(Có liên can chút ít tới Thợ cạo Tranhung09 nên nhớ tìm bài cũ đăng lại các bạn xem)
____________
ÂN OÁN CÒN LÂU
Thời gian vừa qua, Huỷnh Uy Dũng, trước là Huỳnh Phi Dũng, biệt danh “Dũng lò vôi”, từng là đại biểu Quốc hội khóa X (1996-2001), lại khuấy động dư luận trong và ngoài nước về chuyện đời tư của mình. Thói thường, “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”, đằng này vợ chồng Huỳnh Uy Dũng lại phô ra. Vì háo danh, hay bị luật nhân quả nó hành như vậy?
Đầu tiên là chuyện lu loa mất hột xoàn kim cương, trị giá chục tỉ đồng. Nhưng khi bắt được thủ phạm, thì tài sản không đáng giá! Kế đó Dũng làm làm đơn gửi Bộ công an, rồi lên đài báo, tố cáo những kẻ đã tung tin đồn ác ý, làm cuộc sống gia đình ông điên đảo.
Ngày 17-1-2013, Huỳnh Uy Dũng rao trên báo Lao Động, treo thưởng 100 tỉ đồng cho bất kỳ ai có chứng cứ vợ ông vay nợ 2.000 tỉ đồng từ các ngân hàng và đối tượng bên ngoài.
Huỳnh Uy Dũng nói: “Họ đã vu khống, bôi nhọ tôi một cách hệ thống, bằng tờ rơi rải khắp Bình Dương, bằng tin trên mạng Internet, bằng truyền khẩu dân gian, làm hạnh phúc gia đình tôi bị điên đảo, tai tiếng suốt ba năm qua. Vợ chồng tôi phải rất thương yêu nhau và rất vững vàng mới trụ vững được”.
Cứ tưởng đây lại là một thế lực thủ địch, vì Huỳnh Uy Dũng từng làm đại biểu quốc hội với cái tên Huỳnh Phi Dũng, nên Bộ công an phải vào cuộc. Nào ngờ, chả có thế lực thù dịch nào, mà kẻ “vu khống bôi nhọ” ấy đã bị Nguyễn Phương Hằng, tức Nguyễn Thị Thanh Tuyền, biệt danh “Hằng Canada”, vợ Huỳnh Phi Dũng, vạch mặt chỉ tên, đó chính là chồng cũ của Nguyễn Phương Hằng.
Gần hai chục năm trước, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói với tôi: “Đảng, chính quyền và nhân dân Bình Dương cảm ơn nhân dân Bình Định đã cống hiến cho Bình Dương một người con ưu tú....!”.
Người con “ưu tú” ấy, được nhà sử học Dương Trung Quốc gọi là “Kỳ nhân Huỳnh Phi Dũng”, mà tôi đã viết một bài báo dài đăng trên một số trang mạng.
Cứ tưởng tài thế, lắm mưu nhiều kế thế, lắm ô dù thế, nhiều kẻ bợ đỡ thế và nhiểu tiền bạc, danh giá thế, thì hạnh phúc hơn thiên đàng, không ngờ cuộc sống lại quắt quay, điên đảo, đến nỗi phài công khai trên đài báo, làm trò cười cho thiên hạ, và sẵn sàng đánh đổi lấy sự bình an bằng 100 tỷ đồng?
Thỉ ra luật nhân quả bây giờ hiển hiện nhãn tiền, không phải “cha ăn mặn con khát nước!”.
Công an, báo chí, và tiền! Huỳnh Uy Dũng đã sử dụng một lúc ba thứ vũ khí mạnh nhất để trừ khử kẻ thù, bảo vệ hạnh phúc gia đình!
Cái hạnh phúc gia đính Huỳnh Uy Dũng đã được xây dựng như thế nào? Bài viết này tôi không đề cập đến việc làm ăn của Huỳnh Uy Dũng, chỉ nói về mối quan hệ vợ chồng của nhân vật này. Tôi hoàn toàn không muốn soi mói đời tư của ai, nhưng Huỳnh Uy Dũng đã tự khơi lên, hơn nữa, ông đã từng là một chính khách, do đó tôi nghĩ mình có quyền nói lên một sự thật.
Buổi sáng hôm ấy, tôi và nhà báo Hồng Quang, đài truyền hình Việt Nam, đang ngồi tán dóc ở văn phòng công ty Đại Nam, thì chiếc xe Lexus năm chỗ màu đen trờ tới. Bước ra khỏi xe là một người đàn ông và hai phụ nữ. Họ vào phòng, vui vẻ chào chúng tôi, người phụ nữ trẻ nhất giới thiệu:
- Thưa mấy anh, em là Hằng, mọi người quen gọi Hằng Canada vì em là Việt kiều Canada. Còn đây là chị gái em, và anh trai em!
Hằng khoảng bốn chục tuổi, mặt bầu, trang điểm kỹ, miệng nhỏ, mắt to, nhìn dạn dĩ sắc sảo. Cô khoe bộ ngực nở căng khêu gợi. Người phụ nữ được giới thiệu là chị gái cao, gầy, ăn mặc giản dị, tương phản với cái dáng thấp đậm trang điểm lộng lẫy của Hằng. Người đàn ông, được giới thiệu là anh trai, khoảng ngoài bốn mươi, cao to, ngăm đen, khuôn mặt lạnh tỏ ra thiếu tự nhiên.
Nhà báo Hồng Quang nắm bàn tay nhỏ nhắn của Hằng:
- Có lẽ hoa hậu còn phải gọi em bằng chị đó nghe!
Hằng Canada cười tươi rói:
- Em đẹp lắm phải không anh?
Trong khi ông anh, bà chị ngồi khép nép ở góc bàn, thì Hằng Canada tự tay rót nước mời mọi người, nói chuyện rất tự nhiên như đã từng quen biết. Cô ngả vai, nghiêng đầu bên Huỳnh Phi Dũng rất thân mật.
Huỳnh Phi Dũng cho chúng tôi biết, Hằng sang Canada từ năm 16 tuổi, lấy chồng người Trung Quốc, đã có đứa con trai. Chồng Hằng chết trong một tai nạn, để lại tài sản trị giá 18 triệu đô la Mỹ. Mẹ chồng Hằng là một người Hoa, muốn Hằng lấy người em chồng, nhưng Hằng không chấp nhận. Một đêm Hằng đang ngủ, người em chồng với sự đồng lõa của bố mẹ, xông vào phòng cưỡng bức chị dâu. Hằng chống cự, và kêu cảnh sát tới can thiệp.
Sau sự việc đó, Hằng thanh lý hết tài sản, gom 18 triệu đô la, đưa con về Việt Nam thành lập công ty, kinh doanh bất động sản, trồng cao su, và mở siêu thị thời trang. Hiện nay Hằng có mấy trăm hec-ta cao su ở Bình Phước muốn bán cho Huỳnh Phi Dũng, đồng thời muốn thuê đất trong khuôn viên Đại Nam xây sốp thời trang cao cấp.
Câu chuyện hấp dẫn như tiểu thuyết làm mọi người trong phòng gật gù tán thưởng. Tôi cảm thấy nghi nghi khi nhìn cảnh đầu mày cuối mắt giữa Huỳnh Phi Dũng với Hằng Canada. Lúc đi tham quan , tôi nói nhỏ với Hồng Quang:
- Dũng tiêu rồi!
Hồng Quang cười tinh quái:
- Nó cứ áp vú vào vai thằng Dũng!
Tôi hỏi Sáu Bằng, thượng tá, trước làm việc ở cơ quan an ninh công an Bình Dương, là ân nhân của Huỳnh Phi Dũng, khi nghỉ hưu, được Dũng thuê làm bảo vệ nội bộ:
- Anh có thấy không bình thường trong việc mua bàn cao su này không?
Sáu Bằng chép miệng :
- Không! Có cao su thật. Tôi đến tận nơi rồi!
- Chuyện khác cơ! Mối quan hệ tình cảm ấy?
Ông Sáu Bằng suy nghĩ một lát rồi nói:
- Tôi nghi con nhỏ này muốn chài chú Dũng!
Tôi nói:
- Anh cứu thằng Dũng, tan cửa nát nhà đấy!
Sáu Bằng gặp Hằng Canada nói thẳng: “Cô không nên phá sự nghiệp của chú Dũng”.
Không hiều Hằng mách Huỳnh phi Dũng thế nào, Dũng mắng Sáu Bằng te tua, đe đuổi việc. Gặp tôi, mặt Dũng đỏ gay: “Sáu Bằng nói năng tầm bậy, xúc phạm con nhỏ, làm nó khóc hết nước mắt! Tôi sẽ cho cha ấy nghỉ việc!”.
Một bữa cơm thân mật được tổ chức ở nhả hàng Vườn Xoài, có vợ chồng Huỳnh Phi Dũng, anh chị em Hằng. Ông Hoàng Sơn, Chủ tịch tỉnh Bình Dương, đang ngồi ở bàn tiệc bên cạnh cũng sang chung vui.
Hằng huyên thuyên kể chuyện tiếu lâm về bọn cướp biển. Không ngờ một phụ nữ trẻ, đẹp lại kể một câu chuyện dung tục đến thế giữa những người mới quen, đặc biệt có mặt ông Chủ tịch tỉnh? Tôi lái câu chuyện sang mối quan hệ gia đình, bạn bè. Hình như hiểu ý tôi, Huỳnh Phi Dũng đứng dậy nói: “Có mặt anh Minh Diện và anh Hoàng Sơn đây, em thề, cuộc đời thằng Huỳnh Phi Dũng, mà giàu bỏ bạn, sang bỏ vợ thì sẽ bị trời tru đất diệt!”.
Tiệc gần tàn, Hằng tặng Trần Thị Tuyết, vợ Dũng, chiếc nhẫn hột xoàn. Hằng nói:
- Chiếc nhẫn này em mua bên Canada 40.000 đô la Mỹ, em tặng chị làm kỷ niệm!
Trần Thị Tuyết từ chối, Huỳnh Phi Dũng nói:
- Thì em cứ nhận! Rồi tặng lại cô ấy thứ khác!
Trần Thị Tuyết nhận chiếc nhẫn, nhìn qua rồi bỏ vào xách tay, nét mặt không vui cũng không buồn, chỉ thoáng băn khoăn. Là người sành sỏi trong kinh doanh, Trần Thị Tuyết hiểu đây là một món nợ, sẽ phải trả giá đắt hơn, nhưng lúc đó vẫn chưa biết phải đổi bằng hạnh phúc gia đình!
Chưa ở đâu, và bao giờ, có một lễ mừng thọ hoành tráng như lễ mừng thọ mẹ của Huỳnh Phi Dũng.
Trên quảng trường Đại Nam Văn Hiến, dưới ánh sáng của dàn đèn cao áp, một ngàn bàn tiệc mặn, tiệc chay với 10.000 thực khách. Tôi nhìn thấy Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng phu nhân, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và nhiều cán bộ cấp cao trung ương và địa phương tới dự.
Bà Chín, mẹ Huỳnh Phi Dũng mặc gấm đỏ, ngổi kiệu hồng, bồng bềnh trong cờ lọng, hoa đăng rực rỡ như giữa chốn thiên đình. Từng đôi vợ chồng dâu, rể lần lượt lên chúc thọ mẹ, tặng những món quà giá trị bằng cả cơ nghiệp người thường.
Huỳnh Phi Dũng sánh vai vợ là Trần Thị Tuyết, quỳ lạy mẹ, dâng tặng vật cùng hiện kim 1 tỷ đồng.
Một tỷ đồng, với đa phần người dân Việt Nam là rất lớn, bằng mức thu nhập 500 tháng của một cô thợ may làm việc 10 giờ một ngày để được trả lương 2.000.000 đồng một tháng. Đối với Huỳnh Phi Dũng, đó không bằng một hạt cát, so với núi tiền được đắp bằng hàng trăm héc ta đất khu Sóng Thần I, Sóng Thần II, biến thành khu công nghiêp cho Minh Phụng, Epco và các doanh nghiệp thuê, hàng trăm héc ta đất khu trung tâm đô thị mới chia lô bán nền, hơn 460 héc ta khu Đại Nam. Đất không phải là sản phẩm của Huỳnh Phi Dũng làm ra. Đó là mồ hôi, nước mắt và xương máu cùa người dân Bình Dương khai khẩn, gìn giữ, là phương tiện để bà con kiếm miếng cơm manh áo tự ngàn đời.
Huỳnh Phi Dũng, từ một kẻ không một tấc đất cắm dùi, trở thành chủ của bạt ngàn đồng xôi ruộng mật, xây núi non, thành quách đền đài trên xương cốt cùa dân lành, mà ba hoa miệng lưỡi, tung tẩy khoe khoang đến hợm hĩnh lố lăng.
Đêm ấy, Huỳnh Phi Dũng đọc những bài thơ mình sáng tác, rồi các nghệ sỹ ca ngâm. Lời thơ sáo rỗng vút lên như ganh đua với hòn non bộ uy nghi, cầu kỳ cao chót vót: “Trên đời này nếu có lời nào đẹp nhất, là lời mẹ của con! Có tình yêu nào sâu đậm nhất là tình yêu con dành cho mẹ!”.
Một cơn gió bỗng nổi lên, làm đổ chiếc lọng vàng và mấy chiếc dù, trong đó có chiếc dù của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Tôi tự hỏi, do lòng hiếu thảo của Huỳnh Phi Dũng đã thấu tới trời, hay cái tình yêu Dũng vừa thể hiện chỉ là thứ đồ giả, như hòn non bộ chót vót kia, nên trời nổi phong ba?
Không lâu sau bữa tiệc sinh nhật ấy, tôi nhận đước câu trả lời.
Điều mà tôi dự đoán đã xảy ra!
Đầu tiên cháu Huỳnh Phi Long, con trai đầu lòng của Dũng lên gặp tôi, khóc và nói: “Ba đặt chúng con lên ngai vàng, rồi đạp xuống bùn đen!”.
Hai anh em Long du học ở Mỹ, Huỳnh Phi Dũng gọi về, giao những chức vụ quan trọng trong công ty Đại Nam. Buổi lễ lên ngôi “Tổng giám đốc” của Huỳnh Phi Long, tôi cũng được mời dự, trang trọng lắm. Không ngở lại là một thứ bánh vẽ.
Mấy ngày sau bà Chín, mẹ Dũng và Trần Thị Tuyết, vợ Dũng lên nhà tôi, kể những chuyên không thể tin đã xảy ra .
Huỳnh Phi Dũng tuyên bố ly hôn với Trần Thị Tuyết, để kết hôn với Nguyễn Phương Hằng. Bà Chín và các anh chị em, cũng như họ hàng, bạn bè kiên quyết phản đổi, Dũng tuyên bố từ bỏ tất. Không khí thù địch bao trùm lên một gia đình được coi danh giá nền nếp nhất Bình Dương.
Vợ Dũng kể: “Ông ấy vác búa về ngôi nhà 81 Yersin, đuổi đánh mẹ con tôi, rồi đập phá của kính, tủ, bàn bể nát, gãy vụn, rèn cừa tang hoang. Trong khi mẹ con tôi khóc thì ông Dũng gọi điện thoại khoe con Hằng là đã dạy cho “bọn chó” bài học đích đáng!”.
Tôi đã được nghe Dũng nói nhiều lời về đạo đức, về cách đối nhân xử thế, và Dũng thường ăn chay. Ngày bố Dũng bị bệnh nặng, Dũng lập đàn tế trời, xin mình giảm thọ mười năm, để bố sống thêm ít tuồi. Dũng cũng từng nói với chúng tôi: “Tuyết là người vợ tuyệt vời, đã cùng tôi tạo nên sự nghiệp!”. Bây giờ phũ phàng như vậy sao?
Chị Tuyết kể cho tôi nghe câu chuyện cười ra nước mắt, về chiếc nhẫn hột xoàn Hằng Canada tặng chi hôm dư tiệc.
Chị nói: “Tôi đã đưa cho nó 40.000 đô la, coi như nó mua giúp chiếc nhẫn hột soàn. Mấy ngày sau, tôi mang chiếc nhẫn lên một tiệm mua bán hột xoàn kim cương nổi tiếng mà tôi quen ở Sài Gòn để kiểm tra. Người chủ tiệm vừa cầm chiếc nhẫn, đã nói ngay: “Chiếc nhẫn này mới mua ở tiệm tôi!”. Tôi cãi: “ Bà nhầm rồi, chiếc nhẫn này mua ở Canada!”. Bà chủ nói: “Ca-na-ma thì có ấy!”. Bà ta lấy chứng từ gốc ra đối chiếu. Đó chính là chiếc nhẫn Nguyễn Thị Thanh Tuyền mua tại đây, giá 10.500 đô la. Bà chủ tiệm giải thích: “ Nếu không bị tỉ vết, chiếc nhẫn này trị giá 40.000 đô la!”.
Trần Thị Tuyết đã săm soi chiếc nhẫn khi được tặng, và hình như đã nghi đồ giả, nhưng chị lại không hề nghi Hằng rắp tâm cướp chồng mình. Một thời gian dài, Trần Thị Tuyết để mặc Huỳnh Phi Dũng làm ăn với Hằng Canada, bỏ qua rất nhiều lời cảnh báo của bạn bè , người thân. Bây giờ thì đã quá muộn !
Tôi nhìn gương mặt xám xanh, đôi mắt thất thần của người phụ nữ bất hạnh, vừa thương hại vừa trách chị. Phải chăng vừng hào quang tỏa ra từ 18 triệu đô la hư hư, thực thực đã làm lóa mắt người phụ nữ nhiều tham vọng làm giàu này?
Hơn hai chục năm trước, Trần Thị Tuyết kết hôn với Huỳnh Phi Dũng. Tuyết là con gái ông Ba Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp, người rất có uy tín ở tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ. Tuyết hơn Dũng 6 tuổi, nhan sắc trung bình, được học hành tử tế. Lúc đó Dũng chỉ là một anh lính xuất ngũ, trình độ văn hóa chưa hết phổ thông trung học, bơ vơ xứ người, vai ba lô, chân dép râu.
Toản bộ chi phí đám cưới vợ chồng Dũng, gia đình ông Ba Thu lo. Sau đám cưới, ông Ba Thu xin cho con rề vào làm nhân viên Phòng tổ chức Sở công an, sau đó Huỳnh Phi Dũng phải chuyển sang phòng hậu cần, vì vướng vào một vụ tuyển nhân sự.
Chị Tuyết nói: “Tài sản duy nhất cùa hai vợ chồng lúc đó là chiếc xe Honda đam trị giá ba cây vàng, tiền mừng đám cưới ba má tôi cho!”.
Quá trình Huỳnh Phi Dũng làm giàu tôi đã viết trong bài báo trước, chỉ xin nhắc lại là, trong suốt những năm tháng ấy, đôi vợ chồng này tỏ ra tâm đầu ý hợp, sống hạnh phúc, mẫu mực trong các mối quan hệ với mọi người trong gia đình, họ hàng và xã hội. Huỳnh Phi Dũng có hai con trai và con gái út. Chiếc điện thoại di động nào Huỳnh Phi Dũng cũng cài hệ thống báo cuộc gọi đến bằng hình ảnh cô con gái út, gương mặt dễ thương, giọng nói nhõng nhẽo: “ Ba ơi có điện thoại!”.
Huỳnh Phi Dũng đã hóa thân thành một vai diễn trong vở kịch đời, từ khi yêu Trần Thị Tuyết và suốt ngần ấy năm, hay cái ung nhọt mới bùng phát ? Điều đó chỉ Huỳnh Phi Dũng biết.
Bà Chín và chị Tuyết nói với tôi là Huỳnh Phi Dũng bị bùa ngải, và nhờ tôi giúp. Tôi đưa bà Chín và chị Tuyết xuống Đồng Tháp, gặp Hòa thượng Quốc Ánh, rồi về quận Phú Nhuận, gặp vị trụ trì chùa Pháp Hoa, Hòa thượng Thích Như Niệm nổi tiếng. Cả hai vị cao tăng đều chỉ có một lời khuyên: “Cái phúc cái họa đều do con người tạo ra, nhân nào quả ấy, không tránh được, hãy tự vấn, chăm làm việc thiện và chăm đọc Chúc Đại bi may hóa giải được phần nào!”.
Căn bệnh ung thư cùa chị Trần Thị Tuyết mỗi ngày một nặng thêm vì sự quậy phá của Huỳnh Phi Dũng. Ông Ba Thu nói với tôi: “Cháu coi, chú gả con gái cho nó, lo cho nó như vậy, bây giờ chú chín chục tuổi, nó cứ réo tên chửi!”.
Để chấm dứt bi kịch đó, Chị Tuyết đã chấp nhân ly hôn sau mấy lần không đồng ý.
Trần Thị Tuyết kể cho tôi nghe diễn biến phiên tòa đầy kịch tính .
Hôm ấy Trần Thị Tuyết và ba đứa con yêu cầu tài sản chia làm ba phần, Huỳnh Phi Dũng một phần, Trần Thị Tuyết một phần, ba người con một phần, trước khi chia nhờ một cơ quan kiểm toán độc lập, xác định rõ tài sản, công nợ. Huỳnh Phi Dũng đề nghị tòa không can thiệp việc phân chia tài sản, mà để hai bên tự giải quyết.
Trần Thị Tuyết nói: “ Ông Dũng quỳ xuống chắp tay lạy tôi và ba đứa con, xin cho ông ấy chia tài sản, để ông ấy trả nợ. Ba đứa con tôi nói với tôi, thôi má, làm theo ba đi!”.
Huỳnh Phi Dũng chia cho vợ khu nhà xưởng khu lò vôi cũ, cho mỗi đứa con 5 hec ta cao su, còn lại phần mình. Thật mỉa mai khi ông ta thường nói: “Tham của cải, của cải bỏ ta mà đi, ví nghĩa nhân trường tồn mãi mãi!”.
Huỳnh Phi Dũng đổi tên thành Huỳnh Uy Dũng.
Nguyễn Thị Thanh Tuyền đổi tên thành Nguyễn Phương Hằng.
Họ tưởng thay tên đổi họ là có thể đoạn tuyệt được quá khứ chăng?
Đám cưới của Huỳnh Uy Dũng, Nguyễn Phương Hằng tổ chức linh đình, sau khi Nguyễn Phương Hằng ra tòa ly dị chồng. Người chồng ấy, không ai khác, chính là người cùng ngồi trên chiếc xe Luxsus năm chỗ màu đen, tôi và nhà báo Hồng Quang đã gặp ở văn phòng công ty Đại Nam, mà Hằng Canada giới thiệu là “anh trai”. Đó là Trần Văn Thìn, quê Bến Tre, chồng chính thứ 2 của Nguyễn Phương Hằng, đã có với nhau một con gái, khi ly hôn mới 4 tuổi.
Tại sao Trần Văn Thìn lại đóng giả anh trai cùng vợ xuất hiện ở công ty Đại Nam? Tại sao một người chồng lại có thể ngồi nhìn vợ mình ngả ngớn với một người đàn ông khác? Phải chăng đó là một mưu toan đã được sắp đặt, thực thi kế mỹ nhân? Câu hỏi đó xin dành cho Trần Văn Thìn người đang là thủ phạm trong vụ án “vu khống bôi nhọ” đại gia Huỳnh Uy Dũng.
Điều mà mọi người đã biết, là Nguyễn Phương Hằng cướp chồng của Trần Thị Tuyết, Huỳnh Uy Dũng cướp vợ của Trần Văn Thìn, tạo nên ân oán. Mối ân oán này còn lâu mới giải được!
Huỳnh Uy Dũng và Nguyễn Phương Hằng có một đứa con trai hai tuổi, mọi người gọi đứa bé là “Thiếu gia”, Huỳnh Uy Dũng không đồng ý, bắt gọi là “Cậu”. Huỳnh Uy Dũng muốn con mình lớn lên đi tu!
Huỳnh Uy Dũng đã xây chùa, giờ lại muốn con mình đi tu! Để tạo phúc cứu rỗi cho bá tánh hay giải bớt oán cừu?
Kinh Phật dạy: “Không đâu không hiện thân. Mười phương trong các cõi!”.
Đừng đánh lừa người đời và thần linh, con người mình hiện ra giữa trời đất không gì che giấu được.