Tim thông tin blog này:

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Vì sao bộ đội Việt Nam thương vong nhiều ở Campuchia

Dù rằng cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và ở Camphuchia nhìn chung không ác liệt bằng thời đánh quân đội Mỹ và VNCH, với đối tượng tác chiến ở thế bại nhưng tại sao bộ đội VN đã bị thương vong  nhiều. Việt Nam không công bố công khai con số thống kê bộ đội thương vong và nguyên nhân. Theo hiểu biết của mình, TC nêu ra một số lý do về mặt chủ quan:

- Thương vong trong giao tranh giữa hai bên chủ yếu do đạn pháo khi bao vây vận động tấn công căn cứ địch, hầm hố đơn sơ, không có áo giáp. Kế nữa đạp trúng mìn cá nhân, mất một phần chân là chính, bị thương nhiều hơn. Không có giày bốt để hạn chế sức công phá của mìn và đâm xuyên của chông bẩy.
Vượt sông suối đuối nước chết do bơi kém, lại mang vác nặng cồng kềnh. Chết do khát nước, đi lạc, trèo cây té, bất cẩn với súng đạn mìn trong khi làm nhiệm vụ. đánh cá bằng lựu đạn, thuốc nổ bất cẩn, tự thương để tránh làm nhiệm vụ...

- Thiếu phương tiện tải thương cơ giới, chết hoặc bị thương nặng do không tải thương kịp. Bộ đội bị thương, cầm máu tại chỗ rồi được đồng đội khiêng cán bằng võng hoặc nhờ thuyền dân chở đến trục lộ mới có xe chở đi trạm xá, phải mất vài giờ, đến cả buổi, thậm chí cả ngày mới đến nơi cứu chữa. Chuyển thương chậm nên mất máu nhiều, hoại tử, nhiều trường hợp lẽ ra không nỗi chết hoặc bị thương nặng tàn tật.


- Quân trang, lương thực thực phẩm đều thiếu thốn, thể lực bộ đội suy kiệt do môi trường khắc nghiệt, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, hành quân bộ dài ngày... bệnh chết do không được điều trị đúng đô và kịp thời. Chủ yếu là bệnh sốt rét, nhiều người qua khỏi nhưng để lại di chứng về sau.

- Chiến sĩ không được huấn luyện kỹ, sát với thực tế chiến đấu. Thường thanh niên trở thành chiến sĩ chỉ qua 3 tháng huấn luyện cơ bản, bắn đạn thật được 3 viên đạn. Một số đơn vị chủ lực tiếp nhận huấn luyện thêm 3 tháng nữa. Kỹ năng sống sót trong môi trường chiến đấu và kỹ năng trận mạc được truyền đạt lẫn nhau theo kinh nghiệm cá nhân từ chỉ huy và lính cũ cho lính mới trong thực tế đơn vị. Vũ khí ở môi trường ẩm thấp nên các loại đạn, lựu đạn hay có trường hợp không nổ khi đánh địch.
Tinh thần chiến đấu của binh sĩ không cao, thụ động thực hành nhiệm vụ theo lệnh chỉ huy. Đa số chỉ mong hết nghĩa vụ rồi về, không tha thiết vào Đoàn, Đảng, trở thành sĩ quan quân đội lâu dài. Lính nhát thiếu bình tĩnh, quan sát không kỹ nên bắn nhầm đồng đội.

- Hệ thống chỉ huy không sát, đơn vị cấp cơ sở hành quân báo lên tiểu đoàn, cấp tiểu đoàn báo lên cấp trên, cấp trên báo lên cấp trên nữa nên cấp chỉ huy cao nhất không rõ cấp cơ sở đang làm nhiệm vụ ở đâu tại trong thời gian thực để thông báo cho chỉ huy đơn vị bạn. Rất nhiều trường hợp đơn vị này không biết đơn vị khác đang hoạt động gần mình. Thiếu máy thông tin liên lạc lẫn nhau ở cấp trung đội, đại đội nên hành quân bị lạc đường, đánh chệch mục tiêu, bắn nhầm đơn vị bạn.

- Đa số chỉ huy cấp trung đội, đại đội không được đào tạo bài bản qua trường sĩ quan và hạ sĩ quan mà được đôn từ cấp dưới lên chức vụ cao hơn. Một số có học nhưng chưa qua kinh nghiệm chiến đấu. Một ít có kinh nghiệm từng trải trong chiến tranh đánh Mỹ thì có tư tưởng mệt mỏi muốn về quê hương sống với vợ con.
Bị hụt hẫng có phần bị đứt đoạn trong sự kế thừa kinh nghiệm chiến tranh từ thời chống Mỹ sang thời chống Khmer đỏ, mặt khác đối tượng và hình thái chiến tranh đều khác. Do việc giải phóngvà trụ lại CPC ngoài dự kiến chiến lược nên thiếu sự chuẩn bị chu đáo về con người cho cuộc chiến lâu dài.

Bài liên quan:

Bao nhiêu và Vì sao bộ đội VN thương vong ở BGTN, CPC?




Tìm kiếm Blog này