phải của con đường mòn, đối diện nơi trung đội tôi đóng quân. Tôi gào to lên và ra hiệu cho anh em tập trung toàn bộ hỏa lực, bắn như mưa vào khu vực đó. một lúc sau, khi cánh rừng bên phải không có động tịnh gì, tôi ra lệnh cho tiểu đội Hoàng Đa-Sa-Ép ép sát và bí mật tiến về đó. Sau một hồi thám thính, anh em báo lại, phát hiện xác tên lính Thái nằm chết bên cánh rừng đối diện bên phải, cách khoảng 30 mét nơi trung đội tôi trú quân. Tôi ra lệnh anh em tiến sâu vào bên trong và quan sát bọn lính Thái từ hướng bên trong của khu rừng. Sau đó, tôi cùng Hoàng Đa-Sa-Ép từ từ tiến về phía cái xác của tên lính Thái để kiểm tra. Hắn chết trong tư thế nằm ngữa và không có súng bên người. Có lẽ, đồng đội của hắn đã lấy đi. Kế đến, tôi mò vào túi hắn, lấy ra một gói thuốc Gold Samit và không phát hiện được gì thêm ngoài nhặt nhạnh một ít vật dụng cá nhân của tên lính xấu số. Tất cả những vật dụng thu được đã biến thành chiến lợi phẩm cho cuộc đụng độ hôm nay. Tôi ra hiệu cho anh em rút lui và riêng tôi đi ngược về hướng đại đội để nắm bắt thêm tình hình. Vừa đến nơi, tôi thấy trung úy Tuấn, đại đội phó, đã bị thương trên đầu và được băng bó tạm thời. Tôi báo cáo tình hình hiện trường với anh Cư đại đội phó. Sau đó, quay về vị trí trú quân của mình.

Gói thuốc lá chiến lợi phẩm đã được nhanh chóng chuyền cho nhau mỗi đứa một điếu. Mùi thơm của điếu thuốc Gold Samit quả thật lợi hại. Nó đã nhanh chóng đánh bại những điếu thuốc rê khét lẹt mà anh em tụi tôi vẫn hút hằng ngày ..

Trong vòng khoảng 30 phút sau, liên lạc đại đội chạy xuống báo: Đơn vị có lệnh hành quân ngay. 5 phút sau đó, tiểu đoàn tôi rời khỏi hiện trường và hướng về phía trước. Đi mãi cho đến chiều tối, đội hình đến một cái cứ mà địch bỏ chạy, được lệnh dừng chân và nghỉ qua đêm tại đây. 


Tối hôm đó, sau khi bố trí nơi tạm dừng chân cho trung đội xong, tôi được gọi lên đại đội hội ý. Qua cuộc họp, tôi biết được rằng sỡ dĩ tiểu đoàn phải hành quân cấp tốc ngay sau khi xảy ra vụ chạm trán với lính Thái vì địa điểm ém quân của tiểu đoàn đã bị lộ, để tránh thương vong do pháo bên Thái bắn qua, nên sở chỉ huy chiến dịch đã hạ lệnh di chuyển tiểu đoàn ra khỏi nơi khu vực đã giao chiến. Và, tôi cũng được biết thêm bên tiểu đoàn 1, thiếu úy Diệu, lính 82 cùng đợt với tôi, đã hy sinh do trúng đạn cối. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại và theo sự hiểu biết của tôi, trung đoàn tôi đã có hai tử sĩ: Cậu lính tiểu đoàn bị phục kích dưới suối và thiếu úy Diệu.

Anh Cư, đại đội phó, cũng cho biết anh Tuấn do bị thương nên đã được đưa về tiền trạm của trung đoàn để điều trị. Như vậy, đại đội của tôi chỉ còn một mình anh Cư là cán bộ phụ trách. Do đó, kế hoạch tác chiến của tiểu đoàn đã có chút thay đổi vào giờ cuối. Theo đúng kế hoạch tác chiến, C6 bị đì của tụi tôi sẽ cùng với trinh sát tiểu đoàn là mũi nhọn đầu tiên phá thủng vòng tuyến của cứ địch, nhưng vì thiếu cán bộ chỉ huy, nên đại đội tôi nhận nhiệm vụ tiếp ứng sau cùng và đại đội 5 sẽ thay thế vào vị trí mũi nhọn đó. Riêng đại đội 7, theo tôi được biết, được bố trí theo sau đội hình của đại đội 5.

Xong buổi hội ý, tôi về lại trung đội và truyền đạt những gì tôi nắm được đến các anh em. Đêm đó, trung đội tôi nằm ngủ la liệt trên nền đất của một căn nhà bỏ hoang. Đời lính là như vậy. Lấy đất làm giường và gió sương làm màn, nhưng không hề than vãn. Tương lai ư? Đó là những gì xa vời lắm mà anh em tụi tôi không dám nghĩ đến bởi không ai biết trước được ngày mai mình sẽ ra sao.

Sáng hôm sau, khi thức dậy, tôi có dịp quan sát kỹ toàn bộ cái cứ mà địch đã bỏ chạy. Chung quanh chúng tôi có rất nhiều đơn vị bạn. Họ đóng rãi rác thành từng nhóm một và nói chuyện, cười đùa thản nhiên như không có việc gì xảy ra. Tiếng gọi nhau tìm đồng hương, cùng với tiếng rít của pháo cộng với tiếng nổ vang một góc trời, tạo nên một cái giác mơ hồ mà tôi chưa từng trải qua. Trong những giây phút đó, lòng tôi thật bình thản và sẵn sàng đón nhận bất cứ những gì không may nhất có thể xảy ra. Chết chỉ là chuyện nhỏ vì lúc đó tôi không còn phải sợ đến nó nữa.

Cả ngày hôm đó, anh em trung đội tôi quay quần bên nhau, cười nói vui vẻ và chỉ thỉnh thoảng lắng nghe tiếng rít của đạn pháo bắn qua từ phía bên Thái, phòng hờ đạn nổ gần nơi anh em tôi trú quân. Khi màn chiều đã bắt đầu buông xuống, liên lạc đại đội xuống gọi tôi đi hội ý. Trong buổi họp, anh Cư đại đội phó nói qua một số tình hình chiến sự và thông báo đêm nay "mình" sẽ đi đánh cứ.

Sau buổi hội ý chớp nhoáng đó, tôi trở về trung đội và thông báo lại cho anh em nắm bắt một số tình hình chung và kế hoạch hành quân của đại đội.

Đêm hôm đó, tôi không nhớ là mấy giờ, có lẽ là nửa đêm, cậu liên lạc đại đội xuống báo có lệnh hành quân. Anh em tụi tôi bật dậy, vào đội hình hàng dọc và đi bộ về phía đại đội. Dưới ánh trăng, chúng tôi nối đuôi nhau theo đội hình của tiểu đoàn hành quân. Nếu tôi không lầm, chỉ sau khoảng một thời gian ngắn, tiểu đoàn tôi đã tới điểm tập kết.

Tôi theo anh Cư đi nhận địa điểm cho trung đội, sau đó, tôi quay lại và cùng đi với các A trưởng để bố trí đội hình. Rất may, địa hình chung quanh rất thuận lợi. Hầm hố kiên cố hình chữ U với những thân cây lớn làm vật che chắn. Ngay lúc đó, tôi đã thắc mắc là ai đã xây dựng những hầm hố vững chắc này? Của địch bỏ lại hay là của ta?

Mỗi tiểu đội 4 người trong trung đội của tôi được bố trí vào một hầm. Riêng Cường "anh nuôi" và tôi cùng chung một cái. Sau khi bố trí xong, Cường và tôi cùng nhau chui xuống hầm chờ đợi. Hầm đào sâu và rộng nên ngồi rất thoải mái. Vì ở trong hầm tối, nên tôi thoải mái hút thuốc. Đêm đó tôi hút rất nhiều. Hút hết điếu này sang điếu khác để đốt thời gian vì quá căng thẳng trong lúc chờ đợi.

Một lúc sau, tôi không nhớ là bao lâu vì toàn thể trung đội tôi không một ai có đồng hồ,  có tiếng nổ đề-pa của pháo rì rầm vọng lại từ hướng sở chỉ huy tiền phương, tiếp theo là những tiếng nổ vang trời xé tan màn đêm tĩnh mịch và cứ thế tăng dần và tăng dần lên... Vào lúc này, tôi không thể phân biệt được pháo địch hay pháo ta bởi chung quanh tôi, không biết bao nhiêu là tiếng nổ long trời lở đất! Tôi có thể nghe được tiếng pháo đề-pa từ xa cứ liên tục giống như tiếng gõ trống đều đặn và ngày càng dồn dập... Bùm bùm... Bùm bùm.. Bùm bùm... Và những tiếng nổ kinh hồn xé nát không gian tiếp theo sau. Đất bay tung téo chung quanh căn hầm tôi và Cường đang trú ẩn và bụi đất đã phủ khắp căn hầm của bọn tôi.

Tôi thật sự vô cùng sợ! Và để tự trấn an, tôi đã đốt thuốc hút liên tục. Khoảng gần 1 giờ dưới trận mưa pháo kinh hoàng, tiếng pháo bắn ra đã bắt đầu ngớt lại và dừng hẵn. Sau đó, tôi nghe có tiếng người hò hét vang dội phía dưới của cái chân đồi trước mặt. Kế đến, là nhiều tiếng súng và tiếng nổ lớn, nhưng không phải là tiếng nổ của đạn pháo. Khoảng chừng 20 phút sau, tất cả đều im lặng và trời đã bắt đầu sáng.

Tôi nghe có tiếng cậu liên lạc gọi tên tôi. Tôi vội vàng bật dậy và nhảy ra khỏi hầm. Cậu liên lạc chạy đến thông báo:

- Anh Cư nói, anh cho tập trung anh em, mình đi chi viện ngay.

Tôi vội vàng chạy đến từng hầm một và gọi anh em tập trung lại. Vô cùng may mắn vì toàn thể anh em trong trung đội không ai bị thương sau một trận mưa pháo kinh hồn.

Khi vừa đến gặp anh Cư đại đội phó, anh ấy nói luôn:

- B1 (trung đội của tôi) đi trước. Đi chi viện nhanh.

Nhận được lệnh, anh em trung đội tôi chạy nhanh theo lối đường mòn từ trên đỉnh đồi xuống. Khi vừa đến chân đồi, có một cậu lính tiểu đoàn nói với tôi:

- Anh Nam Đen chết rồi. (Nam Đen là lính 82, Q3, cùng đợt với tôi, trước là trinh sát tiểu đoàn. Bị kỷ luật, đì xuống làm lính C6 vì tội tự ký phép về thăm gia đình. Lên Siêm Rệp nhậu sỉn rồi quậy, bị trả về tiểu đoàn, sau đó, bị đưa qua đại đội 5).

Tôi cùng anh em tiếp tục chạy theo con đường mòn dẫn lên đỉnh đồi phía trước. Chạy được khoảng 20 mét, tôi thấy xác của Nam Đen đã bất động  bên lề đường. Gương mặt của nó đã được đồng đội phủ lại, nhưng tôi vẫn nhận được cậu ta. Tôi dừng lại trong giây lát, thẩn thờ và tự nói thầm thành tiếng trong miệng: "Thằng Nam Đen chết rồi, thằng Nam Đen chết rồi!". Sự việc đã xảy đến quá bất ngờ và chỉ trong vòng một tích tắc thôi, thằng bạn, thằng chiến hữu từng chia nhau điếu thuốc, từng uống chung một ly rượu, nay đã trở thành một cái xác không hồn...

Tôi tiếp tục cùng anh em lao về phía trước. Đến đỉnh đồi, gặp mấy cậu trinh sát tiểu đoàn đang tụm lại. Một cậu nói với tôi:

- Trận này mình chết nhiều lắm. Xóa sổ C5 rồi...

Tôi chỉ gật đầu và tiếp tục tiến sâu vào cứ địch. Càng đi sâu vào, trung đội tôi không gặp bất cứ một trở ngại nào và nhận ra rằng địch đã rút chạy rồi...


Vì không rõ là nhiệm vụ phải tiến sâu vào khoảng bao nhiêu, tôi ra hiệu cho trung đội dừng lại và nấp vào trong những dãi nhà nhỏ, cách nơi trung đội tôi gặp gỡ các anh em trinh sát D khoảng 100 mét, và chờ bộ phận của đại đội tiến lên. Khi gặp anh Cư đại đội phó, tôi hỏi: “Mình sẽ làm gì tiếp?”. Anh đại đội phó trả lời: "Tạm thời, tìm chỗ nào đó cảnh giới và chờ chỉ thị của tiểu đoàn". Nhận lệnh xong, tôi quay về trung đội, tìm một địa hình tương đối an toàn và bố trí đội hình để anh em canh gác. Trong lúc này, tiếng súng đã dừng hẵn và chỉ còn nghe những tiếng chân dồn dập, cười nói của lính ta từ từ tiến vào cứ địch. Tôi, Hoàng Đa-Sa-Ép, Hoàng "Đầu To", cùng nhau tiếp tục đi thăm dò những nơi địch có thể ẩn núp. Cách nơi trung đội tôi không xa, ba đứa tụi tôi phát hiện có một cái hầm nổi. Cả ba từ từ tiến đến, nhẹ nhàn mở cánh cửa, nòng súng đã sẵn sàng và từng bước một, bước xuống hầm, nhưng không phát hiện có ai trong đó. Có lẽ, địch đã rút đi từ trước. Hầm tuy nhỏ, nhưng kiên cố. Có một cái bàn cây đặt giữa căn hầm, chất đầy đồ quân dụng dường như dành cho bộ phận thông tin của địch. Không phát hiện gì thêm, tôi nhặt lấy vài hộp pin nhỏ định cho vào ba lô thì nghe có tiếng chân người bước xuống. Cả ba đứa tôi cùng quay nòng súng chỉa ngay về phía cửa, nơi có hai bóng người đang đi xuống. Dần dần hiện ra hai người lính mặc bộ quân phục màu xanh khác với lính nhà mình, tôi nâng đầu súng lên trong tư thế chuẩn bị bóp cò. Hai người lính đó la lên: "Đồng hương, đồng hương... Đừng bắn!". Tôi thở phào nhẹ nhõm và quay đầu súng xuống, tôi nhìn họ và hỏi:

- Đồng hương ở đơn vị nào?

Cậu đi trước trả lời ngắn gọn:

- 302. Có tìm được gì không, đồng hương?

- Chỉ vài hộp pin nhỏ thôi.

- Cho mình xin một hộp được không?

- Được mà.

Tôi đưa ngay hộp pin cho anh ta. Sau đó, ba đứa tụi tôi cùng nhau quay về nơi trung đội đang trú chân.

Mặt trời đã bắt đầu mọc lên. Có lẽ đã khoảng 8 giờ sáng, lính ta từ các đơn vị bạn đã bắt đầu tràn vào trong cứ. Bóng người tấp nập qua lại đi tìm đồ cỗ và hình như họ đã quên rằng chỉ vài giờ đồng hồ trước đó thôi, nơi đây đã xảy ra một trận chiến đẫm đầy máu. Đời lính là thế. Thằng nào chết, mày hãy yên giấc. Đứa nào còn sống, sẽ phải tiếp tục sống.

Tôi cùng với anh em ngồi quay quần trước một căn hầm ăn cơm sáng. Cũng chỉ là những bịch cơm sấy, nhạt phèo trộn chung với nước lã và được đưa vào bụng bằng những hột muối có pha chút bột ngọt. Cơm nước, phì phà điếu thuốc rê xong, tôi dặn dò anh em cẩn thận khi đi tìm đồ cỗ, sau đó, tôi đi về phía đại đội để nghe ngóng tình hình.

Trên đường đi, tôi chợt nghe tiếng động cơ của chiếc F phản lực gầm rú trên bầu trời, vội vàng nhảy chúi vào một chiếc hầm bên đường. Tiếng hỏa tiển bắn ra, bay xé gió nghe rợn người "Tẹt... Tẹt... " Và, ầm một cái! Một cái cây xanh lớn mọc phía bên trên của miệng hầm đã bị đứt đôi! Tôi đảo mắt nhìn quanh căn hầm, đã đầy kín chú đội nhà ta!

Mặc cho bọn không quân Thái truy kích, tôi lồm cồm chui ra ngoài và tiếp tục rão bước. Khi đến nơi đại đội tôi trú quân, gặp Phướng Y Tá, bạn thân của tôi, lính 82, Q3, tôi dò hỏi:

- Có tình hình gì không?
- C5 và trinh sát tiểu đoàn chết nhiều lắm... Thằng Lâm "Bắc Kỳ" (Gọi là "Bắc Kỳ" vì nghe đồn, cậu Lâm là con của gia đình cán bộ người Bắc chuyển vào Nam công tác, giận bố mẹ nên đăng lính, lên Siêm Rệp bị kỷ luật chuyển về tiểu đội hỏa lực cối 60 của đại đội tôi, sau đó, nhậu sỉn rồi quậy, nên bị tống qua C5) cũng chết trong trận này rồi.

Phướng kể tiếp: "Bên mình đa số bị chết vì mìn, đại liên và DKZ của nó dập. Hiện tại chưa biết tổng số thương vong là bao nhiêu, nhưng hầu như C5 đã xóa sổ".

Tôi lặng người và cảm thấy xót xa cho những đồng đội của mình đã nằm xuống. Họ cũng như tôi, cũng có những lúc bồng bột của lứa tuổi thanh niên, cũng có những ước mơ được quay về bình yên với mẹ già, bên mái ấm gia đình, nhưng những ước mơ đó sẽ không bao giờ thành hiện thực bởi họ đã mãi mãi ra đi... Cái chết của họ vô cùng thầm lặng và chỉ có những người đồng đội còn sống sót sau trận chiến mới hiểu được sự hy sinh cao cả đó.

Trưa hôm đó, đại đội tôi được lệnh rút quân về nơi trú quân đêm hôm trước. Vào buổi chiều, tôi được tin Phát, lính 82, C7, tên bạn nối khố của tôi, bị thương nhẹ trong trận đánh đêm qua. Đến chiều tối, tôi tranh thủ chạy đến C7 thăm thằng bạn thân. Rất may là hắn chỉ bị thương nhẹ trên môi và bị mẽ vài cái răng cửa.

Đến tối, trong một buổi hội ý, anh Cư, cán bộ chỉ huy đại đội, thông báo đơn vị sẽ rút quân vào sáng sớm ngày mai và nhắc nhỡ anh em trong tư thế sẵn sàng.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi hành quân trở về cứ hậu cứ. Ánh nắng của mùa xuân cùng với những làn gió mát ôm quyện vào người chiến binh như đón chào họ từ cõi chết trở về. Tạm biệt Ban Tatum, một địa danh đã ghi dấu chân tôi cùng với máu và thịt của bao đồng đội thân yêu...


Sau khi về lại cứ, những chầu nhậu say khướt để ăn mừng sự bình yên trở về từ cõi chết và tưởng nhớ đến những đồng đội đã ngã xuống đã được anh em tổ chức. Nếu như đơn vị tôi không đụng trận với bọn lính Thái (Tôi tin là lính Thái vì qua những xác chết, họ có tướng mạo cao to, mập mạp và không có dấu hiệu khắc khổ của đám thổ phỉ cùng với quân trang như nón sắt, tiền Thái, xà bông Ca May, v.v..) trước trận đánh cứ địa Ban Tatum với địch, anh em tụi tôi đã không trở về một cách bình yên và có thể, người nằm xuống thay vào chỗ của Nam Đen hoặc Lâm Bắc Kỳ là tôi hoặc là anh em khác.

Trong những chiến thắng vinh quang luôn có những sự hy sinh và mất mát đi kèm và trong mỗi sự hy sinh đó, luôn để lại một vết thương lòng khắc sâu vĩnh viễn trong ký ức của chúng ta.

Trận đánh đã kết thúc, tiểu đoàn tôi, trung đoàn tôi có hoàn thành được nhiệm vụ giao phó hay không? Câu trả lời đó, tôi xin dành lại cho người khác. Nhưng, dưới cái nhìn của một người lính trực tiếp tại tuyến đầu, tôi cho rằng nếu không có những đơn vị chủ lực của sư đoàn 302 chọc thủng vào phòng tuyến để buộc địch phải tháo chạy, cho dù phải hy sinh hết lính của tiểu đoàn tôi và tiểu đoàn 1 cũng không thể nào chiếm được cứ địch một cách dễ dàng như vậy. Bằng chứng cụ thể tại chiến trường đã cho thấy, chỉ trong vòng hai mươi phút đầu, hai đại đội của tiểu đoàn tôi đã bị loại ra khỏi vòng chiến cùng với số tử vong rất cao mà vẫn không phá được cửa mở. Vậy, dưới hỏa lực hùng hậu của địch, hầm hố kiên cố và có yểm trợ pháo của Thái, liệu đại đội tôi và thêm cả tiểu đoàn 1 có vào được bên trong hay không? Tôi khẳng định sẽ là không bởi lính trung đoàn tôi chưa có kinh nghiệm đánh cứ như những đơn vị bạn, do đó, sẽ thiếu hẵn đi những kế hoạch tác chiến chu đáo, kinh nghiệm chiến đấu và kỹ năng sống còn của người lính trong những tình huống hiểm nghèo nhất. Một ví dụ cụ thể để chứng minh cho điểm này: Không ai vừa gào to: "Xung Phong", vừa chạy vào bãi mìn để đánh chiếm cứ địch, nhưng đó là những gì đã xảy ra trong trậnh đánh Ban Tatum của tiểu đoàn tôi!

Cuộc chiến đã lùi vào dĩ vãng, những người lính của chúng ta đã buông tay súng để trở về với mái ấm của gia đình. Hôm nay, viết xuống những hàng chữ này để cùng nhau ôn lại và chia sẻ những kỷ niệm vui, buồn trên chiến trường K dù nó đã nằm sâu trong tiềm thức đã từ lâu. Nhưng, tôi luôn tin rằng những kỷ niệm quí giá đó sẽ luôn sống mãi trong lòng của mỗi chúng ta. Một lúc nào đó trong cuộc sống, xin hãy dành một vài giây phút để tưởng nhớ đến những đồng đội  đã ngã xuống hy sinh cho tổ quốc Việt Nam thân yêu. Họ đích thực là những anh hùng vô danh.

"...
Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng
Núi cây rừng
Lắng tiếng nghe hình dáng
Của người anh hùng
Lạnh lùng theo trống dồn
Trên khu đồi nương
Im trong chiều buông
..."

Cuối cùng, xin được gửi đến tất cả đồng đội đã từng chiến đấu bên chiến trường K những lời cầu chúc bình an, may mắn và hạnh phúc nhất của tôi.

USA, Tháng 3 2015


Nguồn: Vnmilitaryhistory
____________

TC - Tác giả đã đính chính tưởng nhầm qua đất Thái và gặp quân Thái, thật ra là vẫn trên đất Campuchia và đụng độ với lực lượng Molinaka (phe Sihanuok).



Tìm kiếm Blog này