Mìn ĐH là gọi tắt từ "định hướng", tùy yêu cầu mà làm to hay nhỏ, trọng lượng thuốc nổ TNT ít hay nhiều. Nó được gò bằng tole, hình phễu hướng tới trước, nhồi nén thuốc nổ vào rồi cắm vào đó là ngòi nổ, có dây điện dẫn đến nơi người ẩn nấp bấm phát điện kích làm mìn nổ. Hàng rào có có chiều sâu thì lính bò vào đặt mìn mấy lớp theo từng chặng. Mìn này dùng từng quả hay liên kết đặt giá 2 - 3 quả, tùy nhu cầu phải phá. Nó được dùng đầu tiên và chủ yếu để nổ quét dọn mọi vật chướng ngại trước hướng tiến công thành một luồng. Từ hàng rào cho đến mìn, chông đều bị thổi sạch. Tiếng nổ của nó thường được giao ước theo hợp đồng giữa các đơn vị là hiệu lệnh tấn công cho tất cả các hướng.
Mìn thứ hai là bộc phá ống, làm bằng ống tre chọc cho thông ruột, cũng nhồi nén bằng thuốc nổ TNT, gắn kíp, giựt dây nụ xòe để kích nổ. Sau khi mìn chính ĐH đã nổ thì những người lính được phân công sẽ ôm nó chạy lên, xỏ nó vào lớp rào (chủ yếu là rào bùng nhùng) mà mìn ĐH quét không sạch hay đứt đoạn cản lối hành tiến. Giật dây nụ xòe đề bắt đầu cháy chậm, rồi quay lưng nhanh chóng chạy ngược lại tìm chỗ ẩn nấp để tránh bị sức mìn, dây kẽm văng trúng mình.
Lý thuyết là vậy nhưng đánh cửa mở cực kỳ khó khăn. Nó là sự chuẩn bị tỉ mỉ và kết hợp nhuần nhuyễn giữa các bộ phận. Cho nên người ta tổ chức nó thành một phân đội chuyên biệt bằng mọi giá phải hoàn thành nhiệm vụ này.
Ảnh minh họa bộ đội sử dụng 2 loại mìn nói trên.