Tim thông tin blog này:

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

Brother Enemy (Anh em thù địch) của Nayan Chanda (V)

7. Gió Tây thắng thế
Những năm sau chiến cuộc – thực ra là toàn bộ thời gian sau khi Pháp rút đi – Hà Nội chỉ có thêm hai công trình kiến trúc mới: Lăng Hồ Chí Minh màu đá xám chiếm ngự Quảng Trường Ba Đình – tương đương với Công Trường Đỏ ở Mạc Tư Khoa – và công trình thứ hai, không lớn bằng, là một khách sạn nằm bên bờ hồ. Khi Hồ Chí Minh chết năm 1969, Việt Nam từ chối lời đề nghị của Liên Sô là đưa xác ông ta qua Liên Sô để ướp và cất giữ cho đến khi Mỹ thôi ném bom. Họ không thể chấp thuận một nước khác, dù là bạn bè gần gủi, làm người canh giữ thi hài lãnh tụ của họ. Thay vào đó, các “đạo tỳ” người Nga phải qua Hà Nội để giúp ướp xác. Xác này sau đó được đưa xuống một cái hầm sâu dưới một ngọn đồi, mãi đến khi oanh tạc cơ Mỹ rời bỏ bầu trời Bắc phần. Với sự giúp đỡ của người Nga, lăng Hồ Chí Minh được hoàn thành đúng vào thời điểm mừng chiến thắng năm 1975. Từ đó, lăng Hồ Chí Minh là nơi du khách thường đến thăm.
Nếu lăng Hố Chí Minh đánh dấu một thời kỳ thì khách sạn Thắng Lợi do Cuba giúp xây dựng là một sức đẩy của kỹ nghệ khách sạn thời đại mới. So sánh với khách sạn hàng đầu – khách sạn Metropole thời Pháp – nay đặt tên lại là Thống Nhứt – thì Thắng Lợi với những phòng có máy điều hòa không khí trông như cái hộp, bàn ghế kiểu mới, có phòng hội lớn nhìn xuống hồ là nơi lộng lẫy nhứt thành phố. Đây là nơi thích hợp để đại sứ Liên Sô tiếp tân, kỷ niệm hằng năm cuộc cách mạng Bôn Sê Vít.

Đối với những nhà ngoại giao muốn nghe chuyện kháo quanh bàn trà, thì những buổi tiếp tân của đại sứ Trung Hoa hay Liên Sô, không bao giờ thiếu mặt họ.
Trung Hoa và Liên Sô thường tranh nhau để lấy cảm tình thân hữu và trung thành, và Việt Nam kiên trì giữ mối hòa hợp với cả hai bên, chờ xem sẽ ngã về hướng nào. Trong báo cáo hằng ngày, các nhà ngoại giao theo dõi rất kỷ lòng trung thành của đảng Cộng Sản Việt Nam với Liên Sô và Trung Hoa, xem thử ai đạt được ưu thế hơn. Họ có thể so sánh các lời bình luận từ phía Liên Sô và Trung Hoa được dịch ra và đăng lại trên báo chí Việt Nam để ước lượng những dị biệt lý thuyết. Tháng 9/1975, khi một thành viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Hoa, Tướng Chen Xilian tới Hà Nội và lên án “chủ nghĩa bá quyền” thì báo chí Việt Nam gạt bỏ những lời đã kích này. Qua đó các nhà ngoại giao có thể tìm ra kết luận và báo cáo về nước.
Những buổi tiếp tân của Liên Sô và Trung Hoa ở thủ đô Hà Nội cũng đem lại cơ hội có giá trị để đo lường mức độ thay đổi quan hệ nồng ấm của Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Các nhà ngoại giao không chỉ theo dõi các đẳng cấp khách Việt Nam được mời nhưng cũng để mắt nhìn và dự đoán bao lâu thì các nhà lãnh đạo Việt Nam còn ngồi lại trong đảng. Công việc nầy cũng nhằm kiểm chứng bao lâu họ sẽ đi chệch đường lối đảng và chắc chắn một khoảng thời gian tương tự để có mặt tại các buổi tiếp tân của Trung Hoa hay Liên Sô.
Tối hôm 6 tháng 11 năm 1976 việc theo dõi như thế trở thành vô ích. Đại sứ Trung Hoa tại Hà Nội hủy bỏ kỷ niệm ngày quốc khánh tháng 10 vừa qua để tưởng niệm Mao qua đời. Do đó, không có cách thức đối chiếu nào để tìm hiểu thêm các nhà lãnh đạo Việt Nam trong buổi tiếp tân của Tòa Đại Sứ Liên Sô. Tuy nhiên khi buổi tiếp tân chấm dứt, các nhà quan sát ngoại giao cũng không phải thất vọng. Thủ Tướng Phạm văn Đồng, người khách số một của buổi tiếp tân, đã làm cho các nhà ngoại giao có mặt hôm đó ngạc nhiên bởi một việc có tính cách làm mất mặt Mạc Tư Khoa. Họ cảm thấy nghẹn khi nâng rượu mừng cách mạng Bôn Sê Vít thành công trước khi Đồng rời bàn tiệc. Ông ta biểu người phụ tá tìm gặp đại sứ Pháp, Charles Malo, mời ông nầy qua phòng kế bên để tán chuyện gẫu. Trong khi Đồng đứng nói chuyện riêng với Malo khoảng 20 phút, chủ tiệc, Đại Sứ Liên Sô B.N. Chaplin thản nhiên ngồi nhìn vào ly rượu sâm banh của ông. Sau này Malo kể lại với một bạn đồng nghiệp: “Ông thủ tướng hỏi tôi về việc làm thế nào ông có thể thực hiện chuyến đi thăm nước Pháp”. Theo ông đại sứ, chẳng có gì nghiêm trọng hay khẩn cấp cần phải thảo luận như thế. Việc Đồng đi thăm Pháp đã được chuẩn bị từ mấy tháng trước đó rồi. Rõ ràng chẳng có lý do gì mà Đồng rời khỏi bàn tiệc lâu đến như thế. Thực ra, Malo nói đùa rằng, Đồng tuồng như chẳng có gì gấp gáp để chấm dứt câu chuyện và trở lại bàn tiệc. Nói chuyện xong với Malo, thủ tướng chào từ biệt Chaplin và rời khỏi phòng.
Các nhà ngoại giao kết luận rằng hành động bất thường này, không những chỉ là một sự sắp đặt của Bộ Chính Trị nhằm bắn ra một tín hiệu. Cái tín hiệu đơn giản tối hôm đó là Việt Nam muốn thắt chặt hơn mối quan hệ với Pháp, có lẽ với toàn bộ Phương Tây hơn là với Mạc Tư Khoa. Một thời gian sau, tin tức đưa ra từ những lần tiệc tùng của các nhà ngoại giao, cho rằng hành động bất thường của Đồng tối hôm đó cũng là một cách trả lời đối với những áp lực khéo léo của Liên Sô. Việt Nam là bạn của Liên Sô nhưng không phải là thứ dễ bị bắt nạt. (1)
Vở tuồng tại khách sạn Thắng Lợi tối hôm đó làm cho người ta nhớ lại quá trình quan hệ với Liên Sô kể từ thập niên 1950 thay đổi như thế nào, khi Việt Nam nhìn về Liên Sô đáng kính như một mục tiêu tiến tới trong khối Xã Hội Chủ Nghĩa. Không những Việt Nam đánh mất sự ngây thơ của họ về chủ thuyết, mặt đối mặt với những người anh lớn, tuy nhiên với giấc mơ thống nhất đất nước, họ thấy sự thực và với nhiều cơ hội, họ mở ra một chính sách đối ngoại đặt trên căn bản rộng rãi hơn. Họ cũng sẵn sàng hướng tới Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên với nhận thức mới về tự do, chính sách ấy kéo dài không lâu. Vì những rắc rối với Trung Hoa và Cam Bốt càng lúc càng gia tăng, kinh tế chìm sâu trong những cuộc khủng hoảng, và hành động quờ quạng mở cửa ra với Phương Tây, Việt Nam thấy họ đang đứng bên lề, khó có được sự vững vàng, và rồi đến lúc họ phải nghẹn mà nuốt đi niềm tự hào để quay lại với Liên Sô.
Ngày họ Hồ khóc với nỗi vui mừng
Sự ngưỡng mộ của Việt Nam với Liên Sô phải đánh dấu trở lại từ hồi đầu thế kỷ 20. Qua cánh cửa mở ra của thực dân Pháp, các phần tử quốc gia Việt Nam hiểu biết cách mạng Bôn Sê Vít. Mãi cho đến khi người Pháp đến Việt Nam, thế giới quan của thành phần trí thức Việt Nam không vượt ra ngoài Trung Hoa. Các nhà bác học Trung Hoa cung cấp cho người Việt Nam những nét căn bản kiến thức, những tư tưởng triết học, chính trị và xã hội. Cánh cửa do người Pháp mở ra không chỉ về phần nước Pháp mà cho cả toàn thế giới nữa. Đọc Lê Nin trong một căn phòng nhỏ ở Ba Lê năm 1920, lần đầu tiên Hồ Chính Minh thấy phấn khởi về Chủ Nghĩa Cộng Sản. Bốn mươi năm sau, ông ta hồi tưởng lại: “Hết sức cảm động, sung sướng, và tin tưởng, những tư tưởng ấy đã thấm vào lòng tôi. Tôi mừng đến rơi nước mắt. Ngồi một mình trong phòng, tôi la to lên như đứng giữa đám đông. Hỡi những người đang bị đọa đày đau khổ, hỡi đồng bào yêu nước. Đây là cái chúng ta cần đến. Đây là con đường giải phóng dân tộc chúng ta.” (2)
Bốn năm sau, Hồ – một nhà Cộng Sản Quốc Tế, có mặt ở Mạc Tư Khoa. Ông không có dịp gặp anh hùng Lê Nin, qua đời một thời gian ngắn trước khi Hồ đến đây. Ông ta theo học ở trường Đại Học Phương Đông tại Mạc Tư Khoa, biết Joseph Stalin và những phần tử trung kiên khác như Radek, Zinovyev và Dimitrov. Hồ liên lạc với đảng Cộng Sản Liên Sô và đảm nhiệm một công tác có tính cách quan trọng, không những với Đông Dương thuộc Pháp mà cho cả Liên Sô nữa. Cuối năm 1924, Hồ rời Mạc Tư Khoa đi Quảng Đông qua vai trò cán bộ Cộng Sản Quốc Tế ở Viễn Đông để dấy lên ngọn lửa cách mạng. Sáu năm sau, ông ta thành lập đảng Cộng Sản Đông Dương. Phần còn lại là của lịch sử. (3)
Dù có khoảng cách địa lý giữa Liên Sô với đảng Cộng Sản Đông Dương đang hoạt động bí mật ở Hoa Nam và Việt Nam, hai mươi năm sau khi Hồ đến Mạc Tư Khoa, Liên Sô là ngôi sao Bắc đẩu chỉ đường cho các nhà cách mạng Việt Nam. Họ vẫn còn ủng hộ mạnh mẽ chính sách đối ngoại của Liên Sô bởi vì, như một tài liệu của đảng Cộng Sản Đông Dương ghi nhận năm 1935, Sô Viết là “thành quách và hào lũy bảo vệ cách mạng thế giới” đang bị bọn đế quốc đánh phá, “đẩy lùi cách mạng thế giới hàng chục năm”.
Năm 1945, Cộng Sản Việt Nam bắt được nhịp cầu vào một thời điểm quyết định khi tư bản thế giới bị đẩy lùi. Tháng Tám 1945, lợi dụng cơ hội sụp đổ của thực dân Pháp và Phát Xít Nhật ở Đông Dương, Cộng Sản Việt Nam nắm quyền ở Hà Nội và thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Tuy nhiên, cũng giống như Tổng Thống Mỹ Harry Truman, Chủ Tịch Liên Sô Stalin làm ngơ trước lời kêu gọi công nhận và giúp đỡ của Việt Nam. Mạc Tư Khoa thỏa mãn với thắng lợi của đảng Cộng Sản Pháp ở quốc hội và chính ảnh hưởng của họ ở Châu Âu sau khi chiến tranh chấm dứt, hơn là sự thành công của Cộng Sản Việt Nam.(4) Chỉ sau khi không còn hy vọng gì rằng đảng Cộng Sản Pháp sẽ cầm quyền và đảng nầy lên án cuộc “chiến tranh đế quốc” ở Đông Dương, Mạc Tư Khoa thấy rằng cuộc chiến đấu của Cộng Sản Việt Nam hữu ích và cần được giúp đỡ. Dù vậy, Mạc Tư Khoa cũng không vội vàng thừa nhận chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Tháng Giêng năm 1950, theo chân Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa mới thành lập, Liên Sô mới thừa nhận chính phủ Hồ Chí Minh lúc đó đang đặt căn cứ trong rừng rậm. (5)
Tuy nhiên, dù đã thừa nhận như thế, Liên Sô và Trung Hoa vẫn muốn thỏa hiệp với Pháp hơn là ủng hộ Việt Minh đạt tới thắng lợi hoàn toàn. Họ cho rằng họ không thể bảo đảm ủng hộ Hồ Chí Minh trong trường hợp Mỹ can thiệp vào Đông Dương. Thực ra, Stalin có phương cách riêng đối đầu với Pháp. Mạc Tư Khoa muốn có chiến tranh Đông Đương – dù có nguy hại cho Cộng Sản Việt Nam – nhưng ngược lại nó hạn chế sức chống đối của Pháp với Cộng Sản Châu Âu. Dưới áp lực của Liên Sô và Trung Hoa trong Hội Nghị Genève 1954, Việt Nam phải nhả những vùng do quân Việt Minh chiếm được. Đồng minh của họ ở Lào và Cam Bốt phải chấp nhận tính cách hợp pháp của các chính phủ chống Cộng ở hai nước nầy. Họ cũng buộc Cộng Sản Việt Nam chấp nhận chia đôi đất nước tạm thời ở vĩ tuyến 17 – một sự chia cắt kéo dài tới hai mươi năm. (6) Năm 1980, tôi ngắt lời một ông đại sứ Việt Nam nhân khi nói về vai trò của Trung Hoa tại Genève để hỏi ông ta có khi nào Liên Sô không gánh chịu trách nhiệm nào hết hay không? Ông ta chỉ vào ngăn tủ đang đóng và nói: “Những điều ấy nằm ở đây. Chúng tôi sẽ đem nó ra đúng lúc”. Thế giới phải chờ 25 năm Việt Nam mới mở ra hồ sơ tố cáo vai trò của Trung Hoa ở Hội Nghị Genève năm 1954.
Những năm sau Hội Nghị Genève, khoa trương cách mạng không che dấu được sự thật là Mạc Tư Khoa không quan tâm đến Việt Nam nhiều trừ phi tình hình ở đây phát triển có ảnh hưởng đến vai trò của Liên Sô ở Châu Âu hay quan hệ của Liên Sô với Hoa Kỳ hoặc Trung Hoa. Mặc dù Liên Sô viện trợ không hạn chế kinh tế và quân sự cho Bắc Việt Nam, họ đã thất bại trong việc đòi hỏi tổng tuyển cử năm 1956, thống nhất Việt Nam theo điều khoản dự trù trong Hội Nghị Genève. Họ làm nản lòng những kẻ chủ trương đấu tranh võ trang ở miền Nam. Nhà lãnh đạo Sô Viết Nikita Khrushshev thấy rằng một cuộc phiêu lưu chống lại đồng minh của Mỹ sẽ làm cho cố gắng của ông ta nhắm giảm căng thẳng với Mỹ gặp rối loạn. Ông ta nói với Việt Nam, làm họ ngỡ ngàng trước ý kiến của ông: “Cuộc chiến tranh du kích bùng phát có thể gây ra chiến tranh thế giới”. (70)
Lời kêu gọi của Khrushshev về sự “tấn công hòa bình” đối với Chủ Nghĩa Xã Hội và tái thống nhất quốc gia càng lúc người Việt Nam càng không quan tâm tới. Đối đầu với sự đàn áp Cọng Sản đang gia tăng nghiêm trọng của chính phủ Ngô Đình Diệm, Cộng Sản Miền Nam tự phát cuộc đấu tranh võ trang. Trước sự thiếu nhiệt tình của Mạc Tư Khoa, cuộc Chiến Tranh Du Kích Toàn Bộ (Việt Cộng gọi là Đồng Khởi – nd) được mở ra năm 1960 có sự ủng hộ của ủy ban trung ương đảng Cộng Sản ở Hà Nội. Việt Nam Cộng Sản lại bối rối vì sự cam kết đơn phương của Liên Sô trong Hiệp Định Genève 1962: (ghi chú của người dịch: Nếu độc giả xem “Về Rờ” (R) của Kim Nhật, – một cán bộ Cộng Sản hồi chánh, sẽ thấy rằng chiến tranh miền Nam Việt Nam là do Hà Nội chỉ huy ngay từ đầu. Mặt Trận Giải Phóng Miến Nam Việt Nam chỉ là bù nhìn, không có quyền lực gì. Cả Hứa Hoành trong “Trí Thức Miền Nam Theo Cộng Sản” cũng cho thấy rõ như vậy) Không được xử dụng Lào làm con đường chuyển vận xuống phía Nam Việt Nam – đúng vào thời gian Hà Nội gia tăng xử dụng đường mòn Hồ Chí Minh để giúp đỡ cuộc đấu tranh ở miền Nam.
Tuy nhiên việc leo thang chiến tranh – cùng với việc Hoa Kỳ bỏ bom ở miền Bắc và đổ quân vào miền Nam năm 1965 – và việc xung đột với Trung Hoa hầu như buộc Mạc Tư Khoa phải gia tăng viện trợ cho Hà Nội. Việc Khrushchev bị hạ bệ làm viện trợ cho Việt Nam thêm dễ dàng.
Sự kiện Mạc Tư Khoa chống lại Bắc Kinh vì bị Trung Hoa gán cho là xét lại và việc Mạc Tư Khoa đồng mưu với Hoa Kỳ chống Trung Hoa buộc các nhà lãnh đạo Liên Sô phải thành thật trong việc giúp đỡ Việt Nam. Viện trợ của họ nhằm giúp miền Bắc chống lại Hoa Kỳ oanh tạc hơn là chiến tranh du kích miền Nam. Trong suốt cuộc chiến, Mạc Tư Khoa liên tục cố gắng làm giảm thiểu xung đột và xử dụng viện trợ để làm giảm căng thẳng với Hoa Thịnh Đốn và thắng Trung Hoa trong một số việc. Bảy mươi lăm phần trăm chi tiêu quân sự của Việt Nam là do Mạc Tư Khoa cung cấp, nhưng họ không giúp Hà Nội phương cách tự chế tạo võ khí để Việt Nam có thể mở rộng cuộc xung đột. Một tướng lãnh Bắc Việt Nam bị bắt than phiền rằng trong khi Liên Sô viện trợ hỏa tiễn chống pháo hạm cho “Nasser và Ben Bella, họ chẳng bao giờ viện trợ cho chúng tôi thứ võ khí đó để chống lại Hải Quân Mỹ hoạt động ngoài khơi Việt Nam.” (8) Tôi nghe nhiều lần câu chuyện về lòng tự hào của người Việt Nam, -nhưng không kiểm chứng được -, là người Việt Nam đã cải thiện hệ thống hướng dẫn hỏa tiễn phòng không do Liên Sô viện trợ để có thể bắn hạ máy bay B-52. Liên Sô không muốn khiêu khích Hoa Kỳ nên họ viện trợ cho Việt Nam loại hỏa tiễn không thể hạ B-52 được và hoảng hồn trước chiến công của Việt Nam. Câu chuyện này có thể là ngụy tạo, nhưng nó cũng biểu lộ cách ăn nói trắng trợn của Cộng Sản Việt Nam về sự giúp đỡ của Liên Sô và lòng tự hào về sự tinh xảo của họ.
Một học giả hàng đầu về chính sách ngoại giao của Liên Sô, Donald Zagoria, mô tả tình trạng khó xử của Liên Sô đối với Việt Nam hồi giữa thập niên 1960 như sau: “Liên Sô… quan niệm rằng chiến tranh không phải là cuộc tranh bá đồ vương nhưng là một sự xâm nhập nguy hại tiềm tàng, chỉ làm cho chính sách ngoại giao thêm rắc rối, tạo ra tình trạng tấn thối lưỡng nan… Mục đích của nó không những vì tham vọng lên cao hơn mà còn vì hai đối thủ của nó nữa.-Trung Hoa và Hoa Kỳ. Liên Sô chẳng muốn ai trong hai nước này chiến thắng hoặc làm nguy hại tới uy danh Liên Sô. Kết quả tốt đẹp nhất người Nga muốn là một sự bất phân thắng bại”. (9)
Trong khi Việt Nam đẩy Liên Sô tới tình trạng bớt đối đầu với Hoa Thịnh Đốn bằng việc lợi dụng ý muốn của Mạc Tư Khoa muốn nắm giữ vai trò hàng đầu khối Cộng Sản, việc đãu đá mỗi lúc một gia tăng giữa Trung Hoa và Liên Sô tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho Hà Nội. Mặc dù thỉnh thoảng gặp phải khó khăn với Mạc Tư Khoa hoặc Bắc Kinh, những nhà lãnh đạo Việt Nam tin tưởng một cách chắc chắn rằng vì nhu cầu đoàn kết trong các tầng lớp khối Xã Hội Chủ Nghĩa, và lo sợ sự chia rẽ trong khối Cộng Sản chỉ có lợi cho đế quốc, đặc biệt là cho cuộc chiến đấu của Việt Nam, Hồ Chí Minh nhiều lần cố gắng hàn gắn sự nứt rạn giữa hai ông anh lớn, nhưng tới năm 1966 thì tuồng như Việt Nam không còn hy vọng gì ở sự đoàn kết này nữa. Thay vào cố gắng làm cho quan hệ Nga-Hoa tốt đẹp hơn, họ giữ vị thế trung lập và nhận viện trợ cả hai bên.
Mạc Tư Khoa đề phòng chủ nghĩa cơ hội
Hồ Chí Minh theo chủ nghĩa Mác-Lê Nin và hướng về Liên Sô vì tuồng như diều nầy hứa hẹn độc lập cho đất nước ông ta. Cùng một ý tưởng đơn giản như thế để tái thống nhất đất nước, dưới sự chỉ huy của Cộng Sản, thúc đẩy Việt Nam tiến gần hơn các nước anh em Xã Hội Chủ Nghĩa sau Hội Nghị Genève 1954. Mặc dù có sự khác biệt về ý thức hệ, Việt Nam không bao giờ thân Liên Sô hay thân Bắc Kinh mà chỉ kiên trì với quyền lợi của nước họ. Với trường hợp ngoại lệ Hoàng Minh Chính năm 1967, khi Chính là giám đốc trường đảng, và một số đảng viên khác bị bắt vì bị gán tội làm gián điệp cho Liên Sô. Người ta biết rằng ở Việt Nam không có trường hợp nào thanh trừng thẳng thừng những người trung thành với ngoại quốc. Cuộc thanh trừng những phần tử thân Trung Hoa ra khỏi đảng chỉ xảy ra sau năm 1975 mà thôi.
Không hẵn chính sách của Hà Nội không đứng vào vị thế trung lập, nhưng khi thì nghiêng bên nầy, khi thì nghiêng bên kia trên căn bản hiệu quả mối quan hệ đó có làm cho họ đạt được mục tiêu cao nhất hay không. (10) Năm 1963, khi Khrushchev đã kích chiến tranh giải phóng có hại cho hòa bình thế giới thì Việt Nam nghiêng về phía Trung Hoa, thóa mạ việc làm giảm căng thẳng thế giới và hiệp ước hạn chế võ khí nguyên tử. Nhưng năm 1972, khi Richard Nixon thăm Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh trong khi Hoa Kỳ vẫn tiếp tục oanh tạc Bắc Việt, Hà Nội lên án bọn theo đuổi “chủ nghĩa cơ hội” của các nước Cộng Sản vì quyền lợi ích kỷ, hẹp hòi mà hy sinh quyền lợi của giai cấp vô sản thế giới, trong trường hợp Việt Nam thì hy sinh nổ lực thống nhất khối Cộng Sản.
Mạc Tư Khoa, muốn làm giảm căng thẳng với Hoa Kỳ và lo ngại bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh phiêu lưu của Việt Nam Cộng Sản ngày càng mở rộng hơn nên lạnh nhạt trong quan hệ với Việt Nam Cộng Sản sau mùa xuân năm 1968, sau cuộc tổng tấn công của Cộng Sản ở miền Nam Việt Nam. Mạc Tư Khoa bị kẹt giữa cơ hội Việt Nam thống nhất và hiểm họa do các hoạt động quân sự của Việt Nam Cộng Sản. Liên Sô không muốn Mỹ quay trở lại Việt Nam làm cho họ phải đối đầu với những khó khăn mà họ không thể giải quyết được, để phải hàng phục hay leo thang xung đột. Khi Hoa Thịnh Đốn bắt tay với Mạc Tư Khoa để ngăn chận Hà Nội, Liên Sô không nhiệt tình lắm khi cảnh giác Hà Nội, nhưng lại lợi dụng cơ hội nầy để trấn an Mỹ: “Việt Nam không có ý làm hại uy danh Hoa Kỳ”. Đó là một phần nội dung trong bức điện trấn an Tổng Thống Ford một tuần lễ trước khi Sài Gòn sụp đổ.” (11) Quả thật Việt Nam không tôn trọng lời hứa của họ. Bằng việc tấn công vào phi trường Tân Sơn Nhất, họ đã chấm dứt con đường di tản bằng phi cơ thường và buộc Hoa Kỳ phải vội vàng thoát ra khỏi Việt Nam bằng phi cơ trực thăng đậu trên sân thượng các cao ốc là con đường không vẽ vang gì cho lắm. Không những Liên Sô đã không thúc ép Bắc Việt hoạt động quân sự chừng mực mà còn gởi điện văn chúc mừng Hà Nội, chẳng màng gì tới Hoa Kỳ, điều đó còn được xem như là xát muối vào vết thương của Hoa Kỳ. (12)
Tuy nhiên, Liên Sô cũng lưu tâm tới sự kiện Việt Nam xung đột với Trung Hoa qua hàng ngàn năm lịch sử và nay có thể chuyển hướng qua phía Liên Sô. Việt Nam chứng tỏ là một đồng minh vô giá trong việc ngăn chặn Trung Hoa tiến về phía Nam, đặt từng bước vững chắc có ảnh hưởng và có sức mạnh đối với vùng Đông Nam Á. Liên Sô cũng có thể xử dụng các hải cảng Việt Nam và có cơ hội mới để tăng cường sức mạnh của họ ở vùng nầy. Chỉ mấy ngày sau khi Sài Gòn sụp đổ, hàng loạt đại biểu Liên Sô tới Hà Nội để giúp đỡ và chia xẻ vinh quang với Cộng Sản Việt Nam. Sau nhiều năm chần chừ và lưu tâm tới việc hỗ trợ cho Việt Nam, giờ đây, Liên Sô sẵn sàng ôm hôn kẻ chiến thắng. Tuy nhiên, họ phải miễn cưỡng trả một giá cần thiết. Một viên chức Liên Sô phàn nàn với Ngoại Trưởng Liên Sô Andrei Gromyko hồi tháng Chín 1975: “Vấn đề là, chúng ta không thấy làm thế nào mà chúng ta nói Không. Những thằng con hoang nầy bắt đầu làm như chúng tự làm hết mọi sự và bây giờ chúng ta nợ chúng nó mặt trăng”. (13)
Ngày 4 tháng 5, chỉ 4 ngày sau khi xe tăng Liên Sô chế tạo húc đổ cổng Dinh Độc lập, tàu chở hàng Liên Sô Nina Sagaida và tàu dầu Komsomolets Primorya tới cảng Đà Nẵng ở Nam Việt Nam. Hai tuần sau, nhiều tàu Liên Sô cập cảng Sài Gòn đem theo thực phẩm và dầu. Những “hoạt động nhân đạo” này không phải để gặt hái lòng biết ơn của Việt Nam. Nó nhằm tạo ra một con đường thường xuyên hơn và xử dụng các hải cảng phía Nam Việt Nam. Nhiều năm sau, một viên chức Việt Nam nói với tôi là chỉ một thời gian ngắn sau khi chiến thắng miền Nam, Liên Sô đòi sử dụng các phương tiện hải quân ở phía Nam Việt Nam – và đã bị từ chối một cách lịch sự. Mặc dù nhận được viện trợ kinh tế và kỹ thuật có giá trị, Hà Nội vẫn muốn tự mình vạch ra đường lối ngoại giao cho chính họ. Cùng với yêu cầu sử dụng các hải cảng, Việt Nam cũng có khuynh hướng ký một thỏa ước hữu nghị với Liên Sô. (14) Mặc dù về mặt ý thức hệ, Hà Nội gần gủi với Mạc Tư Khoa hơn Bắc Kinh, Việt Nam không muốn từ bỏ vị trí trung lập trong cuộc xung đột của hai nước nầy. Tham gia vào một liên minh công khai với Liên Sô mà không tuyên bố công khai cho Liên Sô xử dụng các hải cảng, có thể là hành động khiêu khích Trung Hoa, đó là điều Hà Nội không muốn.
Dù Trung Hoa có biết việc từ chối đó hay không, họ vẫn còn ngờ vực những gì các nhà cách mạng Việt Nam có thể thỏa thuận với Liên Sô. Vài tuần sau khi Sài Gòn sụp đổ, Chủ Tịch Mao được báo cáo cuộc viếng thăm của thủ tướng Thái Lan, Kukrit Pramoj, kế hoạch của Việt Nam chiếm đóng cả khu vực, nơi họ sẽ hành động như “biên giới của đế quốc Liên Sô ở Á châu.” (15)
Nếu quả thật Mao có tuyên bố như thế thì còn một điều quan trọng mà Việt Nam hiểu sai. Chiến thắng ở Sài Gòn hoàn tất giấc mơ của Hồ Chí Minh và đồng chí ông ta nhưng gặp nhiều thử nghiệm và nghịch cảnh. Hơn bao giờ hết, đảng Cộng Sản Việt Nam giờ đây thấy tự do hơn trong việc chọn đường đi cho chính họ. Không ai bày tỏ rõ ràng niềm tự hào của Việt Nam và thấy được tính cách quan trọng của nó như Hoàng Tùng, tổng biên tập báo Nhân Dân. Là một cộng sự viên của Hồ Chí Minh, ông đã trãi qua suốt cuộc chiến đấu chống Pháp giành độc lập, trận Điện Biên Phủ và những năm dài đen tối trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tháng Bảy 1975, tôi đến gặp ông ta trong văn phòng nhỏ của ông tại một tòa nhà cũ ở Hà Nội. Từ cửa sổ, người ta có thể hóng mắt nhìn xuống những tàng lá cây xanh bên hồ Hoàn Kiếm. Hồ nầy có huyền thoại về một thanh kiếm của vị anh hùng lịch sử trong cuộc chiến đấu giành độc lập. Gương mặt phong sương của Hoàng Tùng hiện lên những vết nhăn khi Hoàng Tùng cười và nói: “So với bất cứ thời gian nào trong quá khứ, chúng tôi bây giờ tự do hơn và mạnh hơn. Chiến tranh kết thúc, cuối cùng loại trừ được những trở ngại trong việc vạch ra đường lối của chúng tôi”. Tùng chẳng cần giấu giếm sự thực là cuối cùng chiến thắng cũng tới, mặc dù có áp lực từ Bắc kinh và Mạc Tư Khoa không muốn đẩy Hoa Kỳ vào góc tường. Ông ta nói Hà Nội đã thắng lợi và đang phải đối đầu với những khó khăn mới, không những từ phía kẻ thù mà còn từ phía bạn hữu nữa. (16) Trong chỗ riêng tư, vài viên chức chân thật hơn, tự hào một cách rõ ràng hơn, nói rằng Hà Nội tự vạch chiến lược để đạt thắng lợi cuối cùng ở miền Nam mà không thông báo đầy đủ cho các đồng minh trong khối xã hội chủ nghĩa biết. Những ngày cuối cùng của tháng 4/75, Hà Nội không màng tới những lời khuyến cáo riêng từ phía Bắc Kinh cũng như Mạc Tư Khoa chống lại việc chiếm đóng Sài Gòn bằng vũ lực mà họ ngại rằng có thể làm cho Hoa Thịnh Đốn mở ra một sự can thiệp mới vào Đông Dương.
Đưa ra ví dụ về việc Hà Nội bây giờ tự do bày tỏ ý kiến mình, Tùng nói: “Bây giờ chúng tôi có thể công khai ủng hộ Ấn Độ chống lại âm mưu của phe tư bản, mặc dù điều đó làm cho Bắc Kinh không vui. Chúng tôi ủng hộ đảng Cộng Sản Bồ Đào Nha chống lại việc Liên Sô muốn chỉ huy họ, có thể làm cho các đảng Cộng Sản khác phê phán”. Ông ta nói tới việc chống đối của Bắc Kinh vì Ấn Độ tuyên bố tình trạng khẩn trương hồi tháng Sáu và việc Bắc Kinh đã kích đảng Cộng Sản Bồ Đào Nha là tay sai của Liên Sô. Những quan chức Việt Nam khác nói với tôi rằng họ không đồng ý chính sách của Liên Sô cam kết vô nguyên tắc với Hoa Kỳ hay lời kêu gọi của Liên Sô tập họp một hệ thống an ninh ở Châu Á, chẳng có mục đích gì ngoài việc chống Trung Hoa. Một năm sau, trong cuộc phỏng vấn, tôi lại hỏi Hoàng Tùng ý kiến của Liên Sô, – thả nổi từ 1969 đến na y- về việc xây dựng một nền an ninh, được coi như là một hành động tập hợp các nước ở châu Á tham gia một thỏa hiệp chống Trung Hoa. Làm thế nào có thể tập họp họ lại thành một nhóm. Làm thế nào có thể tập hợp thành một tập thể với Suharto (của Nam Dương) và Seni Pramoj (của Thái Lan).
Rõ ràng Hà Nội không sẵn sàng từ bỏ viện trợ cho các cuộc đấu tranh cách mạng tại các nước Châu Á để giúp Liên Sô lôi kéo các nước phản động vào kế hoạch bao vây Trung Hoa. Hồi tháng Tư 1977, một nhà báo Việt Nam nói với tôi: “Liên Sô mềm mỏng khéo léo. Họ muốn giảm căng thẳng với Hoa Kỳ để sản xuất thêm nhiều xe hơi và tủ lạnh cho dân họ. Ngoài việc chống Trung Hoa, họ chẳng có lợi gì khi hỗ trợ cho các phong trào đấu tranh giải phóng tại Thế giới Thứ Ba.”
Nền độc lập đắt giá
Trong niềm hân hoan chiến thắng đến một cách bất thình lình, Hà Nội thấy phấn chấn. Nếu họ thắng được một kẻ thù hùng mạnh nhất thì chẳng có gì mà họ không làm được. Tại sao họ không thể có dồi dào công nhân có tài năng, nông nghiệp phong phú, có đủ các loại mỏ cần thiết, có lẽ bao gồm cả dầu lửa, và biển nhiều tôm cá. Xây dựng một nền kinh tế mạnh trên những điều kiện đó chắc chắn là một nhiệm vụ dễ dàng hơn chiến đấu chống lại nước Mỹ không lồ. Ít ra, đây cũng là điều những nhà lãnh đạo nghĩ tới. Nhưng điều phấn chấn ấy bay vọt mất khi họ phải đối đầu với thực tế của một nền kinh tế lún sâu dần. Nhu cầu viện trợ kinh tế và kỷ thuật để xây dựng một đất nước bị tàn phá vì chiến tranh cùng với gánh nặng do hậu quả thống nhất đất nước tạo ra cho Việt Nam mới giành được độc lập. Trong khi thảo luận riêng với Mạc Tư Khoa về chính sách tương lai, Hà Nội thỏa thuận mọi đòi hỏi của Liên Sô. Không giống như trong chuyến đi Bắc Kinh hồi tháng Chín, trong chuyến đi Mạc Tư Khoa tháng Mười, Lê Duẫn đưa ra một bản thông báo nói về việc hợp tác lâu dài, trong đó, ông ta nói rằng Việt Nam “ủng hộ chính sách ngoại giao” của Liên Sô và nói tới “khúc quanh làm suy giảm căng thẳng để bước vào tiến trình không thể đão ngược được”. Giảm thiểu căng thẳng chỉ là một danh từ làm dơ bẩn tai người Trung Hoa. Hồi tháng Mười 1974, Việt Nam cũng tố cáo âm mưu của Hoa Kỳ nhằm chia rẽ các nước khối Cộng Sản và che dấu mục đích thực sự của Mỹ là “đè bẹp các phong trào giải phóng dân tộc”. (17) Nhiều tháng sau, một viên chức Việt Nam giải thích sự thay đổi đột ngột này cho một du khách có cảm tình với Việt Nam Cộng Sản. Ông nầy nói với Peter Limqueco, giám đốc nhật báo Châu Á Ngày Nay (Journal of Contemporary Asia): “Cái giá của độc lập thực mắc mỏ. Mỗi lúc chúng tôi bày tỏ độc lập là chúng tôi phải thắt lưng buộc bụng. Số lượng viện trợ từ các nước “anh em” hao dần đi cùng với cái thế đứng hiểm nghèo của chúng tôi”. (19)
Sau khi Duẫn đi Mạc Tư Khoa về được một tháng, một tờ báo biếm họa nhắc cho độc giả biết rằng chiến thắng có nghĩa là chấm dứt lòng hào hiệp của bằng hữu. “Trong chiến tranh, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ đầy ơn nghĩa từ phía bạn bè. Tuy nhiên, từ bây giờ trở đi, mối quan hệ kinh tế của chúng tôi với các nước anh em nằm trong tiến trình như sau: Mượn gì thì phải trả lại, tính lời trên vốn mua bán – tất cả đều ở trên nguyên tắc viện trợ hỗ tương và lợi ích cho cả hai bên”. (19)
Nhìn vào nhu cầu khối lượng viện trợ đồ sộ để xây dựng Việt Nam thời hậu chiến, Hà Nội bị cuốn hút vào viện trợ của Tây Phương nhiều hơn. Viện trợ nầy cũng có nghĩa là kỹ thuật cao hơn khối Cộng Sản. Tuy nhiên, Hà Nội trù tính để giữ cân bằng khi theo đuổi chính sách ngoại giao không liên kết. Như sau nầy Việt Nam giải thích cho đại sứ Pháp ở Hà Nội, Philippe Richer, về mặt lý thuyết, họ muốn củng cố nền độc lập chính trị bằng một thỏa hiệp viện trợ “bốn đảng”, khối Liên Sô và Trung Hoa cung cấp một nửa viện trợ và Tây Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Gia Nã Đại cung cấp nửa còn lại. (20) Tuy nhiên, họ muốn có sự quan hệ cân bằng với cả Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh. Dù vậy, khi họ nghiêng quan điểm của họ về phía nào để được viện trợ, thì Hà Nội cho thấy họ phải đi tới một kết luận: Nghiêng về phía Mạc Tư Khoa thì tốt hơn. Liên Sô không những giàu mạnh hơn Trung Hoa mà còn muốn Việt Nam trở thành một nước hùng cường. Người ta không thấy ngạc nhiên, vì đối nghịch với Trung Hoa nên Trung Hoa từ chối bất cứ một lời cam kết viện trợ lâu dài nào cho Việt Nam, còn Mạc Tư Khoa thì hứa viện trợ cho kế hoạch 5 năm của Việt Nam (1976-1980) và sự tín dụng dễ dãi. Tháng Mười/ 1975, Mạc Tư Khoa ký thỏa ước viện trợ đầu tiên thời hậu chiến hứa đóng góp 60 phần trăm – tính khoảng 2 tỷ rưởi – cho kế hoạch kinh tế 1976-1980 của Việt Nam. (21)
Dĩ nhiên, sự cao thượng của Mạc Tư Khoa là phải có một cái giá. Việt Nam bỏ đi danh tiếng của mình và ủng hộ chính sách ngoại giao của Liên Sô. Việt Nam được yêu cầu phải ủng hộ sự giảm thiểu căng thẳng Sô-Mỹ, nhưng các nhà lãnh đạo Liên Sô không hoan nghinh cố gắng nào của Hà Nội để mở rộng và đảo ngược quan hệ của chính họ. Điều đó chỉ có nghĩa là làm giảm thiểu sức nặng đối với ý nghĩ độc lập. Trong suốt năm 1976, Liên Sô chú tâm quan sát những cố gắng của Hà Nội nhằm phát triễn giao hảo kinh tế và chính trị với Tây Phương và đạt tới vị thế không liên kết. Nhiệt tình ban đầu coi Việt Nam như là một “tiền đồn của khối Xã Hội Chủ Nghĩa” bắt đầu phai mờ ngay trong những tháng mới ký thỏa hiệp viện trợ Việt Nam.
Về ý thức hệ thì Hà Nội gần Mạc Tư Khoa hơn Bắc Kinh nhưng họ thấy chẳng lợi lộc gì khi dính líu vào cuộc tranh cải của hai nước lớn nầy. Theo một bản báo cáo nội bộ về hội nghị thượng đỉnh Sô-Việt hồi tháng Mười 1976, ghi nhận là Việt Nam chẳng “quan tâm đến sự thích ứng nào với tình trạng hiện tại để giữ một vị thế trực tiếp với các dị biệt” giữa Trung Hoa và Liên Sô (22). Nói cách khác, những người lãnh đạo Việt Nam lo lắng không muốn để cho miền Nam mới giải phóng biến thành một đấu trường cho hai kẻ thù địch Liên Sô và Trung Hoa. Việt Nam Cộng Sản mời một số nước như Pháp, Na Uy, Ấn Độ và Nhật Bản đảm nhận một số chương trình kinh tế ở phía Nam, nhưng một cách có hệ thống, gạt Trung Hoa và Liên Sô ra ngoài. Thất bại trong việc bị Việt Nam từ chối mở tòa lãnh sự ở thành phố Hồ Chí Minh, Liên Sô đe dọa không cho tàu bè họ tới thủ đô miền Nam. Nhưng để biểu lộ sự công bằng, Việt Nam từ chối cả Liên Sô lẫn Trung Hoa mở tòa lãnh sự tại thành phố Hồ Chí Minh và từ chối cả việc để cho họ hoạt động ở phía Nam. Tuy nhiên, Pháp thì được tiếp tục giữ tòa lãnh sự, các nhà ngoại giao và báo chí Phương Tây đều được tự do đi lại vùng nầy. (23)
Hồi tháng Năm 1975, một thông tín viên của hãng thông tấn Tass Liên Sô ở Hà Nội đi thăm phía Nam cùng với các bạn đồng nghiệp trong khối Cộng Sản, than phiền một cách chua chát về sự “bất công” trong việc để cho các hãng thông tấn đế quốc như France-Presse, Associated-Press, Reuters, và United Press International đặt trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh trong khi ông ta thì bị từ chối. Mùa xuân năm 1976, một nhà ngoại giao Ấn Độ nói với tôi ở Hà Nội: “Thiệt đáng thương cho các nhà ngoại giao Liên Sô bị ngăn cản, các nhà ngoại giao khác thì từ Sài Gòn về mang theo tin tức phía Nam”.
Trong đại hội lần thứ 25 đảng Cộng Sản Liên Sô tháng Ba 1976, Lê Duẫn làm cho người Nga phát giận bằng cách ông ta nhấn mạnh đến hai chữ độc lập. Một ngày sau khi lý thuyết gia Liên Sô Mikhail Suslov tố cáo tính không chính thống của đảng Cộng Sản Pháp, Lê Duẫn thẳng thừng dùng cơm trưa với nhà lãnh đạo Cộng Sản Pháp Georges Marchaise. Trong bài diễn văn, Duẫn nhấn mạnh rằng những người Cộng Sản có thể tìm ra những “phương cách đảo ngược, hình thức và đường hướng cho cuộc đấu tranh thích ứng với điều kiện của mỗi nước”. (24)
Tháng Tám năm 1976, Phạm Văn Đồng đại diện cho Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh các nước không liên kết ở Colombo. Lần đầu tiên gặp số đông đại biểu các nước trong Khối Thứ Ba, Việt Nam rất được hoan hô, nhưng họ cũng phải đối đầu với đại biểu Liên Sô không được các nước nầy ngưỡng mộ lắm. Sau khi từ Colombo về, Ngô Điền nói với một nhà lãnh đạo Cộng Sản Ý: “Liên Sô phải cố gắng nhiều lắm để cải thiện hình ảnh của họ”. (25)
Tháng Chín 1976, Hà Nội được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund) chuẩn nhận, và tháng Giêng tiếp đó, họ được giúp 36 triệu đô la. Việt Nam là nước Xã Hội Chủ Nghĩa đầu tiên quan hệ với tổ chức nầy. Mạc Tư Khoa coi IMF như là “phương tiện chính của đế quốc nhằm bóc lột các nước đang phát triển”. (26)
Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa, và các nước Cộng Sản khác không tham gia vào tổ chức IMF nầy vì một lý do khác: Các thành viên buộc phải trình bày cán cân chi phó và nguồn dự trữ ngoại tệ, điều đó có khác chi đem điều bí mật quốc gia ra mà nói cho kẻ thù.
Không có gì ngạc nhiên khi Liên Sô phê bình Việt Nam tham gia Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và quan tâm về phương hướng lý thuyết khi Việt Nam mở cửa cho ngoại quốc đầu tư và kêu gọi các nhà đầu tư Phương Tây đến hợp tác. Các nhà ngoại giao Liên Sô ở Hà Nội không che dấu sự bất mãn của họ. Họ cay đắng cho rằng những cố gắng của Hà Nội nhằm lôi cuốn vốn Tây Phương để xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa rồi ra sẽ thất bại. Một nhân viên ngoại giao Liên Sô ở Hà Nội nói với một đồng sự người Ấn: “Tôi đã thấy Nam Tư thực hiện nhiều việc với vốn đầu tư của Phương Tây”. (27)
Liên Sô bất mãn Việt Nam vì Việt Nam từ chối tham gia vào Hội Đồng Hợp Tác Kinh Tế (CMEA), khối Xã Hội Chủ Nghĩa, thường gọi là COMECON. Hồi đầu năm 1977, một nhà ngoại giao Việt Nam nói với tôi: “Liên Sô nhấn mạnh rằng tất cả các nước Xã Hội Chủ Nghĩa phải tham gia vào Comecon. Nhưng ngoại trừ Cuba, không một nước nào ở Châu Âu chịu làm việc ấy. Chắc chắn chúng tôi cũng chẳng muốn tham gia vào đấy. Nếu chúng tôi vào hiệp hội nầy, Trung Hoa sẽ không vui”. (28)
Hồi mùa hè năm 1976, tuồng như Liên Sô muốn rút lui một đề nghị trước kia về việc xây dựng một nhà máy thép hoàn chỉnh và một xí nghiệp quân nhu cho Việt Nam. Bất thình lình họ khám phá ra rằng Việt Nam không đủ than cốc và mỏ sắt có giá trị cao để có thể làm cho nhà máy hoạt động. Đồ tiếp liệu quân sự cũng thưa dần đi. Công tác thủy điện ở Bắc Việt Nam do Liên Sô đảm trách bị ngưng trệ. Hà Nội tức giận công bố một đề mục trong chương trình thủy điện sông Đà mà không tham khảo ý kiến với Liên Sô. Việt Nam lặng lẽ bắt đầu thăm dò Ngân Hàng Phát Triển Châu Á và các nước Tây Phương, khả năng giúp họ tự xây dựng lấy chương trình thủy điện nầy. Một phái đoàn kinh tế Úc đến thăm Việt Nam hồi cuối năm 1976 ngạc nhiên vì các viên chức Hà Nội hỏi họ rất kỷ về phí tổn việc xây dựng một nhà máy thủy điện như ở Úc. Việt Nam không nói rõ họ đang có chương trình nào trong trí nhưng rõ ràng họ đang tìm một nguồn tài trợ thay thế cho chương trình sông Đà. Họ cũng công khai tìm kiếm một nguồn tài trợ khác thay thế Liên Sô trong chương trình nhà máy thép hoàn chỉnh. Trong khi tự kềm không tuyên bố công khai về những điều Liên Sô từ chối, họ đã yêu cầu nhà máy luyện kim Creusot-Loire của Pháp đảm nhận việc nghiên cứu để xây dựng một nhà máy như vậy. (29)
Việt Nam cũng nói với Liên Sô họ cần viện trợ tức khắc trước khi hợp tác toàn vẹn với khối Xã Hội Chủ Nghĩa và thực hiện đầy đủ yêu cầu của Liên Xô về việc gia tăng xuất cảng hàng hóa sang nước nầy. Hậu quả những công việc thăm dò như thế đã làm cho Lê Thanh Nghị, chủ tịch Ủy Ban Kế Hoạch Nhà Nước, hồi tháng Bảy 1976 thực hiện chuyến đi lâu dài ở Mạc Tư Khoa và Bá Linh, nhưng không đạt được một thỏa hiệp viện trợ mới nào. (30)
Sự bất mãn của Việt Nam với Mạc Tư Khoa thường thường được các viên chức cấp thấp bày tỏ bằng cách châm chích việc thiếu lương thực và nguyên vật liệu ở trong nuớc, hậu quả của việc xuất cảng mà Liên Sô phải trả lại bằng hàng nhập cảng. Tháng Chín 1976, tờ báo “Học Tập”, cơ quan lý thuyết của đảng Cộng Sản Việt Nam đã thúc đẩy nhân dân “nhận chân được sự thay đổi trong việc hợp tác quốc tế, và từ căn bản đó, cần hiểu rõ hơn nữa chính sách của chúng ta là tự lực, phải thực hiện nhiều cố gắng hơn nữa để sản xuất hàng xuất khẩu với số lượng lớn”. (31) Việt Nam trả đủa bằng các giảm bớt cố vấn quân sự Liên Sô từ 60 xuống còn 40 ngay sau đại hội đảng hồi tháng 12 và tới tháng Tư 1977 chỉ còn lại có 25. Viện trợ quân sự hàng năm của Liên Sô cho Việt Nam xuống còn 20 triệu. Quan hệ Việt-Sô tụt xuống tới mức khiến các nhà ngoại giao Liên Sô ở Hà Nội công khai than phiền rằng “Việt Nam vô ơn”. Mùa Xuân năm 1977, một nhà ngoại giao Châu Á có quan hệ rất gần gủi với Liên Sô ngạc nhiên về mức độ quan tâm của nước nầy đối với việc Việt Nam càng lúc càng đi sâu vào thế giới tư bản. Hơn bất cứ nước nào khác, Nhật bản lo lắng cho Việt Nam. Một nước Việt Nam tiềm tàng nguyên liệu và là một thị trường, có thể làm lợi đáng kể cho Nhật Bản. Đối thủ chính của Mạc Tư Khoa là các nước Đông Á không Cộng Sản. Do đó, họ thấy sự quan hệ mật thiết Nhật bản và Việt Nam là một mối nguy, có thể làm cho Hà Nội quay lưng lại với khối Xã Hội Chủ Nghĩa và rơi vào cạm bẩy: Vốn và kỹ thuật của Phương Tây. (32)
Cuối năm 1976, sự bất mãn của Việt Nam đối với thái độ của Liên Sô gia tăng vì sự hấp dẫn do nhiều cơ hội hợp tác mà Tây Phương đề nghị. Việt Nam thương nghị bí mật với Nhật bản để yêu cầu viện trợ kinh tế. Các viên chức ở Hà Nội và Ba Lê chuẩn bị cho cuộc thăm viếng của Phạm Văn Đồng. Thứ Trưởng Ngoại Giao Phan Hiền thành công trong chuyến đi thăm các nước không Cộng Sản trong vùng Đông Nam Á hồi tháng Bảy 1976; tháng Mười Hoa Kỳ đề nghị bắt đầu thảo luận với Việt Nam và cuối cùng là chiến thắng của Jimmy Carter trong cuộc bầu cử tổng thống đem lại tin tưởng và nguồn hy vọng mới cho Hà Nội. Những điều nầy chứng minh thêm việc Đồng có hành động coi thường đại sứ Liên Sô tại Hà Nội trong buổi tiệc chiêu đãi hằng năm của Liên Sô.
Suslov vội vàng trở về nước
Sự dị biệt với Liên Xô càng rõ thêm trong đại hội lần thứ tư của đảng Lao Động Việt Nam hồi tháng 12/1976. Đại hội nầy đổi lại tên đảng Lao Động thành đảng Cọng sản Việt Nam, được triệu tập sau một thời gian dài 16 năm, để hoạch đình lại tiến trình bình thường sau khi tái thống nhất. Đó là giờ phút huy hoàng nhất trong đời sống chính trị quốc gia. Đó là cơ hội lý tưởng cho Việt Nam biểu thị tinh thần độc lập của họ. Mặc dù Liên Sô gây áp lực nặng nề, Việt Nam cũng không chịu mời đại biểu đảng Cộng Sản Ấn độ. Đảng nầy đang bị phân hóa. Thay vào đó, cánh độc lập, tên gọi là đảng Cộng Sản Ấn Độ Mác Xít, đang bị cả Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đã kích, lại được mời dự. Đảng Cộng Sản Trung Hoa cũng được mời, tuy nhiên theo chính sách đã có trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, Trung Hoa không tham dự các đại hội đảng của ngoại quốc. Do đó, việc đón đại biểu Liên Sô sẽ không gặp khó khăn. Tuy nhiên, đoàn đại biểu Liên Sô do Maikhail Suslov, một lý thuyết gia hàng đầu của đảng Cộng Sản Nga hướng dẫn, không phải là mục tiêu cao nhất của đại hội. Cùng với Liên Sô, hai đoàn đại biểu khác, cũng được ưu tiên đặc biệt dành cho hai biệt thự riêng. Đó là đoàn Cộng Sản Pháp và Ý mà Sô Viết gán cho nhãn hiệu tà giáo theo chủ nghĩa Cộng Sản Châu Âu (Eurocommunism).
Ngay từ lúc bắt đầu đã có sự căng thẳng. Trong ba cuộc họp liên tiếp, Suslov thất bại trong việc thuyết phục Lê Duẫn để Việt Nam hoàn toàn trở thành thành viên của khối Cộng Sản. Suslov công khai gây áp lực. Trong bài diễn văn đọc trước đại hội, Suslov thúc đẩy Việt Nam tham gia khối Comecon, mặc dù ông ta không nói rõ danh xưng tổ chức nầy. Ông ta nói: “Có rất nhiều khả năng lớn lao để tăng cường quan hệ kinh tế giữa các nước Xã Hội Chủ Nghĩa.” (33) Đại biểu các nước Đông Đức, Ba Lan, và Tiệp Khắc thì trực tiếp hơn với việc tham gia khối Comecon và xây dựng vững chắc “liên minh với Liên Sô.” Họ nói: “Đó là sự thành công căn bản để xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội”.
Tuy nhiên, cũng không giải quyết được dị biệt. Để bày tỏ sự tức giận của mình, Suslov rút ngắn chương trình thăm viếng và dùng máy bay riêng trở về Mạc Tư Khoa trước khi đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam bế mạc.
Sáu tháng tiếp đó, Việt Nam phải gánh thêm nhiều nỗi chua chát vì cơn giận dữ của Liên Sô. Hàng viện trợ Liên Sô hứa cho Việt Nam bắt đầu có trở ngại, phải một thời gian dài bất thường mới tới được Việt Nam. Trong một sự trùng hợp đáng kể khi Phạm Văn Đồng sắp sửa rời Việt Nam thăm viếng các nước Tây Âu, thì những món hàng viện trợ thiết yếu của Liên Sô cho Việt Nam bị ngưng lại. Thiếu nhiên liệu, – mặt hàng viện trợ chính của Liên Sô, thiếu cơ phận thay thế máy móc, đe dọa nền công nghiệp sơ đẳng của Việt Nam.
Một nhà ngoại giao Sô Viết bàn luận một cách thích thú với bạn đồng nghiệp Ấn độ: “Người Việt Nam hết sức nhạy cảm về nền độc lập của họ, nhưng cũng không ngăn kinh tế của họ khỏi bị sụp đổ được. Kinh tế của họ đang gặp khó khăn lớn. Họ nên chỉnh đốn kinh tế của họ hơn là nói tới độc lập”. (34) “Để cho họ thấm thía cái tinh túy của của họ”. Tuồng như Liên Sô đã làm cho kinh tế Việt Nam thêm khủng hoảng và chính sách ngoại giao phức tạp mà Việt Nam phải đối đầu.
Trong thời kỳ chiến tranh, việc thiếu hụt lương thực ở Bắc Việt Nam đã có Trung Hoa cung cấp với 250 ngàn tấn mỗi năm. Ở miền Nam thì đã có Hoa Kỳ bù đắp vào cán cân chi phó thiếu hụt. Độc lập rồi, Việt Nam kém may mắn. Năm 1975, Trung Hoa ngưng cung cấp, và khi Việt Nam yêu cầu Liên Sô viện trợ khẩn cấp thì Việt Nam được báo cho biết rằng “việc làm giảm mối căng thẳng lương thực như thế” sẽ dễ dàng và sẵn sàng hơn nếu Việt Nam là thành viên của Comecon.
Vấn đề an ninh cũng làm cho Việt Nam lo lắng hơn. Từ đầu năm 1977, quan hệ với Cam Bốt tệ hại đi rõ rệt. Trong tháng Hai, chuyến đi thăm bí mật của thứ trưởng ngoại giao Hoàng văn Lợi đến Phnom Pênh đề nghị một cuộc họp thượng đỉnh về Đông Dương bị thất bại. Việc trục xuất người Việt ra khỏi Cam Bốt và thanh trừng những phần tử thân Việt Nam trong hàng ngũ Khmer Đỏ bắt đầu hồi tháng Tư tiến tới cực điểm, Khmer Đỏ tấn công các làng mạc gần biên giới Cam Bốt-Nam VN. Ở Lào đã có những nhóm chống Cộng âm mưu chống lại chế độ cai trị của Pathet Lao, đồng minh của Việt Nam, trong khi Thái Lan vẫn duy trì thái độ cấm vận thù địch, chống lại các nước đang đóng chặt cánh cửa ngoại giao. Việt Nam hy vọng cải thiện quan hệ với Trung Hoa mà hồi mùa xuân năm 1977, tuồng như đã giảm bớt đi. Tháng Hai, Trung Hoa từ chối lời yêu cầu viện trợ của Việt Nam và làm sống lại việc tranh chấp chủ quyền trên các hòn đảo vùng biển Nam Hải (biển Đông – nd). Họ thường công khai xác nhận chủ quyền và từ chối thương nghị, cẩn thận chuẩn bị biện pháp quân sự đối với Việt Nam.
Việt Nam thừa hưởng một số lớn vũ khí và quân dụng do quân đội của Thiệu để lại nhưng không có cơ phận thay thế và khả năng bảo trì, không thể dùng trong bất cứ thời gian lâu dài nào. Dù Hà Nội có muốn hay không thì cũng chỉ còn có Liên Sô có đủ khả năng viện trợ và huấn luyện cho quân đội Việt Nam mà thôi.
Càng lâu, Hà Nội càng nhận ra rằng trong khi tìm kiếm quan hệ tốt đẹp với Phương Tây, họ không thể để quan hệ của họ với Liên Sô xấu đi. Tình hình hiện tại trong khu vực cũng như những khó khăn về kinh tế và nhu cầu quân sự cho thấy họ cần một đường lối hòa hoãn. Không có ai ở Hà Nội so sánh chuyến đi của Đồng tới Liên Sô với chuyến đi của hoàng đế La Mã hối lỗi tới Canossa để xin Đức Khâm Mạng tha thứ. Tuy nhiên, người ta cũng thấy có điều đáng mai mỉa khi Đồng đến Mạc Tư Khoa để hòa giải mà chỉ 5 tháng trước đó thôi, ông ta đã có hành vi sĩ nhục đại sứ Liên Sô tại Hà Nội.
Dưới áp lực của Liên Sô, chuyến đi Pháp của Đồng dự trù 3 tuần lễ rút ngắn chỉ còn có 3 ngày. Thực ra, ông ta ngừng lại trước ở Moscow 5 ngày, tiếp tục đi Paris, rồi quay trở lại một tháng ở Liên Xô -thời điểm chứng tỏ sự chuyển hướng trong lịch sử Việt Nam hiện đại- Trên đường đi Paris, Đồng gặp thủ tướng Xô Viết Aleksey Kossygin thảo luận về “những vấn đề lợi ích chung”. Buổi tiếp tân của ông ta không có gì nồng nàn. Cái nhìn của Liên Xô đối với việc Việt Nam mở cửa ra với Tây phương thật u ám, và sự u ám đó biểu lộ khá rõ khi Liên Xô chỉ cho những viên chức cấp thấp ra sân bay tiễn Đồng đi Paris hôm 25 tháng Tư.
Cuộc tranh cải khó khăn mùa Hè
Đầu tháng Năm 1977, Đồng quay trở lại Liên Sô, và việc ông ta ở lại đây lâu dài đưọc giữ bí mật. Mãi tới ngày 6 tháng Sáu, như từ trong bóng tối, ông ta xuất hiện họp với Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Liên Sô Leonid Brezhnev, sự bí mật đó mới chấm dứt. Việt Nam và Liên Sô cân nhắc trở lại việc hợp tác hai bên. Làm thế nào Việt Nam có thể đạt tới hòa giải và Liên Sô phải trả cái giá nào cho Việt Nam, chỉ là câu trả lời đầy đủ khi Liên Sô và Việt Nam sau nầy trình bày lại mà thôi. Tuy nhiên góp nhặt từ một ít tin tức lọt ra, người ta thấy cuộc khủng hoảng kinh tế của Việt Nam càng lúc càng trầm trọng. Chính sách mở cửa của họ bị thất bại buộc họ phải đi với Mạc Tư Khoa.
Từ Moscow, Phạm Văn Đồng theo dõi kỹ và không khỏi hoảng hốt về cuộc thương thảo giữa Phan Hiền và Richard Holbrook ở Ba Lê. Ngày 3 và 4 tháng Năm, cuộc họp về bình thường quan hệ Mỹ Việt bị thất bại. Không chỉ chính quyền Carter dập tắt hy vọng của Việt Nam về viện trợ tái thiết mà ngay cả Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 5 tháng Năm, thông qua một đạo luật ngăn cấm chính phủ thảo luận bất cứ một “sự viện trợ tái thiết, giúp đỡ hoặc bất cứ một hình thức chi trả nào” cho Việt Nam. Hà Nội nhận được những tin tức không có gì tốt đẹp cả: Đêm 30 tháng Tư, Khmer Đỏ mở một cuộc tấn công lớn vào các làng Việt Nam dọc theo biên giới Miên. Lê Đức Thọ, ủy viên Bộ Chính Trị, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của đảng Cộng Sản Việt Nam, bí mật bay qua Mạc Tư Khoa cùng với Đồng, mở rộng cuộc thương thảo với các nhà lãnh đạo Liên Sô về quan hệ giữa hai nước trong tương lai.
Tin tức chuyến đi bí mật của Thọ sang Mạc Tư Khoa và thực hiện những cuộc họp lâu với Liên Sô, sau cùng cũng được các nhà ngoại giao Đông Âu ở Hà Nội tiết lộ. Sáu năm sau, một viên chức cao cấp của Sô Viết xác nhận với tôi rằng “một loạt các cuộc họp đáng kể” đã diễn ra ở Mạc Tư Khoa hồi tháng Năm và Sáu/1977 đưa Việt Nam tiến gần Liên Sô hơn. Tuy nhiên, ông ta bác bỏ ý kiến cho rằng Việt Nam nghiêng về Mạc Tư Khoa là bởi họ thất bại trong các cuộc họp với Hoa Kỳ. Theo ông ta thì “điều quan trọng nhất là họ lo sợ Trung Hoa và sự quấy rối của Cam Bốt. Họ bắt đầu suy tính một vài biện pháp xử lý Cam Bốt”. Tôi hỏi: “Có phải vì thế nên các nhà lãnh đạo Việt Nam có ý kiến thảo luận và ký thỏa hiệp với Lào?”. Ông ta trả lời một cách bí ẩn: “Có thể đó là một điều tự nhiên khiến Việt Nam phải hỏi ý kiến các nhà lãnh đạo Sô Viết”.
Dù nội dung các cuộc thảo luận ở Moscow như thế nào, kết quả là Việt Nam tiến tới gần khối Liên Sô hơn. Cuối tháng Năm, Hà Nội thực hiện bước đầu tiên để tham gia khối Comecon, trở thành một thành viên Ngân Hàng Thế Giới về Hợp Tác Kinh Tế (IBEC), Ngân Hàng Đầu Tư Quốc Tế do Liên Sô yễm trợ. Ngày 6 tháng Sáu, bốn ngày sau khi vòng hội đàm thứ hai ở Ba Lê về bình thường hóa Mỹ-Việt thất bại, Phạm Văn Đồng chính thức họp với Brezhnev. Như báo chí Liên Sô quan sát và tường thuật “Cả hai bên đều thỏa thuận về chính sách quốc tế của hai đảng Cộng Sản, tăng cường mạnh mẽ tình thân hữu” giữa hai nước. Các bản tường trình của Mạc Tư Khoa tỏ đầy nhiệt tình khi cho biết rằng Việt Nam đã “hợp tác toàn bộ và sự kiện đó có ý nghĩa rất lớn”. Như có phép tàng hình, các ống dẫn dầu trước kia khóa chặt thì nay lại mở ra. Chỉ trong vòng một tháng sau các cuộc họp nói trên, cuối tháng Sáu, Lê Thanh Nghị lại đi Mạc Tư Khoa và được hứa hẹn nhiều điều rất “lớn lao và thuận lợi” dành cho bốn chục công trình mà Liên Sô đã hứa xây dựng ở Việt Nam. Liên Sô cũng công bố quyết định của họ về việc “gia tăng vận chuyển hàng công nghiệp”. Như Lê Thanh Nghị báo cáo, các cuộc họp ở Moscow là “thành công vượt bực”, “biểu lộ tình đoàn kết sáng chói, hữu nghị và hợp tác” giữa hai nước. (37)
Không có gì rõ hơn trong việc xoay hướng chiến lược do quyết định của Việt Nam mời các nhà quân sự Liên Sô tới thăm miền Nam Việt Nam. Trong vòng một năm rưởi, Việt Nam cự tuyệt một cách có hệ thống việc đề nghị của Trung Hoa và Sô Viết lập tòa lãnh sự ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng có lẽ do các cuộc thảo luận hồi tháng Năm và Sáu ở Mạc Tư Khoa, tới cuối tháng Bảy, một đoàn đại biểu quân sự Liên Sô gồm 21 người bí mật tới Đà Nẵng. Để giữ kín, chiếc máy bay Liên Sô Ilyushin 62 không ghé Hà Nội, để tránh cặp mắt tò mò của các nhà ngoại giao, mà bay thẳng tới Đà Nẵng. Liên Sô hết sức vui mừng vì Việt Nam thay đổi đường lối. Chẳng bao lâu sau, các nhà ngoại giao ở Hà Nội nhận được những tin tức biểu lộ sự vui mừng đó. Cuộc viếng thăm bí mật đánh dấu bước đầu quan hệ mới, chỉ trong vòng hai năm đủ chín mùi để thiết lập liên minh quân sự tuy mới nhưng toàn diện. Đoàn đại biểu quân sự gồm đủ 3 quân chủng đến thăm Đà Nẵng, vịnh Cam Ranh và Nha Trang, vài vị trí quân sự khác ở miền Nam. Mục đích của họ là: Nghiên cứu nhu cầu quân sự của Việt Nam cho thập niên tới. Lần đầu tiên họ đến quan sát các kho vũ khí quân dụng do Mỹ để lại – có lẽ họ tìm kiếm một thị trường tiềm tàng nào đó. Dù việc đổi chác giữa Việt Nam và Liên Sô như thế nào đi nữa, kể từ tháng Mười, Việt Nam bắt đầu lặng lẽ vận chuyển các xe bọc sắt tới cho khách hàng mới của Liên Sô: Ethiopia. Do kết quả thảo luận trong các cuộc thăm viếng nầy, Liên Sô đồng ý cung cấp cho Việt Nam hai tầu ngầm cũ, một diệt ngư lôi hạm, một số tàu tuần duyên và bốn phi đội chiến đấu cơ Mig-21. Cùng với thỏa hiệp vũ khí, số cố vấn quân sự giảm xuống hồi năm 1976 thì nay lại tăng lên vì Mạc Tư Khoa đảm nhận việc huấn luyện quân sự cho Việt Nam, cách xử dụng vũ khí và máy bay mới. Cuối năm 1978, tổng số cố vấn quân sự là 600 và viện trợ quân sự của Liên Sô là 75 triệu. (38)
Chẳng bao lâu sau Hà Nội bố cáo cho dân chúng và kẻ thù của họ biết, việc Việt Nam tăng cường thân hữu với Liên Sô. Nhân dịp 60 năm kỷ niệm cách mạng Bolshevik, Hà Nội có cơ hội lý tưởng để tổ chức “Tháng hữu nghị Việt-Sô.” Báo chí và truyền hình Việt Nam mở ra một chiến dịch chưa từng có bao giờ để ca ngợi Liên Sô và lòng hào hiệp giúp đỡ Việt Nam. Trong tháng kỷ niệm đó, tám đoàn đại biểu Liên Sô – từ các tướng lãnh cho tới các nhà làm phim ảnh – đến thăm Việt Nam. Một thành viên Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Liên Sô đi thăm thú nhiều nơi trong nước, đọc diễn văn ca ngợi cuộc cách mạng Bolshevik. Ngay cả Hà Nội cũng không còn lưu ý tới việc mặt đối mặt với Bắc Kinh, công bố cuộc viếng thăm do Tướng A. Yepishev, chính ủy Lục Quân và Hải Quân Liên Xô dẫn đầu. Có một điều họ dấu kín là bốn chuyên gia hải quân đã tách khỏi đoàn đại biểu, lặng lẽ đến thanh sát vịnh Cam Ranh và Nha Trang. Liên Sô muốn quan sát kỹ những phương tiện quân sự do Mỹ để lại. Việt Nam chưa sẵn sàng để Liên Sô xử dụng các phương tiện nầy, nhưng vẫn chấp thuận cuộc viếng thăm. Hà Nội muốn nhắm mắt mặc cho Liên Sô tiến hành công việc, nếu như Liên Sô rồi ra sẽ giúp họ hiện đại hóa các phương tiện quân sự nầy.
Có một điều hơi đặc biệt, hồi mùa Xuân 1977 khi giới truyền thông Việt Nam ca ngợi bứa bừa Liên Sô mà không lưu ý tới chương trình viện trợ của họ, Lê Duẫn nói: “Uống nước nhớ nguồn”. Nguồn đây là Liên Sô vì họ đã viện trợ to lớn và có giá trị cho Việt Nam, ông ta nhấn mạnh đến “tình cảm sâu sắc và lòng biết ơn chân thành”. Cuối tháng kỷ niệm đó, Lê Duẫn và nhân vật lý thuyết số 2, Trường Chinh bay qua Mạc Tư Khoa để dự lễ kỷ niệm Cách Mạng Tháng Mười. Đúng một năm sau buổi tiếp tân của đại sứ Nga tại khách sạn Thắng Lợi, mối quan hệ Sô Việt đã toàn vẹn. Một trong những câu nói hay ho của Chủ Tịch Mao Trạch Đông “Gió Đông đã thắng gió Tây” như là một lời tiên tri thì nay đã thành sự thực, nhưng điều đó không làm cho Bắc Kinh vui gì.
Không khí tĩnh lặng trước cơn bão
Anh chàng cao lêu nghêu và xương xẩu Sandor Gyori là một nhà báo Hung Gia Lợi làm việc cho hãng thông tấn MTI của Hung. Ngày nay, dù anh ta có biến dạng như thế nào, tôi vẫn nhận ra. Lần đầu tiên tôi gặp là lúc anh làm thành viên trong Ủy Ban Quốc Tế Bốn Bên Kiểm soát và Giám Sát Đình Chiến (ICCS) thành lập do Hội Nghị Ba Lê để điều hành việc ngưng bắn. Sự hiện diện của những nhà ngoại giao khối Sô Viết như Gyori giữa trung tâm thủ đô Sài Gòn – trong cuộc chiến đấu một mất một còn để chống lại Cộng Sản – trở thành bộ dạng kỳ dị của chiến tranh. Đại biểu Bắc Việt và Việt Cộng cũng có mặt tại khu vực có rào kẽm gai bên trong phi trường Tân Sơn Nhứt. Họ cũng là thành viên trong phái đoàn Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên do Hiệp Định Ba Lê đẻ ra. Không giống như phái đoàn Cộng Sản Việt Nam ở trong trại lính lợp tôn thiếc có quân đội Sài Gỏn canh giữ, phái đoàn Hung Gia Lợi và Ba Lan sống trong những biệt thự trong thành phố. Gyori cư ngụ tại khu vực sống động nhứt Sài Gòn: Khách sạn Astor trên đường Tự Do, trung tâm thành phố. Khi anh ta tiếp xúc với các nhà báo, anh ta cũng là bạn với đại biểu Việt Nam Cộng Sản ở Tân Sơn Nhứt. Một trong những người anh ta yêu thích nhất là một người béo tròn, mang kiếng, Thiếu Tá Phương Nam, một quan chức báo chí của đoàn đại biểu Chính Phủ Lâm Thời (Miền Nam VN – nd). Là một người quê ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, dễ tính, Nam rất hay cười. Nhiều khi anh ta phải xiết nịt quần lại cho khỏi tuột vì cơn cười dài.
Tuy nhiên, vào một ngày oi ả tháng Chín 1977, Nam căng thẳng và lo lắng. Công việc của anh ta bây giờ không khác trước – vẫn là một quan chức báo chí – nhưng hiện tại anh làm việc cho chính phủ thống nhất tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời chiến anh ta sống ở Hà Nội nhiều năm và ghét nó. Vì vậy, khi hết chiến tranh, anh ta chọn cuộc sống ở Sài Gòn, không khí dễ chịu hơn. Vì là người có nhiệm vụ tiếp xúc với giới báo chí ngoại quốc, công việc anh ta là “chăm sóc” các phái viên báo chí từ Hà Nội vào thăm (Sài Gòn). Ban đầu, tuồng như anh lấy làm vui khi đi theo người bạn cũ, Gyori, uống bia với nhau và nói chuyên cũ.
Bất thần, mọi sự thay đổi hết. Buổi sáng ngày 26 tháng Chín, Tướng Trần văn Trà, tư lệnh Quân Khu 7, – gồm thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh chung quanh, và những tỉnh giáp biên giới Cam Bốt -, gọi Nam tới. Ông tướng nầy, có huyền thoại là một anh hùng phía Nam, người chỉ huy cuộc tấn công vào Sái Gòn hồi tháng Tư 1975. Ông ta giận như điên. Hai hôm trước, Khmer Đỏ tấn công vào Tây Ninh, giết hàng trăm dân thường. Đây là lần thứ hai Khmer Đỏ tấn công giết người vào một đêm thứ bảy như thế, khi các chỉ huy trưởng không có mặt tại chỗ. Nhiều người về thăm gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh. Tướng Trà ra lệnh cho mọi người sẵn sàng vị trí, chuẩn bị phản công trừng trị bọn hiếu sát. Ông ta tự mình đến thăm các làng bị tấn công và xúc động vì cảnh giết người dã man. Ông ta nghĩ rằng đây là điều mà thế giới cần phải thấy. Tướng Trà ra lệnh cho Nam phải đưa ông nhà báo Hung Gia Lợi đến tận nơi coi cảnh giết chóc.
Buổi chiều thứ Hai hôm đó, Gyori tới một nhà thờ ở ngoại ô thành phố để phỏng vấn một linh mục cấp tiến, Linh Mục Chân Tín, một người quen biết cũ. Nam, mặt nghiêm nghị, bước vào phòng và làm ngưng cuộc phỏng vấn, yêu cầu Gyori trở lại khách sạn. Gyori đang đặt cho Linh Mục Chân Tín, – vì ông nầy nay đổi thái độ khác trước, phê bình chế độ Cộng Sản – nhiều câu hỏi căng thẳng. Trở về lại khách sạn, Nam nói riêng với Gyori một cách bí mật: “Ông phải chuẩn bị một chuyến đi hai ngày”.
Cuộc viếng thăm bất thần đó, ngày hôm sau Gyori được biết là tới một làng ở Tây Ninh. Trong sự nghiệp ba mươi năm làm cách mạng của ông, Phương Nam đã thấy nhiều cảnh chết chóc và bạo lực, cũng giống Gyori khi làm nhiệm vụ của ông ta trong ICCS. Nhưng chẳng bao giờ chuẩn bị để xem một quang cảnh như ngày hôm ấy. Từ nhà này qua nhà khác, những xác đàn ông, đàn bà bị cháy đen, sình to và xác trẻ em rải rác đây đó. Có xác thì bị chặt đầu, có xác thì bị mổ bụng, có xác thì mất chân tay, móc mắt. Một năm sau nhắc lại cảnh đó, Nam còn thấy buồn nôn. Máy quay phim của Gyori quay lia lịa. Anh ta hết cả phim dự trữ. Anh ta nghĩ rằng những hình ảnh nầy sẽ làm thế giới xúc động. Gyori là nhà báo ngoại quốc đầu tiên gặp các cán bộ Khmer Đỏ cũ, khi những người nầy chạy trốn qua Việt Nam. Không chuẩn bị sẵn để gặp những cán bộ Khmer Đỏ nầy ở biên giới nhưng anh ta cũng biết cảnh giết người hàng loạt đang xảy ở Cam Bốt. Sau nầy Gyori nói rõ thêm: “Cho tới lúc bấy giờ, tôi vẫn còn ngần ngại khi cho rằng Cam Bốt có thể có những lò sát sinh, bởi vì toàn bộ vấn đề là do Hà Nội cấm đoán không muốn cho ai biết. Trên hình thức, quan hệ giữa hai nước vẫn tươi sáng và thân thiện”. Nay thì những người Cộng Sản Việt Nam đi lại thúc đẩy “thông báo cho cả thế giới biết sớm chừng nào hay chừng đó” .
Tuy vậy, lại còn nhiều điều khác ngạc nhiên hơn nữa. Anh ta về lại khách sạn cũ, sau hai ngày bụi, nóng và hôi thối. Rồi nhân viên an ninh Việt Nam đến thăm anh ta. Phim và các tờ ghi chép bị tịch thu. Anh ta được “yêu cầu“ một cách cương quyết, không được viết gì hết về những điều đã thấy, ngay cả việc kể chuyện lại với những nhà báo đồng hương ngụ chung khách sạn. Điện thoại bị cắt. Hai ngày sau, xúc động vì bị “bí mật giữ tại nhà”, anh ta bay trở lại Hà Nội. (1)
Phương Nam bị khiển trách vì đã đưa một nhà báo ngoại quốc đến thăm một khung cảnh rất dễ gây xúc động mà không có phép của Bộ Ngoại Giao. Về sau, Gyori và Nam biết rằng Bộ Chính Trị không đồng ý đề nghị của Tướng Trà. Không những ngăn chận tất cả những tin tức và hình ảnh về cuộc tấn công của Khmer Đỏ lọt ra ngoài, Tướng Trà còn được lệnh hủy bỏ tất cả mọi sự chuẩn bị tấn công trả thù Cam Bốt. Chiến tranh với Cam Bốt là một vấn đề hết sức nghiêm trọng nằm ngoài tầm tay của một tướng lãnh mẫn cảm ở chiến trường. Kampuchia không đơn độc. Đằng sau Kampuchia mờ mờ hình ảnh của Trung Hoa. Bất cứ hành động nào của Việt Nam chống lại Cam Bốt phải cân nhắc thật kỷ vì nó có liên hệ đến các vấn đề quân sự, kinh tế và ngoại giao. Chỉ trong vòng mấy tuần lễ sau, Trà được “thăng chức” thứ trưởng Bộ Quốc Phòng – ngồi chơi xơi nước là một sự giáng chức -, đẩy ông ta vào ngồi trong một văn phòng tại tòa nhà Bộ Quốc Phòng ở Hà Nội. Một viên chức ở Hà Nội giải thích: “Ở Việt Nam, người ta không bị giáng chức hay hạ nhục. Một khi người ta làm không đúng nhiệm vụ của mình, thì được nâng lên địa vị cao hơn, ăn lương cao hơn, và nắm một chức vụ nghe có vẻ ngon lành”. Số phận xui xẻo, một năm sau, Tướng Trà nghỉ hưu, rời bỏ chức vụ.
Ngày 31 tháng 12/ 1977, ngày Khmer Đỏ tố cáo công khai Việt Nam “xâm lược”, Ngô Điền gọi Gyori tới văn phòng và trả lại cho Gyori tất cả nhhững phim, cát xét và các bản ghi chép đã bi tịch thu. Bằng một thái độ hòa nhã, Điền cho Gyori thấy phản ứng đầu tiên của người Việt Nam về tình hình mới phát triển. Lúc đó, những tin tức ở Tây Ninh trước kia nay đã thành lịch sử. Qua những gì xẩy ra trong các cuộc tàn sát ở Tây Ninh, người ta cũng thấy rõ hành động điên cuồng đó chẳng phải đơn lẻ. Cuộc tấn công xảy ra ngay trước ngày thăm viếng chính thức đầu tiên của Pol Pot ở Trung Hoa, rõ ràng muốn nhấn mạnh cho Trung Hoa thấy tính cách nghiêm trọng việc Cam Bốt quyết định chống lại Việt Nam. Stephen Heder, một học giả người Mỹ, người đã phỏng vấn cán bộ và binh lính Khmer Đỏ nhiều hơn bất cứ một chuyên viên nào của Cam Bốt, tin rằng cuộc tấn công vào Tây Ninh ngày 24 tháng Chín, do bốn hay năm sư đoàn của Khu Quân Sự phía Đông là món quà có hai mặt: Ở trong nước thì đó là cuộc săn đuổi rộng lớn những người bị nghi ngờ theo Việt Nam; và cũng là nhiệt tâm của các nhà lãnh đạo Khu Đông bày tỏ với Pol Pot, bằng cách giết chết hàng loạt người Việt Nam. Đó cũng là món quà Pol Pot mang dâng cho Bắc Kinh. (2)
Cuộc chiến bí mật
Hồi mùa Thu năm 1977, dân chúng ở thành phố Hồ Chí Minh được nghe những người sống sót kể lại nhiều câu chuyện khủng khiếp. Những người tị nạn tới được Mã Lai và Thái Lan đem theo họ những câu chuyện chém giết rùng rợn của các cuộc tấn công dọc biên giới. Tuy nhiên, thế giới bên ngoài thì chỉ biết vắn tắt, mơ hồ về vấn nạn nầy. Việc chính phủ kiểm soát hoàn toàn báo chí và ngay cả bịt miệng những nhà báo thân hữu như trường hợp Sandor Gyori, giúp duy trì một bộ mặt ngoại giao bên ngoài bình thường. Bên trong, Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam âm thầm chuẩn bị trả đũa. Sau cuộc tấn công của Kmer Đỏ bốn ngày, ngay đài phát thanh Hà Nội cũng còn đưa tin mừng nhân dịp Đảng Cộng Sản Cam Bốt công khai ra mắt.
Sau nhiều tháng vạch kế hoạch, – có tướng Giáp tham gia việc nầy, tháng Mười 1977, quân đội Việt Nam mở cuộc tấn công đầu tiên, – quan trọng và không công bố -, vào lãnh thổ Cam Bốt. Sau khi cho xe thiết giáp tiến sâu vào tỉnh Svay Rieng của Kampuchia 15 dặm, họ giả vờ rút lui. Một tiểu đoàn bộ binh Khmer Đỏ vội vàng tiến sâu vào nội địa Việt Nam truy kích. Một đơn vị xe thiết giáp khác bọc hậu, đẩy chúng vào một cái bẩy như bẩy chuôt, vài trăm bị bắt. Tuy nhiên, sự thiệt hại đó không làm cho Khmer Đỏ ngừng tay. (3)
Có điều đáng lưu ý, trong những lời tố cáo Việt Nam sau nầy, – cuốn “sách đen” của chế độ Pol Pot ấn hành hồi tháng Chín 1978, không nói gì tới cuộc tấn công của Việt Nam hồi tháng Mười 1977. Có lẽ họ không muốn nói tới sự bại trận đáng kể đó. Trong khi Việt Nam bị tố cáo có những hành động quân sự chống Cam Bốt trong những năm 1975-76, một điều đáng ngạc nhiên là Cam Bốt chẳng nói gì đến những hoạt đông nầy của Việt Nam trong toàn bộ năm 1977. Theo cuốn sách nầy, chỉ có một điểm đáng lưu ý là giữa năm 1977, Việt Nam có quyết định “thiết lập một kế hoạch tấn công rộng lớn” vào Cam Bốt.(4) Tuy nhiên cuốn “sách đen” đó không đưa ra một chi tiết nào của kế hoạch nói trên. Về sau, một viên chức Việt Nam tiết lộ việc chuẩn bị tấn công chống Pol Pot bắt đầu từ tháng 11 năm 1977. Những cán bộ bất mãn Pol Pot ở Khu Đông bắt đầu xây dựng kho lương thực bí mật ở trong rừng. Tuy nhiên, chưa định được ngày lật đổ Pol Pot. (5)
Hà Nội có can dự gì vào âm mưu lật đổ đó không? Với người Việt Nam, có lẽ họ rất muốn làm việc đó. Tuy nhiên, các nhà phân tích tình báo Tây Phương và các học giả phỏng vấn hàng trăm cán bộ Khmer Đỏ cũ và những người Việt Nam bỏ Đảng Cộng sản, cũng như họ nghiên cứu vô số lời khai của những người bị Khmer Đỏ bắt giam tại nhà tù Tuol Sleng, – nguyên là một trường học biến thành nhà tù nổi tiếng độc ác ở Phnom Pênh -, thì không tìm ra bất cứ một chứng cớ trực tiếp nào cho thấy Hà Nội có liên hệ đến những âm mưu chống Pol Pot. Nếu Việt Nam quả thật có tránh né được hệ thống tình báo của Cam Bốt và vượt qua được tình trạng cô lập của Cam Bốt, tiếp xúc được với nhũng kẻ âm mưu bên trong nước nầy thì công việc đó vẫn còn được giữ bí mật. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là từ tháng Mười 1977 Hà Nội bước đầu thành lập lực lượng kháng chiến chống Pol Pot ở Việt Nam.
Trong nhiều cách, những cuộc tàn sát ở Tây Ninh và những kế hoạch đưa ra cho thấy có sự thay đổi sâu sắc trong mối quan hệ Việt Nam-Cam Bốt và công lao một số cán bộ Khmer Đỏ, những người đã trốn qua Việt Nam. Một trong những người đó là Hun Sen, một trung đoàn trưởng trẻ của quân đội Khmer Đỏ, đóng dọc biên giới, từ Kratié tới Kompong Cham. Đầu năm 1977, ông ta được trung ương ra lệnh sẵn sàng tấn công vào nội địa Tây Ninh sâu 9 dặm. Cuộc tấn công trên bộ do các đơn vị địa phương thực hiện, được dự trù mở ra vào ngày 30 tháng Năm, có sư đoàn 4 pháo binh yễm trợ. Tuy nhiên, có vài trung đoàn trưởng và đại đội trưởng phản đối việc họ phải đi tiên phong. Họ bị bắt và bị hành quyết. Hun Sen là người trẻ nhất trong số chỉ huy, được trung ương tin tưởng nhất, chọn làm chỉ huy cuộc hành quân. Sau nầy Hun Sen thuật lại với Stephen Heder: “Nhưng tôi thấy tôi không thể làm được việc nầy. Chẳng có cách nào khác hơn là rút quân lui và kéo vào rừng. Hôm đó là ngày 20 tháng Sáu năm 1977”. (6) Chẳng bao lâu sau ông ta theo Việt Nam.
Kế hoạch tấn công đó đưọc thi hành hôm 20 tháng Chín. Tuy nhiên, có điều mai mĩa về một cấp chỉ huy Khmer Đỏ, sau nầy được coi là đồng minh chính của Việt Nam: Heng Samrin, bốn mươi ba tuổi, lùn, đen, người trông có vẽ ảm đạm. Anh em của Heng Samrin cũng là cán bộ Khmer Đỏ ở Khu Đông. Không rõ vai trò của Heng Samrin trong cuộc tấn công nhưng sau đó ông ta được thăng chức chủ tịch “Mặt Trận Đường Số 7” là khu vực dọc theo biên giới Việt Miên. Như vậy, đương nhiên ông ta là phó chủ tịch bộ tham mưu quân sự Khu Đông. Vài tháng sau việc thăng chức đó, ông ta trở thành cột thu lôi, đón nhận cơn giận dữ của Pol Pot khi các sư đoàn của ông không chống cự nổi Việt Nam. Vì vậy, ông ta phải trốn qua Việt Nam để giữ mạng sống. (7)
Vấn đề Cam Bốt tạo ra hàng loạt cuộc họp giữa Việt Nam và Liên Sô hồi mùa hè 1977 tại Mạc Tư Khoa. Liên Sô cũng có những tin tức về các hoạt động của Việt Nam chống Cam Bốt. Tháng 11/ 1977 một nhà ngoại giao Liên Sô ở Hà Nội báo cho một đồng nghiệp Ấn Độ biết cuộc kháng chiến chống lại Pol Pot đang được thực hiện. Lực lượng nầy gồm một nhóm mười hay mười lăm người ở cấp lãnh đạo trung ương, ít ra có 3 người thuộc đảng Cộng Sản Cam Bốt do Việt Nam lãnh đạo trước kia.(8) Nhà ngoại giao nầy không nói rõ lực lượng kháng chiến nầy đang hoạt động trong nội địa Cam Bốt hay được tổ chức bên trong lãnh thổ Việt Nam.
Tới mùa Thu 1977, một số người Khmer Đỏ đào thoát, gồm có: Hun Sen, Heng Samrin và Bou Thang (sau nầy đóng vai trò chính trong việc chống lại Pol Pot) được tập trung ở Việt Nam. Cuộc tấn công tàn bạo của Khmer Đỏ vào Tây Ninh hồi tháng Chín, cuối cùng, thúc đẩy Hà Nội chọn lựa những giải pháp khác hơn là oanh tạc và pháo kích vào Cam Bốt như đã thực hiện từ tháng Năm 1977.
Sau nhiều tháng điều tra và xem xét, Việt Nam kết luận rằng những người đào thoát khỏi Khmer Đỏ nói trên không phải là gián điệp.
Cuộc tấn công của Khmer Đỏ vào Tây Ninh tạo ra chứng cớ khiến có thể tin được những người đào thoát nầy, vì một số trong nhóm họ, đặc biệt là Hun Sen đã cung cấp cho Việt Nam những chi tiết về cuộc tấn công. (9) Vì những tin tức nầy không được người Việt tin tưởng và không thể kiểm chứng được nên không chuyển lên bộ chỉ huy quân sự khu vực. Do đó, khi cuộc tấn công xảy ra, nhiều dân thường không được bảo vệ. Sau cuộc tấn công ít lâu, một cuộc họp bao gồm 8 người vừa mới trốn thoát để thảo luận về tương lai Cam Bốt. (10)
Hà Nội thấy muốn chống Pol Pot, cần bổ sung thêm lực lượng quân sự. Tuy nhiên, trước khi đưa ra những nổ lực mới để lật đổ chính phủ Cam Bốt, – lần thứ ba họ tham dự vào công việc nầy, hai lần trước là chống Pháp trong thập niên 1940-50, chống chính quyền Lon Nol vào thập niên 1970,- Việt Nam muốn thực hiện một cố gắng cuối cùng để đẩy Trung Hoa ra khỏi Cam Bốt. Một bức điện gởi cho Trung Hoa pha lẫn những lời yêu cầu viện trợ và vén lên bức màn cảnh cáo Trung Hoa về hậu quả nếu họ ủng hộ Cam Bốt.
Thử nghiệm nước ở Bắc Kinh
Như các quan chức Việt Nam nói với tôi sau nầy, mãi đến mùa Thu năm 1977, họ không chắc Bắc Kinh gia tăng ủng hộ Pol Pot. Hoàng Tùng tiên đoán rằng sau khi “bè lũ bốn tên” bị lật đổ, quan hệ Trung Hoa và Cam Bốt yếu đi. Ông ta cho rằng vì nhà thực dụng Đặng Tiểu Bình lại nổi lên nắm quyền, có thể Trung Hoa đứng xa bọn cực đoan Khmer Đỏ. Những sự kiện hồi đầu năm 1977, khi Trung Hoa chính thức giảm viện trợ cho Việt Nam, làm Việt Nam dần dần xa rời viễn tượng cải thiện quan hệ với Trung Hoa. Tuy nhiên những nhà lãnh đạo Việt Nam cũng không chắc Trung Hoa vui gì vì thái độ của Việt Nam nên Trung Hoa gia tăng ủng hộ quân sự cho Khmer Đỏ để bọn nầy tổ chức những cuộc tấn công Việt Nam. Việc Pol Pot được đón tiếp nồng nhiệt ở Bắc Kinh hồi mùa thu 1977 và những cuộc tấn công của Cam Bốt vào Việt Nam không che dấu kỹ làm cho Hà Nội thêm lo lắng. Ngày 3 tháng Mười 1977, trong khi Pol Pot tiếp tục cuộc thăm viếng thắng lợi của ông ta ở Trung Hoa thì nhà thương thuyết hàng đầu Việt Nam, Phan Hiền được bí mật phái đi Bắc Kinh. Hiền yêu cầu Trung Hoa xếp đặt một cuộc họp với Cam Bốt nhằm tìm hiểu vị thế Trung Hoa trong cuộc xung đột mới nổi lên giữa Việt Nam và Cam Bốt. Trung Hoa buộc lòng phải làm việc dàn xếp đó. Hai kỳ họp giữa Hiền và đại diện Cam Bốt ở Bắc Kinh diễn ra gay gắt và vô ích. Cam Bốt tố cáo dữ dội Việt Nam xâm lược, lật đổ và cướp phá. Đặc biệt họ lên án Việt Nam thực hiện vài vụ lật đổ bất thành chống lại Cam Bốt. Ngược lại Hiền cũng tố cáo Cam Bốt thực hiện những cuộc tấn công tàn bạo, nhưng Hiền đề nghị thương thảo để làm giảm căng thẳng dọc theo biên giới. Khmer Đỏ trả lời họ không thương thảo gì hết trước khi Việt Nam chấm dứt những âm mưu lật đổ và cướp phá. Tuy nhiên, về phía Việt Nam, đề nghị của Cam Bốt không thể chấp thuận được. Nó chỉ làm gia tăng thêm tội ác trước khi ngồi xuống thương nghị.
Hiền cũng chẳng gặp may mắn gì hơn khi thương nghị về vấn đề biên giới Hoa Việt với Trung Hoa. Trong tháng Mười có hàng loạt cuộc họp riêng với Trung Hoa về đường biên giới dài 797 dặm với Trung Hoa và đại cương về vịnh Bắc Việt, nơi hai nước cùng chia xẻ quyền lợi với nhau. Những cuộc họp nầy bắt đầu ở Bắc Kinh từ ngày 7 tháng Mười, gián đoạn rồi tiếp tục qua 10 tháng trước khi nhiều hành động thù địch xảy ra.
Hồi tháng Mười, một tuần lễ trước khi Hiền đi Bắc Kinh, Hà Nội cảnh cáo dè dặt, bằng cách công bố cuộc viếng thăm của đoàn đại biểu quân sự Liên Sô. Hà Nội tuồng như muốn nói với Trung Hoa nếu họ ủng hộ Khmer Đỏ thì Việt Nam sẽ tiến gần hơn với kẻ thù của Bắc Kinh: Liên Sô. (13)
Người ta cũng thấy, một thời gian ngắn trước cuộc thăm viếng phái đoàn quân sự Liên Sô, Trung Hoa thực hiện một bước tiến đáng kể bằng cách gia tăng viện trợ quân sự cho Cam Bốt. Điều ấy cũng cho thấy Trung Hoa có những người bạn tốt (như Hoàng Văn Hoan, cựu ủy viên Bộ Chính Trị, sau nầy đào tẩu qua Trung Hoa), đã cung cấp tin tức, cho biết Việt Nam gia tăng quan hệ với Liên Sô. (14)
Đúng vào những giai đoạn nghiêm trọng của lịch sử, dù Trung Hoa không có tin tình báo chính xác, tuồng như họ cũng nghi ngờ đúng. Ngày 5 tháng Mười, chỉ hai ngày sau khi Hiền rời khỏi bàn hội nghị ở Bắc Kinh và 5 ngày trước khi Tướng Yepishev của Liên Sô tới Hà Nội, tùy viên quân sự Trung Hoa ở Phnom Pênh – đại diện cho Bộ Tổng Tham Mưu Bộ Quốc Phòng Trung Hoa – ký kết thủ tục trao thiết bị quân sự cho Cam Bốt. Đó là kết quả thỏa hiệp viện trợ quân sự không hoàn lại của Trung Hoa ký hồi tháng Hai 1976. Sự kiện nầy kết thúc một cách lặng lẽ việc cung cấp một số trang bị quân sự hoàn chỉnh – từ máy bộ đàm, máy truyền tin cho các chiến đấu cơ – cần thiết để xây dựng ba quân chủng cho quân đội Cam Bốt.
Để bày tỏ rõ ràng hơn mối bất bình với Việt Nam, Trung Hoa cắt xén dịch vụ hàng không thường trực cho Hà Nội. Cơ quan Hàng Không Dân Dụng Trung Hoa (CAAC) dịch vụ giữa Hà Nội và Quảng Đông (ở đây nối liền với Hổng Kông bằng xe lửa) là con đường chính nối với thế giới bên ngoài cho người ngoại quốc đang sinh hoạt ở thủ đô Việt Nam, thông thường ghi tên từ hàng tuần trước. Rõ ràng Trung Hoa muốn bày tỏ tức giận của họ hơn là quan tâm tới những hoạt động thương mại. Trước viễn tượng dịch vụ bị suy giảm, Trung Hoa cắt giảm các chuyến bay mỗi hai tuần chỉ còn lại một chuyến mà thôi, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.11.1997.
Trong khi gia tăng khó khăn cho Việt Nam, Trung Hoa tăng cường quan hệ với Cam Bốt. Từ tháng Mười 1977, kỹ thuật viên Trung Hoa thiết lập trang bị viễn thông ở Phnom Pênh. Khi họ khai thông đường viễn ấn tự trực tiếp và phát thanh nối liền với Trung Hoa, là coi như công bố hồi kèn vĩ đại vào ngày 10.11.1977, đài truyền tin của Tòa Đại Sứ Trung Hoa nối với Bắc Kinh, là con đường độc nhất Phnom Pênh nối liền với thế giới bên ngoài. (16)
Sau khi từ Mạc Tư Khoa về được 10 ngày, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam lại đi ngoại quốc, lần nầy tới Bắc Kinh. Điều hầu như bình thường là lãnh tụ Đảng Cộng Sản Việt Nam muốn giữ thế cân bằng giữa hai bên. Tuy nhiên, chuyến đi Bắc Kinh ngày 21 tháng 11 không phải là để lấy dây tự trói mình. Sau chuyến đi đó một thời gian ngắn, một nhà ngoại giao Việt Nam giải thích với tôi: “Đồng chí Lê Duẫn giống như vị anh hùng Lý Thường Kiệt của chúng tôi. Ông tới tận sào huyệt của kẻ thù để đối đầu với họ”. (Lý Thường Kiệt, danh tướng đời Lý, thế kỷ thứ 11. Ông thực hiện những cuộc tấn công qua Trung Hoa trước khi Trung Hoa xâm lăng Việt Nam).
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Việt Nam mở đầu cuộc thảo luận một cách khiêm tốn bằng những lời ca ngợi Trung Hoa. Ông ta nói với Hoa Quốc Phong: “Chúng tôi là đàn em của các đồng chí, luôn luôn đứng bên cạnh các anh, và chúng tôi không bao giờ thay lòng đổi dạ”. (17)
Dù vậy, Duẫn chỉ ra rằng, dù có nhiều quan điểm khác biệt với Trung Hoa về những vấn đề chiến lược rộng lớn, Việt Nam không đã kích Trung Hoa một cách công khai hoặc đứng về phía Liên Sô để phê phán Trung Hoa. Tuy nhiên, Trung Hoa cũng chẳng quan tâm đến vấn đề nầy. Duẫn muốn các nhà lãnh đạo Trung Hoa nhớ rằng điều Chu Ân Lai nhắc nhở là giúp đỡ Việt Nam xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa và đó là ”nghĩa vụ quốc tế” buộc Trung Hoa phải làm. Duẫn bày tỏ lòng thương tiếc cái chết của Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Chu Đức, và rồi, trong một lời phát biểu, ông ta nói những điều thô bạo hiện nay là phản ảnh đường lối chính trị của Trung Hoa. Duẫn nói Việt Nam tin tưởng Trung Hoa “cương quyết không cho bất cứ một giai cấp bóc lột nào ngẫng đầu lên trong cố gắng làm Trung Hoa thay đổi màu sắc”. (18)
Duẫn thất bại trong khi cố gắng thúc ép Trung Hoa ngưng hỗ trợ Cam Bốt. Các nhà lãnh đạo Trung Hoa lên án Việt Nam hiếp đáp nước Cam Bốtnhỏ bé, Việt Nam thúc ép xứ nầy trở thành nước phụ thuộc bằng “mối liên hệ đặc biệt.” Ngay cả Hoa Quốc Phong cũng xác định công khai Trung Hoa viện trợ cho Cam Bốt chống Việt Nam. Trong bữa tiệc chào Duẫn, ông ta nói rằng Trung Hoa liên kết với bất cứ nước nào bị tư bản hay Xã Hội Chủ Nghĩa xâm lược, lật đổ, can thiệp nội bộ, kiểm soát hay ức hiếp, tạo thành một mặt trận đoàn kết rộng rãi nhất chống lại chủ nghĩa bá quyền của siêu cường.
Duẫn trả đủa sự thách thức của Trung Hoa bằng cách tuyên bố Việt Nam cương quyết không cho phép “bất cứ bọn đế quốc hay thế lực phản động nào, bằng bất cứ cách nào xâm phạm nền độc lập và tự do của chúng tôi.”(19) Hoa thì đã kích “bá quyền”, Duẫn thì tố cáo “thế lực phản động”. Rõ ràng hai bên đang nã dạn vào nhau.
Trong những cuộc thăm viếng vừa qua, Duẫn và những nhà lãnh đạo Việt Nam khác lịch sự từ khước cố gắng của Trung Hoa nhằm lôi kéo Việt Nam vào liên minh chống Sô Viết. Trong khi ca ngợi sự giúp đỡ của Trung Hoa, họ không quên cám ơn những “nước anh em xã hội chủ nghĩa” khác, có nghĩa là khối Liên Sô (20). Nhưng trong dịp nầy, Duẫn làm cho nước chủ nhà thêm kích động không ít bằng cách nêu rõ tên Liên Xô trong lời ca ngợi của ông ta. Bộ mặt lịch sự từ lâu che dấu căng thẳng Việt-Hoa nay đã lộ ra. Khi Lê Duẫn trở lại Hà Nội, đường hướng xung đột mới hiện ra đã rõ ràng.
Tuy nhiên, cam kết của Trung Hoa ủng hộ Kampuchia chỉ xảy ra sau những cuộc họp căng thẳng với Lê Duẫn hồi tháng 11/1977. Khi xem xét kỹ lại chính sách của Trung Hoa đối với Đông Dương, Geng Biao, tổng bí thư Quân Ủy Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Hoa ghi nhận rằng trong các cuộc thương thảo với Duẫn hồi tháng 11/1977 là “sự bất đồng giữa Việt Nam và Cam Bốt không còn che dấu được nữa. Những cố gắng của chúng ta nhằm ngăn ngừa sự mâu thuẫn giữa họ với nhau đã trở thành công khai từ khi Cam Bốt giải phóng năm 1975, cuối cùng chúng ta thất bại”. Do đó, tới tháng 12, Ủy ban trung ương đảng quyết định giúp đỡ Cam Bốt, tăng cường sức mạnh của họ, làm thế nào họ có thể có được thế đứng mới khi các cuộc thương nghị bị thất bại, để có thể giải quyết được vấn đề. (21)
Những ghi nhận của Geng Biao nói trên chỉ rõ cho thấy trong khi dành cảm tình cho Cam Bốt, công nhận giá trị của nước nầy như một phương cách để chống lại Việt Nam tiểu bá quyền, các nhà lãnh đạo Trung Hoa vẫn còn lưu tâm tới giải pháp thương nghị hơn là đối đầu bằng vũ lực. Quan điểm nầy, hồi tháng Chín 1977, được thấy rõ hơn khi Trung Hoa bớt khuyến khích Pol Pot. Có lẽ điều nầy phản ảnh những rối rắm chính trị ngay trong nội bộ Đảng Cộng Sản Trung Hoa.
Sự kiện các nhà lãnh đạo có tính thực dụng lại nổi lên chung quanh Đặng Tiểu Bình không chỉ là đã phá chính sách quân sự hóa của Khmer Đỏ; họ miễn cưỡng khi ủng hộ chính sách khiêu khích Việt Nam của Cam Bốt.
Đã tới lúc cầm tay Pol Pot
Một tuần sau chuyến viếng thăm của Lê Duẫn ở Bắc Kinh, người ta không có gì ngạc nhiên khi thấy Trung Hoa ủng hộ Cam Bốt tích cực hơn. Người được chọn đảm nhiệm công việc nầy là người thuộc nhóm cực đoan: Phó Thủ Tướng kiêm Ủy Viên Bộ Chính Trị Chen Yonggui. Ông là người lãnh đạo nổi tiếng xã Dazhai thuộc tỉnh Sơn Tây vì đã áp dụng những nguyên tắc của Mao trong nông nghiệp tự túc địa phương. Trong nông nghiệp, câu châm ngôn “học tập Dazhai” là câu nổi tiếng của Mao. Mặc dù không đủ sức nặng chính trị, rõ ràng Chen là người bạn ý thức hệ của Khmer Đỏ và người Pol Pot lắng nghe.
Ngày 3 tháng 12, Chen bay tới Phnom Pênh, thực hiện chuyến viếng thăm bất thường 10 ngày. Hôm ông ta tới Phnom Pênh, Tân Hoa xã đưa ra một bài bình luận nhan đề “Tình thân hữu Trung Hoa-KampuchiaCam Bốt sâu sắc và mạnh mẽ.” Bài báo nhấn mạnh đến liên hệ lịch sử giữa Trung Hoa và Cam Bốt, tiếp tục ủng hộ Pol Pot. Việc ông ta đi thăm vùng biên giới nóng bỏng được Cam Bốt thông báo rộng rãi để gây ấn tượng cho Hà Nội, những bài diễn thuyết của vị khách Trung Hoa nầy thường được nhắc đi nhắc lại đủ mọi khía cạnh liên quan đến cuộc xung đột biên giới giữa Cam Bốt và Việt Nam. Dù ông ta có thấy chứng cớ Việt Nam tấn công vùng Mõ Vẹt của Cam Bốt hay không, ngày 5 tháng 12 ông ta cũng tuyên bố Trung Hoa giúp đỡ Cam Bốt. (23) Ông ta nói: “Không một thế lực nào có thể đứng vững trên tình hữu nghị Trung Hoa và Cam Bốt, mãi mãi là đồng chí”. (24)
Có lẽ Cam Bốt không hài lòng lắm vì thái độ Trung Hoa còn ngập ngừng, không chịu công khai chống Việt Nam. Phó Thủ Tướng Cam Bốt Vorn Vet (chỉ mấy tháng sau ông nầy là nạn nhân trong cuộc thanh trừng của Pol Pot) tuyên bố trong buổi tiếp tân chào mừng Chen: “Cam Bốt cương quyết không để tự biến thành một chư hầu và cũng không để rơi vào tình trạng bị mất đất đai và lãnh hải”. Ông ta cũng lưu ý khách rằng “Các đồng chí Trung Hoa của chúng ta đã thấy tận mắt ý chí cương quyết của quân đội cách mạng… nhận thức hoàn toàn và đầy đủ tinh thần hy sinh của họ”. Đối với tất cả những gì mà Chen đã thấy, ông ta tuyên bố rằng đó sự tận tụy và chủ nghĩa anh hùng quân đội.
Tuy nhiên, Chen tuyên bố lấy làm vinh dự ủng hộ chính sách của Pol Pot tiến mạnh trên con đường Cộng Sản Chủ Nghĩa. Theo ông, các hợp tác xã nông nghiệp của Cam Bốt đang nắm giữ một vai trò quan trọng “đè bẹp sự phá hoại của kẻ thù và củng cố chuyên chính vô sản”. Chen mạnh mẽ chấp nhận rằng chính sách nội trị của Pol pot là “hoàn toàn đứng đắn.” (25)
Một ông hoàng cố gắng đấu tranh cho hòa bình
Chỉ hai ngày sau khi Chen Yonggui rời khỏi Phnom Pênh, Pol Pot đón một vị khách khác: Chủ tịch Lào, Hoàng Thân Souphanouvong. Đây là thời điểm để tỏ bày cố gắng cuối cùng, làm trung gian giữa Việt Nam và Cam Bốt, trước khi Hà Nội cho quân tấn công. Mặc dù Lào liên minh với Việt Nam vì tình hình chính trị thực tế và quyền lợi chung của hai bên, họ cũng lo ngại khi nhìn thấy sự căng thẳng gia tăng giữa Việt Nam và Cam Bốt. Khiêu Samphan và Ieng Sary viếng thăm vùng giải phóng Lào ở Sầm Nứa vào năm 1974. Vì vậy, hồi tháng 11/ 1977, khi chính phủ Lào, qua ngã Tòa Đại Sứ Cam Bốt ở Vạn Tượng, dàn xếp cuộc viếng thăm của Hoàng Thân Souphanouvong, Cam Bốt không thể từ chối một cuộc thăm viếng ở cấp cao như vậy được.
Ngày 17 tháng 12 Hoàng Thân Souphanouvong đến phi trường Pochentong ở Phnom Pênh và được đón tiếp nghiêm trang. Cuộc họp tức thì của ông hoàng với Pol Pot cho thấy rõ họ muốn tránh một sự gảy đổ công khai. Ngay cả phía Kampuchia, họ cũng không muốn thông báo việc Pol Pot tiếp ông hoàng Lào. Suốt trong cuộc họp căng thẳng tại dinh quốc khách nhìn xuống sông Tonle Sap, Souphanouvong thúc đẩy Pol Pot đừng làm tan vở đoàn kết ba nuớc Đông Dương đã được xây đắp qua nhiều năm chống kẻ thù chung. Về sau, một quan chức Lào nói với tôi: “Nhưng Pol Pot chẳng muốn nghe điều đó. Ông ta chỉ muốn tiếp tục nói về những điều xấu của Việt Nam.” Pol Pot cố gắng thuyết phục Souphanouvong gìn giữ độc lập Lào, mặt đối mặt với Việt Nam. Đó là cuộc đối thoại với người điếc.
Nhưng ông hoàng Đỏ, người mà sự nghiệp cách mạng của ông liên hệ một cách rối rắm với Hồ Chí Minh, – nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Đông Dương -, không muốn rời Phnom Pênh mà không công bố quan điểm của ông. Phát biểu trong buổi đón tiếp, ông ta nói với chủ nhà rằng Đảng Cộng Sản Lào “theo đuổi nhiệm vụ rực rỡ của Đảng Cộng Sản Đông Dương và vai kề vai với nhân dân các nước Việt Nam và Cam Bốt anh em”. Trả lời sự phê phán của Cam Bốt về quan hệ Lào-Việt Nam, ông ta nói rằng đó là một “ví dụ về chính sách thân hữu và láng giềng tốt mà cũng là một ví dụ về quan hệ quốc tế của chúng ta.” Một viên chức Lào hiện diện trong buổi tiếp tân cho biết có một sự im lặng khó chịu bao trùm hội trường khi Hoàng Thân Souphanouvong đọc diễn từ. Các nhà ngoại giao có mặt hôm đó ai cũng đổ mồ hôi trán và viên chức phía Cam Bốt thì ngồi yên trong suốt buổi suốt chiều nóng nực đó, ngoài cái nóng của tháng Chạp. Trong phần đáp từ của Khiêu Samphan, ông ta đã kích xiên xẹo việc Lào liên minh với Việt Nam và cho quân đội Việt Nam trú đóng trên đất Lào. Ông ta cảnh cáo rằng mối liên hệ giữa hai nước chỉ có thể phát triển vì hữu ích chung của hai nước đó, không thể để cho nước khác dùng lãnh thổ của mình để chống nước khác.
Mặc dù có sự căng thẳng, ngoài mặt, còn hợp tác, Ieng Sary tới tham dự buổi tiếp tân do Hoàng Thân Souphanouvong tổ chức tại Tòa Đại Sứ Lào. Theo kế hoạch, hoàng thân sẽ đáp máy bay DC-3 (sản xuất hồi Đệ Nhị Thế Chiến) tới Siem-Rep để thăm Đế Thiên Đế Thích nổi tiếng, đang bị hư nát. Một nhà ngoại giao Lào tháp tùng chuyến đi của hoàng thân sau nầy kể lại, đó là chuyến đi không thể quên được. Phi công là những thanh niên Khmer trẻ mới thụ huấn xong ở Trung Hoa. “Khi cất cánh và hạ cánh thiệt là rợn tóc gáy, cảm thấy khỏe vô cùng khi xuống tới đất”. (26)
Ngày 26 tháng 12, bốn ngày sau khi Hoàng Thân Souphanouvong từ KampuchiaCam Bốt trở về, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh dừng lại ở Vạn Tuợng trên đường đi Nam Dương. Souphanouvong kể vắn tắt cho Trinh về những điều trao đổi gay gắt với Pol Pot. Trinh lắng nghe chăm chỉ nhưng không nói với ông hoàng những gì Việt Nam đang làm: Các đoàn xe tăng Việt Nam đang tiến vào lãnh thổ Cam Bốt. Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba – mà ông hoàng nước Lào hết sức muốn tránh – bắt đầu. Thế giới bên ngoài vẫn chưa hay biết gì.
Một lực lượng đáng kể, gồm bộ binh, pháo binh, Sư Đoàn 9 Bộ Binh tinh nhuệ mở cuộc tấn công lớn trên 6 đường tiến quân vào Kampuchia với hai gọng kềm nhắm vào thủ đô Phnom Pênh. Quân bộ, T-54 và thiết vận xa tiến dọc theo đường số 1 và đường số 7 hướng tới Phnom Pênh. Sau nầy Hoàng Tùng giải thích với tôi, mục đích của Việt Nam “trước hết là đuổi chúng (Khmer Đỏ) ra khỏi lãnh thổ chúng tôi và sau đó tấn công vào các sư đoàn của chúng, làm cho chúng thấy rằng chúng tôi không phải là những kẻ thụ động như chúng nó tưởng, và nói với chúng rằng chúng tôi chọn một giải pháp khác với thương nghị”. (27)
Họ đạt được những mục tiêu đầu tiên không mấy khó khăn. Các lực lượng bộ binh Việt Nam được pháo binh yễm trợ tiến vào Cam Bốt như lát dao cắt vào miếng bơ mềm. Hàng trăm lính Khmer Đỏ bi giết, bị thương trong các cuộc hành quân tìm và diệt của Việt Nam. Cái may mắn là những người bị thương được cáng tới Phnom Pênh. Mặc dù họ đưọc đưa tới bệnh viện nhưng họ không tránh khỏi rủi ro. Một chiến dịch cho máu được vận động trong số cán bộ ít ỏi và gia đình sống ở vùng ngoại ô thủ đô vắng vẻ. Tình hình khẩn trương đó cho thấy những di hại mà Khmer Đỏ đã làm. Hàng trăm bác sĩ thuộc giai cấp tiểu tư sản đã bị đuổi về miền quê làm công việc lao động, nhiều người đã bị hành quyết. Bệnh viện bây giờ được điều hành bằng những người phản y khoa – những cậu bé nông dân trở thành “bác sĩ cách mạng”. Những cố gắng truyền máu của họ trở thành tai họa. (28)
Chỉ có sự chống đối yếu kém ở những khu vực bị quân đội thiết giáp và hỏa lực Việt Nam đè bẹp. Một gọng kềm tấn công tiến tới gần Kompong Cham -một thành phố quan trọng trên bờ sông Mekong, có con đường đi Phnom Pênh. Một đạo quân khác thì tới bên ngoài thành phố Svay Riêng. Một số các đoàn quân thăm dò khác tiến vào lãnh thổ Cam Bốt đập tan sức phòng ngự rải rác. Các đơn vị địa phương, gồm cả Sư Đoàn 4 dưới quyền chỉ huy của Heng Samrin tan tác trước sức tấn công của quân Việt Nam.
Các nhà lãnh đạo ở Phnom Pênh sững sờ trước sức tấn công của Việt Nam và bị kích động trước sự tan vỡ lực lượng của họ ở Khu Đông. Nhưng họ vẫn chưa sẵn sàng tiến tới hòa bình như Việt Nam hy vọng. Ngày 25 tháng 12 một buổi họp đặc biệt được triệu tập tại Phnom Penh gồm những cán bộ lãnh đạo Khmer Đỏ để quyết định gởi lực lượng tới tăng cường Khu Đông, và quan trọng hơn nữa, để bày tỏ phản ứng về cuộc tiến công của quân đội Việt Nam bằng đường lối chính trị. Với sự kiện quân đội Việt Nam chiếm đóng khu vực phía Đông Cam Bốt là thời điểm tốt để tố cáo Hà Nội xâm lăng Cam Bốt trước thế giới. Sự tố cáo công khai cuộc xung đột nầy kèm theo quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Khmer Đỏ tuồng như không để ý đến vấn đề rút lui các lực lượng quân sự Việt Nam vì họ thích xử dụng đòn ngoại giao. “Chúng tôi nắm cán của họ trước. Nghe tin nầy, thế giới sẽ nhảy dựng lên”. Đó là cách các cán bộ Khmer Đỏ nói về những điều họ tố cáo Việt Nam.

Brother Enemy
The War After the War
Nguyên tác của Nayan Chanda
Hoàng Long Hải/ Tuệ Chương dịch
Nguồn: Tvvn

Tìm kiếm Blog này